Saturday, January 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 23/1

Tin Thế Giới

1.
Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc mong nới rộng quan hệ với Iran

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tới Iran trong chuyến viếng thăm chính thức để nới rộng các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Theo tin của hãng thông tấn IRNA của Iran, sau khi tới Tehran tối thứ sáu, ông Tập Cận Bình nói Bắc Kinh mong đợi “một chương mới” trong mối quan hệ song phương. Bản tin trích lời ông Tập nói “Trung Quốc mong muốn tăng cường quan hệ song phương với Iran để bắt đầu một chương mới của mối quan hệ toàn diện, lâu dài và bền vững với nước Cộng hoà Hồi giáo này.”

Trung Quốc là một trong những nước mua dầu lửa của Iran nhiều nhất, ngay cả trong khoảng thời gian 3 năm Iran bị cộng đồng quốc tế chế tài vì chương trình hạt nhân. Giờ đây, với việc các biện pháp chế tài được dỡ bỏ, mối quan hệ này có thể gia tăng hơn nữa.

Theo tin của IRNA, trong chuyến viếng thăm này, Iran và Trung Quốc sẽ ký kết 17 hiệp định để tăng cường hợp tác trong các lãnh vực kinh tế, công nghiệp, văn hoá và tư pháp.

Ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tới thăm Iran trong vòng 14 năm, hôm nay sẽ hội kiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani; và sau đó sẽ được lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khameei, tiếp kiến.

Trung Quốc đã nắm giữ một vai trò chính trong các nỗ lực quốc tế để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Trước khi ông Tập Cận Bình tới Iran, Hoa Kỳ cho biết họ hy vọng Bắc Kinh tiếp tục hợp tác với Washington để bảo đảm là Iran không khôi phục khả năng hạt nhân.

Mỹ và Trung Quốc là đồng chủ tịch của một tiểu ban có nhiệm vụ giám sát thiết kế mới của lò phản ứng hạt nhân nước nặng của Iran ở Arak nhằm bảo đảm nhà máy này không sản xuất loại plutonium có thể dùng để chế bom hạt nhân. - VOA
|
|

2.
Anh chịu áp lực phải trừng phạt Nga về vụ Litvinenko

Nhiều người hôm thứ Sáu đã lên tiếng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron trừng phạt Nga sau khi kết quả của một cuộc điều tra công khai được công bố hôm thứ Năm về vụ sát hại nhà bất đồng chính kiến ​Alexander Litvinenko hồi năm 2006.

Cựu điệp viên người Nga lưu vong này tử vong  sau khi gặp hai điệp viên của Nga tại một khách sạn ở London và uống trà xanh đã bị họ tẩm chất phóng xạ polonium-210.

Cuộc điều tra của Anh kết luận vụ giết người có lẽ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận.

Ông Cameron, người nhận được báo cáo điều tra trước đó trong tuần, đã phản ứng với phát biểu rằng vụ ám sát là một "hành động khủng bố được nhà nước bảo trợ" và "kinh khủng." Nhà lãnh đạo của Anh cho biết chính phủ của ông đã phong tỏa thêm tài sản của những cá nhân có dính líu và đang "mạnh tay hơn" trong những hành động của họ đối với Nga.

Chính phủ Anh cũng cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Nga trong một nỗ lực nhằm dập tắt sự tức giận của những người chỉ trích gọi phản ứng này là yếu ớt.

Cả nể Putin

Các nhà phân tích nói rằng những lợi ích chiến lược và kinh tế của Anh sẽ ngăn họ làm thêm bất cứ điều gì mà có thể làm cho chính quyền Putin thêm lạnh nhạt.

Về mặt chiến lược, Anh cần sự hợp tác của Nga trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

"Vì vai trò của Nga là nước hậu thuẫn then chốt của (Tổng thống Bashar al-) Assad, họ có những liên hệ trực tiếp với Damascus mà người Anh đơn giản là không thể sánh được, vì vậy ở một mặt nào đó Nga gần như là nước mà Anh phải miễn cưỡng bắt tay trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng ở Syria," Nicholas Redman, một nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận định.

Trong khi những chiến đấu cơ của Anh hiện đang thực hiện chiến dịch oanh kích chống lại những kẻ chủ chiến ở Syria cùng lúc với lực lượng của Nga, điều cũng quan trọng đối với London là để ngỏ đường dây liên lạc với Moscow ở cấp quân đội với quân đội.

Kêu gọi hành động trừng phạt

Những nhà hoạt động, chính trị gia và người nhà của Litvinenko đang kêu gọi những hình phạt cứng rắn hơn.

Marina Litvinenko, góa phụ của nhà bất đồng chính kiến bị sát hại, kêu gọi chính phủ của ông Cameron trục xuất tất cả những tình báo viên của Nga khỏi Anh, áp đặt những chế tài nhắm mục tiêu vào những cá nhân có liên quan trong vụ giết người, và thậm chí còn áp đặt lệnh cấm du hành đối với ông Putin.

Bill Browder, một nhà đầu tư và nhà hoạt động nhân quyền ở London, người thường xuyên chỉ trích Nga về vụ Litvinenko, kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ hơn từ Anh; nhưng ông nói ông cho rằng những lợi ích kinh tế và tài chính đang ngáng đường, vì những nhà đầu tư của Nga đang rót hàng tỉ đôla vào lĩnh vực ngân hàng và bất động sản của Anh.

"Có rất nhiều tiền của Nga tuôn chảy quanh London và tôi tin rằng có mối lo ngại từ một số thành viên của chính phủ rằng lượng tiền đó sẽ ít đi nếu nước Anh giữ lập trường đạo đức về một số vấn đề," ông Browder nói với VOA.

Ngay cả khi chính phủ Anh quyết định gia hạn những biện pháp trừng phạt thì cũng chỉ còn vài hình phạt có thể áp đặt lên ông Putin, ông Redman nói. Anh là một trong những nước đi đầu trong nỗ lực áp đặt những biện pháp trừng phạt Nga vì sự can dự của nước này ở Ukraine. "Một phần lớn trong tập hợp những chế tài và những biện pháp khác đã dùng hết rồi," ông nói. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bộ Ngoại giao Mỹ xin dời hạn chót công bố email của bà Clinton

Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu một tòa án liên bang gia hạn cho họ thêm một tháng nữa để hoàn thành đợt công bố cuối cùng tất cả những email có liên quan đến công việc của bà Hillary Clinton.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm thứ Sáu cho biết Bộ không thể hoàn tất kịp hạn chót 29 tháng 1, nói rằng còn khoảng 9.400 trong số 55.000 trang email và những trang này có "một lượng lớn tài liệu cần thẩm duyệt liên ngành.''

Ông nói Bộ sẽ công bố nhiều email nhất có thể vào tuần sau, nhưng yêu cầu dời hạn chót đến ngày 29 tháng 2.

Bà Clinton gửi và nhận email trên một máy chủ riêng tư đặt trong nhà của bà từ năm 2009 tới năm 2013, nhưng đến năm 2015 sự sắp xếp khác thường này mới được tiết lộ khi bà đang chuẩn bị tranh cử vào Tòa Bạch Ốc.

Cộng đồng tình báo đã nói rằng ít nhất hai trong số những email của bà Clinton chứa thông tin đã được phân loại thuộc diện "tối mật."

Bà Clinton cho biết bà quyết định sử dụng máy chủ riêng tư vì lý do thuận tiện và không có email nào được đánh dấu thuộc diện bảo mật khi bà gửi đi. - VOA
|
|

4.
Bão tuyết lớn tấn công Bờ Đông nước Mỹ

Một trận bão tuyết khổng lồ mang tuyết dày hơn 61cm kèm gió giật đang tiến về Bờ Đông Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người.

Hơn 50 triệu người cư ngụ tại hơn một chục bang đã được cảnh báo ở nhà trong lúc bão tuyết di chuyển về hướng bắc.

Thủ đô Washington được dự báo có thể nằm dưới một lớp tuyết dày kỷ lục 76cm vào thời điểm bão tuyết đi qua vào ngày Chủ nhật 24/1.

Tám người đã thiệt mạng, sáu bang đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hàng ngàn chuyến bay đã bị hủy bỏ.

Bão tuyết gây ảnh hưởng từ bang Arkansas ở phía nam tới Massachusetts ở đông bắc.

Các siêu thị rơi vào tình trạng hết thực phẩm do người dân đổ xô đi mua trước khi những bông tuyết đầu tiên rơi hôm thứ Sáu 22/1.

Hơn 6.000 chuyến bay đã bị hủy bỏ hôm thứ Sáu 22/1 và thứ Bảy 23/1

Các cơ quan chính phủ tiểu bang đóng cửa buổi trưa ngày thứ Sáu 22/1

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫn đang ở trong Nhà Trắng, các quan chức cho biết

Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại các bang Tennessee, North Carolina, Virginia, Maryland, Pennsylvania, District of Columbia và một số khu vực tại các bang khác

Tám người đã bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn xe hơi ở Tennessee, North Carolina, Kentucky và các nơi khác

Hệ thống giao thông công cộng tại Washington - có mật độ phục vụ hành khách đông thứ hai tại Hoa Kỳ - sẽ đình chỉ các ngày cuối tuần

Nhiều sự kiện, bao gồm cả hai show diễn đã bán hết vé của ca sĩ Garth Brooks ở Baltimore, đã bị hoãn lại

'Cực kỳ nguy hiểm'

Ông Muriel Bowser, Thị trưởng thành phố Washington, cho biết cơn bão tuyết lớn có “những hệ quả mang tính sinh tử”.

Chiều thứ Sáu 22/1, khi tuyết bắt đầu rơi tại Washington, Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia dự báo đây có thể là một trong những cơn bão tuyết tồi tệ nhất trong lịch sử thành phố.

Cư dân thủ đô và các vùng lân cận ở Virginia và Maryland đã được cảnh báo tuyết rơi có thể vượt qua kỷ lục tuyết dày 71cm trong hai ngày vào năm 1922.

Khi bão tuyết tiếp cận thành phố đông dân nhất nước Mỹ, Thị trưởng New York Bill de Blasio kêu gọi cư dân sẵn sàng.

Thống đốc New Jersey Chris Christie, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, vừa trở về từ chiến dịch tranh cử ở New Hampshire để điều hành việc chống đỡ bão tuyết.

Các linh mục tại Washington, Baltimore và Delaware đã cho phép những người Công giáo bỏ lễ Chủ nhật 24/1 do thiên tai.

Kệ siêu thị ở nhiều khu vực không còn hàng hóa. Tại Baltimore, bà Sharon Brewington kể lại chuyện bà và con gái sống được nhờ mì gói và nước uống khi cơn bão tuyết lớn gần đây nhất xảy ra năm 2010.

"Tôi sẽ không phạm sai lầm đó nữa," bà nói.

Giám đốc Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia, Louis Uccellini, cho biết có "nguy cơ đây là một cơn bão cực kỳ nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người". - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
TBT Trọng tái cử là 'mang tính thừa kế' --- Ông Nguyễn Tấn Dũng được xác nhận đã rút tên khỏi danh sách ứng cử

Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc buổi làm việc chiều ngày 23/1 với biểu quyết thông qua số lượng 200 Ủy viên Trung ương khoá 12 gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Trả lời báo chí trong nước, Thượng tướng Võ Tiến Trung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng - đã nói tới một trường hợp "đặc biệt để tái cử":

"Trung ương khoá 11 giới thiệu bốn người ở lại, cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng là năm. Nhưng cả bốn người, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đều báo cáo xin rút", tướng Trung nói, và việc giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại là "mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng."

Vẫn theo tướng Trung cho biết thì "Ban chấp hành Trung ương làm rất là dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút và Bộ Chính trị đưa cả bốn đồng chí đó ra Trung ương bỏ phiếu kín về việc có cho phép rút không.

"Sau đó Hội nghị Trung ương 14 đã kết luận là cho cả bốn đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, được phép rút. Như vậy là chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị nhất trí giới thiệu."

Tướng Trung giải thích thêm là tuy cả bốn vị "hoàn toàn tự nguyện xin rút, nhưng Trung ương chưa cho rút thì phải bỏ phiếu kín. Trung ương cũng đã hết sức dân chủ, đoàn kiểm phiếu 22 đồng chí đã kiểm phiếu mới có kết quả là đồng ý cho 4 đồng chí này rút", và chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "lớn tuổi nhưng được Trung ương đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa XII."

'Đại hội có quyền quyết định cao nhất'

Tuy nhiên với quy chế đề cử, ứng cử hiện nay thì không có nghĩa là bốn vị lãnh đạo đã được Trung ương đồng ý cho rút, sẽ không có khả năng được bầu lại.

Tướng Võ Tiến Trung giải thích, trong trường hợp tại Đại hội Đảng lần thứ 12 có đại biểu ngoài Trung ương đề cử mà bốn vị này vẫn muốn rút thì "Đại hội vẫn sẽ phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết (đó là do quyền của đoàn chủ tịch) để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không".

"Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Trường hợp Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử," tướng Trung nói.

Theo Quy chế bầu cử đã được thông qua thì số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu, và hiện Ban chấp hành Trung ương khoá 11 đã chuẩn bị số lượng đề cử có số dư hơn 10%, nên danh sách ứng cử, đề cử nếu số dư nhiều hơn 30% thì Đoàn chủ tịch sẽ lấy phiếu xin ý kiến Đại hội về các ứng cử viên mới (nằm ngoài danh sách Ban chấp hành Trung ương đề cử) để lấy cho đủ số dư tối đa 30%, tướng Trung giải thích.

Hiện chưa có thông tin hay được biết có ai tự ứng cử.

Lịch trình

Ngày 24/1 các đoàn sẽ thảo luận cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu đề cử, ứng cử.

Sáng 25/1 các đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử (nếu có) và chiều 25/1 Đại hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút.

Việc bỏ phiếu bầu chính thức sẽ diễn ra vào sáng ngày 26/1 và chiều cũng ngày tiến hành kiểm phiếu và công bố danh sách người trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Ngày 27/1, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đọc diễn văn bế mạc Đại hội vào sáng 28/1.

Thông tin về nhân sự chủ chốt sẽ được thông báo trong buổi họp báo ngay sau khi Đại hội bế mạc. - BBC

***
Trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 ngày 23/01/2016, tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng xác nhận là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với 3 ủy viên lớn tuổi khác của Bộ Chính trị, đã xin rút và đã được Ban chấp hành Trung ương mãn nhiệm cho phép rút tên khỏi danh sách giới thiệu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới.

Chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là được ở lại và được đề nghị tái ứng cử tổng bí thư.

Tướng Võ Tiến Trung đưa ra thông tin nói trên vào lúc mà cuộc đấu đá giành quyền lãnh đạo Đảng vẫn chưa thật sự ngã ngũ ở Đại hội Đảng lần thứ 12. Mặc dù có nhiều thông tin cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tái đắc cử tổng bí thư, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là vẫn còn cơ may giành chức lãnh đạo tối cao này. 

Hôm nay, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ về công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa mới, với số lượng đã được quyết định là 200 người.

Theo dự kiến Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ được bầu vào ngày 26/01. Ban chấp hành này vào ngày 27/01 sẽ bầu lại Bộ Chính trị, rồi từ Bộ Chính trị chọn ra tổng bí thư Đảng. Tên của vị tân tổng bí thư này sẽ được công bố vào ngày kết thúc Đại hội 28/01.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ủng hộ gián tiếp

Trong khi đó, hôm nay, tại phiên thảo luận về văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng gián tiếp ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong bài tham luận này, ông Đặng Ngọc Tùng đã bày tỏ “sự kính trọng và vô cùng biết ơn” hai ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước và Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, vì theo ông Tùng, hai nhân vật lãnh đạo này “đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh” trên vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc lại rằng khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc “từ thời cổ đại”, ngay lập tức ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng: “Hoàng Sa, Trường Sa do tổ tiên Việt Nam là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền”.

Ông Đặng Ngọc Tùng cũng nhấn mạnh đến tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines rằng “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng Việt Nam rất cần những nhà lãnh đạo “đầy khí phách và bản lĩnh như vậy”.

Cho tới nay, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn được cho là mạnh miệng hơn với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, trong khi tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì bị xem là có thái độ hoà hoãn hơn với Bắc Kinh.

Tai Đại hội Đảng hôm qua, bài tham luận thu hút nhiều chú ý nhất , chính là bài của ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, kêu gọi phải “cấp bách” đổi mới chính trị cho đồng bộ với đổi mới kinh tế, bởi vì theo ông, trong 70 năm qua, “cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.” - RFI
|
|

6.
Trung Quốc dùng Biển Đông để tác động lên Đại hội Đảng? --- Tàu tuần tra cỡ đại của Trung Quốc ‘đe dọa’ Biển Đông

Trang mạng The Diplomat ngày 23/01/2016, đã đăng một bài viết nêu lên khả năng là Trung Quốc biểu dương lực lượng ở Biển Đông để tác động lên Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, vào lúc mà cuộc đấu đá giành chức tổng bí thư Đảng giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng chưa thật sự ngã ngũ.

Hôm thứ ba 19/01/2016, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến hoạt động tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đã yêu cầu Bắc Kinh rút ra khỏi vị trí này.

The Diplomat nhắc lại rằng vụ giàn khoan Hải Dương 981 được đưa đến khu vực Hoàng Sa vào năm 2014 đã từng gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Vào lúc đó, phản ứng cứng rắn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phản ứng nhẹ nhàng hơn của ông Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh bất đồng trong nội bộ Đảng về cách đối phó với những hành động ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Vụ di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ xảy ra sau khi Trung Quốc đưa các máy bay dân dụng bay thử nghiệm đến đá Chữ Thập, một đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Trường Sa.

Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối vụ bay thử nghiệm nói trên và sau đó tố cáo Trung Quốc đã thực hiện hàng chục chuyến bay vào vùng thông báo bay Thành phố Hồ Chí Minh mà không báo trước cho phía Việt Nam, trong đó có ba chuyến bay đến đá Chữ Thập, một hành động bị xem là gây nguy hại cho an toàn hàng không dân dụng khu vực.

Nhưng phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định họ đã thông báo trước cho phía Việt Nam biết về các chuyến bay đó và theo họ, vì là ngang qua lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc, nên những chuyến bay này không cần tuân thủ các quy định của hàng không dân dụng quốc tế.

Cơn sóng gió ngoại giao Việt-Trung nổ ra vào đúng dịp Đại hội Đảng, với cuộc đấu đá giữa hai phe Trọng - Dũng ngày càng quyết liệt. Trái với dự đoán ban đầu, hội nghị trung ương lần thứ 14 đã quyết định sẽ đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức tổng bí thư. Thông tin này cũng đã được một viên tướng Việt Nam xác nhận hôm nay.

Theo The Diplomat, một số nhà phân tích cho rằng chính Trung Quốc đã tác động lên Ban chấp hành Trung ương để họ ra quyết định gạt bỏ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trang mạng này cũng nhắc lại chuyến đi của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng một số uỷ viên trung ương đến Bắc Kinh ngày 23/12/2015 để gặp các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình.

Báo chí Nhà nước thì khẳng định chuyến đi này chỉ nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Thế nhưng, các nhà phân tích độc lập cho rằng Bắc Kinh đã nhân chuyến đi của phái đoàn Nguyễn Sinh Hùng để bày tỏ quan ngại về khả năng ở Việt Nam sẽ có một chính phủ ngả theo Mỹ, do phe ông Dũng chiếm đa số.

Trang web nguyentandung. org vào lúc đó đã không ngần ngại đả kích thái độ này của Bắc Kinh, trong một bài viết tựa đề: ”Không để Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Việt Nam sau cái bắt tay thân mật”.

Trước đó, trong một bài phát biểu gần như mang tính chất tranh cử, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các lãnh đạo tỉnh thành chống mọi hành động và âm mưu nhằm can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam trước Đại hội Đảng. Ông Dũng cũng đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trong một hành động có vẻ là nhằm đối lại với ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 2/01 đã đi thăm nhiều đơn vị an ninh để yêu cầu bảo đảm “an ninh tuyệt đối” cho Đại hội Đảng.

Ba ngày sau đó, công an và quân đội Việt Nam đã mở cuộc thao dượt quy mô ở thủ đô Hà Nội, một dấu hiệu cho thấy là phe ông Trọng vẫn kiểm soát lực lượng vũ trang và mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc biểu tình khác nhân Đại hội Đảng sẽ bị trấn áp ngay lập tức. - RFI

***
Tin cho hay Trung Quốc hiện đang đóng hai tàu tuần tra bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới mà có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trang tin Asia Sentinel cho biết hai tàu này được biết tới với số hiệu trên thân tàu là Trung Quốc Hải Cảnh 2901 và 3901 có tải trọng 10.000 tấn, và có thể sẽ nặng hơn khi được trang bị đầy đủ.

Những tàu này lớn hơn so với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ và tàu tuần tra lớn nhất của Nhật Bản, chiếc Shikishima có tải trọng 6.500 tấn mà trước đây từng là tàu tuần tra lớn nhất thế giới. Cảnh sát biển Việt Nam hiện đang sở hữu tàu tuần tra lớn nhất Đông Nam Á, DN 2000 với tải trọng 2.500 tấn.

Những tàu tuần tra mới của Trung Quốc không nhất thiết trang bị nhiều vũ khí. Asia Sentinel cho biết những hình ảnh được công bố tới nay cho thấy những tàu này không có những tháp pháo. Tuy nhiên trang tin này nói thêm điều làm cho những chiếc tàu này đáng gờm không phải là vũ khí mà là kích thước của chúng.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khoe rằng những tàu mới này có khả năng tông chìm một tàu 9.000 tấn mà không gây hư hại cho chính nó. Điều này làm cho nó trở thành mối đe dọa tiềm năng cho những tàu hải quân thông thường của Mỹ và Nhật Bản, Asia Sentinel nhận định.

Chiến thuật tông tàu đã được Trung Quốc sử dụng trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Một tàu đánh cá lớn của Trung Quốc đã tông vào tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ trên biển của Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào năm 2011.

Trong vụ đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 2014 về giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Cảnh sát biển Trung Quốc đã tông và xịt vòi rồng vào tàu cảnh sát biển của Việt Nam. - VOA

No comments:

Post a Comment