Wednesday, February 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 10/2

Tin Thế Giới

1.
An ninh, thương mại: Trọng tâm của Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN --- Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN: Obama sẽ có thông điệp cứng rắn về Biển Đông

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang chuẩn bị để đón tiếp các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN đến dự cuộc họp tại tiểu bang California vào tuần sau. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Bangkok, trọng tâm của hội nghị là vấn đề an ninh khu vực và thương mại.

Với bối cảnh là những hành động có tính chất hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ là một sự kiện được nhiều người chú tâm theo dõi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không nên đặt nhiều kỳ vọng về thành quả của cuộc họp.

Ông Simon Tay, người đứng đầu Học viện Sự vụ Quốc tế ở Singapore, cho biết như sau.

"Đây là năm cuối cùng ông Obama giữ chức tổng thống. Tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều thành quả có thực chất."

Việt Nam và Philippines nằm trong số các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và đang tìm kiếm những sự bảo đảm an ninh từ Washington. Điều này làm cho họ tách biệt với một số nước khác trong khối ASEAN, là những nước không muốn đưa ra những lời lẽ cứng rắn chống lại Bắc Kinh.

Sự khác biệt đó có thể làm cho cuộc họp ở Sunnylands khó lòng có được những tuyên bố có thực chất hoặc có tính chất đột phá.

Ông Chin Leng Lim, giáo sư công pháp quốc tế của Đại học Hồng Kông, nhận định như sau.

"Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ đang có ý định phá vỡ bất kỳ thứ gì. Nhưng đương nhiên là Hoa Kỳ có những mối quan tâm về Biển Đông, về tự do hàng hải …và những vấn đề này sẽ nằm cao trong nghị trình của cuộc họp thượng đỉnh."

Các giới chức của chính quyền Obama xem ASEAN là một trụ cột chính trong chiến lược tái cân bằng sang Á châu Thái Bình Dương và muốn tăng cường các mối quan hệ kinh tế với khu vực đang phát triển nhanh chóng này.

Giáo sư Lim cho rằng quyền chủ đạo về nghị trình của cuộc họp thượng đỉnh này nằm trong tay Hoa Kỳ.

"Chúng ta không có một khối ASEAN có tiếng nói đồng nhất về một số vấn đề đáng quan tâm. Và theo tôi, nếu quí vị chấp nhận thực tế đó, thì điều đó có nghĩa là vị thế chủ đạo trong cuộc họp cấp cao này sẽ thuộc về Hoa Kỳ và nghị trình làm việc của Hoa Kỳ."

Các nhà phân tích cho biết trọng tâm của ASEAN hiện nay là thương mại.

12 nước đã ký kết Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand hồi tuần trước. 4 nước ASEAN – Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, là thành viên của khối mậu dịch tự do này.

Giáo sư Lim của Đại học Hồng Kông cho rằng hai thành viên ASEAN khác là Indonesia và Thái Lan rốt cuộc sẽ gia nhập TPP.

"Hoa Kỳ đang thúc đẩy TPP, và nếu ý tưởng về một hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ-ASEAN không đạt kết quả, chúng ta phải tìm kiếm những cách thức để các thành viên khác của ASEAN có thể gia nhập TPP."

ASEAN đã thương lượng trong hơn 3 năm nay với 6 nước khác – là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, về một hiệp định được gọi là hiệp định thương mại tự do có tên là Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Bà Deborah Elms, giám đốc Trung tâm Thương mại Á châu ở Singapore, nhận định như sau.

"ASEAN đang đối mặt với một khung cảnh cạnh tranh mới, với việc ký kết TPP và cuộc thương thuyết về RCEP sắp đến hồi kết thúc để gộp chung 16 nước ở Á châu. Để duy trì vị thế của mình, ASEAN phải có thái độ nghiêm túc đối với mục tiêu hợp nhất khu vực. Nếu không có được những kết quả cụ thể, những công ty có khả năng chuyển dịch trên khắp thế giới sẽ chuyển sự chú ý và nguồn lực của họ vào những nơi khác."

Khu Sunnylands, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, cũng là nơi mà Tổng thống Obama dùng để tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. Giáo sư Simon Tay nhận xét như sau về sự lựa chọn này.

"Về mặt ngoại giao, về mặt biểu tượng, việc này đặt 10 nước cỡ trung và cỡ nhỏ của ASEAN ngang hàng với Trung Quốc. Đây là một sự công nhận có ý nghĩa lớn lao đối với những thành quả mà ASEAN đạt được trong những năm qua."

Tổng thống Obama đã đích thân mời tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đến Sunnylands khi ông dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia cách nay 3 tháng.

Theo dự liệu, bên cạnh vấn đề an ninh khu vực và thương mại, các nhà lãnh đạo này cũng sẽ thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu và nạn buôn người. - VOA

***
Nhân hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN trong hai ngày 15-16/02/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chuyển tới Trung Quốc một thông điệp cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Nhà Trắng Mỹ vào hôm qua, 09/02/2016, đã công khai xác nhận như trên.

Trong cuộc họp báo một tuần trước ngày khai mạc hội nghị, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ cho biết là ông Obama sẽ nhắc lại rằng các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á, phải được xử lý thông qua đàm phán trên cơ sở phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Theo ông Rhodes, một phần thông điệp của tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là sự cần thiết phải « tránh những cố gắng giải quyết tranh chấp bằng việc một nước lớn bắt nạt một nước nhỏ hơn ». Đối với quan chức Mỹ này thì cần phải duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và tránh các hành động quân sự « vô ý và không cần thiết ».

Thông điệp trên rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc, nước đang lợi dụng uy lực nước lớn để áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng nhỏ hơn mình.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, mặc dù Trung Quốc không tham gia hội nghị, các cố vấn của ông tổng thống Mỹ đã nói rõ rằng hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông - với các công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo vừa bồi đắp bị Mỹ nghi ngờ là có thể được dùng vào mục đích quân sự - sẽ là một trong những tiêu điểm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, gần thành phố Palm Springs, tiểu bang California.

Ông Dan Kritenbrink, cố vấn châu Á hàng đầu của ông Obama, đã nhấn mạnh trong buổi họp báo rằng : « Tổng thống Mỹ sẽ kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ngừng công việc cải tạo địa hình, xây dựng cơ sở mới và không đặt tiền đồn quân sự ở Biển Đông ».

Ông Ben Rhodes nói thêm rằng tổng thống Obama sẽ thảo luận cụ thể với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về mối quan ngại của ông trước việc Trung Quốc gần đây đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm trên phi đạo mới được xây dựng trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) tại vùng quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Vấn đề được Reuters nêu bật tuy nhiên lại là thái độ chia rẽ của các nước ASEAN. Trong lúc Mỹ tỏ quyết tâm bênh vực các nước Đông Nam Á, thì trong 10 thành viên ASEAN, vẫn tồn tại những bất đồng về cách tiếp cận Trung Quốc : Nếu Philippines và Việt Nam có thái độ cứng rắn, thì ngược lại Lào, và nhất là Cam Bốt, lại rất miễn cưỡng khi phải đối đầu với Bắc Kinh. - RFI
|
|

2.
Mỹ-Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông

Mỹ và Ấn Độ đã bàn thảo kỹ lưỡng kế hoạch thực hiện tuần tra hải quân chung có thể bao gồm cả Biển Đông, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay trong một cuộc phỏng vấn riêng với Reuters đăng tải hôm nay.

Quan chức quốc phòng Mỹ đề nghị không tiết lộ danh tính cho hay có nhiều khả năng các cuộc tuần tra chung Mỹ-Ấn sẽ diễn ra ở Ấn Độ Dương, nơi Hải quân Ấn Độ là một lực lượng có vai trò quan trọng, cũng như ở Biển Đông. Vị này không đưa ra chi tiết song nói rằng hai nước hy vọng sẽ bắt đầu thực hiện trong năm nay.

Động thái này có thể làm Bắc Kinh tức giận. Biển Đông là nơi có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan; trong đó Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết vùng biển, cũng như mới đây đã xây một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và bị các nước láng giềng phản đối.

Bắc Kinh chưa phản hồi trước thông tin này. Hiện đang là kỳ nghỉ Tết dài ngày ở Trung Quốc.

Biển Đông đang là điểm nóng tập trung sự chú ý của Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ. Ấn và Mỹ đều đang tìm cách đẩy mạnh chính sách xoay trục về khu vực này nhằm cân bằng lực lượng trước sự trỗi dậy ‘hung hăng’ của Trung Quốc. Cả New Delhi và Washington đều là hai đối tác quan trọng trong chính sách gia tăng hợp tác quốc phòng của Việt Nam, một bên trong tranh chấp ở Biển Đông.

Tháng 5 năm ngoái, trong chuyến thăm Ấn Độ, hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ đã ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ chiến lược song phương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời đại diện lực lượng tuần duyên hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương.

Cùng năm, Việt Nam cũng đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng (JVS) với Mỹ, trong đó có nội dung Mỹ sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cũng như sẽ hỗ trợ một số trang bị cho lực lượng này.

Mỹ muốn các đồng minh của mình trong khu vực cũng như các nước châu Á khác có lập trường đoàn kết hơn đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện hải quân vượt xa khỏi Ấn Độ Dương. Một chỉ huy hải quân Ấn Độ cho Reuters biết rằng luôn có một tàu hải quân Ấn Độ được triển khai ở Biển Đông vào mọi lúc, điều không có cách đây vài năm.

Tuy Mỹ và Ấn Độ đều không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng đồng tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này khi Tổng thống Mỹ Obama thăm New Delhi tháng 1 năm 2015.

Ấn và Mỹ những năm gần đây không ngừng đẩy mạnh quan hệ quốc phòng. Năm ngoái 2 nước đã thực hiện tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương, có hải quân Nhật Bản cùng tham gia. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa bao giờ tuần tra hải quân chung với một nước khác.

Ấn Độ có tranh chấp biên giới trên bộ lâu năm với Trung Quốc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Trump, Sanders giành chiến thắng ở New Hampshire

Hai ứng cử viên không được sự chấp nhận của một chính đảng lớn - Donald Trump của Ðảng Cộng hòa và Bernie Sanders bên Ðảng Dân chủ đã thắng lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire hôm thứ Ba. Đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng của các ứng cử viên ở đầu cuộc đua tranh chức tổng thống.

Thống đốc John Kasich của bang Ohio cũng giành được một bước đột phá tối hôm qua khi về thứ nhì, sau ông Trump trong cuộc đua bên phe Cộng hòa.  Các kết quả này hứa hẹn một cuộc tranh đua kéo dài và có lẽ sẽ quyết liệt để tranh quyền đề cử của mỗi đảng.  

Với ông Donald Trump, đó là một thời điểm thưởng thức hương vị chiến thắng.

"Trên cả tuyệt vời!"

Sau khi về nhì ngoài dự đoán trong cuộc họp bầu ở bang Iowa, ứng cử viên không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, có phong cách riêng, và nổi tiếng là ăn nói bộc trực, đã tận hưởng một bước thắng nhảy vọt ở bang New Hampshire.

"Chúng ta bắt đầu giành chiến thắng trở lại và chúng tôi sẽ thắng nhiều, qúy vị sẽ rất hạnh phúc và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, có thể sẽ vĩ đại hơn trước. Tôi yêu mến tất cả các bạn."

Thắng lợi bất ngờ

Nhưng chuyện bất ngờ trong cuộc đua bên Ðảng Cộng hòa là Thống đốc John Kasich của bang Ohio về nhì.

"Có một điều kỳ diệu trong không trung tại cuộc vận động tranh cử này bởi vì chúng ta không coi đó chỉ là một cuộc vận động khác, mà coi đó như là một cơ hội cho tất cả chúng ta, tôi muốn nói là tất cả chúng ta đều tham gia vào một điều gì đó lớn lao hơn cả cuộc sống của chúng ta, để thay đổi nước Mỹ."

Một cuộc chiến diễn ra quyết liệt để giành vị trí ngay sau ông Kasich giữa người chiến thắng cuộc họp bầu ở bang Iowa là ông Ted Cruz, cựu thống đốc Jeb Bush của bang Florida và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida.

Trong cuộc đua bên Ðảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont đã ghi được một thắng lợi quan trọng trước ứng cử viên dẫn đầu của đảng này là bà Hillary Clinton.

"Chính phủ của đất nước vĩ đại của chúng ta thuộc về tất cả người dân chứ không chỉ thuộc về một nhóm nhỏ những người giàu có góp tiền cho vận động tranh cử và các ủy ban hành động chính trị của họ, tức các Super PAC."

Bà Clinton kêu gọi những người ủng hộ hướng về những cuộc bầu cử sơ bộ phía trước, nơi bà được ủng hộ mạnh mẽ.

"Quý vị là lý do mà chúng tôi đến đây và quý vị là yếu tố giúp chúng tôi sẽ được đảng đề cử và cùng nhau giành chiến thắng cuộc bầu cử này.  Xin cám ơn tất cả qúy vị."

Cử tri lên tiếng

Trên khắp tiểu bang New Hampshire, cử tri đã ùa về các địa điểm bỏ phiếu giống như địa điểm bỏ phiếu ở thị trấn Merrimack này, nơi những người ủng hộ ông Trump tụ tập để biểu dương sức mạnh.

Anh Mike Malzone là một người ủng hộ ông Donald Trump.

"Ông ấy không phải là một người bảo thủ tuyệt đối, nhưng tôi tin vào nhiệt huyết yêu nước của ông ấy và tôi nghĩ ông ấy có thể giáng một  thất bại cho truyền thông."

Anh Brad Johnson, một người ủng hộ ông Sanders, nói:

"Thế giới sẽ thích ông Sanders và đó sẽ là điều quan trọng đối với nước Mỹ-- đó là cần phải có một nhà lãnh đạo đứng về phía mình."

Ông Oscar Villacis, một người ủng hộ bà Clinton.

"Cả hai đều là những ứng cử viên tài năng nhưng một người có thành tích vượt trội hơn người kia và người giỏi hơn đó là bà Clinton."

Các ứng cử viên trong nhóm dẫn đầu tại cuộc đua ở bang New Hampshire nay hướng đến các cuộc bầu cử sơ bộ kế tiếp ở bang South Carolina và Nevada.  Các ứng cử viên Cộng hòa bị lọt lại xa phía sau có thể sẽ phải thẩm định lại các ước vọng làm tổng thống của mình. - VOA
|
|

4.
Quan chức cấp cao ở Texas bị bắt vì nhận hối lộ của một người Việt

Hầu hết các quan chức cấp cao tại thành phố Crystal, tiểu bang Texas đã bị bắt tuần trước sau khi bị cáo buộc nhận hàng nghìn đôla tiền hối lộ và giúp hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, theo một thông cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 4 tháng 2.

5 quan chức thành phố Crystal đã bị bắt - thị trưởng, phó thị trưởng và quản lý thành phố, 1 trong số 3 thành viên hội đồng thành phố, cựu thành viên hội đồng thành phố - cùng với Ngoc Tri Nguyen (38 tuổi), một doanh nhân ở Texas, bị buộc tội điều hành sòng bạc bất hợp pháp.

Bản cáo trạng liên bang cáo buộc rằng, kể từ tháng 2 năm 2015, các quan chức của thành phố sử dụng vị trí của mình “để làm giàu cho bản thân bằng cách thu hút và nhận hối lộ từ những người tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ thành phố Crystal”.

Theo cáo trạng, người quản lý thành phố William James Jonas bị cáo buộc đứng sau vụ nhận hối lộ - trong đó một nhà thầu bị cáo buộc hối lộ hơn 12.000 đôla cho ông Jonas, phó Thị trưởng Rogelio Mata, Nghị viên Roel Mata và cựu Nghị viên Gilbert Urrabazo – để đổi lấy phiếu bầu của họ để chấp thuận một hợp đồng của thành phố. Hơn nữa, Nguyen bị cáo buộc thực hiện thanh toán trực tiếp cho Thị trưởng Ricardo Lopez Lopez để đổi lấy hành động ưu ái chính thức từ cả ông Lopez and Jonas.

Ngoài ra, FBI cáo buộc rằng ông Jonas lập kế hoạch ăn hối lộ với một luật sư địa phương, theo đó, luật sư này sẽ trả ông Jonas một phần của chi phí pháp lý khi một cá nhân hay doanh nghiệp ký hợp đồng với thành phố. Đổi lại, FBI nói rằng ông Lopez, ông Urrabazo và anh em nhà Mata sau đó đã bỏ phiếu trao một hợp đồng béo bở cho ông Jonas vừa làm quản lý vừa làm luật sư cho thành phố Crystal.

Không ai trong số các quan chức thành phố hay ông Nguyen công khai đề cập đến các cáo buộc. Các cuộc gọi của phóng viên tờ Huffington Post đến chính quyền thành phố đã không có hồi đáp.

Vào tháng 1, thành viên hội đồng thành phố Marco Rodriguez đã bị bắt về tội buôn người. Theo đài địa phương KENS, ông Rodriguez thừa nhận được trả tiền để vận chuyển người nhập cư không có giấy tờ nhiều lần. Thành phố Crystal chỉ cách biên giới Hoa Kỳ-Mexico 50 dặm.

Vậy là chỉ có một thành viên của hội đồng thành phố hiện không phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng liên bang. Ông Joel Barajas mới nhận nhiệm vụ 9 tháng qua.

Ông Barajas nói với CNN rằng sự nghi ngờ của ông về tham nhũng trong chính quyền thành phố là lý do đầu tiên khiến ông ra tranh cử. - VOA
|
|

5.
Toà Tối cao Mỹ hoãn kế hoạch cắt khí thải carbon của TT Obama

Toà án Tối cao Mỹ đình hoãn kế hoạch của Tổng Thống Obama cắt khí thải carbon từ các nhà máy nhiệt điện trên khắp nước.

Tổng Thống Obama đã loan báo các quy định vừa kể vào tháng 8 năm ngoái, như một cách để hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu, nói rằng các tiểu bang có tới tháng 9 năm nay, 2016, để đề ra các kế hoạch của riêng họ hầu có thể đáp ứng chỉ tiêu là giảm mức khí thải carbon xuống 32% so với mức thải năm 2005.

Nhưng có đến 27 tiểu bang cưỡng chống Kế hoạch Năng Lượng Sạch. Các bang này đã đệ đơn kiện, nói rằng kế hoạch đó của chính phủ Tổng Thống Obama là một ‘bước quá đà’ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ - gọi tắt là EPA.

Các bang này cho rằng đây là đề nghị sẽ phương hại tới các hoạt động doanh thương và dẫn tới việc cắt giảm việc làm.

Toà Tối Cao ra phán quyết hôm 9/2 nói rằng những chỉ thị mới phải được hoãn lại cho tới khi giải quyết xong những thách thức pháp lý chống lại kế hoạch cắt giảm khí thải carbon.

Một toà án cấp thấp hơn, là Toà Kháng án của Khu vực thủ đô, sẽ nghe những lập luận trong vụ án này vào tháng Sáu tới đây, và Toà Tối Cao sẽ xem xét vụ kiện này sau đó. - VOA

|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc tăng cường phi đạn, máy bay chiến đấu ra Biển Đông --- 'Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất ở Biển Đông'

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin Bắc Kinh sẽ đưa thêm phi đạn và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa sau vụ tàu khu trục Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực hồi cuối tháng rồi.

Sau khi phái tàu chiến USS Lassen áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa hồi tháng 10, Mỹ hôm 30/1 tiếp tục cho tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, khiến Trung Quốc tức giận.

Khác với những lời chỉ trích gay gắt lần trước, Trung Quốc lần này phản ứng có phần ‘nhẹ giọng’ hơn.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang chứng tỏ những chỉ dấu cho thấy sẽ đẩy mạnh kế hoạch gầy dựng quân sự ở Biển Đông.

Tờ Hoàn cầu Thời báo mới đây đăng bài viết của đại tá Lương Phương thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi khẩn trương triển khai quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa càng sớm càng tốt bằng cách xây dựng các cảng nước sâu và các đường băng.

Một bài viết khác trên báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây tiết lộ các kế hoạch điều phi cơ tác chiến luân phiên ra Biển Đông cùng với các phi đạn chống tàu và phi đạn phòng không tối tân.

Bài báo còn trích dẫn lời Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Ngô Thắng Lợi, cho hay số lượng các phương tiện quốc phòng được triển khai hoàn toàn được quyết định bởi mức độ đe dọa mà Bắc Kinh đối mặt ở Biển Đông.

Theo Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, các hình ảnh ghi nhận cho thấy Trung Quốc rõ ràng quân sự hóa Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Đô đốc Harry Harris còn cảnh báo rằng tới năm 2020, Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát Biển Đông trước mọi lực lượng quân sự ngoài đó ngoại trừ lực lượng Hoa Kỳ.

Các hoạt động ráo riết của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa khiến các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông quan ngại và tăng cường đầu tư cho khả năng quốc phòng, trong đó có Việt Nam, đối tác của Mỹ, và Philippines, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ. - VOA

***
Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng bất hợp pháp trên các đảo Bắc Kinh bồi đắp trong vùng biển Đông có tranh chấp với các nước bao gồm Việt Nam.

Phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 9/2, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nhấn mạnh các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘quá đáng’ , đồng thời khuyến cáo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây các đảo nhân tạo cùng các cơ sở quân sự trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc đã hoàn tất thi công một đường băng ở Trường Sa và dường như đang tiến hành xây thêm 3 phi đạo nữa, vừa tạo điều kiện cho các máy bay tuần tra tiếp tế nhiên liệu vừa cho phép Bắc Kinh dễ dàng kiểm soát mọi phương tiện qua lại trong khu vực.

Việt Nam và các nước lên án các kế hoạch xây dựng ráo riết của Trung Quốc ở Biển Đông là âm mưu nhằm thay đổi nguyên trạng để củng cố các tuyên bố chủ quyền ‘bành trướng’ ‘phi pháp’.

Thời báo Châu Á cho biết vài ngày trước khi Giám đốc tình báo Mỹ đưa ra khuyến cáo, truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nỗ lực dành chủ quyền ở Trường Sa-Hoàng Sa với hàng loạt các bài xã luận kêu gọi Bắc Kinh phải tăng cường kiểm soát hơn nữa trong khu vực sau khi Mỹ cho tàu chiến thực thi quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây.

Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các quan chức quốc phòng Trung Quốc đề nghị nhanh chóng lập vùng nhận dạng phòng không và tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở Biển Đông.

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ hôm 30/1 đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa mà không báo trước, khiến Trung Quốc tức giận.

Việt Nam nói đảo Tri Tôn, cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển, Việt Nam 'tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982'. - VOA

No comments:

Post a Comment