Tin Thế Giới
1.
Mỹ tố cáo Nga triển khai tên lửa nhắm vào Tây Âu
Nga đã triển khai tên lửa hành trình nhắm vào Tây Âu, vi phạm Hiệp Ước Vũ Khí Hạt Nhân Tầm Trung (INF) ký kết năm 1987. Tướng Paul Selva, một viên chức cao cấp bộ Quốc Phòng Mỹ đã tố cáo như trên vào hôm qua, 08/03/2017 nhân một cuộc điều trần trước một ủy ban của Hạ Viện Mỹ.
Theo tướng Paul Selva : « Nga đã triển khai một loại tên lửa hành trình. Điều đó vi phạm cả tinh thần lẫn mục tiêu của hiệp ước INF ». Đối với tướng Selva, các tên lửa này tạo thành mối đe dọa cho hầu hết các cơ sở quân sự của Mỹ tại châu Âu, và « Nga đã cố tình cho triển khai để đe doạ khối Bắc Đại Tây Dương NATO ».
Theo hãng tin Pháp AFP, từ mấy năm qua Mỹ đã lo ngại trước việc Nga phát triển một loại tên lửa địa đối địa đi ngược lại với Hiệp Ước INF, được tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987. Theo tinh thần hiệp ước này, khoảng 2.700 hỏa tiễn có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km đã bị phá hủy.
Hiệp Ước 1987 cũng chấm dứt cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân SS-20 đe dọa các thủ đô Tây Âu, buộc Mỹ và NATO đáp trả bằng cách triển khai hỏa tiễn hạt nhân Pershing khiến hàng triệu người khắp châu Âu biểu tình phản đối.
Nhật báo Mỹ New York Times vào trung tuần tháng Hai đã tiết lộ việc Nga bí mật triển khai loại tên lửa mà Mỹ gọi là SSC-8 ở Volvograd và một địa điểm khác. Tuy nhiên vào khi ấy, bộ Quốc Phòng Mỹ không xác nhận thông tin.
Tướng Selva vào hôm qua còn cho biết là Lầu Năm Góc đang xem xét một số biện pháp gây sức ép để Nga tuân theo hiệp ước INF.
Tuy nhiên, phía Nga đã lên tiếng phủ nhận việc họ vi phạm hiệp ước, ngược lại tố cáo là chính Washington đã vi phạm, khi cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa ở Ba Lan và Rumani, có thể bắn hỏa tiễn tầm trung vào lãnh thổ Nga.
Ở Mỹ hiện này đã có nhiều tiếng nói đòi tăng cường vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu. - RFI
|
|
2.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nghi ngờ hoạt động của tàu TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Năm nói ông rất quan ngại về việc các các tàu khảo sát của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và khu vực được xác định là thềm lục địa Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết các tàu của Trung Quốc đã bị theo dõi trong những tháng gần đây tại nhiều địa điểm khác nhau gần Philippiness.
Philippiness đã phát hiện một tàu chiến ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây của nước này 70 dặm trên Biển Đông và các tàu khảo sát Trung Quốc ở phía bắc và phía nam của bờ biển Đông Philippiness.
Mặc dù Tổng thống Rodrigo Duterte thường xuyên ca ngợi Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ấm dần lên, nhưng ông Lorenzana vẫn bày tỏ nghi ngờ công khai và lưu ý rằng việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vẫn đang tiếp diễn.
Ông Lorenzana cho biết hình ảnh vệ tinh là do các đồng minh cung cấp. Các đồng minh này đã theo dõi các tàu Trung Quốc trong ba tháng cuối năm ở Benham Rise, một khu vực rộng lớn mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố là một phần của thềm lục địa Philippines.
Trước đó, ông Lorenzana đã có một bài phát biểu trước truyền thông. Trong đó, ông cho biết các tàu của Trung Quốc đã ở những địa điểm nào và nói rằng ông nghi ngờ hoạt động của các tàu này ở phía đông Philipppines, vì Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.
Ông nói với các nhà báo rằng ông đã nhận được thông tin cho thấy Trung Quốc có thể đã khảo sát độ sâu của nước để chuẩn bị cho các tuyến tàu ngầm tới Thái Bình Dương. Ông cũng đã ra lệnh cho hải quân ngăn chặn các tàu này nếu chúng quay trở lại.
Các báo cáo về hoạt động của tàu Trung Quốc được đưa ra trong lúc hai nước đang tìm kiếm mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn dưới thời ông Duterte sau nhiều năm cãi vã và mất tin tưởng, chủ yếu do vấn đề Biển Đông.
Hôm thứ Năm, ông Lorenzana cũng bày tỏ thất vọng rằng kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào tám tháng trước, Philippines đã đệ trình cả chục yêu cầu đến Đại sứ quán Trung Quốc đòi giải thích về các hoạt động hàng hải của nước này, nhưng lần nào Bắc Kinh cũng phủ nhận không có chuyện đó.
Khi được hỏi về các hoạt động của tàu khảo sát mà ông Lorenzana đã đề cập, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không biết gì về tin này. - VOA
|
|
3.
Hải Quân Mỹ-Nhật tập trận ngoài khơi đảo Guam
Trong năm ngày (06-10/03/2017), Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng tiến hành cuộc tập trận mang tên MultiSail 2017, ngoài khơi đảo Guam thuộc Mỹ ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Mục tiêu đề ra là nhằm hoàn thiện năng lực tương tác giữa Hải Quân hai nước trong bối cảnh quân đội Nhật đã chính thức được quyền tiếp ứng đồng minh Mỹ tại hải ngoại.
Bản thông cáo báo chí của Hải Quân Mỹ cho biết phía Mỹ đã cử tổng cộng 6 chiến hạm tham gia đợt diễn tập, bao gồm 5 khu trục hạm lớp Arleigh Burke (USS Stethem, USS Barry, USS Mustin, USS Fitzgerald, và USS McCampbell) và một tuần dương hạm được trang bị tên lửa lớp Ticonderoga. Phía Nhật gởi 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đến tham gia.
Theo Hải Quân Mỹ MultiSail là một cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa hai quân đội Mỹ và Nhật Bản, rèn luyện năng lực phát hiện, định vị, theo dõi và tung lực lượng can thiệp trên biển, trên không, trên đất liền và dưới mặt nước.
Theo ghi nhận của báo Nhật Bản The Diplomat, từ một chương trình tập huấn đơn giản lúc ban đầu, với thời gian, MultiSail đã mở rộng thành một cuộc tập trận hải quân song phương quy mô và tinh vi, trong đó cả hai lực lượng hải quân thử nghiệm các thiết bị, chiến thuật và phương án tác chiến mới nhất, trong các lãnh vực từ bảo đảm an ninh hàng hải đến chống tàu ngầm và phòng không.
Việc tăng cường năng lực tương tác và phối hợp giữa Hải Quân Mỹ và Nhật Bản đã trở nên đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kể từ tháng 12 năm 2016, tàu chiến Nhật Bản đã chính thức được quyền tham gia bảo vệ tàu hải quân Hoa Kỳ.
Cũng trong khuôn khổ tăng cường năng lực tác chiến giữa hai quân đội, vào ngày 06/03 vừa rồi, quân đội Mỹ-Nhật đã kết thúc một tháng tập trận đổ bộ tại Camp Pendleton và đảo San Clemente ở miền nam tiểu bang California (Hoa Kỳ).
Ngoài ra, Hải Quân Mỹ và Nhật Bản hiện đang cùng tham gia chương trình thường niên của Mỹ mang tên Đối Tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership), nhằm rèn luyện năng lực trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cho các nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong năm nay, trong khuôn khổ chương trình Đối Tác Thái Bình Dương, các đơn vị Úc, Mỹ, Anh, Nhật và Hàn Quốc phụ trách việc đào tạo cho 3 nước chủ nhà năm nay là Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam. - RFI
|
|
4.
2 nhân viên LHQ người Malaysia rời khỏi Bắc Hàn, 9 người kẹt lại --- Malaysia sẽ không cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên
Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) cho biết đã có 2 người Malaysia được phép rời khỏi Bắc Triều Tiên hôm thứ Năm, trong lúc chính phủ Malaysia tiếp tục thương lượng để gỡ bỏ lệnh cấm rời khỏi Bắc Triều Tiên đối với 9 người Malaysia còn kẹt lại ở đó.
Hôm thứ Ba, Bắc Triều Tiên đã ra lệnh cấm công dân Malaysia ra khỏi quốc gia này. Lập tức, Malaysia “ăn miếng trả miếng”, cấm công dân Bắc Triều Tiên ra khỏi Malaysia, vào lúc căng thẳng ngoại giao đang leo thang giữa hai nước vì cuộc điều tra vụ giết ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tại phi trường Kuala Lumpur của Malaysia.
9 người Malaysia còn lại đang ở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và không thể rời khỏi đất nước này. Kuala Lumpur đã bắt đầu đàm phán với Bắc Triều Tiên về việc gỡ bỏ lệnh cấm đi lại và cho phép công dân Malaysia hồi hương.
Trong khi đó, hai nhân viên WFP người Malaysia đã tới được Bắc Kinh.
Ông Frances Kennedy, phát ngôn viên của WFP ở Italy, nói với Reuters trong một thông báo: “WFP xác nhận hai nhân viên WFP mang quốc tịch Malaysia đã rời khỏi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đã đến Bắc Kinh hôm nay”.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Malaysia và Bắc Triều Tiên hãy bình tĩnh và giải quyết những khác biệt thông qua “quy tắc ngoại giao đã thiết lập”.
Ông Kim Jong Nam bị giết vào ngày 13 tháng 2 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur. Cảnh sát Malaysia tin rằng ông đã bị hai phụ nữ, 1 người Việt và 1 người Indonesia, tấn công bằng chất độc thần kinh VX, một loại hóa chất bị Liên Hiệp Quốc xếp loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt. - VOA
***
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm thứ Năm nói sẽ không cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên, sau những căng thẳng vì cuộc điều tra về vụ giết ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tại phi trường Kuala Lumpur của Malaysia, dẫn đến các lệnh cấm đi lại theo kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước.
Phát biểu trong một tuyên bố trên blog cá nhân, ông Najib nói:
“Quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên sẽ không bị cắt đứt, chúng ta cần tiếp tục trao đổi với họ để tìm ra giải pháp”.
Ông Najib nói Malaysia sẽ không từ bỏ hướng tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Ông nói thêm rằng tất cả những người Malaysia vẫn còn đang ở Bắc Triều Tiên đều an toàn.
Hai nhân viên Liên Hiệp Quốc người Malaysia đã được phép rời khỏi Triều Tiên vào thứ Năm, trong khi 9 người khác bị kẹt lại tại đại sứ quán ở Bình Nhưỡng. - VOA
|
|
5.
Ba Lan không muốn Donald Tusk tiếp tục làm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.
Hôm nay, 09/03/2017, Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles và một trong những nội dung chính của cuộc họp là bầu chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. Đa số các thành viên ủng hộ chủ tịch mãn nhiệm Donald Tusk, người Ba Lan, làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Thế nhưng, chính phủ Ba Lan lại phản đối và đe dọa làm cho thượng đỉnh thất bại.
Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart cho biết thêm thông tin :
Cho dù diễn ra tại Bruxelles, nhưng cuộc đọ sức xung quanh việc bầu ông Donald Tusk làm thêm một nhiệm kỳ nữa lại là một vụ việc nội bộ, giữa những người Ba Lan với nhau.
Từ 10 năm nay, phe tự do và bảo thủ Ba Lan tranh giành quyền lãnh đạo và ông Donald Tusk luôn luôn là đối thủ chính của anh em sinh đôi Kaczynski. Cạnh tranh chính trị đã biến thành hận thù cá nhân sau cái chết của tổng thống Lech Kaczynski trong một vụ tai nạn máy bay.
Ông Jaroslaw Kaczynski quy trách nhiệm thảm họa này cho ông Donald Tusk. Giờ đây, ông Jaroslaw Kaczynski coi ông Donald Tusk là một ứng viên của Đức và cảnh báo việc bầu lại ông này sẽ là một bước mới dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn tại châu Âu.
Để giảm bớt cơ may tái đắc cử của ông Donald Tusk, chính phủ Ba Lan đã chỉ định một ứng viên khác, đó là ông Jacek Sariusz Wolski, nghị sĩ châu Âu, vừa từ bỏ phe tự do thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu EPP, để gia nhập phe bảo thủ. Từ đó đến nay, Vacxava đã gia tăng vận động ủng hộ cho ứng cử viên của mình.
Thế nhưng, ông Jacek Sariusz Wolski lại chưa bao giờ đảm nhiệm chức tổng thống hay thủ tướng và do vậy, không hề có cơ may trúng cử. Thậm chí, Malta, nước hiện làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, còn không mời ông ta đến dự thượng đỉnh Bruxelles hôm nay. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Cộng Hòa chia rẽ vì chương trình bảo hiểm mới của TT Trump
Các đảng viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ đang chịu áp lực phải bãi bỏ và thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, thường gọi là Obamacare, vì họ đã hứa làm điều này trong bảy năm qua. Obamacare được ban hành dưới chính quyền của Tổng thống Obama đã cho phép nhiều người Mỹ không có bảo hiểm trước đó có thể mua được bảo hiểm y tế với giá thích hợp. Hôm thứ hai, các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã đưa ra một đề xuất thay thế nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ ngay cả trong chính đảng của họ. Các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch mới vẫn giữ lại quá nhiều phần của Obamacare, và những người ôn hòa thì ủng hộ nửa vời. Các thành viên đảng Dân chủ lại bác bỏ những đề xuất cắt giảm bảo hiểm sẽ gây bất lợi cho người có thu nhập thấp. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA ghi nhận rằng hai ủy ban của Hạ viện đã bắt đầu thảo luận về dự luật này hôm thứ tư.
Chương trình này sẽ thay thế các khoản trợ cấp từ chương trình bảo hiểm hiện tại bằng các khoản tín dụng thuế để giúp trả phí bảo hiểm. Nó dần dần chấm dứt các khoản phạt của chính phủ đối với người không có bảo hiểm, và nó ngưng việc mở rộng Medicaid, một chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ cho các gia đình có thu nhập thấp.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa nói rằng đề xuất đó không đi đủ xa.
Ông Jim Jordan: "Đó là Obamacare dưới một hình thức khác."
Ông Rand Paul: "Tôi nghĩ rằng nó đã chết ngay khi được đưa ra, tôi không nghĩ các thành viên bảo thủ sẽ ủng hộ đề xuất đó."
Những thành viên khác của đảng Cộng hòa lại có thái độ tích cực hơn về dự luật mới này.
Dân biểu Doug Collins đại diện cho tiểu bang Georgia. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng còn có thể thay đổi được một số thứ, nhưng dự luật này đang được xem xét – những thứ mà chúng ta đã hứa hẹn."
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã gọi chương trình bảo hiểm mới là "tuyệt vời" và thúc ép các thành viên đảng Cộng hòa thông qua:
"Đó là một quá trình phức tạp, nhưng thực ra, nó rất đơn giản. Nó được gọi là chăm sóc sức khoẻ tốt."
Các đảng viên đảng Dân chủ phản đối mạnh chương trình mà họ nói sẽ mang lại những lợi ích lớn về thuế cho người giàu và giảm mức hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp.
Dân biểu Mike Doyle đại diện cho tiểu bang Pennsylvania:
"Ngày nay, đảng Cộng hòa cho bạn một sự sống sót của cá thể thích nghi nhất bằng sự chăm sóc y tế cho người khỏe mạnh và giàu có. Đối với phần còn lại của dân số Mỹ, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Bạn sẽ được hỗ trợ bảo hiểm ít hơn."
Một số thành viên đảng Dân chủ nói rằng một điều khoản ít được biết đến trong chương trình mới sẽ mang lại lợi ích về thuế đối với các giám đốc điều hành công ty bảo hiểm và sẽ gây tốn kém cho người nộp thuế khoảng 450 triệu USD.
Hôm thứ 4, nhà lãnh đạo nhóm thiểu số của Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cáo buộc các thành viên đảng Cộng hòa đã tìm cách đẩy nhanh tiến trình trước khi mọi người hiểu được tất cả các thông tin đầy đủ của chương trình này. Bà nói:
"Có điều gì mà đảng Cộng hòa muốn che giấu? Có phải là số người sẽ mất bảo hiểm của họ không? Có phải là 5, 10, 15 hay 20 triệu người không?"
Một số bệnh viện của Mỹ và các nhóm bác sĩ chỉ trích dự luật này của đảng Cộng hòa. Họ nói rằng nó có thể sẽ làm tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ và buộc nhiều bệnh nhân phải bỏ bảo hiểm y tế. - VOA
|
|
7.
Mỹ: Tiết lộ của WikiLeaks về CIA làm chính quyền Trump lúng túng --- Vụ WikiLeaks-CIA: Người trong cuộc nói gì?
CIA tố cáo WikiLeaks "nối giáo cho giặc" sau các tiết lộ ngày 08/03/2017, theo đó, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ sử dụng điện thoại iPhone của Apple và màn hình Samsung để theo dõi một cách rộng rãi các đối tượng. Hai tập đoàn liên quan nỗ lực tìm cách trấn an khách hàng.
Về phía chính quyền Mỹ, theo thông tín viên đài RFI, Anne-Marie Capomaccio, Washington đã chậm lên tiếng, vì trước đây ông Donald Trump từng tuyên bố ủng hộ WikiLeaks hết mình.
"WikiLeaks ! I love WikiLeaks ! » Đó là thời kỳ còn tranh cử, khi mà ứng cử viên tổng thống Donald Trump trong cuộc mít tinh nào cũng nhắc đi nhắc lại là ông yêu thích WikiLeaks vô cùng. Ở vào thời điểm đó, những tiết lộ của ê-kip Julian Assange, có lợi cho ông ta khi đẩy bà Hillary Clinton vào thế kẹt.
Nhưng đó là chuyện trong quá khứ. Giờ đây tổng thống Trump phải đối mặt với hàng loạt tiết lộ về các hoạt động tin tặc. Tất cả các vị dân biểu ở Hoa Kỳ đều có cùng thái độ, điển hình là thượng nghị sĩ bang California, bà Dianne Feinstein thuộc đảng Dân Chủ: Họ không công khai lên án phương pháp của CIA, nhưng muốn biết "làm sao ra nông nỗi này".
Bà Feinstein cho rằng đối tác bên ngoài phải chịu trách nhiệm về các vụ rò rỉ. Và đây là loại hoạt động gián điệp đặc trưng. Lúc đầu có vụ Snowden và trong vụ đó, thì dường như một đối tác đã cung cấp tất cả các tài liệu cho WikiLeaks. Cần phải thực sự chú ý đến vấn đề dùng các dịch vụ của đối tác bên ngoài.
Chính giới Mỹ đổ lỗi cho các nhà cung cấp dịch vụ cho cơ quan tình báo Mỹ. Còn Nhà Trắng thì lúng túng, chưa biết có nên đổ lỗi cho chính quyền Obama hay không, và CIA thì tuyệt nhiên im lặng.
Dù vậy, CIA chính thức mở điều tra và bằng một giọng điệu rất "lưỡi gỗ" đã giải thích trong một thông cáo rằng những vụ rò rỉ thông tin "đe dọa đến các nhân viên Mỹ trên thực địa và giúp ích cho kẻ thù của Hoa Kỳ". Theo các chuyên gia, thông cáo trên của CIA có giá trị như một sự thừa nhận nội dung các tiết lộ của ƯikiLeaks". - RFI
***
Vụ WikiLeaks tiết lộ kho công cụ của Cơ Quan Tình Báo Mỹ (CIA) sử dụng để theo dõi công dân qua các thiết bị điện tử kết nối internet đã làm các tập đoàn lớn về công nghệ hiện đại ngỡ ngàng. Những phản ứng đầu tiên của những người trong cuộc là giảm thiểu quy mô vụ việc.
Cách đây không lâu, năm 2013, Edward Snowden đã phát giác Cơ Quan An Ninh Mỹ NSA xâm nhập vào các hệ thống máy chủ của Apple, Microsoft và Google để thu thập thông tin của người dân. Vụ việc khi đó đã khiến các nhà khổng lồ trong lĩnh tin học Mỹ gặp không ít khó khăn.
Lần này, theo các tài liệu Wikileaks vừa tung lên mạng, CIA có thể đã soạn hàng nghìn chương trình mã độc, phần mềm khác nhau để xâm nhập kiểm soát các thiết bị điện tử công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy thu hình có kết nối internet hay thậm chí cả xe hơi để theo dõi người sử dụng.
Ý thức được vụ việc có thể làm tổn hại đến uy tín, nhất là khi CIA chứng tỏ khả năng lách qua hệ thống bảo mật của nhiều ứng dụng trao đổi thông tin trên mang như WhatApp (Facebook) hay Signal, các nhà mạng lớn trong lĩnh vực này ngay lập tức đã có phản ứng để bảo vệ khả năng an toàn dịch vụ của mình.
Apple quả quyết rằng rất nhiều lỗ hổng an toàn đã được bịt kín bằng những phiên bản mới của iOS, hệ điều hành cho loại điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Trong một thông báo qua thư điện tử, nhà chế tạo mang nhãn hiệu quả táo nổi tiếng cho biết : "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để nhanh chóng giải quyết tất cả các tính năng yếu kém đã được xác định. Hãng cũng nhắc lại là vẫn thường xuyên khuyến cáo người sử dụng sản phẩm Apple hãy tải các phiên bản iOS mới, có khả năng sửa chữa về cơ bản những kẽ hở an toàn của phiên bản cũ".
Về phần Samsung, mà theo các tiết lộ của Wikileaks thì các sản phẩm máy thu hình kết nối mạng đã bị CIA lợi dụng làm công cụ gián điệp, tập đoàn này cho biết đã kiểm tra « khẩn cấp » nội dung phát giác của WikiLeaks. Đồng thời hãng khẳng định lại việc bảo vệ đời tư của khách hàng và an toàn của các thiết bị là ưu tiên.
Cũng là đối tượng bị CIA nhắm tới qua hệ điều hành nổi tiếng Windows, Microsoft có vẻ bình tĩnh hơn. Hãng cho biết đã nắm được các thông tin của WikiLeaks và đang tiến hành kiểm tra.
Còn Google với hệ điều hành Android cũng bị nhắm tới, hiện nhà mạng hàng đầu trong dịch vụ tìm kiếm thông tin chưa có phản ứng gì.
Quy mô không lớn như vụ NSA
Hàng nghìn trang tài liệu phát giác CIA của WiliLeaks có thể khiến quan hệ giữa các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin và các cơ quan tình báo Mỹ thêm căng thẳng. Nhiều chuyên gia về an ninh mạng, tuy nhiên đánh giá quy mô những phát giác lần này không bằng vụ Snowden.
Ông Robert Graham, chuyên nghiên cứu về an ninh mạng thuộc hãng Errata Security, viết trên blog: « Snowden đã tiết lộ cách thức NSA theo dõi tất cả các công dân Mỹ. Các tài liệu của WikiLeaks về cách làm của CIA hoàn toàn không giống như vậy ….Đó là tất cả những công cụ hợp pháp để theo dõi, đặt giả thiết là việc theo dõi các đối thủ nước ngoài là hợp pháp ». Chuyên gia này giải thích thêm là phần lớn các phương pháp tin tặc của CIA chỉ đơn giản là " đánh lừa để người sử dụng cài đặt phần mềm gián điệp của họ".
Còn ông Joseph Hall, một chuyên gia của tổ chức bảo vệ các quyền công dân có tên gọi Center for Democracy and Technology giải thích : Đó là những cơ chế có mục tiêu, không thể sử dụng để thu thập đại trà thông tin, nó buộc hoạt động theo dõi nhắm vào đối tượng cụ thể, vào thiết bị của một cá nhân cụ thể.
Giám đốc công nghệ của IBM Resilient, ông Bruce Schneier, người vẫn thường xuyên chỉ trích việc theo dõi thông tin của chính phủ, cũng thừa nhận « không có gì bất hợp pháp » trong nội dung tài liệu của WikiLeaks và đó chính là điều mà người ta đều nghĩ là CIA phải làm trong không gian mạng.
Tổng cộng, WikiLeaks đã công bố gần 8000 trang tài liệu ghi lại các cuộc thảo luận nội bộ của Cơ Quan Tình Báo Mỹ về các kỹ thuật tin tặc được sử dụng trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016.
Trước sự việc trên, phát ngôn viên của CIA hôm qua đã phải lên tiếng nhấn mạnh rằng cơ quan không có quyền tiến hành các hoạt động giám sát theo dõi tại Hoa Kỳ và CIA « không làm việc đó ». Tuy nhiên, đại diện tình báo Mỹ cũng nói rằng đó là việc CIA cải tiến hoạt động nhằm theo kịp các tiến bộ công nghệ và để có thể bảo vệ đất nước trước kẻ thù từ bên ngoài.
Những tiết lộ của WikiLeaks về CIA không chỉ khiến chính phủ Mỹ phải quan tâm. Tại Đức, các cơ quan của chưởng lý liên bang cho biết đang xem xét kỹ lưỡng các tài liệu vừa được công bố vì một số văn bản có nói đến một cơ sở tin tặc do CIA quản lý từ lãnh sự quán Mỹ tại Frankfurt.
Một số quan chức Mỹ cũng xác nhận có một toà nhà nằm kề bên căn cứ không quân Mỹ tại « Rhein-Main », Đức từng là cơ sở của CIA trong nhiều năm dưới biệt hiệu « Tefran » có nhiệm vụ thu thập thông tin về các hoạt động của Iran tại châu Âu. Cụ thể cơ sở này theo dõi các lãnh đạo Iran và những nhân vật có khả năng đào thoát đang làm việc trong chương trình hạt nhân của Teheran.
Phát ngôn viên của chưởng lý liên bang Đức nói : « Chúng tôi đã xem xét việc này rất cẩn thận. Chúng tôi sẽ mở điều tra nếu thấy có biểu hiện phạm tội cụ thể hoặc có những cá nhân cụ thể tham gia ».
Một quan chức ẩn danh của châu Âu thì lại lý giải rằng, những tiết lộ của WikiLeaks thực ra có thể dẫn đến việc tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước châu Âu, các nước phương Tây đều có chung một quan tâm về gián điệp Nga.
Quan chức này còn đi xa hơn khi cho rằng vụ WikiLeaks lần này lại càng khiến người ta thêm nghi ngờ Matxcơva đứng đằng sau những rò rỉ thông tin của Wikileaks. Ông nói : « Rất thú vị và cũng có ý nghĩa là việc rò rỉ lần này trùng hợp với những nỗ lực gia tăng của Nga nhằm tác động đến các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu và để răn đe các nước vùng Baltic hay một vài quốc gia đông Âu cũ. Mục đích chính là gây mất ổn định NATO và Liên Hiệp Châu Âu ».
Những tiết lộ mới của WikiLeaks về cách thức do thám của tình báo Mỹ bung ra trong khi thứ Ba tuần tới, thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Donal Trump tại Washington để hâm nóng lại quan hệ hai nước gần đây đang có chiều nguội lạnh dần, bởi những chỉ trích không tiếc lời của ông Trump nhằm vào đồng minh Đức.
Về phần Washington, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết, tổng thống Mỹ « cực kỳ lo ngại » về các thông tin mà WikiLeaks vừa tung ra. - RFI
|
|
8.
Mỹ: Báo chí làm sao "trung lập" dưới thời Trump?
Dưới thời tổng thống Donald Trump, truyền thông Mỹ chưa bao giờ bị tấn công dữ dội và thường xuyên đến như vậy. Chưa có lúc nào mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và báo giới lại tồi tệ như lúc này. Cố vấn chính của tân tổng thống, ông Stephen Bannon xem một số hãng truyền thông như là một « đảng đối lập » và đề nghị nên « đóng cửa » các hãng truyền thông đó.
Do vậy, giới truyền thông Hoa Kỳ hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn : Làm thế nào đưa tin về một vị tổng thống liên tục cáo buộc báo chí là những cơ quan tuyên truyền thông tin sai lệch, « những kẻ thù của người dân Mỹ » ? Làm sao có được khoảng cách tốt để đưa tin về tân chính quyền mà vẫn giữ được tính « trung lập » ?
Giới báo chí cảm thấy việc tác nghiệp ngày càng trở nên phức tạp trước những dòng tweet bất ngờ đưa ra lúc sáng sớm của Donald Trump. Nhiều cây bút xã luận lớn ví von rằng đưa tin về « nước Mỹ của Trump cũng giống như là một vùng chiến sự », hoặc xem đó như là « một cuộc chiến của đời phóng viên ».
Nhưng liệu rồi khẩu chiến giữa Trump và giới truyền thống có đang bị trượt đà hay không ? Theo nhận định của ông Richard Benedetto, giáo sư trường đại học American và từng phụ trách đưa tin về Nhà Trắng cho nhật báo USA Today, được AFP trích dẫn, dường như khái niệm « phải công minh » đang bị quên lãng.
Việc xử lý các thông tin về Nhà Trắng dường như dần dần mang đậm dấu ấn cá nhân cảm tính. « Ranh giới giữa nhà báo (đưa tin) và nhà bình luận đôi khi khó phân định »trước việc nhiều kênh thông tin liên tục, cho « quá nhiều người phát biểu các ý kiến cá nhân ».
Còn theo giáo sư Karen North, chuyên nghiên cứu về truyền thông thuộc Đại học Nam California, khả năng kềm chế cũng trở nên khó khăn hơn do sự hiện diện khắp nơi của các nhà báo trên các trang mạng xã hội, đứng đầu là Twitter.
Về điểm này, ông Richard Benedetto cho rằng chính việc có rất nhiều phóng viên « trình bày thẳng các quan điểm của mình » đến độc giả, thường có tính chất thù nghịch với Trump, đã làm gia tăng mạnh mẽ cảm giác chung là phần lớn các nhà báo trên những phương tiện truyền thông lớn là thiên tả.
Vẫn theo chuyên gia này, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tờ báo giải thích phần nào cách đưa tin về ông Trump hiện nay. Để tồn tại và sống sót, hơn bao giờ hết, cần thu hút sự chú ý của độc giả thông qua điện thoại thông minh, bằng cách đưa lên hàng đầu những bài viết có « tính giật gân », gây tranh cãi…, và các trang mạng xã hội được xem như là một công cụ không thể thiếu vắng.
Điểm nghịch lý là nếu như có ai lấy làm tiếc về hành động thái quá trong việc đưa tin về Trump, thái độ « đúng mực »đó có thể bị xem là « để làm vừa lòng » chính quyền.
AFP nhắc lại vụ việc ông Gerry Baker, tổng biên tập tờ Wall Street đã bị cả ban phản đối ra sao khi ông nhiều lần nhắc nhở đồng nghiệp phải « trung lập » và « có chừng mực ». Ông từng gợi ý nhóm làm báo rằng đừng vội đánh giá các phát biểu tức thì, sai lầm của Donald Trump là « dối trá », do tính chất « cố ý » chưa được cấu thành. Ông Gerry Baker thậm chí vào đầu tháng 2 này còn triệu tập một phiên họp toàn thể các nhà báo của Wall Street Journal để giải thích nhưng bất thành.
Nói tóm lại, để có thể được tiếng là nhà báo « trung lập »không phải là dễ. Ông Nic Dawes, cựu phóng viên và là phó giám đốc tổ chức Human Rights Watch, trên trang mạng The Nation, từng chấp bút một bài xã luận, viết rằng : « Nếu như nhà báo bằng mọi cách muốn được xem là trung lập, thì họ sẽ tránh đặt những câu hỏi hóc búa hoặc vạch trần sự giả dối". - RFI
|
|
9.
Mỹ: Hawaii phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Trump
Tiểu bang Mỹ Hawaii vào hôm qua, 08/03/2017, đã đệ đơn lên tòa án liên bang phản đối sắc lệnh nhập cư mới của tổng thống Donald Trump, cấm công dân của 6 quốc gia Hồi Giáo vào Mỹ. Đây là thủ tục pháp lý đầu tiên chống lại sắc lệnh thứ hai về nhập cư của ông Trump.
Một thẩm phán Hawaii đã đánh giá là tiểu bang này có thể có thêm một hành động bổ sung vào đơn kiện chống sắc lệnh thứ nhất của tổng thống Trump đưa ra vào ngày 27 tháng Giêng. Đối với giới lãnh đạo bang Hawai, sắc lệnh mới vừa ký hôm thứ Hai 06/03 vẫn ngược lại với Hiến Pháp Mỹ.
Một phiên tòa dự kiến mở ra vào ngày 15/03, ngay trước ngày sắc lệnh mới có hiệu lực. Văn bản mới này cấm trong vòng 90 ngày công dân 6 nước Hồi Giáo - Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen - vào nước Mỹ. Việc hạn chế này chỉ liên quan đến những người mới xin visa.
Các chuyên gia pháp lý cho là việc phản đối sắc lệnh mới khó thành công hơn vì những điều chỉnh vừa đưa vào sắc lệnh cho phép nhiều ngoại lệ đối với người xin visa vào Mỹ.
Thời hạn rộng rãi hơn từ ngày sắc lệnh được ký và việc thực hiện cũng cho phép tránh được những khó khăn xẩy ra đối với sắc lệnh đầu tiên được thực hiện ngay sau khi ký, đã gây nên tình trạng hỗn loạn ở các phi trường.
Phe cực hữu Mỹ chống dự luật cải tổ obamacare bị cho là quá “nhẹ”
Tổng thống Trump cũng đang gặp chống đối ngay trong đảng Cộng Hòa về việc sửa đổi luật bảo hiểm y tế Obamacare. Dự luật mới về y tế vẫn giữ lại một số điều khoản của luật Obamacare, nhưng cánh cực hữu, đại diện là Tea Party, thì dứt khoát đòi xóa bỏ hoàn toàn luật của tổng thống tiền nhiệm.
Dân biểu Dave Brat thuộc nhóm Tea Party cho là đã bị ông Trump và lãnh đạo đảng Cộng Hòa " phản bội ", và đòi tổng thống Trump yêu cầu Thượng Viện bãi bỏ hẳn luật Obamacare.
Theo giới quan sát, ông Trump không ngờ lại bị phản đối như thế và buộc ông phải thương lượng nếu muốn luật mới được thông qua.
Nhưng không phải chỉ có cánh cực hữu trong đảng Cộng Hòa là phản đối dự luật mới. Các thượng nghị sĩ thuộc xu hướng " ôn hòa " trong đảng Cộng Hòa và đồng nhiệm trong đảng Dân Chủ cũng đã lên tiếng phản đối, cho là dự luật mới sẽ đẩy hàng triệu người Mỹ tầng lớp nghèo vào tình cảnh khó khăn. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
10.
Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kêu gọi Việt Nam trả tự do blogger Mẹ Nấm
Trong thông báo của Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ngày 08/03/2017, nhiều chuyên gia về nhân quyền thuộc định chế đa quốc gia này « bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị bắt giam chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của công dân ».
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc tỏ « lo ngại cho sức khỏe thể xác và tinh thần » của blogger Mẹ Nấm đồng thời tố cáo những vi phạm về quyền cơ bản cũng như thủ tục tố tụng khiến bà Như Quỳnh không được xét xử theo đúng pháp luật. Đặc biệt trong khi bị tạm giam, bà không được quyền tiếp xúc với và gia đình, không được quyền thăm nom.
Thông cáo của Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: « Là một người bảo vệ môi trường nhân quyền, Mẹ Nấm nên được vinh danh vì lòng dũng cảm và kiên trì ». Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, là một nhà đấu tranh bảo vệ quyền con người và môi trường. Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước.
Giới bảo vệ nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rõ, cáo buộc của chính quyền Việt Nam đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nhắm đến các các hoạt động trên mạng phê phán chính quyền Hà Nội của bà. Một trong những hoạt động đấu tranh của blogger Mẹ Nấm liên quan đến vụ tập đoàn Formosa xả thải chất độc làm cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam hồi tháng 4/2016. - RFI
|
|
11.
Báo Nhân Dân: Blogger tung tin vịt; VOA, BBC, RFA tung hứng
Hôm 7/3, báo Nhân Dân có bài nói rằng các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, BBC, RFA tung hứng theo các tin vịt do các blogger Việt Nam phát ra với thủ đoạn bất lương nhằm “chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói rằng việc các blogger tung tin vịt là “thủ đoạn mà kẻ bất lương thường sử dụng để gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội, từ đó làm tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân mà họ nhắm vào.”
Trong bài viết có tự đề “‘Tin vịt’ và cái gọi là ‘truyền thông lề dân’”, báo Nhân Dân có nêu tên các blogger như Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, và Lê Dũng Vova với cáo buộc là họ đã “lan truyền một video clíp quay cảnh một cống thoát có nước màu đỏ, được cho là do ‘phóng viên lề dân’ quay tại khu vực xả thải của Công ty Formosa.”
Từ Hà Nội, blogger Lê Dũng Vova cho VOA biết phản ứng của anh về bào báo này:
“Tôi thì chả bao giờ đọc báo Nhân dân. Đó là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản mà. Lần này, đọc xong buồn cười quá, vì cách làm báo của họ là chụp mũ. Họ cho rằng tất cả những người làm báo mạng, những Facebooker và blogger làm tin là tin vịt. Họ nói là tin vịt mà họ cũng chẳng cần chứng minh thế nào là tin vịt cả. Không ai được phép có quyền thay mặt tòa án để phán xét những người làm báo. Báo Đảng của Việt Nam họ quen với cách chụp mũ đó từ xưa rồi.”
Võ Khánh Linh, tác giả bài viết trên báo Nhân Dân còn dẫn chứng vụ sản xuất tin vịt của blogger Kami, người được “RFA trân trọng, sử dụng, trả nhuận bút, cũng như được BBC, VOA… tung hứng!”
Blogger Lê Dũng nói thêm về việc “chụp mũ” đã có từ xa xưa của báo chí nhà nước:
“Từ xưa đến giờ thì mọi người dân ở Việt Nam đều được nghe và thấy các tờ báo của nhà nước nói rằng các báo của nước ngoài BBC, VOA, RFA, RFI là những trang thông tin của thế lực thù địch và tiếp tay cho các báo mạng ở Việt Nam, gây kích động các thứ. Họ chụp mũ. Từ xưa họ đã truyên truyền cho người dân ở trong nước như vậy.”
Vào tháng trước, VOA có đưa tin về hiện tượng vệt nước đỏ khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cống xả nước thải màu đỏ ra biển. Dư luận cho đây là cống xả thải từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái.
Ngoài thông báo về việc tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước, Bộ TN&MT hôm 21/2 cũng khẳng định đoạn video xả nước thải màu đỏ là “sai sự thật”. Bộ này nói trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra cống xả thải nào của Formosa giống như trong đoạn video.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói với VOA rằng người dân hiện đang rất “thiếu tin tưởng” và “hoài nghi” bất cứ thông tin chính thức gì có liên quan đến các vụ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói thông tin báo chí đưa cũng chỉ là một dự báo, không phải là kết luận phân tích khoa học.
Sau đó VOA cũng đã phỏng vấn các ngư dân ở làng chài nơi có xuất hiện vệt nước màu đỏ. Ông Sáu, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế cho VOA biết: “Cách đây ba ngày tôi gặp nó cách bờ chừng 3 tới 4 hải lý. Vệt nước này kéo dài màu đỏ hồng, nó loang trên cát và ông vạn trưởng có báo đến cho cơ quan chức năng nhưng không thấy họ nói gì. Không biết rồi đây sẽ như thế nào bởi năm ngoái đánh bắt thất thu, đời sống rất khó khăn, bây giờ thêm vệt này nữa thì chẳng biết tính sao đây!”
Blogger Lê Dũng, người đã phát đi đoạn video nói rằng ông đã trực tiếp lấy mẫu nước và phỏng vấn người dân địa phương. Ông giải thích thêm về vụ vệt nước màu đỏ ở Vũng Áng:
“Khi xuất hiện các vệt nước đỏ ở Vũng Áng, người dân có chụp ảnh và đăng lên trên mạng. Họ có gọi cho cán bộ địa phương xuống xem và lấy mẫu. Nhưng cán bộ địa phương làm người ta mất niềm tin, người ta sợ lắm.”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà, người cũng bị báo Nhân dân nêu tên với cáo buộc đưa ‘tin vịt’ nói với VOA qua Messenger rằng cô có thực hiện cuộc điều tra vụ cống xả và đưa tin lên mạng. Nữ blogger nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh với 20 năm làm nghề báo tự do nói rằng chính quyền “muốn phản bác lại lề dân thì phải chứng minh chứ, trong khi ngồi lười đó đợi. Anh nói tui sai, thì anh phải chứng minh sai chỗ nào và bằng chứng?”
Khi hỏi nhận định của Blogger Hương Trà về bài báo Nhân dân, chị nói: “Nói chung đừng nên quá coi trọng mấy cái báo Đảng hay các trang lề phải nói gì, tui phớt lờ hết và hầu như không đọc, cũng không quan tâm luôn. Mình cứ làm những gì mình thấy đúng đắn, tiến bộ.”
Trong một bình luận về hoạt động truyền thông gần đây, cựu nhà báo Phạm Đoan Trang viết: “Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội... muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được và lấy lòng dân được.” - VOA
|
|
12.
Bộ VH-TT-DL: Phim King Kong có thể giúp du lịch Việt tăng tốc --- Cháy ở sân khấu ra mắt ‘Kong: Skull Island'
Ngày 10/3, phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) bắt đầu được công chiếu ở 65 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Mỹ.
Bộ phim nói về một nhóm các nhà thám hiểm liều lĩnh khám phá một hòn đảo chưa có dấu chân người ở nam Thái Bình Dương vào năm 1973, giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu nhiều điều trước khi người Nga đến đó. Đoàn thám hiểm được một nhóm lính Mỹ hộ tống.
Hòn đảo nơi họ khám phá có phong cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng nó lại ẩn chứa rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Điều đáng sợ hơn cả là họ không hề hay biết rằng mình đang dấn thân vào lãnh địa của King Kong, chúa tể huyền thoại của loài khỉ. Và đụng độ giữa họ với Kong đã nổ ra rồi leo thang với những diễn biến nghẹt thở.
Hàng loạt các bài điểm phim đang xuất hiện trên các báo và tạp chí quốc tế, ngoài bàn về nội dung phim và diễn xuất, còn nhắc đến việc bộ phim bom tấn của Hollywood này có phần lớn cảnh quay ở những nơi có cảnh đẹp sững sờ của Việt Nam.
Giới chức ngành du lịch và công chúng Việt Nam đều kỳ vọng bộ phim sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nói với VOA:
“Khi mà phim Kong được 70% nội dung hình ảnh quay ở Việt Nam, đây là cơ hội rất là tốt quảng bá cho du lịch Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng ý thức đây là cơ hội, một điều kiện giúp cho du lịch Việt Nam có thể tăng tốc trong những năm tới, để có thể đạt được những con số đón khách du lịch ấn tượng hơn trong năm 2017”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt, cũng chung suy nghĩ:
“Bộ phim rất là nổi tiếng mà quay ở Việt Nam sắp trình chiếu như vậy thì mọi người đang náo nức chờ chuẩn bị cho một lượng khách sẽ đến Việt Nam bởi vì thông qua những cảnh đẹp mà bộ phim quảng cáo như vậy. Cái sự kiện bộ phim sắp chiếu sẽ có tác động lớn đến lượng khách đến Việt Nam và tác động ngược lại đến sự quan tâm của chính quyền, của nhà nước và của người làm ngành du lịch”.
Trong năm 2016, hơn 10 triệu du khách nước ngoài đã đến Việt Nam, tăng 26% so với năm trước đó và gấp 2 lần năm 2010. Ngành du lịch nói đó là con số kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng không rõ sự gia tăng này có liên quan như thế nào đến việc phim Kong được quay ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 2/2016.
Những hình ảnh đẹp của Việt Nam đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều hồi năm ngoái, khi đoàn làm phim 120 người - gồm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts và các ngôi sao Hollywood - rong ruổi trong nhiều tháng để ghi hình ở các địa điểm du lịch nổi tiểng hay một số nơi có phong cảnh đẹp hoang sơ của Việt Nam.
Ở Quảng Bình, đoàn đã quay tại Hang Chuột và hồ Yên Phú thuộc huyện Minh Hóa. Tiếp đến, danh thắng Tràng An và đầm Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đã trở thành một phần bối cảnh bộ phim. Điểm dừng chân cuối của đoàn là vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài Việt Nam, các cảnh khác trong phim được quay ở Hawaii và Australia. Đạo diễn Vogt-Roberts nói với báo chí ông đã “lùng sục khắp thế giới” và đã “xiêu lòng” khi đến Việt Nam và nhìn thấy cảnh sắc của đất nước.
Ông nhận xét rằng “phong cảnh Việt Nam vừa lộng lẫy vừa giống một thế giới khác”. Theo lời ông, Việt Nam có “một vẻ đẹp thô mộc, đầy sức mạnh và chưa được biết tới mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh”.
Nhận thức rằng bộ phim đã, đang và sẽ quảng bá tích cực và hiệu quả về Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã có bước đi nhạy bén là đề cử đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch của đất nước. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác nhận điều này với VOA vào chiều 9/3:
“Chiều ngày hôm nay, hội đồng xét bổ nhiệm đại sứ du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp và kết quả bỏ phiếu thì xin thông báo là 100% thành viên hội đồng đồng ý đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét bổ nhiệm đạo diễn Jordan làm đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020”.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam dự định chọn một đạo diễn Mỹ nói riêng, nước ngoài nói chung làm đại sứ du lịch.
Báo chí Việt Nam nói hội đồng bình chọn đánh giá rằng với vị thế là đạo diễn nổi tiếng, uy tín tầm cỡ thế giới, tác phẩm của vị đạo diễn người Mỹ cũng như những tương tác của ông với các giới khác sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua ông, các đạo diễn khác trên thế giới sẽ biết đến Việt Nam như một điểm quay phim mới mẻ, cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, con người thân thiện, được nhà chức trách quan tâm, giúp đỡ.
Việc chọn ông Vogt-Roberts cho thấy nhà chức trách mong muốn Việt Nam trở thành điểm quay phim của điện ảnh thế giới, một sự chuyển hướng quan trọng nếu xét đến thực tế là trong quá khứ Việt Nam đã vài lần từ chối các hãng phim lớn đến quay.
Với 22 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt, khẳng định với VOA kết hợp điện ảnh với du lịch là điều hết sức cần thiết:
“Du lịch với điện ảnh phải là một cặp tiền đạo ăn ý. Trước đây, có thể nói rằng người Việt Nam nói chung, du lịch nói riêng chưa quan tâm đến hiệu quả của điện ảnh với du lịch. Có rất nhiều phim dẫn đến du lịch nhưng mà người Việt đã bỏ qua rất nhiều thời cơ. Gần đây, sau khi bộ phim ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ đã làm Phú Yên tăng trưởng ngoạn mục, thì nhiều người nhận ra là du lịch phải gắn bó nhiều hơn với điện ảnh, cả hai cùng có lợi. Và cái việc này thì rất nhiều nước họ đã làm thành công”.
Trong khi sự lạc quan đang tăng lên về triển vọng khách nước ngoài sẽ đến Việt Nam đông đảo hơn, ông Mỹ cũng nhận xét rằng điều đó sẽ tạo ra áp lực với các dịch vụ du lịch có chất lượng bị đánh giá là còn chưa được cao ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm thực tế và hiện là người giảng dạy, tư vấn về du lịch cho nhiều tỉnh, ông Mỹ chỉ ra những việc có thể làm ngay để nâng cao sự thiện cảm, sự hài lòng của du khách:
“Có những vấn đề mà tôi nghĩ có thể làm ngay mà không cần phải tốn kém nhiều tiền đó là thay đổi cái thái độ và tinh thần phục vụ. Chuyện chất lượng dịch vụ phải cần tiền, cần phải có thời gian. Việt Nam chưa thể cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia hay Singapore về chất lượng dịch vụ. Nhưng mà hoàn toàn có thừa khả năng cạnh tranh với họ về tinh thần và thái độ phục vụ. Tôi cho rằng cái điều này cần làm, nên làm và phải làm ngay. Bởi vì có lẽ hơn hết, cái tinh thần thân thiện, thái độ cởi mở là cái chìa khóa mời khách vào, đặc biệt từ các khâu được xem là cửa ngõ quốc gia, như là các cửa khẩu quốc tế, phải làm sao thay đổi được thái độ phục vụ, và lấy nụ cười làm vũ khí cạnh tranh. Cái này phải học từ Nhật Bản”.
Hiện cũng là giám đốc Công ty Tư vấn Dịch vụ và Phát triển Du lịch, ông Mỹ bổ sung thêm rằng những điều khác cần khắc phục để nâng chất lượng dịch vụ Việt Nam là bảo đảm an toàn cho du khách, vệ sinh thực phẩm, giao thông thuận tiện thông suốt, và các chương trình tham quan cũng như hàng lưu niệm phong phú.
Ông cũng lưu ý đến vấn đề thường bị xem nhẹ là cần có đủ nhà vệ sinh sạch sẽ tại các điểm du lịch.
Theo ông, cần phải có lộ trình và những người chịu trách nhiệm cụ thể về các vấn đề này. Ông nói nếu khắc phục được, du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng tới 40-50%. - VOA
***
Xảy ra cháy lớn tại một buổi ra mắt phim Kong: Skull Island ở Vivo City, TP. HCM tối 9/3.
Truyền thông Việt Nam nói nguyên nhân có thể là đoàn biểu diễn tiết mục bằng lửa gần mô hình Kong, đã để tàn lửa rơi xuống rồi bắt vào một số vật liệu dễ cháy.
Bộ phim Mỹ đã được quay tại nhiều địa điểm ở Việt Nam.
Đoạn video được cây bút Lê Nguyễn Hương Trà gửi cho BBC. - BBC
|
|
13.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 'chưa quyết' về thép Cà Ná
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được báo Việt Nam hôm 9/3 dẫn lời nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chưa quyết" về dự án thép Cà Ná "vì chưa có căn cứ và cơ sở".
Báo Zing cùng ngày ghi nhận sáu vấn đề mà Thủ tướng Phúc yêu cầu phải làm rõ về dự án thép Cà Ná: "Quy hoạch ngành thép, cung cầu thị trường, điện năng/nước, cạnh tranh sản phẩm (sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không), nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, công nghệ/thiết bị".
"Thủ tướng giao các bộ liên quan phải nghiên cứu. Khi nào các bộ có báo cáo, Thủ tướng mới xem xét," báo này viết.
Hôm 9/3, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận, nói với BBC: "Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa quyết về dự án thép Cà Ná là tín hiệu đáng mừng."
"Với một dự án được công luận quan tâm, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, trong bối cảnh ngành thép còn vấn đề gây quan ngại về môi trường thì việc xem xét sáu vấn đề đó thận trọng là quyết định sáng suốt."
'Cơ sở pháp luật'
"Tôi không dự đoán được kết quả thủ tướng sẽ quyết định thế nào về thép Cà Ná nhưng với những gì đang diễn ra thì có thể thấy việc cân nhắc này đang theo cơ sở pháp luật."
"Nếu nhà đầu tư chứng minh họ đáp ứng được những yêu cầu mà thủ tướng đưa ra, nhất là việc thiết bị sản xuất, công nghệ có đảm bảo yếu tố môi trường hay không, thì dự án có thể được thông qua."
Cùng ngày, Bộ Công thương phát đi bản tin cho hay hai nhà nhà thầu tư vấn Deloite (Nhật) và Roland Berger (Đức) "gửi thư bày tỏ sự quan tâm" đến Dự thảo Quy hoạch ngành thép Việt Nam.
"Hai nhà thầu nước ngoài này được đánh giá là đảm bảo đủ năng lực để trở thành đơn vị tư vấn quy hoạch thép Việt Nam," bản tin viết.
"Hiện Vụ Công nghiệp Nặng đang tiến hành lập hồ sơ và lập tổ tư vấn lựa chọn nhà thầu."
"Trên cơ sở hồ sơ và bản chào của các đơn vị này, Tổ tư vấn sẽ đánh giá năng lực và lựa chọn đơn vị có phương án tối ưu, giải pháp tốt nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam."
"Việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép VN là một việc làm mới."
"Việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành".
Việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương được cho là việc chưa có tiền lệ.
Bản tin viết thêm: "Bộ [Công Thương] đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép."
"Với việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập, Bộ Công Thương quyết tâm đi đầu trong cảnh cách hành chính vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo".
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ đôla gây nhiều tranh cãi về tác động môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch sau khi tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai.
Đầu tháng 1/2017, Bộ trưởng Công thương được chú ý nhiều sau khi cam kết ông 'sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam dẫn lời: "Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ lụy nào."
"Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa." - BBC
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment