Tin Thế Giới
1.
Mỹ dự định đưa thêm 4,000 quân tới Afghanistan
Hãng tin AP trích lời một quan chức không tiết lộ danh tính trong chính quyền Trump nói rằng Ngũ Giác Đài sẽ điều động thêm gần 4.000 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan để giúp nước này trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy Taliban dang có dấu hiệu hồi phục.
Con số 4,000 binh sĩ trùng khớp với các nguồn tin trước đây do các quan chức chính quyền khác của tổng thống Trump đưa ra.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói với hãng tin Reuters khi được yêu cầu xác nhận bản tin của AP, nói "chưa có quyết định nào được đưa ra" về việc đưa thêm quân sang Afghanistan.
Bản tin AP cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis có thể ra thông báo về quyết định triển khai binh sĩ vào đầu tuần tới.
Một quan chức Mỹ hồi đầu tuần này cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trao cho ông Mattis quyền được ấn định số quân cần thiết ở Afghanistan.
Lên tiếng trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba, Bộ trưởng Mattis nói Mỹ không đạt tiến bộ hướng tới mục tiêu ổn định hóa Afghanistan và ông đã cam kết sẽ trình Quốc hội một chiến lược mới vào trung tuần tháng Bảy.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang trong một "giai đoạn không có chiến lược" liên quan đến Afghanistan.
Ông kêu gọi Quốc hội hãy cấp cho Ngũ Giác Đài một ngân sách không phải chỉ là "một giải pháp tiếp tục” và phải “được thông qua đúng thời hạn" để giúp quân đội Hoa Kỳ khôi phục tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong khi duy trì vai trò hỗ trợ cho hai cuộc chiến tranh khác nhau.
Thượng nghị sĩ Cộng hoà John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói Quốc hội cần thấy một kế hoạch về làm cách nào Hoa Kỳ có thể tiến tới phía trước tại Afghanistan.
Bộ trưởng Mattis cho rằng "chiến thắng" ở Afghanistan có nghĩa là chính phủ Afghanistan có đủ khả năng để ứng phó với mức độ bạo lực của kẻ thù. Ông nói tình thế đó đòi hỏi một "tiềm lực" gồm quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh, sẵn sàng chiến đấu nhưng chưa cần sử dụng tới, để huấn luyện quân đội Afghanistan và duy trì khả năng chiến đấu cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ không thể phủi tay bỏ Afghanistan, vì những mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và nền kinh tế Mỹ phát sinh từ những "vùng lãnh thổ không được cai trị đúng đắn". - VOA
|
|
2.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un luôn sợ bị ám sát
Nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un « hết sức lo lắng » về các âm mưu ám sát ông, và sử dụng một số biện pháp để phòng thân. Hãng tin Yonhap hôm nay 16/06/2017 trích dẫn báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc trong một phiên họp thu hẹp của Quốc Hội cho biết như trên.
Luôn lo sợ bị các tay súng tấn công vào chiếc xe hơi mà ông sử dụng để di chuyển trên khắp nước, Kim Jong Un còn sợ bị không kích. Jong Un ra đi từ sáng sớm, thường xuyên đổi xe, thay vì chỉ dùng chiếc Mercedes-Benz, và rất siêng năng thu thập tin tức tình báo về các hoạt động « tiêu diệt thủ lãnh ».
Những lo ngại của Kim Jong Un đã tăng lên từ đầu năm nay, khi có tin là Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm trừ khử nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Hồi tháng Ba, các thành viên của biệt đội Navy SEAL - từng đột kích vào nơi trú ẩn của Osama Ben Laden và giết chết trùm khủng bố - đã tập trận với lực lượng đặc biệt Hàn Quốc cùng với đặc nhiệm của lục quân Mỹ (Rangers), lực lượng Delta (Delta Force) và Mũ Xanh (Green Berets). Hoa Kỳ nói rõ rằng các đơn vị này tập luyện các hoạt động nhằm trừ khử các lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tiêu diệt khả năng chiến đấu của chế độ.
Vào tháng Năm, Bình Nhưỡng loan tin đã đánh bại một âm mưu của CIA nhằm mua chuộc một người Bắc Triều Tiên « có tư tưởng sai lạc » để ám sát Kim Jong Un bằng một chất sinh hóa, tố cáo Mỹ tiến hành chủ nghĩa khủng bố Nhà nước. - RFI
|
|
3.
Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc chuyển tiền cho Bắc Triều Tiên
Trung Quốc ngày 16/6 kêu gọi các chính phủ chớ có nới rộng luật nội bộ áp dụng sang các nước khác sau khi Washington yêu cầu một tòa án tịch thu 1,9 triệu đô la từ một công ty Trung Quốc bị cáo buộc giúp Bắc Triều Tiên né những chế tài tài chánh.
Yêu cầu của Mỹ được đưa ra vào ngày 15/6 giữa lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump nỗ lực gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Công ty Mingzheng International Trading Ltd ở thành phố Thẩm Dương đông bắc Trung Quốc đã chuyển tiền cho ngân hàng quốc doanh Bắc Triều Tiên Foreign Trade Bank. Cáo buộc của Mỹ nói ngân hàng này bị cấm tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ, theo những chế tài áp đặt lên Bắc Triều Tiên, đáp lại việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Bắc Kinh “thi hành một cách chặt chẽ và chính xác” các chế tài của Liên hiệp quốc.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Lục, ngân hàng Foreign Trade Bank không nằm trong danh sách chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ông nói: “Trung Quốc chống lại bất cứ nước nào mở rộng cánh tay tài phán qua các nước khác căn cứ trên điều được gọi là luật quốc nội.”
Bất chấp các chế tài, các chuyên gia cho biết Bắc Triều Tiên vẫn dùng những hoạt động mật để có được ngoại tệ và nguyên liệu có thể dùng cho chương trình vũ khí của nước này.
Bắc Kinh là nguồn viện trợ và ủng hộ ngoại giao chính của Bắc Triều Tiên nhưng Trung Quốc đã chứng tỏ ngày càng bất bình với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Tháng rồi, các giới chức Trung Quốc cho giới chức ngoại giao Mỹ biết Bắc Kinh đã thanh sát và tuần tra chặt chẽ dọc biên giới với Bắc Triều Tiên, theo quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton.
Loan báo ngày 15/6 cho biết công ty Mingzheng International Trading bị cáo buộc chuyển tiền trong tháng 11 và 12, năm 2015, nhân danh Foreign Trade Bank.
“Mingzheng hoạt động như một công ty mặt nổi cho một chi nhánh chìm của Foreign Trade Bank,” loan báo nói. “Chi nhánh này do một người Trung Quốc có lịch sử quan hệ với Foreign Trade Bank điều hành.
Loan báo cũng nói đây là một trong những vụ Hoa Kỳ tịch thu ngân khoản lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Loan báo không nêu chi tiết định chế tài chánh nào của Mỹ được Mingzheng International Trading sử dụng. - VOA
|
|
4.
Khu trục hạm Mỹ đụng tàu hàng Philippines
Hải quân Mỹ ngày 16/6 loan báo một trong những khu trục hạm của Mỹ va đụng vào một tàu hàng mang cờ hiệu Philippines ở Tây Nam Yokosuka, Nhật, giữa màn đêm. Hạm đội 7 cho hay ‘lúc này chưa có báo cáo thiệt hại.’
Hải quân Mỹ nói khu trục hạm USS Fitzgerald va phải tàu hàng và một số chỗ trên khu trục hạm bị ngập nước.
Trước đó, một giới chức Mỹ cho hay có nhiều người bị thương trên khu trục hạm, tàu bị hư hại, ngập vài chỗ, và không thể vận hành bằng năng lượng của tàu.
Tuy nhiên, một phát ngôn nhân của Hạm đội 7 cho biết sau đó tàu vẫn chạy được bằng năng lượng của mình để quay trở lại Yokosuka, sẽ cập cảng trong vài giờ nữa.
Yokosuka và vùng biển phía Nam là thủy lộ thương mại bận bịu đầy tàu hàng đi-về hai cảng hàng lớn nhất của Tokyo và Yokohama.
Hình ảnh trên đài truyền hình NHK của Nhật cho thấy khu trục hạm bị móp nặng bên cánh trái.
NHK nói tàu hàng của Philippines đang chạy về phía Tokyo.
Hãng thông tấn Kyodo loan tin cả hai tàu không bị nguy hiểm hay bị chìm.
Hạm đội 7 nói tàu hàng đụng phải mang cờ hiệu Philippines là chiếc ACX Crystal.
Một phát ngôn nhân của lực lượng tuần duyên Philippines nói ông có hay tin nhưng chưa có chi tiết vì vụ việc không xảy ra trên lãnh hải Philippines.
Hải quân Mỹ cho hay đã yêu cầu Lực lượng Tuần duyên Nhật hỗ trợ. - VOA
|
|
5.
Vụ nổ trường mẫu giáo ở Trung Quốc là do đánh bom
Vụ nổ xảy ra ở một trường mẫu giáo ở miền đông Trung Quốc giết chết 8 người và làm hàng chục người bị thương vào chiều thứ Năm 15/6, là một cuộc tấn công có chủ ý do một người đàn ông không ổn định về tinh thần thực hiện, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Tân Hoa Xã cho biết các điều tra viên đã tìm thấy vật liệu làm bom trong nhà của nghi can, cùng với những dòng chữ viết trên tường nhà như "tử" và "tận".
Cảnh sát cho biết người đàn ông 22 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần, sống và làm việc gần trường mẫu giáo. Được biết trước đây, thanh niên này đã bị trường của anh ta bắt ngưng học vì mắc chứng rối loạn thần kinh.
Anh ta bị giết trong vụ nổ bên ngoài trường mẫu giáo Chuangxin ở quận Fengxian, thành phố Từ Châu. Cuộc tấn công xảy ra lúc 4:50 chiều giờ địa phương, giữa lúc phụ huynh đang đợi đón con sau giờ học. - VOA
|
|
6.
Đức dọa trả đũa chế tài của Mỹ
Đức ngày 16/6 dọa trả đũa Mỹ nếu những chế tài mới đối với Nga do thượng viện Mỹ đề xuất rốt cuộc gây hại cho các công ty Đức.
Dự luật Thượng viện Mỹ thông qua ngày 15/6 với 98 phiếu thuận-2 phiếu chống bao gồm những chế tài mới áp đặt lên Nga và Iran.
Dự luật này cũng dự trù các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể hỗ trợ vật chất cho Nga trong việc xây các đường ống xuất khẩu năng lượng.
Berlin lo ngại là luật này có thể mở đường cho việc trừng phạt đối với những công ty Đức và châu Âu liên hệ đến Nord Stream 2, một dự án xây đường ống dẫn khí đốt Nga xuyên qua Baltic.
Trong số những công ty châu Âu liên hệ đến dự án có tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Đức Wintershall, Công ty mua bán năng lượng Đức Uniper, công ty Royal Dutch Shell của Hà Lan, công ty OMV của Áo và công ty Engie của Pháp.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức mô tả dự luật của Thượng viện Mỹ là một “động thái cá biệt.” Dự luật cần được Hạ viện chấp thuận và Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Ông nói thật “lạ” khi những chế tài nhằm trừng phạt Nga vì bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ có thể dẫn tới những trừng phạt đối với các công ty châu Âu.
Phát ngôn viên Steffen Seibert nhấn mạnh “Chuyện này không thể xảy ra.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Brigitte Zypries, nói Berlin sẽ phải nghĩ đến những biện pháp “phản công” nếu ông Trump ủng hộ kế hoạch này.
Phản ứng tức thì của Berlin được đưa ra vào lúc có những căng thẳng sâu đậm trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương do chính sách Hoa Kỳ thay đổi và những ngôn từ đối đầu với châu Âu dưới thời ông Trump.
Tổng thống mới của Mỹ chỉ trích các đối tác châu Âu không đóng góp thêm cho NATO, đồng thời chỉ trích Đức vì thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Trump cũng xa rời các đồng minh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu với quyết định ra khỏi hiệp ước cột mốc Paris chống lại khí thải nhà kính. - VOA
|
|
7.
Nga nói họ đã tiêu diệt thủ lãnh IS al-Baghdadi, Mỹ tỏ vẻ hoài nghi
Các nhà phân tích tình báo tỏ ra hoài nghi về tin cho rằng thủ lãnh của Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Abu Bakr al-Baghdadi, có thể đã bị giết chết trong một cuộc không kích hồi tháng trước.
Đại tá Ryan Dillon, người phát ngôn của chiến dịch chống IS của Mỹ, nói Hoa Kỳ "không thể xác nhận tin này ngay trong lúc này."
Quân đội Nga hôm thứ Sáu 16/6 cho hay, một trong những cuộc không kích của Nga ở Syria vào cuối tháng 5 nhắm vào các viên chỉ huy IS có thể đã giết chết thủ lãnh của nhóm khủng bố này.
Một thông báo của Bộ Quốc phòng Nga trên Facebook nói cuộc không kích gần Raqqa, được coi như thủ phủ của Nhà Nước Hồi giáo tự xưng, đã đánh trúng địa điểm cuộc họp có sự tham dự của al-Baghdadi.
Nga nói cuộc không kích đã tiêu diệt các viên chỉ huy cấp cao của IS, ước lượng 30 viên chỉ huy trên thực địa và khoảng 300 vệ sĩ bảo vệ các thủ lãnh IS.
Quân đội Nga nói họ đang kiểm tra nguồn tin bằng "nhiều kênh khác nhau" để xác nhận liệu al-Baghdadi đã bị giết hay không. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lúc đó tại cuộc họp, các thủ lãnh IS đang thảo luận kế hoạch rút lui ra khỏi cái gọi là ‘hành lang phía nam’. - VOA
|
|
8.
Helmut Kohl, người 'thống nhất nước Đức' qua đời
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, một trong những nhân vật lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại, qua đời ở tuổi 87.
Nhà lãnh đạo lâu nhất nước Đức từ 1982 đến 1998 qua đời ở nhà tại bang Rhineland-Palatinate.
Sức khỏe ông đã yếu nhiều từ khi bị ngã năm 2008.
Được coi là 'người cha' của nước Đức thống nhất, ông Helmut Kohl, sinh ngày 3/04/1930 ở Ludwigshafen am Rhein, Tây Đức, đã dẫn đầu cuộc đàm phán để đưa hai miền Đông và Tây Đức về làm một.
Trong các cuộc thương thảo phức tạp, đầy rủi ro với Liên Xô và các đại cường, ông nổi lên là người có viễn kiến cho một châu Âu liên kết lại sau các đợt chia cắt thời Thế chiến và Chiến tranh Lạnh.
Từ năm 1990 đến 1998, ở vị trí thủ tướng nước Đức thống nhất, ông có công tạo ra môi trường để chủ nghĩa xã hội tan rã nhưng châu Âu không rơi trở lại vào chiến tranh.
Helmut Kohl, nhân vật có uy tín lớn ở Đông Âu, cũng giúp cho lãnh đạo các quốc gia hậu cộng sản như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria chọn định hướng Phương Tây mà Đức là nước 'tuyến đầu' hỗ trợ họ.
Vấn đề Nato và Liên Xô
Dù Anh Quốc dưới thời bà Margaret Thatcher và Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã đồng ý để Đức thống nhất, Liên Xô vẫn có tiếng nói quyết định.
Một trong các vấn đề mà Moscow nêu ra là có đồng ý để nước Đức thống nhất trở thành thành viên khối quân sự Nato hay không.
Trong tháng 7 năm 1990, ông Kohl đã sang Moscow và đến cả quê nhà của lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev ở Stavropol để tìm kiếm một bước khai thông.
Cuối cùng, ông đã thuyết phục được ông Gorbachev đồng ý với kế hoạch này và Moscow sẽ công nhận chủ quyền của nước Đức thống nhất, về cơ bản dưới sự lãnh đạo của Tây Đức.
Như thế, ông Kolh đã đem về cho Tây Đức 108 nghìn km vuông lãnh thổ và 16 triệu dân phía Đông.
Đổi lại, Kremlin nhận được các khoản cho vay, viện trợ khác nhau ước tính từ 50 đến 70 tỷ mark, bằng 31-50 tỷ euro.
Tây Đức cũng đồng ý tài trợ hoàn toàn việc tái thiết Đông Đức sau nhiều năm kinh tế xã hội chủ nghĩa phá sản.
Vấn đề biên giới trên sông Oder
Dù Pháp, dưới thời của Tổng thống Francois Mitterand đã ủng hộ nước Đức thống nhất nhưng nhiều quốc gia Đông Âu từng bị Đức xâm lăng trong Thế Chiến 2 vẫn còn rất e ngại quan điểm của Bonn.
Theo nhà báo Adam Michnik, nhân vật đấu tranh dân chủ của Công đoàn Đoàn kết kể lại thì lãnh đạo phe dân chủ Ba Lan vừa lên cầm quyền năm 1989 lo sợ nước Đức thống nhất không thừa nhận biên giới trên sông Oder (Odra) giữa Đông Đức và Ba Lan.
Quan điểm của Pháp, qua lời nhà ngoại giao Hubert Védrine, chỉ cho hay ông Mitterand ủng hộ "hai nước Đức thống nhất" bằng con đường dân chủ và hòa bình.
Các chi tiết về biên giới phía Đông của nước Đức không phải là vấn đề của Pháp.
Nếu không công nhận biên giới trên sông Oder thì Đức -về lý thuyết - có thể đòi lại chừng 1/4 lãnh thổ Ba Lan và hàng triệu kiều dân Đức bị tống cổ khỏi Ba Lan sau Thế Chiến 2 vẫn có thể đòi quyền hồi hương.
Ông Michnik kể lại rằng khi ông đến Bytom (Beuthen trước 1945), người dân lo lắng hỏi có phải cả vùng Slask (Schlesien) sẽ bị trả về cho Đức hay không.
Helmut Kohl đã khôn khéo im lặng về vấn đề biên giới cho đến khi sau cuộc bầu cử tại Đức, nơi các hội đoàn kiều dân Đức từ Đông Âu cũ có lá phiếu mạnh.
Ông nói với những người kiều dân Đức cũ rằng "hoặc chọn công nhận biên giới, hoặc bỏ ước mơ thống nhất đất nước".
Cuối cùng thì Ba Lan đã thở phào nhẹ nhõng, theo ông Adam Michnik. - BBC
|
|
9.
Đối thoại trực tuyến: Tổng thống Nga lảng tránh các vấn đề đối nội
Hôm qua, 15/06/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc đối thoại thường niên với dân chúng, kéo dài gần bốn giờ và được ba kênh truyền thông lớn trong nước truyền hình trực tiếp.
Cuộc đối thoại lần thứ 15 này diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế nặng nề, biểu tình bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước, chính quyền đáp lại bằng đàn áp. Tổng thống Nga tảng lờ tình cảm phẫn nộ của dân chúng về tình trạng tham nhũng trầm trọng và không để ngỏ cánh cửa cho thay đổi chính trị.
Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Matxcơva:
« Làm như không có chuyện gì xẩy ra, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng giải thích là đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng, cho dù người dân vẫn chưa cảm nhận thấy kết quả trên thực tế.
Ông Putin không hề nhắc đến các cuộc biểu tình mới đây, với sự tham gia của hàng ngàn người Nga tại hơn một trăm thành phố. Tổng thống Nga cũng không đưa ra bất cứ một câu trả lời nào về các mối quan tâm của người dân về tình trạng giới tinh hoa tham nhũng, và ông lại càng không đề cập đến mong muốn thay đổi người lãnh đạo Nhà nước.
Ông Putin không nói gì về cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Và tên của nhà đối lập Alexei Navalny không được nhắc đến nhưng bị tổng thống Nga gián tiếp chỉ trích. Ông Putin nói: ‘‘Tôi sẵn sàng nói chuyện với tất cả những ai mong muốn cải thiện đời sống của dân chúng, giải quyết các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, chứ không nói chuyện với những người lợi dụng các khó khăn này để gia tăng ảnh hưởng chính trị của họ’’.
Tổng thống Nga không để ngỏ cánh cửa cho thay đổi chính trị. Vả lại, ông cũng không đưa ra thông báo nào trong lĩnh vực xã hội hay kinh tế. Rõ ràng, ông Putin không có ý định đáp ứng các mong đợi của những người biểu tình, nhất là giới trẻ, ngoài việc tiến hành đàn áp ».
Thông tín viên RFI cũng ghi nhận không khí căng thẳng tại nước Nga thể hiện rõ qua các dòng tin nhắn SMS của khán thính giả, được đưa lên truyền hình hôm qua, trước khi bị xóa bỏ : « Ba nhiệm kỳ tổng thống là quá đủ ! », « Putin, ông có thực sự nghĩ rằng dân chúng còn tin vào trò hề này », « Giã từ Putin »…
Trong cuộc đối thoại hôm qua, tổng thống Nga Putin cũng thừa nhận số người sống dưới ngưỡng nghèo khổ tại Nga tăng lên ở mức « đáng ngại ». Năm ngoái 2016, nước Nga có tổng cộng 20 triệu người sống dưới mức nghèo, tức nhiều hơn ba triệu rưỡi người so với năm 2014. Mức sống của người Nga được đánh giá là thụt lùi về 10 năm trước đây. - RFI
|
|
10.
Donald Trump cấm làm ăn với quân đội Cuba
Một trong những sáng kiến ngoại giao tiêu biểu của cựu tổng thống Barack Obama đang bị người kế nhiệm đánh phá : lật qua trang sử 60 năm căng thẳng với La Habana. Tuy không lật ngược chính sách ngoại giao thân thiện tiến hành từ năm 2014, nhưng Donald Trump thông báo một số biện pháp đánh vào kinh tế Cuba và liên kết quyết định bỏ hẳn cấm vận với tự do chính trị.
Theo một viên chức Mỹ, trong ngày thứ Sáu 16/06/2017, từ Miami, tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo biện pháp hạn chế du lịch và cấm giao dịch với các lãnh vực kinh tế do quân đội Cuba kiểm soát.
Tổng thống Donald Trump cũng đặt điều kiện buộc Cuba cải thiện nhân quyền và tự do chính trị trước khi được bỏ hẳn cấm vận.
Donald Trump đã nhiều lần cam kết với cử tri Cộng Hoà là một khi đắc cử, ông sẽ hủy bỏ các chính sách của tổng thống Obama từ đối nội như an sinh xã hội cho đến đối ngoại như tái lập bang giao với Cuba. Tuy nhiên, đối với quốc đảo cựu thù, chủ nhân Nhà Trắng không đụng đến quan hệ ngoại giao đã được tái lập, mà ông chỉ đặt ra một số cản lực trong lãnh vực kinh tế, tài chính và du lịch.
Cụ thể là cấm giao dịch với các công ty do quân đội Cuba kiểm soát và áp dụng chặt chẽ các quy định về hạn chế du hành sang quốc đảo cộng sản. Hạn chế nhưng không cấm triệt vì các chuyến bay thương mại và du thuyền không bị ảnh hưởng.
Theo AFP, rất khó có thể đo lường trong ngắn hạn nền công nghiệp du lịch của Cuba, đang phát triển mạnh, sẽ bị tác hại đến mức độ nào ? Chỉ trong năm tháng đầu năm 2017, gần 300.000 người Mỹ sang thăm Cuba, tăng 145% trong vòng một năm sau khi đã nhảy vọt lên 74% trong năm 2016 so với một năm trước.
Trong lãnh vực kinh tế, biện pháp mới cấm mọi dịch vụ chuyển ngân với tập đoàn quản trị công nghiệp quốc gia Cuba GAESA, cơ quan kinh tài của quân đội và các chi nhánh, kiểm sóat hầu như toàn bộ ngành du lịch. Chế độ La Habana xem du lịch là lãnh vực « nhạy cảm » do có tiếp xúc với người nước ngoài và là nguồn ngoại tệ trực tiếp. Do vậy, quân đội Cuba, qua hai tổ hợp Gaviota và Cabanacan, quản lý từ ngành hàng không dân dụng, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, công ty cho thuê xe và các siêu thị.
Chủ tịch GAESA, tập đoàn mẹ của Gaviota và Cabanacan, không ai khác hơn là đại tá Luis Alberto Rodriguez, con rể của chủ tịch Raul Castro. Theo giới phân tích, GAESA nằm trong tay gia đình lãnh đạo tối cao.
Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống doanh nhân Donald Trump chọn Miami, nằm sát cạnh Cuba để thông báo những biện pháp đi ngược lại xu hướng tự do thương mại và tự do đi lại. Bang Florida là nơi tập trung đông đảo cộng đồng tị nạn Cuba . Tổng thống Mỹ muốn tỏ cử chỉ cám ơn cử tri gốc Cuba đã ủng hộ ông trong kỳ bầu cử và lý giải là muốn thúc đẩy nhân quyền tại Cuba.
Tuy nhiên, quyết định này gặp chống đối từ giới doanh nghiệp cho đến nhân quyền. Không chờ tổng thống Mỹ chính thức loan báo, hệ thống khách sạn Starwood kêu gọi ông Donald Trump « hãy sử dụng du lịch như là công cụ chiến lược để cải tiến quan hệ với Cuba hơn là để quay lại đường lối cũ ».
Các tổ chức nhân quyền chỉ trích thái độ xoay chiều 180° của tổng thống Mỹ đối với La Habana. Người dân Cuba phải trả giá đắt nếu quốc đảo bị cô lập như thời chiến tranh lạnh, theo khuyến cáo của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế). - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
11.
Mỹ ra lệnh bắt 12 cận vệ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Chính quyền Mỹ hôm qua 15/06/2017 loan báo đã ra lệnh bắt giữ 12 cận vệ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ do có hành động bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa ở Washington tháng trước. Tin này khiến tổng thống Recep Tayyip Erdogan giận dữ, trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây đã xấu hẳn đi.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố, đây là « thông điệp rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ không dung thứ những cá nhân sử dụng bạo lực để bóp nghẹt tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến một cách hợp pháp ». Ông cho biết : « Bộ Ngoại Giao tiếp tục làm việc với cảnh sát và các cơ quan chức năng, và sẽ quyết định có thêm những biện pháp bổ sung hay không ».
Về phía tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cực lực lên án, hứa hẹn sẽ đấu tranh « cả về chính trị lẫn tư pháp ». Hôm qua ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã cho « mời » - chứ không phải « triệu mời » - đại sứ Mỹ ở Ankara, nhờ chuyển lời rằng quyết định của chính quyền Mỹ là « tệ hại, sai lạc và thiếu căn cứ luật pháp ».
Tối 16/5, những người Kurdistan biểu tình ôn hòa trước tư dinh của đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington, đã bị tấn công thô bạo. Theo cảnh sát trưởng Washington, ông Peter Newsham, đó là các cận vệ của ông Erdogan, được nhận diện qua video và các nhân chứng. Những cận vệ này mặc vét màu sẫm, đánh đập những người biểu tình kể cả khi họ đã ngã xuống đất. Cảnh sát khó can thiệp vì có những người mang súng. Sau vụ này, thượng nghị sĩ John McCain đã đòi trục xuất đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ.
Phía tổng thống Erdogan cáo buộc cảnh sát địa phương « không làm gì » trong lúc « các nhóm khủng bố » đang biểu tình cách ông « chỉ có 50 mét". - RFI
|
|
12.
Biện lý Mueller mướn thêm luật sư, mở rộng điều tra về liên hệ Nga-Trump --- Donald Trump xác nhận bị điều tra --- Điều tra Nga-bầu cử Mỹ: Con rể TT Trump ‘trong tầm nhắm’
Biện lý đặc biệt Mueller mướn thêm 13 luật sư để giúp ông tiến hành cuộc điều tra về vai trò của Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Đài CNN hôm 16/6 trích lời người phát ngôn của ông Mueller, Peter Carr, cho biết ông Mueller đã tăng cường nhân lực với một đội ngũ điều tra viên và chuyên gia hàng đầu, gồm các luật sư có kinh nghiệm đã từng đại diện cho các công ty Mỹ tại tòa án, kể cả những luật sư từng phụ trách các hồ sơ nổi bật, từ Watergate cho tới vụ tai tiếng tài chính của tập đoàn Enron.
Biện lý Robert Mueller còn điều tra liệu Tổng thống Donald Trump có cản trở công lý hay không, và đã nới rộng phạm vi cuộc điều tra này để bao gồm các giao dịch tài chánh và kinh doanh của con rể Tổng thống Trump, một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump.
Các bản tin trước đây nhắc đến các cuộc tiếp xúc giữa ông Kushner với người đứng đầu một ngân hàng phát triển của nhà nước Nga. Các luật sư của Jared Kushner cho biết ông sẽ hợp tác với các nhà điều tra.
Toán điều tra của ông Mueller sẽ phỏng vấn các quan chức tình báo Mỹ cấp cao, kể cả Giám Đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Giám Đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Đô đốc Mike Rogers, và Phó Giám Đốc NSA vừa về hưu Richard Ledgett.
Các cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo và an ninh hàng đầu nước Mỹ là những dấu hiệu đầu tiên về nỗ lực của đội ngũ mới của biện lý đặc biệt Robert Mueller.
Đầu tuần trước, ông Trump đã dùng trang Twitter để chỉ trích những bài báo liên quan tới cuộc điều tra của biện lý đặc biệt để xét xem liệu ông có cản trở công lý hay không.
Ông Trump viết:
"Họ đã bịa đặt ra một chuyện giả mạo về vụ thông đồng với người Nga mà không tìm ra được bất cứ bằng chứng nào, vì vậy bây giờ họ bày ra việc cản trở công lý để hậu thuẫn cho câu chuyện giả mạo đó."
Trong một bình luận khác tải trên trang Twitter của ông, ông Trump viết:
"Bạn đang chứng kiến vụ ‘săn phù thủy’ lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ - dẫn đầu là một số người xấu xa và đầy mâu thuẫn!"
Một người phát ngôn của văn phòng biện lý đặc biệt đã từ chối bình luận. Đại diện của Giám Đốc Tình báo quốc gia cũng không bình luận, mà chỉ nói cơ quan này sẽ hoàn toàn hợp tác với biện lý đặc biệt.
Giữa lúc ông Mueller đang tập hợp đội ngũ điều tra, những phát biểu của ông Christopher Ruddy, một người bạn của Tổng thống Trump, đã làm dấy lên một loạt nghi vấn mới.
Có mặt tại Toà Bạch Ốc hôm 12/6, ông Ruddy nói trên đài PBS rằng ông Trump đang xét tới chuyện sa thải biện lý đặc biệt Robert Mueller.
Nhưng trích một nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump, CNN mới đây nói ông Trump đã được khuyên nên tránh giải pháp chắc chắn sẽ gây sốc này.
Tuần trước, cựu Giám Đốc FBI James Comey đã ra điều trần trước một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ. Ông nói ông tin rằng Tổng thống Trump đã tìm cách gây áp lực để ông hủy bỏ cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn, người đã dấu giếm các cuộc tiếp xúc đáng nghi và cả nhận tiền của chính phủ nước ngoài, kể cả của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
***
Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông đang bị điều tra liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Viết trên Twitter, ông nói: "Tôi đang bị điều tra vì sa thải giám đốc FBI, bởi một tay bảo tôi hãy sa thải giám đốc FBI."
Thứ trưởng tư pháp Rod Rosenstein là người viết một bản ghi nhớ cho Nhà Trắng sử dụng để giải thích việc sa thải James Comey.
Ông Rosenstein nay là người dẫn dắt cuộc điều tra liệu Nga có can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Hồi tháng Ba, bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions đã rời khỏi cương vị điều tra này.
Ông Rosenstein sau đó bổ nhiệm cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Robert Mueller làm điều tra viên giám sát cuộc điều tra hình sự.
Đầu tuần này, truyền thông Mỹ nói ông Mueller đang điều tra liệu tổng thống có cản trở công tác hay không.
Dường như ông Mueller định sẽ phỏng vấn giới chức tình báo để hỏi có phải ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey để cản trở điều tra Michael Flynn.
Michael Flynn được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia nhưng nhanh chóng bị sa thải. - BBC
***
Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller hiện đang xem xét các mối quan hệ làm ăn và tài chánh của ông Jared Kushner, con rể, đồng thời cũng là cố vấn cao cấp của Tổng Thống Donald Trump.
Đây là một phần của cuộc điều tra lớn hơn liên quan đến các cáo buộc về việc Nga can dự vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Bản tin của tờ báo USA Today cho hay mối quan hệ tài chánh của những người khác có liên hệ với Tổng Thống Trump cũng đang bị FBI và các công tố viên liên bang điều tra.
Trong số này, có cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cựu giám đốc ủy ban tranh cử của ông Trump là Paul Manafort, và cựu cố vấn Carter Page.
Jamie Gorelick, luật sư của ông Kushner, nói đây chỉ là điều bình thường. Luật sư Gorelick cũng cho hay ông Kushner trước đây từng tình nguyện cung cấp cho Quốc Hội các dữ kiện ông biết được liên quan đến Nga.
Luật sư Gorelick cho biết thêm ông Kushner sẽ làm điều này nếu được yêu cầu.
Tờ USA Today cho hay trước đây có tin là FBI đang điều tra các mối quan hệ giữa ông Kushner với các giới chức Nga, nhưng lúc đó không có tin tức gì về việc ông cũng bị điều tra về mặt tài chánh.
Một cuộc gặp gỡ được FBI đặc biệt để ý là cuộc họp hồi Tháng Mười Hai 2016 giữa Kushner, Đại Sứ Nga ở Mỹ Sergey Kislyak và một giới chức cao cấp ngân hàng Nga, Sergey Gorkov.
Gorkov là chủ tịch ngân hàng Vnesheconombank, từng bị Tổng Thống Barack Obama có biện pháp trừng phạt năm 2014, để đáp lại cuộc xâm lăng và chiếm đoạt bán đảo Crimea của chính quyền Moscow.
Theo một bản tin của tờ Washington Post, cuộc gặp này xảy ra trong lúc công ty Kushner tìm kiếm tài trợ cho việc mua tòa cao ốc trị giá $1.8 tỉ ở Đường Số Năm tại New York.
Điều này tạo câu hỏi là liệu các quyền lợi tài chánh cá nhân của ông Kushner có sự trái ngược với vai trò sắp có của ông khi đó là cố vấn cao cấp cho Tổng Thống Trump hay kkhông, cũng theo tờ Washington Post. - nguoiviet
|
|
13.
Trừng phạt Nga: Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật giới hạn quyền của tổng thống
Trong lúc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 tiếp tục, hôm qua, 15/06/2017, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua dự luật siết chặt các trừng phạt nhắm vào Nga – do các can thiệp tại Ukraina và Syria -, và đặc biệt là một cơ chế, được đánh giá là chưa từng có, nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống Donald Trump trong quyết định dỡ bỏ hay không các trừng phạt trong tương lai.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,
« Thượng Viện rất kín đáo về cuộc điều tra nhắm vào tổng thống Donald Trump trong nghi án ngăn cản tư pháp. Tuy nhiên các thượng nghị sĩ đã gửi đến Nhà Trắng một thông điệp rõ ràng. Gần như toàn bộ Thượng Viện thông qua một dự luật gia tăng trừng phạt Nga, và giới hạn khả năng can thiệp của tổng thống để dỡ bỏ trừng phạt.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer nhận định : ‘‘Chúng tôi không chỉ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhắm vào Nga, vốn đã mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ… mà chúng tôi còn chuyển các biện pháp trừng phạt hiện tại thành văn bản luật… Qua đó, việc dỡ bỏ các trừng phạt sẽ khó hơn… bởi chúng tôi hy vọng là Quốc Hội chứ không phải tổng thống, mới có quyền phán xử vấn đề này’’.
Số phận của viên công tố đặc biệt Robert Muller tiếp tục là chủ đề tranh luận. Giới thân cận với tổng thống Trump đã khéo léo để lọt ra ngoài một số thông tin về khả năng ông Robert Muller bị cách chức.
Tuy nhiên, thời gian càng trôi đi thì cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp càng tiến gần đến tổng thống hơn, việc cách chức ông Robert Muller cũng càng trở nên khó hơn. Điều này nếu xảy ra chẳng khác nào Nhà Trắng thừa nhận là mình có tội.
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang James Comey cho biết mục tiêu của ông, khi công bố nội dung của một trong các đối thoại với tổng thống, là nhằm tạo ra phản ứng mạnh từ phía các dân biểu và chỉ định một công tố viên đặc biệt trong vụ này. Các nhà quan sát cho rằng qua việc này, cựu giám đốc FBI bị cách chức muốn giăng bẫy tổng thống Trump ».
Dự luật nói trên của Thượng Viện sẽ được chuyển qua Hạ Viện để thông qua, tuy nhiên tổng thống Donald Trump có quyền phủ quyết. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì về việc này.
Theo các thông tin báo chí, tổng thống Mỹ đã nằm trong tầm ngắm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong nghi án ông Donald Trump cản trở tư pháp. Hôm qua, tổng thống Trump rất phẫn nộ trước các thông tin này, và một lần nữa khẳng định trên Twitter là giả thuyết về mối thông đồng giữa Nga với các cộng sự của ứng cử viên Donald Trump trong thời gian tranh cử chỉ là chuyện « vớ vẩn ».
Trên thực tế, cuộc điều tra nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Donald Trump. Nếu cơ quan điều tra tập hợp được đủ các bằng chứng về việc tổng thống Mỹ ngăn cản tư pháp, việc này sẽ mở đường cho thủ tục phế truất. Hồi tuần trước, cựu giám đốc FBI cho biết đã bị tổng thống gây áp lực trong cuộc điều tra về nghi án Nga.
Vẫn liên quan đến nghi án này, hôm qua, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thuê riêng một luật sư để thay mặt ông trả lời công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Người phụ trách truyền thông của phó tổng thống giải thích là ông Pence hiện phải « tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ thực thi kế hoạch của tổng thống, và hy vọng vụ việc này sẽ được giải quyết nhanh chóng". - RFI
|
|
14.
Di dân bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ được ở lại Mỹ
Tổng thống Trump chính thức đảo ngược lời hứa khi vận động tranh cử rằng sẽ trục xuất những di dân không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ.
Bộ An ninh Nội địa cuối ngày 15/6 loan báo sẽ tiếp tục chương trình thời Tổng thống Obama nhằm bảo vệ những di dân khỏi bị trục xuất và cấp cho họ giấy phép để họ tìm được việc làm hợp pháp.
Một tài liệu trên website của Bộ nói những di dân ghi danh trong Chương trình 2012 Tạm hoãn Trục xuất những người tới Mỹ từ nhỏ “sẽ tiếp tục đủ điều kiện” được gia hạn mỗi hai năm một lần, đồng thời cho biết giấy phép làm việc của họ sẽ không bị chấm dứt trước thời hạn di trú của họ.
Các nhà hoạt động về quyền của di dân ca ngợi quyết định này. Họ là những người từng mạnh mẽ tranh đấu chống lại lệnh cấm du hành của ông Trump và phản đối việc ông Trump đẩy mạnh thi hành các quy định khác về di trú.
Quyết định đảo ngược các lời lẽ chống di dân của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử có phần chắc sẽ làm một số người ủng hộ Tổng thống bị thất vọng, những người xem chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra là một lệnh ân xá bất hợp pháp.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần bày tỏ tán đồng quan điểm đó. Tại một buổi vận động tranh cử mùa hè năm ngoái, ông Trump thề sẽ chấm dứt ngay tức thì chương trình của ông Obama và chỉ trích rằng ông Obama đã bất chấp luật liên bang và Hiến pháp.
Khi nhậm chức, ông Trump đối mặt với một thực tế mới: rủi ro chính trị nếu nhắm trục xuất một nhóm người được nhiều người Mỹ có cảm tình. Trong một số trường hợp, những di dân này không biết là họ có mặt tại Mỹ bất hợp pháp. Nhiều người theo học các trường tại Mỹ từ mẫu giáo.
Được hỏi nhiều lần về ý định của ông đối với chương trình này kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã gợi ý là ông sẽ không nỗ lực trục xuất những đối tượng trong chương trình. Tuy nhiên, các nhà hoạt động di dân vẫn lo ngại là chính quyền vẫn còn có thể hủy bỏ chương trình này.
Quyết định tiếp tục chương trình ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người tại Mỹ được đưa ra giữa lúc chính quyền chính thức chấm dứt nỗ lực của ông Obama muốn mở rộng chương trình để bao gồm cả phụ huynh của các em.
Vào năm 2015, ông Obama đề nghị mở rộng chương trình, gọi là chương trình trì hoãn trục xuất phụ huynh của các trẻ em di dân. Ý tưởng đó có thể giúp khoảng 5 triệu người khỏi bị trục xuất và được cấp giấp phép làm việc.
Tuy nhiên, kế hoạch đó không được thi hành vì bị một tòa án Texas chặn lại, theo yêu cầu của liên minh 26 Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang. Tối cao Pháp viện Mỹ bế tắc với 4 phiếu thuận và 4 phiếu chống trong phán quyết về vụ kiện này, nhưng quyết định của chính quyền Trump chính thức chấm dứt vụ kiện. - VOA
|
|
15.
Mỹ sắp quyết định tái định cư người tị nạn bị giữ tại Australia
Trong 6 tuần nữa, Mỹ sẽ thông báo cho vài chục người tị nạn bị giữ tại những trung tâm giam giữ ngoài khơi Australia về việc nhận hay không nhận họ vào nước Mỹ.
Reuters dẫn tin từ hai người tị nạn trong diện này cho biết thời hạn đó là thời biểu cụ thể đầu tiên trong công tác sắp xếp trao đổi người tị nạn giữa Hoa Kỳ-Australia vốn gây nên căng thẳng giữa hai đồng minh sau khi Tổng thống Donald Trump gọi đây là “một thỏa thuận ngớ ngẩn” đối với Mỹ.
Các giới chức Mỹ đại diện cho Bộ An ninh Nội địa, tuần này, trở lại đảo Manus của Papua New Guinea, nơi có hai trung tâm giam giữ do Australia quản lý tại Thái Bình Dương để kiểm tra sức khỏe 70 người tị nạn.
Nhóm này vào tháng trước đã hoàn tất những cuộc phỏng vấn “rà soát lý lịch” kéo dài 6 giờ, với những câu hỏi cặn kẽ về những mối liên hệ, gia đình, bạn bè và tương tác, nếu có, với tổ chức hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.
Sau khi hoàn tất giai đoạn khám sức khỏe, người tị nạn được báo sẽ có quyết định về đơn xin tị nạn của họ trong vòng 6 tuần.
Nhóm này từ các nước Pakistan, Afghanistan và Myanmar.
Phát ngôn viên của Bộ Di trú Australia, Peter Dutton, từ chối bình luận.
Cuối năm ngoái, cựu Tổng thống Barack Obama đồng ý một thỏa thuận với Australia nhận đến 1.250 người tị nạn. Chính quyền Trump nói chỉ tôn trọng thỏa thuận này để giữ mối quan hệ chặt chẽ với Australia, trong điều kiện là người tị nạn qua được các khâu rà soát chặt chẽ.
Đổi lại, Australia hứa nhận những người tị nạn Trung Mỹ từ một trung tâm ở Costa Rica, nơi Hoa Kỳ đã nhận một số lớn người tị nạn trong những năm gần đây.
Thỏa thuận trao đổi này một phần nhằm giúp Australia đóng cửa một trong những trung tâm tạm giữ người tị nạn ngoài khơi với chi phí vận hành tốn kém cùng và bị Liên hiệp quốc và những tổ chức khác chỉ trích về cách đối xử những người bị giam giữ.
Sự chống đối của ông Trump đối với thỏa thuận này từng gây căng thẳng mối quan hệ với đồng minh chính tại châu Á-Thái Bình Dương và một cuộc điện đàm gay gắt với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước đây trong năm.
Nhượng bộ của ông Trump và một loạt các chuyến viếng thăm cấp cao của các nhân vật có uy tín của Mỹ đã giúp hàn gắn các mối quan hệ giữa hai nước.
Theo chính sách cứng rắn của Australia về di dân, những người tị nạn bị chặn bắt trên biển khi đang tìm cách đến Australia sẽ bị đưa tới các trại thanh lọc tại Manus và đảo Nauru, Nam Thái Bình Dương, kèm với thông báo rằng họ sẽ không bao giờ được định cư tại Australia.
Các tổ chức nhân quyền lên án chính sách ngăn chặn di dân và điều kiện khắc nghiệt trong các trại tạm giữ. Australia nói chính sách ban hành năm 2013 này là cần thiết để ngăn bước người tị nạn sau khi hàng ngàn người bị chết đuối trên biển.
Dưới áp lực, Australia và Papua New Guinea sẽ đóng cửa trung tâm giam giữ Manus vào ngày 31 tháng 10 tới. Từ đây tới đó, Australia hy vọng sẽ tái định cư cho hàng trăm người được xem là người tị nạn.
Những người không được định cư tại Mỹ sẽ được cho cơ hội định cư tại Papua New Guinea hay trở về nước.
Australia đã đề nghị cấp cho những người bị giam giữ 25.000 đô la để tình nguyện trở về nước, nhưng không mấy ai chấp nhận đề nghị này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
16.
Nhân quyền Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump
Bang giao Việt-Mỹ ‘đậm’ hay ‘nhạt’, ‘nóng’ hay ‘nguội’ tùy thuộc vào thành tích nhân quyền của Việt Nam. Quan niệm này dường như không còn hợp thời khi tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân của Tòa Bạch Ốc từ đầu năm nay.
Với chính sách ngoại giao ‘Nước Mỹ trên hết’, Tổng thống Trump đã khiến những kỳ vọng về áp lực từ Mỹ giúp cải thiện nhân quyền Việt Nam bị mất điểm tựa.
Tuy nhiên, vẫn còn những giải pháp khác, theo ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ nhân chuyến vận động ở Quốc hội Mỹ ngày 15/6.
Ông Robertson: Tình hình nhân quyền Việt Nam đang sa sút, càng ngày càng tuột dốc. Gần đây, họ thay đổi chiến thuật. Vào năm 2012-2013, họ dùng các điều luật về an ninh quốc gia bắt bớ rất nhiều người, đưa hàng chục người ra tòa để tuyên những bản án dài hạn. Rồi họ nhận ra làm như vậy bị cộng đồng quốc tế ‘điểm danh’ số tù nhân lương tâm. Cho nên, họ đổi cách, càng ngày họ càng gia tăng dùng côn đồ tấn công những nhà hoạt động. Những kẻ tấn công không rõ danh tính, đồng lõa, hợp tác với công an trấn áp những người bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vào ngày 19/6 sẽ công bố bản phúc trình về thực trạng này tại Việt Nam.
VOA: Ông nhận xét thế nào về nội dung bản phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình Việt Nam vừa công bố hồi tháng 3?
Ông Robertson: Họ có phúc trình của họ, chúng tôi có báo cáo của chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi là các quyền cốt lõi của con người vẫn bị đe dọa tại Việt Nam bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do lập hội. Người ta bị đánh vì đi biểu tình, bị bắt vì đòi quyền lợi đất đai hay vì kêu gọi môi trường sạch, chống lại Formosa. Làn sóng đàn áp vẫn tiếp diễn. Nhà cầm quyền nhắm vào các nhóm người mà họ xem là có thể khuấy động công luận. Họ cho côn đồ sách nhiễu, và mạnh hơn nữa, là bắt bớ nếu họ xem đối tượng là những người có vai trò lãnh đạo hay khởi xướng.
VOA: Giữa nhiều vấn đề gây quan ngại, vấn đề nào đáng ngại nhất khi nói về nhân quyền Việt Nam?
Ông Robertson: Đáng quan ngại nhất là các vấn đề đang tiếp diễn liên quan đến các quyền dân sự và chính trị căn bản của công dân. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam, nước đã ký Công ước Liên hiệp quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị, sẽ cho phép công dân thực thi quyền của họ. Trên thực tế hoàn toàn không thấy điều đó, chỉ thấy đàn áp gia tăng trong rất nhiều hình thức khác nhau, từ nạn công an bạo hành, người Thượng Tây Nguyên bị ngược đãi, cho đến quyền của người lao động bị chà đạp. Chủ yếu là nhà cầm quyền Việt Nam cố tìm cách kiểm soát xã hội dân sự để không ai có thể thách thức quyền hành của họ. Họ xem các hoạt động cổ súy nhân quyền là một phần của một chiến dịch chính trị hơn là bản chất thuần túy của nó, nghĩa là người ta chỉ lên tiếng bày tỏ quan điểm, bảo vệ cuộc sống và cộng đồng.
VOA: Tổng thống Donald Trump chưa lên tiếng gì về chuyện nhân quyền. Ông nhận xét thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ khi ông Trump lên nhậm chức so với các thời trước?
Ông Robertson: Chúng tôi kinh ngạc khi Thủ tướng Việt Nam được mời tới Tòa Bạch Ốc mà vấn đề nhân quyền chẳng được nhắc tới. Chính phủ Trump quay lưng với truyền thống mà cả hai đảng ở Mỹ đều tuân thủ lâu nay rằng cổ súy nhân quyền là một phần trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, rằng nhân quyền là một giá trị cốt lõi của Mỹ. Dường như chính quyền Trump không chia sẻ điều này. Đối với họ, mọi sự giao dịch chỉ là thương mại và an ninh. Dưới thời Obama, dù có chuyện dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam mà chúng tôi cho là còn quá sớm, nhưng nhân quyền có được quan tâm. Chúng tôi không thấy điều đó dưới chính quyền Trump. Khác biệt rõ ràng như đêm và ngày.
VOA: Và điều đó khiến nhiều người nghi ngờ về một bức tranh nhân quyền tươi sáng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ý kiến ông thế nào?
Ông Robertson: Tôi nghĩ các nước khác như Châu Âu, Canada, Úc, cũng phải đứng lên để điền khuyết vai trò mà Mỹ trước đây từng làm. Các nền dân chủ như Nhật, Hàn, những nước cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam, cũng cần phải giúp Việt Nam hiểu rõ là quản trị tốt phải có sự tham gia của người dân, có sự tôn trọng nhân quyền, không chỉ biết lắng nghe chỉ trích mà còn phải hiểu rằng chỉ trích đóng vai trò quan trọng trong xã hội, không được đàn áp.
VOA: Ông dự đoán tình hình nhân quyền của Việt Nam sẽ ra sao trong 4 năm tới, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?
Ông Robertson: Cho tới nay, không có chuyện chính quyền Trump không giao tiếp với một nhà độc tài. Tháng sau, ông Trump sẽ tiếp nhà độc tài quân sự Thái, Thủ tướng Prayuth tại đây. Cho nên trước mắt cần phải tìm cách chuyển tải thông điệp nhân quyền tới chính quyền Trump sao cho họ muốn có hành động. Điều này cũng cần sự tham gia của cộng đồng người Việt tại đây, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội nêu quan điểm với Tòa Bạch Ốc. Bất kể là nghị sĩ bên đảng nào, họ cần lên tiếng với chính quyền Trump rằng cần phải để ý tới nhân quyền Việt Nam, không thể ngó lơ, phải đưa lên bàn thảo luận.
VOA: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có kế hoạch vận động cụ thể thế nào cho nhân quyền Việt Nam trong năm nay, đặc biệt trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump nhân thượng đỉnh APEC?
Ông Robertson: Chúng tôi đang tìm cách để Quốc hội Mỹ hành động về vấn đề nhân quyền Việt Nam, để có được sự thúc đẩy nào đó đối với Tòa Bạch Ốc. Nhưng đừng quên, APEC không chỉ có Mỹ, còn nhiều nước khác tham dự nữa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chúng tôi sẽ nói chuyện với nhiều nước. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy thế giới tiến triển bất chấp nước Mỹ chứ không phải bởi vì nước Mỹ. Nhân quyền không xuất phát hay kết thúc tại Washington. Có rất nhiều nước trên toàn cầu tin rằng nhân quyền là cốt lõi trong chính sách ngoại giao. Cho nên, nếu chính quyền Trump không sẵn sàng làm điều đó, chúng tôi sẽ tìm những chính quyền khác sẵn lòng.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn hôm nay. - VOA
|
|
17.
Nghi vấn về giá xây đường cao tốc đắt nhất thế giới ở Việt Nam
Sau khi các bộ trưởng bị chất vấn về chi phí cao ‘ngất ngưởng’ để xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam tại Quốc hội, công chúng trên mạng xã hội đặt nghi vấn tại sao đường cao tốc Việt Nam lại đắt nhất thế giới.
Trong phiên họp quốc hội ngày 15/6, một đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư giải trình về mức chi phí 14 tỷ đô la để làm 1.370 km đường cao tốc Bắc-Nam. Theo báo chí trong nước, vị đại biểu quốc hội tính toán rằng dự án này sẽ chi trả 12 triệu đô la cho 1 km đường cao tốc và cho biết con số này cao hơn chi phí làm cao tốc ở các quốc gia đang phát triển.
“Cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2-4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương.” ZingNews trích lời đại biểu Lê Công Nhương nói tại phiên chất vấn. Đại diện của tỉnh Bình Định yêu cầu 2 vị bộ trưởng đưa ra giải pháp “để giảm xuất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc” trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam có hạn.
Trước đây trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu lên những thắc mắc về chi phí cao làm đường cao tốc ở Việt Nam. Một đại biểu chất vấn về vấn đề này cho biết mức chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 3 lần so với tại Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh “Người dân và trên mạng xã hội đều phản ánh rằng chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao.”
"Nhưng vừa rồi bộ trưởng Giao thông Vận tải phát biểu tại Quốc hội lại đưa ra những con số phủ nhận nhận định đó," theo ông Doanh. "Và sau khi ông bộ trưởng đưa ra những ý kiến đó thì mạng xã hội vẫn tiếp tục đưa ra những ý kiến."
Trả lời chất vấn ở quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đưa ra những số liệu cho thấy dự kiến suất đầu tư của Việt Nam trong dự án Bộ Giao thông Vận tải trình Quốc hội vẫn thấp hơn so với nhiều nước châu Âu.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải lý giải về lý do chi phí làm cao tốc cao ở Việt Nam là “do đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề” nhưng ông không đưa ra giải pháp khắc phục, và do đó phần trả lời của ông không đáp ứng mong đợi của người dân, theo báo Tuổi Trẻ.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cũng nhận định rằng “chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam là quá cao” và ông giải thích việc “sử dụng phương pháp BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) tạo ra phí rất lớn, làm cho cho phí vận tải của Việt Nam rất cao.”
Báo cáo của bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra những con số cho thấy chi phí vận tải một container từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn rất nhiều so với cho phí vận tải container đó từ Nhật Bản hay Hong Kong về Hải Phòng, theo cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM).
Chính quyền Việt Nam viện ra một lý do khác làm cho chi phí xây đường cao tốc tăng cao là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Doanh, không có sự minh bạch trong chi phí đầu vào và người dân cho rằng nó “không được kiểm soát.”
"Theo như kiểm toán và thanh tra cho thấy nhiều các chi phí của các dự án BOT đã vượt quá dự toán rất nhiều và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh." Ông Doanh nói "Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại phương thức xây dựng đường cao tốc và phải có sự giám sát công khai minh bạch và phải có sự tham gia của các hiệp hội có chuyên môn."
Một yếu tố khác của tình trạng không minh bạch này là quy trình chỉ định thầu của chủ đầu tư, và không có đấu thầu công khai. So sánh về chủ đầu tư, 2 dự án cơ sở hạ tầng được thấy rõ là đường cao tốc từ sân bay Nội Bài về Hà Nội qua cầu Nhật Tân do Nhật tài trợ, và đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc tài trợ.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng chi phí cho dự án của nhà thầu Nhật cao nhưng được giám sát kỹ và chất lượng tốt. Trong khi đó dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều năm và đội hơn 100% tổng số vốn.
Để cải thiện tình hình này, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất một khung pháp luật, có sự giám sát độc lập và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. - VOA
|
|
18.
Vụ chết vì ‘dây thun quần’: Chồng tôi mắc gì phải xuống phường tự vẫn?
Thêm một cái chết đầy nghi vấn trong lúc làm việc với công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM, khiến dư luận xôn xao.
Nguyên nhân tử vong được thông báo là do “tự tử bằng dây thun quần”.
Tối 16/6, chị Từ Thị Nhường, 39 tuổi, vợ của anh Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977, nói với VOA rằng chị không thấy có lý do gì khiến chồng phải lên đồn công an tự vận.
Sự việc, theo lời chị Nhường kể, bắt đầu từ lúc công an phường đến nhà tìm chồng chị vào chiều 13/6. Lúc đó, anh Tâm đang phụ vợ giặt quần áo sau khi đi làm về.
“Nghe thằng con trai nói ‘Ba ơi, có cảnh sát kiếm ba’, ông xã tôi mới đi lên gặp anh công an phường, rồi anh đi lấy bộ đồ dơ buổi sáng đi làm về thay ra để bận vô rồi đi xuống phường. Tôi thấy ảnh cầm quần áo nên hỏi ‘Anh đi đâu vậy?’. Ảnh nói ‘Tui xuống phường có chút việc. Công an phường mời’. Không có thư mời, chỉ nói miệng vậy thôi rồi ông xã tôi lấy xe nhà chạy theo xuống phường”.
“Tôi làm mệt quá nên trong lúc chờ ảnh tôi ngủ quên, nhịn đói luôn vì chờ ảnh mà. Đến 2 giờ đêm, tôi giật mình dậy, chưa thấy ông xã về. Lúc đó trong lòng tôi thấy sao đó”.
“8 giờ sáng hôm sau, công an phường lên mời tôi với má chồng xuống phường có chút việc. Khi xuống dưới đó, họ hỏi tôi rằng ở gia đình có làm gì cho ảnh buồn phiền không mà ảnh thắt cổ. Ảnh lấy dây dù rút ra từ lưng quần thắt cổ chết”.
“Tôi mới nói ‘Tui nói thiệt với anh, vợ chồng tôi lấy nhau hai mươi mấy năm nay rồi, chưa bao giờ gây lộn chứ đừng nói tôi làm cho ảnh thắt cổ chết kiểu đó. Chưa bao giờ giận nhau được một ngày nữa. Gia đình cũng không ai làm gì cho ảnh buồn đến tự vận chết kiểu đó. Mà có tự vận đi nữa thì cũng ở nhà tự vận, mắc gì xuống phường tự vận làm gì?’”.
Ngày 15/6, chị Nhường gửi đơn khiếu nại lên công an phường Tam Bình và TPHCM, yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng. Trong thư, chị Nhường nói lúc gia đình đến thì xác chồng chị đã được đưa xuống bệnh viện An Bình, quận 5, TPHCM. Chị cho biết trên thi thể chồng chị, “hai mắt có tụ máu, mặt mày sưng”.
Chị nói tiếp với VOA:
“Tại sao lúc [chồng tôi] hôn mê sâu trong bệnh viện lại không cho người nhà biết trước? Tại sao không gọi điện cho tôi ngay lúc đó để tôi vào nhìn mặt chồng tôi lần cuối? Mà lại để đến lúc đưa lên nhà xác rồi mới mời tôi lên nhận xác về là sao?”
Chị Nhường cho biết vợ chồng chị có 3 đứa con và anh Tâm là trụ cột tài chính trong gia đình. Cái chết bất ngờ của anh khiến chị rất sốc và đau xót.
Ngày 16/6, lãnh đạo công an phường Tam Bình cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên công an quận Thủ Đức và công an TPHCM để điều tra, theo báo Thanh Niên.
Những năm gần đây, Việt Nam bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án về những cái chết bất thường xảy ra trong lúc đang bị tạm giam hay mời “làm việc” với công an.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an, trong vòng ba năm (2012–2014), tại Việt Nam đã có 226 trường hợp chết trong trại tạm giam, nhà giam giữ.
Tháng trước, trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn “tự sát” bằng cách tự cắt cổ (theo công an), trong lúc bị tạm giam tại đồn công an ở Vĩnh Long, đã được đưa đến điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam hồi tháng 3 nhận định trong hầu hết các trường hợp chết bất thường trong lúc bị tạm giam, chính quyền cung cấp rất ít thông tin về cuộc điều tra, và thường đưa ra kết luận chết vì tự sát hay bệnh lý. - VOA
|
|
19.
Việt Nam, Trung Quốc lần đầu tiên diễn tập chống khủng bố ở biên giới
Việt Nam và Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ diễn tập chống khủng bố tại biên giới giữa Lai Châu và Vân Nam ngay sau chuyến thăm chính thức của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội vào đầu tuần sau.
Chương trình diễn tập nằm trong hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 được công bố hôm 13/6 tại Hà Nội. Theo báo Thanh Niên, ngay trước thềm của cuộc diễn tập chống khủng bố dự kiến tổ chức vào 20-22/6, thượng tướng Phạm Trường Long, Phó bí thư Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, sẽ tới Việt Nam trong chuyến công du kéo dài 3 ngày.
Theo Tuổi Trẻ, thì đây sẽ là lần diễn tập chống khủng bố đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng Tân Hoa Xã, hãng tin của nhà nước Trung Quốc, cho biết cảnh sát 2 nước đã từng tham gia một cuộc diễn tập chung chống khủng bố hồi năm ngoái. Bài viết trên xinhuanet.com đăng hôm 20/9/2016, nói 260 nhân viên cảnh sát từ tỉnh Vân Nam và Lào Cai đã tham gia một buổi diễn tập dài 80 phút.
VNExpress và VietnamPlus cũng đưa tin về cuộc tập dượt chung này và cho biết mục tiêu là nhằm tăng cường khả năng của cả 2 phía trong việc đối phó với những cuộc tấn công khủng bố ở khu vực biên giới.
Mặc dù chưa xảy ra cuộc tấn công khủng bố nào ở khu vực giáp biên Việt-Trung, nhưng các hoạt động tội phạm ma túy tại các tỉnh biên giới đã gia tăng trong những năm gần đây. Báo Biên Phòng cho biết chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, 47 vụ buôn bán ma túy đã bị triệt phá, 60 đối tượng bị bắt giữ.
Cuộc diễn tập phòng chống tội phạm xuyên biên giới vào tuần sau sẽ được tổ chức ở cửa khẩu Ma Lù Thàng phía Việt Nam và cửa khẩu Kim Thủy Hà của Trung Quốc.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và thượng tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc sẽ là trưởng đoàn đại diện cho 2 phía. - VOA
|
|
20.
Việt Nam: 'Tranh chấp đất là vấn đề chính trị lớn nhất'
Báo The Economist nói đối đầu tại Đồng Tâm cho thấy Đảng Cộng sản xử lý lúng túng và xung đột đất đai sẽ vẫn tiếp diễn.
Bài báo thuật lại sự việc bùng lên hồi tháng Tư khi nhà chức trách bắt người dân khiến dân làng bắt giữ hàng chục cảnh sát và giam họ tại nhà văn hóa.
Vụ đối đầu này đánh dấu bước leo thang mới trong các cuộc chiến bất tận về đất đai, là nguồn cơn chính của các khiếu nại tại Việt Nam và cũng là một trong những việc đau đầu nhất của Đảng Cộng sản.
Với tăng trưởng kinh tế hơn 6% mỗi năm, nhu cầu mở rộng đường xá, cầu và các khu công nghiệp ngày càng nhiều và các thành phố ngày càng trở nên đông đúc.
Số đất nông nghiệp bị mất đi vì các dự án phát triển trong hai thập niên qua là khó tính hết. Nhưng điều chắc chắn là nó vượt quá số đất được phân chia lại trong giai đoạn cải cách ruộng đất, bài báo nhận định.
Sự chuyển đổi ở mức độ như vậy gây phẫn nộ ở bất kỳ nơi nào, nhưng nó lại rất có vấn đề ở Việt Nam nơi nhà nước một đảng với chỉnh phủ trao quyền sử dụng nhưng lại nói tất cả đất đai thuộc về nhà nước.
Tiền bồi thường khi cưỡng chế đất có giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Quá trình tham vấn là "làm cho có" và tòa hiếm khi giải quyết khiếu nại. Những hộ dân bị mất đất đôi khi phàn nàn về thực trạng quan chức địa phương thông đồng với các chủ dự án bất động sản.
Giấy tờ và sổ sách nhà đất chắp vá khiến khó có thể phân định bên nào là đúng khi có những khiếu nại được đưa ra như trong vụ Đồng Tâm.
Thực trạng này làm méo mó sự phát triển của Việt Nam. Giá đất tại khu vực ngoại vi các thành phố rẻ khiến có những dự án phình ra phía ngoại ô thay vì tập trung vào thành phố.
Thực trạng này, theo Ngân hàng Thế giới cảnh báo, làm tăng chi phí dịch vụ công và làm giảm hiệu quả trong nỗ lực xây dựng các trung tâm kinh doanh.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn đối với Đảng Cộng sản là sự phẫn nộ châm ngòi từ việc di dời dân khi lấy đất và hệ lụy của quyền sử dụng đất không rõ ràng.
Số liệu chính thức cho thấy tranh chấp đất đai theo mọi hình thái chiếm khoảng hơn hai phần ba số đơn từ khiếu nại và sự phẫn nộ từ những người sống ở vùng nông thôn làm giảm niềm tin và sự ủng hộ của họ vào chính quyền.
Bài báo nói về thực trạng chính quyền thường dùng biện pháp cưỡng chế khi có tranh chấp đất, thậm chí sự phản kháng là ôn hòa. Vụ bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì đất đai bị xử 20 tháng tù là một ví dụ.
Luật đất đai mới được ban hành vào năm 2013 không công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng có gia hạn quyền thuê đất tơi 50 năm đối với các hợp đồng sắp hết hạn.
Người ta thấy có việc tái tập trung quá trình ra quyết định về sử dụng đất, một phần là để phòng chống tham nhũng xảy ra với quan chức cấp tỉnh.
Ngoài ra cán bộ lãnh đạo đảng cũng được yêu cầu có những đánh giá sâu sát hơn khi triển khai các dự án đòi hỏi di dân diện rộng. Các quan chức cũng được phân quyền nhiều hơn khi ra quyết định đền bù để tạo điều kiện có cách giải quyết thỏa đáng hơn.
Kết quả, theo bài báo, là có mặt tốt và mặt xấu. Khảo sát thường niên của LHQ cho thấy tổng số đất lấy lại có giảm đi trong ba năm qua.
Tuy nhiên một phần ba những người bị ảnh hưởng vì đất đai vẫn không nhận được tiền bồi thường và một phần tư nghĩ rằng tiền bồi thường là không công bằng.
John Gillespie từ Đại học Monash được dẫn lời nói cho tới nay những cải cách về đất đai là rất ít.
Trong khi đó những người khiếu kiện thấy việc thu hút dư luận quan tâm tới các vấn đề của họ lại dễ hơn trước nhiều.
Mặc dù các nhà báo tại Việt Nam bị hạn chế do khâu kiểm duyệt, đảng không có quyết tâm và nguồn lực để khống chế mạng xã hội.
Facebook đã và đang là cái loa để xả phẫn nộ về mọi thứ bất công như vụ xả độc ở biển miền trung vào năm ngoái.
Nếu vụ Đồng Tâm xảy ra cách đây 10 năm thì "sẽ chẳng ai biết gì cả", một người nói. Giải pháp chính phủ phải xuống thang có thể là động thái không thể nào làm gì khác được trong bối cảnh công chúng quan tâm theo dõi diễn biến trên mạng.
Hai tháng trôi qua, bài báo nói, chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang cố đóng sổ vụ việc này mà tránh tạo tiền lệ có thể họ sẽ phải nuối tiếc.
Giới chức vẫn chưa đưa ra báo cáo kết quả thanh tra về khiếu nại của dân làng Đồng Tâm mà họ hứa là làm rõ trong vòng 45 ngày.
Người ta thấy có cả động thái quay đầu khi nhà chức trách vào hôm 13/06 tuyên bố sẽ truy tố những người bắt cảnh sát trái phép.
Hẳn là Đảng có thể đã quyết định rằng chẳng làm gì sẽ tạo rủi ro khuyến khích những công dân khác bức xúc áp dụng biện pháp tương tự như đã xảy ra ở Đồng Tâm.
Một kịch bản là tòa sẽ tuyên án tương đối nhẹ và đưa ra sự nhượng bộ thầm lặng nào đó để tránh mất mặt.
Kể cả khi chính phủ tìm được một giải pháp tình thế cho tranh chấp ở Đồng Tâm, sẽ còn có thêm đất nông nghiệp bị lấy để phục vụ sự nghiệp đô thị hóa đang bùng nổ ở Việt Nam.
Bài báo kết luận là xung đột đất đai sẽ vẫn còn tiếp diễn. - BBC
|
|
21.
Giáo dân Cồn Sẻ kéo lên xã đòi bồi thường thỏa đáng
Chừng 1000 người là giáo dân Xứ Cồn Sẻ vào sáng ngày 16 tháng 6 cùng linh mục chánh xứ An tôn Nguyễn Thanh Tịnh cùng nhau đến tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để đòi bồi thường thỏa đáng do thảm họa môi trường mà nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây nên cho họ.
Một người dân tại Cồn Sẻ vào tối ngày 16 cho biết lý do họ phải tiếp tục đi đòi hỏi quyền lợi vì mức mà địa phương nói sẽ chi trả cho họ thấp hơn nhiều so với mức được chính quyền Trung ương qui định. Cụ thể mức mà người dân kê khai là mỗi đầu người 17 triệu đồng, trong khi đó cơ quan chức năng địa phương nói chỉ chừng 8 triệu đồng nên người dân không đồng ý.
Người dân gặp chủ tịch xã Quảng Lộc cũng như thị xã Ba Đồn thế nhưng cả hai vị này vẫn không đáp ứng theo yêu cầu được nêu ra.
Trong khi đó trong ngày 16 tháng 6 tỉnh Quảng Bình báo cáo nói tính đến trung tuần tháng 6 khoản giải ngân bồi thường thiệt hại cho nạn nhân thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên đạt hơn 91%.
Thông báo từ Hội đồng bồi thường của tỉnh Quảng Bình vào ngày 15 tháng 6 nói rằng 62 trên 65 xã trong toàn tỉnh được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2200 tỉ đồng; và khoản đã giải ngân là trên 2100 tỷ đồng, đạt gần 92%. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment