Tin Thế Giới
1.
Mỹ rút TPP, Châu Á bắt tay thảo luận RCEP
Các thương thuyết gia từ 16 nước Châu Á tuần này gặp nhau tại thành phố cảng Kobe của Nhật để thảo luận về một hiệp ước thương mại khu vực được xem như là đối thủ của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà tân chính quyền Mỹ vừa rút lui.
Trung Quốc không phải thành viên của TPP nhưng đóng vai trò dẫn đầu trong Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Các cuộc thảo luận về RCEP sẽ diễn ra trong suốt tuần này, từ thứ hai đến thứ sáu.
Sau khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP và hiệp ước này hiện còn 11 nước từ Chile tới New Zealand. Hoa Kỳ không tham gia Hiệp ước RCEP.
Trong số các thành viên của RCEP có một số nước nghèo nhất Châu Á như Lào và Myanmar.
Ngoài Nhật và Trung Quốc, RCEP còn có sự tham gia của Australia, Brunei, Campuchia, Ấn, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dù Thủ tướng Nhật và một số lãnh đạo khác trong TPP hy vọng sẽ thuyết phục ông Trump xem xét lại việc từ bỏ TPP, nhưng tân Tổng thống Mỹ nói ông chuộng các hiệp ước song phương hơn. - VOA
|
|
2.
Quan chức Bắc Hàn thăm TQ sau lệnh cấm than
Trung Quốc cho biết một nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh ngày 28 tháng 2 để thảo luận trong chuyến thăm cấp cao lần đầu tiên kể từ tháng 6, sau khi Bắc Kinh trong tháng này ngưng nhập khẩu than đá của Bình Nhưỡng theo những chế tài của Liên hiệp quốc.
Một tuần lễ sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm phi đạn đạn đạo tầm trung lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Trung Quốc tuyên bố ngưng nhập khẩu than đá của Bình Nhưỡng.
Thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Kil Song đến Bắc Kinh theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và sẽ thảo luận với ông này, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo thường lệ là “Chuyến viếng thăm này của Thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên là chuyện tiếp xúc và trao đổi bình thường giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.”
Ông Cảnh nói thêm ông Ri sẽ gặp các nhà ngoại giao Trung Quốc khác trong đó có Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân trong chuyến viếng thăm kéo dài đến ngày 4 tháng 3.
Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA xác nhận chuyến đi này.
Bộ ngoại giao Hàn quốc nói đã biết về chuyến đi của ông Ri đến Trung Quốc nhưng không cho biết thêm chi tiết, và từ chối bình luận khi được hỏi liệu chuyến đi này có liên hệ gì đến vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hay không.
Trước khi bị sát hại tại phi trường Kuala Lumpur vào ngày 13 tháng 2, ông Kim Jong Nam sống một cuộc sống ẩn dật tại thành phố cờ bạc Macau, tránh xáo trộn và không lo nghĩ về an toàn cá nhân, những nguồn tin thân cận với ông Nam cho biết như vậy.
Chuyến đi của phái đoàn Triều Tiên diễn ra sau khi Bắc Triều Tiên trách cứ Trung Quốc rằng Trung Quốc phụ họa với Hoa Kỳ khi ngưng nhập khẩu than đá sau vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Động thái của Trung Quốc nhằm tuân thủ những chế tài của Liên hiệp quốc áp đặt lên Bắc Triều Tiên sau những thử nghiệm hạt nhân mới nhất diễn ra vào tháng 12 năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn của Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông hoan nghênh lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể giải quyết thách thức của Bắc Triều Tiên “rất dễ dàng nếu họ muốn.” và ông muốn làm áp lực đối với Trung Quốc để làm nhiều hơn nữa.
Trung Quốc sau đó bác bỏ những áp lực mới của ông Trump về vai trò của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên và nói vấn đề chính yếu là tranh chấp giữa Washington và Bình Nhưỡng. - VOA
|
|
3.
Nga, Trung phủ quyết nghị quyết trừng phạt Syria
Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Syria vì các cuộc tấn công vũ khí hóa học mà nước này bị cáo buộc.
Các biện pháp được các cường quốc phương Tây là Anh, Pháp và Hoa Kỳ ủng hộ, sẽ áp đặt trừng phạt lên 21 người Syria, các tổ chức và các công ty bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công hóa học năm 2014 và năm 2015.
Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cung cấp trực thăng, được sử dụng trong các cuộc tấn công, cho chính quyền Syria.
Các biện pháp trên được soạn thảo sau khi một cuộc điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học xác định rằng chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 3 vụ tấn công có sử dụng khí clo. Các tổ chức phát hiện các nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã đứng đằng sau ít nhất một cuộc tấn công có sử dụng khí mù tạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu ở Geneva là “hoàn toàn không thích hợp” và cản trở những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sáu năm.
Sau khi bỏ phiếu, Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley nói với các thành viên Hội đồng rằng nghị quyết “rất phù hợp”, và nói thêm: “Đó là một ngày buồn của Hội đồng Bảo an khi các thành viên bắt đầu bào chữa cho các nước thành viên khác giết hại người dân của họ”.
Bà Haley nói: “Thế giới chắc chắn sẽ là một nơi nguy hiểm hơn”.
Chính phủ Syria đã nhiều lần bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
Việc bỏ phiếu là một trong những đối đầu đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng và cam kết sẽ tăng cường quan hệ với Moscow.
Chín thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt. Bolivia bỏ phiếu chống lại nghị quyết, trong khi Ai Cập, Ethiopia và Kazakhstan bỏ phiếu trắng. Một nghị quyết đòi hỏi phải có chín phiếu thuận và không có phủ quyết từ các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc điều tàu hải cảnh tuần tra quanh Senkaku ở Hoa Đông
Hôm nay 01/03/2017, Trung Quốc điều ba tàu hải cảnh tới tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Đây được coi là động thái đáp trả của Trung Quốc, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Những chuyến tàu tuần tra kiểu này của Trung Quốc thường gây các phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đã xấu đi rất nhiều kể từ năm 2012, sau khi Tokyo « quốc hữu hóa » một số đảo thuộc quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trong cuộc gặp gỡ ở Nhà Trắng hồi trung tuần tháng 02/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra một thông cáo chung, một lần nữa khẳng định lại là theo Hiệp Ước An Ninh Mỹ - Nhật, hai nước sẽ cùng phối hợp để bảo vệ chủ quyền của Nhật ở quần đảo Senkaku. Hai nhà lãnh đạo cũng phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Nhật trên vùng biển Hoa Đông. Trước đó, trong chuyến thăm Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis cũng đã khẳng định liên minh quân sự Mỹ-Nhật sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản.
AFP cho biết Bắc Kinh đã cáo buộc Washington gây bất ổn trong khu vực. Theo Bắc Kinh, Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật chỉ là « một sản phẩm của chiến tranh lạnh » và không cho phép hiệp ước này gây ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi chính đáng của Trung Quốc.
Vào mùa hè năm 2016, Trung Quốc cũng đã điều nhiều tàu hải cảnh ra tuần tra gần quần đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo Tokyo, khi đó Trung Quốc còn điều thêm cả máy bay tuần tra biển P-3C ra Senkaku/Điếu Ngư. - RFI
|
|
5.
Lần đầu tiên Trung Quốc bị Nhà Nước Hồi Giáo (Daech hay ISIS) đe dọa --- TQ diễu hành 'chống khủng bố' tại Tân Cương
Trong một đoạn video do một chi nhánh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tại Irak công bố ngày 28/02/2017, một số thành phần người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc đã thề quyết hồi hương để làm cho « máu chảy thành sông ». Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên mà Daech đe dọa đánh vào các mục tiêu tại Trung Quốc.
Theo công ty SITE Intelligence Group tại Hoa Kỳ, chuyên giám sát các trang web của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong đoạn video dài nửa tiếng đồng hồ, các tay súng người Duy Ngô Nhĩ của Daech đã tung ra những lời đe dọa như trên, sau khi xử tử một người bị cho là chỉ điểm cho kẻ thù.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã quy trách nhiệm cho những người bị Bắc Kinh gọi là « phần tử ly khai » Duy Ngô Nhĩ, là tác giả nhiều vụ khủng bố ở vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc, quê hương của sắc dân thiểu số này. Trong khi đó, nhiều người Duy Ngô Nhĩ thì lại tố cáo Bắc Kinh tiến hành một chính sách đàn áp và phân biệt đối xử nhắm vào họ.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, tiến sĩ Michael Clarke, chuyên gia về Tân Cương thuộc Đại Học Quốc Gia Úc ghi nhận rằng đoạn video có lẽ là lời « đe dọa trực tiếp đầu tiên » của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhắm vào Trung Quốc, và cũng là lần đầu tiên mà người ta thấy chiến binh Duy Ngô Nhĩ « tuyên bố trung thành với Daech ».
Theo chuyên gia này thì có hai giả thuyết : Trung Quốc đã trở thành mục tiêu đánh phá của Daech nói chung, hoặc là đã có chia rẽ trong nội bộ chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Theo AFP, đoạn video được tung ra cùng ngày với việc Trung Quốc tổ chức những cuộc mít tinh của lực lượng an ninh tại vùng Tân Cương nhằm chứng tỏ quyết tâm tận diệt « khủng bố ».
Đã có hơn 10.000 cảnh sát vũ trang họp mít tinh tại Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, trong một động thái biểu dương lực lượng lần thứ tư từ đầu năm đến nay. - RFI
***
Giới chức Trung Quốc vừa tổ chức diễu hành 'chống khủng bố' rầm rộ, với sự tham dự của binh lính có vũ trang trên toàn vùng Tân Cương, một động thái rõ ràng là nhằm phô trương sức mạnh.
Hơn 10 ngàn lính tập trung tại thủ phủ Urumqi hôm thứ Hai, và một số sau đó được gửi tới các thành phố khác để có hoạt động diễu hành tương tự.
Tân Cương vốn có lịch sử bạo động, và giới chức đổ lỗi cho các tay súng Hồi giáo và những thành phần ly khai về tình trạng này.
Các nhóm nhân quyền nói rằng người dân địa phương phải đối diện với sự đàn áp từ chính quyền.
Truyền thông nhà nước mô tả các cuộc diễu hành là "cuộc tập hợp chống khủng bố và cương quyết giữ gìn ổn định", và công bố các tấm ảnh cùng các đoạn video cho thấy cảnh sát có vũ trang và quân đội tập trung bên ngoài trung tâm hội nghị Urumqi.
Có các đoàn xe tăng, xe quân sự và máy bay đi kèm.
"Hãy chôn vùi xác chết của những kẻ khủng bố và các nhóm khủng bố vào cuộc chiến biển người," Bí thư Đảng Cộng sản của Tân Cương Trần Toàn Quốc được truyền thông nhà nước dẫn lời, nói trước đám đông.
Chừng 1.500 cảnh sát có vũ trang được gửi tới các thành phố như Hotan, Kashgar và Aksu, nơi các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra trong hôm thứ Hai.
Tân Cương, nơi có đa số dân là cộng đồng thiểu số người Uighur Hồi giáo, đã từng xảy ra các cuộc tấn công và đụng độ lớn với cảnh sát trong những năm gần đây.
Giới chức nói các vụ tấn công là do các tay súng Uighur tiến hành, với sự hỗ trợ của các nhóm khủng bố nước ngoài, và đã ra các đợt trấn áp, tăng cường hiện diện an ninh ở nhiều thành phố.
Chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt việc tường thuật, đưa tin trong khu vực, khiến các phóng viên khó vào kiểm chứng các tuyên bố của giới chức. - BBC
|
|
6.
Mỹ và Hàn Quốc khai mạc đợt tập trận thường niên
Seoul và Washington vào hôm nay, 01/03/2017, đã khởi động các cuộc tập trận thường niên Key Resolve và Foal Eagle, trong lúc tại Bình Nhưỡng, Kim Jong Un ra lệnh cho quân đội Bắc Triều Tiên chuẩn bị một cuộc tấn công ác liệt chống kẻ thù.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết là đợt tập trận năm nay sẽ diễn ra không khác gì năm ngoái. Vào năm 2016, cuộc thao diễn quân sự đã huy động 300.000 lính Hàn Quốc, trong lúc phía Mỹ cử 17.000 binh sĩ, cùng với chiến hạm và máy bay.
Theo nguồn tin trên, đã có 3.600 lính Mỹ bắt đầu tham gia vào cuộc tập trận Foal Eagle, mở màn đợt thao diễn hỗn hợp kéo dài trong hai tháng, nhưng tổng số quân nhân Mỹ tham gia vẫn chưa được công bố.
Trích dẫn nguồn tin KCNA, hãng tin Pháp cho biết thêm là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm bản doanh một đơn vị quân đội và ca ngợi tinh thần cảnh giác của binh lính trước các « lực lượng thù địch Mỹ và Hàn Quốc ». Lãnh đạo Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho quân đội «chuẩn bị những biện pháp phản công triệt để đề phòng không lực thù nghịch bất ngờ tấn công ».
Tại Seoul, quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn cũng lên tiếng cảnh cáo là Seoul sẽ đáp trả mọi hành động khiêu khích và sẽ đề nghị Liên Hiệp Quốc tăng cường biện phạt trừng phạt Bình Nhưỡng. Hàn Quốc, theo ông, « sẽ làm cho Bắc Triều Tiên thấy rằng có vũ khí hạt nhân cũng chỉ là vô ích mà thôi ».
Cuộc thao diễn thường niên Mỹ-Hàn luôn bị Bắc Triều Tiên tố cáo gay gắt, vì Bình Nhưỡng cho đây là cuộc tổng diễn tập nhằm đánh chiếm Bắc Triều Tiên. Mỗi lần có tập trận là mỗi lần tình hình bán đảo căng thẳng hơn lên, với các lời đe dọa, và hành động bắn thử tên lửa ở phía bắc. Năm nay lại có thêm vụ ám sát Kim Jong Nam ở Malaysia. - RFI
|
|
7.
Các vụ tử vong liên tiếp của giới ngoại giao Nga
Báo chí quốc tế chú ý các vụ tử vong liên tiếp trong giới ngoại giao Nga.
Tuần qua, sau khi khám nghiệm tử thi của ông Vitaly Churkin, đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc, các bác sỹ pháp y Mỹ cho hay cần phải có thêm xét nghiệm để xác định nguyên nhân tử vong.
Vị đại sứ Cộng hòa Liên bang Nga tại Liên Hiệp Quốc từ 2003 đột tử ở tuổi 64 hôm 22/02 tại New York.
Dù tin tức ban đầu nói ông bị truỵ tim nhưng theo AP và một số báo Mỹ ngày 24/02, nguyên nhân tử vong vẫn chưa xác định được.
Điều khiến báo chí Phương Tây chú ý là tần suất tử vong của các nhà ngoại giao Nga.
Chỉ trong vòng trên ba tháng, có năm nhân vật cao cấp trong ngành ngoại giao Nga chết hoặc bị giết.
Trong tháng 12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Andrey Karlov bị tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết khi khai trương một phòng triển lãm.
Mới trong tháng 1/2017, lãnh sự Nga ở Athens, ông Andrey Malanin, 55 tuổi, chết trong phòng tắm ở nhà riêng.
Cảnh sát Hy Lạp nói không có dấu hiệu ai đó đột nhập vào, và nguyên nhân tử vong là 'lý do tự nhiên', trang The Independent ở Anh đưa tin.
Báo này cũng có bài về một loạt vụ tử vong của giới ngoại giao Nga.
Theo họ, cùng trong tháng 1/2017, Đại sứ Nga ở Ấn Độ, ông Alexander Kadakin, 67 tuổi, chết sau khi bị bệnh.
Báo chí Ấn Độ nói ông "bị bệnh đã một thời gian" còn hãng tin Reuters nói ông bị truỵ tim.
Hồi tháng 12/2016, Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov bị bắn chết ngay trong một cuộc triển lãm.
Cũng trong tháng 12 năm ngoái, người ta tìm thấy xác ông Petr Polshikov, 56 tuổi, cựu quan chức ngoại giao tại nhà riêng ở Moscow với vết đạn vào đầu.
Từng làm trong Vụ châu Mỹ Latin Bộ Ngoại giao Nga, Polshikov có thời gian phục vụ tại Đại sứ quán Nga tại Bolivia.
Tháng 11/2016, một quan chức ngoại giao Nga không thuộc hàng cao cấp là Sergei Krivov cũng qua đời ngay trong trụ sở Lãnh sự Liên bang Nga ở New York. - BBC
|
|
8.
Singapore lo ngại về căng thẳng Mỹ-Trung
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với BBC rằng căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực là "lo ngại thật sự".
Ông Lý Hiển Long có cuộc trả lời phỏng vấn dài với chương trình HARDtalk của BBC tại Singapore.
Xin giới thiệu một số phần chính trong cuộc phỏng vấn:
BBC: Vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong vùng, còn ông Donald Trump nói về chính sách "Nước Mỹ trước hết", chúng ta đã nói về khía cạnh bảo hộ rồi, tình hình đang rất khó cho Singapore?
- Nếu quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên thật khó khăn, vị thế của chúng tôi cũng khó hơn vì khi đó chúng tôi sẽ bị buộc phải chọn lựa giữa làm bạn với Mỹ hay Trung Quốc.
BBC: Đó là lo ngại thật sự cho ông?
- Lo ngại thật sự. Hiện nay chúng tôi là bạn của cả hai. Có vấn đề chứ, nhưng nói chung chúng tôi là bạn của cả hai, và quan hệ thì tốt.
BBC: Ông có tin rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có nguy cơ xấu đi nữa?
- Theo tôi, mối quan hệ luôn đòi hỏi sự quan tâm lâu dài của cả hai phía. Tôi chắc chắn Trung Quốc làm như vậy, và tôi hy vọng Mỹ cũng quan tâm như thế vì ở phía Mỹ, họ có nhiều vấn đề khác phải lo. Châu Âu, Trung Đông, Ukraine, châu Mỹ Latin. Nếu anh không tập trung cho quan hệ này, cho cả khía cạnh hai bên cùng thắng và cả những lĩnh vực cạnh tranh, thì quan hệ có thể xấu đi.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
BBC: Một số nước như Úc, New Zealand nói rằng họ không loại trừ "TPP trừ một", tức là vắng Mỹ. Nhật thì nói không. Còn Singapore?
- Nếu có đồng thuận, và 11 nước - thay vì 12 - nói "hãy ký kết mà không có Mỹ", Singapore sẽ làm.
Tôi không biết nó có xảy ra không vì Nhật Bản đã phải có những nhượng bộ đau đớn để Mỹ cũng nhượng bộ. Nếu bây giờ lại có hiệp định mà Nhật phải nhượng bộ nhưng không có Mỹ, thì cân bằng chính trị và kinh tế đã đổi rồi.
Tôi không loại trừ nhưng rất khó đạt được.
Anh ra khỏi EU (Brexit)
BBC: Khi ông quan sát Vương quốc Anh như một nơi để kinh doanh, là đối tác đầu tư, thương mại, theo ông, Brexit đã làm Anh mạnh lên hay yếu đi?
- Chúng tôi không bỏ phiếu. Theo chúng tôi, Brexit làm EU yếu đi. Chúng tôi cũng không chắc là nó giúp Anh mạnh hơn. Bạn có thể vẫn sống, sẽ không đói khi ở ngoài EU, nhưng đó là thị trường khổng lồ ngay bên cạnh bạn. Bạn vẫn phải làm ăn với họ, và nếu không có ảnh hưởng, có lẽ bạn sẽ không thể làm tăng ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Thương mại và nhân quyền
BBC:Tim Farron, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do tại Anh nói rằng "nếu có thỏa thuận thương mại với Singapore, bà Thủ tướng Theresa May phải nêu vấn đề tự do ngôn luận, báo chí khi đàm phán." Ông phản ứng thế nào?
- Bạn không có kiềm chế khi hỏi tôi câu hỏi nhỉ.
BBC: Không, nhưng đó không quan trọng phải không ạ. Quan trọng là ông có sẵn lòng bảo đảm cho báo chí nội địa? Ông có sẵn lòng nói về tự do lớn hơn cho báo chí tại nước này?
- Tôi đâu có bảo các bạn là báo chí các bạn nên làm gì, tại sao các bạn nghĩ nên bảo tôi cách quản trị đất nước?
Chúng tôi hoàn toàn cởi mở, có hệ thống internet thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Chúng tôi không có tường lửa, muốn vào trang nào thì vào. Thế hạn chế là gì?
BBC: Vậy nếu chính phủ Anh liên kết hiệp định thương mại với bảo đảm nhân quyền, tự do báo chí, quyền lao động, quyền biểu tình ở nước này, ông sẽ…?
- Tôi sẽ chờ đọc văn bản đã. Xem người Mỹ nào. Họ cũng không thiếu tinh thần lên giọng về đạo đức. Họ cổ vũ dân chủ, tự do ngôn luận, quyền phụ nữ, quyền của người đồng tính, thậm chí là người chuyển giới. Nhưng họ đâu có áp dụng nó khắp thế giới với các đồng minh đâu. Họ chỉ làm khi chi phí thấp thôi, khi đó họ sẽ cao giọng.
BBC: Ông không nghĩ là Anh sẽ…
- Bạn xem một số nhà sản xuất dầu hỏa quan trọng nhất thế giới, họ có tuân thủ không? Họ có bị sức ép không?
Người ta vẫn phải làm ăn. Thế giới thật đa dạng, không có ai độc quyền về đạo đức hay trí khôn.
Nếu chúng ta không chấp nhận điều này, không cùng phát triển, hợp tác, chấp nhận khác biệt. Các khác biệt về giá trị, quan niệm, khác biệt trong cả cách ta đặt ra mục tiêu cuộc đời. Nếu không thế thì khó lắm. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Tổng thống kêu gọi vực dậy tinh thần Mỹ --- TT Trump ‘lãnh đạo’ thế giới, hướng về Biển Đông?
Tổng thống Donald Trump kêu gọi nước Mỹ đang bị chia rẽ “vực dậy lại tinh thần Mỹ.” Trong bài phát biểu trước hai viện Quốc hội tối thứ Ba 28/2, ông Trump đặt ra một nghị trình đầy tham vọng với các mục tiêu phục hưng nền kinh tế, siết chặt an ninh biên giới, tăng chi tiêu cho quân đội và thay đổi lớn về chăm sóc sức khỏe. Đó là một nghị trình với một loạt ưu tiên chính trị đầy khó khăn mà chắc chắn sẽ gặp phải nhiều tranh luận quyết liệt trong những tháng tới.
Tổng thống Donald Trump được các đảng viên Cộng hòa nhiệt liệt ủng hộ và các đảng viên Dân chủ lịch sự đón nhận khi ông phác họa các chính sách ưu tiên của ông, trong đó có hứa hẹn khi vận động tranh cử là bảo vệ an ninh biên giới của Hoa Kỳ. Ông nói:
"Chúng tôi muốn mọi người dân Mỹ thành công, nhưng điều đó không thể đạt được trong một môi trường hỗn loạn vô luật pháp. Chúng ta phải khôi phục lại sự toàn vẹn và luật pháp ở biên giới của chúng ta. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ sớm khởi công xây một tường thành vĩ đại dọc biên giới phía nam của chúng ta."
Tổng thống Trump nói nghị trình của ông là hiệu lệnh mở đầu “một chương mới của sự vĩ đại của Hoa Kỳ” trong đó sẽ bao gồm cải tổ thuế khóa, các thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho người lao động Mỹ, bãi bỏ và thay thế luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là Obamacare. Ông cho biết:
"Obamacare đã thất bại, và chúng ta phải quyết tâm hành động để bảo vệ tất cả người dân Mỹ."
Ông Trump hứa sẽ bảo vệ an toàn cho người dân Mỹ trước mối đe dọa khủng bố, nhưng ông cũng đề ra điều ông gọi là “giao kết có ý nghĩa, mạnh mẽ và trực tiếp” với thế giới:
"Hoa Kỳ sẵn sàng mở rộng quan hệ hữu nghị, mở các quan hệ đối tác mới với những nơi cùng chia sẻ những lợi ích chính đáng. Chúng tôi muốn hòa hợp và ổn định, không muốn chiến tranh và xung đột."
Tổng thống Trump cũng tri ân chiến sĩ Ryan Owens, biệt kích Hải quân hy sinh trong cuộc đột kích vào một căn cứ của al-Qaida ở Yemen hồi tháng 1:
"Ryan đã hy sinh mạng sống của mình, anh là một chiến binh, một anh hùng, đã chiến đấu chống khủng bố để bảo vệ an toàn cho chúng ta."
Tổng thống Trump lập lại lời kêu gọi đất nước đoàn kết sau cuộc bầu cử gây nhiều chia rẽ và kêu gọi người dân Mỹ suy nghĩ trọng đại hơn:
"Đã đến lúc bỏ qua những vấn đề nhỏ nhen. Đã đến lúc bỏ lại những bất đồng tầm thường sau lưng chúng ta. Chúng ta cần phải can đảm chia sẻ những mơ ước dâng tràn trong lòng chúng ta. Sự can đảm bày tỏ hỵ vọng mang lại tinh thần phấn khởi cho chúng ta. Và sự vững tin sẽ biến những hy vọng và ước mơ đó thành hành động."
Trong phát biểu đáp từ bên Ðảng Dân chủ, cựu Thống đốc Steve Beshear của bang Kentucky chỉ trích chính sách của ông Trump bỏ luật Obamacare và thắt chặt di dân:
"Tổng thống có thể và nên thực thi luật di trú của chúng ta. Nhưng chúng ta luôn có thể bảo vệ nước Mỹ mà không cần bỏ các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức của chúng ta để giúp cho những người phải trốn chạy chiến tranh và khủng bố. Chúng ta không cần phải ly tán các gia đình và chúng ta cũng không cần phải đưa các quân nhân nam nữ của chúng ta vào chỗ hiểm nguy không cần thiết ở các chiến trường nước ngoài."
Và bây giờ công việc đầy khó khăn sẽ bắt đầu khi ông Trump và các đại biểu Quốc hội bắt đầu nhiệm vụ tìm cách thực hiện nghị trình đầy tham vọng của tân tổng thống. - VOA
***
Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ “một lần nữa sẵn sàng lãnh đạo [thế giới]", và đề xuất gia tăng ngân sách quốc phòng thêm hàng chục tỉ đôla, mà tin cho hay, một phần trong số đó để “tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".
Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 28/2, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Trump cho biết rằng ông muốn “truyền đi thông điệp đoàn kết và sức mạnh, và đó là một thông điệp phát đi từ sâu trong trái tim của tôi”.
Ông nói tiếp trong sự tán thưởng của các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa: “Một chương mới về Sự Vĩ đại của nước Mỹ giờ đang bắt đầu. Một sự tự hào dân tộc mới đang lan khắp đất nước chúng ta. Đồng minh của chúng ta thấy rằng nước Mỹ một lần nữa đã sẵn sàng lãnh đạo. Tất cả các nước trên thế giới, bạn lẫn thù, sẽ thấy rằng Hoa Kỳ vững mạnh, Hoa Kỳ tự hào, và Hoa Kỳ tự do”.
Trong bài phát biểu về nhiều vấn đề sát sườn của nước Mỹ như công ăn việc làm, an ninh và chống khủng bố, ông Donald Trump còn nói tới việc đề xuất ra Quốc hội “một ngân sách nhằm tái xây dựng quân đội”, và coi đó là “một trong những sự gia tăng chi tiêu quân sự quốc gia lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Chính quyền của ông Trump đề xuất tăng thêm ngân sách 54 tỷ đôla dành cho Lầu Năm Góc, lên hơn 600 tỷ đôla trong năm 2018, tức tăng 10%.
Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời một quan chức Mỹ rành về dự thảo gia tăng quốc phòng đưa tin rằng tiền tăng thêm "sẽ được dành cho việc đóng tàu, “tậu” máy bay quân sự và tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ tại các thủy lộ quốc tế trọng yếu, trong đó có Biển Đông".
Về thông tin trên, tiến sỹ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu ở Mỹ về các vấn đề liên quan tới vùng biển tranh chấp này, cho biết rằng ông “rất hoan nghênh” các tuyên bố mạnh của ông Trump.
Ông nói thêm: “Điều này khá hơn. Trước đây, mấy năm của ông Obama thì chỉ tuyên bố, nhưng mà vẫn còn đi rón rén. Nói chung, chính quyền Trump họ sẽ mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng mà mạnh đến đâu thì tôi không phát biểu ý kiến nhiều được bởi vì ông Trump khá khó tiên liệu. Chắc chắn là ông ấy sẽ mạnh mẽ hơn chính quyền trước”.
Ông Tài cho rằng nếu Mỹ mạnh mẽ ở biển Đông, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Hôm 18/2, lần đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump, hải quân Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng đội tàu chiến đã trở lại bắt đầu tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Mỹ, nói với VOA Việt Ngữ rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt “mong Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng hơn, ổn định hơn tại vùng Biển Đông”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng mọi người đều khá phấn khởi khi thấy Hoa Kỳ có vẻ như có một thái độ quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, và cũng đã bắt đầu triển khai lực lượng của mình vào Biển Đông, khác hơn với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chờ xem đây có phải chăng là một chiến lược dài lâu hay đây lại là một thái độ hơi vội vã, và sau đó lại thay đổi như đã từng xảy ra trong 30 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/2 bày tỏ hy vọng rằng sự gia tăng chi tiêu về quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ mang lại ích lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. Phát ngôn viên Lục Khảng nói rằng việc liên hệ giữa sự gia tăng quân sự của Mỹ đối với tình hình Biển Đông chỉ là một sự phỏng đoán.
Ông Lục cũng kêu gọi các quốc gia ngoài cuộc, thường dùng để ám chỉ Mỹ, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Hãng tin Reuters hôm 28/2 dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết rằng năm ngoái, Trung Quốc ấn định chi tiêu quân sự ở mức gần 140 tỷ đôla. Cùng ngày, tờ báo có tư tưởng dân tộc Hoàn cầu Thời báo kêu gọi Bắc Kinh gia tăng chi tiêu quân sự thêm ít nhất 10% nữa để đối phó với sự bất ổn do Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.
Trong phần kết bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói rằng “Hoa Kỳ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới, và củng cố quan hệ đối tác mới với các quyền lợi chung”.
“Chúng ta muốn hòa thuận và ổn định, chứ không phải chiến tranh và xung đột… Nước Mỹ ngày nay làm bạn với những nước từng là kẻ thù,” ông Trump nói. - VOA
|
|
10.
Ngoại trưởng Mỹ gặp ông Dương Khiết Trì của TQ
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Ba đã gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Washington.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng hai nhà ngoại giao đã thảo luận về "mối quan hệ kinh tế cùng có lợi" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mối quan tâm của họ đối với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại của Bắc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Hai ông Tillerson và Dương cũng khẳng định "tầm quan trọng” của mối quan hệ có tính xây dựng giữa hai nước cũng như các cuộc hội đàm cấp cao thường xuyên giữa các quan chức hàng đầu hai nước. - VOA
|
|
11.
Ông Trump chọn lãnh đạo tình báo quốc gia --- Wilbur Ross tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thương mại
Ông Dan Coats, người được Tổng thống Donald Trump chọn làm lãnh đạo cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, nói Nga là mối đe dọa hàng đầu. Phát biểu với các nhà lập pháp hôm thứ Ba, ông nói có một thực tế được thừa nhận, đó là Moscow đã cố gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2016.
Ông Coats nói: "Nga có lịch sử lâu năm về tuyên truyền khi cố gây ảnh hưởng đến các quốc gia và các nền văn hóa khác, cũng như trong các cuộc bầu cử, v.v… Việc đó đang diễn ra ở châu Âu hiện nay. Nhưng họ dường như đã đẩy mạnh việc làm đó, và họ đang sử dụng không gian mạng, cũng như đang sử dụng các phương pháp tinh vi mà họ đã không có trước đây. Và vì vậy tôi nghĩ rằng có một vấn đề rất quan trọng là chúng ta cần hiểu đầy đủ về những gì đã xảy ra, chúng đã xảy ra như thế nào, và có một báo cáo đầy đủ về điều đó".
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, cựu Thượng nghị sĩ Indiana Dan Coats cam kết ủng hộ một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vai trò của điện Kremlin trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Lập trường của ông Coats dường như mâu thuẫn với Tổng thống Trump, là người ban đầu đã bác bỏ những phát hiện của cộng đồng tình báo, cả trong chiến dịch tranh cử lẫn sau bầu cử.
Trong lời phát biểu mở đầu xác định các mối đe dọa cấp bách khác đối với Hoa Kỳ, ông Coats cũng đề cập đến "khủng bố Hồi giáo cực đoan".
Dường như rõ ràng nhắc đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, ông nói: "Chúng đang lan truyền thông điệp gây sợ hãi và thù ghét qua không gian mạng và đang vận động đến các địa điểm ở ngoài quốc gia tự xưng của chúng".
Ông Coats cũng nêu quan ngại về Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. - VOA
***
Nhà đầu tư tỉ phú Wilbur Ross ngày thứ Ba 27 tháng 2 đã tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng thương mại sau khi giúp hình thành chính sách chống lại những thỏa thuận thương mại đa phương của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.
Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì lễ nhậm chức của ông Ross, 79 tuổi, một ngày sau khi thượng viện bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử chuyên gia chuyên môn chuyển các công ty từ thua lỗ sang có lời, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các Thượng nghị sĩ Dân chủ.
Sau lễ tuyên thệ, ông Ross hoan nghênh sự ủng hộ của đảng Dân chủ và nói cuộc bỏ phiếu này cho thấy “có lẽ, cuối cùng việc xây dựng nước Mỹ lớn mạnh trở lại có thể trở thành công việc của lưỡng đảng.”
Ông Ross được đưa ra để trở thành một tiếng nói có ảnh hưởng trong đội ngũ kinh tế của ông Trump và sẽ bắt đầu làm việc để thương thuyết trở lại các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và Mexico.
Trong khi các bộ trưởng thương mại ít khi nổi bật tại Washington, ông Ross hy vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc theo đuổi những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump nhằm giảm bớt thâm thủng mậu dịch và mang việc làm trong sản xuất trở về Mỹ.
Một số đảng viên Dân chủ chỉ trích ông Ross là một tỉ phú khác trong Nội các của ông Trump tuy nói rằng chú trọng vào giai cấp công nhân nhưng lại là một nhà đầu tư “tham lợi” đã loại bỏ một số công ăn việc làm. Thông tấn xã Reuters trong tháng trước loan tin là những công ty của ông Ross đã chuyển khoảng 2.700 việc làm ra nước ngoài kể từ năm 2004. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
12.
EU ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước FTA
Việt Nam đang chịu sức ép từ các nhà lập pháp châu Âu về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp Âu châu (EU) được phê chuẩn. Chính phủ cộng sản rất coi trọng thỏa thuận này sau khi hỏng một thỏa thuận lớn do Mỹ đứng đầu.
Các thành viên Nghị viện châu Âu hồi cuối tháng 2 bày tỏ quan ngại về Việt Nam khi Tiểu ban nhân quyền của họ đến thăm quốc gia Đông Nam Á. Tiểu ban khuyến nghị cần có thêm tranh luận ở Việt Nam về quyền chính trị cũng như tự do ngôn luận và tôn giáo.
Châu Âu quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam
Vị chủ tịch tiểu ban nói ở Hà Nội rằng nếu không đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của châu Âu về nhân quyền, việc phê chuẩn hiệp định thương mại sẽ khó khăn. Chính phủ Việt Nam chưa hồi đáp trực tiếp về phát biểu này.
Hiệp định được ký kết hồi tháng 12 năm 2015 và dự kiến có hiệu lực vào năm tới. Nhưng hiệp định phải đi qua Nghị viện châu Âu cũng như các cơ quan lập pháp của các nước thành viên. Khi các nhà lập pháp tại Bỉ xem xét hiệp định hồi tháng 1, một số người đã đặt câu hỏi về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Frederick Burke, luật sư của công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Họ có một việc rất khó khăn trước mắt là phải đi qua 27 quốc hội mới biết có được phê chuẩn gì không. Để được tất cả những nơi đó phê duyệt là cả một thách thức".
Châu Âu muốn tiếp cận người tiêu dùng Việt, còn Việt Nam tìm cách độc lập kinh tế khỏi Trung Quốc
Liên hiệp châu Âu muốn có thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có hơn với khoảng 93 triệu dân. Hiệp định này cũng nhắm đến một mục tiêu là cuối cùng sẽ có thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam muốn có thỏa thuận này, với tư cách là một quốc gia dựa vào xuất khẩu đang phát triển và mong muốn đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn là một đối thủ chính trị lâu đời.
TPP chết vào thời chính quyền ông Trump
Việt Nam từng là một thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về lý thuyết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiệp định đã “chết” sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra hồi tháng Giêng.
Thương mại EU-Việt Nam đạt khoảng 40,1 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam đánh giá Liên hiệp châu Âu, một thị trường có khoảng 500 triệu dân, là đối tác thương mại thứ 3 của mình sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tại Ủy ban Chứng khoán SSI tại Hà Nội, cho biết: "Nếu hiệp định được phê duyệt sớm, sẽ tốt hơn nhiều. Càng sớm càng tốt đối với Việt Nam".
Hiệp định tự do thương mại với châu Âu giúp cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam
Bà Phương nói: "Chắc sẽ không có vấn đề gì vì hiệp định đã được ký kết. Tôi nghĩ rằng mọi người kỳ vọng vào TPP nhiều nhất, nhưng vì TPP đã không được hiện thực hóa, FTA này sẽ có ích. Đối với các ngành như dệt may, chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu rất nhiều".
Thỏa thuận này sẽ cắt giảm hầu hết các loại thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm và mở cửa của Việt Nam cho các dịch vụ của châu Âu như y tế, đóng gói và tổ chức triển lãm.
Gần một năm trước chuyến thăm Việt Nam của tiểu ban nghị viện, tổ chức Pháp có tên Phong trào Thế giới vì Nhân quyền đã cáo buộc Liên hiệp châu Âu không tiến hành nghiên cứu về tác động đối với nhân quyền.
Có đòi hỏi mạnh mẽ về nhân quyền nhưng từ ngữ không quyết liệt bằng TPP
Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Mauro Petriccione cho biết trong một tuyên bố hồi năm ngoái là FTA giữa EU và Việt Nam bao gồm "các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ các quyền cơ bản của con người tại nơi làm việc, nhân quyền của họ trên bình diện rộng hơn, và môi trường".
Nhưng ông Burke nói từ ngữ trong hiệp định của châu Âu không quyết liệt bằng nội dung tương ứng trong TPP.
TPP đòi hỏi về những thay đổi trong luật lao động Việt Nam theo hướng có lợi cho công đoàn nhằm chấm dứt bóc lột lao động, và buộc ngành công nghiệp nặng trả tiền bồi thường nếu việc kiểm soát ô nhiễm kém cỏi gây ra tác động đến thương mại, kèm theo là những kẻ vi phạm phải đối mặt với mức thuế bổ sung.
Ông nói: "FTA EU đã không được soạn thảo rõ ràng như TPP. Bản thân từ ngữ không có ép buộc thực thi như TPP. Nó dựa nhiều hơn vào thiện chí và những người mong muốn thực hiện các việc".
Vi phạm nhân quyền tiếp tục ở Việt Nam
Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ nói chính quyền Việt Nam sách nhiễu và bỏ tù các blogger cũng như các nhà hoạt động chính trị. Họ nói công nhân không thể thành lập nghiệp đoàn riêng của họ, trong khi nông dân bị mất đất cho các dự án phát triển.
Về mặt chính thức, Việt Nam là nước vô thần. Theo nhóm đấu tranh nhân quyền Mỹ Open Doors, trong khoảng 8 triệu Kitô hữu ở Việt Nam, đôi khi có một số người bị bắt do nói lên đức tin của họ, bởi vì chính phủ coi tôn giáo của họ là "có liên hệ mật thiết với các thế lực ngoại bang".
Ông Carl Thayer, một học giả về Việt Nam và giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Úc, nói để làm hài lòng các nhà lập pháp châu Âu, Việt Nam có thể sẽ thông qua một số luật hoặc thả một vài tù nhân lương tâm mà không thực hiện những thay đổi cơ bản.
Ông lưu ý rằng Hà Nội đã thay đổi về những gì họ được yêu cầu trước khi được tham gia TPP. Ông nói các nhà hoạt động nhân quyền có thể vẫn chỉ trích Việt Nam, nhưng các quan chức Mỹ đã hài lòng.
Ông nói: "Câu trả lời thật sự là Việt Nam sẽ cưỡng lại, nhưng thay vì lần lữa, giống như họ đã làm với Hoa Kỳ, họ đi đến một loại tạm ước". - VOA
|
|
13.
TQ cấm đánh cá ở Biển Đông, Việt Nam phản đối
Hà Nội chỉ trích Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển tranh chấp.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 28/2 nói Hà Nội “kiên quyết phản đối”.
Ông Bình nói thêm: “Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng”.
Theo hãng tin AP, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hôm 27/2 ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Lệnh này được áp dụng từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.
Những năm trước, Hà Nội cũng đã nhiều lần phản đối Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng Biển Đông. - VOA
|
|
14.
Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn ra tòa
Nữ nghi can người Việt bị giải ra tòa và chính thức bị truy tố tội giết hại anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Malaysia hôm nay, 1/3.
Những hình ảnh chụp do các hãng thông tấn đăng tải cho thấy cô Đoàn Thị Hương bị còng tay và được cho mặc áo chống đạn với sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang hùng hậu.
Theo cáo trạng, nữ công dân Việt Nam và bị cáo người Indonesia Siti Aishah, cùng bốn người đàn ông chưa rõ danh tính, hiện vẫn bỏ trốn, đã có mặt ở ga đi của sân bay quốc tế Kuala Lumpur với mục đích giết công dân Bắc Hàn.
Một người đàn ông Bắc Hàn, mà cảnh sát Malaysia nói tên là Ri Jong Chol, vẫn bị cảnh sát giam giữ và chưa bị truy tố. Cảnh sát hiện truy nã 7 người Bắc Hàn khác, trong đó có một nhân viên đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
"Tôi vô tội"
Trả lời VOA Việt Ngữ sau phiên tòa, ông Selvam Shanmugam, luật sư bào chữa cho nữ nghi can người Việt, cho biết: “Sau khi nghe cáo trạng, cô ấy nói rằng ‘tôi hiểu cáo trạng’, nhưng cô ấy nói ‘tôi vô tội'. Cô ấy bác bỏ cáo trạng”. Ngoài ra, theo ông Shanmugam, cô Hương không nói thêm gì, và tỏ ra “bình tĩnh”.
Theo luật sư người Malaysia, tòa cũng ra lệnh gia hạn giam giữ cô Hương cho tới ngày ra tòa tiếp theo vào ngày 13/4.
Ông Shanmugamcho biết ông được Hội Luật sư Việt Nam mời tham gia bào chữa cho cô Hương, và ngày mai, sẽ có một nhóm luật sư người Việt sang Kuala Lumpur để cùng ông xử lý vụ việc. Còn trong lần cô Hương xuất hiện đầu tiên tại tòa, chỉ mình ông tham gia.
Ông Shanmugam cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng có đám đông lớn hàng trăm phóng viên từ khắp nơi đổ về đưa tin về phiên tòa. Nếu bị kết án, cô Hương và nữ nghi can người Indonesia có thể bị treo cổ.
Một cựu Thứ trưởng Công an Việt Nam không muốn nêu danh tính nói với VOA tiếng Việt hôm 28/2 rằng Hà Nội "không thể can thiệp để giảm án cho nghi phạm", nhưng Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ “phối hợp với bên Malaysia để trao đổi bảo vệ quyền công dân [Việt Nam]" theo luật quốc tế. "Còn họ xử thì căn cứ vào pháp luật của họ để xử", cựu quan chức này nói.
"Bị lợi dụng"
Nữ nghi phạm quê Nam Định ra tòa ít ngày sau khi cô được gặp đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam, và nói rằng cô "bị lợi dụng". Cô cũng kể rằng cô tưởng mình "tham gia đóng video clip hài" trong vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2.
Ít ngày sau khi cô Hương bị bắt vì bị nghi dính líu tới vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, báo chí Malaysia dẫn lời các nguồn tin viết rằng nữ nghi can người Việt và một nữ nghi can Indonesia khai rằng họ “tưởng tham gia một trò chơi khăm, vô hại trên truyền hình”.
Trong khi đó, cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia tuần trước nói rằng hai nữ nghi can đã “được trả tiền” và “được huấn luyện” thực hiện vụ ám sát.
Hôm 24/2, Malaysia thông báo kết quả điều tra ban đầu, cho thấy theo đó người anh em của lãnh tụ Bắc Hàn bị giết bởi “chất độc thần kinh VX”, một hóa chất cực độc, bị Liên Hiệp Quốc liệt vào “danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Cô Aishah bị bắt hôm 16/2, một ngày sau cô Đoàn Thị Hương. Cảnh sát cho biết rằng nữ công dân Indonesia "đã bị nôn" trong khi bị giam giữ vì phơi nhiễm chất VX. - VOA
|
|
15.
Việt Nam trước hiểm họa sốt rét kháng thuốc
Một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san The Lancet Infectious Diseases đầu tháng 2 vừa qua báo động là một dạng sốt rét kháng thuốc đang hoành hành ở các nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cảnh báo là nếu dịch sốt rét kháng thuốc này lan sang Ấn Độ và châu Âu, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn cầu.
Từ một thập niên qua, các nhà khoa học và các nhân viên y tế đã ngày càng lo ngại về một dạng ký sinh trùng sốt rét có thể vô hiệu hóa loại thuốc chủ yếu dùng để điều trị bệnh nhân hiện nay đó là artemisinin. Dịch sốt rét này đã được phát hiện từ năm 2007 tại Cam Bốt và từ đó đã lan sang miền Bắc Thái Lan, miền Nam nước Lào và miền Đông Miến Điện.
Nay các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện một siêu ký sinh trùng sốt rét không chỉ kháng hai loại thuốc, mà còn đánh bại các « đồng nghiệp » để chiếm thế « thượng phong ». Loại ký sinh trùng này nay có mặt ở Cam Bốt, Thái Lan Lào. Hiện nó chưa lan đến Miến Điện, cửa ngỏ sang vùng Nam Á, nhưng các nhà nghiên cứu dự báo rằng đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo lời giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, trong số 5 nước vùng sông Mekong thì Việt Nam không phải là quốc gia mà tình tình sốt rét kháng thuốc trầm trọng nhất, nhưng đây cũng là một hiểm họa đối với Việt Nam.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, Bộ Y tế cũng vừa cảnh báo rằng tại nhiều tỉnh thành, bệnh sốt rét vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát vì ngày càng nhiều trường hợp kháng thuốc được ghi nhận.Theo viện này, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở 5 tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trên phạm vi toàn quốc. Viện này nhắc lại rằng mỗi năm, Việt Nam ghi nhận 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.
Nhưng vì sao lại xuất hiện những loại sốt rét kháng thuốc như vậy? Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh nêu lên hai lý do chính: bệnh nhân uống thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ và thuốc chất lượng xấu, thuốc giả.
Kể từ khi thuốc artemisinin, do một nhà nghiên cứu Trung Quốc sáng chế vào thập niên 1970, được sử dụng, kèm theo những biện pháp ngăn ngừa muỗi chích, thế giới đã đạt nhiều thành công đáng kể trong việc phòng chống sốt rét. Nhưng nay các nhà khoa học báo động là những thành quả đó có thể bị triệt tiêu, nếu thế giới không cấp tốc diệt trừ loại ký sinh trùng kháng thuốc mới, để ngăn chận loại sốt rét này từ vùng Mekong lan sang phía Tây.
Trước mắt, những nước như Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện đang tập trung chống sốt rét tại những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, với nguồn tài trợ của quốc tế. Ở Việt Nam, nguy cơ lây lan sốt rét nói chung và sốt rét kháng thuốc cũng đến từ các cộng đồng di dân, từ vùng đồng bằng lên miền rừng núi kiếm sống, như lời bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh.
Chính vì vậy mà theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, hợp tác của các nước trong khu vực để chống sốt rét kháng thuốc cũng phải tập trung vào cộng đồng di dân và các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. - RFI
|
|
16.
Bộ TN-MT: 'Nước Vũng Áng đỏ do tảo nở hoa'
Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa đưa ra giải thích hiện tượng nước đỏ ở Cảng Vũng Áng và Cảng Sơn Dương 10 hôm trước là do hiện tượng "tảo nở hoa".
Ngày 17/2 mạng xã hội và các báo cho hay "tại khu vực D cầu cảng dịch vụ cảng Sơn Dương (thuộc Công ty Công ty Formosa Hà Tĩnh) xuất hiện một dải nước màu đỏ dài khoảng 50m tấp vào chân bờ kè cảng".
Một số báo sau đó giải thích đây là hiện tượng "mé nước" và cho rằng điều này hoàn toàn bình thường.
Tới sáng 18/2 hiện tượng này đã chấm dứt.
Trước đó, một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào ngày 19/1.
Thông tin nước ngả màu đỏ đã khiến người dân lo lắng, nhất là nơi đây có nhà máy của công ty Formosa từng bị buộc tội gây ô nhiễm môi trường.
Ủy ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh nhanh chóng giải thích dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng "là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải".
Cách giải thích này dường như chưa thuyết phục với nhiều người nói ô nhiễm hữu cơ ít khi có màu đỏ là màu chỉ dấu có ô xít sắt.
Tuy nhiên nay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả kiểm tra hiện tượng nước biển xuất hiện dải màu đỏ nói trên.
Theo báo cáo này, giới chức đã kiểm tra, lấy mẫu nước biển từ hiện trường để phân tích.
Báo Thanh Niên dẫn kết quả báo cáo nói tại Cảng Vũng Áng và Cảng Sơn Dương đã có "sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao".
Báo cáo này kết luận: "Trong thời gian vừa qua, có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (sự nở hoa của nước hay còn gọi là thủy triều đỏ)".
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường trong một cuộc phỏng vấn trước đây với BBC cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ không vào thời kỳ này.
Nhiều dân địa phương nói "chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ như trên trong hàng chục năm nay". - BBC
|
|
17.
Visa vừa du lịch vừa làm việc tại Úc
Australia và Việt Nam từ ngày 1 tháng 3 bắt đầu khởi động chương trình “Thị thực Lao động kết hợp kỳ nghỉ”.
Báo Dân trí trong nước dẫn lời ông Craig Chittick, Đại sứ Australia cho biết chương trình cho phép thành viên tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hoá và du lịch với thời hạn 12 tháng tại Úc kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên. Trong thời gian đó, họ được phép làm việc nhưng không được vượt quá 6 tháng đối với 1 chủ lao động. Về vấn đề học tập thì không được quá 4 tháng.
Mỗi năm sẽ có 200 ứng viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn được cấp thị thực đến Úc và ngược lại, 200 công dân Úc đủ tiêu chuẩn có thể nhập cảnh Việt Nam.
Cũng theo lời ông Carig Chittick đây là cơ hội cho các công dân trẻ của Việt Nam và Australia có những trải nghiệm trao đổi văn hoá độc đáo, giúp tăng cường thêm nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment