Thursday, July 16, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 16/7

Tin Thế Giới

1.
Philippnes mở lại căn cứ Subic Bay đương đầu với tham vọng Trung Quốc --- Bắc Kinh phản đối Manila sửa chữa chiến hạm cũ ở Trường Sa

Trong kế hoạch đương đầu với tham vọng biển đảo của Trung Quốc, Manila điều máy bay chiến đấu và chiến hạm vào vùng biển phía tây Philippines. Căn cứ quân sự khổng lồ Subic Bay sắp hoạt động trở lại, sau 23 năm đóng cửa chuyển đổi thành khu kinh tế, sẽ cho phép Philippines can thiệp nhanh chóng tại Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay 16/07 cho biết đã ký hợp đồng thuê lại căn cứ Subic Bay với thời hạn 15 năm có gia hạn với cơ quan quản lý dân sự Subic Bay Metropolitain hồi tháng 5.

Quân đội Philippines sẽ đưa về Subic Bay chiến đấu cơ phản lực mới và hai chiến hạm. Theo các chuyên gia quân sự, sử dụng căn cứ Subic Bay sẽ cho phép quân đội Philippines can thiệp hữu hiệu, ngăn chận hoạt động của hải thuyền Trung Quốc trong vùng biển phía tây của đảo Luzon. Chuyên gia an ninh quốc phòng Philippines Rommel Banlaoi nhận định: Giá trị quân sự của Subic Bay đã được quân đội Mỹ chứng minh và giới tướng lãnh Trung Quốc cũng biết được điều đó.

Một khi Subic Bay phục hồi vai trò quân sự, hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ này một cách dễ dàng hơn cho dù khả năng Hoa Kỳ được quyền thuê trở lại vẫn chưa ngã ngũ do có sự chống đối của Tối cao Pháp viện Philippines. Từ năm 2000 cho đến nay, hải quân Mỹ chỉ đến Subic Bay trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung.

Theo kế hoạch của bộ quốc phòng Philippines, kể từ tháng 12 năm nay, hai chiến đấu cơ FA-50 đầu tiên trong số 12 chiếc đặt mua của Hàn Quốc sẽ được chuyển giao và sẽ được bố trí tại căn cứ Subic.

Subic Bay nằm cách đảo đá ngầm Scaborough bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 2012 chỉ có 270 cây số. Theo chuyên gia an ninh Mỹ Patrick Cronin, chiến đấu cơ FA-50 chỉ cần vài phút là bay đến mục tiêu. - RFI

***
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, 15/07/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh phản đối việc Philippines sửa chữa một chiến hạm, mà theo Trung Quốc, đã mắc cạn "trái phép" trên bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây), thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhắc lại rằng Bắc Kinh có chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh, trong đó có bãi Cỏ Mây, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu phía Philippines kéo chiến hạm nói trên ra khỏi bãi Cỏ Mây và dọa sẽ thi hành các biện pháp khác nếu Manila không thực hiện điều này.

Hôm qua, Manila tuyên bố đã bắt đầu sửa chữa chiến hạm cũ BRP Sierra Madre, có từ thời đệ nhị Thế chiến, mua lại của Mỹ từ thập niên 1970, được dùng làm căn cứ tiền tiêu kiểm soát bãi Cỏ Mây. Mục đích việc sửa chữa, theo phát ngôn viên Hải quân Philippines, là nhằm bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu cho đơn vị đóng trên tàu.

Chiến hạm bị rỉ sét dài 100 mét này vốn được quân đội Philippines cố tình để cho mắc cạn ở bãi Cỏ Mây vào năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh Manila lo ngại Trung Quốc cưỡng chiếm đảo này. Trước đó bốn năm, Trung Quốc đã chiếm bãi Mischief Reef (bãi Vành Khăn), mà Philippines cũng khẳng định chủ quyền, nằm cách bãi Cỏ Mây khoảng 40 km.

Hiện tại, Philippines vẫn duy trì một đơn vị gồm 9 binh sĩ trên chiến hạm Sierra Madre. Hồi năm ngoái, theo báo chí Philippines, tàu hải quân nước này thường xuyên bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn khi tới bãi Cỏ Mây. Manila thậm chí phải dùng đến đường hàng không để tiếp tế lương thực cho các binh sĩ. - RFI
|
|

2.
Hạ viện Nhật Bản đồng ý sửa đổi luật phòng thủ quân sự

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật, theo đó nới lỏng các giới hạn đối với quân đội nước này. Đây được coi là một bước đi mang tính lịch sử, xa rời các chính sách quân sự ôn hòa thời hậu Thế Chiến thứ Hai của nước này.

Với sự hậu thuẫn của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, dự luật gây tranh cãi đã được thông qua hôm nay, dù vấp phải các cuộc biểu tình lớn cũng như bị các đảng phái đối lập chính tẩy chay.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Abe nói: “Tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các dự luật này là điều hết sức cần thiết để bảo vệ mạng sống của người dân Nhật Bản, cũng như ngăn chặn chiến tranh”.

Trong khi đó, các nhà lập pháp đối lập tỏ ra bất mãn vì Đảng Dân chủ Tự do, LDP, của ông Abe đã gấp rút đẩy nhanh dự luật qua một ủy ban quốc hội mà không tiến hành đủ các cuộc tranh luận.

Ông Abe đã cam kết tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng vệ bị giới hạn nhiều của Nhật Bản, một phần là nhằm đáp lại sự lớn mạnh và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, quốc gia hiện có tranh chấp lãnh hải với Tokyo.

Trong khi đó, hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án việc Nhật Bản thông qua dự luật, và điều đó khiến Bắc Kinh đặt dấu hỏi là liệu Tokyo có tiếp tục các chính sách quân sự “hoàn toàn mang tính phòng thủ” mà nước này đã áp dụng kể từ sau Thế Chiến II hay không.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi thực sự kêu gọi phía Nhật Bản rút ra các bài học lớn từ quá khứ, duy trì đường hướng phát triển hòa bình, và tránh làm tổn hại tới các quyền lợi an ninh và chủ quyền của Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình khu vực”.

Một trong số các điều khoản chính của dự luật là cho phép quân đội Nhật Bản tiến hành điều gọi là “phòng thủ tập thể”. Ngoài ra, nước này cũng sẽ có thể được phép bảo vệ các quốc gia bạn hữu khi những nước này bị tấn công.

Phe đối lập và phần đông công chúng Nhật Bản phản đối những thay đổi lớn đối với các nguyên tắc quân sự mang tính ôn hòa được ghi trong hiến pháp của nước này suốt 70 năm qua. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Quân đội Mỹ đối mặt với những thách thức mới

Quân đội Hoa Kỳ đang ra sức thúc đẩy cho những sự thay đổi chiến lược trong lúc chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa của các tác nhân quốc gia và phi quốc gia trong những năm sắp tới. Các nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ đang đối mặt với những thách thức trong một thời điểm đặc biệt, khi những mối đe dọa của những tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo và của các quốc gia như Nga và Trung Quốc đang trên đà gia tăng.

Trong cuộc nói chuyện hồi tuần trước với các binh sĩ Lục quân tại căn cứ Fort Bragg ở tiểu bang North Carolina, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng những kỹ năng và kinh nghiệm có được trong những cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan có thể áp dụng trong thời đại mới.

Ông Carter nói rằng quân đội “đang tiến vào một chiều hướng mới trong tương lai, khi chúng ta tìm cách áp dụng những gì chúng ta đã học được, và chúng ta đã học được rất nhiều từ hai cuộc chiến tranh đó, để áp dụng những kỹ năng và kinh nghiệm đó vào những cuộc xung đột sẽ định đoạt tương lai của chúng ta.”

Những mối đe dọa

Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài đã cập nhật Chiến lược Quân sự lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Cuộc duyệt xét chiến lược này cảnh báo rằng mối nguy của việc xảy ra một cuộc chiến tranh với một quốc gia khác tuy đang ở mức thấp nhưng đang trên đà gia tăng. Văn kiện này nêu tên 4 nước mà họ nói quân đội Mỹ sẽ chú tâm nhiều hơn: Nga, Iran, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Ông Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington, cho biết những nước đó đang theo đuổi những mục tiêu an ninh của chính họ và “quyền lợi của họ với quyền lợi của chúng ta có phần chắc sẽ xảy ra mâu thuẫn trong tương lai gần.”

Ông Clark nói với đài VOA rằng những hành động hung hãn của Nga ở Đông Âu và của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong số những yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi chiến lược của Mỹ. Ông nói “Những nỗ lực của cả hai nước này đã làm cho Hoa Kỳ phải nghĩ lại là họ cần phải chuẩn bị cho một vụ xung đột quyền lực qui mô lớn, thay vì chỉ chú trọng tới những vấn đề chống khủng bố”.

Trong lúc cho rằng Iran, Nga và Bắc Triều Tiên tạo ra những mối rủi ro cho hoà bình thế giới, bản phúc trình của Ngũ Giác Đài mô tả tình hình liên quan tới Trung Quốc với một cung cách khác.Theo chiến lược mới, Hoa Kỳ muốn ủng hộ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc trở thành một đối tác để bảo vệ an ninh quốc tế.

Trung Quốc là 'kẻ thù'

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ xem nhẹ mối rủi ro xảy ra xung đột với Bắc Kinh. Ông Bryan Clark nói rằng quân đội Mỹ “xem Trung Quốc như một mối rủi ro rất lớn cho các quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì Trung Quốc là một nước lớn hơn nhiều về mặt kinh tế, lớn hơn về mặt dân số, có một quân đội ngày càng lớn mạnh, cũng có một số khả năng quân sự tiên tiến mà Nga có nhưng với số lượng lớn hơn.”

Ông Clark nói thêm rằng “Trung Quốc cũng đang trực tiếp đối đầu với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.”

Chiến tranh trên nhiều mặt trận

Chiến lược mới của Ngũ Giác Đài nhắm tới việc tăng cường khả năng để có thể tiến hành một cuộc chiến tranh qui mô lớn và nhiều giai đoạn chống lại một địch thủ tại một khu vực và đồng thời không để cho một địch thủ khác tại một khu vực khác đạt được mục tiêu của họ.

Bộ trưởng Carter nói rằng quân đội Mỹ phải có khả năng để ứng phó với những thách thức tại hai khu vực cùng một lúc.

Ông Carter nói: "Chúng ta cần có một lực lượng không những đủ lớn, mà còn được huấn luyện và trang bị đủ tốt, và được trả lương đủ cao để chúng ta tuyển mộ và lưu dụng những người thích hợp để ứng phó với hai tình huống khẩn cấp đó.”

Ngũ Giác Đài hồi gần đây loan báo kế hoạch cắt giảm 40.000 binh sĩ Lục quân. Bộ trưởng Carter nói rằng đó là một việc cần thiết để tăng cường năng lực tổng thể trong lúc có nhiều khó khăn về ngân sách. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Hàng chục ngôi mộ người Việt ở Campuchia bị đập phá

Mới đây, một số mộ phần của người Việt ở tỉnh Kadal, Campuchia bị các đối tượng lạ mặt đập phá. Video về hành động đó được truyền tải trên mạng internet khiến cộng đồng người Việt tại Campuchia bức xúc. Từ Campuchia, Sơn Trung có bài tường trình như sau.

Hôm 14 tháng 7 năm 2015, chúng tôi có mặt tại khu nghĩa địa thuộc ấp Knong Prek, xã Prek Koy, huyện Sa Ang, tỉnh Kandal. Khu nghĩa địa này có diện tích khoảng nửa héc-ta với hơn 300 ngôi mộ của người Việt theo cả Công giáo và Phật giáo. Theo quan sát của chúng tôi, trong số hơn 300 ngôi mộ này có 16 ngôi mộ bị đập phá cây thánh giá và phần bia, một số ngôi mộ bị đập nát phần di ảnh của người quá cố. Những ngôi mộ bị đập phá này nằm ở hàng phía trước, dọc bên đường, riêng những ngôi mộ ở phía sau không bị gì.

Nhiều lần đập phá 

Chúng tôi đến Nhà thờ Họ đạo Sa Ang, một trong những nơi phụ trách quản lý khu nghĩa địa này. Tiếp xúc với chúng tôi, Thầy Nguyễn Văn Thọ, phụ trách thánh lễ ở nhà thờ này hơn 20 năm cho biết đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. “Trước kia, trong lúc lộn xộn, đợt bầu cử trước (năm 2013) thì nó đập đất thánh của người Công giáo hai lần, mới đây thì đập thêm của Phật giáo”.

Cũng theo Thầy Thọ, cơ quan chức năng của Campuchia đã tìm ra thủ phạm, tuy nhiên, do những người này nghe nói bị tâm thần nên không bị truy cứu trách nhiệm gì.

Khu nghĩa địa này nằm ở khu vực đồng vắng, cách xóm của người Việt khoảng 2 km nên người ta ít khi đến đây ngoại trừ các dịp lễ lộc như Tết, Thanh minh, hay chôn cất người mới. Nhiều người cho biết việc đập phá phần mộ diễn ra thường xuyên, hầu như vào mỗi dịp Thanh minh đều phải sửa chữa hay xây mới. Tuy nhiên, đây chỉ là hành vi phá hoại của một số người nghiện ma túy, không có mục đích rõ ràng và chỉ đập phá phần thánh giá và một số chi tiết nhỏ. Nhưng nay, cũng theo người dân ở đây thì việc đập phá được thực hiện có quy mô và gây thiệt hại cao, hơn nữa những người này còn cố ý quay video phát tán chứng tỏ đây là hành vi cố ý phá hoại và gây hấn.

Một người Việt không muốn nêu tên cho rằng việc phá hoại mồ mả này có thể có liên quan đến một số mâu thuẫn biên giới Việt Nam-Campuchia đang diễn ra và rất có thể những đối tượng phá hoại này mang nặng tư tưởng phân biệt dân tộc và muốn trả thù người Việt.

Chúng tôi mang vấn đề này trao đổi với ông Phó Cảnh sát Trưởng huyện Sa Ang thì ông này cho biết không thể đưa ra bình luận gì vì sự việc vẫn đang nằm trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng.

Bức xúc, đau buồn nhưng không dám kiện

Theo văn hóa Việt Nam, mồ mả ông bà có ảnh hưởng rất lớn đến con cháu, những người còn sống. Một khi âm trạch bị ảnh hưởng, hay động mồ động mả sẽ khiến con cháu gặp nhiều bất ổn, thâm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Khi phát hiện mộ phần của người thân bị đập phá, người dân hết sức lo lắng cho vận mệnh bản thân và gia đình. Ông Phạm Út Em có phần mộ của cha bị ảnh hưởng chia sẽ: “Luôn luôn lúc nào cũng vậy hết, động mồ động mã sẽ gây ra nhiều chuyên khó khăn lắm, nhưng mà mình cũng phải dằn lòng lại. Mình cũng cúng vái để cho qua cái vụ động mồ động mã này. Chỉ có ngày Thanh Minh và ngày 25 Tết mình mới có quyền phát mồ phát mã (xây dựng và sửa chữa lại) thôi. Cũng buồn lắm chớ nhưng mà chỉ để bụng thôi chứ biết làm sao bây giờ”.

Bức xúc, đau buồn nhưng khi được chúng tôi hỏi rằng liệu họ có kiện để cơ quan chức năng xử lý những đối tượng phá hoại hay không, ông Út Em và một số người có mộ phần tổ tiên bị phá cho biết: “Bây giờ kiện cáo thì ý muốn kiện nhưng mà tôi cũng không biết làm sao mà nói nè. Mà nếu có kiện thì cũng không biết mấy anh (giới chức Campuchia) có giải hòa giải quyết cho vụ này được hay không. Bây giờ chỉ muốn từ đây trở về sau đừng có cho đập nữa. Sợ kiện cáo nó thù, nó ghét, nó đập nữa. Ở đây mình đi làm. Việt Nam ở đây cũng khó lòng lắm. Mình thưa gửi, gợi lên quá khứ thì làm ăn khó khăn lắm”

Đối với người chết, người Việt ai ai cũng muốn họ được mồ yên mã đẹp, riêng thân nhân của người quá cố thì mong người thân của mình được yên ấm để phù hộ con cháu làm ăn thuận lợi. Nơi yên nghĩ của tổ tiên được xem là linh thiên và kiêng kỵ của người Việt. Người ta luôn tránh gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của mộ phần. Khi gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ thì người ta mới dám tác động lên mộ phần. Riêng việc đập phá là hành vi bất kính với người quá cố và không thể chấp nhận được.

Trong khi đó đối với người Việt ở huyện Sa Ang thì dường như việc bảo vệ nơi yên nghĩ của thân nhân là một việc gì đó nằm ngoài khả năng của họ. Bà Nguyễn Thị Gương vui mừng khi mộ phần chồng của bà may mắn không bị ảnh hưởng sau ba lần phá hoại nhưng bà không chắc chắn rằng liệu lần thứ 4 có xảy ra thì chồng bà có được yên hay không. Bà Gương, 64 tuổi chia sẽ: “Tùy theo mấy ổng đi. Có đập thì đập chớ biết làm sao bây giờ. Lo thì có lo, buồn cho ổng chết rồi mà không yên, nằm không yên. Thì kệ chứ biết làm sao bây giờ. Mấy đứa nhỏ con tôi cũng nói má ơi giờ phần số ba bị đập vậy thì cũng êm thôi chứ biết làm sao bây giờ. Có nói gì bây giờ đâu”.

Cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài đông nhất và định cư lâu đời tại Campuchia. Tuy nhiên người Việt cũng là cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở xứ chùa tháp này. Do nhiều lý do về lịch sử và chính trị, người Việt tại Campuchia không được nhà nước Campuchia bảo hộ và họ cũng không được sự thừa nhận từ chính quyền cộng sản Việt Nam. - RFA
|
|

5.
VN bác tin đưa vũ khí vào Nam giữa căng thẳng biên giới với Campuchia

Bộ Ngoại giao hôm nay bác bỏ những hình ảnh và tin tức trên mạng nói rằng Việt Nam đang chuyển vũ khí về phía biên giới Tây Nam liên quan đến tình hình bất ổn ở biên giới với Campuchia trong những ngày gần đây.

Báo chí nhà nước dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 16/7 khẳng định ‘Thông tin Việt Nam chuyển vũ khí vào Nam không xác thực.’

Các trang mạng truyền thông xã hội đang nhanh chóng lan truyền thông tin và hình ảnh cho rằng các đoàn xe thiết giáp và khí cụ đang được các toa tàu hỏa chuyên dụng vận chuyển vào Nam trước tình hình căng thẳng biên giới. 

Thông tin này xuất hiện sau những va chạm tại khu vực biên giới hôm 28/6 khi 250 người Campuchia và một số nghị sĩ đảng đối lập nước này xâm nhập ‘bất hợp pháp’ vào lãnh thổ Long An và một số phần tử quá khích trong nhóm đã tấn công võ lực, gây thương tích cho 7 người Việt. Phía Campuchia có 10 người bị thương, theo tờ Bangkok Post.

Việt Nam lên án đây là hành động phi pháp, trái với các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng để tránh tái diễn và ‘bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước’.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Hà Nội coi trọng quan hệ láng giềng với Campuchia và mong phát triển đường biên giới trong hòa bình, hữu nghị.

Truyền thông nhà nước nói vụ gây rối biên giới cuối tháng rồi là do các phần tử quá khích, cho nên, sẽ không dẫn tới việc hai nước phải dùng tới các biện pháp quân sự để xử lý.

Theo trang điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, tin đồn trên internet về việc chuyển khí tài vào Nam ‘gây nên tình trạng hoang mang cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp’ giữa Việt Nam-Campuchia, đồng thời khuyến cáo dân chúng ‘cảnh giác đối với những thông tin không có sự xác thực của các cơ quan chức năng.’

Phe đối lập Campuchia lâu nay phản đối các mối quan hệ gần gũi giữa Phnom Penh với Hà Nội, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Hun Sein nhu nhược trước các hành động ‘xâm lấn’ của Việt Nam.

Trong quá khứ, Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) của Campuchia đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình dọc đường biên giới trải dài 1270 cây số giữa đôi bên.

Việc hai nước chưa hoàn tất toàn bộ công tác cắm mốc phân ranh đã dẫn tới nhiều vấn đề trong đó có các vụ va chạm.

Lãnh tụ Sam Rainsy của đảng đối lập CNRP nói nhóm của họ không có lỗi trong vụ ẩu đả với người Việt Nam hôm 28/6 và yêu cầu chính phủ Campuchia phải xử lý ‘những người nước ngoài coi thường người Campuchia…và nuốt chửng đất đai của dân Campuchia.’

Người ta tin rằng vụ việc bắt nguồn từ các cáo giác gần đây rằng Việt Nam đào một số ao hồ bất hợp pháp bên trong lãnh thổ Campuchia và có kế hoạch xây dựng một đồn quân sự trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình của Việt Nam khi trả lời báo giới không hồi đáp các câu hỏi liên quan đến những tố cáo vừa kể.

Sau vụ bạo động biên giới cuối tháng rồi, các nhà lập pháp thuộc đảng đối lập CNRP đã yêu cầu Quốc hội Campuchia tạm ngưng mọi hoạt động cắm mốc với Việt Nam cho tới kỳ bầu cử toàn quốc năm 2018.

Trong thông cáo gửi báo chí hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho biết Quốc hội bác đề nghị này. 

Ông Samrin loan báo Quốc hội Campuchia đã chấp thuận việc thành lập một ủy ban biên giới và công tác của ủy ban này sẽ được xúc tiến.

Nhà lập pháp đối lập Um Sam An cho đài VOA biết ông sẽ gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Hiến pháp.

Theo cáo giác của đảng CNRP, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa lấp các ao hồ ở vùng biên giới cũng như vẫn tiếp tục tiến hành công trình thi công trên một con đường gần biên giới ở tỉnh Svay Rieng, cách nơi xảy ra va chạm hồi tháng rồi không xa.

Công tác cắm mốc biên giới với Việt Nam vẫn là một vấn đề tranh cãi chính trị ở Campuchia.

Trong tháng này, các thành viên của đảng cầm quyền Campuchia trong ủy ban biên giới đã gặp các đối tác phía Việt Nam, nhưng cuộc họp không đạt được mấy tiến bộ và cả đôi bên nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán cắm mốc phân ranh.

Trước đó, giữa tháng 6, Bộ Ngoại giao Campuchia đã liên tục gửi công hàm tới đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh yêu cầu Hà Nội ngưng công tác đào ao hồ ‘lấn đất’ Campuchia và nhắc lại sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước là không thay đổi các khu vực chưa cắm mốc.

80% đường biên giới Việt Nam-Campuchia đã được cắm mốc, nhưng trước nay cả hai bên đều tố cáo đối phương di dời các dấu mốc.

Hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và ký Hiệp ước bổ sung vào năm 2005. - VOA
|
|

6.
Vì sao VN và các nước Đông Nam Á đua nhau sắm tàu ngầm?

Các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng như căng thẳng leo thang ở biển Đông đang khiến các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đua nhau mua sắm tàu ngầm, các chuyên gia nhận định.

Những tranh cãi quanh kế hoạch sắm tàu ngầm của Thái Lan mà Bộ Quốc phòng nước này hôm 15/7 tuyên bố hoãn cho thấy rõ điều đó.

Mới đây, hải quân nước này đã thông qua kế hoạch trị giá gần 1,5 tỷ đôla để mua ba chiếc tàu ngầm của Trung Quốc.

Trong khi công luận Thái mạnh mẽ phản ứng về dự định mua sắm tàu ngầm, các quan chức cho rằng việc làm đó có ý nghĩa về mặt chiến lược, giúp nước này bảo đảm tự do hàng hải ở Vịnh Thái Lan, nếu vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông bùng nổ ngoài tầm kiểm soát.

Việt Nam đã nhận 4 tàu ngầm tấn công lớp Kilo trong số 6 chiếc đặt hàng của Nga. Đây là hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla mà hai bên ký kết trong chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Moscow năm 2009.

Nga dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016 cũng như huấn luyện các thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm và cung cấp các linh kiện cần thiết.

Mới đây, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội.

Trong khi đó, Singapore và Malaysia đã có hạm đội tàu ngầm và dự kiến muốn ‘tậu’ thêm nữa. Malaysia từng chi khoảng 1,1 tỷ đôla để mua hai chiếc tàu ngầm vào năm 2007 và 2009.

Indonesia dự kiến sẽ thay thế hai chiếc tàu ngầm cũ và sẽ mở rộng hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc vào năm 2020. Nước này mới đặt mua 3 chiếc tàu ngầm từ công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.

Trong số các quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Philippines là chưa sắm tàu ngầm mới, dù chính quyền Manila thường lên tiếng mạnh mẽ nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về biển Đông.

Lo ngại Trung Quốc

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các quốc gia này tậu tàu ngầm không phải là để chống lại nhau, mà vì lo ngại về sự mở rộng hải quân cũng như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Một nhà nghiên cứu tại Australia cho rằng thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng các chính sách không đồng nhất của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, dưới tác động của nhiều yếu tố, đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.

Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của Trung Quốc nói với VOA Việt Ngữ:

“Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”. 

Nhưng hiện chưa rõ là Trung Quốc có kiềm chế hơn trong việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ hay không, nếu các quốc gia trong khu vực có thêm sức mạnh hải quân thông qua việc mua khí tài.

Sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong đó có cả hạm đội tàu ngầm tiên tiến, vẫn không thể làm cho Trung Quốc bớt có những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ ở biển Hoa Đông.

Tin cho hay, Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Mỹ và Châu Âu để mua về máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tuần tra biển, và máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng phòng không trước thế lấn lướt của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.

Gia tăng chi tiêu quân sự

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, mới cho biết chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla, trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mức tăng chi tiêu quân sự của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương. 

Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông). 

Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự. 

Theo tổ chức của Thụy Điển, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới năm 2014 đạt mức 1.776 tỷ đôla, chiếm 2.3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, tức là giảm 0.4% so với năm 2013. 

Trong số 15 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quân sự trong năm 2014, Mỹ vẫn đứng đầu, rồi tiếp theo sau là Trung Quốc và Nga. Ba nước châu Á khác cũng nằm trong danh sách này là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008. - VOA

No comments:

Post a Comment