Tin Thế Giới
1.
TT Obama sẽ gặp Chủ tịch Cuba - đồng minh trong quan hệ thời kỷ nguyên mới
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ dành nguyên ngày đầu tiên trong chuyến thăm lịch sử đến Cuba hôm nay (21/3) cho các cuộc hội đàm trực diện với Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong khi hai bên tiến tới việc “khép lại trang lịch sử” về hơn 5 thập niên thù nghịch Chiến tranh Lạnh.
Cuộc hội kiến ở Dinh Cách mạng La Habana là lần gặp gỡ thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo trong mấy năm vừa qua, trong đó có một lần gặp chớp nhoáng tại tang lễ của ông Nelson Mandela ờ Nam Phi vào năm 2013, và một cuộc họp thượng đỉnh khu vực ở Panama hồi tháng 4 năm ngoái. Ông Obama và ông Castro sẽ chào mừng nhau đêm nay tại một quốc tiệc ở dinh chủ tịch.
Người ta đã đặc biệt chú ý đến sự vắng mặt của Chủ tịch Cuba vào lúc ông Obama bước ra khỏi phi cơ riêng chiều Chủ nhật để bước xuống đường băng tại Sân bay Jose Marti. Ông Obama là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến Cuba từ gần 90 năm nay. Thay vì thế, Ngoại trưởng Bruno Rodriguez đã hướng dẫn một phái đoàn nhỏ của Cuba để nghênh đón ông Obama cùng phu nhân và hai cô con gái Sasha và Malia, cùng với thân mẫu của đệ nhất phu nhân Michelle, bà Marian Robinson.
Người đứng đầu phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Cuba, tham tán Jeffrey DeLaurentis, cũng có mặt để nghênh tiếp gia đình ông Obama.
Tháp tùng ông Obama là một phái đoàn các nhà lập pháp của cả hai đảng, các cấp quản trị công ty và những người Mỹ gốc Cuba nổi tiếng. Ông sẽ gặp các nhà doanh nghiệp Cuba trong ngày hôm nay, sau cuộc hối kiến ông Castro – để thảo luận về quan hệ doanh thương giữa Hoa Kỳ và Cuba.
Ngay khi đến nơi, ông Obama đã được đưa bằng xe hơi đến khách sạn Melia ở La Habana để gặp nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ và gia đình họ. Ông nói với ban nhân viên rằng chuyến thăm của ông là “một cơ hội lịch sử để giao dịch trực tiếp với dân chúng Cuba”, và nói thêm rằng việc mở lại đại sứ quán “có nghĩa là chúng ta sẽ có khả năng hữu hiệu hơn để thúc đẩy các giá trị, các quyền lợi của chúng ta và thấu hiểu hữu hiệu hơn những mối quan tâm của nhân dân Cuba”.
Gia đình Obama cũng đã đi bộ thăm khu Phố cổ lịch sử của La Habana dưới trời mưa tầm tã, và ngừng lại dọc đường để gặp đức Hồng y Jaime Ortega tại nhà thờ lịch sử của thành phố.
Dưới trời mưa như trút nước, cư dân La Habana Miguel Angel đã đứng cùng với hàng chục cư dân khác trong khu phố, các du khách và ký giả cố gắng để nhìn được tổng thống qua một rừng ô dù. Anh Angel nói: “Chúng ta phải chờ xem có thấy được sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” với chuyến công du này hay không.
Chuyến thăm Cuba trong 3 ngày của ông Obama gồm một bài phát biểu được truyền hình tại La Habana vào ngày mai, trong đó ông sẽ phác họa triển vọng về tương lai của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, và dự một trận bóng chày biểu diễn giữa đội tuyển quốc gia Cuba và đội bóng Tampa Bay Rays của Liên đoàn Bóng chày Mỹ.
Tòa Bạch Ốc cho hay chuyến công du 3 ngày của ông Obama tiêu biểu cho một khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, mở rộng việc phục hồi chính thức quan hệ ngoại giao bắt đầu cách đây 8 tháng.
Ông Obama đã đặt việc tái thiết lập bang giao với Cuba trong vị trí là một trong những thành tựu ngoại giao đặc biệt của chính quyền ông, với lập luận rằng chính sách cô lập Cuba từ mấy chục năm này đã thất bại.
Bài phát biểu của ông Obama trước nhân dân Cuba sẽ là một cơ hội để nhìn lại vào lịch sử phức tạp của hai nước, theo nhận định do phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes đưa ra với các phóng viên trong một cuộc họp báo trước bài phát biểu.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng dự định gặp các thành viên trong xã hội dân sự Cuba, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền, bất chấp sự phản đối của chính phủ ở La Habana.
Chính phủ Cuba mới đây đã phóng thích một số tù nhân chính trị và đã có một số biện pháp nhỏ để mở rộng việc tiếp cận Internet. Nhưng một bản phúc trình năm 2015 của tổ chức Human Rights Watch nhận thấy chính phủ Cuba “tiếp tục dựa vào việc bắt giữ tùy tiện để sách nhiễu và đe dọa các cá nhân thực thi quyền cơ bản của họ”.
Bản phúc trình nhận thấy những vụ bắt giữ tùy tiện đã gia tăng kể từ khi bắt đầu tan băng trong quan hệ ngoại giao, với số vụ việc tăng từ 2.900 lên đến 7.188 vụ trong năm đầu tiên sau khi chính quyền thông báo việc nối lại bang giao. Sự tan băng trong quan hệ có thể là một cơ hội để chính phủ Cuba xét lại các luật lệ trong nước về kiểm duyệt, tự do Internet và tự do hội họp.
Những mối quan ngại tiếp tục về những vụ vi phạm nhân quyền của Cuba đã khiến một số đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ cực lực chỉ trích chuyến đi của ông Obama.
Khi nói về Chủ tịch Cuba Raul Castro và người anh của ông này là anh hùng cách mạng Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan nói hôm thứ Sáu rằng: “Đây là một chế độ cung cấp sự bao che cho các phần tử khủng bố và những kẻ bị truy nã”.
Ông Ryan nói ông nghi ngờ về việc liệu ông Obama có đề cập đầy đủ đến sự cần thiết phải cải cách ở Cuba hay không. Ông cũng nhắc nhở các phóng viên rằng bất kể những cố gắng của ông Obama trong việc loan báo các thỏa thuận thương mại mới, lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Cuba “vẫn y nguyên và đang được thực thi”, gần 60 năm sau khi có hiệu lực.
Chỉ có một cuộc biểu quyết với số phiếu đa số tại Quốc hội mới bãi bỏ được lệnh cấm vận thương mại với Cuba, và một quyết định như thế có phần chắc sẽ khó thành trong khi đảng Cộng hòa nắm thế đa số kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Các chuyên gia phân tích nói chuyến công du của tổng thống có thể giúp thúc đẩy chính phủ Cuba thực hiện những thay đổi.
Ông Marc Hanson thuộc Văn phòng Mỹ Latin tại Washington, một tổ chức ủng hộ nhân quyền, nói: “Dân chúng Cuba cần phải chủ động để điều này có tác dụng, và dân chúng Cuba đang tham gia một cách tự do hơn vào nền kinh tế. Họ cần phải tham gia cả vào chính sự nữa”.
Sự thành công của chuyến công du của tổng thống tùy thuộc phần lớn vào việc làm cho việc mở cửa với Cuba không thể đảo ngược được, theo ông William LeoGrande, một chuyên gia về châu Mỹ Latinh và cựu khoa trưởng trường Công vụ của đại học American.
Là tác giả cuốn sách có tựa là Back Channel to Cuba: The Hidden History of Negotiations Between Washington và Havana, tạm dịch là Cửa hậu đến Cuba: Lịch sử Bí mật về các cuộc thương nghị giữa Washington và La Habana, ông LeoGrande nói ông Obama phải chứng tỏ rằng việc giao tiếp của ông với Cuba “đem lại những kết quả, để vị tổng thống kế nhiệm, cho dù là ai đi nữa, sẽ nhìn vào những gì ông Obama đã làm với Cuba và nói rằng “Việc này có tác dụng. Có lợi cho quốc gia. Có hiệu quả hơn so với chính sách cũ và do đó không có lý do để đi ngược trở lại”.
Theo ông Hanson, mặc dầu chuyến thăm của tổng thống sẽ đánh dấu một khúc quanh chủ chốt trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba, đó sẽ chỉ là khởi đầu của một tiến trình lâu dài để phục hồi quốc gia này sau nhiều thập niên cô lập. Ông nói thêm: “Cải cách với Cuba sẽ giúp tạo dựng một mối quan hệ với Cuba, nơi dân chúng Cuba sẽ được đóng một vai trò lớn hơn trong định mệnh của mình và chính phủ Cuba sẵn sàng mở thêm không gian cho dân chúng làm mội việc”.
Tòa Bạch Ốc vừa loan báo sẽ nới lỏng các hạn chế về du hành và thương mại với Cuba. Những thay đổi về luật lệ cho phép thực hiện các chuyến thăm giữa nhân dân hai nước, bãi bỏ một lệnh cấm các giao dịch tài chính của Cuba thông qua các ngân hàng của Hoa Kỳ và cho phép công dân Cuba được nhận lương ở Hoa Kỳ.
Bà Michelle Obama sẽ gặp các nữ sinh viên Cuba trong thời gian bà ở La Habana và cả gia đình sẽ dự một trận bóng chày trước khi về nước vào cuối ngày mai để đi thăm Argentina trong 3 ngày. - VOA
|
|
2.
Indonesia phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận
Ngày 21/03/2016, Jakarta đã phản đối Bắc Kinh việc một tầu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia vào ngày 19/03 trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Jakarta sau sự cố xảy ra giữa một tầu hải cảnh, một tầu cá của Trung Quốc với tầu tuần tra Indonesia gần quần đảo Natuna vào ngày 19/03.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp đại diện ngoại giao Trung Quốc, ngoại trưởng Indonesia cho biết : « Tại cuộc họp, chúng tôi đã chuyển lời phản đối gay gắt việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Indonesia ».
Theo bộ trưởng Thủy Sản Indonesia Susi Pudjiastuti, được hãng tin Reuters trích dẫn, vào ngày 19/03, tầu tuần tra Indonesia đã phải bắn cảnh cáo một tầu cá của Trung Quốc vi phạm vùng biển Natuna thuộc Indonesia, nằm giữa bán đảo Malaysia và tỉnh Sarawak (Malaysia) trên hòn đảo Borneo. Sau đó, lực lượng tuần tra của Indonesia đã bắt giữ chiếc tầu cá trên cùng với tám thành viên. Nhưng một chiếc tầu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp để ngăn cản tầu tuần tra Indonesia bắt giữ tầu cá.
Bộ trưởng Thủy Sản cho biết tám thành viên tầu cá Trung Quốc sẽ được xử lý theo pháp luật của Indonesia. Bà cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi có cảm giác mọi nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông của mình bị phá hoại. Và có thể kiện vụ việc lên tòa án quốc tế về luật biển".
Cũng trong ngày 21/03, bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định chiếc tầu cá của nước này hoạt động trong "ngư trường đánh cá truyền thống của Trung Quốc" và yêu cầu Jakarta thả tám ngư dân bị bắt giữ, đồng thời nhấn mạnh hải cảnh Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải Indonesia.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngắn: "Chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia. Trung Quốc không phản đối điều này. Bất kỳ tranh chấp hàng hải nên được giải quyết bằng đàm phán và Trung Quốc phản đối việc đánh bắt cá trái phép".
Trước sự cố trên, phó tư lệnh Hải Quân Indonesia, Arie Henrycus Sembiring, thông báo sẽ điều tầu lớn hơn tham gia vào đội tầu tuần tra trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông và hiện có tranh chấp với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, Indonesia không nằm trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc và luôn cho mình là "nhà trung gian" giữa Trung Quốc với các bên có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. - RFI
|
|
3.
Australia có thể bầu cử sớm
Úc có thể tiến hành bầu cử sớm vào tháng Bảy nếu Thượng viện không thông qua được đạo luật nhằm hạn chế tham nhũng trong công đoàn.
Chính phủ đã đề xuất dự thảo luật tái thành lập cơ quan giám sát ngành xây dựng lên Thượng viện năm lần.
Thủ tướng Malcolm Turnbull yêu cầu Toàn quyền Úc triệu tập lưỡng viện cùng thảo luật về dự luận vào ngày 19/4.
Nếu không thông qua được đạo luật này, một cuộc bỏ phiếu giải thể lưỡng viện có thể sẽ được tiến hành.
Theo Hiến pháp Úc, bỏ phiếu giải tán lưỡng viện nhằm giải quyết bế tắc giữa thượng viện và hạ viện trong quốc hội.
Theo quy định của quốc hội, cuộc bỏ phiếu giải tán lưỡng viện phải diễn ra trước ngày 11/5. Đây có thể là cuộc bỏ phiếu giải tán lưỡng viện đầu tiên kể từ năm 1987.
Ông Turnbull sẽ trình dự thảo ngân sách chính phủ vào ngày 3/5. Nếu dự thảo không được Thượng viện thông qua, cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành ngày 3/7.
"Đây là thời điểm để Thượng viện nhận rõ trách nhiệm của mình và hỗ trợ thúc đẩy kế hoạch kinh tế của chúng ta, thay vì ngăn cản" - ông Turnbull nói.
"Việc tái thành lập Ủy ban Xây dựng Australia (ABCC) là cải cách kinh tế quan trọng. Không còn thời gian để chơi đùa nữa."
Quy định mới từ Thượng Viện
Tuần qua Thượng viện Australia thông qua một số quy định mới gây khó khăn hơn cho các đảng nhỏ - vốn tranh cử ở những khu vực rất hạn chế - nhằm bảo đảm số ghế trong quốc hội.
Các thượng nghị sĩ từ các đảng nhỏ đang nắm giữ quyền lực cân bằng trong Thượng viện và gây đau đầu cho chính phủ liên minh bảo thủ.
Tại cuộc bỏ phiếu giải tán lưỡng viện, tất cả các vị trí trong thượng viện đều sẽ bị thử thách, so với chỉ một nửa số ghế trong cuộc bầu cử thông thường.
Điều này có thể sẽ dẫn đến việc nhiều nghị viên phái ôn hòa từ các đảng nhỏ sẽ mất vi trí của mình trong Thượng viện.
Nghị viên độc lập Nick Xenophon gọi quyết định của thủ tướng Turnbull về việc triệu tập quốc hội thông qua dự thảo ngân sách là "một âm mưu cơ hội và xảo quyệt".
Thượng nghị sĩ Bob Day của Đảng Family Frist nói với hãng tin Sky News động thái của ông Turnbull kêu gọi quốc hội là "quá tự tin".
"Họ sẽ không thông qua được việc tái thành lập ABCC và họ sẽ không quét những đảng nhỏ và các thượng nghĩ sĩ độc lập từ thượng viện vì thế họ không thể có được tất cả những thứ họ theo đuổi" - Thượng nghị sĩ Bob Day nói. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
4.
Nạn hạn hán ở Mekong tệ hại hơn giữa những nghi ngờ về lời hứa của Lào
Hạn hán tại Đông Nam Á đã gây lo ngại rất nhiều cho Việt Nam và Campuchia, nơi nước mặn đang vào sâu trong Sông Mekong và nhiều người nghi ngờ về những lới hứa mới đây của Lào là nước này sẽ tôn trọng quyền của những quốc gia ở vùng lạ lưu trong việc xây dựng các con đập. Thông tín viên Luke Hunt của đài VOA gởi bài tường thuật về từ Phnom Penh.
Bảo đảm từ Vientiane được đưa ra bởi ông Bounhang Vorachith, người vừa mới được bầu làm tổng bí thư của đảng Cộng sản Lào, đã mang lại mối hy vọng là ông có thể cho thấy một khuynh hướng hòa giải trong các cuộc thương thuyết với những nước cùng chia sẻ việc sử dụng Sông Mekong. Ông nói: “ Lào sẽ nỗ lực đảm bảo là sẽ không có ảnh hưởng gì cả”. Ông Bounhang vừa mới nói với chính phủ Campuchia về kế hoạch của Vientiane để xây dựng 11 con đập dọc theo Sông Mekong và ảnh hưởng của những con đập này đối với các nước láng giềng.
Ông cũng nhắc nhở Thủ tướng Hun Sen là Lào đã nghiên cứu ảnh hưởng có thể có của những con đập và hứa hạn chế ảnh hưởng của đập thủy điện Don Sahong gây nhiều tranh cãi. Báo Phnom Penh Post loan tin là con đập này sẽ được xây dựng ngay phía bắc biên giới Campuchia.
Tuy nhiên, lời hứa của ông Bounhang không trấn an được những nước phụ thuộc nhiều vào Sông Mekong, nơi mực nước thấp gây nên hạn hán trầm trọng. Tình trạng này được nhiều người cho là phát sinh từ biến đổi khí hậu, việc phá các khu rừng nhiệt đới để sử dụng trong công nghiệp và những con đập trên thượng nguồn, chủ yếu tại Trung Quốc.
Có đến 70 triệu người sống dọc theo Sông Mekong, trong đó những sắc dân thiểu số như Jarai, Kraol, Phnong, Ro Oung, Stieng, Su, Oey, Kreung and Tampuan.
Ông Samin Ngach, phát ngôn viên của Hiệp hội Thanh niên Bản địa Campuchia, nói nguồn cung cấp thực phẩm và nước ngọt bị thiếu hụt tiếp sau những mùa lúa với sản lượng thấp do thiếu mưa trong mùa mưa vừa qua.
Ông Samin Ngach nói:
“Cộng đồng người bản địa không thể trồng lúa. Cuối cùng họ không có lương thực để ăn. Rừng cũng cần nước và gia súc cũng cần nước. Thật là khó khăn cho mọi người”.
Ông nói khả năng ứng phó hạn hán của các chính quyền trong vùng của cũng là một vấn đề cần quan tâm. Việc này được nêu bật bằng quyết định của Thái Lan trong tháng trước nhằm chuyển dòng Sông Mekong chảy vào những vùng bị hạn hán gây nên những lo ngại tại Việt Nam và Campuchia. Hà Nội làm áp lực để đòi Bangkok dùng Ủy ban Sông Mekong (MRC) để giải quyết vấn đề, trước khi những vấn đề này leo thang trong tương lai. Tuy nhiên, MRC bị các nhà tài trợ cắt giảm ngân sách trầm trọng vì bất bình với Ủy ban Sông Mekong và những cáo buộc quản lý không tốt và tham nhũng trong ủy ban.
Ông Ou Virak, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu ở Campuchia có tên là Diễn đàn Tương lai, nói:
“Nguồn cá nước ngọt đối với người Campuchia rất quan trọng. Tôi nghĩ biến đổi khí hậu có thể cảm nhận được hiện nay. Mùa nắng nóng đến rất sớm, không còn có mùa đông nữa, không có mùa mát nữa”.
Ông Ou Virak nói thêm là biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới hoạt động ngoại giao khu vực, với việc Trung Quốc kiểm soát dòng chảy Sông Mekong xuyên qua một hệ thống mạng lưới đê đập rộng lớn được xây dựng trong 20 năm qua.
Đây là một lợi điểm to lớn của Trung Quốc trong những cuộc thương thuyết với những nước nằm dọc Sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Ou Virak nói tiếp:
“Nhưng nếu nhìn vào những con đập trên thượng nguồn Sông Mekong ở Trung Quốc, tôi nghĩ là những con đập này chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều, không những ảnh hưởng đến nguồn cá mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước. Những nước ở hạ lưu Sông Mekong như Việt Nam, Campuchia sẽ phải tìm cách thương thuyết với Trung Quốc”.
Nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với thiệt hại lớn về mùa màng vì hạn hán nghiêm trọng và nước mặn tràn vào đất nông nghiệp tại vùng đồng bằng Sông Mekong và 12 tỉnh của Việt Nam. Một số báo cáo cho biết nước mặn đã tràn đến biên giới Campuchia.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, được báo chí nhà nước trích lời nói rằng cho tới nay đã có 139.000 hecta đất bị nhiễm mặn và con số này sẽ gia tăng ít nhất cho đến khi mùa mưa kế tiếp bắt đầu, thường là vào khoảng tháng 6.
Ông Tek Vannara, giám đốc của Diễn đàn các Tổ chức phi chính phủ, nói có thêm 200.000 hecta lúa bị tiêu hủy vì hạn hán ở Campuchia, và việc này có ảnh hưởng rất xấu đối với đời sống của nông dân.
Ông Tek Vannara nói:
“Đồng lúa bị hủy hoại vì hạn hán. Nước mặn tràn vào do phá rừng tại vùng Sông Mekong. Các khu rừng nhiệt đới bị biến đổi để trở thành đất nông nghiệp hoặc để dùng trong công nghiệp làm cho vấn đề này tệ hại hơn nữa. Tại Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan, rừng đã biến thành đất nông nghiệp rồi lại được sử dụng trong công nghiệp. Do đó đây là một nguyên nhân căn bản khác”.
Tại Việt Nam, ông Cao Đức Phát nói tình trạng thiếu nước ngọt ảnh hưởng tới 575.000 người cùng với những cơ sở kinh doanh như bệnh viện, trường học, khách sạn và công xưởng. - VOA
|
|
5.
Nghị sĩ Đức 'đến phiên xử Anh Ba Sàm' (23/3)
Một nghị sĩ Đức, Martin Patzelt, nói ông sẽ đến phiên tòa xử blogger Anh Ba Sàm tại Hà Nội
Trong thông cáo báo chí từ trang web chính thức, ông Martin Patzelt nói ông sẽ tham dự phiên tòa "với tư cách quan sát viên".
Cũng trong thông cáo này, ông cho biết "đã nộp đơn xin tham dự phiên tòa" nhưng vẫn chưa nhận được trả lời từ phía Việt Nam.
Trước đó, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm) cùng bà Nguyễn Thị Minh Thúy.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh bị bắt ngày 5/5/2014 với cáo buộc từ trang thông tin của Bộ Công An là "đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị truy tố tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Trang blog Anh Ba Sàm mà ông chủ xướng đăng nhiều bài viết về chính trị-xã hội Việt Nam, được nhiều người truy cập, nay do người khác quản lý.
Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ (VPI).
Tòa án Hà Nội từng hoãn phiên xử này một lần vào tháng 1/2016.
'Chưa được cấp giấy phép'
Trong thông cáo, ông Martin Patzelt nói ông đã "theo dõi từ lâu việc bắt giữ" và từng có gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh "để yêu cầu can thiệp cho ông Vinh được xét xử công bằng và được trả tự do".
Trả lời BBC Tiếng Việt, văn phòng của nghị sĩ Martin Patzelt cho biết: "Ngài Martin vẫn chưa được cấp giấy phép quan sát phiên tòa. Có thể ông sẽ được xem phiên tòa qua màn hình TV từ phòng kế bên."
"Chúng tôi được biết việc phát hình này có thể bị cắt giữa chừng khi cần. Nhưng tới giờ vẫn chưa có thông tin chính xác. Chúng tôi hy vọng sẽ có quyết định vào ngày mai [22/3]."
Ông Martin Patzelt là nghị sĩ và là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Đức.
Phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra ngày 23/3 tại Hà Nội. - BBC
|
|
6.
Tân Chủ tịch Quốc hội VN ra mắt ngày 31/3 [LMN: chưa bầu QH mà đã có tân chủ tịch QH - trò diễu dỡ]
Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín để bầu tân Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3.
Ứng cử viên cho chức vụ này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị.
Quốc hội Việt Nam đã khai mạc phiên họp cuối cùng vào sáng 21/3, kéo dài đến 12/4.
Theo lịch làm việc được công bố, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trong ngày 31/3.
Đến chiều cùng ngày, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và xem danh sách đề cử mới.
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, đã được Trung ương Đảng khóa 11 giới thiệu là ứng viên cho vị trí này.
Đến sáng thứ Bảy 2/4, Quốc hội Việt Nam sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ vào sáng hôm đó.
Chiều thứ Tư 6/4, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rồi thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 7/4, Quốc hội bầu Thủ tướng, mà ứng viên là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tân Thủ tướng, vào ngày 9/4, sẽ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Việt Nam sẽ bầu cử Quốc hội khóa mới vào ngày 22/5, với kết quả công bố ngày 11/6.
Theo điều mà nhiều người gọi là thủ tục, các chính khách sắp được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng vẫn ra ứng cử Quốc hội khóa mới.
Khi Quốc hội khóa mới nhóm họp, những người này sẽ lại trải qua một cuộc bỏ phiếu mới của Quốc hội. - BBC
No comments:
Post a Comment