Tin Thế Giới
1.
Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch TQ mong có kỷ nguyên hợp tác mới
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói họ mong muốn có một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước.
Sau khi hai ông có cuộc gặp ngắn ở Bắc Kinh, ông Tillerson cho biết Hoa Kỳ đang hướng tới cuộc họp đầu tiên giữa ông Tập và Tổng thống Donald Trump. Dường như điều này đề cập đến thông tin chưa được xác nhận về kế hoạch để ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Florida vào tháng tới.
Ngoại trưởng Tillerson nói: “Tổng thống Trump rất coi trọng các cuộc giao tiếp đã diễn ra giữa ông [Tập] và Tổng thống Trump, đặc biệt là cuộc điện đàm dài trong đó có những trao đổi rất tốt để nâng cao hiểu biết về quan điểm của Trung Quốc liên quan đến mối quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như quan điểm của Tổng thống Trump. Và ông mong muốn tăng cường sự hiểu biết đó và cơ hội cho chuyến thăm trong tương lai. "
Ông Tập đã nhắc lại các phát biểu trong cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Trump vào tháng trước khi hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Chủ Tịch Trung Quốc nói: "Chúng ta cần có những nỗ lực chung để thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể đảm bảo cho mối quan hệ tiến triển theo cách thức có tính xây dựng trong kỷ nguyên mới. Tôi tin tưởng rằng, miễn là chúng ta có thể làm được điều đó, mối quan hệ chắc chắn sẽ đi đúng hướng".
Các vấn đề gây tranh cãi trong khu vực, hoặc giữa hai nước đã không được đề cập đến.
Trung Quốc là chặng dừng chân thứ ba và cuối cùng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ. Chuyến đi cũng bao gồm các điểm dừng chân ở Nhật Bản và Hàn Quốc. - VOA
|
|
2.
Quân đội Philippines ngăn dân biểu thăm đảo Thị Tứ --- Biển Đông: Tổng thống Philippines tuyên bố "không cản" Trung Quốc
Quân đội Philippines cho biết đã chặn một nhóm các nhà lập pháp và quan chức an ninh của nước này ra thăm một trong 9 đảo mà Manila kiểm soát ở Biển Đông do các vấn đề về an toàn.
Tuy nhiên, một vị tướng của Philippines được Reuters dẫn lời hôm 17/3 nói rằng việc hoãn chuyến đi trong tuần trước tới đảo Thị Tứ (tên địa phương là Pagasa) là do có các quan ngại về phản ứng của Trung Quốc.
Thị Tứ gần với bãi đá Subi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh bị cáo buộc đã bồi đắp và quân sự hóa với các tên lửa đất đối không.
Nhiều năm qua, Philippines đã tranh chấp, thậm chí còn đưa Trung Quốc ra tòa về Biển Đông, nhưng quan hệ giữa hai nước đã cải thiện dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo Philippines đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương chiều 17/3 khi ông này tới Manila.
Năm thành viên của Hạ viện Philippines trước đó dự kiến bay ra đảo Thị Tứ vào ngày 16/3, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng một quan chức quân sự cấp cao khác dự tính thực hiện một chuyến đi riêng khác hôm 17/3.
Các dân biểu Philippines dự tính sẽ đánh giá khả năng nâng cấp và xây dựng các công trình mới cho cộng đồng ngư dân Philippines khoảng 100 người sống trên Thị Tứ.
Quân đội cho biết rằng chuyến thăm bị hoãn vì “các lý do an toàn”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arsenio Andolong nói rằng việc đáp xuống đường băng không bằng phẳng sau khi trời mưa to rất nguy hiểm. Chưa rõ chuyến đi sẽ được thực hiện khi nào.
Tuy nhiên, trung tướng Raul del Rosario, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tây Philippines, nói rằng có các quan ngại về Trung Quốc.
Ông này nói tại một cuộc điều trần hôm 16/3: “Đó là một khu vực tranh chấp, không phải thuộc về chúng ta 100%. Đó là lý do vì sao chúng tôi quan ngại nếu quý vị bay ra đó. Mỗi khi máy bay bay ra đó, chúng ta nhận được cảnh báo và thậm chí là cả pháo sáng bay về phía máy bay”.
Theo Reuters, quân đội từ chối bình luận về tuyên bố của ông Rosario. Hãng tin này cho rằng việc duy trì các cộng đồng ở Trường Sa là một phương sách quan trọng của Philippines và Việt Nam nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền. - VOA
***
Tổng thống Philippines cho rằng ông không đủ sức ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên bãi đá ngầm Scarborough bởi vì Bắc Kinh quá mạnh về quân sự. Ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố như trên ngày 19/03/2017 khi bị báo chí đặt câu hỏi về tin Trung Quốc loan báo sẽ thiết lập « cơ sở theo dõi môi trường » trên Scarborough mà họ đặt tên là Hoàng Nham, chiếm của Philippines năm 2012.
Theo giải thích của tổng thống Rodrigo Duterte thì Manila không có cách nào ngăn chận Trung Quốc. Nếu động binh thì « toàn bộ quân đội và cảnh sát Philippines sẽ bị tiêu diệt, đất nước sẽ tan nát ».
Nhà lãnh đạo từng tuyên bố đích thân « cắm cờ trên đảo »đã phát biểu như trên trước khi lên máy bay công du Miến Điện. Ông sẽ nói với Trung Quốc cứ giữ Scaborough miễn là đừng phong tỏa vùng duyên hải biển Tây Philippines.
Đối với tổng thống Duterte thì không có gì phải lo ngại cho dù có tin tàu Trung Quốc xuất hiện gần khu vực Benham Rise, có khi trụ lại cả tháng, theo báo động của bộ trưởng quốc phòng Delffin Lorenzana. Tổng thống Philippines hỏi ngược lại báo chí : Trung Quốc nhìn nhận đây là lãnh thổ của Philippines, quý vị chưa hài lòng hay sao ? Kinh tế Philippines được cải thiện nhờ Trung Quốc tại sao quý vị cảm thấy nhục vì tàu Trung Quốc xuất hiện trong lãnh hải của chúng ta ?
Trái với các chính phủ tiền nhiệm tích cực tranh đấu bảo vệ chủ quyền, ông Duterte đảo ngược chính sách, để tìm đô la đầu tư và viện trợ của Trung Quốc. Ông còn xem vụ thắng kiện Trung Quốc là chuyện « mất mùa ».
Nhưng theo AFP, giới phân tích cảnh báo Manila, nếu để quân đội Trung Quốc « cắm dùi » ở Scarborough, tình thế sẽ thay đổi tận cơ bản. Vì khác với Hoàng Sa và Trường Sa, bãi đá Scarborough chỉ cách đảo Luzon của Philippines có 230 km. Tiền đồn của Trung Quốc tại đây sẽ cho phép tên lửa và chiến đấu cơ Trung Quốc tấn công dễ dàng các căn cứ quân sự Phiilipines và Mỹ tại Luzon. - RFI
|
|
3.
Biển Đông: Cam Bốt lại đả kích Mỹ và bênh Trung Quốc
Thái độ thần phục Trung Quốc và công kích Hoa Kỳ của Cam Bốt tiếp tục lộ rõ, với giới chức lãnh đạo Phnom Penh như đã không bỏ lỡ dịp nào để cho thấy điều đó. Theo nhật báo Anh Ngữ The Phnom Penh Post ngày 13/03/2017, trong phát biểu ngày 10/03 nhân một cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình và Xung đột tại Cam Bốt tổ chức, ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhon lại một lần nữa lên tiếng đả kích sự can dự của Mỹ vào Biển Đông, một quan điểm rập khuôn theo đàn anh Trung Quốc.
Theo ông Prak Sokhon, Biển Đông sẽ tiếp tục là một « vấn đề nóng » do sự can dự của Mỹ vào khu vực. Ông nói : « Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực và tiến bộ đã được các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc thực hiện trong việc xây dựng các cơ chế cải thiện an toàn và lòng tin tưởng vào nhau, tôi vẫn thấy trước khả năng có những thách thức mới ».
Đối với ngoại trưởng Cam Bốt, phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong buổi điều trần tháng Giêng vừa qua để được Thượng Viện xác nhận chức vụ, có thể dẫn đến xung đột trong khu vực.
Vào khi ấy, ông Tillerson cho rằng cần phải ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng tại Biển Đông, những tuyên bố đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Trung.
Ông Sokhon còn chĩa mũi dùi vào đề nghị ngân sách quốc phòng mới của tổng thống Donald Trump, kêu gọi tăng thêm 54 tỉ đô la chi tiêu quân sự. Theo ngoại trưởng Cam Bốt, khi quân đội Mỹ được rót thêm tiền, điều đó chỉ làm gia tăng tình trạng bất ổn.
Tillerson : Một ngoại trưởng yếu thế
Điều thể hiện rõ thái độ cố tình tìm cớ đả kích Mỹ là việc ngoại trưởng Cam Bốt đã « hâm » lại tuyên bố cũ của ngoại trưởng Mỹ vào lúc mà thực tế không đáng ngại như người ta lầm tưởng, và những ý tưởng mà ông Tillerson phát biểu không hề được thực hiện, và đó dường như không phải là chính sách Biển Đông của Mỹ.
Mặt khác, giới quan sát tại Washington ngày càng cho rằng ngoại trưởng Tillerson rất yếu thế trong chính quyền Trump, bị tổng thống Mỹ gạt ra bên lề các cuộc họp quan trọng của ông Trump với các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới, cũng như ít được tham khảo trong những tuyên bố chính sách quan trọng.
Trong hơn 50 ngày qua kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, Hoa Kỳ tiếp tục điều chiến hạm và phi cơ đến Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không. Thế nhưng, như chuyên gia Greg Raymond thuộc Đại Học Quốc Gia Úc đã nhận định, chính sách đó đã bắt đầu từ thời Barack Obama.
Theo báo Phnom Penh Post, lời đả kích Mỹ của ngoại trưởng Prak Sokhon được đưa ra vào lúc các quan chức Cam Bốt bắt đầu nặng lời công kích Mỹ, nhắc lại các vấn đề gây tranh cãi như những chiến dịch ném bom Cam Bốt vào những năm 1970, hay khoản tiền Cam Bốt nợ Mỹ trong thời kỳ chiến tranh mà cho đến nay vẫn chưa trả.
Đã đả Mỹ thì tất nhiên phải bênh Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Cam Bốt luôn ra mặt ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp của Bắc Kinh với các láng giềng trên Biển Đông và ngăn chặn không cho ASEAN ra tuyên bố chung chống lại Trung Quốc.
Sau cuộc họp gần đây nhất ở Philippines, ngoại trưởng Prak Sokhon đã ca ngợi vai trò quan trọng của Trung Quốc như là một đối tác chiến lược và kêu gọi tiếp tục đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông mà ASEAN mong muốn. - RFI
|
|
4.
Vụ Kim Jong Nam: Malaysia sắp bắt nhân vật ‘quan trọng’
Cảnh sát Malaysia dự kiến sẽ tiến hành một số vụ bắt giữ, trong đó có một “nhân vật quan trọng”, liên quan tới vụ sát hại ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, truyền thông địa phương đưa tin hôm 19/3.
Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar từ chối tiết lộ chi tiết về kế hoạch này khi trao đổi với báo chí nhà nước, nhưng nói thêm rằng các vụ bắt giữ sẽ được tiến hành vào thời điểm phù hợp, theo Reuters.
“Tôi không bác bỏ chuyện chúng tôi đang nhắm vào các cá nhân mới, trong đó có các công dân Bắc Hàn liên quan tới vụ giết người này, và chúng tôi sẽ sử dụng mọi kênh luật pháp để bắt họ. Dù tôi không thể tiết lộ họ là ai, chúng tôi tin rằng có một ‘nhân vật quan trọng’ trong số đó”, ông Abu Bakar nói với truyền thông Malaysia.
Trước đó, cảnh sát Malaysia xác định 8 người Bắc Hàn bị truy nã để thẩm vấn trong vụ sát hại ông Kim Jong Nam, và một số người hiện vẫn trốn trong Đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
Công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, và một nữ công dân Indonesia đã bị truy tố tội giết người và sẽ ra tòa vào tháng sau.
Ông Kim Jong Nam bị giết hôm 13/2, và cảnh sát Malaysia nói rằng hai người phụ nữ đã ụp chất độc thần kinh VX vào mặt ông này tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur.
Giữa tuần trước, cảnh sát Malaysia cho biết rằng tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã ra “thông báo đỏ”, cấp độ gần với lệnh bắt giữ quốc tế, đối với 4 công dân Bắc Hàn bị truy nã vì bị nghi liên quan tới vụ ám sát. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Sắp điều trần vụ cáo buộc Obama nghe trộm
Hai quan chức chủ chốt của Hoa Kỳ sắp điều trần công khai về tính xác thực trong lời cáo buộc gây chấn động nhưng thiếu căn cứ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm ông trong vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.
Cả ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, lẫn Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, đều có nhiều khả năng đã biết về vụ nghe trộm này nếu nó đã xảy ra. Hôm thứ Hai, họ sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện để trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp.
Trong hai tuần qua, ông Trump đã từ chối xuống nước về cáo buộc của ông ngay cả khi một loạt các quan chức, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả hai ủy ban tình báo Thượng viện và Hạ viện, nói không có bằng chứng nào củng cố cho lời cáo buộc về việc nghe lén điện thoại mà ông Trump đưa ra ngày 4/3 qua một loạt bài viết ngắn trên Twitter.
Cả ông Rogers lẫn ông Comey đều chưa nói gì công khai về cáo buộc của tổng thống. - VOA
|
|
6.
Vì sao TT Trump không bắt tay bà Merkel? --- Donald Trump tố Berlin hà tiện, Luân Đôn nghe lén
Phát ngôn viên Nhà Trắng đã nêu lý do vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump không bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel khi được yêu cầu trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 17/3.
Tờ Der Spiegel của Đức hôm 19/3 dẫn lời ông Sean Spicer nói: “Tôi không nghĩ ông ấy nghe được câu hỏi”.
Sau khi được phía báo chí đề nghị nhưng không nhận được phản ứng của ông Trump, bà Merkel đã hỏi “ông chủ” Nhà Trắng rằng liệu ông có muốn bắt tay không, nhưng đương kim tổng thống Mỹ vẫn không trả lời.
Tờ Independent đưa tin rằng chỉ sau khi các phóng viên được yêu cầu rời Phòng Bầu dục, người ta mới nhìn thấy ông Trump quay sang nữ thủ tướng của Đức, nói điều gì đó rồi mới đặt bàn tay của ông lên cánh tay của bà.
Trước đó, khi tiếp đón bà Merkel tại cổng vào Nhà Trắng, ông Trump đã bắt tay và cười với nữ thủ tướng Đức.
Báo chí Đức đã lên tiếng chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ vì đã không bắt tay bà Merkel. Tờ nhật báo Bild đưa tin rằng ông Trump thậm chí còn không nhìn vào mắt nữ thủ tướng tới từ Tây Âu.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng các tin tức tiêu cực về cuộc gặp giữa ông và bà Merkel thiếu chính xác.
Ông viết trên Twitter: “Trái ngược với những gì quý vị nghe từ các TIN TỨC GIẢ MẠO, tôi có cuộc gặp gỡ TUYỆT VỜI với Thủ tướng Đức Angela Merkel”.
Tờ Independent cho rằng hành động trên tiếp sau một loạt các bình luận tiêu cực của ông Trump về vấn đề nhập cư và các thỏa thuận thương mại của Đức trong chiến dịch tranh cử. - VOA
***
Trong vòng ba ngày, tổng thống Mỹ gây bực tức cho hai đồng minh cốt lõi ở châu Âu là Anh và Đức. Vẫn với những lời cáo buộc không chứng cớ, Donald Trump khẳng định tình báo Anh nghe lén « hộ » Obama. Còn đối với Đức, cho dù thủ tướng Angela Merkel đồng ý gia tăng đóng góp vào ngân sách NATO, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chỉ trích Berlin không chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Tổng thống Mỹ bị phản đối như thế nào ? Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :
"Thứ năm 16/03, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer trích lời một nhà bình luận của đài Fox News, theo đó cựu tổng thống Barack Obama từng sử dụng « dịch vụ » nước ngoài để nghe lén tỷ phú Donald Trump. Xin trích : « Obama không dùng cơ quan an ninh NSA, không dùng tình báo CIA, cũng không sử dụng cảnh sát liên bang FBI hay bộ Tư Pháp. Ông ta mượn Government Communications Headquarters, GCHQ, tức là cơ quan tình báo Anh".
Luân Đôn đã phản ứng ngay, lên án những lời cáo buộc khôi hài. Nhà Trắng cũng vội vàng lùi bước nhưng ông Donald Trump không xin lỗi chính phủ Anh mà chỉ lấp liếm trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức.
Bà Angela Merkel cũng không được tổng thống Mỹ đối xử tốt hơn. 24 giờ sau khi tiếp lãnh đạo nước Đức, chủ nhân Nhà Trắng tung lên mạng Tweeter hai lời cáo buộc Berlin không đóng góp đầy đủ cho gánh nặng quốc phòng mà Hoa Kỳ cung cấp để bảo vệ an ninh nước Đức.
Thái độ công kích này của ông Donald Trump rất lạ lùng. Bởi vì, mới ngày hôm trước, chính ông đã cám ơn thủ tướng Angela Merkel đã cam kết nâng chi phí quân sự với chỉ tiêu là 2% tổng sản lượng quốc gia GDP.
Hết sức ngạc nhiên, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh lên minh NATO, Ivo Daalder, đã phải lên tiếng phản đối : Sự dấn thân của Hoa Kỳ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất tốn kém, nhưng đâu có phải để làm vui lòng châu Âu. Mà đó là vì an ninh của chính nước Mỹ ».
Giám đốc FBI giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện
Trong khi đó, ngày 20/03, giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên sẽ giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện về hai chủ đề : Liệu đội ngũ của ông Donald Trump có liên lạc với Nga trước khi nhà tỉ phú nhậm chức hay không và những lời cáo buộc của tổng thống Donald Trump bị người tiền nhiệm Barack Obama cho nghe lén .
Cho đến nay, nhà lãnh đạo của ngành cảnh sát liên bang Mỹ luôn từ chối bình luận công khai hai vấn đề này, khiến nhiều nghị sĩ, trong đó có cả nghị sĩ Cộng Hòa, chỉ trích ông từ chối hợp tác.
Ngoài ông James Comey, cùng ngày, giám đốc cơ quan tình báo NSA, Mike Rogers cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện. - RFI
|
|
7.
CEO Apple kêu gọi Trung Quốc ‘mở rộng cửa’
Giám đốc điều hành của tập đoàn Apple, ông Tim Cook, mới bày tỏ sự hậu thuẫn đối với quá trình toàn cầu hóa, và nói rằng Trung Quốc nên tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này cho các công ty nước ngoài vào đầu tư.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Trung Quốc tiếp tục mở cửa và mở rộng cửa, nếu có thể”, Reuters dẫn lời ông Cook nói tại một diễn đàn về phát triển ở Bắc Kinh do Trung Quốc tài trợ hôm 18/3.
Phát biểu của ông Cook được đưa ra trong khi có quan ngại về sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump có những tuyên bố mang tính bảo hộ.
Ông Cook nói trong một bài phát biểu công khai hiếm hoi: “Thực tế cho thấy việc các quốc gia đóng kín cửa, tự cô lập mình, sẽ không tốt cho người dân nước họ”.
Apple hôm 17/3 thông báo rằng tập đoàn này sẽ thiết lập hai trung tâm phát triển và nghiên cứu mới ở Trung Quốc, một đặt ở thành phố Thượng Hải và một ở Tô Châu.
Công ty sản xuất điện thoại iPhone còn cam kết đầu tư hơn 500 triệu đôla vào việc nghiên cứu và phát triển ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Truyền thông Trung Quốc thời gian qua nêu đích danh công ty Apple có thể là một mục tiêu trả đũa trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có tư tưởng dân tộc cảnh báo tháng 11 năm ngoái rằng nếu ông Trump khai mào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ nhắm vào các tập đoàn của Mỹ từ Boeing cho tới Apple. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
8.
40 biệt thự xây chưa có phép tại Sơn Trà
Có 40 biệt thự đang được xây dựng nhưng chưa có giấy phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Các công trình chưa có giấy phép này bị cơ quan chức năng phát hiện vào ngày thứ bảy 18 tháng 3, và ông Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch Quận Sơn Trà nói với báo chí rằng các công trình đó sẽ bị phạt với số tiền là 40 triệu đồng một biệt thự.
Nhưng sáng hôm nay, 19 tháng ba, phóng viên của báo Thanh Niên ghi nhận rằng những công trình này vẫn đang được tiếp tục thi công.
Đây là khu biệt thự được xây dựng trong một dự án du lịch sinh thái của bán đảo Sơn Trà. Và khi phê duyệt dự án này, nhà chức trách cho phép vừa thi công cơ sở hạ tầng, vừa xin giấy phép để cho nhanh chóng, nhưng 40 biệt thự đang xây cất thì chưa có giấy phép làm móng của công trình.
Bán đảo Sơn Trà nằm án ngữ giữa thành phố Đà Nẵng và biển Đông, và cũng là nơi được cho là có nhiều loại động thực vật khác nhau sinh sống. Việc xây cất tại bán đảo Sơn Trà vẫn hay bị công luận quan tâm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhưng theo lời ông phó chủ tịch quận thì khi xây cất người ta cũng có tiến hành trồng cây trở lại. - RFA
|
|
9.
Biểu tình bằng xe hơi tại cầu Bến Thủy
Có khoảng 30 chiếc xe hơi của người dân treo biểu ngữ biểu tình chống trạm thu phí cầu Bến Thủy không giảm giá vé qua cầu như đã hứa.
Báo Tuổi trẻ tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết là những người dân này sống tại Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, tức là khu vực gần cầu Bến Thủy, nối liền hai tỉnh này.
Những người biểu tình cho rằng họ sống gần cầu Bến Thủy cho nên chuyện họ qua lại cây cầu này phải được trả giá thấp.
Cầu Bến Thủy do công ty Xây dựng công trình số 4 xây dựng theo hình thức BOT, tức là xây dựng rồi thu phí để lấy lại vốn. Những người biểu tình cho rằng công ty này có đưa ra một qui định bất hợp lý nữa là những chiếc xe nào được miễn giá vé, sẽ không được di chuyển tại những nơi mà công trình giao thông do các dự án BOT thực hiện.
Theo thông tin từ cơ quan công an thành phố Vinh, thì lực lượng chức năng đã tăng cường đến cầu Bến Thủy để giữ trật tự, với những phương tiện xe cần cẩu sẳn sàng kéo đi những chiếc xa gây cản trở giao thông.
Cuộc biểu tình kéo dài từ 9h30 sáng đến 10h30 sáng thì kết thúc. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment