Saturday, March 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 19/3

Tin Thế Giới

1.
Vụ khủng bố Paris: Salah Abdeslam, nghi can chính bị bắt tại Bỉ

Salah Abdeslam, nghi phạm bị truy lùng nhất châu Âu từ bốn tháng qua và là tên khủng bố duy nhất còn sống sót trong vụ tấn công đẫm máu Paris hồi tháng 11/2015 đã bị bắt tại Bỉ hôm qua 18/03/2016.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Joana Hostein tường trình :

« Đội đặc nhiệm phải mất đến 10 phút mới khống chế được kẻ đang bị châu Âu truy nã ráo riết. Salah Abdeslam đã bị bắt sống, chỉ bị thương nhẹ ở chân trong đợt tấn công, và được đưa vào bệnh viện. Hắn ta không chỉ ở một mình trong căn hộ ở Molenbeek. 

Bốn nghi can khác cũng đã bị bắt, gồm có Abid, Sihane và Djemila - tất cả đều là thành viên trong gia đình đã chứa chấp Abdeslam, và một đồng phạm khác mà các điều tra viên tìm được dấu vết trong vụ khám xét hôm thứ Ba tại Forest.Tại đây, cảnh sát phát hiện nhiều thẻ căn cước giả. Đồng phạm này lấy tên là Mounir Ahmed Alaaj, tức Amine Choukri, đã bị kiểm tra giấy tờ khi đi cùng với Salah Abdeslam ở Đức hôm 03/10/2015. 

Liên quan đến việc dẫn độ Salah Abdeslam về Pháp, một cuộc họp qua truyền hình sẽ được tổ chức ngay sáng nay giữa Viện Kiểm sát Paris và Viện Kiểm sát Bruxelles. Tối qua, tư pháp Bỉ tỏ ra thuận tình với việc này ».

Sáng nay Salah Abdeslam cùng với đồng phạm bị thương đã xuất viện, và sẽ bị cảnh sát và tư pháp thẩm vấn. Chủ tịch hiệp hội các nạn nhân hoan nghênh việc bắt sống nghi can số một trong các vụ khủng bố Paris hôm 13/11/2015, và đưa hắn ra trả lời trước công lý.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố đây là « một đòn quan trọng đánh vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại châu Âu ». Cũng trong sáng nay tổng thống Pháp François Hollande chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc phòng để sơ kết công tác chống khủng bố. - RFI
|
|

2.
Máy bay rơi ở Nga, nhiều người chết

Một máy bay bị rơi ở Rostov-on-Don, thành phố phía nam Nga, khiến 55 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, các quan chức cho hay.

Chiếc Boeing 737-800 của hãng FlyDubai, đến từ Dubai, đã chệch khỏi đường băng khi đang hạ cánh vào 3:50 giờ địa phương (7:50 giờ Việt Nam) hôm thứ Bảy 19/3.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn nhưng có giả định là do tầm nhìn kém và gió giật.

Báo cáo chưa được xác nhận cho hay tất cả mọi người trên máy bay đều thiệt mạng.

Có báo cáo ghi nhận có một vụ cháy hoặc nổ trên máy bay.

Các chuyến bay đến sân bay này đã được chuyển hướng.

Hầu hết là người Nga

Hầu hết hành khách trên chuyến bay FZ981 là người Nga, một quan chức cho biết. Reuters nói một nguồn tin khác cho biết ba người nước ngoài có trong danh sách hành khách, nhưng tin này chưa được xác nhận.

Một đoạn video CCTV cho thấy máy bay hạ cánh bất thành trước khi chìm trong một đám cháy lớn.

Khoảng 700 nhân viên cứu hộ được cử đến hiện trường vụ tai nạn và ngọn lửa được dập tắt, báo địa phương tường thuật.

Trong một thông cáo trên trang Facebook, hãng bay thông báo rằng đã có ‘một sự cố’ với chuyến bay FZ981 và họ đang điều tra vụ tai nạn.

Boeing cho biết trên Twitter rằng họ đang thu thập thêm thông tin.

FlyDubai là hãng hàng không giá rẻ hoạt động từ năm 2009 và đặt trụ sở tại Dubai, điều hành các chuyến bay tới 90 điểm đến. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ, Phi đồng ý về 5 địa điểm trong hiệp định quốc phòng

Hoa Kỳ và Philippines đã đồng ý với nhau về 5 địa điểm mà các lực lượng Mỹ có quyền tiếp cận dựa trên một hiệp định quốc phòng 10 năm được ký kết trong lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng vì tranh chấp Biển Đông.

Hai nước đã thảo luận về những nơi mà các lực lượng Mỹ ở Philippines có thể sử dụng dựa trên Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng EDCA.

Theo thoả thuận đạt được hôm thứ 6 tại Washington, 5 địa điểm đó là Căn cứ Không quân Antonio Bautista, Căn cứ Không quân Basa, Đồn Magsaysay, Căn cứ Không quân Lumbia, và Căn cứ Không quân Mactan-Benito Ebuen.

Hiệp định EDCA được ký kết năm 2014 nhưng phải đối mặt với những thách thức pháp lý của những nhóm chống đối sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Tháng giêng năm nay, Tối cao Pháp viện Philippines ra phán quyết cho rằng hiệp định quốc phòng song phương này phù hợp với hiến pháp Philippines.

Phán quyết này dược xem là một lực đẩy khá mạnh cho những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện ở Á châu trong lúc tình hình Biển Đông bị căng thẳng vì những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. - VOA
|
|

4.
Hai tư lệnh quân đội Mỹ vùng Thái Bình Dương thăm Việt Nam

Vào lúc Trung Quốc không ngừng có những động thái hung hăng tại Biển Đông, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, và Tư lệnh lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vùng Thái Bình Dương, Trung Tướng John A. Toolan, đã ghé thăm Việt Nam trong ba ngày kể từ hôm 17/03/2016. Chuyến thăm được đánh giá là quan trọng, vì đây là lần đầu tiên mà hai tư lệnh Mỹ tại Châu Á cùng đến Việt Nam. 

Theo báo chí trong nước, đô đốc Scott Swift đã đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa này khi ghi nhận: « Đây là chuyến thăm hỗn hợp đầu tiên giữa Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tới Việt Nam trong nhiều thập kỷ ».

Mục tiêu chuyến thăm, theo tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, là nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hải Quân hai nước, đặc biệt là thông qua các chuyến ghé cảng của tầu quân sự hai bên, và những chương trình trao đổi. 

Hai tư lệnh Mỹ ghé thăm Việt Nam vào lúc Mỹ đang có kế hoạch bố trí thêm quân đội và thiết bi, vũ khí tại các nước trong khu vực, vào lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng do các động thái của Trung Quốc.

Với Philippines thì đã rõ, qua thỏa thuận mở 5 căn cứ cho lính Mỹ vào dạt được hôm qua. Còn đối với các nước khác, theo tiết lộ của tướng Dennis Via, Tư lệnh Hậu Cần Lục Quân Mỹ, Hoa Kỳ đang có ý định bố trí một bệnh viện quân y dã chiến tại Cam Bốt, cũng như lưu trữ các phương tiện tiếp tế quân sự ở Cam Bốt và nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters hôm 17/03, đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ xác nhận là đang thăm dò cơ hội tăng cường việc sử dụng hải cảng ở các nước như Philippines hay Việt Nam, trong đó có cả căn cứ Hải Quân Mỹ trước đây tại Việt Nam là Cam Ranh. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
'Ứng viên ngoài Đảng quá nhiều' --- Về thông tin “có tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử”

Danh sách 48 người tự ứng cử ở TP.HCM vừa qua vòng hiệp thương thứ hai có các ông Đặng Thành Tâm, Hoàng Hữu Phước, Hùng Cửu Long, diễn viên Lâm Ngân Mai…

Danh sách ứng cử gồm 90 người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu và tự đề cử tại TP Hồ Chí Minh đã được thông qua chiều 17/3, báo trong nước cho hay.

Trong số các ứng viên được giới thiệu có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, Luật sư Trương Trọng Nghĩa...

Hôm 17/3, doanh nhân Lê Đình Hùng, tự Hùng Cửu Long nói với BBC: “Tuyên ngôn tranh cử của tôi là “Đối đầu hay đối thoại. Chủ trương hòa hợp sẽ giúp dân tộc đoàn kết, quốc gia hưng thịnh”. Tôi tự tin mình là người tiên phong tạo ra khuôn mẫu khác biệt và là hình mẫu mới cho môi trường chính trị Việt Nam”.

Hôm 18/3, luật sư Võ An Đôn có tên trong danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.

Cùng ngày, luật sư viết trên mạng xã hội: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc Hội. Dẫu biết sự thật là như thế nhưng tôi vẫn cứ tự tin, biết đâu mình trở thành nghị gật thật sự thì sao?"

Cũng trong hôm 17/3, báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7: “Nhìn vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội thì thấy ứng viên ngoài Đảng quá nhiều. Đây là tổ chức thứ tư của Đảng sau Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội chứ có phải ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra”. - BBC

***
Truyền thông trong nước loan tin một thành viên Ban Giám sát thuộc Tiểu ban An ninh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tuyên bố có những tổ chức phản động đứng sau số người tự ra ứng ứng Đại biểu Quốc hội hóa 14. Các cử tri và những người quan tâm đến cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội VN lần này nói gì về thông tin vừa nêu?

Dư luận trong và ngoài nước nhìn nhận có tiến bộ trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 ở VN vì cho đến lúc này có nhiều ứng cử viên độc lập tự tin ghi danh ứng cử.

Các nhà quan sát giải thích mặc dù phong trào tự ứng cử là điều bình thường vì đó là quyền thiêng liêng của công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam nhưng do các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội từ trước đến này theo hình thức mà cử tri cho là “đảng cử dân bầu” khiến dân chúng bất mãn vì theo họ kết quả bầu cử do Đảng CSVN lãnh đạo quyết định chứ không phải từ lá phiều bầu chọn của cử tri. Do vậy, động thái các ứng cử viên động lập ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 được cho là dấu hiệu tốt, cần được Nhà nước khuyến khích động viên, tạo điều kiện truyền bá thông tin rộng rãi đến cử tri để họ có thêm sự lựa chọn và quyết định những ứng cử viên mà họ tin tưởng là người xứng đáng đại diện cho họ.

Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này càng thu hút sự chú ý của những người quan tâm vì nhiều ứng cử viên độc lập qua các trang mạng xã hội chia sẻ họ gặp không ít trở ngại gây khó dễ từ cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình làm thủ tục để nộp hồ sơ ứng cử. Có những trường hợp người ra ứng cử tự do bị cán bộ cấp phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không chứng nhận sơ yếu lý lịch vì quy chụp là thành viên của tổ chức phản động dù không có bằng chứng.

Mới đây vào hôm 15 tháng 3, truyền thông trong nước loan tin một thành viên Ban Giám sát thuộc Tiểu ban An ninh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho rằng có những tổ chức phản động đứng sau các ứng viên độc lập nên phải loại một số người khỏi danh sách ứng cử trong các lần hiệp thương tới. Một cử tri ở TP. Hà Nội nói với Đài ACTD sau khi nghe thông tin vừa nêu:

“Quyền tự do ứng cử của công dân được Hiến pháp quy định nên dựa theo pháp luật mà làm thôi. Còn nếu Nhà nước không tạo điều kiện cho người dân tự do ứng cử được và giả sử những thông tin ‘có tổ chức phản động đứng đằng sau đấy’ là sự thật thì chứng tỏ một điều là Nhà nước này thua tổ chức phản động ấy rồi. Tại vì Nhà nước này từ xưa đến nay chưa bao giờ đứng sau người dân, ủng hộ người dân, tạo điều kiện cho người dân tự do ứng cử cả mà chỉ là vật cản cho người dân. Có tổ chức nào giúp người dân, chẳng hạn như thế, nếu thông tin đó là sự thật thì tốt quá. Nhưng rõ ràng ‘phản động’ là gì, ai là phản động? thì người ta không thể định nghĩa rõ ra được, những thông tin đấy quá là mập mờ”.

Thế nào là phản động?

Trong khi Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ông chưa tìm ra được định nghĩa chính thức về "tổ chức phản động" hoặc thế nào là "phản động" trong các bản văn luật pháp hiện hành của Việt Nam, kể cả những bản án đã tuyên xử các vụ án chính trị cho đến nay thì nhiều người cho rằng từ “phản động” thường được các cơ quan chức năng sử dụng đối với những ai bày tỏ quan điểm không giống với chủ trương và đường lối lãnh đạo của Đảng CSVN.

Một số cử tri và những người quan tâm đến cuộc bầu cử Đài RFA tiếp xúc cho biết họ không lấy làm ngạc nhiên trước phát biểu của vị thành viên Ban Giám sát vì đã quen với các thông tin như vậy, hễ cứ ứng cử viên không phải là đảng viên Đảng CSVN thì hầu như thuộc thành phần không đáng tin cậy hay thậm chí thuộc thành phần “phản động”. Câu hỏi chung của những ai theo dõi sát sao cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 đều muốn gửi đến Chính phủ là “các nhà lãnh đạo VN sao không tự hỏi mình đã lãnh đạo thế nào mà khiến dân chúng biến thành ‘phản động’ nhiều đến vậy?”

Trước cáo buộc nói có các tổ chức phản động đứng sau những ứng cử viên độc lập, dư luận mấy ngày qua lên tiếng khiến tên tuổi của những người tự ứng cử càng được công chúng biết đến nhiều hơn.Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một người Mỹ gốc Việt hồi hương quan tâm rất nhiều đến cuộc bầu cử, hiện cư ngụ tại Sài Gòn, chia sẻ rằng:

“Nếu tôi được đi bầu kỳ này và trong danh sách ứng cử chắc chắn tôi sẽ chọn những người mà tôi nghĩ thật sự sẽ giúp ích cho dân; như ông Nguyễn Quang A với lý do vì ông ta là người luôn luôn ủng hộ cho phong trào dân chủ, nhân quyền; như TS. Nguyễn Xuân Diện là người chăm lo về văn hóa của nước Việt; như Thầy giáo Đỗ Việt Khoa là người hết lòng cất lên tiếng nói để chống tình trạng tham nhũng tại VN”.

Qua tìm hiểu, Hòa Ái nhận thấy ý kiến của nhiều cử tri ở VN đều cho rằng có thể những gương mặt sáng giá trong danh sách các ứng cử viên độc lập sẽ không trở thành Đại biểu Quốc hội khóa 14 sau “Ngày bầu cử quốc gia” được dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 5 tới đây, thế nhưng tinh thần chủ động thực hiện quyền công dân của các ứng cử viên độc lập tạo nên tiền lệ đáng phát huy.

Một diễn tiến được cho là tín hiệu tích cực kỳ này là tại thủ đô Hà Nội và tại Sài Gòn sau vòng hiệp thương thứ hai vào ngày 17 tháng 3 danh sách của tất cả các ứng viên gồm cả đề cử và tự ứng cử được công khai. - RFA
|
|

6.
Nổ lớn ở Hà Nội gây nhiều thương vong

Đã xảy ra nổ lớn ở Hà Nội khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương đã được đưa vào bệnh viện, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, đoạn đường Lê Trọng Tấn kéo dài, xảy ra vào lúc khoảng ba giờ chiều giờ địa phương hôm 19/03.

Trang Vietnamnet viết: "Vụ nổ xảy ra tại một cửa hàng thu mua đồ phế liệu tại vỉa hè TT9 khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (đường Lê Trọng Tấn kéo dài). Thời điểm xảy ra vụ nổ có 2 người trong quá trình thu mua phế liệu cưa bình ôxy. 2 người cưa bình ôxy thiệt mạng tại chỗ."

Trang Dân Trí nêu tên một trong hai người 'cưa thiết bị nổ' và là nạn nhân thiệt mạng là ông Phạm Cường.

Chủ tịch Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo điều tra và cứu nạn.

Vụ nổ khiến hàng chục nhà dân xung quanh bị ảnh hưởng như vỡ tường, vỡ kính, cổng sắt bị thổi bay.

Báo Thanh Niên tường thuật: "Tại khu vực xảy ra vụ nổ, mặt đường bị cày nát, để lại một hố sâu khoảng 1 m. Một số người đi đường ngang qua bị ảnh hưởng, trong đó có tài xế xe tải bị nhiều đồ vật bắn vào lên mất lái. Chiếc xe lao vào một nhà dân ven đường."

Năm 2013 cũng đã xảy ra một vụ nổ kho thuốc pháo tại một nhà máy sản xuất pháo hoa của Bộ Quốc phòng ở xã Khải Xuân, Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khiến ít nhất 15 người chết và nhiều người bị thương nặng, theo truyền thông Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment