Tin Thế Giới
1.
Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Trong ngày 11/03/2017, hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị Hà Lan chận đường không cho sang « xứ hoa tulippe » vận động trưng cầu dân ý trong cộng đồng người Thổ. Máy bay chở ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải vòng về Pháp. Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya, dùng đường bộ từ Đức đến Rotterdam thì bị trục xuất về Đức.
Xung khắc giữa chính quyền tổng thống Erdogan với các nước châu Âu mỗi ngày mỗi leo thang. Bốn nước: Đức, Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan đã cấm những cuộc mít-tinh vận động trưng cầu dân ý chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại các quốc gia này.
Ngày 11/03/2017, căng thẳng đã bùng nổ với Hà Lan. Lo ngại xung đột bạo động ngay trong nội bộ cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Roterdam hủy bỏ một cuộc mít-tinh, còn chính phủ La Haye không cho ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến để tham dự. Sau khi máy bay của ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải bay ngược về Metz ( phía đông Pháp), tổng thống Erdogan lên án Hà Lan cư xử như « phát-xít » và cam kết sẽ trả đũa « tương xứng ».
Trong khi đó tại Rotterdam, theo AFP, hàng ngàn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chế độ Erdogan, đã biểu tình chung quanh lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột với cảnh sát. Bộ trưởng bộ Gia Đình của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp Hà Lan cảnh báo, dùng đường bộ từ Đức sang đến Rotterdam thì bị cảnh sát trục xuất về Đức.
Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng này củng cố lập luận chính thức rằng Tây Âu tìm cách giúp cho phe chống dự án trao hết quyền lực cho tổng thống chiến thắng.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer phân tích :
So sánh việc hủy bỏ các buổi mít tinh của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu, như tại Đức và Hà Lan với các hành động của phát xít đã trở thành thói quen của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Chắc chắn là tổng thống thổ Nhĩ Kỳ đang giận dữ với các nước châu Âu láng giềng, những nước bị ông Erdogan cáo buộc là ủng hộ cho phe nói « Không » trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống.
Nhưng chúng ta cũng cần hiểu những lời chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chính trị của nước này. Recep Erdogan ý thức được là chưa có gì đảm bảo cho chiến thắng của ông trong cuộc trưng cầu dân ý. Phe ủng hộ việc tăng thêm quyền hạn cho tổng thống rất khó để tìm ra các lý lẽ thuyết phục những người còn đang do dự.
Trái lại, có một lý lẽ vẫn thuyết phục được cử tri, đó là phương Tây và các nước châu Âu đang tìm cách gây tổn hại uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng kiếm thêm được nhiều phiếu « Thuận » của cử tri khi chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa.
Phe đối lập với tổng thống Erdogan rất cảnh giác trước cái bẫy này. Đó là lý do vì sao đối lập vội vàng chỉ trích thái độ của châu Âu, trong khi quyền tự do ngôn luận của phe này cũng rất hạn chế ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, lãnh đạo phe đối lập còn thông báo hủy tất cả các cuộc mít tinh ủng hộ phe nói « không » dự kiến sẽ được tổ chức tại nước ngoài, để tránh rơi vào bẫy.
Về nước và tố cáo
Trở về đến Istanbul sáng Chủ nhật 12/03/2017, Bộ trưởng bộ Gia Đình Fatma Betul Sayan Kaya than phiền bị Hà Lan đối xử « một cách thảm hại và bất nhân » cho dù bà là phụ nữ và có hộ chiếu ngoại giao.
Chưa rõ tổng thống Erdogan sẽ thông báo gì thêm trong bài diễn văn vào chiều nay (12/03). Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao bây, còn lá cờ Hà Lan trên toà lãnh sự ở Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ. - RFI
|
|
2.
Các lực lượng Iraq tiến sâu vào thành phố Mosul
Các lực lượng Iraq do Mỹ hậu thuẫn đang tiến sâu vào phía tây thành phố Mosul hôm Chủ nhật để giành lấy các vị trí vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Hôm Chủ nhật, hàng loạt vụ nổ được nghe thấy và gây ra những đám khói lớn bay lên bầu trời ở thành phố Mosul.
Kể từ khi chính phủ tiến vào phía tây thành phố bắt đầu vào ngày 19/2, các chỉ huy của Mỹ và Iraq cho biết các phiến quân IS kháng cự rất quyết liệt khi chúng tìm cách cố thủ ở khu đô thị quan trọng cuối cùng ở Iraq.
Các binh lính thuộc liên minh do Mỹ lãnh đạo đã chính thức triển khai làm cố vấn để hỗ trợ cho lực lượng Iraq trong cuộc tấn công vào thành phố Mosul.
Các lực lượng Iraq đã tái chiếm khu vực phía đông thành phố vào hồi đầu năm nay, sau một cuộc tấn công bắt đầu từ ngày 17/ 10.
Thiếu tướng tham mưu của Iraq Maan Maan al-Saadi nói với hãng tin Pháp rằng "khoảng hơn 1/3" khu vực phía tây thành phố Mosul đang nằm dưới sự kiểm soát của các đơn vị Iraq. - VOA
|
|
3.
Hàn Quốc bầu lại tổng thống vào ngày 9 tháng 5 --- Cựu tổng thống Hàn Quốc trở về đời thường sau khi bị phế truất
Ủy Ban Bầu Cử Trung Ương Hàn Quốc thông báo cuộc bầu tổng thống mới sẽ diễn ra vào ngày 09/05 tới đây, tức 60 ngày sau khi chiếc ghế lãnh đạo hành pháp vắng chủ, theo quy định của Hiến pháp. Thủ lãnh đảng Dân Chủ Moon Jae In, có nhiều cơ may thay thế bà Park Geun Hye, kêu gọi dân chúng Hàn Quốc đoàn kết để cùng viết một trang sử trong sạch.
Thứ Bảy, 11/03/2017, một ngày sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Hàn Quốc Kim Yong Deok thông báo ngày bầu cử tổng thống mới trễ nhất sẽ diễn ra ngày 09/05/2017. Theo báo chí Hàn Quốc, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Hàn Quốc Kim Yong Deok kêu gọi người dân Hàn Quốc vượt qua mâu thuẫn giữa kẻ theo người chống tổng thống bị phế truất, để xây dựng một quốc gia đoàn kết.
Cũng cùng mối quan ngại xã hội chia rẽ, chủ tịch đảng Dân Chủ đối lập Moon Jae In bày tỏ hy vọng « Hàn Quốc sẽ viết một trang sử mới » qua bầu cử tổng thống mới. Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 12/03/2017, nhân vật được xem là có nhiều khả năng đắc cử, kêu gọi dân chúng đoàn kết, trong khi trước nhà riêng của bà Park Geun Hye hàng trăm người chờ đón thần tượng của họ.
Trong bầu không khí đó, lãnh đạo đối lập Moon Jae In cho rằng trục xuất tổng thống bị phế truất ra khỏi Nhà Xanh (Phủ tổng thống) khi nhà riêng chưa chuẩn bị xong là điều « bất nhẫn ». Tuy nhiên ông cảnh báo mưu toan « phá hủy hay tẩu tán » hồ sơ Nhà nước.
Trung Quốc cũng dự đoán Moon Jae In sẽ là người kế nhiệm bà Park Geun Hye mà Bắc Kinh xem là khắc tinh. Trong một bài bình luận, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng lãnh đạo đảng Dân Chủ Hàn Quốc Moon Jae In là ứng cử viên sáng giá và kêu gọi Seoul « xét lại » kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn THAAD. - RFI
***
Hai ngày sau khi bị Tòa án bảo hiến phế truất vì một vụ bê bối tham nhũng, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã ra khỏi dinh tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh.
Hôm Chủ Nhật, bà Park đã về nhà riêng ở thủ đô Seoul, nơi hàng trăm người ủng hộ bà đã biểu tình phản đối việc bà bị tòa phế truất.
Hôm thứ Sáu, Tòa án bảo hiến đã ra phán quyết giữ nguyên đề xuất của quốc hội luận tội bà Park, miễn nhiệm chức vụ tổng thống của bà, do vụ bê bối liên quan đến người bạn thân của bà.
Tuy nhiên, khi đó bà vẫn lưu lại trong Nhà Xanh cho đến mới đây.
Hàng chục nghìn người Hàn Quốc ủng hộ việc phế truất bà đã xuống đường vào cuối tuần để ăn mừng, trong khi một nhóm khác ủng hộ bà Park tuyên bố sẽ chống lại điều mà họ gọi là một vụ "ám sát chính trị".
Cảnh sát Seoul dự báo bạo lực sẽ gia tăng giữa hai nhóm này, đặc biệt là sau khi ba người biểu tình thiệt mạng trong những vụ đụng độ giữa hai nhóm kể từ khi tòa tuyên bố phán quyết phế truất.
Việc phế truất đột ngột tổng thống Park xảy ra do các cáo buộc là bà dính líu vào một vụ tai tiếng về gây ảnh hưởng và can thiệp trị giá hàng tỷ đô la, được điều hành từ Nhà Xanh.
Vào tháng 12, có đến 234 trong tổng số 300 thành viên Quốc hội đã bỏ phiếu luận tội bà Park.
Hình ảnh của bà tổng thống với tư cách là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và liêm khiết đã bị sụp đổ do những cáo buộc liên quan đến người bạn lâu năm Choi Soon-sil, người đã khai thác một cách bí mật mối quan hệ gần gũi với bà Park để buộc các tập đoàn Hàn Quốc đóng góp 65 triệu đôla cho hai quỹ từ thiện mờ ám. Bà Choi bị cáo buộc là đã chuyển một phần ngân quỹ và các hợp đồng phụ béo bở vào các công ty tư nhân của bà và của bạn bè của bà. - VOA
|
|
4.
Malaysia dự tính trả thi thể Kim Jong Nam cho Kim Jong Un
Báo mạng Malaysia, New Straits Times hôm nay, 12/03/2017, đưa tin, thi thể của Kim Jong Nam có thể sẽ được chính quyền Kuala Lumpur trao trả cho đích thân người em Kim Jong Un, lãnh đạo bắc Triều Tiên. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều phức tạp trong việc trao và nhận thi thể nạn nhân này.
Hôm 10/03 vừa qua, cảnh sát Malaysia khẳng định người bị ám sát cách đây một tháng tại sân bay Kuala Lumpur đúng là Kim Jong Nam. New Straits Times dẫn một nguồn thạo tin nhận định, như vậy là Malaysia xác nhận Kim Jong Un là thành viên gia đình của nạn nhân và tức là thừa nhận Bắc Triều Tiên có quyền nhận xác của Kim Jong Nam.
Nguồn tin này giải thích: " Một khi Kim Jong Un quyết định, thi thể (Kim Jong Nam) sẽ được trao lại cho ông ta một cách hợp pháp" và " nếu những người bà con có quan hệ trực tiếp đòi thi thể mà gây ra tranh chấp thì tổng chưởng lý sẽ là người quyết định cuối cùng".
Hôm qua, ngoại trưởng Malaysia, Anifa Aman đã tuyên bố với báo chí rằng " cuối cùng chúng tôi sẽ phải trao trả thi thể cho ai đó. Bên nhận thi thể đó có thể là chính phủ Bắc Triều Tiên hoặc là thành viên trong gia đình" người bị hại.
Tìm được người nhận mới khó
Giới quan sát tại Malaysia đều cho rằng khả năng trao trả thi thể Kim Jong Nam cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ít xảy ra bởi vì Bình Nhưỡng vẫn không chịu thừa nhận danh tính nạn nhân là Kim Jong Nam, khăng khăng cho rằng đó chỉ là một công dân Bắc Triều Tiên bình thường.
Bình Nhưỡng cũng có thể chờ cho đến khi xác của Kim Jong Nam không có ai nhận và bị tuyên bố là trường hợp " tử vong không có người nhà" để đòi lại thi thể bằng viện dẫn quốc tịch nạn nhân.
Hiện tại người ta cũng không biết chính xác là vợ và con trai của Kim Jong Nam ở đâu. Việc những người thân này đến Malaysia đã khó, và để nhận lại thi thể của nạn nhân lại càng khó hơn trong hoàn cảnh hiện nay.
Cảnh sát Malaysia dự kiến sắp tới sẽ chuyển thi thể của Kim Jong Nam cho bộ Y Tế quản lý. Theo luật của Malaysia, cơ quan này cũng chỉ được phép giữ thi thể nạn nhân tối đa 14 ngày. Nếu không có thân nhân người quá cố tới nhận xác, bộ này phải tiến hành bước tiếp theo là thông báo cho sứ quán của nước có liên quan. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Hạ viện muốn ông Trump đưa ra chứng cứ về cáo buộc nghe trộm
Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ đang đề nghị Tổng thống Donald Trump từ nay đến thứ Hai đưa ra bằng chứng là các điện thoại ở tòa nhà Trump Tower đã bị nghe trộm chiến dịch tranh cử tổng thống.
Một tuần trước, tổng thống đã viết một số bài ngắn trên Twitter nói rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã cho người nghe trộm điện thoại tại Trump Tower, nhưng ông Trump đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Tổng thống viết trên Twitter: "Thật khủng khiếp. Mới phát hiện ra rằng ông Obama đã cho người ‘nghe trộm’ ở Trump Tower ngay trước chiến thắng. Không tìm thấy gì. Đó là học thuyết McCarthy”.
Chủ tịch ủy ban Devin Nunes, một đảng viên đảng Cộng hòa của California, và ông Adam Schiff, cũng của California nhưng là ủy viên bên đảng Dân chủ, đã gửi thư cho ông Trump đề nghị cung cấp bằng chứng để củng cố cho lời cáo buộc của ông về việc nghe trộm điện thoại.
Một phát ngôn viên của ông Obama nói những cáo buộc của ông Trump là "hoàn toàn sai".
Ông Trump đã không bình luận về việc nghe trộm điện thoại kể từ sau khi ông đăng bài lên Twitter.
Theo luật của Hoa Kỳ, một vị tổng thống không thể ra lệnh nghe trộm điện thoại của một người nào đó. Ông cần được một thẩm phán liên bang phê duyệt và cũng phải đưa ra lý do ngờ vực hợp lý cho việc tại sao phải nghe trộm điện thoại của công dân.
Lời cáo buộc về nghe trộm có thể sẽ trở thành vấn đề được chú ý trong cuộc điều tra của Thượng viện về cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào bầu cử và ban vận động tranh cử của ông Trump đã tiếp xúc với các quan chức Nga.
Tình báo Hoa Kỳ đã kết luận là Nga tấn công vào máy tính của ông John Podesta, người đứng đầu ban vận động tranh cử của bà Clinton, sau đó WikiLeaks, nhóm chống bảo mật, đã công bố hàng ngàn email của ông trong vài tuần trước cuộc bầu cử. Đó dường như là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm giúp ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, người của đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống. - VOA
|
|
6.
Phó Tổng thống Pence vận động cho luật thay thế Obamacare
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã kêu gọi các cử tri ở Kentucky ủng hộ cho "cuộc chiến" tại Quốc hội để thay thế luật quốc gia về chăm sóc sức khoẻ bằng một dự luật đang được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa thúc đẩy.
Ông Pence đã nói chuyện với cử tọa thân thiện tại cơ sở Harshaw Trane ở quê nhà của lãnh tụ phe đa số Thượng viện Mitch McConnell. Bản thân ông McConnell đã không tham dự cuộc gặp do không thu xếp được lịch làm việc.
Phó Tổng thống phát biểu: "Chúng tôi sẽ mang lại cho người dân Mỹ nhiều sự lựa chọn hơn. Chúng tôi sẽ mở rộng các tài khoản tiết kiệm y tế. Chúng tôi sẽ dành cho người dân Mỹ các khoản giảm trừ thuế giúp mọi người mua các hợp đồng bảo hiểm mà họ cần ở mức giá mà họ có thể chi trả. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những người Mỹ đã có bệnh tật từ trước vẫn được tiếp cận với các khoản bồi thường và những biện pháp chăm sóc mà họ cần. Và xin nói với các bậc cha mẹ tại đây, chúng tôi sẽ đảm bảo quý vị vẫn duy trì con cái của mình trong hợp đồng cho đến khi các con đạt 26 tuổi".
Ông Pence cho biết dự luật của Hạ viện đã được đưa ra hồi tuần trước và được hai ủy ban duyệt, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của tiến trình.
Ông Pence nói ông đến Kentucky vì bang này là "một ví dụ điển hình về thất bại của Obamacare". Phó tổng thống nói rằng mức phí bảo hiểm y tế ở tiểu bang "tăng vọt" trung bình là 24% hồi năm ngoái, và các gia đình trong gần một nửa tiểu bang không thể chọn công ty bảo hiểm mà họ muốn, vì chỉ có một công ty bảo hiểm tham gia chương trình liên bang.
Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật trong vòng chưa đầy hai tuần. - VOA
|
|
7.
Công tố viên cao cấp của Mỹ: Tôi bị sa thải
Một công tố viên liên bang của New York, người đã từ chối từ chức khi ông và 45 công tố viên khác đã bị chính quyền của ông Trump yêu cầu rời chức vụ, nói rằng ông đã bị sa thải.
Preet Bharara nói trên mạng Twitter rằng: "Tôi không từ chức. Cách đây một lát, tôi đã bị sa thải".
Ông Bharara lúc đầu được Tổng thống Donald Trump yêu cầu ở lại vị trí, khi họ gặp nhau sau cuộc bầu cử.
Nhưng vào ngày thứ Sáu, ông được đưa vào danh sách các công tố viên do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, mà được Bộ Tư pháp yêu cầu rời chức vụ.
Thông điệp trên Twitter của ông Bharara tiếp tục:
"Là Chưởng lý Hoa Kỳ tại Quận Nam New York (South District New York) mãi mãi sẽ là vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp chuyên nghiệp của tôi."
Các vị tổng thống thường yêu cầu những người được chính quyền trước đó bổ nhiệm từ chức.
Nhưng việc ông Bharara mới được đưa vào danh sách là một bất ngờ đặc biệt.
Trước đó, ông nói với các phóng viên vào hồi tháng Mười rằng ông đã được ông Trump đề nghị ở lại, và ông đã đồng ý.
'Danh sự và xuất sắc'
Vị Công tố viên nổi lên sau khi theo đuổi các vụ kiện tham nhũng và các vụ kiện chống lại các chủ ngân hàng phố Wall.
Ông cũng đã khởi tố cả các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trong số những vụ mà ông đang làm là một cuộc điều tra về việc gây quỹ của thị trưởng New York Bill de Blasio, cũng như vụ nhân viên Fox News kiện hãng này do quấy rối tình dục.
Sau khi được thông báo hôm thứ Bảy rằng ông đã từ chối từ chức, thượng nghị sĩ hàng đầu của New York, Brian Kolb nói: "Tốt cho Preet, ông ấy đang làm công việc mà ông được chỉ định để làm!"
Vào thứ Bảy, Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman nói trong một tuyên bố:
"Quyết định đột ngột và không thể giải thích được của Tổng thống Trump về việc bãi bỏ hơn 40 Chưởng lý Hoa Kỳ một lần nữa gây ra sự hỗn loạn trong chính phủ liên bang."
"Preet Bharara, giống như nhiều công tố viên Hoa Kỳ bị sa thải trong tuần này, đã phục vụ với danh dự và sự xuất sắc."
Tuy nhiên, chiến lược gia của đảng Cộng hòa Brian Walsh đã lập luận rằng việc sa thải là "không có gì mới" vì "các chưởng lý Hoa Kỳ phục vụ 'làm đẹp lòng' [tổng thống], ngay cả Preet".
Văn phòng của ông Bharara và Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận thêm, theo hãng tin AP. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
8.
Gia đình người gốc Việt ‘đột nhập’ Nhà Trắng lên tiếng
Người em của nghi can gốc Việt đột nhập khuôn viên Nhà Trắng hôm 11/3 cho CNN biết rằng anh trai mình, Jonathan Tuấn Anh Trần “bất ổn” sau khi bị cho nghỉ việc tại một công ty điện tử.
Brian từ California cho biết rằng Tuấn Anh “là người anh rất tốt” và trước khi bị bắt thì “sống trên ôtô của anh ấy và ăn thức ăn nhanh”. Người em này nói thêm rằng anh trai mình tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học San Jose State và “bị căng thẳng vì công việc”. Một phát ngôn viên của trường đại học này xác nhận rằng Tuấn Anh tốt nghiệp năm 2014.
Brian nói với kênh truyền hình CNN rằng một nhân viên của Cơ quan mật vụ Mỹ đã gọi điện cho gia đình, thông báo về vụ trèo hàng rào vào khuôn viên của Nhà Trắng của Tuấn Anh, khiến mẹ em “rất lo lắng”.
Chiều 11/3, phóng viên của tờ The Mercury News tới nhà của Tuấn Anh tại một khu vực dành cho tầng lớp lao động ở Milpitas, California. Tờ báo viết: “Trong khi các thành viên trong gia đình ngồi im bên trong, một người phụ nữ nói gia đình không muốn bình luận về vụ việc. Những người hàng xóm cũng từ chối bình luận hoặc không ra mở cửa”.
Người thanh niên gốc Việt 26 tuổi bị bắt sau khi trèo qua hàng rào ở phía nam Nhà Trắng lúc 11:38 phút tối 10/3, và nói với nhân viên an ninh rằng “tôi là bạn của tổng thống. Tôi có hẹn”.
Các hãng tin dẫn tài liệu của tòa án đưa tin rằng Tuấn Anh đeo ba lô, mang theo hộ chiếu Mỹ, một chiếc laptop nhãn hiệu Apple, một cuốn sách do Tổng thống Trump viết, một bức thư gửi cho “ông chủ” Nhà Trắng cùng hai bình xịt hơi cay hiệu Mace.
Theo kênh ABC, bức thư có nhắc tới “các tay hacker người Nga” mà anh ta có các thông tin liên quan, cũng như việc “bị theo dõi” và “điện thoại, các trao đổi qua email của anh bị đọc lén bởi bên thứ ba”.
Người thanh niên gốc Việt xuất hiện lần đầu tại tòa ở thủ đô Washington chiều 11/3 với tội danh “đi vào hoặc hiện diện khu vực cấm trong khi sử dụng hoặc mang theo một vũ khí nguy hiểm”. Tuấn Anh đối mặt với án tù 10 năm, theo Reuters. Tin cho hay, người thanh niên này không có “tiền án, tiền sự” và chưa từng gặp rắc rối với Cơ quan mật vụ Mỹ.
Theo CNN, cuộc điều tra vẫn tiếp diễn để xác định lý do vì sao nghi can gốc Việt có thể lọt vào khuôn viên Nhà Trắng được canh phòng cẩn mật mà không bị phát hiện.
Đây được coi là sự cố an ninh lớn đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức gần hai tháng trước.
Hồi đầu năm nay, một kế hoạch do Cơ quan Mật vụ Mỹ và Cơ quan quản lý công viên liên bang Hoa Kỳ đề xuất, theo đó kiến nghị xây hàng rào kiên cố hơn nhằm phát hiện và ngăn chặn những kẻ đột nhập đã được thông qua.
Theo Reuters, việc xây dựng hàng rào cao gần 4 mét, so với hơn 2 mét hiện nay, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm sau, tức hai năm chậm hơn so với tính toán. - VOA
|
|
9.
Hai thiếu niên tấn công tin tặc các sân bay Việt Nam
Hai thiếu niên bị cơ quan công an bắt giữ vì đã tấn công các website của các sân bay Việt Nam, nhưng sau đó được trả tự do, sau khi đã nhận tội, và cho biết là đã tấn công các website để khám phá và khoe khoang với bạn bè mà thôi.
Báo chí Việt Nam cho biết là trong các ngày 8, 9, và 10 tháng ba, các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, và Tuy Hòa đã bị hai thiếu niên này tấn công các trang web, thay đổi giao diện và để lại thông báo của mình.
Tên của hai người này không được tiết lộ, trên báo chí chỉ đưa tên tắt của họ mà thôi, nhưng cả hai đều 15 tuổi, một người sống ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, còn người kia sống tại Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. - RFA
|
|
10.
Ngư dân Việt ‘dạt’ sang Australia vì Trung Quốc?
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia, hãng tin ABC đưa tin hôm 10/3.
Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.
Họ cho biết đã phải “dạt” sang đánh bắt trong lãnh hải các nước láng giềng và thậm chí là phải tới cả Australia. Gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland hôm 15/2 vì đánh bắt hải sâm trái phép.
Mới đây, 14 người trong số đó phải ra tòa. 11 người chịu án tù treo vì vi phạm lần đầu. Hai người bị tống giam 4 tháng tù, còn một người chịu án 6 tháng, theo ABC.
Truyền thông Úc dẫn lời đại diện của cơ quan quản lý đánh bắt cá của Australia cho biết rằng có sự gia tăng đáng kể các tàu cá của Việt Nam đánh bắt trái phép trên lãnh hải Australia. “Chúng tôi thực hiện 13 vụ bắt giữ trong vòng 11 tháng qua”, quan chức này nói.
Không chỉ Australia, nhiều nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Palau thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.
Trung Quốc mới đây đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa từ từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó lên tiếng chỉ trích hành động đó là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền” của Hà Nội đối với Hoàng Sa.
Bất chấp lệnh cấm, quan chức Hội Nghề cá Việt Nam trước đây vẫn luôn kêu gọi ngư dân “tiếp tục duy trì sự hiện diện trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc làm đó "đẩy ngư dân vào tình thế nguy hiểm". - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment