Wednesday, January 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 20/1

Tin Thế Giới

1.
Các lãnh đạo mới ở Châu Á đối mặt nhiều thách thức trong năm 2016

Các chuyên gia cho rằng những nhà lãnh đạo mới của các nước ở Châu Á, như Việt Nam, Đài Loan và Philippines, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và an ninh trong năm 2016. Thông tín viên đài VOA Liên Hoàng tường thuật từ Sài Gòn.

Tuần này, những người cộng sản ở Việt Nam và Lào sẽ chọn các nhà lãnh đạo để điều hành đất nước trong 5 năm tới. Tại Đài Loan, việc cử tri bầu ra vị nữ tổng thống đầu tiên đã khiến Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo là mối hy vọng độc lập của Đài Loan là “ảo tưởng.” Tại Philippines, hết ứng cử viên này tới ứng cử viên khác bị tố cáo là không hội đủ điều kiện để dự tranh trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Nói một cách khác, năm 2016 có thể là một năm có nhiều sóng gió cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Và điều này không phải chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị bầu cử. Các nhà lãnh đạo mới sẽ phải lèo lái đất nước vượt qua nhiều cơn sóng gió, từ kinh tế tăng trưởng chậm lại ở nhiều nước cho tới những liên minh an ninh mỗi ngày một phức tạp hơn.

Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Sài Gòn về mối quan hệ Việt-Mỹ, ông Evan Medeiros, giám đốc Tập đoàn Âu Á, nói “những mảng kiến tạo của kinh tế khu vực, chính trị khu vực, và an ninh khu vực sẽ thay đổi một cách đáng kể và lâu dài trong năm 2016.”

Ông cho rằng các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương sẽ phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Thời kỳ GDP tăng trưởng với tốc độ chóng mặt đã không còn nữa. Và trong vấn đề này, Trung Quốc vừa là một triệu chứng vừa là nguyên nhân. Tình trạng suy thoái toàn cầu làm giảm đi số khách hàng của hàng hoá do Trung Quốc sản xuất và điều đó khiến cho Trung Quốc phải giảm bớt số lượng nguyên vật liệu nhập khẩu, như quặng sắt của Australia và tha đá của Indonesia. Những yếu tố khác, như tình trạng nợ nần mỗi lúc một nhiều và một vụ bong bóng nhà đất, cũng làm cho tình hình bất ổn gia tăng, với sự tuột dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những tháng vừa qua và hôm thứ ba chính phủ ở Bắc Kinh loan báo tăng trưởng GDP xuống tới mức thấp nhất trong vòng 25 năm.

Các nền kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ cực thấp

Không phải mọi người đều đồng ý với ông Medeiros là Châu Á cần có những đầu máy tăng trưởng mới. Trong những năm gần đây, khi kinh tế toàn cầu bị trì trệ, phong trào “tăng trưởng zero” đã phục sinh. Những người ủng hộ phong trào cho rằng các nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng mãi mãi, mà phải ổn định đủ để mang lại một cuộc sống có phẩm chất và lâu bền cho đa số dân chúng.

Ông Seongwon Park, một nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Nam Triều Tiên, cho biết trên trang blog của ông hôm chủ nhật vừa qua rằng một cuộc khảo sát cho thấy hầu hết dân chúng ở Nam Triều Tiên muốn có một tương lai được gọi là “khử tăng trưởng.”

Một số người xem Nhật Bản là một tấm gương của một nền kinh tế ở trong tình trạng ổn định.

Kinh tế gia Ed Dolan nói “Tuy không có tăng trưởng, Nhật Bản dường như có thể xử lý tốt hơn nhiều vấn đề cấp thiết của cuộc sống, kể cả vấn đề chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ, an toàn công cộng, và an ninh cá  nhân, so với nền kinh tế của Mỹ, là nước giàu hơn và tăng trưởng nhanh hơn.”

Đầu tư cho sức cạnh tranh

Tuy nhiên, hầu hết các nước láng giềng ở Châu Á không giàu có như Nhật Bản hay Nam Triều Tiên. Để phát triển nền kinh tế của mình, nhiều nước ở vùng này, từ Campuchia cho tới Miến Điện, đang đầu tư vào các dự án xây dựng đường sá và hải cảng, giáo dục và huấn luyện, và những hoạt động nhằm nâng cấp sức sản xuất dựa trên kỹ thuật.

Bà Joycelyn Trần, Giám đốc cao cấp ở Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing, cho biết bà muốn những nước như Việt Nam nhận được sự chuyển giao kiến thức và công nghệ để trở thành những nước cung ứng hàng hoá cho Walmart. Bà nói rằng Việt Nam cần làm nhiều việc để đào tạo những người tài giỏi, từ việc mở thêm các lớp dạy tiếng Anh cho tới việc dạy nghề để cho công nhân biết cách sử dụng máy móc.

“Điều mà chúng tôi hy vọng đạt được là nâng các nhà sản xuất và các nhà cung ứng tới các tiêu chuẩn có thể làm cho Việt Nam có sức cạnh tranh cao,” bà Trần cho biết như vậy tại cuộc hội thảo ở Sài Gòn. Bà nói thêm rằng “Có một sự cạnh tranh quốc tế. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải sánh vai với những sản phẩm của Nhật Bản hoặc của Mỹ hoặc của bất kỳ quốc gia nào khác.”

Những tác động về mặt an ninh

Các nhà phân tích cho rằng sự thịnh vượng có được trong thời gian gần đây đã tạo ra những tác động về an ninh. Nó cho phép các chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho máy bay, tàu bè và vũ khí. Trong khía cạnh đó, các nước có lẽ được hưởng lợi từ hai xu thế rất khác nhau: một mặt, nền kinh tế bị trì chậm của Trung Quốc có nghĩa là ảnh hưởng, mà nước này dựa vào tiền bạc để có được, có thể sẽ giảm đi; mặt khác, quân đội của các nước láng giềng đang tìm cách tăng cường quan hệ với nhau để tìm cách ứng phó với Trung Quốc.

Ông Medeiros cho rằng “Sự tính toán về các mối quan hệ an ninh ở Châu Á đang nhanh chóng vượt khỏi mô hình ‘trung tâm-nan hoa’ truyền thống,” trong đó Hoa Kỳ nằm ở giữa và kết nối với Australia, Nhật Bản, Philippines, Nam Triều Tiên và Thái Lan.

Ông nói “Đó là cách thức ứng phó của thế kỷ 20 về động lực an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương.”

Ông Medeiros dự đoán là những mối quan hệ hợp tác quân sự đa dạng hơn sẽ xuất hiện, với những sự nối kết khác nhau, như Việt Nam với Ấn Độ hoặc Nhật Bản với Australia. Ông cho rằng dù thế nào đi nữa thì năm 2016 vẫn là một năm có nhiều thách thức đối với Châu Á. - VOA
|
|

2.
Trường đại học ở Pakistan bị tấn công, ít nhất 21 người thiệt mạng

Một vụ xả súng và nổ bom tại một trường đại học ở Tây Bắc Pakistan hôm nay cướp đi sinh mạng của ít nhất 21 người và làm bị thương hàng chục người khác, theo nguồn tin từ các giới chức và bệnh viện.

Giới hữu trách cho hay một nhóm 4 ‘tay khủng bố’ tấn công Đại học Bacha Khan thuộc thị trấn Charsadda vào khoảng 9 giờ sáng và nổ súng vào các sinh viên và giảng viên.

Sinh viên và nhân viên trong trường đại học nói với phóng viên đài VOA tại hiện trường rằng một số nạn nhân tử vong và bị thương trúng cả đạn lẫn các vết dao đâm.

Phó Tổng thanh tra cảnh sát khu vực, Saeed Wazir Khan, cho biết trong số những kẻ tấn công có ít nhất 2 người đánh bom tự sát.

Phát ngôn nhân cho phe Taliban tại Pakistan, Mohammad Khorasani, tuyên bố nhóm này không liên quan tới vụ tấn công vừa kể và nói thêm rằng các định chế phi quân sự không nằm trong danh sách mục tiêu của họ.

Trong thông cáo gửi tới đài VOA, ông Khorasani nói vụ tấn công hôm nay đi ngược lại với ‘luật Hồi giáo Sharia’.

Trước đó, một thủ lĩnh địa phương của Taliban tuyên bố đã phái 4 kẻ tấn công tới đại học Bacha Khan. Chưa có lý giải về hai tuyên bố mâu thuẫn này của Taliban. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thượng viện Mỹ sắp bỏ phiếu về người tị nạn --- Tòa án tối cao xem xét kế hoạch nhập cư của Tổng thống Obama

Thượng viện Mỹ dự kiến mở cuộc biểu quyết trắc nghiệm trong ngày hôm nay để xem có nên giới hạn nghiêm ngặt trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria và Iraq vì quan ngại rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo và các phần tử khủng bố khác có thể trà trộn trong số hàng triệu người di tản khỏi tình trạng bạo động và đẫm máu kinh hoàng trên quê hương họ.

Hạ viện Mỹ cuối năm ngoái đã thông qua dự luật này với sự ủng hộ của cả hai đảng giữa bối cảnh thế giới  bị rúng động bởi các cuộc tấn công ở Paris lấy cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo. Dự luật đòi hỏi FBI, Bộ An ninh Nội địa, và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia xác minh rằng những người tị nạn không hề đề ra bất kỳ mối đe dọa nào  trước khi họ được chấp thuận quy chế tị nạn tại Mỹ.

Lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, nhấn mạnh ‘Rõ ràng nhiều người dân Mỹ đang tỏ ra quan ngại về khả năng chính quyền có thể sàng lọc hàng ngàn người từ Syria và Iraq. Người dân Mỹ xứng đáng có được có một tiến trình sàng lọc mà họ tin tưởng.’

Ông nói thêm rằng ‘Các biện pháp loại trừ những phần tử thân ISIS có thể giúp đảm bảo rằng những người tị nạn chính đáng vào nước Mỹ không bị kỳ thị bất công. Người dân Mỹ quan ngại và họ trông chờ chúng ta lãnh đạo công tác này với sự an toàn và lòng trắc ẩn.’

Tòa Bạch Ốc cho rằng dự luật này là không cần thiết vì người tị nạn đã phải trải qua một tiến trình sàng lọc kỹ lưỡng kéo dài tới 2 năm. Tòa Bạch Ốc lập luận rằng dự luật vừa kể có thể mang lại hiệu quả ngược, làm ảnh hưởng tới hình ảnh nước Mỹ trên thế giới và tạo ra công cụ tuyên truyền cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tháng 12 vừa qua, Quốc hội tu chính chương trình miễn visa của Mỹ, bắt buộc kiểm tra kỹ lưỡng những người nước ngoài đã tới Syria hoặc Iraq trong 5 năm gần đây nhất. Những người đề nghị biện pháp này cho rằng các phần tử khủng bố có phần chắc sẽ lợi dụng chương trình miễn visa của Mỹ hơn là phải chờ đợi tới 2 năm để được qua Mỹ theo diện tị nạn. 

Dự luật xác định nhân thân người tị nạn mà ông McConnell nêu lên cần có được 3/5 ủng hộ để được mang ra tranh luận và có phần chắc sẽ không đạt được 60 phiếu cần có.

Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Obama loan báo Mỹ sẽ nhận 10 ngàn người tị nạn Syria, số này chỉ là một phần nhỏ so với số đã tới Đức và những nước khác. - VOA

***
Tòa án Tối cao Mỹ hôm Thứ Ba quyết định sẽ phân xử một vụ kiện đối với kế hoạch của Tổng thống Obama nhằm trì hoãn việc trục xuất hơn 4 triệu người nhập cư không có giấy tờ và cho phép họ làm việc hợp pháp ở Mỹ. Sắc lệnh hành chính của ông Obama có mục đích ngăn chặn việc trục xuất cha mẹ của những trẻ em hoặc thường trú nhân được sinh ra ở Mỹ. Theo tường thuật của thông tin viên Carolyn Presutti của đài VOA, phán quyết của tòa về vụ này sẽ có các tác động sâu rộng.

Một đoạn nhạc được một nhóm người tranh đấu cho quyền lợi của di dân hát lên tại một cuộc biểu tình mới đây. Lời nhạc tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là:

“Mảnh đất này được tạo ra cho bạn và cho tôi”. Những người này nói những lời đó chỉ đúng nếu Tòa án Tối cao bảo vệ sắc lệnh hành chính của Tổng thống Obama.

Các thẩm phán sẽ phán quyết liệu Tổng thống Obama có thẩm quyền che chở cho hơn 4 triệu người nhập cư không giấy tờ khỏi bị trục xuất và cho họ tự do làm việc hay không. Các tòa án cấp dưới đã ra phán quyết chống lại sắc lệnh của tổng thống Obama và chính quyền của ông kháng cáo lên tòa án cao nhất nước.

Bé Kevin, hiện 3 tuổi, đã sinh ra ở đây và là người hợp pháp. Mẹ cháu, Brenda Barrios, thì không.

Bà Brenda Barrios, người Guatemala, nói: “Tôi là con người. Tôi có quyền có mặt ở đây”.

Nhưng khía cạnh con người không phải là điều mà tòa án phân xử. Vấn đề ở đây là tổng thống có vi hiến hay không?

Ông Mark Krikorian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư nói là có:

“Đây thực ra là tổng thống hoạch định chính sách mới bằng cách cấp giấy phép làm việc và số an sinh xã hội cũng như bằng lái xe cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp. Và đó là một sự thay đổi về chính sách mà chỉ có Quốc hội mới có quyền đưa ra”.

Tòa Bạch Ốc không đồng ý.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest phát biểu: “Dựa trên suy xét thông thường và thông qua việc tham khảo những sự việc trong các nhiệm kỳ tổng thổng trước đây, chúng tôi cảm thấy tự tin là đã có tiền lệ rõ ràng”.

Trong khi đó, tại Trung tâm Nguồn lực và Tư pháp Latin, CARECEN, các nhân viên đang giải thích vụ kiện cho thân chủ của họ và chuẩn bị giấy tờ để chứng minh họ có thể ở lại Mỹ. Giám đốc Điều hành Abel Nunez nói chỉ những người nhập cư đã được xem xét kỹ mới đủ điều kiện.

Ông Abel Nunez cho hay: “Họ phải bảo đảm rằng họ không phạm tội hình sự vì họ sẽ bị FBI kiểm tra. Họ phải bảo đảm là họ khai thuế và tuân thủ mọi quy định của pháp luật Mỹ”

Ngay cả trong trường hợp các thẩm phám ra phán quyết bảo vệ sắc lệnh hành chính, chiến thắng này có thể vẫn mang tính tạm thời. Tân tổng thống được bầu tháng 11 hoặc bất cứ tổng thống nào trong tương lai đều có thể đưa ra quyết định ngược lại.

Các ứng viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa tuyên bố họ sẽ hủy chương trình này nếu họ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11. - VOA
|
|

4.
Lãnh đạo có hàng triệu fan trên Facebook

Một nghiên cứu của giới quản trị truyền thông nói các lãnh đạo chính trị dùng Facebook ngày càng nhiều để bày tỏ ‘góc rất con người của họ’.

Đây là cách các doanh nghiệp phải học của giới chính khách trong cách kết nối với công chúng, theo công ty Burson-Marsteller chuyên về truyền thông và quan hệ công chúng.

Nghiên cứu của công ty này cho hay ông Barack Obama là lãnh đạo quốc tế có nhiều người theo dõi trên Facebook nhất: số fan của tổng thống Hoa Kỳ là 46 triệu.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi về nhì với con số 31 triệu fan trên trang cá nhân.

Trang chính thức từ văn phòng thủ tướng Ấn Độ của ông Modi cũng có 10,1 triệu người bấm nút ‘like’.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Indonesia Joko Widodo và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nằm trong số top 5 sau hai lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ.

Ông Joko Widodo, còn gọi là Jokowi, là lãnh đạo Đông Nam Á duy nhất có 6 triệu fan, đa số là người dân quốc gia dùng Facebook nhiều.

Nhiều chính phủ cũng nỗ lực đăng tải tin tức trên Facebook để gửi thông điệp đến công dân của họ nhanh chóng.

Theo công ty Burson-Marsteller, trang của Văn phòng Tổng thống CH Dominican đăng 27 bài một ngày trong năm 2015, còn các trang của chính phủ Botswana và Philippines cũng đăng trung bình 20 lượt một ngày.

Giao lưu với công chúng

Tại châu Á, Facebook ngày càng phổ biến trong giới cầm quyền.

Dùng Facebook là cách để họ 'trình bày góc độ con người' của mình, gồm cả các sinh hoạt riêng, các chuyến đi, hình ảnh gia đình.

Các lãnh đạo khu vực Đông Nam Á như tổng thống Noynoy Aquino (Philippines), thủ tướng Najib Razak (Malaysia), bà Aung San Suu Kyi (Myanmar) và thủ tướng Hun Sen (Campuchia) đều có mỗi người trên 1 triệu fan.

Tuy công ty Burson-Marsteller không nêu ra nhưng báo chí Việt Nam hồi tháng 10/2015 cho hay chính phủ nước này cũng đẩy mạng việc dùng Facebook bằng cách lập ra trang "Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet.

Tính đến ngày 20/1/2016 trang này mới chỉ có trên 62 nghìn người yêu thích (likes).

Cũng ngay sau khi chính phủ Việt Nam có trang Facebook, nhà báo John Boudreau viết trên trang Bloomberg (22/10/2015) rằng:

"Sau một thời gian chặn Facebook, nay chính phủ Việt Nam đã quyết định đón nhận công cụ trên Internet của chủ nghĩa tư bản" để vươn tay với những người dùng thông hiểu và dùng mạng xã hội để thu nhận tin tức, tham gia thảo luận."

Theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt, một trang khác có tên là 'Nguyễn Tấn Dũng - Politician' gồm cả đường dẫn vào trang thủ tướng chính phủ Việt Nam, hiện có trên 635 nghìn fan.

Tuy nhiên, trang này không có dấu chứng nhận (certified) của Facebook nên không thể biết đây là trang riêng của ông Nguyễn Tấn Dũng trang công việc hay là do ai đó khác lập ra.

Những năm qua, cũng có không ít trang Facebook mang tên một số lãnh đạo, tướng lĩnh Việt Nam nhưng chủ yếu được dùng vào việc đăng các đơn thư tố cáo lẫn nhau. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hà Nội và Bắc Kinh lại đấu khẩu về giàn khoan HD-981

 Đúng vào lúc mở ra Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam, tranh cãi lại bùng lên giữa Hà Nội và Bắc Kinh về giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Bắc Kinh hôm nay, 20/01/2016 đã lên tiếng xác định rằng giàn khoan này hiện đang hoạt động trong vùng biển « hoàn toàn của Trung Quốc », thẳng thừng bác bỏ lời phản đối được Hà Nội công bố hôm qua, đòi Trung Quốc dời ngay giàn khoan này ra khỏi « vùng biển đang tranh chấp » giữa hai nước ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định nguyên văn như sau : « Theo như chúng tội được biết, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đang hoạt động tại vùng biển hoàn toàn dưới quyền kiểm soát không thể tranh cãi của Trung Quốc ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng Việt Nam nên tổ thiện chí, « xem xét vấn đề một cách bình tĩnh, để cùng nhau nỗ lực xử lý một cách thỏa đáng các vấn đề trên biển có liên quan. »

Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra một hôm sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu này vào thăm dò tại một vùng biển sát Việt Nam. Trong một bản tuyên bố chính thức công bố hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã yêu cầu Bắc Kinh cho rút ngay giàn khoan ra khỏi một khu vực đang tranh chấp giữa hai bên ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Tuyên bố của Việt Nam xác định rõ địa điểm cắm giàn khoan HD-981 là « cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam – Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía đông », một « khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc… chưa được hai bên phân định. » Do vậy, bộ Ngoại Giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc «không tiến hành hoạt động khoan, và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực » nói trên.

Ông Lê Hải Bình còn cho biết thêm là ngay vào hôm 18/01, tức là hai hôm sau khi có thông tin về vị trí mới của giàn khoan HD-981, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chính thức gởi lời phản đối hành động của Trung Quốc đến đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Tranh cãi về vị trí của giàn khoan HD-981 vào lúc này như vậy tập trung trên điểm Việt Nam cho là Trung Quốc đã khoan dò trái phép trên một vùng chồng lấn giữa thềm lục địa hai bên mà ranh giới chưa được phân định rõ ràng. Bắc Kinh ngược lại khẳng định đó là vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, Cục An Toàn Hàng Hải của Trung Quốc vào hôm nay cho biết là giàn khoan HD-981 sẽ thăm dò tại một khu vực cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, nhưng chỉ cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam khoảng 87 hải lý về phía nam, và quần đảo Hoàng Sa 93 hải lý về phía Tây.

Vị trí này có thay đổi so với tháng trước, khi phía Trung Quốc loan báo là giàn khoan sẽ hoạt động ở môt vùng cách đảo Hải Nam đến 106 hải lý về phía đông nam, và cách Hoàng Sa 44 hải lý về phía Tây. Giàn khoan này sẽ hoạt động ở vị trí kể trên cho đến ngày 10/03/2016, và như thông lệ, Bắc Kinh ra lệnh cấm tàu thuyền không phân sự, tiến vào bên trong vùng 2000 mét quanh giàn khoan này.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam luôn theo dõi nhất cử nhất động của giàn khoan HD-981 sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan này cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã làm cho quan hệ hai nước xấu đi đáng kể.

Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam sắp mở ra, Việt Nam đã liên tiếp đưa ra những lời phản đối các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước vụ giàn khoan HD-981 là những lời phản đối Bắc Kinh cho phi cơ đáp xuống Đá Chữ Thập tại Trường Sa. - RFI
|
|

6.
Yếu Tố Quan Sát Đại Hội 12 CSVN

Đại Hội 12 đã bắt đầu, mọi chuyện đã an bài, các việc còn lại chỉ là trình diễn, ngụ ý của bài báo trên Người Lao Động và các báo lề phải khác đã cho ta thấy. Các đại biểu chỉ làm chuyện yesable-man vì ghế và sự an toàn bản thân là trên hết, họp trong điều kiện có 5,200 an ninh vũ lực canh gác bên ngoài và an ninh chìm bên trong cú rọ.

"Đáng chú ý, Quy chế bầu cử và Quy chế làm việc đã được thông qua. Quy chế bầu cử được thông qua nhanh vì đã được các Hội nghị trung ương 13, 14 thông qua... Đến Đại hội XII, tuyệt đại đa số đại biểu đồng ý, có sửa thì chỉ sửa câu chữ và Bộ Chính trị đã tiếp thu." Có nghĩa là chỉ có một phương án cho tứ trụ, phương án ông Trọng ở lại một năm để cho Quang kiêm luôn CTN và TBT sau này.

Có thể nói phe công an (ông Quang) quá mạnh và được hà hơi tiếp sức bởi phe đảng quyền (ông Trọng).

Yếu tố quan sát là ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Dũng. Nếu Nghị trụ lại được tức là ông Dũng thua có thoả thuận. Còn nếu Nghị không trụ lại được tức là ông Dũng thua trắng tay và phe cánh ông không có tương lai.

Nếu ông Dũng thua trắng tay thì ông Tô Lâm sẽ không nắm Bộ Công An và ông Võ Văn Thưởng sẽ không nắm Bí Thư TP HCM.

Đúng như câu thơ Nguyễn Duy "Phe nào thắng thì nhân dân đều bại".

Chế độ cộng sản công an trị đang được cũng cố để chờ ngày sụp đổ, do bởi các tác động từ bên ngoài chứ không phải do cải cách chính trị từ bên trong bên trên. - Basam
|
|

7.
Tưởng niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa – Khác biệt ở hai đầu đất nước

Ngày 19 tháng 1 năm 2016 vừa qua, người dân Việt Nam ở Sài Gòn, Vũng Tàu và Hà Nội cùng tổ chức buổi tưởng niệm 42 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa, ghi nhớ công ơn của 75 Tử sĩ đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển đảo. Rất nhiều khó khăn đã xảy ra trong buổi lễ ở Sài Gòn, cũng như chuyến đi tưởng niệm ở Vũng Tàu của 1 số tổ chức xã hội dân sự. Ngược lại, tại tượng đài Tượng Đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm Hà Nội, buổi lễ đã diễn ra thành công, không gặp sự ngăn cản từ chính quyền.

Không bị ngăn chặn ở Hà Nội

Sáng ngày 19 tháng Giêng năm 2016, dưới chân Tượng Đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm Hà Nội, tiếng ca ai oán của bài Chiêu Hồn Tử Sĩ vang lên, buổi tưởng niệm 75 tử sĩ Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm với gần 200 người. Đặc biệt, không có sự quấy rối, ngăn cản của chính quyền địa phương như đã xảy ra ở Sài Gòn:

“Đây là một trong những bước tiến lớn trong chuyện trân trọng lòng thành của người dân đối với các chiến sĩ bảo vệ vùng đảo trong chuyện đụng chạm với Trung Cộng.”

Đó là ghi nhận của Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người từ Sài Gòn bay ra Hà Nội để tham dự buổi lễ. Ông cho biết một hình ảnh rất khác biệt với buổi tưởng niệm ở Sài Gòn sáng hôm đó, là không có sự quậy phá của dư luận viên và những người giả danh côn đồ như những năm trước:

“Trước đó nhiều năm, những người dân ở Hà Nội đã tổ chức lễ này, và lễ này đã bị quậy phá bằg cách sử dụng côn đồ, dư luận viên, bọn giả danh công nhân, giựt vòng hoa, biểu ngữ…Riêng lần này, rất ngạc nhiên là buổi lễ đã được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông của người dân, mạng xã  hội. Và những người được cho là quan trọng, có tác động đến phong trào thì không được ngăn chặn, được tự do đến buổi lễ này. Ban đầu thì có khoảng 100 người, sau đó gần đến 200 người tham dự một buổi lễ trang nghiêm, đầy tình cảm.”

Điều đặc biệt được ông Huỳnh Ngọc Chênh nhấn mạnh, đó là trong buổi lễ này, các nhân viên an ninh xuất hiện không nhiều, và tất cả những người họ đều tỏ ra thành khẩn khi buổi tưởng niệm diễn ra.

Khi đề cập đến những khó khăn của buổi tưởng niệm đã diễn ra ở Sài Gòn, ông Hùynh Ngọc Chênh cho biết “tình hình đã diễn biến theo chiều hướng hơi khó hiểu.”

Theo lời kể lại của ông:

“Những năm trước, tôi có tham gia một số những lần tưởng niệm ngày 19 tháng 1, ngày 17 tháng 2 và những ngày liên quan đến chiến sĩ Việt Nam chiến đấu chống lại bọn ngoại xâm Trung Cộng. Chính quyền Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đã không ngăn chặn, để cho chúng tôi tổ chức đàng hoàng, không quấy phá như những gì diễn ra ở Hà Nội những năm trước. Trước đó, một số người dân ở Sài Gòn và Vũng tàu đã tổ chức 1 buổi tưởng niệm và cũng bị ngăn chặn, quậy phá. Không hiểu vì sao tình hình diễn biến hơi khó hiểu.” 

Tuy nhiên, ông cũng có những nhận định của riêng mình về “diễn biến khó hiểu” này:

“Có lẽ là do ông chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới lên, ông ấy muốn ghi dấu ấn gì đó? Hoặc cũng có thể là do chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng, người ta muốn ghi ấn tượng gì đó nên người ta chỉ đạo phải tôn trọng tình cảm của người dân với các tử sĩ Hoàng Sa. Và cái đó cũng phù hợp với tình hình là càng ngày Ban Tuyên huấn của Trung ương Đảng cũng chỉ đạo báo chí mở rộng và tự do nói về cuộc chiến. Chứ trước đây vài năm thì Ban Tuyên huấn đó cũng chỉ đạo không được nói gì đến Trường Sa Hoàng Sa, không được viết bài. Bây giờ thì có những cái cởi mở chung. Nhưng rất khó hiểu là khi Hà Nội đã cởi mở như vậy thì Sài Gòn làm ngược lại, bóp chặt lại, đàn áp, ngăn chặn những tri thức, những thân hào dân sĩ. Có những diễn biến ngược lại ở hai đầu đất nước mà không biết cái chỉ đạo là như thế nào.”

Ông Huỳnh Ngọc Chênh còn nói thêm về những ý kiến khác từ dư luận, đó là có thể có “hai phe”, một là chỉ đạo cởi mở, và một kia là chỉ đạo thắt chặt, cấm đoán, được đưa ra và áp dụng cho hai đầu đất nước.

Nhưng rất khó khăn ở Sài Gòn...

Ngược lại, cùng ngày, ở Sài Gòn, CLB Lê Hiếu Đằng và 1 số tổ chức xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa 9 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, 2016 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, Q1. Từ sớm, con đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng đã có rất nhiều lực lượng cảnh sát 113 và cảnh sát giao thông canh giữ. Rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ bị canh giữ và không đến được buổi lễ. Một trong những người đó là ông Trần Bang, thuộc CLB Lê Hiếu Đằng. Ông cho biết:

“Rất nhiều người bị canh giữ từ tối 18 và sáng 19. Tôi cũng bị canh giữ. 

Những người bị canh giữ trong CLB Lê Hiếu Đằng, gồm ông Phạm Đắc Lữ, Hạ Đình Nguyên, nhà báo Sương Quỳnh, tôi là Trần Văn Bang cũng bị canh. Một số người nữa chưa nắm được thông tin. Những người khác như Việt Quân, Minh Hạnh thì bị canh suốt từ ngày 26 đến nay. Hoàng Vy cũng bị canh. Tóm lại là rất nhiều người bị canh giữ không đến được buổi tưởng niệm tử sĩ VNCH từ trần trong trận chiến Hoàng Sa chống lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc.”

Buổi lể tưởng niệm vào lúc 9 giờ sáng tại Sài Gòn cũng được diễn ra. Tuy nhiên, khi những người có thể “vượt rào” để đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để tổ chức buổi lễ thì bị bắt ngay, như nhà đấu tranh Hoàng Dũng (Con đường Việt Nam) và Đinh Nhật Uy đến từ Long An và Huỳnh Trần Phát, 17 tuổi.

Tại thời điểm trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do thì Đinh Nhật Uy bị chuyển từ Bến Nghé về Long An. Hoàng Dũng và Huỳnh Trần Phát đã được thả về sau khi bị đánh.

Và cũng theo lời ông Trần Bang cho biết, tổ chức xã hội dân sự No-U Sài Gòn và Vũng Tàu cùng nhiều nhà tri thức, nhà đấu tranh dân chủ khác đã dự kiến trước sẽ bị canh giữ trong ngày kỷ niệm 42 năm trận chiến Hoàng Sa ở Sài Gòn nên đã tổ chức chuyến đi Vũng Tàu vào ngày Chủ Nhật, 17 tháng Giêng. Tuy nhiên, chuyến đi cũng gặp nhiều khó khăn. Ông nói:

“Tưởng niệm Vũng Tàu cũng không phải là dễ dàng. Khi qua cầu Cỏ May thì có xe công an ép vào và chặn ngay đầu xe. Họ kiểm soát và chụp hình danh sách người đi trên xe. Sau đó, họ đeo bám từ đấy. Khi chúng tôi đến vòng xoay Tổ quốc ghi công, công an dừng xe, lập biên bản, và bắt giữ xe. Rất khó khăn, không đi được nên chúng tôi phải tổ chức và dâng hoa ngay tại đấy. Sau đó, khi chúng tôi xuống thì dân phòng, những người mặc áo thường dân lên giật vòng hoa, nhưng vì số lượng chúng tôi đông nên chúng tôi bảo vệ được vòng hoa và tiếp tục làm lễ thắp nhang. Nhưng khi chúng tôi ra khỏi đấy thì người ta cũng cướp mất vòng hoa.” 

Rồi sẽ có 43 năm, 44 năm… và nhiều nữa về cuộc Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 năm đó. Khúc hát Chiêu hồn Tử sĩ sẽ tiếp tục vang lên, vì theo lời của những người tham gia trong buổi lễ tưởng niệm đã cho biết, họ sẽ không để cho lịch sử và các thế hệ ngày sau quên đi công ơn và nghĩa tử của những người đã nằm xuống vì biển đảo của Tổ Quốc. - RFA

No comments:

Post a Comment