Monday, June 12, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 12/6

Tin Thế Giới

1.
Vòng một Quốc Hội Pháp: Phe tổng thống Macron thắng lớn --- Pháp: Macron tạo nên trận đại hồng thủy trên sân khấu chính trị

Một tháng sau ngày đắc cử, tổng thống Pháp Emmanuel Macron củng cố được thế thượng phong. Trong cuộc bầu cử lập pháp vòng một hôm Chủ Nhật 11/06/2017, với tỷ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục, đảng cánh trung Cộng Hoà Tiến Bước và các đồng minh ủng hộ tổng thống chiến thắng rõ nét với 32,22% số phiếu, đè bẹp các đảng tả-hữu truyền thống và tổ chức cực hữu.

Chính trường Pháp hoàn toàn biến đổi. Kết quả bầu cử vòng một Quốc Hội ngày Chủ Nhật xác định rõ chiến thắng được dự báo của đảng Cộng Hòa Tiến Bước. Phong trào chính trị của tổng thống Emmanuel Macron được gần một phần ba cử tri đi bầu tín nhiệm. Trừ yếu tố bất ngờ, nếu xu hướng này được tiếp tục trong vòng chung kết vào Chủ Nhật 18/06, 400 ghế dân biểu trên tổng số 577 sẽ nằm trong tay cánh trung với đại đa số là thành phần "lính mới"trong chính trị nhưng có kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực xã hội và chuyên môn.

Tuy nhiên, phe chiến thắng không ca khúc khải hoàn vì tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp kỷ lục : dưới 50%. Theo kết quả chính thức công bố đêm 11/06, Cộng Hòa Tiến Bước về nhất với 32,32%, bỏ xa hai đối thủ thuộc phe hữu là đảng Những Người Cộng Hoà (21,50%) và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (13,02%).

Về phía tả, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và đảng Cộng Sản, tính chung được 13,74% trong khi đảng Xã Hội, từ đa số rơi xuống tỷ lệ thấp kỷ lục 9,51%.

Các tổ chức bảo vệ môi trường, điểm tựa đồng minh của đảng Xã Hội trong nhiều thập niên, chỉ được 4,30%.

Thất bại của hàng loạt chính trị gia kỳ cựu

Trong bối cảnh đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Macron thắng lớn, vòng một của cuộc bầu cử Quốc Hội cũng đánh dấu sự thất bại nặng nề của hàng loạt tên tuổi chính trị gia kỳ cựu, từng là dân biểu nhiều nhiệm kỳ, là lãnh đạo những đảng phái chính trị truyền thống của Pháp.

Tiêu biểu nhất là thất bại của thư ký thứ nhất Đảng Xã Hội, ông Jean-Christophe Cambadelis, từng là dân biểu của Paris từ năm 1997. Ra ứng cử tại một đơn vị bầu cử trong thủ đô lần, lãnh đạo đảng Xã Hội bị loại với một tỷ lệ phiếu bầu thấp chưa từng có, 10%, xếp thứ 4. Tại địa hạt bầu cử này, ứng viên Mounir Mahjoubi, một bộ trưởng trẻ của chính phủ Macron, về đầu với khoảng 37% phiếu.

Một tên tuổi khác của đảng Xã Hội được nhắc nhiều gần đây là ông Benoit Hamon, ứng viên thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, cũng đã bị loại khỏi cuộc đua ngày 11/06 tại địa hạt bầu cử quen thuộc của ông ở tỉnh Yvelines. Một thất bại tiêu biểu khác của đảng Xã Hội, đó là tại thành phố Marseille. Dân biểu kỳ cựu của đảng Xã Hội Patrick Mennucci cũng đã bị loại ngay vòng đầu, nhường chỗ vào vòng hai cho hai đối thủ Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) và ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Corinne Versini.

Bên cạnh đó, hàng loạt cựu bộ trưởng của chính phủ Hollande, nay muốn tìm một vị trí mới ở nghị trường nhưng hầu hết bị loại ngay vòng đầu hoặc vào được vòng 2 nhưng ở thế yếu với số phiếu bầu ít ỏi, cho dù các nhân vật này đều ra ứng cử tại địa bàn đã quá quen thuộc, thậm chí vẫn được gọi là thành trì riêng của họ.

Bên cánh hữu, từ đảng Những Người Cộng Hòa đến đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, một kịch bản tương tự cũng đã xảy ra đối với khá đông các quan chức chính trị kỳ cựu mới đây còn nổi như cồn trong chính trường Pháp.

LREM và thế thượng phong

Đảng của tổng thống Macron Cộng Hòa Tiến Bước và các đồng minh bên cánh trung đã giành được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội.

Toàn cảnh chính trị Pháp bị đảo lộn. Đảng Xã Hội của cựu tổng thống François Hollande "thảm bại" : đang kiểm soát 50% số ghế trong Quốc Hội mãn nhiệm, đảng này chưa chắc có được 40 đại biểu trên tổng số 577 sau cuộc bầu cử lập pháp vòng nhì vào ngày 18/06. Ngay ở vòng 1, hơn 90 dân biểu mãn nhiệm bị loại, đứng đầu là lãnh đạo số 1 của đảng, ông Jean-Chrisophe Cambadelis.

Bên cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa cũng bị mất một nửa số ghế so cuộc bầu cử cách nay 5 năm. Tham vọng kiểm soát lập pháp để buộc tổng thống Emmanuel Macron phải chia sẻ quyền lực, bất thành. Mặt Trận Quốc Gia cực hữu của bà Marine Le Pen không tạo được sức đột phá như mong đợi.

Còn phong trào cực tả, Nước Pháp Bất Khuất, sau bầu cử tổng thống cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, thì như quả bóng xì hơi. Lãnh đạo đảng này, Jean-Luc Mélenchon có cơ may đắc cử cho dù còn phải vận động tiếp ở vòng hai nhưng phong trào La France Insoumise chỉ hy vọng có được tối đa 23 đại biểu trong Quốc Hội mới. - RFI

***
Một đại lộ thênh thang đang mở ra cho tân tổng thống Pháp để cải tổ đất nước. Sau hơn một năm được hình thành, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche, LREM) cánh trung của Emmanuel Macron gần như chắc chắn chiếm đến 3/4 số ghế ở Quốc Hội trong nhiệm kỳ 5 năm.

"Big bang" trên bầu trời chính trị Pháp

Kết quả bầu cử Quốc Hội Pháp ở vòng 1 tối 11/06 cho thấy "Chiến thắng vẻ vang của đảng Cộng Hòa Tiến Bước". Đồng thời, đây là một vố đau cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, "Thất vọng trong hàng ngũ hai đảng cực tả và cực hữu" và "Thất bại ê chề" với đảng Xã Hội, như ghi nhận của các nhà bình luận về tình hình chính trị Pháp sáng 12/06.

