Monday, March 27, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/3

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc kêu gọi hợp tác Biển Đông

Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông nên lập ra cơ chế hợp tác để thúc đẩy trao đổi trong các nỗ lực từ cứu trợ thảm họa cho tới an toàn hàng hải, một giới chức ngoại giao cao cấp của Bắc Kinh kêu gọi ngày 27/3.

Giữa lúc hoạt động xây đảo nhân tạo và điều động quân sự của Trung Quốc trong khu vực đang khiến cho các nước láng giềng quan ngại, Bắc Kinh đang tìm cách trấn an các nước Đông Nam Á với các nỗ lực như thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo cuối tuần qua ở tỉnh đảo Hải Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, cho rằng cơ chế hợp tác đó sẽ củng cố tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác, theo văn bản bài diễn văn được công bố ngày 27/3.

Ông Lưu nói cơ chế này không phải để giải quyết các tranh chấp Biển Đông, mà nhằm góp phần cho các cuộc trao đổi trong nhiều lĩnh vực như ngăn thảm họa, cứu hộ hàng hải, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an ninh hàng hải. - VOA
|
|

2.
Nhật giao máy bay cho Philippines tuần tra Biển Đông --- Chiến hạm lớn nhất của Nhật từ thời Đệ nhị thế chiến sẽ thăm Philippines

Philippines ngày 27/3 nhận 2 máy bay giám sát quân sự của Nhật giúp Manila tuần tra các hải lộ quan trọng tại Biển Đông dù Philippines đang ngày càng chứng tỏ quan điểm hòa giải với Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải.

Nhật sẽ cho Philippines thuê tổng cộng 5 máy bay Beechcraft TC-90, theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana.

Manila nói các máy bay này sẽ được triển khai tới khu vực Benham Rise và Biển Đông.

Nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng của Nhật với Philippines diễn ra giữa bối cảnh quan ngại trong khu vực gia tăng liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại lễ bàn giao 2 máy bay hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Kenji Wakamiya, nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sự hợp tác của chúng ta với Philippines vì an ninh-ổn định khu vực hiện nay càng thiết yếu.”

Nhật, nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Hoa Đông, đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước khác để kiềm chế đối thủ.

Trung Quốc phản đối việc Philippines thuê mướn máy bay Nhật hầu như ngay lập tức sau khi tin này thoạt đầu được loan báo hồi năm ngoái, dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino của Philippines.

Đương kim Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đảo ngược quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, hạ thang căng thẳng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để công khai kêu gọi mậu dịch và viện trợ từ Bắc Kinh.

Trong tháng này, ông Duterte tuyên bố cởi mở trong vấn đề chia sẻ nguồn lực với Bắc Kinh tại các vùng biển có tranh chấp, đồng thời cho biết không thể ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm giữ từ tay Philippines vào năm 2012. - VOA

***
Tàu chở trực thăng lớn nhất của Nhật từ thời Thế chiến thứ hai sẽ ghé thăm Philippines vào tháng 6 tới đây, theo tiết lộ của một đô đốc Philippines với báo chí hôm nay, 27/03/2017.

Theo trang mạng của nhật báo Inquirer, trung tướng hải quân Joseph Mercado cho biết họ đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tàu chở trực thăng Izumo, nhưng chưa thể cho biết chi tiết vì còn đang phối hợp với hải quân Nhật.

Trước đó hãng tin Reuters cho biết là tàu Izumo sẽ đi một vòng Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5 và Vịnh Subic của Philippines sẽ là một trong những chặng dừng của tàu này. Tàu Izumo cũng sẽ ghé Indonesia, Singapore và Sri Lanka, trước khi tham gia tập trận chung với các chiến hạm của Ấn Độ và Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Với trọng tải 27 ngàn tấn, được trang bị để chống tàu ngầm và đổ bộ, chiếc Izumo đã được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Tuần trước, Nhật cũng đã đưa vào hoạt động tàu chở trực thăng lớn thứ hai, chiếc Kaga, nâng cao khả năng của quân đội Nhật triển khai lực lượng ra bên ngoài, nhằm đối lại với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á.

Trong khi đó, hải quân Philippines hôm nay đã tiếp nhận 2 trong số 5 máy bay huấn luyện TC-90 mà chính phủ Nhật đã đồng ý cho Manila thuê để tuần tra trên biển. Những chiếc TC90 này sẽ giúp tăng cường khả năng của hải quân Philippines trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, cũng như trong việc tuần tra bảo đảm an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện này vào năm 2016, với hy vọng sẽ giúp Manila xác quyết chủ quyền trên Biển Đông trước những hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này. Hiện giờ Tokyo chỉ có thể cho thuê các máy bay TC90 trong khi chờ có một đạo luật cho phép Nhật Bản bán các thiết bị quân sự cho nước ngoài. - RFI
|
|

3.
Tổng tư lệnh Myanmar nhấn mạnh vai trò quân đội trong chính trị

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar khẳng định quân đội vẫn là một lực lượng chính trị dù nước này hiện được chính phủ dân cử đầu tiên điều hành trong gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của quân đội.

Hơn 10.000 binh sĩ tuần hành tại thủ đô chính trị Nay Pyi Taw ngày 27 tháng 3 khi Myanmar chào mừng lần thứ 72 Ngày Lực lượng Võ trang đánh dấu phong trào kháng chiến do người hùng của nền độc lập Myanmar, Tướng Aung San, thân phụ của đương kim Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo vào năm 1945.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, trong bài diễn văn nhấn mạnh quân đội phải giữ vai trò chỉ đạo trong nền chính trị đất nước vì vị trí của quân đội trong lịch sử và tình hình cấp thiết của đất nước.

Ông nói: “Chúng ta đã thấy đặt quá nhiều trọng tâm vào chính trị đảng phái không đưa đến ổn định quốc gia, nhưng đặt ưu tiên vào chính trị quốc gia có thể là cách duy nhất mang lại ổn định.”

Chính phủ do Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo lên nắm quyền từ tháng 3 năm ngoái sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, nhưng hiến pháp do hội đồng quân nhân soạn thảo phân bổ cho quân đội một phần tư số ghế trong Quốc hội—và do đó có quyền phủ quyết—và kiểm soát 3 Bộ quan trọng trong Nội các.

Từ năm 1962 đến năm 2011, Myanmar bị đặt dưới quyền cai trị của một hội đồng các tướng lãnh chuyên chế, đàn áp hầu hết tất cả những người bất đồng chính kiến, và theo cáo giác, vi phạm nhân quyền sâu rộng, khiến cho quốc tế lên án và chế tài.

Tuy nhiên, những năm độc tài đã chấm dứt vào năm 2010 bằng cuộc tổng tuyển cử mà nhiều người xem rằng có sự gian lận của quân đội.

Quyền hành được chuyển giao vào năm 2011 cho một chính phủ bán dân sự được lãnh đạo bởi Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn và Tổng thống Thein Sein, một nhà cải cách, đồng thời cũng là một đại tướng hồi hưu. Tiến trình đưa Myanmar thoát vòng bị thế giới cô lập, chấm dứt hầu hết những chế tài và đẩy mạnh việc phát triển kinh tế.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar,Tướng Min Aung Hlaing, hôm 27/3 cũng kêu gọi cảnh giác về “sự can thiệp của nước ngoài” trong cuộc xung đột tại Myanmar, nhấn mạnh đến tình hình ở bang Rakhine phía tây Myanmar, nơi quân đội mở các chiến dịch sau những cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát làm nhiều người thiệt mạng. Các cuộc hành quân của lực lượng chính phủ đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.

Tướng Min Aung Hlaing nói bóng gió rằng khoảng 1,2 triệu người Hồi Giáo Rohingya tại Rakhine là những di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.

Ông nói rằng “rõ ràng có những sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề người tị nạn sau những cuộc tấn công bạo động của một số người Bengal vào năm 2016 và hệ quả là có những các cuộc hành quân tại khu vực này.”

Ông Min Aung Hlaing nói thêm là “Về vấn đề chủng tộc, chúng tôi đã nói rõ là những người Bengal không phải là sắc tộc thiểu số Myanmar.”

Myanmar bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đàn áp những người Hồi Giáo Rohingya sau những cuộc tấn công vào cảnh sát tại khu vực Maungdaw thuộc miền bắc Rakhine, hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuần trước, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc quyết định cử một phái bộ quốc tế tìm hiểu sự thật đến Myanmar để điều tra những cáo buộc về vi phạm nhân quyền, đặc biệt là chống lại những người Rohingya.

Tướng Min Aung Hlaing nói “đáp ứng của quốc tế đối với những vấn đề nội bộ của chúng tôi có thể là một đe dọa đối với chủ quyền của chúng tôi.”

Người Rohingya tại tiểu bang nghèo khó Rakhine bị phủ nhận quyền công dân do một đạo luật được ban hành dưới thời ông Ne Win, một người hùng quân đội đã thực hiện cuộc đảo chánh. Trong thời gian ông Ne Win lãnh đạo từ năm 1962 đến năm 1988, đã có những chính sách bài ngoại.

Giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy sắc tộc đã diễn ra tại miền bắc bang Kachin và vùng đông bắc bang Shan giáp ranh với Trung Quốc. - VOA
|
|

4.
Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun Hye

Hôm nay, 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun Hye, vài ngày sau khi bà bị thẩm vấn trong vụ tai tiếng tham nhũng và hối mại quyền thế đã khiến bà bị mất chức.

Trong một thông cáo công bố hôm nay, 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc cho rằng Park Geun Hye đã lợi dụng những quyền hạn rất lớn cũng như quy chế tổng thống để nhận hối lộ từ các doanh nghiệp và đã để lộ những thông tin mật của Nhà nước.

Theo Viện Công Tố, họ đã thu thập được nhiều bằng chứng, nhưng cựu tổng thống Hàn Quốc vẫn bác bỏ các cáo buộc và có nguy cơ là các bằng chứng nói trên bị phá hủy, cho nên họ phải yêu cầu bắt giữ bà ngay. Hơn nữa, theo các nhà điều tra, bạn thân của bà Park Geun Hye là bà Choi Soon Sil cũng đã bị bắt rồi, không bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc sẽ là điều trái với nguyên tắc công bằng.

Một tòa án ở Seoul vào thứ năm tới sẽ mở phiên tòa để quyết định có bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc hay không. Quyết định sẽ được công bố ngay tối hôm đó hoặc sáng thứ sáu.

Theo hãng tin AFP, nếu toà án ở Seoul làm theo yêu cầu của Viện Công Tố Hàn Quốc, bà Park Geun Hye sẽ là cựu tổng thống thứ ba ở nước này bị bắt trong một vụ tham nhũng. Hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo đã từng bị kết án tù vì tội tham nhũng vào thập niên 1990. Còn tổng thống Roh Moo Hyun, được bầu lên một cách dân chủ, thì đã tự sát vào năm 2009 trong lúc đang bị điều tra về tội tham nhũng.

Quốc Hội Hàn Quốc tháng 12 năm ngoái đã thông qua quyết định truất phế tổng thống Park Geun Hye và đầu tháng 3 vừa qua Tòa Bảo Hiến đã phê chuẩn quyết định này.

Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 09/05 tới. Hiện giờ, ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo Đảng Dân Chủ, đảng đối lập chính, được xem là nhân vật có triển vọng đắc cử nhất. - RFI
|
|

5.
Nga kết án tù nhà đối lập Navalny vì biểu tình chống tham nhũng

Trong một phiên tòa cấp tốc mở ra hôm 27/03/2017, chính quyền Nga đã kết án nhà đối lập Alexei Navalny 15 ngày tù vì tội tổ chức biểu tình. Bản án được đưa ra đúng một hôm sau ông bị bắt trong cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô Mátxcơva chống tệ nạn tham nhũng.

Theo hãng AFP, đối thủ số một của điện Kremlin nằm trong số hơn một ngàn người bị câu lưu vào hôm qua. Ông đã bị áp tải đến tòa án Tverskoy ở trung tâm Mátxcơva dưới sự chứng kiến của các nhà báo và khoảng 20 ủng hộ viên. Trung thành với thái độ bất khuất của mình, Navalny đã gởi đi một tin nhắn Twitter đề cập đến chính quyền Nga và khẳng định : " Sẽ có ngày mà chính chúng ta là những người xét xử họ (và lúc đó là một cách trung thực)".

Là người đã huy động phong trào xuống đường vào hôm qua để chống tệ nạn tham nhũng nơi giới có quyền có chức, ông Navalny đã bị bắt ngay khi cuộc biểu tình ở Mátxcơva vừa bắt đầu. Ông bị buộc vào tội danh kêu gọi biểu tình dẫn đến xáo trộn trật tự công cộng và đã bị kết án 15 ngày tù. Alexei Navalny còn bị phạt vạ 20 nghìn rúp (tương đương với 340 đô la).

Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Nga trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình bị bắt, trong đó có ông Navalny. Tuy nhiên, vào hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các lời kêu gọi này.

Theo các nhà quan sát, phong trào biểu tình vào hôm qua 26/03 có hai yếu tố mới : Có rất nhiều cuộc biểu tình ở các tỉnh, thường khi khá yên tĩnh, và độ tuổi trung bình của những người biểu tình đã trẻ đi một cách đáng kể, với sự tham gia của rất nhiều thanh niên sinh ra hồi đầu thế kỷ.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Mátxcơva, vào hôm qua, hàng chục ngàn người đã đáp ứng lời kêu gọi biểu tình tại hơn 90 thành phố Nga. Riêng tại Matxcơva đã có khoảng 20.000 người, và thông tín viên RFI đã có mặt tại chỗ để ghi nhận các phản ứng :

Một cuộc tuần hành chống tham nhũng đơn thuần đã dần dần biến thành một cuộc biểu tình mang màu sắc chính trị rõ nét.

Một số thanh niên, vốn chỉ biết duy nhất một tổng thống là Putin, đã bày tỏ thái độ chán ngán trước nạn tham nhũng. Họ tố cáo chính quyền lún sâu vào những vụ tham nhũng, và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi.

Một thanh niên giải thích: « Mọi người xuống đường để chất vấn về tài sản của thủ tướng Medvedev. Biểu tình bị cấm đoán trong lúc chúng tôi chỉ muốn có câu trả lời. Tại châu Âu, khi bất bình thì người ta còn có quyền xuống đường, còn ở nước Nga này mọi việc đều bị ngăn cản, và chúng tôi có nguy cơ bị tống vào tù ».

Vào hôm qua, đi ngoài đường với cờ Nga trên tay là có nguy cơ bị bắt giữ. Lại càng nguy hiểm hơn nếu có một đôi giầy basket hay một con vịt màu vàng, biểu tượng của cuộc điều tra do ông Alexei Navalny khởi xướng về tài sản của thủ tướng Nga.

Một người đàn ông đi cùng với đứa con, mang theo một tấm áp phích với con vịt màu vàng giải thích : « Tấm biển này muốn nói là nếu chúng tội tiếp tục im lặng thì con cái chúng tôi sẽ không có tương lai, trong một đất nước mà tương lai chỉ dành cho con cái những người hiện đang cướp phá đất nước ».

Thế nhưng, hành động biểu tình bị nghiêm cấm, và người kêu gọi xuống đường, ông Alexei Navalny đã bị bắt. Điều này khiến người biểu tình tức giận. Họ đã hô to khẩu hiệu : « Nước Nga không Putin »

Cảnh sát chống bạo động đã lao vào bắt giữ hàng trăm người biểu tình, nhiều khi một cách thô bạo, trong lúc khẩu hiệu chống Putin vẫn vang lên ở quảng trường Pouchkine đông nghẹt người.

Chính quyền nêu con số 8000 người biểu tình. Trong thực tế, số người tham gia đông hơn gấp đôi, chưa kể đến số người xuống đường tại hơn 90 thành phố ở các tỉnh, điều chưa từng thấy ở Nga từ năm 2012. - RFI
|
|

6.
"Cuộc chiến bánh mì" dữ dội ở Venezuela

Với sự hỗ trợ của dân quân, các thanh tra giám sát những ổ bánh mì mới ra lò. Trong đất nước Venezuela đang khủng hoảng, tổng thống Nicolas Maduro lao vào cuộc chiến chống lại « âm mưu » của các chủ lò bánh nhằm tạo ra tình trạng khan hiếm loại thực phẩm căn bản này.

