Tin Thế Giới
1.
Iran thề sẽ 'báo thù vì đạo' việc Ảrập Xêút hành quyết giáo sĩ Shia --- Hoa Kỳ cảnh báo vụ xử tử giáo sỹ Shia
Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói Ảrập Xêút sẽ bị "trời phạt" vì đã xử tử ông Sheikh Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Shia nổi tiếng đã chỉ trích hoàng gia trị vì Ảrập Xêút.
Đài truyền hình nhà nước Iran trích thuật lời giáo chủ Khamenei nói rằng "máu của người tử vì đạo bị áp bức không chính đáng này đổ ra chắc chắn sẽ nhanh chóng cho thấy ảnh hưởng và sự báo thù vì đạo lên các chính trị gia Ảrập Xêút."
Lãnh tụ tối cao Iran nói ông Nimr "không khuyến khích công chúng hành động bằng vũ khí mà cũng không bí mật âm mưu điều gì, mà điều duy nhất ông làm là chỉ trích hoàn toàn công khai xuất phát từ nhiệt thành tôn giáo của ông."
Những người biểu tình Iran phẫn nộ đã tấn công Ðại sứ quán Ảrập Xêút tại Tehran và lãnh sự quán ở Mahshad, đập nát bàn ghế và nổi lửa tại Ðại sứ quán ở thủ đô của Iran trước khi bị cảnh sát đẩy lui.
Ít nhất 40 người biểu tình bị bắt giữ. Tổng thống Iran gọi tấn công nhắm vào các phái bộ ngoại giao "là hoàn toàn không thể biện minh," mặc dù ông lên án việc Riyadh hành quyết giáo sĩ Shia, 56 tuổi.
Vệ binh Cách mạng Iran nói trong một thông báo hôm Chủ nhật rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ dẫn đến "suy vong" của vương triều Ảrập Xêút. Vệ binh Cách mạng mô tả việc hành quyết ông Nimr giống như một hành động dã man thời trung cổ.
Vụ hành quyết giáo sĩ Nimr khiến cho nhiều nước trên thế giới phẫn nộ và làm gia tăng căng thẳng ngoại giao trong khu vực. Tình hình bất ổn được dự báo sẽ nổ ra tại nhiều khu vực có đông người theo phái Shia.
Đại giáo sĩ Iraq Ayatollah Ali al-Sistani gọi vụ xử tử này "là bất công và gây hấn."
Ông Nimr nằm trong số 47 người bị xử tử hôm thứ Bảy ở Ảrập Xêút. Giáo sĩ Shia nổi tiếng này năm 2014 bị kết tội xúi giục bạo loạn cùng với những tội trạng khác và bị kết án tử hình. Ông là người thẳng thắn chỉ trích hoàng gia trị vị Ảrập Xêút và là một thủ lãnh quan trọng của các cuộc biểu tình của người Shia tại Ảrập Xêút năm 2011.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon nói ông "thực sự sửng sốt" trước việc ông Nimr và 46 người khác bị hành hình, và ông kêu gọi bình tĩnh và tự chế."
Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng việc xử tử ông Nimr sẽ tăng thêm thù hận giáo phái trong khu vực.
"Chúng tôi hết sức lo ngại rằng việc giáo sĩ Shia nổi tiếng đồng thời là một nhà hoạt động chính trị, ông Nimr, bị tử hình sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng căng thẳng giáo phái và thời điểm mà việc giảm thiểu căng thẳng đang hết sức cần thiết," người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông báo.
Iran phản ứng
Nước có đa số người Hồi giáo Shia là Iran đã nhiều lần yêu cầu Ảrập Xêút ân xá cho ông Nimr, mới đây đã có những phản ứng mạnh mẽ nhất. Tehran nói Riyadh sẽ phải trả giá đắt cho vụ xử tử này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, ông Hossein Jaber Ansari, cực lực chỉ trích Ảrập Xêút đã làm gia tăng căng thẳng giáo phái trong khu vực.
Chủ tịch quốc hội Iran nói Ảrập Xêút, đất nước xây dựng trên nền tảng của ý thức hệ Sunni cực kỳ bảo thủ, sẽ bị "rối loạn" mà không có lối thoát.
Iran đã triệu tập đại sứ Xêút ở Tehran để phản đối vụ xử tử giáo sĩ Nimr.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút Mansour Ben Turki gọi phản ứng của Iran là "vô trách nhiệm," và Riyadh cũng đã triệu tập đại sứ Iran để phản đối những phản ứng của Iran.
Một giáo sĩ Shia hàng đầu ở Libăng cảnh báo sẽ có trả thù cho vụ ông Nimr bị xử tử. Giáo sĩ Sheikh Abdul Amir Kaba lan nói: "Đây là một tội ác ở một mức độ của con người, và trong những ngày tới sẽ lãnh nhận hậu quả."
Iran và Ảrập Xêút tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng ở Iran năm 1979, sự kiện đã đưa các giáo sĩ Shia theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền lực. Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq càng thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng chủng tộc và giáo phái bằng việc đưa đến một chính phủ do những người Shia lãnh đạo tại Baghdad và một sự chuyển biến quan trọng trong cán cân thần quyền trong khu vực.
Sau các cuộc biểu tình của phong trào Mùa Xuân Ảrập nổ ra vào năm 2011, Ảrập Xêút và Iran bước vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khốc liệt tại Syria, nơi hai bên hậu thuẫn cho các bên đối nghịch nhau trong cuộc xung đột, và tại Yemen, nơi Ảrập Xêút đã oanh kích phiến quân là đồng minh của Iran kể từ tháng 3. Hai nước này cũng hậu thuẫn cho các nhóm chính trị đối lập nhau ở Libăng, Iraq và Bahrain.
Các cuộc biểu tình phản đối vụ giáo sĩ Nimr bị xử tử cũng diễn ra tại Bahrain, nơi cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông. Biểu tình cũng diễn ra tại Ấn Ðộ, và bên ngoài Ðại sứ quán Ảrập Xêút ở London.
Thêm nhiều cuộc biểu tình đang được hoạch định sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại Libăng và Tehran. - VOA
***
Hoa Kỳ nói việc Ả rập Saudi tử hình giáo sỹ Shia nổi tiếng có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm thực trạng cạnh tranh phe phái ở Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục nhà lãnh đạo các nước tại khu vực nhân đôi nỗ lực để giảm căng thẳng.
Người Iran đã tức giận và phản đối vụ xử tử này và xâm nhập đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Tehran và đốt tòa nhà.
Sheikh Nimr nằm trong số 47 người bị xử tử sau khi bị kết tội với các tội danh khủng bố, theo nội dung một tuyên bố của Bộ Nội vụ.
Sheikh Nimr là một ủng hộ viên lớn tiếng của các cuộc biểu tình chống chính phủ rộng khắp nổ ra tại Tỉnh Eastern hồi 2011, nơi cộng đồng người Shia chiếm đa số từ lâu nay nói rằng họ bị đặt ra bên lề xã hội.
Việc bắt giữ ông vào năm sau đó đã làm nổ ra nhiều ngày bạo động.
Án tử hình đối với Sheikh Nimr được xác nhận tuyên vào tháng 10/2014.
Gia đình ông nói ông bị kết tội tìm kiếm "sự can thiệp của nước ngoài" vào Ả-rập Saudi, "bât tuân" giới cai trị và cầm vũ khí chống lại các lực lượng an ninh.
Iran, quốc gia do dòng Shia dẫn dắt, đối thủ chính trong khu vực của Ả-rập Saudi do dòng Sunni nắm quyền, nói rằng Riyadh sẽ phải trả "giá đắt" cho việc xử tử Sheikh Nimr.
Trong số những người cũng bị đưa ra thi hành án tử có một số người Sunni tham gia các vụ tấn công khủng bố liên quan tới al-Qaeda hồi 2003, tin tức nói.
Trong số 47 người bị xử tử, có một người Chad và một người Ai Cập, còn lại đều là người Ả-rập Saudi.
Lo sợ về xung đột giáo phái
Các cuộc biểu tình đã nổ ra hồi đầu 2011 tại Tỉnh Eastern giàu trữ lượng dầu, trong làn sóng Mùa xuân Ả-rập.
Những người ủng hộ Sheikh Nimr nói ông chỉ cổ súy cho các cuộc biểu tình ôn hòa và tránh hoàn toàn khỏi việc đối đầu bạo lực với chính quyền.
Ông thường xuyên chỉ trích hoàng tộc Sunni ở Ả-rập Saudi.
Người anh em trai của ông, Mohammed al-Nimr, nói ông hy vọng là bất kỳ phản ứng nào đối với vụ xử tử cũng sẽ đều là những phản ứng ôn hòa.
Nhưng một dân biểu trong liên minh Shia cầm quyền tại Iraq nói rằng cái chết là nhằm "khiêu khích việc giao tranh giáo phái", trong lúc hội đồng Shia ở Lebanon gọi đây là một "sai lầm chết người", hãng tin Reuters tường thuật.
Giới chức Ả-rập Saudi bác bỏ việc có tình trạng phân biệt đối xử đối với người Shia và đổ lỗi cho Iran là đã khuấy động bất ổn.
Hồi năm ngoái, Ả-rập Saudi đã thực hiện hơn 150 vụ xử tử, là con số cao nhất mà các nhóm nhân quyền ghi nhận được trong suốt 20 năm qua. - BBC
|
|
2.
Thị trưởng Mexico bị ám sát sau khi nhậm chức mới một ngày
Thị trưởng của một thành phố ở Mexico nhậm chức ngày thứ Sáu, sang đến thứ Bảy thì bị ám sát. Bà Gisela Mota bị những kẻ vũ trang bắn chết tại tư gia ở Temixco.
Ủy viên an ninh của bang Morelos, ông Jesus Alberto Capella, nói hai hung thủ đã bị bắn chết và 3 nghi can khác bị cảnh sát và quân đội bắt giữ.
Đảng Cách mạng Dân chủ cánh tả của bà Mota nói trong một thông báo rằng bà Mota là "một phụ nữ can đảm và mạnh mẽ, người nhậm chức thị trưởng hôm qua, đã tuyên bố rằng bà sẽ đối mặt trực tiếp với kẻ thù trong cuộc chiến chống tội phạm của bà."
Tổng thư ký thành phố, ông Carlos Caltenco nói chính quyền thành phố tin là một số người nào đó bị đe dọa trong phát biểu nhậm chức của bà Mota.
Thị trấn Temixco nằm cách thủ đô của Mexico khoảng 100 kilômét về phía nam và giáp với Cuernavaca, một khu nghỉ mát từng xảy ra những vụ bắt cóc và tống tiền liên quan đến tội phạm có tổ chức. - VOA
|
|
3.
Hoạt động công nghiệp Trung Quốc giảm trong 5 tháng liền
Báo cáo kinh tế đầu tiên được Bắc Kinh công bố trong năm 2016 cho thấy, ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất kể từ năm 2009. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ và tăng cường ngân sách nhà nước để hỗ trợ khu vực sản xuất.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc được công bố ngày 01/01/2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12/2015 đạt gần 49,7 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ba năm qua. Tuy nhiên, chỉ số này có tăng được 0,1 điểm so với kết quả hồi tháng 11/2015.
Như vậy là trong tháng thứ 5 liên tiếp, các hoạt động trong khu vực công nghiệp tại "công xưởng của thế giới" tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay. Chỉ số PMI đạt dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là hoạt động trong ngành liên quan bị sa sút.
Đáng lo ngại hơn cả là ngành công nghiệp Trung Quốc dù yếu kém, nhưng vẫn còn cầm cự được ở mức dưới 50 điểm nói trên, chủ yếu là nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ và các biện pháp bơm tiền vào khu vực kinh tế của Ngân hàng Trung ương.
Ngược lại, hoạt động trong khu vực dịch vụ lại tăng mạnh trong tháng 12/2015, đạt 54,4 điểm. Đây là thành tích ngoạn mục nhất kể từ tháng 8/2014.
Bản tin của hãng thông tấn Mỹ Blommberg nhắc lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% cho cả năm 2016. Theo nhiều nhà quan sát, trong năm nay, Bắc Kinh tiếp tục áp dụng các biện pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư, để đạt được mục tiêu 7 % như đã đề ra. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama trở về Washington, tập trung vào kiểm soát súng --- Washington chuẩn bị đối mặt với cuộc chiến mới về kiểm soát súng
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trở lại thủ đô Washington hôm Chủ nhật sau kỳ nghỉ và sắp sửa áp dụng những biện pháp kiểm soát mới nhắm vào hoạt động mua bán súng ống.
Tổng thống Obama, phu nhân Michelle và hai cô con gái rời bang Hawaii ở Thái Bình Dương chiều tối thứ Bảy sau kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh tại nơi sinh của ông.
Ông Obama đang bước vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống và sẽ mãn nhiệm vào tháng 1 năm 2017 sau tám năm ở Tòa Bạch Ốc.
Ông dự định họp với Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch vào thứ Hai để thảo luận về sắc lệnh hành pháp sắp ban hành để mở rộng việc điều tra lý lịch những người mua súng, một phản ứng đối phó với hàng loạt vụ xả súng đẫm máu trên khắp nước Mỹ trong mấy năm qua, mà gần đây là vụ thảm sát hồi tháng trước ở San Bernardino, bang California làm 14 người thiệt mạng.
Tổng thống Obama dự trù sẽ tham gia một buổi hỏi đáp được truyền hình trực tiếp trên đài CNN vào ngày thứ Năm, vài ngày trước khi ông đọc bài Diễn văn về Tình trạng Liên bang tại Quốc hội vào ngày 12 tháng 1.
Giống như các vị tổng thống tiền nhiệm, Ông Obama được trông đợi sẽ tập trung những nỗ lực lớn trong năm cuối của nhiềm kỳ tổng thống cho các vấn đề đối ngoại.
Các ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của ông bao gồm việc thuyết phục Quốc hội thông qua hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương với 12 nước tham gia, gọi tắt là TPP, và có thể là một chuyến đi thăm Cuba.
Tổng thống Obama đạt được một đột phá ngoại giao hồi năm ngoái bằng việc tái lập quan hệ bình thường với Cuba, chấm dứt nửa thế kỷ thù địch kiểu Chiến tranh Lạnh với đảo quốc cộng sản ở Caribean này. - VOA
***
Một cuộc chiến về vấn đề kiểm soát súng đang dần lộ diện khi năm mới bắt đầu trên chính trường ở Washington.
Tổng thống Barack Obama có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp nhắm mục tiêu giảm thiểu bạo lực súng ống vào sớm nhất là thứ Hai này, khơi lên một cuộc chiến với những nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội và những ứng cử viên tổng thống Cộng hòa đang vận động tranh cử.
"Hàng chục ngàn người Mỹ đồng hương của chúng ta đã bị tàn sát bởi bạo lực súng ống. Hàng chục ngàn người," ông Obama nói trong diễn văn hàng tuần hôm thứ Bảy. "Mỗi lần như vậy, chúng ta đều nghe nói rằng những cải tổ hợp lẽ thường như kiểm tra lý lịch có thể đã không ngăn được vụ thảm sát gần đây nhất, hoặc vụ trước đó, vì thế chúng ta không nên làm bất cứ điều gì cả."
"Chúng ta biết là không thể ngăn chặn được mọi hành vi bạo lực. Nhưng nếu chúng ta cố gắng ngăn chặn thậm chí chỉ một thì sao? Nếu Quốc hội làm bất cứ điều gì đó để bảo vệ con em của chúng ta khỏi bạo lực súng ống thì sao?" Tổng thống nói thêm.
Mấy tháng trước vụ tàn sát lấy ý tưởng từ khủng bố ở thành phố San Bernardino, bang California và vụ xả súng tại một trường đại học cộng đồng ở bang Oregon, Tòa Bạch Ốc đã bắt đầu nghiên cứu những hành động mà Tổng thống có thể thực hiện để giảm thiểu bạo lực súng ống. Những bước này dự kiến sẽ được hoàn tất tại một cuộc họp hôm thứ Hai giữa ông Obama và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch.
Tấn công nhắm vào quyền sở hữu súng
Phe Cộng hòa đang lên án điều mà họ xem là một cuộc tấn công nhắm vào quyền hiến định của người Mỹ là được mang súng.
"Chúng ta sẽ cứu lấy Tu chính án thứ Hai. Có một cuộc tấn công lớn nhắm vào Tu chính án thứ Hai," ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết cuối ngày thứ Bảy tại một buổi vận động ở thành phố Biloxi, bang Mississippi.
Ông Trump lập luận rằng người dân được mang súng lẽ ra đã có thể tự vệ chống lại những kẻ khủng bố ở San Bernardino và ở Pháp.
"Quý vị biết họ [những kẻ khủng bố] đã làm ở Paris không? Đi qua đây. 'Bùm. Đi qua đây.' Bùm. Đi qua đây. 'Bùm. Họ [nạn nhân] là những con vịt đứng yên," ông Trump vừa nói vừa dùng ngón tay làm khẩu súng chĩa vào đám đông.
Phe Dân chủ phần đông chấp nhận việc kiểm soát súng.
"Người dân Mỹ đã kinh hoàng vì hàng loạt những vụ xả súng mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy năm gần đây," ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Bernie Sanders phát biểu trong chương trình This Week của Đài ABC.
"Chúng ta nên mở rộng và củng cố việc kiểm tra lí lịch ngay tức thì để những người không nên có súng, tội phạm và những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không được sở hữu súng. Tôi nghĩ rằng đó điều mà Tổng thống đang cố gắng làm," ông Sanders nói thêm.
Chắc chắn sắc lệnh hành chính của ông Obama sẽ vấp phải những thách thức pháp lý. Hành động của Tổng thống qua mặt Quốc hội về nhập cư, một vấn đề gai góc khác, đã gây ra những cuộc chiến tòa án mà có thể tiếp diễn đến hết khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông Obama. - VOA
|
|
5.
Ông Trump giảm nhẹ chuyện xuất hiện trên video chiêu mộ khủng bố
Ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump gạt đi chuyện ông xuất hiện trong một video chiêu mộ khủng bố do nhóm chủ chiến Al-Shabab ở Somalia làm.
Trong video được phổ biến hôm thứ Sáu này có hình ảnh của ông Trump xuất hiện tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở bang South Carolina ở miền nam hồi tháng trước, phát biểu kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cấm người Hồi giáo vào Mỹ.
Ông Trump đưa ra lời kêu gọi này tiếp theo sau vụ tấn công đẫm máu tại một cơ sở của chính quyền tiểu bang ở thị trấn San Bernardino, bang California, do một đôi vợ chồng Hồi giáo thực hiện, mà các nhà điều tra sau đó nói là các hung thủ bị "cực đoan hóa."
Trong một cuộc phỏng vấn được đài truyền hình CBS phát sóng hôm Chủ nhật trong chương trình "Face the Nation", ông Trump bảo vệ những phát biểu của ông. Ông nói với người dẫn chương trình John Dickerson rằng "tôi nói ra điều tôi cần phải nói," và Al-Shabab đã sử dụng những người khác trong video của họ.
Ứng cử viên tổng thống bên Ðảng Dân chủ, bà Hillary Clinton hồi tháng trước nói nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo "phổ biến các video của ông Donald Trump xúc phạm người Hồi giáo để chiêu mộ thêm các phần tử thánh chiến cực đoan."
Nhóm Al-Shabab không có liên kết với Nhà nước Hồi giáo.
Ông Trump không đề cập đến video chiêu mộ của nhóm Al-Shabab trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử tối thứ Bảy ở Biloxi, bang Mississippi, nhưng ông nói việc Nhà nước Hồi giáo nổi lên là do lỗi của bà Clinton và Tổng thống Barack Obama. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam về thử nghiệm sân bay ở Trường Sa
Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam về việc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay mà Bắc Kinh đã xây dựng trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối như trên ngay sau khi Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập hôm qua, 02/01/2016.
Theo ông Lê Hải Bình, hành động của Trung Quốc "đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002". Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự".
Theo báo chí Việt Nam, cũng trong ngày hôm qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam "đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc".
Thế nhưng, hôm qua 02/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã bác bỏ lời phản đối của phía Việt Nam. Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc đã sử dụng một máy bay dân dụng bay thử nghiệm tại sân bay trên Đá Chữ Thập (mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Thử tiêu) "nhằm xác định xem sân bay này có phù hợp tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không".
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động này "hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc", nhắc lại rằng Bắc Kinh "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển xung quanh".
Về phía Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về vụ bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập, cho rằng Trung Quốc "đã làm căng thẳng thêm trầm trọng". Trong một bản thông cáo đưa ra hôm qua 02/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông "tích cực làm giảm căng thẳng bằng cách tránh những hành động đơn phương có thể gây tổn hại an ninh khu vực".
Cũng về Biển Đông, theo hãng tin AFP hôm nay, các quan chức Việt Nam cho biết họ đã yêu cầu Bắc Kinh điều tra về vụ một tàu được cho là của Trung Quốc đánh chìm một tàu cá của Việt Nam hôm thứ sáu vừa qua tại khu vực cách đảo Cồn Cảo, tỉnh Quảng Trị, khoảng 60 hải lý. Khoảng 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá khác cứu kịp thời. - RFI
No comments:
Post a Comment