Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc tố cáo nước ngoài thổi phồng cuộc tập trận tại Biển Đông
Ngày 20/07/2015, Trung Quốc loan báo một cuộc tập trận trên Biển Đông kéo dài 10 ngày với quy mô lớn. Bị chỉ trích là cố tình gây căng thẳng, Bắc Kinh vào hôm qua, 25/07/2015 đã lên tiếng giảm thiểu tầm mức quan trọng của cuộc tập trận đang diễn ra, đồng thời tố cáo ngược lại là chính nước khác đã làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng.
Tân Hoa Xã đã trích dẫn ông Lương Dương (Liang Yang), phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc, cho rằng cuộc tập trận đang diễn ra là một sự kiện thường niên bình thường, vì vậy các nước khác không nên có suy diễn quá trớn. Đối với Hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận của họ hoàn toàn phù hợp với luật lệ và tập quán quốc tế,
Bị tố cáo dữ dội về các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa trong thời gian gần đây, phát ngôn viên Trung Quốc nhân dịp này đã không ngần ngại cho rằng nước họ mới là nạn nhân bị các láng giềng chiếm đất:
"Quần đảo Nam Sa (Tên Bắc Kinh đặt cho Trường Sa) và vùng biển lân cận thuộc chủ quyền Trung Quốc từ xa xưa, nhưng một số đảo hiện đang bị các láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp và xây dựng trên đó các cơ sở như phi trường, thậm chí còn triển khai vũ khí tấn công hạng nặng".
Phát ngôn viên Lương Dương cũng tố cáo ngược lại "một số cường quốc hùng mạnh ngoài khu vực" - hàm ý nói đến Mỹ và Nhật - là đã "dụ dỗ" các nước khác trên vấn đề Biển Đông, cho triển khai chiến hạm và phi cơ để tiến hành trinh sát và tổ chức các cuộc tập trận khác nhau với Trung Quốc như là kẻ thù tưởng tượng.
Đối với nhân vật này, các hành động vừa kể đã "đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích trên biển" của Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại đến an ninh khu vực, sự ổn định và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. - RFI
|
|
2.
Tổng thống Bashar al-Assad: Từ ngữ 'chiến bại' không có ở Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu trong bài diễn văn được đài truyền hình nhà nước trực tiếp phát sóng hôm Chủ nhật rằng quân đội đã rút khỏi một số khu vực trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy, và ông đưa ra những biện minh.
Tổng thống Bashar al-Assad nói: "Chúng ta phải định ra những khu vực quan trọng và các lực lượng vũ trang sẽ giữ vững những khu vực đó, để những nơi đó không gây ra sụp đổ cho tất cả những khu vực còn lại. Chúng ta không thất bại. Từ 'chiến bại' không có trong tự điển của Quân đội Ả Rập Syria.
Nhưng quân số bị giảm do thương vong, đào ngũ, và việc tuyển quân thêm đang được gia tăng là những gì mà ông Assad thừa nhận.
Trong bài diễn văn vào sáng Chủ nhật ở thủ đô Damascus, ông Assad nói: "Nhân lực đang bị thiếu hụt."
Các lực lượng chính phủ Syria đã bị đẩy lui khỏi phần lớn tỉnh Idlib ở miền tây bắc, và các khu vực quan trọng khác ở khu vực biên giới miền nam. Nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát thành phố cổ Palmyra.
Tổng thống Assad nói: "Quân đội không thể có mặt được ở mọi nơi trên lãnh thổ. Chúng ta sẽ chiến đấu…các lực lượng vũ trang có đủ khả năng bảo vệ tổ quốc."
Liên hiệp quốc ước tính cuộc xung đột ở Syria đã khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người thất tán – nhiều người thất tán trong nước – kể từ khi chiến tranh khởi sự vào tháng 3 năm 2011 bằng những cuộc biểu tình chống chính phủ, rồi biến thành nội chiến sau khi bị nhà nước ra tay đàn áp.
Tình hình ở Syria trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay. - VOA
|
|
3.
Trung Quốc phóng thêm 2 vệ tinh để cạnh tranh với GPS Mỹ
Hôm qua, 25/07/2015, Bắc Kinh đã phóng thêm 2 vệ tinh trong kế hoạch phát triển hệ thống định vị qua vệ tinh thuần túy Trung Quốc mang tên Bắc Đẩu, được lập ra để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Theo Tân Hoa Xã, hai vệ tinh đã được phóng đi từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên (miền tây Nam Trung Quốc) vào lúc 20g29 giờ địa phương.
Đây là vệ tinh thứ 18 và 19 của hệ thống định vị Bắc Đẩu (Beidou). Riêng trong năm 2015, Bắc Kinh đã phóng tổng cộng ba vệ tinh để phục vụ cho hệ thống.
Kể từ khi hoạt động từ năm 2012 đến nay, Bắc Đẩu càng lúc càng mở rộng phạm vi hoạt động, hiện đã bao phủ vùng Châu Á Thái Bình Dương, và được dự kiến bao trùm toàn thế giới vào năm 2020. Nhiều quốc gia Châu Á dùng dịch vụ của Bắc Đẩu, trong đó có Lào, Pakistan và Thái Lan.
Đây là hệ thống vệ tinh có thể dùng trong các lãnh vực như giao thông trên biển và trên bộ, dự báo khí tượng. Hệ thống này cũng có những ứng dụng cho lĩnh vực quân sự.
Như vậy, hiện nay trên thế giới đã có ba hệ thống định vị bằng vệ tinh là GPS của Mỹ, Glonass của Nga, và Bắc Đẩu của Trung Quốc. Sắp tới đây, sẽ có hệ thống Galileo của Châu Âu. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama nói chuyện với công chúng Kenya
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc chuyến công du Kenya 3 ngày tại thủ đô Nairobi hôm Chủ nhật với một bài phát biểu với công chúng Kenya như được trông đợi để nhấn mạnh đến tình cảm trong chuyến đi thăm quê hương của thân phụ ông.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của tổng thống, ông Ben Rhodes nói với các phóng viên báo chí trước bài diễn văn của tổng thống rằng ông Obama sẽ "nói rất rõ" rằng những nỗ lực chống khủng bố không thể dẫn đến việc tạo ra một ấn tượng xấu cho cả đất nước.
Từ Nairobi, ông Obama đáp máy bay đến thủ đô Addis Ababa và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Ethiopia.
Phát ngôn viên Rhodes nói Tổng thống Obama sẽ nêu lên các vấn đề nhân quyền ở Ethiopia, giống như ông đã nêu lên ở Kenya. Trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy cùng với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, ông Obama nói rằng ông tin là nhà nước không nên phân biệt đối xử với người dân dựa vào định hướng giới tính của họ.
Ông Rhodes cho biết Tổng thống Obama cũng sẽ mở một cuộc họp với các nhà lãnh đạo khu vực, tập trung bàn về tình hình an ninh đang xấu đi ở Nam Sudan, nhưng Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe theo trù liệu sẽ không tham gia cuộc họp.
Cuối ngày bận rộn hôm thứ Bảy ở Nairobi, Tổng thống Obama đã dự quốc yến do Tổng thống Kenyatta thết đãi.
Tổng thống Obama nói rằng thân phụ sinh ra tại Kenya của ông và thân phụ của Tổng thống Kenyatta quen biết nhau, và "hai thân phụ của họ chắc khó có thể tưởng tượng được là con trai của họ ngồi chung với nhau tại đây hôm nay."
Ông Obama cũng nói đùa rằng "một số người chỉ trích bên nước tôi đang có ý nói rằng tôi về đây để tìm giấy khai sinh," ám chỉ đến những cáo buộc nói rằng ông không phải là một công dân sinh ra tại Mỹ, và nếu như vậy ông không thể làm tổng thống theo quy định của hiến pháp.
Ông Kenyatta, con trai của tổng thống đầu tiên của Kenya là ông Joma Kenyatta, ca ngợi sáng kiết bắt đầu vào cuối thập niên 1950 cho phép hàng trăm sinh viên Kenya, trong đó có thân phụ của ông Obama, sang học tại Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo trước bữa ăn tối, Tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ và Kenya đoàn kết với nhau chống chủ nghĩa khủng bố và hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu với nhau để đối phó với các mối đe dọa khủng bố chủ yếu xuất phát từ nhóm hiếu chiến Al-Shabab của Somalia. - VOA
|
|
5.
Google tuyển người phụ trách Việt Nam
Hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Google đang tìm người phụ trách thị trường Việt Nam.
Thông báo tuyển người được đưa lên mạng xã hội LinkedIn hôm 24/7 và tới nay đã có hơn 70 người đăng ký thi tuyển.
Google nói trách nhiệm của giám đốc phụ trách Việt Nam bao gồm "vạch ra chiến lược hoạt động, kinh doanh và tiếp thị", "phát triển chiến lược và kế hoạch để phát triển kinh doanh và thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau để đảm bảo việc công việc trôi chảy và thành công".
Ứng viên sẽ phải có bằng đại học và 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, quảng cáo, quản lý và tư vấn.
Ngoài vị trí giám đốc thị trường Việt Nam, Google cũng tuyển thêm bốn vị trí để thúc đẩy hoạt động ở Việt Nam.
Đó là các vị trí giám đốc đối tác chiến lược, chuyên gia phụ trách các khách hàng mới, giám đốc truyền thông, và giám đốc kinh doanh.
Tất cả các vị trí này đều đóng tại Singapore.
Các sản phẩm của Google trong đó có công cụ tìm kiếm và kênh video YouTube có nhiều người dùng ở Việt Nam.
Một số Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC dùng công nghệ Google Hangout On Air thu hút được hàng trăm ngàn lượt xem với số phút xem lên tới vài triệu. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Bà Mai Kiều Liên thôi làm chủ tịch Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ ngày 25/7/2015.
Lý do được nói là vì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Vinamilk năm 2015 đã thông qua việc tách hai vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc, không cho kiêm nhiệm.
Bà Mai Kiều Liên vẫn giữ chức Tổng giám đốc Vinamilk.
Bà được bầu vào Hội đồng Quản trị giữ chức chủ tịch và kiêm tổng giám đốc Vinamilk từ tháng 11/2003.
Ngày 24/7 Vinamilk đã bầu Chủ tịch mới. Bà Lê Thị Băng Tâm, cựu thứ trưởng Tài chính, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập được bầu vào vị trí này.
Bà Băng Tâm còn là Chủ tịch HĐQT ngân hàng HD Bank.
Bà cũng từng kinh qua các vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Phụ nữ quyền lực
Hiện đang có lo lắng là doanh thu lợi nhuận của Vinamilk có dấu hiệu suy giảm.
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953, tại Paris (Pháp), tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa năm 1976.
Bà Liên trở lại Việt Nam vào năm 1976 khi 22 tuổi và vào làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk. Bà đã đóng góp trong việc hiện đại hóa hợp tác xã cũ kỹ của nhà nước này.
Bà bắt đầu công việc từ vị trí kỹ sư và thăng tiến dần lên trưởng ca, phó giám đốc kỹ thuật, phó tổng giám đốc và tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Năm 2012 bà được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á.
Năm 2010 Vinamilk lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng do Forbes bình chọn từ danh sách 12.000 doanh nghiệp khắp khu vực. - BBC
No comments:
Post a Comment