Tuesday, March 28, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/3

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc sẽ tăng lực lượng hải quân lên 100.000 người --- Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ ở Biển Đông bất cứ lúc nào --- Trung Quốc đề xuất cơ chế khu vực mới cho các nước ven Biển Đông

Theo tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, Trung Quốc có kế hoạch tăng lực lượng hải quân từ 20.000 lên 100.000 quân. Tờ báo dẫn một nguồn tin nội bộ ẩn danh và các chuyên gia cho biết, lực lượng này có thể trú đóng ở nước ngoài, trong đó có cảng Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi, và Gwadar, ở miền tây nam Pakistan.

Hải quân Trung Quốc đang dần mở rộng tầm vóc trong những năm gần đây. Vùng hoạt động cũng được dần dà trải rộng ra, từ các hoạt động ở vùng duyên hải Trung Quốc – trong đó có việc bảo việc lợi ích của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông và Biển Đông, chuẩn bị cho khả năng đổ bộ tấn công Đài Loan – cho đến những nhiệm vụ mang tính toàn cầu.

"Hải quân Trung Quốc có thể được tăng lên đến 100.000 quân, gồm sáu lữ đoàn trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ mới của đất nước chúng tôi » - một nguồn tin nói với South China Morning Post. Nguồn tin này cũng cho biết hai lữ đoàn tác chiến đã sẵn sàng được điều sang hải quân, làm tăng quân số của hai lữ đoàn đang thiếu người từ 12.000 lên 20.000.

Mỗi lữ đoàn hải quân được chia làm một trung đoàn thiết giáp và hai tiểu đoàn lính thủy. Lữ đoàn được trang bị xe tăng lội nước ZBD05 và xe tăng trang bị pháo tự hành ZLT05. Loại ZBD05 được cho là một trong những kiểu chiến xa lội nước nhanh nhất, có thể chạy đến 45 km/h trên biển.

The Diplomat dẫn trang tin chuyên về quốc phòng IHS Jane’s cho biết, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng có thể xem xét trang bị cho các lữ đoàn hải quân loại chiến xa lội nước Norinco ZTL-11 trang bị súng cối 105 ly, có thể mang theo hỏa tiễn chống tăng tầm bắn 5.000 mét, tấn công được trực thăng bay thấp.

Trung Quốc đang chuẩn bị tăng lực lượng cơ giới thủy quân lục chiến (AMID) từ hai lên bốn lữ đoàn, tức từ 30.000 lên 60.000 quân. Mỗi lữ đoàn được trang bị đến 300 thiết giáp và xe lội nước, trong đó có ZBD05 và ZLT05, cũng như các chiến xa hạng nặng đầy đủ trang thiết bị.

Tuy nhiên hiện hải quân và thủy quân lục chiến chưa có hệ thống chỉ huy chung.

Trong khi Trung Quốc có thể tăng cường hai lực lượng này, điểm yếu nhất vẫn là năng lực vận chuyển lính thủy đánh bộ. Theo ước lượng của RAND Corporation, quân đội Trung Quốc có thể huy động 89 tàu đổ bộ trong năm 2017, kể cả năm chiếc tàu đổ bộ cấp Ngọc Châu (Yuzhao) Type 071, cho đến hai chiếc tàu đổ bộ lớn hơn cấp Tây Sa (Xisha) Type 081.

Tàu Type 071 có thể vận chuyển đến 600 quân và từ 15 đến 20 xe bọc thép, còn Type 081 loại lớn nhất chở được 900 đến 1.100 lính thủy và 30 đến 40 thiết giáp (cùng với 8 trực thăng). RAND ước đoán tổng năng lực vận chuyển một chiều của Trung Quốc đến cuối năm 2017 là 2,7 sư đoàn hay khoảng 40.000 quân.

Tuy nhiên, ước tính này dựa trên kịch bản xâm lược Đài Loan, không áp dụng cho việc triển khai các đơn vị hải quân rộng rãi hơn trên toàn cầu. Dù vậy, đến giai đoạn này Trung Quốc chắc chắn có khả năng tiến hành thành công các chiến dịch đổ bộ lên những hòn đảo có diện tích trung bình tại Biển Đông, hoặc xa hơn nữa. - RFI

***
Trung Quốc hầu như đã hoàn tất công trình xây cất cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác đến những nơi nay vào bất cứ lúc nào, Reuters dẫn lời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết hôm 27/3.

Ảnh vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS phổ biến trong tháng này cho thấy công trình xây dựng của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn hầu như đã hoàn tất. Giám đốc AMTI, ông Greg Poling cảnh báo "việc triển khai quân sự của Trung Quốc chỉ trong tương lai gần".

Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Luật ở Havard, nhận định về hoạt động mới của Trung Quốc tại Trường Sa:

“Nếu có làm gì thêm thì cũng giống như là đã làm trong quá khứ. Ông Tập Cận Bình đã hứa là không làm, nhưng lại cứ làm, đó là củng cố thêm ở Trường Sa”.

Trung Quốc luôn bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ và quốc tế rằng nước này đang “quân sự hóa” Biển Đông. Tuy nhiên vào tuần rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói những thiết bị mà Bắc Kinh đặt tại các đảo nằm trong khu vực tranh chấp chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền “tự do hàng hải”.

Tại cuộc họp báo hôm 28/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà chưa được biết về báo cáo của AMTI, nhưng bà nói “Đối với Trung Quốc, triển khai hay không triển khai các phương tiện phòng vệ cần thiết trên lãnh thổ của mình là một vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung Tá Gary Ross, cũng từ chối bình luận với Reuters về báo cáo của AMTI với lý do đây không thuộc chức năng của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Tá Ross nói “việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông là một trong nhiều bằng chứng cho thấy họ tiếp tục hành động đơn phương, làm tăng căng thẳng trong khu vực và cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

Giáo sư Tạ Văn Tài nhận xét những phản ứng của Mỹ ở Biển Đông từ trước tới nay là khá “yếu ớt”. Cựu giáo sư Đại học Luật của Mỹ dẫn chứng: “Khi đi hành quân tự do hàng hải vòng quanh mấy đá ngầm mà Trung Quốc xây lên đó, mà lại đi ngoài 12 hải lý, tức là Mỹ phản ứng yếu ngay từ thời Obama. Đó là không đi sát vào 500, là [khu vực] có quyền đi bởi vì vùng quanh các đảo nhân tạo là hải dương quốc tế”.

Vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến sẽ bàn thảo các thỏa thuận với Trung Quốc, Giáo sư Tạ Văn Tài nói: " Tôi hy vọng ông Trump là người có khuynh hướng quyết liệt trong mọi chuyện ông làm. Trong chính sách ngoại giao, nếu ông ấy quyết liệt, cùng với những lời đã nói của Ngoại trưởng Tillerson thì là điều nên làm, phải cứng rắn trên Biển Đông".

Trước đó trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ để được chuẩn thuận chức vụ ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã tỏ thái độ phẫn nộ về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói Trung Quốc lẽ ra không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây trong vùng biển tranh chấp. Nhưng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông trong tháng này, Ngoại trưởng Tillerson đã dịu giọng hơn với Bắc Kinh. Hai bên đồng ý gác lại những vấn đề phức tạp.

Báo cáo của AMTI nói với 3 căn cứ không quân ở Trường Sa và một căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có khả năng hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu của AMTI cho rằng các thiết bị cảnh báo sớm và radar tân tiến thiết đặt trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên cũng như trên đảo Phú Lâm sẽ mở rộng tầm hoạt động tương tự cho các thiết bị của Bắc Kinh.

Hơn một năm trước, Trung Quốc lắp đặt tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và có ít nhất một lần triển khai tên lửa hành trình chống tàu tại đây.

Việt Nam thường lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng theo GS. Tạ Văn Tài, những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn ‘chưa đủ quyết liệt’.

Ông nói: “Phải bạo lên mới được, không được nhút nhát. Phải tuyên bố phản đối quyết liệt thì Mỹ mới có thể thấy Việt Nam là nước có lực lượng quân sự mạnh nhất trong các nước Đông Nam Á mà dám đứng lên phản đối thì Mỹ mới quyết liệt theo. Thường thường, các cường quốc ngại quyết liệt đương đầu với nhau vì có thể thành chiến tranh lớn, nó muốn các nước trung gian nói giùm cho nó. Việt Nam phải quyết liệt hơn mới được”.

Tháng trước, Reuters dẫn lời các giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng gần hai chục cấu trúc trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Dường như công trình được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa.

Bắc Kinh cũng đã xây dựng các kho chứa thiết bị phóng tên lửa tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, trong đó kho chứa trên Đá Chữ Thập đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom. - VOA

***
Hôm thứ Bảy, tại Diễn đàn về châu Á tổ chức tại thành phố Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hối thúc các quốc gia ven Biển Đông thiết lập một cơ chế hợp tác mới.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu phát biểu: "Cơ chế này sẽ là nền tảng để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường hợp tác và chia sẻ lợi ích trong khi không can thiệp vào vấn đề của mỗi quốc gia".

Vẫn theo Tân Hoa Xã, ông Lưu cho rằng: "Điều đó sẽ đóng góp cho những trao đổi trong các lĩnh vực như phòng chống thiên tai, cứu hộ hàng hải, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải".

Ông Lưu nhấn mạnh là cơ chế được đề xuất sẽ "bổ sung" cho các mối quan hệ khu vực hiện hữu. Đáng chú ý, cơ chế này sẽ nằm ngoài khuôn khổ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á và các diễn đàn đa phương hiện có giữa Trung Quốc và ASEAN, kể cả Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Đáng chú ý, ông Lưu không nêu rõ cơ chế mà ông đề xuất sẽ có bất kỳ vai trò gì trong việc giúp giải quyết tranh chấp hay không. Tân Hoa Xã cẩn thận lưu ý rằng đề xuất của ông Lưu vẫn có nghĩa là "các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán" cần được giải quyết "thông qua tham vấn và đàm phán giữa các nước trực tiếp liên quan" – đó là quan điểm của Trung Quốc bấy lâu nay về Biển Đông.

Hiện chưa rõ liệu đề xuất của ông Lưu có gây được sự chú ý của quốc gia Đông Nam Á nào hay không, đặc biệt là các nước có tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald J. Trump dường như ít quan tâm hơn đến các vấn đề của Đông Nam Á, so với chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc, Philippines họp song phương bàn về Biển Đông

Trong cuộc tham vấn ngoại giao lần thứ 20 giữa hai nướcTrung Quốc và Philippines hồi tháng Giêng, đôi bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông nhằm thảo luận các vấn đề quan tâm chung, thúc đẩy hợp tác và an ninh hàng hải.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Ernesto Abella, cho biết đây là một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp giữa Tổng Thống Rodrigo Duterte và đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa tại thành phố Davao hôm 27/3.

Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối thoại với Philippines để xử lý và kiểm soát bất đồng một cách thỏa đáng, tăng cường hợp tác hàng hải nhằm tạo ra bầu không khí thuận lợi cho hợp tác thực tiễn cũng như sự phát triển ổn định và bền vững trong mối quan hệ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh hôm 28/3.

Tổng thống Duterte dự kiến trở lại Trung Quốc vào tháng 5 tới đây để tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành Đai, Một Con Đường” theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Duterte đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái.

Theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Trung Quốc và ASEAN dự kiến cũng sẽ họp về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông vào tháng 5 này. - VOA
|
|

3.
Đài Loan tự làm tàu ngầm chống Trung Quốc

Đài Loan đang theo đuổi việc nâng cấp lực lượng vũ trang trong lúc người dân đang lo lắng về hành động giương oai diễu võ của Trung Quốc trong giai đoạn bế tắc chính trị hiện nay trên đảo quốc này.

Tuần trước, hải quân Đài Loan đã ký một bản ghi nhớ với hai công ty trong nước về việc phát triển tàu ngầm trong bốn năm tới. Người phát ngôn Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết chi phí làm các tàu ngầm, vốn lý tưởng để chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn, có thể lên tới 85,8 triệu đôla, mặc dù giá cả cuối cùng chưa được xác định.

Tham vọng tự thiết kế tàu ngầm của Đài Loan thành hình một phần là do Trung Quốc gây áp lực với các nước, không cho họ bán vũ khí cho đảo quốc này. Tuần trước, Tổng thống Đài Loan gọi dự án tàu ngầm là “mặt thách thức lớn nhất” trong kế hoạch mở rộng nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, theo truyền thông địa phương.

Theo dữ liệu của GlobalFirePower, Đài Loan hiện đang vận hành hai tàu ngầm Hai Lung do Hà Lan thiết kế, được mua lại vào đầu những năm 1980, và hai tàu ngầm lớp Guppy II có từ năm 1946. Trung Quốc có lực lượng vũ trang hùng mạnh thứ ba trên thế giới, trong khi Đài Loan đứng ở vị trí thứ 19.

Hải quân Ðài Loan chưa quyết định sẽ chế tạo bao nhiêu chiếc tàu ngầm trong thỏa thuận ký hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

Nhà lập pháp cấp cao Đài Loan Lí Quân Nghị cho biết: “Trước đây, Đài Loan có công nghệ đóng tàu, chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng được ngành công nghiệp trong nước”. Ông nói thêm: “Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể dùng dự án đóng tàu ngầm để khuyến khích các ngành công nghiệp trong nước, và dĩ nhiên là giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan.”

Đài Loan trông cậy vào Mỹ

Trong một diễn tiến khác, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ chấp thuận bán vũ khí tân tiến cho Đài Loan trong nửa đầu năm nay, theo truyền thông Washington.

Bà Sonia Urbom, người phát ngôn của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), nói: “Nếu không nói đến bất kỳ trường hợp cụ thể nào, chúng tôi có thể nói rằng theo chính sách lâu dài của Mỹ, việc bán vũ khí cho Đài Loan... dựa trên đánh giá nhu cầu quốc phòng của Đài Loan.” AIT là văn phòng đại diện không chính thức cho lợi ích của Hoa Kỳ ở Đài Bắc.

“Vũ khí phòng thủ rất cần thiết cho an ninh của Đài Loan,” bà Lý nói. “Chúng tôi mong muốn có vũ khí phòng thủ. Tất cả chúng tôi cũng hy vọng Hoa Kỳ sẽ bàn thảo kỹ càng hơn về quân sự và sẽ thông qua gói vũ khí này càng sớm càng tốt để Đài Loan có thể đưa chúng vào hoạt động càng sớm càng tốt.”

Hôm thứ Hai, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát cho biết chính phủ sẽ hối thúc Washington bán vũ khí cho Ðài Loan. - VOA
|
|

4.
Lá chắn THAAD: Ép Hàn Quốc, Bắc Kinh bị phản đòn

Những ngón đòn trừng phạt kinh tế và văn hóa mà Bắc Kinh sử dụng đối với Seoul vì đã để cho Washington bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, đã có dấu hiệu phản tác dụng : Trang mạng Yibada của cộng đồng người Hoa hải ngoại ngày 27/03/2017 đã trích dẫn một khảo sát mới nhất của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Asan tại Hàn Quốc, cho thấy là Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong vị thế quốc gia bị người dân Hàn Quốc ghét nhất, chỉ thua Bắc Triều Tiên mà thôi.

Trên một thang điểm với điểm 10 dành cho nước được coi là thân thiện nhất, bản khảo sát công bố hôm 20/03 của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Asan đã nêu bật sự kiện là điểm của Trung Quốc đã tụt giảm nghiêm trọng, từ 5 điểm năm 2016, đã giảm xuống còn 3,21.

Dân Hàn Quốc giờ đây ghét Trung Quốc hơn Nhật Bản

Đáng chú ý hơn cả là điểm của Trung Quốc còn rơi xuống mức thấp hơn cả điểm số của Nhật Bản vẫn được duy trì ở mức 3,33.

Song song với điểm số của Trung Quốc, điểm ưu ái của người Hàn Quốc dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sụt giảm, từ 4,25 vào tháng Giêng năm 2017, đã giảm xuống còn 3,01 điểm trong tháng Ba. Đây là mức giảm lớn nhất của ông Tập Cận Bình kể từ tháng 7 năm 2013. Điều này cũng tương phản rõ rệt với năm 2014 khi mối quan hệ của Hàn Quốc-Trung Quốc đạt đến đỉnh cao và chủ tịch Trung Quốc được hơn 5 điểm, bám sát theo điểm của tổng thống Mỹ Barack Obama. Điểm an ủi duy nhất đối với ông Tập Cận Bình là điểm của ông vẫn cao hơn điểm của thủ tướng Nhật Bản Abe.

Đối với các chuyên gia phân tích, sở dĩ người dân Hàn Quốc quay sang ghét Trung Quốc nhiều hơn, đó chính là thái độ thô bạo của Bắc Kinh, đã cho tiến hành các thủ đoạn trừng phạt nhắm vào Hàn Quốc để phản đối việc Mỹ bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để giúp nước này đối phó với Bắc Triều Tiên.

Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc cho đến nay chủ yếu nhắm vào các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm và thực phẩm, các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, tour du lịch và các cửa hàng bán lẻ do các doanh nghiệp Hàn Quốc điều hành, đặc biệt là của tập đoàn Lotte, vốn đã đồng ý cung cấp đất cho việc lắp đặt lá chắn chống tên lửa của Mỹ. Thậm chí Bắc Kinh còn dùng đến thủ đoạn kích động quần chúng tẩy chay sản phẩm và cửa hiệu Hàn Quốc tại Trung Quốc.

Bắc Kinh không thể tẩy chay toàn diện và sợ bị kiện

Theo nhật báo Hàn Quốc Korea Tribune ngày 27/03/2017, Bắc Kinh cho đến lúc này đã cố tránh đụng đến nhiều mặt hàng nhập từ Hàn Quốc rất cần cho nền công nghiệp của họ, hầu tránh thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng có vẻ đang cố gắng tránh không vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế một cách thô bạo, vì điều này sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc được Mỹ và các quốc gia tiên tiến cho hưởng quy chế của một nền kinh tế thị trường.

Sau khi Hàn Quốc có động thái yêu cầu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC xác định xem liệu các biện pháp của Trung Quốc nhắm vào Hàn Quốc có trái với các quy định của WTO hay không, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23/03 đã vội lên tiếng cho biết Trung Quốc rất trân trọng quan hệ thương mại với Hàn Quốc và các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Dẫu sao thì trước mắt, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các bán thành phần và thiết bị sản xuất từ Hàn Quốc đã khiến cho các nhà quan sát cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh dùng kinh tế, thương mại để gây sức ép trên vấn đề an ninh của Seoul sẽ thất bại.

Đòn trừng phạt của Trung Quốc nhắm vào Hàn Quốc sẽ thất bại

Trong một bài viết ngày 23/03, nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post, đã trở lại với việc Trung Quốc có những biện pháp trừng phạt không chính thức nhắm vào Hàn Quốc, để trích dẫn một số chuyên gia cho rằng việc khuyến khích tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sẽ không ngăn được Seoul cho Mỹ triển khai lá chắn mà chỉ làm quan hệ kinh tế hai bên xấu đi thôi.

Giới quan sát ghi nhận là Bắc Kinh thật ra chưa có thông báo chính thức mà áp đặt ngầm biện pháp trừng phạt, có điều đối với họ những biện pháp đưa ra như để cho truyền thông vận động tẩy chay hàng hóa sẽ không hiệu quả do việc chính Trung Quốc dựa nhiều vào linh kiện điện tử Hàn Quốc cho công nghiệp của mình.

Dĩ nhiên một số người ở Trung Quốc đã nghe theo vận động và tẩy chay hàng hóa hay dịch vụ Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng, nhiều chuyến đi thăm bị hủy bỏ, chuyến bay đến Hàn Quốc bị giảm…nhưng dù thế khả năng trừng phạt của Bắc Kinh đối với Seoul cũng giới hạn.

Công nghiệp Trung Quốc lệ thuộc vào linh kiện Hàn Quốc

Lý do là hàng tiêu dùng Hàn Quốc - những mặt hàng dễ tẩy chay, chỉ chiếm 5% hàng xuất sang Trung Quốc, phần còn lại là nguyên liệu, linh kiện, trang thiết bị phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc.

SCMP đã trích dẫn Rajiv Biswas, kinh tế gia vùng Châu Á Thái Bình Dương của IHS Global Insight cho là Hàn Quốc là nguồn quan trọng xuất linh kiện điện tử sang Trung Quốc. Theo ông, thì một phần tư khối lượng mạch IC (integrated circuits), linh kiện chủ yếu cho truyền hình và điện thoại di động là được nhập từ Hàn Quốc.

Andrew Gilholm, nhà phân tích của cơ quan tư vấn Control Risks, ghi nhận là Trung Quốc đứng sau các vụ « sách nhiễu ngầm một số công ty Hàn Quốc », nhưng việc tẩy chay, sách nhiễu công ty không làm giảm đi sự lệ thuộc của Trung Quốc vào Hàn Quốc trong một số lãnh vực : « Công ty Trung Quốc cần sự hợp tác về mặt công nghệ với công ty Hàn Quốc để hoàn tất mục tiêu nâng cấp công nghệ của mình ».

Theo ghi nhận của SCMP, trao đổi thương mại hai bên đang gia tăng. Xuất khẩu Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 28,7 % vào tháng Hai vừa qua, so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất từ 2010.

Hiệp Hội Thương Mại Quốc Tế Hàn Quốc cho là nếu bị Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt không chính thức, thì cùng lắm kinh tế Hàn Quốc sẽ bị thua lỗ 14, 76 tỷ đô la, nói cách khác là 1,07 % GDP.

Nguy cơ đẩy Hàn Quốc vào vòng tay Mỹ

Giới phân tích còn đánh giá việc Bắc Kinh tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc chỉ đẩy thêm Seoul vào vòng tay của Washington.

Như để minh chứng cho điều này, cuộc khảo sát dư luận Hàn Quốc của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Asan tại Hàn Quốc hôm 20/03 đã cho thấy là liên quan đến việc Mỹ bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, vào tháng 11 năm 2016, tỷ lệ người ủng hộ và người chống gần bằng nhau : 46,3% ủng hộ và 45,7% chống. Thế nhưng qua tháng 3 này, số ủng hộ THAAD đã tăng vọt lên thành 50,6%, trong lúc số chống giảm hẳn xuống còn 37,9%.

Thậm chí Trung Quốc còn sẽ làm cho quan hệ song phương với Hàn Quốc bị đầu độc trong lúc bang giao đã khá lên trong những năm gần đây nhờ thương mại và đầu tư phát triển, cũng như mối căm hận chung đối với Nhật Bản do vấn đề lịch sử. Hai bên cũng cùng mục tiêu muốn Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân quân sự.

Theo giáo sư Lee Jung Nam, thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Á, trường Đại Học Hàn Quốc (Asiatic Research Institute at Korea University) : « Nếu Trung Quốc đi quá xa trong áp lực kinh tế thì chỉ sẽ làm gia tăng tinh thần ái quốc và dân tộc chủ nghĩa ở Hàn Quốc mà thôi. Và cũng sẽ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo ở Đông Bắc Á, thì không nên để lại cảm giác tiêu cực như vậy ở các láng giềng ».

Tấm gương thất bại đối với Nhật Bản

Trước đây Bắc Kinh đã sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa vì những mục tiêu ngoại giao, nhưng phong trào tẩy chay, phản đối cũng không kéo dài.

Theo ông Kim Mỹ Hoa (Jin Meihua), Phó Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) sát cạnh Bắc Triều Tiên, việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sẽ tác động rất ít tới nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng có nguy cơ tạo ra sự thù hằn giữa người dân Hàn Quốc bình thường đối với người Trung Quốc.

Chuyên gia này còn nêu bật thất bại của việc Bắc Kinh trước đây đã từng kích động tinh thần bài Nhật : « Trung Quốc cũng đã tẩy chay Nhật Bản vì tranh chấp đảo Điếu Ngư, thế là các công ty Nhật đầu tư vào Đông Nam Á, và bây giờ thì số lượng du khách Trung Quốc tham quan Nhật Bản đang tăng lên rất nhiều ».

Mục tiêu muốn Hàn Quốc dẹp lá chắn chống tên lửa, theo ông Hồ Vĩ Tinh (Richard Hu Weixing), trưởng khoa Chính Trị và Hành Chính Công tại Đại học Hồng Kông cũng khó đạt, vì các áp lực của Trung Quốc về kinh tế trên Hàn Quốc như không thể lay chuyển quyết tâm triển khai THAAD của Seoul. Trái lại, theo ông : « Thực tế cho thấy là Hàn Quốc đang đẩy nhanh tiến độ triển khai (lá chắn THAAD)". - RFI
|
|

5.
Malaysia muốn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Tổng thống Pháp François Hollande hôm nay 28/03/2017 đã đến thăm Malaysia trong chuyến công du châu Á. Thủ tướng Malaysia Najib Razak, sau cuộc tiếp xúc, khẳng định Malaysia sẽ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng tin tưởng rằng Kuala Lumpur sẽ đặt mua chiến đấu cơ Rafale vào một thời điểm thích hợp. Hai nhà lãnh đạo cùng bộ trưởng Quốc Phòng của Pháp và Malaysia cùng tham dự buổi trình diễn Rafale tại căn cứ quân sự Subang.

Các trao đổi thương mại giữa hai nước liên quan rất nhiều tới lĩnh vực quân sự. Malaysia đã mua máy bay vận tải quân sự Airbus A400M và nhiều tầu ngầm của Pháp.

Ngày mai 29/03/2017, tổng thống Pháp François Hollande sẽ tới thăm Indonesia. Hôm nay, trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP về khả năng áp dụng trở lại lệnh tạm đình chỉ thi hành án tử hình, tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ tham khảo ý kiến dân chúng. Nếu người dân đồng tình ủng hộ, ông Widodo sẽ cho chuẩn bị việc này.

Tuy nhiên, tổng thống Widodo cũng cho biết theo cuộc thăm dò dư luận thực hiện năm 2015, 85% số người được hỏi ủng hộ hành quyết những kẻ buôn lậu ma túy bị kết án tử hình.

Từ khi Joko Widodo lên lãnh đạo Indonesia vào năm 2014, đã có 18 người, chủ yếu là người nước ngoài, bị hành quyết vì tội buôn lậu ma túy, vài chục người khác đang chờ thi hành án, trong đó có 1 người Pháp. - RFI
|
|

6.
Putin đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới

Chủ Nhật, 26/03/2017, khoảng 20 ngàn người - theo lời ban tổ chức – đã xuống đường tại Matxcơva, để bày tỏ sự bất bình, ngán ngẩm về tệ nạn tham nhũng tại Nga. Ngày 27/03, nhà đối lập Alexeï Navalny bị kết án 15 ngày tù giam và bị phạt 20 ngàn rúp. Về vụ này, báo Les Echos trích lời giới chuyên gia nhận định "Putin đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới".

