Friday, June 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 2/6

Tin Thế Giới

1.
Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris, thế giới phản ứng --- Pháp, Đức, Ý bênh vực Thỏa thuận Paris, nói không thể tái đàm phán --- Tổng thống Pháp Macron lên tuyến đầu chống biến đổi khí hậu --- Donald Trump bỏ hiệp định khí hậu: Trong rủi có may

Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhóm bảo vệ môi trường bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rút ra khỏi hiệp định về khí hậu ở Paris, một nỗ lực toàn cầu để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông Trump đã phạm một sai lầm lịch sử, và ông mời các nhà khoa học cũng như doanh nhân Mỹ sang sống bên Pháp, một đất nước có thể trở thành “quê hương thứ hai” của họ. Ông Macron nói họ có thể "cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp cụ thể cho khí hậu, và cho môi trường". Ông Macron nói thêm rằng ở Pháp họ sẽ ra sức làm việc để "hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại", một lối chơi chữ, nhái theo khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Thủ Tướng Đức Angela Merkel mô tả hiệp định Paris là một "bước nhảy vọt lịch sử".

Bà nói: "Quyết định của ông Trump không thể, và sẽ không ngăn cản được những người trong chúng ta cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ Trái Đất. Tôi xin nói với tất cả những ai xem trọng tương lai của hành tinh chúng ta: “xin hãy sát cánh bên nhau để tiếp tục tiến bước trên con đường này để đi đến thành công và bảo vệ Trái Đất của chúng ta".

Trong thế giới đang phát triển, nhiều nhà lãnh đạo cũng bày tỏ thất vọng. Tổng thống Ghana John Dramani Mahama nói: "Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo về một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu thiết yếu”.

Một thỏa thuận 'quá khắc nghiệt'

Ông Trump nói Hoa Kỳ rút ra khỏi một thỏa thuận mà theo ông, áp đặt những gánh nặng "quá khắc nghiệt", tốn kém hàng tỷ đô la, tác động tới hàng triệu công việc làm ăn tại Hoa Kỳ.

Ông mô tả hiệp định Paris là "không công bằng" đối với Mỹ, và có lợi cho các nước lớn gây ô nhiễm khác, như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông nói ông sẵn sàng "đàm phán lại” để tái gia nhập Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu lập tức dập tắt hy vọng của nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông có thể thương thuyết lại hiệp định Paris.

Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Đức, Pháp và Ý khẳng định:

"Chúng tôi chắc chắn là thỏa thuận này không thể được đàm phán lại".

Các nước ký kết Hiệp định Paris cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới hiện tượng hâm nóng địa cầu. Hiện tượng này bị quy cho là nguyên nhân gây tan băng và sông băng, làm mực nước biển dâng cao và làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ xếp vào hạng nhì, và giờ được ghi vào danh sách các nước không tham gia hiệp định Paris, cùng với chỉ có hai nước khác là Nicaragua và Syria.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng tuân thủ Hiệp định Paris là "trách nhiệm của Trung Quốc trong cương vị là một nước lớn có trách nhiệm".

Phát biểu hôm 2/6 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:

"Chúng tôi tin rằng hiệp định Paris phản ánh sự nhất trí rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế để loại bỏ thay đổi, và các bên nên trân trọng kết quả khó khăn lắm mới đạt được này".

Ông Trump giải thích rằng Hoa Kỳ phải rút ra khỏi hiệp định vì các quyền lợi của Mỹ. Ông nói: "Tôi được bầu lên để đại diện cho cư dân Pittsburgh chứ không phải cho Paris."

Tuy nhiên thị trưởng thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, đơn vị bầu cử nơi bà Hillary Clinton chiếm được 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, nói "Pittsburgh sát cánh với thế giới và sẽ tuân thủ Hiệp định Paris."

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đứng ra làm trung gian điều giải để đi đến Hiệp định Paris, nói:

"Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính quyền ông Trump nhập đoàn với một vài nước để gạt tương lai sang một bên, tôi tin rằng các tiểu bang của Hoa Kỳ, các thành phố và doanh nghiệp Mỹ sẽ bước lên và làm nhiều hơn nữa để dẫn đường, và giúp bảo vệ hành tinh duy nhất mà chúng ta có, cho các thế hệ tương lai."

Mất vai trò lãnh đạo

Tại Australia, thủ lãnh đảng Xanh Richard Di Natale nói bằng cách rút ra khỏi Hiệp định Paris, "Donald Trump chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không còn có thể tự coi là một nước lãnh đạo thế giới".

Ông Koichi Yamamoto, bộ trưởng môi trường Nhật Bản nói: "Làm như vậy chẳng khác nào Mỹ đã quay lưng với sự khôn ngoan của nhân loại".

Ông nói ông thất vọng đã đành, mà còn cảm thấy phẫn nộ về quyết định của ông Trump.

Thủ tướng Tuvalu nói đảo quốc Thái Bình Dương của ông trong Thế chiến II, "từng là một bệ phóng" cho Hoa Kỳ nhưng bây giờ "khi chúng tôi đang đối mặt với cuộc chiến lớn nhất thời đại, Mỹ lại bỏ rơi chúng tôi."

Ông Voreqe Bainimarama, người sẽ chủ trì hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu ở Đức vào cuối năm nay, nói: "Trong khi mất sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là điều đáng tiếc, nhưng cuộc đấu tranh chống hậu quả của biến đổi khí hậu còn lâu mới chấm dứt."

Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự thất vọng của ông trong một cuộc điện đàm với ông Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Canada nói ông cảm thấy được khích lệ bởi "đà tiến của phong trào chống hậu quả của biến đổi khí hậu và chuyển tiếp sang các nền kinh tế tăng trưởng sạch".

Thủ tướng Anh Theresa May nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm:

"Hiệp định Paris cung cấp một khung hành động toàn cầu để bảo vệ sự thịnh vượng và an ninh của các thế hệ tương lai, trong khi vẫn duy trì năng lượng giá phải chăng và an toàn cho người dân và doanh nghiệp của chúng ta".

Mạng lưới Hành động để bảo vệ Môi trường nói quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris "báo hiệu chính quyền Trump hoàn toàn xa rời với thực tế và thế giới còn lại".

Tổ chức Hòa bình Xanh- Greenpeace nói:

"Bằng cách rút khỏi hiệp định Paris, ông Trump biến Hoa Kỳ từ một nước lãnh đạo thế giới về khí hậu thành một nước lạc hậu liên quan tới khí hậu."

Ông Venki Ramakrishnan, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh, nói:

"Tương lai là những công nghệ mới, sạch hơn và có thể tái tạo, chứ không phải là nhiên liệu hóa thạch. "Các công nghệ mới sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống nạn ô nhiễm không khí và đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn cầu. Tổng thống Trump không đặt các lợi ích của nước Mỹ lên trên hết, mà ông ta đang trói chặt nước Mỹ vào quá khứ." - VOA

***
Pháp, Đức và Ý hôm thứ Năm nói rằng họ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và bác bỏ đề nghị của ông chỉnh sửa hiệp định toàn cầu này.

"Chúng tôi cho rằng đà tiến được khởi động ở Paris vào tháng 12 năm 2015 là không thể đảo ngược được và chúng tôi tin chắc rằng Thỏa thuận Paris không thể đàm phán lại vì nó là một công cụ thiết yếu cho hành tinh, các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta," các nhà lãnh đạo của ba nước nói trong một tuyên bố chung hiếm có.

Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh của họ tăng tốc những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và nói rằng họ sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển thích ứng.

Tại một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bảy cường quốc vào tuần trước, ba nhà lãnh đạo đã cố gắng thuyết phục ông Trump ở lại trong thỏa thuận và tôn trọng những cam kết của Mỹ do chính quyền trước đưa ra.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói Mỹ sẽ đàm phán lại hiệp định này và lên án điều mà ông gọi là những gánh nặng tài chính và kinh tế "nghiệt ngã" của thỏa thuận này.

Thông cáo bất thường của Pháp-Đức-Ý, được công bố chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi ông Trump loan báo quyết định của mình, nêu bật sự thất vọng của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro và quyết tâm của họ tiến về phía trước mà không có sự ủng hộ của Washington.

"Chúng tôi tin chắc rằng việc thi hành Thỏa thuận Paris mang lại những cơ hội kinh tế đáng kể cho sự thịnh vượng và tăng trưởng ở các nước và trên quy mô toàn cầu," ba nhà lãnh đạo nói.

"Do đó chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất của chúng tôi là nhanh chóng thi hành Thỏa thuận Paris, bao gồm các mục tiêu tài chính khí hậu và chúng tôi khuyến khích tất cả các đối tác của mình tăng tốc hành động chống lại biến đổi khí hậu."

Trong bài phát biểu ông Trump phàn nàn rằng Thỏa thuận Paris bắt buộc các nước giàu có giúp đỡ các nước đang phát triển xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo. Pháp, Đức và Ý cho biết họ sẵn sàng làm thêm nữa để giúp đỡ mà không có nguồn tài trợ của Mỹ.

"Chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất và dễ bị tổn hại nhất trong việc đạt được các mục tiêu khắc phục và thích ứng," ba nhà lãnh đạo nói. - VOA

***
Vì tương lai trái đất, tân tổng thống Pháp đã đột phá tập quán giao tế của điện Élysée. Trong thông điệp truyền hình gửi đến dân chúng Mỹ bằng Anh Ngữ, tổng thống Emmanuel Macron nhái lại khẩu hiệu của chủ nhân Nhà Trắng « Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại » để kêu gọi người Mỹ « Hãy làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại ».

Hai giờ sau khi Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí hậu COP 21, tổng thống Pháp trực tiếp lên truyền hình tố cáo tổng thống Mỹ đưa quốc gia vào chổ « sai lầm » và « phạm lỗi với tương lai của hành tinh ».

Tổng thống Macron cho biết đã gọi điện « trao đổi thẳng thắn » với chủ nhân Nhà Trắng. Khi đề cập đến « đàm phán lại », chủ nhân Nhà Trắng bị đồng nhiệm trẻ tuối của Pháp trả lời « no » một cách dứt khoát : không có gì phải thương lượng lại trong Hiệp Định Paris.

Không dừng lại ở đây, tổng thống Pháp kêu gọi chất xám của Mỹ không có đất dụng võ hãy sang Pháp làm việc : kỹ sư, khoa học gia, doanh nghiệp, công dân Mỹ thất vọng Donald Trump hãy chọn Pháp làm quê hương thứ hai, cùng tìm kiếm những giải pháp cụ thể cho khí hậu.

Bản thân tổng thống Macron, mới đây tại G7, còn tin vào thiện chí và lý trí của tổng thống Donald Trump trên hồ sơ môi trường. Trái lại, thủ tướng Đức Angela Merkel không dấu thất vọng đối với tổng thống tỷ phú địa ốc.

Sáng hôm nay 02/06/2017, tổng thống Pháp tiếp bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot và tuần sau sẽ tham khảo toàn bộ nội các để phát họa kế hoạch tiếp đón chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài cùng chí hướng sang Pháp làm việc. - RFI

***
Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu, gây phản ứng bất bình trên khắp thế giới kể cả tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và giới ngoại giao lại cho rằng trong cái rủi có cái may : việc thực thi hiệp định COP 21 sẽ không bị cản trở từ bên trong.

Có một thành viên thế lực như Mỹ luôn tìm cách cản trở tiến trình thực thi hiệp định Paris về khí hậu trong khuôn khổ hội nghị COP hàng năm là nỗi lo của giới chuyên gia.

« Để Donald Trump đứng ngoài vẫn tốt hơn là đứng bên trong làm trì trệ hiệp định ». « Đứng bên trong hiệp định Hoa Kỳ có thể gây nhiều tác hại hơn là nếu đứng bên ngoài ». Mohamed Adow, chuyên gia khí hậu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid và Luke Kemp, tác giả bài phân tích « Thà ở bên ngoài hơn là bên trong » trên tạp chí khoa học The Nature, tuần trước không phải là những tiếng nói đơn độc chào mừng quyết định của Donald Trump.

Mầm hy vọng

Quan điểm « Tái ông thất mã », thiếu Hoa Kỳ biết đâu lại là chuyện tốt cho nhân loại, đang được lan rộng trong giới khoa học và ngoại giao.

Anden Meyer, chuyên gia theo dõi đàm phán khí hậu từ 20 năm qua dự đoán : Washington muốn nói gì thì nói, chẳng có nước nào ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Từ khi hiệp định COP21 được long trọng ký kết tại Paris vào năm 2015, còn nhiều nguyên tắc thực thi đang được thương thảo đặc biệt là bản tổng kết đầu tiên về « nỗ lực chung » làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018.

Cũng quan trọng không kém là công khai hóa chính sách khí hậu của « từng thành viên » mà mục tiêu là giữ cho nhiệt độ khí quyển, từ nay đến cuối thế kỷ chỉ được tăng dưới 2°C, hầu tránh đại họa diệt vong, thiên tai, lũ lụt.

Hiệp định COP21 là kết quả của hơn 20 năm đàm phán gay go, và thỏa hiệp, tính từ hiệp định khung đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về trái đất được 160 quốc gia ký kết tại Rio ( Brazil ) năm 1992, rồi đến Nghị Định Thư Kyoto 1997, giảm khí thải làm nóng bầu khí quyển.

Donald Trump cho là hiệp định COP 21 gây nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ và cần phải thương thuyết lại. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc trên bảng xếp hạng các quốc gia gây ô nhiểm nhất địa cầu.

Không có Mỹ góp phần, liệu mục tiêu chung có thể đạt được hay không ? Theo bà Laurence Tubiana, nguyên là trưởng đoàn thương thuyết của Pháp, yêu sách của tổng thống Mỹ sẽ làm cho tình thế nghiêm trọng hơn. Kinh tế Mỹ sẽ chậm chuyển đổi trong khi nhân loại không còn đủ thời gian để hành động.

Tuy nhiên, Thoriq Ibrahim, bộ trưởng bộ môi trường đảo Maldives và cũng là phát ngôn viên của các tiểu quốc đảo đang bị nước biển đe dọa xóa tên lại nhẹ nhõm. Ông cho rằng sự kiện Hoa Kỳ rút chân là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm « đối đầu với thử thách » diệt vong.

Bằng chứng là tin Donald Trump đắc cử tổng thống rơi vào thời điểm Thượng đỉnh COP 22 diễn ra tại Maroc, làm cử tọa choáng váng như bị « điện giật ». Thế là, nhiều quốc gia bỏ ngay thái độ lưỡng lự, tuyên bố gia nhập hiệp định khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út…. tái cam kết thực thi. Châu Âu, Trung Quốc và Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch.

Tổng giám đốc Hiệp Hội WWF, bảo vệ động vật thiên nhiên, Pascal Canfin, thẩm định « không có Trump, Hiệp Định COP sẽ được nước Mỹ, dân Mỹ thực thi từ cấp doanh nghiệp, thành phố cho đến tiểu bang ».

Nhưng mối lo lớn khi Mỹ rút chân, là vấn đề tài chính cho Hiến Chương Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Xanh (100 tỷ đôla) tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. - RFI
|
|

2.
Thất bại của Trump là thắng lợi của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Berlin

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày thứ Tư 31 tháng 5 đến Berlin bắt đầu chuyến đi thăm châu Âu nhằm thế chân Tổng thống Donald Trump trong giới lãnh đạo chống biến đổi khí hậu khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước khí hậu Paris.

Nhân vật thứ hai của Trung Quốc được đón tiếp theo lễ nghi quân cách tại văn phòng Thủ tướng Angela Merkel, trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của một nước khổng lồ châu Á đang nổi lên đi thăm Đức nhiều ngày sau Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chuyến viếng thăm bất chợt này diễn ra giữa lúc quan ngại gia tăng tại nước Đức về loan báo sắp tới của ông Trump về hiệp ước biến đổi khí hậu Paris. Hiệp ước nhằm mục đích giảm bớt khí thải CO2 mà các nhà khoa học cho rằng là nguyên nhân gây nên mực nước biển dâng cao và hạn hán.

Một nguồn tin nói ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp ước.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tuần này, các giới chức châu Âu và Canada cảnh báo ông Trump là nước Mỹ có nguy cơ nhường quyền lãnh đạo toàn cầu chống biến đổi khí hậu cho Trung Quốc nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Trung Quốc, lâu nay được công nhận là cường quốc có quyền lực thương mại chế ngự trên thế giới, nay hy vọng là bằng cách chứng tỏ quyền lãnh đạo trong việc chống lại biến đổi khí hậu có thể chuyển quyền lực kinh tế sang ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ hơn.

Mặt khác quan hệ giữa hai quốc gia xuất khẩu khổng lồ trên thế giới thường căng thẳng với những kế hoạch của Trung Quốc sẽ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu xe chạy bằng điện. Vấn đề gai góc này sẽ được Đức nêu lên trong chuyến viếng thăm này. Tuy nhiên kể từ hội nghị thượng đỉnh G7, bà Merkel và những chính trị gia cao cấp khác đã tỏ ý rằng họ không thấy nước Mỹ do ông Trump lãnh đạo là một đối tác đáng tin cậy trong một loạt các vấn đề từ mậu dịch tự do đến biến đổi khí hậu.

Vào ngày thứ Ba 30 tháng 5, bà Merkel hoan nghênh ông Modi vì cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ đối với hiệp ước khí hậu trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ. Đây được xem như là dấu hiệu Berlin chuyển trọng tâm về phía châu Á để đáp ứng với lập trường của ông Trump. Sau Berlin, ông Lý sẽ đi Brussels nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Liên hiệp Châu Âu, cả hai phía sẽ loan báo cam kết ngăn chặn biến đổi khí hậu-một tuyên ngôn nhằm đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đến ông Trump. - VOA
|
|

3.
Diễn đàn an ninh vùng: Biển Đông nằm ở đâu?

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực, sắp khai mạc nhưng chưa rõ lập trường của Hoa Kỳ là gì và căng thẳng ở Biển Đông nằm ở đâu trong nghị trình.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 12 bộ trưởng quốc phòng.

Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, hiện đang thăm Singapore, sẽ có bài phát biểu nhập đề vào tối hôm khai mạc 2/6.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Thứ trưởng Quốc phòng, và Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an đại diện đoàn Việt Nam.

Tướng Nam sẽ phát biểu tại một phiên thảo luận có chủ đề "Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển" vào chiều 3/6.

Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tham gia phiên thảo luận này.

Bắc Kinh vài năm gần đây có động thái muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của diễn đàn an ninh mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh thường đóng vai trò khuynh đảo nghị trình thảo luận.

Vào sáng hôm 2/6, lãnh đạo liên minh quân sự 5 nước là Úc, Anh, Singapore, Malaysia và New Zealand (FPDA) đã có cuộc họp báo chung khẳng định sự cần thiết và hợp thời của nhóm này trong cấu trúc an ninh khu vực.

Phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC có mặt tại họp báo cho biết mặc dù các phóng viên hỏi về tranh chấp lãnh thổ và khả năng tuần tra chung tại Biển Đông, cử tọa dường như không muốn bình luận cụ thể vào chủ đề này.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Tướng James Mattis, sẽ chủ trì phiên thảo luận mở màn vào hôm 3/6 với chủ đề Hoa Kỳ và An ninh Châu Á Thái Bình Dương.

Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Chính phủ Singapore.

Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp song phương và đa phương diễn ra từ 2-4 tháng Sáu. - BBC
|
|

4.
Putin: Người Nga yêu nước có thể đã tự ý tấn công tin tặc

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm phát biểu rằng những tin tặc yêu nước người Nga có thể đã tự ý tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào các nước có quan hệ căng thẳng với Moscow, nhưng nói rằng nhà nước Nga chưa bao giờ dính dáng vào hoạt động tin tặc như vậy.

Phát biểu trước truyền thông quốc tế tại một diễn đàn kinh tế ở St Petersburg, ông Putin lúc đó đang trả lời câu hỏi về những cáo buộc Moscow có thể can thiệp vào những cuộc bầu cử trong năm nay ở Đức.

Thái độ của Moscow đối với tội phạm mạng đang bị Mỹ theo săm soi kỹ lưỡng sau khi giới chức tình báo Mỹ cáo buộc những tin tặc Nga đã nỗ lực giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống, điều mà Nga vẫn thẳng thừng phủ nhận.

"Nếu họ (tin tặc) có tư tưởng ái quốc, họ bắt đầu đóng góp vào điều mà họ tin là cuộc chiến chính nghĩa chống lại những người nói xấu nước Nga. Chuyện đó có khả dĩ không? Về mặt lý thuyết là có," ông Putin nói.

So sánh tin tặc với những nghệ sĩ có tư tưởng phóng khoáng hành động theo cảm tính, ông nói rằng những vụ tấn công mạng có thể được làm cho giống như chúng xuất phát từ Nga trong khi không phải như vậy.

Ông Putin cũng nói ông tin rằng tin tặc không thể thay đổi các chiến dịch bầu cử ở Châu Âu, Mỹ hay bất cứ nơi nào khác.

"Ở cấp nhà nước chúng tôi chưa bao giờ dính dáng vào chuyện này, chúng tôi không có ý định dính dáng vào chuyện này. Ngược lại, chúng tôi đang cố gắng chuện đó ở trong nước chúng tôi." - VOA
|
|

5.
OAS họp về khủng hoảng ở Venezuela

Bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ đã tổ chức phiên họp đặc biệt tại Washington hôm 31/5 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela, sau khi lại diễn ra một ngày có những cuộc biểu tình bạo lực tại Caracas.

Ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Nicolas Maduro và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng xăng dầu, thuốc men và các loại thực phẩm cơ bản.

Các nhà ngoại giao chia làm hai phe – một bên nói can thiệp của quốc tế và khu vực là cách duy nhất để chấm dứt bạo lực, và một bên cho rằng không ai có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Maria Angela Holguin, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, nói: "Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi chính phủ Venezuela ngừng đàn áp nhân dân đang phản đối trên đường phố, hãy bảo vệ mạng sống của những người biểu tình và trả tự do cho những tù nhân chính trị. Chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi không cấp vũ khí cho dân chúng. Trao cho người ta vũ khí không dẫn đến gì khác ngoài những cuộc đối đầu dữ dội mà Venezuela đáng phải nhận".

Luis Exequiel Alvarado Ramirez, Đại sứ Nicaragua, Đại diện tại OAS, nói: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ này không thể tiếp tục bị lợi dụng bởi một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia để gây ảnh hưởng đến chủ quyền, sự tự quyết và quyền của một quốc gia thành viên. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt các hành động thù địch và trừng phạt chính trị quốc tế chống chính phủ của Cộng hòa Bolivar Venezuela".

Ông Maduro đã đe dọa rút khỏi OAS để phản đối điều mà ông cho là một chiến dịch do Hoa Kỳ chỉ đạo nhằm phá hoại chủ quyền của Venezuela.

Ông hiện kêu gọi sửa đổi hiến pháp đất nước, nói rằng điều đó cần thiết để mang lại hòa bình và ngăn chặn các đối thủ của ông làm đảo chính lật đổ.

Những người chỉ trích lo rằng hiến pháp mới có thể ngăn chặn bầu cử và các nỗ lực khác để khôi phục dân chủ.

Venezuela giàu dầu mỏ giờ đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế lẫn chính trị, một phần do giá dầu thế giới giảm mạnh và do chính phủ quản lý yếu kém.

Các cuộc biểu tình hàng ngày đòi hỏi có các cuộc bầu cử mới, trả tự do cho các tù nhân chính trị và viện trợ nhân đạo đã trở nên bạo lực. - VOA
|
|

6.
Phóng hỏa sòng bạc Manila, 37 người chết

Cảnh sát thủ đô Manila, Philippines hôm 2/6 cho biết 36 người đã bị ngạt thở vì khói sau khi một người đàn ông vũ trang xông vào một khu phức hợp gồm sòng bài và khách sạn, phóng hỏa đốt nhiều bàn đánh bạc trước khi tháo chạy, mang theo một túi đồng bạc để đặt cược.

Cảnh sát trưởng Oscar Albayalde cho biết thi thể các nạn nhân được nhân viên cứu hỏa tìm thấy trong những phòng đánh bạc mù khói.

Ông nói: “Tôi xin cập nhật sự cố xảy ra tại khu nghỉ mát Resorts World vào sáng hôm nay. Số nạn nhân chết ngạt đã tăng tới 36 người. Cộng thêm một người, là chính hung thủ. Như vậy số xác chết tổng cộng là 37.”

Cảnh sát trưởng Albayalde cho biết là không có thi thể nào có vết thương vì trúng đạn.

Nhà chức trách trước đó nói họ tin rằng cướp của là động cơ dẫn đến vụ này. Họ nói không có bằng chứng cụ thể sự cố này là do khủng bố gây ra. Nghi can được tìm thấy đã chết vào sáng hôm thứ Sáu 2/6 hình như do tự sát, và túi chứa đồng bạc đánh cược đã được thu hồi.

Cuộc tấn công nhắm vào khu nghỉ dưỡng World Resorts Manila đã khiến nhiều người hoảng loạn, giữa đêm chạy túa ra ngoài đường.

Hàng chục người bị thương nhẹ trong khi dẫm dạp nhau để thoát thân.

Cảnh sát vũ trang và các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai đến hiện trường. Trong một tin nhắn trên trang Twitter, khách sạn cho biết là đang trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập” và hiện đang hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát Quốc gia Philippines để bảo đảm tất cả các khách trọ và nhân viên phục vụ đều an toàn.

Một giới chức làm việc cho Resorts World Manila nói trong số những người thiệt mạng, có 13 nhân viên và 23 khách trọ. - VOA
|
|

7.
Đồng sáng lập Microsoft ra mắt máy bay phóng tên lửa khổng lồ

Đồng sáng lập của hãng Microsoft, ông Paul Allen, giới thiệu một sản phẩm mới trong cuộc đua máy bay thương mại.

Ông Allen đã đăng bức ảnh một chiếc máy bay có biệt danh là "Roc" trên Twitter, cho thấy một chiếc máy bay cực kì bất thường và khổng lồ mà ông hy vọng sẽ phóng được tên lửa vào không gian.

Roc có sáu động cơ, hai thân, 28 bánh xe, do công ty Stratolaunch Systems của ông Allen chế tạo.

Chiếc máy bay có sải cánh dài nhất từ trước đến nay, hơn 117 mét, và nặng hơn 227.000 kg. Để so sánh, sải cánh của Roc dài hơn chiều dài thường khoảng 100 đến 110 mét của một sân bóng đá tiêu chuẩn.

Chiều dài từ mũi đến đuôi máy bay là 72,5 mét và có chiều cao là 15,2 mét tính từ mặt đất.

Trên Twitter, ông Allen nói chiếc máy bay đã được đưa ra khỏi ụ chứa để kiểm tra nhiên liệu. Sau đó sẽ thử động cơ và cho chạy thử trên mặt đất.

Ông Jean Floyd, Giám đốc điều hành của hãng Stratolaunch Systems cho biết: "Trong những tuần và tháng tới, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm trên đất liền và trên không tại cảng Mojave Air and Space Port."Đây là loại máy bay hoàn toàn mới, vì vậy chúng tôi sẽ phải tích cực làm việc trong suốt quá trình thử nghiệm và tiếp tục ưu tiên cho sự an toàn của phi công, phi hành đoàn và nhân viên của chúng tôi."

Khối lượng cất cánh tối đa của máy bay có thể lên đến 589.000 kg. Công ty cho biết chiếc máy bay này sẽ phóng một tên lửa Orbitital ATK Pegasus XL đầu tiên, và sẽ có khả năng phóng ba tên lửa trong cùng một chuyến bay. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Cựu giám đốc FBI tuần sau ra điều trần về cuộc điều tra Nga --- Ông Comey sẽ xác nhận ông Trump gây áp lực trong vụ điều tra ông Flynn

Cựu Giám đốc FBI James Comey sẽ ra khai chứng vào thứ Năm tuần sau trước một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ điều tra cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ, trong một cuộc điều trần có thể gây khó khăn cho Tổng thống Donald Trump.

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi bị ông Trump sa thải vào ngày 9 tháng 5, ông Comey sẽ trình bày trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 8 tháng 6. Ông sẽ phát biểu tại một phiên điều trần mở cũng như sau những cánh cửa đóng kín, cho phép ông nêu ra những thông tin mật, ủy ban cho biết.

Những cáo buộc nói rằng Nga có thể đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và những nghi vấn về sự thông đồng của các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông đang là mục tiêu điều tra của một số ủy ban quốc hội Hoa Kỳ cũng như của Bộ Tư pháp.

Ông Comey dự kiến sẽ được hỏi về những cuộc đối thoại mà trong đó ông Trump gây áp lực buộc ông phải ngưng cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, một trong những cộng sự của ông Trump đang bị săm soi liên quan tới Nga và cuộc bầu cử năm ngoái ở Mỹ.

Nga đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết một số người Nga có thể tự ý hành động mà không có sự can thiệp của chính phủ.

Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của ông và đã nhiều lần đặt nghi vấn về kết luận của giới tình báo Mỹ rằng ông Putin đã chỉ thị một hoạt động bao gồm tấn công tin tặc, tin tức giả tạo và tuyên truyền nhằm mục đích nghiên cuộc bầu cử về phía có lợi cho ông Trump trước đối thủ Hillary Clinton. - VOA

***
Cựu Giám đốc FBI James Comey dự định xác nhận tin tức là Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực để ông bỏ cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn có liên hệ đến Nga trong cuộc điều trần tại quốc hội, đài truyền hình CNN nói hôm thứ Tư 31 tháng 5 căn cứ trên một nguồn tin không nêu danh tánh biết rõ vấn đề này.

Uỷ ban Tình báo Thượng viện ngày 19 tháng 5 nói ông Comey, bị Tổng thống Trump cách chức 10 ngày trước đó, sẽ điều trần công khai trước một uỷ ban sau ngày Chiến sĩ Trận vong thứ Hai 30 tháng 5. CNN nói cuộc điều trần có thể diễn tra vào đầu tuần tới.

Đại diện uỷ ban không bình luận về tin này.

Sau khi ông Comey bị bãi chức, tin tức nói rằng ông Trump đã yêu cầu ông Comey chấm dứt vụ điều tra ông Flynn trong một cuộc gặp tại Phòng Bầu dục vào tháng 2, một ngày sau khi ông Flynn bị cách chức vì nói dối trong những vụ tiếp xúc với Đại sứ Nga.

Tin này, lúc đầu được New York Times loan tin, căn cứ vào một bảng ghi nhớ của ông Comey sau cuộc gặp.

Bảng ghi nhớ của ông Comey khiến Điện Capitol nêu lên nhiều nghi vấn là liệu ông Trump có cố can thiệp vào một cuộc điều tra liên bang hay không.

CNN loan tin là ông Comey đã thảo luận về phạm vi cuộc điều trần tại quốc hội của ông với Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người nhận trách nhiệm điều tra hình sự.

CNN cho biết thêm là ông Comey dự trù gặp ông Mueller, một đồng nghiệp lâu năm tai Bộ Tư pháp và cũng là cựu giám đốc FBI, để được thẩm vấn chính thức sau khi ông điều trần công khai.

“Uỷ ban hoan nghênh cuộc điều trần của cựu Giám đốc Comey, nhưng không có gì để loan báo vào lúc này,” bà Rebecca Glover, phát ngôn viên của chủ tịch uỷ ban thuộc đảng Cộng hòa Richard Burr. - VOA
|
|

9.
Nhà Trắng đệ đơn lên Tòa Tối cao về lệnh cấm đi lại

Tòa Bạch ốc vừa yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tái áp dụng lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ các quốc gia có đa số dân là Hồi giáo.

Lệnh cấm đã bị các tòa cấp dưới chặn lại với lý do mang tính phân biệt đối xử.

Hai lá đơn khẩn cấp nay đã được chính phủ nộp lên chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện, đề nghị lật lại nội dung phán quyết của các tòa cấp dưới.

Lệnh cấm gây tranh cãi đã châm ngòi nổ cho các cuộc biểu tình và tranh luận trên toàn nước Mỹ.

"Chúng tôi đã yêu cầu Tối cao Pháp viện hãy nghe trình bày về vụ việc quan trọng này, và hãy tin rằng lệnh của Tổng thống Trump được ban hành hoàn toàn trong thẩm quyền của ông, nhằm giữ cho nước Mỹ an toàn và bảo vệ các cộng đồng của chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố," phát ngôn viên Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores nói.

"Tổng thống không buộc phải cho những người đến từ các nước tài trợ hoặc che chở cho chủ nghĩa khủng bố vào Mỹ, cho tới khi ông thấy rằng họ đã được kiểm tra một cách thích hợp và không tạo ra mối đe dọa an ninh nào cho Hoa Kỳ."

Chính phủ nay yêu cầu tòa chuẩn thuận các yêu cầu khẩn cấp, theo đó tái lập ngay lập tức nội dung lệnh cấm đi lại. Phán quyết của tòa sẽ được đưa ra trong vòng hai tuần lễ.

Tòa sau đó sẽ quyết định xem liệu có thụ lý toàn bộ đơn kháng cáo của chính phủ hay không. Nếu tòa chấp nhận, thì việc xem xét sẽ diễn ra trong tháng Mười.

Những người phản đối lệnh cấm đi lại nói họ sẽ tiếp tục đấu tranh.

Sắc lệnh của tổng thống

Ông Trump ký sắc lệnh cấm đi lại lần đầu tiên là ngay khi ông vừa nhậm chức, hồi tháng Giêng.

Sắc lệnh có nội dung cấp các công dân từ Somalia, Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia và Yemen vào Mỹ trong 90 ngày, và ngưng chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày.

Việc triển khai sắc lệnh đã gây hỗn loạn tại các sân bay và đã làm nổ ra các cuộc biểu tình ở một số thành phố.

Lệnh cấm đã bị chặn sau khi có khiếu nại pháp lý từ tiểu bang Washington và Minnesota.

Sau đó, ông Trump ký một sắc lệnh sửa đổi, hồi tháng Ba, nhằm điều chỉnh các vấn đề pháp lý, và bỏ Iraq ra khỏi danh sách cấm.

Tuy nhiên, một tòa án cấp quận tại Maryland cho rằng lệnh cấm mới là vi hiến, và đã ra phán quyết chặn trước khi sắc lệnh có hiệu lực, 16/3.

Một thẩm phán liên bang tại Hawaii cũng ủng hộ những người phản đối, cho rằng lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử và dẫn "chứng cứ đáng đặt câu hỏi" về lập luận của chính quyền rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia.

Hồi tháng trước, tòa kháng cáo liên bang tại Virginia đã từ chối gỡ bỏ phán quyết chặn lệnh cấm.

Tòa nói lập luận của chính phủ về an ninh quốc gia là "lý do thứ yếu để đưa ra một sắc lệnh được đặt trên động cơ tôn giáo và nhằm cấm người Hồi giáo vào nước này".

Ông Trump nay sẽ cần sự ủng hộ của năm trong tổng số chính thẩm phán của Tối cao Pháp viện mới có thể tái lập hiệu lực của lệnh cấm. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

10.
TNS McCain thăm cảng Cam Ranh, gặp các nhà tranh đấu

Thượng nghị sĩ John McCain cùng các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đi thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, và đồng thời, khẳng định lập trường bênh vực nhân quyền.

Thượng nghị sĩ McCain hôm 1/6 viết trên trang Twitter: “Rất vinh hạnh gặp gỡ các giới chức Việt Nam, cũng như giới lãnh đạo xã hội dân sự vào thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Việt.”

Đoàn quốc hội Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đã đến thăm các thủy thủ Mỹ trên tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56), khi tàu neo ở Cảng Quốc tế Cam Ranh hôm 2/6, theo lịch trình bảo trì thường lệ ở Việt Nam.

Từ Sài gòn, giáo sư Tương Lai bàn về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam “có tính biểu tượng” của đoàn quốc hội Mỹ trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ:

“Ông John McCain đang phát huy mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tính biểu tượng của sự hiện diện của ông John McCain - hôm nay ông đến thăm tàu John McCain đang sửa chữa ở quân cảng Cam Ranh - càng làm cho mối quan hệ tốt đẹp ấy của những người Mỹ thiện chí như John McCain, có tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Giáo sư Tương Lai nhận định chuyến đi Việt Nam của ông John Mccain, cùng với tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hồi trong tuần, cho thấy hợp tác quân sự - quốc phòng giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục là mối đe dọa an ninh trên Biển Đông:

“Mối đe dọa lớn nhất là mối đe dọa xâm lược trên Biển Đông. Vấn đề hợp tác quân sự - việc quân đội Mỹ lưu trữ thiết bị vật tư trên lãnh thổ Việt Nam để sử dụng ngay khi cần thiết, trước nhất là các thiết bị nhân đạo – nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, đồng thời bày tỏ quan ngại về những tác động bất ổn, mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”

Báo Người Lao động hôm 2/6 viết: “Chặng dừng kỹ thuật của tàu USS John McCain tại Cảng Quốc tế Cam Ranh là biểu tượng mạnh mẽ thể hiện hướng đi tích cực của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Tàu USS John S. McCain, thuộc hải đội tàu khu trục (DESRON) 15, đang thực hiện tuần tra để hỗ trợ an ninh và sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương. Trong hơn 70 năm qua, Hải quân Mỹ vẫn tuần tra đều đặn khu vực Ấn Độ - Châu Á -Thái Bình Dương nhằm củng cố an ninh và hòa bình trong khu vực.

Tháp tùng Thượng nghị sĩ McCain trong chuyến thăm Việt Nam, có các nghị sĩ John Barrasso, Chris Coons, Dân biểu Mac Thornberry và nữ Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy.

Thông Tấn Xã Việt Nam trích lời Thượng nghị sĩ McCain trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 1/6/2017 nói: “Hoa Kỳ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; hợp tác giữa các quốc gia nhằm ngăn chặn những nguy cơ về an ninh đối với sự phát triển, ổn định.”

Báo chí Việt Nam ngày 31/ 5 cho biết, phái đoàn Ủy Ban Quân Vụ Quốc hội Hoa Kỳ cũng đến thăm Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch được báo chí trong nước trích lời nói rằng, “chính Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain góp phần quan trọng, trong nỗ lực thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.”

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã có hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, hợp tác đào tạo cán bộ, tham vấn đối thoại, bảo đảm an ninh trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin và gần đây nhất, Hoa Kỳ đã giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 1/6, trang quochoi.gov đăng tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thượng Nghị sĩ John McCain đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Mặt khác, đoàn quốc hội Hoa Kỳ đã đến gặp các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Hà Nội.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho VOA – Việt Ngữ biết về cuộc gặp này:

“Ông John McCain và hai thượng nghị sĩ nữa đến Việt Nam, họ mời một số nhà hoạt động xã hội đến để nắm bắt tình hình nhân quyền Việt Nam – trong đó có anh Lê Quốc Quân và tôi, và hai người nữa. Trong buổi gặp mặt chúng tôi cho họ biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là rất tồi tệ - bắt bớ, đàn áp những người biểu tình ôn hòa, đánh đập những người bất đồng chính kiến, cộng đồng công giáo miền Trung bị đàn áp khi họ muốn bồi thường chính đáng lo Formosa gây ra.”

Các nhà tranh đấu còn lưu ý với thượng nghị sĩ McCain về việc Hoa Kỳ bán các thiết bị, vũ khí cho Việt Nam nên giám sát mục đích sử dụng, vì có nguồn tin gần đây cho biết dường như chính quyền tỉnh Nghệ An vào ngày 15/5 có sử dụng thiết bị LRAD dành cho cảnh sát biển – loại thiết bị loa âm thanh gây hại tai - để đối phó với những người biểu tình ôn hòa.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân viết trên Facebook sau cuộc gặp hôm 30/5 với các nghị sĩ Hoa Kỳ rằng: “Mong hãy tác động với chính phủ Việt Nam để họ thả Luật sư Nguyễn Văn Đài và Anh Trần Huỳnh Duy Thức. Ông John McCain hứa sẽ cố gắng hết sức. Mình hy vọng với những gì mà Ông John McCain đã vượt qua và làm cho quan hệ Việt Mỹ được đến như ngày hôm nay, thì Chính phủ nên biết lắng nghe.”

Nữ dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy chia sẻ bức ảnh của bà và thượng McCain tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội trên Facebook nói rằng: “Chụp ảnh cùng với Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain ở Việt Nam, bên ngoài nhà tù nơi ông từng bị giam cầm hơn 5 năm. Ông thật sự là một vị anh hùng của Hoa Kỳ, hết lòng phụng sự quốc gia trong thời bình cũng như trong thời chiến.”

Thượng nghị sĩ bang Azrizon đã nhiều lần đến thăm Hà Nội, nơi ông từng bị giam cầm từ năm 1967 đến 1973 trong chiến tranh Việt Nam. - VOA
|
|

11.
VN có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris?

Quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của tổng thống Trump có thể là tin vui cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, theo một số chuyên gia.

"Tôi có thể hình dung một số quốc gia đang rất phấn khởi - coi đây như một cơ hội tốt để bắt đầu khởi động vươn ra thế giới," Mark Howden, Giám đốc Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu tại trường đại học quốc gia Australia, nói với CNBC hôm 2/6.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu tạo cơ hội cho các quốc gia khác "trám vào lỗ hổng quyền lực Mỹ để lại sau khi rút ra khỏi những thỏa thuận như thế này", ông Howden nói thêm.

Còn ông Frank Yu từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng các công ty Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo sang châu Á.

Ông Yu, chuyên gia về năng lượng tại Châu Á Thái Bình Dương, được Reuters trích lời nói thêm rằng, điều này sẽ giúp đỡ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, vốn đang cần vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu năng lượng sạch.

"Bằng cách chuyển các dòng sản xuất năng lượng sang Trung Quốc và các nước châu Á, giá thành của năng lượng sạch sẽ giảm nhanh và thậm nhập sâu hơn để thay thế nhiên liệu hóa thạch 'bẩn' như than trong thị trường châu Á," ông Yu nói thêm.

Hiện tại, các nước trong châu Á vẫn tiến hành phát triển nguồn năng lượng nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo báo cáo năm 2015 của Greenpeace, có hơn 1000 nhà máy điện đốt than lên quy hoạch ở Châu Á không kể Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Tara Buakamsri, Giám đốc văn phòng Greenpeace tại Thái Lan cho biết ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thoả thuận Paris sẽ phức tạp hơn so với những gì các chuyên gia trên nhận định.

Thứ nhất, ông nói. việc Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu và công khai ủng hộ ngàng công nghiệp than sẽ tạo ra một tác động tuy ngắn hạn nhưng rất tốt đến ngành công nghiệp than không chỉ trong Hoa Kỳ mà trên thế giới, vì các ngành công nghiệp than có thể đầu tư vào các nước ở châu Á.

Thứ hai, hiện tại ngành công nghiệp năng lượng sạch rất phát triển rộng khắp trên thế giới. Trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn, giá thành vật liệu sản xuất năng lượng mặt trời tại Ấn Độ rất rẻ. Nếu các công ty Hoa Kỳ có muốn đầu tư ở châu Á, họ sẽ phải cạnh tranh với hai 'ông lớn' này.

Việt Nam đứng thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia vì số lượng người chết sớm vì hấp thụ lâu dài các hạt phân tử PM 2,5 phát tán từ nhà máy nhiệt điện than.

Hồi đầu năm 2017, Bộ Công Thương Việt Nam ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.

Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.

Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông nước này. - BBC
|
|

12.
Phá đường dây ma túy lớn nhất Việt Nam

Công an Việt Nam vừa triệt phá một đường dây sản xuất và mua bán ma tuý trị giá hàng triệu đô la ở nhiều kho hàng khác nhau. Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin vào chiều ngày 1 tháng 6, gọi đây đường dây ma tuý lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.

Mười lăm người đã bị bắt trong đó có đối tượng Văn Kính Dương, được xác định là “ông trùm”, đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giám sát các kho hàng của họ trong lúc di chuyển để trốn tránh các cơ quan chức năng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tin cho biết, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ra nhiều loại thuốc tổng hợp được sản xuất và cất giữ trong các xưởng có tên là E. Hình ảnh được cung cấp từ phía cơ quan công an cho thấy các thùng chứa đầy bột màu trắng, nồi nấu, cân trọng lượng, cùng với những va li chất đầy 5.000 viên thuốc khoảng 50 kilôgam đã được vận chuyển từ Hồ Chí Minh đến Hà Nội.

Ngoài ra, cảnh sát còn tịch thu hơn 500.000 viên thuốc lắc, 120 kg bột không xác định tên trị giá khoảng 8.8 triệu đô la và 450.000 đô la tiền mặt.

Một cảnh sát Việt Nam không nêu tên cho AFP biết họ đã theo dõi tập đoàn ma tuý này từ đầu năm 2016.

Việt Nam là quốc gia có những điều luật rất khắt khe đối với những tội liên quan đến ma tuý. Bất cứ ai bị cáo buộc mang hơn 600 gam heroin, hoặc hơn 20 kg thuốc phiện có thể phải đối mặt với án tử hình. - RFA
|
|

13.
Khách nước ngoài đến Việt Nam tăng trong tháng 5

Khoảng gần 1 triệu du khách nước ngoài đến thăm thú Việt Nam trong tháng 5 năm nay, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là con số do Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra hôm 2 tháng 6.

Từ tháng Giêng đến tháng Năm, Việt Nam chào đón hơn 5 triệu 200 ngàn khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng thời gian năm ngoái. Trong số này thì nhiều nhất là du khách Trung Quốc kế đến là du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Nga.

Du khách từ Thái Lan đứng ở vị trí thứ 8 đạt 24.763 người, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, ngành du lịch đã có khởi đầu tốt đẹp trong những tháng đầu năm và chính phủ hy vọng số du khách nước ngoài sẽ tăng 30% trong năm nay.

Cũng theo lời ông Trương Hoà Bình, nếu đạt được mục tiêu, năm nay Việt Nam sẽ chào đón thêm hơn 3 triệu du khách nước ngoài nâng tổng số lên 13 triệu cho cả năm. - RFA
|
|

14.
Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu đến hàng thế hệ

Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần giải quyết.

Đó là thừa nhận được các vị đại biểu quốc hội nêu ra trong cuộc họp làm việc sáng ngày 2 tháng Sáu, thảo luận về Luật Chuyển Giao Công Nghệ khi nhập thiết bị máy móc bên ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề đưa ra là trong quá trình chuyển gia công nghệ phải có sự thẩm định, kiểm soát nguồn máy móc thiết bị nhập vào trong nước, mục đích là ngăn chận và hạn chế những loại công nghệ được cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam nữa, có nghĩa không chỉcũ kỹ lạc hậu cả mấy đời mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phương hại đến môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước.

Một số đại biểu quốc hội đề nghị khái niệm và qui định về công nghệ lạc hậu cần được làm rõ để bổ sung vào dự án Luật Chuyển Giao Công Nghệ.

Một ý kiến khác được nêu ra là chính phủ phải có chính sách rõ ràng để khuyến khích và tạo điều kiện để việc chuyển giao và tiếp thu những công nghệ kỹ thuật cao, tân tiến, sạch, mới và hợp thời phải là tiêu chí của Việt Nam. - RFA
|
|

15.
Little Saigon: Biểu tình đòi TNS Janet Nguyễn bỏ phiếu ủng hộ dự luật y tế

Một nhóm người, cả gốc Việt lẫn da trắng, tập trung trước cửa văn phòng Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn tại Garden Grove và hô hào khẩu hiệu ủng hộ Dự Luật SB 562, một dự luật y tế toàn tiểu bang, lúc 12 giờ, Thứ Tư, 31 Tháng Năm, và kêu gọi vị nữ dân cử bỏ phiếu

Dự Luật SB 562 do hai thượng nghị sĩ Ricardo Lara (Dân Chủ-Bell Gardens) và Toni Atkins (Dân Chủ-San Diego) soạn thảo nhằm cải tổ lại hệ thống bảo hiểm y tế tại tiểu bang California. Được gọi là “Healthy California Act,” dự luật này muốn bình đẳng hóa quyền lợi y tế cho mọi cư dân California. Mỗi tháng, mọi người chỉ đóng một khoản tiền (thấp hơn số tiền đang phải đóng bây giờ) và sẽ được cung ứng mọi dịch vụ y tế cần thiết. Nếu dự luật này được thông qua, sẽ không có chuyện đóng tiền nhiều hơn thì được nhiều quyền lợi hơn.

Anh Jessy Nguyễn, người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình này, nói: “Chúng tôi đến đây không phải để chống Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Chúng tôi đến đây để kêu gọi bà Janet giúp chúng tôi và những người nghèo, không đủ bảo hiểm bằng cách bỏ phiếu thuận cho dự luật này.”

Qua một thông cáo báo chí, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Garden Grove) nói: “Tôi đã hết sức tập trung việc phục vụ cộng đồng để đem cho họ bảo hiểm y tế có giá trị và kịp thời, nhưng SB-652 không phải là thượng sách. Người ta không thấy được SB-652 có thể ép buộc cư dân phải đóng thuế nhiều hơn, tới 15%.”

Bà thêm: “Hiện tại, SB-652 chưa có điều khoản cho biết lấy tiền ở đâu ra để chi tiêu khi thành luật, chưa cho chúng ta biết có chắc chương trình này sẽ cung cấp bảo hiểm có giá trị, và chưa cho thấy phương cách thực hiện. Là người phục vụ cư dân, tôi không thể ủng hộ một kế hoạch mà tôi tin chắc sẽ gây ra hậu quả không tốt cho cư dân lương thiện.”

Theo báo Los Angeles Times, để thực hiện được kế hoạch mà Dự Luật SB-562 đề xướng, cần phải có $400 tỷ mỗi năm.

Tuy nhiên, trong Dự Luật SB 562 không đề cập đến ngân khoản để chi trả cho chương trình bảo hiểm, nên chỉ cần đa số bình thường tại quốc hội là thông qua được.

Nếu có điều khoản liên quan đến ngân sách, dự luật phải được 2/3 các nhà lập pháp bỏ phiếu mới được thông qua.

Theo SB 562, tiểu bang sẽ chi trả bảo hiểm cho mọi cư dân California, bao gồm cả cư dân bất hợp pháp, và không ai phải trả đồng nào.

Phân tích của Los Angeles cũng cho thấy, SB 562 sẽ buộc phải có “những thay đổi không có tiền lệ đối với hệ thống bảo hiểm y tế.”

“Vì thế, sẽ có nhiều điều không chắc chắn mà hệ thống bảo hiểm này có thể gây ra, cũng như người có bảo hiểm sẽ phản ứng đối với hệ thống này như thế nào,” theo LA Times.

Trong khi đó, những người tham dự cuộc biểu tình cho biết họ đã hoặc đang làm việc toàn thời gian và cùng có những kinh nghiệm cá nhân, cùng thất vọng vì luật bảo hiểm y tế hiện thời.

Bà Pat Davis, cư dân Anaheim, vừa cầm biểu ngữ có chữ “Bảo hiểm y tế là nhân quyền” vừa nói: “Tôi là cựu giáo viên. Vợ chồng tôi có bảo hiểm nhưng mỗi tháng phải đóng thêm quá nhiều. Chú tôi vừa có bảo hiểm cựu quân nhân và bảo hiểm cho cựu nhân viên Boeing mà không có máy trợ thính. Cái gì họ cũng đòi phải bỏ thêm tiền túi.”

Bà nói thêm: “Người ta có khỏe mạnh thì mới làm tiểu bang khỏe mạnh được.”

Bà Eva Goodwin, cư dân Costa Mesa, nói: “Tôi đến đây vì sự tham lam của các hãng bảo hiểm mỗi ngày một tăng mà không ai kiểm soát họ. Thực là bất công cho những người thâp cổ bé miệng, cứ phải làm tôi mọi cho giới nhà giàu. Năm ngoái, ông David Cordani, giám đốc hãng bảo hiểm Cigna, thu về $84,017 mỗi ngày. Ông Stephen Hemsley, giám đốc United Healthcare, bỏ túi $119,918 mỗi ngày. Ông Michael Neidorff, giám đốc hãng Centene, lãnh $123,225 hàng ngày.”

Bà thêm: “Họ thu vô bấy nhiêu tiền trong lúc bao nhiêu người bị họ từ chối không cho những dịch vụ y tế cần thiết đến nỗi đành phải chết.”

Anh Jessy kể cho mọi người nghe câu chuyện về mẹ anh: “Năm 2015, sau vài lần khám bệnh, bác sĩ báo rằng mẹ tôi có nhiều dấu hiệu bị ung thư. Mẹ tôi phải theo lời bác sĩ đi điều trị nhưng bảo hiểm không chấp thuận. Họ trả lời cách điều trị của bác sĩ không cần thiết.”

“Rõ ràng, những dấu hiệu ung thư của mẹ tôi không đủ là lý do để được điều trị. Suốt hai năm, chúng tôi phải thuyết phục họ, cung cấp bao nhiêu là giấy tờ họ đòi hỏi, hết đơn này, đến đơn khác, và bao nhiêu là giấy chứng nhận của bác sĩ. Mặc dù bác sĩ đã gởi thư hối thúc họ rằng đây là một điều trị y khoa cần thiết, họ làm lơ,” anh kể tiếp. “Sau cùng, đến Tháng Tư, 2017, họ chấp thuận cho mẹ tôi được điều trị. Cám ơn Trời, mẹ tôi không sao cả trong hai năm chờ đợi.”

Có mặt trong đoàn biểu tình là cựu Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn.

Ông nói: “Tôi đến đây để cùng mọi người ở đây ủng hộ Dự Luật SB-562.”

Cũng như mọi người, ông Bảo tin rằng bảo hiểm y tế bình đẳng là nhân quyền.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có quyền được có bảo hiểm như nhau, bất kể giàu nghèo.”

Ông chỉ văn phòng bà Janet Nguyễn và nói: “Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn hứa sẽ giúp đỡ cư dân. Đây là dịp quá tốt cho bà. Tôi muốn cùng mọi người nhắc nhở lời hứa ấy.”

Anh Jessy nói: “Có cuộc nghiên cứu cho biết chúng ta cần $400 tỷ để thực hiện kế hoạch y tế bình đẳng này tại California. Con số thực sự là $ 367.5 tỷ. Theo đại học UCLA, chúng ta đang trả $260.9 tỷ. Nghĩa là chúng ta chỉ cần khoảng $100 tỷ nữa thôi. Như thế, mỗi người chỉ cần đóng $208 mỗi tháng thôi.”

Anh phân tích: “Số tiền này từ $100 tỷ chia cho 40 triệu cư dân California, chia cho 12 tháng. Ấy là chưa kể khi đã thành luật, chúng ta có quyền thương lượng với các hãng bảo hiểm, các hãng bào chế dược phẩm, để có giá rẻ hơn. Quan trọng nhất là cắt bỏ những số tiền quá đáng mà các ông giám đốc bảo hiểm đang hưởng từ bấy lâu nay.”

Như càng nói càng hăng say, anh Jessy thêm: “Có nhiều tài liệu nghiên cứu chứng minh rõ ràng là Dự Luật SB-562 sẽ đăc biệt giúp chi phí bảo hiểm thấp hơn nữa cho cư dân gốc Việt.”

Trong nhóm có một cô gái gốc Việt tên Trần Quyên, cư dân Garden Grove.

Cô nói: “Trên đất Mỹ này, không nên có cảnh người ta phải chết vì không đủ tiền mua bảo hiểm loại cao cấp. Dự Luật SB-562 tôn trọng mạng sống con người.”

Anh Jessy thêm: “Tôi tin mọi người phải được bình đẳng về bảo hiểm y tế, và tôi sẽ đấu tranh cho đến cùng. Đây chỉ là bước đầu tiên. Sau đó tôi sẽ lên truyền hình để quảng bá cùng mọi người. Tôi sẽ kêu gọi mọi người cùng đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho mình và gia đình mình.”

Anh kết luận: “Không ai cần phải chịu đựng như mẹ tôi cả. Mọi người phải có bình đẳng y tế.”

Hôm Thứ Năm, 1 Tháng Sáu, Thượng Viện California đã bỏ phiếu thông qua SB 562, với tỉ lệ phiếu 23-14. Dự luật này sẽ được chuyển sang Hạ Viện để xem xét. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment