Wednesday, June 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 7/6

Tin Thế Giới

1.
Iran ủng hộ Qatar, lên án Mỹ gây căng thẳng Trung Ðông --- CNN: Nga đứng sau vụ tin tặc truyền thông Qatar --- Iran: IS nhận trách nhiệm về cuộc tấn công quốc hội và đền thờ Khomeini

Các giới chức Hoa Kỳ tố cáo Iran can thiệp “tiêu cực” vào Syria, và khuấy động căng thẳng tại các nơi khác trong khu vực. Iran cũng liên can đến rạn nứt giữa Qatar với các nước láng giềng. Các cường quốc trong trong thế giới Ả Rập đã cắt đứt quan hệ với Doha hôm thứ Hai 5/6, lên án nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Iran tố cáo Mỹ dựng lên bối cảnh này để leo thang khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh trong chuyến công du mới đây của Tổng thống Donald Trump đến Ả Rập Xê-út. Người dân thường ở thủ đô Tehran bày tỏ lo ngại về việc Qatar bị cô lập hóa.

Một ngày sau khi Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, và các nước vùng Vịnh khác cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, người dân Doha bắt đầu cảm thấy những mặt thiết yếu trở nên khan hiếm.

Một người dân Doha đi chợ kể lại: “Hôm nay tôi ra chợ và nhận thấy thiếu thịt gà tươi, thức ăn quen thuộc của chúng tôi. Do đó chúng tôi phải chuyển sang mua những thứ khác. Tôi thấy hình như sữa tươi cũng trở nên khan hiếm."

Ông Foad Izadi, một nhà phân tích chính trị ở Tehran lên án các nước cô lập Qatar: “Cô lập một quốc gia có chủ quyền là một hình thức chiến tranh. Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Iran mưu tìm cơ hội để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Đây có thể là một cơ hội để Iran tạo dựng quan hệ tốt hơn với chính phủ Qatar bởi vì cả hai đều bị các nước láng giềng ở phía nam, phía đông và phía tây cô lập. Cửa còn lại duy nhất cho họ là ở phía bắc, ở đó có Iran.”

Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Adel bin Ahmed Al-Jubeir hôm thứ Ba bênh vực các biện pháp của nước ông đối với Qatar:

“Chúng tôi muốn nói rõ với mọi người rằng Iran là một thế lực chuyên gây bất ổn, Iran là một thế lực gây hỗn loạn, Iran là một thế lực gây chết chóc và tàn phá, và các chính sách của Iran đã châm ngòi cho bạo động giáo phái ở Trung Ðông, tham vọng của Iran là muốn khôi phục đế chế Ba Tư để trị vì các nước Trung Ðông và bành trướng trong khu vực, và đó là những chính sách không thể chấp nhận được."

Nhưng một công chức Iran, ông Amir-Hussein Asghari, đỗi lỗi cho Mỹ gây ra những rạn nứt ở Trung Ðông:

“Theo tôi thì Mỹ chính là kẻ chủ mưu của mọi chuyện ở đây. Mỹ luôn âm mưu gây xung đột giữa các nước trong khu vực để họ bán vũ khí."

Các dịch vụ giao thông vận tải đến Qatar bị cắt đứt từ mọi hướng trừ phía bắc, Qatar nay phải quay sang Iran và Iraq cho dịch vụ giao thông vận chuyển xuyên biên giới của họ. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm thứ Ba nói rằng nước ông sẽ không ngã về một bên nào trong những bất đồng này. - VOA

***
Tin tặc Nga có thể đứng sau vụ tấn công nhắm vào hãng thông tấn quốc gia Qatar vào cuối tháng 05/2017, khiến quan hệ các nước trong vùng trở nên căng thẳng và Qatar bị cô lập. Thông tin trên được đài CNN của Mỹ đưa vào tối 06/06/2017 dựa trên nguồn tin từ một số nhà điều tra Mỹ.

Hãng tin Reuters, trích thông tin của CNN, cho biết, với vụ tin tặc này, Nga muốn đạt mục đích gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh Trung Đông.

Ngày 07/06, điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và cho biết « chán ngán » phải đưa ra phản ứng đối với những lời tấn công « vô căn cứ ». Cố vấn Andreï Kroutskikh của tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh : « Những cáo buộc này làm mất uy tín của chính những người đưa ra".

Cuộc điều tra do FBI tiến hành theo yêu cầu của Qatar, nhằm giúp xác định nguồn gốc « vụ tin tặc » nhắm vào QNA sau khi website của hãng thông tấn này đăng tuyên bố, được cho là của lãnh đạo Qatar Cheik Al Thani, yêu cầu xem Iran là bạn chiến lược hơn là kẻ thù. Chính quyền Doha khẳng định là nạn nhân của « tin tặc ».

Pháp-Mỹ kêu gọi các nước Vùng Vịnh « đoàn kết »

Cũng trong ngày 06/06, sau khi ủng hộ cô lập Qatar vì cho rằng vương quốc vùng Vịnh này yểm trợ khủng bố, tổng thống Mỹ lại kêu gọi « đoàn kết » giữa các nước trong vùng trong cuộc điện đàm với Quốc Vương Ả Rập Xê Út Salman.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước Vùng Vịnh « đoàn kết và tương ái », đồng thời tuyên bố sẵn sàng ủng hộ « mọi ý tưởng nhằm giảm căng thẳng ». Cả Ai Cập, quốc gia ủng hộ cô lập Qatar, đều là bạn hàng mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào năm 2015.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhắm vào Qatar. Trong diễn văn ngày 06/06 trước các đại sứ tại Ankara, ông Erdogan hy vọng « phát triển » quan hệ với Qatar, quốc gia đang bị 6 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, gồm Ả Rập Xê Út, Bahrein, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập, Yemen và Mauritania.

Ngày 07/06, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn đi xa hơn khi đưa ra lệnh cấm mọi hình thức ủng hộ Qatar với hình phạt có thể lên tới 15 năm tù, theo một tờ báo địa phương, được Reuters trích dẫn. - RFI

***
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm về hai cuộc tấn công gây nhiều chú ý, nhắm vào quốc hội Iran và đền thờ lãnh tụ quá cố Ayatollah Ruhollah Khomeini.

Tuyên bố nhận trách nhiệm của IS được hãng tin Amaq của nhóm loan báo hôm 7/6, vài giờ sau khi các cuộc tấn công bắt đầu.

Tin tức từ Iran nói tham gia cuộc tấn công vào đền thờ, có 3 tay súng và một kẻ đánh bom tự sát, người này đã giết chết ít nhất một người và làm bị thương nhiều người. Tin cho biết cảnh sát đã bắt một trong những kẻ tấn công và giết chết một kẻ khác.

Tại tòa nhà quốc hội Iran, một kẻ đánh bom tự sát đã ra tay bên trong tòa nhà, trong một cuộc tấn công có phối hợp với ba tay súng. Báo chí cho biết một nhân viên an ninh đã bị giết chết và nhiều người bị thương.

Tổ chức Hồi giáo cực đoan này đang giao chiến với các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iran. Họ coi đa số tín đồ theo giáo phái Shia là những kẻ phản bội, bỏ đạo. - VOA
|
|

2.
Hàn Quốc trì hoãn triển khai THAAD

Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Moon Jae-in nhận ra rằng tăng cường hoạt động ngoại giao và vận dụng luật pháp không mà thôi sẽ không giải quyết được thế tiến thoái lưỡng nan mà ông đang đối mặt liên quan tới Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối – gọi tắt là THAAD.

Ông Moon ủng hộ giải pháp mời gọi Bắc Hàn tham gia, và một lối tiếp cận ít đối đầu hơn để giảm căng thẳng với miền Bắc về chương trình hạt nhân của họ, so với Tổng thống tiền nhiệm có khuynh hướng bảo thủ, bà Park Geun-hye, người đã bị luận tội liên quan đến một vụ tai tiếng tham nhũng nhiều triệu đôla.

Hệ thống THAAD là một phép thử về chiến lược của Tổng thống Moon nhằm giảm căng thẳng trong khu vực bằng cách cân bằng sự hỗ trợ mạnh mẽ cho liên minh Hoa Kỳ với việc tăng cường hợp tác, vươn tới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Washington coi hệ thống phòng thủ phi đạn tiên tiến THAAD, là cách để chống lại khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang phát triển của Bắc Hàn. Bác bỏ hệ thống THAAD có thể gây căng thẳng trong liên minh Mỹ - Hàn Quốc và phương hại tới chiến lược răn đe và kiềm hãm mà hai bên đã thỏa thuận trước đây.

Nhưng ủng hộ THAAD sẽ làm cho Bắc Kinh và Bình Nhưỡng càng xa lánh Hàn Quốc hơn. Hai nước này chống đối việc triển khai THAAD, vì cho rằng hệ thống này là một nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.

Nhiều người dân sống gần địa điểm lắp đặt THAAD ở một vùng nông thôn Hàn Quốc đã lên tiếng lo ngại về những tác động đối với sức khoẻ do hệ thống radar này đặt ra, họ cũng lo sợ triển khai THAAD trong khu vực sẽ gây nguy hiểm vì họ có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên.

Tuần này, Tổng thống Hàn Quốc đã đình chỉ công tác một phó Bộ trưởng Quốc phòng vì không báo cáo đã nhận thêm bốn bệ phóng THAAD dường như với ý đồ là âm mưu để tránh sự giám sát của chính quyền mới ở Seoul. Ông Moon cũng ra lệnh tiến hành nghiên cứu về môi trường tại vị trí triển khai THAAD. Việc này có thể trì hoãn lịch trình triển khai lá chắn tên lửa này.

Hôm thứ tư, bà Kang Kyung-hwa, ứng cử viên do tổng thống chọn vào vị trí Ngoại trưởng kêu gọi Quốc hội thảo luận về vấn đề an ninh quốc gia.

Phát biểu trong buổi điều trần chuẩn thuận, bà Kang nói:

"Điểm mấu chốt của vấn đề THAAD là không công chúng trong nước không được thông tin đầy đủ, cho nên chúng ta không đạt được sự đồng thuận trên toàn quốc."

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên chưa ra dấu hiệu nào cho thấy là họ sẵn sàng ngay cả thảo luận việc tạm đình chỉ các cuộc thử tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.

Chính quyền của Tổng thống Moon cho đến nay cho thấy là họ vẫn giữ vững lập trường bất chấp sự phản kháng ban đầu đối với các nỗ lực của họ. Tân ngoại trưởng vừa được đề cử hôm 7/6 nói chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi cả các biện pháp trừng phạt lẫn viện trợ nhân đạo để mang lại thay đổi ôn hòa trên bán đảo Triều Tiên. - VOA
|
|

3.
Các Lực lượng Dân chủ Syria tổng tiến công đánh chiếm Raqqa

Các lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn hôm 6/6 đã ào ạt tiến vào Raqqa, thành phố được Nhà nước Hồi giáo coi như thủ đô trên thực tế của họ, làm bùng ra cuộc giao tranh dữ dội, báo hiệu điểm khởi đầu của chiến dịch mà liên minh do Mỹ lãnh đạo nói rốt cuộc sẽ chấm dứt quyền kiểm soát của IS tại thành phố đang bị vây hãm này.

Các cấp chỉ huy các Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd cầm đầu cho biết trận chiến hôm thứ ba - trận đầu tiên bên trong thành phố trong nhiều tháng trời - cho thấy là cuộc chiến còn kéo dài và sẽ có nhiều tổn thất.

Bà Clara Raka, Chỉ huy trưởng Lực lượng Dân chủ Syria nói:

"Raqqa là thủ phủ của phiến quân Daesh (Nhà nước Hồi giáo) ở Syria, vì vậy họ đã chuẩn bị rất kỹ cho trận chiến này. Họ đào đường hầm, đặt mìn, chuẩn bị xe gài bom và những kẻ đánh bom tự sát, họ đã chuẩn bị rất chu đáo cho trận đánh này, cả dưới lòng đất và trên bộ. Chúng tôi sẽ đối mặt với những thách thức này vì chúng tôi cũng đã chuẩn bị tốt ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu:

"Hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố giết thường dân, thanh tẩy chủng tộc và áp lực tất cả những ai có quan điểm khác biệt, trên thực tế đã buộc chúng ta sống như trên một quả bom đã tháo chốt an toàn. Những người biện minh cho các tổ chức khủng bố vì các chính sách khu vực của họ, miêu tả những kẻ khủng bố ấy là lực lượng dân quân, thay vì có lập trường dứt khoát với chúng, sẽ sớm nhận ra họ đã phạm một sai lầm vô cùng nghiêm trọng."

Số thương vong trong vụ tấn công không được báo cáo, nhưng các viên chỉ huy người Kurd cho biết họ nghe nói IS đang cầm giữ hàng ngàn thường dân để làm bia đỡ đạn. Được biết IS đã cắt điện và đóng cửa các quán cà phê Internet trong thành phố. Uớc lượng dân số của thành phố hiện nay là vào khoảng 200.000 người, mặc dù số liệu này chưa được kiểm chứng.

Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết, một khi tái chiếm được thành phố Raqqa, thành phố này sẽ được bàn giao cho thường dân ở địa phương, chứ SDF - Các lực lượng Dân chủ Syria - không chiếm giữ thành phố này. - VOA
|
|

4.
Mỹ: Trung Quốc tăng cường xây căn cứ ở nước ngoài --- Mỹ: Trung Quốc xây nhà chứa chiến đấu cơ và đặt vũ khí cố định ở Biển Đông

Pakistan có thể là một địa điểm để Trung Quốc đặt căn cứ trong tương lai, theo phúc trình của Ngũ Giác Đài vừa công bố ngày 6/6, trong đó dự đoán Bắc Kinh có phần chắc sẽ xây thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài sau khi lập cơ sở ở Djibouti, Châu Phi.

Báo cáo dài 97 trang đệ trình sang Quốc hội Mỹ xem xét những bước tiến của quân đội Bắc Kinh trong năm 2016.

“Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ lập thêm các căn cứ quân sự tại nhũng nước mà họ có quan hệ hữu nghị lâu dài và có cùng chung lợi ích chiến lược như Pakistan,” phúc trình nêu rõ.

Pakistan, báo cáo nói, đã trở thành thị trường chính ở Châu Á-Thái Bình Dương đối với võ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Khu vực này chiếm 9 tỷ đô la trong tổng số 20 tỷ đô la xuất khẩu võ khí của Bắc Kinh từ 2011-2015.

Năm ngoái, Trung Quốc ký thỏa thuận với Pakistan bán thêm 8 tàu ngầm nữa.

Phúc trình của Ngũ Giác Đài dự đoán hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và sản xuất có thể đạt khả năng hoạt động sơ khởi vào năm 2020. - VOA

***
Theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ gởi Quốc Hội hôm qua, 06/06/2017, Trung Quốc đang xây các nhà chứa chiến đấu cơ và các vị trí đặt vũ khí cố định, cùng với nhiều cơ sở quân sự khác trên ba đảo chính mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.

Trong báo cáo thường niên về những phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết là Trung Quốc đang tập trung xây dựng tại ba tiền đồn lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi xây dựng xong, các cơ sở trên 3 đảo nói trên có thể chứa đến 3 trung đoàn chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại rằng năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay ở Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, cũng như cho hạ cánh một máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập để di tản các nhân viên bị thương. Theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, như vậy là Bắc Kinh đang cố làm thay đổi nguyên trạng vùng biển đang tranh chấp.

Lầu Năm Góc nhận định: « Mặc dù việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo không giúp củng cố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh sẽ dùng các đảo đó như là những căn cứ dân sự và quân sự thường trực để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và củng cố khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển lân cận ».

Tuy nhiên, tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ nhận xét rằng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn khi nói về bản đồ đường « lưỡi bò » trên báo chí chính thức.

Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, theo thẩm định của Lầu Năm Góc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm 2016 đã lên tới 180 tỷ đôla, chứ không phải 144,3 tỷ đôla như được thông báo vào tháng 3 năm ngoái. - RFI
|
|

5.
Máy bay Nga chặn máy bay Mỹ trên Biển Baltic

Nga ngày 6/6 đưa một phản lực chiến đấu ngăn chặn một máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ mà Nga cho rằng bay vào không phận biển Baltic gần biên giới Nga, một sự kiện gợi nhớ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sự xuất hiện của máy bay ném bom tầm xa B-52, loại máy bay được đưa vào hoạt động trong những năm 1950, làm cho Moscow khó chịu. Một giới chức Bộ Ngoại giao Nga nói việc xuất hiện của máy bay này tại châu Âu không giúp làm giảm căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Một cựu chỉ huy Không lực Nga gọi hành động này là “thiếu tôn trọng.”

Hệ thống phòng không Nga phát hiện máy bay ném bom Mỹ vào khoảng 10 giờ, giờ Moscow, khi máy bay này bay trên vùng biển trung lập song song với biên giới Nga và Nga đã phái một máy bay phản lực Sukhoi Su-27 bay lên ngăn chặn, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Nga cho biết máy bay SU-27 cất cánh từ đơn vị phòng không thuộc hạm đội Baltic, đặt căn cứ tại Kaliningrad thuộc châu Âu.

Các thành viên NATO như Anh thường xuyên báo cáo đưa máy bay phản lực ngăn chặn máy bay ném bom có khả năng mang bom hạt nhân của Nga bay gần không phận của họ. Nga thường ít báo cáo về việc sử dụng máy bay phản lực của mình với cùng lý do.

Trong một diễn biến khác, Nga cho biết một máy bay phản lực chiến đấu MiG-31 đã ngăn chặn một máy bay tuần tra của Na Uy trên biển Baltic. Bộ Quốc phòng Nga nhận ra chiếc máy bay này là máy bay chống tàu ngầm P-3 Orion.

Bộ Quốc phòng Nga khiếu nại là máy bay Na Uy bay gần biên giới Nga, tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu. Quân đội Na Uy xác nhận vụ này nhưng nói rằng đây là chuyện “bình thường”.

Moscow lo ngại hơn về sự xuất hiện của máy bay B-52.

Thông tấn xã Sputnik dẫn lời một giới chức Bộ Ngoại giao Nga, Mikhail Ulyanov, nói rằng Moscow tin một số máy bay B-52 đã chuyển từ căn cứ ở Louisana sang Anh để tham dự các cuộc tập trận. - VOA
|
|

6.
Kẻ tấn công ở Paris là sinh viên đang làm luận án tiến sĩ

Một phát ngôn viên của chính phủ Pháp hôm 7/6 cho biết người đàn ông đã tấn công nhân viên cảnh sát Paris bằng búa tại nhà thờ Notre Dame là một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ, chưa từng bị nghi ngờ là có tư tưởng cực đoan.

Ông Gerard Collomb, Bộ trưởng Nội vụ Pháp phát biểu:

"Một toán tuần tiễu gồm ba cảnh sát đang làm nhiệm vụ, đặc biệt là để bảo vệ du khách quanh nhà thờ Notre Dame, thì một người đàn ông, tay cầm búa, bất ngờ xông lên từ phía sau, tấn công một nhân viên cảnh sát. Một đồng nghiệp phản ứng ngay nhưng một cách tự chế, anh rút vũ khí ra rồi lập tức nổ súng, để tránh cho người đồng nghiệp không bị thương trầm trọng hơn."

Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb hôm 6/6 cho hay là khi ra tay, người đàn ông hô lớn: "Hành động này là vì Syria".

Nói chuyện với các phóng viên bên ngoài nhà thờ, ông Collomb nói theo thẻ căn cước trên người kẻ tấn công thì hắn ta là một sinh viên Algeria. Ông Collomb nói kẻ tấn công đã hành động đơn độc, và không hành động phối hợp với bất cứ ai.

Cảnh sát lục soát căn hộ của kẻ tấn công và tìm thấy một băng video trong đó hắn tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo.

Cả cảnh sát và kẻ tấn công đều bị thương nhưng không bị de dọa đến tính mạng, và đều được đưa đến bệnh viện điều trị.

Văn phòng công tố viên Pháp cho biết đơn vị chống khủng bố đã tiến hành một cuộc điều tra về vụ tấn công này.

Thủ đô Paris vẫn trong tình trạng báo động an ninh cao sau nhiều vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây, kể cả những vụ tấn công nhắm vào nhân viên thi hành công lực, và nhân viên an ninh. - VOA
|
|

7.
Phi cơ quân sự Miến Điện mất tích

Một phi cơ quân sự Miến Điện, được cho là có trên 100 người trên khoang, đã mất tích, giới chức nói.

Quân đội nói rằng chiếc phi cơ khi đó đang bay giữa Yangon (Rangoon) và thành phố Myeik ở miền nam. Các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ đang được triển khai.

"Việc liên lạc đã bị đột ngột cắt đứt vào lúc khoảng 1:35 chiều (07:05 GMT), khi chiếc máy bay cách thị trấn Dawei khoảng 20 dặm về phía tây," một tuyên bố của quân đội viết.

Có 105 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn trên khoang, một nguồn từ sân bay nói với hãng tin AFP.

Tuy nhiên, phía quân đội không cho biết có bao nhiêu người trên chiếc máy bay vận tải quân sự do Trung Quốc sản xuất.

Các phi cơ và trực thăng quân sự đã được triển khai tới khu vực.

Chiếc máy bay đang bay trên Biển Andaman thì biến mất, theo nội dung tuyên bố. - BBC
|
|

8.
Thủ tướng Anh: TT Trump ‘sai lầm’ khi đả kích thị trưởng London

Thủ Tướng Anh Theresa May hôm Thứ Ba lên tiếng cho rằng Tổng Thống Donald Trump “sai lầm” khi đả kích thị trưởng theo Hồi Giáo đầu tiên của thành phố London, ông Sadig Khan, sau khi xảy ra cuộc tấn công của khủng bố khiến bảy người thiệt mạng.

Bản tin của ABC News cho hay bà May nói với tờ báo The Sun rằng “mối quan hệ với Mỹ là mối quan hệ sâu đậm và quan trọng nhất về mặt quốc phòng và an ninh.”

Tuy nhiên, bà nói thêm, “dù vậy, tôi nghĩ, ông Donald Trump sai lầm trong những gì ông nói về ông Sadiq Khan, liên quan đến cuộc tấn công trên cầu London Bridge.”

Ông Trump bị chỉ trích kịch liệt vì có lời chê bai ông Khan sau cuộc tấn công hôm Thứ Bảy, và lời phát biểu của bà May tạo thêm thế mạnh cho lập luận nói rằng ông Trump vượt qua lằn ranh giới hạn khi gửi tweet hôm Chủ Nhật.

“Ít nhất 7 chết và 48 bị thương trong cuộc tấn công của khủng bố và thị trưởng London nói rằng ‘không có lý do gì để lo ngại!’” bản tweet của ông Trump cho hay.

Những lời phát biểu của thị trưởng London về “lo ngại,” vốn không nhắm vào vấn đề khủng bố, mà là sự tăng cường hiện diện của cảnh sát võ trang trên đường phố sau cuộc tấn công, đã bị diễn dịch sai trái.

Ông Khan nói với dân chúng London rằng: “Người dân London sẽ nhìn thấy sự tăng cường hiện diện của cảnh sát ngày hôm nay cũng như trong vài ngày sắp tới. Không có lý do gì để lo ngại,” bản tin của ABC News cho hay.

Ông Khan cũng khuyến cáo rằng mức độ đe dọa an ninh ở London vẫn tiếp tục trầm trọng, nhưng Tổng Thống Trump không đề cập tới.

“Trầm trọng có nghĩa rằng một cuộc tấn công ở bất cứ nơi nào trong nước là điều rất có thể xảy ra, và do đó tất cả chúng ta phải đề cao cảnh giác,” ông Khan nói.

Trong khi đó, ông Lewis Lukens, quyền đại sứ Hoa Kỳ tại Anh, lại khen ngợi ông Sadiq Khan.

Trong một tweet gởi ra hôm Chủ Nhật, ông Lukens viết rằng: “Tôi xin có lời khen ngợi thị trưởng London, thể hiện sự lãnh đạo đưa thành phố qua khỏi cuộc khủng hoảng này.”

Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai có vẻ muốn làm giảm nhẹ vấn đề này.

“Tôi không nghĩ rằng Tổng Thống muốn gây sự với thị trưởng London,” theo lời phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders, khi lên tiếng trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai về bản tweet của ông Trump. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
‘Watergate ‘thua xa’ vụ tai tiếng về liên hệ Nga-Trump’

Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ James Clapper nói vụ Watergate của những năm 1970 “chẳng thấm vào đâu” so với những cáo buộc là có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với nước Nga.

Lời bình luận của ông Clapper được đưa ra hôm thứ Tư 7/6, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Australia ở thủ đô Canberra.

Ông Clapper phác họa chuyện người Nga đã can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ như thế nào, nhưng ông nói nỗ lực của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 là "chưa hề có tiền lệ, xét về tính trực diện đối đầu và tính hung hăng của nó."

Vụ Watergate là một vụ tai tiếng chính trị vào năm 1972, nổ ra khi FBI bắt giữ những người đột nhập trụ sở của Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate, và tiếp theo đó là vụ bưng bít thông tin, rốt cuộc đã buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào năm 1974.

Ông Clapper lên tiếng một ngày trước khi cựu giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ về những cáo buộc cho rằng có thể có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cửa của Tổng thống Trump với nước Nga.

Đây là lần đầu tiên ông Comey xuất hiện trước công chúng, kể từ khi ông bị Tổng thống Trump sa thải hôm 9/5 vừa rồi. - VOA
|
|

10.
Ông Trump đề cử tân Giám đốc FBI qua Twitter

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Christopher Wray vào chức Giám đốc FBI vào sáng thứ Ba 6/6. Quyết định này không được loan báo trong một tuyên bố chính thức của Tòa Bạch Ốc, hoặc trực tiếp từ Tổng thống Trump, mà là qua trung gian trang Twitter, một kênh thông tin được ông Trump ưa chuộng.

Ông Trump viết trên Twitter, trang mạng xã hội của ông có đến 31.8 triệu người đăng ký nhận tin như sau: "Tôi sẽ đề cử ông Christopher A. Wray, một người toàn hảo và hội đủ các điều kiện vào chức vụ tân Giám đốc FBI."

Việc ông Trump loan báo đề cử ông Wray trên Twitter làm dấy lên những bàn tán về liệu phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc có hay biết gì về quyết định của ông Trump, đề cử tân Giám Đốc FBI qua mạng xã hội như thế này hay không.

Nếu được chuẩn thuận, ông Wray sẽ thay thế ông James Comey, cựu Giám Đốc FBI đã đột ngột bị sa thải hồi tháng trước.

Tin về việc đề cử tân giám đốc FBI được tung ra một ngày trước khi ông Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về liệu ông Trump có tìm cách gây áp lực để ông Comey hủy bỏ cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay không. - VOA
|
|

11.
Tillerson: TT Trump ra lệnh cho tôi xây dựng lại quan hệ Mỹ-Nga

Chỉ còn một ngày trước khi diễn ra cuộc điều trần của giám đốc FBI bị sa thải James Comey trước Quốc hội được được dư luận nóng lòng chờ đợi, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson cho biết Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông phải đẩy mạnh nỗ lực xây dựng lại quan hệ của Mỹ với Nga, và không để bị cản trở bở những xáo trộn từ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Những câu hỏi về cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng của ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đeo bám Ngoại trưởng Tillerson cho đến tận New Zealand.

Ông Tillerson nói rằng tổng thống chỉ thị cho ông phải tiếp tục tập trung vào việc xây dựng lại sự tin tưởng với Moscow, mà ông mô tả là đang ở một điểm thấp:

“Tổng thống nói rõ với tôi rằng đừng để các diễn biến chính trị ở đây cản trở công việc tôi cần phải làm cho mối quan hệ này, và tổng thống chỉ thị rõ ràng với tôi rằng tôi phải xúc tiến với bất cứ nhịp độ nào và trong các lãnh vực mà tôi cảm thấy cần phải thực hiện.”

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói rằng cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là một lãnh vực mà Mỹ và Nga có thể hợp tác:

“Chúng tôi sẽ xác định các lãnh vực cả hai bên cùng quan tâm để có thể cùng làm việc với nhau. Nhưng điều quan trọng cần phải hiểu rằng trong những lãnh vực mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lợi ích của chúng tôi, các giá trị của chúng tôi và các giá trị của các đối tác của chúng tôi.”

Nhưng các cuộc điều tra có nhiều khả năng sẽ gây ra xáo trộn lớn có thể khiến cho Ngoại trưởng Tillerson rất khó tìm được cách thức làm việc với Nga.

Ông Steven Pifer, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận định:

“Tôi nghĩ ông Tillerson sẽ tìm cách thực hiện, nhưng về mặt chính trị thì điều đó không thực tế. Và trong một chừng mực nào đó, chính quyền vẫn đang bị một đám mây mù về những mối quan hệ đáng nghi ngờ với Nga bao phủ. Do đó tôi muốn chỉ ra rằng cách làm này là một đòn tự giáng để tung hỏa mù, bởi vì bản thân tổng thống và Tòa Bạch Ốc thật chẳng may đã xử lý các vấn đề này theo cách khiến cho dư luận nghi ngờ rằng họ đang cố giấu diếm một cái gì đó.”

Ông Pifer nhận định rằng bất cứ một cải thiện nào trong quan hệ Mỹ-Nga đòi hỏi phải có một sự thay đổi lớn trong chính sách Moscow về Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. - VOA
|
|

12.
Trump chặn bình luận trên Twitter: phạm pháp?

Một viện cổ súy cho tự do ngôn luận ngày 6/6 gửi thư cho Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông chớ có ngăn chặn những người sử dụng Twitter bình luận về tin nhắn của Tổng thống trên diễn đàn mạng xã hội này, với lý do hành động ngăn chặn vi phạm Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ.

Tài khoản của Tổng thống Trump trên Twitter gần đây ngăn chặn một số người sử dụng có những lời lẽ phê bình, chỉ trích, mỉa mai, hay bất bình với những dòng tin nhắn của Tổng thống đăng tải trên Twitter.

Người dùng Twitter không thể thấy hay phản hồi những tin nhắn từ ông Trump nếu họ bị ông khóa chặn.

Viện mang tên The Knight First Amendment tại đại học Columbia University ở New York nêu rõ trong thư rằng hành động khóa chặn này của ông Trump vi phạm quyền tự do ngôn luận trên một diễn đàn công cộng vốn được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ.

Tòa Bạch Ốc và công ty Twitter chưa bình luận về vụ này.

Luật sư Alex Abdo của Viện ví Twitter như một diễn đàn hiện đại của hình thức họp bàn với công chúng hoặc lấy ý kiến dân đối với các đề xuất từ cơ quan chính phủ. Cả hai hình thức này, theo luật Mỹ, được xem như cách thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.

Eric Goldman, Giáo sư luật đại học Santa Clara cho biết các vụ việc trước đây liên quan đến những chính trị gia khóa chặn bình luận của người sử dụng trên Facebook ủng hộ quan điểm của Viện Knight.

Giáo sư Goldman nói nếu Viện đâm đơn kiện Tổng thống vi phạm quyền tự do ngôn luận trong vụ này, Tổng thống có thể viện lý do tài khoản trên Twitter của ông là cá nhân, nằm ngoài các công tác chính thống của ông trong cương vị Tổng thống. Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia này, lập luận tự vệ như thế là ‘buồn cười.’ - VOA
|
|

13.
Uber đuổi người vì cáo buộc quấy rối tình dục

Uber đã sa thải hơn 20 người, và đang tiến hành các hành động khác chỉnh đốn nhân viên, sau khi một cuộc điều tra quấy rối tình dục.

Hãng taxi dùng ứng dụng này cho biết quyết định sa thải liên quan đến quấy rốitình dục, bắt nạt và các vấn đề về văn hóa công ty yếu kém.

Uber đã bị chỉ trích về việc hãng đối xử với nhân viên nữ kể từ khi một cựu nhân viên đã viết một bài đăng blog nặng lời về trải nghiệm của mình.

Vụ này khiến phải có hai cuộc điều tra và phanh phui ra 215 khiếu nại về quấy rối và cáo buộc khác.

Uber đã gặp nhiều khó khăn vì các vụ việc gây tranh cãi trong những tháng gần đây, trong đó có phản ứng mạnh về các chiến thuật ganh đua thái quá của công ty và một vụ kiện từ Alphabet, công ty mẹ của Google, về công nghệ bị cáo buộc đánh cắp cho xe ô tô tự lái.

Một loạt chuyên viên cao cấp phải từ chức do vụ việc này, trong đó có một cựu lãnh đạo bộ phận kỹ thuật, người đã không tiết lộ những khiếu nại quấy rối của cựu nhân viên.

Vụ cãi cọ của Tổng giám đốc Travis Kalanick với một tài xế Uber về giá cước hạ cũng gây chỉ trích.

Susan Fowler, người viết blog chỉ trích Uber, nói công ty đã lờ đi khiếu nại quấy rối tình dục cô. Blog được chia sẻ nhiều khiến ông Kalanick phải mởi cuộc điều tra. - BBC
|
|

14.
Khách sạn của TT Trump nhận $270,000 từ Saudi Arabia

Khách sạn Trump International Hotel ở Washington, DC gần đây thu chi phí tổng cộng $270,000 từ Saudi Arabia, vào lúc mà vương quốc này đang vận động để Hoa Kỳ bãi bỏ một đạo luật về khủng bố.

Theo báo USA Today, số tiền trả bao gồm tiền mướn phòng ($190,200), dịch vụ cung cấp đồ ăn tận phòng ($78,200) và chỗ đậu xe ($1,600), được tiết lộ trong hồ sơ do công ty MSL GroupAmericas nộp cho Bộ Tư Pháp hồi tuần trước.

Hồ sơ nêu chi tiết công việc mà công ty này thực hiện trong thời gian từ 1 Tháng Mười, 2016 đến 31 Tháng Ba, 2017, thay mặt cho Saudi Arabia, Bahrain, cùng chính quyền các nước khác.

Qua một thông cáo đưa ra đêm Thứ Hai, giới chức của Trump Organization nói rằng họ sẽ hiến tặng mọi lợi nhuận vào dịp cuối năm.

Vụ tiết lộ này có thể làm mới lại tranh luận về việc Tổng Thống Donald Trump vẫn tiếp tục sở hữu các bất động sản và cơ sở kinh doanh mang tên ông trong khi đang làm việc tại Tòa Bạch Ốc.

Tuy ông trao quyền quản lý các công ty của ông cho mấy người con trai lớn nhưng vẫn tiếp tục thu lợi về tài chánh.

Năm ngoái, Quốc Hội thông qua một dự luật nhưng bị cựu Tổng Thống Barack Obama phủ quyết, trong đó cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố “9/11” được kiện Saudi Arabia đối với bất kỳ vai trò bị cáo buộc nào.

Sau đó, Quốc Hội bỏ phiếu với đa số lớn hơn, bác bỏ phủ quyết của ông Obama.

Quốc gia dầu hỏa vùng Vịnh này phủ nhận mọi vai trò và đang vận động để làm nhẹ bớt một số điều khoản trong đạo luật.

Phe Dân Chủ ở Quốc Hội và các tổ chức theo dõi về đạo đức chính trị lý luận rằng việc ông Trump tiếp tục sở hữu các kinh doanh có thể dẫn đến sự vi phạm điều khoản “Emoluments Clause” của Hiến Pháp, trong đó cấm mọi giới chức chính phủ nhận tiền do nước ngoài trả nếu không được sự chấp thuận của Quốc Hội. - nguoiviet
|
|

15.
New York: Quan tòa bị còng tay vì vắng mặt trong ngày xử vụ DUI

Một chánh án thành phố Rochester, New York, hôm Thứ Hai bị còng tay dẫn đi vì tội không trình diện tòa vào hôm Thứ Ba tuần trước, liên quan đến vụ bà bị kết tội hồi Tháng Tám năm ngoái, vì say rượu lái xe.

Theo báo USA Today, Chánh Án Leticia Astacio bị nhân viên công lực tòa án Rochester và cảnh sát của thành phố bắt theo trát của tòa.

Bà Astacio mỉm cười và nói lời chào hỏi các phóng viên đứng chờ bà tại cửa thang máy ở lầu năm của tòa án Monroe County, nơi bà được dẫn đến làm thủ tục tại tòa nhà gần đó.

Sau đó bà được đưa trở lại tòa án để trình diện trước Chánh Án Stephen Aronson thuộc tòa Canandaigua City Court, người đưa ra trát bắt giữ và xử vụ say rượu lái xe của bà.

Ông Aronson ra lệnh giam bà Astacio tại nhà tù Monroe County mà không được đóng tiền tại ngoại, trong khi chờ ra trình diện trước phiên xử vào ngày Thứ Năm.

Lý do bà không ra trình diện tòa vào tuần trước vì vào thời gian ấy bà đang ở tại một ngôi chùa vùng núi của Thái Lan từ hôm 3 Tháng Năm, theo một text bà gửi cho luật sư riêng.

Trong phiên tòa hôm Thứ Hai, Chánh Án Aronson đưa ra cho bà Astacio một đề nghị, rằng bà hãy nhận tội vi phạm tội say rượu lái xe và chịu ngồi tù 45 ngày, cộng thêm hai năm quản chế cùng sáu tháng bị mang vòng điện tử để theo dõi.

Bà Astacio từ chối đề nghị ấy và bị tống giam.

Vào hôm 13 Tháng Hai, 2016, bà Astacio bị bắt lúc 8 giờ sáng, sau khi cảnh sát đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn liên quan đến một chiếc xe tại Xa Lộ I-490.

Tại đây, bà từ chối cho cảnh sát thử đo nồng độ rượu.

Bà Astacio, một người theo đảng Dân Chủ, đắc cử hồi năm 2014 với nhiệm kỳ 10 năm. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
Vụ bắt người chống Formosa đến tai quan chức Mỹ

Quan chức cấp cao về nhân quyền của Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động xã hội chống Formosa, đồng thời cho biết đã nêu với Hà Nội tên cụ thể của hơn 10 người đang bị tống giam.

Bà Virginia Bennett, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói với VOA Việt Ngữ hôm 6/6, ít ngày sau khi dẫn đầu một phái đoàn của Hoa Kỳ tham dự một cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền ở Hà Nội.

Bà nói tiếp: “Mỹ quan ngại về thông tin bắt giữ ông Hoàng Đức Bình và tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép mọi cá nhân quyền được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng hay trong đời thường mà không sợ bị trừng phạt”.

Bà Bennett nói tiếp rằng bà đã thúc giục Hà Nội bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, như đã được ghi trong hiến pháp cũng như trong các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.

Ông Hoàng Đức Bình bị bắt giữa tháng trước vì bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, ít ngày sau khi Việt Nam phát lệnh truy nã đối với ông Bạch Hồng Quyền “vì tội gây rối trật tự công cộng”.

Cả hai nhà hoạt động xã hội này từng xuất hiện tại nhiều cuộc biểu tình vì môi trường và chống sự hiện diện của nhà máy thép của Đài Loan đã gây ra vụ ô nhiễm biển gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Dù bị chính quyền buộc tội, người dân cho biết ông Bình và ông Quyền đã hỗ trợ họ công tác tuyên truyền.

Việt Nam lâu nay vẫn phản bác các cáo buộc của nhiều tổ chức quốc tế về việc “bịt miệng tiếng nói đối lập”, và nhiều lần nhấn mạnh rằng Hà Nội không bắt người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam ai vi phạm pháp luật.

Trao đổi với VOA tiếng Việt, nữ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết rằng Hà Nội và Washington vẫn còn khác biệt quan điểm về việc bày tỏ quan điểm bất đồng một cách ôn hòa.

Bà Bennett cũng cho biết rằng bà “thất vọng” vì chuyện, theo lời bà, “chính quyền chặn một số cá nhân gặp gỡ chúng tôi”, đồng thời cho biết đã yêu cầu phía Hà Nội “dỡ bỏ việc hạn chế đi lại của các nhà hoạt động”.

Tháng trước, một số nhà hoạt động xã hội như tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đăng ảnh và video trên mạng xã hội, cho biết rằng họ đã bị “cản trở” trong thời điểm diễn ra cuộc đối thoại. Chính quyền trong nước không công khai thừa nhận hay bác bỏ các thông tin này.

Dù không cho VOA Việt Ngữ biết cụ thể tên họ vì lý do ngoại giao, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho hay đã nêu hơn 12 trường hợp cụ thể những người đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Một thông cáo của các thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Christopher Coons và John Barrasso cho biết rằng khi thăm Việt Nam đầu tháng này, họ đã kêu gọi Việt Nam thả một số tù nhân chính trị như luật sư Nguyễn Văn Đài.

Cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 21 ở Hà Nội diễn ra ít ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam trở thành lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

Khi được hỏi về những chỉ trích của các nhà hoạt động ở Việt Nam về việc Hoa Kỳ đặt những lợi ích về thương mại lên trên vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội, bà Bennett dẫn một tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng trước.

Bà nói: "Tôi muốn nói thêm rằng thường thì các cuộc trao đổi, cả bất đồng lẫn mang tính xây dựng, diễn ra riêng tư và không phải cái gì cũng công khai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cam kết của chúng tôi về các quyền cơ bản như nêu trong tu chính án đầu tiên của hiến pháp mang tính bền vững và mạnh mẽ”.

Khi được hỏi lại rằng vậy người Việt Nam nên an tâm về chuyện Mỹ sẽ “thúc” Hà Nội về nhân quyền, bà Bennett nói ngắn gọn rằng “đúng”, đồng thời nói thêm rằng “tiến bộ về nhân quyền nói chung là điều sống còn để đưa quan hệ song phương đạt tới tiềm năng tối đa”.

Trong những năm gần đây, Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản bác báo cáo nhân quyền của Mỹ mà mới nhất, hồi tháng Ba năm nay, người phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng Washington “vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”, dù “đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam”. - VOA
|
|

17.
Người Việt 'ganh tị' vì Campuchia có bầu cử đa đảng

Nhiều người Việt trong những ngày qua chia sẻ trên mạng xã hội tin tức về cuộc bầu cử đa đảng ở Campuchia, kèm theo là những lời bình tỏ ý ghen tị về việc Việt Nam chưa được như vậy.

Các hãng tin quốc tế nói các cuộc bầu cử hội đồng xã ở Campuchia diễn ra hôm 4/6. Tuy kết quả chính thức chỉ được công bố vào cuối tháng này, nhưng thông tin sơ bộ cho thấy Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập đã giành được 487 ghế, so với hơn 1.100 ghế của Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hunsen.

Đây là bước tiến lớn đối với đảng đối lập. Hồi năm 2012, đảng này chỉ giành vỏn vẹn có 40 ghế.

Nhận xét trên mạng xã hội về cuộc bầu cử ở Campuchia, một số người Việt nói người dân Campuchia được lựa chọn giữa những ứng cử viên của các đảng khác nhau, trong khi ở Việt Nam “có duy nhất 1 đảng, bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cũng vậy thôi”. Có người còn tỏ ý nghi ngờ về gian lận bầu cử ở Việt Nam khi viết rằng “‘người ta’ bỏ phiếu dùm dân hết rồi”.

Một số người khác so sánh rằng nước láng giềng phía tây nam từng là “chư hầu của Việt Nam” song nay lại cho Việt Nam “ngửi khói” về mặt dân chủ, tự do.

Về không khí bầu cử ở Campuchia, nhiều người đánh giá nó “tự do, đầy sôi động và hấp dẫn”, khác hẳn với quy trình “đảng [cộng sản] chọn người lãnh đạo” ở Việt Nam, và họ bày tỏ ước vọng là Việt Nam rồi cũng sẽ có tranh cử, bầu cử dân chủ.

Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành ở thành phố Hồ Chí Minh lý giải với VOA về tâm lý này:

“Được tự do chọn người đại diện cho mình trong các vấn đề quốc gia là một cảm giác mà bất cứ người nào có ý thức công dân đều ham muốn. Và hơn hết đó là sự thể hiện trách nhiệm vào vấn đề cộng đồng. Mong muốn Việt Nam có thể một ngày học hỏi được cách chính trị của Campuchia đang hoạt động là mong ước của những người đang hoạt động cho dân chủ như Thành, và mình nghĩ là tất cả những người khác họ cũng khao khát có được một thể chế tôn trọng quyền tự do như vậy”.

Anh Thành chỉ ra rằng không chỉ trong lĩnh vực bầu cử, mà các sinh hoạt khác của xã hội Campuchia cũng rất “cởi mở, tự do”. Điều này truyền cảm hứng và là động lực để người dân đóng góp vào việc sáng tạo, phát triển đất nước.

Đây cũng là một khía cạnh được nhiều người bình luận. Liên hệ từ chính trị sang kinh tế, không ít người nhận định nhờ có dân chủ đa đảng, Campuchia đang ngày càng phát triển và sẽ qua mặt Việt Nam.

Các con số thống kê thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trên 7% trong suốt 25 năm trở lại đây, so với mức trung bình 5,7% của Việt Nam trong 20 năm qua. Từ năm 2014, các nhà phân tích quốc tế đã cảnh báo Campuchia sẽ sớm vượt Việt Nam về năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và thu nhập của người dân.

Nhà bất đồng chính kiến J.B Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội khẳng định với VOA vì đảng cộng sản vẫn cố duy trì độc quyền chính trị ở Việt Nam nên điều đó hiển nhiên dẫn đến đất nước bị tụt hậu:

“Như bây giờ thì ta phải nhìn thấy rằng Campuchia rõ ràng quyền con người của họ được đảm bảo hơn. Họ được tự do hơn. Trong tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, về nhiều mặt, người dân Campuchia đã hơn hẳn người Việt. Cho nên cái chuyện tụt hậu là nhìn thấy rõ ràng. Không cần phải so sánh rằng ngày hôm nay người dân Campuchia được bao nhiêu tiền, ngày mai được bao nhiêu tiền nữa. Nói tóm lại, người dân Campuchia đã được tôn trọng hơn, và giá trị của người dân Campuchia cao hơn giá trị của từng công dân Việt Nam”.

Trong nhiều dịp khác nhau, các nhà lãnh đạo Việt Nam phát biểu công khai rằng do những đặc thù của đất nước và mặt lịch sử, văn hóa, thậm chí cả về dân trí, nên hệ thống chính trị đa đảng không phù hợp với Việt Nam.

Sau các cuộc bầu cử Campuchia, nhiều người cho rằng giới cầm quyền Việt Nam cần xem lại lập luận của họ, xét đến thực tế rằng các yếu tố dân trí, văn hóa, lịch sử của hai nước láng giềng không có chênh lệch lớn.

Nhà bất đồng J.B Nguyễn Hữu Vinh đưa ra quan điểm:

“Cái gọi là dân trí thấp là luận điệu tuyên truyền của đảng đưa ra mà thôi. Vấn đề ở chỗ là không phải vì người dân dân trí thấp mà người ta không làm. Đó là cách nói ngụy biện. Cuối cùng, tất cả những ngụy biện đó cũng chỉ để bảo vệ sự độc tài của mình mà thôi. Chứ còn nói do người dân dân trí thấp không thể đa đảng, không thể có thể chế dân chủ hơn, thì tôi nghĩ có lẽ cũng không thể có một đất nước nào có nền dân chủ”.

Mặc dù có những ý kiến không mấy lạc quan cho rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể có dân chủ đa đảng như nước láng giềng phía tây nam, song nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành nhận định kiểm soát chính trị đã được nới lỏng trong vài năm gần đây, cho phép người dân nuôi hy vọng.

Từ quan sát cá nhân, anh Thành nói hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự hiện tự do hơn so với cách đây 3 năm. Anh dẫn chứng rằng nhiều tổ chức XHDS được hoạt động độc lập, nhiều diễn đàn, hội thảo về những vấn đề “gai góc”, kể cả về nhân quyền, đã diễn ra trong khi cách đây 2 năm không được phép.

Nhận định đó là “sức ép từ dưới lên” ngày càng lớn dẫn đến “bên trên” buộc phải nới rộng các hạn chế, nhà hoạt động 31 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng dân chủ sẽ đến sớm với Việt Nam:

“Đến khi mà 1% dân số Việt Nam họ ý thức được quyền của mình, và họ thực hiện quyền đã được quy định trong Hiến pháp thành một quyền cụ thể ngoài đời sống thì lúc đó ở Việt Nam nó có thể là một áp lực để mà thay đổi. Thành hy vọng nó đến trong vòng 10 năm, mong muốn thế hệ con mình nó được hưởng cái cảm giác mà mình đang khao khát hiện tại chưa được”.

Anh Thành cho rằng khi người dân thực sự có ý thức về tự do và luôn hoạt động để bảo vệ nó, điều đó sẽ tạo ra đủ áp lực đem lại sự thay đổi “từ dưới lên”. Thay đổi theo cách này sẽ bảo đảm cho nền dân chủ được bền vững, anh nói. - VOA
|
|

18.
Việt Nam tôn trọng quyết định rút khỏi TPP của Mỹ

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP.

Hôm 5/6, trong một cuộc phỏng vấn riêng với báo Nikkei của Nhật, ông Phúc nói rằng ông tôn trọng quyết định của Mỹ:

“Mỹ rút ra khỏi TPP, chúng tôi tôn trọng quyết định của phía Hoa Kỳ. Và việc tiếp tục bàn về TTP-11 nước, vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng tôi đã giao cho Bộ Trưởng Thương mại làm việc với bộ trưởng thương mại các nước trong 12 nước để chúng ta tìm một phương án tốt nhất, cùng có lợi nhất cho các nước chúng ta, và sẽ có kết luận sau.”

Báo Nikkei dẫn lời Thủ tướng Phúc nói rằng chính phủ Việt Nam đang “cẩn trọng cân nhắc về việc nội dung nào trong TPP - có thể thương thảo lại sau khi Mỹ rút đi.”

Theo báo Nikkei, Việt Nam gia nhập TPP trong mục tiêu nhắm đến những lợi ích to lớn về xuất khẩu hàng dệt may cũng như nhiều sản phẩm khác vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ ra khỏi TPP.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bá Lộc cho VOA – biết vì sao Việt Nam vẫn mong muốn thắt chặt kinh tế với Mỹ, dù Mỹ không tham gia TPP:

“Sau khi Tổng Thống Trump rút Mỹ khỏi TTP thì Việt Nam rất lo ngại, rất mong có sự hợp tác, giúp đỡ từ Mỹ. Vì kinh tế Việt Nam đang suy sụp, từ 2011 tới nay rất khó khăn, và tương lai rất mù mịt, cho nên Hoa Kỳ là nước chính yếu có thể giúp Việt Nam cứu nguy nền kinh tế.”

Trong số những thành viên còn lại của TPP, chính phủ một số nước như Nhật, New Zealand rất muốn tiếp tục các vòng đàm phán cho TPP-11. Trước khi lên đường sang Tokyo, trả lời phỏng vấn của báo Nikkei và báo chí Nhật tại Việt Nam, Thủ tướng Phúc cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Nhật và nhiều nước khác để hiện thực hóa TPP.

Thủ tướng Phúc cũng khẳng định “chính phủ các nước châu Á không nên để các rủi ro an ninh hay xu hướng bảo hộ cản trở nỗ lực củng cố quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.”

Với Hoa Kỳ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – Thủ tướng Phúc nói với báo Nikkei rằng chính phủ sẽ xúc tiến đàm phán một thỏa thuận song phương. Nikkei cũng đánh giá cao việc gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của ASEAN thăm và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Ông Nguyễn Bá Lộc cho biết thêm việc Việt Nam luôn “trông chờ” vào thị trường Hoa Kỳ trong tương lai:

“Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng rất tích cực, hữu hiệu, cùng với lượng trao đổi mậu dịch của hai nước rất lớn, lên tới 40 tỷ đôla, Việt Nam vẫn trông chờ thị trường của Mỹ trong tương lai với một thỏa thuận tương tự như TPP.”

Ngoài ra, theo tờ Sankei, tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến TPP, Thủ tướng Phúc đã nói rằng: “Cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích.”

Theo báo Tiền Phong, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura về quan điểm của Việt Nam đối với TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này.”

Khi nói về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi thường nghe về giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Trung Quốc, nhưng dường như trên các phương tiện thông tin đại chúng, giấc mơ Myanmar, giấc mơ Lào, giấc mơ Campuchia hay giấc mơ Việt Nam hầu như không được nói đến. Tôi tin rằng trong tương lai, Châu Á sẽ là một khu vực - nơi giấc mơ của tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, tất cả đều sẽ được lắng nghe và tôn trọng."

"Lịch sử chứng minh dù chúng ta phản đối hay ủng hộ toàn cầu hóa, xu thế này vẫn cứ diễn ra", báo Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 23 đang diễn ra tại Nhật Bản.

Về các vấn đề an ninh châu Á như tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Nikkei dẫn lời kêu gọi của Thủ tướng Phúc rằng các bên nên "hành động có trách nhiệm trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp". - VOA
|
|

19.
Vì sao TNS McCain thăm ‘di sản cha ông’ ở Cam Ranh?

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có nhiều duyên nợ với Việt Nam nói rằng việc lên tàu chiến được đặt theo tên cha và ông mình tại cảng chiến lược Cam Ranh mang tính “biểu tượng”.

Ông John McCain cùng các thượng nghị sĩ Christopher Coons và John Barrasso thăm các thủy thủ trên tàu khu trục USS John S. McCain lớp Arleigh Burke khi chiến hạm này cập bến cảng tại tỉnh Khánh Hòa hôm 2/6, ít ngày sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Trước sự có mặt của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, trung tá Alfredo J. Sanchez, sĩ quan chỉ huy tàu được trang bị tên lửa dẫn đường, nói rằng “chính sự chuyên nghiệp và tinh thần cống hiến, luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, của các thủy thủ đã mang lại sức sống cho Big Bad John (biệt danh của tàu USS John S. McCain) và thể hiện di sản của cha ông ngài Thượng nghị sĩ John McCain”.

Sau khi trở về nước, các thượng nghị sĩ trên đã ra thông cáo chung hôm 5/6, trong đó nói rằng chuyến công du của họ tới Việt Nam, “đối tác quan trọng và cùng chia sẻ nhiều quyền lợi kinh tế và chiến lược với Hoa Kỳ”, “diễn ra trong bối cảnh có nhiều diễn biến khu vực đầy bất ổn cũng như các thách thức gia tăng ở Biển Đông”.

Ba nhà lập pháp cho biết rằng chuyến thăm mà họ tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, “thực sự đáng nhớ vì chúng tôi có cơ hội lên thăm tàu USS John S. McCain khi nó cập cảng Cam Ranh”.

“Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của USS John S. McCain, tàu được đặt theo tên của cha và ông của Thượng nghị sĩ John McCain, những người đã dành phần lớn sự nghiệp hải quân của mình ở châu Á – Thái Bình Dương, là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như nhắc nhở các đồng minh và kẻ thù của chúng ta về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực”, thông cáo viết tiếp.

Tàu USS John S. McCain đi vào hoạt động từ năm 1994 và được đặt tên theo cha và ông nội của nhà lập pháp đại diện tiểu bang Arizona. Theo đại sứ quán Mỹ, cả cha và ông của thượng nghị sĩ John McCain “đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau ở khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến II” và “trở thành cặp cha con đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ được phong hàm đô đốc”.

Tin cho hay, các thủy thủ gọi con tàu là “Big Bad John” để thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của những người mà con tàu được đặt tên theo. Khu trục hạm này “đang tuần tra, hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”.

Cùng với tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable, vốn thăm Việt Nam năm 2016, USS John S. McCain “trở thành tàu hải quân Hoa Kỳ đầu tiên thăm cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi cảng đi vào hoạt động vào tháng Ba năm 2016”.

Trong thông cáo, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng nhắc tới thông báo “đáng chú ý” của chính quyền của Tổng thống Trump về việc “làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Việt Nam” và “hậu thuẫn tự do trên biển và trên không ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Các thượng nghị sĩ Mỹ cũng mong “sớm quay trở lại Việt Nam và thảo thuận thêm nữa về cách thức tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược”.

Ngoài các vấn đề hợp tác quốc phòng và thương mại, các nhà lập pháp Mỹ cho biết đã “trao đổi thẳng thắn về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền”, và nhấn mạnh rằng “tiến bộ về vấn đề trên sẽ giúp quan hệ Việt – Mỹ phát triển”.

​Thượng nghị sĩ John McCain, từng bị bắt trong Chiến tranh Việt Nam, lâu nay luôn được Hà Nội coi là có “đóng góp quan trọng”, “thúc đẩy bình thường hóa” quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.

Trong những năm trở lại đây, ông có nhiều tuyên bố thẳng thắn liên quan tới Biển Đông, và thậm chí từng kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, theo chân Philippines, đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Trong cuộc điều trần mới đây về chủ đề chính sách và chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Hoa Kỳ, nói rằng “Mỹ có các quyền lợi sâu rộng và lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương”.

Ông nói tiếp: “… trong vòng vài năm qua, Trung Quốc ngày càng hành động không giống một nước có trách nhiệm gìn giữ trật tự khu vực dựa trên luật lệ, và ngày càng giống như một kẻ bắt nạt. Việc hiện đại hóa và khiêu khích quân sự nhanh chóng của nước này ở Biển Hoa Đông và các hoạt động quân sự hóa tiếp diễn ở Biển Đông cho thấy thái độ ngày càng quyết đoán”.

​Cuối tháng trước, trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng Biển Đông là tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế, cũng như nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác”.

Sau đó, phát biểu tại Quỹ Di sản, một tổ chức được coi là bảo thủ ở thủ đô Washington DC, ông Phúc “đánh giá cao” Hoa Kỳ “ủng hộ việc giải quyết tranh chấp [Biển Đông] bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế… không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thay đổi nguyên trạng, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/6 “mạnh mẽ phản đối” “các phát biểu thiếu trách nhiệm” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, sau khi quan chức này kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi các tuyên bố chủ quyền quá đà [tại Biển Đông]” mà ông cho là “làm suy yếu sự ổn định của khu vực”. - VOA
|
|

20.
Việt-Nhật đẩy mạnh hợp tác an ninh biển

Nhật Bản và Việt Nam ngày 6/6 nhất trí đẩy mạnh quan hệ an ninh qua những dự án do Nhật tài trợ trong đó có việc nâng cấp khả năng tuần duyên của Việt Nam, chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng giữa những quan ngại về hoạt động gây hấn gia tăng của Trung Quốc trong các vùng biển châu Á.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp tại Tokyo và chia sẻ “quan ngại sâu sắc về những diễn tiến phức tạp” liên hệ đến Trung Quốc tại Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo thúc đẩy Trung Quốc-dù không nêu đích danh-chớ có những hành động làm thay đổi nguyên trạng và leo thang căng thẳng trong vùng.

Nhật Bản và Việt Nam tái xác nhận tầm quan trọng của Hiệp ước Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và nhất trí theo đuổi hiệp ước này dù Hoa Kỳ đã rút chân. Hai nhà lãnh đạo đồng ý hợp tác trong việc thảo luận giữa 11 thành viên TPP còn lại để Hiệp ước có hiệu lực, theo thông cáo chung được công bố.

Hai nước ký hơn một chục thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận trị giá 350 triệu đô la viện trợ của Nhật Bản giúp nâng cấp các tàu tuần duyên Việt Nam và khả năng tuần tra của các tàu này. Nâng cấp an ninh hàng hải là một phần trong khoản vay 910 triệu đô la Nhật dành cho Việt Nam ký kết hôm 6/6, trong đó có cả những dự án khoa học công nghệ và quản lý nước.

Ông Abe bày tỏ hy vọng là sự hỗ trợ này sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho Nhật để góp kinh nghiệm và công nghệ vào công cuộc phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Abe nói Nhật Bản hy vọng tăng cường hợp tác để củng cố “một trật tự quốc tế tự do và cởi mở căn cứ trên những qui định của luật pháp,” và ông gọi đây là nền tảng của ổn định và thịnh vượng trong xã hội quốc tế.” - VOA
|
|

21.
Hội đồng Giám mục: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ‘bước thụt lùi’

Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa công bố thư ‘Nhận định về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016’. Trong thư, các lãnh đạo Công giáo cho rằng bộ luật mới “có những bước thụt lùi”, “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” và ẩn chứa cách nhìn các tôn giáo “như những lực lượng đối kháng”.

Trong thư gửi cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội đồng Giám mục Việt Nam lấy ví dụ so sánh cụ thể về quy định tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các tổ chức tôn giáo để cho thấy “bước thụt lùi” của Luật mới.

Theo Hội đồng Giám mục, bản Dự thảo trước đó quy định các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53) và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Nhưng Bộ Luật mới đưa ra quy định “tổng quát và mơ hồ” trong điều 55 rằng các tổ chức này “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam nói Bộ Luật mới “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” mặc dù trên bề mặt từ ngữ đã thay những từ “xin phép”, “cho phép” bằng các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”, nhưng thực chất các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo và cần phải có sự chấp thuận của chính quyền. Điều này, theo Hội đồng Giám mục, “cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người mà chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát”.

Đi kèm với các nhận định trên, tổ chức đại diện cho các giám mục Việt Nam còn đưa ra một số suy nghĩ, cho rằng ẩn dưới những bất cập là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo.

“Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những thế lực đối kháng”, trích thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Từ cách nhìn đó, chính quyền có khuynh hướng quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi không hài lòng, đồng thời tiêu tốn nhiều tiền của, nhân lực vào việc theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, những hoạt động tôn giáo trong các lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục lại không được đánh giá đúng mức, “thậm chí bị ngăn cản”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch, cho rằng mấu chốt chính ở đây là do chính quyền muốn kiểm soát những điều mà lẽ ra phải được độc lập.

“Đây là điều mà chúng ta đã thấy lâu nay giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền muốn kiểm soát mọi thứ, trong khi các tổ chức tôn giáo cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát đó”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng cần phân biệt khái niệm “dân tộc” và “chế độ”, vì dân tộc thì trường tồn, còn chế độ thay đổi theo thời gian. Do đó, cần “đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết”.

Đại diện của HRW cho rằng những lời lẽ có phần “cứng rắn” trong nhận định mới nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam là kết quả của những căng thẳng trong suốt một thời gian dài giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo vì nhiều vấn đề, trong đó có những vụ cưỡng chế đất đai của các tổ chức Công giáo và việc thắt chặt kiểm soát của chính quyền.

Những căng thẳng vì vụ ô nhiễm môi trường Formosa hồi gần đây cũng là một nguyên nhân, theo ông Robertson:

“Tôi cho rằng nhận định của Hội đồng Giám mục còn xuất phát từ một số sự kiện lớn, chẳng hạn như ở khu vực bị ảnh hưởng bởi chất thải độc của Formosa, giáo dân và linh mục đã đóng vai trò dẫn đầu để giúp người dân đòi công lý”.

Vụ ô nhiễm biển miền Trung được xem là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong khi đó, việc khắc phục hậu quả vẫn là một vấn đề gây bất bình cho nhiều người dân trong khu vực.

Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra vì nhiều người dân bị thiệt hại không được xếp vào danh sách được đền bù.

Một số linh mục giúp đỡ các nạn nhân vụ ô nhiễm đã bị tấn công dưới nhiều hình thức, từ “đấu tố” trên báo chí đến bị côn đồ hành hung.

Tháng trước, Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã đích thân đi vận động ở châu Âu và trao thỉnh nguyện thư của người dân về vụ ô nhiễm Formosa cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế.

Vào thời điểm tân chính quyền Trump mới lên nắm quyền ở Mỹ và vấn đề nhân quyền chưa được chú trọng nhiều, ông Robertson khẳng định cộng đồng quốc tế “không chỉ có Mỹ”, mà còn rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác rất quan tâm đến nhân quyền.

Ông nói: “Hiện các nhóm Liên Hiệp Quốc ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế đóng một vai trò lớn hơn trong việc nêu lên những quan ngại về cách chính quyền Việt Nam đối phó với các vấn đề về nhân quyền”.

Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào tháng 11/2016. Luật mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Nhưng trong thời gian qua, nhiều tôn giáo bày tỏ lập trường phản đối Bộ Luật mới vì cho rằng có nhiều quy định vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó thì Báo Công an trong bài viết ngày 24/10/2016 nói: “Luật tín ngưỡng tôn giáo được nhiều đại biểu [Quốc hội] đánh giá là một ‘tuyên ngôn về nhân quyền’”. - VOA
|
|

22.
Little Saigon: Nữ bác sĩ gốc Việt ứng cử chức dân biểu liên bang

Bác Sĩ Trần Mai Khanh, cư dân Fountain Valley, vừa tuyên bố sẽ tranh chức dân biểu liên bang, Địa Hạt 39 của California, hiện do Dân Biểu Ed Royce (Cộng Hòa) nắm giữ, theo tin nhật báo The Orange County Register.

Theo OCR, bà Mai Khanh, theo đảng Dân Chủ, chỉ trích ông Royce bỏ phiếu loại bỏ chương trình bảo hiểm Obamacare, và nói rằng bà sẽ là đại diện tốt hơn cho cử tri Địa Hạt 39.

“Tiếng nói của những người đàn ông và phụ nữ lao động, thuộc giới trung lưu, của Địa Hạt 39 không gây được tiếng vang tại Washington, DC quá lâu,” bà được OCR trích lời nói. “Cuộc vận động của tôi sẽ chú trọng vào việc này.”

Ông Dave Gilliard, cố vấn chính trị của ông Royce, bác bỏ lập luận của nữ bác sĩ gốc Việt này.

“Một ứng cử viên chỉ chú trọng một vấn đề, và cư ngụ bên ngoại địa hạt cả dặm, không đáng là đối thủ của Dân Biểu Ed Royce, một trong những người làm việc hiệu quả nhất tại Hạ Viện.

Ông Ed Royce hiện là chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, và từng thắng cử 13 lần.

Bác Sĩ Mai Khanh, 51 tuổi, cư ngụ tại Fountain Valley hơn 20 năm.

Thành phố này lại không nằm trong Địa Hạt 39.

Tuy nhiên, luật liên bang không đòi hỏi một ứng cử viên phải là cư dân trong địa hạt.

Bác Sĩ Trần Mai Khanh đến Hoa Kỳ lúc 9 tuổi, từng làm nghề hái dâu trên những cánh đồng ở Oregon, và từng làm việc dọn vệ sinh khi đang học đại học Harvard University, Massachusetts, nơi bà tốt nghiệp cử nhân tâm lý học và quan hệ xã hội, theo bà cho biết trong thông cáo tuyên bố ứng cử.

Sau đó, bà làm việc một năm trong vai trò phân tích gia tài chánh ở Wall Street, rồi vào trường y khoa Dartmouth-Brown Medical School, nơi bà tốt nghiệp bằng bác sĩ.

Vị nữ bác sĩ hiện đang làm việc với ba bệnh viện trong vùng Little Saigon, Orange Coast Memorial Medical Center, Hoag Memorial Hospital Presbyterian, và Fountain Valley Regional Hospital.

Đây là lần đầu tiên Bác Sĩ Mai Khanh ứng cử một chức vụ tại Hoa Kỳ

Hồi Tháng Mười Một, 2016, một phụ nữ gốc Việt, bà Stephanie Murphy (tên Việt Nam là Đặng Thị Ngọc Dung), thuộc đảng Dân Chủ, lần đầu tiên ứng cử, đánh bại Dân Biểu John Mica (Cộng Hòa), một chính trị gia kỳ cựu có 24 năm thâm niên tại Hạ Viện.

Bà Murphy hiện là dân biểu liên bang đại diện Địa Hạt 7 ở Florida, là phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ Viện Mỹ, và hiện là dân cử gốc Việt cao cấp nhất Hoa Kỳ. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment