Tuesday, June 20, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 20/6

Tin Thế Giới

1.
Tướng Phạm Trường Long: 'Đảo ở Nam Hải là của TQ' --- Bắc Kinh nói với Hà Nội: Biển đảo của Trung Quốc ‘từ ngàn xưa’

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long trong chuyến thăm hai ngày 18-19/6 đã gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam.

Theo Tân Hoa Xã, khi ở Việt Nam ông Phạm đã nói rõ về chủ quyền của Trung Quốc ở 'Nam Hải'.

Ông Phạm Trường Long hôm Chủ Nhật có các cuộc họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Ông Phạm được Tân Hoa Xã dẫn lời theo đó nói nhờ sự nỗ lực thúc đẩy của lãnh đạo hai nước nên quan hệ Việt-Trung nay đang phát triển tốt, và đã gặt hái được kết quả trong một số lĩnh vực.

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc đưa sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc kết nối phù hợp với kế hoạch Hai Hành lang Một Vành đai Kinh tế của Việt nam, và thúc đẩy hợp tác thiết thực trong mọi lĩnh vực để cùng phát triển," ông nói.

Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam, và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ này, ông Phạm nói thêm.

Liên quan tới chủ đề Biển Đông, Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng "toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ."

Ông cũng ghi nhận tình thế hiện thời tại Biển Đông đã được ổn định và đang trở nên ngày càng tích cực hơn, đồng thời kêu gọi hai nước tuân theo sự nhận thức chung quan trọng các lãnh đạo đảng, nhà nước hai bên.

"Hai bên cần tăng cường đối thoại chiến lược và kiểm soát tốt các khác biệt, nhằm duy trì quan hệ chung cũng như nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Nam Hải," Tướng Phạm Trường Long nói.

Trong các cuộc gặp gỡ riêng rẽ với Tướng Phạm, giới lãnh đạo Việt Nam đều đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt-Trung, Tân Hoa Xã tường thuật.

Trung Quốc lại đưa giàn khoan Biển Đông?

Trước đó, cũng trong tháng Sáu này, có tin nói giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động trở lại tại Biển Đông.

Đặc biệt, không lâu trước chuyến thăm Việt Nam của Tướng Phạm Trường Long, một số trang mạng tiếng Trung như DWNews đăng tin nói" "các thuyền cá của Việt Nam liên tiếp quấy nhiễu quá trình hạ đặt giàn khoan" của họ.

Trong một bài đăng hôm 7/06/2017, trang DWNews đăng hình hai chiếc thuyền được cho là của Việt Nam bị công nhân giàn khoan Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước đuổi ra.

Bài này mô tả đây là cách công ty khai thác dầu Trung Quốc dùng "phún xạ phản kích" và cho hay rằng phía Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam "lập tức đình chỉ quấy nhiễu".

Tuy nhiên, bài báo không nói rõ về tọa độ của giàn khoan dầu đang được đặt ở đâu trong Biển Đông, cũng như ngày xảy ra "các hoạt động quấy nhiễu" đó.

Bài báo này cũng nhắc lại các vụ việc về giàn khoan HD-981 năm 2014 "bị 40 tàu thuyền Việt Nam" liên tiếp "công kích".

Điều hiển nhiên là cả vùng biển này luôn được Trung Quốc khẳng định là thuộc chủ quyền của họ và Việt Nam cũng nói là của mình.

Hồi tháng 1/2017, Việt Nam ký một thỏa thuận với tập đoàn ExxonMobil mà cựu lãnh đạo là ông Rex Tillerson, hiện là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, để khai thác khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ngoài Biển Đông. - BBC

***
Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Tướng Phạm Trường Long cầm đầu một phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc thăm Việt Nam hai ngày 18 và 19/6/2017 trước khi tới vùng biên giới đồng chủ tọa với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch, “Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).”

Tại Hà Nội, ông Phạm Trường Long gặp các nhân vật cầm đầu Việt Nam gồm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trường quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Thông tấn xã Việt Nam có các bản tin khác nhau về cuộc gặp từng lãnh tụ Việt Nam của ông Phạm Trường Long với rất nhiều tường thuật lời nói của cả hai bên. Báo quân đội Trung quốc chỉ có một bản tin duy nhất viết về các cuộc gặp mặt đó. Điều đáng để ý nhất là lời tuyên bố của ông Phạm Trường Long xác định chủ quyền của Trung Quốc về các đảo trên Biển Đông (ám chỉ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Trong đoạn tin thuật lại cuộc gặp mặt ông bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, lời ông Phạm Trường Long được báo Quân đội Trung Quốc kể lại là “Tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Ông Phạm Trường Long còn nói thêm là “Tình hình hiện nay ở Nam Hải ổn định, mà (đạt được như vậy) không dễ dàng và nên gìn giữ lấy.” Ông ta còn “thúc giục cả hai bên tuân thủ những sự đồng thuận đã được lãnh đạo hai đảng Cộng Sản và hai nước đạt được, nâng tầm trao đổi liên lạc chiến lược, kiểm soát đúng cách các khác biệt và duy trì tổng thể quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và hòa bình ổn định trên Nam Hải.”

Đây là lần đầu tiên người ta thấy một chức sắc cấp cao của Trung Quốc nói với một chức sắc cấp cao của Việt Nam như thế và được báo chí Trung Quốc thuật lời. Tháng 9 năm 2015, khi đến Hoa Thịnh Đốn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói những lời tương tự như vậy khi bị báo chí chất vấn.

Trong khi thuật lời ông Phạm Trường Long như trên, báo Quân đội Trung Quốc thuật lời ông Ngô Xuân Lịch là “nêu những tiến bộ quan trọng trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây và sự hợp tác lành mạnh về phòng vệ biên giới, hoạt động bảo vệ hòa bình thế giới, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Quân đội Việt Nam hy vọng làm sâu sắc hơn sự hợp tác và liên lạc thông tin với đối tác Trung Quốc, đồng thời tiếp tục truyền thống đoàn kết và hữu nghị.”

Trong khi đó TTXVN kể lại cuộc họp giữa Bộ trường Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với phái đoàn ông Phạm Trường Long thì viết “Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm Việt Nam lần này của Thượng tướng Phạm Trường Long và đoàn; coi đây là một sự kiện chính trị quan trọng, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước.”

TTXVN kể rằng, “Tại hội đàm, hai bên trao đổi tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác giữa quân đội hai nước thời gian qua, thống nhất nội dung, biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 mà hai bên đã ký kết vào tháng 1/2017. Kết thúc hội đàm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long đã chứng kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.”

Ông Ngô Xuân Lịch có nói gì với ông Phạm Trường Long về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không, không thấy nói gì trong bản tin của TTXVN. Chỉ thấy trong bản tin của TTXVN viết về cuộc gặp mặt giữa ông Phạn Trường Long với ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông thủ tướng của Việt Nam “nhấn mạnh đến tình hữu nghị truyền thống, gắn bó có từ lâu đời giữa hai Đảng, nhân dân hai nước.”

Ông Phúc “Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng tướng Phạm Trường Long và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân ủy Trung ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng đến năm 2025.”

Bản tin của TTXVN kể rằng “Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cho biết, mục đích chuyến thăm lần này của Đoàn nhằm tiếp tục thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo Cấp cao hai nước; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung ngày càng phát triển toàn diện.”

Một điểm đặc biệt được TTXVN kể trong bản tin là “Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước.”

Còn về vấn đề Biển Đông thì “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với Thượng tướng Phạm Trường Long không để vấn đề biển Đông mà ảnh hưởng đến quan hệ hai nước; mong muốn Quân đội hai nước đi đầu trong việc cùng nhau gìn giữ tình hữu nghị, tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, hợp tác và phát triển.”

Cùng ngày các lãnh tụ Việt Nam tiếp phái đoàn Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc của ông Phạm Trường Long, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh có bài bình luận cảnh cáo Việt Nam đừng dựa vào các thế lực bên ngoài khu vực để chống lại Trung Quốc ở trên biển.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo liệt kê những diễn biến xảy ra thời gian gần đây như Mỹ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần cao tốc cỡ nhỏ và một tàu tuần cỡ lớn, Nhật Bản cấp tín dụng cho Việt Nam đóng một số tàu Cảnh Sát Biển là những thí dụ không “tử tế.” - VOA
|
|

2.
Pháp xét gia hạn tình trạng khẩn cấp sau vụ tấn công mới nhất --- Khủng bố ở Champs Elysées: Pháp phát hiện một kho vũ khí tại nhà hung thủ

Một người đàn ông đã bị giết chết sau khi lái một chiếc xe chứa đầy chất nổ, lao vào một xe cảnh sát tại Champs Elysees, khu mua sắm nổi tiếng ở thủ đô Paris hôm thứ Hai 20/6, theo cảnh sát Pháp.

Không có ai khác bị thương trong vụ này.

Cảnh sát cho biết đã tìm thấy một khẩu súng trường Kalashnikov, nhiều súng ngắn và chai chứa khí gas trong xe.

Công tố viên chống khủng bố của Pháp đã mở một cuộc điều tra. Người đàn ông 31 tuổi được cảnh sát biết, anh ta bị nghi là có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb nói vụ việc này cho thấy Pháp nên gia hạn tình trạng khẩn cấp trong khi đang đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố.

Ông Gerard Collomb nói:

"Đối với những người vẫn còn băn khoăn về sự cần thiết phải duy trì tình trạng khẩn cấp, hôm nay chúng ta đã thấy rằng nước Pháp cần biện pháp này, và nếu chúng ta muốn bảo vệ hiệu quả người dân của mình, thì phải có một số biện pháp để ngăn chặn và theo dõi những cá nhân như thế này, và để chặn các cuộc tấn công, cho dù là nhắm vào thường dân hay lực lượng an ninh."

Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng tại Pháp từ năm 2015, và sẽ hết hiệu lực vào tháng tới, nhưng ông Collomb cho biết ông sẽ trình một dự luật để gia hạn biện pháp này cho tới tháng 11 năm nay. - VOA

***
Chiều hôm qua 19/06/2017, một người đàn ông lái chiếc xe hơi chở một bình ga và nhiều vũ khí lao vào xe của cảnh sát trên đại lộ Champs-Elysées Paris, nhưng vụ tấn công bất thành. Không có ai bị thương.

Tác giả vụ tấn công là Adam Dzaziri, 31 tuổi, bị thương nặng và chết ngay sau vụ tấn công bất thành. Cảnh sát thấy nhiều vết bỏng nên người Adam Dzaziri, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về nguyên nhân cái chết của người này.

Adam Dzaziri có tên trong hồ sơ theo dõi của lực lượng chống khủng bố tại Pháp từ năm 2015, nhưng không có tiền án tiền sự. Viện công tố chống khủng bố Paris đã mở điều tra, khám xét nhà hung thủ tại thành phố Plessis-Pâté, vùng Essonne, ngoại ô Paris, thẩm vấn vợ cũ, anh trai, chị dâu của người này. Bố của Adam Dzaziri cũng đã bị cảnh sát tạm giữ để phục vụ điều tra.

Theo tin mới nhất, các nhà điều tra đã tìm thấy « một kho vũ khí » trong nhà của hung thủ. - RFI
|
|

3.
Australia lo ngại Trung Quốc đánh cắp thông tin mật --- Australia ngừng không quân ở Syria, sợ bị Nga bắn

Australia cho biết sẽ chuyển các thông tin mật của chính phủ từ một trung tâm dữ liệu tư nhân ở Sydney, sau khi một tập đoàn của Trung Quốc mua một lượng cổ phần lớn của Global Switch, dù công ty này lên tiếng trấn an rằng các tài liệu mật đó được bảo đảm an toàn.

Global Switch sở hữu hai cơ sở dữ liệu ở trung tâm Sydney, và tại đó, lưu trữ các tài liệu mật về tình báo và quốc phòng của chính phủ Australia.

Quyền sở hữu của công ty này đã thay đổi hồi tháng 12, khi công ty mẹ của Global Swich, có trụ sở ở Anh, chấp nhận bán 49% cổ phần của công ty đặt trụ sở ở Sydney với giá 3 tỷ đôla cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong số các nhà đầu tư đó có một doanh nhân sở hữu một phần của doanh nghiệp chuyên về dữ liệu hàng đầu của Trung Quốc là Daily Tech.

Đáp lại, các quan chức Australia cho biết họ sẽ chuyển các tài liệu mật từ một cơ sở lưu trữ tư nhân tới một đơn vị dữ liệu của nhà nước khi hợp đồng hiện thời hết hạn vào năm 2020, dù Global Switch cam kết rằng các dịch vụ của họ an toàn.

Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, một cơ quan nghiên cứu có trọng lượng, nói rằng chính quyền Canberra đã đúng khi nghi ngờ về khả năng do thám trên mạng của Trung Quốc.

Ông nói: “Cùng với Nga, Iran và Bắc Hàn, Trung Quốc rõ ràng được coi là một trong những quốc gia tích cực do thám trên mạng nhất, luôn tìm cách đánh cắp thông tin. Tôi cho rằng Trung Quốc ngày càng tăng cường khả năng sử dụng mạng để phá hoại cơ sở hạ tầng mang tính sống còn”.

​Chính quyền Australia nói rằng nước này đang trở thành một mục tiêu của tình trạng tội phạm và do thám trên mạng, đồng thời cảnh báo rằng không gian mạng “luôn bị đe dọa”.

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói rằng an ninh mạng là “mặt trận mới” cũng như thông báo các biện pháp mới để bảo vệ nền dân chủ của Australia khỏi sự can thiệp của nước ngoài.

Tháng Mười năm ngoái, chính quyền Canberra thông báo rằng một cường quốc nước ngoài đã tìm cách cài đặt phần mềm độc hại vào hệ thống máy tính của Cục Khí tượng của Australia nhằm đánh cắp các tài liệu nhạy cảm và đồng thời tấn công các mạng khác của chính phủ.

Các quan chức không tiết lộ cụ thể quốc gia tình nghi, nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng đó là Trung Quốc. - VOA

***
Australia tạm thời ngừng hoạt động không quân ở Syria, sau khi Nga cảnh cáo có thể tấn công máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Moscow tức giận sau khi Mỹ bắn rơi một máy bay quân đội Syria.

Australia điều động khoảng 780 nhân viên quân sự tham gia chống IS ở Iraq và Syria.

Hôm thứ Hai, Nga cảnh cáo sẽ theo dõi máy bay liên quân, tuy không nói là sẽ bắn rơi.

Mỹ đã bắn rơi máy bay Su-22 của Syria. Lầu Năm Góc nói máy bay này đánh bom các tay súng được Mỹ ủng hộ chống IS tại tỉnh Raqqa.

Người ta tin rằng đây là lần đầu tiên từ chiến dịch Kosovo năm 1999 xảy ra việc Mỹ tiêu diệt một máy bay có người lái bằng không chiến.

Nga và Syria nói máy bay này chỉ đang chống lại IS.

Nga cũng bác bỏ lời của quân đội Mỹ rằng Mỹ đã liên lạc trước khi bắn rơi Su-22. - BBC
|
|

4.
Moscow xem máy bay Mỹ ở phía tây sông Euphrates là mục tiêu --- Syria: Mỹ muốn tái lập liên lạc với quân đội Nga tại Syria

Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai 19/6 tuyên bố duy trì quyền được tự phòng vệ trong khi theo đuổi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố như vừa kể sau khi Nga cảnh cáo sẽ coi những máy bay trong khu vực hoạt động của họ là những mục tiêu có thể bị nhắm tấn công.

Trong khi đó, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng rằng những đường dây liên lạc với các đối tác quân sự Nga sẽ được duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình an ninh đang ngày càng thêm phức tạp ở hiện trường tại Syria.

Nga cho biết là họ đang dỡ bỏ một thỏa thuận về an phi với Mỹ sau khi một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn rơi một máy bay ném bom của Syria hôm Chủ nhật mà theo Ngũ Giác Đài, lúc đó đang thả bom gần các lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn.

Moscow, đồng minh của Syria, tuyên bố sẽ coi các máy bay của liên quân do Mỹ lãnh đạo bay ở phía tây sông Euphrates, như những mục tiêu có thể bị tới, và sẽ cho máy bay và tên lửa truy theo những máy bay này. Nga không nói liệu họ có sẽ bắn hạ những máy bay bay trong vùng không phận đó hay không.

Ông James Jeffrey, một cựu đại sứ và là nhà nghiên cứu có uy tín thuộc Viện Washington Nghiên cứu các vấn đề Cận Đông, nói với biên tập viên Victor Beattie của VOA rằng vụ bắn rơi chiếc máy bay Syria là một bước leo thang của một vấn đề đã lớn dần trong một thời gian khá lâu.

Ông Jeffrey vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật, đã khiến cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga tuột dốc xuống một mức thấp mới, nhưng ông nói Moscow không có khả năng đe doạ Mỹ ở một khu vực mà Washington đã thống trị trong suốt 40 năm qua. - VOA

***
Đứng đầu liên minh quốc tế chống thánh chiến, Hoa Kỳ tuyên bố muốn nối lại liên lạc với Nga qua kênh quân sự trên chiến trường Syria. 24 giờ trước, Matxcơva đình chỉ thỏa thuận hợp tác này sau khi một oanh tạc cơ Sukhoi của Syria bị không quân Mỹ bắn hạ.

Theo AFP, tướng Joe Dunford, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, hôm nay, 20/06/2017, tuyên bố rằng « kênh liên lạc giữa bộ tư lệnh Mỹ và Nga ở Trung Đông hoạt động rất tốt đẹp trong 8 tháng qua. Phía Mỹ sẽ nỗ lực trên hai mặt ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây này ».

Là đồng minh của chế độ Damas, Matxcơva quyết định cắt đứt kênh liên lạc quân sự với Mỹ để phản đối vụ không quân Mỹ bắn hạ một oanh tạc cơ của Syria hôm Chủ Nhật. Bộ Quốc Phòng Nga còn dọa xem máy bay của liên quân xâm nhập vùng trời « phía tây sông Euphrate » là mục tiêu của phòng không Nga.

Quân đội Syria cho rằng liên quân quốc tế đã bắn hạ một trong những máy bay của Syria đang oanh kích Daech ở Raqqa. Mỹ khẳng định đó là hành động nhằm trả đũa Syria oanh kích lực lượng Kurdistan-Syria, đang được Hoa Kỳ yểm trợ tái chiếm Raqqa, thủ phủ tự xưng của Daech.

Sau vụ việc này, quân đội Mỹ cho biết đã điều chỉnh hoạt động không quân tại Syria cho thích nghi với tình hình căng thẳng mới : vừa tiếp tục oanh kích Daech vừa bảo vệ an toàn cho các phi vụ.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Úc, một thành viên của liên quân quốc tế, thông báo tạm ngưng các phi vụ trên không phận Syria. Phát ngôn viên quân đội Úc chỉ thông báo vắn tắt đây là « biện pháp phòng ngừa". - RFI
|
|

5.
Thế giới lên án Bắc Hàn sau cái chết của sinh viên Mỹ --- Cái chết của Warmbier dập tắt cơ may cải thiện quan hệ Mỹ-Triều

Cái chết bi thảm của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hôm thứ Hai 19/6, chỉ vài ngày sau khi anh được phóng thích khỏi nhà tù Bắc Triều Tiên trong tình trạng hôn mê, một lần nữa gây sự chú ý của thế giới về những hành động vi phạm nhân quyền phổ biến của chính quyền Kim Jong Un.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói:

"Nói thẳng thừng thì đây là một chính quyền đáng ghê tởm về mặt nhân quyền. Đây là một hố đen về nhân quyền.”

Otto Warmbier bị bắt ở Bình Nhưỡng hồi tháng 1/2016 về cáo buộc đã trộm một tấm áp phích tuyên truyền ở một khách sạn. Anh bị kết án 15 năm lao động khổ sai, và rơi vào tình trạng hôn mê cách đây 15 tháng cho đến khi qua đời.

Các giới chức Bắc Triều Tiên lý giải rằng anh sinh viên người Mỹ 22 tuổi đã bị ngộ độc trong thời gian bị giam giữ và được cho uống một viên thuốc ngủ khiến anh rơi vào trạng thái hôn mê.

Các bác sĩ tại bệnh viện thành phố Cincinnati, nơi anh Otto được điều trị sau khi được phóng thích, bác bỏ lý do mà Bắc Triều Tiên viện ra, nhưng không xác định nguyên nhân dẫn đến chấn thương hệ thần kinh nghiêm trọng như vậy.

Gia đình nạn nhân nói trong một tuyên bố:

"Thật đau lòng, hành vi ngược đãi thậm tệ theo kiểu tra tấn dưới tay của người Bắc Triều Tiên mà con trai chúng tôi phải chịu đựng đã dẫn tới hậu quả không thể tránh khỏi, không thể khác hơn hậu quả bi thảm mà chúng tôi trải nghiệm ngày hôm nay."

Chia buồn và phẫn nộ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gửi lời chia buồn cùng gia đình nạn nhân trong một tuyên bố hôm thứ Hai nói rằng "Đối với cha mẹ, không có gì bi thảm hơn là mất đi một đứa con đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời."

Tổng thống Trump nói cái chết của anh sinh viên càng khiến ông thêm quyết tâm muốn ngăn chặn những bi kịch tương lai dưới "bàn tay của các chế độ không thượng tôn luật pháp, không tôn trọng nhân phẩm cơ bản của con người."

Các giới chức Mỹ khác cũng ngỏ lời chia buồn với gia đình Warmbier. Họ bày tỏ phẫn nộ về cách đối xử tàn bạo, vô nhân đạo của chính quyền Bắc Triều Tiên đối với anh Warmbier.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra tuyên bố "chia buồn và an ủi" gia đình anh Warmbier, đồng thời lên án Bắc Triều Tiên về việc giam giữ người nước ngoài mà không tôn trọng các quyền làm người được luật pháp quốc tế bảo đảm.

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun nói:

"Bắc Triều Tiên vẫn đang giam giữ công dân miền Nam chúng tôi và các công dân Mỹ, họ cần lập tức trả lại những người này về lại cho gia đình họ, và chính phủ của chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để thực hiện điều này."

Hiện có sáu người Hàn Quốc đang bị giam cầm ở miền Bắc. Một số là các nhà truyền giáo bị buộc tội gián điệp, và những người khác được cho là bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trong khi đang giúp đỡ những người đào tị chạy sang bên kia biên giới vào Trung Quốc.

Các giới chức Mỹ nói họ quan ngại về ba người Mỹ gốc Triều Tiên vẫn bị cầm giữ ở miền Bắc. Chính phủ Mỹ tố cáo Bắc Triều Tiên là dùng dụng những người bị họ cầm giữ như những con bài chính trị. Bắc Triều Tiên tố cáo Washington và Hàn Quốc đã đưa gián điệp vào nước này nhằm lật đổ chính phủ của họ.

Những hành động tàn bạo trong nước

Ông Marion Smith, giám đốc Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ Nghĩa Cộng Sản nói trong một thông báo hôm thứ Hai:

"Chế độ Bắc Triều Tiên còn phát động một cuộc chiến chống lại cả những công dân của nước họ.”

Phúc trình của Ủy ban Truy vấn LHQ năm 2014 (COI) thu thập các dữ liệu về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên, mà họ nói có thể mang ra so sánh với những tội ác của Đức quốc xã. - VOA

***
Cái chết của một sinh viên 22 tuổi người Mỹ hôm thứ Hai có thể làm lu mờ, nếu không phải là dập tắt, bất cứ triển vọng nào về một mối quan hệ bớt thù địch hơn giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, theo các nhà phân tích.

Otto Warmbier, bị Bắc Triều Tiên giam cầm hơn một năm sau khi bị cáo buộc trộm một biểu ngữ tuyên truyền, qua đời hôm thứ Hai ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, sau khi được trả về Mỹ vào tuần trước trong tình trạng hôn mê. Gia đình của anh quy trách Bình Nhưỡng “ngược đãi tàn tệ, tra tấn” dẫn tới cái chết của Warmbier.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba lên án sự đối đãi của Bình Nhưỡng với Warmbier là “nỗi ô nhục” và nói rằng chính phủ Mỹ lẽ ra đã phải tìm cách để anh được phóng thích sớm hơn. Các quan chức Mỹ hôm thứ Ba cho hay chính quyền Trump đang cân nhắc một lệnh cấm công dân Mỹ du hành đến quốc gia cộng sản này.

Tòa Bạch Ốc đã lặng lẽ hối thúc Bắc Triều Tiên phóng thích tất cả các con tin người Mỹ hiện đang bị nước này cầm giữ như bước đầu tiên tiến tới mối quan hệ song phương tốt hơn, và Tổng thống Trump đôi lúc cũng đã công khai bày tỏ sự sẵn lòng đối thoại với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về tham vọng của Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân và thử phi đạn có khả năng tấn công nước Mỹ.

“Tôi tin rằng chuyện này sẽ làm thụt lùi bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về một cuộc đối thoại ngoại giao cho tới khi chuyện này được làm sáng tỏ,” cựu Thống đốc bang New Mexico, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên từng giúp phóng thích những người Mỹ bị giam cầm ở đó, nói với báo The New York Times về cái chết của Warmbier. “Tôi nghĩ mục tiêu đầu tiên phải là đưa ba người Mỹ kia ra, và tìm kiếm một lời giải thích đầy đủ về chuyện gì đã xảy ra với Otto Warmbier.”

Jae H. Ku, giám đốc Viện Mỹ-Triều Tiên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins đồng ý rằng những bước đi tiến tới ngoại giao sẽ bị trì hoãn. “Tôi nghĩ nó sẽ bị chậm lại. Sẽ có rất nhiều sự phẫn nộ và bày tỏ bất bình,” ông nói với tờ Times.

Cái chết của Warmbier “không thể nào chấp nhận được thậm chí xét theo chính chuẩn mực của Bắc Triều Tiên,” John Delury, chuyên gia Châu Á tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, được AP dẫn lời nói. “Việc này đáng nhận được một sự đáp trả mạnh mẽ. Chính phủ Mỹ không nên giơ tay xin chịu và nói, ‘Bắc Triều Tiên là vậy đó.’ Mà phải làm theo một cách khôn ngoan để Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm dù ít ỏi.”

Sự phẫn nộ ở Mỹ về cái chết của Warmbier gợi nhớ tới cảm xúc mãnh liệt sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria làm nhiều trẻ em thiệt mạng, khiến ông Trump hạ lệnh bắn phi đạn hành trình vào cơ sở quân sự của chế độ Bashar al-Assad. Tuy nhiên, việc thả bom xuống Bắc Triều Tiên – một lựa chọn mà chính quyền Trump nói vẫn còn trên bàn thảo luận – liều lĩnh tới mức nhiều nhà phân tích xem nó là không khả thi.

Chính vì thế, dù vụ việc này có thể kinh hoàng như vậy, song chính quyền Trump khó có thể để nó phá hỏng đà tiến tới đối thoại mà họ đã xây dựng trong những tháng gần đây. Một số nhà phân tích nói chuyến đi của đặc sứ Joseph Yun tới Bắc Triều Tiên là thành quả đầu tiên của những nỗ lực này và rằng Bắc Triều Tiên có thể đã phóng thích Warmbier để mở ra không gian cho ngoại giao với Washington, dù họ dự liệu rằng tình trạng của anh ta sẽ khơi lên nỗi tức giận ở Mỹ.

Mỹ cũng có thể tìm cách gia tăng áp lực lên Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bắc Triều Tiên, về mặt ngoại giao và kinh tế.

Cái chết của Warmbier diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về ngoại giao quốc tế xung quanh Bắc Triều Tiên. Các quan chức cao cấp của Mỹ và Trung Quốc theo lịch trình sẽ hội kiến ở Washington trong tuần này, và các quan chức Mỹ dự định sẽ hối thúc những người tương nhiệm của Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kìm chế tham vọng theo đuổi hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dù Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cái chết của Warmbier khó có thể thay đổi được điều đó. Tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi cái chết của Warmbier “thực sự là một bi kịch” nhưng không hề khiển trách Bắc Triều Tiên về sự đối đãi mà nước này dành cho Warmbier.

“Nhiều phần chắc là Trung Quốc sẽ bày tỏ lo ngại và lấy làm tiếc về vụ việc,” Thạch Nguyên Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói với Bloomberg. “Người ta vẫn thường hiểu lầm là Trung Quốc chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ diễn ra giữa Washington và Bình Nhưỡng.”

Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc sẽ không trừng phạt Bắc Triều Tiên về một vấn đề nhân quyền. “Điều khiến Trung Quốc có những hành động là một vụ thử phi đạn hay hạt nhân, không phải cái chết của một sinh viên Mỹ,” ông được tờ Timesdẫn lời nói.

Tổng thống Trump dường như cũng nhận thức được giới hạn của những nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc. Ông viết trên Twitter hôm thứ Ba: “Dù tôi rất coi trọng những nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc giúp về chuyện Bắc Triều Tiên, mọi chuyện vẫn chưa thành công. Ít nhất tôi biết là Trung Quốc đã cố gắng.”

Tuy nhiên, vụ việc của Warmbier lại thu hút sự chú ý tới ba tù nhân người Mỹ khác ở Bắc Triều Tiên, những người mà đặc sứ Joseph Yun được đến thăm khi ông đến Bình Nhưỡng.

Những người này là Tony Kim, một giảng viên kế toán tình nguyện trong độ tuổi 50 trước đó dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, bị bắt hồi tháng 4 không rõ nguyên do; Kim Hak-song, người cũng làm việc tại cùng đại học này và làm công tác nông nghiệp, bị bắt vào đầu tháng 5 cũng không rõ nguyên do; và Kim Dong-chul, 63 tuổi, một doanh nhân đang thọ án 10 năm tù lao động khổ sai từ tháng 4 năm 2016, vì bị buộc tội gián điệp. - VOA
|
|

6.
Trump: Nỗ lực của Trung Quốc với Bình Nhưỡng thất bại --- Mỹ điều động oanh tạc cơ B1 răn đe Bắc Triều Tiên

Tổng thống Donald Trump ngày 20/6 tuyên bố các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên kìm chế chương trình hạt nhân đã thất bại.

Ông Trump từng kỳ vọng một sự hợp tác hơn nữa từ Bắc Kinh hầu lay chuyển Bình Nhưỡng, trông chờ vào sự hỗ trợ Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hồi tháng tư năm nay tại Florida và Tổng thống Trump đã không tiết lời ca ngợi ông Tập, hạn chế chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc.

“Dù tôi hết sức cảm kích nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc hỗ trợ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng không hiệu quả, chí ít là tôi biết rằng Trung Quốc có cố gắng,” ông Trump đăng trên Twitter.

Không rõ liệu phát biểu này có phải là tín hiệu thay đổi quan điểm trong tiến trình Mỹ đấu tranh ngăn chặn chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng hay thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Nhưng có phần chắc tuyên bố này đang tăng thêm áp lực với Bắc Kinh trước Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung vào thứ tư tuần này.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thảo luận với giới chức Trung Quốc bàn về cách tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phi đạn và hạt nhân và thảo luận về các lĩnh vực khác như chống khủng bố và tranh chấp Biển Đông.

Giọng điệu gay gắt của Tổng thống Trump đối với Bắc Triều Tiên được đưa ra sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hôm 19/6 sau hơn một năm bị Bắc Triều Tiên giam cầm.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, tuyên bố sau vụ việc của Warmbier, khó có cơ hội diễn ra một cuộc gặp giữa ông Trump với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. - VOA

***
Cho dù tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chủ trương xuống thang hòa dịu với Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ-Hàn Quốc vẫn biểu dương lực lượng. Hai oanh tạc cơ chiến lược B1 thực hiện một phi vụ trên không phận bán đảo Triều Tiên trong ngày 20/06/2017.

Hãng Yonhap, trích dẫn một nguồn tin quân sự ở Seoul cho biết hai máy bay B1-B cùng các chiến đấu cơ Hàn Quốc F-15K tham gia một cuộc thao dượt trong ngày hôm nay trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này chứng tỏ « quyết tâm của Hoa Kỳ khuyến cáo những đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng ».

Theo một kế hoạch tập trận chung, hai chiếc B1-B của Mỹ từ căn cứ Anderson ở đảo Guam bay đến Hàn Quốc, oanh kích giả định ở trường bắn Pilsung, tỉnh Gangwon, giáp ranh với Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ vẫn thường điều động oanh tạc cơ chiến lược như một biện pháp trấn an Hàn Quốc và răn đe Bắc Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Từ khi đắc cử hồi tháng Tư năm nay, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhiều lần tuyên bố muốn giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên.

Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung In, đang có mặt tại Washington, kêu gọi chính quyền Donald Trump rút bớt vũ khí chiến lược tại Hàn Quốc, như hệ thống lá chắn THAAD, và giảm thiểu các cuộc tập trận chung, nếu Bắc Triều Tiên chấp thuận ngưng chương trình hạt nhân quân sự và thử tên lửa.

Tuy nhiên, theo Yonhap, dường như Hoa Kỳ không thay đổi chính sách. Sự kiện phi vụ B1-B tập trận chung với không quân Hàn Quốc ngày hôm nay chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm duy trì các phương tiện chiến lược răn đe tại Hàn Quốc. - RFI
|
|

7.
Tuần tra Biển Đông: Mỹ sẽ nói ít, làm nhiều

Kể từ tháng 10/2015, Hải quân Mỹ có nhiều cuộc tuần tra hải quân để bảo vệ quyền tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) ở Biển Đông, chống lại tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm vùng biển này. Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước mỗi cuộc tuần tra áp sát một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát, vốn thường được đưa tin rộng rãi.

Một số diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump dường như đang điều chỉnh chính sách : nói ít hơn và làm nhiều hơn. Cụ thể là gia tăng các hoạt động tuần tra nhằm bình thường hóa sự hiện diện của Hải quân Mỹ trên toàn bộ vùng biển này, nhưng hạn chế quảng bá.

Theo Reuters, hôm 15/06/2017, chiếm hạm Mỹ USS Sterett đã ghé thăm cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, căn cứ thuộc Hạm Đội Nam Hải, có nhiệm vụ kiểm soát Biển Đông. Phát biểu với báo giới trên chiếc tàu chiến này, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Scott Swift, đã hoan nghênh một diễn biến mới đây mà ông cho là « rất tích cực » trong chính sách Biển Đông của Washington: Đó là giảm thông tin, quảng bá về các hoạt động tuần tra tại Biển Đông.

Chuyến viếng thăm của tư lệnh Mỹ diễn ra chỉ ba tuần sau chuyến tuần tra FONOP của tàu chiến Mỹ USS Dewey trong phạm vi « 12 hải lý » của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Tư lệnh Scott Swift đã từ chối trả lời các câu hỏi về các hoạt động của tàu USS Dewey.

Dưới thời Obama, các đợt tuần tra tại Biển Đông đã được quảng bá rộng rãi. Trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á The Diplomat nhấn mạnh đến việc nhiều tin tức rò rỉ ra ngoài trước ba cuộc tuần tra.

Về tương lai của các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương nhấn mạnh là các hoạt động tuần tra tại Biển Đông không những vẫn sẽ tiếp tục như chiến lược đã được vạch ra dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama, mà còn gia tăng về mức độ. Dự kiến Hải quân Mỹ sẽ hiện diện tại Biển Đông hơn 900 ngày, trong năm 2017, so với con số trung bình tổng cộng 600 đến 700 ngày/năm.

Về sự thay đổi nói trên, báo Anh Financial Times dẫn lời bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Center for Strategic and International Studies, có trụ sở tại Washington. Theo chuyên gia này, việc Washington quảng bá rộng rãi về các cuộc tuần tra trong giai đoạn khởi đầu chiến dịch trong hai năm 2015 và 2016 một phần là để trấn an các đồng minh trong khu vực, trong khi đó, chiến dịch FONOP hiện nay đã trở thành một nhiệm vụ bình thường, không còn cần « thảo luận » nữa.

Chuyên gia về an ninh quốc tế cũng lưu ý là các cuộc tuần tra FONOP của Hoa Kỳ đã diễn ra từ nhiều thập kỷ nay, và không chỉ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Bài bình luận « Hải quân Mỹ duy trì hiện diện tại Biển Đông », trên The Diplomat, dẫn lại bản báo cáo thường niên của bộ Quốc Phòng Mỹ, theo đó FONOP là một chương trình bảo vệ luật pháp quốc tế trên biển trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải chỉ nhắm riêng vào Trung Quốc. Riêng tại Biển Đông, hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Hải quân Mỹ là trên toàn khu vực, chứ không chỉ riêng tại một số đảo đá nhân tạo mà Trung Quốc đang nỗ lực quân sự hóa.

Việc điều chỉnh chính sách nói trên của Hoa Kỳ cho thấy Washington vừa kiên quyết trong chính sách bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chống tham vọng độc chiếm của Bắc Kinh, nhưng cũng vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, bất chấp các căng thẳng chính trị. Chuyến công du Trung Quốc ba ngày của tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương là chuyến viếng thăm đầu tiên của một chiến hạm Hoa Kỳ tại Trung Quốc kể từ tháng 8/2016, và cũng là chuyến thăm đầu tiên dưới thời tổng thống Donald Trump. - RFI
|
|

8.
Sĩ quan ASEAN thị sát Biển Đông trên tàu chiến Nhật

Các sĩ quan 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) có chuyến thăm Biển Đông trên chiếc tàu chiến hiện đại nhất của Nhật Bản, tàu chở trực thăng Izumo. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy Tokyo sẵn sàng đóng vai trò hậu thuẫn các nước ASEAN, đối trọng lại tham vọng của Bắc Kinh.

Reuters dẫn nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho hay, sĩ quan 10 nước ASEAN lên tàu Izumo khởi sự chuyến thăm Biển Đông từ Singapore, kể từ hôm qua, 19/06/2017. Một giới chức quốc phòng Nhật cho biết “đây là lần đầu tiên” Tokyo thực hiện một chuyến du hành như vậy. Song song với hoạt động này, một số đại diện quốc phòng các nước ASEAN có chuyến đi Nhật ba ngày, tham dự vào các hoạt động cứu nạn của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản.

Các sự kiện nói trên cho thấy mức độ hợp tác ngày càng mạnh mẽ hơn giữa Tokyo và các nước Đông Nam Á về mặt quốc phòng, vốn rất mờ nhạt trước đây. Nhật Bản tin tưởng ở vị trí thuận lợi hơn Hoa Kỳ, trong việc thu hút sự hợp tác của các nước Đông Nam Á, chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.

Hồi tuần trước, Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thảo luận về công nghệ quân sự với các đại diện của Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonessia, Malaysia và Singapore.

Học giả Trung Quốc phản đối Nhật Bản hỗ trợ tuần duyên Việt Nam

Trước các hoạt động hợp tác gia tăng giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hoa Kỳ, tại Trung Quốc có nhiều phản ứng bất đồng. Báo chí châu Á hôm qua dẫn ý kiến của một học giả Trung Quốc, ông Li Kaisheng, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, cho rằng khi hỗ trợ Việt Nam tăng cường lực lượng tuần duyên, Nhật Bản có ý đồ “kích động Việt Nam đối đầu với Trung Quốc” tại Biển Đông.

Trong chuyến công du Nhật Bản mới đây, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký 43 thỏa thuận đầu tư với Nhật, với tổng trị giá 22 tỉ đô la. Hỗ trợ tuần duyên là một phần quan trọng trong hợp tác song phương. Tokyo cam kết trợ giúp 530 triệu đô la để giúp Việt Nam hiện đại hóa các tàu tuần duyên, cũng như tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Việt Nam. - RFI
|
|

9.
Pháp: Hai bộ trưởng từ chức vì tai tiếng, nội các thay đổi quan trọng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị danh sách chính phủ mới sau chiến thắng bầu cử lập pháp và trong bối cảnh hai bộ trưởng quan trọng phải từ chức do những vụ tai tiếng liên quan đến luật pháp. Danh sách nội các cải tổ sẽ được thông báo ngày thứ Tư 21/06/2017.

Sáng nay 20/06/2017, vào lúc các sĩ quan cao cấp của Không Quân Pháp chuẩn bị đón tiếp nữ bộ trưởng Quốc Phòng tại hội chợ triển lãm hàng không không gian Le Bourget thì nhận được tin bà Sylvie Goulard xin không tham gia nội các mới. Quyết định bất ngờ này đã được tổng thống Emmanuel Macron chấp nhận.

Bộ trưởng Sylvie Goulard cho biết là cần phải làm như vậy để « có thể chứng tỏ không có ý gian » trong vụ tai tiếng sử dụng trợ lý được Nghị Viện Châu Âu trả lương để làm công tác đảng.

Theo tiết lộ của báo chí, hàng chục dân biểu Pháp tại Nghị Viện Châu Âu đã « bố trí » trợ lý, lãnh lương toàn thời của Nghị Viện, nhưng làm thêm công tác cho đảng của mình.

Cuộc điều tra sơ khởi đã bắt đầu từ ngày 09/06.

Trước bà Sylvie Goulard, một bộ trưởng khác là Richard Ferrand, cũng phải rời bộ Liên Kết Lãnh Thổ, cho dù mới tái đắc cử dân biểu. Lý do chính thức là đi nhận trách nhiệm mới, làm chủ tịch nhóm dân biểu Cộng Hoà Tiến Bước ở Quốc Hội.

Trên thực tế, nhân vật thân tín của tổng thống Macron đang bị tư pháp điều tra về vụ tai tiếng có hay không lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho người thân trong một dịch vụ địa ốc cách nay 10 năm.

Trong bối cảnh chính giới Pháp bị chấn động vì một loạt tai tiếng nhũng lạm quyền thế, tân tổng thống Macron quyết định lấy đạo đức hóa sinh hoạt chính trị là một ưu tiên trong nhiệm kỳ.

Ngoài hai nhân vật đã từ chức, trong chính phủ, còn có hai bộ trưởng nặng ký bị tai tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp François Bayrou và bộ trưởng đặc trách châu Âu Marielle de Sarnez, cũng bị tai tiếng như nữ bộ trưởng Quốc Phòng Sylvie Goulard.

Theo thông báo của thủ tướng Edouard Philippe, danh sách nội các mới, được cải tổ sâu rộng, sẽ được công bố trước 18 giờ ngày thứ Tư 21/06. - RFI
|
|

10.
Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung trên biển Baltic

Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung trong vùng biển Baltic vào cuối tháng 07/2017. Tân Hoa Xã hôm Chủ Nhật 18/06 đưa tin như trên.

Một tàu khu trục của Trung Quốc cùng với hai tàu hộ tống hiện đang hướng tới vùng biển Baltic. Tân Hoa Xã cho biết cuộc tập trung năm nay nhằm « củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa Trung Quốc và Nga, tăng cường quan hệ bạn bè và hợp tác cụ thể của quân đội hai nước ».

Đợt tập trận dự kiến diễn ra sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ba Lan, một nước nằm sát biển Baltic và là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Từ năm 2012, Trung Quốc và Nga vẫn luân phiên tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên, thậm chí ngay tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Thông tin về cuộc tập trận chung Nga - Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên NATO đã tổ chức đợt tập trận chung đầu tiên tại « Hành lang Suwalki », tại vùng Baltic nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Cuộc tập trận ở Suwalki nằm trong khuôn khổ các cuộc tập trận thường niên Saber Strike do Mỹ dẫn đầu tại Ba lan và các nước vùng baltic. AGP cho biết năm nay, 11.300 binh sĩ của 20 nước thành viên NATO tham gia cuộc tập trận mang tên Sói Sắt (Iron Wolf) từ ngày 28/05 đến ngày 24/06.

Bộ trưởng Quốc Phòng Litva mới đây cảnh báo các cuộc tập trận của NATO có thể sẽ là cái cớ để Nga điều thêm quân tới sườn phía Đông của NATO. Theo các chuyên gia, « Hành lang Suwalki » kéo dài 60-100 km, là một địa bàn hiểm yếu nằm giữa Ba Lan và Litva mà Nga lợi dụng để tách khối các nước Baltic khỏi phần còn lại của NATO. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump thấp kỷ lục

Một cuộc thăm dò ý kiến do kênh CBS News tiến hành cho thấy rằng việc xử lý của Tổng thống Donald Trump về vụ điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm.

Theo tờ The Hill, tỷ lệ ủng hộ 36% trong cuộc thăm dò của CBS News là mức thấp nhất kể từ khi tỷ phú bất động sản trở thành “ông chủ” Nhà Trắng.

Một phần ba số người Mỹ được hỏi nói rằng cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc điều tra đã khiến họ nghĩ về ông tệ hơn so với trước.

Trong các vấn đề như khủng bố, xả súng và kinh tế, những người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ có ý kiến tiêu cực nhất đối với đương kim tổng thống về vụ điều tra Nga.

​Cuộc thăm dò cũng thấy rằng 40% đảng viên Cộng hòa giờ nghĩ rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump nhiều khả năng có liên hệ không phù hợp với Nga. Con số này tăng từ mức 25% trong tháng Ba.

Trong khi đó, chỉ một trong năm đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng cuộc điều tra vào sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ là một vấn đề an ninh sống còn và hơn một nửa tin rằng cuộc điều tra “gây xáo trộn trên chính trường và cần phải đặt sang một bên”.

Theo tờ The Hill, cuộc thăm dò này được CBS News tiến hành trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 15 tới 18/6, với sự tham gia của 1.117 người với tỷ lệ sai số là 4%. - VOA
|
|

12.
Mỹ: Bầu cử Hạ Viện bổ sung tại bang Georgia

Một cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung được tổ chức tại bang Georgia Hoa Kỳ vào ngày hôm nay 20/06/2017. Trong kỳ bầu cử lần này, ứng viên đảng Cộng Hòa Karen Hendel phải cạnh tranh với ứng cử viên trẻ của đảng Dân Chủ, Jon Ossoff, 30 tuổi. Đối với đảng Dân Chủ, kỳ bầu cử này là một trắc nghiệm quan trọng nhất cho kỳ bầu cử Hạ Viện 2018. Từ năm 1979 đến nay, phe Cộng Hòa luôn luôn giành thắng lợi tại Georgia.

Đảng Dân Chủ tin rằng sẽ có được ghế dân biểu ở bang Georgia. Nếu đảng Dân Chủ chiến thắng ở bang Georgia, đó sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đảng Dân Chủ có cơ hội chinh phục lại Hạ Viện Mỹ.

Thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio từ Washington, dẫn lời Dick Williams, trưởng ban biên tập báo The Crier, cho biết ứng cử viên trẻ Jon Ossoff của đảng Dân Chủ đã có một chiến dịch tranh cử đáng ngạc nhiên. Khẩu hiệu « Hãy làm cho Trump nổi giận » đã thu hút được cánh cực tả và cánh tả nói chung vốn rất thất vọng về thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ý thức được nguy cơ thất bại trước ứng viên trẻ Jon Ossoff, ứng viên Cộng Hòa Karen Hendel cũng dốc toàn lực cho trận đấu, mời nhiều bộ trưởng tới mít tinh tại Georgia. Những nhân vật này thuyết phục cử tri « bỏ qua Donald Trump » và giữ lòng tin vào đảng Cộng Hòa.

Phải đợi đến đêm hôm nay, rạng sáng ngày mai, công chúng mới biết kết quả cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung ở Georgia, một kết quả vô cùng có ý nghĩa đối với lịch sử nước Mỹ. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

13.
Hải Dương 981 không vi phạm biển Việt Nam?

Giàn khoan lớn của Trung Quốc từng gây sóng gió trong quan hệ Việt-Trung sẽ hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ trong 3 tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay.

Theo thông báo ngày 16/6 của Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan Haiyang Shiyou-981 mà Việt Nam thường gọi là Hải Dương-981 sẽ hoạt động tại giếng Lăng Thủy 25-4-1, cách đảo Hải Nam 74 hải lý về hướng nam.

Tọa độ của giàn khoan này, theo thông tin của Trung Quốc, là 17 độ 9 phút 7 giây vĩ Bắc và 110 độ 2 phút 9 giây kinh Đông.

Báo Thanh Niên của Việt Nam đăng một tin ngắn vào trưa ngày 20/6, trong đó có đoạn cho rằng dàn khoan của Trung Quốc “đang hoạt động phi pháp” tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định. Nhưng sau khoảng 1 giờ, báo đã rút tin và không đưa ra lời giải thích.

Luật sư Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh rằng vị trí nêu trên của dàn khoan không vi phạm vào vùng biển Việt Nam:

“Cửa vịnh Bắc Bộ là nơi hai bên chưa phân định. Nếu giả định với đường trung tuyến ở giữa để mà phân định, thì hiện nay giàn khoan 981 của Trung Quốc vẫn ở bên kia của trung tuyến, tức là ở bên phía của Trung Quốc. Cho nên là nó vẫn chưa gọi là xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam đâu”.

Nhận định về việc báo Thanh Niên gỡ tin về dàn khoan Trung Quốc, ông Việt nói lý do có thể là vì báo nhận ra những lời lẽ mang tính cáo buộc trong bài không phù hợp với tình hình thực tế:

“Trung Quốc có dàn khoan thì họ vẫn kéo đi. Việc giàn khoan nó cũng không phải là cái gì mới. Nếu dàn khoan nó xâm phạm vào khu vực chủ quyền của Việt Nam thì lúc đó mới là cái đáng ngại. Có lẽ, cái này tôi suy luận thôi, khi mà Thanh Niên đưa tin, người ta cho rằng nó xâm phạm. Nhưng mà sau đó thấy chưa hề xâm phạm, thì người ta không muốn nó căng thẳng, người ta lại rút [tin] đi”.

Hồi tháng Tư năm ngoái, Trung Quốc cũng đã triển khai giàn khoan Hải Dương-981 đến vị trí gần sát tọa độ nêu trên.

Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam “kiên quyết phản đối” và yêu cầu Trung Quốc “rút ngay” giàn khoan ra khỏi khu vực này. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Lần Hải Dương-981 gây sóng gió lớn nhất trong quan hệ Việt-Trung là khi giàn khoan này được đặt ở vị trí Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi tháng 5/2014.

Việc này đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của người dân Việt Nam chống Trung Quốc cũng như nhiều động thái phản đối chính thức của nhà chức trách Việt Nam. Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981vào tháng 7/2014, sau hơn 2 tháng hoạt động. - VOA
|
|

14.
Việt Nam: Khởi tố vụ án nhà máy xơ sợi Đình Vũ [LMN: Ông Trọng tiếp tục truy đuổi vây cánh của ông Dũng và muốn quy trách nhiệm cho Tô Lâm đã mở đường cho Vũ Đình Duy bỏ trốn]

Tin cho hay 4 trong số 5 người bị khởi tố và bị bắt tạm giam thuộc cựu ban lãnh đạo Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) trong vụ án hình sư về tội 'Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' và một người đã bị bắt giam từ trước.

"Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước," trang tin Bộ Công an Việt Nam đưa tin.

Vào tuần này truyền thông trong nước đưa tin Bộ Công Thương và các bộ ngành đã ban hành 120 văn bản để "xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ".

"Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 12 dự án, tới thời điểm hiện nay, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, DQS và Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ;

"Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex).

"Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng".

Trước đó trong phiên báo cáo Quốc hội về 12 dự án thua lỗ lớn của ngành Công Thương, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mô tả điều ông gọi là "sẽ có phương án xử lý cụ thể từng dự án" nhằm để "bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng".

Ông Bình cho hay các vấn đề trọng tâm là "giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn…"

Hồi tháng 1/2017 năm nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói năm 2016 ngành Công Thương "đã bị vấp nhưng chưa ngã" và "có sự vươn lên mạnh mẽ".

Vào tháng 10 2016, Thanh tra Chính phủ loan báo kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy này từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ và phải đóng cửa vào năm 2015.

Nhà báo Huy Đức từng mô tả việc ông gọi là "đội giá" trong dự án Sợi Đình Vũ (từ 324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được một cựu ủy viên Bộ Chính trị cho phê duyệt dự án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Hành vi mà ông Huy Đức nói là "cố ý" khi quyết định đầu tư này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà còn vừa xây xong đã phải đắp chiếu, dẫn lới làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. - BBC
|
|

15.
Quốc hội CSVN thông qua điều 19 BLHS: Luật sư tố cáo thân chủ

Quốc hội Việt Nam chiều ngày 20 tháng 6 thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, trong đó có Điều 19 bị giới luật sư phản đối mạnh mẽ.

Cụ thể đối với Điều 19, Bộ Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm như sau: Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy đinh về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội danh. Theo đó, những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. - RFA
|
|

16.
Trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Bảo vệ Môi trường bị cách chức --- Gần 18 ngàn lao động ra nước ngoài làm việc sau thảm họa Formosa

Cục trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Bảo vệ Môi trường, ông Lương Duy Hanh, chính thức bị cách chức với lý do liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên tại bốn tỉnh bắc miền Trung từ hồi đầu tháng tư năm ngoái.

Tin cho biết vào ngày 20 tháng 6 Tổng Cục Môi trường, thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi trường ký quyết định cách chức ông Lương Duy Hanh.

Vào đầu tháng sáu vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng công bố quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong đảng đối với ông Lương Duy Hanh. Lý do được nêu ra vì ông Lương Duy Hanh trong cương vị cục trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Bảo vệ Môi trường thiếu trách nhiệm thanh tra đối với dự án Formosa, không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong thời gian thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của nhà máy thép gây thảm họa môi trường.

Tuy bị cách chức cục trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Bảo vệ Môi trường, ông Lương Duy Hanh được điều sang làm chuyên viên tại Vụ Pháp Chế của Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Ông Lương Duy Hanh không phải là người duy nhất bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật về mặt đảng. Vào ngày 21 tháng tư vừa qua, Ban bí thư cũng có quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự, bao gồm cả cách chức các chức bí thư ban cán sự đảng UBND, phó bí thư, bí thư tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyên Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng bị cảnh cáo; hai thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai cũng bị kỷ luật vì phần trách nhiệm trong thảm họa môi trường Formosa. - RFA

***
Gần 18 ngàn lao động ở khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung ra nước ngoài lao động do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, kể từ đầu tháng 6 năm 2016 cho đến cuối tháng 5 năm 2017, thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp nhận số lượng lao động vừa nêu; với những công việc làm bao gồm: công nhân, thuyền viên tàu cá, chăm sóc bệnh nhân, làm việc nhà…

Có khoảng 263 ngàn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi thảm họa Formosa. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội hiện đang phối hợp với Ngân hàng cùng các trung tâm dịch vụ lao động ở các tỉnh, thành để hỗ trợ công ăn việc làm cho các nạn nhân bị mất việc làm ở bốn tỉnh Bắc miền Trung.

Trong khi đó, lao động nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc làm việc tại Việt Nam chiếm tỉ lệ đến 30,9%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội được công bố tại buổi hội thảo vào chiều ngày 19/6/2017, số lượng lao động người nước ngoài tại Việt Nam gia tăng từ gần 13 ngàn vào năm 2004 lên xấp xỉ 84 ngàn trong năm 2015 và có đến 93% lao động nước ngoài được cấp phép làm việc hợp pháp ở Việt Nam.

Lực lượng lao động người nước ngoài ở Việt Nam đến từ 110 quốc gia, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment