Monday, January 1, 2018

Tin Cập Nhật Thứ Hai 1/1/2018

Chúc Mừng Năm Mới 2018


Tin Thế Giới


1.

Thế giới chào đón 2018


New Zealand, Australia và các đảo ở Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên đón năm mới 2018 với những màn pháo hoa và lễ hội đường phố tưng bừng.


Gần 1,5 triệu người đã đổ về xem màn bắn pháo hoa bảy sắc cầu vồng trên nhà hát và cầu cảng nổi tiếng ở Sydney, đúng dịp Australia ăn mừng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.


Vài giờ trước đó, hàng nghìn người đứng dọc theo các con phố ở Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, để tham dự lễ hội đường phố thường niên và màn bắn pháo hoa.


Tin cho hay, hàng trăm nghìn nhân viên an ninh đã được triển khai tại các thành phố trên khắp thế giới để bảo đảm an toàn cho người dân đón chào năm 2018.


Tại Australia, các quan chức cho biết rằng cảnh sát đã rầm rộ ra quân cả trên bộ, trên không và trên biển trong một đợt triển khai lực lượng an ninh lớn nhất nước này.


Cảnh sát ở Melbourne tháng trước bắt một người đàn ông âm mưu bắn vào những người ra đường chào đón năm mới.


Tại Mỹ, quan chức thành phố New York cho biết sẽ sử dụng biện pháp kiểm tra an ninh hai vòng, sử dụng các tay súng bắn tỉa và các chú khuyển được huấn luyện đặc biệt để bảo vệ khoảng 2 triệu người đổ về quảng trường Times đón năm mới.


Còn tại Việt Nam, theo báo chí trong nước, hàng nghìn người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đã đổ ra đường xem pháo hoa và chào đón năm 2018.


Theo Zing News, việc chen lấn, xô đẩy đã khiến nhiều trẻ em, người già và cả thanh niên bị ngất, khiến cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phải vào cuộc “giải cứu” đưa lên nóc xe cứu hỏa. - VOA

|

|


2.

Lãnh tụ Bắc Hàn cảnh báo Mỹ đầu năm mới


Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 1/1 cảnh báo Mỹ rằng ông có “nút bấm hạt nhân” ngay tại bàn làm việc và sẵn sàng sử dụng nếu Bắc Hàn bị đe dọa.


Ông Kim nói thêm rằng Bắc Hàn sẽ tập trung “sản xuất hàng loạt các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai hoạt động” trong năm tới.


Theo Reuters, nhà lãnh đạo này cho rằng điều đó khiến Mỹ khó có thể khai mào một cuộc chiến với Bắc Hàn.


“Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm tấn công hạt nhân của chúng ta và một nút bấm hạt nhân luôn trên bàn làm việc của tôi và đây là thực thế, không phải đe dọa”, ông Kim nói.


Trước khi chuẩn bị đón năm mới ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, khi được các phóng viên đề nghị bình luận về bài phát biểu của ông Kim, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nói rằng “chúng ta chờ xem”.


Còn về quan hệ với miền nam, theo Reuters, lãnh tụ Bắc Hàn nói rằng ông “để ngỏ khả năng đối thoại” với Hàn Quốc.


Sau một năm với các tuyên bố “nảy lửa” và căng thẳng leo thang về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Kim đã sử dụng bài phát biểu nhân ngày đầu năm mới để tuyên bố rằng Bắc Hàn là “một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm và yêu hòa bình”, đồng thời kêu gọi giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ với miền nam.


Ông Kim cũng nói rằng ông sẽ cân nhắc cử một phái đoàn tới Olympics Mùa đông, dự kiến sẽ được tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc, vào tháng Hai.

Hàn Quốc nói rằng nước này hoan nghênh việc ông Kim ngỏ lời cử một phái đoàn tới Pyeongchang và tổ chức đối thoại với miền nam để bàn về khả năng tham gia.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng việc tham gia của Bắc Hàn sẽ bảo đảm an toàn Olympics Mùa đông năm nay.


Tháng trước, ông Moon đề nghị Seoul và Washington hoãn các cuộc tập trận quy mô lớn mà Bình Nhưỡng thường lên án là để chuẩn bị cho chiến tranh cho tới khi nào kết thúc Olympics Mùa đông. - VOA

|

|


3.

10 người chết trong các cuộc biểu tình ở Iran


10 người chết trong các cuộc biểu tình trên đường phố ở Iran hôm 31/12, Reuters đưa tin, dẫn lại nguồn từ truyền hình nhà nước của quốc gia Hồi giáo này hôm 1/1.


Tin cho hay, các cuộc biểu tình khắp đất nước đã thu hút hàng chục nghìn người, cho thấy sự thách thức lớn nhất đối với giới lãnh đạo Iran kể từ khi bùng ra các cuộc xuống đường ủng hộ cải cách năm 2009.


“Trong các sự kiện tối qua, không may là có tổng cộng 10 người đã thiệt mạng tại một số thành phố”, truyền hình nhà nước đưa tin trong khi chiếu cảnh hư hại do các cuộc biểu tình gây ra, nhưng không cho biết thêm chi tiết.


Hãng tin Anh nhận định rằng những lời kêu gọi biểu tình thêm nữa ở thủ đô Tehran và 50 trung tâm thành thị khác hôm 1/1 làm gia tăng khả năng bất ổn kéo dài.


Một số người kêu gọi Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ mà họ cáo buộc là những tên trộm.


Những người biểu tình cho biết rằng họ bất bình về tình trạng tham nhũng và khó khăn kinh tế ở Iran mà tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã lên mức 28,8% năm ngoái.


Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hassan Rouhani nói rằng người Iran có quyền chỉ trích nhà nước, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng chính quyền sẽ mạnh tay.


“Chính phủ sẽ không dung thứ những ai phá hoại tài sản công, vi phạm trật tự công cộng và gây bất ổn trong xã hội”, ông Rouhani nói.


Theo Reuters, hàng trăm người đã bị bắt, nhưng các lực lượng an ninh nhìn chung tỏ ra kiềm chế. - VOA

|

|


4.

Hàn Quốc lại chặn tàu nghi chở dầu sang Bắc Hàn


Chính quyền Hàn Quốc đã bắt giữ một tàu treo cờ Panama vì nghi chở các sản phẩm dầu sang Bắc Hàn, vi phạm các biện pháp trừng phạt của quốc tế, một quan chức hải quan cho biết hôm 31/12.


Theo Reuters, đây là vụ chặn bắt thứ hai mà chính quyền Seoul công bố chỉ trong vòng vài ngày, trong khi Liên Hiệp Quốc gia tăng nỗ lực cắt đứt nguồn cung ứng dầu cho Bắc Hàn sau khi nước này thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân.


Tàu mới bị giữ có thể chở hơn 5 nghìn tấn dầu với các thuyền viên phần lớn là từ Trung Quốc và Miến Điện, theo Yonhap.


Hãng tin này cho biết thêm rằng các quan chức hải quan và tình báo Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chung về con tàu này.


Reuters đưa tin rằng một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận thông tin về cuộc điều tra nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.


“Chính phủ [Hàn Quốc] đã tham vấn chặt chẽ với các bộ và các nước liên quan để thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, theo người phát ngôn.


Hôm 29/12, Hàn Quốc thông báo rằng hồi cuối tháng 11, họ đã bắt giữ một tàu chở hàng treo cờ Hong Kong vì bị nghi chở khoảng 600 tấn dầu cho Bắc Hàn.


Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng trước nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Hàn vì một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây, hạn chế Bình Nhưỡng tiếp cận dầu thô và các sản phẩm hóa dầu. 


Theo Reuters, Hoa Kỳ đã đề nghị Hội đồng này đưa 10 tàu biển vào danh sách đen vì chở các hàng cấm cho Bắc Hàn. - VOA

|

|


5.

Thủ lĩnh đối lập Campuchia phát thông điệp năm mới từ nhà tù


Thủ lĩnh đối lập Campuchia hiện bị cầm tù, ông Kem Sokha, đã kêu gọi tổ chức bầu cử tự do và công bằng tại nước mình trong thông điệp đầu năm mới hôm 1/1.


Ông Kem Sokha, người đứng đầu Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị cấm hoạt động, đã bị bắt hồi tháng Chín năm ngoái vì tội âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen và làm gián điệp, nhưng ông đã bác bỏ các tội danh này, cho rằng chúng có động cơ chính trị.


Theo Reuters, trong bức thư dài hai trang được con gái của ông là Kem Monovithya đọc và đăng lên Facebook hôm 1/1, ông Kem Sokha nói rằng Campuchia đối mặt với việc mất viện trợ và các thị trường xuất khẩu ở nước ngoài cũng như bị cộng đồng quốc tế chỉ trích sau khi CNRP bị tòa án tối cao giải tán.


“Hãy tạo cơ hội cho người dân lựa chọn các đại diện lãnh đạo thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, ông Kem Sokha nói, đồng thời kêu gọi đoàn kết quốc gia và không sử dụng bạo lực để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.


Thông điệp năm mới của thủ lĩnh đối lập Campuchia được đưa ra đúng lúc chính quyền nước này gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến, các nhóm xã hội dân sự và truyền thông độc lập trong một chiến dịch mà các nhóm nhân quyền nói rằng giống như một cuộc tàn phá dân chủ.


Campuchia sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29/7, và ông Hun Sen đã thể hiện quyết tâm kéo dài hơn 30 năm nắm quyền thêm ít nhất một thập kỷ nữa.


Ông Kem Sokha nói rằng năm 2017 được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng chính trị khiến “dân chủ thụt lùi”.


Theo Reuters, phát ngôn viên của đảng cầm quyền của ông Hun Sen nói rằng ít ai quan tâm tới thông điệp đầu năm của ông Kem Sokha, đồng thời nói thêm rằng các chính trị gia đối lập có thể thành lập một đảng mới. - VOA

|

|


6.

Tấn công bằng súng ở nam Cairo, ít nhất 9 người chết


Một tay súng đã nhả đạn bên ngoài một nhà thờ phía nam Cairo và tại một cửa hàng của người Thiên chúa giáo gần đó, giết chết ít nhất 9 người, trong đó có 1 cảnh sát.

Nhà chức trách Ai Cập cho hay kẻ tấn công đã bị bắn trong cuộc đấu súng hôm 29/12 tại nhà thờ Mary Mina, một nhà thờ Coptic, thuộc quận Helwan.


5 người khác bị thương, trong đó có một viên cảnh sát, phát ngôn viên Bộ Y tế Khaled Megahed nói.

Bộ Y tế Ai Cập cho biết tay súng đã chết trong vụ đấu súng, trong khi Bộ Nội vụ lại nói tay súng đã bị thương và bị bắt.

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một tuyên bố được hãng thông tấn Amaq của IS phát đi. - VOA

|

|


7.

Bắc Kinh lại cho báo chí đe dọa Úc vì “xen vào” hồ sơ Biển Đông


Trong số báo cuối năm đề ngày 31/12/2017, nhật báo Trung Quốc Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) tiếp tục gây sức ép đối với Úc, đe dọa rằng việc « xen vào » vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm cho tình thế chiến lược của Canberra thêm khó khăn.


Tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với những luận điệu hung hăng này, đã đăng bài viết của một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu này, trước đây, dưới thời hai thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard, nước Úc đã có một lập trường tốt khi giữ thái độ «trung lập và cân bằng» trong vấn đề Biển Đông.


Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc kể trên ghi nhận là trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Mỹ cho thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, Úc đã thay đổi chính sách một cách đáng kể, với hệ quả là vừa đe dọa lợi ích quốc gia của Trung Quốc, vừa gây tổn hại cho lợi ích lâu dài của Úc, làm sâu đậm thêm những mâu thuẫn căn bản về mặt chiến lược của Canberra.


Và như thông lệ, Hoàn Cầu Thời Báo đã lớn tiếng hù dọa rằng «Trung Quốc sẽ không cho phép Úc muốn làm gì thì làm… và những hành động khiêu khích ở Biển Đông (của Canberra) có thể buộc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đối phó mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Úc.


Giọng điệu đe dọa của Hoàn Cầu Thời Báo không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng điểm đáng chú ý là tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã gợi lên khả năng Bắc Kinh trả đũa Canberra về kinh tế.


Trên nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào hôm nay, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, nhận định rằng bài báo thể hiện luận điệu chống Úc ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc nhắm vào dư luận Úc, đặc biệt là nhằm tranh thủ các đối tượng chủ trương nương theo thay vì chống lại đà vươn lên của Bắc Kinh.


Đối với giáo sư Thayer, quan điểm trong bài báo cho rằng Trung Quốc nên trừng phạt Úc về mặt kinh tế vì lập trường Biển Đông của Canberra là một tín hiệu «đặc biệt đáng lo ngại».


Theo chuyên gia Thayer, giọng điệu của «chuyên gia» được Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài, hoàn toàn phù hợp với đường lối nhất quán của tờ báo này, đang đả kích và đe dọa Úc, một phần là vì chính quyền Canberra đã chỉ trích Bắc Kinh xen vào chính trường nội bộ nước Úc.


Theo giáo sư Thayer, Hoàn Cầu Thời Báo «đóng vai trò một con chó dữ được dùng để đe dọa bất cứ quốc gia nào có quan điểm trái ngược với đường hướng tuyên truyền hiện tại của Trung Quốc». - RFI

|

|


8.

Pháp đón bão dữ đầu năm, nhiều nơi tại Mỹ chìm trong giá rét


Như để minh chứng cho nỗi lo ngại về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác thường, nước Pháp trong ngày đầu năm 2018 này đang chuẩn bị đón một cơn bão dữ, có tên gọi mỹ miều là Carmen. Hôm qua, 31/12/2017, Paris đạt độ ấm kỷ lục cho một ngày cuối năm, trong lúc tại New York và nhiều nơi trên đất Mỹ, một cơn lạnh kỷ lục cũng ập xuống.


Hình thành ngoài khơi Đại Tây Dương, bão Carmen đã đổ bộ vào bờ biển miền tây nước Pháp và hôm nay đang di chuyển về hướng đông, với sức gió trên 100 cây số/giờ ở vùng duyên hải, và từ 60 đến 80 cây số/giờ trong đất liền.


Ngay từ hôm qua, dù Carmen chưa lên bờ, mưa to, gió lớn đã đánh vào vùng bờ biển Đại Tây Dương của Pháp, và buộc chính phủ phải ban bố tình trạng cảnh giác màu cam tại 40 tỉnh. Một người đàn ông 60 tuổi ở miền tây nam đã thiệt mạng trong chiếc xe bị cây đổ đè bẹp.


Bão là hiện tượng thời tiết bất thường, và nhiệt độ cũng thế. Theo đài khí tượng Pháp, toàn nước Pháp hôm qua đã ấm lên một cách lạ thường, thủ đô Pháp có nhiệt độ lên đến 15,1° C, một mức ấm kỷ lục cho một ngày 31 tháng 12 kể từ khi nước Pháp bắt đầu đo nhiệt độ từ năm 1872 đến nay.


Nếu nước Pháp ấm lên một cách bất thường, thì tại Mỹ, rất nhiều nơi đang bị chìm trong một cơn giá rét cùng cực, với hai miền trung tây và tây bắc bị tuyết phủ dầy đặc.


Trời lạnh và tuyết đã buộc nhiều chính quyền địa phương hủy bỏ lễ đón mừng năm mới. Thế nhưng, tại New York, buổi lễ nổi tiếng nhất thế giới ở quảng trường Times Square vẫn được duy trì, bất chấp nhiệt độ băng giá xuống mức thấp nhất từ năm 1917 đến nay !

Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier ghi nhận :


« Những người tham gia nhiệt tình nhất đã bắt đầu giành chỗ tại Times Square ngay từ lúc chiều. Những sinh hoạt đầu tiên khởi sự từ 18 giờ và kéo dài cho đến nửa đêm. Với nhiệt độ giảm xuống tới -12 ° C, và nhiệt độ cảm nhận được còn thấp hơn thế nữa, phải thật dũng cảm mới dám bám trụ.


Trên sân khấu, các nghệ sĩ chỉ được mỗi người vài ba phút để biểu diễn, trong số này có Mariah Carey, một năm sau thất bại, khi việc cô hát máy môi không khớp với băng thu sẵn đã trở thành một sự cố đầu tiên được loan tải rộng rãi trên Internet đầu năm 2017.


Vào lúc New York vẫn tổ chức lễ đón năm mới dù lạnh cóng, thì ở phía bắc và phía tây thành phố, nhiều nơi đã có quyết định khôn ngoan là hủy bỏ các lễ hội ngoài trời được dự trù. Phải nói là có nơi, nhiệt độ đôi khi xuống đến -20 ° C, khiến cho việc đi lại phức tạp hoặc thậm chí nguy hiểm, đặc biệt ở các khu vực mà tuyết rơi dầy đến 1,80 m kể từ Giáng Sinh đến nay.


Nhưng Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, không phải nơi nào cũng lạnh cóng. Tổng thống Donald Trump, người đã mỉa mai đề nghị rằng nên sử dụng một chút "sự nóng lên toàn cầu" để làm dịu nhiệt độ lạnh giá, đã nghỉ cuối năm tại Florida, nơi nhiệt độ bình quân là 20 ° C.


Thậm chí người dân có thể đón giao thừa cùng với tổng thống, miễn là chi ra 750 đô la, tăng 50% so với năm ngoái”. - RFI

|

|


9.

Rơi máy bay ở Costa Rica, 10 công dân Mỹ tử vong


Một chiếc máy bay của Costa Rica đã rơi xuống khu rừng gần một bãi biển du lịch nổi tiếng hôm 31/12, làm 10 công dân Mỹ và hai phi công địa phương thiệt mạng.


Reuters dẫn lời chính phủ Costa Rica nói rằng vụ tai nạn xảy ra ở khu vực đồi núi, cách không xa thị trấn ven biển Punta Islita nằm ở tỉnh Guanacaste, cách thủ đô San Jose khoảng 230 km về phía tây.


Một quan chức của cơ quan hàng không dân dụng Costa Rica được trích lời nói rằng chiếc Cessna 208B Grand Caravan do một công ty địa phương quản lý đã gặp nạn ít phút sau khi cất cánh, nhưng giới chức này không nêu nguyên nhân của vụ tai nạn.


Theo hãng tin Anh, quan chức trên nói rằng chiếc máy bay đã trải qua đợt kiểm tra an toàn khoảng một tháng trước và được phép bay.


Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng nhiều công dân nước này đã thiệt mạng, nhưng nói rằng Bộ chưa thể cung cấp thêm các thông tin chi tiết vì tôn trọng các gia đình bị ảnh hưởng.


Punta Islita, nằm ở bờ biển Thái Bình Dương của Costa Rica, là nơi được các du khách châu Âu và Bắc Mỹ ưa chuộng vì các bãi biển và quang cảnh đẹp. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


10.

Điều tra Trump-Nga 'phát xuất từ rò rỉ của Úc'


Cuộc điều tra về mối liên hệ khả dĩ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump bắt đầu sau khi có tin rò rỉ từ Úc, tờ New York Times cho hay.


Cố vấn của Trump, George Papadopoulos được cho là nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Úc rằng Moscow liên can đến việc"bôi bẩn" bà Hillary Clinton.


Tờ báo nói tiết lộ này được đưa ra "trong một đêm uống say" ở London vào tháng 5/2016.


Úc sau đó báo lại cho FBI.


Bài báo trên tờ New York Times nói rằng việc trao đổi này là manh mối cho cuộc điều tra bí mật các mối liên hệ khả dĩ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của Trump vào tháng 7/2016.


Bài báo dẫn lời bốn quan chức ẩn danh Mỹ và Úc "biết rõ về vai trò của người Úc" là nguồn tin.


BBC không có nguồn độc lập kiểm chứng vụ việc.


George Papadopoulos là ai?


Ông Papadopoulos đã nhận tội nói dối FBI về các cuộc gặp được dàn xếp trong khi ông làm cho chiến dịch Trump.


Cuộc điều tra ban đầu của FBI được chuyển cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller và ông Papadopoulos đang hợp tác với các điều tra viên.


Nhà Trắng nói ông Papadopoulos là "tình nguyện viên cấp thấp" không có nhiều ảnh hưởng đến chiến dịch.


Tuy nhiên, ông Papadopoulos được biết là đã tham dự nhiều cuộc họp của ông Trump với các quan chức cấp cao khác như Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions, cũng như trong cuộc gặp một quan chức khác. - BBC

|

|


11.

Trump đòi đưa tường biên giới, thay đổi visa vào công tác cải tổ di trú


Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng ông sẽ không cứu xét khôi phục chương trình di trú đã bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất nếu không có cam kết của phe Dân chủ giúp xây một bức tường biên giới với Mexico và chấm dứt một số chương trình nhập cư nhất định.


Cuộc tranh luận về nhập cư sẽ là một vấn đề then chốt tại Washington vào đầu năm 2018 trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.


Vào tháng 9, ông Trump chấm dứt chương trình Hành động Trì Hoãn cho Người nhập cư lúc nhỏ (DACA), vốn bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất, những người đã được đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ. Ông Trump cũng cho Quốc hội tới tháng 3 để đưa ra một giải pháp dài hạn.


Phe Dân chủ đã thúc đẩy để DACA được tiếp tục, nhưng ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, nói rằng chuyện đó sẽ không xảy ra nếu không chấm dứt nhiều chương trình visa khác và xây một bức tường dọc theo biên giới phía nam của Mỹ.


"Phe Dân chủ đã được bảo rồi, và hoàn toàn hiểu rằng, không thể có DACA mà không có BỨC TƯỜNG đang hết sức cần ở biên giới phía nam và CHẤM DỨT tình trạng Di dân Dây chuyền tồi tệ & Hệ thống Di trú Xổ số ngớ ngẩn etc," ông Trump đăng trên Twitter hôm thứ Sáu.


Các đại diện cho Lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi cho biết họ sẽ không bàn về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông nhưng trông đợi các cuộc đàm phán nghiêm túc sau khi các nhà lập pháp trở lại làm việc tại Washington vào đầu tháng sau.


Thượng viện theo lịch trình sẽ tiếp tục công tác vào ngày 3 tháng 1 trong khi Hạ viện Hoa Kỳ sẽ nghị họp trở lại vào ngày 8 tháng 1.


Ông Trump hứa sẽ xây một bức tường biên giới với khi còn là ứng cử viên tổng thống và vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề này một cách công khai.


Ông cũng kêu gọi đưa ra thêm biện pháp đánh giá "dựa trên thành tích" đối với những người nhận visa của Mỹ. - VOA

|

|


12.

AP nói TT Trump từng cố tiếp xúc Triều Tiên không thành


Hãng tin AP (Associated Press) sáng sớm thứ Bảy, 30/12, loan tin rằng trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cử một "học giả người Mỹ" đi gặp các quan chức Triều Tiên và chuyển đến họ một thông điệp.


Thông điệp nói chính quyền mới của Mỹ đánh giá cao việc Triều Tiên không tiến hành các cuộc thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong gần 4 tháng, và cho rằng điều đó "có thể mang lại một tia hy vọng", theo tin của AP.


Tuy nhiên, AP cho biết các quan chức Triều Tiên nói rằng việc các cuộc thử không diễn ra không phải là dấu hiệu hoà hoãn và khẳng định ông Kim Jong Un sẽ ra lệnh tiến hành các cuộc thử bất cứ khi nào ông ta muốn. Hai ngày sau, Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung mới, khởi động cho một năm với căng thẳng leo thang.


Trong khi đó, Reuters đưa tin vào tối thứ Sáu, 29/12, rằng "các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất ba lần trong những tháng gần đây bằng cách chuyển giao hàng hoá trên biển". Reuters cho biết thông tin đó có được từ cho hai nguồn an tin ninh cao cấp của Tây Âu.


Nga là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việc bán dầu và các chế phẩm dầu cho Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của U.N

Những tin tức mới kể trên xuất hiện vào lúc Trung Quốc phủ nhận họ đã giúp cho việc vận chuyển dầu tới Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, một ngày sau khi ông Trump cáo buộc Bắc Kinh làm như vậy. - VOA

|

|


13.

TT Trump sa thải Hội đồng về HIV/AIDS


Chính quyền của Tổng thống Trump vừa sa thải các thành viên còn lại của Hội đồng Cố vấn Tổng thống về HIV/AIDS, gọi tắt là PACHA.


Các thành viên hội đồng đã nhận được một bức thư tuần này nói rằng công việc của họ trong hội đồng đã bị chấm dứt, "có hiệu lực ngay lập tức", theo một bản tin trên tờ Washington Post.


PACHA được thành lập vào năm 1995, thời chính quyền Clinton, để cố vấn cho Tòa Bạch Ốc về các chiến lược và chính sách về HIV.


Sáu trong số các thành viên của hội đồng thất vọng về các hành động của Tòa Bạch Ốc về chính sách y tế và họ đã từ chức hồi tháng 6.


Bà B. Kaye Hayes, giám đốc điều hành của PACHA, nói trong một tuyên bố rằng việc sa thải là một phần trong nỗ lực của Tòa Bạch Ốc "mang lại những tiếng nói mới".


Một thông báo đăng trong Công báo Liên bang nói rằng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đang tìm kiếm ứng viên cho các vị trí thành viên hội đồng. Các đề cử ứng viên phải được nộp trước ngày 2/1/2018. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


14.

