Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc tập trận trên Biển Đông --- Học giả TQ: Không nên thiết lập vùng phòng không ở Biển Đông
Hải quân Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 10 ngày trên vùng biển ngoài khơi phía đông đảo Hải Nam, truyền thông nước này cho biết.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày sau khi Nhật Bản lên án các hoạt động thăm dò khí đốt và cải tạo đảo của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Không tàu nào được phép đi vào vùng biển này trong thời gian diễn ra thao tập", trang Trung Hoa Nhật Báo dẫn một thông cáo trên trang web của Cơ quan An toàn hàng hải nước này cho biết.
Bắc Kinh nói cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng phòng vệ của hải quân Trung Quốc.
Đài CCTV của nước này cho biết tàu đổ bộ lưỡng cư lớp Bison cũng được triển khai trong cuộc tập trận lần này.
Giới chức Trung Quốc phủ nhận cuộc tập trận mới nhất có liên quan tới tranh chấp hiện nay trên Biển Đông.
"Những người hiểu về quân sự chắc chắn phải biết rằng cuộc tập trận có quy mô như thế cần ít nhất 3-4 tháng, thậm chí lâu hơn, để chuẩn bị", Thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc được hãng thông tấn Reuters dẫn lời nói.
"Tất nhiên không nước nào tập trận mà không vì mục đích gì. Nhưng lần này không có bằng chứng nào cho thấy một cuộc tập trận quân sự thông thường có liên quan tới bên thứ ba", ông nói thêm.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã công bố ảnh chụp giàn thăm dò khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông và nói Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận song phương.
Các giàn này nằm gần đường phân định biên giới biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide nói rằng chính phủ quyết định công bố các tài liệu trên vì Trung Quốc tiếp tục các hành động xây dựng ở Biển Hoa Đông.
Ông Yoshihide cho biết thêm từ 12 công trình vào tháng Sáu 2013, nay Nhật thấy tổng số tăng lên 16. 14 trong số này đã là giàn hoàn chỉnh và có 2 công trình mới ở dạng các bệ móng nổi.
Cũng vào tuần này Nhật Bản chỉ trích hoạt động bồi đắp đảo và các cơ sở ngoài khơi của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông trong bản sửa đổi báo cáo quốc phòng, còn gọi là Sách Trắng, được chính phủ Thủ tướng Abe thông qua.
Phúc trình nói rằng lập trường của Nhật về quốc phòng và việc Tokyo coi bị đe dọa thể hiện qua việc hạ viện Nhật vào tuần trước thông qua luật cho phép lính tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến Hai. - BBC
***
Một học giả hàng đầu của Trung Quốc về Biển Đông cho rằng Bắc Kinh không nên đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở khu vực này.
Việc Trung Quốc ráo riết tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo ở Biển Đông và xây các công trình quân sự trên một số đảo nhân tạo khiến quốc tế ngày càng lo ngại là Bắc Kinh sẽ thiết lập tại khu vực này một vùng nhận dạng phòng không tương tự như vùng đã được thiết lập ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013.
Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không sẽ là một hành động mới của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, vì như vậy là nó mở rộng không phận của Trung Quốc, buộc những phi cơ bay ngang qua khu vực này phải tuân thủ các quy định do Bắc Kinh đề ra.
Nhưng theo trang mạng The Diplomat, tuyên bố tại một hội nghị ở Washington vừa qua, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Đông. Theo ông Ngô Sĩ Tồn, không thiết lập ADIZ sẽ là một cách để Trung Quốc chứng tỏ sự kềm chế và làm giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Khuyến cáo nói trên của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải là nằm trong danh sách những điều "nên làm và không nên làm" mà ông đề nghị cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Ngoài việc không nên đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không, ông Ngô Sĩ Tồn còn đề nghị là phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, cũng như đẩy nhanh việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC với các nước ASEAN.
Theo The Diplomat, việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo và trì hoãn việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử COC khiến không chỉ các nước trong khu vực mà cả ở bên ngoài lo ngại về cách áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như lo ngại về ý đồ thật sự của nước này.
Đối với Hoa Kỳ, học giả Ngô Sĩ Tồn khuyến nghị là Washinton không nên tìm cách kềm chế Trung Quốc và nên giữ thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông. Ông nói rằng về vấn đề Biển Đông, Mỹ nên làm việc với Trung Quốc trên tinh thần "tôn trọng lẫn nhau" và hai bên cần thúc đẩy hợp tác quân sự theo tinh thần này.
Ngoài “danh sách những điều nên làm và không nên làm”, học giả Ngô Sĩ Tồn cũng đề xuất một cơ chế khu vực để tham vấn các vấn đề hàng hải. Tuy nhiên, ông không nói rõ cơ chế này sẽ hoạt động như thế nào bên cạnh nhiều cơ chế hiện hành để giải quyết an ninh hàng hải ở Châu Á như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN.
Vị học giả Trung Quốc cũng bác bỏ điều mà ông coi là sự can thiệp của Nhật Bản vào tranh chấp Biển Đông, vì theo ông sự can thiệp này chỉ khiến cho tình hình càng xấu đi.
Trở lại khuyến nghị của ông Ngô Sĩ Tồn về việc không nên đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, không chắc là Bắc Kinh sẽ nghe theo khuyến nghị đó. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ chắc là cũng sẽ có phản ứng giống như khi Trung Quốc lập vùng ADIZ ở biển Hoa Đông, tức là cũng sẽ cho phi cơ bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không mà không thèm báo trước cho Bắc Kinh, một cách để bác bỏ vùng này. Nóí chung, Washington sẽ không chấp nhận để cho Trung Quốc hạn chế quyền tự do lưu thông trên không cũng như trên biển ở khu vực Biển Đông. - RFI
|
|
2.
Bắc Kinh đòi Myanmar thả những người TQ can tội đốn gỗ trái phép
Trung Quốc hôm nay chỉ trích Myanmar về việc tuyên những án tù rất nặng cho hơn 150 công dân Trung Quốc can tội khai thác gỗ bất hợp pháp. Từ Văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay phổ biến một thông cáo yêu cầu Myanmar đối xử một cách “hợp pháp, hợp tình, hợp lý” với những người Trung Quốc bị giam và hối thúc Myanmar trả những người này về Trung Quốc “càng sớm càng tốt”.
Tổng cộng 156 người Trung Quốc bị bắt hồi tháng Giêng vì những hoạt động phạm pháp tại những cánh rừng ở tiểu bang Kachin, nằm dọc theo biên giới Myanmar-Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, 153 người trong số này đã bị tuyên án tù chung thân. Các nhà quan sát ở Myanmar cho biết các tù nhân thường phải ngồi tù 20 năm cho những bản án như vậy.
Thẩm phán Myint Swe đã lên tiếng biện minh cho những án tù nghiêm khắc một cách bất thường trong vụ trấn áp được xem là kịch liệt nhất đối với những vụ đốn gỗ và mua bán gỗ trái phép ở Myanmar.
Vị thẩm phán này nói rằng các án tù được quyết định như vậy bởi vì mức độ của sự phá hoại có thể có đối với môi trường và sự thiệt hại của rừng xét theo số người liên can và số máy móc được sử dụng.
Khi xảy ra những vụ bắt giữ, giới hữu trách nói rằng họ đã tịch thu 436 chiếc xe tải chở gỗ, 14 chiếc pickup trên đó có chất gỗ, thuốc lắc, thuốc phiện và tiền Trung Quốc.
Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường lâu nay vẫn không ngớt tố cáo chính quyền Myanmar và chính quyền Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ trước những đường dây mua bán lậu các loại đá quý, ma túy và những tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt dọc theo đường biên giới chung.
Ông Julian Newman, giám đốc chiến dịch của Cơ quan Tình báo Môi trường, một tổ chức bất vụ lợi ở Anh, nhận định như sau về những bản án mà Myanmar tuyên cho những người Trung Quốc.
"Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi hoan nghênh việc chấp hành pháp luật. Và chúng tôi nghĩ rằng những bản án này là quá nặng và trên thực tế thì hầu hết những người bị bắt là những người có thể nói là chỉ có một vai trò thứ yếu".
Ông Newman nói rằng những thỏa thuận với các thương gia Trung Quốc về việc khai thác gỗ trái phép đã được thương lượng ở cấp rất cao của các nhóm sắc tộc thiểu số hoặc của quân đội Myanmar.
"Do đó, nếu chúng ta không bắt đầu lần theo đường dây để trừng trị những kẻ chủ mưu của những hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp, thay vì những người ở cấp thấp nhất của đường dây, thì vấn đề sẽ tiếp tục tồn tại, bởi vì thông thường thì những người đốn gỗ và những người lái xe là những người không thể thiếu".
