Monday, June 19, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 19/6

Tin Thế Giới

1.
Bầu Quốc Hội Pháp: phe tổng thống Macron thắng áp đảo

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành được đa số áp đảo tại Quốc Hội sau vòng hai ngày Chủ Nhật 18/06/2017. Trên tổng số 577 ghế dân biểu, liên minh Cộng Hoà Tiến Bước và Phong Trào Dân Chủ MoDem về nhất với 361 ghế, tạo một khuôn mặt mới cho Quốc Hội.

Theo kết quả công bố muộn trong ngày, một mình đảng cánh trung Cộng Hòa Tiến Bước giành được 319 ghế dân biểu vượt xa đa số tuyệt đối là 289. Nếu tính thêm 42 dân biểu của liên minh Modem, phe ủng hộ tổng thống lên đến 361, một số đông áp đảo tại nghị trường.

Thành công thứ hai là tất cả 6 bộ trưởng ra tranh cử, kể cả hai nhân vật bị tai tiếng là Richard Ferrand (quy hoạch lãnh thổ) và Marielle Sarnez (đặc trách châu Âu) đều đắc cử, điều kiện để ngồi lại trong chính phủ.

Về hạng nhì, nhưng bị rơi xa ở phía sau là liên minh trung-hữu Những Người Cộng Hoà, với 126 dân biểu. Đảng Xã Hội và đồng minh cánh tả chỉ còn 46 ghế. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất 16 ghế, đảng Cộng Sản 10 ghế.

Mặt Trận Quốc Gia cực hữu từ 3 lên 8 dân biểu. 10 ghế còn lại thuộc các ứng cử viên độc lập hay tổ chức xã hội không có tầm vóc quốc gia.

Hào quang chiến thắng của phe tổng thống phần nào bị phai mờ vì tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp : 44%. Theo giới phân tích, ngoài yếu tố đi chơi nhân ngày cuối tuần nắng ấm còn có ba lý do khiến cử tri vắng mặt : Thứ nhất, chiến thắng của phe tổng thống được dự báo chắc chắn; thứ hai, cử tri mệt mỏi vì hai cuộc vận động tranh cử - từ sơ bộ tổng thống cho đến nghị viện - kéo dài hơn một năm và thứ ba là mất niềm tin vào hai đảng truyền thống.

Trẻ và nhiều phụ nữ

Với làn gió cải cách, Quốc Hội mới của Pháp thay đổi hẳn diện mạo : nhiều phụ nữ hơn, trẻ hơn mà phần lớn xuất thân từ xã hội công dân. So với Quốc Hội mãn nhiệm với 155 nữ dân biểu, kỳ này « lực lượng phái yếu » đạt mức kỷ lục gần 40% với 223 người. Tuổi trung bình của các nghị sĩ cũng giảm từ 54 xuống 47.

Trẻ nhất là một trong 8 dân biểu của đảng cực hữu mới 23 tuổi. Người trẻ nhất thứ hai là thành viên của một tổ chức bảo vệ động vật, 24 tuổi. Giới nông dân cũng được 14 đại biểu, tương tự như trong khóa trước. Đổi lại, số công chức giảm hẳn từ 188 xuống 129 trong khi thành phần có học thức thành đạt trong lãnh vực tư nhân như lãnh đạo xí nghiệp, bác sĩ, luật sư đắc cử rất đông với 180 dân biểu, theo trào lưu « Macron ».

Đảng Xã Hội cánh tả tan nát

Trong khi đó, Đảng Xã Hội mất 250 ghế tại Quốc Hội. Nhiều bộ trưởng dưới thời tổng thống François Hollande thất cử. Cựu thủ tướng Manuel Valls cứu vãn được chiếc chế đại biểu Quốc Hội trong đường tơ kẽ tóc. Thư ký thứ nhất của Đảng Xã Hội từ chức.

Ngay trong đêm Chủ Nhật 18/6, cựu thủ tướng Manuel Valls thông báo đắc cử đại biểu Quốc Hội với 50,3 % số phiếu, nhờ hơn được 139 lá phiếu so với ứng viên của phong trào Nước Pháp Bất Khuất cánh tả. Thắng lợi sát sao này của cựu thủ tướng Valls cho thấy Đảng Xã Hội đang phân rã. Nhiều gương mặt hàng đầu của đảng bị thất cử, từ cựu bộ trưởng Tư Pháp Jean-Jacques Urvoas (vùng Finistère), đến cựu bộ trưởng Giáo Dục Najat Vallaud Belkacem (Rhône), cựu bộ trưởng Lao Động Myriam El Khomri hay cựu bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine.

Trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm 2012, Đảng Xã Hội chiếm được đa số với 284 đại biểu. Năm năm sau, đảng này chỉ cứu vãn được 29 ghế. Đây là kết quả tệ hại nhất của Đảng Xã Hội từ trước tới nay. Thư ký thứ nhất của đảng, Jean-Christophe Cambadélis, ngay sau kết quả vòng hai không vòng vo, nói tới "một thất bại không thể chối cãi" và đã thông báo từ chức.

Nhìn sang cánh hữu, với 113 đại biểu trong Quốc Hội mới, đảng Những Người Cộng Hòa (LR) thở phào nhẹ nhõm. Nhiều nhân vật tên tuổi của đảng vẫn giữ được ghế. Dù vậy đây cũng là kết quả tồi tệ chưa từng thấy của đảng này. Một vài ngôi sao đang lên của đảng cánh hữu cũng đã ra về tay không. Điển hình là cựu bộ trưởng của tổng thống Sarkozy, Nathalie Kosciusko Morizet, hay nhà vô địch về Judo, David Douillet.

Bước kế tiếp sau bầu cử Quốc Hội Pháp vòng 2, là toàn bộ thành phần chính phủ vào hôm nay đệ đơn từ chức, để thành lập một nội các mới. Theo lời phát ngôn viên của phủ thủ tướng, việc cải tổ nội các chỉ mang tính hình thức. - RFI
|
|

2.
Chiến đấu cơ Hoa Kỳ bắn hạ SU-22 của Syria

Máy bay chiến đấu của liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt lần đầu tiên đã bắn hạ phi cơ quân sự Syria ở tỉnh Raqqa, Hoa Kỳ xác nhận.

Chiếc SU-22 loại máy bay thả bom bị chiếc F/A-18E Super Hornet sau khi thả bom gần khu vực có Lực lượng Dân chủ Syria do Hoa Kỳ hỗ trợ, Lầu Năm Góc cho biết.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc xung đột Syria liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt bắn hạ máy bay của Syria.

Syria lên án vụ việc mà họ gọi là "tấn công thô bạo" có thể gây ra "hậu quả nguy hiểm".

Trong một vụ việc khác, lực lượng Bảo vệ Cách mạng của Iran nói đã phóng một số hỏa tiễn từ Iran vào Đông Syria hôm Chủ nhật 18/06, nhắm vào các mục tiêu IS.

'Phô bày lực lượng'

Vụ chiếc SU-22 bị bắn hạ vào chiều hôm Chủ nhật gần thị trấn Tabqa, nơi lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiến đấu chống lại dân quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhằm giành lại kiểm soát thành phố Raqqa, thành lũy của IS ở phía Đông.

Lầu Năm Góc nói dân quân thân chính quyền đã tấn công nhiều đơn vị SDF, khiến họ phải rời thị trấn Ja'Din.

Lực lượng thân chính phủ không tham chiến ở Raqqa, nhưng đã thiết lập chiến tuyến chống lại IS ở khu vực quanh đó, phía Tây Nam thành phố.

Liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt thực hiện điều mà Lầu Năm góc gọi là "phô bày lực lượng" - sau khi có thông tin về việc quân thân chính phủ quần đảo bằng máy bay trong khu vực. Liên quân đã gọi cho Nga, đồng minh của chính quyền Syria, nhằm làm "giảm căng thẳng tình hình và yêu cầu ngừng bắn".

Tuy nhiên chiếc SU-22 thả bom vào các vị trí của SDF chỉ sau đó vài giờ, Lầu Năm Góc cho biết, và "thực hiện theo phương án tác chiến và để phòng vệ lực lượng liên quân, chiếc máy bay đã bị bắn hạ ngay lập tức".

Nỗ lực nhằm cảnh báo chiếc phi cơ qua sóng điện đài khẩn cấp đã không thành.

Thông cáo của Lầu Năm Góc viết thêm: "Ý định và hành động thù địch rõ ràng của lực lượng thân chính quyền đối với Liên quân và lực lượng đồng minh ở Syria đang thực hiện các chiến dịch chống Isis [IS]hợp pháp sẽ không được khoan nhượng."

Đây được cho là vụ không đối không đầu tiên của phi cơ quân sự Hoa Kỳ trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Quân đội Syria nói chiến đấu cơ của mình đang làm nhiệm vụ chống IS thì bị bắn hạ, vụ việc này sẽ gây ra "hậu quả nguy hiểm" đối với nỗ lực chống khủng bố, truyền hình nhà nước dẫn lời.

Thông cáo của quân đội Syria cũng cho biết phi công của chiếc máy bay vẫn đang mất tích. - RFI
|
|

3.
Sinh viên Mỹ bị Bắc Triều Tiên giam cầm vừa qua đời

Sinh viên Mỹ bị Bắc Triều Tiên giam cầm 17 tháng vừa qua đời.

Anh Otto Warmbier, 22 tuổi, được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê cách đây chưa tới một tuần, trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện Cincinnati, theo thông cáo từ gia đình ngày 19/6.

“Thật đau lòng, không thể có kết cục khả dĩ nào khác ngoài những gì chúng tôi đang trải qua ngày hôm nay với sự ngược đãi tra tấn tàn tệ mà con trai chúng tôi phải gánh chịu dưới bàn tay Bắc Triều Tiên,” thông cáo gia đình nêu rõ sau cái chết của Warmbier lúc 2:20 chiều (giờ địa phương), tại Trung tâm Y khoa Đại học Cincinnati.

Gia đình cho hay Warmbier bị rơi vào tình trạng hôn mê từ tháng ba năm ngoái, ngay sau khi anh bị Bình Nhưỡng tuyên án 15 năm tù khổ sai.

Theo truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên, anh bị bắt vì bị cáo buộc trộm một bảng hiệu in nội dung tuyên truyền của Bình Nhưỡng tại một khách sạn mà anh tạm trú khi ghé thăm Bắc Triều Tiên vào năm ngoái.

Bắc Triều Tiên phóng thích Warmbier tuần trước, viện dẫn lý do ‘nhân đạo.’

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson ngỏ lời chia buồn với gia đình Warmbier và tuyên bố rằng 'Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về sự giam cầm bất công đối với Otto Warmbier.'

Vẫn theo lời Ngoại trưởng Tillerson, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phóng thích 3 công dân khác của Mỹ đang bị giam cầm phi pháp tại Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc thắng thế việc kiểm soát Biển Đông

Bắc Kinh đạt được một đỉnh cao mới trong việc kiểm soát Biển Đông có nhiều tranh chấp sau khi trấn an các đối thủ, đẩy Washington ra xa và xây các đảo nhân tạo để thiết lập cơ sở quân sự.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 6/6, Trung Quốc sẽ có thể bố trí ba trung đoàn máy bay chiến đấu trên các đảo mà họ đã xây lắp trên biển Đông. Theo dự báo của nhóm chuyên gia vào tháng 3, ước tính Trung Quốc sẽ sử dụng khoảng 3.200 mẫu Anh (tức khoảng 1.294 hecta) diện tích đất trong vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông, chủ yếu phục vụ cho mục đích lắp ráp thiết bị quân sự,

Tập trận quân sự chung với Nga

Trong một dấu hiệu khác của nỗ lực tăng cường kiểm soát hàng hải, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh hôm Chủ nhật cho biết một tàu khu trục Trung Quốc đã tham gia cùng các tàu Nga trong giai đoạn một của cuộc tập trận chung "đa dạng " và "kéo dài" bắt đầu ở khu vực Biển Đông. Nga có các lực lượng vũ trang mạnh thứ nhì thế giới và Trung Quốc mạnh thứ ba.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho hay: "Tôi nghĩ có một điều không cần nói ra nhưng ai cũng biết rằng không có cách nào ngăn chặn được Trung Quốc. Tôi nghĩ một thực tế là ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc có một vị trí thống trị trong khu vực."

Kiểm soát “đường chín đoạn"

Uy thế của Trung Quốc nổi lên trên Biển Đông, khu vực có năm nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, xảy ra sau một năm theo đuổi chính sách ngoại giao không ràng buộc với các nước trong khu vực, và sau một thập niên san lắp tất cả 500 đảo nhỏ để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự.

Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIC, Trung Quốc cuối cùng sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra trong tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn”, chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh trích dẫn các chứng cứ lịch sử để biện minh cho các tuyên bố chủ quyền.

Các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố các phần chồng lấn trong “đường chín đoạn” này. Tất cả các nước này đều đánh giá khu vực biển Đông giàu hải sản, nhiên liệu hóa thạch và là các tuyến đường biển quan trọng.

Trung Quốc kiểm soát toàn bộ

Ông Poling nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có mục mở rộng chiếc ô bao trùm toàn bộ đường chín đoạn, để họ quản lý hiệu quả tất cả các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm tất cả các vùng biển và không gian mà họ tuyên bố chủ quyền lịch sử."

Ông Poling nói: "Vì vậy, điều này có nghĩa là nếu quý vị là ngư dân hoặc tàu tuần duyên hoặc tàu thăm dò dầu khí vùng Đông Nam Á, quý vị không thể hoạt động trừ khi Trung Quốc cho phép.”

​Ngoại giao kiểu Trung Quốc

Giới Lãnh đạo Cộng sản của Trung Quốc đã tăng cường các cuộc đối thoại trực tiếp với các nước Đông Nam Á có khả năng quân sự yếu kém hơn, sau khi một trọng tài quốc tế ra phán quyết vào tháng 7 năm ngoái, chống lại bằng chứng pháp lý đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh cung cấp viện trợ cho các nước và đổi lại họ phải im lặng không phản đối sự mở rộng quân sự trên biển của Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cung cấp một khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đôla cho Philippines. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ ngành du lịch của Việt Nam bằng cách đưa du khách vào nước này trong khi tìm cách thảo luận về hợp tác hàng hải. Malaysia xem Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn.

Mỹ rút lui khỏi Biển Đông

Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines từng xem Mỹ như một đối trọng chống lại Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn Trung Quốc giúp ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của Viện tư vấn chính trị Park Strategies có trụ sở New York cho biết:

"Không có sự phối hợp giữa các nước chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc; và Việt Nam là nước duy nhất trong số này chắc chắn cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – hay còn gọi là TPP. Do dó chắc chắn Việt Nam sẽ đặt nghi vấn là thực sự cam kết của Mỹ trong khu vực sẽ như thế nào.”

Ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1, cho rằng hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia thành viên này không tốt cho Mỹ.

Tuy nhiên, trong tháng này, các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng họ sẽ có một chính sách cứng rắn hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng lãnh hải.

Vào tháng 5, Hải quân Hoa Kỳ đã cử tàu tuần tra hoạt động "tự do hàng hải" ở Biển Đông, mặc dù bị Bắc Kinh phản đối.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phát biểu trước hội nghị Quốc phòng châu Á hồi đầu tháng này rằng: "Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đàm phán, chứ không phải bằng cách xây dựng các đảo và đặt vũ khí lên trên đó.”

Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp về các vấn đề Trung Quốc tại Đài Loan cho biết “sự thận trọng” hiện nay trong vấn đề hợp tác Trung-Mỹ, cùng với sự hiện diện vai trò quân sự của Mỹ ở Biển Đông, sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc ít hung hăng hơn đối với các quốc gia khác. - VOA
|
|

5.
Mỹ, Nga, Iran ‘phân ranh giới’ sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay quân sự Syria

Nga, Iran và Hoa Kỳ đang tìm cách vạch ranh giới với nhau ở Syria, sau khi Moscow hôm 19/6 cảnh báo Washington sẽ coi bất kỳ máy bay nào của liên quân do Hoa Kỳ đứng đầu bay trong khu vực hoạt động của Nga như những mục tiêu tiềm năng. Lời cảnh báo của Nga được đưa ra sau khi không lực Mỹ bắn rơi một máy bay của Syria.

Căng thẳng leo thang vào ngày Chủ nhật (18/6) khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay gần Raqqa và Iran phóng tên lửa vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở miền đông Syria. Đây là lần đầu tiên các quốc gia trên thực hiện các hành động như vậy trong cuộc chiến tranh đa diện của Syria.

Một viên chỉ huy ủng hộ Damascus nói với Reuters rằng Tehran và Washington đang “vẽ ranh giới”.

Nga, cũng như Iran, là đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad, đã đưa ra cảnh báo riêng cho Hoa Kỳ để đáp trả lại vụ bắn hạ máy bay Syria.

Hôm thứ Hai, Moscow nói sẽ xem bất kỳ máy bay nào bay về phía tây sông Euphrates đều là các mục tiêu, nhưng không nói tiếp rằng sẽ bắn hạ các máy bay này.

Các sự kiện xảy ra gần đây cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong các khu vực ở Syria, nơi mà các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) đang rút lui, để lại một vùng lãnh thổ rộng lớn chờ chiếm cứ, đồng thời đặt ra câu hỏi về hướng sắp tới trong chính sách của Hoa Kỳ, vốn được hình thành với ưu tiên trước và trên hết là đánh bại các phần tử thánh chiến.

Hoa Kỳ cho biết máy bay quân đội Syria bị bắn rơi hôm Chủ nhật đã thả bom gần các chiến đấu cơ của Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh người Kurd và các chiến binh Ả Rập do Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu để chiếm thành phố Raqqa từ tay IS.

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Nga đáp trả bằng cách ngừng hợp tác với Hoa Kỳ nhằm tránh các sự cố trên không ở Syria, nơi mà không lực Nga đang ném bom để ủng hộ các chiến dịch của ông Assad chống lại quân nổi dậy và IS.

Quân đội Syria nói máy bay này bị bắn rơi trong khi đang thực hiện một sứ mệnh chống Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên SDF, cũng trong ngày thứ Hai, cáo buộc chính phủ Syria dùng máy bay, pháo binh và xe tăng, tấn công các vị trí của họ.

Phát ngôn viên SDF Talal Silo nói: “Nếu nhà cầm quyền vẫn tiếp tục tấn công các vị trí của chúng tôi ở tỉnh Raqqa, chúng tôi sẽ buộc phải trả đũa”.

Trong tháng này, chính phủ Syria đã tiến vào tỉnh Raqqa từ hướng tây, nhưng đã tránh được xung đột với SDF do Mỹ hậu thuẫn cho đến vụ việc mới nhất này.

Một chỉ huy quân đội ủng hộ Damascus, không phải người Syria, nói với Reuters với điều kiện giấu tên, rằng: “SDF đang ngày càng tự cao tự đại”.

“Có thể có vấn đề giữa họ và Soheil Hassan”, viên chỉ huy nói về giới chức Syria dẫn đầu cuộc tấn công của chính phủ ở tỉnh Raqqa. - VOA
|
|

6.
Cảnh sát London: Vụ đâm xe ‘rõ ràng’ nhắm vào người Hồi giáo

Cảnh sát trưởng thành phố London, Anh, nói vụ đâm xe tải vào những người đi bộ bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo trong thành phố hôm thứ Hai, khiến 10 người bị thương, “rõ ràng là một cuộc tấn công vào người Hồi giáo”.

“Có nhiều nạn nhân trong bệnh viện đang trong tình trạng nguy kịch”, cảnh sát trưởng Cressida Dick cho các nhà báo biết hôm 19/6.

“Chúng tôi coi đây là một cuộc tấn công khủng bố và chúng tôi, tại thành phố này, cũng bị sốc như bất cứ ai trong cộng đồng địa phương hoặc trên khắp đất nước, về những gì đã xảy ra”.

Thị trưởng thành phố London, Sadiq Khan, gọi vụ việc là “một cuộc tấn công khủng bố thực sự khủng khiếp vào thành phố của chúng tôi”. Còn Thủ tướng Theresa May nói đây là “một cuộc tấn công vào người Hồi giáo ngay gần nơi thờ phụng của họ”.

Phó trợ lý cảnh sát trưởng Neil Basu, điều phối viên quốc gia cấp cao về chống khủng bố, cũng minh định với các nhà báo hôm thứ Hai rằng một người đàn ông được cho là đã chết tại hiện trường ở bắc London đã nhận được trợ giúp y tế khi cuộc tấn công xảy ra, và còn quá sớm để nói cái chết của ông ta là có liên quan.

Các nhà chức trách cho biết cảnh sát đã bắt giam người lái xe tải 48 tuổi. Ông này đã bị người dân bắt giữ ngay tại hiện trường.

Ông Basu nói có vẻ như người đàn ông này là kẻ tấn công duy nhất. Ông khen ngợi những người bắt giam kẻ tấn công và nói hành động của họ là “đáng khen ngợi”.

Ông cho biết thêm rằng 10 người bị thương đều trong cộng đồng người Hồi giáo, và các nhà điều tra đang để ngỏ về động cơ tấn công.

Ông Harun Khan, Tổng thư ký của Hội đồng Hồi giáo Anh, nói dựa trên tường thuật của các nhân chứng, động cơ của người lái xe là do “hội chứng cuồng ghét Hồi giáo”.

Thông báo của Cảnh sát Thủ đô nói do tính chất của cuộc tấn công, “các đơn vị cảnh sát tăng cường đã được triển khai để trấn an cộng đồng, đặc biệt là những người đang trong tháng chay Ramadan”.

Nước Anh, đặc biệt là thủ đô London, đã phải đương đầu với nhiều vụ tấn công gần đây, bao gồm vụ đánh bom khủng bố hồi tháng trước ở Manchester, vụ tấn công xe và đâm dao gần cầu London gần đây. - VOA
|
|

7.
Paris: Đâm xe chở chất nổ vào cảnh sát, nghi can khủng bố thiệt mạng

Một người đang bị giới chức an ninh Pháp để ý tới, bị thiệt mạng hôm Thứ Hai sau khi đâm chiếc xe chở chất nổ vào đoàn xe cảnh sát trong khu vực thương mại trên đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris, gây ra vụ nổ cháy.

Giới chức chống khủng bố Pháp cho hay đang mở cuộc điều tra.

Không một cảnh sát viên hay người qua đường nào bị thương tích gì, theo sở cảnh sát Paris. Hiện chưa rõ lý do vì sao kẻ này đâm xe vào cảnh sát, tuy nhiên giới chức trách nhiệm nói rằng đây là một hành động cố ý.

Bộ Trưởng Nội Vụ Gerard Collomb cho hay người đàn ông thiệt mạng sau khi tìm cách tấn công đoàn xe cảnh sát, nói rằng điều này cho thấy mối đe dọa an ninh cho nước Pháp vẫn còn rất cao và chứng tỏ nhu cầu phải ban hành tình trạng khẩn cấp như hiện nay, vốn sẽ hết hạn vào ngày 1 Tháng Mười Một này.

Hai giới chức cảnh sát cho AP hay là họ tìm thấy một khẩu súng lục trên người kẻ lái xe, vốn bị phỏng nặng sau khi chiếc xe phát nổ.

Cảnh sát nói rằng đây là một người đàn ông 31 tuổi, ở khu ngoại ô Argenteuil của Paris và có hồ sơ cho thấy liên hệ với thành phần quá khích.

Sau vụ nổ, cảnh sát cô lập một đoạn dài trên đại lộ Champs-Elysees để điều tra. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Nghị Sĩ Cộng Hòa Macro Rubio: Chớ vội hủy bỏ Obamacare

Thượng Nghị Sĩ Macro Rubio lên tiếng khuyến cáo các đồng viện trong đảng chớ vội vàng đưa ra một dự luật của phía Cộng Hòa nhằm thay thế Obamacare, nói rằng cả hai đảng cần có cơ hội tranh luận về dự luật và đề nghị các thay đổi, dù rằng dự luật này được soạn thảo trong sự bí mật.

“Thượng Viện không phải là nơi mà chúng ta có thể soạn ra điều gì đó trong phòng bí mật và thúc đẩy dự luật này được thông qua,” theo lời Thượng Nghị Sĩ Macro Rubio (Cộng Hòa- Florida). “Do đó, tuy bước đầu tiên chỉ có một nhóm nhỏ can dự vào việc soạn thảo, nhưng sau đó tất cả mọi người phải có cơ hội đóng góp ý kiến của mình.”

Ông Rubio đưa ra lời phát biểu này giữa khi các thượng nghị sĩ phía đảng Cộng Hòa đang có nỗ lực hoàn tất dự thảo để thay thế Obamacare mà không qua một phiên họp chính thức để bàn thảo trước khi bỏ phiếu.

Chủ tịch khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), cho hay ông hy vọng sẽ đưa dự luật ra bỏ phiếu trong vòng hai tuần tới.

Tuy nhiên, ông Rubio nói rằng tiến trình này cần phải lâu hơn và kêu gọi Thượng Viện hãy chậm lại.

Các quan sát viên cho hay đây là lời phát biểu rất đáng được chú ý vì từ một thượng nghị sĩ Cộng Hòa trong khi đảng của ông muốn thông qua dự luật mà không cần tới phía Dân Chủ.

Tổng Thống Donald Trump muốn nhanh chóng có kết quả, dù rằng trong một cuộc họp kín với 15 thượng nghị sĩ Cộng Hòa tuần qua, ông gọi dự luật được Hạ Viện thông qua là “tàn nhẫn” và kêu gọi dự luật của Thượng Viện nên “ nhân ái hơn”.

Cả Thượng và Hạ Viện Mỹ nay đều do Đảng Cộng Hòa kiểm soát. - nguoiviet
|
|

9.
Treo cờ rũ tưởng niệm thủy thủ gốc Việt trên USS Fitzgerald

Anh Huỳnh Trương Ngọc Tân là một trong 7 thủy thủ thiệt mạng trên tàu USS Fitzgerald trong tai nạn đụng tàu ngoài khơi bờ biển Nhật Bản hôm thứ bảy 17/6, khi khu trục hạm Fitzgerald và một tàu vận tải hạng nặng mang cờ mang cờ Philippines, ACX Crystal, đâm vào nhau. Thống đốc Dannel P. Malloy hôm 19/6 loan báo ông đã hạ lệnh cho treo cờ rũ trên toàn bang Connecticut, có hiệu lực tức thời và kéo dài cho tới khi lễ an táng hoặc tưởng niệm thủy thủ Mỹ gốc Việt Huỳnh Trương Ngọc Tân đã được cử hành.

Anh Huỳnh Trương Ngọc Tân đến từ thành phố Watertown, bang Connecticut, là Kỹ Thuật Viên tầm soát vật thể ngầm trên tàu USS Fitzgerald. Thống đốc bang Connecticut, Dannel P. Malloy, loan báo treo cờ rũ trên toàn tiểu bang trên trang Twitter của văn phòng Thống đốc:

“Các quân nhân và gia đình của họ đã hy sinh quá nhiều để phục vụ đất nước chúng ta. Hôm nay là một ngảy đau buồn và là một lời nhắc nhở bi thương về những gì mà các binh sĩ của chúng ta, nam cũng như nữ, đang làm để bảo vệ đất nước chúng ta mỗi ngày.”

Phó Thống đốc Nancy Wyman nói:

“Đây là tin đau buồn cho gia đình và bạn bè của 7 thủy thủ mà chúng ta đã mất, tin đau buồn cho Connecticut, và cho đất nước. Thảm họa hôm nay nhắc nhở chúng ta về những hy sinh to lớn của các quân nhân Mỹ và gia đình của họ cho đất nước. Chúng ta biết ơn về lòng can đảm và tinh thần phục vụ của họ. Và chúng ta chia sẻ nỗi buồn sâu xa của gia đình Huỳnh Trương Ngọc Tân trong khi họ đang để tang người thân.”

Trong một thông báo, quyền Bộ trưởng Hải quân Sean Stackey bày tỏ: “Chúng ta vô cùng đau buồn về cái chết của các anh em thủy thủ của chúng ta.. Với những tình tiết mới xuất hiện liên quan tới sự cố này, chúng ta không thể nào tự hào hơn về nỗ lực can trường của thủy thủ đoàn trong việc cứu giúp những người bị thương và cứu tàu khỏi bị hư hại hơn nữa để có thể quay về bến an toàn. ”

Phó Đô Đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Đệ Thất Hạm đội, miêu tả cảnh tượng kinh hoàng giữa lúc các thủy thủ phấn đấu để tránh tàu chìm. Ông cho biết là một phòng máy và hai khoang giường ngủ dành cho 116 thủy thủ bị hư hại nặng nề sau vụ đâm tàu.

Anh Huỳnh Trương Ngọc Tân gia nhập Hải quân Hoa Kỳ năm 2014. Theo gia đình thì anh yêu đời thủy thủ. Nói chuyện với báo chí,chị/em gái của anh chia sẻ:

“Gia đình tôi chỉ có mẹ và bốn chị em. Mất Ngọc Tân là một khoảng trống lớn. Gia đình tôi không còn trọn vẹn nhưng tôi cảm thấy được an ủi vì biết anh tôi không hy sinh đơn độc, anh đã ra đi cùng với những người anh em đồng đội của mình.”

Đối với nhiều người, đặc biệt là người Việt Nam, một chi tiết càng làm cho câu chuyện trở nên thương tâm hơn, bởi vì ngày thứ bảy 18/6, ngày thi thể anh Ngọc Tân và đồng đội được tìm thấy trong khoang, rơi đúng vào ngày sinh nhật 25 tuổi của anh.

Lệnh treo cờ rũ được áp dụng cho cả quốc kỳ Mỹ và cờ của tiểu bang Connecticut. Theo quy định, không một lá cờ nào được giương cao hơn quốc kỳ Mỹ, và do đó tất cả các lá cờ, cờ tiểu bang, huy hiệu Hội đồng Thành phố, cờ công ty và các cờ hiệu khác đều phải treo rũ trong cùng thời gian.

Ngoài anh Ngọc Tân, trên danh sách thủy thủ thiệt mạng trong vụ va tàu còn có các thủy thủ: Dakota Kyle Rigsby, 19 tuổi đến từ bang Virginia; Shingo Alexander Douglass, 25 tuổi, từ San Diego; Noe Hernandez, 26 tuổi, từ Texas; Carlos Victor Ganzon Sibayan, 23 tuổi, đến từ California; Xavier Alec Martin, 24 tuổi, đến từ Maryland; và Gary Leo Rehm Jr, 37 tuổi, từ bang Ohio. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Bộ quốc phòng Việt-Trung ký thỏa thuận hợp tác đào tạo

Thượng tướng Phạm Trường Long, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân uỷ Trung Ương Trung Quốc vào ngày 18 tháng 6 được đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đón nhân chuyến thăm chính thức trong hai ngày 18 và 19 tháng 6.

Tin cho biết trong lần gặp này, hai phía ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Hai phía cũng thống nhất biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 mà hai phía mới ký kết vào tháng giêng năm nay.

Sau hai ngày thăm chính thức Việt Nam, ông Phạm Trường Long sẽ cùng người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam chủ trì các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ tư tại Lai Châu- Việt Nam và Vân Nam- Trung Quốc từ ngày 20 đến 22 tháng 6.

Hai nước cùng theo hệ tư tưởng cộng sản nhưng đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974; hiện nay Trung Quốc tiến hành quân sự hóa những đảo nhân tạo tại Trường Sa; trong đó có những đảo chiếm của Việt Nam vào năm 1988. - RFA
|
|

11.
HRW: Giới hoạt động nhân quyền Việt Nam 'không chốn dung thân'

Phúc trình của Human Rights Watch phổ biến hôm 19/6/ 2017 nói rằng tại Việt Nam các blogger và các nhà tranh đấu cho nhân quyền bị đánh đập, đe dọa, và hăm dọa trừng phạt. Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng này và buộc những kẻ vi phạm chịu trách nhiệm. Các chính phủ cấp viện phải yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt trấn áp, và rằng đàn áp tự do Internet, phát biểu ôn hòa và hoạt động tranh đấu sẽ gánh chịu những hậu quả.

Phúc trình 65 trang nhan đề 'Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền - Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị tấn công' nêu rõ 36 trường hợp những kẻ không rõ lai lịch, mặc thường phục hành hung những người tranh đấu cho nhân quyền và các blogger trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, và thường gây ra thương tích trầm trọng. Các nạn nhân thuật lại rằng nhiều vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp.

Ông Brad Adams, Giám đốc châu Á của HRW, nói: "Tình trạng các nhà hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bỏ tù vì nói lên ý kiến của mình là đã quá tệ rồi, giờ đây họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn hàng ngày, chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Chính phủ Việt Nam cần phải nói nói rõ rằng kiểu hành xử đó sẽ không được dung thứ, và chấm dứt chiến dịch tấn công những người vận động cho nhân quyền theo cách thức đó."

Human Rights Watch ghi nhận một chiến thuật hành hung các blogger và các nhà tranh đấu cho nhân quyền trên khắp cả nước, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, và Vũng Tàu, và tại các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lâm Đồng, và Bắc Giang.

Nhiều vụ hành hung xảy ra trước công chúng, ngay trên những đường phố ở Việt Nam, như vụ hồi tháng 7/2016 khi nhà hoạt động tranh đấu cho môi trường Lã Việt Dũng bị tấn công khi đang trên đường về nhà sau buổi sinh hoạt xã hội với Câu lạc bộ No-U Football ở Hà Nội. Những kẻ không dõ lai lịch đã dùng gạch đập vào đầu, làm chấn thương sọ não ông Dũng.

Tháng 5/2014, những kẻ lạ mặt dùng cây sắt đánh nhà tranh đấu cho nhân quyền Trần Thị Nga làm bà gãy đầu gối và cánh tay trái. Những vụ hành hung xảy ra ngay tại những nơi công công cộng, như trong quán cà phê. Hồi tháng 6/2016, một kẻ không rõ lai lịch đã đấm vào mặt nhà vận động cho dân chủ Nguyễn Văn Thạnh trong một quán cà phê ở Đà Nẵng. Công an đến hiện trường thay vì điều tra vụ hành hung, họ lại bắt ông Thành nhiều giờ đồng hồ để thẩm vấn ông vế các bài viết chính trị.

Trong các vụ khác, những kẻ lạ mặt cưỡng ép các nhà hoạt động lên xe hơi hay xe van, hành hung họ và thả họ ra giữa những nơi hoang vắng. Điển hình là vào tháng 4/2017, một nhóm người mặc thường phục, đeo khẩu trang bắt cóc hai nhà hoạt động cho nhân quyền Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc ở Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đưa họ lên xe van để đánh đập bằng bằng cây gậy và dây thắt lưng rồi bỏ hai nhà hoạt động này ở giữa rừng. Tháng 2/2017, một nhóm côn đồ mặc thường phục bắt cóc nhà tranh đấu cho nhân quyền Nguyễn Trung Tôn và bạn của ông là Nguyễn Việt Tứ, cũng tại Ba Đồn, lôi họ lên xe van và chở đi. Những tên này lột quần áo của ông Tôn và ông Tứ, lấy áo jacket trùm đầu họ và đánh họ bằng ống sắt rồi thả họ ra giữa rừng. Ông Nguyễn Trung Tôn bị đa chấn thương và phải đi bệnh viện phẫu thuật chữa trị.

Ông Adams nói: “Tình trạng những kẻ thủ ác bắt cóc các nhà hoạt động giữa ban ngày, cưỡng ép họ lên xe, hành hung họ phơi bày hành động trừng phạt nhắm vào các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam phải hiểu rằng việc dung thứ các hành vi bạo lực như thế sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn chứ không phải trật tự và ổn định xã hội như họ tuyên bố đang cố gắng hướng tới."

Các nhà hoạt động cũng bị hành hung sau khi tham gia các sự kiện của công chúng, chẳng hạn như các cuộc biểu tình vì môi trường, các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, hoặc các sự kiện liên quan đến nhân quyền. Tháng 12/2015, nhà vận động cho nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi rời buổi nói chuyện về nhân quyền và hiến pháp tại một giáo xứ ở Nam Đàn, Nghệ An, cùng với ba người bạn đã bị một nhóm người đeo khẩu trang chặn xe taxi của họ lại, lôi các nhà hoạt động này lên xe của bọn chúng và đánh đập họ.

Ngay cả những hành động bày tỏ tình đoàn kết như đi thăm các cựu tù nhân chính trị hay chào đón một tù nhân chính trị trở về cũng mở màn cho những hành vi bạo động nhắm vào các nhà hoạt động. Tháng 8/2015, một nhóm blogger và các nhà hoạt động, gồm Trần Thị Nga, Chu Mạnh Sơn, Trương Minh Tâm, Lê Thị Hương, Phan Văn Khanh và Lê Đình Lương đi Lâm Đồng thăm nhà tranh đấu chính trị Trần Minh Nhất sau khi ông được thả khỏi tù sau 4 năm vị bị kết tội tham gia một đảng chính trị ở nước ngoài bị Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Khi các nhà hoạt động này sau đó lên các chuyến xe đò khác nhau để về nhà thì những kẻ lạ mặt mặc thường phục cũng lên những chuyến xe đó, kéo họ xuống và hành hung họ trước mặt mọi người.

Trong hầu hết các vụ, Human Rights Watch nhận thấy không ai bị truy cứu trách nhiệm hành hung, bất chấp các nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung. Ngược lại, một số nạn nhân, trong đó có các nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga sau đó bị truy tố với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước: theo điều 88 của bộ luật hình sự. Tình trạng này nêu lên những câu hỏi về những quan hệ giữa nhà cầm quyền với những kẻ tấn công trong những trường hợp này.

Phúc trình dẫn chứng những vụ được truyền thông báo chí nước ngoài loan tải, như Đài Á châu Tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, BBC, SBTN, các mạng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube, các trang web độc lập chính trị như Dân Làm báo, Dân luận, Việt Nam Thời báo, Tin mừng cho Người nghèo, Bảo vệ cho những Người bảo vệ, và các trang blog cá nhân. Nhiều vụ hành hung các nhà hoạt động được nêu lên trong phúc trình này chưa bao giờ được loan tải trên truyền thông báo chí bằng tiếng Anh, và cũng không được đăng tải trên truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam.

Ông Adams cho biết: “Kiểm duyệt truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam xóa bỏ nhiều tiếng nói chỉ trích ôn hòa tại Việt Nam muốn bày tỏ những lo ngại của họ trên mạng Internet. Hình thức hành hung các blogger và các nhà hoạt động kiểu này rõ ràng là nhắm mục đích làm câm những tiếng nói chỉ trích, những người mà trong nhiều trường hợp không có cách nào khác để bày tỏ những lo ngại chính đáng của họ.”

Xu hướng gia tăng những vụ hành hung được ghi nhận xảy ra cùng lúc với xu hướng giảm sút tạm thời số vụ bắt bớ chính trị trong khoảng thời gian mà Việt Nam đang thương thảo với Hoa Kỳ về hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là một điểm quan trọng của các cuộc thương lượng đó và của các cuộc tranh luận của Quốc hội Mỹ. Có lẽ chính phủ Việt Nam muốn chứng tỏ số vụ bắt bớ và xét xử chính trị giảm xuống, nhưng theo đuổi các biện pháp trấn áp những người bất đồng. Điều mỉa mai là nhiều nạn nhân bị hành hung là những cựu tù nhân chính trị, như ông Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cường, Chu Mạnh Sơn, và Mai Thị Dung. Tuy nhiên những bằng chứng mới đây lại cho thấy một làn sóng bắt bớ mới lại nổi lên song song với các vụ hành hung côn đồ nhắm vào các nhà hoạt động.

Ông Adams nói: “Các nhà hoạt động và các blogger dũng cảm này đang cam chịu ngược đãi hàng ngày, nhưng họ không từ bỏ lý tưởng. Các nhà cấp viện quốc tế và các đối tác thương mại với Việt Nam phải ủng hộ tinh thần đấu tranh của họ bằng cách thúc giục chính phủ Việt Nam ngưng đánh đập, hành hung họ và buộc những kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm.” - VOA
|
|

12.
Tuần duyên Việt-Nhật lần đầu thao dượt chung

Lực lượng Tuần duyên Nhật và lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam lần đầu tiên thao dượt chung vào tuần rồi, chú trọng ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp trên Biển Đông. Cuộc thao dượt đánh dấu bước quan trọng trong việc hợp tác thực thi luật biển giữa hai nước vốn đang tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây.

Cuộc diễn tập ngoài khơi thành phố cảng Đà Nẵng được tiến hành theo lời mời của Việt Nam, đài truyền hình NHK của Nhật Bản loan tin. Tàu tuần duyên Nhật Bản tham gia diễn tập là chiếc Echigo, trọng tải 3.100 tấn có thể chở được một máy bay trực thăng hạng nhẹ. Cuộc tập trận cũng có sự tham gia của tàu hải quân do Nhật cung cấp cho Việt Nam.

NHK dẫn lời một giới chức Tuần duyên Nhật khẳng định: “Giới hữu trách hàng hải hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết mọi loại đe dọa nhằm đảm bảo các vùng biển tự do, ổn định và mở rộng, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng khu vực.”

Trong quá khứ, tuần duyên Nhật Bản đã tổ chức những cuộc tập trận chung nhỏ hơn với đối tác Việt Nam, chú trọng những hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Trong khuôn khổ chiến lược khu vực Biển Đông, Tokyo đã tìm cách cải thiện nhận thức hàng hải và khả năng thực thi luật pháp của các lực lượng tuần duyên trong khu vực. Trong trường hợp Việt Nam, Tokyo đã cung cấp 6 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng cho Hà Nội.

Phát biểu vào tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói rõ chiến lược Biển Đông của Nhật Bản sẽ chú trọng rõ ràng vào việc “cung cấp hỗ trợ gầy dựng khả năng cho các nước ven biển” bao gồm Việt Nam và Philippines. Tháng trước, tàu hải quân lớn nhất Nhật Bản, JS Izumo, cùng với hải quân Việt Nam diễn tập trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Trước đây trong tháng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Nhật 4 ngày, thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về các vấn đề an ninh vùng. Hai nước đã nhanh chóng tăng cường đối tác chiến lược. Nhật đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong tư cách là nguồn cấp viện chính thức lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai trong các nguồn đầu tư nước ngoài, và là đối tác thương mại hàng thứ tư.

Việt Nam là một nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Việt Nam thường xuyên đối mặt với những tàu nước ngoài từ Trung Quốc, Malaysia, và Indonesia xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt bất hợp pháp. Tuần duyên Việt Nam là lực lượng chấp pháp nồng cốt trên biển, nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng Việt Nam. - VOA
|
|

13.
Tĩnh Hội Họp Mặt Dân Chủ 2017 tại miền Nam California

Tĩnh Hội Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) 2017 được tổ chức tại tòa nhà International House, trong khuôn viên đại học Cal State Long Beach, miền Nam California, từ chiều 15 đến trưa ngày 18 tháng 6, 2017.

Đông đảo thành viên, thân hữu của HMDC thuộc nhiều thế hệ, nhiều lãnh vực, nhiều chuyên môn, từ nhiều nơi trên thế giới và các tiểu bang của Hoa Kỳ cùng về tham dự trong tình thân lẫn sự tương kính.

Ông Lâm Đăng Châu, trưởng ban phối hợp HMDC, từ Đức sang, trong buổi họp mặt thân hữu kỷ niệm 16 năm thành lập HMDC hôm tối Thứ Bảy, 17 Tháng Sáu, trình bày sơ lược về tổ chức này.

Theo ông Châu, “HMDC từ ngày thành lập năm 2002 đến nay mỗi năm đều tổ chức ‘tĩnh hội’ hay ‘dân chủ’ luân phiên tại Hoa Kỳ và Âu Châu, cũng như hai lần ở Đông Nam Á. Tĩnh hội HMDC hàng năm là nơi các thành viên và thân hữu có dịp gặp gỡ nhau, đến tham dự với tính cách cá nhân, dù nhiều thành viên và thân hữu đang sinh hoạt đặc biệt trong nhiều tổ chức đoàn thể khác nhau.”

Mục đích của tĩnh hội HMDC là để “gặp gỡ, trao đổi với nhau về tình hình Việt Nam tình hình thế giới và tình hình cộng đồng người Việt. Thứ nhất là độc lập dân tộc mà trước mắt là hiểm họa bành trướng của Trung Quốc. Thứ hai là góp phần chuyển đổi độc tài sang dân chủ,” ông Châu cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông, “HMDC hàng năm còn là nơi các thành viên có những quyết định liên quan đến hướng đi và phát triển của HMDC. Tuy nhiều thành viên HMDC ở xa nhau, địa lý cách biệt, tuổi đời cách biệt, HMDC tạo được tình thân và sự tương kính cho nhau qua những năm sinh hoạt chung.”

Trong phần trình bày của mình, ông Châu cũng giới thiệu cơ cấu điều hành của HMDC bao gồm Ban Quy Ước giữ vai trò giám sát các hoạt động của HMDC và Ban Phối Hợp có trách nhiệm phối hợp đối nội, đối ngoại HMDC.

Tại buổi họp mặt này, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt trình bày vấn đề “Tình hình Việt Nam và cuộc vận động dân chủ hóa hiện nay.”

“Trong kỳ tĩnh hội này, chúng tôi có phân tích ba yếu tố thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Thứ nhất là yếu tố quần chúng, trong đó có công nhân và nông dân, có những người trí thức thành thị. Thứ hai là yếu tố những người hoạt động trong các tổ chức dân sự hay hoạt động theo từng nhóm, dù là có nổi tiếng, có tên tuổi hay không, nhưng phần lớn những hoạt động đó là do những người trẻ dưới 40 tuổi, dĩ nhiên cũng có những người lớn tuổi. Thành phần thứ ba là thành phần ngay trong nội bộ đảng CSVN, những người vẫn còn là đảng viên, là cán bộ, có thể họ không trực tiếp trong chính quyền, nhưng ảnh hưởng của họ vào những người đang cầm quyền không phải là nhỏ,” Giáo Sư Hoạt nói.

Theo ông, “tiến trình dân chủ diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào nỗ lực của những người Việt Nam dân chủ yêu nước cả trong lẫn ngoài nước.”

Trước đó, nhiều vấn đề như “Tình hình đảng CSVN sau đại hội 12,” “Tình hình các lực lượng dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước,” “Quan hệ ngoại giao của chính quyền mới của Tổng Thống Donald Trump với Việt Nam,” “Bài học hậu cộng sản Đông Âu,”… cũng được nhiều diễn giả trình bày, như Bùi Tín, Phạm Chí Dũng, Bùi Quanh Vơm, Đoan Trang, Linh Mục Lê Ngọc Thanh, Ca Dao, Đỗ Quý Toàn, Lê Xuân Khoa, Lê Minh Nguyên, Phạm Hoàng, Lâm Đăng Châu…

Đến dự buổi họp mặt thân hữu kỷ niệm 16 năm thành lập HMDC có các ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Hội đồng Điều hành Trung ương Lực Lượng Cứu Quốc; kỹ sư Đỗ Như Điện, giám đốc đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi; Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, phó chủ tịch đảng Tân Đại Việt; và nhà báo Bùi Tín.

Ông Tín cũng có những phát biểu liên quan đến những vấn đề mà HMDC nêu ra.

“Tôi sống xa gia đình, xa vợ con, nên HMDC đối với tôi là gia đình,” nhà báo ngoài 90 tuổi Bùi Tín nêu cảm nhận trước khi kết thúc buổi gặp gỡ. - nguoiviet
|
|

14.
Dân Việt Nam muốn xài điện thoại di động phải cung cấp hình cá nhân

Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN vừa ban hành lệnh, ngoài giấy tờ tùy thân, người sử dụng điện thoại di động phải bổ sung “hình chân dung chính chủ,” nếu không muốn bị khóa mạng liên lạc.

Nói với báo Tuổi Trẻ, đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ Internet cho biết, họ đã làm việc này theo Nghị Ðịnh số 49/2017 của chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông.

Theo đó, ngoài những thông tin hiện hành như giấy căn cước, người sử dụng điện thoại di động phải cung cấp hình chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Các nhà cung cấp mạng điện thoại sẽ phải lấy những thông tin này đối với người ghi danh mới sau ngày 24 Tháng Tư 2017. Việc bổ sung này được thực hiện bằng cách đặt thêm camera tại các quầy giao dịch, và khi khách hàng đến làm thủ tục ghi danh SIM sẽ được yêu cầu chụp hình chân dung. Với các thuê bao đã sử dụng trước đó sẽ có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.

“Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.”

Quy định “Trời ơi” này đang khiến trên 119 triệu khách hàng dùng điện thoại di động ở Việt Nam “lên ruột,” bởi điều này có thể sẽ “gây khó” cho nhiều người.

Sau khi thông tin này được loan truyền, nhiều người dân tức giận phản ứng với báo chí.

Thế nhưng, nói với báo Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Sáu, bà Lê Thị Ngọc Mơ, phó cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông Tin Truyền Thông, cho biết, nghị định này được ban hành với mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Bởi lẽ, tại Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán và các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim rác, là những sim thuê bao di động trả trước ghi danh thông tin chủ thuê bao không chính xác. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment