Tin Thế Giới
1.
TQ: 'VN đừng chính trị hóa' bản đồ hàng không --- TQ thách thức các phi vụ tuần tra Biển Đông của Australia
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tuyên bố của Việt Nam về việc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã chỉnh sửa bản đồ hàng không theo yêu cầu của Việt Nam là "không đúng sự thực", Tân Hoa Xã tường thuật.
Hãng thông tấn Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng hôm thứ Ba 2/2/2016 "mong Việt Nam chớ chính trị hóa về bản đồ hàng không vùng thông báo bay (FIR)" ở biển Đông tại khu vực mà Trung Quốc gọi là Tam Á và Việt Nam xác định là thuộc FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam có quyền kiểm soát.
Ông Lục tại cuộc họp báo định kỳ nói rằng việc đánh dấu trên bản đồ nhằm giúp điều khiển không lưu, hỗ trợ điều hướng, đảm bảo an ninh và trật tự giao thông vận tải hàng không dân dụng quốc tế.
Ông nói: 'Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể giữ việc này nằm ngoài chính trị.'
Trước đó, truyền thông Việt Nam đưa tin ICAO tiến hành điều chỉnh FIR sau khi Việt Nam phản đối việc đưa tên 'Thành phố Tam Sa - Trung Quốc' vào bản đồ.
Tại nơi Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập còn Trung Quốc gọi là bãi Vĩnh Thử và nơi Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng một sân bay trong thời gian vài năm qua, ICAO cũng đã để ký hiệu sân bay và dòng chữ tiếng Anh có nội dung 'Sân bay Vĩnh Thử - Tam Sa'.
Việt Nam từng lên tiếng quan ngại về việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử ra đá Chữ Thập, nói đó là hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng các quy định và an toàn bay trong khu vực FIR do Việt Nam quản lý.
Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho ICAO hồi trung tuần tháng Giêng, sau đó cử đại diện tới gặp các lãnh đạo cao cấp của ICAO, và đã nhận được phản hồi của Chủ tịch Hội đồng ICAO hôm 27/1.
Cục Đại diện Hàng không Việt Nam nói bản đồ FIR Tam Á sau đó đã được điều chỉnh "theo yêu cầu của phía Việt Nam".
Theo quy định của ICAO, 'vùng thông báo bay' (FIR) là một vùng trời được xác định cụ thể dựa trên những vấn đề kỹ thuật thuần túy, không mang ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ.
ICAO cũng xác định FIR có thể gồm cả vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời không thuộc chủ quyền quốc gia, tuy nhiên quốc gia quản lý điều hành FIR có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ và quản lý tất cả các hoạt động bay trong phạm vi FIR đó, đồng thời được quyền thu phí dịch vụ.
Do đó, quyền quản lý điều hành FIR liên quan chặt chẽ và có tầm quan trọng chiến lược đối với vấn đề kinh tế và quốc phòng.
Hiện Việt Nam kiểm soát hai vùng thông báo bay, gồm FIR Hồ Chí Minh và FIR Hà Nội.
FIR Hô Chí Minh, là vùng trời thuộc FIR Sài Gòn trước kia, từng được tạm chia cắt cho bốn quốc gia và vùng lãnh thổ điều hành, trong đó Việt Nam chỉ đảm nhận phần vùng trời trên đất liền ở miền nam Việt Nam từ 1975.
Việc quản lý phần trời phía trên biển Đông trong thời gian này được trao cho ba trung tâm kiểm soát đường dài Hong Kong, Bangkok và Singapore cho tới cuối 1994 mới chuyển lại cho Việt Nam. - BBC
***
Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) cho biết đã gia tăng các cuộc tuần tra giám sát Biển Đông trong năm qua, và giờ đây các phi vụ này đang bị quân đội Trung Quốc thách thức thường xuyên.
Tư Lệnh Không quân Australia Leo Davies nói rằng Quân đội Nhân dân Trung Quốc có mặt thường xuyên hơn trong vùng vì các hoạt động lấp đất xây đảo của họ hồi gần đây, và vì sự hiện diện được tăng cường đó, các máy bay tuần tra của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) gần đây thường xuyên bị các lực lượng Trung Quốc cảnh báo.
Bộ Quốc phòng Úc mô tả chiến dịch tuần tra Biển Đông đặt tên là Operation Gateway là sự đóng góp của Australia vào công cuộc duy trì an ninh và ổn định tại Đông Nam Á.
Theo báo Sydney Morning Herald, quân đội Trung Quốc nhiều lần phát cảnh báo các phi công của Không quân Úc biết họ đang bay gần lãnh thổ của Trung Quốc và nên chuyển hướng và rời khỏi phạm vi quanh các đảo nhân tạo.
Những lời cảnh báo đó của Bắc Kinh là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thực thi yêu sách chủ quyền đối với hầu hết biển Đông. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
2.
Hàng trăm người sắp mất việc ở Yahoo
Yahoo sẽ cắt giảm 15% nhân viên khi trong khuôn khổ một chiến lược nhằm xoay chuyển tình thế của công ty Internet đang gặp khó khăn này.
Cuộc cải tổ mà người ta tiên liệu từ lâu đã được công bố hôm 2 tháng 2, theo đó sẽ giảm 1.500 việc làm, đóng cửa một số văn phòng trên khắp thế giới và xem xét bán bớt một số tài sản.
Tổng Giám đốc Điều hành Marissa Mayer hy vọng sẽ bán một số dịch vụ không còn được cần nữa của Yahoo để thu về 1 tỷ đôla, tuy bà không nói rõ đó là những dịch vụ nào.
Thu nhập của Yahoo đã sụt giảm trong phần lớn thời gian bà Mayer nắm quyền, mặc dù bà đã chi hơn 3 tỷ đôla để mua hơn 40 công ty, đồng thời thu nạp thêm người có tài và phát triển các ứng dụng mới trên thiết bị di động và các dịch vụ khác được thiết kế để thu hút thêm tương tác và các nhà quảng cáo.
Yahoo bị sụt giảm doanh thu từ quảng cáo sau khi các đối thủ là Facebook và Google đạt được lợi nhuận kỳ vọng trong quý tư, chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh trong các hoạt động kinh doanh quảng cáo. - VOA
|
|
3.
Muỗi truyền virut Zika được tìm thấy ở thủ đô Washington
Virus Zika do muỗi vằn Aedes aegypti lan truyền. Trong lúc sự chú ý của nhiều người tập trung vào ảnh hưởng của loài muỗi này ở Châu Mỹ La Tinh, một nhà sinh vật học đã tìm thấy loại muỗi này ở ngay thủ đô Washington. Thông tín viên Alberto Pimienta của đài VOA tường thuật.
Ông Andrew Lima là một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu muỗi.
Năm 2011, một người bạn nhờ ông giúp đỡ để diệt muỗi tại căn chung cư trong khu vực gần trụ sở Quốc hội Mỹ.
Những gì mà ông Lima phatgi đã làm cho ông hết sức ngạc nhiên.
"Khi tới chỗ anh ấy ở và trông thấy con muỗi đầu tiên ở đó, tôi liền đập chết nó, rồi tôi nhìn kỹ và nhận ra đó chính là loài muỗi vằn Aedes aegypti. Đây là loài muỗi gây sốt rét vàng da và cũng là loài muỗi lan truyền virus sốt dengue, virus sốt đi khòm lưng và virus Zika."
Đó không phải là một sự việc đơn lẻ.
Trong 5 năm qua, ông Lima đã tới thăm khu xóm gần Điện Capitol và tiếp tục thấy có muỗi vằn ở đây. Ông cho biết thêm như sau.
"Không có sự hiện diện của yếu tố di truyền mới. Điều này có nghĩa là trước đây một khối muỗi vằn đã có ở nơi này và bằng một cách nào đó chúng đã có thể tiếp tục tồn tại qua những tháng mùa đông."
Ông Lima nói rằng có lẽ muỗi đã tìm cách để sống còn qua mùa đông lạnh giá bằng cách tìm kiếm nơi trốn núp ở gầm cầu, trong bụi rậm hoặc những tầng hầm của các toà nhà và đẻ trứng ở những vũng nước gần đó.
Mặc dầu vậy, ông nghĩ rằng sự cảnh báo về loài muỗi truyền virus Zika này ở Washington không nên ở mức cao. Ông giải thích như sau.
"Điều này có liên hệ rất nhiều với những sự khác biệt là ở đây chúng ta có ít nơi sinh sống ngoài trời, dân chúng ở đây có máy điều hoà không khí và nhà ở của họ có đủ cửa lưới và cửa sổ, trong khi ở vùng nhiệt đới thì có nhiều không gian ngoài trời hơn trong cuộc sống của người dân."
Tuy muỗi vằn ở Washington có thể không tạo ra một mối đe dọa lớn, ông Lima nghĩ rằng chúng sẽ tiếp tục có mặt. Ông cho biết tình trạng tăng nhiệt toàn cầu cũng có thể là một yếu tố làm cho muỗi Aedes aegypti có mặt ở những nơi khá xa về hướng bắc như vậy. - VOA
|
|
4.
Các ứng cử viên tổng thống đến New Hampshire
Vào lúc các ứng viên tổng thống Mỹ giờ đây chú ý đến bang đông bắc New Hampshire, một lần nữa họ sẽ tham gia một loạt các cuộc tranh luận để trình bày lý lẽ trước khi cử tri lựa chọn vào Thứ Ba.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, phấn khởi sau chiến thắng sít sao ở Iowa, sẽ tham gia một cuộc họp lớn đêm Thứ Tư cùng Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, các đảng viên Dân chủ dự kiến sẽ có một cuộc tranh luận đúng tiêu chuẩn hôm Thứ Năm. Phía Cộng hòa dự kiến sẽ tổ chức tranh luận vào ngày Thứ Bảy.
Tuy là một bang nông thôn nhỏ bé, rất giống với nhiều nơi ở Iowa, các nhà phân tích nói cử tri đoàn của đảng Cộng hòa ở New Hampshire này mang tính cách tôn giáo ít hơn nhiều so với nhóm cử tri đã giúp Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz đạt được tỷ lệ 28 trên 24% so với tỷ phủ Trump ở Iowa. Một người bảo thủ khác, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida đã về thứ ba và bám sát với tỷ lệ 23% phiếu.
Các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử ở New Hampshire cho thấy ông Trump đang dẫn đầu cách xa những đối thủ trong đảng Cộng hòa, nhưng việc thăm dò được thực hiện trước cuộc họp bầu hôm Thứ Ba ở Iowa. Trong nhiều tháng, ông Trump cũng đã dẫn trước ở Iowa.
Các cuộc thăm dò cử tri theo đảng Dân chủ ở New Hampshire cho thấy ông Sanders, người đại diện tại Thượng viện cho bang Vermont sát bên cạnh, dẫn khá xa trước bà Clinton, Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến 2013. Nhưng bà Clinton nói với CNN hôm Thứ Ba: “Tôi cảm thấy tôi có triển vọng tốt” ở New Hampshire và bà mong sớm tham gia các sự kiện hôm Thứ Tư và Thứ Năm để bà và ông Sanders trình bày những sự khác biệt của họ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
VN bắt cựu lãnh đạo ngân hàng MHB
9 người bị công an Việt Nam bắt tạm giam vì cáo buộc sai phạm ở Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Công ty MHBS), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (Ngân hàng MHB).
Ngân hàng MHB đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi năm 2015.
Báo Công an Nhân dân loan báo ông Huỳnh Nam Dũng, 60 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB và ông Nguyễn Phước Hoà, 60 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng MHB đã bị bắt.
Bảy người khác gồm Bùi Sỹ Hiếu, 40 tuổi, nguyên Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng MHB; Lữ Thị Thanh Bình, 46 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty MHBS; Đặng Văn Hoà, 41 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS; Đoàn Việt Thắng, 39 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS; Trương Thanh Liêm, 33 tuổi, nguyên Phó Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư Công ty MHBS; Nguyễn Phương Duy, 36 tuổi, nguyên Trưởng phòng Đầu tư Công ty MHBS và Võ Kim Phụng, 34 tuổi, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích Công ty MHBS.
Những người này bị cáo buộc “gây thiệt hại cho nhà nước” trăm tỷ đồng vì sai phạm trong quá trình điều hành hoạt động tại các ngân hàng và công ty chứng khoán trước khi sáp nhập vào BIDV.
Công ty MHBS đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tạm đình chỉ hoạt động.
Tờ Công an Nhân dân viết: “Được biết, tháng 4-2011, Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hoà, Bùi Sĩ Hiếu đã góp vốn vào Công ty MHBS dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ để Lữ Thị Thanh Bình, Trương Thanh Liêm sử dụng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại chính các chi nhánh Ngân hàng MHB để hưởng chênh lệch lãi suất.
Đồng thời, sử dụng chính nguồn vốn của Sở giao dịch Ngân hàng MHB thực hiện mua bán lòng vòng trái phiếu chính phủ của ngân hàng này với các công ty trung gian để cho các công ty đó và Công ty MHBS được hưởng lợi nhuận. Trong đó có ông Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hoà đều được hưởng lợi và gây thiệt hại cho Ngân hàng MHB cả trăm tỉ đồng.”
Những người này bị bắt với cáo buộc tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. - BBC
|
|
6.
Tàu ngầm thứ năm cập cảng Cam Ranh
Tàu ngầm lớp Kilo thứ năm của Việt Nam mang tên Đà Nẵng đã từ Nga về cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.
Các nguồn tin cho biết tối thứ Ba 2/2, tàu ngầm HQ-186 Đà Nẵng được tàu chuyên dụng Rolldock của Hà Lan lai dắt, đưa về neo đậu tại vịnh Cam Ranh sau một tháng rưỡi trên biển.
Như vậy Việt Nam chỉ còn chờ tiếp nhận tàu ngầm thứ sáu, mang tên Bà Rịa-Vũng Tàu, là hoàn tất hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla ký với Nga năm 2009.
Các tàu mang tên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Khánh Hòa đã được giao cho Việt Nam từ 2014 tới nay.
Các tàu ngầm Việt Nam mua từ Nga là tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka sử dụng cả diesel và điện, được xây dựng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở St Petersburg.
Tàu ngầm Kilo là tàu ngầm thế hệ thứ ba. Đây là loại tàu ngầm hiện đại, trên có hệ thống tên lửa chống hạm Club của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m và có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.
Một số chuyên gia nhận định với hạm đội tàu ngầm mới, năng lực phòng thủ biển của Việt Nam sẽ được tăng lên đáng kể, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh bạo ở Biển Đông.
Tuy nhiên cũng có ý kiến, như của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp, cho rằng việc mua sáu tàu ngầm của Việt Nam chủ yếu có ý nghĩa răn đe là chính.
"Việt Nam sẽ không dám làm gì Trung Quốc nếu không có Hoa Kỳ chống lưng đằng sau."
Ông Tuấn nói thêm: "Vả lại, Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam bằng nhiều cách, trước hết là trên mặt trận kinh tế". - BBC
No comments:
Post a Comment