AFP cho biết, chính quyền xã hội chủ nghĩa vốn độc quyền kiểm soát ngoại tệ nhập khẩu thực phẩm, muốn rằng 90% lượng bột mì do Nhà nước bán cho các lò bánh mì với giá bao cấp phải dùng để làm bánh mì theo giá quy định, thay vì làm bánh mì ngọt hay bánh ngọt được bán giá tự do, tức là đắt hơn rất nhiều. Kết quả là những kệ « canilla » hay « francès », tức bánh mì baguette thường xuyên trống rỗng, còn những kệ bánh ngọt thì đầy bánh.

Tại Venezuela, các mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm đến 68%, và lạm phát không thể kiểm soát nổi (Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lên đến 1.660% vào cuối năm 2017). Dòng người xếp hàng thường xuyên thấy trước các siêu thị hay nhà thuốc tây, nay kéo dài ra trước các tiệm bánh mì.

Trên mặt trận « cuộc chiến bánh mì » - như tổng thống đã gọi, ông Nicolas Maduro tung vào các cơ quan chức năng như Sundde, một tổ chức phụ trách bảo vệ các quyền kinh tế xã hội, đã từng bắt giữ bốn người và tịch biên hai tiệm bánh mì ở Caracas.

Cả hai tiệm này bị cáo buộc là vi phạm « luật về bình ổn giá », đã bị giao lại cho các ủy ban công dân được gọi là Clap, chuyên phân phối các thực phẩm trợ giá cho các khu vực bình dân.

Tuần trước, tổng thống đã đe dọa các chủ tiệm bánh « giấu bánh mì không bán cho nhân dân », và ra lệnh cho lực lượng an ninh, quân đội và dân quân – gồm những người ủng hộ ông Maduro - đi thanh tra.

Trong số khoảng hai chục tiệm bánh tại thủ đô Caracas mà AFP ghé qua, có rất ít tiệm bày bán bánh mì. Tiệm nào có thì chỉ bán nhỏ giọt, giới hạn số lượng bánh mà mỗi khách hàng được mua.

Sau khi tìm được thực phẩm căn bản này tại trung tâm Caracas, Arilluri Rodriguez, một nhà tạo mẫu 50 tuổi, hoan nghênh biện pháp của chính phủ. Bà nói : « Chính là các tiệm bánh đã giấu đi bột mì mà họ độc quyền ».

Những người khác thì cho rằng các biện pháp mang tính cưỡng bức này không làm thay đổi được gì. Alexis Mendez, giáo viên 68 tuổi đã về hưu nói với AFP, trước một tiệm bánh ở khu phố bình dân Catia : « Sẽ chẳng đi đến đâu. Không thể có nhiều bánh mì hơn nếu chính phủ không cung cấp nhiều bột mì hơn. Họ tiến hành chiến dịch để đưa lên ti-vi, làm ra vẻ giải quyết được vấn đề ».

Theo Fevipan, liên đoàn tập hợp 8.000 tiệm bánh trên toàn quốc, họ cần 120.000 tấn lúa mì mỗi tháng để đáp ứng được nhu cầu. Thế nhưng chính quyền chỉ phân phối có 30.000 tấn. Fran Suero, 41 tuổi, làm việc tại một tiệm bánh mì ở phía đông Caracas giải thích : « Khi có được bột mì, chúng tôi sẽ bán ra bánh mì, nhưng họ chỉ giao bột mỗi 15 hay 20 ngày. Họ phân phối 20 bao (loại 50 ký), nhưng trong điều kiện bình thường chúng tôi cần đến 8 bao mỗi ngày ».

Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc gia Cipriana Ramos nhận định : « Người ta đánh vào hậu quả chứ không phải nguyên nhân : không có nguyên vật liệu thì không thể làm ra bánh mì được ». Các nhà sản xuất tố cáo giá bán được quy định thấp hơn giá thành.

Trong một video do Sundde công bố, có thể thấy người đứng đầu cơ quan này là Williams Contreras đi kiểm tra đột xuất. « Có người sẽ bị bắt tại đây » - ông ta nói, khi thấy không có bánh mì bày bán. Sau đó cảnh sát bắt chủ tiệm đưa đi.

Ông Contreras biện minh : « Có một tấm bảng ghi ‘Không có bánh mì cho đến khi có lệnh mới’, thế nhưng khi chúng tôi vào trong thì thấy đến 100 bao bột mì ».

Không khí hoảng sợ bao trùm lên các tiệm bánh. Mario, một người chủ tiệm nói với AFP: "Phía sau là ý đồ xấu, đó là tịch biên cửa hàng. Ở đây, Sundde kiểm soát một cách đầy đe dọa. Họ nói với tôi sẽ tống tôi vào tù nếu có bột mà không có bánh mì. Khi họ đến, chúng tôi vừa mới cho ra lò mẻ bánh nên họ không làm được gì cả". - RFI
|
|

7.
Bầu cử tổng thống Pháp: Ứng viên Xã Hội kêu "bị đâm sau lưng"

Ứng cử viên Đảng Xã Hội Benoît Hamon lên án những nhân vật trong đảng này đã quay sang ủng hộ ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, xem đó là hành động “đâm sau lưng bạn”.

Trên đài truyền hình France 2 tối hôm qua, 26/03/2017, ứng cử viên Hamon đã kêu gọi cử tri cánh tả đừng bỏ phiếu như thể là không còn sự chọn lựa nào khác, ám chỉ đến việc bỏ phiếu cho cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. Ông Hamon kịch liệt chỉ trích điều mà ông gọi là “những nhát dao đâm sau lưng” bởi những kẻ chỉ muốn bám lấy quyền lực và dẫu sao thì ông sẽ không cầm quyền với những nhân vật đó.

Trong thời gian qua, ngày càng có nhiều nhân vật trong Đảng Xã Hội tuyên bố ủng hộ ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, mà đáng kể nhất là bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, một người thân cận với tổng thống François Hollande và là một trong nhưng bộ trưởng được lòng dân nhất trong chính phủ. Cũng có tin là cựu thủ tướng Manuel Valls, đối thủ của ông Hamon ở vòng 2 bầu cử sơ bộ trong Đảng Xã Hội, cũng sẽ tuyên bố bỏ phiếu cho ông Macron.

Trên đài truyền hình hôm qua, úng cử viên Hamon cũng đã tuyên bố lấy làm “xấu hổ” khi thấy ứng cử viên cánh hữu François Fillon và cựu hữu Marine Le Pen vẫn tranh cử, trong khi ở những nền dân chủ hiện đại khác, họ không thể còn là ứng cử viên, do các vụ rắc rối với pháp luật.

Cũng liên quan đến bầu cử Pháp, tại Singapore hôm nay, nhân Hội nghị về tình hình quốc tế, tổng thống Hollande tuyên bố rằng trước khi hết nhiệm kỳ, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ cuối cùng là “ tránh để chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan chiến thắng trên thế giới và ở Pháp”. - RFI
|
|

8.
New Zealand và Trung Quốc: Sẽ mở rộng tự do mậu dịch

Nhân chuyến công du New Zealand của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, lãnh đạo hai nước vào hôm nay tuyên bố là hai bên sắp mở lại đàm phán nhằm nâng cấp một hiệp định tự do mậu dịch song phương được cho là rất thành công sau gần một chục năm có hiệu lực.

Theo hãng tin Mỹ AP, thủ tướng New Zealand Bill English đánh giá rằng thỏa thuận có từ cách nay 9 năm đã giúp cho trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và New Zealand tăng lên gấp ba lần. Ông xác nhận là các cuộc đàm phán nhằm mở rộng hơn nữa thỏa thuận sẽ bắt đầu vào tháng Tư tới đây.

Dĩ nhiên là về phía Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng ca ngợi hiệp định tự do mậu dịch Trung Quốc-New Zealand, được cho là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này mà Bắc Kinh từng ký với một nước phát triển và vẫn là một hiệp định « tiên tiến » nhất.

Wellington hy vọng rằng thỏa thuận mới sẽ cho phép New Zealand bán được nhiều sản phẩm từ sữa hơn vào thị trường Trung Quốc – mặt hàng sữa là thế mạnh của New Zealand - trong khi Trung Quốc cũng hy vọng sẽ bán nhiều hàng hơn vào New Zealand để xóa đi một thâm hụt thương mại nhỏ đối với nước này.

Nhân chuyến công du New Zealand của thủ tướng Trung Quốc, sẽ kéo dài cho đến ngày 29/03, hai nước đã ký kết 9 thỏa thuận trong đó có văn kiện về tăng cường hợp tác trong chương trình « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Trung Quốc.

Phải nói là Bắc Kinh có một vị trí đặc biệt trong quan hệ quốc tế của Wellington. New Zealand là quốc gia phương Tây đầu tiên ký kết hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc, đồng thời là cũng là nước phương Tây đầu tiên tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sơ Hạ Tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh chủ trương. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của New Zealand, chỉ thua Úc.

Bất đồng Trung Quốc-New Zealand về Biển Đông

Quan hệ New Zealand-Trung Quốc tuy nhiên không phải là không có những bất đồng, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông. Theo hãng tin Anh Reuters, thủ tướng New Zealand xác nhận là hai bên đã thảo luận về vấn đề này nhân chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường.

Đối với thủ tướng Bill English, đây quả là một chủ đề «nhạy cảm », nhưng theo ông, nó sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Wellington-Bắc Kinh nói chung.

Trung Quốc đã bị nhiều nước, trong đó có New Zealand, chỉ trích về việc bồi đắp trên quy mô lớn các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông. - RFI
|
|

9.
Pháp: EU nên kết hợp với Châu Á đánh bại chủ nghĩa bảo hộ

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 27 tháng 3 tuyên bố EU có thể chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong mậu dịch và trong các hình thức khác bằng cách đoàn kết và giao tiếp với châu Á.

Trong bài diễn văn tại Singapore nhân chuyến thăm chính thức đảo quốc này hai ngày, ông Hollande đề cập cụ thể đến chính phủ của Tổng thống Donald Trump rằng: “Nước Mỹ lại đưa ra một số quyết định và một số lựa chọn ảnh hưởng đến kinh tế của chính họ và kinh tế trên toàn thế giới.”

Tổng thống Pháp nói cần phải giải thích ý nghĩa của việc đóng cửa biên giới, xây tường biên giới, cũng như chính sách về di trú bất bình đẳng vì theo lời ông, ‘không thể xây dựng một quốc gia lớn mạnh bất chấp những nước khác.’

Vào tháng 3 năm nay, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, bỏ cam kết hoàn toàn chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại hội nghị Khối G20 ở Đức.

Tuyên bố của khối nói rằng các quốc gia “đang làm việc để củng cố sức đóng góp của mậu dịch” đối với kinh tế các nước trong khi cuộc họp năm ngoái kêu gọi các quốc gia chống lại “tất cả các hình thức” của chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Hollande nói để chống lại việc này, các nước phải ký những thỏa thuận thương mại, như đã làm, giữa châu Âu và các nước ASEAN.Malaysia

Pháp và Singapore đã ký một Tuyên bố Chung về Đối tác Chiến lược vào năm 2012 để củng cố các mối liên hệ trong những lãnh vực như thương mại và đầu tư, quốc phòng và công nghệ không gian.

Đầu tuần này, hai nước hứa tăng cường hợp tác trong các lãnh vực như công nghệ không gian, lập kế hoạch về những thành phố thông minh và y sinh học.

Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nói “Singapore và Pháp cùng chia sẻ một tầm nhìn chung về một thế giới cởi mở đa dạng, toàn cầu hóa và cai trị theo luật pháp. Chúng ta cùng chia sẻ những thách thức chung, nhưng sẽ không tìm ra giải pháp trong việc hướng nội.”

Tổng thống Pháp ngày 28/3 sẽ rời Singapore đi thăm Malaysia. - VOA
|
|

10.
Thêm một nhà máy của Hyundai ngưng sản xuất vì căng thẳng Trung-Hàn

Tập đoàn sản xuất ô tô Hàn Quốc, Hyundai Motor, ngưng sản xuất tại nhà máy thứ tư của họ ở Trung Quốc trong một tuần bắt đầu từ ngày 24/3, khơi dậy lo ngại về tác động của căng thẳng chính trị Trung-Hàn đối với doanh số của Hyundai tại thị trường hàng đầu của công ty.

Reuters dẫn nguồn tin từ tờ ChosunBiz cho biết liên doanh Hyundai Motor ở Trung Quốc đã thông báo với các nhà cung cấp sẽ tạm ngưng công xưởng ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, từ ngày 24/3 tới 1/4 để kiểm tra dây chuyền sản xuất. Phát ngôn nhân của công ty không bình luận về tin này.

Các giới chức và giới phân tích công nghiệp nói việc đình chỉ sản xuất này có thể nhằm giảm bớt hàng tồn kho xuất phát từ doanh thu xuống dốc của công ty ở Trung Quốc, một phần do ngày càng phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, một phần do căng thẳng chính trị giữa hai nước liên quan đến kế hoạch bố trí hệ thống phi đạn phòng thủ THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc mà Bắc Kinh cho là đe dọa an ninh của họ.

Các công ty Hàn Quốc cho biết họ bị nhắm mục tiêu tại Trung Quốc.

Doanh số tháng ba của Hyundai Motor tại Trung Quốc giảm sút, sau đà tăng từ hai tháng đầu năm nay. - VOA
|
|

11.
Hồng Kông lên kế hoạch bắt các thủ lãnh biểu tình

Chín nhà hoạt động Hồng Kông hôm thứ Hai đã được báo rằng họ sẽ bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình sinh viên trong Phong trào “Cách mạng Dù” năm 2014 và sẽ bị truy tố tội quấy nhiễu nơi công cộng.

Tin tức về những vụ bắt giữ sắp tới được đưa ra một ngày sau khi cựu quan chức Carrie Lam được một ủy ban bầu cử thân Bắc Kinh chọn làm nữ trưởng quan hành chánh đầu tiên của Hồng Kông.

Các nhà hoạt động dân chủ rất lo lắng về chiến thắng của bà Lam và xu hướng thân Trung Quốc của bà. Họ đang nghi ngờ sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc vào Hồng Kông và lo sợ mất quy chế “một quốc gia, hai hệ thống” nhằm đảm bảo đầy đủ các quyền tự do cho Hồng Kông sau khi Anh quốc trao trả thuộc địa này lại cho Trung Quốc năm 1997.

Hôm Chủ nhật, bà Lam nói Hồng Kông “đang bị chia rẽ nghiêm trọng và đầy thất vọng”. Bà nói ưu tiên của bà là “hàn gắn chia rẽ”.

Nhà hoạt động Raphael Wong nói với hãng tin Pháp rằng ông được thống báo rằng ông sẽ bị truy tố tội gây phiền nhiễu nơi công cộng vì vai trò của ông trong cuộc biểu tình.

Nhà lập pháp của Đảng Dân sự Tanya Chan cũng nhận được thông báo sẽ bị truy tố tội quấy nhiễu nơi công cộng với mức án tối đa lên đến 7 năm tù. Bà Chan nói thời điểm của kế hoạch bắt các thủ lãnh biểu tình này cho thấy hứa hẹn hàn gắn chia rẽ của bà Lam không có ý nghĩa. Bà Chan mô tả động thái này là “lời chào tạm biệt gây chết chóc” của Trưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh, người sẽ rời chức vụ vào tháng Bảy.

Nhiều người khác cũng là đối tượng sẽ bị bắt giữ, bao gồm các giáo sư đại học, các cựu lãnh đạo sinh viên và các nhà lập pháp thân dân chủ đương chức lẫn mãn nhiệm.

Hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường vào năm 2014 trong Phong trào “Cách mạng Dù” để đòi dân chủ cho Hồng Kông.

Trưởng quanh hành chánh Hồng Kông được bầu bởi một ủy ban gồm 1.200 người, trong đó có các nhà tài phiệt và các nhà lập pháp, khiến hàng triệu người dân không thể bỏ phiếu bầu lãnh đạo của mình.

Bà Lam, 59 tuổi, giành chiến thắng với 777 phiếu. Chiếc thắng của bà không gây ngạc nhiên vì Bắc Kinh đã vận động rất mạnh cho bà. Bà Lam là nhân vật quyền lực thứ hai ở Hồng Kông trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật. - VOA
|
|

12.
Trung Quốc nổi giận khi thứ trưởng Nhật thăm Đài Loan

Hôm thứ Hai, chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã lên tiếng phản đối Nhật Bản sau khi một thứ trưởng Nhật tới thăm Đài Loan vào cuối tuần rồi. Trung Quốc còn cảnh báo việc này có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay Thứ trưởng Jiro Akama đã tới Đài Loan để tham dự một sự kiện xúc tiến du lịch với tư cách chính thức. Ông rời khỏi Nhật vào thứ Sáu và trở về vào ngày hôm sau.

Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Akama là quan chức chính phủ cấp cao nhất chính thức ghé thăm Đài Loan kể từ khi Nhật Bản chấm dứt các mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1972 và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói chuyến thăm này rõ ràng trái ngược với lời hứa của Nhật, là chỉ có trao đổi cấp đia phương và phi chính phủ với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai.

Tại cuộc họp báo hàng ngày, bà Hoa nói: “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và đã chính thức phản đối với Nhật Bản”.

Bà nói thêm rằng Nhật Bản nói họ tôn trọng cam kết của mình về Đài Loan nhưng thực ra lại đang khiêu khích.

“Điều này gây xáo trộn nghiêm trọng trong việc cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật”.

Lực lượng Quốc Dân Đảng bại trận đã chạy sang Đài Loan vào năm 1949 khi kết thúc cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Bà Hoa nói Đài Loan là lợi ích cốt lõi không thể tranh cãi của Trung Quốc và Nhật Bản nên nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó, dừng lại thái độ “hai mặt” và không tiến xa thêm nữa trên đường lối sai lầm.

Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết ông Akama đến sân bay Đài Loan và nói với các phóng viên rằng sẽ không có thay đổi gì trong mối quan hệ Nhật-Trung hay Nhật-Đài Loan.

Trung Quốc từng bày tỏ bực bội hồi tháng 12 sau khi Đại sứ quán của Nhật tại Đài Loan tuyên bố đổi tên, thêm từ Đài Loan vào tên Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản thành Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan.

Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Nhật Bản chỉ duy trì mối quan hệ không chính thức với Đài Loan trong khi có quan hệ ngoại giao, dù không thoải mái, với Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Nhật Bản thể hiện sự ăn năn nhiều hơn vì những tội ác trong Thế chiến thứ Hai. Hai nước cũng đang tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, sự cai trị của Nhật Bản trong thời kỳ 1895-1945 ở Đài Loan lại được một số người cho là có lợi cho sự phát triển của đảo quốc này, không giống như nhận thức ở các khu vực châu Á khác, đặc biệt là tại Trung Quốc và Hàn Quốc, thường có cái nhìn tiêu cực về Nhật Bản. - VOA
|
|

13.
Bão Debbie: ‘Quỷ’ bão đổ bộ Úc

Siêu bão nhiệt đới đem theo luồng gió với vận tốc 263km/giờ đã đổ bộ vào bờ biển Queensland, Úc.
Hơn 25,000 người được hối thúc sơ tán trước khi bão Debbie đổ bộ.

Cơn bão cấp 4 đã khiến ít nhất 23,000 ngôi nhà bị mất điện, và gây thiệt hại cho các bán đảo nghỉ dưỡng Whitsland nổi tiếng.

Các nhà chức trách dự đoán đây sẽ là cơn bão khủng khiếp nhất đối với khu vực kể từ bão Yasi năm 2011 và duy trì trong hàng tiếng đồng hồ.
Cơn bão đổ bộ ở giữa hai biển Bowen và Airlie, cảnh sát Queensland nói.

Cục Khí Tượng của Úc nói tâm bão "có tính hủy diệt cao" và đã tràn đến các đảo Whitsunday.

"Chúng ta sẽ có một ngày dài và mệt mỏi," Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk nói.

"Sự dữ dội và tàn bạo của những cơn gió sẽ tăng dần. Tất cả mọi người đang trú ẩn."

Đại diện nguồn cung cấp điện nói nhiều hộ nữa cũng sẽ mất điện.

"Chúng tôi đang nhận được các báo cáo về mái nhà bung nóc, thậm chí ngay tại cơ sở của chúng tôi tại Whitsundays," Ủy viên đại diện Cảnh sát Queensland Steve Gollschewski nói.

Một cư dân trong khu vực mô tả những cơn gió như "đoàn tàu chở hàng giật qua giật lại".

"Cây cối rung dữ dội. Cả nơi này cứ rung lắc liên tục," người đàn ông, được cho biết tên là Charlie, nói với đài ABC.

Phép thử sự chịu đựng

Các nhà dự báo đã hai lần trì hoãn các dự báo khi nào cơn bão này sẽ đổ bộ đất liền.

Bà Palaszczuk miêu tả cơn bảo như "một con quỷ" và so sánh nó với cơn bão Yasi, cơn bão đã tàn phá hàng loạt khu phố và làm lụt các trung tâm sơ tán.

Bà nói, lệnh sơ tán khẩn cấp hôm 27/3 "có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay" của bang đông bắc Úc. - RFI
|
|

14.
170 nước tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất

Đèn đã được tắt ở khoảng 170 quốc gia hôm thứ Bảy khi hàng triệu người và hàng ngàn thành phố đã tham gia Giờ Trái đất, một nỗ lực toàn cầu để thu hút sự chú ý đến biến đổi khí hậu, chương trình do Quỹ Thiên nhiên Thế giới tổ chức.

Hàng chục tòa nhà và công trình nổi tiếng từ khắp Hoa Kỳ cho đến các nước ở Mỹ La tinh, châu Âu, Trung Đông, Úc đã tham gia, họ tắt đèn trong 60 phút vào lúc 8 giờ 30 phút tối, giờ địa phương.

Nhiều sự kiện đã được tổ chức để thu hút sự chú ý đến việc các hoạt động của con người góp phần làm thay đổi khí hậu như thế nào.

Ở Ấn Độ, hàng trăm người đi xe đạp tham gia cuộc "Đạp xe vì hành tinh", một phần trong chiến dịch nhằm khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Quỹ Thiên nhiên Thế giới đã tổ chức Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2007 tại Úc. Nỗ lực quốc tế này bắt đầu như một sự kiện ở cấp cơ sở để thúc giục mọi người giảm việc sử dụng năng lượng như một cách để chống lại biến đổi khí hậu.

Tổ chức bảo tồn lớn nhất thế giới hoạt động từ năm 1961, khi họ được thành lập ở Thụy Sĩ, với tên ban đầy là Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Nhiều năm sau, họ đã đổi tên để phản ánh rằng họ quan tâm đến tất cả các vấn đề môi trường chứ không chỉ là động vật hoang dã; nhưng ở Mỹ và Canada người ta vẫn dùng tên Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, còn tất cả chi nhánh trên toàn thế giới đều sử dụng tên viết tắt là WWF. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

15.
Ông Trump sắp bỏ luật lệ môi trường của Obama

Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết ngày 28 tháng 3, Tổng thống Donald Trump sẽ ký lệnh hành pháp bãi bỏ các luật lệ về môi trường của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, vực dậy cuộc tranh luận gay gắt giữa hai đảng về ảnh hưởng của hoạt động con người đối với khí hậu trái đất, và làm sâu đậm thêm những quan tâm kéo dài nhiều thập niên về những công việc liên hệ đến các hiệp ước về khí hậu toàn cầu.

Ông Trump đã liên tục ra chỉ dấu cho thấy ông không đồng ý đối với chính sách khí hậu của người tiền nhiệm. Trong cuộc vận động tranh cử, ông gọi Kế hoạch Năng lượng Sạch của ông Obama là “ngu xuẩn” phần lớn là vì đã đặt ra những luật lệ mà ông gọi là “giết chết việc làm.” Lệnh hành pháp ông sẽ ký vào ngày 28 tháng 3 chỉ thị Cơ quan Bảo vệ Môi trường duyệt xét lại kỹ lưỡng các quy định trong Kế hoạch Năng lượng Sạch.

Đề nghị ngân sách năm 2018 của ông Trump cắt 31% ngân khoản của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, trong đó hầu như hoàn toàn cắt tiền tài trợ cho việc nghiên cứu về khí hậu.

Giám đốc Ngân sách của ông Trump, Mick Mulvaney tuyên bố tại một cuộc họp báo Tòa Bạch Ốc rằng “chúng ta không tiêu tiền vào việc này nữa.”

Hiện chưa rõ cam kết của Tổng thống đối với những thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Khí hậu Paris ký vào năm 2015 sẽ ra sao. Ông Trump có ác cảm đối với những hiệp ước nhượng bớt quyền hành của Mỹ cho các tổ chức quốc tế. Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt, phát biểu vào ngày Chủ Nhật trên chương trình ABC’s This Week, gọi hiệp ước Paris là một “thỏa thuận xấu.”

