Thursday, June 22, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 22/6

Tin Thế Giới

1.
Diễn biến mới vụ tướng Trung Quốc ‘đột ngột bỏ về’ --- Trung Quốc nói gì về ‘hủy giao lưu quốc phòng Trung-Việt’?

Việc ông Phạm Trường Long, quan chức quân sự đầy quyền lực của quốc gia láng giềng phương Bắc, mới đột ngột cắt ngắn chuyến thăm “quốc gia cộng sản anh em” tiếp tục gây ra nhiều đồn đoán.

Ông Nguyễn Vinh Quang, cựu Phó đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một chuyện “chưa từng có”: “Chưa có trường hợp tiền lệ. Tôi cũng cảm thấy đột ngột về chuyện này”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông cáo ngắn gọn, trong đó nói rằng vị tướng của họ phải hủy sự kiện giao lưu trên biên giới với phía Việt Nam vì lý do “sắp xếp lịch làm việc”.

Tuy nhiên, ông Trần Công Trục, Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng gốc rễ của vấn đề có thể xuất phát từ chuyện tranh chấp lãnh hải.

Ông nhận định tiếp: “Với một chuyến đi như vậy, phải tổ chức, sắp xếp từ trước, có thể hàng năm trời rồi, nhưng mà bây giờ thay đổi thì chắc nó có vấn đề nào đó trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Cũng có thể liên quan đến ý kiến khác nhau của hai bên về Biển Đông, một trong những vấn đề căng thẳng và phức tạp”.

Khi được hỏi liệu có thể xác nhận rằng việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến đi vì bất đồng về Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/6 không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Ông Cảnh Sảng nói: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông đang nguội đi và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Đó là một thành tựu đạt được sau nhiều nỗ lực và nên được tất cả các bên trân trọng”.

“Các nước liên quan cần phải kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để cùng duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong hôm 22/6 dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc nói rằng “một lý do trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể vì Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã phá vỡ cam kết không khai thác dầu tại các vùng tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông). Việt Nam gần đây cũng đã liên hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật”. Đầu năm nay, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam.

Tới ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa hồi đáp email của VOA Việt Ngữ về thông tin mà vị tướng chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc tuyên bố trước Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tiến sĩ Trục cho rằng tuyên bố như vậy từng được Trung Quốc nêu ra, nhưng đáng chú ý là nó phát ra từ ông Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với quan chức cấp cao của nước chủ nhà.

Cựu quan chức từng xử lý vấn đề biên giới của Việt Nam nói thêm: “Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, ông ta là người đại diện cho Trung Quốc nêu ra chuyện này, thì rõ ràng, một lần nữa thể hiện lập trường hết sức cứng rắn của Trung Quốc".

Ông nói tiếp: "Trong quá trình hai bên đàm phán với nhau, việc mỗi bên thể hiện lập trường của mình là chuyện bình thường để rồi từ đó hai bên bàn bạc với nhau để có được thỏa thuận cần thiết. Những người có thiện chí, có ý muốn rõ ràng cùng nhau ngồi đàm phán giải quyết tranh chấp thì không vì quan điểm khác nhau đó mà tự ái, hay có thái độ bất bình thường”.

Tới tối ngày 22/6, báo chí do nhà nước kiểm soát của Việt Nam không đưa bất kỳ thông tin nào về việc ông Phạm cắt ngắn chuyến công du, cũng như không có lời giải thích từ phía Hà Nội.

​Một số nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam xích lại gần với Hoa Kỳ và Nhật, nhất là chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với các tuyên bố về Biển Đông sau đó, đã làm mếch lòng Trung Quốc.

Bản thân tướng Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, đã thúc giục quân đội Hoa Kỳ “giảm bớt các hoạt động hải quân và không quân ở Biển Đông cũng như duy trì quan điểm không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp tại đó nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter khi đó, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa, cũng như tuyên bố rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng và thiết lập các cơ sở quân sự trên đó, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Bộ này năm ngoái cũng đưa tin rằng Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long đã tới quần đảo Nam Sa, tức Trường Sa, và đã gặp các sĩ quan cũng như binh sĩ đồn trú trên đó. Tin cho hay, quan chức quân sự này cũng đã được cập nhật về tiến độ xây dựng đảo. - VOA

***
Báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 21/6 đã xác nhận giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc bị hủy bỏ.

Tờ báo cũng xác nhận Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Tuy vậy, tờ báo không nói có hay không mâu thuẫn giữa hai nước, mà chỉ nói nguyên do vì "sự sắp xếp công việc".

Rút ngắn hay bị mời về?

"Phía Trung Quốc quyết định hủy cuộc gặp quốc phòng ở biên giới vì nguyên do liên quan sự sắp xếp công việc," tờ báo dẫn lời một viên chức thông tin của bộ quốc phòng Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo nói phái đoàn Thượng tướng Phạm Trường Long, rời Bắc Kinh hôm 12/6, thăm Tây Ban Nha, Phần Lan rồi đến Việt Nam.

Tờ báo hoàn toàn không nhắc có mâu thuẫn gì dẫn đến việc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.

Trả lời thảo luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm 22/06, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu người Việt ở Singapore nói theo ông biết thì "phía Việt Nam đã mời Thượng tướng Trung Quốc về" vì các phát biểu của ông ta.

Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng "toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ."

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng nói tuyên bố của Tướng Phạm "như một lời đe dọa quân sự" đối với Việt Nam.

Ông cũng cho hay so với chuyến thăm lần trước (03/2016) của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn thì chuyến thăm này còn cao cấp hơn vì ông Phạm Trường Long là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Ủy viên Trung ương Đảng CSTQ.

Trong khi đó, ngày 22/6, tờ báo lớn đặt tại Hong Kong, South China Morning Post, cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc về sự việc.

Theo giới quan sát Trung Quốc, việc hủy giao lưu dường như thể hiện bất mãn của Bắc Kinh về việc Việt Nam định khai thác dầu khí ở Biển Đông, và nỗ lực gần hơn với Nhật.

Hồi tháng Giêng, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.

Hôm 13/6, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng.

Nhân dân không thích nhau

Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải đặt tại Trung Quốc, nói với South China Morning Post:

"Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải."

Ông này nói: "Việt Nam gần đây cũng quan hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật."

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã thăm liên tiếp Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong khi đó, GS Ngô Vĩnh Long nói với Diễn đàn Bàn tròn của BBC hôm 22/06:

"Điểm khai thác ExxonMobil ký với Việt Nam nằm trong thềm lục địa của Việt Nam nên không phải là vùng tranh chấp."

Ông Trương Minh Lượng, chuyên gia từ Đại học Tế Nam, nói quan hệ hai nước có thể sẽ xấu đi.

"Trung Quốc và Việt Nam đang ở trong thế nghịch lý."

"Về chính thức, hai chính phủ nỗ lực xây dựng quan hệ tốt hơn nhưng ở phía không chính thức, nhân dân hai nước đang có thái độ ngày càng tiêu cực về nhau." - BBC
|
|

2.
Khai mạc vòng Đối thoại ngoại giao & an ninh Mỹ-Trung --- Hoa Kỳ sẽ chung sống với Trung Quốc ‘40 năm nữa’

Các giới chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhau tại Washington trong phiên đầu tiên của các cuộc thảo luận nhằm cổ vũ cho đối thoại về một loạt vấn đề, từ chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu tới việc tận dụng các quan hệ của Bắc Kinh với Bắc Hàn để tăng sức ép với Bình Nhưỡng về các chương trình hạt nhân của họ.

Cùng ngồi vào bàn, các giới chức Mỹ-Trung khai mạc cuộc họp đầu tiên trong một loạt cuộc đối thoại về ngoại giao và an ninh.

Phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau cái chết của Otto Warmbier, anh sinh viên người Mỹ bị giam cầm ở Bắc Hàn trong hơn một năm.

Nêu lên cái chết của Warmbier, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis lên án chế độ Bắc Hàn vì “những cách hành xử ngoài vòng luật pháp.”

“Không có cách nào có thể hiểu được khi chúng ta nhìn vào một tình huống như thế này. Tình huống đó vượt ra khỏi mọi sự hiểu biết về luật pháp và trật tự, về loài người, về trách nhiệm đối với bất cứ một con người nào.”

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, người đồng chủ trì cuộc đàm phán hôm thứ Tư 22/6, nhấn mạnh nhu cầu Bắc Kinh cần đóng một vai trò chủ động trong việc xuống thang các mối đe dọa toàn cầu do Bắc Hàn đặt ra.

Ngoại Trưởng Tillerson:

“Dù là rửa tiền, tống tiền kiều bào Triều Tiên, hay là các hoạt động tin tặc trên mạng, Bắc Hàn đã nhúng tay vào một loạt hoạt động tội phạm đã giúp tài trợ cho các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của họ.”

Các cuộc đối thoại Mỹ-Trung diễn ra vào một thời điểm đang có nhiều áp lực tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, với các vụ tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diễn trên khắp Biển Đông.

Các giới chức nhấn mạnh nỗ lực hợp tác mới khởi động trở lại về nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, nói rằng Hoa Kỳ sẽ xoay sang Trung Quốc để nhờ nước này giúp chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống nhóm Nhà Nước Hồi giáo.

Các cuộc đàm phán phụ trội giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là một ưu tiên cho cả hai nước trong thời gian dẫn đến chuyến công du của Tổng thống Donald Trump sang Bắc Kinh vào cuối năm nay, như theo trông đợi.

Ngoại Trưởng Tillerson:

“Đàm phán không mà thôi sẽ không đủ khi nói tới tăng cường hợp tác và thu hẹp những khác biệt quan điểm giữa hai bên. Những điểm hành động mà chúng tôi dồng ý hôm nay sẽ đặt một nền móng cho các lĩnh vực hợp tác phụ trội.”

Đây là một lời cam kết rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, trước hội nghị thượng đỉnh được nhiều người trông đợi giữa Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in và Tổng thống Trump vào tuần tới. - VOA

***
Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác song phương với Trung Quốc và thu hẹp khác biệt.

Thông điệp được đưa ra trong cuộc hội đàm cấp cao hai nước hôm thứ Tư tại Washington D.C.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với các phóng viên sau vòng đầu đối thoại an ninh và ngoại giao Trung Mỹ.

Đoàn Trung Quốc có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và ông Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng, một ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tham dự.

Ông Tillerson nói rằng Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh quan hệ song phương cho 40 năm tới trong bối cảnh hai nước chia sẻ lợi ích an ninh tuy đối diện các mối đe dọa hoặc các lĩnh vực mà cả hai nước cần thu hẹp khác biệt và giải quyết các vấn đề này.

"Các cuộc đối thoại cho một cơ hội để cân nhắc chúng ta sẽ tiếp cận ra sao và làm thế nào để cùng chung sống trong 40 năm tới," ông Tillerson nói.

"Một phần thảo luận về 40 năm tới là tăng cường tin tưởng đôi bên và hướng tới nỗ lực của quân đội và chính phủ hai nước nhằm giảm bớt rủi ro dài hạn," ông Tillerson nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis kêu gọi cho mối quan hệ với Trung Quốc có tính "xây dựng" và "coi trọng kết quả".

"Tôi cam kết cải thiện quan hệ quốc phòng Mỹ Trung để duy trì một yếu tố ổn định trong quan hệ về toàn diện. Hai nước chúng ta có thể và đã có hợp tác theo những cách đôi bên cùng có lợi," ông Mattis nói.

Đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao là một trong bốn cơ chế được lãnh đạo hai nước là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump nhất trí triển khai trong cuộc họp với nhau tại Florida hồi tháng Tư.

Ba vòng đối thoại cấp cao nữa về các mảng kinh tế, thực thi luật và an ninh mạng sẽ diễn ra nội trong năm nay.

Mới đây Hoa Kỳ nói sẽ không chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và nói những động thái như vậy làm suy yếu sự ổn định khu vực..

Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên được biết đến với tên gọi Diễn đàn Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra cảnh báo:

"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép hiện trạng". - BBC
|
|

3.
Australia tái tục không kích ở Syria sau đe dọa của Nga

Australia hôm thứ Năm 22/6 cho biết sẽ tái tục các cuộc không kích ở Syria, chấm dứt thời gian đình chỉ hai ngày sau khi vụ bắn hạ máy bay quân sự Syria khiến Nga lên tiếng đe dọa máy bay của liên minh do Washington dẫn đầu.

Hôm thứ Hai 19/6, Nga tuyên bố sẽ xem các máy bay của liên minh bay về hướng tây sông Euphrates ở Syria, là các mục tiêu tiềm tàng, và sẽ theo sát các máy bay này bằng hệ thống tên lửa và máy bay quân sự, tuy nhiên, Nga không nói sẽ bắn hạ các máy bay này.

Vì lời đe dọa này, Australia hôm thứ Ba 20/6 tuyên bố đình chỉ chiến dịch không kích.

Hôm thứ Năm, quyết định tái tục không kích ở Syria được đưa ra sau khi đánh giá tuyên bố của Nga, mặc dù Australia không cho biết khi nào sẽ bắt đầu lại các cuộc không kích. - VOA
|
|

4.
Biển Đông: Bắc Kinh khởi động dự án biên soạn dữ liệu về khu vực tranh chấp

Các nhà nghiên cứu sẽ thu thập và biên soạn dữ liệu và tài liệu có giá trị thu được trong các chuyến thám hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông, các hòn đảo và rạn san hô. Ông Long Lệ Quyên (Long Lijuan), viện phó Viện nghiên cứu Nam Hải Hải Dương, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho biết như trên.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã hôm nay 22/06/2017 cho biết dự án biên soạn dữ liệu về khu vực tranh chấp tại Biển Đông là một trong 14 chương trình điều tra nguồn tài nguyên được Bộ Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc chấp thuận trong năm nay.

Phân tích so sánh và nghiên cứu các dữ liệu sẽ cho phép hiểu rõ về các nguồn lực, môi trường và những thay đổi tại Biển Đông, các hòn đảo và rạn san hô. Tham gia dự án có 193 học giả của 10 viện nghiên cứu và các trường đại học chuyên về các lĩnh vực như sinh vật biển, sinh thái, nghề cá và địa chất. Các nhà thám hiểm đã nghỉ hưu được mời hỗ trợ chương trình để bảo đảm độ tin cậy và chính xác của các dữ liệu.

Trong khi đó, chiếc máy bay hải giám với khả năng hoạt động từ tầm trung đến tầm xa đầu tiên của Cục Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc bắt đầu được đưa vào hoạt động hôm 19/06.

Theo tin hôm thứ Ba 20/06 của China Ocean News, B-5002 có sải cánh khoảng 30 mét, là máy bay hải giám Trung Quốc bay được xa nhất. Về lý thuyết, tầm bay của B-5002 có thể bao phủ khắp Biển Đông.

Theo báo cáo Cục Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc, B-5002 sẽ làm nhiệm vụ giám sát trong nhiều lĩnh vực, như bảo vệ môi trường hàng hải, khai thác hải đảo, bảo vệ quyền lợi hàng hải cũng như nghiên cứu và cứu hộ hàng hải.

Máy bay này được trang bị một số phần cứng và phần mềm tin học hiện đại với tổng giá trị gần 14,6 triệu đô la. - RFI
|
|

5.
Bê bối chính trị Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long bị hai em ruột lên án

Trong chế độ một đảng nắm gần như toàn bộ quyền hành tại Singapore, các tiếng nói chỉ trích về chính trị thường rất hiếm. Điều gây ngạc nhiên trong những ngày gần đây là truyền thông đăng tải rộng rãi việc thủ tướng Singapore bị lên án lạm dụng quyền lực. Chính hai em ruột của thủ tướng Singapore đứng ra cáo buộc. Tranh chấp trong gia đình họ Lý mang quy mô quốc gia, bởi bất đồng chính liên quan đến di sản tinh thần của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kiến trúc sư của kỳ tích Singapore. Có người đặt câu hỏi : Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn cầm quyền hơn nửa thế kỷ của nhà Lý Quang Diệu tại thành phố Sư Tử sắp chấm dứt ?

Số phận tư dinh Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu là thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990. Ông là cha đẻ của thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong). Trước khi qua đời, ngày 23/03/2015, Lý Quang Diệu nhiều lần bày tỏ ý nguyện là ngôi nhà nơi ông ở, số 38 phố Oxley, sẽ được phá đi, một khi ông không còn nữa, để địa điểm này không biến thành một nơi thờ cúng.

Tuy nhiên, tư dinh của cố thủ tướng Singapore cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Hôm 14/06/2017, em gái thủ tướng Singapore, bà Lý Vệ Linh (Lee Wei Ling) đưa lên mạng Facebook một loạt thư điện tử trao đổi với Lý Quang Diệu, khi ông còn sống để khẳng định ý nguyện phá bỏ ngôi nhà. Cũng vào thời điểm này, người em gái của thủ tướng Lý Hiển Long và em trai, ông Lý Viễn Dương (Lee Hsien Yang), đã công bố một bức thư ngỏ dài sáu trang mang tựa đề : “Điều gì đe dọa các giá trị của Lý Quang Diệu ?”. Vụ việc thoạt tiên mang tính nội bộ gia đình các con cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành một vấn đề chính trị quốc gia.

Bức thư ngỏ gây sốc

Bức thư ngỏ của hai người em trực tiếp lên án thủ tướng Lý Hiển Long chống lại việc phá bỏ ngôi nhà nói trên, để giữ cho riêng mình vầng hào quang của người cha vĩ đại. Trong thư có đoạn, “quyền lực chính trị của Lý Hiển Long chỉ duy nhất dựa vào việc ông là con trai của Lý Quang Diệu, chính vì vậy? ông ấy tìm mọi cách để thâu tóm uy tín” của người đã khuất.

Hai người em cũng cáo buộc thủ tướng Lý Hiển Long bổ nhiệm luật sư riêng vào chức vụ chưởng lý, hồi đầu năm nay 2017. Ông còn bị lên án âm mưu dọn đường cho con trai, tức cháu nội cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kế nhiệm. Vợ của thủ tướng Lý Hiển Long, bà Hà Tinh (Ho Ching) bị tố cáo thao túng chính quyền. Phu nhân của thủ tướng Singapore là chủ tịch Temasek Holdings, Quỹ đầu tư Nhà nước lớn nhất Singapore, quản lý hơn 100 tỉ đô la.

Tóm lại, thông điệp của bức thư là không tin tưởng vào thủ tướng đương nhiệm và lo sợ cho tương lai của Singapore.

Đa số người Singapore, khi được RFI phỏng vấn về chủ đề này, cho biết đã bị sốc, không phải bởi những cáo buộc trong thư, mà bởi việc thư được công bố chính thức. Phê phán các lãnh đạo là một chuyện kiêng kỵ tại Singapore.

Về phần mình, thủ tướng Singapore phủ nhận toàn bộ cáo buộc của hai người thân. Trong một đoạn video đưa lên mạng hôm 19/06, ông Lý Hiển Long xin lỗi người dân Singapore về “vụ cãi vã mang tính gia đình”. Thủ tướng Lý Hiển Long hứa một ủy ban liên bộ sẽ ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 03/07 tới và bản thân ông sẽ trả lời tất cả các chất vấn của các dân biểu.

Những giải thích khác nhau về ý nguyện của Lý Quang Diệu

Câu chuyện ý nguyện phá bỏ ngôi nhà của Lý Quang Diệu thực ra không đơn giản. Báo mạng về thời sự chính trị châu Á Asialyst tóm lược một số nét chính. Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013, ông Lý Quang Diệu đã ít nhất để lại bảy di chúc liên quan đến số phận ngôi nhà 38, phố Oxley. Theo người con trai Lý Hiển Long, ý nguyện phá bỏ không có trong hai di chúc thứ năm và thứ sáu.

Hai người em của ông Lý Hiển Long dựa vào di chúc được coi là “bản cuối cùng”, thảo ngày 17/12/2013. Trong bản di chúc này, có một điều khoản trong đó cựu thủ tướng Singapore yêu cầu ngôi nhà phải được phá ngay sau khi ông mất, hoặc sau khi bà Lý Vệ Linh, con gái ông, không còn ở đây nữa, trong trường hợp bà vẫn muốn tiếp tục ở lại nhà này sau khi ông không còn. Trong trường hợp không thể phá nhà, nguyện vọng của Lý Quang Diệu là nơi đây sẽ chỉ được dùng làm chỗ ở cho con cháu.

Thủ tướng Lý Hiển Long không tin vào giá trị thực sự của bản di chúc thứ bảy, văn bản mà ông chỉ được biết sau khi người cha qua đời. Theo báo mạng Singapore Straits Times, ông Lý Hiển Long nghi vấn : Lý Quang Diệu chưa chắc đã ý thức được rõ về điều khoản nói trên trong bản di chúc mà chính ông đặt bút ký. Lý Hiển Long cho biết thêm là vào hôm đó, các luật sư đã có mặt tại tư dinh của cựu thủ tướng tổng cộng có 15 phút, chỉ để tham dự lễ ký di chúc, chứ không phải để tư vấn.

Dấu hiệu kết thúc “triều đại nhà Lý” ?

Đằng sau câu chuyện tranh chấp pháp lý liên quan đến ý nguyện của Lý Quang Diệu mang tính gia đình, rõ ràng là có các xung đột về quan điểm chính trị giữa thủ tướng Singapore đương nhiệm và hai người em. Nhà chính trị học Tom Pepinsky, một chuyên gia về Đông Nam Á (bài What's Behind the Lee Family Troubles in Singapore?), khẳng định việc thủ tướng Lý Hiển Long hay hai người em, phía nào nắm lẽ phải trong vấn đề di chúc không phải là điều quan trọng.

Điều chủ yếu đáng chú ý ở đây là một xung đột xung quanh việc sử dụng di sản chính trị ông Lý Quang Diệu, chính trị gia đầy uy tín và quyền lực tại Singapore. Chính bản thân thủ tướng Lý Hiển Long đã từng biện minh cho một dạng “chính thể quý tộc - aristocracy" mà đảo quốc Singapore cần đến, một thể chế kiểu cha truyền, con nối.

Trong vụ tranh chấp xung quanh số phận ngôi nhà Lý Quang Diệu, những người phê phán thủ tướng Lý Hiển Long hoàn toàn có lý khi nghi ngờ là địa điểm này sẽ được sử dụng vào mục tiêu củng cố “vốn liếng chính trị” của ông.

Theo nhà chính trị học Tom Pepinsky, các hệ quả của vụ này không chắc sẽ làm lung lay chế độ chính trị hiện hành tại Singapore, nhưng các tin đồn về những bê bối và lục đục trong gia đình thủ tướng Singapore ắt hẳn sẽ xói mòn uy tín của đảo quốc Sư Tử.

Trong khi đó, một chuyên gia khác về chính trị Singapore, ông Michael Barr, đại học Flinders, Úc, trong bài viết “Dynastic demolition in Singapore ?”, dự đoán là : hành xử của ông Li Hongyi, con trai của thủ tướng Singapore, trong thời gian tới sẽ giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của vụ tranh chấp xung quanh ngôi nhà Lý Quang Diệu.

Nếu nhân vật này quyết định không theo đuổi con đường chính trị, cho dù các bệ phóng đã được người cha chuẩn bị sẵn, thì có thể nói những rầm rĩ quanh ngôi nhà 38 phố Oxley, chính là một “bước ngoặt” quyết định. Thủ tướng Lý Hiển Long rất có thể sẽ phải chấp nhận là người cuối cùng của dòng họ nhà Lý trị vì tại đảo quốc Sư Tử. - RFI
|
|

6.
Pháp: Macron muốn tạo dấu ấn nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu --- Pháp có chính phủ mới sau cuộc bầu cử lập pháp

Trong hai ngày, hôm nay, 22/06/2017 và ngày mai, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để thảo luận nhiều hồ sơ quan trọng như vấn đề nhập cư, an ninh, phòng thủ châu Âu. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu với tân tổng thống Pháp. Theo giới quan sát, Emmanuel Macron muốn tạo dấu ấn trong cuộc gặp này.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gửi về bài tường trình :

« Có những người sẽ đón tiếp Emmanuel Macron như một đấng cứu thế, nhưng cũng có những người e ngại một « cậu bé » rất tài giỏi, tới đây làm thay đổi các thói quen của họ. Và trên thực tế, Macron đã gặp một số người trong số này, kể cả trước khi có cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Tất cả mọi người đều thừa nhận là Emmanuel Macron có công đưa dự án phát triển châu Âu trở thành tâm điểm thảo luận và đã chứng minh được rằng người ta vẫn có thể đắc cử vẻ vang với một cương lĩnh ủng hộ châu Âu. Nói tóm lại, Macron đã thành công với chủ đề châu Âu trong khi một số lãnh đạo khác thì lại thất bại.

Về phần mình, Emmanuel Macron muốn thúc đẩy các đồng nhiệm châu Âu đề cập đến nhiều lĩnh vực đa dạng nhưng có thể đạt được đồng thuận như phòng thủ châu Âu, chế độ bảo hiểm xã hội hay chế độ thù lao cho các lao động biệt phái.

Thế nhưng, Emmanuel Macron cũng biết rõ là các chính phủ Trung và Đông Âu thực sự không thích thú gì với việc ông xuất hiện trên tuyến đầu như vậy. Đó là những nước đòi hỏi mạnh mẽ về việc phân bổ trợ cấp, nhưng lại rất yếu kém về tình liên đới và chính trị, vốn là những giá trị phải có trong Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, với sự đồng thuận hoàn toàn của thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự tính một cuộc họp để chỉnh đốn các lãnh đạo bốn nước Trung và Đông Âu ».

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu diễn ra 3 ngày sau vòng đàm phán đầu tiên với nước Anh về Brexit. Theo AFP, thủ tướng Anh Theresa May sẽ trình bày những bảo đảm của Luân Đôn đối với các quyền lợi của công dân các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sống và làm việc tại Anh, sau Brexit. Đây là một trong những hồ sơ ưu tiên trong đàm phán về Brexit. - RFI

***
Hôm nay 22/06/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Bộ Trưởng mới, nội các Philippe 2.

Tối hôm qua 21/06, Pháp công bố thành phần chính phủ mới với 29 thành viên. Nội các mới thủ tướng Edouard Philippe có nhiều hơn 7 thành viên so với nội các cũ, tỉ lệ nam-nữ cân bằng 15 -15, tính cả thủ tướng. 17 thành viên tân chính phủ xuất thân từ xã hội dân sự.

Tân chính phủ gồm 19 bộ trưởng và 10 quốc vụ khanh, trong đó có 11 thành viên mới. Chức bộ trưởng Nội Vụ vẫn do ông Gérard Colomb đảm nhiệm. Tân bộ trưởng Quốc Phòng là bà Florence Parly (54 tuổi). Bà Parly đã từng là quốc vụ khanh về Ngân Sách từ năm 2000 đến năm 2002.

AFP cho biết trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Bộ Trưởng, bộ trưởng Nội Vụ Gérard Colomb đề xuất dự luật tăng cường an ninh nội địa và đấu tranh chống khủng bố nhằm vừa đảm bảo đạt hiệu quả và tôn trọng quyền tự do cơ bản của dân chúng.

Được coi là một giải pháp để « tránh kéo dài vô thời hạn tình trạng khẩn cấp », dự luật đã được Tham Chính Viện « bật đèn xanh ». Hôm nay, một dự luật khác cũng được trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng nhằm triển hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ sáu cho tới ngày 01/11/2017. - RFI
|
|

7.
Trung Quốc thu 1,1 tấn cocaine 'dính líu người Việt'

Trung Quốc tiết lộ thu giữ 1,1 tấn cocaine của băng đảng người Việt.

Hải quan Thượng Hải hôm 22/6 tiết lộ giới chức Trung Quốc và Campuchia cuối năm ngoái đã tịch thu số cocaine này và bắt giữ bốn nghi phạm.

Họ nói vụ việc được giấu kín cho tới nay vì tính chất phức tạp của nó.

Theo phía Trung Quốc, vào tháng 11/2016, hải quan cảng Dương Sơn ở Thượng Hải phát hiện lô hàng gửi từ Ecuador để tới Campuchia.

Họ tìm thấy 1,1 tấn cocaine trong các thùng hàng.

Sau đợt điều tra, Campuchia và Trung Quốc bắt giữ hai công dân Việt Nam, hai công dân Canada gốc Việt.

Hải quan Thượng Hải nói còn ba người đang lẩn trốn, và đang bị Việt Nam và Campuchia truy nã. - BBC
|
|

8.
Hoàng tử Anh Harry: Không ai trong hoàng gia muốn lên ngôi

Hoàng tử Harry nói không một ai trong hoàng gia Anh muốn lên ngôi vua hay nữ hoàng, và chỉ trích quyết định buộc anh phải đi sau linh cữu của mẹ, Công nương Diana, sau cái chết của bà vào năm 1997.

Không ai muốn lên ngôi

Hoàng tử 32 tuổi, đứng vị trí thứ 5 trong danh sách thừa kế ngai vàng, nói với tạp chí Newsweek của Mỹ:

“Chúng tôi không làm điều này cho chính mình, nhưng vì lợi ích lớn hơn của người dân... Có ai trong hoàng gia muốn làm vua hay hoàng hậu không?”.

“Tôi nghĩ là không có đâu, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình khi tới lúc”.

Nữ hoàng Elizabeth, 91 tuổi, lên ngôi từ năm 1952 và hiện là người cao tuổi nhất ngồi trên ngai vàng, và cũng là người trị vì lâu năm nhất thế giới.

Hoàng tử Harry nói hoàng gia Anh muốn tiếp tục công việc của bà nhưng sẽ không “tìm cách thay thế bà”.

“Chế độ quân chủ Anh là một quyền lực cho điều thiện”, anh nói. “Công chúng Anh và cả thế giới cần những định chế như thế”.

Đừng buộc một đứa trẻ phải đi sau linh cữu của mẹ

Hoàng tử Harry, cùng với anh trai là hoàng tử William và chị dâu Kate, là người cổ võ cho sức khỏe tâm thần. Anh tiết lộ về nỗi thống khổ của chính mình và những dằn vặt cảm xúc sau cái chết của mẹ trong tai nạn xe hơi ở Paris 20 năm trước. Anh cho biết đã phải nhờ đến tư vấn tâm lý để vượt qua thử thách này.

Trong cuộc phỏng vấn, hoàng tử Harry kể lại trải nghiệm khi anh phải đi theo linh cữu của mẹ trong khi đoàn tang chầm chậm bước qua các con phố đông nghẹt người ở London, trước đám đông người thương tiếc, khi chỉ mới lên 12, và trải nghiệm đó đã có tác động lâu dài như thế nào đối với anh.

“Mẹ tôi vừa mới qua đời, và tôi phải đi sau một chiếc quan tài với hàng chục ngàn người dõi theo tôi, trong khi hàng triệu người khác xem trên truyền hình”.

“Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ đứa trẻ nào nên bị buộc phải làm điều đó, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra ngày hôm nay”.

Hoàng tử Harry đang hẹn hò với nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle. Năm ngoái, anh chỉ trích truyền thông xâm phạm đời tư của bạn gái. Anh nói với tạp chí Newsweek rằng anh đã cố gắng sống “một cuộc sống bình thường”, bất chấp sự chú ý của toàn thế giới.

Hoàng tử nước Anh nói ngay cả nếu anh lên ngôi vua, anh cũng sẽ tự đi mua sắm cho mình.

“Thỉnh thoảng, tôi vẫn có cảm giác mình sống trong một hồ cá vàng, nhưng giờ tôi ứng phó với tình trạng này tốt hơn”.

“Mọi người sẽ rất ngạc nhiên về cuộc sống bình dị của William và tôi. Thỉnh thoảng, khi tôi ra khỏi quầy hàng thịt trong siêu thị địa phương, tôi lo lắng rằng một ai đó sẽ dùng điện thoại chụp hình tôi”.

“Nhưng tôi quyết tâm có một cuộc sống tương đối bình thường, và nếu tôi may mắn có con, chúng cũng sẽ có một cuộc sống như thế”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Trump khẳng định không ghi âm cựu Giám đốc FBI Comey

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 khẳng định ông không thu âm và cũng không cất giữ bất kỳ băng thu âm nào trong các cuộc trao đổi giữa ông với cựu Giám đốc FBI, James Comey. Tuyên bố này xua tan mọi đồn đoán bùng phát sau khi Tổng thống hồi tháng rồi đăng trên Twitter rằng ông Comey nên cầu mong rằng các cuộc trò chuyện đó không bị ghi âm.

“Tôi không biết liệu có các băng ghi âm nào không về các cuộc trao đổi giữa tôi với ông James Comey, nhưng tôi không ghi âm, tôi không có những đoạn băng ghi âm đó,” ông Trump thông báo trong một tin nhắn trên Twitter hôm nay.

Kể từ khi ông Trump sa thải ông Comey và sau đó ám chỉ gần xa rằng có thể có băng ghi âm những cuộc trò chuyện của đôi bên liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi Tổng thống giao nộp các bằng chứng đó.

Hôm 9/6, lãnh đạo cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 loan báo đã gửi thư cho cựu Giám đốc FBI, James Comey, yêu cầu giao nộp bấy kỳ ghi chú nào liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Comey với Tổng thống Donald Trump.

Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway và dân biểu Dân chủ Adam Schiff cho biết cũng đã gửi thư đến cố vấn Tòa Bạch Ốc, Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông Comey với ông Trump hay không. Nếu có, họ đề nghị Tòa Bạch Ốc phải cung cấp bản sao cho Ủy ban trước ngày 23/6. - VOA
|
|

10.
Thượng viện Mỹ công bố dự luật y tế mới

Cuối cùng thì các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã công bố phiên bản dự luật chăm sóc sức khỏe mới, nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng, một thành tựu lập pháp của cựu Tổng thống Barack Obama.

Sau nhiều tuần họp kín, trưởng khối đa số Thượng viện, Mitch McConnell, lần đầu tiên công bố bản đề xuất vào ngày thứ Năm cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa, trước khi công bố phiên bản dài 142 trang lên mạng.

“Chúng ta phải hành động,” ông McConnell nói ở Thượng viện, và thêm rằng “Obamacare là cuộc tấn công trực tiếp vào tầng lớp trung lưu.”

Theo các trợ lý của đảng Cộng hòa và các nhà vận động hành lang, bản dự thảo luật được thảo ra như một thỏa hiệp giữa luật chăm sóc sức khỏe hiện hành, thường được gọi là Obamacare, và một giải pháp đã được Hạ viện thông qua hồi tháng trước.

Dự luật sẽ cắt giảm ngân quỹ liên bang dành cho chương trình Medicaid, một chương trình ở tiểu bang dành cho người có thu nhập thấp, bãi bỏ các khoản thuế đối với người giàu, và chấm dứt khoản tài trợ cho Planned Parenthood, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.

Các trợ lý và các nhà vận động hành lang đã xem bản dự thảo cho biết nội dung phần lớn giống như phiên bản của Tòa Bạch Ốc, mặc dù cũng có những khác biệt đáng chú ý.

Giải pháp của Hạ viện quy định các khoản trợ cấp bảo hiểm liên bang dựa trên tuổi tác, trong khi phiên bản của Thượng viện phân phối trợ cấp dựa theo thu nhập.

Dự luật của Thượng viện sẽ chấm dứt việc cấp ngân quỹ cho chương trình Medicaid tại các tiểu bang chậm hơn so với phiên bản luật của Hạ viện, nhưng lại áp dụng cắt giảm dài hạn nhiều hơn đối với chương trình này. Đề xuất của Thượng viện cũng loại bỏ quyết định của Hạ viện chuẩn thuận cho các tiểu bang cho phép các hãng bảo hiểm sức khỏe tăng phí bảo hiểm đối với một số người có tiền sử bệnh.

Phát biểu tại một sự kiện về công nghệ hôm thứ Năm tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump nói ông ông hy vọng Thượng viện sẽ thông qua kế hoạch chăm sóc sức khỏe “bằng trái tim.” Ông Trump từng gọi phiên bản của Hạ viện là “không tốt” trong một tình huống riêng tư.

Lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer chỉ trích đề xuất tại thượng viện, nói rằng “Chúng ta đang sống ở đất nước giàu có nhất trên địa cầu. Chắc chắn chúng ta có thể làm tốt hơn kế hoạch chăm sóc sức khỏe mà đảng Cộng hòa cam kết.”

Các cuộc họp kín trong thời gian dự luật của Thượng viện được hình thành đã khiến đảng Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa tức giận. Các nghị sĩ Thượng viện dự định phản đối giải pháp này và yêu cầu thêm nhiều thời gian xem xét nó hơn so với ông McConnell dự định cho phép. Vì không có đảng viên Dân chủ nào dự kiến bỏ phiếu cho giải pháp này, các đảng viên Cộng hòa đang cố đẩy nhanh quá trình phê chuẩn nhằm tránh tình trạng “thủ tục câu giờ” (fillibuster).

Ông McConnell hy vọng gói giải pháp sẽ nhận đủ sự ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa trung lập và bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu mà ông dự định đưa ra vào tuần tới.

Các đảng viên Cộng hòa thông thạo tình hình cho biết cần phải nỗ lực nhiều hơn để có được 50 phiếu của Đảng Cộng hòa, điều cần thiết để dự luật được phê chuẩn, với Phó Tổng thống Mike Pence sẵn sàng đưa ra giải pháp “hiệp phụ” để đưa ra quyết định.

Ước tính có khoảng 23 triệu người có thể bị mất bảo hiểm sức khỏe theo kế hoạch đã được Hạ viện thông qua, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

Công bố hôm thứ Năm là bước cuối cùng trong một nỗ lực kéo dài 7 năm của đảng Cộng hòa nhằm dỡ bỏ Obamacare. - VOA
|
|

11.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Tin tặc Nga tấn công 21 bang

Máy bầu cử của 21 bang Mỹ đã bị tin tặc Nga tấn công trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thông tin trên được một quan chức cao cấp Mỹ, đặc trách về an ninh mạng, đưa ra ngày 21/06/2017 trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hiện đang điều tra về nghi án tin tặc Nga.

Bà Jeanette Manfra, quyền thứ trưởng phụ trách an ninh mạng thuộc bộ An Ninh Quốc Nội Mỹ, khẳng định : « Cho đến nay, chúng tôi có bằng chứng là hệ thống máy liên quan đến cuộc bầu cử đã bị tấn công tại 21 bang ». Tuy nhiên, vẫn theo quan chức này, không có chi tiết nào cho thấy kết quả bầu cử bị thao túng.

Cũng giải trình trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, cựu bộ trưởng Nội Vụ Mỹ Jeh Johnson, nắm giữ chức vụ đến cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama, cho biết đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng tin tặc tấn công danh sách cử tri. Tuy nhiên, theo ông, lời cảnh báo này lại bị lu mờ trước tai tiếng về những lời lẽ coi thường phụ nữ của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, bị ghi hình lén năm 2005.

Được hỏi tại sao chính quyền không cảnh báo nhiều hơn cho người dân, cựu bộ trưởng trả lời : « Chúng tôi rất sợ điều đó bị xem là đưa ra quan điểm riêng trong cuộc bầu cử ».

Hãng tin Reuters nhắc lại các cơ quan tình báo Mỹ đã đi đến kết luận điện Kremlin là nguồn gốc của một chiến dịch tin tặc có quy mô lớn nhằm giúp ứng viên Donald Trump thắng cử.

Bị nghi ngờ cản trở tư pháp, bản thân chủ nhân Nhà Trắng cũng liên quan đến cuộc điều tra về nghi án Nga thao túng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đội ngũ vận động tranh cử của ông có quan hệ với Matxcơva. - RFI
|
|

12.
Bão Cindy tiến vào bang Louisiana, một người chết ở Alabama

Bão nhiệt đới Cindy đang hướng vào đất liền ở khu vực giáp ranh bang Louisiana-Texas vào sáng thứ Năm (22/6), tiếp tục mang mưa lớn gây tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng con người ở vùng vịnh duyên hải phía Bắc Hoa Kỳ, Reuters dẫn nguồn tin từ Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.

Cơn bão đã gây ra cái chết đầu tiên hôm thứ Tư khi một cậu bé 10 tuổi bị một con sóng lớn cuốn đi trong lúc đang đứng gần bờ ở Fort Morgan, bang Alabama, theo nhân viên điều tra của quận hạt Baldwin.

Bão Cindy đang ở khoảng 45 km về phía tây tây nam Lake Charles, bang Louisiana, với sức gió mạnh tối đa là 65 km/giờ. Dự kiến, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào cuối ngày thứ Năm, theo cơ quan dự báo thời tiết có trụ sở tại Miami.

Bão Cindy có thể mang đến một lượng mưa từ 15 tới 23 cm và có thể lên đến 15,5 cm ở một số khu vực tại bang Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.

Dự báo bão Cindy cũng có thể gây ngập lụt đến 1 mét ở các khu vực bị cô lập, và có thể tạo ra các cơn lốc xoáy ở khu vực từ nam Louisiana đến vùng cán chảo bang Florida (Florida Panhandle).

Theo cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, có hai cơn lốc xoáy được ghi nhận vào khoảng 6,4 km về hướng tây bắc Biloxi, bang Mississippi. Hai cơn lốc xoáy khác cũng được báo cáo ở bờ biển phía tây bắc bang Florida.

Cảng dầu ngoài khơi Louisiana, cảng chứa dầu thô tư nhân lớn nhất Hoa Kỳ, đã đình chỉ việc tháo dỡ các chuyến tàu chở dầu từ ngoài khơi về, nhưng dự kiến sẽ không có gián đoạn cho các chuyến tàu phân phối dầu xuất phát từ trung tâm Clovelly, Louisiana.

Các công ty năng lượng hoạt động tại Vịnh Mexico cho biết cơn bão không mấy tác động đến khâu sản xuất. Tập đoàn Shell đã đình chỉ một số hoạt động ở giếng dầu. Anadarko Petroleum, ENI và Enbridge cho biết đã sơ tán các nhân viên không thiết yếu.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, vùng Vịnh Mexico là nơi chiếm khoảng 17% lượng dầu thô của Mỹ và 5% sản lượng khí đốt khô tự nhiên. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

13.
Đàn áp bất đồng chính kiến được xem là có lợi cho giới làm ăn tại Việt Nam

Các nhà phân tích kinh tế nói nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy một khía cạnh tích cực của chiến dịch đàn áp thành phần bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và qua đó cảm thấy an tâm vì kỳ vọng vào tính ổn định của môi trường kinh doanh tại quốc gia với chế độ độc đảng này.

Nhân viên chính quyền mặc thường phục đánh đập những nhà tranh đấu cho nhân quyền và blogger trong 36 vụ hành hung khác nhau từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, gây thương tích nghiêm trọng, theo Human Rights Watch. Vẫn theo tổ chức này, một số nạn nhân trong số này từng tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường hoặc vì nhân quyền.

Các nhà phân tích trong nước nói giới đầu tư ngoại quốc và những người khác làm ăn ở Việt Nam, hoặc là nhắm mắt làm ngơ trước chiến dịch đàn áp đó, hoặc coi đây như chỉ dấu cho thấy chính quyền đang triệt tiêu dần những mối đe dọa có thể có đối với chương trình thúc đẩy kinh tế - một nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói:

“Hiện nay hầu như ai cũng hiểu ngầm rằng chế độ độc đảng Việt Nam sẽ tồn tại vô hạn định, và vì vậy, chỉ trích chế độ một cách công khai là kể như rước họa vào thân.”

Ông McCarty nói: “Giới doanh nhân thích sự ổn định theo lối ấy. Họ có thể phản đối nó về phương diện đạo đức, hoặc các giá trị dân chủ, nhưng trên phương diện kinh doanh, thì đó là một môi trường ổn định để làm ăn.”

Các nhà quản lý doanh nghiệp thuộc các phòng thương mại Mỹ và châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Tư không bình luận khi được hỏi các doanh nghiệp thành viên nghĩ gì về vấn đề nhân quyền Việt Nam.

Các nhà phân tích nói chính quyền Cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát thành phần bất đồng chính kiến trước hội nghị thượng đỉnh APEC - tức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng 11 năm nay. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức APEC là năm 2006.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo từ 20 quốc gia khác có thể dự APEC trong năm nay.

Ông Frederick Burke, chuyên gia luật của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói Việt Nam muốn tránh bất kỳ tình huống nào có thể làm họ mất mặt vì các cuộc biểu tình chống đối, trong khi đang tìm cách trưng ra một hình ảnh về một Việt Nam “cởi mở và sẵn sàng” dưới con mắt của các quan khách nước ngoài đến dự APEC.

Ông McCarty nói:

"Không có gì nhiều để than phiền, tôi nghĩ APEC sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chính quyền Việt Nam không muốn sự kiện này trở thành một hậu cảnh cho một cuộc biểu tình."

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các nhân viên mật vụ Việt Nam đánh đập các nhà hoạt động và các blogger mà “không bị truy cứu." Hôm Chủ Nhật, Tổ chức này yêu cầu chính phủ phải chấm dứt các cuộc tấn công và truy cứu trách nhiệm thủ phạm các vụ đánh đập. Ông nói thêm rằng các nhà tài trợ cho chính phủ Việt Nam nên lên tiếng yêu cầu Hà Nội chấm dứt hành động này.

Các công tố viên Việt Nam cũng đã chính thức ra cáo trạng buộc tội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger được biết đến với tên gọi Mẹ Nấm, về nghi ngờ “tuyên truyền chống nhà nước.” Blogger Mẹ Nấm, người được đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump trao Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế vào tháng 3 nhưng đã vắng mặt vì đang bị giam cầm, phải đối mặt với khung hình phạt đến 12 năm tù nếu bị kết án.

Tuy vậy, ông Burke cho biết, Việt Nam vẫn cho phép đăng các lời bình luận, mở cửa mạng truyền thông Internet vì lợi ích của sự phát triển kinh tế và xã hội.

Ông Burke nói: "Luôn luôn có nhiều bình luận chính trị nóng bỏng trên mạng và mọi người đổ xô vào internet. Vẫn có rất nhiều sự cởi mở trên internet của Việt Nam. Bạn có thể muốn đăng gì thì cứ đăng, quan trọng là Facebook, Google, bị đóng cửa ở Trung Quốc, nhưng ở đây thì vẫn cho hoạt động và nó giúp hỗ trợ nền kinh tế.

“Nhưng như thường lệ, luôn luôn có một số nhạy cảm trong các lĩnh vực khác nhau về những gì được mang ra bàn luận, bàn về ai và bàn làm thế nào."

Theo ông Oscar Mussons, chuyên gia cao cấp của Tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên của Nghị viện Châu Âu có thể tìm kiếm những cải thiện về nhân quyền trước khi phê chuẩn một hiệp ước thương mại tự do với Việt Nam, được ký vào tháng 12/2015.

Vào tháng 2, khi một tiểu ban nhân quyền của Nghị viện châu Âu thăm Việt Nam, các thành viên đã lên tiếng về tình hình nhân quyền tại đây. - VOA
|
|

14.
Việt Nam không phản ứng về chính sách Cuba mới của Trump

Việt Nam, một “đồng chí thân thiết” của Cuba, không hề có phản ứng sau khi tổng thống Mỹ công bố những thay đổi trong chính sách của Washington đối với nước này.

Dư luận quốc tế đã lên tiếng chỉ trích hành động của Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba của cựu tổng thống Obama, cho rằng nước Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại vì quyết định này. Bộ ngoại giao Mexico, một nước trong khối Mỹ Latinh, khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba.

Một cựu nhà báo không muốn được nêu tên nói với VOA rằng “thật lạ là chính sách đảo nghịch của Tổng thống Trump không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam. Thật là xấu hổ.” Nhà báo này không bình luận gì thêm về điều này nhưng hàm ý nói đến mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Cuba.

Việt Nam có chung hệ tư tưởng Cộng sản với Cuba, và từng nhận nhiều sự trợ giúp từ "người anh" Cuba, đặc biệt dưới thời Fidel Castro.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam không có một công bố nào liên quan đến chính sách đảo chiều của Tổng thống Trump. Truyền thông trong nước đưa tin về công bố này của ông Trump nhưng không có bình luận gì từ phía các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong khi không có phản ứng nào từ chính phủ Việt Nam, cộng đồng mạng xã hội đã lên tiếng phản đối chính sách của ông Trump, theo nhà báo Lưu Kha.

"Người ta coi đó là một bất công và một sai lầm. Có nhà báo và nhiều người đã lên tiếng phản đối," ông Kha cho biết. "Còn từ phía nhà nước thì tôi chắc chắc rằng nhà nước Việt Nam không đồng tình với biện pháp bao vây cấm vận của Trump (đối với Cuba). Họ sẽ phản đối nhưng mức độ thế nào thì còn phụ thuộc vào mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay."

Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Mỹ và có cuộc gặp mặt với Tổng thống Trump. Chuyến thăm này được đánh giá là một hành động của Việt Nam để kết thân với chính phủ Hoa Kỳ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam dưới thời Thủ tướng Phúc đã chủ động tiến gần hơn với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực, và dường như thắng thế trong các vụ tranh chấp lãnh hải trong biển Đông.

'Tình đồng chí' Việt Nam-Cuba

Việt Nam được sự giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất từ Cuba trong cuộc chiến tranh với Mỹ, 2 nước có một mối quan hệ đặc biệt trong hơn nửa thế kỷ qua, theo cựu nhà báo Lưu Kha, người từng sống và làm việc tại Cuba trong 15 năm.

"(Cuba) cung cấp cho Việt Nam 100.000 tấn đường trong những năm chiến tranh và xây dựng cho 5 công trình kinh tế rất quan trọng – trị giá hàng trăm triệu đô la – chưa kể trong nhiều năm luôn có tiếng nói ủng hộ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc và bất kỳ diễn đàn nào trên thế giới," theo ông Kha. "Chính vì thế mà Fidel (Castro) đã từng phát biểu vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Câu nói đó thể hiện tất cả những tình đoàn kết của Cuba với Việt Nam rất là lớn."

Fidel Castro từng được coi là chỗ dựa tinh thần của các nhà lãnh đạo Việt Nam và chính phủ Việt Nam đã để quốc tang khi lãnh tụ Cuba ra đi vào tháng 11 năm ngoái.

Ngoài việc Cuba và Việt Nam cùng chung ý thức hệ Cộng sản, một lý do khác Cuba ủng hộ Việt Nam, theo cựu nhà báo Lưu Kha, “chính vì Việt Nam chống Mỹ mà Mỹ không có thời gian và tiềm lực để chống phá cách mạng Cuba. Đó là sự giúp đỡ có đi có lại của 2 bên.”

Cũng theo cựu nhà báo này, báo chí Việt Nam vẫn “tuyên truyền đều đặn về những thành tựu và đổi mới của Cuba” và ủng hộ việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với quốc gia cộng sản này dưới thời Tổng thống Obama.

Việt Nam, như nhiều nước trên thế giới, phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba, nhưng sự im lặng của chính phủ Việt Nam trước chính sách Cuba mới của ông Trump đã làm nhiều người Việt ngạc nhiên, theo nhận xét của cựu nhà báo không muốn nêu tên trên.

Cuba chỉ trích quyết định của ông Trump đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ với Cuba của cựu Tổng thống Obama. Truyền thông Mỹ cũng cho rằng chính sách Cuba mới, hạn chế kinh doanh và sự đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, sẽ không làm thay đổi mối quan hệ giữa 2 nước. - VOA
|
|

15.
HRW: Việt Nam nên bỏ điều luật buộc luật sư tố thân chủ

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch chỉ trích điều luật mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, buộc luật sư chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố cáo một số hành vi phạm tội của thân chủ. HRW kêu gọi Việt Nam hãy lập tức hủy bỏ điều khoản này.

Trong thông cáo ra ngày 21/6, đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tổ chức HRW, có trụ sở ở New York, nói luật hình sự sửa đổi của Việt Nam khi buộc luật sư tố cáo thân chủ, sẽ đe dọa quyền được bào chữa và trừng phạt tự do ngôn luận.

“Buộc luật sư vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa là các luật sư phải trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của chính mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo của HRW.

“Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề “an ninh quốc gia” – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế,” theo ông Adams.

Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 20/6 có quy định “luật sư tố giác thân chủ” đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn ở Việt Nam. Giới luật sư trong nước đặc biệt phản đối quy định này, theo luật sư Ngô Ngọc Trai trong cuộc phỏng vấn với VOA-Việt Ngữ ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành luật sửa đổi.

Ông nói điều luật này “bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề” vì “nó tạo ra những rủi ro rất nghiêm trọng đối với giới luật sư trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án.”

Truyền thông trong nước trích lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga lý giải rằng việc chính phủ “không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa, xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và vì lợi ích chung của cộng đồng.”

Ông Brad Adams nói: “Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề ‘an ninh quốc gia’ – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế.”

Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế này đặc biệt quan ngại về Điều 19 của bộ luật sửa đổi nhắm vào những người bị truy tố về các tội danh an ninh quốc gia “được định nghĩa mơ hồ như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’, ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’, và ‘phá rối an ninh’.”

Thông cáo của HRW có đoạn viết: “thay vì hủy bỏ những điều luật mơ hồ thường bị lạm dụng để trừng phạt những hoạt động thực thi các quyền tự do như tự do hội họp, lập hội và tự do ngôn luận, thì giờ đây chính quyền lại bổ sung thêm các hình phạt nặng nề hơn đối với các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.”

Nhiều luật sư đã bày tỏ quan ngại về quy định mới này. Một tuần trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật sửa đổi, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tới Quốc hội một công văn, đề nghị hủy bỏ điều khoản trên và gọi đây là “một bước thụt lùi so với Bộ luật Hình sự 1999.” Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng đồng ý với quan điểm này. Ông với VOA rằng luật này là “một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam”.

Tổ chức nhân quyền quốc tế HRW cảnh báo rằng “các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài của Việt Nam cần hết sức lưu ý về điều luật bắt buộc luật sư trình báo thông tin riêng tư của thân chủ với chính quyền, nếu muốn tránh gặp phiền phức.”

Bộ luật hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày đầu năm 2018. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment