Tin Thế Giới
1.
Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad ở Nam Hàn --- THAAD: Bắc Kinh gia tăng trả đũa thương mại Hàn Quốc
Hoa Kỳ cho hay đang bắt đầu triển khai giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn gây tranh cãi tại Nam Hàn.
Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) được thiết lập nhằm bảo vệ Nam Hàn trước đe dọa từ Bắc Hàn.
Một hôm trước, Bắc Hàn phóng bốn hỏa tiễn đạn đạo, vi phạm chế tài Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng thỏa thuận giữa Mỹ và Nam Hàn làm nhiều người trên bán đảo Triều Tiên tức giận, cũng như khiến Trung Quốc đưa ra phản ứng giận dữ.
Phát ngôn viên Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Ba 7/3 nói Trung Quốc cực lực phản đối việc triển khai Thaad.
Báo chí Hàn Quốc nói công tác lắp đặt một cụm phòng thủ Thaad bắt đầu hôm 6/3, một số bộ phận được chuyển từ Mỹ tới căn cứ quân sự gần Seoul. Quân đội Mỹ cũng ra thông cáo xác nhận "các cấu thành đầu tiên" của hệ thống đã được chuyển tới Nam Hàn.
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn quan chức quân đội cho hay hệ thống này có thể bắt đầu hoạt động "ngay từ tháng Tư".
Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad)
Có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn sắp tiếp đất
Sử dụng công nghệ bắn để tiêu diệt, trong đó động năng được dùng để phá hủy đầu đạn phóng tới
Có tầm che phủ 200km và đạt độ cao 150km
Hoa Kỳ từng triển khai Thaad tại Guam và Hawaii, cũng nhằm đối phó đe dọa từ Bắc Hàn
Tại sao Thaad gây tranh cãi?
Nhiều người Nam Hàn cho rằng hệ thống phòng thủ này có thể lại trở thành mục tiêu, gây nguy hiểm cho những người sống xung quanh.
Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối, thí dụ như tại Seongju vào tháng Tám năm ngoái.
Nga và Trung Quốc cũng đã nêu quan ngại về việc triển khai hệ thống này, với lý do radar của Thaad đặt tại Nam Hàn có thể thâm nhập sâu vào lãnh thổ của hai nước.
Năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Thaad vượt quá nhu cầu tự vệ trên bán đảo Triều Tiên và trực tiếp ảnh hưởng "lợi ích an ninh chiến lược" của Trung Quốc.
Người Trung Quốc cũng giận dữ chỉ trích tập đoàn Lotte của Nam Hàn, vốn cho phép đặt Thaad tại một trong các khu đất của hãng. - BBC
***
Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Seoul do việc việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. Đảng Tự Do Hàn Quốc, cầm quyền tại miền nam Triều Tiên, ngày 07/03/2017, vừa cho biết Seoul đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới- WTO về những biện pháp trả đũa thương mại của Bắc Kinh do việc triển khai THAAD.
Kể từ tháng 7/2017 khi Seoul quyết định cho lắp đặt hệ thống THAAD để đối phó với hiểm họa tên lửa Bắc Triều Tiên, các công ty của Hàn Quốc ở Trung Quốc liên tục bị tấn công tin tặc, bị xử phạt hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở.
Bắc Kinh càng gia tăng các biện pháp trả đũa, đặc biệt nhắm vào tập đoàn Lotte, kể từ khi tập đoàn đứng hàng thứ năm của Hàn Quốc vào tuần trước chấp nhận nhượng cho Nhà nước sân golf của tập đoàn này để lấy đất làm nơi triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa. Tập đoàn Lotte lại có mặt rất nhiều tại Trung Quốc cho nên càng là mục tiêu tấn công dễ dàng.
Uy Long, một công ty thực phẩm của Trung Quốc, vừa rút toàn bộ các mặt hàng của công ty này khỏi 120 cửa hàng của Lotte ở Trung Quốc, và tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc nữa. Một liên đoàn gồm khoảng 100 công ty cung cấp hàng cho các siêu thị cũng đã hứa sẽ « trừng trị » Lotte. Còn tại tỉnh Cát Lâm, sát biên giới Bắc Triều Tiên, người tiêu dùng được kêu gọi tẩy chay Lotte.
Theo thông báo của Lotte, hàng chục cửa hàng của tập đoàn ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, với lý do là các cơ sở này không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã buộc tập đoàn Lotte đình chỉ một dự án công viên giải trí 2,5 tỷ đôla ở tỉnh Thẩm Dương. Không những thế, trang web của Lotte trong tuần qua còn bị tấn công tin tặc.
Vốn đã đầu tư hơn 8 tỷ đôla ở Trung Quốc từ năm 1994, Lotte hiện có đến 22 chi nhánh ở nước này, sử dụng tổng cộng 26 000 nhân viên, và mỗi năm thu về 2,5 tỷ đôla. Bị đánh trực diện như vậy, Lotte bị thiệt hại rất nhiều.
Ngay cả tại Hàn Quốc, các cửa hàng miễn thuế của Lotte chủ yếu sống nhờ vào các du khách Trung Quốc. Thế mà các công ty du lịch Trung Quốc dường như vừa được lệnh tạm ngưng bán các tour du lịch sang Hàn Quốc, « vì lý do an ninh ».
Hãng tin Yonhap cũng vừa loan tin là Trung Quốc đã lại bác đơn của các hãng hàng không Hàn Quốc xin mở thêm các chuyến bay giá rẻ giữa hai nước. Trong hai tháng 1 và 2, phía Trung Quốc cũng đã bác những yêu cầu tương tự của các hãng hàng không Hàn Quốc.
Nhưng không chỉ về mặt thương mại, hệ thống lá chắn chống tên lửa này còn ảnh hưởng đến trao đổi văn hóa giữa hai nước. Các chuyến lưu diễn của những nhóm nhạc K-pop, rất ăn khách ở Trung Quốc, đã bị hủy.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, nhập đến một phần tư hàng xuất khẩu của nước này. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã tuyên bố là Hàn Quốc cùng với Mỹ sẽ «gánh chịu những hậu quả nặng nề » do việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD. Như vậy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp trả đũa thương mại Seoul. - RFI
|
|
2.
Hải quân TQ sắp mở rộng nhân lực, tàu chiến
Hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng thêm trong cuộc cải cách quân đội hiện nay không chỉ về số lượng tàu chiến mà cả số lượng quân nhân, theo bài viết trên báo Ta Kung Pao của Trung Quốc ngày 6/3.
Bài viết dẫn lời ông Lưu Hiểu Giang, cựu phó chính uỷ hải quân Trung Quốc, cho biết thêm rằng một phần các binh sĩ trong các lực lượng trên bộ sẽ được tái bố trí thành lực lượng thủy quân lục chiến trong hải quân.
Ông Lưu nói Hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong quốc phòng để hỗ trợ cho nhiệm vụ ngày càng tăng trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh, kể cả ở khu vực Biển Đông.
Ông Lưu tuyên bố: “Trung Quốc là một nước ven biển và khi chúng ta bảo vệ chủ quyền hàng hải và phát triển các lợi ích của chúng ta, hải quân sẽ có vai trò quan trọng hơn.”
Các giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các công trình ở Biển Đông có thể dùng để chứa phi đạn.
Tuyên bố của ông Lưu được đưa ra sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong một phúc trình hàng năm về công tác chính phủ, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình và rằng Trung Quốc sẽ “tiến lên và trở thành một cường quốc hải quân vững mạnh.”
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và đã xây dựng các đường băng và củng cố các cấu trúc trên một vài đảo nhân tạo, cũng như thường xuyên phái tàu bè tuần tra quanh khu vực Điếu Ngư (tức Senkaku theo tiếng Nhật) ở Biển Hoa Đông khiến Nhật khó chịu.
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo hành động của Trung Quốc xây đảo nhân tạo là bất hợp pháp, nhưng dường như thôi đưa ra lập trường cứng rắn trong những tuần lễ gần đây. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố Washington thấy không cần phải có những hoạt động quân sự quan trọng tại Biển Đông. - VOA
|
|
3.
Chủ tịch Tập Cận Bình: Thượng Hải phải dẫn đầu về cải cách và đổi mới
Thượng Hải phải dẫn đầu kế hoạch cải cách và đổi mới của Trung Quốc, cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp thường niên của quốc hội.
Theo Tân Hoa Xã, hôm Chủ nhật, ông Tập nói với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) rằng Thượng Hải phải cố gắng để đảm bảo rằng khu vực thương mại tự do của thành phố là một pháo đài của cải cách và đổi mới tài chính.
Thành phố này cũng nên hỗ trợ cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm cung cấp các dịch vụ dọc theo con đường tơ lụa thương mại, ông Tập nói với các đại biểu quốc hội, cơ quan lập pháp phần lớn làm theo chỉ đạo.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói thêm rằng khu vực tự do thương mại Thượng Hải phải là một kênh cho các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra thị trường bên ngoài, và là một điển hình cho các khu vực khác.
Môi trường toàn cầu rất phức tạp và biến động. Áp lực đối với nền kinh tế trong nước là rất lớn, ông Tập nói, trong khi Trung Quốc vẫn trụ vững trong quá trình phát triển.
Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ thiết lập 7 khu thương mại tự do mới ở Liêu Ninh, Chiết Giang, Hà Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Trùng Khánh. - VOA
|
|
4.
Bắc Kinh: Có quyền ‘can thiệp’ bầu cử Hồng Kông
Nhân vật được xem là quyền lực thứ ba của Trung Quốc hôm thứ Hai nói Bắc Kinh có quyền “can thiệp” cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông, Reuters dẫn lời các chính trị gia địa phương đã gặp nhân vật này nói trong bài phát biểu gây nhiều quan ngại về sự can thiệp của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc và cũng là giới chức hàng đầu về các vấn đề Hồng Kông, ông Trương Đức Giang, đã đưa ra phát biểu trên sau khi các giới chức khác cố hạ giảm tin đồn cho rằng Bắc Kinh đang can thiệp vào cuộc đua nhằm giúp cho ứng cử viên ưa thích của mình chống lại một nhân vật nổi tiếng hơn.
Theo luật được áp dụng kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho chính quyền Trung Quốc vào năm 1997, khu tự trị Hồng Kông có quyền chọn lựa trưởng đặc khu thông qua một ủy ban bầu cử với 1.200 ngườii, trong đó có nhiều người thân Bắc Kinh.
Ủy ban sẽ bỏ phiếu vào cuối tháng này để đưa ra quyết định chọn giữa một cựu giới chức và một thẩm phán về hưu lên làm lãnh đạo thành phố 7,3 triệu dân.
Tuy nhiên, tính độc lập của cuộc bầu cử đã bị đặt nghi vấn, khi nhiều thành viên của Ủy ban bầu cử cho truyền thông biết họ đã nhận được các cuộc gọi từ những người có quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc với nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng trên lá phiếu của họ.
Người đứng đầu Văn phòng đại diện của Bắc Kinh ở Hong Kong, Trương Hiểu Minh, hồi cuối tuần qua nói những cáo buộc can thiệp chỉ là tin đồn.
Ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, nói điều quan trọng của cuộc bầu cử là nó diễn ra suôn sẻ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trưởng đặc khu chính là liên kết giữa Bắc Kinh và trung tâm tài chính của châu Á, Reuters dẫn lời đại biểu quốc hội Hồng Kông Maria Tam cho biết.
Bà Tam tóm tắt phát biểu của ông Trương nói: “Đây là một vai trò rất quan trọng. Do đó, chính quyền trung ương có quyền can thiệp vào”.
Trong các cuộc họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh, ông Trương cũng cảnh báo rằng Hồng Kông không nên để cho chính trị chi phối đời sống của thành phố này.
Ông nói thêm rằng rất không may “chính trị đường phố” đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày tại Hồng Kông, trong khi thành phố Thâm Quyến lân cận đã bắt kịp Hồng Kông về mặt kinh tế.
Hồng Kông đã được trả về cho Trung Quốc theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép khu vực này có sự tự do mà Trung Quốc đại lục không có.
Cuộc bầu cử trong tháng này là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ trên đường phố, làm rung chuyển Hồng Kông vào cuối năm 2014. - VOA
|
|
5.
Malaysia và Bắc Hàn trả đũa lẫn nhau
Bắc Hàn cấm công dân Malaysia rời khỏi nước họ và ngược lại, trong lúc căng thẳng ngoại giao leo thang liên quan vụ giết Kim Jong-nam.
Thông tấn xã KCNA nói rằng lệnh cấm được áp dụng "cho đến khi vụ việc xảy ra ở Malaysia được giải quyết đúng đắn".
Ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, bị giết hồi tháng trước tại Malaysia.
Bắc Hàn phủ nhận việc nước này bị quy tội.
Bình Nhưỡng chỉ trích quyết liệt việc Malaysia tiến hành điều tra cái chết của ông Kim Jong-nam, bác bỏ những phát hiện từ cuộc khám nghiệm tử thi.
Tranh cãi về việc ai có quyền yêu cầu nhận thi thể ông Kim Jong-nam nhanh chóng leo thang trong hai tuần qua.
Các động thái trả đũa diễn ra trong lúc Bình Nhưỡng giận dữ về việc Malaysia mở cuộc điều tra về cái chết của ông Kim Jong-nam tại sân bay Kuala Lumpur.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói việc Bình Nhưỡng cấm công dân Malaysia rời Bắc Hàn là hành động "đáng ghê tởm", "xem thường luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao".
'Biện pháp cần thiết'
"Công dân Malaysia đang bị cầm giữ làm con tin ở Bắc Hàn", thông cáo của ông viết.
"Bảo vệ công dân của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu, và chúng tôi không ngại thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết khi họ đang bị đe dọa."
Ban đầu, Phó Thủ tướng Ahmad và Bộ trưởng Nội vụ Zahid Hamidi tuyên bố rằng để đáp trả, nhân viên sứ quán và các quan chức Bắc Hàn sẽ không được phép rời khỏi Malaysia.
Tuy nhiên, ông Razak sau đó tuyên bố rằng lệnh cấm sẽ mở rộng đối với tất cả công dân Bắc Hàn.
Các quan chức Malaysia nói rằng 11 công dân Malaysia được cho là hiện đang ở Bắc Hàn, chủ yếu là các nhà ngoại giao.
Họ cũng ước tính có khoảng 1.000 người Bắc Hàn hiện đang ở Malaysia.
Không rõ số lượng chính xác của công dân Bắc Hàn ở Malaysia vì ngoài những người đi làm nhiệm vụ ngoại giao, Bình Nhưỡng còn gửi người đi xuất khẩu lao động.
Cho đến tuần trước, công dân Bắc Hàn không cần thị thực nhập cảnh vào Malaysia.
Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận rằng thi thể trong vụ giết hại hôm 13/2 là Kim Jong-nam mà chỉ thừa nhận là một công dân Bắc Hàn.
Vụ giết hại xảy ra khi ông Kim Jong-nam đang đi du lịch với hộ chiếu dùng tên khác.
Trong khi Malaysia không trực tiếp quy tội cho Bắc Hàn về vụ giết hại, người ta vẫn nghi ngờ Bình Nhưỡng có trách nhiệm trong vụ này.
Một số nghi phạm Bắc Hàn đang bị cảnh sát truy tìm vì liên quan đến vụ giết Kim Jong-nam. Hai nữ nghi phạm người Việt Nam và Indonesia đã bị buộc tội giết người.
Malaysia và Bắc Hàn hiện đã trục xuất đại sứ của nhau.
Lịch sử quan hệ Malaysia - Bắc Hàn
Malaysia là một trong số ít các quốc gia có quan hệ khá thân thiện với Bắc Hàn
Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được thiết lập từ thập niên 70
Do giao thương dầu cọ và thép ngày càng tăng giữa hai nước, Bắc Hàn lập tòa đại sứ ở Kuala Lumpur vào năm 2003
Ông Chang Song-thaek, người bị tử hình năm 2013 và là chú của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, từng nắm vai trò Đại sứ của Bắc Hàn ở Malaysia
Nhưng nay chế độ miễn thị thực cho người Malaysia và Bắc Hàn khi nhập cảnh vào hai nước bị bãi bỏ đột ngột sau khi xảy ra vụ sát hại ông Kim Jong-nam. - BBC
|
|
6.
Đức phẫn nộ vì bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “phát xít”
Công luận và chính giới Đức ngày càng giận dữ sau khi bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chụp mũ là « phát xít ». Bực tức vì không được tổ chức mít tinh tại Đức để ủng hộ việc tăng thêm quyền hạn cho chính mình, ông Erdogan đã không ngần ngại chỉ trích Berlin là có hành động không khác thời Đức Quốc Xã.
Thông tín viên RFI tại Berlin Anne Maillet ghi nhận phản ứng phẫn nộ tại Đức trước lời phỉ báng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :
Người Đức không nguôi cơn giận : Lời lẽ bị cho là mang tính chất phỉ báng, cao ngạo hay không đúng chỗ, của tổng thống Erdogan ví nước Đức ngày nay với thời Quốc Xã trước đây đã gây phản ứng mạnh mẽ. Một số chính khách đã đòi Ankara chính thức xin lỗi.
Tuy nhiên thủ tướng Angela Merkel muốn làm dịu tình hình : Tuy phản bác những lời tố cáo « hành động như thời Quốc Xã » của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Đức kêu gọi Ankara bình tĩnh. Phát ngôn viên phủ thủ tướng Đức Steffen Seibert nhắc nhở : « Không nên quên ý nghĩa quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai bên ».
Đức không muốn cắt đứt đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chủ yếu giúp giảm làn sóng di dân vào châu Âu.
Nhưng tại Đức ngày càng có thêm nhiều tiếng nói, trong phe đối lập và trong giới truyền thông, đòi Berlin phải cứng rắn hơn đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một cuộc thăm dò dư luận được tờ báo Bild công bố hôm Chủ Nhật, 81% người Đức đánh giá là chính quyền Berlin quá nhún nhường trước Ankara. - RFI
|
|
7.
Pháp: Ứng viên Fillon vẫn được ban lãnh đạo cánh hữu ủng hộ
Mặc dù có nguy cơ bị truy tố về nghi án việc làm giả và uy tín đang bị sụt giảm mạnh, ứng viên tổng thống François Fillon vẫn được ban lãnh đạo đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ủng hộ.
Hôm qua, 06/03/2017, sau một cuộc họp nhằm giải quyết khủng hoảng, ban chính trị của đảng Những Người Cộng Hòa cuối cùng đã « nhất trí ủng hộ » cựu thủ tướng Fillon. Về phần ông Fillon đã kêu gọi « những người có thiện chí » tập hợp chung quanh ông.
Cho đến giờ chót, những người thân cận với cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đã cố thuyết phục ông Fillon rút lui và tự chọn người thay thế ra tranh cử. Nhưng rốt cuộc cựu thủ tướng Pháp vẫn giữ nguyên được vị thế ứng cử viên cánh hữu, nhất là sau khi thị trưởng Bordeaux Alain Juppé tuyên bố dứt khoát sẽ không ra tranh cử.
Tuy vậy, ông Fillon chấp nhận sẽ nhanh chóng gặp hai ông Sarkozy và Juppé để thảo luận về tình hình cánh hữu, mà hiện đang bị chia rẽ trầm trọng. Hơn 300 dân biểu cánh hữu đã tuyên bố bỏ rơi ứng cử viên Fillon, trong đó có cả phát ngôn viên và giám đốc phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ông.
Kết quả các cuộc thăm dò hiện nay đều dự báo là ông Fillon sẽ bị loại ở vòng một bầu cử tổng thống Pháp ngày 23/04/2017. Hai nhân vật vẫn được dự báo vào vòng hai là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen và ứng viên độc lập Emmanuel Macron, nguyên là bộ trưởng Kinh Tế của tổng thống François Hollande.
Hôm qua, ông Hollande đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bà Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Trong số những người thân cận với tổng thống Hollande, một số nhân vật không đồng ý với chương trình tranh cử của ứng cử viên Xã Hội Benoit Hamon, cho nên có thể quay sang ủng hộ ứng cử viên Macron. - RFI
|
|
8.
Tài sản kếch sù của thủ tướng Nga Medvedev
Nổi tiếng là một người chống tham nhũng, có cuộc sống thanh bạch, thực tế cho thấy thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đang đứng đầu một tài sản khổng lồ, gồm bất động sản, ruộng nho, du thuyền trị giá hơn 16 triệu đô la. Tin trên được blogger Alexei Navalny, kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Putin đăng tải trên mạng internet hôm 02/03/2017.
Đoạn băng video và điều tra về tài sản của đương kim thủ tướng Medvedev đã được hơn 26 triệu lượt người truy cập, nhưng truyền thông Matxcơva hoàn toàn im lặng.
Công luận thường biết đến Dmitri Medvedev như một người kín đáo, liên tục được cất nhắc vào chức vụ thủ tướng, rồi tổng thống Nga nhờ lòng trung thành với Vladimir Putin. Người ta cũng biết đến ông Medvedev như một chính khách có cuộc sống khiêm tốn, thú tiêu khiển của ông là mua sắm đồ điện tử, và hai chiếc xe hơi Volga cổ lỗ từ thời Liên Xô.
Hình ảnh đó rất xa vời với thực tế, ít ra là căn cứ vào điều tra của nhà viết blog Nalvalny. Theo tin được phát tải trên mạng của tiếng nói đối lập này, thì Dmitri Medvedev là chủ nhân của nhiều ngôi biệt thự nguy nga tại thành phố biển Sotchi, 6 căn hộ ở sang trọng ở thành phố Saint Petersbourg, sở hữu hai chiếc du thuyền hạng sang, ông làm chủ luôn cả nhiều ruộng nho ở miền nam nước Nga và cả ở tận vùng Toscane nắng ấm của nước Ý. Chưa hết, tài sản của thủ tướng Nga còn bao gồm luôn cả một hệ thống sản xuất thực phẩm, cung cấp cho thị trường từ sữa bò đến mật ong, từ thịt đến ngũ cốc.
Cũng trong điều tra được Alexei Navalny công bố trên mạng, thủ tướng Medvedev còn có một đối tác làm ăn rất quan trọng là Ilya Eliseev. Ông này quen biết với Dmitri Medvedev thời ở đại học và giờ đây đang điều hành một « cỗ máy kinh doanh » hơn 650 triệu đô la. Cũng nhân vật này hiện là đồng chủ tịch của chi nhánh ngân hàng Gazprom Bank, dường như đã tặng không cho một quỹ từ thiện 463 triệu đô la, mà chủ nhân quỹ này, không ai khác ngoài ông Medvedev.
Như tổ chức chống tham nhũng Minh Bạch Quốc Tế Transparency International ghi nhận thủ tướng Nga không phải là người tham lam, mà ông ấy chỉ "tận dụng những kẽ hở trong bộ luật chống tham nhũng của Nga liên quan đến các hoạt động từ thiện để làm giàu". - RFI
|
|
9.
Chủ tịch Cuba chỉ trích Tổng thống Trump
Chủ tịch Cuba, Raul Castro, ngày 5/3 kịch liệt chỉ trích các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump về di trú, thương mại, và các chính sách khác trong lúc ông Trump đang xem lại mối quan hệ tan băng chưa vững chắc với nước cộng sản Cuba mà người tiền nhiệm Barack Obama đã ‘hâm nóng’ .
Trong những lời chỉ trích đầu tiên nhắm thẳng vào ông Trump kể từ khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức, ông Castro gọi các chính sách mậu dịch của ông Trump là ‘tự cao tự đại’ và mô tả kế hoạch của ông Trump muốn xây tường biên giới với Mexico là ‘phi lý.’
Bài diễn văn của ông Castro tại Venezuela được đài truyền hình nhà nước phát sóng tối ngày 5/3.
Trước khi lên nhậm chức, ông Trump từng đe dọa sẽ coi lại mối quan hệ vừa tan băng với nước cựu thù thời Chiến tranh lạnh trừ phi đạt được ‘một thỏa thuận tốt hơn.’
Tòa Bạch Ốc tháng trước cho biết đang xem lại toàn bộ các chính sách của Mỹ đối với Cuba.
Chủ tịch Cuba nói tình trạng di cư là do sự bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng gây ra bởi hệ thống kinh tế quốc tế không công bằng và vì thế bức tường biên giới ông Trump định dựng lên với Mexico là ‘phi lý’ nhắm vào tất cả công dân Mỹ Latin, chứ không riêng gì người Mexico. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Các nhóm nhân quyền quyết hành động nhanh để chặn lệnh du hành mới của TT Trump
Các nhóm nhân quyền nói sắc lệnh mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm thứ Hai không có gì khác so với sắc lệnh đầu tiên được đưa ra vào tháng 1 và cho biết họ sẽ ngăn chặn nó. Các tòa án liên bang đã chặn lệnh cấm đầu tiên của Tổng thống Trump vào tháng trước sau khi nó gây ra sự bối rối tại các sân bay trong nước và quốc tế và bị chỉ trích nặng nề. Phiên bản mới của sắc lệnh này bỏ lệnh cấm vô thời hạn đối với những người tị nạn Syria và cũng bỏ Iraq ra khỏi danh sách 7 nước có phần lớn người Hồi giáo sinh sống bị cấm trong sắc lệnh trước đây. Nhưng nó lại tái khẳng định một lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người tị nạn. Theo ghi nhận của Zlatica Hoke của đài VOA, có những phản ứng trái ngược nhau đối với sắc lệnh mới này.
Lệnh cấm du hành mới sửa đổi được đưa ra 6 tuần sau khi sắc lệnh ban đầu gây ra những bối rối tại các sân bay trong nước và quốc tế trước khi nó bị các tòa án liên bang chặn lại. Nhà Trắng hôm thứ Hai đã bảo vệ sắc lệnh ban đầu, cho biết rằng phiên bản được chỉnh sửa được đưa ra chỉ nhằm mục đích tránh sự kiện tụng và tăng tốc quá trình đảm bảo an ninh ở các đường biên giới của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson nói lệnh cấm này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ đất nước trước sự xâm nhập của những kẻ khủng bố nước ngoài vào Mỹ:
"Và Bộ Ngoại giao sẽ thực thi những điều khoản trong sắc lệnh này, cho phép những người tị nạn vào Mỹ khi họ được xác định rằng sẽ không đe dọa đến an ninh hoặc ảnh hưởng đến các phúc lợi của Mỹ."
Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội ngay lập tức lên án sắc lệnh mới, cho rằng nó không khác gì so với sắc lệnh ban đầu.
Dân biểu Chuck Schumer là thành viên đảng Dân chủ của bang New York và là người lãnh đạo khối thiểu số của Thượng viện Mỹ. Ông nói:
"Nó chỉ là một lớp sơn mới trên 1 chiếc xe cũ không còn hoạt động được nữa."
Các nhóm nhân quyền nói lệnh cấm du hành được sửa đổi tiếp tục đối xử phân biệt với người Hồi giáo và do đó không hợp pháp.
Ông Lee Gelernt là một luật sư và hiện là phó giám đốc dự án Quyền của người nhập cư của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ. Ông cho biết:
"Lệnh cấm đã rất hạn chế ngay từ đầu. Nó loại bỏ một số phức tạp về pháp lý như quyền của các thường trú nhân hợp lệ. Nhưng nó không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản với hiến pháp mà chúng ta đã thấy trong sắc lệnh ban đầu, theo đó phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo. Và do đó chúng tôi sẽ tiếp tục thách thức sắc lệnh này."
Những người tị nạn Syria ở Jordan được dự định sẽ tái định cư tại Mỹ đã thất vọng về sắc lệnh đầu tiên.
Mahmoud Mansour là một người tị nạn Syria đang chờ được tái định cư tại Mỹ:
"Chúng tôi đã chờ đợi cả năm trời. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc sát hạch. Chúng tôi rất bối rối và mệt mỏi vì những quy trình mất nhiều thời gian. Chúng tôi đã sẵn sàng để đi định cư thì bị chặn lại. Chúng tôi hy vọng sắc lệnh mới sẽ cho chúng tôi 1 chút hy vọng."
Người dân Iraq đã rất hoan nghênh sắc lệnh mới vì nó bỏ Iraq ra khỏi lệnh cấm du hành.
Fadi Salah là một thành viên của tổ chức phi chính phủ của Iraq Lutheran World Federation:
"Một điều tốt là chúng tôi giờ đây có thể tới Mỹ và chứng minh cho bản thân chúng tôi, mà thực ra là sau này khi chúng tôi trở lại đất nước mình và chứng minh điều đó."
Sắc lệnh mới có hiệu lực vào 16/3. Nó tạm thời cấm những người mang hộ chiếu Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen không được du hành tới Mỹ. - VOA
|
|
11.
Cộng Hòa Hạ Viện đưa dự luật thay thế Obamacare
Phía đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện vào chiều Thứ Hai, 6 Tháng Ba, công bố dự luật được chờ đợi từ mấy tháng nay nhằm thay thế Obamacare, theo đó sẽ giảm thiểu vai trò của chính phủ trong lãnh vực y tế đại chúng và nhiều phần sẽ khiến thêm nhiều người Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe.
Dự luật này mang tên “American Health Care Act” nhằm bác bỏ và thay thế “Affordable Care Act” (tức Obamacare).
Các ủy ban Hạ Viện dự trù sẽ bắt đầu cuộc bỏ phiếu dự luật dày 123 trang này vào ngày Thứ Tư tuần tới, bắt đầu điều có thể khai diễn cuộc chiến nghị trường của năm 2017 và hoàn tất nỗ lực có từ bảy năm nay của phía Cộng Hòa là hủy bỏ luật Obamacare, vốn được ban hành vào năm 2010.
Tuy các nhà lãnh đạo phía đảng Cộng Hòa trông đợi sẽ có được sự hậu thuẫn của chính phủ Trump, hiện vẫn còn nhiều bất đồng ý kiến trong nội bộ đảng và sự thành công của phía Cộng Hòa về vấn đề này hiện không được coi là chắc chắn.
Dự luật mới đưa ra sẽ hủy bỏ một điều từng khiến nhiều người bất mãn là phạt những ai không có bảo hiểm sức khỏe. Dự luật này sẽ hủy việc trợ giúp chi phí đóng tiền bảo hiểm dựa trên mức lương và thay bằng cách bồi hoàn tiền thuế dựa trên số tuổi, từ $2,000 cho tới $14,000, một điều có thể không giúp gì nhiều cho thành phần có lợi tức thấp.
Tuy nhiên, những người không được trả lại tiền thuế vẫn có thể nhận được sự trợ giúp nêu trên.
Những người có lợi tức cao thì sẽ không được nhận sự trợ giúp này.
Dự luật sẽ tiếp tục duy trì việc mở rộng Medicaid có từ thời Obama cho những người có lợi tức thấp tới năm 2020. Sau đó, các tiểu bang nhận thêm người vào chương trình Medicaid sẽ không còn được nhận trợ giúp tài chánh thêm từ chính phủ liên bang.
Ðiều quan trọng hơn cả là dự luật của phía Cộng Hòa sẽ cải tổ chương trình Medicaid, theo đó không còn sự trợ giúp tài chánh vô hạn định từ liên bang mà sẽ giới hạn trên số người gia nhập và chi phí tùy theo từng tiểu bang.
Chương trình này dự trù sẽ chi trả cho ít người hơn con số 20 triệu người đang được bảo hiểm sức khỏe theo chương trình Obamacare, kể cả nhiều người dân sống trong các tiểu bang nơi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi Tháng Mười Một vừa qua.
Phía Cộng Hòa cho hay họ chưa có ước tính chi phí cho chương trình bảo hiểm sức khỏe mới, nhưng giới chức thông thạo ở cả hai đảng đều đồng ý rằng số người được bảo hiểm sẽ ít đi.
Chủ tịch Hạ Viện, ông Paul Ryan, cho hay dự luật sẽ “giảm chi phí, khuyến khích có sự cạnh tranh, và cho mọi người dân Mỹ quyền được có bảo hiểm sức khỏe có giá phải chăng và có phẩm chất.”
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đảng Cộng Hòa có khuynh hướng bảo thủ hơn, như Thượng Nghị Sĩ Rand Paul, đại diện tiểu bang Kentucky, bày tỏ sự không hài lòng, nói rằng dự luật này xem giống như “Obamacare loại nhẹ” đối với ông, và đòi hỏi phải hoàn toàn hủy bỏ Obamacare. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
12.
Minh bạch Quốc tế: Tỷ lệ hối lộ ở Việt Nam cao thứ nhì Châu Á-TBD
Tổ chức theo dõi chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế đặt ở Berlin hôm thứ Ba cho hay khoảng 900 triệu người, tương đương khoảng 1/4 dân số, ở 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ công. Sau khi phỏng vấn 22.000 người trong khoảng thời gian 18 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017, Minh bạch Quốc tế cho biết cảnh sát là những viên chức hay đòi hối lộ nhất với gần 1/3 số người tham gia khảo sát nói rằng họ phải hối lộ trong năm qua.
Ấn Độ có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong số 16 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Minh bạch Quốc tế khảo sát. 69% người được phỏng vấn ở Ấn Độ nói họ phải trả tiền hối lộ. Đứng thứ nhì sau Ấn Độ là Việt Nam với khoảng 2/3 số người, tương đương 65%, đã phải hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công.
Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc có tỉ lệ thấp hơn nhiều với mức 26%, trong khi đó ở Pakistan là 40%.
Trái ngược lại, nước có mức tham nhũng ít nhất là Nhật Bản, chỉ có 0,2% số người được hỏi cho biết họ đã trả tiền hối lộ.
Trong khi ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, những người nghèo thường là mục tiêu của nạn hối lội, lại có xu hướng ngược lại ở những nước như Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Trên toàn khu vực, chỉ có 20% cho biết họ nghĩ rằng số vụ tham nhũng đã giảm đi, trong khi 40% nói rằng tình hình đã tồi tệ hơn. Ở Trung Quốc, gần 3/4 số người được hỏi cho biết tình hình đã xấu đi trong ba năm qua kể từ khi báo cáo gần đây nhất về khu vực được công bố vào năm 2013. - VOA
|
|
13.
Báo cáo nhân quyền 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ
Báo cáo nhân quyền 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 3 tháng 3 cho biết hiện Việt Nam vẫn giam giữ 94 từ nhân chính trị tính cho đến ngày 16 tháng 12 năm ngoái. Con số này vào cuối năm 2015 là 95 người.
Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn khẳng định không có tù nhân chính trị ở Việt Nam nhưng lại không cho phép các tổ chức nhân quyền quốc tế được tiếp xúc với những người này.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2016, chính phủ Việt Nam đã kết án tù 12 nhà hoạt động xã hội vì họ đã thực hiện quyền của mình một cách ôn hòa. Các tội danh mà Hà Nội thường áp dụng với những người này là lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thực hiện các hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, tuyên truyền chống phá nhà nước.
Hoa Kỳ cũng cáo buộc Việt Nam không cho phép các luật sư bào chữa được gặp thân nhân mình trước phiên tòa để chuẩn bị bào chữa, ngăn cản họ tiếp cận hồ sơ để làm bằng chứng trước phiên tòa. - RFA
|
|
14.
8/3: Kêu gọi trả tự do cho những phụ nữ đấu tranh đang bị giam cầm
Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, 20 tổ chức xã hội dân sự, tổ chức đấu tranh cùng với 50 khuôn mặt quen thuộc của các phụ nữ hoạt động đã ký vào bản lên tiếng hướng về các phụ nữ đấu tranh trong tù.
Ngoài ra, theo thông báo của bản lên tiếng, các tổ chức cũng sẽ có một số hoạt động để vinh danh các phụ nữ kiên cường, như hội thảo trong và ngoài nước về vai trò phụ nữ trong công cuộc đấu tranh, và nhiều nhà hoạt động sẽ mang hoa đến trại tù và gia đình.
50 phụ nữ hoạt động cho nhân quyền và 20 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ngày 3/3 ra tuyên bố ủng hộ các nữ tù nhân lương tâm Việt Nam.
Bản lên tiếng ngày 3/3 viết: “Tại Việt Nam, ngày Phụ nữ Quốc tế càng có một ý nghĩa thật trang trọng và đặc biệt khi có nhiều phụ nữ đang phải chịu tù đày vì những việc làm vô cùng bình thường của mình để đóng góp vào xã hội. Chúng ta không thể kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc Tế mà không nhớ đến họ.”
“Dù đã thoát ra khỏi nhà tù nhỏ hay vẫn còn trong ngục tối, họ và nhiều người phụ nữ khác không ngừng gióng lên tiếng nói lương tâm của mình như bao người phụ nữ trên thế giới đã từng làm, cho cuộc sống gia đình, tương lai con cháu và một xã hội nhân bản hơn.”
VOA xin trích dẫn tiểu sử của các nữ hoạt động nhân quyền đang bị giam cầm do nhóm các tổ chức xã hội dân sự cung cấp:
Bà TRẦN THỊ NGA năm nay 40 tuổi và mẹ của bốn người con, trong đó có hai người con trai nhỏ. Vì những hoạt động hỗ trợ dân oan, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống Formosa,... mẹ con bà Nga liên tục bị công an bắt cóc, chặn đánh giữa đường. Sau nhiều ngày bị khủng bố, đe dọa và giam lỏng tại nhà riêng, bà Trần Thị Nga đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự - “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Bà CẤN THỊ THÊU có thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương Nội. Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà từng bị bắt và bị kết án 15 tháng tù. Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ hoạt động cho quyền lợi của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa. Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, và sau đó bị kết án 20 tháng tù.
Bà NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH - Mẹ Nấm, là một blogger viết về các vấn đề xã hội và là mẹ của hai đứa con nhỏ. Từ năm 2009 đến năm 2016, Mẹ Nấm đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động dân sự, đòi nhân quyền và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo. Mẹ Nấm bị bắt ngày 10 tháng Mười năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 - “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cô NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN bị bắt giữ vào cuối tháng Bảy năm 2011 vì chụp hình một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ nhà nước” theo điều 79. Tuy học làm nghề thẩm mỹ, cô gái 26 tuổi này là người nhiệt huyết cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền, thể hiện qua việc làm của một ký giả nhiếp ảnh. Cô đến những nơi nào có bất ổn xã hội, có biểu tình công cộng để chụp hình và tạo chú ý cho các sự kiện này.
Bà TRẦN THỊ THÚY là một Phật tử Hòa Hảo hoạt động cho quyền lợi của dân oan, đang thụ án tù 8 năm sau khi bị kết án “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương. Mang bệnh nan y trong người và sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt trong tù, bà Thúy nhiều lần bị giới chức trách khước từ cho đi chữa trị sức khoẻ. Tình trạng của bà hiện đang được quốc tế báo động.
Bà NGUYỄN THỊ MINH THÚY là một nhân viên kế toán với hai đứa con nhỏ. Bà được biết đến là cộng sự của Blogger Nguyễn Hữu Vinh - Anh Ba Sàm trong việc điều hành trang web Ba Sàm phê phán chính quyền Việt Nam và thông tin về các vấn đề xã hội. Công an bắt giữ bà Minh Thúy vào tháng 5 năm 2014 với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự và sau đó kết án bà 3 năm tù.
Cô LÊ THU HÀ là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, đảm trách chức vụ thư ký và ngoại giao cho hội. Cô cũng là một trong những người thực hiện chương trình Lương Tâm TV, một kênh truyền thông được phát trên YouTube nói về các vấn nạn xã hội. Ngày 16 tháng 12 năm 2015, cô Lê Thu Hà bị bắt cùng Luật sư Nguyễn Văn Đài với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. - VOA
|
|
15.
Nổ ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, hai người bị bỏng
Một vụ nổ lớn diễn ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hôm 7/3 khiến hai người bị bỏng 20% và 35%.
Hôm 7/3, Bộ Công Thương phát đi thông cáo cho hay: "Lúc 10:45 hôm 7/3 tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xảy ra hiện tượng cháy kèm theo khói và lửa bốc lên tại cột ống khói của nhà máy."
"Đến 11:30, sự cố đã được khống chế."
"Toàn bộ các tổ máy của Vĩnh Tân 4 đã ngừng vận hành thử nghiệm từ ngày 24/2/2017."
"Tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ có các đơn vị thi công đang thực hiện công tác lắp đặt và cân chỉnh các thiết bị gần khu vực ống khói."
"Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn."
"Sự cố cháy không có thiệt hại nào về người. Thiệt hại về thiết bị đang được phía nhà thầu kiểm tra và xác định," thông cáo viết.
Tuy vậy, báo Zing cho hay hai người bị bỏng với diện tích 20% và 35% vì vụ nổ đang được điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận.
'Điều đáng quan ngại hơn'
Hôm 7/3, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia nghiên cứu về Kinh tế môi trường tại Đại học Strassbourg, Pháp, nói: "Sự cố này nhìn qua có thể là do tai nạn thi công."
"Theo như tôi được biết Vĩnh Tân 4 là do tổ hợp nhà thầu Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam làm. Dường như không có công nghệ Trung Quốc tại nhà máy này như ở Vĩnh Tân 1."
"Tất nhiên vụ việc sẽ ảnh hưởng tiến độ của dự án, nhưng chắc không nhiều."
"Tuy vậy, theo tôi, điều đáng quan ngại hơn là Việt Nam đang triển khai nhiều dự án nhiệt điện trên khắp cả nước và hậu quả là sẽ gây ô nhiễm môi trường."
"Nhìn chung, sau những sự cố liên quan đến các công ty điện lực, Việt Nam nên phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện và bảo vệ môi trường."
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Hàn và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ.
Dự án khởi công tháng 9/3/2014 gồm 2 tổ máy, tổng công suất đạt 1.200 MW, dự kiến đưa tổ máy số 1 vào vận hành từ tháng 12/2017. - BBC
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment