Tin Thế Giới
1.
Valentine's Day
Sự chia sẻ ngọt ngào
Mỗi lần đến dịp Valentine người vui nhất có lẽ là các cô gái mới có người yêu, kế đến là những cặp tình nhân sắp tới ngày cưới, rồi những cặp vợ chồng và cuối cùng là các tiệm hoa trên khắp thế giới ngoại trừ các nước vùng vịnh hay các tiểu quốc trong khối Ả rập, vì đối với Hồi giáo Valentine là ngày của sa tăng cốt làm sa ngã tín đồ đạo này qua cung cách ăn chơi theo kiểu Tây phương.
Các cô gái nghĩ tới Valentine cùng với sự ngọt ngào mà người tình của mình sẽ mang tới cho họ trong đêm 14 tháng Hai. Với những ánh mắt tình tứ nồng nàn của chàng trai và những thỏi chololate ngọt lịm, nhất là những cánh hồng tươi thắm bùng nở trên bàn ăn như tình yêu được chắp cánh của cả hai người.
Valentine là tình yêu, là sự chia sẻ ngọt ngào nhất giữa các cặp tình nhân. Ý nghĩa gần như bất biến này hầu như được chấp nhận khắp nơi ngay chính cái tên Valentine cũng là dấu ấn trên các cặp tình nhân từ thời trung cổ.
Theo nhiều tài liệu thì ngày Valentine bắt nguồn từ một biến cố xảy ra từ thế kỷ thứ 3 dưới thời của hoàng đế La Mã Claudius II. Trong thời gian này đế quốc La mã tham gia rất nhiểu cuộc chiến tranh và do đó đội tinh binh của nó luôn cần rất nhiều chàng trai cho các cuộc viễn chinh xâm chiếm thuộc địa. Hoàng đế Claudius đã ra lệnh cấm các buổi lễ hôn phối trong nhà thờ hay lễ cưới ngoài đời để cho thanh niên yên tâm thi hành nghĩa vụ của một người lính.
Trước quyết định vô nhân đó linh mục Valentine đã lén lút làm lễ hôn phối cho nhiều đôi nam nữ muốn trở thành vợ chồng tại ngôi thánh đường được xem bí mật. Thế nhưng sự việc cũng vở lỡ và linh mục Valentine bị vua Claudius hành hình bằng cách ném đá cho tới chết và khi chết rồi còn bị chặt đầu.
Một tình tiết khác làm cho ông nổi tiếng hơn cho đến ngày nay đó là buổi chiều trước khi ra pháp trường thực hành án tử, Valentine đã viết một tấm thiệp cho cô gái con của viên cai tù với dòng chữ “from your Valentine” nghĩa là “tấm thiệp này được gửi đi từ Valentine của em”. Cô gái này vốn bị mù từ nhỏ và cô được linh mục Valentine chữa cho thấy được. Phép lạ này và sự hy sinh của Valentine đã khiến ông trở thành thánh bổn mạng cho đôi lứa. Nhớ tới ông, hàng năm người ta chỉ cần nhắc tới tên ông bằng tiếng gọi trìu mến: Valentine.
Tinh thần của tấm thiệp đầu tiên của linh mục Valentine vẫn còn được giữ tại châu Âu và Hoa Kỳ. tại Mỹ tiểu bang Colorado có một thành phố nổi tiếng mang tên Loveland, có nghĩa là Đất tình yêu, năm nay thành phố này kỷ niệm 70 năm ngày nó gửi những tấm thiệp Valentine đi khắp thế giới.
Loveland có truyền thống đáng yêu xứng với cái tên của nó đó là mỗi năm cứ gần đến lễ Valentine bưu điện thành phố lại lãnh trách nhiệm gửi giúp cho khách bất cứ ở đâu tấm thiệp Valentine có cái tên của thành phố trên phong bì. Đất tình yêu sẽ chuyển những lời chúc nồng nàn của người mình yêu tới mọi miền trên khắp thế giới. Mỗi năm Loveland gửi đi 130 ngàn tấm thiệp tới 50 tiểu bang của nước Mỹ và hơn 110 quốc gia khác trên khắp thế giới.
Tuy nhiên đối với Việt Nam, người ta không gửi thiệp cho nhau mà thay vào đó bằng những cánh hồng đỏ thắm. Trong thời đại internet, gửi một bó hoa tuyệt đẹp từ nước này sang nước khác trong vòng vài giờ không còn là chuyện viễn tưởng. Những shop bán hoa tươi online ngày đêm hoạt động hết công suất trong dịp Valentine để các cặp tình nhân xa nhau vẫn có thể gửi tình yêu của mình theo phong cách hiện đại nhất.
Anh Bùi Quang, chủ một doanh nghiệp bán hoa trực tuyến tại Sài Gòn cho biết hoạt động của anh trong ngày Valentine năm nay:
“Phần lớn là trẻ nhưng cũng có không ít những người lớn tuổi, do xa nhau hay sao đó thì người ta gửi hoa cho nhau. Hoa thường được chọn nhất vẫn là hoa hồng nhưng người ta cũng có thể đệm thêm loại khác nhưng rất ít. Nói chung hoa hồng vẫn là loại hoa cháy hàng nhất trong dịp lễ này.
Có thể do trở ngại nào đó người ta không thể tặng trực tiếp thí dụ như ở Thái hay ở Mỹ, Úc người ta gửi về Việt Nam hay từ Hà Nội gửi vào Sài Gòn hay ngược lại. Họ gửi hoa, chocolate, bánh kem, gấu nhồi bông… Dịp Valentine năm nay nằm trúng Tết đúng vào Chủ Nhật ngày 14…trong ngày đó có người từ Hà Nội bay vào Saigon đi làm hay từ Đà Nẵng bay vô, người ta không có khả năng tặng hoa trực tiếp cho người yêu thì nhờ dịch vụ của em để làm việc đó.”
Không nhất thiết chỉ là tình yêu đôi lứa
Theo Wikipedia thì Việt Nam có ngày Valentine đầu tiên vào năm 2008 tại Nha Trang khi các cặp tình nhân tổ chức hôn nhân tập thể vào ngày 14 tháng 2 đúng dịp Valentine rầm rộ trên toàn thế giới.
Sẽ rất ngạc nhiên khi dò hỏi ý kiến nhiều thanh niên nam nữ về cách mà họ chia sẻ trong ngày Valentine. Người trẻ hôm nay có quan niệm khá sinh động trong ngày tình nhân, ngày mà hầu hết báo chí truyền thông cùng chung quan điểm chỉ dành cho đôi lứa thì không ít bạn trẻ lại khẳng định Valentine cũng có thể dành để chia sẻ cho người mình yêu thương trong gia đình chứ không nhất thiết chỉ dành cho người yêu.
Kim Anh, một trí thức trẻ thành đạt cho rằng phải chia sẻ ngày này cho người mình quan tâm vì ý nghĩa của Valentine từ xa xưa là sự hy sinh, chia sẻ chứ không phải chỉ gói gọn trong hai đối tượng nam và nữ:
“Đối với em cái ngày này thì không chỉ dành cho tình yêu đôi lứa nữa mà còn là tình yêu đối với những người thân chung quanh mình nữa, tức là những ngày ấy không chỉ dành cho tình yêu hay không mà thực sự dành cho người mình yêu thương trong gia đình hay người quan tâm đến mình. Quà cáp trong những ngày đó thực sự là chỉ phụ thôi. Mình dành cử chỉ quan tâm còn quà thì chỉ cần tặng cho họ một cành hoa là đủ. Cách đây mấy năm em có mua hoa tặng cho mấy chị mà em thân rất là thân ở trong công ty thì họ không ngờ! Đối với em thì ngày đó là như vậy.”
Bạn Hoàng, một thanh niên gốc Bắc sống tại Sài Gòn cũng cùng một ý tưởng như Kim Anh, Hoàng cho biết:
“Trước đây em có bồ thì cũng tặng hoa tặng quà hay đi chơi với nhau. Ngày đó thì em cũng nhớ tới những người yêu thương như cha mẹ hay những người mình quý mến mình muốn bày tỏ tình thương mến chứ không nhất thiết Valentine cứ phải là dành cho người yêu mà thôi. Em nghĩ Valentine dành cho tình yêu nhưng không nhất thiết phải chú trọng tình yêu đôi lứa nhưng bây giờ do người trẻ nói chung bị ảnh hưởng của truyền thông tuyên truyền hướng đến tiêu thụ cho tình yêu đôi lứa, cho cặp này cặp nọ chứ thật ra cần phải hướng tới những người thân yêu. Nói chung quan niệm đó phải thay đổi và thoáng dần lên. Valentine dành cho tình yêu thì nói chung phải rộng mở chứ không phải chỉ cho tình yêu đôi lứa.”
Sài Gòn mới biết Valentine chưa được một thế hệ mà người trẻ đã có những suy nghĩ như thế huống chi ở Hoa Kỳ, nơi mà ngày lễ này đã trở thành truyển thống từ hàng trăm năm. Truyền thống Valentine vẫn còn được giữ nguyên trong các gia đình người bản xứ nhưng đối với nhiều bạn trẻ Việt Nam, kể cả những người thành công trong sự nghiệp của mình cũng có những ý kiến tương tự. Khoa, một bác sĩ sống tại vùng Little Saigon cho biết quan niệm của anh về ngày lễ này:
“Ngày đó dành cho người yêu thôi và cũng nhân dịp này mình dành cho những người phụ nữ trong gia đình của mình là chính, thí dụ như là mẹ hay là bạn gái hay bà ngoại. Với mẹ và bà ngoại thì mua hoa không cần nhiều đâu chỉ cần một bông là được. Với bạn gái hay bồ hoặc vợ thì dẫn ra ngoài đi ăn.”
Có cần phải tặng những phẩm vật đắt tiền, hàng hiệu mới nói lên được tấm lòng của mình hay không? Khoa cho biết:
“Không cần thiết anh. Với em thì rất đơn giản nhưng đối với nhiều người thì khá lớn. Hành động lúc nào nó cũng tốt hơn là quà tặng đối với em. Ở Mỹ thì quà tặng nó cũng khá đặc biệt, nó rất quan trọng. Đối với em thì em không thấy là quan trọng nhiều nhưng những người chung quanh như bạn bè, thì em thấy hầu như ai cũng có quà đối với người yêu hết, phải có quà tặng! Làm để nói rằng mình đã làm chứ không thì bị complain!”
Thúy Hà, một nhà báo khá có tiếng tại Việt Nam lấy chồng và theo chồng sang Mỹ cho biết cách mà gia đình chồng của Hà tổ chức ngày lễ Valentine trong gia đình thật rất khác những gì mà người Việt trong nước nghĩ tới:
“Trong nhà em gia đình chồng là người Nam thì hầu như lễ nghi của họ rất là đơn giản. Không quá cầu kỳ hoặc là cái gì cũng phải theo phong tục kiểu Mỹ. Valentine ở nhà em thì đó là dịp để gặp nhau. Valentine mà dành cho tình nhân thì em có cảm giác lý do đó không nhiều bằng lý do để mọi người gặp nhau, sum họp.
Chẳng hạn như má chồng của em là người được coi như đầu mối cho ngày Valentine. Có một đứa em ở rất xa, nó là bác sĩ quân y ở tiểu bang North Carolina thì vào ngày đó có khi nó về có khi không. Con trai nhưng mà lúc nào cũng gửi cả một lẳng hoa thật đẹp cho bà, ví dụ vậy. Đối với gia đình em thì em thấy Valentine là dịp để nghĩ đến nhau, sum họp gặp gỡ ăn uống vui vẻ với nhau… như vợ chồng em cũng lấy ngày đó để tụ về cái gia đình lớn chứ không phải ngày đó để mà hai vợ chồng phải đi chơi đâu đó hay có một cái đêm lãng mạn. Tụi em không hưởng thụ không enjoy theo kiểu đó. Mỗi gia đình có thể khác nhau nhưng gia đình em thì như vậy.”
Valentine nhìn chung cho dù ở đâu thì ý nghĩa thật của nó vẫn luôn luôn soi sáng cho mọi tình yêu qua ngọn đèn cầy lung linh trên bàn ăn của hai người hay của toàn bộ thành viên trong gia đình. Dưới ánh sáng ấm áp ấy chúng ta sẽ sát lại gần nhau hơn không phải chỉ để nghe hơi thở của nhau mà lắng nghe nhịp đập chung của những con tìm có cùng huyết thống gia đình.
Ánh mắt hạnh phúc hay thiết tha âu yếm chỉ có nghĩa khi dành ra trọn vẹn cho nhau. Valentine ngay chính câu chuyện nguyên bản của nó đã là một cung bậc cao nhất của tình yêu, cung bậc mà linh mục Valentine chọn cho bản nhạc tình bất hủ của ông: hy sinh và chia sẻ. - RFA
|
|
2.
Haiti bầu tổng thống lâm thời
Các nhà lập pháp Haiti vừa bầu thủ lãnh ngành lập pháp, ông Jocelerme Privert làm tổng thống lâm thời của nước này để thế vào chỗ trống do Tổng thống Michel Martelly vừa rời chức để lại.
Ông Privert nhận được sự chấp thuận của các nhà lập pháp đồng viện sau một phiên họp lập pháp kéo dài từ thứ Bảy sang Chủ nhật.
Ông Privert nói sau cuộc bầu chọn rằng ông hy vọng sẽ lãnh đạo một chính phủ "gây dựng niềm tin giữa tất cả các bên trong xã hội."
Một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong vài tháng tới. - VOA
|
|
3.
Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào người Kurd ở Syria sang ngày thứ hai
Các nhà hoạt động Syria hôm Chủ nhật nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn đạn pháo nhắm vào chiến binh người Kurd ở miền bắc Syria sang ngày thứ hai sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo là sẽ hành động nếu họ cảm thấy bị đe dọa từ bên kia biên giới.
Ðài quan sát Nhân quyền Syria chuyên theo dõi cuộc xung đột tại Syria cho hay các vụ pháo kích nhắm vào các khu vực ở phía bắc thành phố Aleppo làm hai chiến binh thiệt mạng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói các lực lượng người Kurd là một mối đe dọa đối với thị trấn Azaz của Syria nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài kilômét.
Quân đội Syria được Nga yểm trợ đang tăng cường chiến dịch tấn công chiếm lại thành phố Aleppo và khu vực biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ xem Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) và dân quân YPG của đảng này là các chi nhánh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), là nhóm đã thực hiện phong trào nổi dậy mấy mươi năm qua chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd kiểm soát phần lớn phần đất bên Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Saleh Muslim, đồng chủ tịch đảng PYD nói với hãng thông tấn Reuters hôm Chủ nhật rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền can thiệp vào chuyện nôi bộ của Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd lui lại một bước để tập trung vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ đang chứa khoảng 2,6 triệu người tị nạn Syria lánh nạn cuộc chiến đã kéo dài trên đất nước họ gần 5 năm.
Một làn sóng người tị nạn mới tràn về biên giới trong tháng này khi các lực lượng của Syria và Nga bắt đầu tiến về thành phố Aleppo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Chờ đến 2017 để điền khuyết ghế của Thẩm phán Scalia là quá lâu
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia qua đời dẫn đến việc những người theo chủ trương bảo thủ kêu gọi Tổng thống Barack Obama không đề cử người điền khuyết trong năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nhưng nếu làm như vậy sẽ để ghế trống này chờ một thời gian lâu bất thường.
Những người bảo thủ hy vọng rằng một đảng viên Cộng hòa sẽ thắng cử tổng thống vào tháng 11, và điều đó sẽ mang lại một thẩm phán bảo thủ hơn, giống như ông Scalia, được điền khuyết và duy trì thế đa số không chênh lệch lớn hiện nay tại Tối cao Pháp viện.
Nhưng chờ đến khi có tân tổng thống nhậm chức vào tháng Giêng năm 2017 có nghĩa là vị trí của ông Scalia sẽ bỏ trống ít nhất 342 ngày.
Trong thế kỷ trước, 10 thẩm phán đương nhiệm đã qua đời, và trung bình khoảng 95 ngày sau thì ghế trống được điền khuyết.
Thời gian một ghế bị để trống lâu nhất là 192 ngày kể từ ngày Thẩm phán Bainimarama Cardozo qua đời cho đến ngày Thẩm phán Felix Frankfurter được chính thức điền khuyết vào năm 1939.
Với chỉ tám thẩm phán xử án, có nhiều khả năng dẫn đến thế hòa bốn thuận và bốn chống, và trong những vụ án như vậy việc phán quyết của tòa cấp dưới sẽ không có tiền lệ để căn cứ cho những vụ án trong tương lai.
Đa số trường hợp các thẩm phán từ chức đều tạo cho một tổng thống thời gian đủ rộng để để cử điền khuyết và được Thượng viện chuẩn thuận trước khi thẩm phán từ chức thực sự rời khỏi Tối cao Pháp viện.
Thẩm phán Scalia qua đời nhanh chóng trở thành một vấn đề trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, nhưng trước đây cũng từng có thẩm phán Tối cao Pháp viện qua đời và được điền khuyết ngay trong năm bầu cử.
Năm 1916, Thẩm phán Louis Brandeis được điền khuyết vào chỗ của cố Thẩm phán Joseph Rucker Lamar, và năm 1940 Thẩm phán Frank Murphy được điền khuyết vào chỗ của Thẩm phán Pierce Butler để lại.
Chọn một thẩm phán Tối cao Pháp viện là một việc hệ trọng vì đó là một chức vụ trọn đời. Ðảng Cộng hòa không muốn Tổng thống Obama, một đảng viên Dân chủ, tạo ảnh hưởng của quan điểm tự do hơn vào tòa tối cao bằng một thẩm phán mới có thể ở đó vài thập niên.
Tổng thống Obama có thể chờ đến tháng 12 để đề cử thẩm phán điền khuyết cho chỗ của ông Scalia.
14 thẩm phán được chuẩn thuận trong những năm bầu cử tổng thống ở Mỹ; lần gần đây nhất là vào năm 1988 khi Thẩm phán Anthony Kennedy tham gia Tối cao Pháp viện. Tám lần thẩm phán được chuẩn thuận trong năm bầu cử xảy ra trước năm 1900. - VOA
|
|
5.
Kêu gọi 'ngăn chặn' Trung Quốc ở Biển Đông
Một nhóm có tên SEA Sea United Front vừa gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi "ngăn chặn" Trung Quốc trước các hành vi xây đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo trên Biển Đông.
Thư thỉnh nguyện được gửi nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Asean tại Sunnylands, tiểu bang California vào ngày 15 và 16/2/2016.
Tổ chức này gửi thư qua trang web Change. org đến chính quyền Obama, Thượng nghị sĩ John McCain, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong nội dung của thư, với bảy nội dung chính, nhóm này yêu cầu Hoa Kỳ "hành động thiết thực hơn" và đòi chính phủ Việt Nam "đưa hồ sơ tranh chấp trên biển Đông" ra Tòa án quốc tế.
Cải tạo, cơi nới
Một bài trên tạp chí The Diplomat hôm 13/2 cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.
Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Bài đăng trên The Diplomat hôm thứ Bảy cho hay Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.
Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam bị xếp hạng 'không tự do'
Việt Nam được cho 20/100 điểm trong báo cáo về “Tự do toàn cầu 2016” do tổ chức Freedom House thực hiện trên 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ.
Báo cáo được thực hiện bởi Tổ chức theo dõi độc lập Freedom House, chuyên về những vấn đề như tự do, dân chủ trên thế giới. Năm nay, báo cáo kết luận "Tự do toàn cầu đang gặp áp lực".
Có ba mức độ đánh giá tổng quát trong báo cáo là tự do, tự do một phần, và không tự do.
Ngoài ra, các quốc gia còn được đánh giá ở các nội dung như quyền lợi chính trị và tự do công dân (từ 1-7, hạng 1 là tự do nhất, hạng 7 là ít tự do nhất), và được cho điểm tổng quát với thang điểm 100. Điểm tổng quát cao cho thấy quốc gia đó có tự do nhiều hơn.
Năm 2015, Việt Nam xếp hạng thấp nhất về quyền lợi chính trị (hạng 7) và hạng 5 về tự do công dân.
Giới quan sát ở quốc tế, khu vực và trong nước thời gian qua cũng tiếp tục bày tỏ quan ngại rằng chính quyền Việt Nam vẫn còn có nhiều hành động 'đàn áp' đối với các nhóm vận động cho dân chủ hóa, nhân quyền và xã hội dân sự.
Ngay trước Đại hội Đảng 12, một luật sư nhân quyền được nhiều người biết đến, ông Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giữ.
Một blogger nổi tiếng, ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinhvà cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, tiếp tục bị giam giữ không qua xét xử.
Nhiều hành động được cho là 'công an trị' nhắm vào nhiều nhóm hoạt động cũng được ghi nhận như các vụ tấn công vào các nhà vận động cho công đoàn độc lập trong nhóm của bà Đỗ Thị Minh Hạnh, hay các nhóm vận động tự do tôn giáo cũng tiếp tục bị sách nhiễu, tấn công.
Sát và ngay trong Tết âm lịch Bính Thân 2016, không lâu sau bế mạc Đại hội 12, cũng xảy ra vụ ông Ngô Duy Quyền, nhà hoạt động và là chồng của Luật sư nhân quyền Lê Thị Công Nhân, bị bắt giữ câu lưu.
Và ngày 5 Tết âm lịch (13/2), tin cho hay, một nhà hoạt động ở địa phương, ông Paul Trần Minh Nhật ở Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã bị 'đốt phá' nhà cửa, ruộng vườn và nhà hoạt động đưa ra cáo buộc đã 'bị công an' địa phương 'sách nhiễu, trấn áp' do có các hoạt động đấu tranh.
Tự do sụt giảm
Trở lại với báo cáo "Tự do toàn cầu 2016", năm ngoái là năm thứ 10 liên tiếp điểm số tự do toàn cầu sụt giảm theo Freedom House.
Những vấn đề như chiến tranh tại Syria, khủng hoảng di cư đến Châu Âu đã góp phần làm thang điểm tự do đi xuống.
Áp lực kinh tế cũng góp phần làm suy giảm tự do. Tại Trung Quốc, kinh tế phát triển chậm lại đã dẫn đến "những chiến dịch thô bạo nhắm tới người bất đồng chính kiến".
Báo cáo này viết về tình hình Trung Quốc:
"Chính quyền của ông Tập Cận Bình phản ứng lại với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán bằng sự can thiệp thô bạo lên thị trường, tăng cường kiểm duyệt và tuyên truyền, và thêm đàn áp mới với xã hội dân sự”.
Trung Quốc xếp hạng 7 về quyền lợi chính trị, hạng 6 về tự do công dân, được 16 điểm.
Cùng trong Đông Nam Á, Thái Lan xếp hạng 6 về quyền lợi chính trị, và hạng 5 về tự do công dân, được 32 điểm.
Có 12 nước nằm trong nhóm "Tệ nhất", có thể kể đến như Syria chỉ được -1 điểm và Bắc Triều Tiên được 3 điểm. - BBC
|
|
7.
Tết ở Little Saigon “quá là vui luôn"
Trong khi nhiều người cho rằng Tết Nguyên Đán với người Việt tha hương ngày càng nhạt nhòa, thì ngay tại Little Saigon, dù muốn dù không vẫn không thể phủ nhận không khí đón Xuân về trên khắp phố chợ từ rằm Tháng Chạp và bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên từ ngày đưa Ông Táo về trời, rồi cứ thế râm ran cho đến ngày Giao Thừa, Mùng Một và đặc biệt là vào cuối tuần này, với nào là Hội Chợ Tết, diễn hành Tết, như một nét văn hóa không thể thiếu nơi này trong thời khắc đón tân niên.
Chị Bùi Thị Lan, một người đến từ Na Uy, lần đầu tiên ăn Tết tại Little Saigon, không giấu được sự xúc động của mình:
“Tết ở đây quá là vui luôn, ấn tượng tốt như thời xưa mình còn ăn Tết ở Việt Nam, chưa bao giờ được như thế này. Từ ngày mình ra nước ngoài chưa bao giờ có được cái Tết nào vui như ở đây, ở Cali này. Mình đi nước ngoài 26 năm rồi, đây là lần đầu tiên đến Cali, đến đây thấy ôi vui quá, chỗ nào cũng người Việt Nam mà diễn hành như thế này thì chưa bao giờ thấy, chưa ở đâu có, ở Việt Nam cũng không được như thế này. Ở đây quá thích, quá tốt.”
Cũng là một người Việt đến từ Na Uy, bà Cao Thị Mỹ Hồng cho biết:
“Trước đây tôi đến đây rất nhiều lần và tôi ao ước được một lần ăn Tết Cali bởi vì em ruột tôi ở đây, ở Los Angeles. Ăn Tết ở đây quá vui. Bên Na Uy không có cảnh này, bên đó rất ít người Việt. Tôi đi qua 3 chị em.
Ấn tượng của tôi với Tết Cali là có rất nhiều người Việt Nam, cảm thấy rất là thích.”
Đó là cảm nhận của những người lần đầu tiên sau bao năm xa xứ được chứng kiến không khí Tết tại Little Saigon, nơi được xem là chiếc nôi tinh thần của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Với người sống lâu năm ngay tại mảnh đất này thì Tết cũng không phải đã là “nhàm chán” như một số người suy nghĩ, trái lại, cứ nhìn hình ảnh người người đi sắm Tết, chuẩn bị Tết từ Rằm Tháng Chạp trở đi và nhộn nhịp hẳn lên từ ngày đưa Ông Táo về Trời sẽ thấy được Tết trong lòng người Việt nơi đất khách rộn rã ra sao.
Cô Nguyễn Nguyệt Hằng, một cư dân của Little Saigon cho biết:
“Ở bên này cộng đồng mình cứ Tết đến thì cũng xôn xao đi mua sắm như ở bên Việt Nam vậy. Đi mua cây, mua hoa, mua mứt, mua trái cây chưng mâm ngũ quả ngày Tết. Em cũng chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn mua thêm trái cây để chưng thôi.
Tết năm nào cũng vui cũng đầy đủ vì gia đình em ở bên này hết rồi, cho nên năm nào cũng vui như nhau.
Nói về không khí Tết ở Little Saigon này so với những cái Tết trước đây khi còn ở Việt Nam thì ở Việt Nam chắc xôm tụ hơn nhưng ở đây vẫn vui, đi đâu cũng thấy đông hết, mọi người mua sắm nhiều lắm. Chợ Việt Nam rất là đông, em không có xe đẩy đi chợ luôn. Thấy mọi người chuẩn bị cho Tết ráo riết luôn. Rồi pháo, bên này được đốt pháo chứ bên kia hết được đốt rồi, nên bên này có thể còn vui hơn bên kia.”
Cũng trong tâm tình đó, cô Đoàn Quế Anh, sống tại thành phố Westminster, chia sẻ:
“Nói chung thì năm nay cũng được vì có mấy ngày em nghỉ, bữa nay, ngày mai Giao Thừa và Mùng Một em nghỉ, thành thử cũng chuẩn bị chút đỉnh.
So với nhiều gia đình khác thì nhà em cũng không xôm tụ bằng, chỉ chút đỉnh cho có không khí Tết thôi. Như một chút bánh chưng, một chút dưa món, em không biết nấu ăn nên không làm giống như người khác làm bánh chưng, làm mứt ở nhà, em thì chỉ có đi mua chút xíu đồ, mua trái cây, hoa.
Mấy đứa nhỏ nhà em thích đi chợ hoa chung với các chị em họ vui hơn. Cúng ông Táo thì mấy năm nay cũng có cúng, đến ngày Giao Thừa cũng đón ông Táo về. Những điều đó, em nghĩ với những người xa xứ, những người thuộc thế hệ thứ hai như tụi em bây giờ cũng có con cái thì Tết giống như một hình thức mình duy trì phong tục tập quán của người Việt Nam để lớp trẻ họ biết, nhìn thấy, dù chỉ đơn giản thôi chứ không thể giống như bên Việt Nam hồi xưa. Nhưng nói chung em nghĩ những điều đó có một giá trị văn hóa để cho lớp trẻ có thể biết được và nhớ.”
Trong trang phục áo dài truyền thống, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thủy, gồm cả ba thế hệ, ở Santa Ana, đến xem diễn hành Tết Bính Thân trên đại lộ Bolsa do tổ chức Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California thực hiện, cũng không giấu được nét vui trên gương mặt từng người trong những ngày đầu năm mới.
Bà Thủy cho biết:
“Năm nay gia đình đón Tết khác những năm trước là mới có thêm một cháu bé, một thành viên mới trong gia đình. Cũng đi những khu vui chơi mở ra ở đây. Mình thì mới qua đây thôi, còn các cháu thì ở đây lâu rồi, mới qua thấy không khí ở đây vui hơn ở Việt Nam, ở Việt Nam thì không được đốt pháo, ở đây thì có đốt pháo diễn hành.”
Như một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt, gia đình bà Thủy cũng đón Giao Thừa theo truyền thống, nghĩa là tất cả các thành viên trong gia đình tụ tập về nhà của ông bà để chúc Tết, từ lớn xuống đến nhỏ, cũng đi nhà thờ ngày đầu năm, cũng chọn “mặc áo dài để giữ lại được nét gì của Việt Nam thì ráng giữ,” như bà Thủy nói.
Với người ở Cali, nhưng lại không thật gần nơi có đông cộng đồng Việt Nam như khu Little Saigon, thì không khí Tết nơi đây vẫn là một điều ao ước của bao người, như bà Hoa Nguyễn, ở Merced gần Fresno, cách Little Saigon khoảng 5 tiếng lái xe, cho biết:
“Đây là lần đầu tiên thấy, ngay cả ở Fresno cũng không bao giờ thấy cảnh như thế này đâu, lần đầu tiên tôi mới được hưởng cái Tết ở đây. Những ngày qua chuẩn bị cho Tết bằng cách đi mua bông, mua bánh chưng, bánh tét, chả lụa, mua đủ thứ hết. Vui lắm! Chợ bông quá đẹp! Chợ ở đây có đầy đủ phong tục Việt Nam mình, bán đầy đủ hết, thích lắm.”
Có thể nói, cho đến hết ngày Chủ Nhật, Mùng 7 Âm Lịch, khi Hội Chợ Xuân tại OC Fair & Event Center ở thành phố Costa Mesa và tại công viên Mile Square thuộc thành phố Fountain Valley kết thúc thì không khí Tết Bính Thân 2016 mới thật sự chấm dứt trong lòng người dân Việt sống quanh Little Saigon, dù đây đó xác pháo, mùi pháo vẫn còn vương trong gió. - RFA
No comments:
Post a Comment