Monday, July 13, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 13/7

Tin Thế Giới

1.
Hy Lạp đạt thỏa thuận cứu nguy với Châu Âu --- Thỏa thuận cứu nguy Hy Lạp: Bước đầu của tiến trình lâu dài

Hy Lạp và các đối tác Châu Âu đã đạt được một thỏa thuận cứu nguy tài chính thứ ba sau phiên họp thượng đỉnh kéo dài.

Chủ tịch Liên minh Châu Âu Donald Tusk hôm thứ Hai ở Brussels cho biết rằng đã đạt được sự đồng thuận sau 17 giờ đàm phán.

Hy Lạp chấp nhận một loạt những cải cách khó khăn để nhận được khoản vay đề xuất gần 100 tỉ đôla mà họ đang hết sức cần.

Trước đó, hãng tin AFP của Pháp trích lời một nguồn tin giấu tên nói rằng một thỏa thuận "thỏa hiệp" đã được Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bàn bạc kỹ lưỡng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande và ông Tusk.

Tin tức trước đó cho biết trước khi chính thức đạt được một thỏa thuận phải có sự nhất trí về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tương lai sẽ tham gia vào chương trình cứu nguy tài chính của Hy Lạp, và một đề nghị rằng Hy Lạp phải dành riêng những tài sản trị giá 56 tỉ đôla để tư nhân hóa dần dần.

Theo thỏa thuận, Hy Lạp đã ngưng chống lại một vai trò đầy đủ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong đề xuất cứu nguy tài chính trị giá nhiều tỉ đôla này.

Thủ tướng Tsipras bây giờ phải thuyết phục quốc hội Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận trước ngày thứ Tư, bao gồm những cải cách về thuế và hưu bổng mà sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Hy Lạp. Sau khi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận, ông Tsipras phải thuyết phục 18 nước đối tác Châu Âu giải ngân quỹ bắc cầu tạm thời để ngăn đất nước khỏi bị phá sản.

Ông Donald Tusk hôm thứ Hai nói rằng thỏa thuận mới có "những điều kiện nghiêm ngặt," nhưng cũng đưa Hy Lạp "trở lại đúng đường với các đối tác Châu Âu của mình." Ông cho biết thỏa thuận mới "mang niềm tin trở lại giữa các đối tác Châu Âu."

Bà Merkel nói "những điều kiện khó khăn đã được áp đặt" với thỏa thuận này, nhưng "có nhiều lợi hơn là bất lợi."

Nhà lãnh đạo của Đức cho biết cũng cần phải "xây dựng năng lực" cho chính phủ Hy Lạp. Bà nói thêm rằng "điều quan trọng là củng cố chính phủ (Hy Lạp) thông qua việc hiện đại hóa chính quyền của họ." - VOA

***
Sau 17 tiếng đồng hồ thương thuyết tại Brussels, các nhà lãnh đạo khối euro đã đạt được một thỏa thuận theo đó Hy Lạp sẽ thực thi các cải cách khó khăn để đổi lấy một kế hoạch cứu nguy ồ ạt. Nhưng thỏa thuận đạt được hồi sớm hôm nay chỉ mới là bước đầu, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Lisa Bryant từ Paris.

Thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và 18 thành viên khác trong khối euro không thể coi như một thỏa thuận dứt khoát. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nay phải tranh thủ được sự chấp thuận của Quốc hội về các biện pháp kiệm ước gay gắt trước ngày thứ tư. Ông cũng phải thuyết phục công chúng Hy Lạp đã bác bỏ những điều kiện cứu nguy kém khắc nghiệt hơn trong cuộc trưng cầu dân ý mới một tuần trước đó.

Nhiều thành viên trong khối euro, trong đó có Đức là một trong những nước hồ nghi nhất về một thỏa thuận mới, còn phải được sự chấp thuận của Quốc hội chỉ để bắt đầu thương nghị về một kế hoạch hỗ trợ mới dành cho Athens.

Song các nhà lãnh đạo, bắt đầu là Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu Donald Tusk, ca ngợi thỏa thuận.

“Quyết định đem lại cho Hy Lạp một cơ hội đi trở lại đúng hướng với sự hỗ trợ của các quốc hội Châu Âu. Nó cũng tránh được những hậu quả xã hội, kinh tế và chính trị mà một kết quả tiêu cực có thể mang lại.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sau khi quốc hội Hy Lạp phê chuẩn các điều kiện, bà sẽ đề nghị “với sự tin tưởng đầy đủ” rằng các nhà lập pháp Đức sẽ chấp thuận thỏa thuận.

Bà Merkel nói có một loạt hỗ trợ rất rộng rãi mà nếu được thực thi sẽ mở đường cho Hy Lạp quay trở lại con đường tăng trưởng, nhưng sẽ là một con đường dài và gay go.

Thủ tướng Tsipras phải đối mặt với những ngày khó khăn trước mắt khi ông mưu tìm sự chấp thuận trong nước. Các yêu cầu mới về kiệm ước được đưa ra để đổi lấy thỏa thuận cứu nguy mới trong 3 năm, trị giá 93 tỷ.

Ông Tsipras nói toán công tác của ông đã trải qua một cuộc chiến đấu gay go, nhưng ông đã phải thực hiện một số quyết định khó khăn để tránh hậu quả khắc nghiệt hơn. Nếu không đạt được một thỏa thuận, Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ và có thể phải rút ra khỏi khối sử dụng đồng euro. - VOA
|
|

2.
Các bên nỗ lực đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran trong ngày chót

Các nhà đàm phán từ Iran và nhóm sáu nước, kể cả Mỹ, hôm thứ Hai nỗ lực khép lại 18 tháng đàm phán và hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran mà các bên tìm kiếm bấy lâu nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aragchi bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng cho biết một số vấn đề vẫn tồn tại và rằng ông không thể hứa là liệu tới cuối ngày có thể đạt được thỏa thuận hay không. Các nhà ngoại giao hôm Chủ nhật gợi ý rằng hai bên đã gần có được văn kiện phức tạp này.

Ngày thứ Hai là hạn chót mới nhất trong một loạt những hạn chót mà các nhà đàm phán đã tự đặt ra cho mình, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Iran, Alireza Miryousefi, cho biết không ai nghĩ đến việc triển hạn các cuộc đàm phán thêm lần nữa.

"Mọi người đều nỗ lực để có được thỏa thuận ngày hôm nay, nhưng vẫn cần tới ý chí chính trị," ông nói trên Twitter.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết điều kiện đã chín muồi cho một "thỏa thuận tốt."

"Chúng tôi tin rằng không thể và không nên có những sự chậm trễ hơn nữa trong các cuộc đàm phán," ông nói.

Ông Vương và những người đồng cấp từ Mỹ, Pháp, Nga và Đức đã triệu tập cuộc họp riêng mới nhất của họ trước trưa ngày thứ Hai tại Vienna, Áo. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond sẽ tham gia các cuộc đàm phán sau đó trong ngày.

Khi cuộc họp bắt đầu, một phóng viên hỏi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là liệu sẽ có một đợt triển hạn nữa hay không, ông Kerry không trả lời.

Các quan chức đã cho biết có sự tiến bộ nhưng đồng thời cũng tỏ ra thận trọng suốt nhiều tháng thương thuyết, kể cả trong suốt 17 ngày qua tại Vienna, nơi họ đã vượt quá hạn chót 30 tháng 6 và thêm một hạn chót thứ hai nữa mà họ đặt ra vào thứ Sáu tuần trước.

Quá trình giải quyết những cáo buộc cho rằng Iran đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân - điều mà nước này phủ nhận - bao gồm một số thỏa thuận nhỏ hơn trong quá trình đàm phán, bắt đầu với một thỏa thuận tạm thời vào tháng 11 năm 2013 kiềm chế hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm bớt những chế tài.

Hai bên đã nhất trí thương thảo một thỏa thuận dài hạn với những hạn chế và giám sát đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dở bỏ hoàn toàn những chế tài mà Liên Hiệp Quốc và những nước riêng lẻ khác áp đặt lên Iran. Việc này lẽ ra mất sáu tháng, nhưng đã kéo dài vì những cuộc tranh luận về tốc độ dỡ bỏ chế tài, việc thanh sát viên tiếp cận những cơ sở hạt hạt nhân của Iran, và gần đây nhất là việc Iran thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. - VOA
|
|

3.
Vụ bê bối ngân quỹ đe dọa ghế của Thủ tướng Malaysia

Cảnh sát Malaysia hôm nay thông báo sẽ tiến hành điều tra các điều tra viên điều tra các cáo buộc rằng hàng triệu đôla ngân quỹ của nhà nước đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của Thủ tướng Najib Razak. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật thêm chi tiết từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok.

Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết sẽ tìm cách xác định xem ai là người đã tiết lộ các “tài liệu mật cho các công dân ngoại quốc”, cũng như điều tra xem là liệu các tài liệu đó là thật hay giả mạo.

Tờ The Wall Street Journal hôm 3/7 trích dẫn các tài liệu từ một cuộc điều tra của chính phủ nói rằng 700 triệu đôla có lẽ đã được chuyển qua các cơ quan và công ty liên quan tới 1MDB thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia, trước khi được gửi vào các tài khoản đứng tên của thủ tướng.

Tin cho hay, phần lớn số tiền đó đã được chuyển vào các tài khoản của ông Najib trước cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, nhưng hiện chưa rõ số tiền đó ở đâu sau đó.

Tổng thanh tra cảnh sát Khalid cho rằng việc tiết lộ thông tin này có thể là một phần của “âm mưu lật đổ tiến trình dân chủ của nước này cũng như lật đổ thủ tướng”.

Cựu thủ tướng nắm quyền lâu năm nhất ở Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã gay gắt chỉ trích ông Najib, nhân vật ông đích thân chọn làm người kế nhiệm, vì đã không thể biến Malaysia thành một quốc gia thực sự phát triển, làm nước này mất tín nhiệm trên thế giới.

Giáo sư James Chin là giám đốc của Trung tâm châu Á của Đại học Tasmania. Ông nói:

“Tất cả các câu chuyện mà ta nghe về vấn đề tham nhũng, thủ tướng, vợ thủ tướng, cũng như chuyện hàng triệu đôla bị bòn rút khỏi các công ty của nhà nước là một phần của cuộc đấu đá chính trị giữa cựu thủ tướng Mahathir và thủ tướng hiện thời Najib Razak”.

Ông Chin giải thích rằng các cơ quan của Malaysia thường bị chi phối bởi chính trị, và thậm chí là các bộ trưởng trong nội các cũng không hoàn toàn tin tưởng cảnh sát hoặc bất kỳ cơ quan nội địa nào điều tra vụ này. Ông nói thêm:

“Số tiền biển thủ từ các công ty của nhà nước chủ yếu được dùng trong cuộc tổng tuyển cử lần trước. Vì thế, không ai thực sự muốn khơi ra chuyện này vì nó sẽ phơi bày tất cả những chuyện khủng khiếp đã xảy ra trong các cuộc tổng tuyển cử trước đây”.

Liên minh cầm quyền giành kết quả tồi tệ nhất từ trước tới nay trong cuộc bầu cử hai năm trước. Nhưng liên minh này vẫn có thể duy trì thế đa số mà họ có được kể từ năm 1957. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Thêm nhân vật Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ

Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker, tuyên bố muốn giành tấm vé đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Chính trị gia 47 tuổi đã đăng trên Twitter "Tôi tham gia".

Ông tranh đua cùng 14 gương mặt khác trong đảng mình để giành vị trí ứng viên tranh cử trong kỳ bầu cử 2016.

"Tôi tham gia cuộc đua tranh chức tổng thống và giành chiến thắng cho nhân dân Mỹ," ông nói trong đoạn video được công bố hôm thứ Hai.

Ông sẽ chính thức công bố việc tham gia tranh cử tại một sự kiện sẽ được tổ chức tại Milwaukee.

Vị thống đốc đã chiến thắng trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm và đã đụng độ với các nghiệp đoàn lao động tại tiểu bang quê nhà.

Ngoài việc hậu thuẫn cho khối chủ doanh nghiệp trong việc phá bỏ các cuộc mặc cả với nghiệp đoàn và tự động khấu trừ các khoản hội phí nghiệp đoàn, các chính sách bảo thủ của ông đã khiến cho hoạt động nạo phá thai trở nên khó khăn hơn tại Wisconsin.

Các chính sách của ông cũng đòi các công dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi đi bỏ phiếu và hợp pháp hóa việc mang theo vũ khí được giấu kín. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Tự do cho người Việt là khả thi

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tới thăm thủ đô của người Việt tỵ nạn Little Saigon hôm Chủ nhật 12/7. Ông nói Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là nhân tố có thể tăng cường quan hệ hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chống lại Trung Quốc, và có thể buộc Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.

Báo Orange Register tường thuật rằng trong một cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt, Đại sứ Ted Osius nói mặc dù con đường còn khá dài trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam cải thiện nhân quyền, cho phép tự do tôn giáo và ngưng trấn áp giới bất đồng chính kiến trong nước, ông vẫn lạc quan rằng Hoa Kỳ có thể để giúp “mang lại những thay đổi” tại Việt Nam.

Đại sứ Osius nói "toàn bộ tiến trình đã được đẩy nhanh trong nhiều năm qua. Năm nay có thể là một năm vô cùng quan trọng".

Ông Osius nói Hoa Kỳ có thể dùng sức bật ngoại giao để tăng sức ép với Việt Nam trong hai lĩnh vực chủ yếu, để khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, mà theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, “vẫn vô cùng tệ hại trong tất cả các mặt chủ yếu.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói “Nếu Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và hưởng lợi từ hiệp định này, thì Việt Nam cần phải thoả mãn các tiêu chuẩn cao về tự do".

Đây là chuyến đi thăm đầu tiên của đại sứ Mỹ tại Việt Nam tới Little Saigon, thủ đô của người tỵ nạn Việt Nam ở California, để lắng nghe những quan tâm của cộng đồng, và giải thích chiến lược của chính phủ Tổng Thống Obama nhằm cải thiện các quyền tự do tại Việt Nam.

Báo Los Angeles Times hôm nay đăng bài viết nói rằng cộng đồng người Việt tỵ nạn đang theo sát những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Việt với ánh mắt nghi kỵ.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch ốc có mục đích tăng cường quan hệ thương mại song phương, đã làm dấy lên quan ngại trong các cộng đồng người Việt không những ở Little Saigon mà còn ở nhiều nơi khác, vốn vẫn nghi kỵ chính phủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Các cộng đồng người Việt tự do trên khắp Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn tại Việt Nam.

Tờ báo tường thuật rằng trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với hơn 350 người thuộc cộng đồng người Việt ở Little Saigon hôm Chủ nhật từ khi ông lên nhậm chức vào cuối năm ngoái, ông Ted Osius nói:

“Việt Nam cần hai điều từ Hoa Kỳ, thịnh vượng và an ninh.” Ông nói vì hai lý do đó, Hoa Kỳ đang nắm cơ hội vô cùng thuận lợi này để tăng sức ép với Việt Nam.

Tháp tùng Đại sứ Osius tới Little Saigon, có nhiều vị dân biểu trong đó có dân biểu đảng Cộng hòa Ed Royce, dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân chủ, và ông Dana Rohrabacher thuộc đảng Cộng hòa.

Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, nói “chính quyền Việt Nam đối xử với một số người như "thú vật", họ bị nhốt chung với các tội nhân hình sự nguy hiểm, và khuyến khích những tù nhân này đánh đập những người bât đồng chính kiến với nhà nước.” - VOA
|
|

6.
Phó Thủ tướng TQ Truơng Cao Lệ sẽ thăm VN --- Đoàn quân sự cấp cao Campuchia sang Trung Quốc tìm hậu thuẫn --- Biển Đông: Philippines bắt đầu cuộc điều trần thứ nhì trước Tòa án trọng tài LHQ

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ sẽ thăm chính thức Việt Nam vào trung tuần tháng 7.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ông Trương đến Việt Nam theo lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm sẽ diễn ra từ ngày 16-18/7/2015.
Trước đó, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm được xem là lịch sử đến Hoa Kỳ, gặp Tổng thống Barack Obama.

***
Một phái đoàn gồm 23 quan chức quân sự và an ninh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu khởi sự chuyến đi 5 ngày tới Bắc Kinh hôm 8 tháng 7, theo một tạp chí thời sự trên mạng có trụ sở ở Tokyo.

Tạp chí mạng Diplomat hôm nay đăng bài viết của ông Prashanth Parameswaran, một chủ biên của tạp chí, tường thuật rằng Trung Quốc không nói gì nhiều về tin này trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng chuyến thăm nằm trong khuôn khổ một cuộc ‘trao đổi thường niên’.

Tác giả bài viết lưu ý rằng tham gia chuyến đi có các Tư Lệnh của cả 3 quân chủng thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia, và Tư Lệnh Quân Cảnh Quốc gia. Nhà báo này nói sự hiện diện của các quan chức quân sự cấp cao nhất của Campuchia nói lên tầm quan trọng của chuyến đi, bất chấp lời phát biểu của ông Tea Banh, cố làm giảm tầm quan trọng của chuyến đi.

Chuyến đi cũng diễn ra chỉ vài ngày sau các cuộc xung đột biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vào cuối tháng 6.

Hôm 28/6 đã xảy ra một vụ xô xát giữa hàng trăm Campuchia và Việt Nam tại vùng biên giới giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam, có sự tham gia của hàng trăm binh sĩ hai nước. Tuy không ai thiệt mạng, nhưng cuộc xung đột đã làm nhiều người bị thương, trong đó có 7 người Việt Nam.

200 người Campuchia, trong đó có một số nhà lập pháp và nhà sư, đã kéo tới vùng biên giới để phản đối, nói rằng Việt Nam lấn chiếm đất của nước họ.

Thủ Tướng Campuchia Hun Sen bị phe đối lập chỉ trích là đã dựa vào các bản đồ của Việt Nam để phân định biên giới. Ông Hun Sen sau đó đã viết thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon để yêu cầu LHQ cung cấp tấm bản đồ do Pháp vẽ thời 3 nước Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp, để dùng trong việc phân định biên giới.

Một cuộc họp quy tụ các giới chức Việt Nam và Campuchia tại Pnom Penh đã được tổ chức trong tuần rồi để thảo luận vấn đề biên giới, nhưng hai bên không đạt được giải pháp chung cuộc, và nay Campuchia đang xoay sang Trung Quốc để yêu cầu được hậu thuẫn quân sự.

Việt Nam đã từng xua quân sang và chiếm đóng Campuchia từ năm 1979 tới năm 1991. Trong thời gian này, Trung Quốc là một trong các đồng minh quan trọng nhất của Campuchia chống lại Hà Nội.

Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế của Campuchia và Bắc Kinh hiện là nước cung cấp vũ khí chủ yếu của Campuchia.

Campuchia và Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 12 năm 2010. - VOA

***
Từ 10 giờ sáng ngày 13/07/2015 phải đoàn Philippines bắt đầu điều trần trong đợt thứ nhì trước Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại La Haye – Hà Lan.

Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, được báo Sunstar ấn bản trên mạng trích dẫn, việc phái đoàn của Manila được điều trần lần thứ nhì là một tín hiệu "tích cực".

Phái đoàn của Philippines gồm bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario, Chánh văn phòng phủ Tổng thống Paquio Ochoa Jr., bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, cố vấn pháp luật của Philippines Florin Hilbay … 

Chính quyền Manila kỳ vọng Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải ở vùng Biển Đông trước khi Tổng thống Benigno Aquino mãn nhiệm kỳ vào tháng 5/2016. 

Một cách chính xác hơn, Tòa sẽ xác định xem phía Trung Quốc hay Philippines có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phía Manila khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này. - RFI

No comments:

Post a Comment