Tin Thế Giới
1.
BTQP Mỹ: “Không thể chấp nhận việc quân sự hóa các đảo nhân tạo.” --- Mỹ khẳng định vẫn sát cánh với Châu Á-Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hoan nghênh các nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về vấn đề Bắc Hàn tại diễn đàn an ninh thường niên ở Singapore hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, về vấn đề Biển Đông, ông miêu tả việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo tại đó, bất chấp trật tự quốc tế, là điều không thể chấp nhận.
Trong bài diễn văn đọc trước các đại biểu và giới truyền thông tham dự cuộc đối thoại Shangri-La, ông Mattis nói:
"Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này, kể cả và đặc biệt, là Trung Quốc".
Ông Mattis nói trong khi sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ có, nhưng xung đột không nhất thiết phải xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các sơ sở trên các thực thể trong lãnh hải quốc tế, phương hại đến sự ổn định khu vực". Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc củng cố quân sự các căn cứ trên những đảo nhân tạo, khác biệt với những gì các nước khác đã làm.
Ông Mattis nói cách tiếp cận của Bắc Kinh không chỉ khác biệt về mặt bản chất của các động thái vũ trang các đảo nhân tạo, mà còn về thái độ của Bắc Kinh, "coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, cũng như cố gắng của Trung Quốc gạt sang một bên tiến trình giải quyết ôn hòa các vấn đề liên quan".
Trung tướng He Lei, Phó Giám Đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và cũng là người đứng đầu đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp ở Shangri-La, đã thẳng thừng bác bỏ những tố cáo của ông Mattis. Tướng He nói Trung Quốc đã ký kết hơn 23.000 hiệp định song phương và 400 hiệp định đa phương, đồng thời tham gia vào tất cả các ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Ông He nói:
"Trung Quốc là một nước ủng hộ và bảo vệ các quy tắc và quy định quốc tế cũng như khu vực, nhưng khi định nghĩa các quy tắc quốc tế, cần phải dựa trên những gì mà đa số các nước đồng ý, và đại diện cho các lợi ích của đa số".
Ông He nói thêm rằng điều đó cũng áp dụng cho các quy tắc và quy định khu vực. Ông lưu ý những tiến bộ hồi gần đây của Trung Quốc cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong việc soạn thảo một thỏa thuận khung cho một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.
Ông nêu bật vai trò của Trung Quốc tham gia hình thành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.
Tuy nhiên, ông He không đề cập đến việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Toà Trọng tài thường trực La Haye về vấn đề Biển Đông hồi năm ngoái. Phán quyết của tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử trên hầu hết tuyến hàng hải đang trong vòng tranh chấp gay gắt trong khu vực.
Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt vấn đề Bắc Hàn vào thứ tự ưu tiên hàng đầu, và trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lặp lại mối quan ngại của chính quyền Tổng thống Trump về mối nguy rõ rệt và hiện hữu do Bắc Hàn đặt ra cho khu vực và xa hơn nữa.
Bộ trưởng Mattis nói:
"Cùng với những tuyên bố liều lĩnh, chương trình của Bắc Hàn hiện nay thể hiện rõ ý định của nước này muốn thủ đắc tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, kể cả các phi đạn liên lục địa, vốn đặt ra những mối đe dọa trực tiếp và tức thời đối với các đồng minh trong khu vực, các đối tác của chúng ta, và cả thế giới".
Những phát biểu gay gắt của ông Mattis đã xóa tan phần nào những suy đoán của một số người rằng chính quyền hiện nay duy trì sự im lặng về vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Mattis tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không mang những lợi ích của các đồng minh ra làm những con bài để mà cả.
Không giải thích chi tiết, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết là các nước đang làm việc để đề ra những biện pháp trừng phạt mới, được tăng cường, đồng thời tăng nỗ lực ngoại giao để gây áp lực đối với Bắc Hàn. Nhưng ông nói thêm rằng bên cạnh lời nói và sự hỗ trợ, hành động của tất cả các bên liên quan cũng cần thiết.
Ông nói:
"Chính quyền của ông Trump được khích lệ bởi cam kết mới của Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên."
Ông nói: “Rốt cuộc, Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Bắc Triều Tiên là một gánh nặng chiến lược chứ không phải là một tài sản. Gánh nặng ấy đã làm tăng sự bất hòa và khiến các dân tộc yêu chuộng hòa bình trong khu vực, phải tăng chi tiêu quốc phòng”.
Trong khi các quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày càng trở nên lạnh nhạt hơn trong những năm gần đây dưới quyền Kim Jong-Un, Trung Quốc vẫn là đồng minh và là nước ủng hộ lớn nhất của Bắc Hàn. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không thực sự muốn giải quyết vấn đề này, vì họ e rằng làm như vậy có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất, và mặc nhiên đặt Hoa Kỳ ngay tại cửa ngõ phía đông bắc của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, những lời đe doạ và các cuộc thử nghiệm phi đạn liên tục của lãnh tụ Kim Jong Un đang làm xói mòn sự hỗ trợ dành cho Bắc Hàn ở Trung Quốc. Và trong nước này đang xuất hiện những lời kêu gọi ngày càng gay gắt hơn, đòi Bắc Kinh phải có phản ứng quyết liệt hơn. - VOA
***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 2/6 tuyên bố Mỹ vẫn tận tâm tận lực với các đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương, khi ông đến Singapore để tham dự diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực.
Ông Mattis, đang có chuyến thăm thứ hai của ông tới khu vực này kể từ khi lên lãnh đạo Ngũ Giác Đài vào ngày 20 tháng 1, sẽ nỗ lực trình bày chính sách của Mỹ một cách rõ ràng cho những đồng minh trong khu vực và trấn an họ tại cuộc đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, người phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn vào tối thứ Sáu, nói rằng có lo ngại trong khu vực rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hiệp định khí hậu Paris sẽ dẫn đến việc Washington rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.
"Dù những quyết định này là đáng thất vọng, song chúng ta nên cẩn trọng không vội vàng diễn giải ý định giao tiếp theo một cách khác là không giao tiếp gì cả," ông Turnbull nói.
Ông Mattis nói với báo giới rằng ông sẽ phát biểu về "trật tự quốc tế" cần có cho một Châu Á hòa bình, nhắc tới việc chống lại Bắc Triều Tiên, khi ông đăng đàn vào thứ Bảy.
"Tại cuộc Đối thoại Shangri-la, tôi sẽ nhấn mạnh Mỹ đứng cùng với các đồng minh và các đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương," ông Mattis nói với các phóng viên.
"Bộ Quốc phòng tập trung vào việc củng cố các liên minh, tiếp sức cho các nước để họ có thể duy trì an ninh của chính họ, củng cố năng lực quân sự của Mỹ để ngăn chặn chiến tranh," ông nói thêm.
Ông Mattis dự kiến sẽ gặp gỡ các đối tác của ông từ một số nước bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.
Nhà chức trách Singapore đã tăng cường an ninh khi ông Turnbull, Mattis và các nhà lãnh đạo khác đến dự cuộc họp này.
Họ nói rằng mối đe dọa khủng bố đối với thành bang này vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, dù không có tình báo đáng tin cậy cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra. - VOA
|
|
2.
Putin kêu gọi doanh nghiệp Mỹ giúp tăng cường quan hệ Mỹ-Nga --- Putin: Mỹ có thể làm giả tài liệu cáo buộc tin tặc Nga
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi những người điều hành các doanh nghiệp Mỹ giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Mối quan hệ song phương đang tuột dốc xuống “điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh”, khoảng thời gian gần 50 năm căng thẳng địa chính trị giữa Đông và Tây, kết thúc vào năm 1991.
Trong bài phát biểu trước các đại diện doanh nghiệp Mỹ tại một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg, ông Putin nói: “Tôi muốn trả lại trách nhiệm cho quý vị. Hãy giúp chúng tôi khôi phục cuộc đối thoại chính trị bình thường”.
Ông Putin nói ông sẽ tiếp tục liên lạc với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông nói một mối quan hệ tốt đẹp phục vụ các lợi ích của cả hai nước.
Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng vì hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cũng như các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.
Các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nhằm trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào tình hình Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hiện vẫn còn hiệu lực.
Ông Putin đã tìm cách xoa dịu những quan ngại của nhiều nước trên thế giới về quyết định của ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris. Ông kêu gọi lãnh đạo thế giới hãy hợp tác với ông Trump về vấn đề này.
“Quý vị không nên ồn ào về việc này, mà nên tạo điều kiện để hợp tác”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo điện Kremlin nói Hiệp định Paris là “thỏa thuận khung” có thể được sửa đổi theo hướng “thay đổi nghĩa vụ của Hoa Kỳ trong khuôn khổ” của hiệp định.
Ông Putin nói lời hứa của ông Trump sẵn sàng đàm phán các điều kiện mới để Hoa Kỳ tham gia hiệp định trở lại, mang lại niềm hy vọng là sẽ đạt được một thỏa hiệp trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào năm 2021.
Ông Putin nói rằng NATO, một “công cụ trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”, đang “tiến gần hơn” tới các đường ranh giới của Nga. Tuy nhiên ông nói ông sẵn sàng hợp tác với NATO trong các nỗ lực chống khủng bố. - VOA
***
Các tài liệu cáo buộc tin tặc Nga đánh cắp dữ liệu của đảng Dân Chủ trong đợt vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 có thể dễ dàng được tình báo Mỹ làm giả. Đây là nhận định của tổng thống Nga Vladimir Putin khi trả lời phỏng vấn đài NBC của Mỹ. Một phần của bài phỏng vấn này đã được phát ngày 02/06/2017.
Theo tổng thống Nga, các cáo buộc tin tặc trên chẳng khác gì những « chuyện xoi mói » tác động xấu đến quan hệ quốc tế và nền kinh tế thế giới, « những lời đồn thổi vô ích và độc hại đó phải được ngừng lại ».
Cũng trong buổi phỏng vấn với NBC, tổng thống Nga khẳng định « tin tặc có thể ở khắp nơi. Có thể ở Nga, châu Á, thậm chí ở châu Mỹ và châu Mỹ La tinh ». Ông nhấn mạnh: « Có thể là cả tin tặc ở Hoa Kỳ. Họ rất khéo léo và chuyên nghiệp đẩy trách nhiệm cho Nga ».
Hãng tin Reuters cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg, ông khẳng định đã đọc báo cáo và « chẳng có điều gì cụ thể, mà chỉ là những giả thiết và những kết luận dựa trên những giả thiết này », trong khi đó, không có dấu vân tay, còn những địa chỉ IP của máy tính thì có thể làm giả được.
Trong đợt vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, nhiều tài liệu trong hệ thống máy chủ của đảng Dân Chủ đã bị đánh cắp và phát tán trên trang WikiLeaks, nhằm gây cản trở cho chiến dịch của ứng viên Hillary Clinton. Tình báo Mỹ cáo buộc các vụ tin tặc trên được điện Kremlin hậu thuẫn. Tuy nhiên, Matxcơva luôn bác bỏ mọi cáo buộc đó. - RFI
|
|
3.
Vụ ám sát thủ lãnh đối lập Điện Kremlin: Công tố đòi kết tội 5 người
Công tố viên tại phiên tòa xét xử 5 người đàn ông bị truy tố về tội giết hại ông Boris Nemtsov ở Moscow hồi năm 2015 đã yêu cầu bồi thẩm đoàn kết tội các bị cáo.
Ông Nemtsov là người thường xuyên chỉ trích Điện Kremlin.
Phát biểu vào cuối phiên tòa hôm thứ Năm, bà Maria Semenenko nói không ai tranh cãi về tội trạng của các đương sự.
Nhưng luật sư bên bị lập luận rằng không ai có thể chứng minh động cơ dẫn tới vụ giết người.
Ông Nemtsov bị bắn chết cách Điện Kremlin chỉ vài bước vào tháng Hai năm 2015. Ông là một lãnh đạo đối lập được nhiều người ủng hộ, và là một người mạnh mẽ chỉ trích chính sách của Nga hỗ trợ cho quân nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Năm nghi can từ Chechnya và Ingushetia đã bị bắt. Một người đã nhận tội, nhưng sau đó rút lại lời nhận tội và nói rằng anh đã bị tra tấn.
Ruslan Mukhudinov, cựu quan chức an ninh Chechnya, bị tố cáo đã trả tiền cho các nghi phạm để ám sát ông Nemtsov. Hiện ông Mukhudinov vẫn đang tại đào. - VOA
|
|
4.
Philippines sẽ ngưng mua thiết bị quân sự cũ của Mỹ
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/6 hứa sẽ không nhận vũ khí đã qua sử dụng của Mỹ nữa mà sẽ mua thiết bị quân sự mới nguyên để chống lại các cuộc nổi dậy của phiến quân theo chủ nghĩa Mao và phiến quân Hồi giáo.
Trong hai tuần qua, khoảng 3.000 nhân viên an ninh đã chiến đấu chống lại khoảng 400 kẻ chủ chiến ủng hộ Nhà nước Hồi giáo chiếm quyền kiểm soát một thành phố ở miền nam. Lực lượng này đang sử dụng máy bay, xe thiết giáp và súng trường tấn công được tân trang của Mỹ.
"Tôi sẽ không nhận thiết bị quân sự cũ nữa," ông Duterte nói với binh sĩ tại một căn cứ quân sự trên đảo Mindanao ở miền nam. "Tôi không muốn những thiết bị mà người Mỹ đem cho. Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi sẽ không mua tàu cũ. Phải mua mới nguyên."
Ông Duterte tuyên bố sẽ mua những hệ thống vũ khí mới và hiện đại "ngay cả khi tôi phải tiêu tiền gấp đôi," và sẽ cân nhắc mua các thiết bị như máy bay, tàu thuyền, máy bay không người lái và súng từ Trung Quốc và Nga, hai đối thủ truyền thống của Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Philippines.
Từ năm 2000, Washington đã cung cấp cho Manila khoản viện trợ quân sự có giá trị gần 800 triệu đôla bao gồm máy bay không người lái, máy bay trực thăng, súng trường tấn công và dụng cụ tác chiến như radio chiến thuật, thiết bị nhìn đêm và đồ dự phòng.
Ngân sách của Philippines phân bổ hơn 100 tỉ peso (2 tỉ đôla) để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự theo kế hoạch năm năm, chi 25 tỉ peso mua thiết bị từ Hàn Quốc và Israel. - VOA
|
|
5.
Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết mới trừng phạt Bắc Triều Tiên
Ngày 02/06/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết trừng phạt 4 công ty và 14 quan chức Bắc Triều Triên, trong đó có nhân vật dường như là lãnh đạo cơ quan tình báo, do chế độ Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Nghị quyết đã được toàn bộ thành viên Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thuận, kể cả Trung Quốc, đồng minh của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Hoa Kỳ lại không bao gồm một số biện pháp trừng phạt mà Washington đề nghị ban đầu, như cấm vận dầu khí, cấm giao thương trên biển, đề ra những hạn chế về thương mại và lao động của người Bắc Triều Tiên ở nước ngoài.
Trong số những người bị LHQ trừng phạt có Cho Il-U, dường như là lãnh đạo cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên. Mười ba nhân vật kia gồm các cán bộ của đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên và lãnh đạo các công ty đặc trách về chương trình vũ khí của nước này. Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An cũng trừng phạt một công ty của quân đội Bắc Triều Tiên, hai công ty thương mại và một ngân hàng có tham gia vào việc kinh tài cho lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un.
Trong nhiều tuần qua, Hoa Kỳ đã thảo luận với Trung Quốc về việc ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn chủ trương nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Bắc Triều Tiên đã bắn thử tên lửa hàng chục lần và đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân. Mục tiêu của họ là phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạt hạt nhân bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ.
Hai tầu sân bay Mỹ kết thúc thao diễn ở biển Nhật Bản
Trong khi Liên Hiệp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên, ngày 02/06/2017, Hải Quân Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc đợt thao diễn chung kéo dài ba ngày trong vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và quần đảo Nhật Bản, để thể hiện sức mạnh với Bình Nhưỡng.
Theo AFP, tầu sân bay USS Carl Vinson, được phái đến khu vực từ tháng 04/2017, đã hoàn thành nhiệm vụ và đang trên đường trở về cảng San Diego, Mỹ. Còn tầu sân bay Ronald Reagan neo đậu tại Nhật Bản để bảo đảm sự hiện diện thường trực của lực lượng hải quân và không quân Mỹ trong vùng. - RFI
|
|
6.
Thủ tướng Modi đến Paris thúc đẩy quan hệ Pháp-Ấn
Ngày 03/06/2017, tổng thống Pháp tiếp thủ tướng Ấn Độ tại điện Elysée với chủ đề chính là thúc đẩy quan hệ Pháp-Ấn. Paris là chặng cuối cùng của vòng công du thủ đô ba nước châu Âu của thủ tướng Ấn Độ, sau Berlin và Madrid.
Theo chương trình, tổng thống Pháp và khách mời cùng dùng bữa trưa, sau đó đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm dưới chân Khải Hoàn Môn vào lúc 14 giờ.
Hãng tin AFP cho biết Ấn Độ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không quốc phòng. Từng là đồng minh quân sự của Liên Xô, hiện New Delhi quay sang các nước Hoa Kỳ và Pháp để đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí.
Theo một nhà ngoại giao Pháp, khí hậu cũng là một trong số các chủ đề hàng đầu được đề cập trong buổi làm việc. Là nước phát thải khí gây ô nhiễm môi trường nhiều thứ ba thế giới, Ấn Độ « không những chỉ ký hiệp định khí hậu Paris mà còn tham gia xây dựng, cũng như nhanh chóng phê chuẩn văn kiện quan trọng trên ».
Chuyến công du Paris cũng là dịp thủ tướng Ấn Độ đích thân chúc mừng tân tổng thống Pháp. Trước đó, chỉ một ngày sau khi ứng viên phong trào Tiến Bước Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, thủ tướng Ấn Độ là một trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng tân chủ nhân điện Elysée, sau đó là lời chúc mừng trên mạng Twitter.
Ngày 23/09/2016, Pháp đã ký với Ấn Độ hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ Rafale, có trị giá lớn nhất cho ngành hàng không quân sự Pháp (8 tỉ euro). Trong lĩnh vực xe hơi, tập đoàn PSA đang từng bước đặt nền móng vững chắc tại quốc gia Nam Á này. Cuối tháng Giêng 2017, tập đoàn của Pháp thông báo đã thành lập hai liên doanh sản xuất xe hơi và động cơ tại Ấn Độ, thị trường tuy hiện có quy mô khiêm tốn, nhưng có tiềm năng phát triển mạnh. - RFI
|
|
7.
Kabul: nổ bom ở đám tang, 4 người chết
Các vụ nổ liên tiếp xảy ra trong một đám tang tại Kabul giết chết ít nhất 4 người, làm hơn tám chục người bị thương hôm thứ Bảy, theo giới chức Afghanistan.
Đây là đám tang của một người đàn ông đã thiệt mạng trước đó trong một cuộc biểu tình phản đối hôm thứ Sáu.
Vụ đánh bom hôm 03/6 xảy ra trong đám tang của con trai một nghị sĩ Quốc hội, một trong năm người thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng vào một cuộc biểu tình phản đối tình trạng an ninh đang xấu đi.
Lãnh đạo hành pháp Afghanistan, Abdullah Abdullah, có mặt tại tang lễ.
Tuy nhiên, văn phòng của ông nói rằng ông không bị thương.
Giới chức đã cảnh báo người dân tránh xa các cuộc biểu tình, nói rằng họ có thể bị các chiến binh tấn công.
Các trạm kiểm soát đã được thiết lập ở trung tâm Kabul và các xe bọc thép đang tuần tra trên đường phố.
'Văng thành nhiều mảnh'
Tin cho hay ít nhất có ba vụ nổ xảy ra trong đám tang.
Hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy một số xác chết tại hiện trường.
Một nhân chứng nói với hãng tin AFP rằng nhiều nạn nhân đã bị vụ nổ làm thi thể văng thành nhiều mảnh.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra ba vụ nổ nói trên.
Chưa có nhóm nào tuyên bố đã đứng đằng sau các vụ tấn công.
Ít nhất 87 người đã bị thương, theo Bộ Y tế Afghanistan.
Trong khi đó, một số tin tức nói số nạn nhân thiệt mạng có thể cao hơn sáu người. - BBC
|
|
8.
Châu Âu ‘đấu’ với Trung Quốc để được đăng cai World Cup
Cúp bóng đá thế giới 2018 sẽ được tổ chức tại Nga, nhưng hai kỳ World cup sau đó sẽ ra khỏi Châu Âu, với World cup 2022 diễn ra ở Qatar và 2026 dường như sẽ tổ chức tại Bắc Mỹ.
“Năm 2030 sẽ tới lượt EU, rõ ràng như thế. Cho nên, chúng ta sẽ tranh đấu đòi quyền đăng cai,” Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu Aleksander Caferin nói.
Mong muốn của Liên đoàn bóng đá Châu Âu sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn từ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cao ưu tiên tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với bóng đá thế giới. Ba nhà tài trợ World Cup đăng ký trong hai năm qua là từ Trung Quốc, gần đây nhất là công ty chế tạo phần mềm và điện thoại thông minh Vivo, mới hôm thứ tư tuần này.
Trung Quốc nóng lòng tìm cách được đăng cai World Cup lần đầu tiên bất chấp quy định hiện hành đang cản trở nỗ lực của một nước Châu Á đăng cai sự kiện thể thao này trước năm 2034.
Một nỗ lực khác có phần chắc khác đến từ Nam Mỹ. Uruguay, quốc gia đăng cai World Cup đầu tiên vào năm 1930, rất muốn được đồng tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh này với Argentina. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Mỹ: Hình thành liên minh chống Trump về khí hậu
Hàng chục nghị sĩ, nhiều chủ doanh nghiệp lớn và nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong giới xã hội dân sự từ ngày 02/06/2017, đã lập một liên minh để chống lại những tác động của việc tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu.
Theo hãng tin AFP, cựu thị trưởng New York, nhà tỷ phú Michael Bloomberg hôm 02/6 loan báo là tổ chức của ông, Bloomberg Philanthropies, sẽ cấp 15 triệu đôla cho văn phòng Liên Hiệp Quốc đặc trách về khí hậu. Đây là khoản tiền mà trên nguyên tắc Hoa Kỳ phải đóng góp cho LHQ. Ông Bloomberg cũng loan báo là 30 thị trưởng, 3 thống đốc, hơn 80 chủ tịch trường đại học và 100 doanh nghiệp sẵn sàng, giống như một quốc gia ký kết hiệp định Paris, cùng nhau cam kết với LHQ là sẽ đạt các mục tiêu của Mỹ về giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện chưa rõ là LHQ có sẽ chấp nhận những cam kết của một nhóm không phải là một quốc gia hay không. Nhưng việc loan báo hình hành liên minh nói trên thể hiện quyết tâm của những người tham gia, giống như cuộc đấu tranh đã huy động nhiều nghị sĩ và nhân vật thuộc xã hội dân sự chống sắc lệnh về nhập cư của tổng thống Trump nhắm đến các quốc gia có đa số dân là Hồi Giáo.
Trước khi lên đường đi Trung Quốc, thống đốc của bang California, Jerry Brown (đảng Dân Chủ) đã tuyên bố là bang này quyết tâm thay thế Nhà Trắng trong việc chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, là một bang có trọng lượng tương đương với nền kinh tế đứng hàng thứ sáu thế giới và vẫn có những chính sách rất mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu, California hoàn toàn có thể thay thế Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Hãng tin AFP cho hay nhiều hiệp hội sẽ huy động hàng triệu dân Mỹ tin tưởng rằng chống biến đổi khí hậu là cần thiết. Kết quả một cuộc thăm dò do trường đại học Yale thực hiện vào đầu tháng 5, cho thấy có đến 69% cử tri Mỹ muốn Hoa Kỳ ở lại trong hiệp định Paris.
Nhiều công ty đa quốc gia trong đủ mọi ngành, từ xe hơi cho đến dầu khí, hôm qua đều đã bày tỏ sự thất vọng của họ sau khi tổng thống Trump loan báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Paris. Họ khẳng định quyết tâm tiếp tục các nỗ lực để giảm lượng khí phát thải CO2. - RFI
|
|
10.
Hoa Kỳ: Người xin visa phải cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Bất kể là quốc tịch gì, kể từ cuối tháng 5/2017, Hoa Kỳ có thể yêu cầu người xin visa phải cung cấp các thông tin cá nhân và tài khoản của họ trên các mạng xã hội. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ siết chặt chính sách nhập cư.
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet giải thích :
“Ngoài những thủ tục thông thường, một số người xin visa nhập cảnh từ giờ có thể phải điền thêm một bộ hồ sơ thứ hai gồm 3 trang, nếu như nhân viên sứ quán xét thấy cần thiết để thẩm định một cá nhân nào.
Người đến nộp đơn xin phải nêu rõ mình đã được tuyển dụng ở đâu trong vòng 15 năm qua, các địa chỉ khác nhau, tên của vợ hay người sống chung và những quốc gia mà người này đã đến trong suốt 15 năm đó. Đáng tranh cãi hơn nữa, một số người nộp đơn từ giờ còn phải cung cấp các thông tin về những tài khoản mạng xã hội của mình.
Thủ tục mới này có lẽ chỉ ảnh hưởng đến 65.000 người trong số 13 triệu người xin visa, tức chỉ khoảng 1%. Mục đích, theo nhà chức trách, là nhằm ngăn chặn nhập cảnh vào Mỹ những kẻ khủng bố tiềm tàng hay những cá nhân nào có dấu hiệu đe dọa an ninh quốc gia.
Những thủ tục mới này phản ảnh rõ ý muốn của Donald Trump kiểm soát gắt gao du khách nước ngoài. Tổ chức bảo vệ các quyền tự do lớn nhất tại Mỹ đã lên án một sự vi phạm đời tư và quyền tự do ngôn luận. Những người khác thì quan ngại những biện pháp này sẽ làm nản lòng du khách.” - RFI
|
|
11.
Đa số dân California muốn có bảo hiểm, nhưng không muốn trả thêm thuế
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân California ủng hộ việc chuyển đổi từ hệ thống y tế trong đó người dân phải mua bảo hiểm, sang qua hệ thống trong đó tiểu bang sẽ cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo này cũng có một chi tiết nhỏ đáng chú ý: đó là con số 65% ủng hộ sẽ giảm xuống còn 42% nếu phải tăng thuế để có được lợi ích này, một điều mà các chuyên gia coi như là điều đương nhiên, theo bản tin của tờ Sacramento Bee.
Kết quả cuộc thăm dò của Viện Nghiên Cứu Chính Sách California được đưa ra hôm Thứ Tư, chỉ ít giờ sau khi Hiệp Hội Điều Dưỡng California và các tổ chức ủng hộ Dự Luật SB 562 tại Thượng Viện California đưa ra danh sách các thứ thuế mà họ cho rằng sẽ khiến việc “ai cũng có bảo hiểm sức khỏe” thành sự thật.
Một cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Chính Trị Kinh Tế (Political Economy Research Institute) cho hay điều này có thể đạt được, nếu chính quyền liên bang, tiểu bang, và địa phương tiếp tục trả phần lớn chi phí y tế của California, nếu chi phí y tế này có thể cắt giảm được tới 18% nhờ vào việc tập trung vào một tổ chức bất vụ lợi duy nhất, và nếu hai loại thuế “nhẹ” đánh vào lợi tức của giới doanh gia cũng như giới mua hàng lẻ được thi hành, theo bản tin của Sacbee.
Người đứng đầu nghiệp đoàn điều dưỡng, bà RoseAnn DeMoro, cho hay “kết quả nghiên cứu mới này cho thấy chúng ta có thể đạt được ước mơ là bảo đảm dịch vụ y tế cho tất cả mọi người dân California và họ không phải tự trả thêm đồng nào.”
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những nhận định như thế này là quá lạc quan và không thực tế.
Cần nhắc lại rằng dự luật đưa ra ở Thượng Viện không chỉ cung cấp bảo hiểm cho tất cả mọi người dân California, hiện đang có bảo hiểm y tế dù dưới hình thức nào, nhưng cũng cho khoảng 3 triệu người khác, phần lớn là di dân bất hợp pháp.
Chính đây mới là điều khiến chi phí bảo hiểm tiếp tục tăng lên, chứ không phải là giảm được $71 tỷ trong tổng số chi phí là $403 tỷ như cuộc nghiên cứu cho hay.
Và con số này cũng không kể tới những gia tăng khác nếu loại bỏ luôn “co-pay” hay “deductible.”
Đây là điều quan trọng, vì cho tới nay, hầu như tất cả các cuộc nghiên cứu về dịch vụ y tế nào cũng đi tới kết luận là người sử dụng phải trả một phần nào đó, dù chỉ là tượng trưng, để giảm bớt trường hợp lạm dụng hay sử dụng quá nhiều khiến càng đẩy chi phí lên cao hơn nữa, theo Sacbee.
Và cuộc nghiên cứu không kể tới việc phải mở rộng chương trình khi có thêm nhiều người dọn tới California từ các nơi khác, ở cả trong và ngoài nước Mỹ.
Cuộc nghiên cứu cũng không tính đến khả năng của hệ thống y tế tại tiểu bang California để có thể cung cấp các dịch vụ này.
Ngay vào lúc này, hàng triệu người tham gia chương trình Medi-Cal mở rộng của Obamacare đang gặp phải khó khăn tìm ra người sẵn sàng nhận điều trị họ vì mức bồi hoàn quá thấp.
Nếu có thêm hàng triệu người được cung cấp bảo hiểm sức khỏe miễn phí, số tiền chi trả bồi hoàn này phải tăng cao để có thể thu hút các bác sĩ cũng như các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế khác về nơi mà chi phí đời sống, nhất là nhà ở, hiện ở trong số các tiểu bang đắt nhất.
Nhưng, dù cho tất cả các điều kiện này được đáp ứng, chính quyền tiểu bang vẫn cần phải tăng thuế.
Dự Luật SB 562 đề nghị mức thuế 2.3% đánh vào tổng trị giá thương vụ của giới doanh gia và 2.3% thuế mua hàng, đánh vào người tiêu thụ.
Và đây có lẽ sẽ là điều ngăn trở lớn nhất đối với SB 562. Vì, người dân California từ trước đến nay vẫn thường cho thấy họ sẵn sàng đánh thuế người khác, thí dụ như “người giàu” hay “người hút thuốc lá,” nhưng không muốn tự mình phải trả thêm thuế cho các dịch vụ công cộng, cũng theo Sacbee.
Hôm Thứ Năm, 1 Tháng Sáu, Thượng Viện California đã bỏ phiếu thông qua SB 562, với tỉ lệ phiếu 23-14. Dự luật này sẽ được chuyển sang Hạ Viện để xem xét.
Dự Luật SB 562 không đề cập đến ngân khoản để chi trả cho chương trình bảo hiểm, nên chỉ cần đa số bình thường tại quốc hội là thông qua được.
Nếu có điều khoản liên quan đến ngân sách, dự luật phải được 2/3 các nhà lập pháp bỏ phiếu mới được thông qua. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
12.
GS Phạm Minh Hoàng: ‘Tôi bị nhà nước Việt Nam tước quốc tịch’
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, một nhà hoạt đông đang sống ở quận 10, Sài Gòn, và từng bị tù 17 tháng, vừa bị nhà nước Việt Nam tước quốc tịch.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Hoàng nói: “Hôm 1 Tháng Sáu, tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn đã mời tôi lên để gặp họ. Thế rồi ông tổng lãnh sự nói: ‘Hôm nay, tôi thông báo cho anh một tin cực kỳ xấu. Việt Nam tước quốc tịch của anh. Họ muốn đuổi anh ra khỏi nước.’”
Ông Hoàng cho biết ông có song tịch Pháp Việt.
Ông nói thêm: “Tôi rất bàng hoàng. Tôi trở về quê hương để phục vụ, vì ai cũng tha thiết phục vụ quê hương mình. Tôi đã sống ở Việt Nam gần 20 năm, từng bị ở tù vì những suy nghĩ của mình. Thế mà bây giờ họ không muốn cho tôi ở đây.”
“Tôi có nói chuyện với gia đình, mọi người đều choáng váng, vì biết đương nhiên là tôi sẽ bị trục xuất. Tôi còn một người anh là thương binh 100%, phải chăm sóc ngày đêm, tắm rửa. Hồi nãy, khi anh gọi điện thoại, tôi phải xin anh chờ 10 phút là để chăm sóc cho anh ấy. Vợ tôi phải chăm sóc mẹ già của cô ấy. Con chúng tôi mới 3 tuổi. Nếu về Pháp, thì chỉ có tôi và con. Gia đình ly tán,” ông Hoàng nói tiếp.
Ông chia sẻ thêm: “Công an biết rõ hoàn cảnh và sinh hoạt của gia đình tôi. Tôi cảm thấy tàn nhẫn quá. Tôi rất bối rối.”
Khi được hỏi những ngày tới ra sao, ông cho biết: “Tôi đã liên lạc luật sư nhờ họ can thiệp. Luật Sư Lê Công Định và Luật Sư Hà Huy Sơn cũng muốn hỗ trợ. Tuy nhiên, cho tới nay, cá nhân tôi chưa nhận được quyết định chính thức, thành ra, luật sư không thể làm gì được.”
Ông Hoàng cho biết, chỉ có chủ tịch nước mới có quyền ký quyết định tước quốc tịch của ông, và ông có hỏi người khác, thì họ cho biết, “một khi đã ký rồi thì không thay đổi được.”
Trong thời gian qua, ông Hoàng cho biết, ông thường xuyên bị sách nhiễu.
“Họ từng thông báo với tôi rằng tình trạng của tôi giống như cá nằm trên thớt vì tôi là đảng viên đảng Việt Tân,” ông Hoàng kể.
Ông giải thích: “Về mặt pháp lý, tôi không vi phạm gì cả. Trong nước có nhiều người không phải là Việt Tân, ví dụ như blogger Đoan Trang, hay anh Nguyễn Ngọc Già, có phải là Việt Tân đâu, mà vẫn bị đàn áp. Anh biết đó, ở Việt Nam này, mình làm bất cứ gì, nếu không thích, họ suy diễn đủ thứ để kiếm chuyện với mình.”
“Họ không đánh đập tôi, nhưng họ cô lập tôi, nhẹ nhàng nhất, nhưng lại vô nhân đạo nhất, vì nó hủy hoại gia đình tôi,” vị giáo sư chia sẻ tiếp.
Dù chưa biết bao giờ chính thức bị trục xuất, nhưng nếu bị, ông Hoàng vẫn ước ao được trở lại Việt Nam một ngày nào đó.
“Tôi hy vọng mình sẽ trở lại khi đất nước được tự do, dân chủ, và tôn trọng nhân quyền. Tôi biết, ở hải ngoại, có nhiều người muốn về, nhưng vì đấu tranh, họ không được cho về. Tôi biết, họ còn đau khổ hơn. Sẽ có ngày mọi người được về khi đất nước không còn tình trạng đàn áp những người đấu tranh,” ông Hoàng nói thêm.
Theo blogger Lê Nguyễn Hương Trà, Thạc Sĩ Phạm Minh Hoàng sinh ngày 8 Tháng Tám, 1955 tại Vũng Tàu, mang hai quốc tịch Pháp và Việt. Sau nhiều năm du học ngành cơ ứng dụng tại Đại Học Pierre & Marie Curie (Paris 6) và sinh sống tại Pháp, năm 2000, ông trở về Việt Nam thỉnh giảng tại Đại Học Bách Khoa ở Sài Gòn.
Với bút danh Phan Kiến Quốc, ông có nhiều bài trên blog và các trang nước ngoài phản đối vụ Trung Quốc khai thác Bauxite Tây Nguyên, cũng như kêu gọi các vấn đề dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.
Tháng Tám, 2010, ông bị cơ quan điều tra công an Sài Gòn bắt giam và cáo buộc là thành viên Việt Tân. Ông bị tòa xét xử tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự và bị tuyên án 3 năm tù giam.
Nhiều tổ chức quốc tế, các chính phủ Hoa Kỳ, Pháp, và Liên Âu lúc đó đã kêu gọi trả tự do cho ông.
Rồi ông kháng án và được giảm còn 17 tháng, vì có yếu tố song tịch, theo blogger này cho biết.
Vẫn theo blogger này, đầu năm 2012, ông Hoàng ra tù và sống với vợ và con gái ở quận 10, Sài Gòn, cho đến nay.
Sau khi ra tù, ông thường xuyên bị gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.
Năm ngoái, ông bị công an Sài Gòn tạm giữ hành chánh, khi đang giảng dạy cho một số bạn trẻ tại một quán cà phê ở quận 3, với chủ đề lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam qua các thời kỳ, và bị cho là một hoạt động dưới hình thức đào tạo kỹ năng mềm. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment