Monday, February 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/2

Chào đón ngày nhuần (leap day) của dương lịch


Tin Thế Giới

1.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng gấp đôi --- Người mất tích ở Hong Kong thú tội trên truyền hình Trung Quốc

Một tổ chức nghiên cứu ở Thuỵ Điển cho biết lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong 5 năm qua đã tăng gần gấp đôi trong lúc nước này cố gắng trở thành một nhà cung ứng vũ khí lớn trên thị trường toàn cầu. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant tường thuật từ Hồng Kông.

Một cuộc khảo cứu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm cho thấy lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng 88% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.

Ông Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao của viện này cho biết như sau.

"Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu. Rất nhiều những vụ xuất khẩu này là tới những nước mà Trung Quốc có những mối quan hệ tốt đẹp từ lâu, cho nên việc Trung Quốc cung ứng vũ khí cũng có một mục tiêu chiến lược. Thí dụ như Pakistan, Bangladesh và Myanmar."

Trung Quốc giờ đây là nước xuất khẩu vũ khí nhiều hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga, chiếm gần 6% lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới từ năm 2011 đến năm 2015.

Trong cùng thời gian này, xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga đã tăng với tỉ lệ lần lượt là 27% và 28% và vẫn tiếp tục dẫn đầu khá xa Trung Quốc và những nước khác trên thế giới.

Trong 5 năm trước, lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25%, cho thấy nước này bây giờ đã có đủ trình độ công nghệ để tự sản xuất nhiều loại vũ khí.

Ông Wezeman cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc để hiện đại hoá quân đội có thể làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Á châu. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay lên tới mức 141 tỉ đô la, tăng 10% so với năm ngoái.

"Chúng ta có thể thấy một xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở Á châu. Chúng ta có thể thấy các nước đã phản ứng trước những gì mà các nước láng giềng của họ đang làm, và một lực đẩy mạnh cho xu thế này chính là công cuộc hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc, sự gia tăng năng lực của Trung Quốc gắn liền một chính sách khá hung hãn của Trung Quốc."

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, Việt Nam đã nhảy vọt từ hạng 43 để trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ 8, chiếm khoảng 3% tổng số những vụ mua bán vũ khí trên thế giới. Ấn Độ chiếm khoảng 14% trong cùng thời gian này.

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng những hoạt động trong thời gian gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho căng thẳng gia tăng trên khắp vùng Đông Nam Á.

"Rõ ràng là việc này ngay trước mắt đã tạo ra bất ổn cho khu vực, vì những nước như Việt Nam, Philippines và Indonesia vốn dĩ muốn tập trung nỗ lực vào mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường kiến trúc khu vực, nhưng họ bị vướng vào điều mà họ xem là một nhu cầu gần như là sinh tử để tăng cường sức mạnh quân sự của mình, để mua vũ khí, để chuyển ngân sách sang mục tiêu hiện đại hoá quân đội. Đó là một việc bất đắc dĩ, nhưng đó là việc mà họ phải làm trong lúc đối mặt với một Bắc Kinh mà họ xem là một mối đe dọa an ninh mỗi ngày một tăng."

Bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu cấp cao về Á châu và là giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng tuy những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có thể làm tăng mạnh những vụ mua bán vũ khí ở Á châu, các nước láng giềng của Trung Quốc không thể theo kịp Trung Quốc.

"Họ muốn có những sự lựa chọn khác thay vì cảm thấy họ phải ứng phó với Trung Quốc và họ không có đủ khả năng, cho dù họ đã gia tăng chi tiêu để mua vũ khí. Không nước nào giáp ranh với Trung Quốc có thể theo kịp Trung Quốc. Quí vị cứ nhìn vào chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là thấy ngay. Cho nên các nước Đông Nam Á sẽ phải tìm kiếm những cách thức có tính chất sáng tạo hơn. Họ có thể gia tăng khả năng của chính mình."

Các nước láng giềng của Trung Quốc đã gia tăng hợp tác để bảo vệ những yêu sách chủ quyền của mình. Hồi đầu tháng này Việt Nam loan báo họ cho phép Ấn Độ thiết lập một trung tâm theo dõi vệ tinh ở miền nam Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp cho Việt Nam có được những hình ảnh về tình hình ở Biển Đông. - VOA

***
Bốn trong số 5 người bán sách ở Hong Kong bị mất tích tháng Mười năm ngoái mới xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc, và lần đầu tiên xác nhận rằng họ đã bị bắt giữ vì “buôn bán sách trái phép” ở Trung Hoa đại lục.

5 người bán sách, trong đó có cả công dân Anh và Thụy Điển, đều có liên quan tới cùng một nhà xuất bản và cửa hàng chuyên bán các cuốn sách về các vụ tai tiếng về đời tư và sự tranh giành quyền lực của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những vụ mất tích đã gây ra các lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng các chiến thuật “trong bóng tối” có thể làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” áp dụng đối với Hong Kong để từ khi lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Bốn người đàn ông đã công bố chi tiết các cáo buộc đối với họ trên kênh truyền hình Phoenix tối qua.

Trong bản tin kéo dài 4 phút trong đó có các cuộc phỏng vấn độc quyền với những người này, họ thú nhận bán các cuốn sách “bất hợp pháp” ở Trung Quốc thông qua một trang web và đã trốn tránh cơ quan xuất nhập cảnh để chuyển 4.000 cuốn sách tới 380 khách hàng kể từ tháng Mười năm 2014.

Một số chính phủ đã bày tỏ quan ngại về các vụ mất tích mà một số các nhà ngoại giao cho rằng có dính tới các điệp viên Trung Quốc ở Hong Kong và Thái Lan.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quan chức thực thi pháp luật của nước này sẽ không bao giờ làm điều gì bất hợp pháp, nhất là ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong. - VOA
|
|

2.
Người di cư tràn qua biên giới Macedonia

Đám đông người di cư đã dùng cột thép thúc qua hàng rào dây thép gai ở biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp.

Đoạn phim cho thấy di dân đẩy hàng rào ở Idomeni, kéo đổ dây thép gai trong lúc cảnh sát Macedonia bắn hơi cay nhằm chặn lại đám người.

Một phần của hàng rào bị phá toang bằng cây cột thép. Vẫn không rõ người di cư đã vượt qua bằng cách nào.

Nhiều người trong số di dân tới châu Âu là người tỵ nạn Syria và Iraq.

Khoảng 6.500 người vẫn bị kẹt lại ở phía biên giới Hy Lạp khi Macedonia chỉ cho một số ít người qua. Rất nhiều người cắm trại trong điều kiện thiếu vệ sinh suốt một tuần hoặc hơn, với đồ ăn và hỗ trợ y tế khan hiếm.

Vụ lộn xộn hôm thứ Hai nổ ra ở khu vực cổng đã được gắn thêm dây thép gai nhằm giữ người di cư không vào được nơi có đường tàu.

Macedonia và một số quốc gia vùng Balkan khác đã dựng hàng rào nhằm giảm lượng di dân đổ vào khu vực này, sau khi hơn một triệu người tới Đức vào năm ngoái.

Hy Lạp giận dữ trước việc Áo áp dụng con số giới hạn người nhập cư. Cuộc khủng hoảng khiến Hy Lạp phải chịu gánh nặng về nhà cửa khi di dân tới châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất nhiều người tỵ nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Trung Đông, trong lúc những người khác tránh tình trạng bị lạm dụng nhân quyền ở Afghanistan, Eritrea và các vùng chiến sự khác.

Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục châu Âu giúp Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.

Trong một phỏng vấn truyền hình bà nói: "Liệu anh có thực sự tin rằng tất cả các quốc gia châu Âu năm ngoái đã đấu tranh hết sức để giữ Hy Lạp ở lại khối châu Âu, và chúng ta là những người thực hiện điều đó nghiêm ngặt nhất, sau đó một năm lại để Hy Lạp, theo một cách nào đó, lao vào vòng lộn xộn?"

Bà bảo vệ quyết định không đặt ra con số giới hạn người nhập cư, và nói bà không có "Kế hoạch B" (kế hoạch dự trù). - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Clinton chiếm lợi thế trong ngày Siêu thứ Ba

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ và họp bầu tại 12 tiểu bang của đảng Dân chủ vào ngày được gọi là ngày Siêu thứ Ba, đặc biệt là tại tiểu bang lớn nhất của các tiểu bang này là Texas, nơi bà đã thiết lập được những mối quan hệ từ lâu. Tuy nhiên đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders đang lớn mạnh nhờ một mạng lưới hầu hết là những người ủng hộ thuộc giới trẻ đang hoạt động trong một chiến dịch nhắm vào những người dân bình thường. Thông tín viên Đài VOA Greg Flakus tường thuật từ Houston.

Một đám đông lớn reo hò đón chào bà Hillary Clinton tại một buổi tập họp mới đây ở Houston, bao gồm cả một số những nhân vật nổi tiếng của đảng Dân chủ trong tiểu bang.

Một cử tọa đa dạng nghe bà Clinton nói chuyện.

“Bạn có nghĩ là chúng ta chờ đợi đủ lâu đối với việc làm việc như nhau, lương bổng bằng nhau hay không? Chúng ta cũng phải giải quyết rào cản của sự kỳ thị tồn tại lâu nay, có nghĩa là phải trực tiếp đối đầu với thực tế phân biệt chủng tộc có hệ thống, và đầu tư vào những cộng đồng đã bị bỏ ra ngoài và bỏ lại đằng sau."

Những người ủng hộ bà Clinton nhấn mạnh đến kinh nghiệm và khả năng giải quyết mọi việc của bà. Một nữ ủng hộ viên nói:

“Tôi nghĩ việc tăng cường sức mạnh cho phụ nữ sẽ vượt qua được tất cả những điên rồ đã xảy ra trong chính trường.”

Một phụ nữ khác phát biểu:

“Tôi không bỏ phiếu cho bà chỉ vì tôi là một người ủng hộ quyền của phụ nữ, dù tôi là một người ủng hộ quyền của phụ nữ. Tôi bỏ phiếu cho bà vì bà là người đủ điều kiện nhất.”

Một thanh niên nói:

“Bà Hillary có cơ may tốt nhất để mang lại sự tiến bộ thực sự thay vì chỉ nói suông đến việc  này.”

Tuy nhiên nhiều công dân trẻ tại Texas và trên toàn quốc nhiệt tình ủng hộ ông Bernie Sanders.

Thượng nghị sĩ Sanders nói:

“Trong 30 năm qua có sự phân phối lại của cải. Vấn đề nằm ở chỗ là sự tái phân phối này đã đi sai hướng.”

Ông Sanders không đối đầu được với hạ tầng cơ sở của bà Clinton đã ăn sâu vào gốc rễ tại Texas, nhưng ông có một số những người vận động đầy nhiệt tình thuộc giới bình dân.

Ông Cesar Vargas, một người vận động trong chiến dịch tranh cử của ông Sanders nói:

“Đây là những con người thực sự đến với nhau vì chúng tôi đã quá chán với cùng một khung cảnh chính trị, cùng một trò chơi chính trị.”

Ông Cesar Vargas là một người sinh sống tại New York, con trai của một di dân Mexico không có giấy tờ hợp lệ. Ông không tán thành ý kiến cho rằng bà Clinton có thể thu hút nhiều cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh.

“Điều chúng tôi thấy tại Nevada là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders dẫn đầu số phiếu của các cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh và vượt quá bà Clinton trong số những cử tri dưới 30 tuổi.”

Một trong những người này là cô Kayenta Smith 17 tuổi. Cô hỏi:

“Bạn có tính tham dự cuộc bầu cử sơ bộ của đàng Dân chủ ngày 1 tháng Ba không?”

Giống như những người đồng lứa tuổi, cô thích những đề nghị của ông Sanders mà ngay cả nhiều người thuộc đảng Dân chủ bác bỏ vì cho rằng theo chủ nghĩa xã hội.

“Như bạn biết đấy, chăm sóc sức khỏe không tốn tiền và giáo dục miễn phí. Tôi muốn đóng thuế cao hơn để chi trả cho những việc như vậy.”

Cô Kayenta Smith nói cô có kinh nghiệm về những lợi ích của việc chính phủ cung cấp bảo hiểm y tế khi sống với gia đình tại Canada và Anh.

Bà Clinton chỉ trích ông Sanders là đã không giải thích được vấn đề làm thế nào ông có thể chi trả cho những chương trình như vậy. Nhưng bà sẽ khó đánh bại ông Sanders để được đảng Dân chủ đề cử nếu bà không giành được phiếu của những người ủng hộ trẻ của ông Sanders, những người mà bà Clinton rất cần trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay. - VOA
|
|

4.
“Spotlight” đoạt giải Oscar Phim xuất sắc nhất --- Leonardo DiCaprio đoạt giải Oscar

“Spotlight”, bộ phim về cuộc điều tra của tờ Boston Globe về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giáo hội Công giáo, đã giành giải Oscar “Phim xuất sắc nhất” tại lễ trao giải lần thứ 88, đánh bại các đối thủ nặng ký khác là “The Revenant”, “Mad Max”, “Room” và “Bridge of Spies”.

Leonardo DiCaprio đã được mọi người đứng lên cổ vũ khi lần đầu tiên giành giải Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”.

DiCaprio đã cảm ơn đoàn làm phim “The Revenant” vì đã mang tới một “trải nghiệm điện ảnh siêu việt”.

Trong khi phát biểu lúc nhận giải, nam tài tử này còn cảnh báo rằng “tình trạng biến đổi khí hậu là điều có thật”, và nêu lên chuyện rằng các nhà làm phim “The Revenant” phải đi tới tận mũi phía nam của trái đất “chỉ để tìm tuyết”.

Trong khi đó, đạo diễn bộ phim “Revenant”, Alejandro Inarritu giành giải Oscar “Đạo diễn xuất sắc nhất” lần thứ hai liên tiếp. Năm ngoái ông cũng giành giải ở hạng mục này với bộ phim “Birdman”.

Trong khi đó, ông Emmanuel Lubezki đã làm nên lịch sử với giải Oscar thứ ba liên tiếp ở hạng mục “Quay phim xuất sắc nhất”.

Brie Larson giành giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” cho vai diễn người mẹ bị bắt cóc trong phim “Room”. Trước đó, cô đã được nhiều người dự báo giành được giải này.

Alicia ZVikander và Mark Rylance giành giải “Nữ và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” cho vai diễn trong phim “The Danish Girl” và “Bridge of Spies”.

Hơn 40 triệu người trên toàn thế giới đã theo dõi lễ trao giải qua truyền hình. - VOA

***
Nam diễn viên Leonardo DiCaprio cuối cùng cũng đoạt giải Oscar đầu tiên của mình trong đêm trao giải Oscar 2016 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ.

Anh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn Hugh Glass trong bộ phim The Revenant (Người về từ cõi chết)

Bộ phim The Revenant được đề cử 12 giải Oscar và giành được ba giải, ở các hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Alejandro Inarritu , Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.

Phát biểu khi nhận giải, Leonardo Dicaprio nói: "Biến đổi khí hậu là có thật. Đó là đe dọa khẩn thiết nhất mà giống loài chúng ta phải đối mặt, và chúng ta phải cùng nhau hành động và không trì hoãn nữa."

Nam diễn viên kêu gọi khán giả hãy "ủng hộ các lãnh đạo khắp thế giới không theo những tập đoàn lớn và những kẻ gây ô nhiễm mà lên tiếng vì nhân loại, vì những cư dân bản địa toàn cầu, vì hàng triệu triệu con người không thuộc tầng lớp thượng lưu đang bị ảnh hưởng"

Đạo diễn Inarritu của bộ phim The Revenant cũng nói đây là "cơ hội tuyệt vời để thế hệ chúng ta thoát khỏi mọi định kiến" và việc nói về màu da của một ai đó cũng "không phù hợp như nói về độ dài của mái tóc họ" vậy.

Đây là giải Oscar thứ tư của đạo diễn Inarritu. Ông từng giành giải đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất và hình ảnh xuất sắc nhất cho bộ phim Birdman (Người Chim) năm 2015.

Bộ phim Spotlight đoạt giải Phim hay nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Brie Larson đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim độc lập Room (Căn phòng), kể về hai mẹ con bị giam cầm trong một căn phòng chỉ vài mét vuông.

Nữ diễn viên Alicia Vikandaer giành giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong bộ phim quen thuộc với khán giả Việt Nam "The Danish Girl".

Hạng mục Phim nước ngoài hay nhất thuộc về "Son of Saul" (Con trai của Saul).

Nam diễn viên người Anh Mark Rylance được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho bộ phim Bridge of Spies (Người đàm phán). Trong phim này, ông đóng vai một điệp viên người Nga bị Hoa Kỳ bắt giữ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Giải "Phim tài liệu hay nhất" thuộc về bộ phim "Amy" - nói về cuộc đời của nữ ca sỹ Amy Winehouse.

Bộ phim ''Mad Max: Con đường tử thần'' liên tiếp giành sáu giải Oscars ở các hạng mục kỹ thuật.

Bộ phim của đạo diễn George Miller người Úc giành các giải thiết kế trang phục xuất sắc nhất, thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, trang điểm và làm tóc xuất sắc nhất, giải Hòa âm xuất sắc nhất, giải Dàn dựng âm thanh xuất sắc nhất và giải Dựng phim xuất sắc nhất.

Lễ trao giải Oscar 2016 đã diễn ra tại Holywood, kinh đô điện ảnh của Hoa Kỳ.

Người dẫn chương trình trong đêm lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ là nam diễn viên Chris Rock. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam đề nghị Campuchia giúp đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình

Việt Nam chính thức đề nghị Campuchia giúp đỡ đào tạo Lực lượng gìn giữ hòa bình để chuẩn bị cho công tác huấn luyện bổ sung do Liên Hiệp quốc dành cho Việt Nam.

Đại tá Lưu Đình Hiến, Phó giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đã đưa ra đề nghị kể trên trong cuộc gặp với Quốc vụ khanh Quốc phòng Campuchia, Tướng Chay Sangyun, hôm 24/2.

Theo ông Hiến, Việt Nam đang có kế hoạch cử một đơn vị công binh và quân y tham gia khóa huấn luyện của Liên Hiệp quốc. Tuy nhiên, Quân đội Việt Nam thiếu kinh nghiệm về một số quy trình của LHQ.

"Là nước láng giềng, Việt Nam đề nghị Campuchia giúp đỡ huấn luyện quân đội của mình", Đại tá Hiến nói.

Quân đội Hoàng gia Campuchia đã phái hơn 3.000 binh sĩ ra nước ngoài để phục vụ cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc từ năm 2006.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ 10 năm nay và có mối quan hệ gần gũi, Campuchia rõ ràng là đối tác thích hợp của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về phía Campuchia, ông Chay Sangyun nói rằng "Quân đội Việt Nam đã giúp đỡ các lực lượng vũ trang Campuchia rất nhiều trong quá khứ, không chỉ về tinh thần mà còn cả mặt vật chất và xây dựng nguồn nhân lực". Do vậy, hai bộ quốc phòng hai nước luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau bất cứ khi nào.

Việt Nam và Mỹ cũng đã có những hợp tác để xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Mới đây nhất, chiều 28/1, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Văn phòng hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ (ODC) đã tổ chức lễ bế mạc Khóa I tiếng Anh cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bệnh viện Quân y 354.  

Khóa học do đội ngũ giáo viên người Mỹ giảng dạy, đặc biệt chú trọng rèn các kỹ năng nghe và nói. Ngoài ra, theo thỏa thuận song phương, trước đó trong năm 2015 Mỹ đã trợ giúp Việt Nam thành lập và xây dựng Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp Việt Nam tăng cường huấn luyện, quản lý nguồn lực và hợp tác với Mỹ và các đối tác khác để đảm bảo thế giới có nhân viên gìn giữ hòa bình luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được huy động. - VOA
|
|

6.
Mỹ cần làm gì trước việc Trung Quốc gia tăng quân sự ở Biển Đông? --- Biển Đông: Giải mã phản ứng cứng rắn của Việt Nam chống Trung Quốc

Tuần trước, các chỉ huy của các quân chủng khác nhau trong quân đội Mỹ nói Mỹ có thể phải tái cơ cấu lại các tàu chiến và lực lượng được triển khai ở Thái Bình Dương trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường quân sự ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, trong tuần trước nói các hoạt động ở Thái Bình Dương đang thay đổi vì Trung Quốc đang quân sự hóa một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đô đốc John Richardson, Trưởng phòng Tác chiến Hải quân, và Tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, hôm 26/2 nói họ muốn rằng đến năm 2020 họ có trong tay 154 chiến hạm được triển khai ở Thái Bình Dương trong hạm đội gồm tổng số 308 chiến hạm đã được hoạch định.

Trung Quốc đang ráo riết củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác, cho dù Mỹ đã kêu gọi các bên theo đuổi biện pháp ngoại giao. Gần đây, có tin Trung Quốc đã đưa chiến đấu cơ, oanh tạc, radar và hỏa tiễn địa đối không ra các đảo ở Biển Đông.

Trong một bài viết đăng trên tờ Huffington Post ngày 28/2, Giáo sư sử học Tom Mockaitis  thuộc trường ĐH DePaul, cho rằng Mỹ có ít lựa chọn để chống lại các động thái của Trung Quốc trong khu vực. Chuyên gia phân tích an ninh quốc tế kiêm sử gia quân sự này nhận định nếu Mỹ tăng cường phát triển quân sự sẽ chỉ “khuyến khích” Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối trọng và “có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và vô ích”.

Giáo sư Mockaitis nói chiến lược “tái cân bằng”của Mỹ sang châu Á đã bị hạn chế bởi cuộc xung đột ở Trung Đông và sự trỗi dậy trở lại của Nga. Triển khai thêm vũ khí, khí tài của hải quân và không quân tới khu vực sẽ có tác dụng hạn chế. “Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh vì Biển Đông, và Trung Quốc biết điều đó. Nhận thức đó làm giảm mức độ đáng tin cậy của bất cứ động thái quân sự nào của Mỹ”, Giáo sư Mockaitis nhận định.

Ông nói thêm việc Mỹ cố gắng vượt trội Trung Quốc ngay trong “sân sau” của nước này sẽ không có hiệu quả. Cố gắng làm như vậy chỉ làm gia tăng ngân sách quốc phòng.

Ông cho rằng tuy Mỹ cần trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ trước các hành động xâm lăng trực tiếp, và điều đó cần Mỹ phần nào củng cố quân sự ở khu vực, song Mỹ cần có bước đi thận trọng. Ông Mockaitis đưa ra quan điểm “Xuống thang cùng với các nỗ lực ngoại giao của các nước ven Biển Đông với sự hậu thuẫn của Mỹ có thể là cách hành động khôn ngoan nhất”. - VOA

***
Ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ công bố trong thời gian gần đây đã vạch trần các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của Hà Nội trong khu vực, mà còn trực tiếp đe dọa an ninh của Việt Nam. Trước các hành động đó, Việt Nam đã có một loạt phản ứng được giới phân tích đánh giá là nhanh chóng và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trả lời RFI qua thư điện tử, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng đã có « đồng thuận » trong giới lãnh đạo mới tại Việt Nam là cần phải quyết đoán hơn.

Vào tháng 9 năm ngoái 2015, nhân chuyến viếng thăm Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai cam kết là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Lời hứa này đã nhanh chóng bị thực tế hiện trường chứng minh là lời hứa suông.

Bằng chứng do các phương tiện truyền thông Mỹ cũng như Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố trong tháng Hai 2016 này, cho thấy là Bắc Kinh đã cho triển khai tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9, đồng thời cho điều hai loại chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 đến đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ảnh vệ tinh mới nhất cũng cho thấy là Trung Quốc vừa củng cố các phi đạo xây trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), vừa cho xây dựng hệ thống radar tần số cao trên đá Châu Viên (Cuarteron), và các trạm radar khác trên đá Ga Ven (Gaven), đá Tư Nghĩa (Hughes) và đá Gạc Ma (Johnson South). Mục tiêu quân sự của các công trình này rất hiển nhiên.

Tố cáo đích danh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Trước các hành động triển khai vũ khí và thiết bị quân sự càng lúc càng nhiều tại Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ về cả về mặt ngoại giao nhắm vào Trung Quốc, lẫn trên phương diện vận động công luận trong nước và ngoài nước.

Rõ ràng nhất là lời tố cáo với những nội dung cứng rắn chỉ đích danh Trung Quốc được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra nhân buối họp báo thường kỳ tại Hà Nội ngày 25/02/2016.

Trước các thông tin theo đó Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đặt hệ thống radar trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình đã tố cáo :

"Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông."

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng gián tiếp lên án các hành vi vô trách nhiệm và vi phạm luật lệ quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông khi « yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC".

Trước đó, ngày 19/02, khi phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (Duncan Island) và bố trí tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng đã lên tiếng « yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó".

Không chỉ thế, ngoài thông lệ là chuyển công hàm phản đối đến đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, Việt Nam còn gởi tuyên bố phản đối lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu định chế quốc tế này cho lưu hành công hàm phản đối Bắc Kinh đến mọi thành viên, qua đó đánh động quốc tế về các hành vi "sai trái" của Trung Quốc.

Lên tiếng ủng hộ việc Mỹ can dự vào Biển Đông 

Cũng trong lãnh vực ngoại giao, Việt Nam đã công khai hóa quan điểm ủng hộ vai trò của Mỹ tại Biển Đông, bất chấp những lời tố cáo được Trung Quốc lập đi lập lại là Washington không có tư cách can dự vào khu vực.

Trong một tuyên bố hiếm hoi về các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông, ngày 31/01 vừa qua, phát ngôn viên Việt Nam đã lên tiếng tán đồng chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ tiến hành một hôm trước đó khi cho khu trục hạm USS Curtis Wilbur tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) đang tranh chấp với Việt Nam, nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam có « chủ quyền không thể tranh cãi... đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa », nhưng Việt Nam « tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế".

Không chỉ ủng hộ các hành động của Washington, Việt Nam thậm chí còn công khai kêu gọi Mỹ dấn thân sâu hơn nữa vào Biển Đông. Trong cuộc tiếp xúc song phương với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/02 bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California, Hoa Kỳ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không ngần ngại yêu cầu Mỹ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa tại Biển Đông.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rõ : « Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nhất là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn. Thủ tướng cũng đề nghị Washington có lời nói và hành động giúp chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông..., tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển."

Vận động dư luận trong nước

Thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc không chỉ thể hiện trong lãnh vực ngoại giao. Không phải là ngẫu nhiên khi ngày 17/02 vừa qua, tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh ngắn nhưng đẫm máu ở biên giới Việt-Trung, khi Trung Quốc tung hàng trăm nghìn quân vượt qua biên giới đánh vào Việt Nam.

Dĩ nhiên là trên nguyên tắc, các cuộc tập hợp không được chính quyền Việt Nam cho phép, nhưng buổi lễ đã diễn ra tương đối êm thắm tại Hà Nội, còn tại Sài Gòn thì vẫn còn việc công an tìm cách ngăn cản những nhân vật chủ chốt đến nơi làm lễ kỷ niệm.

Điều cũng cần ghi nhận là trên báo chí chính quyền số lượng bài viết về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc khá nhiều, cho thấy là chính quyền cũng lơi là kiểm duyệt đối với một vấn đề cấm kỵ trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, như báo chí trong nước đã ghi nhận, ngày 17/02, chính chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đến thắp hương trên từng ngôi mộ tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trà Lĩnh ở tỉnh Cao Bằng, gần biên giới với Trung Quốc, nơi chôn cất hơn 300 người đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc xâm lược vào năm 1979.

Nhân dịp lễ kỷ niệm cuộc chiến này, báo chí chính thức cũng tích cực tham gia vào cuộc tranh luận về việc đưa các chủ đề như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, chiến tranh biên giới Tây Nam, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa.

Vấn đề này chính thức được đèn xanh của chính phủ, theo như nhận định của ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng bộ Giáo Dục, cho rằng cần phải xem xét việc đưa các nội dung vào sách giáo khoa « với dung lượng phù hợp ».

Giáo sư Carl Thayer : Đã có đồng thuận là phải cứng rắn hơn

Nhìn chung, Việt Nam như vậy là đã có phản ứng cứng rắn hẳn lên trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, khác hẳn với thái độ nhiều khi bị đánh giá là quá thận trọng trong thời gian trước đây.

Để giải mã thay đổi này, RFI đã đặt một số câu hỏi cho giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales).

Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer trước hết ghi nhận sự đồng thuận hiện nay trong giới lãnh đạo Việt Nam, đã nhất trí là cần phải kiên quyết hơn đối với các hành động đe dọa an ninh và chủ quyền Việt Nam đến từ phía Trung Quốc.

Thayer : Giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam giờ đây đã được ổn định sau những thay đổi ở Đại Hội Đảng lần thứ 12. Sau một giai đoạn phân định trách nhiệm và các ưu tiên, bây giờ ban lãnh đạo Việt Nam đang bắt tay vào việc giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Tâm lý chống Trung Quốc trong công luận Việt Nam hiện đang lan rộng, điều mà lãnh đạo Việt Nam phải lưu ý. Trong nội bộ các lãnh đạo, đã xuất hiện một suy nghĩ đồng thuận là Việt Nam cho đến gần đây đã chưa quyết đoán đúng mức trong việc khẳng định quyền lợi quốc gia dân tộc, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Những hành động mới đây của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại chính đáng về an ninh quốc gia đối với hơn 20 thực thể địa lý và tiền đồn ngoài khơi của Việt Nam trên Biển Đông.

RFI : Các động thái cứng rắn của Việt Nam có khác thường hay không vì Hà Nội thường thận trọng hơn trong việc chỉ trích Trung Quốc?

Thayer : Việt Nam đã từng đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên Hiệp Quốc trước đây, và trong những năm gần đây, cũng đã cho phép báo chí trong nước đưa nhiều thông tin về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Cách đây 2 năm, bản thân tôi có tham gia một chương trình thu hình trước của một phim tài liệu dài 3 tiếng đồng hồ, do của đài truyền hình Việt Nam, nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới. Tuy nhiên chương trình đã bị gác qua một bên và chưa hề được phát.

Các động thái hiện thời của Việt Nam phản ảnh tâm lý (chống Trung Quốc) của dân chúng cũng như quan điểm của đại đa số cán bộ trong đảng và quân đội đã về hưu, nhất là nơi các nhà ngoại giao đã từng làm việc ở Trung Quốc.

RFI : Việt Nam cũng dự định đưa cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc năm 1979 và vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa. Giáo sư nhận xét thế nào về sáng kiến này?

Thayer : Các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục đó phản ánh đồng thuận trong đảng Cộng Sản là Việt Nam phải mạnh dạn và thẳng thắn hơn trong việc xử lý các vấn đề đó.

Chủ trương này một phần bắt nguồn từ lập luận là Trung Quốc đã khéo lợi dụng sự gắn bó về mặt ý thức hệ Cộng Sản giữa hai bên để bịt miệng Việt Nam.

Thế nhưng thái độ tự kiềm chế không còn được Việt Nam áp dụng được nữa sau khi bị mất tin tưởng nghiêm trọng nơi Trung Quốc từ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 vào năm 2014.

RFI : Một số chuyên gia phân tích nghĩ rằng với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, Việt Nam sẽ hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Giáo sư có cho rằng các phân tích trên đây là sai không?

Thayer : Tôi thực sự nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thận trọng hơn. Quan điểm cứng rắn của Việt Nam (đối với Trung Quốc) hiện nay phản ánh sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo mới. Ông Trọng đã thành công trong việc cản đường ông Dũng, nhưng ông Trọng phải chịu trách nhiệm trước một Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương mới.

Một dấu hiệu cho thấy khả năng thay đổi là theo một số nguồn tin không công bố, người được cho là sắp được đề cử làm bộ trưởng Quốc Phòng mới, tướng Ngô Xuân Lịch, có thể dành chuyến đi nước ngoài đầu tiên cho Hoa Kỳ.

RFI : Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tổng thống Mỹ Obama là Hoa Kỳ nên « có những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông ». Theo giáo sư, có thể xem đây là phát biểu mạnh nhất trong số các phát biểu của lãnh đạo ASEAN tại hội nghị hay không ?

Thayer : Nhận xét của thủ tướng Dũng rõ ràng là tuyên bố công khai mạnh bạo nhất được đưa ra ở thượng đỉnh Sunnylands. Nhận định của ông Dũng phản ánh đánh giá từ lâu nay của tôi về Việt Nam.

Lãnh đạo Việt Nam thường hay nói với các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, rằng quyền lợi thiết thực của các nước đó là gì. Nói cách khác, Hoa Kỳ có lợi ích thiết yếu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và làm đối trọng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

Trường hợp ở đây tựa như Việt Nam nói « Tôi (tức là Việt Nam) có thể nghĩ vậy, nhưng mà anh (tức là Mỹ), có thể hành động".

Chúng ta có lẽ sẽ còn nghe nhiều phát biểu hơn từ ông Dũng vì ông sẽ rời khỏi chức vụ trong vòng năm tháng nữa nên có thể nói nhiều hơn về Trung Quốc một cách công khai. - RFI

No comments:

Post a Comment