Tuesday, February 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 9/2

Tin Thế Giới

1.
Chứng khoán Nhật sụt giá mạnh

Chỉ số chứng khoán Nhật sụt mạnh và lãi suất của trái phiếu chính phủ hôm nay trở thành lãi suất âm lần đầu tiên trong lúc tỉ giá đồng nguyên tăng tới mức cao nhất trong vòng 15 tháng. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Tokyo, dao động mạnh trên thị trường làm tăng thêm mối quan tâm về những biện pháp cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm vực dậy nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới này.

Chỉ số Nikkei 255 giảm 918 điểm, tương đương với 5,4%. Chứng khoán của mọi công nghiệp đều bị sụt mạnh, nhất là khu vực tài chánh và xuất khẩu.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm hôm nay giảm xuống dưới mức zero. Đây là lần đầu tiên trái phiếu của một nước trong khối G7 có lãi suất âm. Lãi suất của trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 5 năm cũng giảm tới mức thấp kỷ lục và là lần đầu tiên trong vòng 5 năm lãi suất của loại trái phiếu này thấp hơn lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm.

Mức cầu cao đối với trái phiếu đã làm cho lãi suất trái phiếu giảm đi, và các chuyên gia cho biết ngày hôm nay họ nhận thấy nhiều người xem việc mua công trái Nhật Bản để cách giữ tiền an toàn tại một thời điểm có nhiều mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.

Những khó khăn của ngành ngân hàng

Ngân hàng trung ương Nhật tháng trước đã quyết định áp dụng lãi suất âm đối với một bộ phận của những khoản ký thác vào Ngân hàng Nhật Bản của một số định chế tài chánh.

Ông Todd Walzer là chủ tịch của công ty iland6 Capital, chuyên tư vấn về phát triển kinh doanh ở Nhật Bản cho các công ty công nghệ cao của Israel.

Ông nói “Quyết định đó của ngân hàng trung ương Nhật có mục đích thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền, nhưng các ngân hàng cần phải thay đổi cách suy nghĩ trước. Những ngân hàng này không ngừng cho các công ty ‘dỏm’ vay tiền trong khi không chịu cung cấp tín dụng cho các công ty tốt nhưng không hợp ý của họ.”

Cần có thêm tinh thần kinh doanh mạo hiểm

Ông William Saito, một chuyên gia về vốn mạo hiểm, là cố vấn đặc biệt cho nội các Nhật. Ông cho đài VOA biết rằng nước Nhật, với dân số bị bị lão hoá và sút giảm nhưng không muốn tiếp nhận di dân, cần phải khích lệ tinh thần kinh doanh mạo hiểm mới có thể khôi phục mức tăng trưởng cao.

Ông nói “Các công ty lớn có tiền bạc, tiếng tăm và kỹ năng quản trị -- những thứ mà các công ty khởi nghiệp không có. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp có sự canh tân, tốc độ và sự sáng tạo mà các công ty lớn cần có. Hai thứ này có thể bổ sung cho nhau một cách rất tốt đẹp. Cho nên chúng ta cần phải tìm ra cách thức để gộp chung hai thứ này và làm cho một cộng một bằng ba.”

Kinh tế Abe (Abenomics) chưa phải là giải đáp

Thủ tướng Shinzo Abe đã phát động một chương trình cải cách kinh tế khá táo bạo, được gọi là kinh tế Abe, vào năm 2012, với sự nới rộng tài khoá, kích thích tiền tệ và những biện pháp cải cách sâu rộng. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những cải cách đó chưa đủ để kinh tế Nhật Bản khôi phục. Họ cho rằng bên cạnh việc cải thiện sự quản trị của các doanh nghiệp lớn và cải cách các khu vực như nông nghiệp và năng lượng, Nhật Bản cần phải thay đổi luật lao động, gia tăng số phụ nữ tham gia lực lượng lao động và hạ thấp những rào cản đối với di dân.

Vụ tuột dốc của thị trường Nhật ảnh hưởng tới các nước khác

Những khó khăn của Nhật ngày hôm nay cũng có tác động tiêu cực đối với những người mua bán chứng khoán tại các thị trường khác trong khu vực mở cửa trong ngày Tết âm lịch. Tại Australia, chỉ số ASX 200 sụt gần 3%.

Những người mua bán chỉ tệ ở Á châu mô tả một tình trạng hốt hoảng, trong đó các quỹ đầu tư ở Âu châu bán tống đô la Mỹ mà họ đang có rất nhiều để mua đồng yen và đồng Phật lăng Thuỵ Sĩ – hai loại chỉ tệ được xem là nơi ẩn náu an toàn vào một thời điểm có nhiều yếu tố bất định.

Đồng yen tăng giá làm cho hàng xuất khẩu Nhật trở nên đắt hơn, và đây là một điều bất lợi cho một nền kinh tế đang bị trì trệ và lệ thuộc nhiều vào việc bán hàng cho các nước khác.

Bộ trưởng tài chánh Nhật, ông Taro Aso, mô tả vụ tăng giá mạnh của đồng yen hôm nay là “thô bạo.”

Ông cho báo chí biết rằng Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn tiến trên thị trường tiền tệ.” - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Philippines Rosario từ chức

Hôm qua, 08/02/2016, đơn từ chức của ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã được tổng thống chấp thuận. Người nỗ lực siết chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông ra tòa án quốc tế sẽ chính thức từ nhiệm kể từ ngày 07/03 tới.

Theo CNN Philippines, cho dù không có thông tin chính thức nào được đưa ra về vụ từ chức này, ngoại trưởng Rosario, sinh năm 1939, phải từ chức vì lý do tình trạng sức khỏe rất kém. Tháng 11/2015, ông Rosario đã trải qua một phẫu thuật để ghép máy trợ tim.

CNN điểm lại một số biến chuyển quan trọng trong nền ngoại giao Philippines kể từ năm 2011, khi ông Albert del Rosario nhậm chức ngoại trưởng. Thứ nhất là việc củng cố liên minh quốc phòng với Hoa Kỳ, với kết quả là thỏa thuận hợp tác quốc phòng Enhanced Defense Cooperation Agreement (EDCA), được ký kết năm 2014, vừa được Tòa Án Tối Cao Philippines phê chuẩn tháng trước. Thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines một cách đông đảo và thường xuyên hơn, và trợ giúp nhiều hơn cho quân đội Philippines trong việc bảo vệ đất nước. Ngoại trưởng Rosario từng là đại sứ của Philippines tại Mỹ từ năm 2001 đến 2006.

Thứ hai là, dưới quyền của ngoại trưởng Rosario, kể từ năm 2013, chính quyền Manila đã đệ trình lên Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc hồ sơ kiện Trung Quốc về các tham vọng chủ quyền tại Biển Đông, mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Phán quyết về vụ này sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Ngoại trưởng Philippines là « một tiếng nói không mệt mỏi » trong việc khuyến cáo ASEAN - Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á – chú ý đến tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bắt đầu mùa tranh cử

Theo AFP, hôm nay, Philippines chính thức bước vào kỳ tranh cử. Trong số các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 5, bầu cử tổng thống « được chú ý nhiều nhất », bởi người kế nhiệm được kỳ vọng sẽ nối tiếp các thành tựu chống tham nhũng và phát triển kinh tế dưới thời tổng thống Benigno Aquino.

Theo các chuyên gia về nền chính trị của quần đảo, cử tri Philippines thường chọn ủng hộ một ứng cử viên căn cứ theo tên tuổi và tính cách cá nhân, chứ không phải theo cương lĩnh tranh cử hay lập trường tư tưởng. Cách nay 6 năm, ông Benino Aquino III thắng cử nhờ ở vầng hào quang của cha mẹ quá cố : mẹ - tổng thống Cory Aquino và bố - cựu thượng nghị sĩ bị ám sát Benigno Simeon Aquino.

Một trong các ứng cử viên hàng đầu hiện nay là ông Jejomar Binay, 73 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập, phó tổng thống. Xuất thân nghèo khó, ông Jejomar Binay trở thành một trong những chính trị gia có thế lực nhất. Jejomar Binay hiện bị nhiều cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống mãn nhiệm hy vọng nhà ngân hàng Mar Roxas, 58 tuổi, từng học tập tại Mỹ, sẽ kế nhiệm ông, nhưng nhân vật này không được dân chúng ủng hộ nhiều. Theo Hiến Pháp Philippines, tổng thống Aquino không được phép tái ứng cử. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bầu cử sơ bộ New Hampshire bắt đầu

Cử tri tại 3 thị trấn nhỏ của Mỹ đã đi bỏ phiếu trong những phút đầu tiên ngày hôm nay, bắt đầu cuộc bầu cử sơ bộ trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tại bang New Hampshire ở vùng đông-bắc nước Mỹ.

Tại Dixville Notch, Thống đốc Ohio John Kasich đoạt được 3 phiếu, đủ để đánh bại tỷ phú Donald Trump – là người được 2 phiếu, trong cuộc vận động để trở thành ứng viên Tổng Thống của Đảng Cộng Hoà.

Thượng nghị sĩ đại diện bang Vermont Bernie Sanders đoạt được tất cả 4 phiếu dành cho các ứng cử viên thuộc Đảng Dân Chủ.

Hai ông Kasich và Sanders cũng thắng thế tại địa hạt Hart.

Cựu Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đạt được kết quả khả quan hơn tại thị trấn Millsfield, đánh bại ông Sanders, bà giành được hai phiếu so với mỗi phiếu ông Sanders đoạt được.

Trong khi đó bên Đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz chiến thắng sau khi đoạt được 9 phiếu, so với 3 phiếu dành cho ông Donald Trump.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm nay, các cuộc thăm dò công luận cho thấy ông Sanders dẫn xa bà Clinton với tỉ lệ hai con số tại bang New Hampshire.

Trong cuộc vận động bên Đảng Cộng Hoà, ông Trump cũng dẫn đầu khá xa, trong khi các ông Kasich, Cruz, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và cựu Thống đốc Florida Jeb Bush cạnh tranh sít sao để giành vị thế thứ hai. - VOA
|
|

4.
Giám đốc Google có lương cao nhất ở Mỹ

Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai nhận được 199 triệu USD từ tiền cổ phiếu, theo thông tin từ một hồ sơ pháp lý.

Khoản tiền khiến ông trở thành giám đốc điều hành có lương cao nhất ở Hoa Kỳ.

Ông Pichai điều hành hãng công cụ tìm kiếm khổng lồ trên internet sau khi tạo ra Alphabet, công ty mẹ của Google.

Người sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin, cũng thu được khoản tiền khổng lồ 34.6 tỷ USD và 33.9 tỷ USD, theo tạp chí Forbes.

Ông Pichai, 43 tuổi, được hưởng 273.328 cổ phiếu Alphabet vào ngày 03/02, với tổng giá trị 199 triệu USD, theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ.

Khoản tiền thu được từ cổ phiếu khiến tổng giá trị cổ phần của ông Pichai lên tới 650 triệu USD.

Lợi nhuận thu được từ cổ phiếu của ông được trao vào mỗi quý cho tới năm 2019.

Giám đốc điều hành Google gia nhập công ty từ năm 2004, ban đầu quản lý một số sản phẩm dành cho khách hàng của Google, trong đó có Google Chrome và Chrome OS, cũng như chịu phần lớn trách nhiệm với Google Drive.

Ông cũng quản lý phát triển Gmail và bản đồ Google Maps.

Ông từng gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 22/12/2015 trong chuyến thăm Việt Nam.

Trên trang web chính thức của chính phủ Việt Nam nói ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Google "phối hợp với các cơ quan của Việt Nam trong việc tuân thủ pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới; bảo vệ an ninh quốc gia."

Trang này cũng nói "Google sẽ có một số dự án tại Việt Nam như đào tạo 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục-đào tạo."

Thông tin về thu nhập của ông Pichai được đưa ra trong lúc vấn đề thuế của Google bị giám sát chặt chẽ, sau khi thỏa thuận của công ty với cơ quan thuế của Anh, HM Revenue & Custom nhằm hoàn thuế từ năm 2005.

Hồi tuần trước, Alphabet – công ty mẹ của Google – đã vượt Apple trở thành hãng có giá trị nhất thế giới sau khi báo cáo lợi nhuận 4.9 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2015, so với 4.7 tỷ USD của năm trước đó.

Giám đốc điều hành có lương cao nhất ở Mỹ năm 2015

1. John Hammergren, hãng dược phẩm McKesson: $131.2m

2. Ralph Lauren, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Ralph Lauren: $66.7m

3. Michael Fascitelli,quỹ đầu tư bất động sản Vornado Realty: $64.4m

4. Richard Kinder, hãng cơ sở hạ tầng năng lượng Kinder Morgan: $60.9m

5. David Cote, công ty đa ngành Honeywell: $55.8m. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Các kinh tế gia khuyên Việt Nam giảm lệ thuộc FDI

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2015, số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đăng ký ở Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 23 tỷ đôla, tăng hơn 12,5% so với năm trước.

Các nhà kinh tế đánh giá rằng mức độ thu hút FDI là một trong những chỉ số đo lường sự phát triển kinh tế vì nó thể hiện sự cam kết về dài hạn của các công ty nước ngoài đối với nền kinh tế.

Song chính những nhà kinh tế này cũng cảnh báo việc lệ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể trở thành lực lượng chi phối nền kinh tế quốc gia, trong khi các công ty trong nước phải trả giá.

Mức tăng FDI ở Việt Nam trong năm qua đạt được chủ yếu nhờ việc các công ty như Samsung của Nam Triều Tiên hay Janakuasa của Malaysia gia tăng đầu tư.

Các doanh nghiệp FDI cũng đóng góp một phần lớn trong xuất nhập khẩu của Việt Nam. Họ đã xuất khẩu 115,1 tỷ đôla, tương đương 71% giá trị xuất khẩu năm 2015 của cả nước, tăng 13,8% so với năm 2014.

Cũng trong 2015, họ nhập khẩu 97,9 tỷ đôla, chiếm 59.2% nhập khẩu của cả nước. Các con số này cho thấy các doanh nghiệp FDI đã đóng góp mức thặng dự thương mại là 17,2 tỷ đôla cho nền kinh tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 47,3 tỷ đôla, giảm 3,5% so với năm trước.

Dữ liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy từ đầu năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước liên tục sụt giảm. Từ tháng 5/2015, giá trị xuất khẩu của khối này liên tục giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó khu vực FDI vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 20%.

Vai trò chi phối ngày càng tăng của các công ty FDI đang làm các nhà kinh tế lo ngại rằng nền kinh tế sẽ quá lệ thuộc vào FDI, dẫn đến điều có thể là một nghịch lý, đó là làm còi cọc nền kinh tế trong nước. Mặc dù các công ty FDI đã và đang đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, song các nhà kinh tế chỉ ra rằng đất nước sẽ trả cái giá lớn hơn về dài hạn vì các nguồn lực bị cạn kiệt.

Nghiên cứu của các Tiến sỹ Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thanh của ĐH Kinh tế Hà Nội cho thấy tỷ lệ Tổng Thu nhập Quốc nội (GNI) trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đang giảm đều đặn. Kể từ năm 2006, tỷ lệ GNI/GDP đã giảm từ 97,9% xuống 95,1%.

Hai nhà nghiên cứu ước tính khoảng 8,6 tỷ đôla đã đi ra nước ngoài năm 2013 và tăng lên 9 tỷ đôla năm 2014 và thêm 4,2 tỷ đôla nữa trong nửa đầu năm 2015.

Tiến sỹ Đạt nhận định rằng với mức tăng lượng tiền chuyển ra ngoài nước như vậy, Việt Nam cần điều chỉnh con đường phát triển kinh tế và nên khuyến khích phát triển kinh tế quốc nội thay vì lệ thuộc quá nhiều vào FDI. - VOA
|
|

6.
VN phát hiện 'sai phạm kinh tế 9 tỷ đô'

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được báo chí Việt Nam trích lời nói sai phạm kinh tế phát hiện ra được trong giai đoạn 2011-2015 lên tới số tiền tương đương 9,3 tỷ USD.

Phát biểu trong một cuộc họp trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, Thanh tra Chính phủ đã triển khai 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

"Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý... phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng."

Đây là khoản tiền 9,3 tỷ USD, nếu tính vào thời giá tháng 2/2016.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Bình cũng được báo chítrích lời nói Thanh tra Chính phủ "đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng".

Ngoài ra cơ quan này cũng kiến nghị thu hồi "19.230 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người".

'Vi phạm kỷ cương'

Có vẻ như các phát hiện trên xảy ra ở địa phương vì phát biểu của ông Nguyễn Thái Bình được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và UBND tại Quốc hội hôm 02/2.

Ông Nguyễn Thái Bình xác nhận:

"Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở không ít địa phương."

Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng nói:

"Năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu vẫn chưa được khắc phục."

"Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao."

Hồi cuối năm 2015, chính Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nói "chống tham nhũng khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với nhau".

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trong báo cáo năm 2015 đã đặt Việt Nam vào hạng 112/168 về tham nhũng trên toàn cầu.

Bảng xếp hạng của tổ chức có trụ sở tại Berlin công bố hôm 27/1/2016 đánh giá cảm nhận về tham nhũng từ người làm doanh nghiệp và các chuyên gia trước nạn tham nhũng ở 168 quốc gia. - BBC

No comments:

Post a Comment