Thursday, July 2, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 2/7

Tin Thế Giới

1.
Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc bị chỉ trích

Các tổ chức nhân quyền đang chỉ trích bộ luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc, và nói rằng luật này sẽ duy trì và mở rộng việc trấn áp bất đồng chính trị trong nước.

Quốc hội nặng phần nghi thức của Trung Quốc đã thông qua dự luật hồi hôm qua với 144 phiếu thuận và một phiếu trắng, theo Tân Hoa Xã.

Luật này cho phép nhà chức trách “thi hành tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo sự kiểm soát đầy đủ đối với mạng Internet vốn đã bị kiểm duyệt chặt chẽ trong nước. Dự luật này là phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình an ninh quốc gia đã trở nên “ngày càng nghiêm trọng,” theo lời ông Zheng Shu’na thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc NPC.

Tại một cuộc họp báo, ông Zheng tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo con đường phát triển hòa bình nhưng dứt khoát sẽ không từ bỏ các quyền hợp pháp của chúng ta và dứt khoát sẽ không hy sinh các lợi ích cốt lõi của đất nước.”

Giám đốc đặc trách Ủng hộ Quốc tế của Hội Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, ông T. Kumar nói đây cơ bản là một mưu đồ của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường việc nắm quyền lực và bảo vệ quyền lực đó trước các thách thức của khối dân thường.

Ông nói bộ luật mới “sẽ khuyến khích công an và chính quyền làm những gì họ muốn làm.” Ông nói thêm: “Tình trạng nhân quyền sẽ xấu hơn, ngay bây giờ đã xấu rồi, nhưng sẽ còn tệ hại hơn nữa theo bộ luật này.”

Ông Brad Adams, giám đốc điều hành chi nhánh Á Châu của tổ chức Human Rights Watch, nói bộ luật mới nằm trong khuôn khổ nhiều biện pháp, “các luật chống khủng bố, luật hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ NGO, và hàng loạt những vụ trấn át dân chúng ở Trung Quốc vì tham gia và các sinh hoạt ôn hòa.”

Ông Adams nói điều đó có nghĩa là “Trung Quốc đã trở nên một quốc gia ngày càng áp bức hơn ngay cả trong khi rêu rao rằng mình đang trở nên dân chủ hơn.”

Ông nói thêm, “Tôi nghĩ sự kiện này sẽ dẫn tới một phản ứng trong xã hội Trung Quốc mà Đảng Cộng sản có thể hay không có khả năng kiểm soát được.”

Bộ luật mới bao gồm các biện pháp nhằm biến toàn bộ các hệ thống thông tin và hạ tầng cơ sở mạng lưới trở thành “an toàn và có thể kiểm soát được.”

Ông Adams nói các biện pháp này có thể có tác dụng hữu hiệu trong việc bịt miệng giới bất đồng, và hạn chế các NGO ở Trung Quốc. Ông nói bộ luật này là một sự bành trướng mưu toan của Chủ tịch Tập Cận Bình định kiểm soát tất cả mọi lãnh vực xã hội Trung Quốc.

Ông Adams nói: “Bộ luật mới này sẽ chỉ tạo điều kiện dễ dàng hơn để cung cấp một lý do hay lập luận rộng rãi hơn để đóng cửa các tổ chức, hay sử dụng luật hình sự đối với các cá nhân.”

Ông Kumar đồng ý như vậy. Ông nói, “Các NGO và những tổ chức khác chống đối chính phủ hay nêu ra những quan ngại có thể dễ dàng bị buộc tội theo các luật lệ này, và chính phủ có thể bỏ tù họ hay phạt vạ họ, hoặc làm bất cứ điều gì mà họ muốn để bịt miệng những người này.

Ông Adams kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy “cực kỳ thận trọng” với bộ luật này.

“Nếu họ không dành cho dân chúng một cơ hội để tham gia bình luận ôn hòa, thì nhiều người có thể sẽ phải sử dụng các hình thức chống đối khác, không lành mạnh cho đất nước.”

Tại một cuộc họp báo hôm qua, ông Zheng bênh vực dự luật và nói rằng, “bất cứ chính quyền nào cũng sẽ nghiêm khác và không dành chỗ cho những tranh cãi, thỏa hiệp và can thiệp khi có liên quan đến việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình”.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định an ninh quốc gia là mối quan tâm hàng đầu. Năm ngoái, ông chủ tọa cuộc họp đầu tiên của ủy ban an ninh quốc gia. Trong những thách thức chính của Trung Quốc là những tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông và tình hình bất ổn ngày càng tăng có liên quan đển vùng Tân Cương. Trung Quốc nói nước này cũng là một mục tiêu hàng đầu của các vụ tấn công mạng. - VOA
|
|

2.
Lầu Năm Góc: Trung Quốc và Nga de dọa an ninh Mỹ

Trong tài liệu định hướng "chiến lược quân sự" mới cho nước Mỹ được công bố ngày 01/07/2015, Lầu Năm Góc nêu rõ tên 4 nước bị coi là mối đe dọa đối với "lợi ích an ninh" của Hoa Kỳ. Đó là Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nêu bật nguy cơ đến từ các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay mạng lưới Al Qaeda. 

Về Trung Quốc, văn kiện dày khoảng 20 trang xác định rằng Mỹ ủng hộ sự vươn lên của Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh trở thành đối tác góp phần giúp thế giới an ninh hơn. Tuy nhiên tài liệu của Mỹ không ngần ngại tố cáo: "Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, điều rất đáng lo ngại là hoạt động "hung hăng" xây dựng đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành tại Biển Đông, cho phép Trung Quốc "bố trí lực lượng quân sự ngay giữa các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng".

Theo Lầu Năm Góc, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông rõ ràng là đã khiến cho tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm căng thẳng.

Về Nga, bản Chiến lược Quân sự 2015 của Mỹ ghi nhận là Moscow đã "nhiều lần cho thấy là họ không tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình".

Đối với Hoa Kỳ, các hành động quân sự do Nga trực tiếp tiến hành và thông qua các lực lượng thân Nga đang phá hoại an ninh khu vực. Báo cáo nhận mạnh đến sự hiện diện của lính Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, cho dù Moscow luôn luôn phủ nhận là họ đã triển khai quân đội ở miền đông Ukraine để yểm trợ cho phiến quân đòi ly khai.

Trong ấn bản trước đây, công bố năm 2011, tài liệu Chiến lược Quân sự Quốc gia của Mỹ nói rất ít về Nga. Ngoài Trung Quốc và Nga, Chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ cũng cũng chú ý đến Iran và Bắc Triều Tiên, nêu bật năng lực tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của hai nước này, được xếp vào danh sách các quốc gia đặt ra "các mối quan ngại nghiêm trọng về mặt an ninh cho Hoa Kỳ và các đồng minh".

Tuy vậy, tài liệu vẫn trấn an: "Không một quốc gia nào trong số kể trên có dấu hiệu muốn tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ và các đồng minh của mình". - RFI
|
|

3.
Bộ trưởng tài chính: Tôi sẽ từ chức nếu Hy Lạp chấp thuận kế hoạch cứu nguy

Bộ trưởng Tài chánh Hy Lạp tuyên bố ông sẽ từ chức nếu cử tri Hy Lạp chấp nhận những điều kiện cứu nguy mà các chủ nợ Châu Âu đòi hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật này. Ông Yanis Varoufakis cho biết như thế ngày hôm nay, một ngày sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras nói ông sẽ xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý trong lúc bày tỏ sự sẵn sàng để chấp nhận những điều kiện tương tự như những điều kiện mà chính phủ ông đã bác bỏ trước đó. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Bloomberg ngày hôm nay, ông Yanis Varoufakis nói nếu Hy Lạp chấp nhận đề nghị cứu nguy của các chủ nợ Liên hiệp Châu Âu vào ngày chủ nhật, thì ngày thứ hai ông sẽ không còn là bộ trưởng tài chánh nữa. Ông Varoufakis nói ông dự kiến cử tri bác bỏ đề nghị cứu nguy, theo đó Hy Lạp phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để được trợ giúp thêm. Ông nói chẳng thà ông chặt đứt cánh tay của mình còn hơn là ký một thoả thuận mới mà không bao gồm việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp.

Ông Varoufakis nói như thế ngày hôm nay, một ngày sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras nói ông sẽ xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý trong lúc bày tỏ sự sẵn sàng để chấp nhận những điều kiện tương tự như những điều kiện mà chính phủ ông đã bác bỏ trước đó.

"Về mặt cá nhân, tôi không bao giờ dự kiến là Châu Âu dân chủ không hiểu được nhu cầu để cho dân chúng có thời gian và không gian để quyết định tương lai của mình. Nhưng sự ngoan cố của những thế lực cực bảo thủ đã làm các ngân hàng trong nước bị ngạt thở và rõ ràng là mục tiêu của họ là chuyển hành động tống tiền chính phủ thành hành động tống tiền đối với tất cả mọi công dân."

Hy Lạp đã bị Châu Âu ngưng trợ giúp, sau khi Athens hôm thứ ba không trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế khoản tiền 1,8 tỉ đô la.

Một số nhà phân tích cho rằng việc ông Tsipras sẵn sàng trả nợ trong lúc giữ nguyên ý định tổ chức trưng cầu dân ý là một phần của một chiến lược nhằm giành lấy ưu thế trong các cuộc thương lượng sau này về khoản cứu nguy mới của Châu Âu trị giá 32,4 tỉ đô la.

Để đáp lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa nói rằng sẽ không có các cuộc điều đình mới cho tới khi nào có được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật.

"Bây giờ chúng ta có thể chờ đợi một cách bình tĩnh bởi vì Châu Âu đang mạnh. Mạnh hơn nhiều so với 5 năm trước đây, khi vụ khủng hoảng nợ Châu Âu bắt đầu tại Hy Lạp."

Trong 5 năm qua Hy Lạp đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ. Các chủ nợ của Athens đòi chính phủ nước này áp dụng thêm các biện pháp kiệm ước để có thể nhận được những khoản cho vay mới.

Hy Lạp nói rằng dân chúng của họ đã bị khốn đốn quá nhiều vì thuế tăng cao và chi tiêu chính phủ bị cắt giảm.

Các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa trong tuần này như một biện pháp khẩn cấp để kiểm soát sự hỗn loạn tài chánh. Những máy rút tiền tự động vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng có những hạn chế rất nghiêm khắc đối với số tiền mà các chủ tài khoản có thể rút.

Tại Athens hôm qua, các giới chức cho phép khoảng 1.000 chi nhánh ngân hàng trên cả nước mở cửa làm việc để cho những người lãnh tiền hưu trí nhưng không có thẻ rút tiền tự động đến rút tiền mặt. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Quốc hội Mỹ muốn ngăn quân đội Cuba thủ lợi nhờ chính sách mới

Nỗ lực của chính quyền Obama tái lập bang giao với Cuba dự trù sẽ bị chống đối gay gắt bởi Quốc hội nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, nhất là về những gì liên quan đến quân đội Cuba.

Chỉ mới tuần trước, dân biểu Devin Nunes đại diện tiểu bang California, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Đặc biệt của Hạ viện về Tình báo, đã đệ trình một dự luật tại Hạ viện đề nghị cấm người Mỹ tham gia bất kỳ giao dịch tài chính nào với quân đội Cuba hay Bộ Nội vụ Cuba, hay với bất cứ thực thể nào thuộc quyền kiểm soát của Quân đội hay Bộ này của Cuba.

Dự luật nhằm mục đích “đảm bảo là dân chúng Cuba, chứ không phải guồng máy an ninh áp bức của chế độ Castro được hưởng lợi ích nhờ bất cứ công cuộc giao thương nào do kết quả của chính sách bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba của chính quyền Obama.

Dự luật đã được hậu thuẫn đáng kể của các thành viên Cộng hòa tại Hạ viên, trong đó có ông Mac Thornberry, đại diện tiểu bang Texas, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Các nhà lãnh đạo khác ở cả Hạ lẫn Thượng viện cũng đã đề xuất dự luật ngăn cấm người Mỹ tiến hành các giao dịch tài chính với quân đội Cuba, có thể bao gồm hành vi đơn giản là trả tiền khách sạn.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida, Chủ tịch Tiểu ban Tây bán cầu của Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện, mới đây đã đệ trình một dự luật như vậy. Ông nói phần lớn thương vụ du lịch ở Cuba đều nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, là cơ quan hưởng lợi của công nghiệp phát đạt này.

Thượng nghị sĩ Rubio nói, “Mỗi đôla bạn chi ra sẽ lọt vào tay quân đội Cuba là phía bảo trợ cho khủng bố bằng cách đưa lậu vũ khí cho Bắc Triều Tiên, với các quan chức cấp cao bị truy tố về tội sát hại người Mỹ trên không phận quốc tế, và một quân đội Cuba tận dụng mọi phương tiện có được để tài trợ, làm giàu bản thân, áp bức người dân Cuba.”

La Habana đã quay sang Bắc Kinh để nhận tiếp liệu quân sự vì Washington cấm chuyển bất cứ vũ khí nào sang Cuba. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhà Trắng gặp gỡ các nhà hoạt động người Việt trước chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng

Một cuộc tiếp xúc giữa chính quyền Mỹ với một số đại diện giới hoạt động người Việt Nam tại hải ngoại đã diễn ra ở Nhà trắng hôm thứ Tư, theo nguồn tin BBC được biết.

Hôm 01/7/2015, các thành viên của cộng đồng hoạt động dân chủ, nhân quyền của Việt Nam tại Mỹ, các ông Cù Huy Hà Vũ, cựu tù nhân chính trị, bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, đại diện Cao trào Nhân bản, đại diện các tổ chức và đảng phái như BP SOS, Đảng dân chủ Việt Nam, Việt Tân đã được các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ tiếp ở tòa nhà Eisenhower Building, thuộc Nhà Trắng.

Về phía Mỹ, những người tiếp là Giám đốc cấp cao Vụ Châu Á, Dan Kritenbrink, Giám đốc cấp cao Vụ đa phương và Nhân quyền, Stephen Pomper, ngoài ra còn có các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ như Phó Trợ lý Ngoại trưởng Scott Busby.

Các nguồn tin cho BBC hay Nhà Trắng "muốn chia sẻ với chúng tôi kế hoạch của họ và lắng nghe các ý kiến, thông tin về cuộc gặp tới đây với ông Nguyễn Phú Trọng".

'Tham vấn ý kiến'

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo dự kiến sẽ thăm Mỹ vào đầu tuần sau, trong một chuyến thăm lần đầu tiên của một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ.

"Họ (phía Mỹ) không muốn thông báo chính thức ngày giờ chuyến thăm nhưng nhấn mạnh chuyến thăm sẽ diễn ra vào đầu tuần tới...

"Về cơ bản, họ nói là đã tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam và bây giờ họ muốn gặp nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản... và mục đích của cuộc gặp là để đặt ra các bước đi cho việc thực hiện quan hệ đối tác toàn diện," vẫn nguồn tin này cho BBC hay. - BBC

***
Thể theo lời mời của NSC tức Hội Đồng An Ninh Quốc Gia  Hoa Kỳ, một nhóm các nhà hoạt động Mỹ gốc Việt đã vào Nhà Trắng chiều thứ Tư 1 tháng Bảy để thảo luận về quan hệ Mỹ Việt với các viên chức cấp cao trong NSC.

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

Sau buổi gặp gỡ, một trong những người được mời là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thuộc tổ chức Tập Hợp Vì Nền Dân Chủ Việt Nam, đã dành cho Thanh Trúc bài phỏng vấn sau đây:

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi nhận được lời mời của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cách đây hai ngày, họ có nói khoảng 2 giờ  chiều họ muốn mời mình đến họp tại Eisenhower Executive Office Building thuộc White House để bàn về vấn đề liên hệ chủ yếu là bang giao Việt Mỹ.

Thanh Trúc: Xin ông cho biết những người được mời, ngoài ông ra thì còn ai nữa? 

BS Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi thấy có sự hiện diện của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, ông tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cựu tù nhân chính trị, anh Hoàng Tứ Duy và cô Huỳnh Trang thuộc Việt Tân, tôi và bác sĩ Nguyễn Thể Bình và một thanh niên trẻ nữa là anh Đức thuộc đảng Dân Chủ ở trên Boston, Massachusetts.

Thanh Trúc: Theo nội dung cuộc nói chuyện hôm nay thì điều gì bác sĩ có thể trình bày?

BS Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi trình bày cái chính là những vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và những biện pháp làm sao có thể cải thiện vấn đề một cách gốc rễ chứ không phải chỉ trong một giai đoạn ngắn rồi sau đó khi nhà cầm quyền cộng sản đã được vào TPP lại thay đổi.

Cái thứ hai, chúng tôi nhấn mạnh đến nhu cầu dân chủ hóa Việt Nam để Mỹ có một đồng minh thực sự ở Việt Nam. Chúng tôi cũng nói nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nổi tiếng hay nuốt lời, không thi hành các lời hứa, vì thế cần phải có những biện pháp bảo đảm rằng thỏa hiệp kinh tế đó sẽ phải được thi hành một cách đàng hoàng, phải có những biện pháp trừng phạt nếu nhà cầm quyền cộng sản vi phạm.

Đó là những điểm chính, sau đó thì chúng tôi cũng nói đây là một dịp tốt, một cơ hội bằng vàng để chính phủ Mỹ có thể một mặt thực hiện được một chính sách ở Á Châu thành công, đồng thời cũng giúp đỡ nhân dân Việt Nam có một đời sống tự do hơn, dân chủ hơn.

Thanh Trúc: Thưa bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông có nhận thấy ông giám đốc Á Châu Sự Vụ Dan Kritebrink và cả ông Stephen Pomper giám đốc quan hệ đa phương và nhân quyền trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có xoáy vào vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ hoặc là cải tổ chính trị ở Việt Nam hay không?

BS Nguyễn Quốc Quân: Hiện diện thì tôi cũng nói thêm là có bà Elizabeth Phú cũng thuộc hàng giám đốc về Á Châu của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Chúng tôi thấy tất cả 3 người đều ghi nhận và nói rằng những điều trình bày của chúng tôi sẽ được nêu lên trong cuộc gặp gỡ giữa tổng thống và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự trù sắp sang đấy tuần tới.

Dân chủ hóa Việt Nam

Thanh Trúc: Theo như ông nói thì có phải cuộc gặp gỡ hôm nay với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có mục đích tìm hiểu sâu hơn, có mục đích vận động dư luận thế nào đó trước chuyến viếng thăm của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam?

BS Nguyễn Quốc Quân: Cũng rất là khó nói, nhưng họ có nêu vấn đề ông Nguyễn Phu Trọng sang đây, và họ có nói rằng thường xuyên chúng tôi có những cuộc thảo luận với Bộ Ngoại Giao, với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, hoặc các nhân vật ở Quốc Hội vẫn có những ý kiến hoặc điều trần. Thành ra nói rằng vì chuyện ông Nguyễn Phú Trọng không thôi thì tôi không dám quả quyết nhưng tôi nghĩ đó cũng là một phần .

Thanh Trúc: Những người được mời vào White House hôm nay kỳ vọng kết quả như thế nào? 

BS Nguyễn Quốc Quân: Tất cả mọi người đều trình bày những khía cạnh khác nhau như vi phạm về tôn giáo, vi phạm về quyền tự do thành lập nghiệp đoàn của người lao động rồi những quyền tự do khác. Chúng tôi cũng nói những khó khăn trong vấn đề cải thiện tình hình bang giao Việt Mỹ đi kèm với nhân quyền, nhấn mạnh nước Mỹ chỉ có thể tìm được một đồng minh thực sự và trung thành và có thể giúp cho kế hoạch trở lại Á Châu của Mỹ ở một nước Việt Nam tự do dân chủ mà thôi. Dân chủ hóa Việt Nam là yếu tố cần thiết trong vấn đề thành công của Mỹ.

Nói tóm lại chúng tôi xoay quanh nhiều vấn đề, đi sâu vào nhiều vấn đề làm sao cải thiện nhân quyền ở Việt Nam một cách lâu dài, đặt nền tảng bền vững cho một nền dân chủ ở Việt Nam. Chúng tôi cũng nhấn mạnh đó là nhu cầu cần thiết mà nước Mỹ cần phải thực hiện tại nó là phần lớn sự thành công hay thất bại của chính phủ Mỹ.

Thanh Trúc: Sau cùng họ có đưa ra một lời cam kết gì không hay chỉ ghi nhận mà thôi?

BS Nguyễn Quốc Quân: Họ có nói tất cả những gì quí vị trình bày hôm nay đề được ghi nhận và chúng tôi sẽ cố gắng trình bày và xin cam đoan với quí vị là vấn đề nhân quyền sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc gặp gỡ đó.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Quốc Quân. - RFA
|
|

6.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nằm bệnh viện tại Pháp [LMN: Các tin này dựa vào tin CSVN, cho nên thực tế có thể hoàn toàn khác]

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã được đưa sang bệnh viện Georges Pompidou, Paris để được phẫu thuật một khối u phổi.

Ông Phùng Quang Thanh đã được đưa sang Pháp từ ngày 24/06/2015 và đến ngày 30/06 đã được giải phẫu tại bệnh viện Georges Pompidou, hai tháng sau khi bắt đầu bị ho ra máu. 

Thông tin về việc ông Phùng Quang Thanh sang Pháp để được giải phẫu được đưa ra giữa lúc có rất nhiều tin đồn về vị Bộ trưởng này, do ông vắng mặt tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân hai ngày 30/06 và 01/07. Thậm chí có tin đồn là ông đã bị ám sát tại Paris. 

RFI Việt ngữ đã có liên lạc với bệnh viện Georges Pompidou, nhưng bộ phận báo chí của bệnh viện này không xác nhận, mà cũng không phủ nhận thông tin về việc ông Phùng Quang Thanh đang được điều trị tại đây.

Trước đó, theo tin của Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa viếng thăm nước Pháp trong tháng Sáu và được Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian tiếp ngày 19/06/2015.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 02/07/2015, từ Hà Nội, giáo sư Phạm Gia Khải, Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Trung ương, cho biết cụ thể về tình trạng sức khỏe của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.

"Tôi mới gặp ông Nguyễn Quốc Triệu, làm Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe trung ương thì được biết là ông Phùng Quang Thanh được chuyển sang nước Cộng hòa Pháp đến bệnh viện Georges Pompidou, được các chuyên gia Pháp ở đấy chăm nom sức khỏe, và chẩn đoán cũng như điều trị.

Trước đó, cách đây khoảng nhiều năm rồi, trong chiến tranh với Mỹ, ông ấy đi công tác ở trong nam, bị tai nạn xe ô tô. Sau đó, bị dập phổi, bị dập, nhưng mà khỏi. Nhiều năm sau không có vấn đề gì. Ngoài ra, ông có bệnh cố hữu, tức là ông ấy bị hen phế quản và hay dị ứng với nhiều thứ như thuốc men, hoặc là ăn uống hoặc là thời tiết, đôi khi nổi mẩn ngứa. Có lần, (ông bị) hen phế quản, huyết áp rất cao.

Cách đây khoảng hai tháng, ông hay bị ho ra máu, ho ít thôi, khi thì máu tươi, khi thì máu hơi đen. Chúng tôi đã xem, kiểm tra vết thương thì không thấy gì đặc biệt.

Lúc đó, chúng tôi hội chẩn qua tivi, giữa Paris với bệnh viện 108. Hôm đó, tôi không có mặt, nhưng các đồng nghiệp của tôi có mặt, thì được biết là các đồng nghiệp Pháp ở Georges Pompidou đồng ý với chẩn đoán của chúng tôi, tiến hành các bước xét nghiệm và chẩn đoán có ung thư hay không. Nhưng soi phế quản thì không có gì, sinh tiết không có gì. Nhưng không có nghĩa là không có (bệnh) gì. Bởi vì có cả một phân thùy phổi rất nhỏ thôi bị sơ hóa, không biết có gì ở trong.

Họ chủ trương mang sang họ (bệnh viện Georges Pompidou) làm sinh tiết nội soi, khoa nội soi, lấy cả phân thùy ra xem. Kết quả cắt xén đó có thể quyết định đây có bị ung thư hay không. Bởi vì cắt nhiều lớp phân thùy thì vẫn hơn là chọc một chỗ.

Tôi chưa được biết kết quả ra sao, bởi vì hôm 24/06 mới đến và nghe nói ngày 26-27/06 thì mới bắt đầu làm. Hôm nay mới 02/07.

Nhưng tôi được nghe ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban bảo vệ sức khỏe trung ương nói lại thì nghe nói tối 30/06, có mổ ông ấy và khối u lấy ra là khối u lành.

Chúng tôi rất thận trọng trong vấn đề nhận định về kết quả. Chúng tôi chờ đợi khi nào các đồng nghiệp ở bên Pháp về cho chúng tôi biết tình hình thế nào thì chúng tôi mới dám nói. Trước mắt, toàn nghe người ta nói đi nói lại, không chắc chắn. Chỉ có cái người ta nói ông bị ám sát thì không đúng. Chuyện đùa thôi, không có đâu". - RFI

***
Báo trong nước đưa tin Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa được phẫu thuật phổi tại Pháp và 'sức khỏe tiến triển tốt'.

Một thời gian nay các mạng xã hội dồn dập tin đồn về Bộ trưởng Quốc phòng, nhất là khi lần cuối ông Thanh xuất hiện trước công chúng là vào ngày 19/6, khi được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tiếp đón tại Paris.

Cuối ngày 1/7, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương cho hay Đại tướng Phùng Quang Thanh "đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần".

Nguồn tin này nói tối 30/6, ông Thanh "đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi".

Theo Tuổi Trẻ, ông bộ trưởng bắt đầu ho nặng từ hai tháng trước, chưa phát hiện ung thư nhưng một vùng phổi bị xơ vì vết thương từ thời chiến.

Báo này cũng dẫn nguồn tin nói ông có "những dấu hiệu đáng ngại của căn bệnh" ung thư phổi.

Trong khi đó báo Tiền Phong sáng 2/7 cũng dẫn nguồn tin khả tín của mình nói ông Phùng Quang Thanh vừa được phẫu thuật và "hiện sức khỏe tiến triển tốt".

"Dự kiến, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ về nước trong thời gian tới."

Vắng mặt Đại hội

Dư luận đã nhắc nhiều tới sự vắng mặt của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong các sự kiện chính trị quan trọng ở trong nước.

Ông đã không tham dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015 khai mạc sáng thứ Tư 1/7 tại Hà Nội, sự kiện do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức.

Ông Thanh cũng vắng mặt trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 hôm 29/6 vừa qua.

Gần như chắc chắn, vì lý do sức khỏe ông Phùng Quang Thanh sẽ không tham gia được chuyến thăm Hoa Kỳ tuần tới của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Câu hỏi một số nhà quan sát đặt ra là vai trò của Tướng Thanh sẽ do ai đảm nhiệm, dù là tạm thời, vì Việt Nam đang phải đối phó nhiều vấn đề cấp bách về quốc phòng.

Ngày 19/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với trên 83% đại biểu nhất trí.

Trong đó, Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng đã bổ sung thẩm quyền "Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ" cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa bế mạc hôm 26/6 và cuối năm mới họp lại.

Tuy nhiên Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 19/6 chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, cho nên hiện chưa rõ trong trường hợp ông Thanh không thể tiếp tục làm việc, Thủ tướng có thể giao quyền bộ trưởng cho nhân vật khác được hay không. - BBC

No comments:

Post a Comment