Wednesday, January 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 27/1

Tin Thế Giới

1.
Mỹ, Trung Quốc chưa đạt thoả thuận về vấn đề trừng phạt Bắc Hàn

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết đối với mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Jeff Custer của đài VOA, đôi bên chưa đồng ý với nhau về đợt chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư.

Sau cuộc họp ngày hôm nay tại Bắc Kinh với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng nước ông sẵn sàng ủng hộ một nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng ông không đề cập tới bỏ phiếu trừng phạt cụ thể nào và cho rằng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không nên làm cho căng thẳng gia tăng thêm nữa.

"Chúng tôi cũng đồng ý là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên hành động thêm và thông qua một nghị quyết mới. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc thảo luận toàn diện và cặn kẽ với Hoa Kỳ và tất cả các bên với tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, chúng tôi phải nói rõ là nghị quyết mới không nhắm tới việc khích động căng thẳng và gây bất ổn ở bán đảo Triều Tiên, mà là nhắm tới mục tiêu mang vấn đề hạt nhân ở bán đảo này trở lại với con đường đúng đắn là con đường đối thoại."

Ngoại trưởng Kerr cho rằng cần phải có được đồng thuận về một nghị quyết mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa có được thht về các tiêu chí của nghị quyết. Ông nói thêm rằng Trung Quốc có thể nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong việc kiềm chế Bắc Triều Tiên.

"Như tôi đã công khai nói tới trước đây - đây không phải là một điều bí mật, Hoa Kỳ mạnh mẽ tin tưởng là Trung Quốc có một khả năng đặc thù bởi vì vai trò đặc biệt của họ và những mối liên hệ của họ với Bắc Triều Tiên, một khả năng có thể giúp cho chúng tôi rất nhiều để giải quyết thách thức này."

Ông Kerry nói rằng những biện pháp chế tài Iran, một nước không có vũ khí hạt nhân, còn nhiều hơn những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên, là nước có vũ khí hạt nhân.

Ông Kerry và ông Vương Nghị cho biết họ cũng đã thảo luận về vấn đề  tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng không đề cập gì tới những biện pháp nhằm giảm bớt những mối căng thẳng vì vấn đề này.

Trong chuyến viếng thăm một ngày đến Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đã hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và các giới chức khác trong chính phủ Trung Quốc. - VOA
|
|

2.
Ông Putin kêu gọi chống tham nhũng sau cáo giác của quan chức Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi nước này cải thiện những biện pháp chống tham nhũng của mình, chỉ vài giờ sau khi một bộ phim tài liệu của đài BBC cho biết tài sản cá nhân của ông ta được ước tính ở mức gần 40 tỉ đôla.

Trong một cuộc họp với Nội các hôm thứ Ba, ông Putin cho biết nhiệm vụ chống tham nhũng sẽ là một thách thức lớn.

"Nói chung có một khối lượng công tác rất lớn ở đây," ông nói. "Tôi nghĩ đó là một nhiệm vụ khó khăn, thậm chí có thể là khó hoàn thành. Nhưng nếu chúng ta dừng lại thì nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải tiến về phía trước."

Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ phát biểu của một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói với BBC rằng ông Putin là "hình ảnh của sự tham nhũng," gọi tuyên bố này là "hoàn toàn bịa đặt."

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Panorama của BBC, Adam Szubin, Quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính đặc trách Khủng bố và Tình báo Tài chính, nói "chúng tôi đã nhìn thấy [Putin] làm giàu cho những người bạn, những đồng minh thân cận của ông ta, và gạt ra rìa những người mà ông ta không coi là bạn bằng cách sử dụng tài sản nhà nước."

"Cho dù đó là nguồn năng lượng của Nga, cho dù đó là những hợp đồng nhà nước khác, ông ta giao những thứ đó cho những người mà ông tin là sẽ phục vụ cho mình và loại ra những người không làm như vậy," ông Szubin nói. "Với tôi, đó là hình ảnh của sự tham nhũng."

Chương trình này, được phát sóng tối thứ Hai, cho biết ông Putin, người nhận mức lương nhà nước khoảng 100.000 đôla một năm, đã tích lũy khối tài sản cá nhân ước tính khoảng 40 tỉ đôla, làm cho ông ta trở thành một trong những người đàn giàu nhất thế giới.

Phát ngôn viên của ông Putin Dmitry Peskov bác bỏ cáo giác trong chương trình này là "hoàn toàn bịa đặt," nói thêm rằng phát biểu của quan chức Bộ Tài chính Mỹ có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Mỹ.

"Mối quan hệ của hai nước không ở trong tình trạng tốt nhất vào thời điểm này. Những lời dối trá như vậy có thể làm phức tạp mọi thứ hơn nữa." - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ phản đối tổng thống Đài Loan ra thăm đảo Ba Bình

Hôm nay, 27/01/2016, Mỹ lên tiếng chỉ trích nghiêm khắc việc tổng thống mãn nhiệm Đài Loan, Mã Anh Cửu quyết định tới thăm đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

Ba Bình là hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines , Malaysia và Brunei, nhưng hiện do Đài Loan chiếm giữ và đặt tên là đảo Thái Bình.

Ngay sau khi Đài Bắc thông báo tổng thống Mã Anh Cửu ngày mai ( 28/01/2016) sẽ tới thăm hòn đảo này, hôm nay phát ngôn viên của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Loan, bà Sonia Urborn đã tuyên bố: “Chúng tôi thất vọng việc tổng thống Mã Anh Cửu dự định đến đảo Thái Bình…. Một quyết định như vậy vô cùng tai hại và không góp phần giải quyết hòa bình các bất đồng tại Biển Đông”.

Trước đó, để giải thích cho chuyến đi đầu tiên của ông Mã tới thăm hòn đảo này, phát ngôn viên phủ tổng thống Đài Loan khẳng định : “ Đảo thái Bình là một phần của lãnh thổ Cộng Hòa Trung Hoa - Đài Loan” và rằng đây là chuyến thăm mang tính chất cá nhân trước dịp Tết nguyên đán.

Sau thất bại ở cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm 16 tháng Giêng vừa qua, tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng sẽ phải chuyển giao quyền lực cho tổng thống tân cử Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến vào tháng 5 tới đây. Năm 2008, tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến trước khi mãn nhiệm cũng đã tới thăm hòn đảo này.

Để khẳng định chủ quyền, Đài Loan luôn tìm cách đẩy mạnh sự hiện hữu trên đảo Thái Bình (Ba Bình). Năm ngoái Đài Bắc đã cho xây dựng một đường băng máy bay và một con đê chắn sóng lớn trên đảo.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đòi hỏi chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông đã cho xây dựng, bồi đắp hàng loạt các đảo nhân tạo trong các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh. Việc làm này đã không khỏi gây lo ngại cho các nước trong cũng như ngoài khu vực Biển Đông. - RFI
|
|

4.
Freedom House: Tự do trên thế giới suy giảm năm thứ 10 liên tiếp

Một nghiên cứu mới đây cho rằng kinh tế đi xuống trên toàn cầu và nỗi lo về bất ổn xã hội đã dẫn đến việc các chính quyền độc tài gia tăng đàn áp chính trị trong năm 2015. Bản phúc trình năm 2015 của tổ chức phi đảng phái Freedom House đã đánh giá mức độ tự do dân chủ ở các nước trên thế giới. Thông tín viên Chris Simkins của đài VOA tường thuật.

Cuộc nội chiến ở Syria và sự bất ổn tại các nơi khác ở Trung Đông làm cho khu vực này trở thành một trong những khu vực tồi tệ nhất thế giới về mặt tự do.

Phúc trình năm 2015 của Freedom House cho hay 72 nước đã có xung đột, các vấn đề chính trị và kinh tế tiếp sức cho sự suy thoái về tự do toàn cầu trong năm thứ 10 liên tục.

Bà Vanessa Tucker, thuộc Freedom House, nói:

“Chúng tôi thấy rằng một số quyền tự do liên quan đến tự do hội họp, tự do lập hội, pháp quyền, tòa án độc lập đều đã trở nên tồi tệ đi”.

Cuộc nghiên cứu của tổ chức có trụ sở ở Washington đã xếp hạng 50 nước và vùng lãnh thổ là “Không Tự do”. Những bên vi phạm tồi tệ nhất là những nơi như Syria. Những nơi khác lọt vào danh sách là Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, Somalia, Bắc Triều Tiên, Uzbekistan và Eritrea.

Bản phúc trình cho thấy người dân ở các nơi đó đã hứng chịu những sự thụt lùi lớn khi các nhà lãnh đạo độc tài trấn áp những nhà hoạt động nhân quyền và những người phê phán chính phủ.

Nhưng theo bản phúc trình, các khu vực Trung Đông và Bắc Phi bị xếp hạng tồi nhất.

Bà Vanessa Tucker nói: “Điều chúng tôi nhận thấy, nhất là ở Trung Đông, là nhiều người cầm quyền  lâu năm - và thậm chí trong một số trường hợp, còn được coi là đồng minh của phương Tây – trên thực tế không phải là những đối tác ổn định. Và tôi nghĩ rằng việc tiếp tục vun đắp quan hệ với họ trong dài hạn là một sự đặt cược rất dở.

Freedom House nói các nước dân chủ bị sức ép của các vụ tấn công khủng bố và gặp căng thẳng bởi số người di cư nhiều chưa từng có cũng đã hạn chế các quyền tự do dân sự.

Bà Vanessa Tucker nhận xét: “Vì vậy điều đặc biệt quan trọng ở các nước đang đối mặt với những thách thức lớn nhất, mà hầu như đều liên quan đến làn sóng di dân, là họ cần tiếp tục cân đối nghĩa vụ của chính phủ bảo vệ thường dân và bảo vệ các lợi ích quốc gia với việc tiếp tục duy trì các quyền tự do cơ bản”.

Các nước bị Freedom House chỉ trích thường lên án tổ chức này. Nga đã mô tả Freedom House là có thiên kiến và cáo buộc tổ chức này phục vụ lợi ích của Mỹ.

Bản phúc trình cũng ghi nhận 61 nước đã có tiến bộ trong nỗ lực củng cố các quyền tự do, và khen ngợi khu vực Mỹ Latin.

Bà Vanessa Tucker phát biểu: “Một khu vực quan trọng là Mỹ Latin, chúng tôi nhận thấy rằng trong vòng 5-10 năm qua, đã có những vụ trấn áp nhắm vào nhiều quyền cơ bản, và chúng tôi đã nhận thấy xu hướng đảo ngược lại phần nào”.

Bản phúc trình cho rằng sự thụt lùi đáng kể nhất về tự do toàn cầu trong thập niên qua là trong lĩnh vực tự do biểu đạt và pháp quyền. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Cảnh sát kêu gọi cộng đồng người Việt giúp truy lùng tù nhân vượt ngục

Cảnh sát ở miền Nam California kêu gọi cộng đồng người Việt cung cấp bất kỳ thông tin nào về ba tù nhân nguy hiểm đang lẩn trốn sau khi thực hiện vụ vượt ngục táo bạo.

Ba tù nhân Hossein Nayeri (37 tuổi), Jonathan Tieu, (20 tuổi) và Bac Duong (43 tuổi), đã vượt ngục sáng sớm hôm thứ Sáu sau khi cắt thủng lưới thép, bò qua đường hầm ống nước và dùng dây trèo xuống để trốn thoát khỏi nhà tù nam tại trung tâm thành phố Santa Ana.

Cảnh sát cho biết cả ba đều là tội phạm bạo lực. Tieu là thành viên của một băng đảng gốc Việt bị bắt giam vì tội giết người.

Ông Dave Sawyer, Cảnh sát trưởng quận Cam, cho biết: “Chúng tôi biết rằng trong một số cộng đồng địa phương, đặc biệt là cộng đồng người Việt, hiện đang lo sợ về vụ bỏ trốn của những tù nhân này”.

Ông Sawyer nói: “Tôi đến đây chỉ để nói với các bạn rằng chúng tôi đã thực hiện cách tiếp cận chủ động để tăng áp lực lên băng đảng của Tieu, để họ biết rằng chúng tôi đang truy lùng anh ta”.

Các công dân có thể gọi ẩn danh cho cơ quan chức năng. Phó cảnh sát trưởng, người có thể nói tiếng Việt, cũng thông báo cho cộng đồng người Việt các thông điệp tương tự như cảnh sát trưởng Sawyer. Cảnh sát treo giải thưởng 50.000 đôla cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ các tù nhân vượt ngục.

Ông Sawyer cho biết, Duong là một thành viên của một băng đảng người Việt bị bắt giam vì tội cố ý mưu sát. Nayeri bị kết án tội giết người và bị buộc tội trong một vụ bắt cóc và tra tấn.

Ông Jeff Hallock, phát ngôn viên cảnh sát trưởng, cho biết, ba tù nhân đã cắt một lưới thép dày hơn 1cm trước khi trèo lên mái nhà và hiện vẫn chưa rõ làm thế nào mà họ có được các dụng cụ cần thiết.

Ông Hallock nói: “Tất cả những gì tôi có thể nói là có khoảng 4 đến 5 loại dụng cụ khác nhau bằng kim loại, sắt, thép, các thứ tương tự”.

Ông Hallock cho biết đã xảy ra một vụ gây rối trong nhà tù, trong đó có một quản giáo bị tấn công. Vụ này có thể đã được dàn dựng để các tù nhân có thời giờ bỏ trốn.

Ông nói thêm: “Đây là một kế hoạch vượt ngục được chuẩn bị kỹ lưỡng”. Ông cũng nói rằng có “nhiều khả năng” là Tiêu đã lên hệ với các thành viên băng đảng của mình.

Ông Hallock  nói: “Chúng tôi thực sự cần sự trợ giúp của công chúng. Chúng tôi biết rằng có ai đó có thể biết một điều gì”. - VOA
|
|

6.
Ông Trọng tái cử chức Tổng bí thư

Vị trí Tổng bí thư thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, người được tái đắc cử nhằm mục đích bảo đảm "kế thừa và đoàn kết" trong nội bộ Đảng CSVN.

Hôm thứ Tư 27/1, Đại hội XII nghỉ họp, trong khi các ủy viên mới được bầu hôm 26/1 họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, bỏ phiếu chọn ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của mình.

Bộ Chính trị mới được nói có 19 vị, tăng ba người so với trước.

Danh sách Bộ Chính trị cho tới tận trước khi bầu gây nhiều chú ý và đồn đoán, vì dựa vào đó có thể suy luận ra ai sẽ đứng đầu các lĩnh vực quan trọng nhất của nền chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam.

Hôm 27/1, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn cho hay: “Tôi không quá quan tâm đến chuyện ông Trọng tại vị hay ai đó sẽ thay ông ngồi vào ghế tổng bí thư. Vì theo tôi, sau kỳ đại hội này, bản chất của Đảng Cộng sản vẫn thế, vai trò cá nhân không giúp thay đổi gì”.

“Tôi không hy vọng cũng chẳng thất vọng vì bất kỳ cá nhân nào trong Đại hội 12 cả, vì khi đọc qua cương lĩnh, tôi thấy họ chẳng có thay đổi gì. Trước tình hình này, tôi nghĩ người dân chỉ còn có cách đòi quyền công dân của mình và hiểu rằng điều đó chỉ xảy đến khi mình đấu tranh đòi Hiến pháp 2013 về Quyền Con người phải được thực thi”, luật sư nói thêm.

Tuy danh sách này ngày thứ Năm 28/1 mới chính thức công bố, một số nguồn tin trong nước cho BBC hay Bộ Chính trị mới bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng có các ông bà (xếp theo thứ tự alphabet):

1. Trương Hòa Bình: Chánh án tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên trung tướng công an

2. Nguyễn Văn Bình: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

3. Phạm Minh Chính: Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên trung tướng công an

4. Hoàng Trung Hải: Phó Thủ tướng

5. Vương Đình Huệ: Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Tài chính

6. Đinh Thế Huynh: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

7. Tô Lâm: Thượng tướng, Thứ trưởng Công an

8. Ngô Xuân Lịch: Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

9. Trương Thị Mai: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

10. Phạm Bình Minh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

11. Nguyễn Thị Kim Ngân: Phó Chủ tịch Quốc hội

12. Nguyễn Thiện Nhân: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng

13. Tòng Thị Phóng: Phó Chủ tịch Quốc hội

14. Nguyễn Xuân Phúc: Phó Thủ tướng

15. Trần Đại Quang: Đại tướng, Bộ trưởng Công an

16. Đinh La Thăng: Bộ trưởng Giao thông Vận tải

17. Võ Văn Thưởng: Phó bí thư thường trực TP HCM

18. Trần Quốc Vượng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao

Lãnh đạo các ngành

Có thể thấy trong danh sách ở trên, bốn ủy viên Bộ Chính trị mới xuất thân công an, hai người thuộc quân đội.

Với sắp xếp như vậy, nếu như ông Trần Đại Quang lên làm Chủ tịch nước thì ông Tô Lâm sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Ông Võ Văn Thưởng nhiều khả năng sẽ trở thành Bí thư Thành ủy HCM thay ông Lê Thanh Hải.

Một điều mà nhiều nhà quan sát cho là bất ngờ, là việc ông Đinh La Thăng lọt vào Bộ Chính trị.

Việc ông Phạm Bình Minh trở thành ủy viên Bộ Chính trị cũng là một diễn biến được quan tâm, được cho là sẽ nâng cao vị thế của ngành ngoại giao Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh là con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người chủ trương chống ảnh hưởng của Trung Quốc và do vậy không được ủng hộ của Bắc Kinh.

Một câu hỏi mà các nhà bình luận đang tìm cách giải đáp là ai trong các ủy viên trên sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng khi ông rút lui vào giữa nhiệm kỳ trong vài năm tới. - BBC

No comments:

Post a Comment