Tin Thế Giới
1.
Syria chấp nhận kế hoạch ngưng bắn Mỹ-Nga
Syria hôm nay cho biết họ chấp nhận kế hoạch ngưng bắn do cuộc ngưng bắn do Mỹ và Nga đề nghị. Một thông cáo của chính phủ ở Damascus nói rằng quân đội sẽ tiếp tục những cuộc hành quân chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo và những nhóm có liên hệ với al-Qaida. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc ngưng bắn bắt đầu từ thứ 7 tuần này không áp dụng cho các nhóm khủng bố và những nhóm còn lại được dành cho tới thứ sáu tuần này để xác nhận sự tham gia thoả thuận ngưng bắn.
Chính phủ Syria đã loan báo sự chấp nhận kế hoạch ngưng bắn ngày hôm nay, không bao lâu sau khi Thượng Hội đồng Thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria tuyên bố họ sẽ chấp nhận kế hoạch này nếu ba đòi hỏi của họ -- là dỡ bỏ những cuộc vây hãm, cung cấp hàng cứu trợ và ngưng dội bom vào thường dân, được thỏa mãn.
Cuộc ngưng bắn do Mỹ và Nga đề nghị có thể giúp cho những hoạt động cứu trợ được nới rộng đến nhiều thành phố đang bị vây hãm ở Syria và dọn đường cho việc thực hiện lại cuộc đàm phán về một cuộc chuyển tiếp chính trị.
Trong thông cáo chung công bố hôm thứ hai, Mỹ và Nga cho biết trong cuộc ngưng bắn này các phe lâm chiến chỉ sử dụng vũ lực trong những tình huống như phản ứng để tự vệ. Các phe cũng đồng ý để cho các tổ chức từ thiện được hoàn toàn tự do đi lại để giúp đỡ cho poe tại các khu vực bị vây hãm.
Mỹ và Nga cùng giữ chức chủ tịch của một nhóm công tác về ngưng bắn của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria gồm 17 nước. Nhóm hỗ trợ đã họp tại Munich hồi đầu tháng này và họ từng hy vọng là có thể thực thi kế hoạch ngưng bắn vào ngày thứ 6 tuần trước.
Một số vấn đề liên quan tới kế hoạch ngưng chỉ các hoạt động thù địch cho tới giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner cho biết trong vài ngày tới đây nhóm công tác sẽ đúc kết những tiêu chuẩn về thủ tục cho cuộc ngưng bắn. Ông cũng nói rằng nhóm này sẽ nhờ các tổ chức phi chính phủ và các ký giả ở Syria báo cáo những vụ vi phạm có thể xảy ra trong cuộc ngưng bắn.
"Không ai chối cãi là môi trường của cuộc ngưng bắn này là một môi trường khó giám sát."
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Al Arabiya, lãnh tụ đối lập Syria, ông Khaled Khoja, bày tỏ sự lo ngại là chính phủ Syria có thể lợi dụng sự có mặt của quân khủng bố Al Nusra như một cái cớ để tiếp tục tấn công những mục tiêu của phe nổi dậy trong những khu vực gần nhóm khủng bố này.
Trước đó trong ngày hôm qua, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama đã thảo luận về kế hoạch này với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm thứ hai.
Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama nhấn mạnh tới ưu tiên là có được “những phản ứng tích cực” của chế độ Syria và phe đối lập vũ trang.
Ông Putin cho biết như sau về sự hợp tác giữa Moskova và Washington.
"Quân đội Nga và quân đội Mỹ sẽ cùng nhau xác định trên bản đồ những phần đất mà những nhóm đối lập vũ trang như vậy đang hoạt động.
Ông Anthony Lake, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tỏ ý hoan nghênh kế hoạch ngưng bắn và nói rằng đây là một cơ hội để bắt đầu những hoạt động nhằm xây dựng lại một nước đã chịu đựng quá nhiều đau khổ trong một thời gian quá lâu."
Loan báo về kế hoạch ngưng bắn được đưa ra một ngày sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm đối với một loạt những vụ tấn công ở Damascus và Homs gây tử vong cho hơn 100 người.
Phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ lên án những vụ tấn công và nói rằng cần có một nỗ lực toàn cầu để tiêu diệt nhóm khủng bố này. - VOA
|
|
2.
Căng thẳng và bạo động gia tăng ở Ukraine
Bạo động tại miền đông Ukraine đang trên đà gia tăng sau thời gian tương đối yên tĩnh trong mùa đông. Tin tức gần đây từ khu vực tranh chấp Donbas cho biết tổng số người thiệt mạng từ giữa tháng hai đã tăng tới mức của tháng 9 năm ngoái, tức là thời điểm trước khi thỏa thuận ngừng bắn mong manh được thực thi. Các phần tử đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã giao tranh với các lực lượng của chính phủ kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ cách nay hai năm. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường trình rằng tình hình bất ổn gia cũng bao trùm thủ đô Kiev, nơi những người biểu tình đòi Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức.
Người Ukraine đánh dấu năm thứ hai các cuộc biểu tình lớn ở Kiev đã dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Yanukovych và sự can dự của Nga tại nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Trong sự kiện chính diễn ra hôm Chủ nhật có nghi thức đặt vòng hoa tại Quảng trường Maidan để truy điệu những người biểu tình bị thiệt mạng cách nay hai năm.
Nhà tranh đấu Oleksander Voevudskiy cho biết cảm tưởng như sau.
"Tôi đến đây để đánh dấu hai năm kể từ khi những người biểu tình bị thiệt mạng, nhưng tôi nhìn thấy một cuộc cách mạng khác vừa bắt đầu."
Những chiếc lều bạt được các nhà hoạt động dựng lên vẫn còn đó sang đến thứ Hai. Những người biểu tình bày tỏ bất mãn với chính phủ đương nhiệm.
Ông Aleksander Misura, một người tham gia biểu tình, phát biểu như sau.
"Chúng tôi có ba yêu cầu: Chính phủ của ông Yatsenyuk phải từ nhiệm vì đã không làm đúng nhiệm vụ của mình; điều tra việc các nhà hoạt động bị thiệt mạng tại Quảng trường Maidan và trong những vụ quan trọng khác; và không đàn áp chính trị đối với các nhà hoạt động.
Hôm thứ Bảy, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi những người thuộc phe dân tộc cực đoan đập phá các ngân hàng của Nga ở Kiev và những thành phố khác để bày tỏ phẫn nộ đối với việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3 năm 2014 và hậu thuẫn quân sự cho phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Bộ trưởng ngoại giao Đức và Pháp đã đến Kiev hôm thứ Hai để kêu gọi các nhà lãnh đạo Ukraine xúc tiến nhanh những cải cách cần thiết cho việc thực thi một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Những cải cách được thảo luận hồi năm ngoái tại Minsk đã bị đình hoãn bởi những mâu thuẫn chính trị tại Kiev. Chính phủ của ông Yatsenyuk đã vượt qua được trong gang tấc cuộc biểu quyết bất tín nhiệm hồi trước đây trong tháng này.
Các giới chức Liên hiệp Châu Âu nhấn mạnh sự ổn định là điều vô cùng quan trọng cho tương lai của Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier phát biểu:
"Chúng tôi biết qúy vị có quyết tâm thực thi những cam kết về cải cách nội bộ, và tôi tin chắc là qúy vị cũng như chúng tôi đều hiểu tuyên bố mới đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế là ‘ trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ nếu có sự ổn định -- ổn định chính trị tại Ukraine'."
Kinh tế Ukraine bị đình trệ trong lúc tình hình chính trị bất ổn và bạo động tăng lên ở miền đông. Kiev còn phải giải quyết gánh nặng của các di dân rời bỏ bán đảo Crimea và những khu vực bị phiến quân chiếm giữ. - VOA
|
|
3.
Giá dầu có thể tăng cao trong vài năm tới --- Chưa có thông tin chính xác về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông
Cơ quan Năng lượng Quốc tế tiên đoán giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một hay hai năm và sau đó sẽ tăng mạnh. Các tác giả bản phúc trình nói tình trạng đầu tư sụt giảm vì giá dầu thấp trong một năm rưỡi qua đã gây phương hại cho khả năng gia tăng sản lượng một khi mức cầu gia tăng trở lại. Thông tín viên Greg Flakus của đài VOA tường thuật từ Houston.
Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng ởHouston, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA Faith Birol nói giá dầu vẫn nằm ở mức tương đối thấp trong năm tới, nhưng sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2020. Ông nói mức cầu vẫn còn yếu và mức cung vẫn còn lớn, nhưng việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu có ảnh hưởng.
“Sự tăng trưởng của nguồn cung ứng dầu lửa trên toàn cầu đang sụt giảm và sụt giảm một cách nghiêm trọng. Trong cùng thời kỳ này trong 6 năm qua, mức sản xuất dầu ở vào khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày và hiện nay chỉ còn 4 triệu thùng mỗi ngày vì giá dầu hạ.”
Ông Birol nói thêm là cũng có việc sụt giảm đầu tư vào những dự án mới, và theo ông, việc này sẽ tạo nên một cơn sốc trên thị trường, không chỉ đơn giản vì mức cầu của dầu lửa sẽ tăng trong những năm tới nhưng vì nhu cầu bù lại mức sản xuất sụt giảm của những giếng dầu đang hoạt động.
“Mỗi năm chúng ta phải sản xuất 3 triệu thùng dầu một ngày để có thể duy trì tình trạng mà chúng ta có hiện nay.”
Giám đốc IEA nói tăng trưởng kinh tế gia tăng tại Trung Quốc và các nơi khác sẽ đẩy mạnh mức cầu dầu hỏa trong vài năm tới, nhưng việc trở lại với mức 100 đô la một thùng vào giữa năm 2014 chắc không xảy ra. Ông nói giá cao ở mức 80 đô la một thùng sẽ cũng chỉ tạm thời, vào lúc mức cầu dầu hỏa sẽ giảm sút vì sự gia tăng sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả và việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo nhận định của ông Neil Atkinson, một chuyên gia của IEA, sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng mạnh trong vài năm qua là một trong những yếu tố làm giá dầu hạ.
“Trước đây không ai thấy được, trong số những chuyện khác, hiện tượng dầu phiến đá tại Mỹ xuất hiện, và chúng ta từng dự kiến một thế giới rất khác biệt. Hiện chúng ta đang ở trong một thế giới mà mức sản xuất tăng trưởng rất mạnh.”
Ông Atkinson nói Hoa Kỳ bắt đầu xuất khẩu dầu, nhưng ít có ảnh hưởng đến thị trường thế giới vì số lượng dầu xuất khẩu của Mỹ tương đối nhỏ.
Phúc trình thị trường của IEA cho thấy vùng Trung Đông vẫn là nguồn dầu hỏa lớn nhất trên thế giới và quyết định của những nước trong vùng này vẫn giữ mức sản xuất trong năm qua góp phần làm giá dầu hạ. Ông Atkinson cũng nói là việc dỡ bỏ những chế tài đối với Iran sẽ cho phép quốc gia giàu dầu hỏa ở Vịnh Ba Tư xuất khẩu nhiều dầu hơn trong những năm tới. - VOA
***
Trong khi căng thẳng đang leo thang vì những vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nguyên nhân gây tranh chấp, ít nhất một phần, được tin là đang nằm dưới đáy biển. Nhưng hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu tài nguyên dầu hoả và khí đốt bên dưới vùng biển này.
Cùng với các thuỷ lộ thương mại và quyền đánh bắt cá mang về những món lợi béo bở, các trữ lượng dầu khí thường được đơn cử như một nguyên nhân chủ yếu gây bất đồng về vấn đề nước nào sở hữu vùng biển nào, kể cả Trung Quốc, nước có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Nhưng có bao nhiêu dầu khí tại đây vẫn còn là một nghi vấn, theo ông Carl Thayer, Giáo sư Danh Dự của Học viện Quốc phòng Australia.
Giáo sư Thayer nói: “Chưa ai thực sự bỏ công ra làm việc này một cách khoa học. Đây chỉ là những ước đoán bởi vì đã có những vụ can thiệp vào các nỗ lực dò tìm dầu khí trong quá khứ, dây cáp của một số tàu bị cắt, nhiều chiếc tàu bị buộc phải rời khỏi vùng biển gần Philippines mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.”
Trung Quốc nói Biển Đông chứa tới 130 tỉ thùng dầu. Ước lượng của phía Mỹ có vẻ bảo thủ hơn. Cơ quan Thông tin Năng Lượng Mỹ ước tính Biển Đông có thể chỉ có 11 tỉ thùng dầu, và 190 nghìn tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên.
Đa số các trữ lượng dầu và khí đốt nằm trong các vùng biển không có tranh chấp, gần bờ biển Malaysia, nước có 5 tỉ thùng dầu trong lãnh hải của mình. Việt Nam được tin là có 3 tỉ thùng và Trung Quốc 1,3 tỉ thùng. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ngũ Giác Đài công bố phúc trình về việc đóng cửa Guantanamo
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ theo dự kiến hôm nay sẽ báo cáo lên Quốc hội cách làm thế nào để đóng cửa trung tâm giam giữ quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama coi việc đóng cửa cơ sở này là một trong các ưu tiên của ông khi ông nhậm chức vào năm 2009, nhưng giữa lúc chỉ còn chưa đầy một năm trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, vẫn còn 91 tù nhân tại cơ sở này.
Phúc trình của Ngũ Giác Đài dự kiến sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về những địa điểm trong nội địa Hoa Kỳ nơi quân đội có thể thuyên chuyển một nhóm khoảng 60 tù nhân, nhưng họ không đề nghị nên chọn địa điểm nào.
Các địa điểm có thể được chọn gồm các nhà tù liên bang ở các bang Kansas, Colorado và South Carolina, cũng như các cơ sở quân sự.
Luật lệ hiện hành của Mỹ cấm chuyển các tù nhân ở Vịnh Guantanamo tới các địa điểm trên đất Mỹ.
Một số người nói rằng những vụ chuyển tù như vậy có thể đi kèm với các quan tâm về an ninh. Tòa Bạch Ố để ngỏ khả năng Tổng Thống Obama có thể dùng quyền hành pháp để đóng cửa cơ sở giam giữ ở Vịnh Guantanamo.
Tổng Thống Obama đã nói rằng Guantanamo là một công cụ để tuyển mộ của các phần tử khủng bố, và là một vết nhơ đối với hình ảnh của Hoa Kỳ. - VOA
|
|
5.
Facebook không chỉ 'vì mục đích kiếm tiền'?
Là người giàu có nhất, quyền lực nhất, năm nay mới 31 tuổi, nhưng ông vẫn cảm thấy mình bị hiểu sai.
Đó là những gì người ta cảm nhận được qua 60 phút trò chuyện của Mark Zuckerberg với một phóng viên tại Đại hội Thế giới Di động diễn ra tại Barcelona.
Bị hiểu sai tại Ấn Độ, nơi ông nỗ lực đem đến cho hàng triệu người sự cảm nhận đầu tiên về internet thông qua chương trình miễn phí căn bản của Facebook; chương trình Free Basics đã bị cấm với các tội danh chống lại sự trung dung của mạng, điều "đáng thất vọng" khiến ông nhận ra rằng "mỗi quốc gia đều có sự khác biệt".
Và việc bị hiểu sai chung chung về niềm đam mê muốn dùng công ty của mình để thay đổi thế giới.
"Rất nhiều người nghĩ rằng các công ty không quan tâm tới gì khác ngoài chuyện kiếm tiền," ông nói trước khi giải thích động cơ trong việc thành lập Facebook.
Ông chỉ muốn kết nối với mọi người tại Harvard, và sau đó đã nhận ra rằng việc đưa mạng kết nối này thành công việc làm ăn chính là cách tốt nhất để phát triển ý tưởng.
Nhưng quả thực, ý tưởng của Mark Zuckerberg về việc kết nối thế giới cũng làm một thứ tạo ra lợi nhuận cực lớn cho Facebook.
Xây dựng các thiết bị bay tự động nhằm cung cấp kết nối internet cho các vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới, đầu tư những khoản lớn vào thực tế ảo và tạo ra tấm bản đồ chi tiết nhất về nơi mọi người sống, tất cả đều là những dự án thú vị và giá trị.
Tuy nhiên, các dự án đó đều là mở đường để thu hút thêm nhiều người đến với thế giới Facebook, nơi mọi nhu cầu của họ sẽ được đáp ứng, và hầu hết các dữ liệu về họ có thể sẽ được trao cho các công ty quảng cáo.
Bằng cách này, doanh nghiệp của ông Zuckerberg cũng thu được những khoản lợi khổng lồ.
Do vậy, khi ông đặt câu hỏi về trọng tâm của ngành công nghiệp di động trong việc sử dụng các mạng lưới hiện đại thế hệ mới, 5G, để kết nối, thay vì chú ý tới con người ở các nước đang phát triển, có lẽ bạn nghĩ rằng đó quả là một cách suy nghĩ cao quý.
Hoặc có thể bạn thấy rằng Facebook sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi mà các mạng lưới chi tiền ra để người ta liên lạc với nhau nhiều hơn thay vì chú trọng tới việc kết nối xe hơi hay tủ lạnh với mạng internet.
Một số người đã đặt câu hỏi tương tự về Tim Cook và về việc ông từ chối bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của một tay khủng bố, quan điểm mà Mark Zuckerberg cũng ủng hộ trong tối qua.
Chính phủ Mỹ đã gọi chiến dịch phản đối phán quyết tòa án là một phần chiến lược tiếp thị của Apple.
Nay, bạn có thể cảm thấy cảm thông cho lập luận của Apple về việc mã hóa, trong lúc thừa nhận một chiếc điện thoại iPhone được bảo mật cực tốt chính la một khía cạnh sống còn đối với nhãn hiệu của công ty và đối với tương lai lợi nhuận của hãng.
Thung lũng Silicon và các nhà lãnh đạo của nó ngạc nhiên vì phần còn lại của thế giới không phải lúc nào cũng nhìn sự việc giống mình trong các vấn đề, từ lợi ích của việc chia sẻ dữ liệu trực tuyến cho tới quyền riêng tư cá nhân cần được tôn trọng đến đâu so với sự an toàn chung cho cả xã hội.
Và điều đó có nghĩa là Mark Zuckerberg và các tỷ phú công nghệ sẽ tiếp tục nhận ra rằng thế giới không phải lúc nào cũng hiểu họ. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Biển Đông: Trung Quốc bắt đầu đặt radar tại Trường Sa
Ảnh vệ tinh mới nhất vừa được công bố hôm qua, 22/02/2016 cho thấy Bắc Kinh đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc tế CSIS ở Washington, hành động này của Trung Quốc có nguy cơ tăng cường đáng kể quyền khống chế Biển Đông của Bắc Kinh.
Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) được trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố, cho thấy một cơ sở có dáng dấp của một giàn radar tần số cao radar, cùng với một ngọn hải đăng, một lô cốt ngầm, một bãi đáp trực thăng và một số thiết bị thông tin liên lạc khác.
Ảnh chụp các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng gần đấy như Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) cũng cho thấy một số công trình đang xây dựng mà trung tâm CSIS dự đoán là tháp radar, ụ pháo, lô cốt, bãi đáp trực thăng, và bến cảng.
Các phát hiện mới trên đây đã làm tăng thêm mối quan ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông, một tuần sau khi vệ tinh phát hiện các giàn tên lửa địa đối không mà Bắc Kinh triển khai trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.
Radar còn nguy hại hơn tên lửa
Theo Trung Tâm CSIS : « Việc bố trí một đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác".
Cơ quan tham vấn này cho rằng việc triển khai tên lửa HQ-9 tại Hoàng Sa là một diển biến « đáng chú ý », nhưng «không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông ». Ngược lại « Các đài radar mới được bố trí tại vùng quần đảo Trường Sa, có thể thay đổi đáng kể cục diện về phương diện tác chiến".
Vào tuần trước, Trung Quốc xác nhận đã triển khai « vũ khí» trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, cho rằng họ có toàn quyền làm như vậy trên lãnh thổ của mình. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm qua còn cho rằng việc mà Trung Quốc làm tại Hoàng Sa cũng giống như những gì Mỹ làm tại Hawaii.
Tình hình Biển Đông chắc chắn nổi bật trong chương trình nghị sự của hai ngoại trưởng Vương Nghị và John Kerry nhân cuộc tiếp xúc tại thủ đô Hoa Kỳ vào hôm nay. - RFI
|
|
7.
Thủ tục hành chính VN 'độc ác lắm'
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam chỉ trích thủ tục hành chính “cay độc lắm, độc ác lắm” khi thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi) sáng 23/2.
Ông Nguyễn Sinh Hùng nghe báo cáo về dự án Luật dược (sửa đổi), có đề cập quy định về cấp chứng chỉ hành nghề.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết có hai phương án là cấp chứng chỉ có thời hạn 5 năm hoặc cấp một lần.
'Cay độc lắm'
Ông Hùng tỏ ra bức xúc: “Tại sao lại không cấp một lần mà 5 năm lại cấp lại? Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa.
Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở. Chỉ cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, còn không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm lại cấp lại.”
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Hùng cũng dẫn chứng từ việc điều trị gai đôi cột sống của chính mình.
Ông kể có những thầy thuốc đông y chỉ chữa 10 ngày là ổn trong khi các bệnh viện phải chụp, chiếu, mổ rất tốn kém.
“Các thầy thuốc đông y lúc đầu cũng được cấp chứng chỉ hành nghề, sau đưa lên ban nọ, sở kia thế là rút luôn. Trong khi lại có thầy lang, thầy mo chữa bệnh giẫm đạp lên cả người thì vẫn cứ để.”
Ông lại nói: “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm đấy. Có tiền là cấp, không có tiền là không cấp. Tôi đề nghị phải đơn giản tối đa thủ tục hành chính. Luật mình cho tự do kinh doanh, trị bệnh cứu người thì không được cấm, chỉ cấm trị bệnh lếu láo.”
Sau kết quả Đại hội Đảng Cộng sản XII, ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ nghỉ hưu, và dự kiến người thay ông là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. - BBC
|
|
8.
World Bank: Lộ trình để Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao --- Các nhà xuất khẩu thực phẩm Australia chú ý tới Việt Nam
Chủ tịch Nhóm Ngân Hàng Thế Giới, Jim Yong Kim, hiện đang thăm Việt Nam. Ngày 23/02/2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân Hàng Thế Giới vừa công bố Báo Cáo Việt Nam 2035, trong đó có khuyến nghị lộ trình đưa Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới.
Báo cáo Việt Nam 2035, do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân Hàng Thế Giới cùng thực hiện, đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam - một nước thu nhập trung bình thấp - phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội, và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỉ tới.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 - khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương - so với 2.052 USD năm 2014 - khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương.
Ba hướng chính được nêu trong bản báo cáo Việt Nam 2035 gồm : Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng - hoà nhập xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Về mặt thứ nhất, báo cáo Việt Nam 2035 đề xuất một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lí, bảo vệ quyền sử hữu tài sản, và thực thi chính sách cạnh tranh.
Báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp hiện vẫn chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước, tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường qui hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.
Tiếp theo, cần phải thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam. Nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người nghèo. Bản báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần phải có một nền quản trị tốt, các thể chế hiện đại và một xã hội thượng tôn pháp luật.
Cuối cùng, cần phải nâng cao hiệu quả Nhà nước. Việt Nam cần một hệ thống chính quyền thống nhất hơn với quy định về chức năng kinh tế của nhà nước rõ ràng hơn, giảm vai trò trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất và qui định rõ ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư, và tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực. Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ. - RFI
***
Các quan chức thương mại Australia đang kêu gọi các nhà xuất khẩu thực phẩm nước này đẩy mạnh hoạt động quảng bá ở Việt Nam để hưởng lợi từ thị trường đang tăng trưởng này. Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng khá giả hơn với thu nhập để chi tiêu cao hơn và những người này muốn có thực phẩm chất lượng cao, an toàn, lành mạnh.
Quyền Ủy viên thương mại cao cấp chuyên trách Việt Nam của Australia, bà Janelle Casey, nói các nhà sản xuất của Australia và New Zealand đang ở vào vị thế cực kỳ thuận lợi. Bà nói các nhà bán lẻ và cửa hàng ở Việt Nam cần các sản phẩm quốc tế chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu. Bà Casey nói:
“Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ý thức về các vấn đề về sức khỏe và chú ý nhiều hơn đến chất lượng và mức độ an toàn của thực phẩm – những yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi về hình thái tiêu dùng”.
Bà cho biết các nhà hàng và nhà nhập khẩu Việt Nam mong muốn tiếp cận nhiều hơn nữa với thực phẩm sản xuất ở Australia và đồ uống nhập khẩu từ nước này, hơn nữa, các sản phẩm của Australia có danh tiếng về chất lượng cao ở Việt Nam.
Ngược lại, lượng xuất khẩu hàng công nghệ từ Việt Nam sang Australia đang gia tăng. Dữ liệu thương mại của Việt Nam cho thấy Australia đã trở thành một thị trường mục tiêu chủ chốt đối với ngành xuất khẩu điện thoại di động đang phát triển của Việt Nam, với mức tăng trưởng doanh số đạt hơn 30% năm 2015.
Năm ngoái, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Australia sang Việt Nam là kim loại, lúa mì và than đá.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước đã giảm 19% trong năm 2015, đạt mức 4,93 tỷ đôla Mỹ. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho hay giá trị xuất khẩu của nước này sang Australia là 2,91 tỷ đôla, giảm 27,2%; còn nhập khẩu giảm nhẹ 1,6%, xuống mức 2,02 tỷ đôla.
Bộ Công thương nói xuất khẩu của Việt Nam tụt dốc vì giá dầu đã giảm đáng kể. Xuất khẩu dầu -- chiếm một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, đã giảm 69,4% trong năm 2015 so với năm trước, xuống tới mức 567 triệu đôla. - VOA
No comments:
Post a Comment