Ông Maung Zarni, một nhà tranh đấu dân chủ Myanmar đang sống lưu vong, nói rằng những bản án khắc nghiệt này có phần chắc là để trả đũa cho việc Trung Quốc mới đây đã “trải thảm đỏ” để đón tiếp bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Myanmar, khi bà tới thăm Bắc Kinh.
"Chính quyền quân nhân Myanmar trước đây chưa hề nhích một ngón tay để chống lại các thương gia Trung Quốc, bất kể là hợp pháp hay không hợp pháp. Cho nên việc này trên cơ bản là một hành động “ăn miếng trả miếng” mà các nhân vật lãnh đạo quân đội Myanmar vẫn thường làm từ trước tới nay".
Ông Maung Zarni tiên đoán là Myanmar rốt cuộc sẽ khuất phục trước áp lực của Trung Quốc và những người bị giam sẽ được phóng thích sớm và được trả về Trung Quốc. - VOA
|
|
3.
Philippines bắt 155 lao động trái phép, đa phần là người Trung Quốc
Nhà chức trách Philippines hôm thứ Tư cho biết 155 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, đang đối mặt với việc bị trục xuất sau khi bị bắt vì làm việc trái phép ở Philippines.
Những người nước ngoài bị bắt hôm thứ Hai tại thành phố Pasay, ngay bên ngoài thủ đô Manila, nơi họ làm nhân viên tại những trung tâm tiếp nhận cuộc gọi hoặc điều hành cờ bạc trực tuyến, phát ngôn viên Elaine Tan của Cục Di trú Philippines cho biết trong một thông cáo.
Bà nói những người nước ngoài này đã không xuất trình giấy tờ cho thấy họ có thể làm việc một cách hợp pháp ở Philippines và sẽ bị buộc tội vi phạm luật di trú. Thông cáo cho biết hầu hết những người bị bắt là người Trung Quốc, nhưng không đưa ra một con số cụ thể.
Một quan chức khác của Cục Di trú nói những người nước ngoài sẽ bị câu lưu khoảng hai tuần trước khi bị trục xuất.
Theo hồ sơ di trú của Philippines, ít nhất 215 người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã bị bắt giữ chỉ riêng năm ngoái vì không có thị thực làm việc, và 58 người khác bị bắt vào tháng Giêng. Quan chức này nói rằng con số đó chỉ là những người bị bắt giữ trong “những hoạt động lớn” và không tính những vụ bắt giữ lẻ tẻ chỉ một hoặc hai người vi phạm luật di trú.
Cục Di trú nói 659 người nước ngoài, trong đó có 80 người là nghi phạm hình sự và kẻ đào tẩu, bị bắt vào năm 2013. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama lên đường sang thăm Ethiopia và Kenya
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay lên đường sang thăm Ethiopia và Kenya, quê hương của cha ông, giữa lúc ông đang nêu bật tầm quan trọng của việc củng cố các quan hệ kinh tế giữa Mỹ và vùng phía Nam Sa mạc Sahara.
Ông Obama sẽ tới Kenya vào ngày mai, thứ Sáu (24/7), nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Doanh thương Toàn cầu ở Nairobi.
Môt số người dân Kenya hy vọng rằng ông Obama sẽ thực hiện một chuyến đi có phần riêng tư hơn tới thăm các làng mạc ở Kenya và có thể sẽ dừng chân tại ngôi nhà của bà Sarah Obama, là bà nội của ông.
Trong chuyến đi châu Phi lần này, ông Obama sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ethiopia. Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã chỉ trích chuyến đi thăm này vì cách đối xử của chính quyền nước này với giới bất đồng chính kiến.
Tối hôm qua, ông Obama nói về vấn đề thương mại với châu Phi tại một buổi tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc để đánh dấu việc ký Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội cho châu Phi.
Ông nói tuy có nhiều thách thức nhưng châu lục này là một khu vực năng động với một số thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ông nói rằng châu Phi có tiềm năng trở thành trung tâm kế tiếp của cơ hội kinh tế toàn cầu.
Ông nói đạo luật về thương mại sẽ tiếp tục khuyến khích đường lối cai trị tốt đẹp, quyền lao động và nhân quyền tại châu Phi. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Trung Quốc giật dây vấn đề biên giới Campuchia–Việt Nam --- Người Việt ở Campuchia giữa tâm bão tranh chấp lãnh thổ
Tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia gần đây rất căng thẳng và dễ trở thành xung đột. Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cung cấp một phần thông tin về bản đồ phân định biên giới với Việt Nam. Nguyên do nào khiến Phnompenh khuấy động vấn đề biên giới, mặc dù hai bên đã có các Hiệp định phân định biên giới năm 1983, năm 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề này.
Nam Nguyên: Thưa TS Việt Nam và Campuchia đã phân định đương biên giới theo hiệp định 1985 và trên cơ sở bản đồ Bonne do chính Quốc vương Norodom Sihanouk bảo lưu tại LHQ. Khúc mắc chính trong vấn đề biên giới giữa hai nước hiện nay là gì?
TS Trần Công Trục: Như các bạn đã biết Việt nam và Campuchia đã trải qua một quá trình giải quyết biên giới và lãnh thổ của hai nước, bắt đầu khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập. Vấn đề đầu tiên hai bên thỏa thuận được một hiệp ước về nguyên tắc, là dùng đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne của sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 làm cơ sở pháp lý, để hai bên dựa vào đó mà giải quyết vấn đề hoạch định biên giới và sau đó là vấn đề phân định biên giới cắm mốc, để giải quyết các tồn đọng về vấn đề biên giới giữa hai nước.
Vấn đề ở đây tại sao hiện nay có một số người Campuchia, một số chính khách cũng như dư luận Campuchia nói rằng là, nếu dựa vào bản đồ đó thì vấn đề phân giới cắm mốc và các thỏa thuận của hai bên có những sự không đúng. Nó có câu chuyện thế này, khi mà xem xét 26 bản đồ gốc đó thì có một số của hai bên đưa ra không phải là bản gốc. Thứ hai là có một số dường như bị cạo sửa, điều này cần lưu ý. Về nguyên tắc đã thông qua bản đồ thì không ai có thể chối bỏ được, nói như vậy vì chính Campuchia, chính vua Sihanouk đã gởi lên Liên Hiệp Quốc để xin đăng ký lưu chiểu 26 tấm bản đồ phân định đường biên giới với Việt Nam. Vấn đề quan trọng khi xem xét nó là xem xét các tấm bản đồ đó có bị thay đổi cạo sửa hay không.
Tôi cho rằng phía Campuchia hiện nay đã có sự nhìn nhận về chuyện đưa ra các bản đồ mà dường như đã bị cạo sửa, mà hai bên đã phát hiện ra. Họ dùng chuyện đó để nói rằng vấn đề giải quyết đường biên giới giữa hai bên có sự bất công, không công bằng giữa Việt Nam và Campuchia. Tôi muốn nói thêm về xử lý các bản đồ là như vậy.
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Thủ tướng Hun Sen mượn các bản đồ bảo lưu tại LHQ thì điều này có gây quan ngại cho VN hay không, ngoài bản đồ Bonne còn các bản đồ nào khác từ thời pháp thuộc hay các triều đình VN mà khác với bản đồ Bonne hay không và họ có thể dựa trên các bản đồ khác hay không.
TS Trần Công Trục: Các bạn nên nhớ rằng phía Việt Nam và Campuchia đồng thuận đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ gốc do Pháp xuất bản chứ ngoài ra không có thứ bàn đồ nào khác. Khi đã thống nhất lựa chọn 26 tấm bản đồ gốc không có cạo sửa, thì các chuyên gia kỹ thuật bản đồ của hai bên phải chuyển đổi đường biên giới trên bản đồ Bonne đó sang một loại bản đồ địa hình, mà hai bên thống nhất và dùng làm bản đồ kèm theo hiệp ước hoạch định, là bản đồ UTM của Mỹ sản xuất. Đây là cả một vấn đề kỹ thuật. Các chuyên gia kỹ thuật bản đồ từ hệ qui chiếu bản đồ Bonne khác với hệ qui chiếu UTM của Mỹ, bây gờ chuyển sang toàn bộ được mô tả theo bản đồ UTM của Mỹ và kèm theo hiệp ước hoạch định biên giới mà hai bên ký kết vào năm 1985.
Trên cơ sở hiệp định ký kết theo đúng thủ tục pháp lý, đường biên giới được mô tả trên hiệp ước đó cũng như bản đồ UTM của Mỹ được chuyển đổi từ bản đồ Bonne của Pháp sang. Đó là cơ sở pháp lý duy nhất để hai bên triển khai công tác phân giới cắm mốc và nếu như xem xét đối chiếu người ta phải dùng bản đồ UTM của Mỹ đã được chuyển từ bản đồ Bonne sang đấy để mà xem các vị trí các bên cắm mốc đúng hay sai, chứ không thể dùng bản đồ Bonne để tính toán được nữa. Tôi xin nói về mặt kỹ thuật nếu mà không nhất quán thì sẽ tạo ra ngộ nhận, đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật.
Nam Nguyên: Thưa, trên báo chí Việt Nam mấy ngày hôm nay Có những ý kiến về khả năng có bên thứ ba kích động vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam-Campuchia, đặc biệt báo chí hôm nay đưa tin Campuchia thắt chặt liên minh quân sự với Trung Quốc. Tiến sĩ nhận định gì?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng đây là một thông tin mà tôi cho là hoàn toàn chuẩn xác, bởi vì câu chuyện ở Campuchia đang dựa vào thực tế những vấn đề biên giới, vấn đề dân tộc để hạ uy tín đảng cầm quyền hiện nay của Campuchia, trong việc tranh giành ghế cho mình tại Quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới. Một trong những lý do để có thể tranh thủ lá phiếu của người dân Campuchia chính là vấn đề biên giới. Họ đưa ra những thông tin mập mờ người dân bình thường không biết, không hiểu rõ các vấn đề như vậy thì họ có thể bị kích động, để nói rằng trong vấn đề đàm phán bây giờ chính phủ Campuchia có nhu nhược hay là làm không đúng làm sai. Nếu các bạn theo dõi những phát biểu của Thủ tướng Hun Sen hoặc phát biểu của những người đàm phán biên giới người ta đã nói rất rõ rồi.
Tất nhiên đàng sau tất cả những cái đó, tôi nghĩ rằng và tôi hoàn toàn chia sẻ với nhiều ý kiến và thông tin đã nói, là đã có người chống lưng cho các chính khách của các đảng phái đối lập về mặt chính trị, để dùng vấn đề biên giới kích động gây ra mất uy tín cho đảng cầm quyền chính phủ Campuchia và đồng thời chia rẽ mối quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia, đó chính là Trung Quốc.
Trung Quốc là bên đã có những hoạt động ráo riết trong việc giúp đỡ cho các chính khách các đảng đối lập như là Sam Rainsy. Các bạn nhớ rằng, Sam Rainsy đã từng tuyên bố Trung Quốc là tương lai của nhân loại, là người mà Campuchia có thể hoàn toàn tin tưởng. Bây giờ họ làm rất nhiều việc chúng ta đã biết rồi, không phải dấu diếm nữa người ta đã hỗ trợ về mặt ngoại giao, về mặt quốc phòng, kinh tế.
Họ làm mọi cách để dùng Campuchia gây ra những bất ổn trong khu vực, cả vấn đề biển Đông mọi người đã biết rồi. Cho nên là qua lịch sử phải biết chuyện Pôn Pốt đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới tàn sát nhân dân năm 1979, chính là có bàn tay của một số người trong đảng cầm quyền của Trung Quốc. Rõ ràng chúng ta biết cả và hiện nay tôi nghĩ rằng người chống lưng cho các lực lượng đó chính là Trung Quốc.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Trần Công Trục đã trả lời phỏng vấn. - RFA
***
Một loạt các vụ bắt giữ thời gian qua ở Campuchia khiến dư luận nêu câu hỏi là phải chăng vụ tranh chấp ở biên giới đã khiến cộng đồng của người Việt Nam ở xứ sở Chùa Tháp trở thành mục tiêu trấn áp.
Tin tức từ Campuchia cho biết, mới đây, cơ quan phụ trách nhập cư của nước này đã bắt giữ gần 40 công nhân Việt Nam trong các đợt truy quét ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, trong khi 72 công dân Việt đã bị trục xuất khỏi vương quốc này.
Giới hữu trách được trích lời nói rằng những người trên không có giấy tờ hợp lệ và đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Campuchia.
Các vụ bắt giữ và trục xuất xảy ra ít lâu sau khi bùng ra xô xát giữa hàng trăm người Việt Nam và Campuchia trên biên giới Tây Nam khiến một số người cho rằng người Việt ở nước láng giềng đang “trở thành tốt thí”.
Ngoài ra, người Việt ở xứ sở Chùa Tháp còn lo ngại rằng các cơ sở làm ăn, buôn bán của họ có thể bị tấn công.
Anh Phan Châu, một người sinh sống và làm việc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, cho biết hiện thời cuộc sống của anh không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng “vẫn hơi lo lắng”.
“Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi”.
Tờ Khmer Times dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc truy quét người nhập cư trái phép “không chỉ nhắm vào người Việt Nam” và “không phải vì lý do sắc tộc”.
Phe đối lập Campuchia lâu nay vẫn chỉ trích chính quyền Phnom Penh là không siết chặt luật nhập cư, dẫn tới làn sóng người Việt Nam tràn vào nước này.
Anh Châu cho biết anh không nghĩ có sự liên quan giữa tình hình căng thẳng chính trị hiện thời với việc bắt giữ nhiều người Việt thời gian qua. Anh nói:
“Chính phủ Campuchia từ trước tới giờ đều có các đợt cao điểm truy quét. Chẳng qua là có sự trùng hợp thời điểm. Người ta không chịu gia hạn hộ chiếu, cứ tìm cách làm việc trái phép bên này nên chính phủ Campuchia buộc phải bắt người Việt của mình. Cái đấy là đúng luật bên này”.
Quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia từng bày tỏ trên báo chí nước chủ nhà về việc đảng đối lập Cứu quốc Campuchia “lợi dụng vấn đề sắc tộc cho lợi ích chính trị”.
Việc hàng trăm người Campuchia, mà đi đầu là các dân biểu đối lập, tới vùng biên giới với Việt Nam, dẫn tới xô xát và gây quan ngại rằng tinh thần bài người Việt có thể lại bùng lên tại nước láng giềng.
Mới đây, tin cho hay, có hàng chục ngôi mộ của người Việt ở tỉnh Kandal bị đập phá không rõ lý do, gây nhiều quan ngại.
Khi được hỏi về sự kỳ thị của người Campuchia đối với cộng đồng người Việt, anh Phan Trọng Thanh, một người Việt sống ở Phnom Penh, cho biết:
“Những người lớn tuổi không có gì đâu, họ vẫn giúp với người Việt Nam bình thường. Chỉ có mấy người nhỏ nhỏ bị kích động này nọ thôi. Mấy đứa nhỏ từ bé đã bị nhồi sọ từ từ, nói Việt Nam làm cái này xấu, cái kia xấu gì đó, rồi có ác cảm với người Việt Nam thôi. Đảng phe đối lập họ nói trúng tâm lý nên mấy đứa con nít nó nghe theo dữ lắm. Những thanh niên trẻ tuổi đa số họ nghe theo phe đối lập nhiều. Bây giờ ra đường, người nào họ ghét mình, thì họ chỉ nói xiên nói xỏ vài câu thôi, chứ người ta không có khi nào mà người ta đè ra đánh mình, hay bắt mình hết”.
Hiện có hàng trăm nghìn, thậm chí có tin nói hơn triệu người Việt Nam, đang sinh sống và làm ăn ở Campuchia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng yêu cầu chính quyền Phnom Penh bảo vệ các công dân Việt Nam tại Campuchia. - VOA
|
|
6.
CSVN: Hai Trung tướng được thăng hàm Thượng tướng [LMN: hai nhân vậy này được biết là gần với phía TT Nguyễn Tấn Dũng]
Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước CSVN tổ chức lễ công bố quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng đối với 2 cán bộ thuộc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân.
Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng cho ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền và ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phương Minh Hòa.
Chủ tịch nước mong muốn 2 cán bộ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị được giao, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ môi trường hòa bình để đất nước tiếp tục phát triển; bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Chủ tịch nước yêu cầu, trong thời gian tới, Thượng tướng Bùi Quang Bền và Thượng tướng Phương Minh Hòa cần tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ và bản lĩnh, tham mưu có hiệu quả với Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an nhân dân và Bộ Công an để xây dựng 2 lực lượng ngày càng vững mạnh, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tự hào về lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, trong đó có Thượng tướng Bùi Quang Bền và Thượng tướng Phương Minh Hòa; đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi và luôn đòi hỏi có nhiều tiến bộ, trưởng thành, nhiều chiến công mới của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng như cá nhân 2 Thượng tướng. - vietnamnet
No comments:
Post a Comment