Một tháng sau khi bước chân vào điện Elysée, tổng thống Emmanuel Macron có rất nhiều lý do ăn mừng chiến thắng. Thứ nhất, sau có hơn một năm được hình thành, đảng Cộng Hòa Tiến Bước với những gương mặt mới, ít được công chúng biết tới, và đại đa số xuất thân từ thành phần dân sự, đã quật ngã những cây đại thụ trên chính trường từ tả sang hữu. Một người dầy kinh nghiệm, như lãnh đạo đảng Xã Hội, Jean-Chrispophe Cambadélis, từng liên tiếp đắc cử vẻ vang từ năm 1988 lại bị một anh lính mới, 33 tuổi, loại ngay vòng đầu. Bên cánh hữu, một trong những vị quân sư đáng gờm nhất của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy là Henri Guaino bị một cách đau đớn, với chưa đầy 5% số phiếu, tại một vùng đất coi là rất thuận lợi cho ông.

Điểm thứ nhì khiến tổng thống Emmanuel Macron hài lòng, là hai cánh cực tả và cực hữu đều không có những bước "đột phá" như đôi bên hằng mong đợi. Hai đảng này cùng khai thác lá bài "giai cấp" để kiếm phiếu. Trong trường hợp khả quan nhất, Mặt Trận Quốc Gia cực hữu giành được từ 4 đến 10 ghế ở Quốc Hội. Bên cực tả của Nước Pháp Bất Khuất, sẽ có khoảng 20 đại biểu.

Lý do thứ ba khiến tổng thống Macron hài lòng, là dù còn rất non trẻ, đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới chỉ "ra quân" lần đầu, đã chiếm gần hết các số ghế ở Quốc Hội. Được dự báo sẽ có từ 400 đến 450 đại biểu trên tổng số 577, trong trường hợp đó, Cộng Hòa Tiến Bước "giành lấy miếng bánh ngon, để lại cho các đối thủ những mảnh vụn".

Thắng lợi của thành phần muốn đổi mới

Câu hỏi kế tiếp : Đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng "làn sóng" Macron hiện nay ? Theo tất cả các nhà quan sát, đơn giản là vì cử tri Pháp thực sự muốn đổi mới các hoạt động chính trị. Quá chán ngán với những tai tiếng - mà điển hình là vụ việc làm giả liên quan đến vợ và con ứng cử viên tổng thống François Fillon cánh hữu, hay những vụ các dân biểu lem nhem về tiền bạc, lạm dụng thế lực làm ăn… - cử tri Pháp lần này đã quyết định dồn phiếu cho những ứng cử viên vừa mới, vừa trẻ cho dù biết là sự thiếu kinh nghiệm trên chính trường của một số đại biểu Quốc Hội đôi khi cũng là một trở ngại.

"Đa số tuyệt đối, nhưng mong manh"

Sau cùng, với đa số tuyệt đối bên lập pháp, ở điện Elysée, tổng thống Emmanuel Macron sẽ rộng tay tiến hành các biện pháp cải tổ để vực dậy kinh tế Pháp, để khôi phục lại vị thế của Paris trên sân khấu quốc tế.

Tuy nhiên, thắng lợi ngày 11/06 không được trọn vẹn. Bởi thứ nhất, với tất cả quyền lực trong tay như vậy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước bắt buộc phải thành công từ dự luật cải tổ lao động đến kế hoạch lập ra một số những giá trị đạo đức cho đời sống chính trị để tái tạo niềm tin với cử tri…

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận "hiện tượng sóng thần"mà tổng thống Macron và đảng của ông đang đem lại cho chính trường Pháp, nhưng chỉ cần nhìn vào số cử tri không đi bỏ phiếu cũng đủ cho thấy nhiệm vụ vực dậy nước Pháp sẽ đầy chông gai : Hơn 51% cử tri Pháp vắng mặt trong cuộc bầu cử Quốc Hội vòng 1 và trên tổng số 47 triệu cử tri, chỉ có hơn 6 triệu - tức chỉ có chưa đầy 15% bỏ phiếu cho Cộng Hòa Tiến Bước. Trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, chưa một đa số tuyệt đối nào lại được ít lá phiếu như vậy.

Không ai phủ nhận "thành công vượt bực" của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, nhưng đó là một "thành tích mong manh". - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ lập hệ thống báo động sóng thần

Trái với lập trường cố hữu luôn xem mọi hoạt động của Ấn Độ tại Biển Đông là khiêu khích, Bắc Kinh bất ngờ ủng hộ kế hoạch dự báo sóng thần của Ấn Độ tại vùng biển này với lý do « vì quyền lợi chung của các bên ». Hãng thông tấn Ấn Độ IANS cho biết như trên trong bản tin 11/06/2017.

Trả lời câu hỏi của IANS về dự kiến của Ấn Độ thành lập một hệ thống nghiên cứu báo động sóng thần ở Biển Đông, bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng « Trung Quốc và các nước liên can đã lập những cơ sở tuân thủ theo yêu cầu của các cơ quan Liên Hiệp Quốc ». Do vậy, các bên cũng có thể « thảo luận vấn đề hợp tác dựa trên những cơ sở sẵn có ».

Năm 2016, Trung Quốc loan báo xây dựng trung tâm báo động sóng thần tại Biển Đông trong bối cảnh bị lên án quân sự hóa khu vực tranh giành chủ quyền với Việt Nam và Philippines.

Nói cách khác, để có thể tiến hành nghiên cứu sóng thần ở Biển Đông, Ấn Độ phải thương lượng và nhìn nhận Trung Quốc là chủ nhân của vùng nghiên cứu.

IANS nhắc lại Trung Quốc luôn bực tức vì hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam (bloc 128). Tháng 05/2017, một « chuyên gia » của quân đội Trung Quốc còn phản đối Ấn Độ tập trận chung với Singapore ở Biển Đông, xem như một thái độ khiêu khích chủ quyền Trung Quốc.

Tại sao Bắc Kinh đột ngột thay đổi thái độ ? Theo IANS, Bắc Kinh muốn qua động thái này là dịu căng thẳng với New Delhi sau cuộc hội kiến được xem là « tích cực »giữa cấp lãnh đạo cao nhất là Tập Cận Bình và Narendra Modi bên lề hội nghị Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (09-10/06/2017). Ấn Độ cũng chính thức gia nhập tổ chức do Trung Quốc chủ xướng. - RFI
|
|

3.
Đài Loan lập tổ chức dân biểu hỗ trợ dân chủ Hồng Kông

Đồng thanh tương ứng. Trong buổi lễ ra mắt tại Đài Bắc ngày 12/06/2017, các dân biểu Đài Loan thành lập tổ chức để giúp Hồng Kông phát huy dân chủ trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hạn chế các quyền tự do tại bán đảo.

Dù Vàng Hồng Kông và Hoa Hướng Dương Đài Loan là hai phong trào dân chủ nổi dậy chống chế độ độc tài Bắc Kinh với những cuộc biểu tình lớn trong năm 2014.

Theo AFP, vào lúc Trung Quốc chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm thu hồi Hồng Kông (1997-2017), 18 dân biểu Đài Loan gồm thành viên đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn và đảng Tân Lực Lượng (NPP), xuất thân từ phong trào Hoa Hướng Dương, thành lập Ủy ban Dân Biểu Đài Loan-Hồng Kông để hỗ trợ cho phong trào dân chủ tại nhượng địa cũ của Anh Quốc.

Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wang) và dân biểu Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law), hai khuôn mặt biểu tượng của phong trào chiếm đóng đường phố làm lung lay chính quyền Lương Chấn Anh cách nay ba năm.

Theo giải thích của dân biểu Đài Loan Hoàng Quốc Xương, chính quyền Trung Quốc tiếp tục trấn áp người dân Hồng Kông tranh đấu vì dân chủ. Ủy Ban Dân Biểu được thành lập để trợ giúp những nhà dân chủ Đài Loan và Hồng Kông « trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chính trị công khai ».

Trả lời phỏng vấn của AFP, Hoàng Chi Phong và La Quán Thông xem Đài Loan là « đồng minh » của Hồng Kông và cần phải « đoàn kết với nhau để đối đầu với áp bức ».

Hai nhà tranh đấu trẻ tuổi này khẳng định không chủ trương đòi độc lập mà chỉ cần Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, theo dự báo của nhà phân tích William Lam, Bắc Kinh sẽ « tấn công thô bạo »nhóm dân biểu mới này và xem đây là một bằng chứng các phe đòi độc lập với Trung Quốc kết nối với nhau. - RFI
|
|

4.
Venezuela: Lãnh đạo đối lập kêu gọi quân đội nổi dậy

Ông Leopoldo Lopez, một lãnh đạo phe đối lập đang bị cầm tù từ ba năm nay, đã kêu gọi quân đội nổi dậy chống lại tổng thống Nicolas Maduro trong một video được phổ biến ngày 11/06/2017.

Trong đoạn video được đăng trên mạng xã hội ở Venezuela, được AFP trích dẫn, ông Lopez, người sáng lập đảng đối lập Voluntad Popular (Ý chí nhân dân) hô hào quân đội rằng « Các bạn có quyền và có nghĩa vụ nổi dậy trước các mệnh lệnh nhằm đàn áp nhân dân Venezuela, các bạn nổi dậy để buộc Hiến Pháp được thực thi ».

Đoạn video hô hào quân đội nổi dậy này được đang trên tài khoản Twitter của vợ ông.

Từ tháng 02/2014, nhà đối lập Lopez đang phải thụ án tù 3 năm 9 tháng tại nhà tù quân đội, gần thủ đô Caracas, vì tội « xúi giục bạo lực » trong làn sóng biểu tình chống tổng thống Maduro. Trong đợt biểu tình chống chính phủ năm đó, 43 người đã bị thiệt mạng.

Trong video trên, ông Lopez cũng giải thích thêm là trong thời gian bị giam giữ, ông đã tiếp xúc với nhiều quân nhân cũng bị án tù vì có những suy nghĩ khác với chính quyền và ông nhận thấy quân đội cũng đang rất mong đợí sự thay đổi trong đất nước. Nhà đối lập đã tố cáo tổng thống Maduro tiến hành các cuộc đàn áp man rợ người biểu tình.

Đất nước Trung Mỹ này đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ngày càng trầm trọng. Từ đầu tháng Tư năm 2017, hầu như ngày nào ở Venezuela cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của tổng thống Maduro. Đến nay đã có 66 người thiệt mạng và 1.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình này.

Tổng thống Venezuela Maduro vẫn luôn tố cáo các đối thủ của ông đã tổ chức « những hành động khủng bố » để giành quyền lực. - RFI
|
|

5.
G7 khí hậu họp tại Ý, Hoa Kỳ tự cô lập

Cuộc họp cấp bộ trưởng Môi Trường của nhóm G7 họp tại Bologna, nước Ý, trong hai ngày Chủ Nhật 11 và thứ Hai 12/06/2017. Sáu nước cam kết tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong khi đại diện của đối tác Mỹ là ông Scott Pruitt hoàn toàn im lặng.

Theo AFP, một tuần sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp Định COP 21, chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA, đại diện của Hoa Kỳ, Scott Pruitt chỉ dự hội nghị G7 khí hậu có một ngày, chụp ảnh, rồi biến mất.

Trong khi đó, đại diện nước chủ nhà là bộ trưởng Ý Gian Luca Galletti cho biết Ý và « đại đa số » các nước xem COP21 là hiệp định không thể đảo ngược, không thể thương thuyết lại. Ông ám chỉ tuyên bố của tổng thống Donald Trump đòi xóa những « điều khoản bất lợi cho doanh nhân Mỹ ».

Cho dù Mỹ rút lui gây khó khăn tài chính cho kế hoạch COP 21, Pháp kêu gọi tăng tốc thực hiện. Bộ trưởng Pháp Nicolas Hulot cho biết do tình thế cấp bách, cần phải « nâng cao chỉ tiêu và có lẽ phải gia tăng vận tốc thực hiện »hầu có thể ngăn chận nhiệt độ khí quyển không tăng hơn 2°C vào cuối thế kỷ.

Bên ngoài hội trường, nhiều cuộc biểu tình bảo vệ khí hậu được tổ chức. Trưa 11/06, hơn 1.000 sinh viên tuần hành ôn hoà với biểu ngữ « Không có hành tinh thứ hai cho chúng ta". - RFI
|
|

6.
Qatar giảm nhẹ tác động của khủng hoảng ngoại giao

Bộ trưởng Tài chính Qatar bày tỏ tin tưởng vào khả năng kinh tế của nước ông có thể vượt qua một cuộc tranh chấp ngoại giao với các nước đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào tuần trước.

Trong một cuộc phỏng vấn của kênh CNBC phát sóng hôm thứ Hai, ông Ali Sherif al-Emadi thừa nhận sẽ vấp phải một số thách thức, nhưng ở Qatar “mọi sinh hoạt vẫn bình thường”.

Ông nói:

“Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì cần lo lắng về nền kinh tế địa phương”.

Ông nói thêm rằng các quốc gia tuyên bố đình chỉ quan hệ, gồm Ả Rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập, phải đối mặt với nguy cơ khó khăn về tài chính của riêng họ do những tổn thất về kinh doanh trong khu vực.

“Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi là bên duy nhất bị mất mát trong vụ này”, ông nói. “Nhưng nếu chúng tôi mất một đôla, thì họ cũng sẽ mất một đôla”.

Các quốc gia cắt đứt quan hệ với Qatar tố cáo nước này hỗ trợ cho các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và Iran. Qatar phản bác lại, cho rằng những cáo buộc đó là vô căn cứ.

Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Ghasemi, nói hai bên nên giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán.

Kuwait cũng tham gia nỗ lực hòa giải.

Ngoài việc cắt quan hệ ngoại giao, Ả Rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập còn cắt các tuyến vận tải hàng không, đường biển và đường bộ đến Qatar, một nước vẫn tùy thuộc vào việc nhập khẩu hầu hết lương thực cần thiết.

Cũng trong ngày thứ Hai, Qatar khai trương các tuyến vận chuyển hàng hóa mới thông qua các cảng ở Oman.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã vận chuyển lương thực sang Qatar. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Hoa Kỳ sắp có thêm một tiểu bang?

Ngày 11/6, cư dân vùng lãnh thổ Puerto Rico đã đi đầu phiếu để trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ trong một cuộc trưng cầu không có tính ràng buộc pháp lý.

Gần nửa triệu phiếu ủng hộ giải pháp Puerto Rico trở thành một bang của nước Mỹ, khoảng 7.600 phiếu ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico trong tư cách một vùng lãnh thổ, và gần 6.700 phiếu muốn duy trì nguyên trạng. Tỷ lệ đi bỏ phiếu là 23%.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc thứ năm của cử tri đảo Puerto Rico. Năm 2012, dân đảo đã chọn giải pháp trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, nhưng Quốc hội, cơ quan có quyền đưa ra quyết định tối hậu về tương lai của Puerto Rico, không làm gì để xúc tiến giải pháp này.

Thống đốc Puerto Rico, Pedro Rossello, nói:

“Chúng tôi đã tạo cơ hội cho người dân lên tiếng trong việc đưa ra một giải pháp và chỉ trong vài giờ là có kết quả. Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều phiếu ủng hộ việc trở thành tiểu bang, và chúng tôi sẽ sử dụng những lá phiếu này, là những lá phiếu phê chuẩn cuộc bỏ phiếu năm 2012, để đảm bảo ý nguyện dân chủ của người dân, những công dân Mỹ cư ngụ ở Puerto Rico, được thực hiện”.

Nhiều người cho rằng quy chế lãnh thổ của Puerto Rico đã góp phần đẩy hòn đảo này vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 10 năm qua.

Nhưng phe đối lập lo ngại hòn đảo sẽ mất đi bản sắc văn hóa và cảnh báo rằng Puerto Rico sẽ chật vật hơn nữa về mặt tài chính, bởi vì nếu trở thành một bang của nước Mỹ, cư dân sẽ bị buộc phải trả hàng triệu đôla tiền thuế cho chính phủ liên bang.

Ông David Aldarondo, một người ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico, nói:

“Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, tôi tin sẽ có một sự chuyển tiếp dễ dàng hơn nếu trở thành một tiểu bang, nhưng nếu muốn chọn giải pháp độc lập, ví dụ như ngày mai, tôi tin rằng chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong một khoảng thời gian nhưng rốt cuộc, có thể không xảy ra trong đời tôi, Puerto có thể trở thành một quốc gia tốt đẹp, một hòn đảo tốt đẹp”.

Hiện nay cư dân Puerto Rico là công dân Mỹ, họ được miễn thuế thu nhập liên bang, nhưng vẫn phải trả tiền bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và các sắc thuế địa phương. Theo quy chế hiện nay, vùng lãnh thổ này nhận được ít tài trợ của liên bang hơn so với các tiểu bang của Hoa Kỳ.

Cuộc trưng cầu dân ý trùng hợp với ngày kỷ niệm 100 năm Hoa Kỳ cấp quốc tịch Mỹ cho cư dân Puerto Rico, mặc dù họ không được đi bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và chỉ có một đại diện ở Quốc hội với quyền hạn bỏ phiếu hạn chế. - VOA
|
|

8.
Mỹ: Tổng thống Donald Trump bị kiện có thu nhập từ nước ngoài

AFP, dẫn nguồn tin báo chí Mỹ cho biết, các thẩm phán của tiểu bang Maryland và Washington, ngày 12/06/2017, khởi kiện tổng thống Donald Trump được hưởng lợi từ chính phủ nước ngoài thông qua tập đoàn bất động sản của ông.

Báo Washington Post cho biết vụ kiện nhắm vào khách sạn Trump International Hotel nằm sát cạnh Nhà Trắng vừa được ông Trump khánh thành năm 2016. Theo Washington Post, tổ hợp khách sạn hạng sang trên, từ khi đi vào hoạt động, đã được nhiều quốc gia dành ưu ái cho hoạt động kinh doanh của cơ sở này, một hình thức gián tiếp tạo thu nhập cho ông Trump.

Sau khi chính thức nắm quyền tổng thống hồi tháng Giêng năm 2017, ông Trump đã dần chuyển quyền điều hành công việc kinh doanh cho các con nhưng vẫn giữ cổ phần trong tập đoàn Trump Organization.

Đơn kiện dựa trên điều khoản Hiến Pháp Mỹ cấm mọi người khi đang nắm chức vụ nhà nước « nhận quà biếu, bổng lộc, hay bất kỳ tước hiệu nào từ nhà vua, ông hoàng hay từ ngoại quốc ».

Thông tin trên được tung ra trong lúc Nhà Trắng đang cố dẹp các ngờ vực trong vụ cựu giám đốc FBI điều trần trước Thượng Viện và tổng thống Trump có thể sẽ còn gặp những rắc rối mới nảy sinh từ các cuộc điều tra của tư pháp cũng như Quốc Hội về những dính dáng với Nga với những người thân cận của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tại Washington tường trình :

"Các dân biểu có ý định tiếp tục các cuộc điều tra về sự can thiệp Nga vào cuộc bầu cử Mỹ và khả năng ê-kíp tranh cử của ông Trump có liên hệ với Matxcơva. Ngày mai bộ trưởng Tư Pháp Jeff Session sẽ phải ra điều trần và tiếp đó, tổng thư ký Nhà Trắng và Jared Kushner, con rể tổng thống, sẽ lần lượt phải ra trước Hạ Viện làm nhân chứng. Các dân biểu đã yêu cầu giao nộp băng ghi âm các cuộc nói chuyện trong phòng bầu dục giữa ông Trump và James Comey, nếu có.

Phe Dân Chủ thấy trong vụ này cơ hội làm suy yếu tổng thống. Còn phe Cộng Hòa thì tin tưởng sẽ không bao giờ có được bằng chứng lãnh đạo hành pháp Mỹ phạm pháp. Bởi tất các chuyên gia đều nhắc lại quan trọng là cần có bằng chứng. Trong khi hiện tại, James Comey công khai tố tổng thống nói dối, nhưng đó chỉ lời qua tiếng lại giữa hai người.

Điều ấn tượng, đó là ông James Comey tỏ ra thanh thản. Một quan chức cao cấp bị sa thải mà dường như đơn độc làm cuộc thập tự chinh chống lại nhân vật quyền lực nhất thế giới.

Ý thức được độ tin cậy của cựu giám độc FBI, phe Cộng Hòa đã bắt đầu tìm cách dập lửa bằng cách biện hộ chẳng qua đó là vì tổng thống thiếu kinh nghiệm nên có thái độ « không thích hợp ». Vụ việc này còn khuấy động Nhà Trắng trong nhiều tháng tới." - RFI
|
|

9.
Công tố viên Bharara bị sa thải 'vì từ chối cuộc gọi của Trump'

Một cựu công tố viên liên bang hàng đầu ở New York tiết lộ ông đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải sau khi nhận các cuộc gọi bất thường từ ông.

Preet Bharara nói trong chương trình This Week của ABC News rằng ông cảm thấy các cuộc gọi của ông Trump vượt qua ranh giới thông thường giữa nhánh hành pháp và các nhà điều tra hình sự độc lập.

Ông Bharara nói ông đã bị sa thải sau khi từ chối cuộc gọi thứ ba.

Nhà Trắng chưa có bình luận về phát ngôn của ông Bharara.

Ông Bharara, người được Obama bổ nhiệm, từng là công tố viên liên bang hàng đầu ở Manhattan, nói rằng ông Trump đã cố "vun đắp quan hệ" sau khi họ gặp nhau vào cuối năm 2016.

Nhưng ông nói ông cảm thấy điều này "không thích hợp" sau khi ông Trump nhậm chức.

Ông nói: "Tổng thống Obama không hề gọi điện cho tôi trong vòng bảy năm rưỡi."

"Tôi không mong chờ Tổng thống Hoa Kỳ gọi cho mình vì quan điểm của tôi là người trong ngành pháp lý phải giữ một mối quan hệ độc lập."

Cuộc phỏng vấn diễn ra vài ngày sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần và công khai việc ông Trump đã yêu cầu ông phải trung thành trong một bữa ăn tối ngay sau khi nhậm chức.

Tổng thống bác điều này và gọi ông Comey - người bạn và cựu đồng nghiệp của ông Bhahara - là "đồ hèn" vì đã rò rỉ cuộc trao đổi mang tính riêng tư. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

10.
VN: Dân sẽ bầu tổng thống đồng thời là lãnh đạo Đảng?

Lần đầu tiên ý tưởng gộp hai vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền và nguyên thủ quốc gia vào làm một được đề nghị công khai tại Việt Nam, kể cả trong khuôn khổ thể chế độc đảng.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp "nhất thể hóa" để lập ra chức Tổng thống, người cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài "Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính" (11/06), ông đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị.

Tuy nhiên, khi nói đến Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã đi thẳng vào vấn đề như sau:

"Ở nước ta, với mô hình một đảng cầm quyền, Tổng thống có thể trao đổi thống nhất ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội trước khi giới thiệu ứng cử viên giữ chức danh Thủ tướng."

"Khác với Tổng thống, Thủ tướng trong mô hình tổng thống lưỡng tính sẽ phải tương tác thường xuyên với Quốc hội, giải trình chính sách với Quốc hội và bị Quốc hội giám sát."

Ông cũng đề cập tới nhu cầu phải sửa đổi Hiến pháp như "một nhu cầu bắt buộc" một khi cơ cấu chính trị này được lựa chọn.

Các chi tiết về thủ tục ra sao một khi Việt Nam đi theo một trong hai mô hình này có lẽ là chuyện của tương lai, nhưng đây là lần đầu tiên, vấn đề "nhất thể hóa" với các chức danh cụ thể được đăng tải ở Việt Nam.

'Tổng thống' hay 'Chủ tịch'?

Chẳng hạn, ông Nguyễn Sĩ Dũng không gọi người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư như hiện nay mà bỏ ngỏ chức danh này, và chỉ gọi là "lãnh đạo Đảng".

Về chức danh người đứng đầu Nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất gọi là Tổng thống.

Điều đáng chú ý là trong các văn bản tiếng Anh, Việt Nam đã công nhận chức danh Tổng thống (president) chứ không gọi là "chairman" (chủ tịch).

Trung Quốc cũng đã bỏ khái niệm "chairman" từ lâu và chỉ còn dùng để nói đến cố Chủ tịch Mao Trạch Đông (Chairman Mao).

'Nên bầu trực tiếp Tổng thống Việt Nam'

Thêm nữa, lần đầu tiên ông Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý nên cho tổ chức bầu tổng thống trực tiếp ở Việt Nam.

Trong phần đầu bài, ông nêu ra cách tổ chức chung của chế độ tổng thống:

"Tổng thống trong mô hình tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu ra nên độc lập với Quốc hội và không chịu trách nhiệm trước Quốc hội."

Còn về nhân vật thứ ba, ông đề nghị "Trong mô hình này, ngoài Tổng thống, còn có một yếu nhân khác cũng nắm quyền hành pháp là Thủ tướng."

'Nhất thể hóa' để tránh chồng chéo?

Hiện chưa rõ các đề nghị của ông Nguyễn Sĩ Dũng được hưởng ứng ra sao tại Việt Nam sau khi bài ý kiến của ông được đăng trên diễn đàn của một báo nhỏ là trang Tia Sáng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều được nói đến những năm qua là vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam có một bộ máy riêng, bao trùm lên bên hành pháp.

Đảng này nhận vai trò "lãnh đạo" mà không phải một cơ quan lập pháp.

Ngoài việc bộ máy Đảng và chính quyền "chồng chéo", người ta cũng nói về con số nhân sự tốn kém mà tất cả đều do ngân sách nuôi.

Nhu cầu 'nhất thể hóa' trong phạm vi một đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam đã được tiếp cận công khai dù người ta không dùng các khái niệm như trong bài trên của ông Nguyễn Sỹ Dũng.

Hồi tháng 3/2017 đã có hội thảo do Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Đảng Cộng sản tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo đề cương đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Các báo Việt Nam tường thuật về sự kiện này đã chạy tựa là "Khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan Đảng".

Các nước có cấu trúc thể chế ra sao?

Ở nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo (leader) của đảng cầm quyền không nhất thiết phải là chủ tịch (chairman) của đảng đó.

Đây là các trường hợp "chairman" của đảng Bảo thủ Anh và đảng Cộng hòa ở Mỹ.

Chủ tịch chỉ là người điều hành công việc riêng của đảng này nhưng lãnh đạo đảng hoặc làm Thủ tướng (Anh), hoặc Tổng thống (Hoa Kỳ).

Còn tại Trung Quốc chủ tịch Đảng Cộng sản cũng là Chủ tịch nước, và hiện nay người nắm hai chức vụ này là ông Tập Cận Bình.

Trên thực tế, ở Nhật Bản và Anh Quốc, thủ tướng vừa điều hành chính phủ, vừa là người nắm chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước.

Đó là vì truyền thống của họ giữ lại hoàng gia với hoàng đế (Nhật Bản) hay nữ hoàng (Anh Quốc) là nguyên thủ quốc gia nhưng chỉ có quyền lực tượng trưng, để thủ tướng có thực quyền.

Ở Anh, chính thủ tướng đương quyền lại là người bổ nhiệm chức chủ tịch Đảng.

Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh, ông Patrick McLoughlin được bà Theresa May phong cho chức này hồi tháng 7/2016.

Thủ tướng có quyền rất to cũng là trường hợp của một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Brunei và Malaysia.

Còn tại Pháp, Ba Lan, Đức và nhiều nước châu Âu khác, thủ tướng chỉ là người đứng đầu nội các và điều hành chính phủ, dưới quyền của tổng thống.

Tương tự như thế, ông Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị để Thủ tướng Việt Nam là người đứng đầu nội các và điều hành công việc hàng ngày của chính phủ. - BBC
|
|

11.
Sức ép tăng đòi quân đội trả đất cho sân bay Tân Sơn Nhất

Sức ép tăng cao những ngày này trong dư luận và báo chí Việt Nam, đòi quân đội trả lại đất để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Báo chí trong nước tường thuật tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, nhưng chưa thể mở rộng vì vướng “đất quốc phòng”, đây là đề tài nóng trong các cuộc thảo luận tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra, cũng như trong công chúng.

Khu vực đất gây nhiều tranh cãi rộng 157 hecta được gọi là “đất dự phòng của quốc phòng”, do quân đội quản lý trên danh nghĩa “để bảo vệ tp.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất”. Trước đây là vùng đất trống, từ năm 2015 một phần lớn khu đất đã trở thành một sân golf thuộc quyền sở hữu của Bộ Quốc phòng và một số công ty thương mại.

Dự án liên doanh này đã bị phản đối quyết liệt cách đây 6 năm khi nó bắt đầu hình thành. Ở thời điểm đó, trung tá Lê Trọng Sành, cựu Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất, đã phân tích rất kỹ trên báo Thanh Niên về những hệ lụy của dự án sân golf đối với vấn đề an toàn bay. Nhưng sau đó dự án này vẫn được tiến hành.

Giờ đây các dự án này lại bị chỉ trích mạnh mẽ hơn giữa lúc tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng thêm nghiêm trọng.

Theo quy hoạch được Bộ Giao thông-Vận tải quyết định hồi tháng 9/2015, sân bay quốc tế của thành phố lớn nhất Việt Nam có công suất phục vụ 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, trên thực tế ngay năm đó lượng khách đi, đến qua sân bay đã đạt 26,5 triệu. Trong năm tiếp theo, 2016, lượng khách tăng mạnh 22,6%, đạt 32,5 triệu.

Sự gia tăng này gây ra tình trạng quá tải mọi mặt liên quan đến sân bay, từ việc các sảnh đợi đông nghịt người xếp hàng làm thủ tục, đến máy bay xếp hàng dài chờ cất cánh, hay phải bay vòng tròn trên trời đợi hạ cánh, cho đến tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường quanh sân bay.

Bức xúc dường như lên đến mức cao nhất từ trước đến nay khi vấn đề sân golf của quân đội cản trở việc mở rộng sân bay được đem ra mổ xẻ tại kỳ họp quốc hội.

Theo tường thuật của báo Người Lao Động, sáng 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Do yêu cầu của cuộc sống, do nhu cầu cấp thiết, thấy cần cho quốc gia, cái gì lợi nhất, cái gì tốt nhất thì cũng phải làm kể cả việc bỏ sân golf Tân Sơn Nhất".

Trong công chúng, nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội cho rằng sân golf là một hình ảnh phản cảm. Cùng lúc, có những người khác coi nó như một khối u gây nhức nhối cho hàng triệu người, cần phải cắt bỏ.

Trên báo chí chính thống, nhiều chuyên gia nhấn mạnh “cần xử lý ngay” sân golf trong lòng sân bay.

Phát biểu với báo Thanh Niên, PGS TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tp.HCM, nhận xét “đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay”. Ông bình luận thêm rằng việc các bên liên quan không trả lại đất “thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước”.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học, kỹ thuật tp.HCM, nói trong một bản tin của VOV rằng “vấn đề rất bức xúc” nên phía nhà nước và quốc hội cần phải đưa ra “chủ trương giải phóng nhanh khu vực sân golf”.

Nhận định về trình tự thu hồi đất sẽ dễ dàng hay khó khăn, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viện dẫn Điều 50 khoản 2 của Nghị định 43 về thực hiện Luật đất đai để phân tích với VOA.

Ông Hải cho biết điều luật quy định rằng nếu một đơn vị không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích quốc phòng, chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền thông báo và yêu cầu đơn vị đó sử dụng đúng mục đích quốc phòng, nếu không, chính quyền có quyền thu hồi đất và giao cho người khác.

Nhưng trên thực tế, có thể chính quyền tp.HCM sẽ cần “đèn xanh” từ lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước. Ông Hải nói thêm:

“Trong vụ này, UBND tp.HCM sẽ là người quyết định. Tuy nhiên, đất này liên quan đến không quân, Bộ Quốc phòng, cho nên UBND tp.HCM và cả thành ủy nữa chắc họ sẽ thận trọng hơn. Họ có thể gửi các thư thông báo đấy đến Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, còn gửi đến Bí thư Quân ủy Trung ương là ông tổng bí thư và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh là ông chủ tịch nước để báo cáo việc này. Nếu làm đúng thủ tục rồi, sau một năm mà những người đứng đầu Quân ủy Trung ương và Hội đồng Quốc phòng An ninh không có ý kiến gì, đương nhiên ông [chính quyền thành phố] thực hiện quyền của mình là thu hồi, sau một năm từ ngày thông báo”.

Trong một bài báo của Dân Trí, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa tp.HCM, khẳng định việc thu hồi sân golf để mở rộng sân bay là “khả thi”. Ông Tống nhấn mạnh “khả năng thu hồi đất sân golf để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất là nằm trong quyền lực của Chính phủ”.

Nhà khoa học này cho rằng việc này giúp sân bay Tân Sơn Nhất giải được 3 bài toán là kẹt xe ở cổng ra vào sân bay, ngập nước trong sân bay, và quá tải ở cả bên dưới lẫn bầu trời vì thiếu đường băng.

Báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nói chiều 12/6 cho hay vào chiều tối cùng ngày, chính phủ họp để bàn vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải trình với chính phủ về tính khả thi của việc xây đường băng và nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trên khu đất hiện là sân golf theo đề nghị của các chuyên gia.

Các phản ứng trên mạng xã hội cho thây công chúng Việt Nam kỳ vọng chính phủ sẽ ra quyết định thu hồi sân golf, thay vì đẩy nó lên tầm cao nhất trong hệ thống chính trị của đất nước là Tổng bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng. - VOA
|
|

12.
Bạch Hồng Quyền: ‘tạm an toàn và đang xem xét đến một nước khác lánh nạn’

Bạch Hồng Quyền, nhà vận động vì môi trường ở Hà Tĩnh đang bị chính quyền Việt Nam truy nã, nói hiện nay anh đang ở một nơi khá an toàn và đang cân nhắc giải pháp đi đến một nước khác để lánh nạn.

Tuần qua nhà vận động 28 tuổi nói với VOA - Việt Ngữ rằng hiện anh đang ở một nơi mà công an Việt Nam khó phát hiện:

“Hiện tại thì tôi tạm thời an toàn, vì ở đây phía công an Việt Nam khó có thể tìm thấy được.”

Bạch Hồng Quyền nói anh đang cân nhắc quyết định đi sang một nước khác, theo đề nghị của một số đại diện ngoại giao nước ngoài:

“Bây giờ có rất nhiều tổ chức và một số đại sứ quán các nước đã liên hệ với tôi, muốn giúp đỡ tôi để tôi có thể đi sang một nước khác, để không bị phía chính quyền Việt Nam bắt bớ. Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không. Với những lời đề nghị đó thì tôi đang suy nghĩ, để đưa ra quyết định để ở ngoài tiếp tục hoạt động, giúp cho người dân bằng một cách nào đó.”

Dù bị chính quyền Việt Nam truy nã và ra lệnh bắt, anh Bạch Hồng Quyền nói anh vẫn quyết tâm đến cùng để giúp người dân các tỉnh miền Trung, những nạn nhân vụ ô nhiểm môi trường biển do công ty Formosa gây ra vào tháng 4 năm ngoái.

Hôm 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố anh Bạch Hồng Quyền về “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố và hôm 19/4 phát lệnh “bắt bị can để tạm giam”. Ngày 12/5, Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Bạch Hồng Quyền.

Nói về lệnh bắt và truy nã, Bạch Hồng Quyền nói chính quyền muốn dập tắt tiếng nói phản kháng của người dân và làm tê liệt tinh thần của những người hoạt động vì môi trường như anh:

“Chính quyền Hà Tĩnh cố tình ra lệnh bắt và lệnh truy nã để dập tiếng nói mà lên tiếng cho những người ngư dân, những người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra, cũng như làm cho tinh thần cho người đang muốn giúp đỡ người dân thêm sợ hãi để họ không giúp người dân tại 4 tỉnh miền Trung nữa.”

Từ khi bí mật rời nơi cư ngụ, Bạch Hồng Quyền biết chính quyền địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu gia đình, và vợ con anh:

“Đến ngày hôm nay, bên phía gia đình tôi và phía nhà vợ vẫn bị một số người an ninh thường phục theo dõi và canh nhà. Bên phía vợ, họ luôn luôn tìm cách đi theo. Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra. Những người này không mặc sắc phục, họ chặn xe, tự xưng là công an thành phố Hà Nội. Họ mở cóp xe, kiểm tra túi sách. Sau khi kiểm tra, họ cũng không có biên bản về việc kiểm tra như thế.”

Blogger Lê Anh Hùng viết cho VOA: “Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.”

Blogger này viết tiếp: “Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà, và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.”

Tháng trước, chị Bùi Hương Giang, vợ của anh Quyền khẳng định với VOA rằng chồng chị vô tội:

“Đó là tội danh mà nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho anh Quyền. Mình thì luôn luôn ủng hộ chồng và thấy việc làm của chồng là đúng. Nhà máy Formosa đã xả thải ra môi trường, làm ô nhiểm môi trường biển. Chồng mình chỉ đến làm truyền thông giúp bà con lan tỏa tiếng nói của mình.” - VOA
|
|

13.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy bị chặn

Đây là tình trạng thường xảy ra lâu nay và những tín đồ không theo phái do Nhà nước kiểm soát cho biết họ bị những người mặc thường phục mà theo họ là người của chính quyền địa phương chặn không cho ra khỏi nhà trước khi dịp lễ. Một số khác nói rằng Facebook của họ cũng bị khóa.

Một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói với đài RFA:

“Từ ngày rằm đến nay, những trường hợp tín đồ phản đối các việc làm sai trái của tổ chức Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo quốc danh cũng như phía nhà cầm quyền Cộng sản, đều bị nhà cầm quyền bố trí một lực lượng đông người đến để canh giữ không cho bất cứ ra đường, hay ra khỏi nhà.”

Trong khi đó truyền thông trong nước loan tin sáng 12 tháng 6, tức 18 tháng 5 âm lịch, Ban trị sự Trung ương Hội Phật giáo Hòa Hảo đã tổ chức đại lễ kỷ niệm 78 năm ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo tại An Hòa Tự , Phú Tân, An Giang.

Theo đó, tại buổi lễ kỷ niệm, bà Trần Thị Thanh Hương, Chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang nói rằng phật giáo Hòa Hảo trong những năm qua đã giữ gìn được giáo lý chân truyền, nêu cao truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc. Đồng thời, bà Hương cũng đánh giá cao vai trò của Ban trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, cho rằng họ cùng các tín đồ đã có nhiều thành tích trong việc xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Những tín đồ không theo phái do Nhà nước lập nên cho rằng những thành phần theo phái do nhà nước có những diễn giải sai giáo lý do chính Đức Huỳnh Giáo chủ truyền dạy. Ngoài ra những người theo phái do Nhà nước Hà Nội lập nên còn phá giới không tu tập theo đúng yêu cầu của đạo. - RFA
|
|

14.
Giá trị thủy sản giảm gần 2% do ô nhiễm biển

Giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm ngoái giảm gần 2% so với mức trung bình của cả giai đoạn 2013-2016.

Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận như vừa nêu trong báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguyên nhân được người đứng đầu ngành Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết chủ yếu do anh hưởng nặng nề của thiên tai và tình trạng mà ông này gọi là ‘sự cố ô nhiễm môi trường biển’ ở 4 tỉnh miền Trung.

Trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011- 2015 so với gian đoạn 2000-2005 giảm khoảng 14%; trong đó nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%.

Các nhóm nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam thống kê chủ yếu gồm cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc… Ước tính số này dao động từ 4 triệu đến 4 triệu 6 trăm ngàn tấn trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên số này chưa bao gồm nguồn lợi hải sản trong các hệ sinh thái vùng ven biển, nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng dốc thềm lục địa, vùng biển sâu từ 200 thước trở ra và các gò nổi.

Thống kê cho thấy trên cả nước Việt Nam có gần 111 ngàn tàu đánh cá với chừng 650 ngàn lao động trực tiếp trên biển và hằng triệu lao động trên bờ.

Vấn đề Formosa là một trong hai vấn đề mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ nêu lên trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 sẽ được tiến hành từ ngày 13 đến 16 tháng 6.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa rằng ông này sẽ tập trung chất vấn việc Formosa sửa chữa, khắc phục các lỗi xong chưa. Thế nhưng ông cho biết quan tâm đặc biệt của ông là môi trường biển: đến nay đã khôi phục được môi trường biển bị ô nhiễm hay chứa hoặc khôi phục được bao nhiêu. Bên cạnh đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân chịu tác động.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương thuộc đoàn Quảng Bình, một trong bốn tỉnh được đưa vào danh sách chịu tác động bởi thảm họa môi trường biển ô nhiễm do Formosa gây nên, cho biết sẽ chất vấn về những giải pháp làm sạch môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội miền Trung, đặc biệt ngành du lịch.

Đại biểu Phan thị Bình Thuận thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết khi chất vấn về giám sát đầu tư công cũng sẽ đề cập đến vụ việc Formosa xả thải ra biển; tình trạng không phát hiện, xử lý những sai phạm kịp thời để ngăn chặn thiệt hại như ở các dự án kém hiệu quả…

Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 6, bốn bộ trưởng các bộ Nông nghiệp - Phát triển - Nông thôn, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Văn Hóa - Thể thao - Du lịch sẽ trả lời chất vấn của các vị đại biểu trong kỳ họp hiện nay. - RFA
|
|

15.
Bí thư tỉnh Yên Bái bị nghi ‘chuyển đất’ cho em ruột xây dinh thự

Hôm 9 Tháng Sáu, Thanh Tra tỉnh Yên Bái chính thức kiểm tra vụ chuyển hơn 13,500 mét vuông đất nông nghiệp thành thổ cư, để xây dựng dinh thự giữa thành phố Yên Bái, của ông giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, người là em ruột bí thư tỉnh ủy!

Tuần vừa qua, báo chí Việt Nam nêu ra hàng loạt điểm bất thường quanh việc gia đình ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, xây dựng dinh thự tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Dinh thự này là một quần thể kiến trúc với biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa…

Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập dinh thự trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, báo chí Việt Nam còn nêu ra một thắc mắc khác, đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.

Theo tờ Thanh Niên, chính quyền thành phố Yên Bái đã sử dụng “Quyết Định Điều Chỉnh Quy Hoạch Sử Dụng Đất Đến Năm 2020” do tỉnh này ban hành năm 2014 để ra sáu quyết định cho phép gia đình ông Quý chuyển số đất nông nghiệp thành thổ cư.

Ông Quý khi đó là phó giám đốc sở, kiêm giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất của tỉnh.

Báo Thanh Niên cho hay, ông Phạm Sỹ Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà. Thời điểm này, bà Trà là chủ tịch tỉnh Yên Bái.

Sau vụ ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh, vào trụ sở tỉnh ủy hôm 18 Tháng Sáu, 2016, bắn ông Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh và ông Ngô Ngọc Tuấn, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh, chết tại chỗ rồi tự sát, thì bà đảm nhiệm vai trò bí thư kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân mới của tỉnh để thay hai nhân vật vừa bị bắn chết.

Tuy nhiên, trước khi rời cương vị chủ tịch tỉnh Yên Bái, chính thức đảm nhiệm vai trò bí thư tỉnh, hôm 9 Tháng Chín, bà Trà ký một trong những quyết định cuối cùng là bổ nhiệm ông Quý làm giám đốc sở.

Hồi đầu tháng này, Bộ Nội Vụ chính thức nêu vấn đề “cả họ làm quan” là chuyện có thật tại chín tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Yên Bái là một trong những tỉnh có “hiện tượng” đó. Việc thừa nhận “cả họ làm quan” không đi kèm bất kỳ giải pháp xử lý nào vì kết quả thanh tra cho thấy, tất cả các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm thân bằng, quyến thuộc đều “đúng quy trình.” “Hiện tượng” này chỉ được nêu ra như một vấn đề cần “rút kinh nghiệm” vì dân chúng bất bình.

Scandal liên quan tới gia đình ông Quý có thể cũng sẽ chỉ “rút kinh nghiệm.” Việc chính quyền thành phố Yên Bái cho phép ông Quý chuyển đổi đất nông nghiệp dường như cũng “đúng quy trình.”

Quyết định điều chỉnh đất của chính quyền tỉnh Yên Bái ban hành năm 2014 là một “căn cứ vững chắc về pháp lý” để ông Quý được hưởng sự ưu đãi hết sức bất thường đó. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9



No comments:

Post a Comment