Tin Thế Giới
1.
Chứng khoán Trung Quốc ngừng giao dịch sau vụ sụt giá mạnh đầu năm
Giá chứng khoán ở Trung Quốc và các thị trường khác ở Châu Á sụt mạnh vào ngày giao dịch đầu năm mới, châm ngòi cho việc sụt giá đáng kể ở các thị trường Âu Châu.
Sau khi chỉ số chính trong 300 chứng khoán của Trung Quốc sụt giá 5% vào đầu giờ chiều, giao dịch đã tự động ngừng lại trong 15 phút – qua một cơ chế 'công tắc điện' vừa được đưa vào áp dụng.
Sự kiện đó dường như gây hoảng loạn thêm nhiều nhà buôn lẻ ở lục địa Trung Quốc, bỗng nhiên thấy mình không bán được, theo nhiều nhà trung gian.
Vụ sụt giá mạnh tiếp tục sau khoảng thời gian ngắn tạm ngưng và khi CSI300, tức danh sách các chứng khoán hàng đầu trên các thị trường Thẩm Quyến và Thượng Hải – ghi nhận mức sụt 7% một vài phút sau, mọi giao dịch ngưng lại trong ngày, sớm hơn 90 phút.
Chỉ số chính ở Thượng Hải lúc đó thấp hơn 6.9% trong khi các chứng khoán ở Thẩm Quyến sụt tới 8,2%.
Nguyên do: Sản xuất, Trung Đông
Các nhà phân tích quy sự sụt giá cho các số liệu cho thấy mức giảm sút liên tiếp trong 5 tháng về khối lượng sản xuất ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính leo thang ở Trung Đông.
Ông Julian Evans Pritchard, kinh tế gia của cơ quan Capital Economics ở Singapore nói với đài VOA: “Tuy vẫn còn sự yếu ớt trong sản xuất, chúng tôi cho rằng nói chung triển vọng thực ra đang sáng sủa hơn.”
Các thị trường chứng khoán trong năm 2015 nằm trong số các thị trường có thành tích tốt nhất thế giới bất kể một vụ trục trặc vào một thời điểm giữa năm gây ra thiệt hại trị giá 5 ngàn tỷ đôla.
Vụ bán tống tháo hôm nay đã xóa hết khoản lời trong năm ngoái.
Chỉ số chứng khoán Á Châu sụt giá
Hôm nay, chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong 4 năm rưỡi, khiến cho chỉ tệ này trong các giao dịch ở nước ngoài xuống sụt giá mạnh nhất kể từ khi Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8.
Chỉ số Hàng Sinh ở Hong Kong sụt 2,68% vào lúc kết thúc ngày giao dịch.
Chỉ số chính Nikkei của Nhật Bản sụt gần 600 điểm với tỷ lệ sụt giá 3.1% lúc kết thúc phiên giao dịch đầu năm. Đó là mức sụt lớn nhất từ hơn 3 tháng.
Vào lúc các phụ nữ mặc áo kimono rung chuông mở đầu năm giao dịch, Chủ tịch ban quản trị Tập đoàn Chứng khoán Nhật Bản Akira Kiyota nói, “Dứt khoát cần phải duy trì trật tự thị trường để giới đầu tư có thể bỏ tiền vào mà không lo ngại.”
Quan điểm thế giới của Thủ tướng Nhật
Trong các nhận định đầu tiên trong năm mới với các phóng viên, thủ tướng Nhật Bản nói nền kinh tế toàn cầu ngày càng bất định sẽ là một vấn đề ông sẽ nêu ra với các đồng sự trong Khối G-7.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng cho biết chính phủ ông và ngân hàng trung ương sẽ hợp tác để cải thiện thêm nền kinh tế Nhật đang hồi phục dần.
Ông nói, “Chúng tôi đã dành ưu tiên tối thượng cho nền kinh tế trong 3 năm nay. Chúng tôi vẫn còn ở giữa đường nhưng đã tạo dựng được một tình huống không còn bị coi là thiểu phát nữa.”
Đồng yen tăng lên mức cao nhất so với đồng đôla Mỹ kể từ tháng 10 trong khi đồng euro cũng sụt giá nhẹ so với chỉ tệ của Nhật Bản, được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà buôn lo lắng về mặt bất định.
Tại Seoul, chỉ số KOSPI sụt hơn 2% xuống tới mức gần thấp nhất trong 4 tháng, trong khi đồng won của Hàn Quốc sụt giá 1% so với đồng đôla Mỹ.
Trong khi giao dịch năng lượng tiếp tục ở châu Á, giá dầu tăng vọt hơn 3% trước khi mức lời bốc hơi.
Giá dầu tạm thời tăng cao có hỗ trợ cho những vấn đề liên quan đến năng lượng trong khu vực, nhất là tại Australia, nơi chỉ tệ sụt giá hơn 1% so với đồng đôla Mỹ.
Chỉ số chứng khoán trong khắp khu vực ASEAN cũng sụt nhưng không nhiều so với vùng bắc Á.
Chỉ số STI của Singapore sụt 1,68% vào lúc thị trường đóng cửa, gây thất vọng lúc khởi đầu giao dịch trong năm mới sau khi chỉ số chính của quốc gia thành phố sụt giá hơn 14% trong năm 2015.
Chính phủ Singapore hôm nay cho hay nền kinh tế đã tăng trưởng với tỷ lệ 2,1% năm ngoái, ngược với dự kiến của các chuyên gia phân tích, nhưng mức tăng trưởng toàn diện chậm nhất trong 6 năm.
Trong thông điệp Năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo, “Nền kinh tế của chúng ta đang chậm lại và trải qua thời kỳ chuyển đổi. Chúng ta không thể trông đợi một hành trình dễ dàng trước mắt. - VOA
|
|
2.
Thế giới lên án loạt tử hình ở Ả Rập Xê Út --- Iran chỉ trích Ả Rập Xê Út về việc cắt đứt bang giao
Quốc tế lên án loạt tử hình gần đây nhất và quy mô nhất trong 3 thập niên ở Ả Rập Xê Út. Các cuộc biểu tình phản đối gia tộc cầm quyền ở Ả Rập đã diễn ra tại nhiều nước Hồi giáo sau vụ tử hình 47 người, trong đó có một giáo sĩ Shia nổi tiếng. Từ lâu, các tổ chức hoạt động nhân quyền đã cảnh báo rằng những tòa án Hồi giáo ở Ả Rập Xê Út tuyên án tử hình ngay cả đối với các tội phi bạo lực, rằng các phiên tòa đều bí mật và bất công. Thông tín viên Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Người biểu tình mang những tấm ảnh của ông Sheikh Nimr al-Nimr, một người chỉ trích gia tộc hoàng gia được nhiều người biết tiếng bị kết tội kích động gây rối. Vị giáo sĩ Shia hô hào bầu cử tự do và đã bị bắt trong một cuộc biểu tình năm 2012. Cái chết của ông gây phẫn nộ những khối người Shia đông đảo ở Iran và Iraq.
Ông Fallah Al-Jazairi, thành viên trong Hội đồng Thành phố Baghdad, nói:
"Mỗi người con và mỗi người trí thức trong nhân dân Iraq lên án quyết định đưa ông Sheikh Nimr vào danh sách khủng bố."
Trong bài diễn văn truyền hình hôm qua, lãnh tụ nhóm chủ chiến Hezbollah của người Shia gốc Li-băng, ông Hassan Nasrallah, lên tiếng chỉ trích Ả Rập Xê Út trong khi khán giả hò hét khẩu ngữ ‘đả đảo hoàng gia Ả Rập.’
Thủ lĩnh Hassan Nasrallah của phe Hezbollah phát biểu:
"Việc hành quyết giáo sĩ Sheikh Nimr Al-Nimr gửi ra thế giới Ả Rập và Hồi giáo một thông điệp bằng máu, bằng gươm đao, và bằng các cuộc hành quyết rằng chế độ ở Ả Rập không dính líu tới thế giới Hồi giáo, tới Hồi giáo hay các giáo phái khác của đạo Hồi cũng như dư luận quốc tế cũng như không hề quan tâm tới những người bằng hữu đã gửi thông điệp yêu cầu và van xin chớ thực hiện vụ xử tử. Đây là một chế độ không màng tới cảm giác của hàng trăm triệu người Hồi giáo trên thế giới bị phương hại bởi hành vi đó."
Người Hồi giáo Ả Rập Xê Út phần lớn là người Sunni và luật pháp nước này dựa trên luật Sharia. Giới lãnh đạo Hồi giáo Shia đang kêu gọi quốc tế mạnh mẽ lên án các nhà lãnh đạo Ả Rập.
Giáo sĩ Mohamed Al-Bashiq nói:
"Chúng tôi kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới đứng lên mạnh mẽ chống lại sự bạo ngược của gia tộc Ả Rập và vụ tử hình giáo sĩ Nimr Baqer al-Nimr. Nếu bây giờ thế giới không lên tiếng thì đợi tới khi nào?"
Vương quốc sa mạc Ả Rập Xê Út là nơi tọa lạc các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo bao gồm Mecca và Medina vốn nằm dưới sự kiểm soát của nhà vua, điều khiến nhiều người Hồi giáo trên thế giới phẫn nộ.
Ông Allama Aijar Hussain, một thủ lĩnh Shia ở địa phương tuyên bố:
"Sau vụ tử đạo của giáo sĩ al-Nimr, chúng tôi mạnh mẽ đứng lên để phản đối và yêu cầu Ả Rập Xê Út trao lại các địa điểm linh thiêng cho các nước Hồi giáo, họ không đủ tư cách canh giữ, hãy để cho tất cả các nước Hồi giáo cùng nhau kiểm soát các thánh địa này."
Đa số những người bị tuyên án tử hình, theo cáo giác, là các chiến binh Sunni và hầu hết trong số này là công dân Ả Rập. - VOA
***
Iran chỉ trích Ả Rập Xê-út về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước và nói rằng quyết định đó làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Tại một cuộc họp báo sáng ngày 4 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari cũng cho hay các nhà ngoại giao Iran chưa rời khỏi Ả Rập Xê-út và còn đang sắp xếp việc họ trở lại Iran.
Xế ngày 3 tháng 1, cùng với quyết định cắt đứt bang giao, Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út Adel al-Jubeir đã thông báo các nhà ngoại giao phải rời khỏi nước trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Quyết định được đưa ra để đáp lại vụ người biểu tình xông vào đại sứ quán Ả Rập Xê-út bày tỏ sự phẫn nộ về vụ hành quyết giáo sĩ Shia nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr.
Ông Jubeir nói Ả Rập Xê-út với đa số dân người Sunni sẽ không để cho Iran dưới sự thống trị của người Shia gây phương hại đến an ninh của mình, hay của khu vực.
Ông Jubeir nói: “Những vụ tấn công liên tiếp vào các phái bộ ngoại giao là một sự vi phạm trắng trợn tất cả các hiệp ước quốc tế. Chúng tôi muốn khẳng định rõ là không có không gian trong cộng đồng các quốc gia cho một nước dung thứ khủng bố, ủng hộ khủng bố và tham gia khủng bố.”
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian sau đó nói rằng quyết định của Ả Rập Xê-út không thể khiến người ta bỏ qua được “lỗi lầm to lớn” của nước này trong việc hành quyết giáo sĩ Nimr, một người nổi tiếng chỉ trích hoàng gia đang trị vì Ả Rập Xê-út. Vị giáo sĩ này bị kết án năm 2014 về tội phản loạn và các tội trạng khác, và năm 2011 đã từng là một người lãnh đạo chính trong các cuộc biểu tình của người Shia ở miền đông Ả Rập Xê-út.
46 người khác cũng đã bị hành quyết ở vương quốc này hôm 2 tháng 1, châm ngòi cho sự phẫn nộ quốc tế và những lời cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoàng gia Ả Rập Xê-út.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Washington “sẽ tiếp tục hối thúc các nhà lãnh đạo trong khắp khu vực hãy tiến hành các biện pháp kiên quyết để xoa dịu căng thẳng.” Thông cáo cũng nói chính quyền Obama tin rằng “tiếp xúc ngoại giao và đối thoại trực tiếp vẫn là cấp thiết cho việc giải quyết khủng hoảng.”
Iran dọa sẽ có sự trừng phạt của đấng linh thiêng
Trước đó trong ngày 3 tháng 1, lãnh tụ tối cao Iran nói Ả Rập Xê-út sẽ đối mặt với “sự trừng phạt của đấng linh thiêng” vì vụ hành quyết giáo sĩ Nimr. Đài truyền hình nhà nước Iran trích lời Ayatollah Ali Khamenei nói rằng: “Vụ gây đổ máu một cách bất công cho vị thánh tự vì đạo bị áp bức này chắc chắn sẽ cho thấy hậu quả và các nhà chính trị Ả Rập Xê-út sẽ gánh chịu sự trừng phạt của đấng linh thiêng.”
Ông cũng nói rằng giáo sĩ Nimr “không khích lệ mọi người có hành động vũ trang hay các âm mưu bí mật, mà điều duy nhất ông làm là nói lên lời chỉ trích công khai xuất phát từ nhiệt tình tôn giáo.”
Hôm 2 tháng 1, người Iran phẫn nộ đi biểu tình đã xông vào đại sứ quán Ả Rập Xê-út ở Mashhad, đập phá đồ đạc và nổi lửa đốt đại sứ quán trước khi bị cảnh sát tống xuất.
Có ít nhất 40 người biểu tình bị bắt. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi những vụ tấn công vào các phái bộ ngoại giao là “hoàn toàn không thể biện minh được,” mặc dù ông lên án vụ Riyadh hành quyết vị giáo sĩ Shia 56 tuổi.
Đội Vệ binh Cách mạng Iran nói trong một thông cáo hôm 3 tháng 1 rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ dẫn tới sự “sụp đổ” của chế độ quân chủ Ả Rập Xê-út. Tổ chức này mô tả việc hành quyết giáo sĩ Nimr là một “hành động dã man thời trung cổ.”
Đại giáo sĩ Ayatollah Ali al-Sistani của Iraq gọi vụ hành quyết là “một sự bất công và hành vi bạo lực.”
Những lời lên án và cảnh báo lan rộng
Một giáo sĩ Shia hàng đầu ở Liban cũng cảnh báo về phản ứng đối với vụ hành quyết giáo sĩ Nimr. Sheikh Abdul-Amir Kabalan mô tả vụ hành quyết như “một tội ác ở mức độ nhân loại và sẽ gây những tiếng vang trong những ngày sắp tới.”
Các cuộc biểu tình cũng bùng ra ở Bahrain, nơi cảnh sát dùng hơi cay mắt để giải tán các đám đông. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Ấn Độ, cũng như ở đại sứ quán Ả Rập Xê-út tại London.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông “hết sức bất bình” đối với vụ hành quyết giáo sĩ Nimr và kêu gọi “bình tĩnh và tự chế trong phản ứng” trước vụ tàn sát.
Washington cảnh báo rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ chỉ làm tăng thêm xung đột giữa các phe phái tôn giáo trong vùng.
Trong một thông cáo hôm 2 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại rằng vụ hành quyết giáo sĩ Shia nổi tiếng, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị Nimr al-Nimr có nguy cơ gây trầm trọng thêm cho những căng thẳng phe phái vào thời điểm mà các căng thẳng này cấp thiết cần phải giảm thiểu.”
Iran và Ả Rập Xê-út đã đua nhau giành quyền lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran, đưa các giáo sĩ Shia theo chủ trương cứng rắn lên nắm quyền. Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Iraq đã làm tăng thêm căng thẳng tôn giáo và sắc tộc qua sự kiện dẫn tới một chính phủ do người Shia lãnh đạo ở Baghdad và một sự chuyển đổi quan trọng về thế quân bình phe phái trong khu vực.
Sau khi các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập bùng ra vào năm 2011, Ả Rập Xê-út và Iran đã bước vào một cuộc chiến đánh thuê ác liệt ở Syria, nơi hai nước ủng hộ các phe đối nghịch nhau trong vụ xung đột. Hai địch thủ này còn ủng hộ các phe phái quân sự đối nghịch nhau ở Yemen, nơi một liên minh do Ả Rập Xê-út lãnh đạo đã oanh kích các mục tiêu Shia được Iran hậu thuẫn trong 9 tháng vừa qua. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Dân quân tiếp tục chiếm trụ sở khu bảo tồn thiên nhiên ở Oregon
Hôm nay giới hữu trách Hoa Kỳ cố gắng giải quyết một vụ giằng co tại trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã Quốc gia ở tiểu bang Oregon miền tây bắc, nơi các toán dân quân chống chính phủ đã cố thủ từ hôm thứ bảy và tuyên bố sẵn sàng ở lại đó trong nhiều năm.
Dịch vụ Dã sinh và Ngư nghiệp, là cơ quan quản lý khu Dã sinh Quốc gia Malheur, nói rằng toàn bộ nhân viên của họ an toàn và địa điểm này đóng cửa cho đến khi có thông báo thêm. Cảnh sát trưởng Quận Harney Dave Ward cho hay nhiều cơ quan đang “cố gắng tìm ra giải pháp” và khuyến cáo dân chúng lánh xa.
Những người biểu tình vũ trang là thành viên của một nhóm có tổ chức lỏng lẻo, cho hay có tới 100 người theo họ. Họ được đặt dưới sự chỉ huy của Ammon Bundy, một người trong gia đình đóng vai trò chính trong vụ giằng co năm 2014 về việc gia súc được quyền ăn cỏ trên đất của liên bang.
Ông Bundy nói với các phóng viên hôm chủ nhật rằng, “Chúng tôi sẽ ở đây cho đến khi nào cần thiết. Chúng tôi không có ý định dùng vũ lực đối với bất cứ ai. Nếu vũ lực được sử dụng chống lại chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tự vệ.
Vụ chiếm đóng khu dã sinh này đi kèm theo một cuộc biểu tình lớn hơn để ủng hộ cho các chủ trại địa phương Dwight và Steven Hammond, đã bị kết án 5 năm tù vì tội nổi lửa đốt khu đất của liên bang mà họ được phép sử dụng để cho đàn gia súc ăn cỏ.
Ông Bundy nói trường hợp của họ là triệu chứng của một “vấn đề to lớn và đặc thù,” xảy ra khắp nước vì chính phủ áp đặt quá nhiều hạn chế đối với việc sử dụng đất và gây ra thiệt hại kinh tế cho các khối dân ở địa phương.
Một bảng treo trước tòa nhà của khu bị chiếm đóng lên án chính phủ là “đang làm những gì mà họ làm tốt nhất, đó là LẠM DỤNG QUYỀN THẾ.”
'Thắp sáng cả nước'
Trong vụ Hammond, hai cha con thoạt đầu đã bị tuyên những án tù ngắn hạn hơn, nhưng một tòa phúc thẩm liên bang hồi tháng 10 đã phán quyết rằng vị quan tòa đầu tiên đã sai lầm khi quên áp dụng án tù tối thiểu bắt buộc về tội đã vi phạm và nói rằng họ phải bị tuyên phạt các án tù 5 năm.
Gia đình Hammond nói họ đã đốt khu đất của họ để diệt những loại côn trùng và những ngọn lửa đã vô tình lan qua khu đất liên bang. Song các nhân chứng nói họ đã giết loài nai một cách bất hợp pháp, rồi sau đó phân phát diêm cho những người khác để đốt với mục đích ‘đốt lên để thắp sáng cả nước.’
Một thông cáo của gia đình Hammond nói hai người chỉ muốn ra trình diện và thụ các án tù. Gia đình họ nói “không có nhóm nào hay người nào yêu nước có quyền ép buộc một vụ đối đầu có vũ trang...trái với ước nguyện của họ.”
Đám dân quân chống chính phủ chiếm đóng khu dã sinh này tức giận vì tòa án đã phán quyết đưa hai cha con ông Hammond trở lại nhà tù, trừ đi thời hạn họ đã thụ án.
Sau vụ phản đối ôn hòa ở thị trấn Burns gần đó, nhóm này đã chiếm các văn phòng của khu dã sinh, lúc đó đang đóng cửa. Các hình chụp cho thấy các thành viên dân quân đưa nhiên liệu và thực phẩm vào khu dã sinh.
Quyền sở hữu liên bang đối với các vùng đất ở miền tây
Ông Bundy và cha là Cliven đã tiến hành vụ đối đầu có vũ trang cả tháng trời với nhà chức trách liên bang trong năm 2014 vì không trả khoản phí mà chính phủ nói là họ còn thiếu vì để cho đàn gia súc ăn cỏ trên đất liên bang ở Nevada. Hàng trăm người ủng hộ đã hợp lực với gia đình Bundy và cuối cùng chính phủ đã thoái bộ và quyết định trả lại đàn gia súc mà chính phủ đã tạm giữ để đòi trả lệ phí.
Quyền sở hữu đất của liên bang lâu nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhất là ở miền tây Hoa Kỳ. Theo một phúc trình của Sở Nghiên cứu Quốc hội, các cơ quan liên bang sở hữu 28% đất quốc gia, đa số ở miền tây và bang Alaska.
Với 53%, bang Oregon có tỷ lệ đất thuộc sở hữu liên bang cao hàng thứ 5 trong nước.
Bản phúc trình viện dẫn các thỏa thuận và các mô hình giải quyết đất đai trước đây vì sao liên bang lại sở hữu số đất lớn như thế ở miền tây.
Hoa Kỳ khởi đầu với các thuộc địa ở duyên hải phía đông vào những năm 1600 cho đến khi được độc lập tách khỏi Anh Quốc vào năm 1776. Mãi cho đến những năm 1800 chính phủ mới sở hữu vùng đất ở miền tây.
Khu Malheur là một trong 560 khu đất ở Hoa Kỳ mà chính phủ liên bang dành riêng để bảo vệ các chủng loài dã sinh và môi trường sống cho chúng. Khu Malheur được Tổng thống Theodore Roosevelt thành lập vào năm 1908 nhằm cung cấp nơi làm tổ cho các loài chim nước có nguy cơ tuyệt chủng mà lông của chúng được dùng làm mũ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Ấn Độ đặt trạm vệ tinh ở VN để theo dõi tình hình Biển Đông --- Philippines góp tiếng với VN phản đối TQ bay thử nghiệm ở Trường Sa
Ấn Độ đã cho thiết lập trạm vệ tinh ở Việt Nam để theo dõi các hoạt động ở Biển Đông, theo bản tin đăng trên tờ The Economic Times hôm nay.
Nguồn tin này nói rằng Ấn Độ đã đặt trạm theo dõi, tiếp nhận và xử lý dữ liệu vệ tinh tại TP HCM. Các nguồn tin chính thức cho hay Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ sớm đưa vào hoạt động trạm vệ tinh ở Việt Nam, và sẽ kết nối trạm này với trạm nghiên cứu ở Biakin, bên Indonesia.
Bản tin trên trang mạng Satnews cho biết New Delhi đã chi 23 triệu đôla cho chương trình xây dựng trạm vệ tinh ở Việt Nam.
Bản tin nói rằng cơ sở này về cơ bản sẽ giúp ISRO theo dõi các vệ tinh phóng đi từ Ấn Độ và tiếp nhận các dữ liệu từ các vệ tinh này. Ngoài Việt Nam và Indonesia, Ấn Độ còn có một trạm vệ tinh ở Brunei.
Trạm vệ tinh mới ở Việt Nam sẽ là một phương tiện có tính chiến lược của Ấn Độ, có thể giúp New Dehli đóng vai trò quan trọng hơn trong việc theo dõi các hoạt động có tính cách gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ năm 2014 tới nay, Ấn Độ đã liên tục cổ vũ cho quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong các đòi hỏi chủ quyền trên vùng biên này, và mới đây tăng tốc việc xây các đảo nhân tạo trong khu vực đang trong vòng tranh chấp với nhiều nước khác, kể cả Philippines và Việt Nam, hai nước cũng đòi chủ quyền một phần Biển Đông, và chống đối chính sách bánh trướng của Trung Quốc mạnh mẽ nhất.
Tờ Economic Times hoan nghênh viêc New Dehli đặt trạm vệ tinh mới ở Việt Nam, và nói rằng trạm vệ tinh này sẽ củng cố vai trò của Ấn Độ tại vùng Đông Nam Á, và sẽ có ích cho cả Ấn Độ lẫn cho các nước trong khu vực. - VOA
***
Chính phủ Philippines hôm nay tuyên bố rằng Manila cùng với Việt Nam chống đối việc Trung Quốc thử nghiệm phi đạo mới hoàn tất thi công trên 1 trong 7 hòn đảo mà Bắc Kinh mới xây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Hãng tin AP hôm nay dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng chính phủ Philippines đang cân nhắc việc phản đối hành động đó của Trung Quốc, như Việt Nam đã làm. Ông Jose nói thêm rằng việc Trung Quốc đáp thử máy bay trên phi đạo xây trên đảo Đá Chữ Thập đã làm tăng thêm căng thẳng và tình trạng bất định trong khu vực.
Hôm 2/1/2016, Việt Nam phản đối việc Trung Quốc bay và thử nghiệm đáp trên sân bay tại Đá Chữ Thập, nói rằng hành động đó là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời Người Phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng “Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. Hà Nội yêu cầu Trung Quốc ‘chấm dứt ngay, và không tái diễn các hành động tương tự’.
Trong cùng ngày, Hà Nội đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã xây sân bay ‘bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam’.
Trung Quốc hôm qua bác bỏ phản đối của Việt Nam và theo AP, có phần chắc cũng sẽ gạt bỏ những quan ngại của Manila.
Đài truyền hình CNN hôm nay dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói hôm thứ Bảy rằng Trung Quốc đã triển khai một ‘máy bay dân sự’ tới đảo Đá Chữ Thập, và bay thử để xem liệu sân bay mới trên hòn đảo này có đúng tiêu chuẩn của hàng không dân sự hay không.
Bà Hoa Xuân Oánh nói hành động này hoàn toàn nằm ‘trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc’.
Nhật Bản cũng bày tỏ quan tâm hôm nay, CNN dẫn lời Ngoại Trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng hành động đó ‘không đóng góp vào nỗ lực giải quyết ôn hoà vụ tranh chấp’.
Hoa Kỳ trước đó đã cảnh báo về các dự án xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển trong vòng tranh chấp, và hồi tháng 10 đã triển khai một khu trục hạm trang bị phi đạn hành trình tới gần đảo Subi để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo này. - VOA
|
|
5.
E-Mart khai trương siêu thị đầu tiên ở Việt Nam
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã khai trương siêu thị Emart đầu tiên tại quận Gò Vấp. Trang mạng Inside Retail Asia hôm nay đăng tin này nói rằng đây chỉ là bước đầu tiên trong chiến dịch phát triển hoạt động của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Bản tin cho biết siêu thị E-mart chính thức khai trương ở Gò Vấp hôm 28/12/2015, sau 4 năm khảo sát, nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đối thủ cạnh tranh của tập đoàn E-mart là Lotte Mart, đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2011, và giờ đã có tới 11 siêu thị.
Siêu thị mới của E-mart gồm hai tầng do tập đoàn bán lẻ khổng lồ Shinsegae điều hành, trị giá tới 60 triệu đôla và toạ lạc trên một khu đất rộng 3 hecta, gần phi trường.
Đây là lần đầu tiên tập đoàn E-mart của Hàn Quốc nới rộng hoạt động tại nước ngoài, từ khi xoay sang Đông Nam Á vào năm 2011, sau khi nỗ lực phát triển hoạt động sang Trung Quốc không mấy thành công.
Theo tờ Korea Herald, Tập đoàn E-mart cho biết siêu thị mới ở Gò Vấp sẽ là bàn đạp để tập đoàn này tiến vào các thị trường các nước láng giềng như Indonesia, Lào và Myanmar.
Tờ báo cho biết siêu thị mới đã được thiết kế đặc biệt cho giới tiêu thụ Việt Nam, và sẽ cung cấp những phương tiện mới cho Việt Nam. Khoảng 95% nhân viên - khoảng 300 người, là người Việt Nam, kể cả quản trị viên. Bãi đậu xe có thể chứa tới 1500 xe gắn máy và 150 xe hơi. - VOA
|
|
6.
VN đề nghị làm rõ vụ tàu cá bị đâm chìm
Sau khi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm hôm thứ Sáu 1/1, Cục kiểm ngư Việt Nam đã có công văn gửi đề nghị Trung Quốc làm rõ, báo Tuổi Trẻ trong nước đưa tin.
Trước đó, ngày 1/1, tàu cá QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch tại Đức Phổ, Quảng Ngãi bị một tàu cá vỏ thép được cho là của Trung Quốc đâm chìm.
Ngư dân trên tàu kể lại với báo chí trong nước đã bị "tàu sắt" đâm vào giữa thân tàu, và "trên tàu có ghi chữ Trung Quốc".
Tàu QNg 98459 bị đâm bể nát phần giữa và phải nhờ đến một tàu cá khác đưa vào bờ.
Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Trị nói với báo Tuổi Trẻ vị trí tàu QNg 98459 bị đâm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ông Hà Lê - cục phó Cục Kiểm ngư nói với trang tin Vnexpress: "Phía Trung Quốc nói sẽ kiểm tra và đề nghị phía Việt Nam cung cấp thêm thông tin cụ thể về số hiệu của tàu vỏ sắt gây ra vụ việc".
Báo Công An TP.HCM dẫn lời ông Hà Lê cho biết phía Trung Quốc "đang xác minh" vụ việc. - BBC
No comments:
Post a Comment