Sunday, July 5, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 5/7

Tin Thế Giới

1.
Hy Lạp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lịch sử

Người dân Hy Lạp hôm nay tới các điểm bỏ phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý mang tính sống còn của nước này.

Hiện vẫn chưa rõ là người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu hậu thuẫn thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để nhận được các khoản cứu nguy của châu Âu hay là bác bỏ các yêu cầu của EU và đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi khối các nước sử dụng đồng euro.

Các cuộc thăm dò ý kiến người bỏ phiếu không cho thấy người dân Hy Lạp ngả về phương án nào.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi các cử tri bác bỏ các điều kiện đặt ra như tăng thêm thuế và cắt giảm chi tiêu. Ông nói thêm rằng câu trả lời “không” sẽ làm cho Hy Lạp ở trong vị thế tốt hơn để thương thảo với các bộ trưởng tài chính châu Âu.

“Không ai có thể phớt lờ ý nguyện sống của người dân, quyết tâm sống còn cũng như nắm lấy số phận của họ,” ông Tsipras nói sau khi bỏ phiếu sáng hôm nay.

Thủ tướng Hy Lạp và nhiều người dân nước này nói rằng đã chịu đựng đủ nỗi thống khổ do các yêu cầu trước đó của EU, khiến họ mất công ăn việc làm và phải hạ thấp rất nhiều tiêu chuẩn sống của mình.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cáo buộc EU đã "khủng bố" người dân Hy Lạp khi đe dọa họ phải bỏ phiếu chọn lựa.

Nhưng những người nói “có” lại cho rằng Hy Lạp không có lựa chọn nào khác là một tương lai gắn với châu Âu.

Việc bị loại khỏi khối sử dụng đồng euro đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải sử dụng đồng tiền trước đây của nước này mà một số quốc gia có thể từ chối chấp nhận.

Hầu hết người dân Hy Lạp phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Ngân hàng đã hạn chế số tiền rút ra để tránh bị hết tiền, dù các máy rút tiền nhiều lần không còn tiền mặt. Các siêu thị thì nhanh chóng hết sạch các loại thực phẩm cơ bản. Các cửa hàng thì lưỡng lự không muốn bày hàng ra kệ vì không biết chắc chắn là họ sẽ trả cho đầu phối phân phối như thế nào.

Hy Lạp tuần trước không thể trả khoản nợ 1,8 tỷ đôla nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi các bộ trưởng tài chính châu Âu từ chối chi thêm để cứu nguy nước này.

Các chủ nợ châu Âu cáo buộc Athens từ chối thực hiện thêm các biện pháp cải cách về kinh tế trong khi người Hy Lạp nói rằng họ đã hy sinh quá đủ và cảm thấy như là nô lệ của các chủ nợ. - VOA
|
|

2.
Ngân hàng Thế giới xóa đoạn báo cáo chỉ trích Trung Quốc

AFP ngày 05/07/2015 cho biết, Ngân hàng Thế giới, có trụ sở tại Washington, vừa xóa bỏ một đoạn trong báo cáo về kinh tế Trung Quốc. Đoạn văn này có nội dung chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế thứ hai thế giới, đặc biệt là sự mờ ám của lĩnh vực tài chính.

Ngày 01/07/2015, Ngân hàng Thế giới ra báo cáo khẳng định những thành quả của ba thập niên phát triển của Trung Quốc có khả năng bị hủy hoại, nếu sự hiện diện rộng khắp của Nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính không được thu hẹp lại. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Trung Quốc sửa đổi lại "tình trạng lãng phí trong một số đầu tư, tình trạng nợ nần chồng chất, và một hệ thống tài chính phi chính thức rất ít được điều chỉnh bằng pháp luật".

Tuy nhiên, hai ngày sau đó, định chế này ra thông điệp cho biết đoạn văn này đã bị xóa, với lời giải thích: "Đoạn 3 về lĩnh vực tài chính trước đây nằm trong báo cáo đã được xóa bỏ, vì đoạn này không tuân thủ quy chế kiểm tra và thẩm định thông thường của Ngân hàng Thế giới". AFP không liên lạc được với các đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh hôm nay.

Đoạn báo cáo này chỉ trích hệ thống tài chính mờ ám của Trung Quốc vừa bị xóa bỏ, trong bối cảnh chứng khoán của Trung Quốc đang điêu đứng, với trị giá cổ phiếu sụt giảm gần 30% chỉ trong hơn hai tuần lễ (từ giữa tháng 6/2015). Đợt sụt giảm chưa từng có này đánh dấu chấm hết cho một giai đoạn sốt chứng khoán, kéo dài từ hơn nửa năm nay, với trị giá cổ phiếu tăng gần gấp đôi. Nguồn tín dụng chủ yếu thúc đẩy bong bóng chứng khoán này là các khoản cho vay dễ dãi tại "thị trường tín dụng không chính thức", với lãi suất lên đến 17%/năm.

Bắc Kinh và các tổ chức tài chính Trung Quốc lo ngại chứng khoán sụp đổ làm bất ổn thêm thị trường tài chính, khiến tăng trưởng kinh tế vốn đã chững lại bị ảnh hưởng thêm nữa. Hôm nay, chính quyền Trung Quốc vừa bắt giữ một người đàn ông 29 tuổi, bị nghi ngờ đã truyền đi trên mạng tin đồn, theo đó nhiều người đã nhảy lầu tự sát, vì chứng khoán sụp đổ. - RFI
|
|

3.
Liên quân không kích Nhà nước Hồi giáo sau vụ xử tử tập thể

Liên quân do Mỹ đẫn đầu hôm qua và hôm nay đã thực hiện các cuộc không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở miền đông Syria, triệt hạ ít nhất 23 chiến binh của tổ chức cực đoan này và làm nhiều tên khác bị thương.

Một thông cáo của liên quân công bố hôm nay cho biết các cuộc không kích nhắm mục tiêu vào các cơ sở và các tuyến đường qua lại được Nhà nước Hồi giáo sử dụng ở bên trong cũng như bên ngoài Raqqa.

Phát ngôn viên của Liên quân Trung tá Thomas Gilleran nói rằng các cuộc tấn công mà ông nói là đáng kể nhằm mục đích ngăn chặn các chiến binh IS chuyển quân cũng như thiết bị quân sự trên khắp lãnh thổ Syria cũng như sang Iraq.

Con số thương vong được Đài quan sát nhân quyền Syria công bố. Một trang web liên quan tới IS xác nhận các cuộc không kích, và nói rằng 10 người đã chết và hàng chục người khác bị thương.

Hôm qua, Nhà nước Hồi giáo công bố một đoạn video cho thấy 25 người đàn ông bị xử tử tại một sân khấu cổ ngoài trời ở thành phố Palmyra ở Syria do các chiến binh dường như là thiếu niên thực hiện.

Đoạn video đăng tải trên truyền thông xã hội cho thấy các chiến binh Nhà nước Hồi giáo dẫn một nhóm được cho là các binh sĩ chính phủ Syria từ nhà tù Palmyra khét tiếng tới sân khấu ngoài trời.

Tổ chức cực đoan IS đã thực hiện hơn 200 cuộc xử tử ở bên trong cũng như bên ngoài Palmyra kể từ khi tổ chức này chiếm được thành phố hồi tháng Năm. - VOA
|
|

4.
Giáo hoàng công du châu Mỹ Latinh: Trọng tâm là "công bằng xã hội"

Hôm nay 04/07/2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô lên đường tới Ecuador, mở đầu chuyến công du tám ngày đến Châu Mỹ Latinh, nơi cư trú của đa số trong số 1.2 tỷ tín đồ Công giáo. Trọng tâm của chuyến đi dài nhất của Giáo hoàng, kể từ khi nhậm chức, là vấn đề "công bằng xã hội".

Giáo hoàng Phanxicô, 78 tuổi, dự kiến sẽ có ít nhất 22 bài nói chuyện và cử hành năm thánh lễ ngoài trời, tại ba quốc gia, Ecuador, Bolivia và Paraguay. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hoàng lựa chọn ba quốc gia nhỏ bé, từng trải qua chế độ thực dân, nền độc tài và hiện tại có rất nhiều thách thức kinh tế, xã hội phải vượt qua, đặc biệt là nạn nghèo đói và tình trạng bất bình đẳng, nhất là đối với các cư dân bản địa. Theo cha Luc Lalire, phụ trách bộ phận Mỹ Latinh của Giáo hội Công giáo Pháp, các quốc gia nói trên là "biểu tượng cho nhiều vấn đề khác nhau mà toàn bộ lục địa này chia sẻ".

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ đứng đầu đạo Công giáo năm 2013, Giáo hoàng đã nỗ lực cho thấy quyết tâm đặc biệt của ông đưa Giáo hội đến gần với các vùng vốn được coi là ngoại vi. Thông điệp bảo vệ sinh thái "Laudato si’" của Giáo hoàng, công bố vài tuần trước chuyến công du này, đã được các chính phủ Ecuador và Bolivia rất quan tâm. Vấn đề bảo vệ thiên nhiên trên lục địa Mỹ Latinh cũng gắn liền với mối bận tâm chính của người lãnh đạo Công giáo: công bằng xã hội.

Giáo hội Công giáo Ecuador bày tỏ hy vọng "một thông điệp mạnh" của Giáo hoàng "có thể chúng ta thực sự hướng đến những vùng ngoại vi, với những người dễ bị tổn thương nhất, những người nghèo khổ nhất". Trên đây là phát biểu với AFP của cha David de la Torre, người phát ngôn của Hội đồng giám mục Ecuador. Lời nói của Giáo hoàng Phanxicô ắt hẳn sẽ được đông đảo tín đồ Công giáo Mỹ Latinh lắng nghe như nhận xét của cha Luc Lalire, bởi đây là một giáo hoàng có thể nói bằng chính ngôn ngữ của cư dân Mỹ Latinh và "đặc biệt là Giáo hoàng biết rất rõ lục địa này. Ông biết ông nói về điều gì, và nói với ai".

Theo một số nhà quan sát, Giáo hoàng tới châu Mỹ Latinh lần này để cổ vũ cho một mô hình phát triển, kết hợp tiến bộ xã hội với truyền thống Thiên chúa giáo, trong bối cảnh đạo Công giáo bị lùi bước trước sự phát triển của các hệ phái Tin Lành, cũng như xu thế thế tục hóa ở các thành phố lớn. Sau Ecuador, Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ công du Bolivia từ ngày 08 đến 10/07, tiếp theo đó là Paraguay, từ ngày 10 đến 12/07. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Bà Clinton cáo buộc TQ 'ăn cắp bí mật' của Mỹ

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cáo buộc Trung Quốc lấy cắp bí mật thương mại và thông tin của chính phủ Hoa Kỳ.

Bà cáo buộc Trung Quốc “cố tấn công tin tặc mọi thứ không chuyển động ở Mỹ”, và hối thúc cảnh giác.

Quan chức Hoa Kỳ nêu Trung Quốc là nghi phạm chính trong vụ tấn công dữ liệu khổng lồ của cơ quan chính phủ Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.

Trung Quốc phủ nhận mọi liên quan và nói tuyên bố của Hoa Kỳ “vô trách nhiệm”.

'Cảnh giác cao độ'

Phát biểu tại một sự kiện trong chiến dịch vận động ở New Hampshire, bà Clinton nói rằng Trung Quốc lấy trộm bí mật từ các nhà thầu trong lĩnh vực quốc phòng và đã lấy “một khối lượng thông tin chính phủ khổng lồ, tất cả nhằm tìm kiếm lợi thế.”

Bà nói thêm rằng bà muốn thấy Trung Quốc phát triển một cách hòa bình nhưng Hoa Kỳ cần “cảnh giác cao độ”.

“Quân đội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, họ đang thiết lập các khu quân sự khiến các quốc gia mà chúng ta có hiệp ước chung như Philippines cảm thấy bị đe dọa do chúng được xây dựng trong vùng tranh chấp,” bà nói.

Quan chức Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đứng sau vụ xâm phạm dữ liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự, hay OPM, được hé lộ hồi tháng Sáu.

Tấn công tin tặc máy tính của chính phủ liên bang có thể gây ảnh hưởng tới dữ liệu thông tin của bốn triệu nhân viên.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ James Clapper gọi Trung Quốc là “nghi phạm hàng đầu” sau khi vụ việc xảy ra.

Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ cáo buộc và nói đó là “vô trách nhiệm và thiếu khoa học”.

Trung Quốc trước đó còn nói chính mình cũng là nạn nhân của tấn công tin tặc.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã dùng vụ tấn công tin tặc OPM gần đây để tấn công chính quyền Tổng thống Obama là “thiếu năng lực”. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Thủ tướng Việt Nam đề nghị Nhật cấp tàu tuần duyên mới 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ mong muốn nhận thêm các tàu tuần duyên mới để bảo vệ lãnh hải trong cuộc gặp người đồng cấp của Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo hôm qua.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận thông tin này, và cho biết thêm rằng ông Abe đã đáp lại rằng Tokyo sẽ thảo luận nhằm đáp ứng đề nghị này sớm nhất có thể.

Cuối tuần qua, ông Dũng đã tới tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 ở Tokyo, và nhân dịp này, nhà lãnh đạo Việt Nam đã có các cuộc gặp với quan chức nước chủ nhà.

Trong cuộc họp báo chung hôm qua, thủ tướng của Việt Nam và Nhật Bản đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động lấp đất, lấn biển xây đảo nhân tạo nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển Đông, nhưng không nói cụ thể tên Trung Quốc.

Ông Dũng cũng nói thêm rằng ông và Thủ tướng Nhật Bản đã đạt đồng thuận về việc phải duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hai bên còn thảo luận về việc hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Mỹ, Nhật cùng tặng tàu

Hồi tháng Hai vừa qua, lực lượng tuần duyên mà Việt Nam gọi là Cảnh sát biển đã tiếp nhận một tàu tuần tra đã qua sử dụng do Nhật Bản tặng.

Con tàu từng có tên là Syokaku và nay được đặt tên là CSB 6001 là chiếc tàu đầu tiên trong số ba tàu đã qua sử dụng mà chính quyền Tokyo đã hứa tặng cho Việt Nam để nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Tàu được đóng tại Nhật Bản năm 1991, có chiều dài gần 60 mét và có tốc độ hơn 12 hải lý một giờ.

Theo trang web của Cảnh sát biển Việt Nam, con tàu này đã được bảo dưỡng và nâng cấp để làm "nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh an toàn hàng hải và cứu hộ cứu nạn".

Chính quyền Tokyo thông báo quyết định tặng Việt Nam tàu tuần duyên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản tới Hà Nội.

Việt Nam nhận tàu tuần duyên của Nhật trong tuần mà một giới chức ngoại giao của Hoa Kỳ xác nhận với VOA Việt Ngữ rằng Mỹ đã cấp cho Hà Nội các tàu tuần tra biển.

Các quyết định của Nhật Bản và Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động mạnh mẽ nhằm xác nhận chủ quyền trên biển Đông. - VOA

No comments:

Post a Comment