Sunday, June 11, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 11/6

Tin Thế Giới

1.
Ả-rập Saudi, Bahrain hoan nghênh Trump chỉ trích Qatar --- Iran, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển thực phẩm đến Qatar --- Khủng hoảng Qatar ‘không đe dọa’ World Cup 2022

Ả-rập Saudi và Bahrain hôm thứ Bảy hoan nghênh đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Qatar phải ngừng hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, nhưng không đáp lại việc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi họ giảm áp lực lên quốc gia vùng Vịnh này.

Sau khi cắt đứt quan hệ với Qatar hôm thứ Hai, Ả-rập Saudi nói họ cam kết "hành động quyết đoán và nhanh chóng nhằm cắt đứt tất cả các nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố" trong một tuyên bố mà hãng thông tấn nhà nước SPA loan tải, dẫn "một nguồn tin chính thức."

Và trong một tuyên bố riêng rẽ được đưa ra vào thứ Sáu, Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả-rập (UAE) ca ngợi "sự lãnh đạo [của ông Trump] trong việc thách thức sự hỗ trợ đáng lo ngại của Qatar đối với chủ nghĩa cực đoan."

Ông Trump hôm thứ Sáu cáo buộc Qatar là nước tài trợ khủng bố "cao cấp," ngay cả khi Ngũ Giác Đài và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng quân sự, thương mại và nhân đạo của tình trạng phong tỏa do các quốc gia Ả-rập và các nước khác gây ra.

Một bản tin riêng rẽ của SPA hôm thứ Bảy ghi nhận việc ông Tillerson kêu gọi Qatar chấm dứt hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, nhưng không nhắc tới phát biểu của ông rằng cuộc khủng hoảng đang gây tổn hại cho người Qatar bình thường, làm đình trệ những giao dịch kinh doanh và gây phương hại cho cuộc chiến của Mỹ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Ả-rập Saudi nói hành động của họ được đưa ra sau khi Hội nghị Mỹ Hồi giáo Ả-rập kết thúc hồi tháng trước tại Riyadh, nơi ông Trump đọc bài diễn văn về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Ông Trump nói ông đã giúp hoạch định hành động này chống lại Qatar, song một quan chức chính quyền cao cấp nói với hãng tin Reuters đầu tuần này rằng Mỹ không nhận được chỉ dấu nào từ Ả-rập Saudi và UAE trong chuyến thăm rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ với Qatar. - VOA

***
Người phát ngôn của hãng Iran Air Shahrokh Noushabadi cho biết Iran đã điều ít nhất bốn máy bay vận tải chở thực phẩm đến Qatar và sẽ tiếp tục điều thêm sau khi các bên cung ứng lớn nhất của nước này cắt đứt quan hệ với đất nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ sẽ đóng góp lương thực cho Qatar trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sau khi Ả-rập Xê-út đóng cửa đường biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar. Hầu hết lương thực nhập khẩu của Qatar đi qua đường biên này.

Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar hồi tuần trước, cáo buộc đất nước nhỏ bé này ủng hộ các chiến binh Hồi giáo và Iran. Qatar đáp lại là những lời cáo buộc này thật vô căn cứ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ về Qatar. - VOA

***
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino hôm 11/6 lên tiếng nói rằng ông không tin cuộc khủng hoảng ngoại giao đang khiến nước chủ nhà Qatar bị cô lập sẽ ảnh hưởng tới việc nước này đăng cai giải vô địch bóng đá thế giới năm 2022.

Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên các tờ Matin Dimanche và Sonntagszeitung của Thụy Sĩ, người đứng đầu tổ chức phụ trách bóng đá lớn nhất thế giới nói rằng ông kỳ vọng tình hình ngoại giao sẽ trở lại bình thường vào thời điểm giải đấu khai mạc trong khoảng hơn 5 năm nữa.

Ảrập Xêút, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Bahrain đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn các chiến binh Hồi giáo cực đoan và Iran. Nhưng Qatar nói rằng các cáo buộc đó vô căn cứ.

Khi được hỏi rằng liệu việc Qatar tổ chức giải đấu có gặp trở ngại gì hay không, ông Infantino nói: “Không. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi không có thói quen suy đoán và lần này, tôi cũng sẽ không làm vậy”.

​Ông cho biết thêm rằng FIFA theo dõi sát tình hình và liên lạc thường xuyên với chính quyền Qatar.

“Vai trò của FIFA là xử lý những vấn đề liên quan tới bóng đá và không can thiệp vào các vấn đề địa chính trị. Đúng là chúng ta đang thực sự đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao”, ông chủ tịch nói.

“Nhưng mặt khác, tôi tin tưởng rằng khu vực sẽ trở lại bình thường. World Cup sẽ diễn ra vào năm 2022. Trong 5 năm nữa”.

Ông Infantino nói thêm rằng “nếu bóng đá có thể có đóng góp nhỏ nhoi để cải thiện [tình hình], tôi sẽ không ngần ngại giúp đỡ”. - VOA
|
|

2.
Mỹ đồng thuận với các nước kêu gọi cứu lấy các đại dương

Mỹ đã cùng các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi hành động để cứu lấy các đại dương của thế giới, ngay cả khi nước này từ bỏ thỏa thuận Paris chống lại biến đổi đổi khí hậu.

Văn kiện cuối cùng được tất cả 193 quốc gia thành viên chấp thuận vào ngày thứ Sáu sau khi kết thúc hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về đại dương.

Văn kiện được các nước tán đồng hôm thứ Sáu nói: "Chúng tôi đặc biệt lo ngại về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên đại dương." Nó cũng ghi nhận "tầm quan trọng đặc biệt" của thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh về đại dương thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp để làm giảm ô nhiễm biển và sự axít hóa đại dương và thúc đẩy nghiên cứu về đại dương.

Nó cũng bao gồm cam kết tự nguyện của các chính phủ thế giới giảm thiểu sử dụng nhựa, chống lại tình trạng nước biển dâng cao và sự tăng nhiệt đại dương, và chấm dứt hoạt động đánh bắt trái quy định.

Hội nghị khai mạc vào ngày thứ Hai ngay sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris. - VOA
|
|

3.
Biệt kích Afghanistan giết hại binh sĩ Mỹ

Ba binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng và một người khác bị thương hôm 10/6 sau khi một biệt kích địa phương bắn họ ở miền đông Afghanistan.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar cho biết rằng vụ xả súng xảy ra tại huyện Achin, nơi các lực lượng biệt kích Mỹ đang cùng với các binh sĩ Afghanistan chiến đấu chống lại các chiến binh Taliban và Nhà nước Hồi giáo.

Người phát ngôn này cho biết thêm rằng người nổ súng sau đó cũng đã bị triệt hạ.

Một quan chức Mỹ giấu tên xác nhận với Reuters về vụ việc xảy ra tại tỉnh Nangarhar do một thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan thực hiện.

Reuters dẫn lời của chính quyền cho biết rằng “chưa rõ nguyên nhân vụ xả súng”, và “một cuộc điều tra đã bắt đầu”.

Một phát ngôn viên của quân đội Mỹ ở Kabul cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc, nhưng không thể xác nhận bất kỳ chi tiết nào.

Trong khi đó, người phát ngôn của Taliban nói rằng nhân vật nhả đạn là một thành viên của nhóm này, và bốn người Mỹ đã bị giết cùng nhiều người khác bị thương. - VOA
|
|

4.
Philippines ‘không nhờ’ Mỹ chống chiến binh Hồi giáo

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 11/6 cho biết rằng ông không nhờ Washington hỗ trợ chấm dứt cuộc vây hãm của các chiến binh Hồi giáo tại một thành phố của nước này.

Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ thông báo đã giúp đỡ Philippines theo lời đề nghị của chính phủ nước này.

Trao đổi tại một cuộc họp báo ở cách thành phố bị vây hãm là Marawi khoảng 100 km, ông Duterte nói rằng ông “chưa bao giờ tiếp cận” Mỹ để xin giúp đỡ.

Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thân Nhà nước Hồi giáo tại Mindanao, ông Duterte nói rằng ông “không hay biết về chuyện đó cho tới khi tới nơi [họp báo]”.

Theo Reuters, sự hợp tác giữa hai đồng minh là điều đáng chú ý vì ông Duterter, sau khi lên nhậm chức năm ngoái, đã có quan điểm không mặn mà đối với Washington, và thậm chí còn tuyên bố đưa hết các huấn luyện viên và các cố vấn quân sự khỏi nước mình.

Hiện chưa rõ là liệu phe quân nhân thân Mỹ có tự ra quyết định mà không cần ý kiến của ông Duterte hay không.

Quân đội Philippines hôm 10/6 nói rằng các lực lượng của Mỹ chỉ hỗ trợ kỹ thuật và không có binh sĩ tại thực địa.

Phe quân nhân xác nhận một tuyên bố của đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc chính phủ Philippines đã đề nghị giúp đỡ. - VOA
|
|

5.
Pakistan kết án tử hình Facebooker

Một tòa án chống khủng bố ở Pakistan đã tuyên án tử hình đối với một người đàn ông bị cáo buộc đã phỉ báng trên Facebook.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên một người phải nhận án tử hình vì tội này trên mạng xã hội.

Việc kết án Facebooker Taimoor Raza, 30 tuổi, tiếp sau cuộc trấn áp quy mô của chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif đối với việc phỉ báng trên mạng xã hội.

Ông Shafiq Qureshi, công tố viên ở Bahawalpur, cách thủ đô Lahore khoảng 500 km về phía nam, cho biết ông Raza đã bị kết tội vì có những lời xúc phạm Đấng tiên tri Mohammad, vợ và những người bạn của ông.

​Phỉ báng là một chủ đề hết sức nhạy cảm ở Pakistan, quốc gia gồm phần đông là tín đồ Hồi giáo.

Tại quốc gia Nam Á này, việc phỉ báng đấng tiên tri Mohmmad đồng nghĩa với án tử hình, và hàng chục người đã bị kết tội chết.

Theo Reuters, việc tòa án chống khủng bố xử các vụ phỉ báng là chuyện hiếm, nhưng cáo buộc đối với ông Raza bao gồm các vi phạm về chống khủng bố liên quan tới phát biểu gây thù hận. - VOA
|
|

6.
Con trai Gadhafi được thả sau 5 năm bị giam

Seif al-Islam, con trai nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi, đã được thả ra sau hơn 5 năm bị giam cầm, những người cầm giữ ông cho hay hôm 10/6.

Có thời ông Seif al-Islam được cho là người thừa kế rõ ràng của ông Gadhafi.

Một tuyên bố của tổ chức có tên Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq cho biết Seif al-Islam đã được thả hôm 9/6, nhưng không cho biết chi tiết ông ta ở đâu.

Các quan chức của tổ chức nêu trên đã tiếp xúc với hãng tin AP ở Zintan, một thị trấn phía nam thủ đô Tripoli, nơi tổ chức đặt căn cứ. Họ đã khẳng định về việc phóng thích ông Seif al-Islam. Nhưng họ từ chối tiết lộ địa điểm của ông do có những lo ngại về sự an toàn của ông ta.

Họ nói quyết định về việc phóng thích ông là một phần trong lệnh ân xá do quốc hội Libya mới ban hành. Quốc hội có trụ sở ở khu vực phía đông của đất nước này.

Quốc hội ở thành phố Tobruk là một phần thuộc một trong ba chính quyền kình chống nhau ở Libya, là bằng chứng về sự hỗn loạn bao trùm lên đất nước này kể từ khi ông Gadhafi sụp đổ và chết.

Con trai của ông Gadhafi bị các chiến binh của Tiểu đoàn Abu Bakr al-Siddiq bắt vào cuối năm 2011. Trong năm đó, một cuộc nổi dậy của nhân dân đã lật đổ ông Gadhafi sau hơn 40 năm nắm quyền. Sau đó ông ta đã bị giết.

Cuộc nổi dậy sau đó đã làm cho quốc gia Bắc Phi giàu dầu lửa rơi vào một cuộc nội chiến tàn khốc, trong đó Seif al-Islam đã lãnh đạo lực lượng trung thành với ông Gadhafi chống quân nổi dậy. - VOA
|
|

7.
Bầu Quốc Hội Pháp: Chính trường được dự báo thay đổi sâu rộng

Tại Pháp, Chủ nhật hôm nay 11/06/2017 là ngày bầu vòng một bầu Quốc Hội. Khoảng 47 triệu cử tri được mời đi bỏ phiếu chọn 577 dân biểu trên tổng số 7.877 ứng cử viên cho Quốc Hội khóa mới. Một tháng sau ngày đắc cử với chương trình cải cách sâu rộng, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng đảng Cộng Hoà Tiến Bước (REM) sẽ giành được đa số tuyệt đối.

Trong bối cảnh an ninh được 50.000 cảnh sát và quân nhân canh phòng chặt chẽ đề phòng khủng bố, cử tri Pháp bắt đầu đi bầu từ 8 giờ sáng Chủ nhật. Trước các kết quả thăm dò dự báo phe ủng hộ tổng thống sẽ chiến thắng áp đảo, thủ tướng Edouard Philippe thận trọng : "Không có gì chắc chắn cả".

Tuy nhiên, giới phân tích đoan chắc Quốc Hội mới, phản ánh kết quả bầu tổng thống cách nay một tháng, sẽ đảo lộn truyền thống tả - hữu truyền thống, do khát vọng đổi mới chính trường của người dân.

Trước hết, trong số 577 dân biểu mãn nhiệm, 255 người không tái tranh cử. Hạ Viện tương lai sẽ gồm nhiều khuôn mặt mới, đa số xuất phát từ xã hội dân sự cho dù thuộc phe cánh nào. Trong bối cảnh này, một số tổ chức chính trị truyền thống phải đối đầu với những thử thách tồn vong.

Chỉ sau một năm thành lập, đảng Cộng Hoà Tiến Bước, theo chủ trương « mở rộng, không tả không hữu » được dự báo sẽ trấn giữ trung tâm chính trường.

Ở bên cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hoà (LR) hy vọng vào mạng lưới lãnh đạo cơ sở và các chính trị gia kinh nghiệm để chiến thắng bất ngờ, lấy ghế thủ tướng, nhưng do nội bộ phân tán, chỉ có thể về nhì.

Phía cánh tả, đảng Xã Hội, sau khi ứng cử viên tổng thống Benoit Hamon bị thua đậm, đang phải tranh đấu để sống còn. Từ vị thế đa số trong Quốc Hội mãn nhiệm, đảng của cựu tổng thống François Hollande gần như chấp nhận số phận mất trắng và không loại trừ phải bán trụ sở đảng ở Paris.

Phe cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, sau khi thua trận chung kết bầu tổng thống, tuyên bố sẽ là tổ chức đối lập chủ yếu trên chính trường. Nhưng từ khi lãnh đạo Marine Le Pen để lộ « thiếu bản lãnh » trong cuộc tranh luận với Emmanuel Macron ở vòng hai bầu tổng thống, tổ chức chủ trương bài ngoại này mất đến 20 điểm tín nhiệm trong vòng một tháng.

Tổ chức duy nhất chực chờ chiếm vai trò đối lập thực thụ là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất. Thế trận tan vỡ của đảng Xã Hội làm tăng cơ may cho lãnh đạo Jean Luc Mélenchon, một nhân vật có tài hùng biện và là chính trị gia ly khai của đảng Xã Hội. Vòng hai sẽ diễn ra vào Chủ nhật tuần sau 18/06/2017. - RFI
|
|

8.
Dân Ukraina được miễn visa nhập cảnh Châu Âu

Chủ nhật 11/06/2017 là ngày đáng ghi nhớ của Ukraina. Hằng trăm người dân Ukraina, đi qua biên giới của Liên Hiệp Châu Âu để chào mừng sự kiện được Liên Hiệp Châu Âu miễn thị thực nhập cảnh.

Từ nay, mỗi khi sang Liên Hiệp Châu Âu, người dân Ukraina không cần phải qua một đại sứ quán. Tính từ 12 giờ đêm 11/06/2017, Bruxelles chính thức hủy bỏ chế độ visa nhập cảnh Schengen cho Ukraina.

Tại Kiev, nơi bùng dậy phong trào dân chủ thân châu Âu cách nay ba năm tại quảng trường Maidan, không khí phấn khởi được thấy rõ. Bộ trưởng Văn Hóa Yevhen Nychtchouk, vào mùa đông 2014, lúc ấy là một nghệ sĩ sân khấu, là « tiếng nói của Maidan ».

Giờ đây là một thành viên của chính phủ, ông hồi tưởng : «Maidan là quảng trường của châu Âu, một biểu tượng của chúng tôi. Người dân chúng tôi xuống đường tại Maidan vì những giá trị tương tự như những giá trị ghi trong các thỏa ước và nghị quyết châu Âu. Điều người dân Ukraina mong muốn là được tự do hơn nữa , là quyền thoát ra khỏi thời kỳ hậu độc tài của thời hậu Liên Bang Xô-Viết ».

Bộ trưởng Yevhen Nychtchouk tin tưởng Châu Âu « sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho Ukraina vì lợi ích của dân Ukraina và vì lợi ích của toàn Châu Âu. Được miễn visa là thời khắc rất quan trọng để làm thay đổi tư duy của dân tộc chúng tôi »,ông kết luận.

Hàng loạt chuyến bay chở du khách Ukraina từ Kiev qua các thủ đô và thành phố lớn châu Âu như Vacxava, Budapest, Franfurk trong khi tổng thống Petro Porochenko tuyên bố « hoan nghênh châu Âu » và « giã từ đế quốc Nga », trên twitter.

Mỗi công dân Ukraina có hộ chiếu sinh trắc (biométrie) được miễn thị thực trong vòng 90 ngày nếu đi du lịch, và đến 180 ngày nếu có mục đích làm ăn buôn bán. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Ông Sessions sẽ ra điều trần về can thiệp của Nga

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions nêu trong thư gửi Quốc hội hôm 10/6 rằng ông sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ủy ban này đang điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Ông Sessions dự kiến sẽ trả lời những câu hỏi về bản thân ông. Những câu hỏi đã nảy sinh hồi tuần trước khi cựu giám đốc FBI James Comey ra điều trần.

Ông Sessions đã đề nghị được miễn tham gia cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về các hoạt động của Nga, với lý do ông là một trong những quan chức trong ban vận động tranh cử đã gặp đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử.

Hồi tháng 1, khi ông ra điều trần trước khi ông được chuẩn thuận làm bộ trưởng tư pháp, trả lời chất vấn của Thượng nghị sĩ Al Franken (đảng Dân chủ, bang Minnesota), ông Sessions khẳng định ông đã không gặp các quan chức chính phủ Nga trong thời gian vận động.

Khi còn là ứng viên cho chức bộ trưởng, ông Sessions nói: "Thưa Thượng nghị sĩ Franken. Tôi không biết về bất kỳ hoạt động nào như vậy. Có một hai lần tôi đã được gọi là người đại diện thay thế trong thời gian vận động tranh cử và tôi không có bất kỳ liên lạc nào với Nga và tôi không thể bình luận được".

Cuối cùng, ông Sessions thừa nhận ông đã có hai cuộc gặp với đại sứ Nga, Sergey Kislyak, nhưng nói rằng không cần tiết lộ về các cuộc gặp này trong thời gian trước đây.

Nghi vấn về ông Sessions đã nổi lên vào tuần trước tiếp sau phiên điều trần của ông Comey về các cuộc trò chuyện và gặp gỡ của ông với Tổng thống Trump trước khi ông bị sa thải đột ngột.

Ban đầu, ông Trump khẳng định ông Comey đã bị sa thải vì sự bất mãn trong số các nhân viên FBI dưới quyền ông này, nhưng một ngày sau đó tổng thống thừa nhận rằng việc sa thải giám đốc FBI có liên quan đến của cuộc điều tra của cục này về sự can thiệp của Nga vào nền chính trị Mỹ. - VOA
|
|

10.
Hơn 20 dân biểu đòi ngưng bán công ty Mỹ cho Trung Quốc

Hơn 20 nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã thúc giục Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bác đề xuất bán tập đoàn sản xuất các sản phẩm nhôm Aleris cho công ty Zhongwang của Trung Quốc.

Reuters đưa tin rằng trong bức thư đề ngày 9/6, 27 nhà lập pháp nói rằng sẽ là một “sai lầm chiến lược” nếu thông qua phi vụ mua bán trị giá tới 2,33 tỷ đôla.

“Điều tối quan trọng là Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ phải hết sức thận trọng khi giao dịch đầu tư nước ngoài liên quan ới việc chuyển giao khả năng quân sự và công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc”, bức thư có đoạn.

Các nhà lập pháp nói tiếp: “Thật là một sai lầm lớn nếu cho phép một công ty như Zhongwang được quyền kiểm soát một công ty nhôm của Mỹ như Aleris”.

Các nhà lập pháp nói rằng Aleris sản xuất và thử nghiệm các loại hợp kim đặc biệt để sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng, và các nghiên cứu cũng như công nghệ của công ty mang tính sống còn đối với các quyền lợi an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.

“Các tổ chức của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, luôn duy trì quan hệ với quân đội Trung Quốc, làm tăng thêm nguy cơ các công nghệ của Mỹ sẽ rơi vào tay của kẻ xấu”, các nhà lập pháp viết.

Thêm nữa, họ cho biết rằng Zhongwang đang bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra vì cáo buộc trốn thuế nhập khẩu của Mỹ và đang bị các cơ quan của Mỹ điều tra vì cáo buộc buôn lậu và lừa đảo.

Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Aleris nói rằng công ty này không sản xuất các sản phẩm quốc phòng ở Mỹ.

Ông Jason Saragian cũng cho rằng bức thư trên dựa trên “các thông tin sai lệch”. - VOA
|
|

11.
Vụ James Comey: Donald Trump chưa qua được sóng gió

Sau một tuần khó khăn phải chống đỡ với những cáo giác trong phiên điều trần trước Thượng Viện của cựu giám đốc FBI, hai ngày cuối tuần tổng thống Trump về nghỉ ngơi thư giãn tại khu sân Golf riêng ở New Jersey. Mặc dù muốn thúc đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở cho nước Mỹ, nhưng người dân vẫn quan tâm đến vụ điều trần của ông James Comey nhiều hơn.

Mặc dù không có phát giác động trời nào nhưng Donald Trump chưa thể qua cơn bão tố, dự kiến sẽ còn lại nổi lên cũng với các cuộc điều tra tư pháp đang tiến hành xung quanh vụ việc liên hệ với Nga.

Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington :

Donald Trump tự cảm thấy như mình được minh oan sau phiên điều trần của James Comey, ông đã từng tuyên bố là ông muốn được nghe Comey nói rằng ông không phải là đối tượng điều tra về vụ liên hệ với Nga. Giờ đây ông muốn « lãnh đạo trở lại đất nước vĩ đại này ».

Dẫu sao thì Donald Trump vẫn chưa hết khổ vì vụ này. Nếu như còn quá sớm để cáo buộc ông Trump ngăn cản tư pháp, thì vẫn có một loạt các điều tra đang tiếp diễn, trong đó có vụ gai góc nhất do thẩm phán đặc biệt Robert Mueller tiến hành.

Ông Trump nói sẵn sàng tuyên thệ trả lời các câu hỏi để bác bỏ những cáo giác của ông Comey. Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện còn yêu cầu tổng thống Mỹ từ nay đến ngày 23 tháng 6 trao lại các ghi âm cuộc nói chuyện với cựu lãnh đạo FBI, nếu có. Ông Trump vẫn giữ bí ẩn về chuyện này.

Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, về phần mình, cam kết yêu cầu ông Comey trở lại khai trước Ủy Ban này. Đây là điều mà trước đây ông đã từ chối. Nhưng ông Comey có thể bị buộc phải đến nếu nhận đượt trát triệu ra trình diện Quốc Hội.

Ngày thứ Ba tuần tới, chú ý sẽ tập trung vào phiên điều trần của bộ trưởng Tư Pháp, Jeff Session. Ông này đã chấp nhận ra làm chứng trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để trả lời các câu hỏi về những cuộc tiếp xúc với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ. - RFI
|
|

12.
Mỹ: Biểu tình chống luật Hồi Giáo Sharia

Tại Hoa Kỳ, biểu tình chống luật Hồi Giáo Sharia hôm qua 10/06/2017 đã diễn ra ở khoảng 20 thành phố như New York, Seattle, Chicago …, dưới sự tổ chức của phong trào ACT for America (tạm dịch là Hành động vì nước Mỹ).

Người biểu tình giương biểu ngữ « Không chấp nhận luật Hồi Giáo Sharia ở Mỹ », « Hãy cấm luật Hồi Giáo Sharia », « Luật Hồi Giáo Sharia đối xử tệ với phụ nữ » …

Thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet Washington cho biết nhiều vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa những người chống Sharia và những người phản đối cuộc biểu tình, khiến cảnh sát phải can thiệp.

Một trong những lãnh đạo của phong trào ACT for America giải thích : « Chúng tôi không chống người Hồi Giáo. Chúng tôi chống Hồi Giáo cực đoan ».

ACT for America được cô Brigitte Gabriel, một người nhập cư gốc Liban thành lập năm 2007, vì cho rằng luật Hồi Giáo Sharia không tương thích với nền dân chủ phương Tây. Nhiều nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho rằng ACT for America là một nhóm thù hận người Hồi Giáo.

ACT for America có 500.000 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật có ảnh hưởng. Hoạt động của họ có hiệu quả tới mức cho tới giờ đã có 13 tiêu bang của hoa Kỳ cấm luật Hồi Giáo Sharia. ACT for America ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump. - RFI
|
|

13.
Căn cứ không quân ở Arizona ngưng bay F-35 do trở ngại dưỡng khí

Căn cứ không quân Luke Air Force Base ở tiểu bang Arizona vừa ngưng các chuyến bay của chiến đấu cơ F-35 hôm Thứ Sáu sau khi nhiều phi công báo cáo gặp trở ngại hệ thống cung cấp dưỡng khí.

Có năm phi công báo cáo về các triệu chứng thiếu dưỡng khí, gọi là ‘hypoxia’, khi đang bay thực tập kể từ ngày 2 Tháng Năm tới nay, khiến căn cứ phải ra lệnh ngưng bay và duyệt xét tình hình, theo tin ABC News.

Trong tất cả mọi trường hợp này, các phi công chuyển sang dùng hệ thống dưỡng khí dự phòng và đáp phi cơ xuống đất an toàn.

“Các giới chức trong không đoàn sẽ nói chuyện với các phi công Mỹ cũng như ngoại quốc về vấn đề này và giúp họ biết rõ hơn về các hiện tượng hypoxia,” theo lời đại úy Mark Graff, phát ngôn viên Không Quân Mỹ.

Bản tin ABC News nói rằng không một căn cứ nào khác đang có phi cơ F-35, đưa ra quyết định ngưng bay hôm Thứ Sáu và cũng không nơi nào khác báo cáo tình trạng tương tự.

Mới đây, hải quân Mỹ cũng có các trường hợp hypoxia khi sử dụng phi cơ phản lực huấn luyện loại T-45.

Các chuyến bay huấn luyện đã phải ngưng lại tại ba căn cứ của Hải Quân hồi Tháng Tư trong một tuần lễ, sau khi các phi công bày tỏ sự phản đối, nói rằng hệ thống cung cấp dưỡng khí bị trục trặc, cũng theo ABC News. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

14.
Hãng Tre Việt thuê máy bay, sắp cất cánh

Công ty Hàng không Tre Việt, mới được tập đoàn FLC của Việt Nam thành lập, cho biết đang làm việc với hãng của châu Âu là Airbus để thuê 7 máy bay.

Thông tin này được Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, nói với Reuters hôm 10/6 ở Singapore, trong chuyến đi quảng bá công ty.

Cuối tháng trước, hội đồng quản trị của FLC đã quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, với vốn điều lệ là 700 tỷ đồng.

Ông Quyết cho biết rằng Bamboo Airways, hãng hàng không mới của Việt Nam này, sẽ có đội bay “khoảng 7 chiếc” vào năm 2018, và chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào đầu năm sau.

Hiện chưa rõ ngay là Bamboo Airways thuê những loại máy bay nào. Chủ tịch FLC được trích lời nói rằng Hãng Tre Việt “sẽ phục vụ các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở 9 tỉnh thành tại Việt Nam”.

Ông nói thêm rằng “chúng tôi sẽ nối chuyến quốc tế và đưa các hành khách tới các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi”.

Theo thông tin đăng trên trang web của FLC, tập đoàn này có “ba mảng hoạt động mũi nhọn là đầu tư tài chính, bất động sản, và khai khoáng”, đồng thời “vẫn mở ra các lĩnh vực kinh doanh mới”.

Tin cho hay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không chính, đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và VASCO.

Các nhà quan sát ở trong nước nói với VOA Việt Ngữ rằng thị trường hàng không ở trong nước đang trở nên sôi động, nhất là sau khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, trở thành nữ tỷ phú tiền đôla đầu tiên của Việt Nam.

Tạp chí Forbes ước tính bà có tài sản trị giá gần 1,6 tỷ đôla, đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, người hiện nắm khoảng 2,3 tỷ đôla.

Bà Thảo mới đây đã tháp tùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm cấp cao tới Mỹ.

Trong chuyến công du này, VietJet Air đã đạt thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đôla với các đối tác Mỹ, trong đó có việc ký hợp đồng mua động cơ và nhận dịch vụ bảo dưỡng động cơ máy bay của General Electrics, theo Reuters. - VOA
|
|

15.
Nhật mời Việt Nam dự hội chợ vũ khí

Chính quyền Tokyo đã mời một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham dự hội chợ vũ khí duy nhất của Nhật Bản, trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng của chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe ở Đông Nam Á.

Reuters đưa tin rằng ngoài việt Nam, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời đại diện quân sự của các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tới tham dự hội chợ về công nghệ và hệ thống phòng không hàng hải kéo dài ba ngày gần thủ đô Tokyo.

Hãng tin của Anh dẫn lời hai nguồn tin nói rằng Việt Nam cũng được mời tham dự một cuộc hội thảo riêng về công nghệ quân sự. Phía Hà Nội chưa xác nhận có cử người tới Nhật hay không.

Tin cho hay, ít nhất 16 công ty Nhật sẽ trưng bày sản phẩm tại hội chợ. Ngoài ra, các tập đoàn vũ khí nước ngoài cũng tham dự trong đó có cả công ty sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ là Lockheed Martin.

Reuters cho rằng chính quyền của ông Abe đang muốn bán vũ khí cũng như hợp tác về công nghệ quân sự với các nước Đông Nam Á trong khi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở vùng này.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới công du Nhật Bản, sau chuyến thăm Mỹ mà Hà Nội và Washington kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hóa giải tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tại Tokyo, ông Phúc “khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau” đồng thời đôi bên cam kết “hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế; an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển”, theo trang web của chính phủ Việt Nam.

Theo Reuters, Nhật cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của lực lượng tuần duyên cũng như chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. - VOA
|
|

16.
Tàu cảnh sát biển đưa ngư phủ Việt về nước

Hai tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 11/6 đã đưa 695 ngư dân Việt Nam cập cảng ở thành phố Vũng Tàu.

Nhiều cơ quan của Việt Nam, trong đó có đại diện Bộ Ngoại giao, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, đón gần 700 ngư phủ mới được Indonesia phóng thích trong đợt trao trả những người đánh bắt trái phép lớn nhất từ trước tới nay của nước này.

Theo VNA, hai tàu của cảnh sát biển Vùng 3 ở Vũng Tàu đã đưa hai tàu CSB 8001 và CSB 8005 sang quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất Đông Nam Á để đón các ngư dân Việt, và hai tàu đã khởi hành từ trưa ngày 9/6.

695 ngư dân trên đi đánh bắt trên 100 tàu từng bị Indonesia bắt tại vùng mà cơ quan chấp pháp nước này nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Họ là ngư phủ của 9 tỉnh Bà Rịa - VũngTàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Jakarta Post dẫn lời một quan chức địa phương cho biết rằng việc trao trả ngày 9/6 là “sáng kiến” của Indonesia vì “chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn”.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn một nghìn ngư dân Việt Nam được đưa về nước.

Indonesia từng đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có nhiều tàu Việt Nam, để cảnh cáo, nhưng theo chính quyền Jakarta, vẫn có nhiều tàu của ngư dân Việt Nam tới đánh bắt trái phép.

Trao đổi với VOA Việt Ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải “dạt” khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc. - VOA
|
|

17.
Việt Nam không hấp dẫn giới đầu tư bằng Trung Quốc vì trình độ công nhân thấp

Dù dựa vào giá nhân công cực thấp để cạnh tranh nhưng trình độ của nhân công lại quá thấp, nên không lôi kéo được các nhà đầu tư nhiều như mong muốn của chính quyền Việt Nam.

Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trung bình trên dưới 6.2% từ năm 2000 đến nay nhờ nổi tiếng thế giới là nơi tốt để các nhà đầu tư sản xuất chạy đến để cắt giảm chi phí cho các loại hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi.

Trung bình, lương nhân công ở cả Hà Nội và Sài Gòn và những nơi có các xí nghiệp ngoại quốc đặt cơ sở sản xuất chỉ trung bình 3.9 triệu đồng một tháng (khoảng $172). Tuy cái ưu thế này ban đầu gây chú ý cho nhà đầu tư nhưng 78% của lực lượng thợ thuyền lao động tại Việt Nam lại không có trính độ giáo dục cao và chỉ có 9% là có bằng cấp đại học hay cao hơn.

Bài phân tích của tạp chí tài chính Forbes nói rằng việc thiếu thợ chuyên môn có trình độ đại học của thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng chứng tỏ đây là rào cản hiển nhiên để Việt Nam có thể trở nên một loại trung tâm sản xuất các loại sản phẩm kỹ thuật cao. Bởi vì nó đòi hỏi khả năng chuyên môn cao do kiến thức từ các đại học cung cấp cho nhân công.

“Trong khi lương bổng thấp giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng nó cũng giới hạn khả năng của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư kỹ thuật cao,” bảng phân tích của tổ chức tư vấn đầu tư Healy Consultants Group viết hồi Tháng Năm.

Nếu không thay đổi chính sách giáo dục, Việt Nam có thể mất khả năng cạnh tranh lôi cuốn đầu tư ngoại quốc với Trung Quốc. Quốc gia này có tới 76% trong tổng số lực lương lao động không có nghề chuyên môn được đào tại bài bản tại trường học, theo tờ nhật báo Trung Quốc. Vì vậy mà có đến 90% các công ty của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu chuyên viên có trình độ.

Tuy thiếu chuyên viên trình độ cao nhưng tỉ lệ còn lại 24% kia lại là con số khổng lồ trong số 840 triệu người trong tuổi lao động. Không thiếu những người trong số đó tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu Tây phương. Một số có khả năng chỉ làm một thời gian ngắn, huấn luyện cho những người khác làm thay mình rồi đi ra ngoài khởi sự một công ty riêng.

Các công ty chế tạo kỹ thuật cao đã chọn Trung Quốc để đặt cơ sở sản xuất vì muốn ở ngay một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việt Nam với 93 triệu dân nhưng đại đa số quần chúng lại nghèo nên vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp theo chính sách chỉ huy kinh tế tập trung vào tay nhà cầm quyền trung ương, mới chỉ bắt đầu “đổi mới” từ thập niên 1980 khi mở cửa đón các nhà đầu tư ngoại quốc và nhận viện trợ phát triển hạ tầng. Các nhà máy, xưởng thợ theo nhau mọc lên nhưng hầu hết đều là những cơ sở sản xuất giày dép, quần áo và các loại sản phẩm tiêu dùng không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của nhân công.

Nông dân từ các khu vực đồng ruộng chạy ra các thành phố kiếm việc làm vì nghề nông vất vả lại cũng không đủ sống. Thợ may quần áo, giày dép, đóng bàn ghế, sử dụng máy móc cắt, tiện phụ tùng xe, lắp ráp giản dị… vốn là những công việc người thợ có thể được dạy khi bắt đầu nhận việc, một thời gian vài tháng là thuần thục. Họ không cần phải có các bằng cấp chuyên môn từ các trường đại học.

Năm 2016, thống kê cho thấy đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam hơn $24 tỷ vừa mở các nhà sản xuất mới vừa mở rộng sản xuất đã có sẵn tại đây. Số tiền tương ứng với một phần tám tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam.

Theo bảng nghiên cứu trên, những người có trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam thường nhảy từ công ty này sang công ty khác khi thấy được trả lương cao hơn chỉ vì tình trạng thiếu chuyên viên bản xứ. Theo phân tích, các công nhân có trình độ tay nghề khá được hưởng lương cao hơn khoảng $164 một tháng so với những người không có bằng cấp.

Vấn đề đổi mới giáo dục tại Việt Nam không thấy nhắc đến nhưng cho đến nay vẫn thấy dậm chân tại chỗ. Người ta vẫn thấy hàng trăm ngàn người có bằng cấp đại học thất nghiệp trong khi thị trường lại thiếu người có trình độ chuyên môn.

Hồi năm ngoái, báo chí tại Việt Nam cho hay chỉ trong ba tháng đầu của năm 2016, có khoảng 225,000 cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học tại Việt Nam không kiếm được việc làm. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment