Tin Thế Giới
1.
Tàu Bắc Triều Tiên bị tạm giữ ở hải cảng của Philippines
Chính phủ Philippines cho biết họ quyết định tạm giữ một chiếc tàu chở hàng của Bắc Triều Tiên, sau khi những biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi kiểm tra tất cả tàu bè của Bắc Triều Tiên tại các hải cảng nước ngoài.
Hôm thứ 5, chiếc MV Jin Teng tiến vào Vịnh Subic và nhân viên kiểm tra ở đây nói rằng tuy không có hàng hoá khả nghi trên tàu, nhưng một số vi phạm an toàn của tàu này cần được sửa chữa trước khi có thể rời cảng.
Tàu này đến Philippines từ Indonesia và định tới Trung Quốc. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Philippines cho biết chiếc tàu này không được rời bến như lịch định và thuỷ thủ đoàn sẽ bị trục xuất. - VOA
|
|
2.
Trung Quốc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đến 7% --- Khó khăn kinh tế buộc TQ giảm mức tăng ngân sách quân sự --- Tập Cận Bình qua mặt Mao và Đặng về quyền lực
Trung Quốc vừa loan báo một loạt những biện pháp mà họ tin sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng với tỉ lệ ít nhất là 6,5% trong năm nay, mặc dù tăng trưởng toàn cầu bị chậm lại và một số công nghiệp sẽ phải sa thải công nhân hàng loạt.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm nay loan báo chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7% trong lúc trình bày báo cáo chính phủ tại Đại hội Hiệp thương Chính trị Toàn quốc.
Năm ngoái kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, thấp hơn chỉ tiêu 7%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm.
Hồi đầu tuần này, một giới chức Trung Quốc cho biết ngành thép và than đá của Trung Quốc dự trù sa thải 1,8 triệu công nhân để ứng phó với tình trạng công suất dư thừa.
Hãng thông tấn Reuters cho biết Trung Quốc dự trù sa thải 8 triệu công nhân trong vòng hai hoặc ba năm tới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho thấy kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp là một ưu tiên hàng đầu. Hôm nay ông loan báo mục tiêu của chính phủ là tạo ra 10 triệu công ăn việc làm mới ở thành thị trong năm nay và 50 triệu việc làm vào năm 2020. - VOA
***
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng nhiều khó khăn, Trung Quốc buộc phải giảm bớt mức tăng chi tiêu quân sự trong năm nay, đúng vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình muốn tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng nhất từ nhiều thập niên qua trong quân đội nước này.
Theo bản báo cáo về ngân sách được công bố hôm nay, 05/03/2016, tại buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh dự trù là chi tiêu quân sự của nước này trong năm 2016 sẽ tăng 7,6%, mức tăng thấp nhất từ một thập kỷ qua.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 sẽ là khoảng 954 tỷ nhân dân tệ ( 146 tỷ đôla ). Con số này cho thấy là sau nhiều năm liên tục gia tăng mạnh ngân sách để hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gây lo ngại cho các nước láng giềng, nay Bắc Kinh phải giảm bớt nhịp điệu tăng chi tiêu quân sự. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn tăng với tỷ lệ trên 10%, chẳng hạn như năm ngoái đã tăng 10,1% lên đến hơn 886 tỷ nhân dân tệ.
Trong bài xã luận hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo biện minh rằng giảm mức tăng quân sách quốc phòng là phù hợp với « nhu cầu kinh tế ». Tờ báo này cũng khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc « không muốn gây khó chịu cho các quốc gia khác và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ». Hoàn Cầu Thời Báo nói thêm là, về đối nội, chính phủ cũng « không muốn làm cho người dân lo lắng, như thể là sắp xảy ra xung đột quân sự lớn".
Nhưng chính Tân Hoa Xã hôm nay nhìn nhận rằng, mức tăng của chi tiêu quân sự chậm lại như vậy là do tình hình kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn ngày càng nhiều và cũng do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ phải cắt giảm mạnh quân số.
Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách tổng tư lệnh tối cao của quân đội, vào tháng 9 năm ngoái đã loan báo cắt giảm 300 ngàn quân, trên tổng quân số 2,3 triệu người của quân đội Trung Quốc, quân đội lớn nhất thế giới hiện nay. Việc cắt giảm quân số là nằm trong khuôn khổ một kế hoạch cải tổ sâu rộng nhất trong quân đội Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua.
Kế hoạch do ông Tập Cận Bình đề ra chủ yếu là nhằm thống nhất các bộ tư lệnh binh chủng hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa trong một bộ chỉ huy hỗn hợp theo kiểu của Mỹ, để quân đội này có thể bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và lợi ích của quốc gia này ở nước ngoài.
Trong bài phát biểu hôm nay tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã nêu lên các yêu cầu đối với quân đội nước này, đó là phải đẩy mạnh hiện đại hóa và đi theo đúng các chuẩn mực của quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh cho Nhà nước. Nhưng ông Lý Khắc Cường cũng không quên nhấn mạnh đến « nguyên tắc căn bản », đó là đảng nắm vai trò lãnh đạo tuyệt đối quân đội.
Tuy mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có chậm lại trong năm nay, nhưng Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các quyền của nước này trên biển, giữa lúc tranh chấp Biển Đông ngày càng gay gắt và căng thẳng khu vực gia tăng do việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo. Trong bối cảnh đó, hai nước tranh chấp chủ quyền nhiều nhất với Trung Quốc ở Biển Đông là Philippines và Việt Nam đều phải tăng chi tiêu quân sự để đối phó với tham vọng lãnh thổ Bắc Kinh. - RFI
***
Kỳ họp toàn thể thường niên lần thứ 4 khoá 12 Hội Nghị Chính Hiệp Toàn Quốc là cơ hội để « chủ tịch Tập Cận Bình nhắm tới quyền lực tuyệt tối », theo nhận định của nhật báo Le Figaro trong số ra ngày 05/02/2016.
Trước đó vài tuần, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc đã miệt mài hoạt động để kêu gọi các lãnh đạo đảng thể hiện « lòng trung thành tuyệt đối » với tổng bí thư và để người dân quen dần với cụm từ « chủ tịch Tập là "hạt nhân" lãnh đạo ». Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Trương Minh (Zhang Ming), thuộc đại học Bắc Kinh, « chiến dịch này nhằm củng cố quyền lực của ông Tập để quảng bá vai trò tuyệt đối của nhà lãnh đạo trong nội bộ đảng".
Thế nhưng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, được Le Figaro trích dẫn, chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách vượt trội hơn mức độ quyền lực mà hai người tiền nhiệm "huyền thoại" Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình từng nắm giữ. Trước hết, ông Tập tìm cách xóa sổ mọi hình thức phản đối của mạng lưới những người bất đồng chính kiến, luật sư, nhà báo hay blogger vì đưa ra « những lời chỉ trích vô căn cứ ». Theo các nhà quan sát, nếu chủ tịch Trung Quốc "kiểm soát" được những người này, thì sẽ gây ra một bầu không khí sợ hãi trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng.
Tiếp theo, thời điểm tiến hành lễ "đăng quang" cũng được nghiên cứu tỉ mỉ, đúng 12 tháng trước đợt cải tổ chính trị trước kỳ đại hội Đảng lần thứ 19. Trong kỳ họp quan trọng này, một phần bộ Chính trị, bộ máy lãnh đạo tối cao của đảng, sẽ được bầu mới. Dĩ nhiên, tổng bí thư Tập Cận Bình cũng sẽ phải tìm cách giữ vị trí của mình thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Thêm vào đó, 5 trên tổng số 7 ủy viên thường trực bộ Chính trị sắp đến tuổi nghỉ hưu. Chủ tịch Trung Quốc muốn tự mình chọn 5 người thay thế. Tương tự, ông cũng muốn tự chỉ định 6 thành viên sẽ bị thay thế trên tổng số 25 ủy viên bộ Chính trị, cơ quan quan trọng thứ hai.
Ba năm đầu tiên dưới "triều đại" Tập Cận Bình, người đứng đầu Trung Quốc, cũng bị coi là lưỡi hái tử thần của "các Hoàng tử đỏ", tìm cách củng cố quyền lực của mình trong nội bộ đảng. Ông khéo léo tiến hành thăng chức, cách chức thông qua các chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ đảng và lực lượng quân đội.
Con đường tiến tới đỉnh cao danh vọng của ông Tập Cận Bình trái ngược với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cả hai tiền nhiệm cùng đi lên theo con đường truyền thống : Ông Hồ Cẩm Đào dựa vào đoàn Thanh niên Cộng sản đầy thế lực để lên nắm quyền, còn chủ tịch Giang Trạch Dân đi lên từ « phe Thượng Hải".
Riêng ông Tập Cận Bình, trong thời gian làm lãnh đạo tỉnh, đã tìm cách đưa những người thân cận nắm giữ nhiều trọng trách lớn, gây bất ổn cho giới tinh hoa cầm quyền, trước khi ông đạt đến đỉnh cao danh vọng.
Sau đó, "Hoàng đế đỏ" bỏ qua những cơ quan thông thường của chính phủ, như các bộ hay các ủy ban của đảng, mà tự thành lập "các nhóm làm việc" phụ trách cải cách trong mọi lĩnh vực quan trọng của đất nước như kinh tế, quân đội, tư pháp… Tự tay ông Tập bổ nhiệm những người thân cận vào vị trí lãnh đạo các nhóm làm việc này.
Năm 2015, ông cũng phá vỡ nghi thức ngoại giao và "vô phép" với các nhà ngoại giao Trung Quốc khi cử ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chánh văn phòng trung ương, tới Matxcơva tham dự các cuộc họp tại điện Kremlin, trong đó có cuộc họp với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tháng 02/2016, chủ tịch Tập lại cử một người thân cận khác, ông Lưu Hạc (Liu He) làm việc với bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. Đây là công việc thường do phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) đảm nhiệm. - RFI
|
|
3.
Cựu tổng thống Brazil bị thẩm vấn trong vụ bê bối tham nhũng
Cảnh sát Brazil đang thẩm vấn cựu Tổng thống Luiz Inacio "Lula" da Silva trong một cuộc điều tra trên diện rộng về tình trạng tham nhũng và rửa tiền ở tập đoàn dầu khí Petrobras do nhà nước sở hữu.
Những đặc vụ ngày thứ Sáu đã lục soát tư gia của cựu lãnh đạo này ở thành phố Sao Paulo và nhà của những cộng sự của ông ta và trụ sở tổ chức phi lợi nhuận của ông ta, Viện Lula, người phát ngôn của ông Silva, Jose Crispiniano, cho biết.
Cảnh sát liên bang nói ông Lula đang bị điều tra trong cuộc điều tra tham nhũng ở Petrobras được đặt tên là 'Rửa Xe.'
Trong một thông cáo đăng trên website, cảnh sát nói rằng họ đưa ra 33 lệnh khám xét và 11 lệnh bắt giữ trong cuộc điều tra.
"Không ai được miễn điều tra ở đất nước này," công tố viên Carlos Fernando dos Santos Lima nói.
Ông Lima cho biết những công ty xây dựng dính líu trong vụ tham nhũng đã trả cho Viện Lula 8 triệu đôla cho những bài phát biểu và những khoản quyên góp.
"Chúng tôi có năm nhà tài trợ lớn nhất của Viện Lula, 60 phần trăm những khoản đóng góp được chi trả bởi năm công ty xây dựng lớn nhất có dính líu trong vụ 'Rửa Xe,' 47 phần trăm chi phí diễn thuyết cũng được chi trả từ năm công ty xây dựng lớn nhất có dính líu trong vụ 'Rửa Xe.'"
Ông cho biết cảnh sát cũng đang điều tra xem liệu những công ty này có hoàn tất công tác tu sửa một tòa nhà chung cư và một biệt thự vùng quê thuộc sở hữu của cựu lãnh đạo này hay không.
Ông Silva, người từng là tổng thống của Brazil từ năm 2003-2010, đã phủ nhận sở hữu căn hộ và nói rằng ông không dính líu vào bất kỳ vụ tham nhũng nào.
Các công tố viên nói hơn 2 tỉ đôla tiền hối lộ và những ngân khoản khác của những công ty xây dựng và kỹ thuật công trình lớn nhất của đất nước đã được chi trả để đổi lấy những hợp đồng đội giá của Petrobras.
Hàng chục nhân vật chính trị, trong đó có những đồng minh thân cận của Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff, và những cựu giám đốc điều hành Petrobras, đang bị điều tra. Một số trong số những hành vi sai trái bị cáo buộc diễn ra khi bà Rousseff là chủ tịch hội đồng quản trị của Petrobras. Bà ta không bị điều tra. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Nhân quyền sẽ là trọng tâm chuyến công du đến Cuba của ông Obama
Các giới chức Mỹ cho biết vấn đề nhân quyền ở Cuba sẽ là một vấn đề hàng đầu trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry trong tháng này.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest phát biểu như vậy hôm thứ Sáu, sau khi Bộ Ngoại giao cho biết ông Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Cuba trong hai ngày 21 và 22 tháng 3.
Tháng trước, ông Kerry nói với các nhà làm luật tại Thượng viện Mỹ là ông định tới Havana trước để thực hiện “một cuộc đối thoại nhân quyền.”
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc bác bỏ những nguồn tin nói rằng ông Kerry huỷ bỏ kế hoạch đến Cuba trước vì có tranh cãi với Havana về vấn đề Tổng thống Obama sẽ được gặp những nhân vật bất đồng chính kiến nào. Bộ Ngoại giao nói rằng kế hoạch đó bị huỷ bỏ vì “vấn đề hậu cần.”
Phát ngôn viên Earnest nói Tổng thống Obama muốn tự ý chọn lựa những nhân vật bất đồng chính kiến Cuba mà ông sẽ gặp. Ông nói “Tòa Bạch Ốc sẽ tự định đoạt danh sách khách mời cho cuộc gặp gỡ đó.”
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đi thăm Cuba kể từ năm 1929. - VOA
|
|
5.
Kinh tế Mỹ tạo ra thêm 242.000 việc làm
Nền kinh tế Mỹ trong tháng qua đã tạo ra thêm 242.000 công việc làm ăn.
Phúc trình do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm nay vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Hai ở mức 4,9%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Con số việc làm được kiến tạo cao hơn mức dự đoán của đa số các nhà kinh tế. Việc làm tăng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, các dịch vụ cung cấp thực phẩm, xây dựng và giáo dục. Lĩnh vực hầm mỏ bao gồm cả dầu hỏa, đều bị tác động nặng nề bởi giá dầu thô tuột dốc, chứng kiến nhiều người mất việc làm.
Các dữ kiện cho thấy có 7,8 triệu người Mỹ vẫn trong tình trạng thất nghiệp, 800.000 người ít hơn so với cách đây 1 năm. Ngoài ra còn có thêm 6 triệu người muốn làm việc toàn thời gian nhưng chỉ tìm được công việc bán thời gian. Con số những người đang làm việc hoặc đang tìm việc làm, gọi chung là ‘tỷ lệ tham gia’ đã tăng 0,5 % trong vài tháng vừa rồi.
Một phúc trình riêng rẽ cho thấy mức thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ tệ hơn vào tháng Một, khi hàng xuất khẩu nằm ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua.
Đồng đôla mạnh có nghĩa là hàng hóa do Mỹ sản xuất mắc hơn trên các thị trường toàn cầu và điều đó tác động đến số hàng bán được. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Kỷ niệm 37 năm 'cả nước chống TQ’
Truyền thông trong nước đăng bài đánh dấu sự kiện 37 năm ngày toàn quốc tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược trong bối cảnh đang có quan ngại Bắc Kinh có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Hôm 5/3, VnExpress tường thuật: “Ngày 5/3/1979, trong tình thế cấp bách chống lại hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.”
"Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thời điểm đó tuyên bố "Phải dạy cho Việt Nam một bài học". Cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra giữa lúc các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia.”
“Bài xã luận trên báo Nhân dân ra ngày 5/3/1979 nêu rõ "Lời kêu gọi của trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính"… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến,” báo này viết.
VnExpress còn dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308: "Lệnh tổng động viên mới được ban ra, Trung Quốc rút quân nên lệnh tổng động viên chưa kịp thực hiện. Dù chúng ta không mong muốn, nhưng nếu quân Trung Quốc còn ở lại thì chắc chắn lệnh tổng động viên sẽ được thực hiện rất nhanh."
Báo Tuổi Trẻ đăng lại bản tin phát thanh đặc biệt sáng 5/3/1979 của Đài tiếng nói Việt Nam "kêu gọi cả nước chống Trung Quốc", trong đó có đoạn:
"Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc."
Theo chương trình tổng động viên, Việt Nam khi đó áp dụng chính sách quân sự hóa toàn dân và vũ trang toàn dân, theo đó nam giới từ 18 đến 45 tuổi và nữ giới từ 18 đến 35 tuổi "nếu đủ điều kiện" thì đều "gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ", và các lực lượng này "phải làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu" một khi chiến sự xảy ra ở địa phương.
Cuộc chiến biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 5/3/1979 nhưng xung đột biên giới kéo dài dai dẳng đến năm 1988.
'Chung số phận'
Chỉ trước ngày kỷ niệm 'tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược' ít hôm, ngày 29/2 vừa qua ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của ông Nguyễn Phú Trọng, đã sang Bắc Kinh hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thông tấn xã Việt Nam nói ông đặc phái viên "trân trọng chuyển tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn ông Tập Cận Bình đã gửi thư mừng và cử Đặc phái viên sang chúc mừng thành công của Đại hội XII".
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói "Trung Quốc và Việt Nam cùng chung số phận, cũng như hai đảng cộng sản của hai nước".
Ông cũng nhấn mạnh: "Phát triển quan hệ Trung-Việt là trách nhiệm lịch sử của chúng ta, phù hợp lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước."
Bản tin của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc nói ông Tập khẳng định "Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ Trung-Việt, nguyện kiên trì trước sau như một phát triển quan hệ lâu dài, bền vững với Việt Nam theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt", nhưng không đề cập tới các vấn đề cụ thể.
'Phản đối gay gắt'
Mới đây Việt Nam phản đối gay gắt việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đang có quan ngại rằng Trung Quốc có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông, động thái chắc chắn sẽ làm quan hệ Việt-Trung thêm căng thẳng.
Hồi cuối năm 2015, phóng viên Reuters Greg Torode viết: " Quân đội Việt Nam đang tăng cường vũ trang để chuẩn bị nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc sau một thập niên dài trên đường hiện đại hóa. Đây là đợt trang bị quân sự lớn nhất của Hà Nội kể từ đỉnh điểm cuộc chiến tranh Việt Nam."
Mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo phóng viên Reuters, là nhằm "đánh đuổi người hàng xóm khổng lồ khi căng thẳng lên cao vì xung đột ngoài Biển Đông. Nếu mục tiêu này không đạt được, thì Việt Nam vẫn có thể tự vệ trên mọi mặt trận khác".
Cây viết Torode cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra, nói: "Nếu xung đột xảy ra, Hà Nội có thể nhắm vào các tàu container thương mại và tàu chở dầu có gắn cờ Trung Quốc trên biển Đông."
Tuy nhiên, "mục tiêu không phải là đánh thắng lực lượng hùng mạnh của Trung Quốc mà là “gây ra những tổn thất thực sự và bất an tinh thần, khiến tỷ giá lãi suất của bảo hiểm Lloyd tăng phi mã và khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng loạn”, ông Carl Thayer nói. - BBC
No comments:
Post a Comment