Sunday, June 25, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 25/6

Tin Thế Giới

1.
Giám đốc CIA: Bắc Triều Tiên, quan tâm hàng đầu của Donald Trump --- Seoul kêu gọi Bắc Hàn ngưng tham vọng hạt nhân

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ MSNBC, được phát ngày 24/06/2017, giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ CIA Mike Pompeo, cho biết ông bị tổng thống Donald Trump chất vấn mỗi ngày về Bắc Triều Tiên và cách đối phó với đe dọa hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.

"Hầu như mỗi ngày", giám đốc CIA Mike Pompeo đều dự trù một buổi làm việc từ "35 đến 40 phút" với tổng thống Donald Trump và Bắc Triều Tiên là mối quan tâm "hàng đầu" của chủ nhân Nhà Trắng.

"Hiếm khi nào tổng thống Trump không đề cập tới Bắc Triều Tiên và câu hỏi Hoa Kỳ có thể làm gì để đối phó với mối đe dọa đó". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa trong thời gian gần đây, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Kim Jong Un thường xuyên de dọa bắn tên lửa đến tận các thành phố của Hoa Kỳ.

Trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, lãnh đạo số một của cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, trong 20 năm qua, Washington đã hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thay đổi, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra. Vẫn theo ông Pompeo, Mỹ chưa thực sự cứng rắn để buộc chế độ Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân. Thậm chí Bắc Triều Tiên đang "tiến gần" tới ngưỡng có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa an ninh Hoa Kỳ.

Chính quyền Bình Nhưỡng đến nay vẫn khẳng định phát triển vũ khí nguyên tử là để tự vệ. - RFI

***
Chính quyền Seoul hôm 25/6 đánh dấu ngày khai mào cuộc chiến Triều Tiên những năm 50 với lời kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa.

“Miền Bắc tiếp tục các hành động khiêu khích quân sự như phóng tên lửa đạn đạo”, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon được Reuters dẫn lời phát biểu trước các cựu chiến binh và quan chức chính phủ tại một buổi lễ ở thủ đô Seoul.

Lễ kỷ niệm 67 năm ngày bùng ra chiến tranh Triều Tiên được tổ chức giữa lúc có lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ sáu cũng như các vụ thử tên lửa khác bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ông Lee nói rằng miền bắc “nên ngừng phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa, và theo đuổi con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Chiến tranh Triều Tiên bùng ra ngày 25/6/1950 khi các binh sĩ cộng sản Bắc Hàn mở một cuộc tấn công bất ngờ qua vĩ tuyến 38 vào Hàn Quốc.

Cuộc chiến chấm dứt năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, do hai bên chưa ký vào thỏa ước hòa bình, nên trên lý thuyết, hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh. - VOA
|
|

2.
Tướng Phạm Trường Long tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình đi Hong Kong --- Tàu sân bay Trung Quốc ra khơi huấn luyện

Vị tướng Trung Quốc từng đột ngột rời Việt Nam tuần trước sẽ tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hong Kong để đánh dấu 20 năm ngày đặc khu này được trao trả cho đại lục.

Theo Hoàn cầu Thời báo, ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và một phái đoàn hùng hậu sẽ cùng nguyên thủ nước này tới thăm Hong Kong từ ngày 29/6 tới 1/7.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới vùng lãnh thổ từng thuộc Anh kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Trung Quốc năm 2013.

Tin cho hay, chính quyền Hong Kong sẽ thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh nghiêm ngặt nhất trong vòng 20 năm qua, với hàng nghìn nhân viên được triển khai, để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm kéo dài ba ngày của ông Tập.

​Theo Reuters, chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh có nhiều người Hong Kong cho rằng Trung Quốc đang ngày càng can thiệp vào công việc nội bộ của thành phố này, nhất là việc điệp viên từ đại lục tới bắt cóc các chủ cửa hàng sách chuyên bán tài liệu chỉ trích Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin liên quan tới ông Phạm Trường Long, kể từ sau khi vị tướng này đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hôm 18/6.

Bắc Kinh nói rằng lý do của việc đó xuất phát từ vấn đề sắp xếp công việc, trong khi các nhà quan sát nói rằng tranh cãi về lãnh hải trên Biển Đông là nguyên nhân.

Phía Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về vụ việc được cho là chỉ dấu cho thấy quan hệ Việt – Trung đang dậy sóng.

Ông Phạm chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong cơ quan quân sự đầy quyền lực của quốc gia đông dân nhất thế giới là Quân ủy Trung ương Trung Quốc. - VOA

***
Một đội tàu chiến của Trung Quốc, gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 25/6 đã khởi hành từ Thanh Đảo, bắt đầu một đợt huấn luyện định kỳ.

Japan Times dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay rằng đội tàu trên bao gồm cả các tàu khu trục Tế Nam và Ngân Xuyên, tàu chiến Yên Đài, một phi đội chiến đấu cơ J-15 cùng các máy bay trực thăng.

Bộ này nói rằng “cũng như các lần trước, đợt huấn luyện lần này nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa các tàu và hoàn thiện kỹ năng của các thủy thủ cũng như phi công”.

​Cuối tuần trước, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn các nguồn tin không nêu danh tính nói rằng tàu Liêu Ninh sẽ thăm Hong Kong trong chuyến cập cảng chưa có tiền lệ vào đầu tháng sau nhân dịp đặc khu này kỷ niệm 20 năm được Anh trao trả cho Trung Quốc.

Theo tờ báo này, lần cập cảng này tiếp theo sau chuyến thăm Hong Kong đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông trở thành nguyên thủ Trung Quốc vào năm 2013.

Tàu Liêu Ninh, vốn được Trung Quốc mua của Ukraine và tân trang lại, thực hiện chuyến huấn luyện đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương vào tháng 12 năm ngoái.

Hàng không mẫu hạm này được coi là một phần nỗ lực của hải quân Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương. - VOA
|
|

3.
Ukraina phản đối tổng thống Nga thăm Crimée

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Crimée ngày 24/06/2017, vùng đất của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014. Chính quyền Kiev lên án chuyến viếng thăm của nguyên thủ Nga là « vi phạm chủ quyền lãnh thổ » Ukraina.

Theo thông cáo của điện Kremlin, tại Crimée, ông Putin đến thăm khu trại hè Artek nổi tiếng của thanh niên và là biểu tượng của giới trẻ thời Xô Viết bên bờ Biển Đen. Trong diễn văn đọc tại đây, tổng thống Nga nhấn mạnh : « Cách đây không lâu, Artek phải trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng giờ đang hồi sinh và Artek còn hồi sinh với tư cách là một khu nghỉ quốc tế ».

Bộ Ngoại Giao Ukraina ngay lập tức ra thông cáo phản đối chuyến viếng thăm Crimée của tổng thống Nga và cho đây là «hành động vi phạm thô bạo chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina».

Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, Artek, nằm trên bán đảo Crimée, thuộc về nước Ukraina độc lập và đón nhận trẻ em Ukraina cho đến năm 2009. Bị sáp nhập vào Nga năm 2014, trại hè này đã mở cửa trở lại và đang được tôn tạo.

Tổng thống Putin ca ngợi điệp viên ngầm của Nga

Trong đoạn video được phát ngày 24/06 trên đài truyền hình Nhà nước Rossya 1, tổng thống Putin ca ngợi các điệp viên ngầm của Nga, đánh giá họ là «những người không giống người khác», dám «từ bỏ đời tư, xa người thân và rời khỏi đất nước trong vòng nhiều năm, hy sinh cuộc sống vì tổ quốc».

Tổng thống Nga còn ca ngợi lòng trung thành với tổ quốc của «những con người có một không hai này» là một tấm gương noi theo. Ông Putin từng là nhân viên của Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) thuộc KGB và làm việc tại Dresde (Đông Đức), từ năm 1985 đến 1990. - RFI
|
|

4.
Thổ Nhĩ Kỳ: Tối hậu thư gửi Qatar đi ngược với luật pháp quốc tế

Hôm nay, 25/06/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho rằng tối hậu thư mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa cho Qatar là đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ, được hãng tin Anadolu trích dẫn, tuyên bố: «Chúng tôi ủng hộ lập trường của Qatar bởi vì chúng tôi cho rằng danh sách bao gồm 13 đòi hỏi (mà Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa ra» là trái ngược với luật pháp quốc tế.

Ngày 05/06, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Yemen, Bahrein và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng với hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới trên không, trên biển và đất liền, cấm thông thương đi lại với quốc gia này. Các nước này tố cáo Qatar « ủng hộ khủng bố », đồng lõa với Iran, quốc gia Hồi Giáo Shia, kẻ thù số một của các nước Hồi Giáo Suni.

Ngày 22/06, thông qua trung gian Koweit, Ả Rập Xê Út và các đồng minh đưa ra điều kiện dưới dạng một tối hậu thư mà Qatar phải đáp ứng trong vòng 10 ngày, để tái lập bang giao. Văn bản này bao gồm 13 điểm, trong đó có việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút khỏi Qatar.

Theo tổng thống Erdogan, đòi hỏi này thể hiện sự không tôn trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar là đồng minh thân cận của Ankara. Hai nước đã ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự, năm 2014, cho phép triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar.

Hôm qua, chính quyền Qatar cũng lên tiếng cho rằng tối hậu thư nói trên là không hợp lý.

Một đòi hỏi khác được nêu trong tối hậu thư là Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình al-Jazira. Ngay lập tức, lãnh đạo kênh truyền hình này đã lên tiếng tố cáo đây là một sự vi phạm đến quyền tự do ngôn luận.

Đài truyền hình al-Jazira được thành lập năm 1996, đặt tại Qatar, được nước này tài trợ và là một trong những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên, các kênh truyền hình phát bằng tiếng Anh và Ả Rập phải đối mặt với các áp lực.

Bởi vì đường hướng biên tập của al-Jazira thường xuyên bị một số nước Ả Rập tố cáo là ủng hộ xu hướng Hồi Giáo chính trị, bóp méo thông tin, hoặc ủng hộ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, kẻ thù của chính quyền Ai Cập.

Theo ngoại trưởng Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, không thể chấp nhận được việc Qatar tiếp tục tài trợ cho «những cơ sở truyền thông và chính trị có quan điểm cực đoan».

Trước đòi hỏi của Ả Rập Xê Út và đồng minh muốn đóng của al-Jazira, lãnh đạo kênh truyền hình này đã ra thông cáo cho rằng đó chỉ là một ý đồ muốn bóp chết tự do ngôn luận trong khu vực.

Salah Najim, giám đốc phụ trách thông tin của al-Jazira, cho RFI biết, việc đóng cửa al-Jazira hay không là do Qatar quyết định. Nhưng điều này chưa hề xẩy ra trong 20 năm qua bất chấp tất cả các áp lực. Nhà báo này tố cáo đòi hỏi này của bốn nước vùng Vịnh giống như dưới thời trung cổ hoặc giống như thời kỳ McCarthy (truy lùng cộng sản trong những năm 1950 ở Mỹ).

Ông Najim khẳng định, al-Jazira có vị trí đặc biệt và thường xuyên bị «dò xét» bởi vì đây là một trong những đài truyền hình quốc tế có nhiều người xem nhất. Al-Jazira không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Qatar và độc lập trong việc xử lý thông tin.

Lãnh đạo kênh tiếng Anh của al-Jazira thì ví von đòi hỏi của các nước vùng Vịnh giống như Đức yêu cầu Anh Quốc đóng cửa tập đoàn truyền thông BBC.

Vấn đề đặt ra là liệu lần này, al Jazira có đủ sức trụ lại được hay không trong bối cảnh Qatar bị Ả Rập Xê Út và các đồng minh gia tăng áp lực mạnh mẽ cả về ngoại giao và kinh tế. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Trump: Ít lựa chọn trong việc bãi bỏ Obamacare

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông và những người cùng đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang đứng trước rất ít lựa chọn trong nỗ lực dài bảy năm của họ nhằm đại tu các cải cách chăm sóc sức khoẻ tầm quốc gia do cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy.

Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 25/6 trên Fox News, ông Trump nói: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đi đến điều đó", nhưng ông thừa nhận rằng để "chọn ra một kế hoạch mà mọi người đều sẽ thích" là một con đường phức tạp trong những ngày tới.

Nhưng ông cho rằng nếu không thay đổi chính sách chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ, người ta sẽ thấy sự sụp đổ của đạo luật vẫn thường được gọi là Obamacare.

Các nhà lãnh đạo Thượng viện dự định sẽ bỏ phiếu vào 29/6 về dự luật theo đó chấm dứt việc yêu cầu người Mỹ mua bảo hiểm sức khoẻ nếu không sẽ bị phạt, có lộ trình cắt giảm trợ cấp liên bang để giúp người có thu nhập thấp mua bảo hiểm, giảm thuế đối với người giàu và cắt hàng trăm đôla tài trợ trong vài năm tới cho chương trình chăm sóc sức khoẻ của chính phủ dành cho người nghèo và người tàn tật.

Nhưng đảng Cộng hòa chỉ giữ thế đa số 52-48 tại Thượng viện, trong khi có dự báo là tất cả các đảng viên Dân chủ sẽ bỏ phiếu chống lại đề xuất của đảng Cộng hòa.

Điều đó có nghĩa là những người đảng Cộng hòa chỉ có thể để mất hai phiếu, và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ bỏ phiếu quyết định nếu hai bên chia nhau số phiếu 50-50 tại Thượng viện. - VOA
|
|

6.
Đảng viên Dân chủ hàng đầu chỉ trích ông Obama

Thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 25/6 đã chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã không hành động sớm và mạnh hơn với Nga trước những cáo buộc rằng nước này dùng tin tặc để xoay chuyển cuộc bầu cử Mỹ, theo Reuters.

"Chính quyền của ông Obama đáng lẽ phải hành động nhiều hơn nữa khi chuyện trở nên rõ ràng rằng không chỉ Nga can thiệp mà nó còn được chỉ đạo ở các cấp cao nhất của điện Kremlin”, dân biểu Adam Schiff nói trong chương trình “State of the Union” của kênh CNN.

Chính quyền của ông Obama tháng 12 năm ngoái đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga, cáo buộc họ có liên hệ tới một vụ tấn công mạng nhắm vào hai tổ chức chính trị trong cuộc bầu cử, nhưng các biện pháp đó quá nhẹ và quá muộn, ông Schiff được Reuters trích lời nói.

Ông Schiff và người đồng nhiệm trong Thượng viện Mỹ, Dianne Feinstein, tháng Chín năm ngoái đã ra một tuyên bố được coi là bất thường, lên án Nga thực hiện các vụ tin tặc.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson tuần trước nói với một ủy ban của quốc hội Mỹ rằng có sự trì hoãn giữa thời điểm FBI lần đầu tiên liên lạc với Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ về việc Nga tấn công máy chủ của tổ chức này và thời điểm ông được thông báo tại Bộ An ninh Nội địa.

Ông Johnson, người phục vụ dưới thời của Tổng thống Barack Obama, cho biết như vậy, khi ông ra khai chứng về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. - VOA
|
|

7.
Mỹ: Rex Tillerson ngày càng bị cô lập trong bộ Ngoại Giao

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, thế nhưng ông lại ra các quyết định mang tính chính trị, bất chấp những lời tư vấn của giới chuyên gia. Do vậy, ông ngày càng đơn độc tại bộ Ngoại Giao và tình trạng này bắt đầu làm cho Nhà Trắng khó chịu.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình:

«Xin hẹn gặp Rex Tillerson khó gần như xin gặp Donald Trump. Hiếm khi nào một ngoại trưởng Mỹ lại khó gặp đến như vậy. Hầu như không có cuộc các tiếp xúc của ông với các giới chức ngoại giao.

Mọi tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ đều phải qua chánh văn phòng, bà Margaret Peterlin. Thậm chí, bà có thể còn ngăn cản cả cấp trên của mình là tổng thư ký Nhà Trắng, Reince Priebus.

Ngoại trưởng Tillerson sống như trong một pháo đài với một nhóm cộng sự thân cận. Nhà Trắng trách cứ ngoại trưởng chậm trễ trong việc bố trí người vào những vị trí còn trống. Donald Trump có một danh sách các nhà tài trợ và giờ đây, tổng thống Mỹ muốn trả ơn bằng cách bổ nhiệm một số người làm việc trong các sứ quán ở nước ngoài. Thế nhưng, mong muốn của tổng thống Mỹ phải có được sự hậu thuẫn của bộ Ngoại Giao. Trong khi đó, Tillerson lại muốn đích thân phỏng vấn các ứng viên và mỗi vị trí thì có hai ứng viên.

Cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon-Mobile chưa quen với các đòi hỏi của thế giới chính trị. Với tư cách là một nhà quản trị tốt trong lĩnh vực tư nhân, ngoại trưởng Mỹ rất chú ý đến việc tái cơ cấu bộ Ngoại Giao để hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, trước mắt, chưa chắc ông có đủ nhân sự để bảo đảm sự vận hành của bộ Ngoại Giao". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

8.
Hải quân Việt-Phi đấu giao hữu ở Song Tử Tây

Hãng tin Reuters cho hay hải quân Việt Nam và Philippines mới đây chơi bóng đá, bóng chuyền và kéo co với nhau trên một đảo ở Biển Đông.

Đây là những cuộc thi đấu giao hữu mới nhất giữa hai nước có quan ngại về động thái đòi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển trong vòng tranh chấp.

Cuộc giao đấu này là lần thứ ba hai bên thực hiện hoạt động như vậy kể từ năm 2014.

Hải quân Philippines cho biết các đội thi đấu có người của hai bên trộn lẫn với nhau. Họ đã đấu hôm 22/6 trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Cách đây hơn 4 thập niên, Philippines từng kiểm soát đảo này. Nay đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam.

Tin của Reuters nói các cuộc giao đấu nằm trong số các cuộc giao lưu giữa hai nước, ngầm thể hiện sự đoàn kết của họ trước việc Bắc Kinh ngày càng bành trướng hiện diện, cũng như các dấu hiệu về việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Mối quan hệ Việt Nam-Philippines được củng cố dưới thời chính quyền trước đây của Philippine, dẫn đến việc ký kết về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015, là thời điểm cả hai nước đều bị kẹt trong các cuộc tranh chấp gat gắt với Trung Quốc trong khi lại có mối quan hệ nồng ấm với Hoa Kỳ.

Nhưng kể từ đó, những mối quan hệ ấy ngày càng trở nên bất định, chủ yếu vì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định nên thân thiện hơn là đối đầu với Bắc Kinh, cùng lúc ông cũng ngày càng trở nên thù địch hơn đối với Washington. - VOA
|
|

9.
Bị phanh phui tài sản, công an Yên Bái lập mưu bắt nhà báo

Ông Nguyễn Tiến Bình, tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam, vừa khẳng định việc công an tỉnh Yên Bái bắt ông Lê Duy Phong, trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo này, là bất thường.

Ngày 23 Tháng Sáu, công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp thông tin và hình ảnh liên quan đến việc bắt giữ ông Phong một ngày trước đó.

Theo đó, trưa 22 Tháng Sáu, ông Phong bị bắt quả tang đang nhận 250 triệu đồng của một doanh nghiệp, tại một nhà hàng, tọa lạc ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, để im lặng, không đả động gì đến các sai phạm của doanh nghiệp này.

Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để “cưỡng đoạt tài sản” và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để điều tra thêm.

Sau khi tin vừa kể được loan báo rộng rãi, nhiều người tin rằng, ông Phong bị công an gài bẫy.

Ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động.

Loạt bài thứ nhất liên quan tới tư dinh của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước…

Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, ông Phong còn chỉ ra nhiều điểm bất thường khác đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy?

Loạt bài thứ hai liên quan đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Xét về quy mô và giá trị tư dinh của ông Chiêu còn lớn hơn tư dinh của ông Quý. Tầm vóc thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn đã rất xa hoa, bề thế ở tỉnh này.

Ngay sau khi ông Phong bị bắt, tổng biên tập báo Giáo Dục Việt Nam nói với báo giới rằng, tờ báo này chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ công an tỉnh Yên Bái về việc bắt giữ ông Phong. Sở dĩ ông Bình biết tin ông Phong bị bắt là nhờ đọc các tờ báo khác và được thân nhân của ông Phong báo tin.

Ông Bình nói với báo Người Lao Động rằng, ông đã liên lạc với bí thư tỉnh Yên Bái, đề nghị hỗ trợ tổ chức một buổi làm việc chính thức giữa báo Giáo Dục Việt Nam và công an tỉnh để làm rõ tại sao ông Phong bị bắt.

Ông kể thêm, qua một số người biết chuyện thì ông Phong được một doanh nghiệp mời đến Yên Bái tư vấn và ông Phong không có bất kỳ thỏa thuận nào với doanh nghiệp về tiền bạc. Tại nhà hàng, doanh nghiệp chủ động bày tiền ra bàn và ngay sau đó công an ập vào. Số tiền được bày ra bàn chỉ có 50 triệu chứ không phải 250 triệu đồng như công an tỉnh cung cấp cho báo chí. Ông nhấn mạnh, việc nhận tiền như thế là trái với tính cách của ông Phong.

Ông nhận định, ông Phong đang điều tra nhiều chuyện bất thường liên quan tới một số viên chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có cả bí thư và giám đốc công an tỉnh này. Vừa qua, sau khi đăng các loạt bài điều tra về những chuyện bất thường ở Yên Bái, báo Giáo Dục Việt Nam liên tục phải tiếp khách, nhận điện thoại, đề nghị gỡ bỏ các bài đã đăng và dừng các cuộc điều tra. Tuy nhiên tờ báo này không chấp nhận.

Theo ông Bình, ông rất muốn biết tên doanh nghiệp đã đưa tiền cho ông Phong và tại sao lại đưa tiền khi báo Giáo Dục Việt Nam không nhắm vào doanh nghiệp nào tại Yên Bái. Bởi vì giám đốc công an tỉnh từng là đối tượng trong một loạt bài điều tra mà báo Giáo Dục Việt Nam mới đăng, ông Bình đề nghị Bộ Công An rút hồ sơ vụ cáo buộc ông Phong “cưỡng đoạt tài sản” về để điều tra.

Ông nhấn mạnh: “Nếu để công an tỉnh Yên Bái điều tra thì tôi e rằng sẽ không khách quan.” - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment