Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Thein Sein ca ngợi 'thắng lợi' của chuyển đổi dân chủ
Tổng thống Myanmar Thein Sein đã phát biểu bằng một giọng điệu hòa giải hôm 28/1 trong bài diễn văn có lẽ là cuối cùng của ông trước quốc hội do quân đội chiếm đa số, trước khi đảng thân dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ lên nắm quyền kiểm soát vào ngày 1 tháng 2.
Ông Thein Sein ca ngợi "thắng lợi" của tiến trình chuyển giao quyền hành của Myanmar và kêu gọi các chính đảng làm việc với nhau vì lợi ích của đất nước còn có tên gọi là Miến Ðiện. Ông cũng phát biểu rằng ông sẽ giúp cho chính phủ của nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi đi đến thành công.
"Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, chúng tôi cuối cùng đã mang lại được một sự chuyển tiếp dân chủ," ông Thein Sein phát biểu. "Đây là một thắng lợi của toàn dân Myanmar."
Trong bài diễn văn đọc trước các nhà lập pháp, ông Thein Sein cũng nêu ra nhiều chương trình cải cách sâu rộng về chính trị và kinh tế mà chính phủ của ông đã làm được trong nhiệm kỳ 5 năm sắp kết thúc của ông.
Cải cách
Ông Thein Sein, người lên nắm quyền vào năm 2011, đã trả tự do cho các tù nhân chính trị, bỏ kiểm duyệt, hợp pháp hóa công đoàn và cho phép biểu tình, mưu tìm hòa bình với các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số, và thúc đẩy các dự luật về nhiều thứ, từ cải cách luật đất đai cho đến đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên thành tựu lớn nhất của ông có lẽ là việc chính quyền của ông đã tổ chức thành công cuộc bầu cử khả tín vào tháng 11 được các nhà quan sát quốc tế ca ngợi, cùng với nỗ lực của ông chuyển giao quyền lực sang cho Liên minh Dân chủ Toàn quốc, gọi tắt là NLD, của khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi.
Năm 1990, NLD đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử, nhưng các kết quả đó bị chính quyền quân nhân làm ngơ và quân đội tiếp tục bám chặt lấy quyền lực trong hai thập niên kế tiếp.
Ông Thein Sein hôm 28/1 nói rằng ông không ủng hộ những cải cách với mục đích tiếp tục bám giữ quyền lực.
"Trong 5 năm qua, chúng tôi đã xây dựng nền móng cho một chính phủ kế tiếp, đó là chính phủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Tôi không làm việc đó với kỳ vọng sẽ làm tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ hai," ông Thein Sein phát biểu.
Dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước nghèo khó với dân số 51,5 triệu dân đã chuyển mình từ một nước cùng khổ sang thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Quốc hội
Tuy nhiên, quân đội vẫn nắm giữ quyền lực lớn – quân đội vẫn giữ một phần tư số ghế quốc hội.
|Liên minh Dân chủ Toàn quốc sẽ nhóm họp vào ngày 1 tháng 2 tới. Họ sẽ bầu chọn ra chủ tịch quốc hội và các chức vụ chủ chốt khác trong nghị viện trước khi họ bầu chọn ra một tổng thống trong vòng vài tuần lễ kế tiếp.
Bà Aung San Suu Kyi không được phép làm tổng thống. Hiến pháp do chính quyền quân nhân soạn thảo cấm nhưng ai có vợ hoặc chồng hoăc con cái là người nước ngoài làm tổng thống. Bà Suu Kyi có hai người con trai mang quốc tịch Anh.
Về phần mình, bà Suu Kyi nói bà sẽ không gây sức ép đòi thay đổi hiến pháp ngay, và bà sẽ quản lý thông qua một một tổng thống ủy nhiệm. - VOA
|
|
2.
Nhật Hoàng Akihito đến thăm Philippines
Hoàng đế Nhật Bản Akihito cùng Hoàng Hậu Michiko đến Philippines hôm nay, bắt đầu chuyến thăm mang tính lịch sử 5 ngày, đánh dấu sáu thập niên quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.
Tổng thống Benigno Aquino đón tiếp Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Dinh Malacanang với đầy đủ các nghi thức duyệt hàng quân danh dự và bắn đại bác.
Bên ngoài dinh tổng thống, mấy trăm người tụ tập biểu tình đòi công lý cho các phụ nữ bị buộc làm nô lệ tính dục phục vụ cho quân đội Nhật trong chiến tranh.
Tổng thống Aquino và Nhật Hoàng Akihito họp tại dinh Malacanang trước khi tham dự một nghi lễ tại nghĩa trang chiến tranh lớn nhất của Philippines để vinh danh những người đã hy sinh trong thời gian Nhật xâm lăng Philippines.
Mấy vạn binh sĩ Philippines đã chết trong lúc bị áp giải đến các trại tập trung của Nhật hoặc trong khi bị giam giữ.
Sau đó trong ngày, tại một quốc yến, Nhật Hoàng nhắc lại những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Nhật và các lực lượng Mỹ tại Philippines đã gây ra cái chết của khoảng 100.000 người Philippines.
"Năm ngoái, Nhật Bản đánh dấu 70 năm Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc," Nhật hoàng Akihito nói.
"Trong suốc cuộc chiến, những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Nhật và các lực lượng Mỹ diễn ra ở Philippines, đà làm nhiều người Philippines thiệt mạng, làm cho nhiều người Philippines bị thương. Đây là điều mà Nhật Bản không bao giờ được quên và chúng tôi sẽ giữa vết thương đó trong lòng chúng tôi trong suốt chuyến thăm này."
Chuyến viếng thăm lần đầu tiên của Nhật hoàng và Hoàng hậu đến Philippines biểu hiện các mối quan hệ sâu đậm giữa hai đảo quốc ở Thái Bình Dương đã bén rễ vài năm sau cuộc chiếm đóng Philippines tàn bạo của quân phiệt Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Hơn một triệu người thiệt mạng trong cuộc chiếm đóng này, trong đó có hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng khi quân đội Mỹ và Philippines giao tranh với quân đội Nhật để chiếm lại Manila vào năm 1945. - VOA
|
|
3.
Thụy Điển 'sẽ trục xuất 80.000 di dân'
Thụy Điển dự kiến sẽ tiến hành trục xuất đến 80.000 người bị từ chối đơn tỵ nạn, Bộ trưởng Nội vụ nước này được báo dẫn lời.
Anders Ygeman nói rằng máy bay thuê chuyến sẽ được dùng để trục xuất người di cư và phải mất một vài năm.
"Chúng tôi đang nói đến khoảng 60.000 người nhưng số lượng thực tế có thể lên tới 80.000," báo Thụy Điển dẫn lời ông Ygeman.
Khoảng 163.000 người nhập cư xin tỵ nạn ở Thụy Điển trong năm 2015, số lượng cao nhất trên mỗi đầu người ở châu Âu.
Trong số khoảng 58.800 trường hợp được xử lý năm ngoái, 55% được chấp nhận.
Trước đó, hôm thứ Tư 27/1, chính phủ Hy Lạp đáp trả những cáo buộc trong một dự thảo báo cáo của Ủy ban châu Âu rằng họ đã "xem nhẹ" nghĩa vụ của mình trong việc kiểm soát biên giới bên ngoài khu vực Schengen của châu Âu vốn không cần sử dụng passport khi đi lại.
Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Olga Gerovasili cáo buộc Ủy ban "chơi trò đổ lỗi" và cho biết họ đã không hành động theo một chương trình thỏa thuận năm ngoái về việc tái định cư hàng chục ngàn di dân và người tỵ nạn bị kẹt lại Hy Lạp.
Châu Âu đang phải vật lộn để đối phó trước cuộc khủng hoảng có thêm hàng chục ngàn người di cư đến bãi biển Hy Lạp, bất chấp thời tiết giá lạnh.
Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 46.000 người đã đến Hy Lạp trong năm nay, hơn 170 người thiệt mạng trong hành trình nguy hiểm này.
Ông Ygeman được dẫn lời về con số 80.000 người trên truyền hình công cộng Thụy Điển và tờ báo Dagens Industri (nội dung tiếng Thụy Điển).
Sau đó, ông đã viết trên Twitter rằng ông không nắm chính xác số lượng người xin tỵ nạn, đấy là việc của cơ quan chức năng và tòa án.
Thụy Điển vừa áp dụng việc kiểm tra cửa khẩu tạm thời trong nỗ lực để kiểm soát dòng người di dân. Cùng với Đức, Thụy Điển được xem là quốc gia mà những người tỵ nạn và dân di cư muốn đến trước nhất để nhập cảnh vào EU bất hợp pháp.
Thất bại về chính sách người di cư
28 quốc gia thành viên không đạt được thỏa thuận về cơ chế Tái định cư cho người xin tỵ nạn trên toàn châu Âu, nghĩa là để giảm bớt gánh nặng cho Hy Lạp và Ý. Đến nay, chỉ một vài nhóm nhỏ được tái định cư, một số quốc gia ở Trung và Đông Âu từ chối nhận di dân.
Hiệp ước Schengen về tự do đi lại đang bị đe dọa - Hungary rào biên giới với Serbia, Croatia và Slovenia; trong khi đó Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Pháp cũng tái lập việc kiểm soát biên giới
Điều luật Dublin, vốn quy định di dân phải đăng ký tỵ nạn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân tới, không được áp dụng hiệu quả. Các nước không còn gửi trả di dân đến điểm đầu tiên mà họ nhập cảnh vào EU
Hàng ngàn người di cư - nhiều người trong số họ chạy trốn nội chiến Syria - vẫn đang đến từ Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày
Việc xử lý đơn xin tỵ nạn chậm chạp và tồn đọng với số lượng lớn - vì vậy trung tâm tiếp nhận rất đông đúc
Đức - điểm đến chính với người di cư - đang cân nhắc lại chính sách mở cửa, một phần là do sự bất bình của người dân về các vụ tấn công tình dục phụ nữ ở Cologne trong đêm 31/12/2015
Thụy Điển hồi đầu tuần này đã trở thành quốc gia mới nhất tại châu Âu chứng kiến căng thẳng về người di cư tăng cao liên quan đến bạo lực. Một thiếu niên 15 tuổi xin tỵ nạn bị bắt tại Molndal, gần Gothenburg, sau khi một nhân viên trung tâm tỵ nạn 22 tuổi bị đâm chết.
Các quan chức di trú cho hay 35.400 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng xin tỵ nạn tại Thụy Điển năm 2015, gấp 5 lần số lượng năm 2014.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Đan Mạch, chính phủ tuần này thông qua luật thu giữ tài sản có giá trị của những người tỵ nạn với hy vọng hạn chế dòng người nhập cư.
Một số người đã so sánh đề xuất của Đan Mạch với việc Đức Quốc xã tịch thu vàng và tài sản giá trị khác của người Do Thái trong Thế chiến II. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ủy ban Thượng viện Mỹ sắp thông qua dự luật chế tài Bắc Hàn --- UNICEF kêu gọi viện trợ cho Bắc Triều Tiên
Ngày hôm nay các nhà lập pháp Mỹ sẽ thực hiện một bước tiến khác nữa để gia tăng các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tại Điện Capitol, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện sẽ biểu quyết về một kế hoạch trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư mà họ cho là thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch.
Theo dự liệu, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện sẽ thông qua với đa số áp đảo một phiên bản được tu chính của dự luật chế tài mà Hạ viện đã thông qua trước đây trong tháng này.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, người đứng đầu phe Dân chủ trong uỷ ban, cho biết như sau.
"Những gì mà chúng tôi làm là gây áp lực, chẳng những đối với chính phủ Bắc Triều Tiên, mà đối với những ai muốn làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nếu họ làm ăn trong những lãnh vực này thì các biện pháp chế tài sẽ được áp đặt."
Dự luật của Hạ viện đòi hỏi tổng thống Mỹ điều tra và trừng phạt những cá nhân và thực thể có đóng góp cho việc phát triển vũ khí giết người hàng loạt của Bắc Triều Tiên hoặc dính líu tới hoạt động rửa tiền, kiểm duyệt hoặc chà đạp nhân quyền.
Dự luật của Thượng viện có thêm những qui định nhằm ngăn Bắc Triều Tiên bán khoáng sản và kim loại quí để kiếm ngoại tệ. Các vị thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều nhấn mạnh rằng viện trợ quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch uỷ ban đối ngoại, phát biểu như sau.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tăng cường đáng kể [dự luật của Hạ viện]. Dự luật này [của chúng tôi] xem xét tới những vấn đề khác mà chúng ta có với Bắc Triều Tiên, không chỉ là vấn đề thử nghiệm hạt nhân mà còn là vấn đề nhân quyền và những vấn đề khác."
Những dự luật nhằm gia tăng các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên được đưa ra hồi năm ngoái, nhưng Quốc hội đã không xúc tiến công tác lập pháp cho các dự luật đó vì còn bận bịu với các vấn đề liên quan tới thoả thuận hạt nhân Iran.
Vụ thử nghiệm hạt nhân mà Bắc Triều Tiên loan báo hôm 6 tháng giêng rõ ràng là đã thúc đẩy lưỡng viện quốc hội Mỹ hành động, mặc dù Hoa Kỳ và nhiều nước khác không tin vụ thử nghiệm đó là thử nghiệm bom nhiệt hạch như Bắc Triều Tiên tuyên bố. - VOA
***
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNICEF, kêu gọi viện trợ cho Bắc Triều Tiên, giữa lúc căng thẳng tăng cao sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây nhất của Bình Nhưỡng.
Cơ quan Liên hiệp quốc kêu gọi đóng góp 18 triệu đôla cho chương trình viện trợ năm nay cho 6,9 triệu người, trong đó có 1,7 triệu trẻ em ở Bắc Triều Tiên.
UNICEF dự định phân chia 8,5 triệu đôla cho viện trợ về dinh dưỡng, 4,5 triệu đôla cho chăm sóc y sức khỏe, 5 triệu đôla cho nước sạch và vệ sinh.
Chương trình này còn bao gồm một dự án chăm sóc cho khoảng 25.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính. Theo một phúc trình mới phổ biến hôm thứ hai, trẻ em bị tiêu chảy do ảnh hưởng của đợt hạn hạn trầm trọng tại Bắc Triều Tiên tăng 72%.
Cần viện trợ
Năm ngoái Bắc Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi "trận hạn hán nặng nhất trong 100 năm qua", khiến lãnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. Phúc trình nói rằng vào tháng 8 chính phủ thông báo sản lượng nông nghiệp giảm sút hơn 20% so với năm trước đó.
UNICEF tổ chức gần 150 địa điểm tại các cộng đồng để chữa suy dinh dưỡng cấp tính.
"Công tác can thiệp cứu sinh mạng này cần phải được tiếp tục trong năm 2016 để hỗ trợ cho các dịch vụ về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh rất yếu kém trên cả nước này," phúc trình nói.
UNICEF đưa ra kêu gọi này giữa lúc Bắc Triều Tiên đang đối diện với các lệnh trừng phạt quốc tế vì nước này đã thử nghiệm hạt nhân hồi tháng trước.
Các lệnh trừng phạt này nhắm mục đích ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển khả năng hạt nhân và phi đạn. Nhưng một số nhóm viện trợ lên tiếng lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến công tác cứu trợ đích thực cho quốc gia này.
Lo ngại về các lệnh trừng phạt
Mới đây, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật sẽ tăng áp lực tài chánh lên Bắc Triều Tiên và Thượng viện cũng đang xem xét một dự luật tìm cách mở rộng các biện phát trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Ông Keith Luse, giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia về Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ cổ xúy cho các mối quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên, nói rằng dự luật của Hạ viện có những quy định sẽ là tăng thêm khó khăn đối với các tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động ở Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Chủ tịch Trung Quốc chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng --- VN giữ nguyên lãnh đạo đảng CS, bầu nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên
Lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh nói rằng số phận hai nước Việt Nam – Trung Quốc “ngày càng thắt chặt”, trong lời chúc gửi ông Trọng.
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nước này, đã gửi ngay lời chúc mừng tới ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông được bầu lại vào chức vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh dẫn lời ông Tập nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị, sông liền sông, núi liền núi, cùng hệ thống chính trị và có đường hướng phát triển tương tự nhau” nên “số phận hai bên càng ngày càng thắt chặt”.
Nữ phát ngôn viên nói rằng ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam có “số phận chung với ý nghĩa chiến lược lớn”, và “Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam”.
“Trung Quốc sẵn lòng hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược một cách bền vững, lành mạnh và ổn định”, bà Hoa trích lời ông Tập nói.
Đại hội đảng 12 ở Việt Nam kết thúc hôm nay với việc ông Trọng được bầu lại vào chức Tổng bí thư, cũng như chọn ra 19 thành viên của Bộ Chính trị.
Đây được coi là cuộc họp đầy kịch tính của Đảng Cộng sản Việt Nam vì cuộc “đối đầu” giữa ông Trọng, một người bị coi là thân Trung Quốc, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được coi là đại diện cho phe thân phương Tây và Mỹ.
Nhận định về đại hội lần này của Việt Nam, báo chí Trung Quốc trước đó có các bài bình luận được cho là nhằm “tác động” lên đại hội ở Việt Nam.
Tân Hoa Xã tuyên bố rằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ với Bắc Kinh “chỉ có lợi” cho Hà Nội, và nhờ hợp tác với nước này, mà Việt Nam mới có được “ổn định xã hội”.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc còn cho rằng kế hoạch “đầy tham vọng” của Việt Nam trong 5 năm tới “cần mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn" với Bắc Kinh. - VOA
***
Những người hy vọng thấy cuộc đấu đá chính trị kịch liệt ở Việt Nam đã thất vọng khi Đảng Cộng sản hôm Thứ Năm giới thiệu nhóm lãnh đạo “tứ trụ” đã được phê duyệt từ trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm thêm một nhiệm kỳ và một phụ nữ lần đầu tiên được bầu vào một trong “tứ trụ” của đất nước. Thông tín viên Liên Hoàng của đài VOA tường thuật từ Sài Gòn.
Kết quả của đại hội đảng đã chấm dứt sự phỏng đoán trong nhiều tháng rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ thực hiện một cuộc chỉnh đốn và thế chỗ ông Trọng. Thay vào đó, đảng đã quay về với sự ổn định nội bộ qua việc bầu lại vị tổng bí thư tương đối bảo thủ. Đảng cũng đặt cược an toàn với việc chọn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho chức thủ tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho chức chủ tịch nước, và nữ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội.
Ông Vũ Tường, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Oregon, nhận xét: “Không thực sự có những bộ mặt mới, những cá tính mạnh, hay những cá nhân có sự lôi cuốn. Có lẽ bà Ngân [là ngoại lệ], bà là người có nhiều ẩn số. Nhưng vị trí của bà vẫn thấp trong nhóm tứ trụ. Có lẽ từ nay đến đại hội sau bà sẽ thăng tiến, ai mà biết được”.
Bà Ngân trở thành phụ nữ đầu tiên được cất nhắc vào nhóm lãnh đạo hàng đầu của đảng, nhưng ông Tường nói lý do cất nhắc bà có thể là vì sự cân bằng vùng miền hơn là vì giới tính. Bà là người miền nam, ông Phúc miền trung, còn ông Quang và ông Trọng là người miền bắc.
Nhiều người đã thảo luận sôi nổi về sự khác biệt giữa ông Dũng, với tư cách một nhà cải cách kinh tế có 3 con học ở phương Tây, với ông Trọng, một đảng viên trung kiên ngả về Trung Quốc, nước cộng sản duy nhất lớn hơn Việt Nam.
Nhưng các nhà quan sát nói cỗ máy tự do hóa Việt Nam đã được gài số từ nhiều năm trước và sẽ tiếp tục chạy, bất chấp ai là người cầm quyền.
Giáo sư Phạm Quý Thọ, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển ở Hà Nội, nói thế hệ lãnh đạo tiếp theo biết rõ là Việt Nam phải chuẩn bị để cạnh tranh và hội nhập với phần còn lại của thế giới. Ông đề cập đến một loạt hiệp định thương mại sẽ mang lại những đối thủ nước ngoài, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cho đến Cộng đồng Kinh tế của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á.
“Sẽ có cải cách, không chỉ kinh tế mà cả xã hội, để người dân có thể thích nghi với những yêu cầu của nền kinh tế mới và các nhu cầu về nguồn nhân lực”, ông Thọ nói.
Các nhà đầu tư có chung suy nghĩ với vị giáo sư môn chính sách công này.
Kinh tế gia Izumi Devalier của HSBC viết trong một bài tham luận rằng “các ứng viên dường như đều cơ bản nhất trí rằng phi tập trung hóa hơn nữa nền kinh tế là điều cần thiết để bảo đảm nâng cao mức sống”. Bà đề nghị Việt Nam cân nhắc tới việc giảm bớt những sự liên hệ chặt chẽ giữa các công ty nhà nước và các ngân hàng đang cho các công ty đó vay một cách dễ dãi.
Tương tự như vậy, ông Kevin Snowball, Tổng Giám đốc Điều hành của Công ty Quản lý Tài sản PXP Vietnam, tin rằng các cải cách nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến tới, không chậm chạp hơn nữa dưới quyền ông Trọng. Trong một email gửi các nhà đầu tư, ông Snowball nói ông hy vọng trước khi hết nhiệm kỳ vào mùa hè năm nay, ông Dũng sẽ trấn an “những cán bộ quan liêu ít hiểu biết về thị trường” rằng người nước ngoài sẽ không mua các công ty nhà nước chỉ để cướp phá chúng.
“Vì những cải cách đó, nhất là về thị trường chứng khoán, đã khựng lại trong mấy tháng nay gần cuộc đại hội đảng, cho nên ít có khả năng các cải cách đó lại chậm chạp thêm chút nào nữa so với hiện nay”, ông Snowball nói.
Kết quả của đại hội đảng - diễn ra 5 năm một lần - đã được dự đoán trước nhiều ngày. Dù vậy một số ủng hộ viên của ông Dũng vẫn nuôi hy vọng cho dù, như lời Giáo sư Tường, một cá nhân không thể quyết định trong một hệ thống cai trị bằng sự đồng thuận. Bất chấp sức mạnh cá nhân của ông Dũng, người Việt Nam đổ dồn về ông để chia sẻ cảm giác bất an về sự xâm lấn của Trung Quốc.
Tuy cuộc bầu bán năm nay của đảng thu hút nhiều sự chú ý cũng như bàn tán trên mạng hơn mọi khi, song hầu hết người Việt Nam chỉ chú ý vào công chuyện thường ngày.
Ông Nguyễn Huyền, làm việc tại một tổ chức thiện nguyện phục vụ người khuyết tật, nói: “Nói thật, tôi không thực sự quan tâm đến chính trị. Tôi biết tôi chẳng thay đổi được gì”. - VOA
|
|
6.
Tổng thống Đài Loan ra đảo Ba Bình để khẳng định chủ quyền
Ngày 28/01/2016, tổng thống mãn nhiệm Đài Loan bay ra hòn đảo Ba Bình mà Đài Bắc gọi là Thái Bình. Hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Đài Loan trong quần đảo Trường Sa. Mỹ, Việt Nam và Philippines phản đối hành vi của tổng thống Mã Anh Cửu.
Tại đảo Ba Bình, tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố quần đảo Trường Sa là « biển đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Hoa Dân Quốc », tên chính thức của Đài Loan. Theo AFP, tổng thống mãn nhiệm tránh giọng điệu khiêu khích. Ông kêu gọi các nước tranh chấp « tìm một giải pháp ôn hoà để cùng hợp tác phát triển ».
Từ Ba Bình, ông mã Anh Cửu gửi một bức thư về Đài Bắc qua « bưu điện Thái Bình » và phát quà Tết cho nhân viên thường trú. Tuy là đồng minh của Đài Loan nhưng Hoa Kỳ đã chỉ trích chuyến đi của tổng thống Mã Anh Cửu là « cực kỳ tai hại, không đóng góp gì cho giải pháp hoà bình » tại Biển Đông.
Việt Nam, qua phản ứng của đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa tại Đài Bắc, phản đối hành động « đơn phương » của tổng thống Mã Anh Cửu « không giúp làm giảm căng thẳng » trong khu vực.
Từ Manila, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose kêu gọi « mỗi bên tranh chấp có trách nhiệm tránh các hành động làm Biển Đông căng thẳng ».
Ngược lại, Trung Quốc tỏ thái độ đồng thuận với Đài Loan. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho rằng « Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa » và «nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước ».
Trong bối cảnh Hoa lục lấn chiếm và xây dựng một loạt 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa gây căng thẳng trong khu vực, Đài Loan cũng tìm cách chính thức hóa quyền kiểm soát hòn đảo lớn nhất Itu Aba mà chính quyền Tưởng Giới Thạch đưa quân kiểm sóat từ thập niên 1950.
Đài Loan vừa hoàn tất kế hoạch xây dựng cơ sở trên đảo Ba Bình với 100 triệu đôla Mỹ, nâng cấp và xây thêm hải đăng ngoài một phi trường, một bệnh viện và nhà máy nước lọc.
Mỹ sẽ gia tăng tuần tra Biển Đông vì « Tự Do Hàng Hải »
Trong cuộc hội thảo tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS tại Washington ngày 27/01/2016, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình dương tuyên bố sẽ tăng cường chiến dịch « Tự Do Hàng Hải » trong vùng Biển Đông từ « số lượng cho đến quy mô và tính phức tạp ».
Tư lệnh Mỹ không cho biết chi tiết về những hoạt động tương lai mà mục tiêu là để phủ nhận chủ quyền tự xưng của Trung Quốc tại Biển Đông. - RFI
No comments:
Post a Comment