Sunday, June 25, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 24/6

Tin Thế Giới

1.
Mỹ phản đối thay đổi nguyên trạng Biển Đông --- Tàu chiến Nhật đưa khách đi tham quan Biển Đông, thách thức Trung Quốc

Hoa Kỳ khẳng định không thay đổi lập trường về Biển Đông. Tuyên bố được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đưa ra trong phiên họp đầu tiên của hội nghị cấp cao Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ-Trung khai mạc ngày 21/06/2017 tại Washington.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ Tillerson và Mattis đã tiếp đón ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại và tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.

Theo trang tin Philstar ngày 24/06/2017, trước báo giới, ngoại trưởng Mỹ cho biết phía Mỹ đã trao đổi thẳng thắn các quan điểm của mình liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông với các quan chức Trung Quốc.

Ông Tillerson nhấn mạnh : « Chúng tôi phản đối mọi thay đổi nguyên trạng bằng cách quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông và đưa ra đòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực ».

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố đã thảo luận về tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông hàng hải, giải pháp hòa bình trong tranh chấp hàng hải và các biện pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra trên không, trên biển và hoạt động tại những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết : « Về vấn đề Biển Đông, đây là một cuộc đối thoại mà chúng tôi nêu lên những lĩnh vực mà hai bên có thể cùng làm ». Tuy nhiên, theo ông, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình đối thoại mà hai bên sẽ còn duy trì trong tương lai.

Vài tuần trước, ngoại trưởng Mỹ Tillerson cáo buộc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để lẩn tránh nhiều vấn đề, như tranh chấp tại Biển Đông. Bất bình trước những lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định ở các vùng biển có tranh chấp. - RFI

***
Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản đã đi vào Biển Đông trong tuần này trong một hành động nhằm thách thức sự quyết đoán của Trung Quốc, với các quan khách quân sự Châu Á trên tàu chứng kiến máy bay trực thăng lượn vòng bên trên và pháo thủ nhắm bắn những phao mục tiêu.

Các sĩ quan quân đội của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đã lên tàu chở máy bay trực thăng Izumo 248 mét tại Singapore hôm thứ Hai. Nó quay trở lại vào ngày thứ Sáu sau khi phô bày kỹ năng và thiết bị hải quân mà Tokyo hy vọng sẽ giúp họ tăng cường các liên minh trong khu vực.

Tàu Izumo đã quay trở lại Singapore trước khi băng qua ranh giới được gọi là đường chín đoạn ấn định vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình.

Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc đang củng cố quyền kiểm soát của mình ở Biển Đông với những cơ sở quân sự nhân tạo, những thương vụ vũ khí và viện trợ phát triển.

Chuyến du hành gây chú ý này là một phần trong nỗ lực có phối hợp chưa từng thấy từ trước tới nay của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản và các quan chức quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia bao quanh vùng biển tranh chấp này. Nó cũng đánh dấu một nỗ lực đồng bộ tiến vào lĩnh vực ngoại giao quân sự của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc theo dõi "chặt chẽ" thượng đỉnh Mỹ-Ấn

Trung Quốc kêu gọi các quốc gia không liên quan đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Lời kêu gọi trên được đưa ra ba ngày trước chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đến Hoa Kỳ kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Bắc Kinh lo ngại trước viễn cảnh Washington và New Delhi thắt chặt quan hệ quân sự, làm ảnh hưởng đến khu Biển Đông và khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nhật báo The Times of India, số ra ngày 23/06/2017 trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng (Geng Shuang) trong buổi họp báo đã tuyên bố : " Nhờ những nỗ lực chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình ở Biển Đông đã lắng dịu. Chúng tôi hy vọng những quốc gia khác, đặc biệt những nước ngoài khu vực, tôn trọng những nỗ lực của các bên liên quan để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời có thể đóng một vài trò tích cực trong mục đích đó".

Theo như nhận định của tờ báo, nếu như Trung Quốc lo ngại về khả năng Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự, thì ngược lại Bắc Kinh đang kỳ vọng nhiều vào khả năng New Delhi và Washington đẩy mạnh hợp tác kinh tế.

Một chuyên gia Trung Quốc thuộc đại học Tinh Hoa tại Bắc Kinh trả lời trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo nêu lên một thí dụ cụ thể : chính sách của Mỹ giới hạn việc cấp visa cho người lao động theo diện H1B ảnh hưởng nhiều đến các công dân của Ấn Độ và Trung Quốc, do vậy Bắc Kinh ủng hộ những nỗ lực của thủ tướng Modi thuyết phục tổng thống Trump xét lại biện pháp đó.

Mặt khác, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ, cho nên nếu như Washington thuyết phục được New Delhi có chính sách cởi mở hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, thì biện pháp đó cũng sẽ có lợi cho các tập đoàn của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi lần đầu tiên hội kiến tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 26/06/2017. - RFI
|
|

3.
Trung Quốc: Sạt lở đất tại Tứ Xuyên, hơn 140 người mất tích --- Việt Nam ‘gửi điện thăm hỏi’ Trung Quốc

Hơn 40 ngôi nhà bị cuốn trôi. Nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 141 người mất tích tại tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, thiên tai xảy ra vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 24/06/2017.

Hơn 300 lính, nhân viên cảnh sát và cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Hơn 500 nhân viên cứu hộ đang được huy động để tiếp tay với lực lượng nói trên. Theo các nhà quan sát, công việc cứu hộ đang diễn ra trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.

Mưa lũ tiếp diễn, gây sạt lở đất. Một số nhân chứng tại chỗ cho biết, "hàng tấn đá núi lở" đã nhận chìm nhiều căn hộ. Hình ảnh trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy nhiều ngôi làng bị xóa sổ trong vài giờ.

Tứ Xuyên là tỉnh đông dân thứ tư trên toàn quốc, với 80 triệu dân cư. Tháng 5/2008 tỉnh này đã phải đối mặt với môt trận động đất kinh hoàng, làm 87.000 người thiệt mạng.

Một chuyên gia thuộc trung tâm dự báo thời tiết ở tỉnh Tứ Xuyên, gắn liền trận động đất cách nay đã 9 năm với đợt sạt lở đất sáng 24/06. Theo ông, trận động đất hồi năm 2008 đã làm suy yếu nhiều cơ sở hạ tầng. Những trận mưa nhỏ cũng có thể gây ra thảm họa.

Hãng tin AFP nhắc lại Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với những vụ sạt lở đất, đặc biệt là ở những vùng quê và miền núi. - RFI

***
Nguyên thủ Việt Nam hôm 24/6 đã gửi lời thăm hỏi người đồng nhiệm ở quốc gia láng giềng sau khi xảy ra vụ lở núi chết chóc.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã gửi điện hỏi thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi biết tin về vụ lở núi ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tin cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chuyển lời tới Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Hơn 100 dân làng Tân Ma có thể đã thiệt mạng, sau khi một trận lở đất tại vùng núi hẻo lánh của Trung Quốc chôn vùi hơn 60 ngôi nhà.

Reuters dẫn lại Tân Hoa Xã đưa tin thêm rằng tới ngày 24/6 các nhân viên cứu hộ mới chỉ tìm thấy 6 thi thể.

​Đây là lần đầu tiên báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đưa tin liên quan tới quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh, sáu ngày sau khi một quan chức quốc phòng đầy quyền lực của Trung Quốc “đột ngột cắt ngắn chuyến thăm” tới “nước cộng sản anh em”.

Việt Nam tới nay vẫn chưa nêu lý do về việc ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hủy một sự kiện giao lưu quân sự và bỏ về nước hôm 18/6. Còn Bắc Kinh nói rằng việc đó liên quan tới chuyện sắp xếp lịch làm việc.

Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm 22/6 viết: “Các cơ quan truyền thông nước ngoài cho rằng việc hủy này có thể xuất phát từ chuyện bất đồng song phương về việc Việt Nam khoan dầu và khí ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông”.

Tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan này viết thêm: “Phía Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào. Dường như quan hệ Việt – Trung sẽ tiếp tục sóng gió vì tranh chấp Biển Đông trong tương lai”.

Hoàn cầu Thời báo, tờ từng chỉ trích Việt Nam xích lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ, cho rằng “Trung Quốc và Việt Nam phải tránh để tranh chấp vượt khỏi tầm kiểm soát”.

“Lịch sử cho thấy rằng một sự đối đầu giữa hai nước theo chủ nghĩa xã hội sẽ thực sự thảm khốc vì cả hai đều có khả năng lớn trong việc huy động dân chúng”, tờ báo cảnh báo.

Các nhà quan sát cho rằng vụ ông Phạm Trường Long cho thấy "sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Việt - Trung". - VOA
|
|

4.
Nga: Nhà đối lập Navalny không được tranh cử tổng thống 2018

Ủy ban Bầu cử Nga, trong thông cáo ngày 23/06/2017, cho biết : "Hiện tại", blogger Alexeï Navalny, 41 tuổi, không đủ tư cách để trở thành tổng thống Nga. Lý do đưa ra là năm 2013, ông Navalny lãnh án treo 5 năm vì tội biển thủ công quỹ.

Nhà đối lập Nga, người thường xuyên tố cáo chính quyền Matxcơva tham nhũng, bị cáo buộc biển thủ 400.000 đô la từ hồi năm 2009.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Nga, Elle Pamfilova, nói thêm, vì bản án nói trên tuyên hồi năm 2013, Alexeï Navalny không "có hy vọng được ghi tên vào danh sách các ứng cử viên tổng thống". Nga bầu lại tổng thống vào năm 2018 cho một nhiệm kỳ 5 năm.

Về phía ông Navalny, phe này xem quyết định của Ủy ban Bầu cử là một thủ đoạn để ngăn cản mọi hoạt động chính trị của một tiếng nói đối lập.

Ngày 12/06/2017 Alexeï Navalny kêu gọi và tham gia cuộc xuống đường chống chính quyền Matxcơva. Ông bị bắt giữ cùng hàng trăm người biểu tình và lãnh án tù 25 ngày. Trên nguyên tắc đến này ngày 07/07/2017 Alexeï Navalny mới được trả tự do. - RFI
|
|

5.
Nga khởi công lắp đặt đường ống dẫn khí TurkStream dưới Biển Đen

Ngày 23/06/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi công hạng mục thi công trong vùng nước sâu của dự án TurkStream lắp đặt đường ống dẫn khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là giai đoạn quan trọng của công trình biểu tượng cho sự hòa giải gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Matxcơva cũng muốn hệ thống dẫn khí này thành là nguồn mới đưa khí đốt của Nga vào châu Âu.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pompone:

Tổng thống Nga đã tham dự lễ khởi công dự án ngoài khơi biển Đen, trên một con tầu có khả năng thi công đặt ống dưới độ sâu 2km. Ông Putin đã gọi điện cho đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để hoan nghênh tiến độ nhanh của công trình.

Tổng thống Nga nhận xét : « Trong khi với nhiều nước khác, chúng tôi mất vài năm để đưa ra các thỏa thuận về mặt hành chính, với Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi chỉ cần vài tháng ». Ông muốn ám chỉ đến những khó khăn mà Nga gặp phải về dự án một số đường ống dẫn khí khác đến châu Âu.

Dự án năng lượng quan trọng này được công bố từ cuối năm 2014, vào thời điểm hệ thống South Stream đi qua Biển Đen và Bulgari bị Liên Hiệp Châu Âu đình lại do cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Sau đó, dự án TurkStream còn bị hoãn lại vì khủng hoảng Nga-Thổ sau sự kiện một oanh tạc cơ của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 11/2015. Hiện hai nước đã giải hòa và liên minh với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Dự án TurkStream nhằm mục đích tăng khối lượng khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng biến quốc gia này làm trạm trung chuyển đưa khí đốt đến Liên Hiệp Châu Âu thay cho Ukraina như trước đây. Tuy nhiên, viễn cảnh vẫn chưa chắc chắn vì Bruxelles tỏ ra nghi ngờ về các dự án đường ống dẫn khí của Nga.

Trong buổi tiếp đón tổng giám đốc tập đoàn Shell vào tuần này, tổng thống Vladmir Putin trấn an rằng phải « bình tĩnh giải thích rằng dự án này không nhằm chống nước nào hết » mà « chỉ hoàn toàn mang tính thương mại ».

Lượng dầu xuất khẩu sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục vào năm 2016 dù Liên Hiệp tỏ rõ ý định giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. - RFI
|
|

6.
Bruxelles triển hạn trừng phạt Nga, Matxcơva phản ứng thận trọng --- Sứ quán Nga: Quan hệ Na Uy-Nga sẽ xấu đi vì lính Mỹ được triển hạn đóng quân

Liên Hiệp Châu Âu, ngày 23/06/2017, quyết định triển hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì can thiệp vào cuộc xung đột tại miền đông Ukraina. Với các nhà lãnh đạo châu Âu, Nga chưa làm hết sức để áp dụng các thỏa thuận Minks.

Quyết định của Bruxelles được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Washington thông báo triển khai các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne, phản ứng của Nga về quyết định triển hạn trừng phạt của Bruxelles lại không mạnh mẽ bằng phản ứng đưa ra trước đó với Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Nga, Konstantin Kosatchov, cho rằng « Liên Hiệp Châu Âu có cách nhìn sai về tình hình khiến Bruxelles đánh giá sai hồ sơ » và Liên Hiệp Châu Âu nghe quá nhiều quan điểm của Ukraina.

Trong khi đó, phản ứng về các trừng phạt mới của Mỹ, ngoại trưởng Nga không ngại cho rằng « kiểu hành động này đe dọa nghiêm trọng đến toàn bộ quan hệ Nga-Mỹ », đồng thời hủy cuộc gặp ngoại giao cấp cao, dự kiến diễn ra vào tuần này tại Saint-Peterbourg. Trước đó, ngày 15/06, tổng thống Nga tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến quan hệ Matxcơva-Washington thêm phức tạp.

Gần đây, chuyến thăm Pháp của tổng thống Nga trong khuôn khổ khai mạc triển lãm về Pi-e Đại Đế tại lâu đài Versailles và chuyến công du Matxcơva của ngoại trưởng Pháp được cho là dấu hiệu thể hiện mong muốn phá băng trong mối quan hệ giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu.

Merkel-Macron ca ngợi đầu tầu Đức-Pháp thúc đẩy Liên Hiệp

Cũng tại thượng đỉnh châu Âu ngày 23/06, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Angela Merkel đã ca ngợi đầu tầu Pháp-Đức để thúc đẩy châu Âu. Trước báo giới, thủ tướng Đức phát biểu : « Cuộc họp báo này cho thấy chúng tôi quyết định cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề ». Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa hai nước về vấn đề quốc phòng, nhập cư, khí hậu, chống khủng bố và các vấn đề thương mại.

Ngược lại, cả hai lãnh đạo tránh đi sâu vào những chủ đề có thể gây tranh cãi, như cải tổ khu vực đồng euro theo khởi xướng của Paris, khiến nhiều quan chức thuộc phe bảo thủ Đức lo ngại. - RFI

***
Quyết định của Na Uy mở rộng sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ trên đất của họ sẽ làm xấu đi quan hệ với nước láng giềng Nga và có thể làm leo thang căng thẳng ở cánh phía bắc của NATO, đại sứ quán Nga ở Oslo nói với hãng tin Reuters hôm thứ Bảy.

Khoảng 330 thủy quân lục chiến sẽ đồn trú tại Na Uy cho đến cuối năm 2018, chính phủ cho biết hôm thứ Tư, triển hạn gấp đôi khoảng thời gian ban đầu được mô tả là thời hạn thử một năm.

Việc triển khai binh sĩ vào tháng 1 vừa qua để diễn tập tác chiến mùa đông và trượt tuyết băng đồng, và tham gia vào các cuộc tập trận chung, đánh dấu toán binh sĩ nước ngoài đầu tiên trú đóng tại nước thành viên NATO này kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

"Chúng tôi cho rằng bước đi này mâu thuẫn với chính sách của Na Uy là không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này vào thời bình," đại sứ quán Nga viết trong một thông cáo gửi cho Reuters.

Nó còn "làm cho Na Uy trở thành một đối tác không hoàn toàn đoán định được, có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến việc gây bất ổn cho tình hình trong vùng phía bắc," thông cáo nói thêm.

Na Uy hạ giảm tầm quan trọng của việc triển khai binh sĩ, nhấn mạnh vào yếu tố huấn luyện và phủ nhận việc thủy quân lục chiến Mỹ đến đây là một hành động nhắm vào Nga. Binh sĩ Mỹ đóng quân cách biên giới Nga khoảng 1.500 kilômét.

"Sự hiện diện thường xuyên của quân liên minh ở mức độ cao tạo nên trạng thái bình thường có tính ổn định trong thời bình, góp phần răn đe và phòng vệ," Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide nói trong một thông cáo vào ngày 21 tháng 6.

Quyết định của chính phủ thiểu số trung hữu Na Uy nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng đối lập của nước này, nhưng bị cách tả chỉ trích. - VOA
|
|

7.
Trump thay củ cà rốt bằng cây gậy, Cuba vẫn không lay chuyển

Le Courrier International tuần này đăng bài viết của trang web đối lập Cuba « 14ymedio » mang tựa đề « Trump quay lui, thì sao ? ». Tổng thống Donald Trump hủy bỏ những biện pháp giảm nhẹ cấm vận của người tiền nhiệm Obama, nhưng theo tờ báo, việc quay lại với chính sách « cây gậy » cũng không ảnh hưởng nhiều đến chế độ Castro.

Tờ báo viết, phép lạ nào khiến « con voi chính trị đã bước vào gian hàng đồ sứ » của thế giới, có thể thành công trong chính sách Cuba của ông ta ? Donald Trump muốn làm hài lòng những người muốn bóp nghẹt La Habana : trừng phạt, cắt ngân sách, hủy bỏ những biện pháp của ông Obama khi muốn làm tan băng…Một chiến lược mà nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ là không hiệu quả.

Họ cứ ngỡ là sẽ cúp được điện, nước, internet nơi các lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba. Những lời kêu gọi cứng rắn hiếm khi nghe được nơi những người phải đứng chờ xe buýt hàng giờ đồng hồ, lệ thuộc vào lượng bánh mì ít ỏi được phân phối hàng ngày, và xoay sở để sống sót cả tháng với số lương chỉ đủ cho nhu cầu một tuần lễ.
|
|

8.
Báo đảng Trung Quốc ca ngợi nghị quyết nhân quyền LHQ do Bắc Kinh dẫn đầu

Sự độc quyền của Tây phương về nhân quyền đã bị giáng một cú bởi quyết định của Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu nói rằng sự phát triển thúc đẩy nhân quyền, một bài xã luận đăng trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Bảy.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm thông qua một nghị quyết do Trung Quốc dẫn đầu về "Sự đóng góp của Phát triển đối với Sự thụ hưởng Tất cả Nhân quyền," là lần đầu tiên họ thông qua một nghị quyết về các vấn đề phát triển, Tân Hoa Xã đưa tin.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết nghị quyết được đồng tài trợ bởi hơn 70 quốc gia.

"Suốt một thời gian dài, tiến trình và thảo luận về nhân quyền quốc tế đã bị chiếm độc quyền bởi các chính phủ phương Tây," tờ Nhân dân Nhật báo nói trong bài xã luận ngày thứ Bảy.

"Một số người phương Tây thường sử dụng chiêu bài nhân quyền để xuất khẩu các giá trị của họ và thậm chí sử dụng chúng để can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác," bài xã luận viết.

"Việc đưa khái niệm 'phát triển thúc đẩy nhân quyền' vào hệ thống nhân quyền quốc tế cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong cuộc đối thoại về nhân quyền toàn cầu," tờ báo này nói.

Trung Quốc lâu nay vẫn đối mặt với những chỉ trích về thành tích nhân quyền kém cỏi của mình từ các tổ chức quốc tế và các chính phủ phương Tây lên tiếng chống lại việc bóp nghẹt xã hội dân sự, cũng như việc kiểm duyệt và giam giữ những luật sư và nhà hoạt động nhân quyền.

Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ những chỉ trích của nước ngoài, nói rằng định nghĩa nhân quyền mà phương Tây sử dụng là quá hẹp và phớt lờ những nỗ lực mà Trung Quốc đã thực hiện để giảm nghèo và bảo đảm quyền được đi học và không bị đói kém.

Trước áp lực thường xuyên từ Hội đồng Quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã tìm cách giành sự ủng hộ của các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, thường là những nước đang phát triển, về các vấn đề nhân quyền để khắc phục điều mà họ coi là khuyết điểm trong hệ thống hiện tại.

Tuần trước, Hy Lạp đã ngăn chặn một tuyên bố của Liên minh Châu Âu trước hội đồng có nội dung chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc, một quyết định mà các nhà ngoại giao EU nói là làm suy yếu những nỗ lực đương đầu với Bắc Kinh về những vụ đàn áp mới nhất nhắm vào quan điểm bất đồng.

Trung Quốc trước đó đã từ chối cho phép nhập cảnh một số phái viên được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm và những người khác được phép đến thăm. Những người này than phiền về sự can thiệp của chính phủ vào công tác của họ, dù chính phủ đã cam kết hợp tác với cơ quan này vào tháng 9 năm ngoái. - VOA
|
|

9.
Nhật phản đối Trung Quốc ‘xâm phạm lãnh hải’

Tokyo đã lên tiếng phản đối bốn tàu của hải giám Trung Quốc “vi phạm lãnh hải” của nước này gần quần đảo đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông hôm 24/6.

Vụ việc xảy ra một tuần sau khi hải quân Nhật Bản điều một tàu chiến tới gần Biển Đông, vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, theo RT.

Kênh NHK dẫn lời quan chức Nhật Bản nói rằng các tàu của tuần duyên Trung Quốc hiện diện tại vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khoảng 20 phút trước khi rời đi.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật có đoạn: “Quần đảo Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản và việc xâm phạm vùng biển này là một sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Nhật Bản”.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền xứ sở mặt trời mọc lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc xâm phạm chủ quyền ở Biển Hoa Đông.

CNN đưa tin rằng đây là lần thứ 16 trong năm nay các tàu Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải của Nhật.

Tokyo hiện kiểm soát Senkaku, nhưng cả Trung Quốc lẫn Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Căng thẳng giữa hai cường quốc ở châu Á leo thang trong những tuần vừa qua khi cả Tokyo và Bắc Kinh đều sử dụng khí tài để phô trương sức mạnh, theo RT. - VOA
|
|

10.
Qatar bác bỏ yêu sách của bốn nước Arab

Ngoại trưởng Qatar bác bỏ một danh sách 13 điều kiện do bốn quốc gia Arab đang ấn định để đổi lấy việc họ bãi bỏ lệnh trừng phạt, nói rằng 'nó vừa bất hợp lý, vừa bất khả thi'.

Qatar đang chịu các cấm vận nghiêm trọng từ Saudi Arabia và các đồng minh là Ai Cập, các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.

Các nước này buộc tội Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Trong số các điều kiện đặt ra, các nước cấm vận yêu cầu Qatar đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera được chính phủ Qatar tài trợ.

Đài Al Jazeera cáo buộc bốn nước trên đang cố gắng "làm im tiếng tự do ngôn luận".

Qatar đang trải qua các trừng phạt ngoại giao và kinh tế chưa từng thấy trong hơn hai tuần, với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các nguồn cung cấp lương thực và nhiều mặt hàng khác.

Bác bỏ cáo buộc

Qatar phủ nhận các cáo buộc rằng nước này đang tài trợ khủng bố và thúc đẩy sự bất ổn ở khu vực.

Bốn nước cũng muốn Qatar giảm quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, và đưa ra một thời hạn là 10 ngày tính từ hôm thứ Sáu, 23/6/2017.

Chính phủ Qatar đang xem xét các điều kiện trong yêu sách, một phát ngôn viên cho biết.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã yêu cầu bốn nước đưa ra yêu sách một cách "hợp lý và khả thi".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, được Al-Jazeera trích lời, cho hay Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã kêu gọi các quốc gia cấm vận Qatar đưa ra yêu sách 'một cách hợp lý và khả thi".

Ông bin Abdulrahman al-Thani cũng nói Ngoại trưởng Anh đã yêu cầu các yêu sách phải được"cân nhắc và thực tế."

"Danh sách các yêu sách này không thỏa mãn các tiêu chí đó," Ngoại trưởng Qatar được Al-Jazeera trích thuật nói thêm. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
2016: Obama đã biết Putin ra lệnh cho tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ --- Trump cáo buộc Obama 'không làm gì' vụ Nga can thiệp

Theo báo Washington Post ngày 23/06/2017, từ mùa hè năm ngoái, tổng thống Barack Obama đã có thông tin về việc đích thân tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho tin tặc Nga tấn công đảng Dân Chủ nhằm giúp Donald Trump thắng cử tổng thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao công luận Mỹ đã không được biết tin trên và vì sao cựu chủ nhân Nhà Trắng đã không can thiệp nhiều hơn để ngăn chận hành vi đó ?

Thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tại Washington :

Mặc dù đã được thông báo từ tháng 8/2016, nhưng phải đợi đến tháng Giêng 2017 Nhà Trắng mới công khai nêu đích danh tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã giật dây vụ tấn công tin học nhắm vào bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, để giúp cho ông Donald Trump.

Tại sao chính quyền Obama lại kín tiếng và thận trọng như vây ? Theo lời Antony Blenken, nguyên là cố vấn của Barack Obama, thì tổng thống Mỹ muốn tránh để bị mang tiếng là tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nhằm tạo thuận lợi cho bà Clinton. Cựu lãnh đạo Nhà Trắng cũng lo ngại là nếu phản ứng quá mạnh sẽ khuyến khích Matxcơva mở chiến dịch tấn công đúng vào ngày bầu cử.

Dù vậy, đích thân ông Obama đã trực tiếp cảnh cáo Putin rằng can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ « là điều không thể chấp nhận được ». Washington đã trục xuất 35 điệp viên, ban hành lệnh cấm vận nhắm vào nước Nga và cho phép phát triển một chương trình tin học có khả năng phá hủy một số cơ sở hạ tầng của Nga trong trường hợp cần thiết.


Giờ đây, đến lượt bên đảng Dân Chủ chỉ trích chính quyền Trump làm ngơ trước những báo động khả năng Nga tiếp tục các chiến dịch tấn công tin học nhắm vào Hoa Kỳ. - RFI

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama "đã không làm gì" trước cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

Ông Trump nói rằng trước hôm bầu cử 8/11, ông Obama đã biết rõ cáo buộc nhưng "không làm gì cả".

Ông Trump đưa ra bình luận sau khi tờ Washington Post đăng bài cho hay ông Obama biết "sự liên quan trực tiếp" của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ tháng 8/2016.

Cáo buộc Nga can thiệp là mục tiêu cuộc điều tra đang diễn ra.

Tổng thống Putin đã nhiều lần bác bất kỳ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ.

Bài trên Washington Post cho biết ông Obama được những nguồn tin trong chính phủ Nga báo rằng ông Putin trực tiếp tham gia một chiến dịch tấn công mạng nhằm gây thiệt hại cho ứng viên Hillary Clinton và giúp ông Trump giành chiến thắng.

Washington Post nói rằng ông Obama bí mật bàn thảo hàng chục phương án trừng phạt Nga nhưng cuối cùng quyết định biện pháp được cho là mang tính tượng trưng - trục xuất 35 nhà ngoại giao. Động thái này xảy ra vào cuối tháng 12/2016, sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Washington Post cho hay ông Obama quan ngại rằng ông ta có thể bị nhìn nhận rằng đang định thao túng cuộc bầu cử. - BBC
|
|

12.
Mỹ đưa Miến Điện khỏi danh sách tuyển mộ lính trẻ em

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ đưa Miến Điện và Iraq khỏi danh sách của Mỹ về các nước sử dụng binh sĩ trẻ em, bất chấp khuyến nghị của các chuyên gia và các nhà ngoại giao cấp cao.

Theo Reuters, quyết định mà ba quan chức Mỹ đã xác nhận này sẽ phá vỡ thông lệ lâu nay tại Bộ Ngoại giao Mỹ về cách thức xác định những nước vi phạm, và có thể dẫn tới các cáo buộc cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đặt các lợi ích về ngoại giao và an ninh lên trước nhân quyền.

Các quan chức ngoại giao nắm rõ sự việc được trích lời nói rằng ông Tillerson đã làm ngơ các đánh giá của của nhân viên về việc sử dụng binh lính trẻ em tại hai nước trên, cũng như bác bỏ các đề xuất của các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở châu Á và Trung Đông, những người vẫn muốn giữ Miến Điện và Iraq trong danh sách.

Ba quan chức Mỹ được Reuters trích lời nói rằng ông Tillerson cũng phản bác một đề xuất trong nội bộ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc đưa Afghanistan vào danh sách.

Mọt quan chức nói rằng các quyết định được đưa ra sau áp lực của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc tránh làm phức tạp việc hỗ trợ quân đội Iraq và Afghanistan, các đồng minh thân thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Các nước trong danh sách có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc cấm nhận viện trợ quân sự của Mỹ.

Các quan chức nhân quyền bày tỏ ngạc nhiên về việc Miến Điện và Iraq được đưa khỏi danh sách. Quyết định dự kiến sẽ được công bố vào ngày 27/6. - VOA
|
|

13.
Boeing giảm 200 nhân viên ở xưởng TT Trump đọc diễn văn hứa tạo thêm việc

Công ty Boeing loan báo sẽ cắt giảm 200 nhân viên tại một cơ xưởng ở South Carolina, nơi Tổng Thống Donald Trump từng đến để đọc bài diễn văn hứa hẹn ông sẽ tạo thêm việc làm.

Boeing nói rằng việc giảm nhân sự này nằm trong một chương trình được loan báo hồi Tháng Mười Hai, 2016 để tiết giảm chi phí hầu có thể cạnh tranh với đối thủ chính là Airbus trên thương trường quốc tế.

Vào lúc loan báo điều này, công ty Boeing đã giảm khoảng 5,000 nhân viên khắp nơi trên thế giới, bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay.

“Tất cả chúng ta đều hiểu về nhu cầu cần phải có khả năng cạnh tranh trong một kỹ nghệ luôn luôn gặp thử thách,” theo lời bà Joan Robinson-Berry, phó tổng giám đốc và là giám đốc điều hành cơ xưởng Boeing South Carolina, khi thông báo với nhân viên vào sáng ngày Thứ Năm, theo tờ báo địa phương Post and Courier.

“Các đối thủ của chúng ta không ngơi nghỉ trong nỗ lực của họ nhằm có thêm các giao kèo đặt hàng và chúng ta cũng phải có nỗ lực tương tự. Tuy chúng tôi hiểu đây là nhu cầu của công việc làm ăn, điều này không làm cho việc giảm bớt nhân sự dễ dàng hơn chút nào,” bà Robinson-Berry nói, theo bản tin UPI.

Hồi Tháng Giêng, ông Trump nói với các nhân viên Boeing ở South Carolina rằng ông sẽ mang trở lại các việc làm trong kỹ nghệ sản xuất bằng cách ngăn không cho các công ty Mỹ đưa việc ra ngoại quốc.

Việc giảm nhân viên của Boeing sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Các nhân viên dự trù sẽ bị cho nghỉ việc được thông báo trước 60 ngày, kể từ hôm Thứ Sáu, và Boeing nói rằng nếu có thêm đơn đặt hàng thì tình hình có thể thay đổi, cũng theo UPI.

“Số người bị cho nghỉ trong hai tháng tới có thể thấp hơn số loan báo hôm nay,” một phát ngôn viên Boeing cho hay. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Tranh cãi công tội Hun Sen: Hồi sinh 1979 hay 10 năm đô hộ?

Thủ tướng Campuchia Hun Sen kỷ niệm 40 năm “con đường cứu nước” của mình trong chuyến thăm và gặp gỡ với các lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Hun Sen, người đào tẩu khỏi hàng ngũ Khmer Đỏ năm 1977, gọi hành trình vượt biên sang Việt Nam là để “cứu đất nước.” Trong cuộc nói chuyện với các tướng lĩnh quân đội, quan chức và người dân 2 nước tại khu vực biên giới của Việt Nam và Campuchia hôm 21/6, ông so sánh mình với Charles De Gaulle của nước Pháp. Ông nói “tôi đã làm những công việc mà Charles De Gaulle đã làm. Đó là cứu nước. Charles de Gaulle sang Anh còn tôi sang Việt Nam. Tôi cho rằng không có sự khác nhau ở đây. Đây là sự nghiệp mà chúng tôi phải làm để giải phóng đất nước."

Sang Việt Nam ‘tìm sự giúp đỡ’

Thủ tướng Hun Sen cùng 6 phó thủ tướng và hầu hết các thành viên trong Chính phủ Campuchia tới thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 4 thập kỷ điều mà ông nói nhiều lần - “con đường cứu nước” - của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã “nhiệt liệt chào đón” ông. Theo VTV, chuyến thăm này “có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 – 24/6/2017) và năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phúc, ông Hun Sen nói chuyến thăm nhân kỷ niệm 40 năm ngày ông vượt biên giới sang Việt Nam “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.” Theo ghi nhận của VTV, ông khẳng định “đây chính là một trong những đoạn đường trong con đường lịch sử giải phóng dân tộc của đất nước Campuchia.” Thủ tướng Campuchia ca ngợi “tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa 2 nước” và cám ơn Việt Nam vì sự giúp đỡ “trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.”

Trang tin SputnikNews cho biết ông Hun Sen, người bị giới chỉ trích cho là một “bù nhìn của Việt Nam,” nhấn mạnh rằng “con đường cứu nước” của Campuchia không thể thiếu Việt Nam.

Trước đó, ông Hun Sen đã đi bộ qua biên giới sang Việt Nam để ôn lại ký ức cách đây 40 năm khi ông cùng 4 đồng đội “vượt biên tìm đường sống cho mình và cho đất nước,” theo Tuổi Trẻ.

Thủ tướng Hun Sen nói trong bài phát biểu tại đây rằng ông “không chối bỏ tổ quốc, không chạy đi tìm cuộc sống tốt hơn” và ông đã “liều lĩnh” vượt biên vì “chỉ mong muốn duy nhất là nói với lãnh đạo Việt Nam rằng ít nhất xin đừng buộc những người Campuchia đã chạy sang Việt Nam về Campuchia để Pol Pot sát hại.”

Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ông Hun Sen kể lại những gì ông nói với quan chức cấp cao của Việt Nam khi gặp gỡ tại tỉnh Sông Bé sau khi vượt biên thành công vào tháng 6/1977 rằng ông “tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam để cứu đất nước khỏi nạn diệt chủng.” Ông nói ông từ chối đi Úc, Nhật, Thái Lan, thậm chí Mỹ hay Canada, với sự trợ giúp của Việt Nam, vì ông “muốn quay về Campuchia chiến đấu, cùng chết với nhân dân của tôi.”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đón ông Hun Sen khi vừa đặt chân vào Việt Nam hôm 21/6 để thăm lại “con đường cứu nước” của mình, theo Tuổi Trẻ.

Hành trình ‘cứu nước’ đầy tranh cãi

Tờ nhật báo Cambodia Daily cũng đăng tin về lễ kỷ niệm 40 năm ký ức hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của ông Hun Sen tại Kor Thmor thuộc tỉnh Tbong Khmum của Campuchia. Đây là nơi ông Hun Sen xuất phát để vượt biên sau khi đào ngũ khỏi vị trí phó chỉ huy một trung đoàn của Khmer Đỏ.

Tờ nhật báo xuất bản bằng tiếng Anh của Campuchia nhận định đợt kỷ niệm “con đường cứu nước” của ông Hun Sen là một “sự tuyên truyền từ một phía” và nói rằng giới chỉ trích coi đây là một “nỗ lực nhằm trêu tức các đối thủ chính trị để khơi gợi lại những phát ngôn chống Việt Nam và gây ra những xáo trộn trước kỳ bầu cử quan trọng của đất nước vào năm sau.”

Ông Hun Sen cũng đã cho xuất bản một cuốn sách nhỏ tóm tắt những dấu mốc chính trong “hành trình cứu nước” của ông. Theo Cambodia Daily, thông tin cho cuốn sách này được các quan chức bộ Quốc phòng Campuchia thu thập từ những chuyến đi sang Việt Nam trong những tháng gần đây. Ngoài phiên bản tiếng Khmer, Việt Nam và tiếng Anh, cuốn sách này dự kiến sẽ được phát hành thêm bằng tiếng Nga và Pháp.

Nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh nội dung của cuốn sách này khi có ý kiến cho rằng nó chỉ đơn thuần là một sự tuyên truyền và không nên đưa “hành trình cứu nước” của ông Hunsen vào sách giáo khoa vì nó “sẽ chỉ phục vụ mục đích chính trị và làm dấy lên xáo trộn ở đất nước,” theo lời nhà phân tích Cham Bunthet được Cambodia Daily trích lời. Ông Bunthet trích dẫn về sự tranh cãi trước đây giữa các đảng về việc liệu Campuchia được ‘hồi sinh’ vào năm 1979 hay bị trao cho Việt Nam trong 10 năm chiếm đóng.

Sebastian Strangio, tác giả cuốn “Campuchia của Hun Sen”, nói với tờ nhật báo này rằng “sự đào tẩu của ông Hun Sen là một sự kiện quan trọng – một hành động dũng cảm trong nhiều khía cạnh – nhưng nó không phải là lịch sử; nó là một sự tuyên truyền, đơn giản thế thôi.”

Theo tìm hiểu của một phóng viên đài VOA ban Khmer, cuốn sách mà ông Hun Sen muốn đưa vào sách giáo khoa có tên “Ký ức hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.” Phóng viên này cho biết, do sự tranh cãi này ở Campuchia nên cuốn sách dù đã được in vẫn chưa được phát tới người dân. - VOA
|
|

15.
Cựu tù chính trị Phạm Minh Hoàng bị trục xuất

Cựu tù chính trị, giảng viên Phạm Minh Hoàng bị cưỡng bức đi Pháp vào khuya ngày thứ bảy 24 tháng 6; trên chuyến bay VN011 của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ của ông Phạm Minh Hoàng xác nhận tin vừa nêu với Đài Á Châu Tự Do lúc 0 giờ 30 ngày 25 tháng 6, giờ Việt Nam. Theo đó thì chuyến bay đưa ông Phạm Minh Hoàng đi Pháp cất cánh lúc khoảng 23:30 ngày 24 tháng sáu.

Gia đình được biết tin vào giờ phút chót nên không thể gặp được; mặc dù từ buổi chiều ông tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn có cho gia đình biết là ông Phạm Minh Hoàng cần một số vật dụng cá nhân như laptop, cặp táp, sách, áo quần và gia đình cung cấp đầy đủ những vật dụng theo yêu cầu thông qua Tổng Lãnh Sự Pháp.

Bà Lê thị Kiều Oanh còn cho biết thêm thông tin là ông Phạm Minh Hoàng được gặp luật sư đại diện cho ông là luật sư Đặng Đình Mạnh vào lúc 22 giờ ngày 24 tháng sáu; ngay trước chuyến bay nhờ sự can thiệp từ phiá Pháp.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói lại với bà Lê thị Kiều Oanh là ông Phạm Minh Hoàng nhắn sẽ sớm gặp lại luật sư đại diện cho ông trong vụ việc bị Hà Nội tước quốc tịch Việt Nam và cưỡng bức, trục xuất ông sang Pháp.

Bà Lê Thị Kiều Oanh cho rằng biện pháp cưỡng bức , trục xuất chồng bà sang Pháp là hành vi phạm pháp và vô nhân đạo.

Đảng Việt Tân, trụ sở chính tại Hoa Kỳ, mà ông Phạm Minh Hoàng là một thành viên tham gia, ngay sau khi ông này bị trục xuất đi Pháp ra thông cáo báo chí lên án biện pháp mà nhà cầm quyền Hà Nội ra tay với ông Pham Minh Hoàng.

Theo thông cáo của Đảng Việt Tân thì dự kiến chuyến bay đưa ông Phạm Minh Hoàng đi Pháp sẽ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle vào sáng chủ nhật 25 tháng 6, theo giờ địa phương.

Cựu tù chính trị, giảng viên Phạm Minh Hoàng bị cưỡng bức, trục xuất sang Pháp khi ở nhà tại Sài Gòn ông còn vợ là bà Lê Thị Kiều Oanh, đứa con gái, và một người anh bị thương tật.

Vừa qua khi bị báo giới chất vấn về biện pháp tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời là vì ông này vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó thì bản thân ông Phạm Minh Hoàng, gia đình, thân hữu đều cho rằng ông không có làm điều gì trái với Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.

Quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng do ông chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ký hồi ngày 17 /5 vừa qua. Đến đầu tháng sáu ông Phạm Minh Hoàng mới được Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn thông báo về quyết định đó.

Ngay sau khi biết được tin, ông Phạm Minh Hoàng có phản ứng và làm đơn khiếu nại; nhưng đơn chưa được giải quyết thì vào ngày 23 tháng 6, công an đến cưỡng bức ông về cơ quan chức năng và đến đêm 24 tháng 6 ông bị đưa lên máy bay đi Pháp. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment