Friday, July 24, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 24/7

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Đảo nhân tạo Trung Quốc có thể được dùng để ngăn chận Mỹ cứu Đài Loan

Trung Quốc có thể sử dụng các đảo được bồi đắp ở Biển Đông để ngăn cản Hoa Kỳ ứng cứu Đài Loan trong trường hợp khủng hoảng, đó là dự báo của một chuyên gia cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại hội nghị thường niên lần thứ năm về Biển Đông của CSIS ở Washington trong tuần này.

Nhật báo Taipei Times hôm nay, 24/07/2015 trích lời bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của CSIS và cũng là một cố vấn cho chính phủ Mỹ về Đông Á, cho biết là Hoa Kỳ rất quan ngại rằng các đảo nói trên sẽ nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc, cụ thể là khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập (anti-access area-denial) và triển khai quân nhanh chóng (power projection ).

Theo lời chuyên gia Glaser, điều đó tùy thuộc vào các thiết bị quân sự mà Trung Quốc triển khai trên các đảo nhân tạo. Những thiết bị đó có thể là tên lửa địa đối không, tên lửa hành trình diệt hạm, phi cơ có người lái và phi cơ tự động.

Bà Glaser cho rằng mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc khi xây các đảo nhân tạo là nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở Biển Đông, nhưng các hình ảnh vệ tinh cho thấy trên các đảo này có rất nhiều công trình xây dựng có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Các công trình đó bao gồm các cảng, một phi đạo dài đến 3000 mét trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), các radar và các cơ sở khác, nói chung là những công trình sẽ giúp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên biển ở khu vực này.

Các phi đạo trên các đảo nhân tạo có thể được sử dụng cho việc tiếp tế nhiên liệu, và như vậy có thể mở rộng đáng kể tầm hoạt động của các phi cơ Trung Quốc. Như vậy, theo chuyên gia Glaser, Trung Quốc có khả năng đe dọa lực lượng Mỹ ở một khoảng cách xa hơn hiện nay. Nói cách khác, khả năng hoạt động của quân đội Mỹ trong vùng có thể sẽ bị giới hạn, trong trường hợp Hoa Kỳ muốn đến bảo vệ Đài Loan khi xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc.

Theo lời bà Glaser, Trung Quốc hiện có 8 tàu tuần duyên hoạt động ở Biển Đông và có khả năng còn hạn chế về hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát. Nhưng khả năng này sẽ được nâng cao đáng kể với việc sử dụng các cơ sở trên các đảo nhân tạo, như các hệ thống kiểm soát và báo động sớm máy bay.

Bắc Kinh cũng có thể sẽ thiết lập ở Biển Đông một vùng nhận dạng phòng không, tương tự như vùng đã được thiết lập ở biển Hoa Đông vào năm 2013. Theo lời chuyên gia Glaser, để có thể giám sát và bảo đảm việc thực thi vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, Trung Quốc cần phải có hơn một phi đạo. Hiện giờ Trung Quốc đã có một phi đạo trên quần đảo Hoàng Sa và sắp tới đây sẽ có một phi đạo ở Đá Chữ Thập, Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy là trên Đá Su Bi (Suni Reef), Trung Quốc cũng có thể xây một phi đạo khác. - RFI
|
|

2.
Chính diện hay hậu trường: Vai trò nào cho Hoa Kỳ ở Biển Đông?

Với nhiều hoạt động xây dựng, cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 18 tháng qua, nhiều người cho rằng Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho các đối tác và đồng minh trong khu vực thông qua kinh tế và quân sự, nhưng một số người khác lại cho rằng các nước ASEAN phải tự giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Làm thế nào Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho các đối tác đồng thời giảm thiểu rủi ro xảy ra  xung đột? Đó cũng là câu hỏi được đặt ra trong buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua (23/7) về “Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông”.

Trong buổi điều trần, các chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực này.

"Hoa Kỳ cần phải đào sâu và mở rộng quan hệ ngoại giao và hỗ trợ thực tế cho ASEAN. Chúng ta cần phải tăng cường quan hệ với ASEAN trên 4 cấp độ, không phải 1 mà là 4 cấp độ: với toàn bộ ASEAN, với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông), với từng nước ASEAN và với các đối tác đồng minh của chúng ta ở trong và ngoài ASEAN, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Nam Triều Tiên”, đó là đề nghị đầu tiên của TS. Patrick Cronin, Cố vấn cao cấp, Giám đốc chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới.

TS. Cronin cho rằng Hoa Kỳ cần phải gắn kết nhiều hơn với khu vực, phải bảo đảm đặt vấn đề Biển Đông lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao khu vực.

Buổi điều trần tại Hạ viện diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định trong bài phát biểu ở Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) rằng “Hoa Kỳ không mập mờ khi đề cập đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, nhưng “mạnh mẽ ủng hộ bên tuân thủ các nguyên tắc”.

Đối với những diễn tiến gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động xây dựng trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, khiến cho căng thẳng vốn có lâu nay ở Biển Đông lại một lần nữa tăng lên, TS. Mira Rapp-Hooper, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, cho biết trên thực tế, tất cả các bên tranh chấp đều có những hoạt động xây dựng, bồi đắp đất đai tại vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên mức độ, phạm vi và tốc độ xây dựng của Trung Quốc vượt hẳn các nước láng giềng. Bà Hooper đưa ra so sánh trong đó cho thấy Đài Loan đã cải tạo khoảng 5 ha đất trong vòng 2 năm, Malaysia cải tạo khoảng 60 ha trong 30 năm, Việt Nam khoảng 50 – 60 ha trong vòng 5 năm, trong khi Trung Quốc chỉ trong vòng 1 năm đã cải tạo ít nhất 2.000 ha đất ở 7 địa điểm khác nhau.

“Chính vì những hoạt động cải tạo rộng lớn của Trung Quốc bị lộ ra nên các bên tranh chấp cũng đáp trả bằng các hoạt động xây dựng riêng của mình. Đặc biệt và rõ ràng hơn là các hoạt động ngoại giao và quân sự đã diễn ra trong 18 tháng qua”, TS. Rapp-Hooper nói.

Vai trò của Mỹ

Như vậy với tình hình có xu hướng ngày càng “nóng” lên ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải đóng vai trò thế nào cho phù hợp?

TS. Andrew Erickson, giáo sư  của Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc, thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ, cho rằng Washington cần phải ngăn chặn ý định sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Ông nói:

“Tôi tin là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể và sẽ tránh để xảy ra chiến tranh. Thay vào đó là duy trì hòa bình và ngăn chận xung đột. Cụ thể, chúng ta phải ngăn chặn Bắc Kinh giải quyết vấn đề biển đảo và tranh chấp chủ quyền lãnh hải bằng vũ lực hay ngay cả đe dọa sử dụng vũ lực”.

TS. Erickson nói bằng cách kết hợp việc triển khai hệ thống vũ khí cùng với chiến lược, Hoa Kỳ có thể ngăn cản ý định của các lãnh đạo Trung Quốc tiến hành mưu đồ của họ trên Biển Đông.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việc minh bạch, chia sẻ thông tin sẽ giúp cho các nước trong khu vực có thể chuẩn bị và đối phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra về mọi mặt, kể cả đối với những vấn đề như thiên tai, cứu trợ…

Giảm khác biệt

Trong khi đó, TS. Michael Swaine, thuộc Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, đề nghị Washington nên trở thành trung gian trong việc dàn xếp song phương với các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

“Liên quan đến vấn đề đàm phán, Washington nên ngừng phản đối việc đàm phán song phương giữa các bên tranh chấp, bao gồm Trung Quốc-Việt Nam, Trung Quốc-Philippines… mà nên trở thành trung gian việc dàn xếp song phương giữa Việt Nam và Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ đó giảm thiểu những khác biệt giữa các nước ASEAN có tranh chấp trong đàm phán song phương với Trung Quốc. Điều đó cũng đem lại cho họ thêm lợi thế trong việc đối phó với Trung Quốc”.

TS. Swaine cho rằng Hoa Kỳ nên đóng vai trò “phía sau hậu trường”, không nên khuyến khích Nhật tham gia tuần tra chung ở Biển Đông vì Nhật Bản không phải là bên liên quan và điều này chỉ góp phần tạo thêm bất ổn mà thôi.  Ông Swaine cũng cảnh báo về tính “nhạy cảm” trong vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp thường có khuynh hướng xem Hoa Kỳ như người đỡ gánh nặng, chống lưng cho họ nên không hoàn toàn dốc sức trong việc tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc có thái độ bất mãn nhiều hơn vì cho rằng Hoa Kỳ là kẻ giật dây phía sau hậu trường.

Đưa Biển Đông vào cuộc hội kiến sắp tới

Động thái thiết thực mà Hoa Kỳ nên làm ngay lúc này, theo TS. Swaine, là đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự của cuộc hội kiến sắp tới giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Tôi cho rằng ông Obama nên ngồi xuống với ông Tập Cận Bình, cùng một nhóm nhỏ nhân viên thôi, và nói chuyện một cách nghiêm túc về vấn đề này. Nói về những gì mà Hoa Kỳ lo ngại, nói về những gì mà Hoa Kỳ xem là không thể chấp nhận được một cách nào đó, nói về phương cách mà hai bên có thể làm để bảo đảm là những điều đó không xảy ra nữa. Và Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm của họ”.

Hôm thứ Ba (21/7), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với chuyến bay giám sát của tân chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, trên Biển Đông vào cuối tuần trước trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của ông.

Trả lời trên tờ China Daily, một giới chức quân đội Trung Quốc nói rằng việc giám sát Trung Quốc thường xuyên với quy mô lớn của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Giới chức này nói “chính quyền Trung Quốc phản đối mạnh mẽ động thái của Hoa Kỳ”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ lời hứa không đứng về phe nào trong vấn đề Biển Đông và rằng Hoa Kỳ nên làm nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong khu vực. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
NASA phát hiện được ‘‘chị em sinh đôi’’ của Trái đất

Theo Reuters, hôm qua 23/07/2014, các nhà khoa học của NASA, cơ quan không gian Hoa Kỳ, vừa phát hiện thêm được một hành tinh có sự sống. Hành tinh này được nhiều người coi là giống Trái đất nhất, so với tất cả những thiên thể được phát hiện từ trước tới nay.

Nhà nghiên cứu Jeff Coughlin, viện SETI (California), rất vui mừng: "Việc phát hiện được một hành tinh tương tự Trái đất, về kích thước và nhiệt độ, quay xung quanh một ngôi sao tương tự Mặt trời, là một bước tiến lớn". Các nghiên cứu về Kepler-452b sẽ được công bố trên tạp chí  Astronomical Journal.

Hành tinh mới được tìm ra có thể tích lớn hơn Trái đất của chúng ta khoảng 60%, nằm trong chòm sao Thiên Nga, cách hệ Mặt trời 1,400 năm ánh sáng.

Thiên thể do kính thiên văn Kepler phát hiện được đặt tên là Kepler-452b. Hành tinh này quay xung quanh một ngôi sao rất giống với Mặt trời, và ở một cự ly tương tự như Trái đất. Theo các nhà khoa học, Kepler-452b ở một khoảng cách phù hợp, cho phép hành tinh có nước lỏng trên bề mặt, một điều kiện cho phép hình thành sự sống.

Ngoài Kepler-452b, kính Kepler đã xác định được hơn 1,000 hành tinh và gần 5,000 thiên thể tương tự hành tinh. Tuy nhiên, Kepler-452b lại có một "Mặt trời" hơi lớn hơn và hơi nóng hơn so với các hành tinh được phát hiện trước đó.

Căn cứ trên kích thước biết được, các nhà khoa học dự báo bề mặt của hành tinh được cấu thành từ đá, giống như Trái đất. Tuy nhiên, đây chưa phải là quan sát trực tiếp. Để xác định trên Kepler-452b có khí quyển hay không, cần phải có một thế hệ kính thiên văn mới hoàn thiện hơn.

Ngôi sao của Kepler-452b có tuổi khoảng 6 tỷ năm, tức là "già" hơn Trái đất hơn 1 tỷ năm. Đây là một khoảng thời gian thuận lợi cho việc xuất hiện sự sống, bên cạnh các yếu tố quan trọng khác nêu trên. - RFI
|
|

4.
Nổ súng trong rạp chiếu phim ở Louisiana

Một tay súng ở bang Louisiana thuộc miền nam của Mỹ đã nổ súng vào một rạp chiếu phim tối thứ Năm, giết chết hai người và làm bị thương ít nhất tám người khác trước khi tự sát.

Nhà chức trách nói rằng họ biết danh tính của tay súng, nhưng chỉ tiết lộ ông ta là một người đàn ông 58 tuổi.

Kẻ tấn công bắt đầu nổ súng trong buổi chiếu phim Trainwreck tại rạp Grand Theater ở thành phố Lafayette.

Cảnh sát được điều động tới những rạp khác trong khu vực sau vụ nổ súng, nhưng không xảy ra thêm vụ tấn công nào.

Thống đốc bang Louisiana Bobby Jindal cho biết vụ nổ súng dường như là một hành động bạo lực ngẫu nhiên nhắm vào những gia đình đi chơi vào buổi tối.

"Chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn mà chúng tôi nghĩ là tiếng pháo," Katie Domingue nói với báo Daily Advertiser. Cô Domingue cho biết cô nhìn thấy "một người đàn ông da trắng lớn tuổi" đứng lên và bắn xuống vào rạp chiếu phim, nhưng không phải về phía cô.

"Ông ta không nói câu nào. Tôi cũng không nghe thấy ai la hét," cô Domingue nói.

Cô Domingue nói với tờ báo cô nghe thấy sáu phát súng trước khi cô và hôn phu của cô chạy đến lối ra gần nhất, bỏ giày và túi xách lại đằng sau.

Một người đi xem phim nói với đài CNN rằng ông nghĩ tiếng súng là từ trong phim.

Chưa có thông tin về động cơ khả dĩ của tay súng.

Thành phố Lafayette cách thủ phủ Baton Rouge của Louisiana khoảng 90 km về phía tây nam. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thủ tướng Thái Lan: VN không phải đối thủ cạnh tranh

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã gạt đi mối lo ngại rằng Việt Nam đang làm lu mờ hình ảnh cơ sở sản xuất trong khu vực của Thái Lan. Ông nói Việt Nam là một người bạn chứ không phải là đối thủ cạnh tranh.

Lời phát biểu được đưa ra trong chuyến thăm Bangkok của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, giữa bối cảnh một số công ty nước ngoài đang chuyển hướng hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam, một phần vì lý do hậu cần.

Ông Prayuth nói trong buổi họp báo với Thủ tướng Dũng hôm 23/7: “Hôm nay, chúng tôi dùng từ ‘người bạn’ chứ không phải đối thủ cạnh tranh”.

Ông cho biết thêm, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các quan chức Thái Lan đã bày tỏ quan ngại rằng Việt Nam đang thu hút đầu tư sản xuất nước ngoài nhiều hơn, làm tăng thêm mối lo cho chính phủ đang tìm cách thúc đẩy đầu tư tư nhân nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Một thập kỷ bất ổn chính trị ở Thái Lan, trong đó có bùng phát bạo lực đường phố, đã làm tăng thêm nghi vấn về sự phù hợp của đất nước này như một cơ sở sản xuất trong khu vực đối với một số nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong cuộc họp báo Thái Lan và Việt Nam đồng ý tăng cường thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cho biết thương mại song phương Việt-Thái đã đạt 11.8 tỉ USD trong năm 2014.

Kể từ cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với Việt Nam bởi tranh chấp lãnh thổ Biển Đông.

Thái Lan và Việt Nam tuyên bố trong một thông cáo báo chí chung hôm 23/7 rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã ảnh hưởng đến sự tin tưởng, sự tự tin và "có thể phá hoại hòa bình và ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải".

Cả hai nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả của tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Cả Việt Nam và Thái Lan đều đã bị tố cáo bởi các tổ chức nhân quyền về vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tháng trước, cảnh sát Thái Lan đã buộc tổ nhân quyền Human Rights Watch có bản doanh ở New York, hủy bỏ một sự kiện định tổ chức tại một câu lạc bộ truyền thông ở Bangkok nhằm công bố một bản phúc trình tố cáo Việt Nam đàn áp người sắc tộc thiểu số. - VOA
|
|

6.
Đại tướng Thanh 'gửi bài cho hội thảo' [LMN: đây có vẻ như ai đó sử dụng tên ông Thanh cho mục đích chính trị]

Truyền thông Việt Nam hôm 24/7 đăng bài tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, gửi một hội thảo.

Hội thảo có tên “70 năm Công an nhân dân Việt Nam xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Theo truyền thông Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gửi tham luận nói về năm nội dung hợp tác giữa quân đội và công an.

Ông Phùng Quang Thanh gần đây vắng mặt trong các sự kiện, trong lúc Việt Nam nói ông đang chữa bệnh.

Bài viết của Đại tướng Thanh cảnh báo trong thời gian tới tình hình Biển Đông “có những diễn biến phức tạp mới về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, không loại trừ khả năng có thể có đột biến”.

Ông nhận định “các thế lực thù địch” muốn “hạ thấp uy tín, vai trò và chia rẽ mối đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội và Công an, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta”.

Năm nội dung hợp tác giữa quân đội và công an được ông Thanh nêu ra, gồm “phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về an ninh - quốc phòng”.

Tướng Thanh kêu gọi “tăng cường phối hợp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân”.

Thứ ba, ông nhấn mạnh “tăng cường phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh; chủ động phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch”.

Thứ tư, ông kêu gọi “ đẩy mạnh phối hợp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng-an ninh”.

Nội dung hợp tác thứ năm, theo Tướng Thanh, là quân đội và công an “trao đổi kinh nghiệm xây dựng về chính trị, tư tưởng, tổ chức” để đảm bảo “bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng”. - BBC

No comments:

Post a Comment