Dự thảo sơ khởi của lệnh hành pháp sắp ban hành ngày 28/3 bao gồm những lời lẽ chỉ trích hiệp ước Paris. Tuy nhiên , tin cho hay hai cộng sự thân cận của ông Trump là Ivanka, con gái ông, và Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Tổng giám đốc công ty năng lượng khổng lồ Exxonmobil, đã can thiệp để các điều khoản liên hệ đến Hiệp ước Paris bị loại bỏ khỏi bản thảo chung cuộc.

Ông Pruitt, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hôm 26 tháng 3 tuyên bố duyệt xét lại Kế hoạch Năng lượng Sạch nhằm cởi trói cho công nghiệp Mỹ.

Thông tin tiết lộ về lệnh hành pháp sắp ký tạo ra một cuộc tranh luận mạnh mẽ giữa các khoa học gia về khí hậu. - VOA
|
|

16.
Con rể Tổng thống Trump sắp bị chất vấn

Con rể của ông Donald Trump cũng là cố vấn chính của Tổng thống, Jared Kushner, đồng ý bị chất vấn trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Thượng viện về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, theo tin từ Tòa Bạch Ốc.

Cho đến nay, ông Kushner là tay chân thân cận nhất của ông Trump, bị Ủy ban Tình báo Thượng viện chất vấn. Ủy ban này đang điều tra về những liện hệ giữa các phụ tá của ông Trump với các giới chức Nga.

Ủy ban Thượng viện muốn tìm hiểu về hai cuộc gặp vào tháng 12 năm ngoái giữa ông Kushner với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, theo báo New York Times.

Báo Times cũng cho biết là các Thượng nghị sĩ cũng quan tâm đến cuộc gặp trước đây của ông Kushner với người đứng đầu Vnesheconombank, một ngân hàng phát triển quốc doanh của Nga mà Hoa Kỳ đã áp đặt chế tài tiếp sau vụ Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói với báo New York Times là những cuộc gặp đó không phải là chuyện bất thường, vì vai trò của ông Kushner trong cuộc vận động tranh cử và trong giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi ông gặp thường xuyên với các giới chức nước ngoài, kể cả Nga.

Các giới chức tình báo Mỹ đã kết luận là chính phủ Nga đứng đằng sau một chiến dịch nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách xâm nhập vào các tổ chức của đảng Dân chủ và công bố những thông tin có lợi cho ông Trump. Moscow bác bỏ những cáo buộc này.

Tuần trước, giám đốc FBI James Comey công khai xác nhận là có một cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử và tìm hiểu xem những người phụ tá của Tổng thống có giúp phối hợp những nỗ lực của Nga hay không.

Có tin cho biết vài phụ tá thân cận với ông Trump đang bị FBI điều tra trong đó có cựu chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử, Paul Manafort, cựu cố vấn Carter Page, và người được ông Trump tin cẩn lâu nay, Roger Stone.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cũng bị buộc phải từ chức sau khi thông tin sai lệch cho các giới chức Tòa Bạch Ốc về tính chất các cuộc điện đàm của ông với Đại sứ Nga Kislyak. - VOA
|
|

17.
Mỹ: "Đội quân ngầm" của Trump thao túng chính quyền

Nắm quyền lãnh đạo hành pháp, nhưng không đủ người để chi phối toàn bộ các hoạt động của bộ máy chính quyền, chính phủ Donald Trump tìm cách cài người vào các ban, bộ, để « đặt chính quyền Mỹ trong vòng kiểm soát ». Cuối tháng Giêng 2017, tân tổng thống Mỹ tuyên bố bổ nhiệm 520 người làm nhiệm vụ « cầu nối » (beachhead), tuy nhiên từ chối công bố danh tính. Le Figaro, ngày 27/03/2017, có phóng sự điều tra : « Đội quân xung kích của Donald Trump ».

Le Figaro lấy ví dụ về hai gương mặt trong số những người được lựa chọn làm « tai mắt » của tân tổng thống Mỹ. Người thứ nhất là Danny Tiso, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học, được bổ nhiệm làm « trợ lý đặc biệt » của bộ trưởng Lao Động. Thành tích duy nhất của người thanh niên này là từng đứng ra tổ chức một vài cuộc tập hợp tranh cử của ứng viên Trump hồi năm ngoái. Bị trang mạng điều tra ProPublica phát hiện, Danny mới chấp nhận trở lại con đường học tập.

Nhân vật thứ hai là Sid Bowdidge, 60 tuổi, nguyên hành nghề xoa bóp, được cử làm « trợ lý đặc biệt » của bộ trưởng Năng Lượng. Ngày 09/03, nhân vật này buộc phải rời vị trí, sau khi nhiều trang mạng cho biết ông ta từng gửi đi một thông điệp lên mạng hồi 2015, kêu gọi « tiêu diệt » người Hồi Giáo.

Các tai mắt của Donald Trump có nhiệm vụ tham gia vào « các cuộc họp bàn về các vấn đề chiến lược », truyền lệnh cho các nhân viên, không thông qua Quốc Hội.

Theo mạng ProPublica, hiện Trump đã có khoảng 400 « tai mắt » như vậy. Ngoài những người tham gia hỗ trợ tranh cử, còn có các cựu trợ lý nghị sĩ, các thành viên của mạng Breitbart News, một trang mạng cực hữu do cố vấn của tổng thống Steve Bannon lãnh đạo, các chuyên gia của viện tư vấn theo xu hướng bảo thủ Heritage Foundation, rất có ảnh hưởng đối với tổng thống, cũng như hàng chục nhân vật vận động hành lang (cho dù ông Trump từng tuyên bố sẽ đuổi sạch những người vận động hành lang để làm trong sạch bộ máy).

Trump thiếu 4.000 người « trung thành » và « có năng lực »

Theo Le Figaro, thách thức lớn khác đối với ông Trump là tìm ra được, trong bộ máy chính quyền, những người trung thành với các quan điểm của tổng thống và ê kíp cầm quyền. Ước tính ông Trump phải có khoảng 4.000 người «trung thành » và « có năng lực », được bổ nhiệm lãnh đạo, thì mới có thể kiểm soát được hoạt động của 2,8 triệu công chức.

Đa số những người làm việc trong bộ máy hiện nay có thái độ chống lại chủ nghĩa dân túy của tân tổng thống, vốn coi bộ máy chính quyền là đối tượng tấn công. Nghi ngờ cao độ, Nhà Trắng đã bổ nhiệm « các ủy viên chính trị » đến gần như mọi bộ, ngành để kiểm soát công khai các hoạt động tại đây.

Hồi cuối tháng trước, cố vấn của tổng thống Steve Bannon tóm tắt chính sách đối với bộ máy chính quyền Mỹ hiện tại, đó là cần phải « tháo dỡ » bộ máy, bị tân tổng thống lên án là quan liêu. Để bôi đen đối tượng này, ê kíp của tổng thống Mỹ gọi tất cả những ai chống đối là tham gia vào một « Nhà nước ngầm ».

Trên thực tế, chính cái mà ông Trump gọi là « Nhà nước ngầm » ấy đã « ghi điểm », khi ngăn chặn một sắc lệnh về nhập cư của tân tổng thống (kỳ thị người Hồi Giáo), buộc cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Michael Flynn phải từ chức, bộ trưởng Tư Pháp phải chấp nhận tách khỏi cuộc điều tra về nghi vấn có các đồng lõa giữa chính quyền Nga và ê kíp tranh cử của ứng viên Donald Trump.

Tuy nhiên, nỗ lực « tháo dỡ » bộ máy chính quyền của tân tổng thống vẫn tiếp tục, với khoảng 90 quy định mới liên quan đến hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính đến môi trường, ngừng tuyển mộ công chức mới, và cắt giảm mạnh ngân sách cho bộ máy.

Cuộc tấn công của ông Trump nhắm vào bộ máy chính quyền, dẫn đến tình trạng nổi bật hiện nay là nhiều bộ không có đủ người phụ trách, do ứng cử viên không được tân chính quyền chấp nhận. Ví dụ như 30 vị trí quan trọng nhất trong bộ Ngoại Giao hiện hoàn toàn không có người đảm nhiệm.

Bảo hiểm y tế Obamacare: "Viên thuốc đắng" với Trump

Vẫn về chính trị nước Mỹ, thất bại của Donald Trump trong nỗ lực hủy bỏ chế độ bảo hiệm y tế cho người nghèo của người tiền nhiệm, là đề tài được hầu hết các báo chú ý. Libération có bài « Nhà Trắng buộc phải nuốt viên thuốc đắng ». Theo Libération, vụ này « đặt câu hỏi về năng lực của ông Trump và khả năng của ông ta trong các đàm phán với chính nội bộ của mình ».

Libération vạch ra một nghịch lý là trong nhiệm kỳ trước, từ 2011 đến 2016, phe Cộng Hòa đã từng bỏ phiếu mang tính biểu tượng hơn 60 lần để thể hiện thái độ phản đối Obamacare, thế mà giờ đây, khi quyền nắm trong tay, họ lại không thể hủy bỏ được luật này.

Theo Libération, không hủy bỏ được bảo hiểm Obamacare, giờ đây tân tổng thống Mỹ đang nhìn sang một hướng khác, đó là chờ đợi bảo hiểm này « bị vỡ », và như vậy trách nhiệm sẽ được đổ cho đối lập Dân Chủ.

Còn theo Les Echos, thất bại nói trên làm suy yếu ông Trump, và đe dọa các dự kiến cải cách tương lai của tân chính phủ. Theo một quan niệm phổ biến tại Mỹ, chính quyền mới chỉ có thời gian khoảng 200 ngày để yêu cầu Quốc Hội thông qua các luật mới.

Theo Le Monde, cho dù vẫn còn được sự ủng hộ của đông đảo cử tri vốn đã bỏ phiếu bầu ông, Donald Trump hiện là tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ thấp nhất trong lịch sử, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ. Một thăm dò dư luận của đại học Quinnipiac, Connecticut, công bố hôm 22/03, có đến hơn 70% người trả lời cho rằng ông Trump và ê kíp của ông thường xuyên đưa ra các nhận định « không dựa trên bằng chứng". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

18.
Vụ Formosa: Hơn 61.000 chữ ký ra thỉnh nguyện thư kêu cứu quốc tế

Một thỉnh nguyện thư đang được lưu hành với hơn 61.000 chữ ký gởi đến chính phủ Đài Loan và các tổ chức quốc tế gây áp lực buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng, cải tạo môi trường và trục xuất Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Thỉnh nguyện thư do Ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh đề xuất lấy chữ ký trực tiếp của ngư dân bị thiệt hại được thực hiện từ đầu năm 2017 và mở rộng lấy chữ ký online vào cuối tuần vừa rồi.

Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết rằng hiện nay đã có hơn 61,531 người ký thỉnh nguyện thư trên trang thamhoaformosa.com, dù trang này thường xuyên bị tấn công.

Với hơn 200 chữ ký đầu tiên hầu hết là của các tu sĩ Công giáo thuộc Giáo phận Vinh, đứng đầu là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh. Thông điệp của Đức cha Nguyễn Thái Hợp viết trên thỉnh nguyện thư là: “Con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiểm, ông bà, cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng tôi?”

Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết thêm:

“Điều này thì chính Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, cũng như tất cả các linh mục trong giáo phận Vinh đã ký vào thỉnh nguyện thư này.”

Linh mục Nam cho biết lý do thực hiện thỉnh nguyện thư như sau:

“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu. Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”

Theo linh mục Nam, trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu.

Anh Lê Văn Sơn, một nhà vận động vì môi trường biển đã ký vào thỉnh nguyện thư và chia sẻ như sau:

“Cùng nhau lên tiếng, vận động thế giới quan tâm đến thảm họa Formosa tại Việt Nam. Tôi thấy việc làm này là hết sức có ý nghĩa đối với môi trường sống của người Việt Nam và tôi ký tên. Tôi ký tên yêu cầu công ty Formosa phải ra khỏi Việt Nam. Đó là một quan điểm dứt khoát, rõ ràng. Công ty Formosa phải chấm dứt việc xả thải, chất độc ra biển miền Trung. Chấm dứt sự hoạt động, hiện diện của Formosa tại đất nước Việt Nam.”

Theo trang ThamhoaFormosa.com, thỉnh nguyện thư được dịch ra nhiều thứ tiếng và gởi đến tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ Đài Loan, Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế và những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường.

Thỉnh nguyện tư viết: “Tháng Tư, 2016, công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.”

Thỉnh nguyện thư viết tiếp: “thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập…Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”

Thỉnh nguyện thư cho biết số tiền bồi thường 500 triệu đôla là “rất nhỏ so với thiệt hại nhưng nhà cầm quyền chỉ phát lại một phần nào trong số đó cho các người dân trong danh sách mà họ lập ra, không phải toàn thể những nạn nhân. Đã vậy, nhà cầm quyền địa phương còn ma mãnh, phân phát theo ý riêng, không đúng thực tế khiến dân chúng biểu tình chống đối.”

Trước tình hình như thế, Ban Hỗ Trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển giáo phận Vinh và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam kêu gọi “Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh” trên đất nước Việt Nam.

Linh mục Nam cho biết việc truy cập vào trang của thỉnh nguyện thư có thể khó khăn vì bị chính quyền tấn công.

Anh Lê Văn Sơn cho biết rằng thỉnh nguyện thư sẽ được quốc tế chú ý vì đó là một tiếng nói hiệp nhất mạnh mẽ của người dân và các linh mục thuộc giáo phận Vinh:

“Có rất nhiều người dân, thậm chí có người không rành về máy vi tính, mạng xã hội, nhưng đã ký bằng cách danh sách với chữ ký sống, đặc biệt là các giáo sứ và giáo phận Vinh. Đó là một tiếng nói hiệp nhất vô cùng to lớn.”

Trong khi đó, chính quyền Nghệ An luôn tìm cách công kích và sách nhiễu các hoạt động hỗ trợ ngư dân của các linh mục thuộc giáo phận Vinh. Đài truyền hình Nghệ An và VTV hôm 24/3, nói rằng Linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục của giáo phận Vinh “nhận tiền nước ngoài để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện Formosa.”

Linh mục Đặng Hữu Nam cho VOA biết rằng, “mấy ngày qua, chính quyền dùng mọi nguồn lực để ‘đánh’ hội đồng chúng tôi, dùng đủ mưu hèn kế độc. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi không làm gì sai.”

Theo nhận định của tác giả David Hutt trên báo The Diplomat hôm 22/3, các nhà hoạt động Việt Nam thời gian gần đây tập trung nỗ lực vào vấn đề môi trường, bởi vì vấn đề này đã trở thành quốc nạn.

Báo The Diplomat còn nhận định rằng những mối lo ngại về môi trường đang thách thức nghiêm trọng tính chính danh của nền chính trị Việt Nam, vốn không có bầu cử tự do và không có sự tham dự có ý nghĩa nào của công chúng. Tác giả dự đoán rằng, “nếu không giải quyết thành công các vấn nạn môi trường, nhà cầm quyền cộng sản chỉ còn một con đường là bóp nghẹt mọi ý kiến bất đồng và xem như không có chuyện gì xảy ra.” - VOA
|
|

19.
Một người Việt tự sát tại trung tâm di trú ở Nhật

Một người đàn ông Việt bị giam giữ tại một trung tâm di trú ở Nhật Bản vừa tự sát vào cuối tuần rồi, theo lời của người đứng đầu một cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản. Sự việc đã đặt ra những nghi vấn mới về điều kiện giam giữ trong các cơ sở di trú của Nhật.

Ni cô Thích Trí Tâm cho biết bà nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo cho biết ông Nguyen The Hung (có thể là Nguyễn Thế Hùng) đã tự sát hôm thứ Bảy tại Trung tâm Di trú miền Đông Nhật Bản, thuộc tỉnh Ibaraki, phía đông bắc thủ đô Tokyo.

Reuters chưa liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam để xác nhận tin này, cũng chưa thể kiểm chứng được với các nguồn độc lập.

Theo lời Ni cô Thích Trí Tâm, ông Nguyễn Thế Hùng sinh năm 1969, đến Nhật Bản năm 1998 để xin tị nạn. Ông là một trong số 11.000 người tị nạn mà Nhật Bản nhận sau chiến tranh Việt Nam.

Ni cô Trí Tâm, người đứng đầu một nhóm Phật tử người Việt tại Nhật, cho biết đại sứ quán đã yêu cầu bà thu xếp chuyện tang lễ cho ông Hùng. Bà dự định sẽ vận động quyên góp từ các Phật tử và cộng đồng người Việt.

Ông Hùng lấy tên là Nguyễn Văn Huân. Cái chết của ông đã nâng tổng số người tử vong trong hệ thống giam giữ di trú của Nhật lên 13 người, kể từ năm 2006. Con số này đã làm dấy lên những chỉ trích từ phía các nhà hoạt động cho rằng chính quyền Nhật Bản không nỗ lực đủ để cải thiện điều kiện tại các trung tâm.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang tràn lan. Nhiều người bị giam giữ trong một khoảng thời gian dài, từ nhiều tháng đến nhiều năm, đã rơi vào trạng thái trầm cảm.

Số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy đã có 4 vụ tự sát trước vụ ông Hùng. Hai người đàn ông, trong đó có một người bị biệt giam, đã chết năm 2014 tại cùng một cơ sở nơi ông Hùng bị giam giữ.

Một phát ngôn viên của Trung tâm Di trú Đông Nhật Bản xác nhận có một người đàn ông Việt Nam ở độ tuổi 40 đã qua đời hôm thứ Bảy. Khi được hỏi liệu có phải do tự sát hay không, nhân viên này đã từ chối bình luận.

Một nhân viên bảo vệ phát hiện ra ông Hùng bất tỉnh trong phòng giam vào khoảng 1 giờ sáng thứ Bảy. Nhân viên này đã gọi xe cứu thương và thực hiện các thao tác xoa tim cấp cứu cho ông Hùng trước khi ông được đưa vào bệnh viện. 80 phút sau, bệnh viện xác nhận ông đã tử vong.

Trung tâm từ chối cho biết lý do vì sao ông Hùng bị giam giữ và đã bị giam bao lâu, nhưng cho biết nhà chức trách Nhật Bản sẽ tổ chức khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân gây tử vong.

Ông Hùng không có người thân ở Nhật Bản. Một phụ nữ người Việt từng biết ông Hùng nói: “Ông ấy là một người lạc quan, vui vẻ... Tôi không tin nổi là ông ta đã tự sát”.

Các thành viên gia đình ông đang sắp xếp để đến Nhật Bản tham dự tang lễ, theo lời Ni cô Trí Tâm. - VOA
|
|

20.
VN: Đấu tranh chống tham nhũng, lãnh án tù

Một người chuyên đấu tranh chống tham nhũng ở tỉnh Đắc Nông đã bị tuyên án tù về tội đưa hối lộ hàng chục triệu đồng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Đắc Nông hôm 27 tháng 3 tuyên phạt ông Trần Minh Lợi, 49 tuổi, chủ trang Facebook “Diệt giặc nội xâm,” 4 năm 6 tháng tù giam về tội đưa hối lộ 90 triệu đồng, một cáo buộc mà ông Lợi bác bỏ.

Trong phần tự bào chữa, ông Lợi lập luận rằng việc làm này của ông là để thu tập tài liệu nhằm mục đích tố cáo tham nhũng. Trang tin VietNamNet tường thuật rằng ông Lợi đã đề nghị Hội đồng xét xử cho luật sư mở đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa ông với một cựu quan chức công an được nói là cho thấy quan chức này xin ông Lợi bỏ qua không tố cáo việc ông ta nhận hối lộ.

Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát nói rằng các luật sư và bị cáo không đưa thêm được tài liệu, chứng cứ mới nên viện kiểm sát không tranh luận lại, theo VietNamNet.

Ngoài ra ông Lợi cũng bị cáo buộc “xúi giục” những người khác thực hiện hành vi đưa hối lộ để thu thập chứng cứ. Hội đồng xét xử đi đến kết luận rằng hành động này “cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật,” theo báo Tuổi Trẻ.

Được biết tới trên mạng xã hội với chủ trương "chống tham nhũng không phải của riêng ai," ông Lợi phanh phui những vụ tiêu cực bằng cách bí mật ghi âm, ghi hình những cán bộ công an liên quan đến việc chạy án, chạy việc sau đó gửi đơn tố cáo, báo Tuổi Trẻ cho biết.

Ông được nói là đã từng tố cáo nhiều lãnh đạo, cán bộ tại công an, Viện Kiểm sát Nhân dân liên quan đến việc chạy án, buôn lậu gỗ, khiến 11 cán bộ liên quan tại Công an huyện Cư Kuin bị kiểm điểm, kỷ luật.

Ông bị bắt vào ngày 22 tháng 3 năm ngoái, sau khi công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông tạm đình chỉ công tác ba cán bộ công an huyện bị ông tố cáo nhận hối lộ, trong một vụ việc được nói là do ông giúp ghi âm, ghi hình quá trình chung chi - nhận tiền.

Phiên tòa xét xử hôm thứ Hai cũng tuyên án tù giam và tù treo đối với bảy bị cáo khác trong vụ việc liên quan tới ông Lợi về về các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi.

Không ai trong số này chịu mức án cao hơn ông. - VOA
|
|

21.
Bốn phóng viên VN bị bắt vì sai phạm

Ba phóng viên, trong đó có trưởng đại diện văn phòng báo Kinh doanh và Pháp luật ở Hải Phòng, vừa bị bắt hôm 24/3 vì hành vi "lợi dụng danh nghĩa nhà báo để cưỡng đoạt tiền của nhân dân".

Công an TP Hải Phòng cho hay đã bắt quả tang ông Phan Thành Long, phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật, "có hành vi đe dọa người dân là sẽ đăng trên báo Kinh doanh và Pháp luật vì vi phạm nguyên tắc xây dựng" để tống tiền.

Qua điều tra, Công an Hải Phòng phát hiện ông Phan Văn Thương, Trưởng văn phòng đại diện báo này ở Hải Phòng đã tổ chức cho các phóng viên và cộng tác viên trong đó có ông Long, nắm "các hộ gia đình, các tổ chức xã hội có dấu hiệu vi phạm về quản lý xã hội thì đến dọa đăng báo nếu không chịu nộp tiền".

Công an đã bắt ông Phan Văn Thương, khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của ông về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Một phóng viên khác của Kinh doanh và Pháp luật ở Hải Phòng là Phạm Văn Tân cũng bị bắt.

Theo Công an TP Hải Phòng, nhóm này đã thực hiện hành vi phạm tội "trong thời gian dài và thu tiền của nhiều người".

Ban biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật, thuộc Trung ương Hội Marketing Việt Nam, hôm thứ Hai 27/3 thừa nhận sự việc và ra thông cáo "coi đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm vẩn đục môi trường báo chí cách mạng cần phải vạch trần và xử lý nghiêm để làm gương".

Trong khi đó, một người thuộc báo Bảo vệ Pháp luật, văn phòng đại diện ở TP HCM, bị bắt tối 25/3 vì nghi "liên quan tới một vụ lừa đảo chạy án".

Bảo vệ và Pháp luật là báo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Báo Tuổi Trẻ cho hay nghi can là lãnh đạo văn phòng đại diện của tờ báo ở TP HCM, bị Công an phường 8 quận Phú Nhuận bắt vì liên quan chạy án cho một gia đình có ba người bị bắt giữ, xử lý về hành vi cố ý gây thương tích.

Báo này cũng nói nghi can bị bắt đã nhận 100 triệu đồng của gia đình nhưng đòi thêm 500 triệu để chạy giảm án. - BBC
|
|

22.
Petrovietnam và Exxon Mobil hợp tác dự án Cá Voi Xanh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ ký kết thỏa thuận hợp tác trong dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.

Lễ ký kết diễn ra hôm 26 tháng 3, tại Quảng Nam, trong “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam 2017” với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thỏa thuận vừa ký kết, Exxon Mobil sẽ đầu tư vào Mỏ khí Cá Voi Xanh 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, 4 giếng khai thác và một đường ống dài 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.

Phía PVN sẽ đầu tư vào một nhà máy xử lý khí và một nhà máy điện, xây dựng tại huyện Núi Thành và dự kiến vận hành vào năm 2023.

Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính sẽ khai thác từ 9 đến 10 tỷ m3 sản lượng khí hàng năm, trong đó khoảng 1 tỷ m3 sẽ kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc.

Tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam 2017”, tỉnh Quảng Nam ký kết hợp tác tổng cộng 24 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 16 tỷ Mỹ kim. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9



No comments:

Post a Comment