Saturday, March 25, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 25/3

Tin Thế Giới

1.
Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp các Ngoại trưởng NATO

Các giới chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ gặp các đối tác trong liên minh NATO vào tuần tới, sau khi bị chỉ trích về quyết định ban đầu của ông, bỏ qua hội nghị các Ngoại trưởng NATO.

Các giới chức Bộ Ngoại giao nói ông Tillerson sẽ dự hội nghị ngày 31 tháng Ba ở Bruxelles. Ngoại trưởng của các nước thành viên NATO theo lịch trình đã định ban đầu lẽ ra sẽ tụ tập về Bruxelles vào những ngày 5 và 6/4. Hiện không rõ liệu buổi họp mới có sẽ thay thế hội nghị đã lên lịch cho đầu tháng Tư hay không.

NATO chưa đưa ra thông báo chính thức nào về việc này.

Hồi đầu tuần, văn phòng Ngoại Trưởng Rex Tillerson nói ông không thể đến dự hội nghị tháng Tư quy tụ 28 nước thành viên NATO, nêu lên lo sợ về sự cam kết của chính phủ Mỹ đối với NATO.

Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích NATO là một tổ chức “đã lỗi thời”, mặc dù Phó Tổng Thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis luôn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Các giới chức Bộ Ngoại giao nói Ngoại Trưởng Tillerson sẽ lên đường sang Bruxelles sau chuyến công du tới Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ cho biết sẽ phổ biến sớm những thông tin về lịch trình của Ngoại Trưởng Rex Tillerson.

Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ dự cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida vào ngày 6 và 7 tháng Tư tới đây.

Đầu tuần này, Toà Bạch Ốc loan báo ông Trump sẽ dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 25/5 ở Bruxelles. Tổng thống Mỹ sẽ tiếp đón Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 12/4. - VOA
|
|

2.
Thủ tướng Lý Hiển Long: TPP không phải là tất cả

“Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) quan trọng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để tăng cường tự do thương mại”, ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore phát biểu trong buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trả lời báo chí hôm 24/03 vào lúc kết thúc chuyến công du 4 ngày tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông “khuyến khích” Việt Nam hãy có hướng tiếp cận “nhìn tới phía trước” đối với RCEP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đang được bàn thảo giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Nhà lãnh đạo Singapore cho biết nước ông sẽ thông qua TPP bất chấp việc Hoa Kỳ đã rút ra khỏi danh sách 12 nước tham gia Hiệp định này. Phía Việt Nam đã hoãn việc thông qua TPP, nhưng đang theo dõi sát các động thái của các bên liên quan, ông Lý nói.

Thủ tướng Singapore và người đồng cấp bên phía Việt Nam cũng mong muốn tăng cường kết nối hàng không giữa hai quốc gia. Mỗi năm có khoảng 400.000 lượt du khách Việt đến thăm Singapore và 250.000 người Singapore sang Việt Nam. Ông Lý Hiển Long cho rằng việc dỡ bỏ các rào cản về du hành cũng như kinh doanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước.

Theo thống kê của Singapore, thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 giảm 8,6% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 16,1%.

Vấn đề Biển Đông, tuy không nằm cao trong nghị trình, nhưng cũng được đưa ra thảo luận. Cả hai phía Việt Nam, Singapore đều cam kết sẽ củng cố đoàn kết trong nội bộ khối ASEAN, xây dựng khả năng cho các quốc gia thành viên để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Singapore không nằm trong các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng xung đột, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảo quốc vốn phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải quan trọng này. - VOA
|
|

3.
60 năm Hiệp định Roma, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định một "tương lai chung"

Nhân lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, ngày 25/03/2017, vắng mặt Anh Quốc nhưng lãnh đạo 27 nước châu Âu long trọng ký kết bản Tuyên bố chung, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu là một khối « thống nhất và không thể tách rời ». An ninh được tăng cường tại thủ đô nước Ý đề phòng khủng bố và các cuộc biểu tình bài châu Âu.

Lễ ký Tuyên bố chung được tổ chức tại điện Capitol, cũng tại phòng hội Horaces và Curiaces, nơi cách đây 60 năm, ngày 25/03/1957, sáu thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu - gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý - đã ký Hiệp định Roma. Các bên hy vọng lễ kỷ niệm hôm nay là cơ hội để tái thúc đẩy dự án châu Âu, trong bối cảnh nước Anh quyết định rời khỏi gia đình chung và làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở khắp nơi trên lục địa này.

Tường trình của thông tín viên Huê Đăng :

" Roma rực rỡ nắng ấm, 27 nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu – không có sự hiện diện của thủ tướng Anh vì Luân Đôn đã quyết định bước ra khỏi khối Châu Âu, long trọng tham dự lễ kỷ niệm 60 năm (1957-2017) thành lập Liên Hiệp. Báo chí gọi đây là "đám cưới kim cương" của Liên Hiệp Châu Âu.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Jean-Claude Junker hồ hởi tuyên bố là sẽ có kỷ niệm 100 năm thành lập Liên Hiệp Châu Âu, ý nói lên niềm tin về sự bền vững và trường tồn của toàn khối, dù rằng hiện nay Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt là phe bài Châu Âu ngày càng tăng, và những khó khăn kinh tế khiến tỷ lệ ủng hộ và tin tưởng vào Châu Âu đã thuyên giảm.

Ngay trong sảnh đường lớn của Ủy Ban Quản Trị thủ đô Roma, nơi mà 60 năm trước nguyên thủ quốc gia của 6 nước sáng lập viên đã ký Hiệp định Châu Âu đầu tiên làm nền tảng cho Liên Hiệp Châu Âu sau này, 27 nguyên thủ quốc gia đã lần lượt ký tên vào văn bản của kỷ niệm 60 năm Liên Hiệp Châu Âu với nội dung nhằm thúc đẩy phát triển thêm mức độ hội nhập của Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 10 năm tới.

Trong bài diễn văn đón chào các nguyên thủ quốc gia đến dự lễ kỷ niệm, thủ tướng Ý, ông Paolo Gentiloni, tuyên bố : " xây dựng Liên Hiệp Châu Âu là cả một hành trình để biến những ước mơ và hy vọng thành sự thật. Hành trình đó hiện nay vẫn còn tiếp tục".

Hôm qua, 24/03/2017 các nguyên thủ quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu đã tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phanxico tại Tòa thánh Vatican. Sau lễ kỷ niệm Hiệp định Roma sáng nay, tất cả các phái đoàn sẽ đến dinh tổng thống Ý tiếp kiến ông Sergio Mattarella.

Khoảng 5.000 nhân viên của lực lượng an ninh cảnh sát và quân đội đã tăng cường bảo vệ Roma: vừa phòng chống khủng bố vừa ngăn ngừa các cuộc bạo loạn có thể xẩy ra từ những phần tử quá khích tẩy chay Châu Âu.

Từ những ngày trước cảnh sát đã kiểm soát các ngõ ngách, đường hầm, ống cống ở những nơi trọng yếu của Roma. Đường sông và không phận của Roma hôm nay bị phong tỏa, nhất là sau khi xảy ra vụ khủng bố vừa qua ở Luân Đôn, từ mấy hôm nay không có xe tải nào được chạy vào nội thành Roma.

Trong lúc các nguyên thủ quốc gia đặt bút ký vào bản Tuyên bố chung, kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma, thì có ít nhất 4 cuộc biểu tình bài châu Âu với khoảng hơn 10 ngàn người tham dự, theo dự phóng của cảnh sát Ý. Các giới chức an ninh đã được báo động về sự hiện diện của những thành phần quá khích như black-block. Vài ngày trước đây, đã có khoảng 7 ngàn thành phần quá khích mang quốc tịch của những nước khác đã bị trục xuất ra khỏi Ý ".

Khó nhọc để đạt được bản Tuyên bố chung

Liên Hiệp Châu Âu không dễ đạt được đồng thuận về bản Tuyên bố chung, được ký vào sáng nay sau hai ngày thương lượng cam go. Ba Lan cho đến phút cuối cùng vẫn đe dọa không ký, bởi không chấp nhận nguyên tắc châu Âu « nhiều tốc độ », tuy nhiên, nguyên tắc này đã được chấp nhận trong văn bản cuối cùng (với một thay đổi nhỏ, « nhiều tốc độ » được chuyển thành « với nhịp độ khác nhau »). Ngoài Ba Lan, Hy Lạp cũng tỏ ra dè dặt với bản Tuyên bố chung, nhưng yêu cầu làm rõ vấn đề các quyền lợi của người lao động.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có một hành động mang tính biểu tượng, đó là ký vào Tuyên bố chung, với chiếc bút đã được lãnh đạo Luxembourg dùng để ký Hiệp ước Roma cách nay đúng 60 năm.

Trước lễ ký, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, hối thúc lãnh đạo 27 nước « hãy chứng tỏ là các lãnh đạo của châu Âu ». Ông nhắc lại với các lãnh đạo châu Âu về thời kỳ Ba Lan còn sống dưới chế độ Cộng Sản toàn trị, những chặng đường khó khăn mà Liên Hiệp Châu Âu đã trải qua, và kêu gọi đừng để dự án châu Âu sa lầy trong « những bất đồng nội bộ » và tránh để cơ nghiệp của châu Âu tiêu tan trong nạn quan liêu.

Tuyên bố chung của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định 27 nước cam kết lắng nghe các công dân, trong lúc cách đó vài trăm mét, hàng nghìn người biểu tình bày tỏ thái độ phản đối thượng đỉnh này. - RFI
|
|

4.
"Putin muốn phương Tây phải đến gặp ông ta"

Chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin ra sao với phương Tây và Nhà Trắng? Lập trường của Nga thế nào trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraina?. Tình hình phân chia quyền lực trong nội bộ chính trường Nga như thế nào?. Tình trạng hoạt động của phe đối lập đến đâu? Nhà nghiên cứu về chính trị học, Stanislav Belkovsky (*), trên báo Libération số ra ngày 18/3/2017, giải mã về các chiến lược hiện nay của tổng thống Nga. RFI xin giới thiệu.

Liberation : Ông đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại của Nga ?

Stanislav Belkovsky: Đó không phải là một sự đối lập với phương Tây, mà là một sự đối đầu để buộc phương Tây phải yêu mến nước Nga. Nên nhớ là Vladimir Putin đã từng ủng hộ tư tưởng mở rộng quan hệ Đại Tây Dương và rất ủng hộ châu Âu lúc mới lên cầm quyền. Nhưng rồi sau một chuỗi thất vọng, ông ấy cuối cùng tin chắc là phương Tây đã thường xuyên nói dối ông. Vào năm 2007, trong một bài diễn văn nổi tiếng và giọng điệu khó chịu tại Munich, ông ấy đã cảnh báo : « Chúng tôi đến để làm ăn, chứ không phải để gây chiến, hãy đón nhận chúng tôi trước khi quá muộn ».

Trong những năm 2013-2014, ông Putin thực hiện những toan tính cuối cùng để lôi kéo phương Tây về với ông : tha bổng Khodorkovski (trùm dầu hỏa bị giam tù vào năm 2003 vì tội lừa đảo trên diện rộng, trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của Nga- chú giải của ban biên tập), ban nhạc Pussy Riot (các ca sĩ nhạc Punk này bị kết án tù vì đã nhảy múa trong một nhà thờ) hay như các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường của Greenpeace. Thế nhưng, ông được đáp trả với một sự lăng nhục ghê gớm : không một lãnh đạo nào trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Sochi năm 2014. Tệ hơn nữa, cùng lúc này tại Kiev, bắt đầu một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng Maidan, và theo Putin, thì chính Hoa Kỳ đã xúi giục. Vì vậy, giờ đây, thông điệp đã thay đổi : « Chúng tôi đến để gây chiến cho đến khi nào quý vị chấp nhận hòa giải thì thôi ».

Mối quan hệ giữa Putin với Nhà Trắng sẽ ra sao ?

Ông ấy sẽ không liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Liên Hiệp Châu Âu. Điều duy nhất làm cho ông ấy thích ông Trump là vì nhân vật này là một ứng viên chống hệ thống. Nhưng về mặt chính trị, Putin chẳng kỳ vọng được điều tốt gì và ông ấy cũng không nuôi một chút ảo tưởng nào. Thực ra, Putin muốn tìm kiếm một sự đồng thuận với phương Tây. Các chiến dịch quân sự Nga tại Cận Đông hay tại Ukraina không phải là những mục tiêu tự thân mà chỉ là những công cụ để buộc phương Tây phải hành động, phải đến bắt chuyện với ông ấy, để xác định vùng ảnh hưởng, mà không gian hậu Xô Viết để lại cho nước Nga, để giảm nhẹ các trừng phạt, do chưa bãi bỏ được các cấm vận này.

Triển vọng giải quyết xung đột Ukraina ra sao ?

Trở ngại chủ yếu, chính là bản thân Ukraina. Tầng lớp tinh hoa lên cầm quyền ở Kiev năm 2014 đã đánh giá thấp tầm mức trách nhiệm của họ. Triển vọng hội nhập nhanh vào Liên Hiệp Châu Âu đã bị mất. Trước hết phải giải quyết các vấn đề bên trong Ukraina. Vùng Donbass, đó là một cuộc xung đột bị « đông » lại một cách vô thời hạn. Và bán đảo Crimee vẫn sẽ là của Nga… Vì cả đại bộ phận dân chúng Crimée lẫn phần đông dân Nga đều sẽ không chấp nhận trao trả vùng này cho Ukraina. Còn về việc điện Kremln công nhận hộ chiếu do chính quyền tự phong Donbass cấp (theo sắc lệnh công bố ngày 18/2 vừa qua), đây là chuyện giả tưởng, một cách để trấn an quân ly khai. Sẽ không có chuyện sáp nhập các vùng này vào Nga vì Putin chẳng thấy lợi ích gì. Ngược lại, chiến tranh có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.

Vì lý do gì Marine Le Pen (ứng viên tổng thống Pháp của đảng Mặt Trận Quốc Gia) được Kremlin ủng hộ ?

Bởi vì bà ấy cũng chống hệ thống và bà ấy có khả năng có những hành động mà về mặt chính trị thì không nên, chẳng hạn như đến Nga vay tiền để tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử của mình. Chính điều này có thể làm hài lòng Putin. Nhưng điều đó không có nghĩa là Putin hy vọng vào bà ấy. Putin biết rất rõ là một khi lên cầm quyền, Le Pen sẽ không còn là chính bà ấy nữa. Trong khi chờ đợi, ông ấy khoái trá về sự xáo trộn mà nữ ứng viên này đang gây ra trong đời sống chính trị Pháp.

Theo ông, đời sống chính trị trong nội bộ nước Nga ra sao ?

Giống như là bị tâm thần phân lập. Cảnh cách kinh tế là thiết yếu nhưng chính quyền không muốn thực hiện. Putin là một người bảo thủ và cho rằng cải cách thì luôn luôn phải trả giá nhiều hơn là không làm. Chính quyền làm cho mọi người tin rằng có thay đổi, nhưng đồng thời họ tăng cường, đa dạng hóa và siết chặt các biện pháp gây áp lực lên những ai bất mãn và bất phục tùng. Một cách chính thức, người ta thông báo sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống « hợp pháp » vào năm 2018, ngoại trừ việc là kết quả đã được biết trước. Nga không ngừng khẳng định sự độc lập của mình, nhưng trên thực tế, sự phụ thuộc tâm về mặt tâm lý của điện Kremlin đối với phương Tây ngày càng tăng.

Phải chăng có một « bộ chính trị » bên cạnh Putin, một nhóm những người thân cận hỗ trợ ông ấy trong việc ra các quyết định ?

Không, không tồn tại một « bộ chính trị » như vậy. Khái niệm có từ thời Liên Xô này đòi hỏi phải có một cơ cấu, với quy định hoạt động và phân chia nhiệm vụ. Không có một bộ máy chính trị như thế bên cạnh Putin và nhóm người thân cận với ông ta cũng biến đổi hoặc thay đổi. Trong đầu của Putin, mọi thứ được phân chia theo lĩnh vực hoạt động. Igor Setchine (chủ tịch tập đoàn Gazprom) phụ trách về dầu khí và gần như có toàn quyền trong lĩnh vực này. Anh em nhà Kovaltchouk quản lý ngành truyền thông (Iouri Kovaltchouk, trùm tư bản truyền thông, chủ ngân hàng Rossiya, được xem như là ngân hàng riêng của Putin). Còn anh em nhà Rotenberg thì có mảng hạ tầng giao thông (Arkadi và Boris Rotenberg là bạn thời trẻ của Putin). Nhưng các chức vụ này đều không được thể chế hóa. Còn đối với những gì liên quan đến các vấn đề ngoại giao và quân sự, Putin tự mình quyết.

Quyền lực của ông Putin dựa vào ai ?

Ông ấy không phụ thuộc vào ai cả. Đó là một thần tượng quốc gia, ông ấy là hiện thân cho nước Nga. Một trong những lý do gây ra sự bất mãn trong giới tinh hoa của Nga chính là cuộc xung đột với phương Tây. Nhưng ông Putin chẳng vuốt ve, chiều lòng ai cả. Ông ấy đứng lên trên giới tinh hoa này, thay thế những người bạn thân lâu đời mà ông có trách nhiệm đạo lý đối với họ bằng lớp người kỹ trị cầm quyền trẻ hơn, những người mà ông Putin chẳng phải chịu ơn gì. Nhưng những người mới đến đó không được tuyển chọn theo thái độ chính trị của họ.

Tại Nga, liệu người ta đã nghĩ đến thời hậu Putin chưa ?

Tất cả mọi người đều nghĩ đến. Nhưng đó là trong suy nghĩ thôi, bởi vì thật là mạo hiểm khi nói ra loại suy nghĩ. Có khả năng ông Putin không ra ứng cử năm 2018, nhưng người ta chỉ có thể biết điều này vào phút chót. Để đi đến quyết định nói trên, ông ấy sẽ phải giải quyết trước một số vấn đề, trong đó có việc trả lại cho tầng lớp tinh hoa Nga quyền được tự do đi lại ở phương Tây. Ông ấy cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình ông, tại Nga và châu Âu. Nếu ông ấy quyết định rời điện Kremlin, quyền lực sẽ không rơi vào tay một nhà đối lập, mà được chuyển cho một người kế thừa do ông chỉ định.

Trong chiều hướng này, tôi thấy có hai người : Dmitri Medvedev (thủ tướng hiện nay), là lẽ đương nhiên và Alexeï Dioumine, một trong những cựu cận vệ trở thành chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của bộ Quốc Phòng. Lực lượng này đã sáp nhập Crimée – chiến dịch mà Putin xem như là một thành công tuyệt đối. Dioumine sau đó trở thành thứ trưởng Quốc Phòng, rồi thống đốc vùng Toula năm 2016, điều này sẽ cho phép ông ta có được kinh nghiệm cần thiết.

Tình trạng phe đối lập Nga ra sao ?

Phe đối lập Nga không đồng nhất và không thế lực. Họ lý luận theo cùng cách thức của Putin : người nào không theo chúng ta thì có nghĩa là chống lại chúng ta và do vậy họ đòi ông Putin phải ra đi. Phe đối lập không có khả năng hợp nhất bền vững và hiệu quả. Có vài nhân vật đáng chú ý, như Alexeï Navalny. Nhưng ông ta quá chú ý đến vai trò cá nhân mình. Nếu như ông ấy không đưa ra một chương trình cụ thể, đó là vì không muốn mất đi sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng. Bất chấp các vụ việc đang nhắm vào mình, ông Navalny vẫn không bị ngồi tù và người ta để ông dấn thân vào chiến dịch tranh cử. Điều này có lợi vì ông ấy sẽ thu hút thêm được 10% cử tri tham gia bầu cử (đó là tỷ lệ mà ông ấy hy vọng có được) nhờ vậy, tạo thêm tính chính đáng cho cuộc bỏ phiếu và thắng lợi của ông Vladimir Putin. Trong khi chờ đợi, chính quyền khoa trương tính chất dân chủ của mình bằng cách để cho đối lập tham gia vào đời sống chính trị.

(*): Ông Stanislav Belkovsky là nhà sáng lập Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia, một trung tâm cố vấn tại Matxcơva. Ông nổi tiếng với những báo cáo được nghiên cứu kỹ về các nhà tài phiệt Nga đầu những năm 2000. Stanislav Belkovsky còn là chuyên gia chính trị chính của Dojd - kênh truyền hình độc lập duy nhất tại Nga. - RFI
|
|

5.
Các cường quốc 'phải duy trì hòa bình thế giới'

Các nước lớn trên thế giới phải chịu trách nhiệm duy trì hòa bình toàn cầu, và mọi nước nên duy trì cam kết về đường hướng phát triển hòa bình và ổn định, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ nói hôm 25/3.

Bình luận của quan chức Trung Quốc tiếp theo sau các tin tức loan đi trong tuần này rằng Bắc Hàn đang trong gian đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới.

Đầu tháng này, Bình Nhưỡng phóng bốn quả tên lửa đạn đạo để đáp lại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc mà Bắc Hàn coi là sự chuẩn bị cho chiến tranh.

Reuters dẫn lời ông Trương phát biểu khai mạc một diễn đàn về châu Á ở miền nam Trung Quốc: “Các nước lớn phải có trách nhiệm duy trì hòa bình toàn cầu, nên tăng cường đối thoại chiến lược, gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng các lợi ích cốt lõi và các mối quan ngại lớn”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc không nêu rõ các nước lớn đó là những quốc gia nào.

Bắc Hàn đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa kể từ đầu năm 2016.

Washington đã thúc ép Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi cách tiếp cận hai hướng, theo đó thúc giục Bình Nhưỡng ngưng các vụ thử, và Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc diễn tập quân sự, để đôi bên có thể trở lại bàn đàm phán.

Bắc Kinh mới đây đã tức giận vì Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc mà Trung Quốc nói rằng vừa làm tổn hại tới an ninh của Bắc Kinh đồng thời không làm giảm bớt căng thẳng.

“Tất cả các bên nên kiên trình đối thoại để giải quyết các tranh chấp và các vấn đề một cách hòa bình”, ông Trương nói, nhưng không nêu cụ thể các tranh chấp vấn và những vấn đề đó là gì.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Trương được đưa ra trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hoa Kỳ vào tháng tới. - VOA
|
|

6.
Người Anh tuần hành phản đối Brexit

Hàng nghìn người đã tuần hành qua thủ đô London hôm 25/3 để phản đối việc Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu, bốn ngày trước khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức bắt đầu tiến trình Brexit, chính thức “ly hôn” tổ chức mà nước này gia nhập 44 năm trước.

Cuộc tuần hành có tên gọi “Đoàn kết vì châu Âu” dự kiến kết thúc tại một quảng trường gần quốc hội, nơi xảy ra vụ tấn tấn công làm bốn người chết trong tuần.

Trước khi bắt đầu cuộc biểu tình, những người tham dự đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân của vụ khủng bố.

Reuters đưa tin rằng những người tuần hành vẫy cờ của EU cùng các biểu ngữ như “Chặn Brexit” khi họ đi tới quốc hội.

Trong khi đó, có người cầm biểu ngữ với nội dung “Chúc mừng sinh nhật EU” nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 60 của tổ khối vào cuối tuần này.

Bà May tuyên bố ý định rút Anh khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái, và sẽ chính thức thông báo khởi sự tiến trình kéo dài hai năm vào ngày 29/3, theo Reuters. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Tổng thống Trump tập trung cải cách thuế

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang hướng sự chú ý sang việc cải cách thuế, sau khi thất bại trong nỗ lực loại bỏ và thay thế chương trình chăm sóc y tế liên bang hay còn được gọi là Obamacare.

“Tôi muốn nói rằng chúng tôi có thể sẽ bắt đầu mạnh mẽ cắt giảm và cải tổ thuế. Đó là vấn đề tiếp theo”, ông Trump nói hôm 24/3, sau khi phe Cộng hòa rút dự luật thay thế Obamacare.

Đảng Cộng hòa buộc phải hoãn việc bỏ phiếu về dự luật y tế tại Hạ viện sau khi không nhận được đủ sự hậu thuẫn.

Trước đó trong ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Axios rằng ông đã giám sát dự luật cải tổ thuế của chính quyền của ông Trump trong hai tháng qua.

Ông cho biết dự luật sẽ bao gồm các đề xuất cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp. "Trọng tâm chính của chúng tôi là cắt giảm thuế cho người có thu nhập trung bình, chứ không phải nhóm đứng đầu”, ông nói.

Ông Mnuchin từ chối cho biết mức thuế đánh vào doanh nghiệp dự tính sẽ như thế nào, nhưng tuyên bố nó sẽ “thấp hơn nhiều” so với mức 35% hiện thời.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rằng kế hoạch thuế của Tổng thống Trump sẽ sớm được đệ trình và hy vọng nó sẽ được quốc hội thông qua sớm nhất là tháng Tám.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói với các phóng viên hôm 24/3 rằng thời hạn tháng Tám “rất tham vọng”, nhưng nói thêm rằng đó là điều chính quyền sẽ cố gắng đạt được.

Việc không thông qua được dự luật y tế thay thế Obamacare cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Đảng Cộng hòa, đe dọa tới các sáng kiến khác của Tổng thống Trump như tái thiết cơ sở hạ tầng và xây dựng tường ngăn trên biên giới. - VOA
|
|

8.
Trump đổ lỗi thất bại dự luật cho phe Dân chủ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì thất bại trong dự luật y tế của ông.

Lưỡng viện Mỹ do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, nhưng dự luật này đã bị rút lại hôm thứ Sáu vì không thể có được số phiếu được yêu cầu.

Phát ngôn với tờ Washington Post, ông Trump nói: "Chúng ta không thể có được một phiếu bầu của đảng Dân chủ, và chúng tôi hơi mắc cỡ một chút ... vì vậy chúng tôi đã rút lại."

Việc rút lại dự luật vào phút cuối cùng được xem là một cú sốc lớn đối với Tổng thống Mỹ.

Huỷ bỏ và thay thế chương trình chăm sóc sức khoẻ được biết đến như Obamacare là một trong những cam kết bầu cử chính của ông.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng ông và ông Trump đồng ý rút lại cuộc bỏ phiếu, sau khi rõ ràng nó sẽ không có được số phiếu tối thiểu cần thiết là 215 của Đảng Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện và Thượng viện.

Tuy nhiên, nhiều tin tức cho hay giữa 28 và 35 đảng viên Cộng hòa đã phản đối dự thảo Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hoa Kỳ của Tổng thống Trump (AHCA).

Một số người được cho là không hài lòng khi dự luật cắt giảm bảo hiểm y tế quá nghiêm trọng, trong khi những người khác cảm thấy những thay đổi đã không đi đủ xa.

Dự luật cũng tỏ ra không phổ biến với công chúng - trong một cuộc thăm dò gần đây, chỉ 17% tán thành thông qua.

'Sẽ phải chung sống'

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính AHCA sẽ giảm bớt thâm hụt khoảng 336 tỷ đô la trong giai đoạn 2017 và 2026.

Tuy nhiên, số người Mỹ không có bảo hiểm sức khoẻ sẽ đứng ở mức 52 triệu vào cùng thời điểm - thêm 24 triệu người so với Obamacare.

Phát biểu sau khi rút lại dự luật, ông Trump liên tục tuyên bố Obamacare sẽ "nổ tung".

Tuy nhiên, ông kiềm chế không chỉ trích ông Ryan, người có vị thế chủ tịch Hạ viện liên quan việc vận động ủng hộ các dự luật gây tranh cãi.

Tổng thống Trump nói rằng các đảng viên Cộng hòa nay sẽ tập trung vào cải cách thuế.

"Chúng ta phải để Obamacare đi theo con đường của nó trong một thời gian ngắn", ông nói với các phóng viên tại Văn phòng Bầu dục, và thêm rằng nếu các đảng viên Dân chủ đã "văn minh và đoàn kết", hai bên có thể đưa ra "một dự luật chăm sóc sức khoẻ tuyệt vời".

Ông nói: "Chúng tôi đã học được về sự trung thành, chúng tôi đã học được rất nhiều về quá trình bỏ phiếu."

Trước đó, ông Ryan nói với các phóng viên: "Chúng ta sẽ chung sống với Obamacare trong tương lai gần.

Ông nói ông không thích điều này, và rằng "Đây là một ngày đáng thất vọng đối với chúng tôi."

Trong khi đó, lãnh đạo cánh Dân chủ thiểu số trong Hạ viện, bà Nancy Pelosi mô tả sự rút lui dự luật là "một thắng lợi cho người Mỹ". - BBC
|
|

9.
Tranh cãi vụ huỷ điều trần công khai về can dự cuả Nga trong bầu cử Mỹ

Các nhà lập pháp hàng đầu Hoa Kỳ đang tranh cãi gay gắt về quyết định ngưng điều trần công khai về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, vụ tranh cãi mới nhất nổ ra sau khi cuộc điều trần công khai của các cựu nhân viên tình báo bị huỷ bỏ đột ngột.

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, thuộc Đảng Cộng hoà, loan báo quyết định này hôm thứ Sáu, cho rằng đó là điều cần thiết để nghe những lời khai chứng của Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA trong một cuộc điều trần kín.

Trong một cuộc họp báo dàn xếp vội vã, ông Nunes nói uỷ ban tình báo Hạ viện muốn tìm kiếm thêm thông tin, và chỉ có thể có những thông tin đó trong các buổi điều trần kín.

Tin này bị các dân biểu Đảng Dân chủ mạnh mẽ đả kích, họ lưu ý rằng Giám Đốc FBI James Comey và Giám Đốc NSA, Đô đốc Mike Rogers đã công khai điều trần hôm thứ Hai trước đó.

Trong buổi điều trần đó, ông Comey lần đầu tiên xác nhận là các giới chức đang điều tra những liên hệ có thể có giữa đội chuyển tiếp của ông Trump với Nga.

Ông Adam Schiff, dân biểu hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nói huỷ cuộc điều trần công khai với Giám Đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và cựu Giám Đốc CIA John Brennan là một hành động “tránh né.”

Ông mô tả loan báo của ông Nunes rằng ông Paul Manafort, cựu Giám Đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng ý nói chuyện với uỷ ban là một chiêu trò nhằm đánh lạc hướng dư luận. Dân biểu Schiff nói:

“Phải có sự can thiệp mạnh mẽ từ Toà Bạch Ốc. Tôi không thể đi đến kết luận nào khác để lý giải vì sao một cuộc điều trần được mọi người đồng ý lại bất thần bị huỷ bỏ? Có lý do nào khác để giải thích điều đó? ”

Nga khăng khăng bác bỏ những cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Trump cũng mạnh mẽ chống đối những lời cáo buộc, nói rằng những cáo buộc đó được các giới chức Đảng Dân chủ kích động để chạy lỗi và giải thích vì sao ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, thất cử. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Ðà Nẵng: Chết chùm vì lãnh đạo chỉ biết ‘mửa’ ra dự án

Công ty Trung Nam – nhà đầu tư kiêm nhà thầu hệ thống cầu vượt ngã ba Huế vừa gửi “tối hậu thư” cho chính quyền Ðà Nẵng đòi phải sớm có quyết định chính thức về việc trả nợ.

Năm 2013, công ty Trung Nam được chọn để đầu tư-xây dựng hệ thống cầu vượt ngã ba Huế – một trong những nơi có mật độ xe cộ lớn nhất ở Ðà Nẵng.

Công ty Trung Nam đã vay Ngân Hàng Thương Mại Sài Gòn-Hà Nội (SHB) 2,050 tỉ đồng để thực hiện hệ thống cầu vượt ngã ba Huế. Tuy công trình đã hoàn tất từ Tháng Ba năm 2015 nhưng đến nay công ty Trung Nam chưa được thanh toán đồng nào. Cuối tháng này là thời điểm công ty Trung Nam phải hoàn trả cho SHB 2,050 tỉ đã vay và 600 tỉ tiền lãi.

Trong “tối hậu thư” gửi chính quyền Ðà Nẵng, công ty Trung Nam yêu cầu chính quyền thành phố này chọn một trong hai: Hoặc thanh toán sớm khoản nợ 2,050 tỉ đồng. Hoặc để công ty này tự tổ chức thu hồi vốn đầu tư bằng cách cấm xe ở một số tuyến đường, lập trạm thu phí ở tất cả các lối dẫn vào hệ thống cầu vượt ngã ba Huế.

Khi được hỏi về hoàn cảnh, đại diện công ty Trung Nam phân trần với báo giới Việt Nam rằng, họ không muốn tổ chức thu phí giao thông đối với phương tiên qua lại hệ thống cầu vượt ngã ba Huế nhưng họ đang trong tình trạng chẳng đặng đừng. Tới hạn mà không trả được cả nợ gốc lẫn lãi cho SHB thì hết đường làm ăn.

Chưa thấy SHB nói gì trước viễn cảnh có thêm 2,050 tỉ dồng nợ xấu (nợ không có hoặc chưa thấy khả năng thu hồi).

Ðáng nói là theo tờ Tuổi Trẻ thì lúc này, cả chính quyền thành phố Ðà Nẵng lẫn Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đều chưa biết đào đâu ra tiền để trả cho công ty Trung Nam.

Sở dĩ hệ thống cầu vượt ngã ba Huế dính dáng tới Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam vì chính quyền Ðà Nẵng đã “xin” và thủ tướng Việt Nam đã đồng ý giao cho Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam đứng ra “thu xếp vốn.” Thời gian “thu xếp vốn” để thanh toán là từ nay đến năm… 2020!

Chuyện chính quyền thành phố Ðà Nẵng nợ công ty Trung Nam 2,050 tỉ giờ mới “lòi” ra nhưng lý do chuyện này làm thiên hạ chưng hửng không phải vì khoản nợ khổng lồ đó mà vì đang nợ như thế, chưa biết làm sao trả nợ thì Tháng Tám năm ngoái, chính quyền thành phố Ðà Nẵng công bố ý tưởng bỏ trung tâm hành chính hiện tại để xây một trung tâm hành chính mới. Cần nhắc lại rằng, trung tâm hành chính hiện tại chỉ mới hoàn tất cách nay hai năm và ngốn tới 2,000 tỉ. Lý do dẫn tới ý tưởng bỏ cũ xây mới là vì trung tâm hành chính hiện tại không… thoáng khí.

Dư luận xoay quanh chuyện bỏ trung tâm hành chính hiện tại vừa lắng xuống thì Tháng Mười Hai năm ngoái, Thành Ủy Ðà Nẵng thông qua một… nghị quyết, khẳng định sẽ làm đường hầm băng ngang sông Hàn.

Lý do Thành Ủy Ðà Nẵng phải soạn riêng một… nghị quyết cho kế hoạch xây dựng đường hầm băng ngang sông Hàn vì có nhiều người, nhiều giới ngăn cản. Theo nhiều chuyên gia thì mật độ công trình vượt sông Hàn vốn đã rất dày. Trong phạm vi 12 cây số đã có tới 11 cầu và bên kia sông Hàn chỉ có 150,000 gia đình. Mặt khác, Ðà Nẵng chỉ có 1.1 triệu dân với 60,000 xe hơi, chưa tới 800,000 xe hai bánh gắn máy, xây thêm một công trình nữa để vượt sông Hàn là quá thừa. Những chuyên gia này gợi ý, nếu chính quyền thành phố Ðà Nẵng khăng khăng phải có thêm công trình vượt sông Hàn thì nên làm cầu, chi phí sẽ chỉ gần một nửa chi phí làm đường hầm song bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng tuyên bố, không làm được đường hầm qua sông Hàn sẽ… từ chức. Có lẽ sợ mất một… nhân tài nên Thành Ủy Ðà Nẵng “nhất trí” thực hiện ý kiến bí thư!

Ðường hầm băng ngang sông Hàn – nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, dự trù khởi công vào năm 2018, hoàn tất vào năm 2021 và sẽ ngốn… 4,700 tỉ đồng!

Tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam cũng như Ðà Nẵng.

Hồi cuối năm 2013, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư của chính phủ Việt Nam lúc đó là ông Bùi Quang Vinh từng cảnh báo: “Kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn.”

Theo lời ông Vinh: “Ðất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan.” Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Hơn ba năm sau, dẫu nợ nần càng ngày càng cao, xây dựng cơ bản kiểu như trung tâm hành chính mới, đường hầm vượt sông Hàn,… vẫn tràn lan. Có thể vì các viên chức Việt Nam hâm mộ viễn cảnh chết chùm. - nguoiviet
|
|

11.
Cá chết hàng loạt tại thượng nguồn sông Sài Gòn

Người dân sống quanh khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn hôm thứ Bảy 25/3/2017 cho biết họ phát hiện cá chết hàng loạt tại khu vực cầu Sài Gòn.

Những ngày qua người dân vớt được hơn 2 tấn cá chết. Cá chết chủ yếu là cá trắng, cá mè, cá rô phi và một lượng nhỏ cá lăng.

Báo Tuổi Trẻ trích dẫn người dân ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, sống quanh khu vực cầu Sài Gòn nói rằng, cá chết từ ngày 23-3 đến nay.

Hiện nay cá vẫn tiếp tục chết, và địa điểm cá chết có thể bắt nguồn từ con suối Ru thuộc ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn hiện có một số doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề như sản xuất chế biến bột mì, nuôi heo…

Trước hiện tượng này, chính quyền tỉnh Bình Phước đang phối hợp với các cơ quan chức năng để lấy mẫu nước tại thượng nguồn sông Sài Gòn đưa đi giám định để tìm hiểu nguyên nhân.

Trước mắt, chính quyền tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân không vớt cá chết, không dùng cá chết để chế biến ăn và không được mang đi bán. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment