Wednesday, March 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 16/3

Tin Thế Giới

1.
TQ ra kế hoạch kinh tế cho 5 năm tới

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn giữ nhịp, trong lúc kỳ họp quốc hội thường niên sắp kết thúc.

Kỳ họp quốc hội đã bế mạc với việc ra chương trình kinh tế trong năm năm mới, với mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5-7% một năm từ nay tới 2020.

Trong số các biện pháp sẽ áp dụng có việc cắt giảm mức nợ cao, sắp xếp lại các doanh nghiệp và cải tổ thị trường tài chính.

Trung Quốc đã đối diện với một thời kỳ tăng trưởng chậm và thị trường bị chao đảo.

Kế hoạch do các lãnh đạo đảng Cộng sản đưa ra đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các đại biểu tham dự kỳ họp quốc hội vốn chỉ mang tính hình thức.

Trong buổi họp báo thường niên sau đó, ông Lý nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cải tổ kinh tế.

Ông thừa nhận sẽ có tình trạng mất việc làm khi cải tổ trong mảng doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các ngành công nghiệp luyện thép và khai thác than, nhưng nói sẽ không có tình trạng dãn thợ hàng loạt.

Nền kinh tế sẽ "không bị tác động đột ngột, chúng ta hoàn toàn tự tin về tương lai tươi sáng của kinh tế Trung Quốc".

Các quan ngại đã được nêu ra về mức độ lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, trong năm 2015 đã phát triển ở mức thấp nhất trong suốt 25 năm qua.

Các tường thuật trong tuần qua nói Trung Quốc có thể để tới sáu triệu công nhân quốc doanh nghỉ việc trong vài năm tới, nhằm dịch chuyển từ nền kinh tế nặng về hoạt động sản xuất sang dựa vào các ngành dịch vụ.

Trong tháng Hai, chính quyền trung ương đã ra một khoản quỹ 15,3 tỷ đô la để tái bố trí công ăn việc làm cho các nhân công mất việc trong quá trình cải tổ.

Bên cạnh việc xuất khẩu tuột dốc, thị trường chứng khoán cũng thất thoát nhiều nghìn tỷ đô la trong mùa hè năm ngoái sau tình trạng mong manh dễ đổ vỡ chưa từng có.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang tìm cách cải tổ thị trường tài chính và tăng việc sử dụng đồng nhân dân tệ.

Ông Lý nói hiện đang có các kế hoạch nhằm phát triển mối liên hệ buôn bán chứng khoán giữa Hong Kong và Thâm Quyến trong năm nay, được mở rộng từ một chương trình sẵn có giữa Thượng Hải và Hong Kong. - BBC
|
|

2.
Nga triệt thoái thêm máy bay ra khỏi Syria

Bộ Quốc phòng Nga nói lại có thêm nhiều máy bay của Nga rời Syria hôm 16/3, và như thế Nga tiếp tục triệt thoái giữa lúc Liên Hiệp Quốc mở các cuộc hòa đàm gián tiếp với các bên giao tranh Syria ở Geneve.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry dự tính lên đường sang Moscow vào tuần tới để tham gia các cuộc thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về vụ rút quân và về một nỗ lực mới cho hòa bình tại đất nước bị xâu xé bởi chiến tranh này.

Ông Kerry cho biết ông sẽ thảo luận với cả Tổng thống Putin lẫn Ngoại trưởng Sergei Lavrov về cách làm thế nào để xúc tiến tiến trình nhằm mang lại một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm nay.

Hôm 15/3, Ngoại trưởng Kerry nói: “Đây là một thời cơ nên nắm lấy, chứ không nên lãng phí. Tại thời điểm này, rốt cuộc chúng ta có khả năng thực hiện những bước hướng tới chấm dứt chiến tranh và đổ máu”.

Giao tranh tại Syria đã giảm mạnh giữa lúc thỏa thuận ngưng các hành động thù nghịch được thi hành trong 3 tuần lễ nay.

Tuy nhiên, ông Kerry khuyến cáo rằng một nền hòa bình lâu dài là điều bất khả, nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn duy trì quyền lực.

Các binh sĩ Nga đầu tiên rời Syria đã về nước hôm 15/3 và được dân chúng nồng nhiệt chào đón. Ông Putin hôm thứ Hai đột ngột loan báo rằng phần lớn các lực lượng của ông giờ sẽ rời Syria sau khi đã hoàn thành sứ mạng của họ ở nước này, một sứ mạng đã khởi sự từ cuối tháng 9 năm ngoái.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm 15/3 nói với các nhà báo rằng có những dấu hiệu sớm cho thấy là Nga đang thi hành lệnh của Tổng thống Putin.

Tại các cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc chủ trì ở Geneve, phe đối lập chính của Syria thận trọng đón nhận tin về vụ triệt thoái, nói rằng động thái này có thể dẫn tới việc chấm dứt xung đột và kết thúc “chế độ độc tài cũng như các tội ác” của ông Assad. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc: Quan hệ với Mỹ sẽ tiếp tục phát triển bất kể ai vào Tòa Bạch Ốc

Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tin rằng quan hệ song phương sẽ tiếp tục chuyển động theo chiều hướng tích cực, bất kể ai là người giành được phần thắng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh gửi về bài tường thuật.

Tại cuộc họp báo hàng năm ở Bắc Kinh hôm 16/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường mô tả cuộc vận động bầu cử ở Mỹ là “sinh động” và “thu hút sự chú ý của nhiều người”. Tuy nhiên, ông không đề cập gì nhiều tới những quan điểm cụ thể của các ứng viên tổng thống Mỹ.

"Tôi tin rằng rốt cuộc thì xu thế hiện nay của mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không thay đổi, cho dù ai là người giành phần thắng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc".

Ông Lý Khắc Cường nói những sự bất đồng ý kiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không thể chối cãi, và trong một số trường hợp, sự bất đồng đó khá gay gắt, nhưng nhiều người đã không lưu ý tới sự thật là năm vừa qua Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương của năm 2015 lên tới 560 tỉ đô la.

"Bản thân điều này chứng tỏ là những lợi ích chung giữa hai nước vượt trội những sự bất đồng".

Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. 

Trong cuộc vận động tranh cử ở Mỹ, ứng viên Donald Trump của phe Cộng hòa đã trở thành người công kích Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Ông nói tới Trung Quốc rất nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn và các bài diễn thuyết.

Tỷ phú bất động sản này không ngớt tố cáo Trung Quốc đánh cắp công ăn việc làm của Mỹ. Ông cũng cho rằng dựa vào kinh nghiệm của ông như một nhà thương thuyết tài ba, ông có thể tìm ra những cách thức để đánh bại Trung Quốc theo kiểu gậy ông đập lưng ông và giải quyết những vấn đề mà ông nói là những cách thức làm ăn không công bằng của Trung Quốc, như thao túng chỉ tệ chẳng hạn.

Ông Trump cũng cho rằng mặc dù nước Mỹ đã mở cửa thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã không đáp lại điều đó. Ông nói rằng Trung Quốc đang dùng bức tường “Vạn lý trường thành của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” để ngăn chặn các công ty Mỹ và tạo ra một sân chơi có lợi một cách không công bằng cho các công ty Trung Quốc.

Kẻ quấy rối

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng không ngớt gây ra những cuộc tranh luận với Bắc Kinh. Trong lúc vận động tranh cử, bà đã nhiều lần nêu lên những mối quan tâm về cách thức làm ăn của Trung Quốc trong lãnh vực thương mại quốc tế. Bà cảnh báo rằng vì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nên Bắc Kinh có thể sẽ có thêm những hành động phương hại tới thương mại toàn cầu.

Bà Clinton đã tìm cách gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề nữ quyền từ khi bà còn là đệ nhất phu nhân trong thập niên 1990.

Và trong một tin nhắn Twitter hồi năm ngoái, bà nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình là một người “không biết xấu hổ” khi ông diễn thuyết về các quyền của phụ nữ tại Liên Hiệp Quốc trong lúc những người tranh đấu cho quyền lợi của phụ nữ bị cầm tù ở Trung Quốc.

Phát biểu đó đã gây bất bình cho nhiều người sử dụng mạng internet ở Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc tố cáo bà là “một kẻ chuyên quấy rối” và nói thêm rằng bà đã trở thành “một kẻ to mồm như ông Donald Trump”.

Để đáp lại tố cáo đó, bà Clinton nói “nếu Trung Quốc tin rằng bảo vệ quyền của phụ nữ là ‘quấy rối’ thì họ sẽ thấy tôi còn quấy rối nhiều hơn nữa”.

Công việc nội bộ 

Các giới chức Trung Quốc rất ít khi bình luận về những cuộc bầu cử ở Mỹ, bởi vì họ cảm thấy làm như vậy là can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ. Thay vào đó, họ thường tập trung vào những lãnh vực mà hai nước muốn hợp tác với nhau.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho báo chí biết rằng tuy có những sự bất đồng, nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thiết lập 100 cơ chế giao lưu và đối thoại.

"Khi sự hợp tác giữa hai nước được nới rộng, con số của những sự bất đồng đương nhiên sẽ gia tăng, nhưng tỉ lệ bất đồng trong quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ  giảm đi".

Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng chỉ cần “đối xử thành thật với nhau”  là hai nước có thể xử lý một cách thỏa đáng những mối bất đồng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump và bà Clinton thắng lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ ngày thứ Ba

Ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ đã thắng lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống ngày thứ Ba vừa qua. Chiến thắng của ông Trump tại Florida kết liễu chiến dịch tranh cử của ông Marco Rubio. Tuy nhiên, Thống đốc John Kasich vẫn còn hy vọng sau khi giành được chiến thắng tại tiểu bang nhà Ohio. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA có bài tường thuật.

Tối thứ Ba là một đêm chiến thắng lớn của ông Donald Trump, người đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của đảng Cộng hòa. Ông Trump chiến thắng tại Florida, North Carolina và Illinois.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một chiến thắng lớn lao và tôi nghĩ quan trọng hơn cả là chúng ta lại sẽ bắt đầu chiến thắng. Quốc gia này sẽ lại bắt đầu chiến thắng. Chúng ta không chiến thắng nữa”.

Chiến thắng với tỉ lệ chênh lệch hai con số của tỉ phú ưa phô trương này tại Florida đã loại Thượng nghị sĩ Marco Rubio ra khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên dù ngưng chiến dịch vận động tranh cử, ông Rubio đưa ra một cảnh báo dường như nhắm vào người đang dẫn đầu bên phe Cộng hòa.

“Nước Mỹ cần một phong trào bảo thủ sinh động nhưng là một phong trào được xây dựng trên những nguyên tắc và những ý tưởng chứ không phải được xây dựng trên sự sợ hãi, trên sự phẫn nộ, không phải trục lợi trên sự bất mãn của mọi người”.

Đây cũng là một đêm tốt đẹp cho Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio. Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang nhà đã cứu chiến dịch tranh cử của ông và làm sống lại khả năng tranh đua của ông tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng 7 năm nay.

Thống đốc Kasich nói:

“Chúng ta đã tuần tự bước tới và tối nay tôi muốn nhắc nhở các bạn một lần nữa là tôi sẽ không đi theo con đường thấp hèn để đi đến chức vụ cao nhất của đất nước”.

Cuộc chạy đua của đảng Cộng hòa hiện nay chỉ còn là một cuộc chạy đua của ba đối thủ trong đó có Thượng nghị sĩ tiểu bang Texas, Ted Cruz, người tự xem là đối thủ chính của ông Trump.

“Và lựa chọn trước mắt là thẳng tiến. Các bạn muốn có một ứng cử viên chia sẻ những giá trị của các bạn hay một ứng cử viên từ nhiều thập niên qua chống lại những giá trị của các bạn?”

Trong cuộc chạy đua của đảng Dân chủ, những chiến thắng tại Florida, North Carolina và Ohio của bà Hillary Clinton, người đang dẫn đầu về phía đảng Dân chủ, giúp bà thu góp được nhiều đại biểu hơn đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Nói chuyện với những người ủng hộ tại Florida, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa bà và ông Donald Trump.

“Nếu chúng ta tiếp xúc và đối xử với người khác với sự tôn trọng, tử tế và yêu thương thay vì hăm dọa và thiên kiến, nếu chúng ta đưa nhau lên thay vì hạ nhau xuống, thì không có gì chúng ta không thể làm được”.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố  ông sẽ tiếp tục chiến đấu.

“Chiến dịch này tiến triển tốt vì chúng tôi lắng nghe người dân nước Mỹ, chứ không phải chỉ lắng nghe tiếng nói của những người giàu có đóng góp tiền bạc cho chiến dịch tranh cử”.

Tuy nhiên, ông Sanders tụt hậu khá xa về số phiếu đại biểu tại đại hội đảng. Bà Clinton đã tiến một bước dài hướng tới chỗ được đảng Dân chủ đề cử. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tàu ngầm Nhật sắp ghé cảng Cam Ranh -- Nhật Bản: Đảng cầm quyền sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

Hải quân Nhật vừa loan báo một tàu ngầm của họ sẽ cập cảng Cam Ranh trong chuyến thăm lần đầu tiên từ trước tới nay.

Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tố cáo Tokyo can thiệp vào tranh chấp Biển Đông trong bối cảnh Nhật đang tăng cường quan hệ với Philippines và Việt Nam, hai nước Đông Nam Á mạnh mẽ phản đối đường lưỡi bò của Bắc Kinh chiếm gần hết vùng biển giàu tài nguyên.

Cả Nhật, Philippines và Việt Nam đều bày tỏ quan ngại về các hành động tăng cường quân sự của Bắc Kinh giữa các tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Tàu ngầm Oyashio và 2 tàu hộ tống sẽ ghé thăm Việt Nam sau khi cập bến Vịnh Subic của Philippines tham gia các cuộc diễn tập hàng hải mở rộng thường niên. Cuộc thao dượt với 500 binh sĩ dự kiến diễn ra từ thứ Bảy tuần này tới ngày 27/4.

Mới tuần rồi, Manila công bố sẽ thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật để tuần tra các vùng biển Philippines nhận chủ quyền, khiến Trung Quốc lập tức tuyên bố ‘cảnh giác cao độ’ và ‘mạnh mẽ phản đối’. - VOA

***
Đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền tại Nhật Bản vào hôm nay, 16/03/2016 đã khuyến cáo chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe là phải xem xét việc kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về các hoạt động khoan dò khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông, vi phạm thỏa thuận đã ký kết với Tokyo.

Trong một nghị quyết đã được thông qua, đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản đã yêu cầu ông Abe cứng rắn đòi hỏi Trung Quốc mau chóng tái lập các cuộc đàm phán về vấn đề khoan dò và khai thác dầu khí tại một vùng nằm sát đường ranh giới trên biển chưa được phân định giữa hai nước.

Nếu Bắc Kinh vẫn từ chối, chính quyền Tokyo phải xem xét khả năng đưa vụ việc ra tòa án trọng tài quốc tế, tương tự những gì Philippines đã làm trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Đầu mối bất hòa giữa Tokyo và Bắc Kinh trong vấn đề thăm dò khai thác dầu khí liên quan đến một khu có mỏ khí đốt nằm ở hai bên đường trung tuyến giữa hai vùng hải phận Trung Quốc và Nhật Bản chưa hề được phân định. Việc khai thác khá phức tạp vì các mỏ dưới đáy biển thông nhau, khi hút bên này sẽ làn cạn phía bên kia.

Vào năm 2008, Tokyo và Bắc Kinh đã đồng ý cùng thăm dò 4 mỏ khí đốt trong vùng, và tạm ngưng khai thác ở các phần tranh chấp của khu vực. Cụ thể là hai bên đã đồng ý thực hiện các cuộc khảo sát chung một khu vực ở phía bắc mỏ khí đốt có tên là Xuân Hiểu/Shirakaba và phía nam mỏ khí đốt Long Tỉnh/Asunaro.

Tuy nhiên, sau khi bang giao song phương nguội lạnh trên vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu khai thác đơn phương mỏ khí đốt Thiên Ngoại Thiên/Kashi, viện cớ là họ có toàn quyền làm việc đó.

Tokyo đã liên tục phản đối, và vào đầu năm 2010, Nhật Bản từng đe dọa đưa Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển nếu Bắc Kinh khai thác mỏ khí đốt Xuân Hiểu/Shirakaba, bất chấp thỏa thuận song phương vào năm 2008.

Lần này, theo nghị sĩ Yoshiaki Harada, trưởng tiểu ban phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông của đảng Dân Chủ Tự Do: "Nếu Trung Quốc làm ngơ trước yêu cầu đó, chính quyền Nhật Bản cần phải hành động. Mọi người đều đồng ý rằng không nên né tránh việc đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế, và cần phải bắt đầu xem xét phương án đó". - RFI
|
|

6.
Trung Quốc lập trung tâm cảnh báo sóng thần tại Biển Đông --- Trung Quốc loan báo xả nước Mekong

Giám đốc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc ngày 16/03/2016 thông báo thiết lập một trung tâm cảnh báo sóng thần tại Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường thẩm quyền trong vùng biển tranh chấp.

Trung tâm cảnh báo sóng thần vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng hoàn toàn có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vị trí chính xác của công trình này không được nêu rõ.

Phát biểu trước báo giới bên lề kỳ họp Quốc Hội, ông Vương Hoành (Wang Hong), giám đốc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, nhấn mạnh : « Chúng tôi đã bắt đầu phát các cảnh báo sóng thần cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước ở trong vùng Biển Đông. Hợp tác tại Biển Đông là một trong những trọng tâm của Trung Quốc. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ phối hợp với các nước trong khu vực Biển Đông và tạo ra một vùng biển hài hòa và hòa bình ».

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định các hoạt động trên chỉ nhằm thúc đẩy nghiên cứu dân sự, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh hàng hải và sẽ có lợi cho các nước khác.

Trung Quốc cũng nhấn mạnh họ có quyền thiết lập « các cơ sở phòng thủ » trên lãnh thổ của mình. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bác bỏ mọi thông tin liên quan đến hệ thống tên lửa địa đối không đặt trên đảo Phú Lâm đang có tranh chấp và cáo buộc các phương tiện truyền thông phương Tây đã thổi phồng vụ việc.

Hoa Kỳ, với lực lượng hải quân mạnh nhất hiện diện trong khu vực, đã cảnh báo là trên thực tế, Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập quyền kiểm soát tại Biển Đông Trung Quốc, khiến tự do hàng hải quốc tế bị đe dọa. - RFI

***
Trung Quốc sẽ xả nước từ đập thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam xoa dịu hạn hán tại nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3 cho hay Bắc Kinh bắt đầu xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sông Mekong từ ngày 15/3 tới ngày 10/4.

Loan báo được đưa ra sau khi Việt Nam chính thức yêu cầu Bắc Kinh xả nước giúp vùng đồng bằng Sông Cửu Long chống hạn.

Phát biểu với VOA Việt ngữ từ đồng bằng sông Cửu Long tối 16/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam, ông Hoàng Văn Thắng, cho biết:

“Nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng về tới vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian rất dài, trên nửa tháng. Cho nên chúng tôi cũng đang chờ đợi”.

Báo nhà nước dẫn công văn Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đại sứ quán Trung Quốc đề nghị xả nước từ tháng 3 đến tháng 8. Vậy lưu lượng và thời gian xả nước Trung Quốc đáp ứng hiện nay có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng tiếp lời:

“Chúng tôi cũng không đề nghị họ phải xả liên tục. Chúng tôi chỉ đề nghị họ xả 3 đợt thôi. Như vậy, nếu họ xả được trong vòng 7, 8 ngày cũng là quý đối với hạ lưu sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long rồi. Nếu có dòng nước đẩy mạnh, chúng tôi sẽ cùng các địa phương tìm các giải pháp lấy nước, trữ nước để phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Đợt hạn kéo dài hiện nay phá hủy 160 hecta lúa ở vùng đồng  bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại kinh tế trên 222 triệu đôla, và làm ảnh hưởng 290 ngàn hecta cây ăn trái.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam đơn cử trường hợp của tỉnh Bến Tre, nơi đang chật vật thiếu thốn nguồn nước sinh hoạt, mùa màng bị thiệt hại nặng nề có thể mất trắng.

Vẫn theo lời Thứ trưởng Thắng, sản lượng thu hoạch ở địa phương sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, có thể phải thu hẹp từ 3 vụ lúa xuống chỉ còn 2 vụ trong năm.

Ông Thắng cho hay giới hữu trách Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp lâu dài giúp thích nghi, thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng tăng ở vựa lúa miền Nam.

Năm 2010, Trung Quốc từng bị lên án là không xả đủ lượng nước từ các đập thượng nguồn, gây khó khăn kinh tế cho các cộng đồng cư dân hạ nguồn Mekong.

Việt Nam, quốc gia vùng hạ nguồn, có thể làm gì để tránh sự phụ thuộc này? Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị:

“Phải tăng cường hợp tác giữa các nước trong quản lý các dòng sông, chia sẻ thông tin, trong trường hợp thiên tai thì cùng tăng cường việc xả nước”.

Một trong những phương án trước mắt, theo ông, là thông qua Ủy hội Hợp tác Mekong yêu cầu các nước thượng nguồn gia tăng xả nước để hỗ trợ cho vùng hạ du.

Cơ chế hợp tác Lancang-Mekong giữa Trung Quốc với Lào, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam được hình thành cuối năm ngoái nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho khu vực. Trong đó, hợp tác về nguồn nước được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất.

Đợt hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn tại nhiều khu vực ở vùng đồng bằng Mekong hiện nay được xem là khắc nghiệt nhất trong 100 năm qua, kinh phí cần có để đối phó ước tính gần 4 tỷ đôla.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong vùng bị tác động nặng nề nhất. Campuchia, Lào, Thái Lan và Miến Điện cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Sông Lancang chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trước khi đổ vào Đông Nam Á được gọi là sông Mekong, có chiều dài tổng cộng 4.880 cây số, băng qua 5 nước vừa kể.

Cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trong cơ chế hợp tác Lancang-Mekong sẽ diễn ra trong tháng này tại Hải Nam, Trung Quốc. - VOA

No comments:

Post a Comment