Tin Thế Giới
1.
Hải quân Campuchia sẽ thao dượt với các tàu Trung Quốc
Campuchia trong tuần này sẽ thực hiện cuộc thao dượt hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay với Trung Quốc, một sỹ quan cao cấp của Campuchia nói hôm thứ Ba.
Phó tư lệnh Hải quân, Đô đốc Vann Bunneang, nói 70 binh sĩ hải quân Campuchia sẽ cùng thao dượt với 737 đối tác Trung Quốc trên 3 chiến hạm Trung Quốc đã đến neo đậu tại cảng Sihanoukville của Campuchia.
Ông nói các cuộc thao dượt trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ tập trung vào các hoạt động cứu nạn và các tình huống khẩn cấp trên biển.
Chuyến thăm của hải quân Trung Quốc diễn ra chỉ ít ngày sau khi 3 tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản thăm thiện chí Campuchia. Nhật Bản cũng có những tranh chấp biển riêng với Trung Quốc, và hai nước cũng đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á.
Trung Quốc tích cực gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á cùng lúc nước này ráo riết đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam song có quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Bắc Kinh, đã thể hiện rất ít sự ủng hộ đối với những tuyên bố chủ quyền về Biển Đông của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. - VOA
|
|
2.
Máy bay rơi ở Nepal, 23 người thiệt mạng
Nhà chức trách Nepal cho hay một máy bay nhỏ đã rớt hôm nay trong điều kiện thời tiết xấu, làm thiệt mạng tất cả 23 hành khách và nhân viên phi hành.
Người phát ngôn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Nepal Kashi Poudel đọc một tuyên bố ngắn trước các nhà báo về sự mất tích của chiếc máy bay.
Ông cho biết sáng hôm nay, thứ Tư, một chiếc phi cơ hai động cơ của Tara Air có ký hiệu là Alfa Hotel đang bay từ Pokhara tới Jomsom vào lúc 7 giờ. Ông Poudel cho biết là còn giữ liên lạc với máy bay cho tới 8 giờ sáng nhưng sau đó đã mất liên lạc.
Thân nhân của các hành khách đã tụ tập tại phi trường để chờ thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ.
Pokhara là một trung tâm du lịch lớn nằm cách thành phố Kathmandu khoảng 200 km về hướng Tây. Jomsom, điểm đến của chiếc máy bay, là một địa điểm được những người leo núi ưa chuộng.
Các toán tìm kiếm đã tìm thấy xác máy bay chỉ vài giờ sau khi chiếc phi cơ mất tích.
Các giới chức cho biết phi cơ còn bốc cháy trong khi xác các nạn nhân vương vãi trên mặt đất khắp địa điểm máy bay rơi.
Hai người nước ngoài, một công dân Trung Quốc và một công dân Kuwait, có mặt trong số những hành khách trên phi cơ. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ông Trump thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ Nevada
Tỷ phú Trump lại thắng tại một tiểu bang khác nữa trong cuộc vận động để được đảng Cộng Hoà đề cử ra tranh chức Tổng Thống Mỹ, với thắng lợi áp đảo ngày hôm qua tại bang Nevada ở miền Tây.
Kết quả cuối cùng cho thấy ông Trump đoạt 46% phiếu bầu, vượt xa Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio với 24%. Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz về ba, với 21%.
Như vậy, ông Trump đã đoạt được thắng lợi thứ 3 liên tiếp, sau khi thắng các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire và South Carolina vào đầu tháng này.
Thành tích mới nhất cũng giúp ông Trump lấy đà trước khi bước vào một tuần lễ quan trọng trong chiến dịch vận động, khi hàng chục tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 1/3.
Khi phát biểu mừng thắng lợi mới nhất, ông Trump nói rằng bất chấp những tiên đoán của giới bình luận rằng chiến dịch vận động của ông sẽ không tiến xa, giờ đây, ông đang đạt được thắng lợi ‘trên cả nước’.
Ông Trump nói khi nào có thêm các ứng cử viên Đảng Cộng Hoà khác từ bỏ cuộc đua, ông sẽ còn nhận được lá phiếu của những người ủng hộ các đối thủ của ông. - VOA
|
|
4.
Tư lệnh Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam
Tư lệnh hàng đầu phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở Châu Á kêu gọi Hoa Kỳ nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam để tăng cường phòng thủ trước kế hoạch gầy dựng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm qua, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương Harry Harris nhấn mạnh việc Bắc Kinh gần đây bố trí tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đưa hệ thống radar ra Đá Châu Viên thuộc Trường Sa, và xây các đường băng tại khu vực là hành động thay đổi ‘môi trường vận hành’ ở Biển Đông trong nỗ lực chiếm lĩnh quân sự vùng Đông Á.
Đô đốc Harris khẳng định ‘Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á’ và đề nghị hải quân Mỹ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc. Đô đốc Harry Harris nói:
"Còn nhiều việc cần phải làm và chúng ta cần phải giữ xung lượng. Tôi yêu cầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện ủng hộ việc tiếp tục đầu tư cho các khả năng trong tương lai. Tôi cần các võ khí tăng cường sát thương, có khả năng tấn công nhanh hơn và sâu hơn."
Thượng nghị sĩ Jack Reed, một thành viên cao cấp trong Ủy ban, nhấn mạnh tại buổi điều trần:
"Một trong những trụ cột trong chiến lược của Mỹ là bảo đảm an ninh ổn định khu vực thông qua việc duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, từ hợp tác quốc phòng mới với Philippines, sự hiện diện hàng hải luân phiên tại Australia, cho tới mối quan hệ quốc phòng đang phát tiển với Việt Nam. Đang có những tiến bộ đáng kể trong chính sách tái cân bằng của Mỹ về Châu Á. Chúng ta phải tiếp tục thăng tiến các mối quan hệ đối tác này và chứng tỏ cam kết với khu vực bằng việc đầu tư hữu hiệu cho các chương trình tăng cường hiện diện và khả năng của Mỹ tại đây."
Đáp câu hỏi của thượng nghị sĩ John McCain, người lâu nay thúc đẩy tích cực cho hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ, rằng có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam hay không, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tuyên bố: ‘Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa’. ‘Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam,’ Đô đốc Harris nói.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong thời gian gần đây đang tăng cường thúc đẩy bang giao với Hà Nội. Năm 2014, Washington tuyên bố dỡ bỏ phần nào lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, một hành động mang tính lịch sử sau khi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam.
Cả Washington và Hà Nội xem quyết định này là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa hai nước cựu thù trước sự ‘giương oai diễu võ’ của Trung Quốc trong khu vực.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết chỉ bật đèn xanh cho Hà Nội đối với các loại võ khí sát thương trên biển bao gồm những thiết bị về an ninh và giám sát hàng hải, một phần trong nỗ lực của Mỹ tăng cường hỗ trợ các đồng minh và đối tác giúp đáp ứng với đe dọa từ Trung Quốc, đảm bảo an ninh hàng hải trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có báo cáo về việc Mỹ bán võ khí cho Việt Nam và rào cản khiến lệnh cấm chưa được hủy bỏ hoàn toàn chính là quan ngại về thành tích nhân quyền của Hà Nội, một điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ gần gũi Việt-Mỹ.
Điều kiện này giúp tô đậm chính sách xoay trục của Mỹ về Châu Á trong sự cân nhắc, tôn trọng dân chủ-nhân quyền, các giá trị cốt lõi mà Hoa Kỳ lâu nay ra sức cổ súy trên toàn cầu, theo nhận định của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ.
Tiến sĩ Vũ, nghiên cứu viên của chương trình Dân chủ Reagan-Fascell tại Cơ quan Hỗ trợ Dân chủ Hoa Kỳ và cũng là một nhà phân tích và hoạt động chính trị được nhiều người biết tiếng, cho rằng:
"Mỹ đặc biệt quan tâm đến ổn định ở Đông Á và tình hình Biển Đông nói riêng. Các hành vi gây xung đột của Trung Quốc, đương nhiên Mỹ phải đặc biệt quan tâm vì nó làm gián đoạn đường lưu chuyển của quốc tế. Bằng cách bảo vệ Việt Nam, giúp Việt Nam, Mỹ đang khẳng định với Trung Quốc rằng hãy chấm dứt ngay các hành động phiêu lưu quân sự. Mỹ nhất thiết phải ủng hộ Việt Nam. Thế nhưng, phải có điều kiện: phải cải thiện nhân quyền. Việt Nam cũng đã có những cam kết cải thiện theo yêu cầu của Mỹ. Đây không phải là nhân nhượng, mà là cái thế Việt Nam bắt buộc phải làm, bởi vì nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền thì mọi cái khác đều ách tắc."
Dù vẫn còn một số nghi ngại với ‘đế quốc Mỹ’ và không muốn làm phật lòng ‘người anh em cộng sản Trung Quốc’, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang có các bước tiến gần hơn với quốc gia ‘tư bản thù địch’ với những lời kêu gọi Washington biểu hiện cương quyết hơn trước các âm mưu bành trướng, gây hấn từ Bắc Kinh. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Trung Quốc lại điều chiến đấu cơ tới quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc lại điều phản lực cơ chiến đấu đến một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông mà hồi đầu tháng này họ đã bố trí phi đạn địa đối không và đang lắp đặt một hệ thống radar tối tân. Thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok
Các giới chức ở Washington tối thứ ba cho biết một nhóm chiến đấu cơ chưa đầy 10 chiếc của Trung Quốc đã được trông thấy trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, bà Nina Hachigian, đã bày tỏ quan tâm về diễn tiến này.
"Chúng tôi có mối quan tâm lớn là những hành động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những tác dụng ngược."
Bắc Kinh điều chiến đấu cơ tới hòn đảo có tranh chấp sau khi đã bố trí các phi đạn địa đối không loại HQ-9 trên hòn đảo rộng 120 héc ta mà Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền.
Các nhà phân tích cho biết họ cảm thấy lo ngại nhiều hơn về việc Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở ra đa cao tần trên đảo Phú Lâm, cách đảo hải Nam của Trung Quốc khoảng 400 kilomét về hướng đông nam.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cơ sở ra đa đó sẽ làm tăng mạnh khả năng của Trung Quốc để theo dõi sự di chuyển của tàu bè và máy bay trong vùng biển có nhiều căng thẳng. Họ nói thêm rằng sự tăng cường khả năng đó -- cùng với những đường băng và các cơ sở khác mà Trung Quốc đang xây trên những hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, cho thấy Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu chiến lược là khống chế vùng biển và không phận trên khắp Biển Đông.
Sau khi truyền thông Trung Quốc đăng tải những hình ảnh của chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm hồi tháng 11 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã phái một chiếc khu trục hạm có trang bị phi đạn điều hướng băng qua vùng biển gần một hòn đảo khác có tranh chấp ở Biển Đông và điều máy bay B-52 cùng với một chiến hạm khác tiến vào khu vực này trong một cuộc tuần tra được gọi là bảo vệ tự do hàng hải.
Đại sứ Hachigian phát biểu như sau về những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông tại cuộc họp báo trực tuyến ở Jakarta ngày hôm nay.
"Những hoạt động của chúng tôi nhằm khẳng định tự do hàng hải là những hoạt động bình thường và hợp pháp. Những hoạt động này được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã tiến hành những hoạt động này trên khắp địa cầu từ năm 1979, kể cả ở Biển Đông, và Biển Đông không thể là một ngoại lệ."
Các giới chức Trung Quốc nói rằng những hoạt động đó của Mỹ làm gia tăng những mối căng thẳng trong khu vực.
Ngày hôm qua, trong cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Mỹ với Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ông mong Hoa Kỳ ngưng thực hiện những chuyến bay và những cuộc tuần tra gần những hòn đảo có tranh chấp.
Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Điều đáng tiếc là các loại phi đạn, chiến đấu cơ, súng ống, đại pháo và những thứ khác đã được bố trí ở Biển Đông, và điều này gây ra những mối lo ngại rất lớn cho tất cả những ai đi qua và dùng Biển Đông cho các hoạt động mậu dịch và thương mại có tính chất hoà bình."
Ngoại trưởng Kerry cho rằng không riêng gì Trung Quốc mà Việt Nam và các nước khác cũng gây ra điều mà ông gọi là “vòng leo thang lẩn quẩn” của những hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hoá trong vùng biển có tranh chấp.
Trước đó trong ngày hôm qua, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã có những lời lẽ thẳng thắn hơn khi nói về những hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hoá Biển Đông.
Tại cuộc điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, Đô đốc Harry Harris nói “Quí vị phải tin là trái đất vuông thì mới có thể tin là Trung Quốc không quân sự hoá Biển Đông".
Khi được hỏi Trung Quốc nhắm tới mục tiêu chiến lược nào khi tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, Đô đốc Harris nói “Tôi tin rằng Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở vùng Đông Á.” - VOA
|
|
6.
Nhiệm kỳ Thủ tướng có ‘hạn chế yếu kém’
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam nghe Chính phủ và Thủ tướng tự nhìn nhận các hạn chế, yếu kém với nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề cập về các “kết quả đã đạt được trong điều hành” và nghiêm túc nhìn nhận 7 hạn chế, yếu kém, truyền thông trong nước cho hay.
“Lúng túng”, “bất cập”, “thiếu bao quát”, “hiệu quả chưa cao”, “chưa đồng bộ”, “còn nhiều hạn chế”, “thiếu quyết liệt”, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới” và “chưa đạt mục tiêu đề ra” là một số thuật ngữ được dùng để nói về chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành.
Trong phần bàn về hạn chế và yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo nói sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm “còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn”.
Yếu kém được liệt kê đầu tiên nói rằng chính phủ nhiệm kỳ này còn “lúng túng” trong việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội trong “một số lĩnh vực”.
“Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa cân đối đủ nguồn lực để triển khai.
“Chính phủ cũng nhìn nhận việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế.
“Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo.
“Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.
“Ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục còn chậm, chưa bền vững.
Báo cáo nói công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, chưa phát huy hết các lợi thế và rằng quan hệ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân còn hạn chế.
Điểm quan trọng là báo cáo nói các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém có “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.
Được biết Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi nghe báo cáo này.
Vào tuần trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước.
Thảo luận về dự thảo báo cáo, một số ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh điều được mô tả là “tác phong gần dân” của Chủ tịch nước.
“Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch nước đã xây dựng được hình ảnh giản dị, gần gũi với nhân dân, có ý nghĩa khích lệ, động viên tinh thần người dân rất lớn.
“Trong 5 năm qua, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận được trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước, trong đó phần lớn là đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
“Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng phân loại, nghiên cứu, tham mưu, xử lý và chuyển hàng trăm đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời đương sự, qua đó góp phàn giải quyết bức xúc trong nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước,” Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin. - BBC
No comments:
Post a Comment