Theo ông Thomas Gomart, giám đốc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), các cuộc biểu tình cũng như việc Matxcơva trấn áp ngay lập tức và mang tính phô diễn, cho thấy « chiến dịch vận động bầu cử tổng thống cho năm 2018 đã bắt đầu ». Điều này cũng thể hiện rõ qua việc chính quyền đưa ra những biện pháp để giới hạn, kiểm soát các cuộc tranh luận, tiến hành kiểm tra thuế và bắt giữ nhằm đập nát mọi hình thức đối lập.

Vẫn theo chuyên gia này, gần đây, ông Putin tiến hành trẻ hóa đội ngũ cố vấn thân cận, muốn tránh hiện tượng « Brejnev hóa » chính quyền. (Leonid Brejnev, sinh năm 1906, là tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô từ năm 1964 cho đến khi chết, năm 1982). Nhưng cho đến nay, chưa rõ người được chọn đóng vai ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống 2018. Cách nay hai năm, ông Boris Nemtsov bị bắn chết ngay tại Matxcơva. Còn ông Alexei Navalny thì không thể ra ứng cử vì ông bị kết án vào năm ngoái trong một vụ biển thủ công quỹ khó hiểu.

Trong khi đó, tỷ lệ được lòng dân của ông Putin vẫn cực kỳ cao và ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Theo chuyên gia Thomas Gomart, « dân Nga mong muốn có một xã hội kỷ cương, với Putin là hiện thân, nhưng họ cũng ngày càng khó chấp nhận tệ nạn tham nhũng trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục ».

Nếu như dân Nga hài lòng về việc nước Nga tái xuất hiện trên chính trường quốc tế với tư cách một siêu cường thì họ cũng tỏ ra mệt mỏi và chán ngán về việc tầng lớp lãnh đạo không được đổi mới. Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho người dân ngày càng bất bình với tệ nạn tham nhũng. Les Echos cho biết, tuy Nga lại có được tăng trưởng kinh tế vào cuối năm ngoái, nhưng thu nhập thực của người dân trong tháng Hai vừa qua, đã giảm 4,1% tính theo tỉ lệ cả năm.

Navalny: Chiếc gai đối với chính quyền Matxcơva

Việc nhà đối lập Alexeï Navalny bị bắt cũng được các tờ báo khác của Pháp quan tâm. Le Monde có bài « Tại Nga, Navalny thách thức Putin ». Nhà đối lập bị bắt nhưng phong trào chống tham nhũng do ông khởi xướng đã huy động được người dân xuống đường ở gần một trăm thành phố, hôm Chủ Nhật, 26/03.

Trong khi đó, Le Figaro chạy tựa « Navalny bị kết án tù sau các cuộc biểu tình khổng lồ tại Nga ». Tờ báo cho biết là cách nay một tháng, Quỹ Chống Tham Nhũng do Alexei Navalny lãnh đạo, đã công bố kết quả một cuộc điều tra liên quan đến khối tài sản khổng lồ của thủ tướng Nga Dimitri Medvedev và đây là yếu tố làm dấy lên cuộc biểu tình chống tham nhũng. Cuộn băng video về cuộc điều tra đã có tới gần 12 triệu lượt người xem trên YouTube nhưng các phương tiện truyền thông chính thống vẫn lờ tảng, coi như không biết đến.

Libération thì đặt câu hỏi « Phải chăng Alexei Navalny là một sự lăng nhục đối với điện Kremlin ? » Sau khi làn sóng phản kháng năm 2012 bị chính quyền bóp nghẹt, nước Nga không còn những gương mặt đối lập nổi tiếng nữa. Năm 2015, ông Boris Nemtsov bị ám sát. Chính quyền thì ban bố những quy định hạn chế biểu tình, khóa miệng truyền thông và tiến hành bắt giữ tùy tiện để răn đe. Trong bối cảnh đó, ông Alexei Navalny nổi lên như gương mặt đối lập duy nhất tại Nga. Tại một quốc gia mà mọi sinh hoạt chính trị đều do điện Kremlin chỉ đạo, điều khiển, thì thành công chủ yếu của ông Navalny là ông đã trở thành một vấn đề đối với chính quyền Matxcơva. - RFI
|
|

7.
Thủ tướng Anh Theresa May ký thư kích hoạt Điều 50 --- Trưng cầu dân ý về độc lập Scotland: Anh và Scotland không nhượng bộ nhau

Thủ tướng Anh Theresa May vừa ký thư thông báo chính thức rằng Anh Quốc sẽ bắt đầu quá trình rời Liên hiệp châu Âu.

Thư được gửi cho ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ngày thứ Tư 29/3 theo giờ London.

Trong bài diễn văn tại Hạ viện sau đó, thủ tướng sẽ nói các nghị sĩ rằng đây là "thời điểm để nước Anh đoàn kết".

Động thái này theo sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 với kết quả là người dân chọn rời EU.

Thư của bà May sẽ được ông Tim Barrow, Đại sứ Anh tại EU chuyển cho ông Tusk vào lúc 12:30 giờ địa phương hôm 29/3.

Thủ tướng, người sẽ chủ trì cuộc họp nội các vào buổi sáng, sau đó sẽ đọc diễn văn xác nhận việc đếm ngược đến thời điểm rời EU của Anh.

Bà sẽ cam kết "đại diện cho mỗi người trong Vương quốc Anh" trong các cuộc đàm phán - gồm các công dân EU mà tình trạng cư trú thế nào tại Anh sau khi Brexit chưa được giải quyết.

"Quyết tâm của tôi là đạt được thỏa thuận đúng đắn cho mọi người ở nước Anh", bà nói.

"Vì, khi chúng ta đối mặt với những cơ hội phía trước của chúng ta trong cuộc hành trình quan trọng này, những giá trị, lợi ích và tham vọng của chúng ta có thể nối kết chúng ta lại với nhau."

Các mốc sự kiện

29/3/2017 - Vương quốc Anh kích hoạt Điều 50

29/4 - Hội nghị thượng đỉnh EU với 27 lãnh đạo (không có Vương quốc Anh) đồng ý trao Ủy hội châu Âu nhiệm vụ thương lượng với Anh

Tháng 5 - Ủy hội châu Âu công bố Bản hướng dẫn đàm phán dựa trên sự ủy nhiệm của các nhà lãnh đạo EU. EU có thể tuyên bố khả năng đàm phán song phương về thỏa thuận thương mại EU - Anh trong tương lai

Tháng 5 / Tháng 6/2017 - Các cuộc đàm phán bắt đầu

23/4 và 7/5 - Bầu cử tổng thống Pháp

24/9 - Bầu cử Quốc hội Đức

Mùa thu 2017 - Chính phủ Anh dự kiến ​​chấm dứt quyền hạn của luật EU đối với Anh với "Dự luật Hủy bỏ Lớn"

Tháng 10/2018 - Mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán

Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019 - Quốc hội Anh, Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu bỏ phiếu về những thỏa thuận

Tháng 3/2019 - Vương quốc Anh chính thức rút khỏi Liên minh châu Âu (Các cuộc đàm phán Điều 50 có thể kéo dài, nhưng điều này phải được 27 quốc gia thành viên khác của EU chấp thuận)

Sir Tim Barrow, Phát ngôn viên của Phố Downing nói chính phủ Anh muốn quá trình đàm phán bắt đầu càng sớm càng tốt, nhưng "hoàn toàn hiểu rõ rằng 27 nước EU khác cần có thời gian để thống nhất lập trường của họ".

Năm ngoái bà May nói bà sẽ thông báo cho EU về Brexit vào cuối tháng Ba. Việc này đã được Quốc hội thông qua hai tuần trước, với lưỡng viện chấp thuận cho phép bà thủ tướng bắt đầu quá trình.

Lãnh đạo châu Âu thì nói họ muốn hoàn tất đàm phán trong 18 tháng để các điều khoản có thể mang ra Quốc hội châu Âu và Quốc hội Anh thông qua, cũng như thông qua tại đa số các quốc gia EU như yêu cầu bắt buộc.

Bà Theresa May nói các dân biểu Anh sẽ có bỏ phiếu về các thỏa thuận mà bà đạt được sau này, nhưng ngay cả khi Nghị viện bác bỏ thì Anh Quốc vẫn rời khỏi EU.

Chính phủ Anh nói hy vọng đạt kết quả khả quan nhưng có khả năng sẽ không có thỏa thuận chính thức giữa các bên. - BBC

***
Chỉ còn hai ngày nữa là kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisboa để khởi động tiến trình Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, 27/03/2017, thủ tướng Theresa May đến Scotland để cố gắng chận đứng những lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về độc lập của xứ này. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa bà May và người đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon không có tiến triển nào đáng kể.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :

"Cuộc gặp tay đôi lần thứ hai này tuy được cho là « nghiêm túc và thân mật », nhưng không khí đã khác hẳn so với cuộc hội kiến hồi tháng 07/2016. Lần này không có bắt tay, không họp báo, chỉ có vài bức ảnh chính thức, cho thấy hai nhà lãnh đạo kém thoải mái như thế nào. Phải nói rằng nếu bà Theresa May đến để thảo luận về việc kích hoạt điều 50, thì bà Nicola Sturgeon chủ yếu lại muốn bàn về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập.

Thủ tướng Scotland cũng không giấu diếm sự bất mãn sau cuộc gặp, cho rằng người đồng nhiệm Anh đã không lắng nghe các đòi hỏi của bà về Brexit, trong khi người Scotland đa số đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa bà Theresa May không hề bảo đảm việc giao bớt quyền lực cho Scotland, một khi Luân Đôn nắm lại quyền hành từ tay Bruxelles sau Brexit.

Về phía thủ tướng Anh thì nhận định đây không phải là lúc để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập, nhấn mạnh rằng trong lúc này rất cần đoàn kết giữa bốn nước đã hợp thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, để tạo nên sức mạnh.

Cả hai nữ thủ tướng đều tỏ ra không hề muốn nhượng bộ. Và cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Scotland hôm nay để cho phép bà Nicola Sturgeon đòi hỏi trưng cầu dân ý lần hai, chắc chắn sẽ được Downing Street đón nhận với cùng một mức độ cứng rắn". - RFI
|
|

8.
LHQ đàm phán cấm vũ khí hạt nhân, Mỹ và một số nước tẩy chay

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã bắt đầu các cuộc đàm phán về lệnh cấm vũ khí hạt nhân quốc tế. Các nước đã có vũ khí hạt nhân phản đối lệnh cấm này.

Hồi năm ngoái, hơn 120 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến hành đàm phán để đạt một hiệp định cấm vũ khí hạt nhân.

Đại diện Cấp cao của LHQ về Giải trừ Vũ khí, ông Kim Won-soo, nói vũ khí hạt nhân là "mối đe dọa hiện sinh đối với nhân loại" và nhu cầu giải trừ vũ khí chưa bao giờ lại cấp bách như thế này tại thời điểm này.

Hoa Kỳ, Anh, Pháp và khoảng 20 quốc gia khác hôm thứ Hai cùng sát cánh với nhau để chống đối lệnh cấm.

Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói: "Ngày hôm nay trông theo những người tiến vào phòng họp Đại Hội đồng để ra lệnh cấm vũ khí hạt nhân, chúng ta phải tự hỏi, liệu họ có lo cho nhân dân của họ không? Họ có thực sự hiểu được những mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt không? Tôi tin rằng họ có lo cho nhân dân của họ, nhưng tôi cũng biết rằng tất cả những người đứng sau tôi phải thực tế, và công việc của chúng ta là bảo đảm nhân dân chúng ta được an toàn và đó là những gì chúng ta sẽ tiếp tục làm".

Hiệp định cấm vũ khí hạt nhân, nếu được thoả thuận, chỉ có hiệu lực đối với những nước phê chuẩn nó. - VOA
|
|

9.
Samsung sẽ ra mắt lần hai Galaxy Note 7 đã qua tái chế

Samsung hi vọng sẽ tái chế 2,5 triệu điện thoại Galaxy Note 7 đã bị thu hồi vì lỗi pin gây cháy nổ.

Nếu như các nhà chức trách địa phương và các hãng dịch vụ viễn thông đồng ý và có nhu cầu, Samsung có thể sẽ bán lại các máy Galaxy Note 7 đã qua sửa chữa, tập đoàn điện tử nói.

Samsung cũng giới thiệu hai đề xuất về tái chế các thiết bị điện tử này, bao gồm tháo rời các bộ phận bên trong và giữ lại các kim loại quý trong phần cứng.

Tập đoàn điện tử này cũng đang gặp nhiều áp lực từ tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace.

Tổ chức này đã vận động chống đối hãng điện tử khổng lồ này, đệ đơn kiến nghị và tổ chức các cuộc biểu tình toàn cầu, thậm chí ngay cả tại sự kiện Hội nghị Điện thoại Thế giới.

"Dù chúng tôi chào mừng tin này, nhưng Samsung phải chia sẻ càng sớm càng tốt về một thời gian biểu chi tiết khi hãng thực hiện các cam kết, cũng như dự định thay đổi hệ thống sản xuất của hãng để đảm bảo chuyện này không bao giờ xảy ra nữa," người phụ trách khu vực Đông Á của Greenpeace, Jude Lee, nói.

Samsung nói tập đoàn sẽ phải hợp tác với "các nhà chức trách về quy chuẩn và các hãng viễn thông" và đánh giá nhu cầu địa phương trước khi quyết định sẽ ra mắt loại điện thoại đã qua sửa chữa ở đâu và khi nào.

Tập đoàn cũng dự tính ra mắt một sản phẩm khác hôm 29/3. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Mỹ siết chặt xổ số thị thực, Châu Á hưởng lợi

Chương trình thị thực không định cư H1-B dành cho lao động có trình độ đặc biệt làm việc cho các công ty ở Hoa Kỳ trong các lĩnh vực mà lao động địa phương không thể đáp ứng được. Tuy nhiên vì có nhiều người nộp đơn để xin cấp thị thực loại này, nên chính phủ Hoa Kỳ đặt ra một chương trình xổ số thị thực nhằm xác định người được cấp visa.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chương trình này trở nên khó khăn hơn, nhằm hướng tới việc buộc các công ty nội địa thuê lao động Mỹ.

Giới hữu trách di trú Hoa Kỳ loan báo rằng dịch vụ xét duyệt ưu đãi cho thị thực H-1B, qua đó cho phép người nộp đơn trả thêm 1.225 đô la để yêu cầu được xét duyệt nhanh hơn, sẽ ngưng trong năm nay.

Những lao động bị từ chối thị thực H1-B, vốn có tay nghề cao cộng với nền tảng kiến thức từ du học Mỹ, quay về làm việc tại các nước Châu Á do cơ hội tăng cao ở khu vực này.

Xác suất được ‘trúng số’ visa H-1B thấp cộng với nỗi lo từ chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump đang giúp Trung Quốc thu hút nhiều nhân tài trở về nước. - VOA
|
|

11.
Bảo vệ di dân bất hợp pháp sẽ bị cắt tài trợ?

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm thứ hai kêu gọi công dân Mỹ nên tuân thủ luật di trú. Tuy nhiên các biện pháp gắt gao đối với di dân không có giấy tờ mà nhiều người Mỹ cho là vô nhân đạo, đang gặp sự chống đối rộng rãi trong công chúng. Thông tín viên Zlatica Hoke của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống việc trục xuất di dân đã diễn ra trên khắp nước. Một số chính trị gia công khai lên tiếng phản đối, như nghị viên Raphael Anchia thuộc Đảng Dân chủ ở bang Texas:

"Các vụ trục xuất gây sợ hãi trong cộng đồng chúng tôi... cả cộng đồng di dân lẫn cộng đồng rộng lớn hơn. Các vụ trục xuất di dân làm cho chúng tôi cảm thấy như thể mình đang bị tấn công. Các bạn nên lưu ý rằng điều này xảy ra tiếp theo sau những phát biểu của vị Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ, ông Donald Trump, gọi người Mexico là những kẻ hiếp dâm và những kẻ tội phạm,".

Nhiều trường học, nhà thờ và cả một số thành phố đã tuyên bố sẽ là nơi ẩn náu cho những người di dân không có giấy tờ. Như nhà thờ Thánh Luke ở Buffalo, bang New York. Mục sư Justo Gonzalez phát biểu: "Chúng tôi sẽ mở rộng cánh cửa, chúng tôi sẽ cung cấp nơi tạm trú, thực phẩm và phương tiện để họ cảm thấy được an toàn và yên bình."

Tuy nhiên Bộ trưởng Tư pháp Sessions hôm Thứ Hai khuyến cáo người dân Mỹ rằng không trục xuất người nước ngoài sau khi họ bị kết án và giam giữ vì một tội ác nào đó sẽ có những hậu quả nhất định.

"Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu các đơn vị tài phán vận động hoặc nộp đơn yêu cầu Bộ Tư pháp chứng nhận việc tuân thủ điều khoản 1373 của Luật pháp Hoa Kỳ, như một điều kiện để được tưởng thưởng như vậy."

Nguy cơ bị cắt tài trợ của liên bang đã khiến một số thành phố từ bỏ ý định thành lập những khu an toàn để bảo vệ di dân.

Ông Carlos Gimenez, Thị trưởng quận Miami-Dade ở bang Florida nói:

"Điều quan trọng là chúng tôi không nên can dự vàođó bởi vì chúng tôi không muốn đối mặt với nguy cơ bị cắt tài trợ liên bang- ngân khoản mà chúng tôi đang nhận được bây giờ và số tiền mà chúng tôi có thể nhận được trong tương lai".

Tuy nhiên phản ứng này không đồng bộ. Bang Maryland, kế cận thủ đô Washington, đang cân nhắc một dự luật sẽ khiến toàn bộ tiểu bang này trở thành nơi an toàn cho người di dân. Ông Sessions nói làm như vậy sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

"Tôi khẩn thiết kêu gọi cư dân Maryland hãy hiểu cho rằng điều này sẽ khiến tiểu bang của họ dễ gặp nguy cơ bạo lực và tội phạm hơn, đây không phải là chính sách hay ho".

Vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump nói với Quốc hội rằng chính quyền của ông đang đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Mỹ yêu cầu chính phủ thực thi luật di trú và bảo vệ an ninh biên giới.

Tổng thống Donald Trump nói:
"Bằng cách thực thi luật di trú, chúng ta sẽ có thể tăng thu nhập, giúp đỡ người thất nghiệp, tiết kiệm hàng tỷ đô la và làm cho cộng đồng của chúng ta trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người."

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói các khu vực pháp lý tìm cách bảo vệ những kẻ phạm tội hành hung, trộm cắp, tội ma túy, hãm hiếp và giết người, đẩy cả cộng đồng vào tình trạng lâm nguy, trong đó có cả các cộng đồng di dân. - VOA
|
|

12.
Con rễ của Tổng thống Trump lãnh đạo ‘Văn phòng Canh tân Mỹ quốc‘

Cố vấn cấp cao của Tòa Bạch Ốc, ông Jared Kushner đồng ý điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các liên hệ của ông với Nga trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái và trong giai đoạn chuyển đổi chính phủ. Tổng thống Donald Trump lại vừa giao thêm cho con rễ trẻ một nhiệm vụ mới trong lịch công tác vốn đã dầy đặc.

Nhà đầu tư bất động sản đời con của tổng thống, phu quân của ái nữ Ivanka Trump, nay sẽ lãnh đạo Văn phòng Canh tân Nước Mỹ mới được thành lập của Tòa Bạch Ốc.

Văn phòng này sẽ tìm cách điều hành chính phủ liên bang trông giống như một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Văn phòng mới này sẽ hoạt động tách biệt với Tây Cung đầy quyền lực của Tòa Bạch Ốc. Nhân sự của Văn phòng Canh tân này gồm các cựu lãnh đạo các tập đoàn kinh tế như Microsoft, General Motors hay ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã gạt qua những câu hỏi liệu ông Kushner, 36 tuổi, một người mới tham gia công việc chính phủ, có đủ năng lực để lãnh đạo Văn phòng Canh tân Nước Mỹ hay không.

Nhiều nhiệm vụ nặng nề khác cũng đã được giao cho ông Kushner, bao gồm tiến trình hòa bình Trung Ðông và cố vấn cho nhạc phụ về các nước như Trung Quốc và Mexico.

Phát ngôn viên Sean Spicer nói: "Nếu quý vị từng thực sự làm việc với chính phủ và nhận thấy nhiều bộ phận trong đó đã lỗi thời và không được canh tân như thế nào, và thực trạng đó không thể phục vụ nhân dân Mỹ hiệu quả được. Nhiều bộ phận ban ngành không phục vụ cử tri Mỹ. Và theo tôi, tìm cách mang lại những cái mới, cụ thể là mang lại những công nghệ mới là điều quan trọng."

Thách thức vẫn bao trùm. Ông Stephen Goldsmith, chuyên gia của Trung tâm Canh tân và Quản trị Dân chủ thuộc Trường Kennedy của Đại học Harvard, nói với đài VOA:

"Có nhiều vấn đề hành chánh nặng nề, nhiều chuyện liên quan đến Quốc hội, và nhiều vấn đề phức tạp, nhưng có một nỗ lực canh tân được điều khiển từ cấp cao nhất của chính phủ, như rõ ràng trong trường hợp này, theo tôi sẽ mang lại hy vọng là có thể tạo được một sự đổi khác."

Văn phòng mới, theo ủy nhiệm vừa được công bố, sẽ nhắm mục tiêu “cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Mỹ” và “thúc đẩy kiến tạo công văn việc làm.”

Các giới chức nói rằng văn phòng này cũng sẽ đề nghị các ban ngành chức năng nào của chính phủ cuối cùng nên tư nhân hóa. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

13.
Tàu hàng Việt Nam bị tàu lạ đâm chìm --- Ba tàu cá Việt Nam bị bắt ở Solomon

Một tàu hàng của Việt Nam vào khoảng 0 giờ ngày 28 tháng 3 bị tàu lạ đâm chìm ngoài khơi khi đang trên đường chở hàng từ Hải Phòng đi Cần Thơ khiến 9 người mất tích. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm- Cứu nạn cho biết tin này vào ngày 28 tháng 3.

Chiếc tàu bị nạn có tên Hải Thành 26 đang chở 3000 tấn hàng bất ngờ bị một tàu lạ đâm chìm khiến 11 thuyền viên rơi xuống biển. 2 thuyền viên sau đó đã được vớt từ phao cứu sinh của tàu ngoài khơi Vũng Tàu.

Việt Nam đã huy động 8 phương tiện bao gồm các tàu của Cảnh sát Biển, tàu Biên phòng, tàu của Petrolimex và tàu Hàng hải đến hiện trường để làm công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích. - RFA

***
43 ngư dân Việt Nam trên ba tàu cá đã bị bắt giữ hôm 26 tháng 3 khi đang đánh bắt trái phép ở khu vực gần quần đảo Solomon. Radio New Zealand loan tin này hôm 28 tháng 3.

Tổng cộng có 4 tàu cá Việt Nam đánh bắt tại khu vực cách đảo Rennell về phía nam khoảng 50 km. Sau khi các tàu của lực lượng cảnh sát tuần tra quần đảo Solomon vây bắt, 1 tàu cá đã chạy thoát do lợi dụng thời tiết xấu.

Thời gian gần đây, nhiều tàu cá Việt Nam đi đánh bắt xa bờ tới các vùng nước khác và bị nước chủ nhà bắt vì đánh bắt trái phép. Gần đây nhất là hôm 16 tháng 3 khi cảnh sát Brunei bắt giữ một tàu cá Việt Nam cùng 10 ngư dân vì đi vào vùng biển của nước này để đánh bắt cá.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia mới đây cũng cho biết trong vòng tháng 3 năm 2017, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có tới 350 ngư dân cùng hơn 30 tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị Indonesia bắt giữ vì đánh bắt trái phép tại vùng nước của Indonesia. - RFA
|
|

14.
Du khách Trung Quốc khiến nguy cơ H7N9 xâm nhập Việt Nam cao hơn

Trong hai ngày 26 và 27 Tháng Ba, hết phó thủ tướng đến thủ tướng Việt Nam gửi công điện nhắc nhở các ngành hữu trách và chính quyền các địa phương chú ý ngăn ngừa H7N9.

H7N9 là một trong những loại virus gây ra cúm gia cầm và có khả năng lây sang người. Năm 2013, người ta mới nhận biết sự hiện diện của H7N9 sau khi nó bùng phát thành dịch ở Trung Quốc và gây lo ngại trên toàn thế giới vì độc lực rất mạnh. Từ đó đến nay, virus H7N9 đã gây ra năm đợt dịch ở Trung Quốc.

Trong thông báo mới nhất về H7N9, Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, từ cuối Tháng Ba năm 2013 đến ngày 20 Tháng Ba năm nay, tại Trung Quốc đã có 1,342 người Trung Quốc bị nhiễm virus H7N9 và đã có 494 người thiệt mạng. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, số người nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc là 533. Số người bị nhiễm virus H7N9 tại Quảng Tây và Vân Nam, hai tỉnh nằm sát biên giới Trung-Việt là 19.

Giới hữu trách Trung Quốc đã phát giác hàng ngàn mẫu dương tính với virus H7N9 trên gà, vịt, bồ câu, vẹt,… tại các chợ gia cầm, trang trại.

Ngày 26 Tháng Ba, một trong các phó thủ tướng Việt Nam gửi công điện cho chính quyền các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhấn mạnh, ngay cả gia cầm được dân chúng Trung Quốc dùng làm quà thì người Việt cũng không được nhận. Trong vài tháng gần đây, chính quyền Việt Nam liên tục lập đi, lập lại lệnh cấm cấm nhập cảng gia cầm và các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm của Trung Quốc nhưng ai cũng thấy là rất khỏ để ngăn chặn việc buôn lậu gia cầm và các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm ở Trung Quốc vào Việt Nam.

Tuy giới hữu trách chưa tìm thấy sự hiện diện của virus H7N9 tại Việt Nam nhưng dịch cúm gia cầm do các loại virus khác đã bùng phát.

Hôm 22 Tháng Hai, giới hữu trách tại Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20 Tháng Hai, họ đã phát giác hai ổ dịch cúm gia cầm, trong đó, một có sự hiện diện của virus H5N1 ở xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu và một có sự hiện diện của virus H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm ngày sau, hôm 27 Tháng Hai, giới hữu trách tại Việt Nam cấp báo, sau khi tìm thấy hai ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên trong năm 2017, đã có thêm một số ổ dịch cúm gia cầm khác ở: Nam Ðịnh, Ðồng Nai, Sóc Trăng và An Giang.

Kết quả khảo sát các chợ chuyên kinh doanh gia cầm sống tại 32/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, cho thấy, tỉ lệ lưu hành virus cúm H5N1 trên gà là 1%, trên vịt là 1.6%. Còn tỉ lệ lưu hành virus cúm H5N6 trên gà là 2%, trên vịt đến 6.5%.

Trong công điện gửi ra ngày 27 Tháng Ba, thủ tướng Việt Nam cảnh báo, ngoài H7N9, Việt Nam còn bị đe dọa bởi những loại virus mới gây cúm gia cầm như H5N2, H5N8. Nguy cơ không chỉ đến từ buôn lậu gia cầm và các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm mà còn từ du khách Trung Quốc, vốn đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment