Thursday, April 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/4

*****

NGÀY Tháng Tư Đen Năm Thứ 40
TƯỞNG NIỆM Những Người Đã Hy Sinh Để Bảo Vệ Tự Do
TRI ÂN Những Người Đấu Tranh Để Thực Hiện Ước Mơ Còn Dang Dở

*****

Tin Thế Giới

1.
Ông Kim Jong Un hủy chuyến thăm Nga

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã hủy chuyến công du dự kiến tới Moscow để tham dự Ngày Chiến thắng ở Nga.

Điện Kremlin mới thông báo tin này. Phát ngôn viên Dmitry Peskov hôm nay cho biết rằng “ông ấy quyết định ở lại Bình Nhưỡng”.

Người phát ngôn này nói đã nhận được thông tin trên qua “các kênh ngoại giao”.

Theo ông Peskov, chuyến thăm bị hủy bỏ vì “các vấn đề nội bộ Bắc Triều Tiên”.

Chuyến đi tới Nga được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Bắc Hàn kể từ khi lên kế nhiệm thân phụ.

Nga đã mời các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có ông Kim, tới Moscow ngày 9/5, để tham dự buổi lễ đánh dấu 70 năm chiến thắng của Nga trước phát xít Đức trong Thế Chiến II.

Cho tới ngày hôm nay, Nga vẫn nói với ban tiếng Triều Tiên của VOA rằng nước này đang chuẩn bị “hậu cần” cho chuyến thăm của ông Kim.

Thông báo về việc hủy chuyến đi được đưa ra một ngày sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp của nước này rằng ông Kim sẽ tới Nga.

Chưa có thông tin về việc ông Kim đã tới thăm một quốc gia nào hoặc gặp một nguyên thủ nào kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011 sau khi cha ông là Kim Jong Il qua đời.

Tổng thống Hàn Quốc được mời tham dự buổi lễ ở Moscow nhưng đã từ chối tham gia. Đại sứ Mỹ ở Nga sẽ đại diện cho Hoa Kỳ. - VOA
|
|

2.
Quốc vương Ả Rập Saudi chỉ định Hoàng Thái tử kế vị

Hôm thứ Tư, Quốc vương Ả Rập Saudi, Salman bin Abdulaziz, cải tổ một số chức vụ cao cấp trong đó có việc chỉ định cháu trai của ông là Hoàng tử Mohammed bin Nayef làm thái tử. Ông Nayef là Bộ trưởng Nội vụ đầy quyền lực.

Hoàng thái tử mới thay thế người em cùng cha khác mẹ với nhà vua là hoàng tử Muqrin bin Abdulaziz, vừa mới được chỉ định làm hoàng thái tử kế vị ngôi vua vào tháng 1 năm nay khi Vua Salman đăng quang và sau khi Vua Abdullah băng hà.

Trong một động thái khác, tất cả được loan báo bằng một sắc chỉ trên truyền thông nhà nước, nhà vua bổ nhiệm bộ trưởng ngoại giao mới là Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ Adel al-Jubeir lên thay thế nhà ngoại giao kỳ cựu Saud al-Faisal.

Con vua là Hoàng tử Mohammed bin Salman được chỉ định làm phó thái tử.

Đây là sự thay đổi lớn trong giới lãnh đạo cấp cao: thay hoàng thái tử mới và cho về vườn vị ngoại trưởng lâu năm nhất. Sự thay đối có vẻ nhằm hướng tới việc nâng cao vị thế cho thế hệ trẻ lãnh đạo, trong một chính phủ đã bị lão hoá.

Ông Nayef đã nổi lên như một nhân vật chính trị chủ chốt của Saudi trong vai trò đàn áp các nhóm khủng bố trong nước, đặc biệt là al Qaeda, và được coi là một tiếng nói có ảnh hưởng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Saudi.

Phó thái tử Mohammed bin Salman, con trai của vua Salman, là bộ trưởng quốc phòng và đang chỉ đạo chiến dịch không kích của Saudi Arabia chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.

Vua Salman cất chức Bộ trưởng Saud al-Faisal, người giữ chức này từ năm 1975, thay vào là đại sứ Saudi Arabia ở Washington, Adel al-Jubeir. - VOA, FP
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
FED giữ mức lãi suất ổn định giữa lúc tăng trưởng kinh tế chậm lại

Ngân hàng trung ương của Mỹ cho biết tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những tháng vừa qua là do thời tiết mùa đông lạnh bất thường và xuất khẩu kém đã gây tác động tiêu cực.

Trong một thông cáo về chính sách, Fed nói rằng các quan chức hàng đầu của Fed đã bỏ phiếu để giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức thấp kỷ lục, ở nguyên mức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.

Các quan chức của Fed viết rằng giữ lãi suất thấp sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng "vừa phải." Họ nói các quan chức sẽ theo dõi thêm những cải thiện nữa trong thị trường việc làm và lạm phát cao hơn một chút trước khi tăng lãi suất.

Kinh tế gia cao cấp Gus Faucher của Ngân hàng PNC cho biết một số vấn đề kinh tế gần đây mang tính tạm thời và nền kinh tế sẽ "khá hơn đến hết năm 2015." Trong một cuộc phỏng vấn qua Skype, ông nói việc này sẽ làm cho Fed cảm thấy "thoải mái" khi tăng lãi suất ngắn hạn vào một lúc nào đó trong năm nay.

Trong cuộc suy thoái vừa qua, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng không với hy vọng thúc đẩy hồi phục kinh tế. Khi lãi suất thấp kỷ lục không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Fed đã phát triển những công cụ mà trước đó chưa từng được sử dụng trong nền kinh tế Mỹ bằng cách thực thi một số chương trình mua trái phiếu quy mô lớn để đẩy lãi suất xuống.

Tám năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức 10 phần trăm trong giai đoạn suy thoái kinh tế vào năm 2009 xuống còn 5,5 phần trăm. Thị trường chứng khoán thu hồi được những thất thoát và vẫn đang đạt được những mức cao kỷ lục mới.

Lạm phát vẫn ở dưới mức 2 phần trăm, là mức mà các chuyên gia của Fed nói là lành mạnh cho nền kinh tế. - VOA
|
|

4.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ra tranh cử tổng thống Mỹ

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bernie Sanders từ tiểu bang Vermont nói ông sẽ ra tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Ông Sanders, 73 tuổi, thông báo quyết định này trong các cuộc phỏng vấn với hãng tin AP và tờ USA Today. Ông sẽ thông báo thêm chi tiết trong cuộc họp báo hôm nay.

Vị thượng nghị sĩ độc lập tự coi mình là người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng lại là một phần của nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ kể từ khi ông được bầu lên năm 2006.

Cùng với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren từ tiểu bang Massachusetts, ông Sanders trở thành một ứng viên được ưa thích của phe tả khuynh đang lên trong đảng Dân chủ, vì các quan điểm đối với những vấn đề như xóa bỏ sự bất bình đẳng về thu nhập, củng cố chương trình An sinh Xã hội, áp đặt các luật lệ nghiêm khắc hơn đối với thị trường tài chính Mỹ cũng như sự phản đối các thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, mà chính quyền của Tổng thống Obama hiện đang thương thảo.

Giới quan sát nhận định rằng ông Sanders vẫn còn tụt lại xa so với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng viên tổng thống duy nhất của phe Dân chủ cho tới nay, nhưng quyết định của ông có thể buộc bà Clinton phải có những quan điểm tương tự như ông Sanders. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh --- Công an sách nhiễu nhà báo Phạm Chí Dũng

Hôm nay, 30/04/2015, tại Sài Gòn, Việt Nam tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm đúng 40 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, mà đối với Hà Nội là ngày "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Ngày 30/04/1975, những chiếc xe tăng của quân Bắc Việt đã húc sập cổng Dinh Độc Lập, phủ tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đánh dấu chiến thắng của miền Bắc lên miền Nam, chấm dứt một cuộc chiến mà đã khiến hàng triệu người chết ở cả hai miền, trong đó có nhiều thường dân, cũng như đã khiến 58.000 quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Hôm nay, tại quảng trường trước Dinh Độc Lập, một cuộc mít tinh đã được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính phủ Việt Nam.

Trong bài diễn văn tại cuộc mít tinh, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lên án "Đế quốc Mỹ" đã gây ra "biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta". Ông Dũng cũng cho rằng, chính "lòng yêu nước nồng nàn", và sự lãnh đạo "tài tình, sáng tạo" của Đảng đã làm nên thắng lợi của cuộc "kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Sau đó, nhiều đơn vị quân đội, các đoàn thể đã tham gia cuộc diễu binh và diễu hành qua khán đài danh dự.

Theo hãng tin AFP, không có đại diện nào của Hoa Kỳ đến dự lễ kỷ niệm hôm nay, nhưng đại sứ Mỹ sẽ dự một buổi lễ tổ chức tại tòa Tổng lãnh sự tại Sài Gòn với một số cựu chiến binh Mỹ.

Cũng theo nhận định của AFP, các chiến thắng quân sự trong quá khứ vẫn thường được chính quyền hiện nay sử dụng để tạo tính chính đáng cho độc quyền lãnh đạo của Đảng.

Nhưng theo lời một giáo sư khoa chính trị tại đại học Oregon, cái nhìn của người dân Việt Nam nay đã thay đổi, tức là trước đây nhiều người vẫn xem đây là một chiến tranh "giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước", nhưng nay ngày càng có nhiều người nhìn nhận đây là một cuộc nội chiến. Trong bối cảnh này, dân Việt Nam ngày càng thờ ơ, thậm chí không đồng tình với những màn trình diễn nhằm hô hào lòng yêu nước.

Trong khi đó, Tổ chức Phóng viên Không biên giới ra thông cáo cho biết, hôm nay, 30/04/2015, công an đã bao vây nơi ở của nhà báo Phạm Chí Dũng và đã thô bạo ngăn chặn ông ra khỏi nhà.

Phóng viên Không biên giới - RSF - đã truyển tải ngay lời kêu cứu của nhà báo Phạm Chí Dũng, người được tổ chức này tặng danh hiệu Anh hùng thông tin và yêu cầu công an Việt Nam chấm dứt mọi hành động sách nhiễu ông và gia đình.

Trả lời RFI qua điện thoại, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:

Nhà báo Phạm Chí Dũng: "Lực lượng họ lên tới sáu, bảy người. Có những khuôn mặt quen thuộc, có những khuôn mặt không quen, có lẽ chủ yếu họ là ở cấp phòng thuộc Công an TP Hồ Chí Minh. Họ vây xung quanh nhà tôi. 

Và sau đó họ còn tiến thêm một bước là dùng máy điện thoại để chụp hình, và quay phim gia đình tôi. Cho đến lúc đó, tôi thấy việc này quá đáng rồi. Không biết điều luật nào cho phép công an tự nhiên đi ghi hình những người khác như vậy. 

Tôi đã phải phản ứng với họ, và tôi nói thẳng là tôi sẽ làm văn thư để tôi phản ứng ra quốc tế về vấn đề này. Sau đó họ mới bỏ ra ngoài, nhưng vẫn bao quanh. 

Theo tôi biết, còn có một số người khác, những người như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hòa thượng Thích Không Tánh, hay bà Dương Thị Tân, và khá nhiều người khác, cũng bị tình trạng theo dõi thường xuyên, và có lẽ chắc chắn cũng nằm trong tình trạng bị ngăn chặn thường xuyên vào đúng dịp mà Việt Nam coi là ‘‘đại lễ’’ như thế này. 

Vào ngày này, đặc biệt vào dịp 40 năm kỷ niệm, được coi là ‘‘ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’’, công tác an ninh ở Việt Nam nói chung, và ở Sài Gòn nói riêng, được đặt lên cao, có thể nói là hàng đầu. Nhưng tôi không nghĩ là họ có thể ấu trĩ, nông cạn tới mức đi ngăn chặn một cách thô bạo và ngu ngốc đến thế. 

Tất cả những gì mà nhà nước đang - có lẽ phải dùng cái từ - ‘‘lải nhải’’ (về) cái chuyện hòa hợp, hòa giải trở thành vô nghĩa. Vô nghĩa ngay trong lòng dân tộc, và tất cả chỉ nằm ở trong những câu từ hết sức sáo rỗng, không có một cái gì thực chất".

Theo RSF, vừa qua, ông Phạm Chí Dũng đã có thư gửi Bí thư Thành Ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải và Giám đốc Sở công an Nguyễn Chí Thanh, tố cáo là từ nhiều tháng qua, ông đã bị sách nhiễu liên tục và mất quyền tự do đi lại.

Với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, được thành lập năm ngoái và được RSF ủng hộ, ông Phạm Chí Dũng đã nỗ lực thúc đẩy quyền tự do thông tin và thường xuyên tố cáo đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát báo chí.

Năm 2014, chính quyền đã ngăn cản, tịch thu hộ chiếu, không cho ông sang Geneve Thụy Sĩ để tham dự một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Ông Benjamin Ismail, phụ trách Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu công an Việt Nam chấm dứt ngay các thủ đoạn dọa nạt hoàn toàn bất hợp pháp. Chúng tôi cũng đề nghị cộng đồng quốc tế lên án chính sách của chính quyền (Việt Nam) và xem xét các trừng phạt kinh tế cá nhân đối với những người chịu trách nhiệm bên trong đảng Cộng sản, về hành động trấn áp này".

Quyền tự do thông tin tại Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục tồi tệ hơn. Trong bảng xếp hạng của RSF về quyền tự do báo chí, được công bố ngày 12/02/2015, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia được xem xét. - RFI
|
|

6.
Thượng nghị sĩ Canada lên án Việt Nam 'chối cãi sự thật' lịch sử 30/4

Một Thượng nghị sĩ Canada mạnh mẽ lên án chính phủ Việt Nam ‘nói dóc’, ‘chối cãi sự thật’ về lịch sử ngày 30/4/1975.

Phát biểu của nhà lập pháp gốc Việt Ngô Thanh Hải, tác giả đạo luật ‘Hành trình tới tự do,’ trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ hôm nay là phản hồi chính thức đối với chỉ trích của Hà Nội về việc Canada thông qua luật này hôm 23/4.

Luật được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc quy định trên cả nước Canada, hằng năm, ngày 30/4 sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’, một ngày lễ tưởng niệm nhưng không phải là ngày nghỉ lễ chính thức.

Hà Nội đã triệu đại sứ Canada đến để phản đối. Việt Nam nói đạo luật ‘Hành trình tới tự do’ ‘xuyên tạc lịch sử’, ‘khiêu khích chia rẽ đoàn kết dân tộc’ và rằng thông qua luật này là ‘bước lùi nghiêm trọng trong quan hệ hai nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada.’

TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi nhấn mạnh ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản Việt Nam đã không tôn trọng Hiệp định Paris, cưỡng chiếm miền Nam. Mục tiêu thứ hai, luật nói sau 30/4/75 có hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi vì cộng sản đã vi phạm nhân quyền. Thứ ba, luật này để tưởng nhớ 250 ngàn người Việt thiệt mạng trên biển cả trong cuộc di cư đó. Thứ tư, luật công nhận chính phủ và nhân dân Canada đã đón tiếp những người Việt tị nạn.

VOA: Ngay sau khi Canada thông qua luật này, Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối nói rằng luật ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Là tác giả luật này, phản hồi của ông ra sao:

TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật của tôi không liên quan đến ngoại giao Việt-Canada, không dính líu tới bang giao hai nước, không liên quan gì đến chính phủ Việt Nam.

VOA: Việt Nam nói luật này làm tổn thương tình cảm người dân Canada vì ‘Canada trước đây từng ủng hộ người dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược,’ thưa ông?

TNS Ngô Thanh Hải: Như vậy họ càng sai hơn nữa vì Canada đã tham gia vào cuộc chiến Việt Nam với các hoạt động giám sát quốc tế để hỗ trợ mục tiêu thiết lập hòa bình và chấm dứt chiến tranh bằng cách hỗ trợ việc thi hành Hiệp định Paris 1973 mà chính cộng sản Việt Nam đã vi phạm. Thứ hai, sau khi nhân dân Canada chấp nhận 60.000 người mà sau này lên tới khoảng 300.000 người Việt tị nạn, Cao ủy Liên hiệp quốc đã trao Giải thưởng Nansen cho dân Canada năm 1986. Giải thưởng này tương đương Nobel hòa bình về vấn đề người tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc. Chính phủ Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự thật, luôn luôn chối cãi bởi vì không muốn thế giới biết đến những sự vi phạm, giết chóc của họ đối với nhân dân Việt Nam.

VOA: Ông nói luật không ảnh hưởng bang giao song phương, nhưng Việt Nam cho rằng luật này đi ngược lại quan hệ chính trị-kinh tế-xã hội đang phát triển của hai nước, viện dẫn lý do luật công nhận 30/4 là ngày quốc lễ của Canada.

TNS Ngô Thanh Hải: Đạo luật này quy định 30/4 là một ngày lễ của quốc gia Canada tưởng niệm cuộc di cư của người Việt tị nạn cộng sản được đón nhận vào Canada. Nói nó liên quan đến vấn đề chính trị, bang giao tôi cho đó là sai.

VOA: Việt Nam nói luật này ‘xuyên tạc lịch sử’ vì ‘lịch sử đã chứng minh đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà cộng đồng quốc tế trong đó có Canada ủng hộ.’ Quan điểm của ông ra sao?

TNS Ngô Thanh Hải: Vậy Việt Nam không công nhận 30/4 là ngày họ chiếm  miền Nam à? Quân đội miền Nam cộng hòa có ra ngoài Bắc đánh không? Chính quân đội miền Bắc xuống xâm chiếm miền Nam mà. Họ không công nhận là họ vi phạm Hiệp định Paris 1973 họ đã ký à? Những điều cộng sản nói ra là nói dóc, chối cãi sự thật.

VOA: Cũng có ý kiến cho rằng luật này mang tính khiêu khích chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc giữa người Việt với nhau vì giữa lúc vết thương chưa lành mà gợi nhớ lại những đau thường càng khơi dậy hận thù quá khứ, không giúp ích cho công cuộc hòa giải dân tộc sau chiến tranh. Ý kiến thượng nghị sĩ Hải thế nào?

TNS Ngô Thanh Hải: Cộng sản Việt Nam nói hòa giải dân tộc, xin hãy hòa giải với người dân trong nước trước vì chính họ là nạn nhân của cộng sản Việt Nam. Ở hải ngoại, chúng tôi đâu cần hòa giải với cộng sản Việt Nam. Hòa giải thì cộng sản Việt Nam phải làm việc đó trước vì người dân trong nước đã bị họ kèm kẹp và vi phạm tất cả những nhân quyền. Sau khi có thể chế tự do dân chủ rồi, mới nói tới cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Và phải chấp nhận sự thật trước rồi mới tính tới, chứ tối ngày cứ nói láo thì cộng sản Việt Nam sẽ không đi tới đâu cả.

VOA: Nhưng làm thế nào để chữa lành vết thương cũ khi không chịu rời bỏ hận thù quá khứ?

TNS Ngô Thanh Hải: Muốn bỏ hận thù quá khứ, chính cộng sản phải làm trước: thả hết tù chính trị, tự do tôn giáo, tự do sở hữu, tự do-dân chủ-nhân quyền..v..v..

VOA: Vậy theo ông, việc hòa giải hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của phía cộng sản?

TNS Ngô Thanh Hải: Đúng. Người dân viết một bản nhạc chống Trung Quốc thì họ bắt bỏ tù. Đó là chuyện không thể chấp nhận ở một nước tự do dân chủ, không bao giờ có chuyện đó. Tại sao họ lại làm vậy với nhân dân trong nước? Họ nói một đường làm một nẻo.

VOA: Có ý kiến cho rằng để xích lại gần nhau cần thiện chí đôi bên, rằng bên kia cũng cần quên quá khứ để hướng tới tương lai vì không thể hòa giải với những người chỉ biết đặt điều kiện để mưu cầu lợi ích cho một nhóm hận thù cộng sản dai dẳng mà thôi. Xin ghi nhận quan điểm của ông?

TNS Ngô Thanh Hải: Hòa giải trước, giải tất cả những cái sai cộng sản Việt Nam đã làm. Sau khi hòa giải trong nước rồi, nhân dân trong nước chấp nhận cộng sản Việt Nam đã thay đổi bằng một chính phủ tự do dân chủ nhân quyền, lúc đó cộng đồng Việt hải ngoại cũng sẽ chấp nhận hoặc chấp thuận. Cộng đồng người Việt hải ngoại có xây dựng đất nước hay không, chỉ khi nào chính phủ cộng sản Việt Nam thay đổi. Họ phải bỏ điều 4 Hiến pháp, họ phải có thể chế tự do dân chủ thì cộng đồng Việt Nam hải ngoại lúc đó mới có thể nói chuyện với họ được.

VOA: Phản ứng của hành pháp-lập pháp Canada về việc Hà Nội triệu đại sứ Canada phản đối đạo luật này ra sao, thưa ông?

TNS Ngô Thanh Hải: Đây là xứ tự do: hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng rẽ độc lập. Thành ra, bên đây nếu Quốc hội đã thông qua một đạo luật thì chính phủ cũng  phải chấp nhận. Không phải theo kiểu của cộng sản Việt Nam.

VOA: Luật này được thông qua giữa lúc đánh dấu 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông có chia sẻ gì thêm?

TNS Ngô Thanh Hải: Luật pháp Canada đã công nhận ngày 30/4 là ngày miền Nam bị cộng sản chiếm khiến hơn 2 triệu người đã bỏ nước ra đi. Lời dẫn nhập đạo luật của tôi vẫn còn chữ ‘Tháng tư đen.’ Luật giúp các thế hệ sau hiểu rằng sở dĩ họ được sống trong xứ tự do dân chủ như ở đây là vì cha mẹ họ đã bỏ nước ra đi khỏi gọng cùm của cộng sản Việt Nam để tới một nước tự do-dân chủ.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. - VOA


Wednesday, April 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/4

Tin Thế Giới

1.
Khu vực gần tâm chấn ở Nepal nhận cứu trợ; tử vong lên tới 5.000 người

Liên Hiệp Quốc cho biết bắt đầu cung ứng thức ăn, thuốc men vào hôm thứ Tư ở khu vực gần tâm chấn của trận động đất xảy ra hôm thứ bảy ở Nepal, nơi có con số người thiệt mạng lên đến 5.000.

Đã có các nỗ lực của Chương Trình Lương Thực Thế Giới xung quanh khu vực Gorkha trong khi các giới chức Nepal cam kết hôm thứ 4 rằng họ sẽ cải thiện hơn thông qua sự ứng phó của chính phủ đối với những người cần lương thực, nước uống và nơi ở.

Trong khi đó, các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ tiếp tực thu dọn trong đống đổ nát từ trận động đất 7.8 độ Richter. Tối khuya hôm thứ ba, một nhóm cứu hộ của Pháp đã cứu được một người đàn ông ra từ ngôi nhà bị sập ở thủ đô Kathmandu nơi ông ta bị kẹt trong hơn 80 giờ đồng hồ.

Theo thông tín viên Steve Herman của VOA ghi nhận từ Nepal, những đội cứu hộ nước ngoài đầu tiên với những thiết bị hiện đại đã đến thị trấn Sankhu, phía bắc của Kathmandu, hôm thứ 4, nhưng một thành viên của nhóm cứu trợ Trung Quốc cho thông tín viên của VOA biết rằng khó mà tìm được ai đó còn sống sau một thời gian dài từ lúc động đất.

Thông tín viên Herman cho biết những cư dân ở Sankhu nhận được lương thực và nước uống nhưng họ nói với anh rằng họ ước gì sự giúp đỡ này đến sớm hơn.

“Chúng tôi đã hỏi một đại tá cảnh sát lực lượng có vũ trang câu hỏi này và ông ta trả lời rằng ông ấy hoàn toàn thông cảm với sự thất vọng của người dân ở đây rằng họ đã không thấy bất cứ một ai từ chính phủ tới và họ đã không nhận được lương thực và đồ cứu trợ từ sớm hơn. Nhưng ông ta nói rằng chính phủ Nepal với những nguồn lực rất hạn chế trong lúc này đã làm hết sức để giúp mọi người ở đây.”

LHQ ước tính rằng trận động đất đã ảnh hưởng tới 8 triệu người – hơn ¼ dân số của đất nước này – với 1,4 triệu người đang cần lương thực. Trận động đất này đã làm cho ít nhất 10.000 người bị thương.

Người đứng đầu về công tác cứu trợ của LHQ, bà Valerie Amos, dự kiến sẽ tới Nepal hôm thứ Năm này để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ.

Với nhiều người thất vọng bởi cái mà họ nói là sự ứng phó chậm trễ của chính phủ, hàng nghìn người đã tụ tập ở Kathmandu hôm thứ 4 để đáp các xe buýt rời thành phố tới các gia đình thân nhân của họ ở những khu vực ngoại ô.

Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã cam kết qua một phát biểu trên truyền hình hôm thứ 3 sẽ xây dựng lại những kiến trúc có tầm quan trọng về lịch sử, tôn giáo và khảo cổ bị hư hại và tuyên bố 3 ngày quốc tang cho những nạn nhân của trận động đất.

Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế đã lập một trang web cho những bạn bè và gia đình để thông báo những người thân bị mất tích, hoặc tìm kiếm những người đã ghi danh. - VOA
|
|

2.
Phúc trình: Tự do báo chí toàn cầu ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm

Năm 2014, tự do báo chí toàn cầu xuống đến mức thấp nhất trong hơn một thập niên, theo phúc trình được một tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế công bố ngày hôm nay 29/4.

Cuộc thăm dò hàng năm của Freedom House cho biết các nhà báo trên toàn thế giới gặp phải những hạn chế do nhiều thế lực áp đặt, bao gồm những chính phủ chuyên chế, các phần tử khủng bố và các chủ nhân truyền thông có những quyền lợi về kinh doanh.

Các nước tệ hại nhất trong bảng sắp hạng gồm 199 quốc gia và vùng lãnh thổ là Bắc Triều Tiên, Uzbekistan, Turkmenistan, Belarus, Cuba, Syria, Iran và Crimea.  Na Uy, Thụy Điển và Bỉ đứng đầu danh sách.

Freedom House nói, một cách tổng quát chỉ có 14% dân số thế giới sống trong những quốc gia tự do “nơi việc tường thuật những tin tức chính trị được thực hiện một cách mạnh mẽ, an toàn của những nhà báo được đảm bảo, việc nhà nước can thiệp vào công việc của truyền thông ít xảy ra và báo chí không bị những áp lực pháp lý và kinh tế".

Phúc trình cho rằng tự do báo chí bị sụt giảm là vì có sự gia tăng những luật lệ hạn chế báo chí. Phúc trình nói những luật lệ này được thông qua vì những lý do an ninh quốc gia.

Một lý do khác được nêu lên làm cho tự do truyền thông bị giảm sút là các nhà báo trong nước và nước ngoài không có khả năng tiếp cận và tường thuật một cách tự do tại những nơi có biểu tình và những vùng có giao tranh.

Phúc trình phần lớn đưa ra những nhận xét tiêu cực về Trung Đông và Bắc Phi, nơi một đợt sóng các cuộc biểu tình trên đường phố, được nói đến như là Mùa Xuân Ả Rập, đã đưa đến ít kết quả trong việc tăng tiến tự do.

Phúc trình cho biết “Sau những thắng lợi lịch sử tại Trung Đông vào năm 2011, chỉ có một quốc gia tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc thực hiện lời hứa của Mùa Xuân Ả Rập. Tunisia có số điểm cao nhất trong các quốc gia Ả Rập trong hơn một thập niên dù vẫn thuộc các nước Tự do Một Phần.”

Freedom House ước lượng chỉ có 2% những người sống tại Trung Đông và Bắc Phi là có khung cảnh tự do báo chí. Freedom House đặc biệt nhấn mạnh đến sự sụt giảm tại Ai Cập, Libya, Syria và Iraq—là những quốc gia trong năm qua đã chứng kiến những gia tăng về các hoạt động quân sự.

Tại Châu Mỹ, phúc trình ghi nhận sự thụt lùi về tự do tại Honduras, Peru, Venezuela, Mexico và Ecuador. Tại Cuba, tự do báo chí được xếp hạng nghèo nàn dù Hoa Kỳ đang có những hành động nhằm tái lập quan hệ ngoại giao với quốc gia cộng sản này.

Phúc trình cho biết “Dù có việc trả tự do cho hơn 50 tù chính trị vào cuối tháng 12 năm ngoái, các nhà báo vẫn còn bị giam giữ trong năm 2014 và việc kiểm duyệt vẫn còn tràn lan, làm cho Cuba trở thành quốc gia có thành tích tồi tệ nhất trong vùng với 91 điểm.

Châu Á có những nước có thành tích tự do báo chí tệ hại nhất thế giới như Bắc Triều Tiên cũng như những nước có lịch sử tự do báo chí nghèo nàn như Lào, Việt Nam và Trung Quốc.

Bà Vanessa Tucker thuộc Freedom House mô tả điều bà gọi là sự can thiệp cao độ của chính phủ Trung Quốc đối với truyền thông xã hội và truyền thông truyền thống trong nước.

Bà Tucker nói với Đài VOA rằng tại Trung Quốc “Con số khổng lồ các nhân viên nhà nước theo dõi những điều phát biểu trên mạng, đưa ra những chỉ dẫn hàng ngày về những gì có thể tường thuật và tường thuật như thế nào và theo dõi những nhà báo nếu họ không tường thuật một cách thích hợp.”

Miến Điện chứng kiến sự đảo ngược về tự do báo chí  vào năm 2014, một khuynh hướng tiếp sau một vài năm có cải thiện sau khi chấm dứt sự cai trị của quân đội vào năm 2011.

Bà Sarah Cook, một nhà phân tích kỳ cựu về Đông Á của Freedom House nói “Năm nay chúng tôi chứng kiến một số nhà báo không những chỉ bị bắt giữ mà còn bị bỏ tù. Một số nhà báo nước ngoài cũng gặp những hạn chế khắc nghiệt về visa.”

Theo Freedom House, khu vực Âu-Á vẫn còn là vùng tệ hại nhất về tự do báo chí, đặc biệt là sự sụt giảm tại Nga.

Phúc trình cho biết “Chính phủ Nga xiết chặt việc kiểm soát tin tức và thông tin trong một môi trường vốn đã hạn chế truyền thông. Nhà cầm quyền dùng lẫn lộn các biện pháp như thay đổi luật lệ, áp lực kinh tế, và tuyên truyền xuyên tạc, đặc biệt đối với xung đột tại Ukraine để nhằm thực hiện mục tiêu của chính phủ.”

Châu Âu là khu vực có thứ hạng cao nhất trong vùng, dù nơi này bị sụt giảm lớn hàng thứ hai trong thập niên qua.

Tiểu vùng Sahara Châu Phi là vùng duy nhất cho thấy có tăng tiến về tự do báo chí trong năm 2014 dù phúc trình nói “hầu hết các nước có được sự tăng tiến bắt đầu từ một nền tảng thấp, như Cộng hòa Trung Phi và Guinea-Bissau”.

Phúc trình chỉ trích Hoa Kỳ vì điểm số sụt một điểm do việc giam giữ, quấy nhiễu và đối xử thô bạo đối với các nhà báo trong những cuộc biểu tình đòi quyền dân sự tại thành phố vùng trung tây Ferguson, bang Missouri.

Phúc trình cũng nói “Những người bênh vực tự do báo chí vẫn còn quan ngại về một vài tập tục và chính sách của chính phủ liên bang, kể cả việc chính quyền Obama tương đối kiểm soát chặt chẽ tin tức ra khỏi Tòa Bạch Ốc và các cơ quan chính phủ.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thủ tướng Nhật phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ

Hôm nay 29/04/2015, nhân chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ ngỏ lời trước các nghị sĩ của cả hai viện Quốc hội Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một lãnh đạo chính phủ Nhật phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, 70 năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai.

Hôm qua, tại Nhà Trắng, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ nhiều dấu hiệu thể hiện sự đồng tâm nhất trí của hai lãnh đạo Nhật Mỹ. Hai ông cũng nhấn mạnh đến tính vững chắc của quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản.

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama đã ca ngợi đoạn đường mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đi qua, gần 70 năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai. Theo ông Obama, trong 7 thập niên qua, hai nước Mỹ, Nhật đã trở thành không chỉ là đồng minh, mà còn là những đối tác và người bạn thật sự. Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề cao vai trò mang tính xây dựng của Thủ tướng Abe trong hơn 2 năm qua.

Tổng thống Obama cho rằng việc Nhật Bản đóng vai trò ngày càng quan trọng cho an ninh và hòa bình trong vùng châu Á-Thái Bình Dương là rất cần thiết. Nhưng ông Obama khẳng định liên minh "không gì lay chuyển" giữa Washington với Tokyo không nên được xem là "một sự khiêu khích" đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật có hiệu lực đối với toàn bộ các lãnh thổ của Nhật, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Tokyo đang tranh giành chủ quyền với Trung Quốc. Ông Obama cũng nhấn mạnh là Hoa Kỳ và Nhật Bản đều quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, tái khẳng định ông rất chú trọng đến quyền tự do lưu thông hàng hải, đến việc tôn trọng công pháp quốc tế và đến việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Về phần Thủ tướng Shinzo Abe đã không có tuyên bố gì cụ thể về quá khứ quân phiệt của Nhật. Khi được hỏi về số phận của hàng ngàn phụ nữ bị buộc phải làm gái "giải sầu" cho lính Nhật, Thủ tướng Abe chỉ nói là ông "rất buồn" khi nghĩ đến "nỗi đau khổ vô bờ bến" mà những phụ nữ nói trên đã phải gánh chịu, nhưng ông không hề đưa ra lời xin lỗi nào.

Theo các sử gia, đã có đến 200,000 phụ nữ đã bị đưa vào các nhà chứa phục vụ cho quân đội Thiên Hoàng trong thời gian chiến tranh, đa số là phụ nữ Triều Tiên, nhưng trong đó cũng có nhiều phụ nữ Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Đài Loan. - RFI
|
|

4.
NASA: Tàu chở hàng vào không gian mất kiểm soát

Một con tàu không gian không người lái chở hàng đến Trạm Không gian Quốc tế đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát hôm thứ Ba sau khi cất cánh từ Trung tâm Không gian Baikonur ở Kazakhstan.

Cơ quan không gian của Mỹ cho biết những chuyên viên điều khiển chuyến bay mất liên lạc với tàu chở hàng ngay sau khi nó tách ra khỏi tên lửa đẩy Soyuz. Họ không thể xác nhận là liệu những ăng-ten điều hướng đã mở ra chưa và tin rằng con tàu có thể nằm ngoài tầm kiểm soát.

Nếu nhóm kiểm soát chuyến bay không thể lấy lại quyền kiểm soát con tàu, họ nói nó sẽ rơi trở lại Trái đất và bốc cháy trong bầu khí quyển.

NASA cho biết phi hành đoàn trên trạm không gian không gặp nguy hiểm và có rất nhiều nguồn tiếp tế cho đến khi một tàu chở hàng khác có thể lên đó. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhật-Mỹ có thể thực hiện các cuộc tuần tiễu chung ở Biển Đông

Quân đội Nhật Bản đang xem xét khả năng hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện các phi vụ tuần tiễu không phận Biển Đông như một phản ứng trước quyết tâm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, được Tokyo và Washington cũng như nhiều quốc gia khác xem là thuỷ lộ thiết yếu cho các hoạt động thương mại quốc tế.

Hãng tin Reuters hôm nay trích các nguồn tin Nhật Bản và Mỹ hiểu biết về các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa hai nước, nói rằng hai nước đồng minh đang cân nhắc giải pháp này trong bối cảnh hai bên vừa công bố các hướng dẫn quốc phòng mới nhân chuyến đi thăm Washington của Thủ tướng Shinzo Abe.

Chuyến công du Mỹ lần này được coi là phản ánh các kế hoạch của ông Abe, mong muốn Nhật Bản đóng một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc trực tiếp bảo vệ biển đảo của chính nước này.

Nguồn tin Nhật Bản cho biết tuy chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa ra, Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông với Mỹ, hoặc thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển trải dài từ đảo Okinawa tới vùng biển phía Đông Trung Quốc.

Cho tới nay các cuộc thảo luận chỉ diễn ra trong nội bộ quân đội Nhật Bản, nhưng kế hoạch này sẽ cần được sự phê chuẩn của các giới chức chính phủ. 

Các phi vụ trinh sát Biển Đông sẽ được thực hiện trên khu vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình cải tạo đất, xây đảo, để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế vùng biển này. Nếu được thực hiện, kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản có phần chắc sẽ làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.

Nhưng các quan chức quốc phòng ở Tokyo lo ngại rằng nếu Tokyo và Washington để yên, thì Trung Quốc rốt cuộc sẽ áp đặt quyền kiềm soát của họ trên các tuyến hàng hải, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thương mại của Nhật Bản. Reuters trích nguồn tin Nhật Bản nói rằng: "Tokyo muốn Trung Quốc hiểu rằng họ không có quyền sở hữu nguyên vùng biển này".

Một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết quyết định khởi sự các chuyến bay trên không phận Biển Đông có thể hối thúc Tokyo yêu cầu Philippines cho Nhật tiếp cận các căn cứ không quân dựa trên các quy định liên quan tới công tác huấn luyện cứu trợ tai nạn trên biển, và các cuộc diễn tập hỗn hợp khác. Nguồn tin này nói thêm rằng nếu được Philippines chấp thuận, các phi cơ của Nhật Bản sẽ có khả năng thực hiện các phi vụ tuần tiễu kéo dài hơn.

Tuy nhiên, theo Reuters, một nguồn tin quân sự cấp cao Philippines cho biết điều này không khả thi trong các điều kiện hiện tại, bởi vì Manila không có một thỏa thuận hợp tác quân sự với Tokyo tương tự như hiệp ước quốc phòng giữa Manila với Washington, qua đó, tàu hải quân Mỹ được phép sử dụng các căn cứ của Philippines để tiếp nhiên liệu và sửa chữa khẩn cấp.

Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Benigno Aquino, một trong những người mạnh mẽ chống đối các hoạt động lấn biển xây đảo của Trung Quốc, sẽ gặp gỡ Thủ Tướng Abe ở Tokyo vào tháng Sáu tới đây, và khi đó, các vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận.

Hôm thứ Ba, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với các phóng viên rằng hai nước chia sẻ mối quan tâm về các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và đã "tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải theo tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết các hướng dẫn quốc phòng mới sẽ cho phép các lực lượng Mỹ và Nhật hoạt động linh hoạt hơn, và Nhật Bản sẽ "đảm nhận trách nhiệm và vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương". - VOA
|
|

6.
Đến lượt TQ tố cáo VN xây dựng trên đảo

Trung Quốc lên tiếng phản đối Việt Nam và Philippines “tiến hành hoạt động xây dựng trái phép các đảo” ở Biển Đông.

Sau nhiều tuần bị phê phán vì việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, Trung Quốc hôm thứ Tư có tuyên bố phản bác.

Người phát ngôn Hồng Lỗi nói Trung Quốc “bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối cá biệt nước ASEAN như Philippines, Việt Nam… tiến hành hoạt động xây dựng trái phép các đảo ở Nam Sa của Trung Quốc”.

“Yêu cầu nước hữu quan lập tức chấm dứt mọi lời nói và hành động xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc,” ông Hồng tuyên bố.

Phản ứng của Trung Quốc diễn ra sau khi ngày 28/4, Hội nghị Cấp cao ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch, bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng các đảo của Trung Quốc.

Cũng hôm 28/4, khi gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói ông lo ngại ngại về việc Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông.

Ông Hồng Lỗi nói việc Trung Quốc xây dựng đảo là “hoàn toàn hợp pháp chính đáng”.

Mỹ và Nhật “không phải nước đương sự vấn đề Nam Hải”, ông Hồng nói.

Ông Hồng tố cáo Việt Nam đang xây bến tàu, đường băng cho sân bay, vị trí cho tên lửa, khách sạn…trên 20 đảo và bãi cạn như bãi cạn Phúc Nguyên và bãi Đất. - BBC


Tuesday, April 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/4

Tin Thế Giới

1.
Nam Triều Tiên, TQ lo ngại về thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật

Thoả thuận quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gây ra những mối lo ngại ở hai lân bang Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, tuy Nam Triều Tiên có thể hưởng lợi từ một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Nhật Bản để ứng phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc, các giới chức ở Seoul vẫn tiếp tục lo ngại vì những mối căng thẳng còn tồn đọng từ quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Seok đã có thái độ không dứt khoát khi được hỏi về những hướng dẫn được sửa đổi về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Ông phát biểu như sau tại cuộc họp báo ngày hôm nay ở Seoul.

Ông Kim cho biết Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về những vấn đề này dựa theo tình hình. Ông nói trong trường hợp xảy ra chiến tranh những hướng dẫn này sẽ được xác nhận bởi người lãnh đạo quốc gia là tổng thống.

Những hướng dẫn mới cho phép Nhật Bản hành sử “quyền tự vệ tập thể” để trợ giúp các nước trong khu vực khi những nước này bị tấn công. Thoả thuận mới cũng tán thành một nghị quyết hồi năm ngoái của nội các Nhật để nới rộng vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật bằng cách giải thích lại bản hiến pháp chủ hoà của nước này.

Mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên đã được viện dẫn để biện minh cho việc Nhật Bản cần có một lực lượng quân sự mạnh hơn.

Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đăng tải một bài bình luận lên án thoả thuận giữa Washington với Tokyo.

Tại Trung Quốc, giới hữu trách cho biết họ sẽ chờ xem liên minh Mỹ-Nhật phát triển như thế nào và đường lối mà liên minh này theo đuổi là gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng liên minh Mỹ-Nhật được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh, mà “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt từ lâu.”

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Hồng nói rằng điều quan trọng nhất là liên minh này có lợi cho hoà bình và ổn định khu vực hay không và phải không gây tổn hại cho quyền lợi của một nước thứ ba, kể cả Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã thuyết trình cho Bắc Kinh về thoả thuận mới trước khi văn kiện này được đúc kết. Ông nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc thoả thuận này bao trùm quần đảo Điếu Ngư, là những đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Thoả thuận Mỹ-Nhật khẳng định quần đảo Senkaku hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh nói rằng văn kiện hướng dẫn mới sẽ không “loại bỏ những sự hợp tác có tính chất thực dụng”, nhưng “Hoa Kỳ không thể thay đổi xu thế trỗi dậy của Trung Quốc cho dù họ dùng Nhật Bản như một con cờ.”

Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là đồng minh quân sự mật thiết, nhưng Seoul cũng có những mối liên hệ kinh tế rất mạnh mẽ với Bắc Kinh. Cả Seoul lẫn Bắc Kinh đều phê phán một cách kịch liệt điều mà họ cho là những mưu toan của những thành phần dân tộc cực đoan ở Nhật, trong đó có thủ tướng Shinzo Abe, nhằm chối bỏ những hành vi tàn ác mà thực dân Nhật Bản đã làm từ đầu thế kỷ 20 cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt.

Seoul và Tokyo cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một quần đảo và thậm chí còn bất đồng với nhau về tên gọi của vùng biển nằm giữa hai nước. Nhật Bản gọi biển này là Biển Nhật Bản trong lúc Nam Triều Tiên gọi đây là Biển Đông.

Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong, cho biết căng thẳng giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản khiến cho việc kiềm chế và răn đe kẻ thù chung là Bắc Triều Tiên trở nên phức tạp hơn.

Ông Hosaya nói những quyết định được thực hiện dựa theo liên minh Mỹ-Nhật ảnh hưởng tới quan hệ liên minh giữa Mỹ với Nam Triều Tiên và Nam Triều Tiên cần phải thảo luận một cách cặn kẽ về những phần có trùng lấp với liên minh Mỹ-Nhật.

Truyền thông Nam Triều Tiên đã chỉ trích các giới chức ở Seoul về điều mà họ cho là không trình bày một cách rõ ràng và bảo vệ lập trường của mình đối với những qui định mới về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đi thăm Hoa Kỳ và chuẩn bị đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ để nhấn mạnh tới mối quan hệ đồng minh gần gũi mà hai nước đã xây dựng sau khi giao chiến với nhau trong thế chiến thứ hai cách nay hơn 70 năm. - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Mỹ thăm nơi cư ngụ của nhà ngoại giao Iran

Trong một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ-Iran đã tan băng giữa lúc những cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân của Iran có được tiến bộ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zarif ngày hôm qua tại tư dinh ở New York của Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật Từ trụ sở Liên hiệp quốc.

Ngoại trưởng John Kerry đã đến ngôi nhà tại thành phố New York mà theo tập tục ngoại giao được xem là lãnh thổ của Iran.

Hoa Kỳ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và hai nước chỉ mới bắt đầu giao tiếp vì chương trình hạt nhân của Tehran.

Một thỏa thuận khung nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được vào ngày 2 tháng 4 tại Thụy Sĩ giữa 6 cường quốc thế giới và Iran. Các bên hy vọng đạt được thỏa thuận chung cuộc trước thời hạn chót là ngày 30 tháng 6 năm nay.

Hai nhà ngoại giao đang có mặt tại New York để tham dự hội nghị thường niên để duyệt xét Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT). Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Kerry ca ngợi tiến bộ của những cuộc thảo luận về hạt nhân của Iran.

“Tôi muốn quí vị biết là còn khá lâu mới chấm dứt những công việc của chúng tôi và một số vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, nhưng trên thực tế chúng tôi đã gần đạt được một thỏa thuận toàn diện, hoàn hảo mà chúng tôi mưu tìm. Nếu chúng tôi có thể đạt được việc này, toàn thế giới sẽ an toàn hơn.”

Phát biểu nhân danh 120 quốc gia thành viên của Phong trào Không Liên kết mà Iran hiện là chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zariff nói các quốc gia có quyền bất khả chuyển nhượng là phát triển năng lượng hạt nhân.

“Sự lựa chọn và quyết định của mỗi quốc gia thành viên trong lãnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình phải được tôn trọng một cách đầy đủ.”

Ngoại trưởng Kerry nói với các phóng viên là ông cũng sẽ nêu lên cuộc xung đột tại Yemen với Bộ trưởng Zarif vì Iran hậu thuẫn cho phiến quân Houthi.

“Tôi tin là Yemen sẽ chắc chắn được đề cập đến, vì rõ ràng Iran hậu thuẫn cho Houthi.”

Cuộc gặp gỡ riêng tư tại tư dinh của Đại sứ Iran, nhìn ra công viên Central Park ở New York, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. - VOA
|
|

3.
Biển Đông: ASEAN chia rẽ và mềm yếu trước Trung Quốc --- Mỹ không huy động được ASEAN đối đầu với TQ

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 họp tại Kuala Lumpur đã kết thúc và ra được ba thông cáo chung. "Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa Toàn cầu" liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều thành viên ASEAN và Trung Quốc tại Biển Đông. 

Về hồ sơ này, trang mạng AsiaNews tổng kết hội nghị thượng đỉnh này như sau: "Một ASEAN chia rẽ áp dụng đường lối mềm dẻo chống lại Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông".

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á, ngày 27/04/2015, đã không đưa ra đường lối cứng rắn chống lại các đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng Thủ tướng Najib Razak của Malaysia, nước đón tiếp hội nghị thượng đỉnh nói rằng Hiệp hội sẽ thúc đẩy để có thể sớm ký được một bộ luật mang tính ràng buộc, chỉ đạo cách ứng xử trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Lãnh đạo Malaysia đã phát biểu khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (bao gồm 10 thành viên), được tổ chức vào đầu tuần này tại Kuala Lumpur. Vào lúc cuối cuộc họp báo, ông nói rằng Hiệp hội sẽ tiếp tục cách tiếp cận không đối đầu và xây dựng để giải quyết tranh chấp, hiện đang gây căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này khác xa với các đòi hỏi của một số thành viên là cần phải có lập trường cứng rắn.

Thủ tướng Malaysia nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục lôi kéo Trung Quốc đi theo hướng xây dựng và Trung Quốc hiểu được lập trường của chúng tôi" và "chúng tôi hy vọng có thể làm cho Trung Quốc hiểu được rằng đó cũng là vì lợi ích của mình mà Trung Quốc không nên coi đây là một sự đối đầu với ASEAN, mọi ý đồ gây mất ổn định vùng này cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc".

Tuy nhiên, Manila đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành "kiểm soát trên thực tế" Biển Đông, với việc xây dựng các đảo nhân tạo trên những bãi đá có tranh chấp với những nước khác ở trong vùng. Theo Tổng thống Benigno Aquino, việc Trung Quốc tiến hành ồ ạt các hoạt động nhằm khẳng định đòi hỏi của mình là "một mối đe dọa đối với an ninh và ổn định của vùng, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển và đe dọa các phương tiện sinh sống của nhiều người dân Philippines".

Tổng thống Philippines nói rằng ASEAN phải có quyết tâm chính trị và đoàn kết chống lại "các động gây căng thẳng" trong vùng. Vào lúc bắt đầu hội nghị, dường như là ASEAN muốn có một đường lối cứng rắn chống lại các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng, cuối cùng, Thủ tướng Razak đã tái khẳng định cách tiếp cận mềm dịu của Hiệp hội đối với nước Trung Quốc khổng lồ.

Vấn đề chính là ASEAN bị chia rẽ. Trong quá khứ, Philippines đã chỉ trích Cam Bốt, một đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương, là bị khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh và ngăn cản ASEAN ra được thông cáo và các tài liệu gây khó chịu đối với Bắc Kinh. Chính vì lý do này mà Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN 2012 đã không ra được thông cáo chung.

Không phải chỉ có Philippines lo ngại về "chủ nghĩa đế quốc" Trung Hoa tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Việt Nam cũng đã bày tỏ sự phản đối. Tuy nhiên, Manila tiến xa hơn một bước và đã đưa vụ tranh chấp này ra trước Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, cho dù các phán quyết của định chế này không mang tính ràng buộc.

Nói chung, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền một phần lớn biển Hoa Đông và Biển Đông (gần 85%), bao gồm cả quần đảo Trường Sa nơi mà Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng có đòi hỏi, đồng thời Bắc Kinh cũng chiếm cả Hoàng Sa, nơi có tranh chấp với Hà Nội.

Các nước Đông Nam Á có được sự ủng hộ của Mỹ. Chính quyền Washington coi bản đồ "hình lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông là "phi pháp" và "phi lý", vì các đòi hỏi này chiếm tới 80% trong tổng diện tích 3,5 triệu km vuông của Biển Đông.

Với nguồn dầu khí dưới đáy biển, Biển Đông có tầm quan trọng to lớn về kinh tế và địa chính trị và có một giá trị quan trọng về chiến lược đối với mọi chính sách bành trướng.

Có phải chăng Trung Quốc đã thành công phân hóa nội bộ ASEAN? Khi đương kim chủ tịch ASEAN là Malaysia chọn thái độ ôn hòa đối với Trung Quốc trong khi Philippines thúc giục các nước thành viên "đương đầu" với âm mưu lấn chiếm toàn vùng biển Đông.

Theo giới phân tích, bất đồng quan điểm trong ASEAN sẽ cản trở Hoa Kỳ thành lập một liên minh NATO châu Á. Sự kiện Trung Quốc tăng tốc lấn chiếm biển Đông nam Á, xây dựng cơ sở tính chuyện chiếm đóng lâu dài gây lo âu cho nhiều nước khu vực. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi thành viên ASEAN không giống nhau. Nếu tổng thống Philippines Benigno Aquino dứt khoát lên án Bắc Kinh đang hoàn tất kế hoạch "đương nhiên kiểm soát biển Đông, phá hoại hòa bình ổn định" thì Malaysia gạt lập trường cứng cỏi này qua một bên.

Trong diễn văn kết thúc Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra một đường lối tránh xung đột với Trung Quốc và cũng là lập trường "chính thức" của các nước Đông Nam Á: thuyết phục Bắc Kinh đàm phán với ASEAN một giải pháp "xây dựng".

Theo nhà phân tích Jean-Paul Baquiast của Mediapart, trang báo điện tử có uy tín nhất nhì tại Pháp, đằng sau những tuyên bố dị biệt của các lãnh đạo Đông Nam Á là cả một cuộc đối đầu càng ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington muốn tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế trong vùng châu Á Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc cũng muốn bành trướng thế lực.

Trong khu vực này, Hoa Kỳ có hai nhóm đồng minh thân thiết. Ở Đông Bắc Á, Washington trông cậy vào Hàn Quốc và nhất là Nhật Bản mà trong chuyến công du của thủ tướng Shinzo Abe, hai bên đã quyết định tăng cường hợp tác quân sự, cho phép quân đội Nhật mở rộng thẩm quyền can thiệp ra bên ngoài biên giới.

Ở phía nam, theo nhà báo Jean-Paul Baquiast, nhiều nước Đông Nam Á cũng đặt kỳ vọng vào sự can thiệp của Mỹ và muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ nhưng lại không dám trực tiếp đương đầu với Bắc Kinh dù chỉ qua những tuyên bố.

NATO Á châu? 

Trong khuôn khổ kế hoạch "tái định vị" hay "chuyển trục" về châu Á để đối phó với hiểm họa Trung Quốc tuy Mỹ không nói thẳng ra, nhiều nhà phân tích cho rằng tổng thống Barack Obama muốn thành lập một liên minh quân sự theo mô hình tổ chức Bắc Đại Tây dương NATO, cũng do Hoa Kỳ lãnh đạo với các thành viên là một số nước ASEAN. Đặc biệt, tổng thống Barack Obama kỳ vọng vào quyết tâm của Philippines, Việt Nam, của Malaysia và Brunei để củng cố vị thế chiến lược trong khu vực.

Trước thượng đỉnh Kuala Lumpur, cơ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ một số hình ảnh vệ tinh liên quan đến những hoạt động xâm lấn của Trung Quốc, xây dựng phi trường trong lãnh hải của Philippines.

Tổng thống Benigno Aquino cho biết thêm những động thái khác của hải quân Trung Quốc uy hiếp ngư dân Philippines. Được Washington khuyến khích, Manila muốn Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 là cơ hội để đưa ra một lập trường chung mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bất chấp rủi ro xảy ra hải chiến.

Tuy nhiên, nhiều thành viên khác của Hiệp hội Đông Nam Á xem trọng quyền lợi thương mại và quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hơn là chủ quyền biển đảo.

Hoa Kỳ có thể đã thất bại huy động Đông Nam Á vào chiến lược "chuyển trục" nhưng liệu lập trường "mềm mỏng" của một số nước thành viên ASEAN có sẽ thành công buộc Trung Quốc đàm phán nghiêm túc? Hay trái lại, nói theo ngôn ngữ của ngư dân: ASEAN có nguy cơ mất cả chì lẫn chài. - RFI
|
|

4.
Indonesia hành quyết chín tử tội

Chín tử tội đang bị biệt giam tại một nhà tù trên đảo, được canh gác cẩn mật ở Indonesia, sẽ bị hành quyết tối nay 28/04/2015, bất chấp các áp lực quốc tế chống án tử hình. Gia đình của họ được phép viếng thăm lần cuối. Riêng tội nhân người Pháp Serge Atlaoui được tạm hoãn thi hành án trong đợt này.

Tám người ngoại quốc gồm hai người Úc, bốn người Nigeria, một người Philippine, một người Brazil cùng với một người Indonesia bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy, đã nhận được quyết định thi hành án từ chiều tối ngày 25/04/2015. Các quan tài sơn trắng đã được chuyển đến nhà tù. Thân nhân các tử tội được phép đến thăm và nói lời vĩnh biệt, cho đến 20 giờ địa phương tối nay.

Từ Jakarta, thông tín viên RFI Marie Dhumières tường trình.

"Gia đình các tử tội sáng nay đã đến cảng Cilacap, để từ đó đi tàu đến hòn đảo ngục tù. Nhiều người thân của các tù nhân này đẫm lệ, đây là những giờ phút cuối cùng bên cạnh thân nhân của mình. Cuộc hành quyết sẽ diễn ra tối nay, sau nửa đêm theo giờ địa phương, và các quan tài đang được chuyển đến nhà giam. 

Serge Atlaoui dường như là người sống sót duy nhất trong đợt hành quyết này, nhưng bản án treo có thể không kéo dài được bao lâu. Nếu đơn khiếu nại của ông ở Tòa án Hành chính bị bác, thì Atlaoui sẽ bị thi hành án riêng rẽ – theo như Viện Kiểm sát Indonesia. 

Tử tội người Pháp phản đối quyết định bác đơn xin khoan hồng của Tổng thống Indonesia, và kiện lên Tòa Hành chính. Quyết định của tòa sẽ được đưa ra trong tuần này hay tuần tới, nhưng rất ít hy vọng đạt được kết quả. Như vậy các luật sư của Serge Atlaoui và chính phủ Pháp chỉ có vài tuần để cố gắng cứu sống công dân Pháp khỏi bị hành hình." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Vệ binh Quốc gia được điều tới Baltimore để vãn hồi trật tự

Các binh sĩ thuộc lực lượng vệ binh quốc gia đã được điều tới thành phố Baltimore ở miền đông Hoa Kỳ trong lúc giới hữu trách tìm cách vãn hồi trật tự một ngày sau khi xảy ra những vụ bạo loạn. Thông tín viên đài VOA Smita Nordwall tường thuật.

Thống đốc bang Maryland tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời động viên lực lượng vệ binh quốc gia sau khi bạo lực vượt tầm kiểm soát ở Baltimore sau đám tang của Freddie Grey, 25 tuổi. Cái chết của người thanh niên da đen này là vụ việc mới nhất đã làm bùng lên các cuộc biểu tình về cách đối xử của cảnh sát đối với các nhóm thiểu số tại Hoa Kỳ.

Hàng trăm thanh niên đã rủ nhau kéo tới các khu xóm ở Baltimore, nổi lửa đốt xe, cướp bóc các cửa hàng và phá hoại tài sản. Đối mặt với cảnh sát trang bị chống bạo loạn, những người biểu tình ném đá, gạch, chai thủy tinh và các vật thể khác vào họ.

Đại uý Cảnh sát Eric Kowalczyk cho biết 15 nhân viên cảnh sát bị thương, trong đó có 6 người phải vào bệnh viện.

"Ngay trong lúc này thì có một nhóm các cá nhân vô luật pháp đã bất kể sự an toàn của những người sinh sống trong cộng đồng tại đó, và không lý gì tới sự an toàn của các nhân viên cảnh sát chúng tôi, những người đang có mặt ở đây để đảm bảo những người sinh sống và làm việc trong khu vực này được tiếp tục sinh hoạt trong an toàn."

Grey bị tổn thương cột sống nghiêm trọng sau khi anh bị bắt ngày 12 tháng Tư. Các giới chức nói anh không cài giây an toàn đúng cách trong khi đang được vận chuyển trên một chiếc xe của cảnh sát. 6 nhân viên cảnh sát Baltimore đã bị đình chỉ công tác, trong lúc chờ đợi kết quả điều tra.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đang tiến hành một cuộc điều tra dân quyền về vụ này. Sở cảnh sát Baltimore cho biết họ sẽ cung cấp thêm thông tin vào ngày thứ sáu tới đây.

Gia đình của nạn nhân kêu gọi chấm dứt bạo động. Phát biểu tại lễ tang, luật sư của gia đình, ông William Murphy, yêu cầu các nhân viên cảnh sát có dính líu trong cái chết của Gray phải cung cấp những lời giải thích đầy đủ về vụ việc này. Ông Murphy nói:

"Chúng tôi yêu cầu cảnh sát, tất cả 6 nhân viên cảnh sát có dính líu ít nhất là một phần, nếu không là toàn bộ, trong vụ này hãy đứng lên và thuật lại tất cả mọi sự, cũng như cảnh sát thường bảo công dân chúng tôi phải làm."

Những người biểu tình đã đòi công lý trong các cuộc biểu tình diễn ra mỗi ngày, mà phần lớn đã diễn ra một cách ôn hoà cho tới ngày thứ Hai. Tối thứ hai, thị trưởng Baltimore công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Nhân viên cứu hoả đã vất vả để tìm cách giập tắt nhiều đám cháy cho tới tảng sáng hôm nay, trong đó có một trung tâm dưỡng lão do một nhà thờ bảo trợ đang xây dở dang.

Trong khi bạo lực vẫn chưa lan tới trung tâm thành phố ở ven biển, các trận tranh tài của đội bóng chày chuyên nghiệp Baltimore Orioles đã bị đình hoãn vì lý do an toàn, cũng như tất cả các chuyến tham quan do các trường học tổ chức tới thành phố này cũng bị hoãn lại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Đánh dấu ngày 30/4: Kẻ khóc, người cười

Hai ngày trước ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và ở trong nước đón chờ ngày này với hai tâm trạng trái ngược hẳn nhau.

Tại sân vận động của trường trung học Bolsa Grande ở Little Saigon, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn, hàng nghìn người hôm 25/4 đã tới dự ngày được đặt tên là Quốc hận.

Trong buổi lễ này, những người tham dự đã đứng chào cờ quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa và hòa giọng vào bản quốc ca của chính quyền Sài Gòn cũ.

Một ngày sau đó, tại San Diego cũng tại California, nhiều người Việt đã tới Viện bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway ở San Diego để tưởng niệm ngày họ gọi là "Tháng tư đen".

Bà Đỗ Thái Kiều, một người Mỹ gốc Việt sang Hoa Kỳ từ năm 16 tuổi đã tham dự sự kiện này. Bà cho biết khi ngày 30/4 đến gần, không khí trong cộng đồng “rất là xúc động và buồn tủi vì có rất nhiều kỷ niệm, nhiều người đã mất bà con họ hàng, bạn bè”.

“Chúng tôi không thích chính quyền cộng sản vì thế chúng tôi phải rời xứ sở để ra đi. Chữ hận, theo tôi nghĩ, không những tôi mà nhiều người ở đây thì thời gian trôi qua thì chữ hận bớt đi. Nhưng mà chúng tôi không bao giờ quên rằng chúng tôi đã mất xứ sở của chúng tôi, và chúng tôi mong một ngày nào đó xứ sở sẽ trở về là một xứ sở dân chủ để giúp cho dân Việt Nam ở Việt Nam có một đời sống khá hơn, độc lập và tự do hơn.”

Ông Nguyễn Khanh, phát ngôn viên của ban tổ chức sự kiện trên, nói với VOA Việt Ngữ rằng lễ tưởng niệm muốn “cho giới trẻ Việt Nam biết và hiểu rõ rằng từ đâu mà người Việt Nam có mặt ở Hoa Kỳ, và hiểu rõ hơn về những thành quả, những đóng góp của người Việt trong 40 năm.”

Trong khi đó, cùng chung tâm trạng với bà Kiều, bà Nguyễn Kim Hoa ở California, nói mỗi dịp 30/4 tới, bà cảm thấy “rất là buồn”.

Bà cũng không nghĩ nên coi đó là ngày “thống nhất đất nước” như chính quyền Hà Nội đã nói.

“Mỗi lần 30/4 về, tôi nghĩ lại cái ngày chót, tức là ngày 29/4. Coi như là ngày chót rời khỏi Việt Nam. Lúc đó coi như không có còn ai đi nữa ngoài những chiếc trực thăng thôi. Và tôi cùng với mấy người bạn coi như chót nhất rời khỏi Việt Nam. Buồn là tại vì mình không phải như hồi xưa nữa, cảm giác giống như hồi xưa nữa, coi như mình bị mất nước. Trong lòng tôi cái ngày đó là ngày mất nước, mất chính thể”.

Trong khi tại các nước, nhiều người Việt đánh dấu ngày 30/4 trong không khí u buồn thì nhiều buổi lễ tưng bừng với những màn bắn pháo hoa và diễu binh hoành tráng sắp diễn ra tại Việt Nam.

6.000 người sẽ tham gia diễu hành trong lễ kỷ niệm 40 năm mà chính quyền trong nước gọi là thống nhất đất nước tại TP HCM.

Ngoài việc bắn pháo hoa tại nhiều điểm, tối 30/4, chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ với chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" sẽ được tổ chức trên trục đường Lê Duẩn, trước cửa Hội trường Thống Nhất với sự tham gia của hơn 4.000 văn nghệ sỹ.

Bà Kiều nói rằng đối với người Mỹ gốc Việt cũng như người Việt ở các xứ sở tự do khác, ngày 30/4 “không phải là ngày chiến thắng, và đó chỉ là quan điểm của chính quyền Việt Nam”.

Bà cũng nói rằng những khác biệt về quan điểm như vậy sẽ “làm cho dân Việt Nam ở hải ngoại và trong nước không gần nhau được”. - VOA


Monday, April 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/4

Tin Thế Giới

1.
Thủ tướng Nhật Bản thăm Hoa Kỳ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có mặt tại thành phố Boston vào lúc bắt đầu chuyến viếng thăm 4 thành phố ở Mỹ, bao gồm cuộc hội kiến với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào ngày mai và một bài diễn văn chưa từng có trước đây trước phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày thứ tư. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, chuyến viếng thăm nêu bật mối quan hệ tốt đẹp giữa Washington với Tokyo vào lúc kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt.

Chuyến viếng thăm của thủ tướng Abe diễn ra trong lúc các giới chức cao cấp của Mỹ và Nhật Bản hoàn tất những văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng để phản ảnh vai trò lớn hơn của Nhật Bản trong công tác bảo vệ an ninh cho chính quốc gia của họ. Ông Evan Madeiros, Giám đốc Châu Á sự vụ của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, hôm thứ sáu cho biết văn kiện hướng dẫn được cập nhật lần đầu tiên kể từ năm 1997 sẽ nới rộng đáng kể vai trò của Nhật trong liên minh và cung cấp một cơ chế để Nhật Bản hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng của Mỹ.

Trong cuộc diễn thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Đại sứ Nhật tại Hoa Kỳ, ông Kenichiro Sasae, nói rằng hướng dẫn mới sẽ được tiếp nối bằng công tác lập pháp về an ninh phù hợp với quyết định hồi năm ngoái của nội các để thay đổi sự diễn giải bản hiến pháp chủ hoà nhằm cho phép Nhật Bản tiến hành những hoạt động quân sự hỗn hợp để tự vệ.

"Đối với Nhật Bản, sự thay đổi trong tư duy của chúng tôi về công cuộc phòng thủ chung là một sự thay đổi vô cùng to lớn. Thay đổi này diễn ra sau khi có sự tin tưởng lẫn nhau trong 70 năm và hoạt động lập pháp của chúng tôi sẽ thiết lập một khung sườn để Nhật Bản cộng tác thêm nữa với Hoa Kỳ."

Giáo sư Jefferey Kingston, một chuyên gia về các vấn đề Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng sáng kiến của Thủ tướng Abe về “chủ nghĩa hoà bình chủ động” là một sự chuyển đổi hết sức lớn lao trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Ông nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên do chính dẫn tới sự thay đổi này.

"Vào năm 1997, ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 10 tỉ đô la. Năm ngoái, con số này đã lên tới 144 tỉ và có rất nhiều những hành động quyết liệt về vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. Cho nên, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những mối quan tâm về tham vọng bá quyền của họ ở Châu Á đang đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản tới gần nhau hơn. Và ông Abe rất muốn có được một sự cam kết của Hoa Kỳ để hậu thuẫn cho Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một tình huống bất ngờ liên quan tới những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông."

Tuy nhiên, ông Kingston cho biết sự ủng hộ của dân chúng Nhật Bản đối với chủ nghĩa hoà bình chủ động rất yếu ớt: với 23% tán đồng và 68% chống đối. Ông nói rằng những cam kết trong văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng vượt khỏi sự ủng hộ của quốc hội và công chúng Nhật Bản và điều đó có thể tạo ra căng thẳng giữa hai nước. - VOA
|
|

2.
Tử vong trong trận động đất ở Nepal lên tới hơn 3.700 người --- Hy vọng tìm được người sống sót phai dần

Tại Nepal hy vọng tìm được người sống sót trong trận động đất phai dần giữa lúc quốc gia nhỏ bé này phải vất vả đối phó với những vấn đề sau trận động đất làm hơn 3.700 người thiệt mạng. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha tại trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở New Dehli, những toán cứu hộ đang vội vã đến với những người cần được cứu trợ, giữa những lo ngại về dịch bệnh và thiếu thực phẩm và nước uống.

Hơn 48 giờ đồng hồ sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển Nepal, những người chịu ảnh hưởng cầu nguyện và chờ tin tức về thân nhân giữa lúc các toán cứu hộ dùng mọi phương tiện từ cuốc chim cho đến tay không để đào bới các đống đổ nát.

Một cặp vợ chồng trẻ ở Kathmandu nói với các phóng viên về việc họ ra khỏi nhà như thế nào khi trận động đất chôn vùi nhà của họ ngày thứ Bảy vừa qua. Ngày hôm nay vẫn không có tin tức gì về hai đứa con nhỏ họ để lại.

Tuy nhiên người cha kiên nhẫn chờ trên những đống đổ nát.

Ông nói ông muốn tìm hai đứa con, chết hay sống, mà vẫn chưa làm được.

Thủ đô Nepal và những thị trấn khác đều có những câu chuyện đau lòng như vậy. Ngày hôm nay những lễ hoả táng tập thể được thực hiện giữa lúc con số tử vong tiếp tục gia tăng.

Các nỗ lực cứu trợ tiến hành chậm chạp sau khi trận động đất chết người và những dư chấn mạnh làm hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Đây là trận động đất tệ hại nhất trong ký ức của hầu hết người Nepal.

Quốc vụ khanh Lila Mani Poudyal của Nepal kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. Bà nói rằng Nepal cần mọi thứ từ thực phẩm khô cho đến lều trại và thuốc men, cùng các toán chuyên viên để đối phó với tình hình sau trận động đất.

Những trại khổng lồ với các lều vải được dựng lên tại những thị trấn chính, nhưng những sự giúp đỡ tương tự chưa đến được những vùng xa xôi hẻo lánh.

Nước láng giềng Ấn Độ đã nhanh chóng phái binh lính và nhân viên cứu hộ để giúp việc tiếp cứu và những nỗ lực cứu trợ, nhưng điều này không dễ dàng đối với các toán cứu trợ quốc tế khác đến Nepal vì những xáo trộn và tắc nghẽn tại phi trường quốc tế nhỏ và duy nhất của Nepal.

Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói về giao thông dày dặc trên các xa lộ dẫn đến Kathmandu.

“Chúng tôi được tin là các con đường được mở, nhưng xe cộ di chuyển rất chậm, tắc nghẽn vì quá nhiều xe…chúng tôi đang theo dõi tình hình, nhưng đây là một tình hình rất khó khăn.”

Việc thiếu thốn các nhu cầu căn bản ngày càng tăng là một thách thức cho hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa không có tiền bạc và áo quần. Bên ngoài các trạm xăng là đoàn người xếp hàng dài dằng dặc. Nước uống thiếu và giá thực phẩm tăng cao tại quốc gia nằm giữa lục địa này mà hầu hết các nhu cầu được chở bằng xe từ Ấn Độ.

Một phụ nữ Ấn Độ đã thoát khỏi thủ đô Nepal nói thật là đau lòng khi chứng kiến những đau khổ của quốc gia nghèo khó này.

Bà nói có rất ít sự giúp đỡ, mọi người dân đều ở trên đường, tất cả Kathmadu đều đổ xô ra đường.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc nói có gần một triệu trẻ em đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp.

Các cư dân thủ đô Nepal đêm qua đã phải ngủ lại trên đường phố vì lo sợ xảy ra thêm các cơn dư chấn sau trận động đất.

Ông Milan Rasieli, một cư dân ở Kathmandu, cho biết:

“Tôi đã ở đây ba ngày qua, nhưng chính quyền vẫn chưa làm gì cả. Tối qua mưa rơi và tất cả chúng tôi đều bị ướt nhẹp, kể cả trẻ em. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền giúp đỡ, nhưng họ cứ nói là sẽ tới trong nửa giờ đồng hồ nữa, nhưng mà chẳng ai tới cả”.

Các hệ thống thông tin liên lạc từ các vùng nông thôn đã bị trận động đất cắt đứt.

Con số thương vong dự kiến sẽ còn tăng khi liên lạc được thiết lập tới các vùng này.

Ông Matt Darvas, điều phối viên của nhóm đối phó với thảm họa động đất của tổ chức World Vision nói:

“Thật là hết sức khó khăn. Kể cả lúc yên bình nhất, những ngôi làng này cũng rất khó tiếp cận. Có những đường đất mà chỉ xe kéo 4 bánh mới có thể đi qua. Họ quen với nhiều trận lở đất mỗi năm, và mỗi một trận có thể làm cho một con đường bị chặn ngay lập tức, khiến cho một ngôi làng hoàn toàn bị cô lập. Những ngôi làng đó nằm cheo leo trên các sườn núi và vách đá.”

Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật rằng các quan chức cứu hộ ở Kathmandu nói rằng họ “quá tải” với các yêu cầu hỗ trợ và cứu hộ trên khắp cả nước.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm thứ Bảy, cách Kathmandu 80 km về phía tây bắc, phá hủy phần lớn trung tâm lịch sử của thủ đô.

Cơn dư chấn mạnh 6,7 độ richter xảy ra hôm Chủ Nhật nằm trong số ít nhất 18 cơn chấn động với cường độ nhỏ hơn làm rung chuyển Kathmandu kể từ thứ Bảy.

Trận động đất làm rung chuyển vùng đồi trước trưa thứ Bảy, giờ địa phương, san bằng các di tích lịch sử, cổ kính, xây bằng gạch và gỗ tại thủ đô.

Tin cho hay, ít nhất 180 người đã thiệt mạng khi ngọn tháp mang tính biểu tượng của thành phố là Dharahara, một di sản thế giới của UNESCO, đổ sập.

Về phía đông thủ đô Kathmandu, các trận lở tuyết đã làm rung chuyển núi Everest, điểm cao nhất trên thế giới, làm ít nhất 18 người leo núi thiệt mạng và chôn vùi toàn bộ các địa điểm cắm trại dưới chân núi.

Nhiều người thiệt mạng ở Ấn Độ. Bangladesh, Bhutan và một số nơi dọc theo vùng biên giới hẻo lánh giữa Nepal và Trung Quốc cũng thông báo thêm về thương vong.

Hoa Kỳ đã ngay lập tức cam kết khoản cứu trợ thảm họa 1 triệu đôla và triển khai nhóm cứu hộ động đất tinh nhuệ có trụ sở ở Virginia.

Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết ba tấn hàng cứu trợ và 40 thành viên của nhóm ứng phó thảm họa quốc gia của nước này đã bay tới Nepal. Nước này cũng đang tiến hành sơ tán công dân bằng đường hàng không.

Trung Quốc, Đức, Canada và Israel nằm trong số các quốc gia triển khai các nhân viên ứng phó thảm họa tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Trận động đất xảy ra hôm thứ Bảy mạnh nhất ở Nepal trong vòng 81 năm. Năm 1931, một cơn địa chấn mạnh hơn đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng. - VOA
|
|

3.
TT Afghanistan thăm Ấn Độ sau khi bắt nhịp cầu với Pakistan, TQ

Chuyến đi thăm Ấn Độ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm nay đã bị hoãn lại vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra giao tranh ác liệt tại miền bắc Afghanistan. Chuyến đi của ông Ghani đến New Delhi hy vọng sẽ mang lại kết quả là Ấn Độ mở rộng vòng tay với nhà lãnh đạo mới của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tổng thống Afghanistan đã củng cố quan hệ với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc. Thông tín viên Anjana Pasricha tường thuật từ thủ đô Ấn Độ.

Dù Ấn Độ đã xây dựng được mối liên hệ đáng kể trong suốt thời gian cai trị của cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hiện nay sẽ gặp nhà lãnh đạo Afghanistan, người đã ra chỉ dấu cho thấy có những ưu tiên mới khi ông đi thăm Bắc Kinh và Islamabad trước khi đến New Delhi.

Một số nhà phân tích nói Kabul thất vọng vì Ấn Độ đã chậm chạp đối với yêu cầu của Afghanistan về cung cấp trang bị quân sự và trợ giúp chiến đấu trong nhiệm kỳ của ông Karzai.

Trong tháng này Ấn Độ đã chuyển giao cho Kabul 3 máy bay trực thăng quân sự, nhưng không đồng ý về một danh sách dài các khí tài quân sự trong đó có cả xe tăng.

Giới lãnh đạo mới ở Kabul được biết đã ngưng yêu cầu này lại. Tổng thống Ghani cũng đã có thay đổi đáng kể trong mối quan hệ với Pakistan. Việc này đưa đến một số quan ngại là Ấn Độ đang mất dần ảnh hưởng đối với Afghanistan.

Ông Manoj Joshi, thuộc Quỹ Nghiên cứu Người quan sát tại New Delhi, nói Afghanistan không thể không cần sự hỗ trợ của Pakistan trong những cuộc thương thuyết với phe nổi dậy Taliban.

“Ấn Độ có những giới hạn về mặt địa lý. Thứ hai là việc những quốc gia như Hoa Kỳ vào lúc này có lẽ quyết định nỗ lực thuyết phục Pakistan đóng một vai trò tích cực. Do đó tôi nghĩ Ấn Độ đã có một bước lùi. Tuy nhiên điểm chính là vai trò của Ấn Độ luôn luôn có giới hạn.”

Tuy nhiên, những chuyên gia như ông Joshi cũng nói là sự lo ngại về việc Ấn Độ bị gạt ra bên lề tại Afghanistan đã bị phóng đại quá đáng vì New Delhi sẽ tiếp tục có vai trò chính yếu trong việc tái thiết Afghanistan.

Trong 15 năm qua, Ấn Độ đã tiêu 2 tỉ đô la để xây dựng đường xá, xa lộ, những đường giao thông khác, trường học và ngay cả tòa nhà quốc hội Afghanistan.

Ông Sukh Deo Muni là một nhà phân tích về Nam Á thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng tại New Delhi cho biết:

“Ấn Độ có vai trò trong lãnh vực phát triển. Ấn Độ có vai trò về mặt củng cố khả năng của Afghanistan bằng cách huấn luyện nhân sự và những phương thức khác để trợ giúp cho nước này.”

New Delhi cũng có thể loan báo những biện pháp như hợp tác nhiều hơn nữa trong việc huấn luyện các lực lượng phòng vệ Afghanistan.

Hai bên cũng sẽ thảo luận về những hiệp ước quá cảnh có thể giúp phát triển mậu dịch. New Delhi đã ra chỉ dấu muốn tham gia thỏa thuận quá cảnh song phương giữa Kabul và Islamabad có thể nối liền Ấn Độ với Afghanistan xuyên qua Pakistan, nhưng mối quan hệ không thuận lợi với Islamabad có thể là một trở ngại.

New Delhi cũng hy vọng sớm ký được một thỏa thuận với Tehran để phát triển Cảng Chabahar ở vùng đông nam Iran. Cảng này có thể giúp Ấn Độ tiếp cận được Afghanistan nằm trong đất liền và vùng Trung Á qua ngả Iran.

Môn cricket được say mê tại Nam Á cũng sẽ được thảo luận. Nhà lãnh đạo Afghanistan muốn Ấn Độ xây dựng một sân vận động để Kabul có thể tổ chức được những trận đấu cricket. Afghanistan là quốc gia mới nhất trong số các nước mà môn cricket được cả nước hâm mộ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Đài ABC: Mỹ đang duyệt xét về chính sách trả tiền chuộc con tin

Một hệ thống truyền hình Mỹ tường thuật rằng chính quyền Tổng thống Obama đang duyệt xét một thay đổi quan trọng trong chính sách, liên quan đến việc trả tiền chuộc các con tin người Mỹ.

Kênh truyền hình tin tức ABC, hôm Chủ nhật loan tin rằng những gia đình tìm cách điều đình trả tiền chuộc cho thân nhân bị cầm giữ ở nước ngoài sẽ không còn bị truy tố về tội giao dịch với khủng bố.

Theo ABC, sự thay đổi này là do khuyến nghị của nhóm cố vấn Toà Bạch Ốc - Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia 

Một viên chức Mỹ nói với đài truyền hình, “Bất cứ thân nhân của một người Mỹ bị giữ làm con tin ở nước ngoài, chính họ sẽ hoàn toàn không còn phải đối mặt với án tù hay thậm chí bị đe doạ truy tố vì tìm cách giải thoát cho người thân.”

Bà Diana Foley, mẹ của ông James Foley, ký giả bị nhóm Nhà nước Hồi giáo chặt đầu hồi năm ngoái, nói với đài ABC rằng các viên chức Mỹ đe dọa gia đình bà là họ sẽ vi phạm các tội hình sự nếu tìm cách quyên tiền để giải thoát cho con.

Toà Bạch Ốc bác bỏ các lời cáo buộc và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Jonh Kerry nói ông “thực sự sửng sốt” về lời tố cáo này.

Chính quyền Tổng thống Obama chưa bình luận gì về tường thuật của đài ABC. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tổng thư ký ASEAN chỉ trích dự án 'lấn biển xây đảo' của TQ ở Biển Đông

Thủ Tướng Malaysia khẳng định ASEAN sẽ duy trì hướng tiếp cận ôn hoà để giải quyết vấn đề Biển Đông trong khi Tổng Thư Ký ASEAN khẳng định các dự án lấn biển xây đảo của Trung Quốc đi ngược lại một thoả thuận giữa Trung Quốc và ASEAN.

Lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, tuyên bố rằng các nước hội viên ASEAN sẽ duy trì phương hướng tiếp cận ‘không đối đầu’ trong nỗ lực gấp rút hình thành một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển COC ở Biển Đông.

Hãng tin Bloomberg hôm nay thuật lời của Thủ Tướng Najib Razak nói chuyện với các nhà báo tại Kuala Lumpur hôm nay, nói rằng phương hướng tiếp cận có tính hoà dịu đó đã tỏ ra ‘rất hiệu quả’ trong việc bảo đảm không có căng thẳng với Trung Quốc.

Tin Bloomberg nói ông Razak đưa ra bình luận vừa kể trong cương vị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, mặc dù Tổng Thống Philippines cùng lúc nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng các hoạt động cải tạo đất xây đảo quy mô lớn của Trung Quốc đặt ra một mối nguy cho tình hình an ninh và sự ổn định của khu vực, đồng thời cản trở quyền tự do thương mại của các tàu bè quốc tế sử dụng thuỷ lộ này.

Ông Najib nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi sự tham gia của Trung Quốc theo đường lối có tính cách xây dựng, và Trung Quốc hiểu vị thế của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục Trung Quốc rằng duy trì thái độ không đối đầu với ASEAN cũng phục vụ lợi ích của Trung Quốc, và bất cứ cố gắng nào nhằm gây bất ổn cho khu vực này, cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc.”

Về các công trình lắp đất xây đảo trong các vùng biển tranh chấp, Thủ Tướng Malaysia nói “tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế phải là nền tảng quy định mọi quy luật và hành động trong Biển Đông” , nhưng ông Najib không nêu lên chi tiết các sự cố đã làm leo thang những căng thẳng với Trung Quốc.

Nhưng tương phản với thái độ hoà dịu của Thủ Tướng nước chủ nhà, hôm qua, Tổng Thư Ký ASEAN nói khối ASEAN bác bỏ việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ do họ vẽ ra để tuyên bố chủ quyền các vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh công tác cải tạo đất xây đảo trong các vùng biển này.

Tờ Wall St. Journal trích lời ông Lê Lương Minh, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, nói rằng các nước ASEAN 'không thể chấp nhận cái đường 9 đoạn bởi vì nó không phù hợp với luật quốc tế'.

Tổng Thư Ký ASEAN nói rằng đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra trên các bản đồ của nước này, và những công trình xây đảo của Trung Quốc đi ngược lại một thoả thuận đã đạt được cách đây 13 năm giữa Trung Quốc với ASEAN.

Ông Minh nói ASEAN sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển về cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông.

Hôm Chủ nhật, Philippines cũng lên tiếng kêu gọi các nước hội viên ASEAN khác hãy có những bước tức thời để ngăn chận các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cảnh báo rằng không làm điều đó thì Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn thể khu vực trên thực tế.

Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các vị tương nhiệm trong khối ASEAN rằng khu vực ASEAN phải 'đứng lên thách thức Trung Quốc về các hành vi cải tạo đất của nước này'. Ông del Rosario nói việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo đặt ra những mối đe doạ có thực, và ‘không thể bị làm ngơ vì rõ ràng các động thái đó là nhằm củng cố quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc trên khu vực này.

Hãng tin Reuters sáng hôm nay nói rằng nước chủ nhà Malaysia sẽ nhượng bộ trước áp lực của các nước láng giềng, và sẽ đề cập tới vấn đề lấn đất xây đảo trong Biển Đông, nói rằng hành động đó có thể phương hại tới hoà bình, an ninh và tình hình ổn định trong khu vực, trong dự thảo Tuyên bố chung sẽ được công bố sau hội nghị hôm nay.

Hôm 17/3, Phó Đô Đốc Robert Thomas chỉ huy Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ nói rằng các nước Á Châu nên thành lập một lực lượng hỗn hợp để tuần tra Biển Đông.

Cuộc tranh chấp Biển Đông hồi gần đây đã trở thành một điểm nóng trên thế giới, làm dấy lên quan ngại giữa lúc 10 nước ASEAN đang tìm cách thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN trước cuối năm nay.

Thủ Tướng nước chủ nhà Hội nghị ASEAN nói khối này phải xử lý các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng. Ông nói 'một khối ASEAN bị xâu xé vì những tranh chấp nội bộ không thể nào trở thành một cộng đồng thực thụ'.

Ông Najib nói dự kiến tổng GDP của toàn khối ASEAN sẽ tăng lên tới 4 nghìn tỉ đôla trong 5 năm, so với 2,5 nghìn tỉ hiện nay. Các giới chức ASEAN đang làm việc để tạo điều kiện cho sự luân lưu tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn tư bản và lao động, trong khuôn khổ một kế hoạch hình thành một khối tương tự như Liên Hiệp Âu Châu, nhưng không sử dụng một đơn vị tiền tệ chung. - VOA
|
|

6.
VN, Philippines lên tiếng về 'sự sách nhiễu' của TQ ở Biển Đông

Tổng Thống Philippines Benigno Aquino cùng Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan tâm về những hành động sách nhiễu của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trang mạng GMA hôm nay trích dẫn một thông báo hôm thứ Hai của Bộ trưởng Thông tin Philippines Herminio Coloma Jr., cho hay ông Benigno Aquino và ông Nguyễn Tấn Dũng đã gặp nhau vào tối Chủ nhật bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26.

Được biết trong cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo Việt Nam-Philippines đã mang các trường hợp bị Trung Quốc quấy nhiễu trong Biển Đông ra so sánh với nhau.

Ông Coloma tường thuật rằng cả hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng những sự việc đó đã làm tăng tình hình căng thẳng trong các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Dịp này, Tổng Thống Philippines và Thủ Tướng Việt Nam còn bày tỏ “quan tâm về các hoạt động cải tạo đất do Trung Quốc thực hiện tại một số đảo trong Biển Đông, nói rằng những hành động đó vi phạm Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên trong Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN hồi năm 2002.”

Cũng trong cuộc gặp gỡ, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu và được ông Aquino đồng ý đẩy nhanh việc xét xử các ngư dân Việt Nam bị bắt sau khi đánh cá ngoài khơi đảo Sulu hồi năm 2012.

Một thông báo do Bộ trưởng Thông tin Philippines phổ biến sau đó cho biết là sau khi lắng nghe yêu cầu của Thủ Tướng Việt Nam, Tổng Thống Aquino nói ông sẽ "chỉ thị Bộ Tư Pháp Philippines đẩy nhanh vụ án xét xử 31 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Sulu vì các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp".

Cũng được hai nhà lãnh đạo mang ra bàn luận là một đề tài gây nhiều chú ý mới đây: (đó là) cuộc đối thoại về quan hệ đối tác chiến lược, và việc hợp tác về buôn bán gạo.

Lãnh đạo của hai nước đối đầu gay gắt nhất với Trung Quốc trong cuộc tranh giành chủ quyền Biển Đông cam kết sẽ nỗ lực làm việc để đạt một Bộ Quy tắc Ứng xử - tức COC - có tính ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và AESAN, dựa trên nguyên tắc “tự chế và tránh leo thang tranh chấp”.

Cách đây hai tuần, một tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng để xua đuổi các ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn Panatag, làm bị thương một ngư dân Philippines.

Năm ngoái, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công một số tàu của cảnh sát biển Việt Nam, buộc các tàu này phải đáp trả.

Trong vụ đụng độ được coi là nghiêm trọng nhất giữa Hà Nội và Bắc Kinh cho tới thời điểm đó, Việt Nam còn tố cáo rằng tàu của Trung Quốc cố tình đâm va hai tàu của cảnh sát biển Việt Nam trong một vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển mà Hà Nội cho là thuộc chủ quyền của Việt Nam. - VOA


Sunday, April 26, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 26/4

Tin Thế Giới

1.
Động đất Nepal: Hơn 2.000 người chết, chính quyền kêu gọi quốc tế hỗ trợ

Hôm qua, 25/04/2015, một vụ động đất với cường độ 7,9 độ Richter tại Nepal đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, và gần 5.000 người bị thương, theo thông tin gần nhất. Đây là vụ động đất nghiêm trọng nhất tại quốc gia Nam Á này kể từ hơn 80 năm nay. Cứu trợ quốc tế đang bắt đầu được huy động. Hiện tại nhiều khu vực bị cô lập và rất ít thông tin về tình hình tại các làng gần tâm chấn động đất, cách thủ đô Katmandou 80 km.

Theo cảnh sát Nepal, ít nhất 1.953 người chết tại Nepal. 53 người thiệt mạng tại miền bắc Ấn Độ, và 17 người tại Tây Tạng, theo các thông tin chính thức. Con số tổn hại nhân mạng chắc chắn sẽ còn tăng lên. Theo ông Gilbert Potier, giám đốc điều hành của Tổ chức Y sĩ Thế giới (Medecins du Monde), "với các vụ động đất có cùng cường độ, sẽ có khoảng từ 5.000 đến 20.000 người chết, và số người bị thương gấp từ hai đến năm lần".

Các ê kíp nhân đạo tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn để ước lượng được mức độ hủy diệt và các nhu cầu cứu trợ. Theo người phụ trách cấp cứu của tổ chức Y sĩ Không biên giới, Laurent Sury, việc quan trọng hiện nay là "khẩn trương chăm sóc người bị thương. Còn trên thực tế, phần lớn việc tìm kiếm người bị nạn do các cư dân địa phương thực hiện là chính, với các phương tiện rất ít ỏi của họ". Theo một người phụ trách tìm kiếm, hiện còn rất nhiều người đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát.

Hàng nghìn người dân ở thủ đô Katmandou phải qua đêm bên ngoài, dưới trời mưa giá lạnh, vì sợ nhà cửa sụp đổ do các dư chấn. Chỉ riêng tại Katmandou, đã có ít nhất 700 người chết hôm qua. Sáng nay, đã xảy ra nhiều dư chấn, trong đó trận mạnh nhất là 6,7 độ Richter, làm rung chuyển cả New Delhi.

Chính quyền Nepal dự kiến lập các lều tạm cư, mở trường học và công sở để đón tiếp những người bị nạn. Hiện tại các bệnh viện đã quá tải, rất nhiều hoạt động chăm sóc người bị thương phải làm ở bên ngoài.

Động đất còn gây tuyết lở gần đỉnh Everest, khiến ít nhất 17 người leo núi thiệt mạng.

Hôm qua, Bộ trưởng Thông tin Nepal tuyên bố "chúng tôi cần một sự ủng hộ lớn và rất nhiều cứu trợ". Nhiều quốc gia ngay lập tức đã đáp ứng. Hoa Kỳ hứa giải ngân một triệu đô la cho các nhu cầu khẩn cấp, và sẽ gửi một ê kíp cứu nạn. Sáng nay, Úc tuyên bố khoản viện trợ đặc biệt 5 triệu đô la. Nhiều chuyên gia Liên Hiệp Châu Âu đang đến các vùng bị nạn. Các quốc gia Châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha sẽ gửi đoàn cứu trợ trong những ngày tới. Các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Chữ thập đỏ và Y sĩ Thế giới cũng đã đưa nhiều ê kíp đến nơi. Ấn Độ đã đưa 2 phi cơ vận tải quân sự hỗ trợ, còn Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đóng góp một ê kíp cứu nạn với chó chuyên nghiệp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, để xác định các nhu cầu hỗ trợ tài chính. - RFI
|
|

2.
Australia và New Zealand kỷ niệm 100 năm Ngày ANZAC

Số người Australia và New Zealand đông kỷ lục đã tụ tập vào tảng sáng hôm Thứ Bảy để đánh dấu kỷ niệm 100 năm cuộc đổ bộ bất thành trong thời thế chiến thứ nhất ở Gallipoli, là nơi giờ đây thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài giờ sau đó tại Gallipoli, Thái tử Charles của Anh cùng với các vị thủ tướng của Australia và New Zealand đã nói tới sự anh dũng của các quân nhân trong lúc những khách viếng thăm tụ tập gần các chiến trường xưa.

Mục đích của cuộc tấn công do Anh dẫn đầu ngày 25 tháng Tư, 1915 là mở một con đường tới Hắc Hải cho hải quân đồng minh và chiếm Constantinople, thủ đô của Đế quốc Ottoman, đồng minh của Đức trong đệ nhất thế chiến. Chiến dịch này kéo dài 8 tháng, gây tử vong cho hơn 45.000 binh sĩ của phe đồng minh trước khi bị thất bại. Số binh sĩ của Ottoman bị thiệt mạng cao khoảng gấp đôi.

Kể từ đó, Ngày ANZAC (Australia, New Zealand Army Corps) được dùng làm ngày truy điệu cho tất cả các binh sĩ Australia và New Zealand hy sinh trong mọi cuộc chiến tranh và xung đột.

Ngày này được kiều dân Australia và New Zealand trên thế giới tưởng niệm với những buổi lễ trang nghiêm và những cuộc tuần hành vào tảng sáng, khi cuộc đổ bộ lúc đầu được thực hiện. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama pha trò tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc

"Chào mừng qúy vị đến với hiệp bốn của nhiệm kỳ tổng thống của tôi," Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói đùa như vậy hôm thứ Bảy tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc.

Dạ tiệc được tổ chức hàng năm này là dịp để tổng thống tham gia những chuyện đùa và tự chế giễu về những chỉ trích gay gắt nhất mà ông gặp phải.

"Đã qua 6 năm làm tổng thống, dân chúng vẫn nói tôi là kiêu ngạo. Xa lánh. Hạ mình," ông Obama nói. "Dân chúng thật là không biết nói. Đó là lý do vì sao tôi không tiếp xúc với họ."

Dạ tiệc năm nay do diễn viên hài Cicely Strong của chương trình truyền hình Saturday Night Live dẫn chương trình.

Nữ diễn viên Cicely Strong nói với Tổng thống Obama rằng ông rất giống ca sĩ Madonna, "cả hai đã cống hiến cho đất nước rất nhiều, nhưng hình như còn khoảng một năm rưỡi nữa, là ông phải ngưng lại."

Dạ tiệc của Tòa Bạch Ốc dành cho các thông tín viên bắt đầu được tổ chức vào năm 1914 để tạo điều kiện cho giới ký giả tiếp cận nhiều hơn với Tòa Bạch Ốc và để bày tỏ ủng hộ đối với việc loan tin mạnh mẽ của truyền thông báo chí về tổng thống. - VOA
|
|

4.
Tin tặc Nga xâm nhập hộp thư điện tử của Tổng thống Mỹ

Báo New York Times hôm qua, 25/04/2015, tiết lộ các tin tặc Nga đã xâm nhập được vào một số mạng tin học quan trọng của Phủ Tống thống Mỹ, và có thể đã đọc được nhiều thư từ quan trọng của Tổng thống Barack Obama, nhưng không thuộc loại thông tin được bảo mật.

New York Times thuật lại, theo một số giới chức Nhà Trắng, một số trao đổi của ông Obama đã bị chiếm đoạt, tuy nhiên, bản thân tài khoản thư điện tử của Tổng thống Mỹ thì không bị hacker.

Cho dù không mạng tin học nào của Phủ Tổng thống bị hư hại, các giới chức cũng thừa nhận rằng các mạng bị xâm nhập có chứa nhiều dữ liệu rất nhạy cảm, như thư từ với giới ngoại giao, các dữ liệu liên quan đến việc điều chuyển nhân sự, lĩnh vực lập pháp, lịch làm việc của tổng thống và một số trao đối về chính trị.

Người phát ngôn Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin nói trên. Trước đó, trong tháng 4/2015, Phủ Tổng thống Mỹ đã thừa nhận có một cuộc tấn công như vậy, và khẳng định không có bất cứ thông tin mật nào bị đánh cắp.

Theo New York Times, trên thực tế vụ tấn công có thể là "nghiêm trọng hơn và đáng ngại hơn là những gì được công khai chấp nhận". Vẫn theo tờ báo, các giới chức Nhà Trắng không nói rõ số lượng thư điện tử của Tổng thống có thể đã bị xem trộm, cũng như mức độ quan trọng của chúng.

Hôm 22/04, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết mạng tin học của Lầu Năm Góc cũng bị tin tặc Nga tấn công gần đây, nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, "vấn đề đã được xác định và một nhóm chuyên gia hàng đầu đã đẩy lùi đối phương". Theo một tài liệu mà Reuters có được, "chiến lược tin học" mới của Bộ Quốc phòng Mỹ coi Nga và Trung Quốc là các đối thủ có những phương tiện và chiến lược hết sức tân tiến, trong khi đó Iran và Bắc Triều Tiên – sở hữu các phương tiện "ít phát triển hơn", nhưng lại thường công khai chống lại các lợi ích của Hoa Kỳ. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Linh mục gốc Việt ở Mỹ đối mặt với tội trốn thuế, lừa đảo

Một linh mục ở giáo phận San Jose, California, mới bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về tội trốn thuế và lừa đảo ngân hàng.

Các công tố viên đầu tuần này nói rằng ông Nguyễn Minh Hiền đã nạp các tấm séc đóng góp của các giáo dân vào tài khoản ngân hàng riêng và không khai báo hơn 1 triệu đôla thu nhập cho Sở Thuế vụ.

Ông Hiền đã làm linh mục tại giáo xứ trên trong hơn 20 năm qua, và nắm giữ nhiều vị trí, trong đó có Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam.

Theo cáo trạng, từ năm 2005 tới 2008, ông Hiền đã yêu cầu các giáo dân đóng góp cho trung tâm này, nhưng sau đó lại nạp ít nhất 14 tấm séc tổng cộng 19 nghìn đôla vào tài khoản cá nhân.

Vị linh mục 55 tuổi còn không khai thuế 1,1 triệu đôla thu nhập cá nhân cho Sở Thuế Vụ trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới 2011.

Ông David Cohen, luật sư của ông Hiền, nói thân chủ của mình đã được các giáo dân đặt lòng tin và trao tiền cho ông cho tới khi ông tìm được một quỹ từ thiện phù hợp để đóng góp.

Ông Cohen nói rằng vì tiền được trao cho ông Hiền nên không phải khai báo đó là tiền thu nhập.

Ông Hiền đã ngưng làm linh mục giáo phận San Jose kể từ cuối năm 2013 vì lý do cá nhân.

Ông bị bắt ở Florida và sẽ phải đối mặt với án tù 35 năm nếu bị kết án. - VOA
|
|

6.
Ít nhất 20 người bị bắt khi tuần hành “Vì một Hà Nội xanh”

Sáng hôm nay hơn ba trăm người tiếp tục tuần hành nhằm phản đối chặt hạ cây xanh lại diễn ra tại bờ hồ và tượng đài Lý Thái Tổ nhưng đã bị công an và lực lượng an ninh ngăn cản, một số người bị bắt. Từ Bangkok, Mặc Lâm của Ban Việt Ngữ chúng tôi trình bày chi tiết vụ việc sau đây.

Cuộc tuần hành diễn ra vào lúc 9 giờ 30 tập trung khoảng 3 trăm người nơi bờ hồ. Trong các biểu ngữ cầm tay ghi những câu chữ giống ba tuần vừa qua như “Vì một Hà Nội xanh” hay “Chúng tôi yêu cầu minh bạch trong việc chặt hạ cây xanh”, “Cứu lấy cây xanh Hà Nội” “Phản đối hành động đê hèn chặt cây xanh Hà Nội”…người tuần hành rất ôn hòa đi theo trật tự và không hề có cuộc chen lấn hay xô đẩy nào.

Chị Hà, một cư dân Hà Nội tham gia tuần hành cho biết:

-Những cái phản đối, phản ứng về vấn đề chặt hạ cây xanh của UBND thành phố vẫn tiếp tục tuần hành để đề nghị sự minh bạch, giải trình đề án chặt hạ cây xanh của thành phố đấy là mục đích của cuộc đi bộ tuần hành hôm nay là như vậy. Mọi người thì cũng như các tuần trước thôi ạ.

Đến 10 giờ hàng chục phụ nữ mặc áo dài đi trong đoàn cùng với các bạn trẻ và cả những người lớn tuổi bất ngờ bị dân phòng, công an và lực lượng an ninh thường phục xông vào dùng sức mạnh đẩy lên xe. Chị Hà cho biết:

-Cuộc tuần hành được một lúc thì công an họ có chặn lại và không cho cuộc tuần hành này tiếp diễn nữa với lý do là làm mất an ninh trật tự công cộng, ảnh hưởng đến giao thông, vì lý do như thế nên chặn lại. Bà con vẫn cứ xuôi rồi lại đi ngược thì đi được một quãng cũng bị chặn rồi quay lại đi ngược một quãng khác cũng bị chặn. Sau đó có một sự chặn quyết liệt rồi có bắt một số người lên xe. Thấy nói rằng mang vể chỗ của quận ủy Long Biên điều đấy có chính xác hay không thì không chắc nhưng thông tin là như vậy.

Một trong những người bị bắt là chị Trần Thị Nga, nổi tiếng do tranh đấu cho nhân quyền trả lời chúng tôi từ nơi tạm giữ:

-Chúng tôi đi rất là ôn hòa một số phụ nữ mặc áo dài nhưng bị lực lượng công an và an ninh mặc thường phục họ bắt, họ dùng bạo lực khống chế chúng tôi và họ bắt đưa lên xe bus và họ đưa về công an của quận Long Biên. Trên xe có cả trẻ con là một cháu bé 4 tuổi rồi có cả người già 7-80 tuổi. Trên xe có mấy chú mặc thường phục mấy chú đánh đập hai phụ nữ bây giờ họ đưa chúng tôi vào công an và tách hơn hai mươi người chúng tôi mỗi người ra một phòng để làm việc.

Hai ngày trước đây UBND quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội đã ra thông tư nghiêm cấm tập trung tuần hành vì vấn đề cây xanh nhằm giữ gìn an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn Hoàn Kiếm. Song song với lệnh cấm là các cuộc sách nhiễu, tấn công những người từng được xem là đầu tàu trong việc kêu gọi tuần hành. Anh Trịnh Anh Tuấn, tức Gió Lang thang, một bạn trẻ trong nhóm “Vì một Hà Nội xanh” bị côn đồ tấn công với thương tích đầy người. Ông Tô Oanh, một nhà tranh đấu nhân quyền, tham gia tích cực phong trào vì cây xanh cũng bị tấn công dưới hình thức tông xe vào ngày 24 tháng 4 vừa qua.

Tin lúc 3 giờ chiều cùng ngày cho biết công an đã trả tự do cho tất cả những người mà họ đã bắt giữ hồi sáng.

Trong lúc bị bắt, họ được chia ra làm việc với công an từng người một. Chúng tôi liên lạc được với chị Tuyết, một trong khoảng 20 người bị công an bắt, chị Tuyết cho chúng tôi biết như sau:

“Tôi không biết trong các phòng khác thì như thế nào nhưng trong phòng của tôi thì cậu công an tên là Hiệp rất ôn hòa, và tôi cũng ôn hòa. Nhưng khi các cậu ấy vặn vẹo chuyện sai luật pháp, hay qui định này khác thì tôi thẳng thắn phản đối rằng những qui định đó là qui định sai, qui định vi hiến, và Quốc hội Việt nam và Bộ Công an vẫn đang nợ người dân một cái luật biểu tình. Chúng tôi không làm gì sai trái cả, tôi không ký một biên bản nào cả. Họ yêu cầu lăn tay thì tôi nói là tôi không phải là đối tượng vi phạm pháp luật, tôi không phải là đối tượng đang bị điều tra, thế nên tôi sẽ không lăn tay và sẽ không bao giờ lăn được tay tôi. Tôi ra khỏi đồn công an khoảng 2h kém 15, các anh em ở bên ngoài đã đứng đợi và đòi người ở công an quận Long Biên.” - RFA