Monday, January 18, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 18/1

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Obama hoan nghênh vụ phóng thích 3 công dân Mỹ

Iran phóng thích 5 người Mỹ bị giam giữ và Hoa Kỳ ân xá cho 7 công dân Iran trong một cuộc trao đổi sau khi hầu hết các biện pháp chế tài của quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ hôm thứ bảy. Ba trong số năm người Mỹ vừa được trả tự do hôm qua từ Tehran đã tới Châu Âu. Một người đã được thả trước đó và một người khác đã quyết định ở lại Iran.

Nhóm ba người Mỹ vừa được phóng thích hôm qua ghé lại Geneva trên cuộc hành trình tới Đức. Cựu thủy quân lục chiến Amir Hekmati bị Iran cầm tù hơn 4 năm về cáo buộc làm gián điệp và Mục sư Saeed Abedini bị Iran giam giữ từ tháng 7 năm 2012 vì hoạt động tôn giáo. Còn phóng viên Jason Rezaian của báo Washington Post đã ngồi tù hơn 500 ngày sau khi bị Iran kết tội làm gián điệp hồi tháng 11 vừa qua.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hoan nghênh vụ phóng thích 3 công dân Mỹ:

"Ký giả Jason Rezaian đang trên đường về nước, một ngòi bút dũng cảm thuộc Washington Post, người đã viết về cuộc sống thường nhật và những niềm hy vọng của người dân Iran. Ông đã bị giam cầm 1 năm rưỡi nay. Ông là hiện thân của tinh thần quả cảm mang lại sự sống cho quyền tự do báo chí."

Thân nhân của phóng viên Rezaian tại Mỹ bày tỏ vui mừng khôn xiết.

Người họ hàng của Rezaian, ông Reza chia sẻ:

"Đây là tin tuyệt vời. Chúng tôi vui mừng hết sức. Tôi rất nôn nóng gặp lại Jason. Tôi cầu mong anh ấy vẫn khỏe mạnh."

Báo Washington Post cũng hoan nghênh quyết định phóng thích ký giả Jason Rezaian, nhưng những người chỉ trích cho rằng Iran chưa làm đủ.

Ông Robert Mahoney thuộc Ủy ban Bảo vệ Ký giả phát biểu:

"Vụ phóng thích này là tin vui đối với nhà báo Jason Rezaian và người thân của ông. Nhưng theo tôi vẫn còn quá sớm để cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng đối với chừng 18 ký giả đang bị giam cầm tại Iran cũng như đối với tất cả những phóng viên đang tác nghiệp dưới sự đe dọa tù tội ở Iran."

Trước đó trong ngày hôm qua, Hoa Kỳ đã phóng thích 7 công dân Iran. Trong bài diễn văn cùng ngày, Tổng thống Obama cho biết:

"Trong hành động nhân đạo tương ứng, Hoa Kỳ đã ân xá cho 6 người Mỹ gốc Iran và 1 công dân Iran, những người đang thọ án hoặc đang chờ xét xử tại Hoa Kỳ. Các cá nhân này không bị buộc tội khủng bố hay các tội phạm bạo lực nào khác. Họ là những thường dân được phóng thích trong hành động bày tỏ thiện chí với Iran."

Ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa, ông Ted Cruz, chỉ trích việc phóng thích các tù nhân Iran trong vụ trao đổi này:

"Chúng ta phóng thích 7 người bị giam cầm vì vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran cũng như hỗ trợ Iran phát triển vũ khí hạt nhân, và còn hơn chục người khác cũng phạm luật mà chúng ta đã đồng ý sẽ không khởi tố."

Tổng thống cả hai nước Hoa Kỳ và Iran đều hoan nghênh thỏa thuận nhằm hạn chế việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân, để đổi lại, Iran sẽ được tháo gỡ các biện pháp chế tài quốc tế. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự thiếu tin tưởng giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo gần đây của Tehran. - VOA
|
|

2.
Đại hội Đảng CS Lào bầu Bộ Chính trị --- Cam Bốt: Mạng xã hội, đồng minh của Hun Sen

Đảng cộng sản Lào khai mạc Đại hội vào ngày thứ Hai 18/1 để hoạch định chính sách kinh tế vào năm nước này làm chủ tịch luân phiên ASEAN.

Đây là kỳ đại hội 5 năm một lần tại quốc gia nghèo trong khu vực Đông Nam Á, do đảng cộng sản nắm quyền từ khi cuộc chiến Đông Dương kết thúc năm 1975.

Thủ tướng Lào, ông Thongsing Thammavong khai mạc đại hội Đảng và dùng bài diễn văn để ca ngợi thành tích tăng trưởng kinh tế 7,4% trung bình một năm.

Truyền thông nhà nước nói 684 đại biểu, đại diện cho hơn 200 nghìn đảng viên, bắt đầu dự họp 5 ngày tại thủ đô Vientiane.

Đại hội Đảng của Lào sẽ chọn ra các ủy viên Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị cho quốc gia không có biển, theo hãng tin AP.

Lào bắt đầu làm chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2016, khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi và cả kỳ vọng về vai trò của Vientiane trong việc thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Hồi giữa năm 2015, Edmund Sim, một luật sư thương mại Hoa Kỳ giảng dạy tại Singapore viết rằng có hy vọng Lào sẽ chủ động hơn trong các hoạt động vì AEC.

Ngoài ra, tác giả này viết trên trang The Diplomat rằng:

"Tôi chờ đợi Lào theo đuổi một nghị trình công bằng hơn về an ninh chính trị khu vực như vấn đề Biển Đông, nhờ vào quan hệ thân hơn với Việt Nam, và trái với những gì Campuchia đã làm năm 2012 khi làm chủ tịch ASEAN."

Khi đó, Phnom Penh bị phê phán là đã đẩy vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình ASEAN mà giới quan sát cho là vì ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuy thế, cũng có ý kiến nói về mặt kinh tế, Lào đang ngày càng chịu tác động từ Trung Quốc.

Ngay từ 2014 có các tác giả như Joshua Simonidis và Ashling Stout viết rằng về kinh tế, Lào "ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc" và dự án đường sắt Côn Minh - Vientiane sẽ tiếp tục làm sâu thêm xu thế này.

Báo chí quốc tế cũng nói về các khu vực kinh tế ở phía Bắc Lào do Trung Quốc kiểm soát.

Cùng lúc quan hệ quân sự Lào và Trung Quốc cũng tăng lên. - BBC

***
Vào lúc các nước độc tài coi internet và mạng xã hội là một mối đe dọa tiềm tàng, thì đối với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đây lại là một công cụ để củng cố quyền lực. Mục tiêu chính của lãnh đạo đảng Nhân Dân Cam Bốt là giành lại thành phần cử tri trẻ có khuynh hướng ủng hộ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc của ông Sam Rainsy.

Để giữ được chiếc ghế thủ tướng cho tới năm 74 tuổi, ông Hun Sen khai thác tối đa các mạng xã hội. Trang mạng của lãnh đạo Cam Bốt mới chỉ được khai trương vào tháng 9/2015 đã được gần 2 triệu người «theo ». Phát ngôn viên của đảng Nhân dân Cam Bốt ghi nhận : công nghệ số là « công cụ thiết yếu » để gần gũi với dân, đặc biệt là  thanh niên.

Trên trạng mạng cá nhân của thủ tướng Cam Bốt, người ta trông thấy hình ảnh của ông Hun Sen với nét mặt hiền hòa, bao dung, giảng giải rằng việc sửa đổi luật giao thông là điều cần thiết. Thủ tướng Cam Bốt đã huy động cả một đội ngũ các cố vấn trẻ để theo dõi những tranh luận trên mạng, để trả lời gần như trực tuyến với những «follower ».

Trong một thông điệp vừa gửi lên mạng Facebook gần đây, lãnh đạo Cam Bốt giải thích : Ông luôn mang theo người một túi xách tay, vì trong đó có 5 cái điện thoại thông minh để « theo dõi, nghe và nhận thông tin từng giờ, từng phút » từ các cộng tác viên của mình.

Ông Hun Sen muốn đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo biết lắng nghe dân tình. Theo lời một sinh viên mà AFP gặp được, chiến lược này đang « làm thay đổi hình ảnh của Hun Sen » đối với giới trẻ.

Liên tục cầm quyền tại Cam Bốt từ năm 1985, Thủ tướng Hun Sen, 63 tuổi, báo trước là sẽ tiếp tục lãnh đạo Xứ Chùa Tháp cho tới năm 74 tuổi. Trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Hun Sen muốn chia sẻ quyền lực. Lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy đã phải sống lưu vong để thoát khỏi cảnh tù đày.

Ông Sam Rainsy và đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc từ lâu nay đã hiện diện trên các trang mạng xã hội và trang Facebook của đảng này, được hơn 2 triệu người tham gia. Trong khi đó trang cá nhân của Thủ tướng Hun Sen mới chỉ sau có hơn 4 tháng hoạt động đã thu hút được 1,9 triệu người.

Có điều, như ghi nhận của AFP : Mở trang mạng xã hội, đưa ra một hình ảnh trẻ trung của một nhà lãnh đạo biết lắng nghe những nguyện vọng của người dân không cấm cản ông Hun Sen tăng cường các biện pháp kiểm duyệt internet và những gì được trao đổi qua các trang mạng xã hội.

Gần đây một người dự báo Hun Sen về cái chết sắp tới của thủ tướng Cam Bốt đã bị bắt giam. Một người khác kêu gọi tiến hành một cuộc « cách mạng » trên Xứ Chùa Tháp cũng đã được « hỏi thăm ». Một thượng nghị sĩ của đảng đối lập bị bắt giam vì đã đăng trên trang mạng Facebook một tấm bản đồ không đúng với đường lối của nhà cầm quyền Phnom Penh.

Tóm lại, theo như nhận định của ông Sebastian Trangio, tác giả cuốn sách về Hun Sen – Hun Sen’s Cambodia (Đất nước Cam Bốt của Hun Sen) : Cuộc chiến giữa lãnh đạo Phonm Penh với đảng đối lập của ông Sam Rainsy đang chuyển tới mặt trận Internet. Chuyên gia Học viện Quốc phòng Úc, Carl Thayer cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng, thủ tướng Hun Sen khai thác các phương tiện tin học và mạng xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2018. Chính quyền Phnom Penh không muốn lập lại sai lầm của năm 2013. Khi đó, đảng Cứu Nguy Dân Tộc của Sam Rainsy đã chinh phục được thành phần cử tri trẻ tuổi.

Cam Bốt là một quốc gia với 15 triệu dân, và hai phần ba trong số đó chưa đầy 30 tuổi. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ tranh luận lần thứ tư

Các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ ở Mỹ đã tham gia cuộc tranh luận lần thứ tư hôm Chủ Nhật. Họ tranh cãi về chính sách đối nội Mỹ nhằm nêu rõ sự khác biệt giữa họ với nhau trước khi cuộc bầu cử sớm diễn ra. Thông tín viên Katherine Gypson của đài VOA tường thuật.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sỹ bang Vermont Bernie Sanders đã tranh luận vào một ngày có những sự kiện lớn trong di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Hai ứng viên có chung sự lạc quan dè dặt về cuộc trao đổi tù nhân và việc hoàn tất thỏa thuận về hạt nhân Iran.

Bà Clinton nói:“Chúng ta đã có một ngày tốt đẹp trong 36 năm qua và tôi nghĩ chúng ta cần được thấy thêm nhiều ngày tốt đẹp rồi mới có thể tiến nhanh tới việc bình thường hóa”.

Ông Sander có ý kiến: “Chúng ta có nên thấy quan hệ trở nên tích cực hơn không? Có chứ. Chúng ta có nên mở đại sứ quán ở đó ngày mai hay không? Không.”

Ông John Hudak thuộc Viện Brookings nói với VOA qua Skype về tác động của cuộc chạy đua tranh cử tổng thống như sau:

“Tôi nghĩ trong cuộc tranh cử này bất cứ ngày nào có bàn về chính sách đối ngoại cũng đều có lợi cho [cựu] Ngoại trưởng Clinton. Rõ ràng bà có kinh nghiệm nhiều nhất về vấn đề đó và hiển nhiên bà là người thoải mái nhất khi nói về những vấn đề như vậy cũng như sự phức tạp của chúng”.

Bà Clinton và ông Sanders bám sát nhau trong các cuộc thăm dò tại các bang có bỏ phiếu sớm, nhưng họ thể hiện sự khác biệt rõ nét về các vấn đề đối nội như kiểm soát súng.

Bà Clinton phát biểu: “Ông ấy đã biểu quyết tán đồng chủ trương của Hiệp hội Súng Quốc gia, nhiều lần về phe những người vận động cho súng đạn”.

Ông Sanders đáp trả lời công kích đến từ cuộc vận động tranh cử của bà Clinton nhắm vào các đề xuất về chăm sóc y tế ông nêu ra gần đây. Ông nói:

“Chúng ta sẽ không xé bỏ Đạo luật Chăm sóc Y tế Phải chăng mà tôi tham gia soạn thảo”.

Và ông công kích mối quan hệ giữa cuộc vận động của bà Clinton với ngành tài chính. Ông nói:

“Tôi không nhận tiền từ các ngân hàng. Tôi không nhận thù lao phát biểu từ Goldman Sachs”.

Lời công kích này là điều thường thấy của ông Sanders, vốn luôn xây dựng hình ảnh hoạt động tranh cử của ông là chống lại nhóm quyền thế, trong khi bà Clinton lại nhấn mạnh vào kinh nghiệm và mối liên hệ với Tổng thống Obama.

Bà Clinton phát biểu:“Tôi nghĩ ở cương vị Tổng tư lệnh bạn phải liên tục thẩm định các quyết định bạn phải đưa ra. Tôi biết được điều này sau khi đã có rất rất nhiều giờ làm việc ở Phòng Tình huống, cố vấn cho Tổng thống Obama”.

Cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley đang tụt lại xa ở vị trí số 3 sau bà Clinton và ông Sanders. Ông vất vả tìm cách giành được sự chú ý tương đương trong cuộc tranh luận. Ông nói:

“Chúng ta không thế cứ nói mà không nghe nhau và tuyên bố rằng ai cũng là kẻ thù”.

Ở trên mạng, có hai thời điểm thu hút sự chú ý, là khi bà Clinton cho rằng mối quan hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin…

“Thật là thú vị”

Và khi Thượng nghị sỹ Sanders không muốn công kích phu quân cựu Ngoại trưởng Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton về những lỗi trong quá khứ của ông…

“Tôi sẽ tranh luận với Bộ trưởng Clinton và Thống đốc O’Malley về những vấn đề nhân dân Mỹ phải đối mặt, chứ không phải về hành xử cá nhân của ông Bill Clinton”.

Đây là cuộc tranh luận cuối cùng của Đảng Dân chủ trước khi cuộc họp bỏ phiếu kín diễn ra ở Iowa hôm 1 tháng 2. - VOA
|
|

4.
Tranh cử tổng thống tác động đến Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát

Cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ có sự tham gia của 4 thượng nghị sỹ, 3 người của Đảng Cộng hòa và 1 người của Đảng Dân chủ. Cả 4 chính khách này đều phải xoay sở giữa lịch hoạt động lập pháp bận rộn và lịch tranh cử còn bận rộn hơn. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA,  cuộc bầu cử sơ bộ có thể tác động đến hoạt động của Thượng viện trong năm nay và cũng ảnh hưởng tới vấn đề đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện trong năm 2017.

Các thượng nghị sỹ đang nhắm vào nhau trên một trận địa có đông người của Đảng Cộng hòa.

Các Thượng nghị sỹ Ted Cruz, Marco Rubio, và Rand Paul đang cạnh tranh để được đề cử làm ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, trong khi bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ đối mặt với thách thức từ Thượng nghị sỹ Bernie Sanders.

Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, Đảng Dân chủ, nói:

“Tôi không đại diện cho tầng lớp các tỷ phú. Tôi không đại diện cho các đại công ty Mỹ. Tôi không muốn nhận tiền của họ.”

Ông Sanders không phủ nhận ông là người trong cuộc đối với sinh hoạt chính trị ở Washington. Nhưng hầu hết những người tranh cử của Đảng Cộng hòa đều ra sức phô diễn chính họ như là những người đứng ngoài cuộc tranh giành thế lực ở Washington, kể cả Quốc hội và Thượng viện nơi họ làm việc.

Thượng nghị sỹ Rand Paul, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, nói:

“Đây là một vấn đề do hai đảng mà ra. Hai đảng này cấu kết với nhau trong một liên minh quỷ quái và chi tiêu quá nhiều, làm cho đất nước bị kiệt quệ.”

Thượng nghị sỹ Ted Cruz, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, nói:

“Khi nào quý vị đã đứng lên chống lại Washington? Khi nào quý vị đã đối đầu với không chỉ những người Đảng Dân chủ mà cả chính các lãnh tụ trong cùng đảng?”

Thông điệp chống Washington tỏ lộ sự mâu thuẫn với sự hăng hái của Lãnh tụ khối đa số Thượng viện Mitch McConnell muốn cho thấy người của Đảng Cộng hòa có thể cầm quyền. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, Đảng Cộng hòa, nói:

“Chúng tôi muốn duy trì Thượng viện mà chúng ta đã có năm nay, tập trung vào những điều có thể đạt được và đưa trở thành luật”.

Nhà phân tích chính trị Stan Collender nhận định:

“Năm nay sẽ không phải là một năm Quốc hội làm việc hiệu quả. Điều người ta nhận được là: Quốc hội bị lợi dụng làm một chiến thuật tranh cử trong một phần của năm bầu cử 2016”.

Ông John Fortier, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, cho rằng:

“Các ứng viên tổng thống không phải lúc nào cũng tuân theo đường lối của đảng. Đôi khi họ sẽ đi vắng, không có mặt ở Thượng viện để bỏ phiếu”.

Đảng Cộng hòa hiện chỉ chiếm đa số mong manh với chênh lệch 4 ghế tại Thượng viện. Số ghế thượng nghị sĩ mà họ đang ra sức để bảo vệ cao hơn gấp đôi con số của phe Dân chủ. Các nhà phân tích nói nhiệm vụ của ông McConnell sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu người được đề cử làm ứng viên tổng thống là ông Cruz, một nhân vật cứng rắn siêu bảo thủ.

Nhà phân tích chính trị Stan Collender nói:

“Hai ông Mitch McConnell và Ted Cruz không ưa nhau. Nếu ông Mitch McConnell làm điều gì để khuyến khích cử tri của ông Ted Cruz đi bầu, ông có thể làm mất lòng các thượng nghị sỹ khác, những người phải ra tranh cử lần này”.

Ông McConnell đang cố gắng đứng ngoài những vụ tranh cãi trong cuộc vận động tranh chức tổng thống. Ông nói:

“Chúng tôi đang làm công việc mà nhân dân Mỹ bầu chúng tôi lên để làm, và mọi ứng viên tổng thống đều sẽ tranh luận cho ra nhẽ”.

Ông Cruz mới đây đứng đầu các cuộc thăm dò ở Iowa, nơi sẽ có bỏ phiếu sớm vào cuối tháng này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Giới quan sát quốc tế nói gì về vụ tranh giành quyền lực ở Việt Nam?

Giữa lúc Việt Nam sắp phải đưa ra quyết định trong việc bầu chọn nhân sự vào các chức vụ chóp bu cho 5 năm sắp tới tại một thời điểm có tính cách quyết định đối với tương lai đất nước, những vụ đấu đá chưa từng thấy trong hậu trường chính trị Việt Nam đã gây sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Hãng tin Bloomberg hôm 17/1 đăng một bài viết cho rằng cuộc tranh luận chính xoay quanh nghi vấn, liệu Việt Nam sẽ chọn các nhân vật muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Trung Quốc, hay những người muốn lèo lái con thuyền quốc gia xích gần hơn tới Hoa Kỳ?

Bài báo viết trong khi chỉ còn 2 ngày nữa trước khi khởi sự đại hội đảng để công bố thành phần lãnh đạo, vẫn chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy ai sẽ là người được đưa vào chức vụ quyền lực nhất nước. Tờ báo đề cập tới những vụ tranh giành quyền lực đã tràn lên mạng internet, với những bình luận đả kích lẫn nhau, cho thấy tình hình vẫn chưa có gì là rõ rệt.

Bloomberg dẫn lời Tiến sỹ Zachary Abuza, một nhà quan sát về Việt Nam thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia thuộc Học viện Hải Quân Hoa Kỳ, nói rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với giới lãnh đạo mới sẽ là về tiến độ và chiều sâu của nỗ lực tăng cường các quan hệ với Mỹ.

Giáo sư Zachary Abuza nói “vụ tranh cãi chính trị thực thụ là giữa thành phần bảo thủ và thành phần ủng hộ cải cách. Nhiều cuộc tranh luận xoay quanh các chiến lược về làm cách nào để đáp ứng trước hành động hung hăng của Trung Quốc.”Theo ông Abuza, thì trong Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn còn một số người rất sợ đối đầu với Trung Quốc.

Một nhà quan sát khác được Bloomberg dẫn lời là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt. Ông cho rằng sẽ không có thay đổi lớn, bất chấp giới lãnh đạo mới là thuộc phe nào, ông nói các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam theo dự kiến sẽ không nghiêng hẳn về bất cứ hướng nào. Đây chỉ là vấn đề xoay tay lái hơn một độ về hướng này hay hướng kia mà thôi.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thỉnh thoảng có những phát biểu chống đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc, đang vận động để giành chức Tổng Bí Thư với ông Nguyễn Phú Trọng, người đang tìm cách kéo dài nhiệm kỳ Tổng Bí Thư hiện nay, người vẫn tỏ ra hoà hoãn với nước láng giềng phương Bắc.

Nhận xét về ông Nguyễn Tấn Dũng, Cựu đại sứ Burghardt nói: “Ông Dũng dường như hiểu rõ tầm quan trọng của các quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ. Cho nên đối với Hoa Kỳ, thì nếu ông được chọn thì đó là kết quả thoải mái hơn đối với nước Mỹ”

Về ông Trọng, Tiến sĩ Abuza cho rằng Trung Quốc sẽ hài lòng hơn nếu ông Trọng duy trì chức vụ hiện nay. Nhưng theo ông, ông Trọng cũng đã thay đổi khá nhiều. Tiến sĩ Abuza nói tiếp: “Khi ông lên làm Tổng Bí Thư, mọi người đều lo lắng vì ông mang tiếng là theo Trung Quốc, nhưng ông ấy ủng hộ hiệp định TPP. Ông Trọng đã sang Mỹ gặp Tổng Thống Obama. Ông đã mời Tổng Thống Obama đến thăm Việt Nam.”

Đại sứ Burghardt kết luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong tình trạng hết sức bối rối, không biết nên chọn vị trí nào trong cái tam giác Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam.

Bản tin của Xinhua hôm nay, 18/1 chỉ tường thuật những chi tiết về Đại hội đảng 12 sắp tới, trong đó 200 uỷ viên sẽ được bầu chọn vào Ban Chấp hành trung ương.

Xinhua dẫn lời ông Mai Văn Chính, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cho biết hơn 1500 đại biểu sẽ đại diện cho 4,5 đảng viên tham gia đại hội đảng thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 20 tới ngày 28/1 tại Hà Nội.

Theo bản tin này, 650 ký giả trong nước và hơn 100 nhà báo nước ngoài đã đăng ký tham gia. - VOA
|
|

6.
28/1 Đại hội XII 'chuẩn thuận' Tổng bí thư

Theo kế hoạch, ngày 27/1 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa mới sẽ bầu Tổng bí thư nhưng phải qua Đại hội chuẩn thuận.

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng CSVN Lê Quang Vĩnh cho báo chí trong nước biết rằng sau phiên khai mạc chính thức ngày 21/1, Đại hội XII sẽ dành hai ngày để thảo luận về văn kiện Đại hội.

Các văn kiện hoàn thiện sẽ được trình Đại hội thông qua vào ngày 28/1. Đại hội XII có sự tham gia của 1.510 đại biểu.

Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được lựa chọn sẽ có Phiên họp thứ nhất vào chiều 27/1. Tại đây, Ban Chấp hành sẽ bầu vị trí Tổng bí thư.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, kết quả bầu sẽ được Ban Chấp hành Trung ương báo cáo và xin ý kiến Đại hội vào sáng 28/1 để chuẩn thuận trước khi được công bố.

Ông Lê Quang Vĩnh không nói trong trường hợp Đại hội không chuẩn thuận phương án xử lý sẽ như thế nào.

'Không giới hạn tuổi tác'

Ông Vĩnh nói với báo Zing rằng "Tổng bí thư phải là người tiêu biểu nhất cho toàn Đảng, phải là nhà lãnh đạo xứng tầm".

Ông khẳng định: "Không có giới hạn về tuổi đối với chức danh này."

Theo ông Lê Quang Vĩnh, Hội nghị Trung ương 14 kết thúc hôm 13/1 vừa qua đã xem xét các trường hợp đặc biệt là "các đồng chí quá tuổi trong phương án nhân sự" ở cả Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Ông hé lộ: "Đối với việc xin rút hay không xin rút, các đồng chí đều xin rút hết. Nhưng rút hay không do Ban chấp hành quyết định".

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh quyền quyết định của Đại hội.

"Với những người chưa được trung ương giới thiệu, Đại hội sẽ quyết định giới thiệu hay không để đưa vào danh sách bầu. Có thể nói, việc bầu cử tiến hành dân chủ và thực sự tôn trọng quyền của đại biểu và Đại hội."

Theo Quyết định 244 ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, "Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị".

Tuy nhiên, ông Lê Quang Vĩnh nói bầu cử theo quy định nào và có tuân thủ Quyết định 244 hay không "Đại hội sẽ quyết định".

Ông nói: "Quyết định 244 rất khoa học, phù hợp tình hình, dân chủ nhưng phải chặt chẽ, tránh rối loạn xã hội".

"Ngay cả việc rút hay không cũng do Đại hội quyết định, Đại hội có cho rút hay không chứ không phải là nguyện vọng của cá nhân. Muốn rút mà Đại hội không cho thì cũng không được."

"Quyết định cuối cùng là do Đại hội đưa ra, không phải do cấp dưới Đại hội."

Như vậy có thể hiểu cho tới nay, các vị trí chủ chốt nhất vẫn chưa được định đoạt.

Hôm 16/1, ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nói với báo Tiền Phong rằng "bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng".

Ông Lê Quang Vĩnh thì nói trên báo Zing rằng đã có một số "trường hợp đặc biệt" (tức quá tuổi) thuộc Bộ Chính trị khóa XI được giới thiệu ra Đại hội lần này nhưng đây là "một vài trường hợp đặc biệt và rất ít thôi". - BBC

No comments:

Post a Comment