Tin Thế Giới
1.
Nhà nước Hồi giáo nhận thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở Indonesia
Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra các vụ đánh bom và xả súng có phối hợp ở thủ đô của Indonesia hôm nay, làm 7 người chết, trong đó có tất cả 5 kẻ tấn công.
Hãng tin Aamaq có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tuyên bố rằng vụ tấn công tại một khu vực sang trọng ở trung tâm Jakarta “nhắm vào các công dân nước ngoài và các lực lượng an ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ họ”.
Trước đó, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết rằng nhiều khả năng một nhóm liên hệ với IS muốn thực hiện một cuộc tấn công tương tự như các vụ khủng bố ở Paris gần đây.
Bạo lực bùng ra với một loạt các vụ nổ sáng nay ở khu vực gần một trung tâm mua sắm sang trọng, các khách sạn hạng sang, các đại sứ quán và các tòa nhà văn phòng. Tin cho hay, có tổng cộng 6 vụ nổ.
Suốt ngày hôm nay, những kẻ tấn công đã đọ súng với cảnh sát. Đến chiều tối, chính quyền thông báo vụ tấn công đã kết thúc, đồng thời cho biết tất cả 5 phần tử chủ chiến đã bị triệt hạ. Theo cảnh sát, hai thường dân, trong đó có một công dân Đan Mạch, đã thiệt mạng.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Indonesia đã nhận được lời đe dọa về một vụ tấn công có phối hợp bằng bom ở thủ đô Jakarta.
Ít nhất một trong các vụ nổ xảy ra gần một quán cà phê Starbucks, nơi người nước ngoài hay lui tới. Hãng sở hữu chuỗi cửa hàng này sau đó thông báo đóng cửa tất cả các quán cà phê của mình ở Jakarta để đề phòng.
Các nhân chứng cho biết một số vụ nổ do những kẻ đánh bom tự sát gây ra, dù các quan chức cảnh sát nói rằng những kẻ tấn công ném lựu đạn khi chúng dùng xe máy phóng qua các địa điểm bị tấn công.
Nói trên truyền hình địa phương trong khi tới thăm đảo Java, Tổng thống Joko Widodo lên án “hành động khủng bố”, và nhấn mạnh rằng giới hữu trách đang nỗ lực xử lý vụ việc.
“Đất nước và toàn thể người dân chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta không thể bị đánh bại bởi các hành động khủng bố này. Tôi mong công chúng bình tĩnh”, ông Widodo nói.
Các nhà lãnh đạo khắp thế giới cũng đã gửi lời chia buồn và tăng cường các biện pháp an ninh ở nước mình.
Ngoại trưởng Australia cũng lên án hành động bạo lực và đề nghị “ trợ giúp bất kỳ điều gì Indonesia cần để đối phó với các vụ tấn công kiểu này”.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia cho biết ông “bị sốc và đau buồn” vì vụ tấn công. Trên tài khoản Twitter, ông viết rằng Malaysia “sẵn sàng giúp đỡ” Indonesia.
Tại Singapore, các quan chức cho biết họ “rất sốc” vì vụ tấn công xảy ra ở Indonesia và đã tăng cường các biện pháp an ninh.
Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, đã là mục tiêu của nhiều vụ tấn công khủng bố, mà đáng chú ý nhất là các vụ đánh bom ở Bali hồi năm 2002 làm 202 người chết, trong đó phần lớn là các du khách.
Vụ tấn công gần đây nhất nhắm vào người nước ngoài là vụ đánh bom kép nhắm vào khách sạn ở Jakarta năm 2009.
Jakarta lâu nay đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy từ việc tuyển mộ của Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác.
Hàng trăm người Indonesia được cho là đã rời quê hương để tới Iraq và Syria chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
2.
Tổng thống Obama kêu gọi nhanh chóng thông qua Hiệp định TPP
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi nhanh chóng thông qua Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong Diễn văn Tình trạng Liên bang hôm Thứ Ba. Ông nói hiệp định sẽ cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm Mỹ, mở cửa các thị trường ngoại quốc và tạo ra việc làm có lương cao hơn ở trong nước. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Mil Arcega của đài VOA, ít có khả năng các nhà lập pháp sẽ thông qua hiệp định thương mại có tính chất dấu ấn này trong năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama.
Trong bài diễn văn có thể là diễn văn cuối cùng của ông trước lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Obama kêu gọi hành động nhanh chóng về hiệp định TPP, mà ông cho là một cách mở cửa các thị trường ngoại quốc cho hàng hóa Mỹ và tạo sân chơi công bằng để cạnh trạnh với Trung Quốc.
“Với TPP, Trung Quốc sẽ không đặt ra các luật lệ trong khu vực; chúng ta đặt ra. Quý vị muốn thể hiện sức mạnh của chúng ta trong thế kỷ này phải không? Hãy phê chuẩn hiệp định. Hãy cho chúng tôi công cụ để thực thi. Đó là điều đúng đắn cần làm”.
Nhưng hiệp định thương mại tự do của 12 nước ven bờ Thái Bình Dương đang đối mặt với một cuộc chiến vô cùng khó khăn tại Quốc hội vì có sự chống đối của các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng. Họ lo ngại các công ty Mỹ không thể cạnh tranh với các nước có mức lương thấp hơn ở châu Á.
Dân biểu Rob Wittman, người của Đảng Cộng hòa, đại diện bang Virginia, nói:
“Riêng tôi, tôi có một số quan ngại lớn về hiệp định đó và những gì nó quy định để bảo đảm một sân chơi công bằng cho Mỹ, cho các sản phẩm của chúng ta và những sản phẩm nhập khẩu từ các nước châu Á”.
Những người chỉ trích tổng thống mạnh mẽ nhất lại là các đảng viên cùng đảng của ông và các nhóm vận động về vấn đề lao động. Những người này cho rằng TPP là làm cho công ăn việc làm ở Mỹ bị mất đi. Nhưng Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phản biện rằng TPP sẽ cắt giảm thuế quan đánh vào hàng hóa Mỹ và đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ.
Một lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 1 tỷ đôla hỗ trợ cho 5.000 đến 7.000 việc làm ở Mỹ. Những việc làm đó có lương cao hơn 18% so với mức bình quân của những việc làm không liên quan đến xuất khẩu. Như vậy với việc mở cửa các thị trường, tạo sân chơi công bằng, chúng ta sẽ góp phần hỗ trợ để tạo thêm các việc làm lương cao ở trên đất Mỹ, và đó chính là mục đích của hiệp định này”.
Tuy hiệp định TPP có thể thực sự dẫn đến việc giảm công ăn việc làm ở Mỹ, song các nhà kinh tế nói tình trạng đó có thể được bù đắp lại nhờ có những công việc mới được tạo ra ở các ngành nghề khác. Trở ngại lớn hơn có thể là vấn đề chính trị, với thực tế là một số nhà lập pháp nói rằng xác suất để hiệp định TPP được thông qua trong năm có bầu cử bởi một quốc hội bị chia rẽ là thấp hơn 50%. - VOA
|
|
3.
Ba vé trúng giải xổ số Powerball 1,5 tỷ đôla ở Mỹ
Ba vé mua tại các tiểu bang California, Tennessee và Florida đã trúng giải độc đắc xổ số Powerball với giải thưởng cao kỷ lục lên tới 1,5 tỷ đôla.
Người phát ngôn của cơ quan phát hành xổ số của California hôm qua nói rằng vé trúng thưởng đã được mua tại một cửa hàng tạp hóa ở Chino Hills, một khu vực ngoại ô giàu có của thành phố Los Angeles. Trong khi đó, hiện chưa rõ địa điểm mua các vé trúng thưởng ở Tennessee và Florida.
Ngoài ra, tên tuổi cũng như các chi tiết khác về những người may mắn chưa được tiết lộ.
Xác suất để trúng giải thưởng lớn này là một trên gần 300 triệu.
Những người cùng trúng giải độc đắc sẽ phải chia đều số tiền. Họ có thể lãnh tổng số tiền thường một lần và phải chịu một khoản thuế lớn, hoặc lãnh hàng năm và được đánh thuế trên từng khoản tiền được phát.
Những người phụ trách phát hành xổ số cho biết số người mua vé đã lên mức kỷ lục, khiến giải thưởng cao lên, và vì thế, lại tiếp tục khiến nhiều người mua thêm.
Phần lớn 50 tiểu bang của Hoa Kỳ cho phép xổ số hoạt động, nhưng tại 6 bang không cho phép thì việc mua bán thường được tiến hành dọc theo biên giới với các bang cho phép bán vé số.
Vé số thậm chí còn được bán tại Trung Quốc, nhờ những người trung gian trên Internet, mà nhiều người trong số đó muốn nhận một phần tiền thưởng nếu người họ mua giúp trúng giải.
Nhiều du khách cũng như các phóng viên hôm qua đã đổ tới cửa hàng bán ra vé độc đắc. Cửa hàng này sẽ được thưởng 1 triệu đôla vì bán ra chiếc vé may mắn này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Thấy gì qua kết quả Hội nghị TƯ14?
Nếu phương án đề cử nhân sự của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 có liên quan tới 'giữ ổn định chính trị' và 'duy trì chế độ', thì mục tiêu này 'cũng chưa chắc là tốt', theo nhận xét của khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 14/01/2016.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Thấy gì qua kết quả của Hội nghị TƯ14?' của BCH Trung ương Đảng CSVN, PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói:
"Giữ ổn định xã hội thì chưa chắc là tốt, tôi nghĩ là có một hiểu lầm là Việt Nam phải giữ 'ổn định xã hội'. Tôi nghĩ là chẳng có ai ở Việt Nam mà không muốn có ổn định xã hội.
"Vấn đề không phải là ổn định, vấn đề là một trật tự xã hội là như thế nào? Và tôi nghĩ là tất cả những chuyện mà chúng ta đã thấy hiện nay về quá trình chọn nhân sự thì nó không cần thiết và không cần có cái đó.
"Cũng có thể có một trật tự xã hội dân chủ hơn và đa nguyên hơn mà sẽ có sự tham gia của mọi thành phần khác nhau, từ các ngành xã hội khác nhau, điều đó tôi nghĩ thì chắc chắn rồi. Không có lý do chỗ nào để không có một Việt Nam dân chủ hơn, minh bạch hơn bây giờ.
"Và về việc sẽ có một ông mà giỏi lý luận, tôi nghĩ phải nhìn kỹ nội dung của lý luận là như thế nào, là cái gì? Có một người Hồi giáo cực đoan lý luận rất giỏi, thì có muốn ông ấy lãnh đạo đất nước không? Chắc chắn là không!
"Nên tôi nghĩ là dù Nguyễn Phú Trọng có tài giỏi và tôi cũng không trách ông đâu, có khả năng ông là một người tốt, tôi chưa gặp chưa biết, nhưng hy vọng là trong tương lai gần Việt Nam có thể bỏ qua những cái cớ hơi 'vớ vẩn' một chút là ông 'phải là miền Bắc', 'phải giỏi lý luận', phải miền Trung' v.v... Chúng ta phải đánh giá theo cái tài của từng người để những gì mà họ đã làm, về mặt trách nhiệm nữa", học giả người Mỹ nói với Tọa đàm của BBC.
Xung đột đỉnh cao
Từ Sài Gòn, khách mời của Bàn tròn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà Báo độc lập Việt Nam ( IJAVN), bình luận:
"Đặc trưng của Đại hội 12 là xung đột quyền lực đỉnh cao. Người ta nói là quyền lực càng nhiều thì tha hóa càng nhiều, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối.
"Tôi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới sự tha hóa tuyệt đối về mặt quyền lực. Và trở lại vấn đề Quyết định 244... vừa nêu. Tại sao lại có quyết định 244? Chúng ta nhớ là Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, lúc đó tôi nghe nói là ông Nguyễn Tấn Dũng khi mà ông sắp bị 'kỷ luật', ông vẫn được 73% số Ủy viên Trung ương tín nhiệm. Và ông thoát án kỷ luật.
"Như vậy đến năm 2014 xuất hiện quyết định 244, là một quyết định về mặt thực chất là nó 'tước đoạt' quyền lực chính của Ban chấp hành Trung ương, mà dồn gánh, gần như toàn bộ trách nhiệm và quyền lực cho Bộ Chính trị.
"Tôi nghĩ rằng việc thay đổi quyết định 244 hoặc bỏ quyết định 244 là một điều rất dễ dàng, với điều kiện ông Nguyễn Tấn Dũng 'không còn nữa', thì ngay lập tức sau Đại hội 12 sẽ không cần phải ai nhắc tới quyết định 244...
"Trở lại vấn đề nhân sự, tôi thấy là cái khung tứ trụ của ông (Nguyễn Phú) Trọng, hay là khung tứ trụ của ông (Trương Tấn) Sang, hay là khung tứ trụ cho dù của ông (Nguyễn Tấn) Dũng là Tổng Bí thư, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, vẫn là sẽ ổn định chính trị và giữ điều 4 độc đảng mà thôi.
"Với một điều kiện sẽ phải thay đổi là sau Đại hội kỳ này, một trong những vấn đề đối phó lớn nhất chính là vấn đề kinh tế mà nó lý giải tại sao kỳ này Hội nghị Trung ương 14 lại bàn về vấn đề TPP," ông Phạm Chí Dũng nói với Tọa đàm.
Đề cử nhân sự
Hôm thứ Tư, Thông báo chính thức về Hội nghị 14 (được nhóm họp từ ngày 11-13/1/2016) của Đảng CSVN cho hay:
"Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 2-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP."
Và về vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng, đặc biệt là phương án đề cử nhân sự cho bốn vị trí cao cấp nhất của đảng và nhà nước, thường được gọi là 'tứ trụ', Thông báo cho hay:
" Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khóa XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định." - BBC
|
|
5.
Phim về cậu bé Việt bị tàn tật vì chất da cam được đề cử giải Oscar
Một bộ phim khắc họa Lê Minh Châu, một thiếu niên Việt Nam bị tàn tật vì hóa chất da cam nhưng vẫn nuôi giấc mở trở thành nhà thiết kế thời trang, đã được đề cử ở hạng mục “Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất”.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh, tổ chức trao giải Oscar, công bố tin trên hôm nay.
Trong trích đoạn bộ phim có tựa đề “Châu, beyond the lines” (tạm dịch: "Châu, vượt qua thử thách"), cậu bé 16 nói: “Em ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang, đưa ra các sản phẩm thiết kế hàng đầu ra châu Âu và Mỹ”.
Trong khi đó, một phụ nữ trong phim nói rằng “đó là giấc mơ không hiện thực”.
Tuy nhiên, Châu cho biết em vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ, dù có người nói rằng em “không làm được chuyện đó”.
Từ nhỏ, Châu được đưa tới Làng trẻ em Hòa Bình, bệnh viện Từ Dũ, TP HCM để vừa học nghề, vừa học chữ.
Về các đề cử khác, bộ phim giành được nhiều đề cử nhất ở 12 hạng mục là “The Revenant” (Người về từ cõi chết), trong khi kém hai đề cử là “Mad Max: Fury Road”).
Cả hai phim này cùng nhận được đề cử “Phim xuất sắc nhất” cùng với các phim khác là “The Big Short”, “Bridge of Spies”, “Brooklyn”, “The Martian”, “Room” và “Spotlight”.
Diễn viên Eddie Redmayne hy vọng sẽ lại giành giải Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” mà anh từng đạt được năm ngoái, nhưng năm nay anh phải “đối đầu” với một đối thủ nặng ký khác là Leonardo DiCaprio.
Tài tử DiCaprio đã được đề cử giải Oscar 4 lần, nhưng chưa giành chiến thắng lần nào.
Lễ trao giải Oscar lần thứ 88 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby ở Hollywood vào ngày 28/2 tới. - VOA
|
|
6.
Việt Nam tăng cường do thám Biển Đông
Việt Nam đẩy mạnh công tác do thám hàng hải ở Biển Đông giữa tình hình tranh chấp căng thẳng và các động thái lấn lướt của Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước dẫn nguồn tin từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết đang cho triển khai các máy bay không người lái tầm xa tới những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Các máy bay này không trang bị võ khí, tải trọng tối đa 1,35 tấn, sải cánh 22 m, tầm bay dài nhất 4 ngàn cây số, và có thể hoạt động không ngừng nghỉ suốt 35 giờ đồng hồ không cần tiếp nhiên liệu.
Hãng tin Yonhap hôm qua thuật lời Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyễn Quân, nói rằng các chuyến bay thử nghiệm ‘đã hoàn tất thành công’ và ‘sẵn sàng’ bay trên không phận Biển Đông.
Các máy bay do thám không người lái này, theo dự liệu, sẽ được trang bị các hệ thống camera, radar giám sát và quang học.
Trang Quốc phòng Việt Nam cho hay từ năm 2014, Việt Nam đã mua một số máy bay không người lái Grif-K từ Belarus.
Trong hai năm 2014-2015, Hà Nội tiếp tục đặt mua các máy bay không người lái Orbiter 2 và Orbiter 3 từ Israel trong khi đang tìm cách tự chế tạo máy bay không người lái Made in Vietnam.
Ngoài việc phát triển khả năng giám sát đường không, Việt Nam cũng đầu tư cho các tàu ngầm phục vụ công tác do thám dưới biển khi ký mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga trong hợp đồng trị giá 2 tỷ đô la hồi năm 2009.
Các diễn tiến này xảy ra giữa lúc Trung Quốc ráo riết tăng cường các hoạt động thách thức chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông bao gồm bồi đắp đảo, thay đổi nguyên trạng, xây đường băng, và gần đây nhất là cho thử nghiệm các chuyến bay dân sự ra Đá Chữ Thập, mở đường cho các tuyến bay quân sự có thể đáp xuống đây trong tương lai.
Theo giới phân tích, Trung Quốc có phần chắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng thủ.
Hãng tin Bloomberg dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sắp điều thêm tàu tuần tra 3901 được trang bị các loại súng ống hiện đại ra Biển Đông, một phần trong chính sách của Bắc Kinh ‘giương oai diễu võ’ bành trướng khu vực. - VOA
No comments:
Post a Comment