Wednesday, January 3, 2018

Tin Cập Nhật Thứ Năm 4/1

Tin Thế Giới


1.

Bình Nhưỡng-Seoul tái lập điện thoại đỏ, Mỹ hoài nghi - - - Kim Jong Un tung đòn hiểm ngoại giao, liên minh Mỹ-Hàn bị rạn nứt?


Tiếp tục tỏ thiện chí hòa giải, Bình Nhưỡng ngày hôm nay 03/01/2018 đã loan báo quyết định mở lại đường dây liên lạc giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu từ 6 giờ 30 giờ quốc tế GMT. Thông báo hòa hoãn này được đưa ra một hôm sau khi Hàn Quốc đề nghị tái lập đối thoại, đáp ứng lời kêu gọi cải thiện quan hệ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.


Trên đài truyền hình Bắc Triều Tiên, ông Ri Son Gwon, lãnh đạo Ủy Ban Thống Nhất Triều Tiên Trong Hòa Bình của Bắc Triều Tiên, cho biết thêm là lãnh đạo Kim Jong Un còn « hoan nghênh » việc Seoul ủng hộ đề nghị hòa bình được ông đưa ra.


Theo Frédéric Ojardias, thông tín viên RFI tại Seoul, dù Hàn Quốc đã phản ứng tích cực trước các động thái hòa dịu của Bắc Triều Tiên, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì thái độ hoài nghi.


« Tổng thống Hàn Quốc đã cho rằng việc mở lại đường dây điện thoại giữa hai miền Triều Tiên là sự kiện « rất có ý nghĩa ». Trên thực tế, đường dây này chưa bao giờ bị cắt đứt, chỉ có điều là Bình Nhưỡng không chịu nhấc máy trả lời từ tháng 2 năm 2016 và vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên mà thôi.


Việc mở lại này đường điện thoại đỏ xác minh ý định của Bắc Triều Tiên, muốn thảo luận về việc tham gia Thế Vận Hội mùa đông tại Hàn Quốc. Seoul hy vọng rằng những cuộc đàm phán đó sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận về các chủ đề khác, bao gồm cả vấn đề hạt nhân.


Tuy nhiên, vào lúc Seoul có phản ứng phấn khởi trước việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, Mỹ vẫn giữ thái độ nghi ngờ. Trong một tin nhắn trên mạng Twitter vào hôm qua (02/01/2018), tổng thống Donald Trump viết : Đó có thể là một tin tốt, nhưng cũng có thể là không - chúng ta chờ xem !


Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc họp liên Triều, nhưng cũng cho biết là họ hoài nghi sự chân thành của Kim Jong Un. Bộ Ngoại Giao Mỹ sợ rằng cử chỉ hòa hoãn của chế độ Bình Nhưỡng trong thực tế chỉ nhằm chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn. »


Washington « ứng khẩu » với Bình Nhưỡng.


Một ngày sau bài diễn văn năm mới của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, khẳng định « nút bấm hạt nhân nằm trên bàn làm việc », tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 02/01/2018 đã có lời đối đáp.


« Tôi cũng có một nút bấm hạt nhân » và chiếc nút của ông là « lớn hơn và mạnh hơn » nút bấm của Kim Jong Un. Tổng thống Mỹ đã khẳng định như trên trong một dòng Tweet ngày hôm qua. Ông còn nhấn mạnh thêm là « nút bấm này vận hành tốt ».


Phản ứng này của tổng thống Mỹ đưa ra sớm hơn thông báo của đồng nhiệm Hàn Quốc chấp nhận đề nghị đàm phán của lãnh đạo Kim Jong Un.


Bình luận về việc Seoul đề xuất các cuộc gặp cấp cao với Bình Nhưỡng, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley tỏ ra nghi ngờ về thực tâm của Bắc Triều Tiên cho rằng đó chỉ là « một sự vá víu ». Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.


Theo đại sứ Mỹ, chế độ Bình Nhưỡng là một chế độ « rất nguy hiểm ». Hiện có nhiều thông tin cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một vụ thử tên lửa mới. Đại sứ Mỹ cảnh báo Hoa Kỳ sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên nếu như vụ thử xảy ra. - RFI


***

Ngay khi năm 2018 bắt đầu, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un đã liên tiếp đưa ra các đề nghị hòa hoãn với Seoul, mới nhất là việc tái lập đường điện thoại đỏ liên Triều ngay từ hôm nay, 03/01/2018. Phản ứng của hai đối thủ trực tiếp của Bắc Triều Tiên rất khác nhau : nếu Seoul hoan nghênh các động thái của Bình Nhưỡng, thì đồng minh Washington ngược lại không che giấu sự hoài nghi. Câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng Kim Jong Un đã cố tình tung đòn để gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn Quốc và đã bước đầu thành công ?


Phải nói là sau một năm 2017 căng thẳng cùng cực, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ dịu hẳn xuống trong ba ngày gần đây, với một loạt tuyên bố và động thái hòa hoãn của Bắc Triều Tiên, và những phản ứng cũng hòa hoãn không kém của Hàn Quốc.


Thoạt đầu là ý tưởng được Kim Jong Un nêu lên trong bài diễn văn đầu năm về một quan hệ tốt đẹp hơn với đối thủ phía Nam, kèm theo một sáng kiến cụ thể là Bắc Triều Tiên có thể đi dự Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang (Hàn Quốc), vào tháng tới.


Đề xuất của Bình Nhưỡng đã được Seoul mau mắn đáp ứng, với đề nghị ngược lại là hai bên gặp nhau và nói chuyện, kể cả ở cấp cao. Phản ứng của Bình Nhưỡng cũng nhanh chóng được đưa ra, với quyết định tái lập đường dây nóng giữa hai bên, và được cả hai chính quyền thực hiện ngay vào hôm nay.


Theo hãng tin Mỹ AP, khả năng hai bên Seoul và Bình Nhưỡng đối thoại với nhau là một điều chắc chắn, ít ra là trên vấn đề tổ chức cho phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang. Riêng Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn, với các cuộc đối thoại trên mọi vấn đề như chính bộ trưởng Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon đã xác định là « bất cứ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào ».


Theo hãng tin Pháp AFP, việc Hàn Quốc chấp nhận đối thoại gần như là vô điều kiện với Bình Nhưỡng có thể đi ngược lại với chủ trương của Washington, đặc biệt là với điều được tổng thống Donald Trump gọi là « Chiến dịch áp lực tối đa » để cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.


Mỹ không loại trừ đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng lại đặt ra một điều kiện tiên quyết: Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Do vậy, nếu Hàn Quốc tiến tới hòa đàm với Bắc Triều Tiên thì đó sẽ là một vố đau cho chính sách hiện nay của chính quyền Trump.


Chính vì vậy mà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã cứng giọng cảnh cáo ngay hôm qua, 02/01/2018 rằng « Bắc Triều Tiên có thể nói chuyện với bất cứ ai họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận hoặc chấp nhận kết quả cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ có. »


Bộ Ngoại Giao Mỹ thì lên tiếng tố cáo thẳng thừng Bắc Triều Tiên là cố tình gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.


Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích, như giáo sư Mason Richey, thỉnh giảng tại trường Đại Học Hankuk ở Hàn Quốc. Trả lời nhật báo Thụy Sĩ Le Temps hôm 01/01, chuyên gia này cho rằng dụng tâm của Kim Jong Un có thể vừa là « tung quả bóng thăm dò xem Seoul và Washington có khả năng chấp nhận đến đâu », vừa là « đào sâu khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc ».


Hãn tin Mỹ AP cũng ghi nhận các mối hoài nghi, cho rằng Kim có mưu toan sử dụng các cuộc đàm phán để tiếp tục hoàn thiện loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ một cách đáng tin cậy hơn hiện nay, và các động thái hòa dịu hướng về Hàn Quốc chỉ nhằm gây sứt mẻ trong quan hệ giữa Seoul và Washington, qua đó giảm nhẹ áp lực và trừng phạt quốc tế.


Trước mắt, căn cứ vào các phản ứng nhiệt tình của Seoul trước các động thái hòa dịu của Bình Nhưỡng, trong lúc Washington tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn, có thể cho rằng đòn ngoại giao thế vận của Kim Jong Un đã có tác dụng. - RFI

|

|


2.

Ukraina: Dân phẫn nộ xuống đường sau vụ một nữ luật sư bị sát hại


Hàng trăm người đã biểu tình tại Kiev hôm qua, 02/01/2018, sau vụ nữ luật sư Iryna Nozdrovska bị giết. Những người biểu tình cáo buộc chính quyền đã không có biện pháp bảo vệ luật sư trước đó, và chỉ phản ứng một cách chiếu lệ sau vụ giết người này.


Nữ luật sư Iryna Nozdrovska nổi tiếng trong công luận Ukraina với cuộc chiến ròng rã hai năm, đi tìm công lý cho người em gái, qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi nhưng thủ phạm là con một thẩm phán. Theo giới quan sát, cuộc biểu tình nói trên, ngay vào thời điểm đầu năm mới 2018, là một trắc nghiệm mới đối với chính quyền ra đời từ cuộc cách mạng Maidan 2014, lật đổ tổng thống Yanukovych, bị cáo buộc tham nhũng, độc tài.


Thông tín viên Sébastian Gobert tường trình từ Lviv,


« Nữ luật sư Iryna Nozdrovska, 38 tuổi, nổi tiếng trong giới truyền thông với tính cách kiên quyết đến cùng vì công lý, tại một đất nước đang bị thối rữa bởi hệ thống tư pháp tham nhũng và kỳ thị.


Em gái của luật sư quá cố bị giết hại năm 2015. Tội trạng của thủ phạm được biết rõ, nhưng phải đợi đến cuối năm 2017 vừa qua, nhân vật này mới bị kết án tù, bởi đó là con trai của một thẩm phán.


Ngày 27/12, phóng viên Iryna Nozdrovska đã vui mừng trước việc đơn kháng án của kẻ sát nhân bị bác. Ngay ngày hôm sau, bà mất tích. Cảnh sát tìm thấy thi thể của bà ở một con sông gần thủ đô. Cho dù các thủ phạm còn chưa được nhận dạng, nhưng vụ việc nhanh chóng mang tầm vóc chính trị.


Vụ việc phản ánh nỗi lo sợ của người dân trước xu hướng hoạt động tội phạm nguy hiểm tại Ukraina gia tăng, cũng như sự ngờ vực của người dân đối với lực lượng an ninh.


Những người biểu tình ở Kiev chỉ trích bộ trưởng Nội Vụ Arsen Avakov, đã không cho bảo vệ nạn nhân, bất chấp nhiều đe dọa sát hại. Họ lo ngại điều tra không đến đích, do bị ngăn cản từ giới lãnh đạo chính trị”. - RFI

|

|


3.

Palestine sẽ không để ông Trump ‘tống tiền’


Một quan chức cấp cao của Palestine hôm 3/1 nói người Palestine sẽ không khuất phục và “để bị tống tiền” bởi lời đe dọa cắt cứu trợ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.


Trên Twitter, ông Trump viết Hoa Kỳ đã chi ra hàng trăm triệu đôla mỗi năm mà “không nhận được sự biết ơn hoặc tôn trọng”.


"… Người Palestine ngay cả không sẵn sàng đàm phán để đạt một thỏa thuận hòa bình lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu, thì tại sao chúng ta lại phải tiếp tục chi ra những khoản tiền lớn như vậy cho họ trong tương lai?”, ông Trump viết.


Đáp lại, quan chức Palestine Hanan Ashrawi hôm 3/1 ra thông cáo có đoạn: “Tổng thống Trump đã phá hoại cuộc mưu tìm hòa bình, tự do và công bằng của chúng tôi. Giờ ông ấy dám đổ lỗi cho người Palestine về các hậu quả của các hành động thiếu trách nhiệm của chính mình!”


Trước đó, ông Trump đã phá bỏ chính sách lâu nay của Hoa Kỳ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khởi động tiến trình chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.


Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas đã lên án bước đi đó, và cho rằng làm như vậy chẳng khác nào là Hoa Kỳ từ bỏ vai trò của mình trong tiến trình hòa bình. - VOA

|

|


4.

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan tiếp tục đình trệ


Quan hệ đình trệ giữa đối thủ chính trị, Trung Quốc và Đài Loan, đã bước vào năm thứ ba, khiến Bắc Kinh khó có thể tìm ra được các cách thức mới để thúc ép Đài Loan tiến tới bàn thương thuyết.


Hôm Chủ Nhật, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của chính phủ Trung Quốc cho biết rằng năm nay Bắc Kinh sẽ tiếp tục hối thúc hòn đảo này tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc.


Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản bác ý kiến đó. Hôm thứ Sáu, trong bài phát biểu cuối năm, bà kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng Đài Bắc.


Kể từ đầu năm 2016, chưa bên nào đưa ra được các điều kiện đối thoại được bên kia chấp thuận.


Trung Quốc ngưng đối thoại chính thức từ giữa năm 2016, ít lâu sau khi bà Thái nhậm chức, sau tám năm quan hệ nồng ấm dưới thời người tiền nhiệm của bà.


Theo các nhà phân tích, có nhiều khả năng Đài Loan sẽ không thay đổi quan điểm trong năm nay.


Điều đó đồng nghĩa với việc Đài Bắc sẽ tìm cách trách làm phật ý các quan chức ở Bắc Kinh trong khi chống lại bất kỳ động thái nào từ Trung Quốc mà ám chỉ rằng Đài Loan cùng chia sẻ quốc kỳ của đại lục.


Đảng Dân tiến cầm quyền của Đài Loan sẽ tránh thay đổi chính sách về Trung Quốc để tránh làm phật lòng công chúng trước các cuộc bầu cử cấp huyện và thành phố vào cuối năm 2018, theo các học giả. - VOA

|

|


5.

Tuần hành hậu thuẫn chính phủ ở Iran


Nhiều người ủng hộ chính phủ đã tổ chức các cuộc tuần hành khắp Iran hôm 3/1 sau nhiều ngày xảy ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và các vấn đề kinh tế.


Truyền hình Iran chiếu các đoạn video cho thấy các đám đông vẫy cờ Iran và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.


Ông Khamenei đã đổ lỗi cho chính phủ nước ngoài kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu tuần trước và đã làm ít nhất 21 người chết.


Trong khi đó, ông Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran, cáo buộc Mỹ, Anh và Ảrập Xêút đứng sau các cuộc biểu tình.


Trên Twitter, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình chống chính quyền Iran.


Sau đó, Bộ Ngoại giao Iran nói rằng “thay vì mất thời gian viết những đoạn tweet vô dụng và sỉ nhục nước khác, ông [Trump] nên xử lý các vấn đề nội bộ của nước mình như các vụ giết người hàng ngày…”


Hoa Kỳ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một phiên họp khẩn để thảo luận các cuộc biểu tình ở Iran. - VOA

|

|


6.

2018: Báo hiệu những chuyển động mạnh ở châu Mỹ Latinh


Trong số báo đầu năm, Le Figaro dành sự chú ý tới khu vực châu Mỹ Latinh, khu vực sẽ có những biến chuyển chính trị quan trọng trong năm nay với bài : « 2018, năm quyết định cho Mỹ Latinh ».


Le Figaro nhận thấy, với một loạt cuộc bầu cử quan trọng, năm 2018 báo hiệu nhiều chuyển biến ở châu Mỹ Latinh. Ở các nước như Brazil, Colombia, Mêhico, Paraguay và Venezuela, cử tri sẽ được lựa chọn vị tổng thống của mình. Còn tại Cuba, ông Raul Castro cũng chuẩn bị rút khỏi quyền lực. Những thay đổi ở mỗi nước trên đều rất hệ trọng bởi đó là những quốc gia sau một thập kỷ ghi dấu ấn bằng những chế độ tự xưng là tiến bộ thì trong năm qua đều suy yếu rõ rệt, mất ổn định mọi mặt.


Trước tiên đến với Brazil quốc gia rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ, Le Figaro cho hay : Tháng 10 tới, dân Brazil sẽ đi bầu tổng thống trong bối cảnh chính trị xã hội đất nước nhiều xáo trộn, nạn tham nhũng tràn lan, chính khách nào cũng dính. Ông Michel Temer thuộc Đảng Phong trào Dân chủ Brazil lên thay thế bà tổng thống Dilma Rousseff ( Đảng Lao Động cánh tả) sau khi Quốc Hội phế truất bà vì các cáo buộc tham nhũng. Chẳng được bao lâu, tổng thống Michel Temer cũng bị tố cáo dính líu tới tham nhũng, khiến ông suýt nữa cũng bị thủ tục phế truất nhắm tới. Người có nhiều triển vọng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là cựu tổng thống Lula thì lại cũng đang trong vòng kiện tụng vì tham nhũng.


Tại Colombia, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5/2018. Theo Le Figaro đây là cuộc bầu cử mà người dân sẽ quan tâm đến tương lai của tiến trình hòa bình với lực lượng du kích Farc nhiều hơn là tên của vị tổng thống tương lai của họ. Tổng thống Juan Manuel Santos đã thành công trong việc ký được thỏa thuận hòa bình với lực lượng du kích kháng chiến lâu đời nhất châu lục này, nhưng thỏa thuận này vẫn còn nhiều bất trắc vì không thuyết phục được các phe đối lập. Cuộc bầu cử tổng thống tới tại Colombia sẽ có sự tham gia của ứng cử viên Rodrigo Londono, lãnh đạo lực lượng Farc. Tuy khả năng thắng cử của ông này hầu như không có, nhưng hứa hẹn đây sẽ là cuộc bầu cử nhiều cảm xúc.


Tại Venezuela, đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn thời kỳ hậu Chavez. Tổng thống Nicolas Maduro từ năm 2013 lên nắm quyền, đã phải đứng mũi chịu sào với những khó khăn kinh tế và làn sóng phản kháng liên tục và đỉnh điểm là năm 2017. Le Figaro nhận thấy, đã cả nghìn lần có dấu hiệu ông bị lật đổ. Thế nhưng tổng thống Venezuela không chỉ giữ được chiếc ghế tổng thống, mà còn củng cố thêm vị thế. Các cuộc biểu tình bạo lực làm hơn một trăm người chết, chỉ trong trong quý đầu 2017.


Venezuela lún sâu vào khủng hoảng toàn diện, cuộc sống người dân khốn đốn vì đói nghèo. Vậy nhưng, điều ngạc nhiên là tất cả vẫn không làm lung lay quyền lực của tổng thống Nicolas Maduro. Đối lập không vượt qua được sự phân hóa chia rẽ, để đương đầu với vị tổng thống đang cố giữ gìn di sản chẳng còn bao nhiêu của Hugo Chavez.


Việc ông Maduro ban hành lệnh cấm các đảng đối lập chính dường như đã cho thấy con đường tiếp tục nhiệm kỳ mới đang mở ra cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chính quyền Maduro muốn tiếp tục tìm cách làm suy yếu đối lập trước khi ấn định ngày bầu cử.


Cuối cùng chuyển sang hòn đảo Cuba. Le Figaro nhận định : « một cuộc cách mạng đang được chuẩn bị. Hơn một năm sau khi người anh Fidel Castro qua đời, ông Raul Castro thông báo chính thức sẽ nhường vị trí lãnh đạo đất nước. Các cuộc mặc cả ở thượng tầng lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba đang diễn ra sôi động, đến mức mà ông Raul đã phải thông báo lùi thời điểm rời chính trường lại thêm 2 tháng».


Lần đầu tiên kể từ năm 1959, hòn đảo Cuba sẽ không còn do gia đình nhà Castro lãnh đạo nữa. Đó cũng là sự kiện quan trọng với người Cuba đang mong đợi từng ngày một bước ngoặt mới cho đất nước. - RFI

|

|


7.

Báo chí Anh : Luân Đôn có ý định tham gia TPP sau Brexit


Báo Financial Times, số ra ngày hôm qua, 02/01/2018, cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu, bộ trưởng Thương Mại Anh nêu ra khả năng tham gia hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP, sau khi Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.


Ông Greg Hands, bộ trưởng Thương Mại và Đầu Tư của Anh nói rằng, với loại hiệp định « quan hệ đa phương này, không có một hạn chế nào về địa lý » đối với Anh trong việc tham gia TPP. Nếu ý tưởng này được thực hiện, Anh sẽ là thành viên đầu tiên trong TPP nhưng không nằm trong vùng duyên hải Thái Bình Dương hoặc Biển Đông.


Trong tuần này, bộ trưởng Ngoại Thương Anh Liam Fox công du Hồng Kông và sẽ nói rõ hơn về ý định của Luân Đôn. Theo báo Financial Times, chính quyền Anh đã có một số cuộc gặp không chính thức để thăm dò khả năng.


Về mặt pháp lý, Anh chỉ có thể ký hiệp định TPP, sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, theo dự kiến là vào tháng Ba 2019. Mặt khác, Luân Đôn cũng phải chờ cho đến khi hiệp định TPP sửa đổi được thông qua.


Sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định này, trong cuộc gặp hồi tháng 11 năm ngoái, 11 nước còn lại đồng ý tiếp tục dự án. Các cuộc đàm phán sửa đổi văn bản đang được tiến hành. Các quan chức của 11 thành viên TPP hy vọng là văn bản sửa đổi sẽ được ký trong năm 2018.


Khi được ký vào năm 2015, TPP có mục đích tạo dựng một khuôn khổ hội nhập kinh tế trong khu vực, thay vì lập một nhóm các nước thúc đẩy tự do trao đổi mậu dịch và trong đó có các thành viên châu Âu. Ngay sau khi Nhà Trắng, hồi đầu năm 2017, tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP mà ông coi là bất lợi cho nước Mỹ.


Trao đổi thương mại hiện nay giữa Anh và các quốc gia trong TPP rất thấp. Năm ngoái, xuất khẩu của Luân Đôn sang 11 nước trong TPP chỉ chiếm gần 8% tổng xuất khẩu của Anh trong khi đó tỷ lệ này là 11% đối với nước Đức. - RFI

|

|


8.

Pháp: bài hát kỳ thị người Trung Quốc dạy cho trẻ mẫu giáo bị cấm


Một bài hát được dạy trong một trường mẫu giáo của Pháp bị cho là mang lời lẽ kỳ thị người Trung Quốc, theo tờ Hoàn cầu thời báo.


Người dùng mạng Trung Quốc hôm 2/1 tung ra cáo buộc vừa kể đối với một bài hát được thu video mang tên “Chang le petit chinois” (Chang, chú Trung Quốc bé nhỏ) được dạy tại một trường mẫu giáo ở ngoại ô Paris trong hơn 1 thập kỷ qua.


Lời bài hát, theo Hoàn cầu thời báo – tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mang tính kỳ thị với những lời lẽ miêu tả hình ảnh người Trung Quốc một cách “rập khuôn”. Trong bài hát, người Trung Hoa có tên Chang được mô tả là “thấp bé, ăn cơm và quả vải, đi dép lê và đội nón trên cái đầu to bằng quả bóng tennis”, Chang có “đôi mắt nhỏ, nhỏ kinh khủng.” Đoạn này trong bài hát lan truyền nhanh chóng trên mạng.


Theo nhật báo Le Figaro của Pháp, video do một phụ huynh gốc Á đưa lên mạng Facebook hôm 26/12. Không rõ ai là tác giả của video nhưng nó lan truyền nhanh chóng trên mạng, kèm theo những lời chỉ trích của một số nhóm hoạt động chống kỳ thị.

Cũng theo tờ báo Pháp, bài hát được dạy tại trường Seine-Saint-Denis ở Aubervilliers trong hơn 1 thập kỷ qua nhưng chỉ được chú ý khi nó được tải lên Facebook.


Mạng xã hội Trung Quốc bày tỏ giận dữ và kinh ngạc về ca từ trong bài hát, theo Hoàn cầu thời báo. Một số người dùng mạng gọi bài hát là “phi lý một cách kinh hoàng và cho thấy người Pháp hiểu biết ít về người Trung Quốc, và những người Á châu nói chung, như thế nào.”


Người dùng mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc lấy tên “Xiao Wawang” viết: “Không thể chấp nhận được bởi vì đó là một bài hát cho trẻ con. Dạy chúng với cái nhìn thiên kiến và có định kiến như vậy về thế giới, là vô cùng sai lầm.”


Nhiều người dùng mạng Trung Quốc tìm cách làm giảm nhẹ tầm mức của hành vi có tính kỳ thị rập khuôn như vậy. Họ nói “mắt bé không ngăn cản chúng tôi khám phá thế giới kém bất kỳ ai,” theo Hoàn cầu thời báo.


Tờ báo Trung Quốc dẫn lời một giáo viên người Pháp làm việc ở Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc, lấy tên Bruno, nói “hầu hết người Pháp cũng kinh hoàng vì bài hát này, nhưng tôi không nghĩ là các giáo viên thực sự có tính kỳ thị, có thể chỉ là lời bài hát ngô nghê mà thôi.”


Trang mạng tin tức Trung Quốc China News Service nói có lẽ sự phẫn nộ của dân mạng Trung Quốc đã khiến các quan chức giáo dục Pháp ra lệnh cấm bài hát này.


Theo báo Le Figaro, công ty của Pháp sản xuất bài hát cho biết sẽ xin lỗi trẻ em và phụ huynh khi các em nhập học sau mùa nghỉ cuối năm, và sẽ không cho sử dụng bài hát này nữa. - VOA

|

|


9.

World Cup 2018 : Chủ nhà Nga vẫn ngổn ngang nỗi lo


Bốn năm sau Thế vận hội mùa đông Sotchi, một lần nữa nước Nga đang chuẩn bị đón một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay: Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2018, được tổ chức từ ngày 14/06 đến 15/07. Lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu, sự kiện thể thao lớn này sẽ được hàng tỷ người trên khắp thé giới theo dõi.


Nước chủ nhà đã có 7 năm chuẩn bị  với chi phí tốn kém lên tới nhiều tỷ đô la cùng nhiều thách thức lớn về mặt hậu cần tổ chức khi chỉ còn hơn 6 tháng khai hội. Đến lúc này, câu hỏi lớn đặt ra cho nước chủ nhà và FIFA lúc này là nước Nga có sẵn sàng về tiến độ thời gian ?


Về mặt chính thức, chính quyền Nga và Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới đều tỏ ra lạc quan. Mặc dù vậy, cho đến tháng cuối năm 2017, mới chỉ có 5 trong tổng số 12 sân vận động dự trù cho giải đấu lớn được đưa vào vận hành. Vẫn còn ít nhất một sân vận động (sân Samara) sẽ chỉ được bàn giao vào tháng Tư tới. Các nhà tổ chức Nga phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các sân vận động hơn nữa từ nay đến ngày khai mạc.


Tuy nhiên trong lễ bốc thăm chia bảng đấu hôm 01/12/2017 tại điện Kremlin, ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA đã lạc quan tuyên bố rằng : « Về mặt chuẩn bị, tôi cho là tất cả đã sẵn sàng. Những cái gì chưa sẵn sàng thì sẽ sớm được hoàn thành…. Mục tiêu của chúng tôi tất nhiên là tổ chức một kỳ Cúp thế giới đẹp nhất. Theo những gì tôi chứng kiến đến giờ, tôi tin là Nga 2018 sẽ là kỳ Cúp thế giới tốt nhất từ trước tới nay ».


Đằng sau niềm lạc quan của nhà quản lý giải đấu, vẫn còn bộn bề những lo toan của nước chủ nhà. Để tổ chức ngày hội bóng đá của cả hành tinh này, nước Nga đã bỏ ra trên chục tỷ đô la (11,6 tỷ). Đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ, trong khi mà nền kinh tế Nga vẫn còn đang chới với bấp bênh, gặp rất nhiều khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.


Khoản đầu tư khổng lồ vào một sự kiện mang lợi ích chính trị nhiều hơn là kinh tế như thế này không có gì bảo đảm sẽ hoàn vốn. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng riêng phục vụ sự kiện này đòi hỏi chi phí lớn nhưng có nguy cơ bị bỏ hoang phí sau này.


Nhiều công trình sân vận động được xây các thành phố mà đến giờ ở đó vẫn không có một đội bóng tham gia giải vô địch quốc gia. Người ta lo ngại sau Cúp thế giới, những sân vận động đã được xây cất tốn kém phục vụ sự kiện rồi sẽ không biết được sử dụng vào việc gì.

Bóng đen bê bối doping


Một thách thức khác với chính quyền Nga là vụ bê bối doping kéo dài dai dẳng với thể thao Nga suốt thời gian dài vừa qua vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên ngày hội lớn bóng đá thế giới.


Bằng chứng rõ nhất là cuộc họp báo chung của chủ tịch FIFA Gianni Infantino và phó thủ tướng Nga phụ trách thể thao Nga Vitaly Mutko hôm 01/12/2017 nhân lễ bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết Cúp thế giới. Trong khi lãnh đạo Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới và chính phủ Nga chỉ muốn trả lời các câu hỏi tập trung vào thể thao hay bóng đá, thì các nhà báo lại chỉ chăm chú đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các cáo buộc sử dụng doping trong thể thao Nga đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế trừng phạt nặng nề.


Ông Vitaly Mutko, nhân vật trung tâm của vụ bê bối doping Nga, hôm 27/12 vừa qua đã phải tuyên bố rút khỏi (tạm thời) cương vị chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Nga và chủ tịch ủy ban tổ chức Cúp thế giới 2018 để tránh chuyện lùm xùm cũ ảnh hưởng đến sự kiện lớn.


Vitaly Mutko được mệnh danh là « ông Thể thao » ở Nga từ nhiều thập kỷ qua. Ông đã bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế loại suốt đời khỏi các hoạt động liên quan đến Olympic do các cáo buộc trách nhiệm trong vụ bê bối doping của Nga.


Cũng cần phải nhắc lại là thể thao Nga đang bị dính án phạt nặng nề của quốc tế về chuyện doping. Đầu năm 2018 này, các vận động viên Nga sẽ chỉ được tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dưới màu cờ trung lập. Cũng vì bê bối sử dụng doping đó mà thể thao Nga đã bị tước 1/3 số huy chương ở kỳ Thế vận hội Sotchi 2014. Chủ đề doping chắc hẳn vẫn còn ám ảnh ngày hội bóng đá tại Nga.


Về phần mình, FIFA khẳng định tin tưởng hoàn toàn vào chính quyền Nga cũng như các cầu thủ Nga. Chủ tịch FIFA trong cuộc họp báo trên đã tuyên bố : « Nếu có vấn đề nghiêm trọng sử dụng doping trong bóng đá, chúng ta sẽ biết, cho dù đó là ở Nga hay trong bất kỳ nước nào khác ».


Với nước Nga, FIFA có thể yên tâm về vấn đề doping ít nhất trong lĩnh vực bóng đá. Bởi không giống như các môn thể thao mùa đông, dù là nước chủ nhà nhưng bóng đá Nga không có nhiều tham vọng thành tích ở Cúp thế giới lần này.


Ở Sotchi 2014, chính quyền của tổng thống Putin muốn bằng mọi giá Nga phải dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương. Còn ở Cúp thế giới 2018, mục tiêu đề ra cho đội tuyển Nga chỉ là vào vòng 1/8 và nếu có thể thì đến tứ kết.


Tham vọng nhỏ đó tương xứng với trình độ chuyên môn còn khiêm tốn của đội tuyển bóng đá Nga nhìn chung cũng như đến thời điểm này. Thành tích cao nhất của bóng đá Nga mới chỉ là vào đến bán kết giải Euro 2008. Tại vòng chung kết Cúp thế giới tới đây, đội tuyển Nga là một trong những đội bóng yếu nhất giải, hiện đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng của FIFA. Người hâm mộ Nga thừa nhận mặc dù có lợi thế chơi trên sân nhà, nhưng các cầu thủ của họ đi được tới tứ kết đã là một chiến công.


Anh ninh, mối lo thường trực


Một thách thức nữa cho nước Nga là bảo đảm an ninh cho ngày hội trước các mối lo không dứt về nạn côn đồ trong bóng đá và đặc biệt là đe dọa khủng bố.


Chính quyền Nga đã ban hành nhiều đạo luật cho phép cấm nhập cảnh vào Nga đối với các hooligan, lập danh sách đen một số nhóm côn đồ bóng đá để sàng lọc các cổ động viên ngoại quốc đến Nga. Thế nhưng, các nhà tổ chức Nga cũng phải đau đầu lo nạn Hooligan ngay ở trong nước mình. Các côn đồ bóng đá Nga vốn nổi tiếng với những hành vi kỳ thị chủng tộc và hung hãn. Mọi người vẫn còn chưa quên các vụ ẩu đả trên bến cảng Marseille của Pháp trong Euro 2016 giữa hooligan Nga và Anh .


Chủ tịch Gianni Infantino đã cảnh báo FIFA sẽ « cực kỳ kiên quyết » xử lý các hành vi kỳ thị chủng tộc. Lần đâu tiên tại Cúp thế giới, trọng tài có quyền cho ngừng hoặc hủy trận đấu vì các sự cố liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.


Còn nỗi lo khủng bố, một mối đe dọa đã trở nên thường trực, chính quyền Nga đã chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt nhất để phát hiện sớm các âm mưu. Các thành phố đón tiếp trận đấu đang được tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đội chó nghiệp vụ sẽ được triển khai trên từng chuyến tàu, xe bus trong thời gian diễn ra Cúp thế giới.


Còn hơn 6 tháng nữa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khai cuộc tại Matxcơva, nước chủ nhà đang phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đón tiếp một sự kiện thể thao được hàng tỷ người trên trái đất theo dõi. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt nhất để nước Nga có thể xóa đi những dị nghị khi được trao quyền đăng cai Cúp thế giới và mang lại một hình ảnh mới cho bức tranh thể thao Nga đang u mám vì bóng đen của bê bối doping. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


10.

TT Trump ‘choảng’ cựu chiến lược gia Steve Bannon ‘mất trí’


Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư chỉ trích ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia của chính mình, sau một số phát biểu thẳng thắn, không xu nịnh sếp cũ, trong cuốn sách mới xuất bản.


Cuốn sách của tác giả Michael Wolff, có tên “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (Lửa và Thịnh Nộ Bên Trong Tòa Bạch Ốc của TT Trump), nói rằng ông Trump không bao giờ nghĩ là mình có thể thắng cuộc bầu cử tổng thống.


Tạp chí New York Magazine trích một phần cuốn sách nói rằng ông Trump tin sự kiện ông được đảng Cộng Hòa đề cử sẽ đẩy thương hiệu của ông lên cao và tạo ra “những cơ hội vô cùng lớn.”


Khi chuyện này được truyền thông đưa ra, ông Trump phản pháo liền.


Trong một tuyên bố, ông Trump nói rằng khi ông Bannon bị đuổi, “không những ông mất việc, mà ông cũng mất trí luôn.”


“Steve Bannon không có liên quan gì tới tôi hoặc chức tổng thống của tôi,” ông Trump viết. “Khi bị đuổi, ông không những ông mất việc, mà ông cũng mất trí luôn. Steve là một nhân viên làm việc cho tôi sau khi tôi được đề cử, vì thắng 17 ứng cử viên, thường được mô tả là những người tài giỏi nhất trong đảng Cộng Hòa.”


Ông Bannon bắt đầu làm chủ tịch ủy ban vận động cho ông Trump hồi Tháng Tám, 2016, sau đó làm chiến lược gia của ông Trump sau khi ông trở thành tổng thống, nhưng từ chức vào Tháng Tám, 2017.

Ông Trump cũng nói rằng ông Bannon không có ảnh hưởng gì đối với Tòa Bạch Ốc.


Trong khi đó, tờ The Guardian kể trong cuốn sách này, ông Bannon mô tả cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump Jr., con trai của ông Trump; ông Jared Kushner, con rể ông Trump; và ông Paul Manafort, chủ tịch ủy ban vận động của ông Trump, với một nhóm người Nga ở Trump Tower, New York, hồi Tháng Sáu, 2016, là “phản quốc” và “không ái quốc.”


Tổng Thống Trump cũng tố cáo cựu chiến lược gia của mình là “xì tin tức cho truyền thông,” trong thời gian làm trong Tòa Bạch Ốc.


“Steve giả vờ ghét truyền thông, mà ông thường gọi là đảng đối lập, nhưng trong thời gian ở trong Tòa Bạch Ốc lại xì tin giả ra cho truyền thông để làm cho ông có vẻ quan trọng hơn con người thật của ông,” ông Trump nói. “Đó là chuyện duy nhất mà ông làm rất tốt.”


Ông Trump thêm: “Steve ít khi họp một mình với tôi, và chỉ giả vờ rằng mình có ảnh hưởng để đánh lừa một số người, không tiếp cận được và không biết chuyện gì xảy ra, đó là những người mà ông giúp viết một cuốn sách giả mạo.” - nguoiviet

|

|


11.

TT Trump tái cam kết sẽ hậu thuẫn nhân dân Iran


Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những cam kết mới, hứa sẽ hậu thuẫn nhân dân Iran hôm thứ Tư 3/1, bất chấp tin của truyền thông nhà nước Iran tường thuật rằng hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ chính phủ Iran đã mở các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ trên khắp nước sau nhiều ngày biểu tình chống chính phủ.


Ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân:


“Vô cùng kính trọng nhân dân Iran giữa lúc họ đang quay lưng lại với chính phủ tham nhũng của họ.”


Truyền hình Iran chiếu các đoạn video chiếu cảnh các đám đông vẫy cờ Iran và hô vang các khẩu hiệu hoan hô Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei.


Trễ hơn trong cùng ngày, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bùng phát trong mấy ngày vừa qua đã đến hồi kết thúc.


Ông Mohammad Ali Jafari, Chỉ huy trưởng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, viết trên trang mạng của lực lượng này, nói:


“Hôm nay, chúng tôi loan báo sự chấm dứt của cuộc biểu tình phá rối năm 2018.”


Ông này nói thêm rằng con số những người tham gia biểu tình “không vượt quá 15.000 người trên toàn quốc.”


Ông còn cho biết là lực lượng vệ binh đã triển khai một con số binh sĩ có giới hạn tại Isfahan, Larestan và Hamadan.


Truyền thông nhà nước và các cơ sở truyền thông bán chính thức không tường trình về các diễn biến mới trong các cuộc biểu tình chống chế độ cầm quyền Iran, trong đó 21 người đã tử vong nội trong tuần qua.


Trong một cuộc điện đàm với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng Thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ “sớm chấm dứt trong một vài ngày tới”, một nguồn tin từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.


Ông Khamenei đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu từ hôm thứ Năm tuần trước.


Trước đó, Hoa Kỳ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở một phiên họp khẩn để thảo luận về các cuộc biểu tình ở Iran. - VOA

|

|


12.

Mỹ không bán công ty cho Trung Quốc vì lo ngại an ninh


Kế hoạch của Ant Financial nhằm thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram của Hoa Kỳ đã thất bại hôm 2/1 sau khi bị một ủy ban của chính phủ Mỹ bác bỏ do lo ngại về an ninh quốc gia.


Đây là phi vụ chuyển nhượng nổi bật nhất với phía Trung Quốc bị ngăn chặn dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.


Theo Reuters, sự thất bại của thương vụ trị giá 1,2 tỷ đôla là cú giáng mạnh đối với ông Jack Ma, Giám đốc điều hành của tập đoàn Internet Alibaba. Cùng với các cổ đông khác, ông Ma cũng sở hữu Ant Financial.


Nhà tài phiệt từng xuất hiện với các quan chức hàng đầu Trung Quốc này đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của Ant Financial trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa từ đối thủ Tencent.


Trong cuộc gặp một năm trước, ông Ma, một công dân Trung Quốc, từng cam kết với ông Trump về việc tạo một triệu công ăn việc làm ở Mỹ.


Cổ phiếu của MoneyGram đã giảm giá 8,5% sau thương vụ bất thành. Các công ty liên quan đã quyết định chấm dứt thỏa thuận sau khi Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ phản bác thỏa thuận do lo ngại rằng dữ liệu có thể được sử dụng để nhận dạng các công dân Mỹ, theo Reuters. - VOA

|

|


13.

Tìm máy bay Malaysia mất tích năm 2014, công ty Mỹ thử thời vận


Một công ty thăm dò đại dương Mỹ đã triển khai một chiếc tàu để tái tục cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia, là máy bay đã mất tích hồi tháng Ba năm 2014 cùng với 239 hành khách trong khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.


Chiếc máy bay đã bất thần đổi hướng trên không phận Biển Đông, mọi liên lạc vô tuyến bị cắt đứt, khiến vụ mất tích trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại.


Lần cuối cùng máy radar còn nhận được tín hiệu từ chiếc máy bay là lúc máy bay đang ở gần điểm cực bắc đảo Sumatra của Indonesia.


Dựa trên thông tin từ một vệ tinh liên lạc thì chiếc máy bay có thể rơi xuống một vùng biển cách nước Úc khoảng 1,500 km về hướng Tây.


Công ty thăm dò đại dương Ocean Infinity hôm 3/1 cho hay một trong những chiếc tàu của họ đang trực chỉ khu vực tìm kiếm, và dự kiến chính phủ Malaysia sẽ trao hợp đồng cho công ty để tái tục cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trong những ngày sắp tới.


Chính quyền Malaysia trước đó cho biết là đã thương lượng với Ocean Infinity từ tháng 10 năm ngoái để hoàn tất một hợp đồng theo đó, công ty thăm dò đại dương của Mỹ được trả tiền chỉ trong trường hợp tìm được máy bay mất tích.


Thứ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Aziz Kaprawi nói: “Chúng tôi đang ở trong những giai đoạn cuối trước khi làm quyết định.”


Chiếc tàu của Ocean Infinity rời cảng ở Nam Phi và dự tính tới vùng biển trong phạm vi tìm kiếm vào trung tuần tháng Một. Tàu này chở theo nhiều tàu ngầm tự động có khả năng rà kiếm đáy biển.


Các nhà điều tra tin rằng một ai đó có thể đã cố ý tắt hệ thống phát tín hiệu của chiếc phi cơ Boeing 777 trước khi chuyển hướng bay về phía Ấn Độ Dương.

Cho tới nay chỉ có 3 mảnh vỡ được xác nhận là của chiếc máy bay mất tích được tìm thấy, cả ba đều dạt lên bờ biển Ấn Độ Dương. - VOA

|

|


14.

Chết vì thời tiết giá lạnh như Bắc cực ở Mỹ


Đợt rét kỷ lục đang bao trùm nước Mỹ đã làm 9 người thiệt mạng trong mấy tuần gần đây và các nhà dự báo cho biết thời tiết trong những ngày tới còn tồi tệ hơn nhiều.


Hình ảnh một đài phun nước bị đóng băng ở bang South Carolina, miền nam nước Mỹ, lan truyền trên mạng là hình ảnh tiêu biểu cho thấy khí lạnh từ Bắc Cực đã tràn sâu xuống miền Nam nước Mỹ tới mức nào.


Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia dự đoán nhiệt độ thấp hơn nhiều so với bình thường và những đợt gió lạnh tới mức nguy hiểm sẽ tiếp tục quét qua khu vực Trung - Tây nước Mỹ trong tuần tới.


Trong khi đó ở Alaska thời tiết thông thường băng giá tại đây lại đảo ngược một cách bất thường. Người dân Alaska vốn quen với cái lạnh đóng băng thì giờ lại đang được hưởng thời tiết ấm áp hơn bình thường.


Một cư dân ở Anchorage, thành phố lớn nhất bang Alaska, Ashley Durst, cho biết:


“Tôi cho thời tiết như thế này là khá khác thường so với bình thường trong tháng 1. Thông thường nhiệt độ có thể xuống đến 30 độ âm vào thời điểm này trong năm, khoảng từ tháng 1 đến tháng 2. Như thế này là khá ấm.”


Patricia Bierer, một cư dân đến từ tiểu bang Montana hiện đang ở Alaska, nói: “Tôi cứ nghĩ là tới đây sẽ lạnh tê tái suốt mùa đông. Tôi sẽ về nhà vào mùa xuân, và tôi hy vọng sẽ qua được mùa đông ở đây. Nhưng như thế này thì ‘Thật là tuyệt vời’.”


Trong khi thời tiết tại bang Alaska hiện nay ấm áp hơn bình thường, các nhà dự báo thời tiết đang theo dõi một trận bão có thể mang theo băng tuyết tới bờ Tây nước Mỹ trước cuối tuần này.


Công ty dự báo thời tiết AccuWeather cho biết đợt thời tiết băng giá này có thể kết hợp với một trận bão đang hình thành tại khu vực quần đảo Bahamas, mang theo tuyết và gió mạnh tới khu vực duyên hải ở bờ Đông nước Mỹ khi nó tiến về hướng bắc vào ngày thứ Tư 3/1 và thứ Năm 4/1 tuần này. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


15.

Nổ lớn tại kho phế liệu chứa đầu đạn ở Bắc Ninh


2 trẻ em đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 3/1 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.


Vụ nổ kho phế liệu đã làm sập 5 ngôi nhà, vùi lấp các nạn nhân, khiến 1 bé trai 1 tuổi và 1 bé gái 5 tuổi tử vong.


Các nạn nhân khác đã được chuyển đi cấp cứu và chữa trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.


Vụ nổ còn gây thiệt hại cho nhiều ngôi nhà trong vòng bán kính 500 m, theo VTV.


Các giới chức Bắc Ninh cho biết nguyên nhân vụ nổ là do người dân thu mua đạn dược về để chế xuất phế liệu.


Báo chí Việt Nam cho biết sau khi vụ nổ xảy ra, nhiều người dân và trẻ em vẫn tiếp tục đi nhặt hàng chục ký vỏ đạn ở hiện trường.


Theo chỉ điểm của người dân, lực lượng chức năng sau đó phát hiện thêm một số kho hàng khác nghi chứa đạn ở khu vực xung quanh.


Chiều cùng ngày, công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam chủ kho thu gom phế liệu gây ra vụ nổ, về hành vi “tàng trữ vật liệu nổ trái phép”. Theo trang mạng soha.vn, chủ kho là ông Nguyễn Văn Tiến, 54 tuổi, hiện cư trú tại Phố Mới, Đình Bảng, TX Từ Sơn. Vẫn theo nguồn tin này, hai nạn nhân là Nguyễn Tiến N., 1 tuổi, và Đặng Thuỳ Tr.


Số liệu thống kê cho biết kể từ sau năm 1975, tại Việt Nam đã có hơn 42.000 người chết và hơn 62.100 người bị thương vì các đầu đạn, chất nổ còn sót lại sau chiến tranh. - VOA

|

|


16.

Luật sư: Vũ Nhôm lo ngại an nguy bản thân do ‘chính trị nội bộ’ VN


Ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, bày tỏ quan ngại về số phận của mình do tình hình "chính trị nội bộ" ở Việt Nam, nơi ông nói ông từng là một nhân viên tình báo cấp cao.


Luật sư Remy Choo cho hãng tin Reuters biết như trên chiều ngày 3/1, sau cuộc gặp đầu tiên với ông Vũ, người đang bị cầm giữ ở Singapore.


Luật sư Choo: "Ông ấy nói ông có những mối quan ngại sâu sắc về sự an toàn của ông. Việc này có liên quan đến chính trị nội bộ của Việt Nam.”


Luật sư Choo cho biết thêm rằng thân chủ của ông cho biết ông từng là một sĩ quan tình báo cấp cao ở Việt Nam.


Sau khi gặp thân chủ lần đầu tiên hôm 3/1, Luật sư Choo khẳng định ông Vũ không biết lý do ông bị giữ lại ở Singapore, và ông ấy tin rằng ông có giấy tờ hợp lệ và muốn đi đến Đức.


Tối ngày 3/1, VOA-Việt ngữ đã tìm cách liên lạc với luật sư Choo, còn có tên khác là Choo Zheng Xi, một trong ba luật sư bảo vệ cho ông Vũ, nhưng chưa nhận được hồi đáp.


Hãng tin DW trích lời một luật sư người Đức của ông Vũ nói ông đang hối thúc chính phủ Đức giúp ông Vũ sang Đức. Luật sư Victor Pfaff cho biết ông Vũ “có những thông tin có giá trị” đối với chính phủ Đức.


“Ông Vũ là một thượng tá công an Việt Nam thuộc Tổng cục 5, Bộ Công an, cơ quan có nhiệm vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh.”


Ông Pfaff cũng là một luật sư bảo vệ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, người đang đối mặt với án tử hình tại Việt Nam về tội danh “tham ô” và “sai phạm trong quản lý”, sau khi ông bị Hà Nội bắt cóc tại Berlin, theo cáo buộc của chính phủ Đức, và đưa về nước hồi năm ngoái.


Các luật sư của ông Vũ nói với hãng tin Reuters rằng họ đã nộp đơn xin chuyển ông Vũ tới Đức để tránh bị đưa về Việt Nam, nơi có phần chắc ông có thể đối diện với bản án tử hình vì đã “tiết lộ bí mật nhà nước,” một hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan tới an ninh quốc gia.



Singapore tại thời điểm này không có hiệp định dẫn độ với Hà Nội, nhưng cơ quan di trú của nước này có quyền trục xuất trong một số tình huống nhất định, theo Luật Nhập cư của Singapore.


Báo Giao thông hôm 3/1 dẫn lời ĐBQH, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói rằng “dù không ký kết, vẫn có khả năng ông Phan Văn Anh Vũ được dẫn độ về Việt Nam nếu hai nước Việt Nam - Singapore đạt được thoả thuận chung.”


Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư và Cửa khẩu Singapore (ICA) hôm 2/1 xác nhận với VOA rằng: “[Ông] Phan Văn Anh Vũ bị bắt hôm 28/12/2017 vì vi phạm Luật Nhập cư [Singapore]”.


Các luật sư của ông Vũ hôm 2/1 cho biết “Ông Vũ muốn tị nạn chính trị tại Đức.”



Truyền thông Việt Nam hôm 2/1 loan tin “một người tên Phan Van Anh Vu đã bị Cơ quan xuất nhập cảnh Singapore (ICA) bắt giữ hôm 28/12”.


Trước đó vào chiều 21/12/2017, Bộ Công an Việt Nam đã ra lệnh khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi, về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước" theo điều 263 Bộ luật hình sự. - VOA

|

|


17.

Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia


Sinh sống tại Biển Hồ từ hàng chục năm qua, nhưng nay cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia đang lo sợ phải đối diện với nguy cơ có cuộc sống bấp bênh.


Sau khi chạy nạn Pol Pot, nhiều người quay trở lại vùng Tonle Sap hồi đầu thập niên 1980, nơi họ coi là “quê hương xứ sở” của mình.


Khoảng 80% người gốc Việt không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào được chính phủ Campuchia công nhận.


Gần đây, chính phủ Campuchia thông qua Nghị định 129 theo đó quyết định thu hồi giấy tờ của gần 70 ngàn người gốc Việt, khiến nhiều người lo ngại rằng những người bị thu giấy tờ sẽ rơi vào tình trạng “vô tổ quốc” như phần lớn những người còn lại.


Ngoài nỗi lo bị thu giấy tờ, nhiều người nói cuộc sống và kế sinh nhai hàng ngày của họ cũng bị gây khó dễ bởi chính quyền địa phương và cả bởi Tổng hội người Campuchia gốc Việt, điều mà quan chức Tổng hội bác bỏ.


Thực hư thế nào? Phóng viên Thùy Linh tìm hiểu. - BBC

|

|


18.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ: Việt Nam có thể có vị trí tốt


Hạ tuần tháng 12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Hoa Kỳ bao gồm 4 chủ đề chính: Bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, phát huy sự trù phú của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết. Trong một phân tích dưới dạng hỏi đáp ngày 22/12/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích thêm về các chủ đề nói trên để xem vị trí của Việt Nam và Biển Đông có thể ra sao trong chiến lược an ninh mới của Mỹ.


Vấn đề đầu tiên được giáo sư Thayer quan tâm là khái niệm “Thể hiện hòa bình qua sức mạnh - Demonstrating peace through strength” có thể mang ý nghĩa như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, và khi cần thiết thì Hoa Kỳ sẽ phô trương loại “sức mạnh” nào trong vùng.


« Khẩu hiệu “Hòa bình qua sức mạnh” trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump, đã được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới trong một mục nêu bật nhân tố quân sự của sức mạnh quốc gia, ngay trước một mục nhỏ hơn về ngoại giao.


Ý nghĩa của khái niệm này là tăng gia ngân sách cho Lầu Năm Góc. Mỹ sẽ ưu tiên cho việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, và các phương tiện sử dụng để phóng các loại vũ khí đó đến mục tiêu, phát triển các công nghệ quốc phòng mới để đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên cũng như Nga và Trung Quốc.


“Hòa bình qua sức mạnh” cũng có nghĩa là mở rộng dần dần đia bàn hoạt động cũng như hiện đại hóa lực lượng Mỹ ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trước tiên để đối phó với những sự cố bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên, trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.


Chiến Lược An Ninh buộc Mỹ là phải ưu tiên duy trì “một lực lượng quân sự ở tiền phương, có năng lực răn đe và nếu cần thiết, đánh bại mọi đối thủ”. Chính quyền Trump có phần dũng cảm hơn khi tuyên bố sẽ đeo đuổi chính sách lợi ích quốc gia Mỹ trước tiên. Việt Nam từ lâu đã hiểu được là các cường quốc luôn theo đuổi quyền lợi của riêng họ. Trên một số vấn đề thì điều đó có lợi cho Việt Nam, nhưng trên một số vấn đề khác thì có thể là không. »


Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ


Theo giáo sư Thayer, khái niệm thứ hai: “Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ - Advancing American influence” trên thế giới có vẻ như mâu thuẫn với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, nhưng đó chỉ là đối nghịch bề ngoài mà thôi.


« Chiến Lược An Ninh Quốc Gia nêu lên rằng các quốc gia hướng về Mỹ vì những giá trị và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Trump còn khẳng định là thế giới bây giờ tôn trọng nước Mỹ nhiều hơn. Thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ không phải không tương hợp với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” vì ông Trump cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ sẽ khuất phục được các nước khác, buộc các nước đó làm những gì mà Mỹ muốn. Đây là quan điểm về “ảnh hưởng” mang tính chất giao dịch con buôn. Ông Trump sẽ luôn luôn tính toán là “Mỹ sẽ được gì trong bất kỳ thương lượng nào với một nước khác?”


Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, phần lớn những lời nhắc đến các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, đều nhằm thúc đẩy quyền lợi hạn hẹp của Mỹ. Ví dụ như Chiến Lược An Ninh chủ trương cải sửa hệ thống giải quyết tranh chấp ở Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, khẳng định rằng điều đó sẽ dẫn đến thương mại công bằng hơn theo quan điểm của Mỹ.


Vấn đề là Chiến Lược An Ninh có những mâu thuẫn. Ví dụ như nó cổ vũ cho những giá trị của Mỹ trong lúc lại sẵn sàng hỗ trợ cho Duterte ở Philippines. Chiến Lược chủ trương một trật tự toàn cầu dựa trên các quốc gia chủ quyền, bảo vệ quyền lợi riêng của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời lại duy trì quyền của nước Mỹ được hành động đơn phương bất cứ lúc nào mà tổng thống Trump muốn ».


Tác động trên Biển Đông ?


Đối với giáo sư Thayer, chủ trương tăng cường ảnh hưởng của Mỹ nêu lên trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia sẽ có tác động nhất định trên các tranh chấp ở Biển Đông.


« Có thể suy ra từ Chiến Lược là Biển Đông được xem như một đấu trường cạnh tranh tiềm tàng, nhưng ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên so với tình hình phổ biến hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và khủng bố quốc tế đang nằm ở các vị trí đầu.


Tình hình Biển Đông nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định trong bối cảnh Trung Quốc và các quốc gia ASEAN theo đuổi việc đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không phản ứng trước hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo vì đồng minh chính của Mỹ là Philippines sẽ không hỗ trợ cho một hành động mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.


Tuy nhiên Chiến Lược An Ninh đã đặt ưu tiên cho việc tăng cường cam kết của Mỹ bảo vệ quyền “tự do đi lại trên biển và giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ, biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế”. Chiến lược cũng ghi nhận là các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông “đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định của vùng”.


Chiến lược An ninh Quốc Gia cũng ghi nhận là “Trung Quốc sử dụng kinh tế để khích lệ và trừng phạt, cũng như các chiến dịch gây ảnh hưởng, hù dọa quân sự để các quốc gia khác chấp nhận lịch trình chính trị và an ninh của Trung Quốc”, đồng thời nêu lên việc các quốc gia trong vùng “ kêu gọi một sự lãnh đạo bền vững của Mỹ trong một phản ứng tập thể để duy trì một trật tự dựa trên việc tôn trọng chủ quyền và độc lập” của mỗi nước.


Tóm lại theo Chiến Lược An Ninh thì Hoa Kỳ sẵn sàng nắm giữ vai trò dẫn dắt một phản ứng tập thể nhằm gìn giữ trật tự trong vùng dựa trên sự tôn trọng “chủ quyền và độc lập”. Đây là một cam kết có thể làm Việt Nam yên lòng ».


Trường hợp Việt Nam


Đề cập cụ thể đến trường hợp của Việt Nam, giáo sư Thayer cho rằng Hà Nội là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á trong Chiến Lược An Ninh Quốc gia của Mỹ.


« Căn cứ vào kết quả của hai thông cáo chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời chính quyền Trump (tháng 5 và 11/2017), Việt Nam rõ ràng là được xem như một đối tác mà Mỹ có thể làm việc cùng trên các vấn đề an ninh khu vực.


Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ nêu rõ là ưu tiên số một của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là gia tăng gấp đôi mức độ dấn thân bên cạnh các đồng minh và thiết lập các quan hệ đối tác. Chiến Lược còn nêu Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore (và theo thứ tự đó) là “những đối tác an ninh và kinh tế đang lên của Hoa Kỳ”. Do việc tổng thống Trump nâng cấp các vấn đề quốc phòng và an ninh, Việt Nam sẽ vừa có cơ hội (mua trang thiết bị quốc phòng và công nghệ học của Mỹ) vừa gặp thách thức (sức ép đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ).


Vấn đề thương mại không cân bằng giữa Việt Nam và Mỹ đã được giải quyết trước lúc Chiến Lược An Ninh được công bố, với việc Việt Nam chấp nhận thương lượng một hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ. Việt Nam cũng đã thông báo sẽ mua hàng tỷ đô la sản phẩm từ Mỹ, như máy bay và để cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường và đầu tư tốt hơn. Chiến Lược An Ninh ưu tiên cho các “ Thỏa thuận thương mại song phương trên cơ sở công bằng, có đi có lại…, và cho xuất khẩu Mỹ quyền tiếp cận thị trường một cách công bằng và khả tín”.

Việt Nam không xa lạ gì với các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trong bất kỳ thỏa thuận mới nào. - RFI

|

|


19.

Chủ tịch huyện ‘mất tích’ ở Hà Nội treo cổ tự sát


Công an Hà Nội đã tìm thấy ông chủ tịch huyện Quốc Oai “mất tích” bí ẩn gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua đã treo cổ tự sát tại nhà riêng ở quận Hoàng Mai.


Tối 3 Tháng Giêng, ông Nguyễn Công Hiệp, chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân quận Hoàng Mai, xác nhận với Tuổi Trẻ, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố Hà Nội đã phong tỏa hiện trường, khám nghiệm ngôi nhà năm tầng tại ngõ 279 phố Hoàng Mai, nơi ông Nguyễn Hồng Lâm, chủ tịch huyện Quốc Oai “mất tích” nhiều ngày qua, treo cổ tự sát.


Tờ Tuổi Trẻ đưa tin, qua điều tra xác minh, truy tìm, đến 2 giờ chiều cùng ngày, công an tìm thấy ông Lâm tại ngôi nhà không số, ngõ 297 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, và đã chết trong tình trạng treo cổ. Đây là nhà riêng của ông Lâm.


Theo lời kể của một số người hàng xóm, ngôi nhà trên vừa mới xây xong gần đây. Trước đó ngôi nhà được một số người mua đi bán lại. “Khi bán xong cho chủ mới thì khóa cửa từ đó đến nay không có người ở,” bà này nói.


Cũng theo người hàng xóm có nhà bên cạnh nơi phát hiện thi thể, mấy ngày nay công an tiến hành rà soát và hỏi người dân quanh khu vực nhiều lần nhưng không phát hiện điều gì bất thường.


Một cán bộ công an ở khu vực hiện trường cho biết, thi thể ông Lâm được phát hiện đã bốc mùi phân hủy, có thể bị chết trước đó nhiều ngày.


Như đã thông tin, ngày 26 Tháng Mười Hai, 2017, ông Lâm có đơn xin vắng mặt không dự hội nghị ban thường vụ huyện ủy để giải quyết việc riêng.


Tuy nhiên, hết thời gian nghỉ ông Lâm vẫn không đến nhiệm sở và cũng không có thông báo gì đến cơ quan.


Đáng chú ý, trước đó  ông Đỗ Lai Luật, phó chủ tịch thường trực huyện Quốc Oai, người đang được phân công tạm thời thay ông Lâm điều hành công việc, cho biết trong buổi sáng 26, ông Lâm có gọi điện thoại cho con trai và nói một câu không rõ ràng lắm: “Bố đang gặp chuyện rắc rối.” Sau đó, không ai liên lạc được với ông Lâm nữa.


Trước sự việc trên, gia đình ông Lâm đã có đơn trình báo gửi cơ quan công an. Ngày 29 Tháng Mười Hai, 2017, Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An thành phố Hà Nội đề nghị tất cả công dân, các cơ quan tổ chức, nếu ai phát hiện ông Lâm hoặc tin tức có liên quan thì liên hệ với phòng này.


Trong chiều 3 Tháng Giêng, công an đã khám nghiệm hiện trường, giảo nghiệm tử thi để điều tra, xác minh nguyên nhân chết của ông Lâm. - nguoiviet


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment