CUNG CHÚC TÂN XUÂN
Tin Thế Giới
1.
Nhật Bản sắp áp đặt các chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên --- Bắc Triều Tiên không nao núng trước sự lên án của quốc tế
Sau vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên hôm chủ nhật, các giới chức ở Tokyo cho biết Nhật Bản đang chuẩn bị để áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng. Từ thủ đô Nhật Bản, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Nhật Bản đang chuẩn bị để áp đặt các biện pháp chế đơn phương đối với Bắc Triều Tiên, một ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hoạt động bị cho là phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
Ông Tomohiko Taniguchi, một viên cố vấn của nội các Nhật Bản, phát biểu như sau.
"Tôi nghĩ rằng sẽ chỉ mất vài giờ, chứ không phải vài ngày, trước khi chính phủ Nhật Bản hoàn tất danh sách các biện pháp chế tài chống lại Bắc Triều Tiên."
Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay cũng cho báo chí biết rằng Tokyo sẽ siết chặt những biện pháp chế tài mà trước đây đã được nới lỏng.
Một trong các biện pháp đã được nới lỏng là một lệnh cấm tái nhập cảnh Nhật Bản áp dụng cho những giới chức nào của sứ quán trên thực tế của Bắc Triều Tiên đến thăm Bắc Triều Tiên.
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, và trong nhiều thập niên qua, Tổng hội Kiều dân Triều Tiên ở Nhật Bản đã nắm giữ vai trò trung gian giữa Tokyo với Bình Nhưỡng.
Hiện nay các kiều dân Triều Tiên ở Nhật có thể gởi sang Bắc Triều Tiên những khoản tiền dưới mức 30 triệu yen mà không cần phải báo cáo cho giới hữu trách. Theo dự liệu, mức trần 3 triệu yen sẽ được áp dụng trở lại.
Các nguồn tin trong chính phủ cũng cho biết danh sách những người có dính líu với Bắc Triều Tiên bị cấm nhập cảnh nước Nhật có phần chắc sẽ được nới rộng.
Bên cạnh các biện pháp chế tài đơn phương, Nhật Bản cũng đang làm việc với các nước khác để trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Ông Taniguchi, cố vấn nội các Nhật, phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA tại Dinh Thủ tướng Nhật.
"Có lẽ cộng đồng quốc tế phải chú tâm nhiều hơn nữa đối với những gì mà Bắc Triều Tiên, một đứa bé hư hỏng, muốn làm."
Hoả tiễn nhiều tầng của Bắc Triều Tiên đã bay qua đảo Okinawa ở miền nam nước Nhật sáng chủ nhật trước khi đặt một vật thể vào quỹ đạo.
Lực lượng tự vệ Nhật đã triển khai các đơn vị phi đạn địa đối không PAC-3 sau khi Bắc Triều Tiên loan báo kế hoạch phóng hoả tiễn, nhưng các đơn vị phi đạn Patriot này đã không khai hoả ngày hôm qua.
Ông Taniguchi cho biết như sau về việc này.
"Phi đạn PAC-3 được bố trí ở đó để bắn rơi những vật thể bay có thể gây tổn hại cho Nhật Bản và dân chúng. Những sự phân tích cuối cùng cho thấy là không có những mối nguy hiểm ngay tức thời."
Nhật Bản, cùng với Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, đã yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua. Đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc, ông Motohide Yoshikawa, nói rằng thời gian đối thoại đã chấm dứt và đã tới lúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết mạnh mẽ để trừng phạt Bình Nhưỡng. - VOA
***
Vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên hôm chủ nhật đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, thái độ không nao núng của Bình Nhưỡng trước phản ứng của các nước đã dường như đã giúp cho vị thế của lãnh tụ Kim Jong Un trở nên mạnh hơn trong nước cũng như ở nước ngoài.
Thái độ không nao núng của Bắc Triều Tiên trước sự lên án của quốc tế về vụ phóng hoả tiễn hôm qua và vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng trước dường như đã làm cho vị thế của ông Kim Jong Un trở nên mạnh ở trong nước và ở nước ngoài.
Tại quốc nội, lãnh tụ trẻ tuổi này được giới truyền thông do nhà nước kiểm soát chặt chẽ mô tả là một nhà lãnh đạo kiên cường, đang bảo vệ cho chủ quyền của đất nước trước các lực lượng thù địch của Mỹ và Nam Triều Tiên.
Các cơ quan truyền thông nhà nước cũng mô tả vụ phóng hoả tiễn hôm chủ nhật là một thành tự lớn về mặt kỹ thuật, làm cho nhiều người ở Bắc Triều Tiên cảm thấy hãnh diện.
Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, một sinh viên của Đại học Kim Il Sung ở Bắc Triều Tiên nói “Tôi cảm thấy rất hãnh diện là sinh viên của một nước có khả năng xuất chúng về khoa học và kỹ thuật, một nước có thể dùng công nghệ của chính mình để phóng lên không gian một vệ tinh quan sát trái đất.”
Trung tâm Hoạt động Không gian Hỗn hợp của Mỹ cho biết vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên đã đưa 2 vật thể lên quỹ đạo, nhưng chưa rõ hai vật thể đó có phát đi tín hiệu hay không.
Không có tín hiệu nào được phát giác từ một vệ tinh tương tự mà Bắc Triều Tiên đưa lên quỹ đạo vào năm 2012. Khi đó Bình Nhưỡng nói rằng “vệ tinh” nặng 100 kg có gắn máy thu hình để gởi hình ảnh về trái đất.
Hôm qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử nghiệm công nghệ phi đạn đạn đạo dưới vỏ bọc của một vụ phóng vệ tinh, một hành động góp phần cho “việc phát triển các hệ thống đưa vũ khí hạt nhân tới mục tiêu.”
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ phi đạn đạn đạo và đã áp đặt tổng cộng 4 đợt chế tài kể từ năm 2006.
Thái độ ương ngạnh
Vụ phóng hoả tiễn và vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng đã đánh đi một thông điệp rõ ràng cho cộng đồng quốc tế là Bắc Triều Tiên sẽ không từ bỏ mục tiêu có được khả năng răn đe hạt nhân.
Năm 2013, Bắc Triều Tiên bắt đầu áp dụng chính sách gọi là “chính sách song hành” để phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân cùng một lúc. Họ cho rằng đó là hai việc vô cùng cần thiết để duy trì nền độc lập.
Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, cho biết sự sụp đổ của lãnh tụ độc tài Moammar Gadhafi ở Libya năm 2011 sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân đã làm cho Bắc Triều Tiên nghĩ rằng họ không thể thoả hiệp về vấn đề hạt nhân.
"Tôi không nghĩ là chế tài, hoặc bất kỳ thứ gì khác, ngoại trừ vũ lực hoặc một sự thay đổi nào đó có tính chất cách mạng bên trong Bắc Triều Tiên, có thể làm cho họ từ bỏ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân. Nó là một phần của căn cước của họ."
Sự nhu nhược của Trung Quốc
Sau vụ phóng hoả tiễn hôm qua, Washington và các nước đồng minh đã lập lại yêu cầu đòi áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế nghiêm khắc để gây ra những sự đau đớn thật sự về kinh tế cho Bắc Triều Tiên qua việc hạn chế các hoạt động vận chuyển đường biển, đường hàng không và thương mại.
Trung Quốc, nước hỗ trợ kinh tế chính của Bắc Triều Tiên, không tán thành việc áp dụng những sự trừng phạt có thể gây bất ổn cho khu vực.
Có tin cho biết Bắc Kinh chỉ ủng hộ cho việc chế tài nhắm vào những hoạt động chuyển giao hoặc mua bán trang thiết bị quân sự và những thứ khác có liên hệ trực tiếp với chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên. Và Trung Quốc muốn tất cả các bên tự chế và thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế để giải quyết một cách hoà bình vụ giằng co hạt nhân này.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình có thái độ nhu nhược và không thể gây ảnh hưởng lên đồng minh Bắc Triều Tiên của họ. - VOA
|
|
2.
'Ông Mã Anh Cửu làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông'
Tờ Đài Bắc Thời Báo hôm Chủ nhật 7/2 cho rằng chuyến đi thăm một hòn đảo ở Biển Đông của Tổng Thống Đài Loan sắp mãn nhiệm đã được diễn giải sai lệch so với ý định của Tổng Thống Mã Anh Cửu, và cho rằng ông đã vô tình làm cho tình hình thêm phức tạp.
Chuyến đi của Tổng Thống Đài Loan tới thăm đảo Ba Bình hôm 28/1 nhằm mục đích ủy lạo binh sĩ Đài Loan trú đóng tại nơi này nhân dịp Tết Âm Lịch. Trên đảo mà Đài Loan gọi là Thái Bình, Tổng Thống Mã lặp lại sáng kiến hoà bình cho Biển Đông của ông, nói rằng việc Đài Loan đòi chủ quyền không nhất thiết cản trở các dự án chung để phát triển khu vực.
Ông Mã nhấn mạnh đến một ‘lộ trình’ để xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực. Theo Sáng kiến hòa bình cho Biển Đông của Đài Loan, một cơ chế hợp tác và phát triển dựa trên nguyên tắc “chia sẻ đồng đều các tài nguyên giữa các bên, từ bỏ tranh chấp về chủ quyền và thương lượng hòa bình thay vì đối đầu quân sự”.
Những nhận định của ông Mã nhắc lại các nguyên tắc này phù hợp với những phát biểu trước đây của ông ủng hộ việc thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển. Quan trọng hơn nữa, đây là một sự khẳng định về vùng lãnh thổ hiện có theo Hiến Pháp Đài Loan, gián tiếp xác nhận khái niệm “Một Trung Quốc” được đề cập đến ở đây là một Trung Quốc của Đài Loan, chứ không phải là Cộng Hoà Nhân dân Trung Quốc, tức Hoa Lục.
Tuy nhiên hành động của ông Mã đã được diễn giải khác nhau tại Hà Nội, Washington và Bắc Kinh, cũng như Đảng Dân Tiến ở Đài Loan.
Trước tiên, Phòng Đại diện của Việt Nam ở Đài Bắc đã lên tiếng phản đối ý định của ông Mã một ngày trước chuyến đi, vì lâu nay Việt Nam vẫn chống đối tuyên bố chủ quyền của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tác giả bài viết đăng trên tờ Đài Bắc Thời Báo là một Giáo sư môn Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan. Ông Thạch Chi Du cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Hà Nội không phân biệt giữa Đài Loan và Bắc Kinh. Tờ báo nói trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp chính trị đang diễn ra ở Việt Nam trong đó phe thân Bắc Kinh đang giành thế thượng phong, và do đó đây không phải là một thời điểm tốt cho một cuộc xung đột giữa Đài Loan và Việt Nam.
Trong khi đó Viện nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan cũng bày tỏ thất vọng về chuyến đi của ông Mã, giữa lúc ưu tiên của Mỹ hiện nay là tìm cách lôi kéo Việt Nam về phe chống lại Trung Quốc và đã dồn nỗ lực để bảo đảm việc hình thành một “liên minh chiến lược” giữa Đài Loan, Việt Nam và Philippines, để giúp ổn định phần nào tình hình tranh chấp trong Biển Đông.
Tờ báo cho rằng nếu yếu tố chiến lược này trở thành hiện thực, hoặc nếu Bắc Kinh tìm cách góp tiếng với Đài Loan đòi chủ quyền, thì tình huống này không có lợi cho Washington. Và tờ báo diễn giải rằng việc Washington bày tỏ thất vọng thể hiện một mức độ lo lắng về chiến lược và gián tiếp tăng sức ép đối với Tổng Thống tân cử Đài Loan, bà Thái Anh Văn, phải lật ngược tình hình sau khi lên nắm quyền.
Bằng cách gián tiếp tái khẳng định “lãnh thổ hiện hữu” của Đài Loan, ông Mã đã tăng sức ép đối với người kế nhiệm, vì khi đắc cử, bà Thái Anh Văn đã cam kết sẽ thực thi Hiến Pháp Đài Loan. Vào đêm bà đắc cử, bà Thái Anh Văn ra dấu hiệu cho thấy chính phủ Đài Loan quan tâm tới tất cả các đảo hiện đang chiếm đóng, nhưng không nhắc tới các vùng lãnh hải của Đài Loan.
Bắc Kinh có phần chắc sẽ đòi bà Thái phải xác định lập trường của bà về vấn đề này.
Giáo sư Thạch Chi Du nói rằng giữa lúc các đại diện Việt Nam và Mỹ lên tiếng chống đối động thái của ông Mã tới thăm đảo Ba Bình, thì trên thực tế hai nước này lo ngại hơn về Trung Quốc.
Do đó ông Mã tin rằng phản ứng tiêu cực của đại diện Việt Nam sẽ không ảnh hưởng tới các quan hệ giữa Hà nội và Đài Bắc, nhưng bà Thái Anh Văn tin rằng ông Mã đã phương hại tới sự tin cậy giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự tin cậy giữa Đài Loan và Việt Nam, và cùng lúc tác động tới chính sách ‘hướng Nam’ của Đài Loan.
Một bản tin khác của báo chí Đài Loan hôm qua nói bất chấp những sự chống đối từ tứ bề, Tổng Thống Mã Anh Cửu duy trì lập trường của ông, nói rằng chuyến đi thăm đảo Ba Bình của ông là cần thiết và có lý do.
Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong khu vực quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, nhưng hiện do Đài Loan kiểm soát. Ông Mã là tổng thống thứ nhì của Đài Loan tới thăm hòn đảo này sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Trần Thủy Biển vào năm 2008. - VOA
|
|
3.
Tổng thống Haiti rời văn phòng không người kế nhiệm
Tổng thống Haiti Michel Martelly rời nhiệm sở hôm Chủ nhật theo quy định của Hiến pháp Haiti, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm mà không có ai được bầu lên thay thế ông.
Trước khi ông Martelly li nhiệm, cựu ngôi sao nhạc pop này nói với các nhà lập pháp ở Port-Au-Prince rằng ông li nhiệm "để góp phần vào sự bình thường của hiến pháp."
Sau đó ông trao quyền lại cho nhà lãnh đạo của quốc hội được bảo vệ nghiêm ngặt, sau một thỏa thuận vào phút chót mà theo đó các nhà lập pháp dự kiến sẽ lựa chọn một tổng thống lâm thời thay thế ông Martelly. Vẫn chưa rõ ai sẽ lãnh đạo đất nước nghèo khó này trong những tháng tới, cho đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra.
Việc tổng thống rời chức vụ là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hàng tháng gây nên bởi vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử vào tháng 10 bao gồm 54 ứng cử viên muốn kế nhiệm ông Martelly.
Những người chỉ trích mô tả cuộc bỏ phiếu là đầy rẫy tham nhũng và gian lận theo hướng có lợi ứng cử viên của đảng cầm quyền ít được biết đến, Jovenel Moise. Việc kiểm đếm phiếu gây ra những cuộc biểu tình khắp thủ đô và khiến các nhà lãnh đạo đối lập tuyên bố tẩy chay bất kỳ cuộc bỏ phiếu vòng hai nào.
Một vòng bỏ phiếu thứ hai kể từ đó đã bị hoãn hai lần vì lo ngại về an ninh trong và xung quanh thủ đô, làm cho Haiti vẫn chật vật thiết lập một nền dân chủ ổn định và lâu dài 30 năm sau khi lật đổ chế độ độc tài Jean-Claude Duvalier.
Các nhà phân tích nói rằng vụ rối loạn chính trị đang diễn tiến đã cản trở đầu tư nước ngoài đang hết sức cần tại đất nước 10 triệu dân này - là nước nghèo nhất ở Tây Bán cầu.
Việc thiếu nguồn ngân quỹ từ nước ngoài vì thế đã kiềm hãm tiến trình hồi phục từ trận động đất hồi năm 2010 khiến nhiều nơi ở Port-Au-Prince hoang tàn. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Các ứng viên Cộng hòa đấu khẩu trước bầu cử sơ bộ New Hampshire
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ bên Ðảng Cộng hòa đấu khẩu gay gắt về chính sách đối ngoại, và mạnh mẽ công kích nhau trong cuộc tranh luận tại New Hampshire tối thứ Bảy.
Cuộc tranh luận diễn ra 3 ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng của bang New Hampshire mà theo trông đợi sẽ có những ứng cử viên nổi lên trong cuộc tranh cử và cũng có những ứng cử viên sẽ bật khỏi cuộc đua.
Hình như dưới áp lực được đó, nhiều ứng cử viên ghi được ít điểm trong các cuộc thăm dò dư luận đã nhanh chóng tấn công các đối thủ ngay khi cuộc tranh luận bắt đầu.
Thống đốc bang New Jersey Chris Christie là người công kích mạnh nhất nhắm vào Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida ngay đầu cuộc tranh luận. "Ông ấy đơn thuần là không có kinh nghiệm để có thể làm tổng thống nước Mỹ và để đưa ra những quyết định này," ông Christie nói về ông Rubio, một thượng nghị sĩ đang trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Thống đốc Christie tố cáo ông Rubio lập lại một "phát biểu 25 giây được học thuộc lòng" mà ông ấy sử dụng tại các cuộc vận động tranh cử, và nói thượng nghị sĩ này đạt được rất ít thành tích trong thời gian làm đại biểu Quốc hội.
Ông Rubio tỏ ra nao núng trước những công kích, nhưng thay vào đó đã quay sang tập trung vào chỉ trích Tổng thống Barack Obama, người mà ông nói là dấn thân vào một "nỗ lực có hệ thống để thay đổi nước Mỹ."
Thượng nghị sĩ Rubio được xem là ứng cử viên được lòng những người lập ra Ðảng Cộng hòa, nhất là sau khi ông về thứ ba, cao hơn mức dự báo trong cuộc tranh đề cử đầu tiên trên cả nước.
Donald Trump tập trung vào các vấn đề
Ứng cử viên Donald Trump là tâm điểm của cuộc tranh luận.
Tỉ phú bất động sản này dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận tại New Hampshire và cần phải giành kết quả cao tại bang này sau khi chỉ về thứ nhì ngoài dự đoán tại bang Iowa hồi tuần trước.
Hình như muốn giữ yên vị trí dẫn đầu ở New Hampshire, ông Trump tỏ ra ít công kích hơn mọi khi, và tập trung vào các chính sách nhiều hơn là cách chê bai các cá nhân như thường thấy của ông trong thời gian trước.
Ông Trump bênh vực cho những đề nghị cứng rắn của ông về vấn đề di dân, trong đó có việc xây một tường thành dọc biên giới với Mexico. Ông cũng nói rằng ông sẽ tăng cường không kích chống Nhà nước Hồi giáo. "Phải đánh bật bọn ma quỷ ra khỏi các mỏ dầu," ông Trump nói. Ông cũng hứa sẽ dùng lại phương pháp trấn nước khi hỏi cung các nghi can khủng bố." "Tôi sẽ mang lại những phương pháp khác còn tệ hơn cả cách trấn nước," ông Trump nói.
Ông Ted Cruz bênh vực chiến thuật đánh bom rải thảm
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz cũng hứa sẽ khôi phục lại "bất cứ phương pháp hỗ trợ hỏi cung nào" cần thiết để giữ cho đất nước an toàn, nhưng "không phải những cách thức được sử dụng rộng rãi."
Ông Cruz bênh vực cho đề nghị hồi gần đây của ông là cùng chiến thuật "đánh bom rải thảm" để đánh Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Ông nói chiến dịch oanh kích đó không đánh bừa bãi, mà chỉ nhắm vào những mục tiêu chiến lược và cụ thể.
Cuộc vận động tranh cử của thượng nghị sĩ bang Texas này đang trong thế đi lên kể từ khi ông bất ngờ giành được chiến thắng tại bang Iowa. Nhưng ứng cử viên tin theo Phúc âm Kitô giáo, người hô hào cho việc thu nhỏ lại chính phủ liên bang, đang gặp phải thách thức ở bang New Hampshire, nơi cử tri thường ủng hộ các ứng cử viên ôn hòa hơn.
Ben Carson tấn công Ted Cruz
Bác sĩ khoa thần kinh đã về hưu, ông Ben Carson, trước đó từng là một ứng cử viên có triển vọng trong số các ứng cử viên tin vào vào phúc âm, hiện mất điểm trong mấy tuần qua tại các cuộc thăm dò dư luận.
Ông Carson sử dụng cuộc tranh luận để công kích ông Cruz. Nhân viên trong ban vận động của ông Cruz hòi tuần trước đã loan tin thất thiệt rằng ông Carson sẽ bỏ cuộc đua. Động thái đó là một ví dụ của "vấn đề đạo đức ở Washington," ông Carson nói. "Đó không phải là đạo đức của tôi. Đạo đức của tôi dạy tôi rằng – làm điều ngay lẽ phải."
Đáp lại, ông Cruz nói đó là một "tai nạn" vì hiểu lầm, vì nhân viên ban vận động của ông xem tin trên truyền thông có ám chỉ rằng ông Carson sẽ bỏ cuộc đua.
Ông Donald Trump cũng mấy lần lập lại chỉ trích cuộc vận động của ông Cruz về vấn đề này, và thậm chí nói rằng ông Cruz đã "đánh cắp phiếu ở bang Iowa, và ông đe dọa sẽ kiện việc này ra tòa.
Trong phần kết luận, ông Trump lại một lần nữa đề cập đến chuyện này, và nói rằng ông Cruz chỉ thắng được ở bang Iowa "nhờ vào phiếu của ông Carson."
Bắc Triều Tiên
Bảy ứng cử viên tổng thống cũng nói về mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, nước mà trước đó vài phút có tin nói đã thực hiện một vụ phóng thử phi đạn vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc.
Ông Jeb Bush tỏ quan điểm cứng rắn nhất đối với Bình Nhưỡng. Ông nói "nếu cần phải ra tay tấn công trước để bảo vệ an toàn cho chúng ta, thì chúng ta nên làm như vậy."
Ông Cruz không đưa ra lời hứa nào về việc này, mà thay vào đó nói rằng ông cần phải xem các báo cáo tình báo trước.
Ông Trump nói chiến lược của ông đối với Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu với Trung Quốc, đồng minh quốc tế thân cận nhất của Bắc Triều Tiên: "Hãy để cho Trung Quốc giải quyết chuyện đó. Họ có thể giải quyết việc đó thấu đáo và nhanh chóng," ông Trump nói. - VOA
|
|
5.
Dân Mỹ rộn ràng đón xem Super Bowl hôm Chủ Nhật 7/2 [Broncos 24 - Panthers 10]
Người dân Mỹ đang rộn ràng chuẩn bị theo dõi Super Bowl, trận chung kết giải vô địch bóng bầu dục của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL), với màn đối đầu giữa hai đấu thủ Peyton Manning của đội Denver Broncos và Cam Newton của đội Carolina Panthers, người được NFL bình chọn là cầu thủ đáng giá nhất, trong trận đấu có thể là cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng của Manning.
An ninh được thắt chặt và có thể nhìn thấy rõ xung quanh những địa điểm Super Bowl, từ những khách sạn ở thành phố San Francisco cho tới Sân vận động Levi's ở thành phố Santa Clara, nơi mà trận đấu sẽ khai cuộc bắt đầu từ giữa giờ chiều giờ địa phương (23:30 giờ UTC). Máy bay không người lái bị cấm xung quanh sân vận động và có những hạn chế bay rộng lớn trong khu vực.
San Francisco sẽ không tổ chức trình chiếu quy mô lớn cho công chúng xem ở trung tâm thành phố, không giống như những lần mà thành phố này cho trình chiếu giải vô địch World Series của đội bóng chày San Francisco Giants vào những năm 2010, 2012 và 2014.
Chủ nhật Super Bowl gần như là một ngày lễ quốc gia của Mỹ khi mà người dân khắp cả nước tụ tập với bạn bè và gia đình trong những bữa tiệc tại nhà và quán bar để xem trận đấu, khiến tỉ lệ xem truyền hình tăng vọt.
Trận đấu năm ngoái thu hút 114 triệu người xem tại Mỹ, khiến nó trở thành chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử. Năm chương trình kế tiếp trong danh sách cũng đều là Super Bowl. Theo dịch vụ nghiên cứu Nielsen, 71 phần trăm người xem truyền hình vào lúc diễn ra Super Bowl hồi năm ngoái đều theo dõi trận đấu này.
Những người không phải là fan hâm bộ bóng bầu dục cũng chú ý theo dõi chương trình giải lao giữa giờ bao gồm những màn trình diễn âm nhạc lớn nhất thế giới. Những năm qua có sự tham gia của Paul McCartney, Michael Jackson, U2, Prince và Gloria Estefan. Năm nay, Coldplay, Beyoncé và Bruno Mars sẽ khuấy động sân khấu.
Chương trình truyền hình còn có phần quảng cáo cũng thu hút sự quan tâm lớn của khán giả trước và sau sự kiện này. Đây là cơ hội để những công ty tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn bất kỳ lúc nào khác, và họ chi bộn tiền làm những quảng cáo mà họ hy vọng sẽ được khán giả yêu thích trong đêm Chủ nhật. Chi phí để đưa những quảng cáo đó lên truyền hình cũng tăng vọt tới mức chưa từng thấy từ trước tới nay. Năm nay, các công ty đang chi khoảng 5 triệu đôla cho 30 giây phát sóng. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Các nước Châu Á tưng bừng đón năm mới 2016
Năm mới theo âm lịch - năm Bính Thân - đã bắt đầu ngày 7/2/2016. Mặc dù người ta hầu như chỉ ăn Tết âm lịch ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ, song một số công dân Mỹ đang đưa việc đón mừng năm mới âm lịch trở thành một ngày nghỉ lễ của mọi người Mỹ.
Nhiều gia đình ở Mỹ, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, hiện đang ăn Tết. Những người ở thế hệ sau này được truyền lại truyền thống ăn Tết từ bố mẹ, ông bà cho dù những người đó đã mất từ lâu. Tin Vuong, là một trong những người Mỹ gốc Á như vậy. Anh nói với tờ Los Angeles Times rằng anh tin việc ăn Tết có nền tảng là “bản sắc của chúng tôi”.
Anh Vuong nói: “Tôi đã học được tất cả những điều tốt và xấu mà tôi biết từ dịp Tết. Nhậu nhẹt, cờ bạc, kính lão, tôn giáo, truyền thống, tất cả những gì thể hiện con người tôi đều xoay quanh những điều này”.
Trong bộ 12 con giáp của Việt Nam và Trung Quốc, năm Thân, tức là khỉ, đứng ở vị trí thứ 9. Người Việt Nam và Trung Quốc cho rằng đây là “năm tuổi” của những người sinh ra vào các năm Thân trước đó và sẽ là một năm không tốt cho họ. Tuy nhiên, đối với những người Mỹ gốc Á, dịp Tết âm lịch 2016 là lúc để tôn vinh tự hào và bản sắc dân tộc hơn là niềm tin vào 12 con giáp.
Tuy ý nghĩa của việc ăn Tết có thể đã thay đổi với những người sống ở Mỹ, song những người như anh Vuong vẫn rất nghiêm túc với dịp lễ Tết này.
Anh nói: “Khi chúng ta già đi, có thêm con cháu, mọi việc lặp lại, đó là một chu trình khép kín”.
Chung vui với Tết của một số nước châu Á và của người Mỹ gốc Á, ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg đã đăng một đoạn video chúc Tết hôm thứ Bảy, 6 tháng 2, trong đó ông nói bằng tiếng Trung trôi chảy chúc mừng năm mới âm lịch. Đoạn video đã thu hút gần 19 triệu người xem và được chia sẻ gần 130.000 lần trên Facebook.
Trong đoạn video, ông Mark Zuckerberg và Tiến sỹ Priscilla Chan đã nói tiếng Trung về cái Tết đầu tiên của họ cùng con gái 2 tháng tuổi của họ, tên là Max:
Họ nói: “Chúc mừng năm mới! Priscilla và tôi rất phấn khích sẽ ăn Tết lần đầu tiên cùng với Max. Chúng tôi mong vào ngày này các bạn cũng đang ăn Tết cùng gia đình và bạn bè…Từ gia đình nhỏ bé của chúng tôi, xin gửi đến gia đình các bạn lời chúc sức khỏe và thịnh vượng trong năm mới Bính Thân! Chúc mừng năm mới!”
Bạn có phải người sinh vào năm Thân không? Nếu có, màu sắc tốt nhất của bạn là xanh dương, vàng kim và trắng. Bạn nên tránh màu hồng và đỏ. Các con số may mắn của bạn là 1, 7 và 8. Hướng xuất hành may mắn của bạn là bắc, tây và tây bắc, đó là theo Annie Wu, người của trang web China Highlights, một trang chuyên về văn hóa Trung Quốc. - VOA
No comments:
Post a Comment