Nguyễn Phú Trọng tiếm quyền ‘thăng tướng’ của Trần Đại Quang


Bộ Chính Trị đảng CSVN từ nay nắm quyền phong hàm đại tướng và Ban Bí Thư của đảng CSVN có quyền thăng những cấp tướng thấp hơn trong khi hiến pháp xác định quyền này là của chủ tịch nước.


Hôm 19 Tháng Mười Hai, 2017, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, ký ban hành một bản quy định mang số 105/QĐ/TW có tên là “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.”


Trong phần Phụ Lục 1 của bản quy định vừa kể, người ta thấy xác định các “chức danh” do Bộ Chính Trị và các “chức danh” do Ban Bí Thư của đảng CSVN quyết định từ quân hàm cấp tướng của quân đội và công an đến các chức vị cấp cao của chính phủ từ trung ương đến địa phương.


Thi hành những “quy định” này có nghĩa là các ông chủ tịch nước, thủ tướng, tổng tư lệnh quân đội, chỉ là những kẻ thừa hành chứ không có quyền quyết định thăng cấp tướng và các chức vụ cao của nhà nước, bao gồm luôn các cơ quan ngoại vi của đảng và nhà nước.


Bản quy định 105 nói các chức danh ở trong quân đội, công an gồm “ủy viên Quân Ủy Trung Ương, ủy viên Đảng Ủy Công An Trung Ương, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội nhân Dân Việt Nam, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” đều “do Bộ Chính Trị quyết định.”


Đồng thời “Bộ Chính Trị xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các đồng chí giữ chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm Đại Tướng, Thượng Tướng, Đô Đốc Hải Quân cho các đồng chí giữ chức vụ thấp hơn.”


Còn Ban Bí Thư của Trung Ương Đảng CSVN có quyền quyết định về các chức danh trong quân đội và công an từ cấp “thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, phó tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, chính ủy, chủ nhiệm tổng cục (trừ chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị), chính ủy, tổng cục trưởng, chính ủy, phó chính ủy; tư lệnh, phó tư lệnh, quân khu, quân chủng, bộ đội biên phòng, chính ủy, giám đốc Học Viện Quốc Phòng, thứ trưởng Bộ Công An, tổng cục trưởng; chính ủy, tư lệnh Bộ Tư Lệnh.”


Đồng thời “Ban Bí Thư xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các đồng chí giữ các chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm Trung Tướng, Thiếu Tướng, Phó Đô Đốc, Chuẩn Đô Đốc Hải Quân đối với các chức vụ thấp hơn.”


Bản Hiến Pháp của CSVN được sửa đổi năm 2013, điều 88 quy định trách nhiệm và quyền hạn của ông chủ tịch nước bao gồm cả “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam…”


Như vậy, từ nay ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang chỉ còn là một cái bung xung của đảng, “có tiếng mà không có miếng.” Mọi chuyện đã có Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư của đảng CSVN “quyết,” mà cả hai cơ quan đầu não này đều nằm dưới tay của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.


Hồi Tháng Chín, 2013, báo điện tử VietNamNet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN tường thuật một cuộc họp của Ủy Ban Quốc phòng – An Ninh của Quốc Hội viết rằng “Ủy Ban Quốc Phòng – An Ninh Quốc Hội nhận định luật sĩ quan quân đội hiện hành quy định chưa phù hợp về thẩm quyền của chủ tịch nước, thủ tướng trong việc phong, thăng quân hàm cấp tướng.”


VietNamNet dẫn lời ông Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng khi đó, trao đổi trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội rằng “dứt khoát chỉ có chủ tịch nước có thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng.”


Bây giờ, ông Nguyễn Phú Trọng nhân danh tổng bí thư đảng CSVN, “ông vua độc tài thật sự” của chế độ tiếm luôn cái quyền của ông chủ tịch nước. Nói một cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng đã ngồi xổm lên cả cái bản Hiến Pháp của chính các ông nặn ra. - nguoiviet

|

|


15.

Phan Văn Anh Vũ 'xin đi châu Âu tỵ nạn' - - - Phan Văn Anh Vũ ‘bị giữ’ ở Singapore


Luật sư Remy Choo nói với BBC đơn xin tỵ nạn của thân chủ của mình 'đã được nộp cho một nước ở châu Âu' và đang 'trong quá trình xét duyệt'.


Trả lời BBC tiếng Việt qua điện thoại vào chiều hôm thứ Hai 01/01, luật sư Remy Choo từ Singapore cũng nói về khả năng cảnh sát phải đưa ông Anh Vũ trình diện thẩm phán nếu quá thời hạn tạm giam.


BBC: Cuộc gặp của ông với gia đình ông Anh Vũ có nội dung gì? Gia đình ông Anh Vũ trông đợi gì?


Tôi chỉ có thể khẳng định tôi đã nói chuyện [gián tiếp] với gia đình ông Anh Vũ. Gia đình ông ấy có nguyện vọng rằng ông Anh Vũ được tự do đi lại. Gia đình ông ấy biết rằng trước đây ông ấy đã đi lại với các giấy tờ mà hiện thời ông ấy đang giữ mà không gặp phải vấn đề gì.


BBC: Ông Anh Vũ bị bắt giữ khi nào và việc tạm giữ này kéo dài tối đa bao lâu theo luật Singapore?


Tôi có thể khẳng định lại thông tin tôi đã cung cấp cho BBC và đã đăng tải trên BBC Tiếng Việt rằng Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore tạm giữ ông Vũ vào khoảng 11 giờ sáng ngày 28/12/2017. Ông ấy chỉ bị tạm giữ tối đa 48 tiếng. Nếu cảnh sát muốn giam giữ ông ấy lâu hơn 48 tiếng họ cần đưa ông ấy trình diện trước thẩm phán.


Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chỉ có thể nói rằng đơn xin tỵ nạn của ông Vũ đã được nộp cho một nước ở châu Âu và đang trong quá trình xét duyệt. Cũng cần phải nói rằng tôi chưa thể tiếp cận được [trực tiếp] với ông Vũ cho đến thời điểm này.


BBC: Ông có biết những vụ việc tương tự nào trong quá khứ khi Singapore cho dẫn độ người về Việt Nam?


Cho đến thời điểm hiện tại tôi không thể nói có trường hợp nào như vậy. Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem lý do tạm giữ ông Anh Vũ là gì? Hiện giờ tôi còn chưa rõ vì sao ông ấy bị tạm giữ và liệu ông ấy có khả năng bị dẫn độ về nước hay không.


BBC: Theo ông có khả năng một phiên tòa về trường hợp của ông Anh Vũ sẽ diễn ra tại Singapore hay không?


Tôi chỉ có thể biết được việc này chừng nào tôi được tiếp xúc với ông Vũ. Hiện nay quá sớm đối với tôi để bình luận về việc này.

Việc tiếp theo chúng tôi hy vọng có thể làm được là nói chuyện với ông Anh Vũ để tìm hiểu xem vì sao ông ấy bị tạm giam. Đến nay cái mà gia đình ông ấy hiểu là giấy tờ đi lại của ông ấy chẳng hề có vấn đề gì cả và do đó ông ấy cần được tự do đi tới bất cứ đâu ông ấy muốn. - BBC


***

Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân đang bị công an Việt Nam truy nã, đã bị tạm giữ ở Singapore.


Trước đó hôm 21/12, Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã ông Vũ, một doanh nhân ở Đà Nẵng, bị cho là "không biết đang ở đâu" sau khi có việc khởi tố ông về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".


Một luật sư được cho là đại diện cho ông Anh Vũ đã liên lạc với văn phòng BBC tại Singapore sau khi BBC liên lạc để kiểm chứng tin tức.


Luật sư Remy Choo nói Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore giữ thân chủ của ông vì hộ chiếu của ông [Anh Vũ] đã bị nhà chức trách Việt Nam hủy khi ông bỏ trốn.


Luật sư này cho biết gia đình của ông Anh Vũ 'cũng đang ở Singapore và lo lắng về số phận của họ'.


Vào hôm 31/12/2017 BBC được cho hay một luật sư khác cũng là người Singapore đã yêu cầu giới chức cho tiếp xúc với ông Anh Vũ.


Tuy nhiên, khi BBC liên lạc, luật sư này xin từ chối bình luận, cũng không xác nhận tin đồn.


Blogger Bùi Thanh Hiếu hôm 31/12/2017 đăng bài trên mạng nói rằng ông Phan Văn Anh Vũ đang bị giới chức Singapore tạm giữ.


Bùi Thanh Hiếu (còn được biết với bút danh Người Buôn Gió, hiện được cho cư trú tại Đức) nói với BBC rằng ông Vũ sang Singapore ngày 21/12, rồi định xuất cảnh sang Malaysia ngày 28/12, nhưng bị Singapore chặn và tạm giữ kể từ hôm đó.


Theo nguồn này, hộ chiếu Việt Nam của ông Vũ đã bị phía Việt Nam hủy, đồng nghĩa việc ông không thể dùng giấy tờ này để ra khỏi Singapore.


"Khi ra, Singapore người ta bảo hộ chiếu này bị hủy rồi, nên ông bị giữ lại, chờ họ làm việc với Việt Nam," ông Hiếu nói.

Việc tạm giữ được cho là diễn ra khoảng lúc 11 giờ sáng ngày 28/12.


Ông Bùi Thanh Hiếu nói với BBC rằng ông có thông tin vì "được gia đình ông Vũ liên lạc" sau việc tạm giữ.


BBC không liên lạc được với gia đình ông Vũ để xác nhận.


Cục quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA), quản lý việc nhập cảnh và đăng ký giấy tờ ở Singapore, chưa hồi âm thư đề nghị bình luận của BBC.


Cho đến lúc này, không có tường thuật nào trên truyền thông chính thống tại Việt Nam về tin đồn ông Vũ bị tạm giữ ở Singapore.


Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra Quyết định truy nã ông Anh Vũ sau quyết định khởi tố bị can về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".


Kể từ khi có lệnh truy nã, ông Anh Vũ, còn được biết với biệt danh Vũ 'nhôm', không đưa ra tuyên bố nào với công luận.


Hôm 29/12 trên trang Vietnam News, là tờ báo tiếng Anh quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam, có bài nói "Chủ nghĩa tư bản thân hữu phá vỡ ước vọng xã hội chủ nghĩa".


Bài này nhắc các cáo buộc nhắm vào ông Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975), gọi vụ này là "lời cảnh tỉnh" cho vấn đề mà báo gọi là "chủ nghĩa tư bản thân hữu".


Dẫn độ trong ASEAN


Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin trong chuyến thăm Singapore tháng 11/2017, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam 'đề nghị việc sớm đàm phán, tiến tới ký kết các Hiệp định dẫn độ song phương'.


Trang web Bộ Tư pháp Việt Nam hồi tháng 5/2017 nói các nước thành viên ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự và Việt Nam mong muốn có cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ giữa các nước ASEAN với hình thức song phương hoặc đa phương.


Bài báo mô tả việc xây dựng Hiệp định mẫu song phương ASEAN về hợp tác trong lĩnh vực dẫn độ là vấn đề phức tạp nên mỗi nước sẽ có quy định pháp luật khác nhau và các phương thức áp dụng cũng khác nhau.


Việt Nam vào thời điểm đó nói đã ký Hiệp định dẫn độ với Campuchia và Indonesia; chuẩn bị đàm phán Hiệp định về dẫn độ với Lào và đang trao đổi với Thái Lan về chủ trương đàm phán Hiệp định song phương về dẫn độ.


Hiến chương ASEAN qui định về các nguyên tắc cơ bản bao gồm việc "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". - BBC

|

|


16.

Nhân vật Việt nào được tìm kiếm nhiều nhất?


Một lãnh đạo Việt Nam đã “vượt mặt” các ngôi sao giải trí để trở thành nhân vật được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên mạng năm 2017.


Trong danh sách các từ khóa tìm kiếm nhiều nhất mới được Google công bố, ở hạng mục “Nhân vật”, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đứng ở vị trí số một.


Theo công cụ tìm kiếm được nhiều người dùng nhất thế giới, nhiều người sử dụng mạng, nhất là ở tỉnh Ninh Bình, nơi sinh quán của nhà lãnh đạo này, đã tìm kiếm nhiều về ông khi xuất hiện thông tin ông “lâm bệnh và phải đi nước ngoài chữa trị”.


Google đã công bố các từ khóa tìm kiếm về ông Quang như “sức khỏe [ông] Trần Đại Quang” hay “[ông] Trần Đại Quang mất tích”.


Hồi tháng Tám năm ngoái, rộ lên tin đồn ông Quang “đi nước ngoài chữa bệnh”, nhưng sau đó chính quyền cũng như báo chí nhà nước không xác nhận hay phủ nhận thông tin này.


Đứng ở vị trí thứ hai là ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật gây sóng gió trong quan hệ Đức – Việt năm 2017, sau khi Berlin cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông tại thủ đô nước này, dù Việt Nam nói ông “đầu thú”.


Người sử dụng mạng Việt Nam dùng các từ khóa tìm kiếm như “bắt cóc [ông] Trịnh Xuân Thanh” hay “[ông] Trịnh Xuân Thanh bị bắt như thế nào”.


Năm trước, nhân vật được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google là Minh “Béo”, diễn viên dính vào vụ scandal “lạm dụng tình dục trẻ em” ở Mỹ.


Ngoài “Nhân vật”, các hạng mục khác trong danh sách người Việt tìm kiếm nhiều nhất của Google còn bao gồm “Tìm kiếm nổi bật”, “Tin trong nước”, “Tin quốc tế”, “Ứng dụng”, “Bài hát”, “Phim truyện”, “Chương trình truyền hình”…


Một trong những chủ đề xã hội thu hút sự chú ý của dư luận năm qua đó là vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng đứng đầu hạng mục “Tin trong nước”.


Người tìm kiếm dùng các cụm từ như “BOT Cai Lậy là gì” hay “BOT Cai Lậy của ai”. - VOA

|

|


17.

Chính phủ kiến nghị Bộ Công an xử lý TKV


Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an điều tra thất thoát và thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).


Tổng số các dự án thiệt hại và quyết định kinh doanh sai phạm của TKV được cho là dẫn tới thua lỗ mức tổng cộng là 15.000 tỷ đồng.


Kết luận của Thanh tra Chính phủ mô tả phát hiện hàng loạt vi phạm của ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên trong việc quản lý tài chính, đầu tư góp vốn cũng như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên.


Một số dự án đầu tư không có hiệu quả và có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư bao gồm việc TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd (Campuchia) 77,678 tỷ đồng.


Báo cáo thanh tra nói TKV đầu tư 112 tỷ vào Công ty Cổ phần Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) và công ty này phải dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay.


“Một dự án khác là Nhà máy sản xuất FeroCrom Cacbon, TKV cũng góp 314 tỷ nhưng phải dừng hoạt động từ 2014 đến nay, dẫn tới TKV thua lỗ khoảng 113 tỷ đồng trong 3 năm 2012 – 2015’, Thời báo kinh tế Việt Nam đưa tin.


TKV được cho là nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên hơn 24,6 tỷ đồng và dẫn đến việc công ty này phải xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng EximBank Thái Lan cả gốc và lãi hơn 13,7 triệu USD.


“TKV cũng góp hơn 870 tỷ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.


“Một số khoản đầu tư ra nước ngoài dẫn đến lỗ, mất vốn hơn 380 tỷ đồng, tại các dự án Công ty liên doanh Stung Trenng, Công ty liên doanh Alumia (Campuchia), Công ty TNHH Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)...” truyền thông trong nước dẫn báo cáo Thanh tra Chính phủ.


"Bộ Công an cũng cần vào cuộc làm rõ vụ đầu tư ra nước ngoài không có sự điều tra, khảo sát kỹ," báo cáo Thanh tra Chính phủ nêu. - BBC

|

|


18.

VietJet bảo vệ quyết định tung ‘lịch bikini’


Hãng hàng không VietJet mới lên tiếng bảo vệ quyết định tung bộ lịch 2018 với các người mẫu mặc bikini, sau khi vấp phải chỉ trích, theo Reuters.


Hãng tin Anh dẫn lời những người không ủng hộ cho rằng bộ lịch đã “làm quá” hình ảnh gợi cảm của các tiếp viên và nhân viên hàng không trong bối cảnh một cuộc tranh luận nổ ra trong ngành hàng không về tình trạng quấy rối cũng như tấn công tình dục trên máy bay đối với hành khách lẫn nhân viên.


Hãng hàng không của nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sau đó nói rằng bộ lịch nhấn mạnh tới sự tự do lựa chọn trang phục của mọi người.


Bộ lịch của VietJet thời gian qua đã gây sốt trên mạng xã hội và nhận được ý kiến trái chiều.

Theo Reuters, trong khi có Facebooker nói rằng bộ lịch “đẹp và không hề phản cảm” thì người khác lại cho rằng VietJet “đang tạo scandal để thu hút sự chú ý”.


Đoạn video quay cảnh hậu trường chụp bộ lịch đăng trên YouTube đã được gần một triệu lượt xem kể từ khi được tung ra tháng trước.


Reuters dẫn lời bà Heather Poole, một tiếp viên hàng không Mỹ kỳ cựu đồng thời tác giả của một cuốn sách về nghề tiếp viên, nói rằng VietJet đang “đưa chúng ta trở lại 50 năm trước khi làm quá hình ảnh gợi cảm của ngành có nhiều nhân viên nữ để kiếm vài đồng lẻ từ một vài cuốn lịch sến”.


Không chỉ tung ảnh lịch bikini, VietJet còn tổ chức show thời trang áo tắm trên máy bay. Theo trang web của hãng, hồi giữa tháng này, hãng đã khai trương đường bay mới với “vũ điệu bikini hoa”.


Trả lời Reuters, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJet, nói: “Chúng tôi không bực khi bị mọi người gắn với hình ảnh bikini. Nếu đó là điều khiến mọi người vui và hạnh phúc, chúng tôi sẽ hạnh phúc”.


Khi được hãng tin này hỏi về quan điểm của bà Thảo, ông Khánh nói rằng nữ sáng lập viên của hãng nghĩ rằng mọi người “có quyền mặc những gì họ thích, dù đó là bikini hay áo dài”.


Ông cho biết thêm các tiếp viên hàng không của VietJet đã được huấn luyện để xử lý các tình huống bị quấy rối tình dục.


VietJet không phải hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tung ra các bộ lịch nóng bỏng nhằm thu hút sự chú ý, theo Reuters.


Giám đốc điều hành của VietJet cho biết rằng doanh thu từ việc bán lịch sẽ được dùng vào mục đích từ thiện. - VOA

|

|


19.

Rải truyền đơn, 9 người bị tuyên 83 năm tù - - - Luật sư: 'Các bị cáo trong vụ đánh bom TSN không có quan điểm chính trị, hành động riêng lẻ'


Một tòa án tỉnh Bình Định hôm 27/12 tuyên án tổng cộng 83 năm tù cho 9 người tham gia rải truyền đơn với nội dung kêu gọi ủng hộ cho tổ chức gọi là "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.”


Đài truyền hình của Bộ Công An Việt Nam (ANTV) đưa tin 9 bị cáo đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định xét xử về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” vì đã in ấn, phát tán truyền đơn trong tỉnh hồi tháng 2, với nội dung “nói xấu lãnh đạo và kích động người dân lật đổ chính quyền” vì bị “các nhóm phản động nước ngoài” lôi kéo.


Báo Zing trích bản cáo trạng cho biết, sáng 16/2, Huỳnh Hữu Đạt, “móc nối với tổ chức ở nước ngoài để in, phân công các thành viên rải truyền đơn ở thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Đạt bị tuyên án 13 năm tù và 3 năm quản chế.



Theo truyền thông Việt Nam, các bị cáo khác gồm Tạ Tấn Lộc, Nguyễn Quang Thanh, cùng bị tuyên phạt 14 năm tù, Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Tuấn bị tuyên 12 năm tù, do phạm Điều 79 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”


Ngoài ra, bà Đoàn Thị Bích Thủy, bà Trương Thị Bích Ngọc, bà Trương Thị Thu Hằng, và ông Phạm Long Đại lãnh các mức án từ 3-6 năm tù giam do phạm vào Điều 88 "Tuyên truyền chống Nhà nước."


Tổ chức gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” mà chính quyền Việt Nam miêu tả là một tổ chức “phản động lưu vong”, là do ông Đào Minh Quân, hiện cư trú ở Mỹ, đứng đầu. Ông là một nhân vật gây nhiều tranh cãi ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.


Hôm 27/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 15 người bị xác định có dính líu trong vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 4, vụ này cũng bị quy cho “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” lôi kéo. Một trong các bị cáo trong vụ này nhận mức án lên đến 16 năm tù. - VOA


***

Một luật sư bào chữa trong vụ án khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất nói các bị cáo không có quan điểm chính trị rõ ràng và họ hành động khá riêng lẻ.


Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Minh Châu hôm 28/12 nói với VOA rằng 15 bị cáo trong vụ án đánh bom vào sân bay lớn nhất của Việt Nam không có ‘mục đích chính trị cụ thể’.


“Tôi không có thể xác định ý thức chính trị của những người này. Tuy nhiên, tôi quan sát thấy rằng những bị cáo này không hẳn hoạt động nhằm phục vụ cho một mục đích chính trị cụ thể, mà theo tôi, phần lớn họ lên mạng nghe những clip, thông tin trao đổi trên Facebook, sau đó họ tự thực hiện là chính.”


Hãng tin AFP đưa tin tòa án Việt Nam hôm 27/12 tuyên án 15 người với cáo buộc “âm mưu khủng bố” bằng bom xăng nhắm vào sân bay Tân Sơn Nhất trước dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/04/2017. Họ bị tuyên các bản án tù từ 5 năm đến 16 năm.


Truyền thông trong nước đưa tin nói rằng đa số các bị cáo là “những người trẻ tuổi, trình độ học vấn thấp, lao động tự do đã bị “các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo và kích động tham gia vào tổ chức phản động, chống lại chính quyền và nhân dân.”


Luật sư Châu nói với VOA-Việt ngữ:


“Trong 15 bị cáo này, họ không đồng phạm với nhau để cùng thực hiện một vụ việc cụ thể, mà họ chỉ là những nhóm riêng lẻ. Nhận xét chung thì 15 bị cáo có 3 quan điểm: có bị cáo thừa nhận phạm tội và chịu trách nhiệm như bị cáo đầu vụ, một số bị cáo khác, trong đó có ông Nguyễn Đức Sinh, thì thừa nhận phạm tội và xin khoan hồng, còn lại thì cho rằng khởi tố họ như vậy là không đúng, họ bị oan.”


Luật sư Châu nói thân chủ của ông, ông Nguyễn Đức Sinh, 32 tuổi, người bị tuyên 10 năm tù, đã thừa nhận hành vi đốt kho tang vật ở tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3/2017 nhằm thực hiện một vụ cháy “gây tiếng vang cho tổ chức,” chứ không cố ý giết người hay “khủng bố.” Vì vậy, theo luật sư Sơn, bản án dành cho ông Sinh, 10 năm tù, là quá nặng.


Theo hãng tin AP thì chỉ có một quả bom do Đặng Hoàng Thiện, 26 tuổi, người bị tuyên án tù nặng nhất –16 năm, phát nổ nhưng không gây thiệt hại về người.


Tuy nhiên, báo Pháp Luật trích lời Viện kiểm sát nói rằng “việc không xảy ra thiệt hại về người là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Vì vậy, cần phải có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.”


Hội đồng xét xử nói hành vi của các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia.”


Tân Hoa Xã trích bản cáo trạng nói rằng các bị cáo đã thực hiện hành vi khủng bố dưới sự chỉ dẫn của ông Đào Minh Quân và bà Lisa Phạm, những người bị phía Việt Nam cáo buộc là “lãnh đạo một nhóm khủng bố ở nước ngoài thông qua các mạng truyền thông xã hội để lôi kéo người Việt Nam thành lập các tổ khủng bố với kế hoạch thực hiện hành động khủng bố và phá hoại đất nước”.


AP cũng trích cáo trạng theo đó các bị cáo có kết nối với Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, một nhóm lưu vong ở bang California, Hoa Kỳ, bị Hà Nội coi là ‘phản động’.


Ngày 25/12, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Á Châu Tự do - RFA, bà Lisa Phạm phủ nhận mọi liên hệ với nhóm 15 bị can ở Việt Nam. Bà Lisa nói:

‘Vấn đề là tôi không biết. Nhà cầm quyền cộng sản họ chụp mũ như vậy thôi chứ tôi hoàn toàn không biết mấy người đó. Tôi không biết họ là ai cả.”


Trong một video clip loan truyền trên mạng Internet ngày 27/12, Lisa Phạm nói bà đã được những người ủng hộ ở trong nước thông báo vụ xét xử này trước khi truyền thông Việt Nam loan tin. Bà tỏ ra ngạc nhiên khi báo chí nói phiên xử dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày nhưng “đột ngột” tuyên án chỉ sau 2 ngày làm việc.


Truyền thông Việt Nam nói rằng ngoài việc cấu kết với nhóm của ông Thiện, Lisa Phạm còn thành lập nhiều nhóm khác và chuẩn bị lực lượng để thực hiện các vụ khủng bố ở nhiều nơi trên cả nước, như tỉnh Hòa Bình, các nhà máy ở miền Tây và các siêu thị ở TP HCM.


Báo Công An thành phố HCM ngày 28/12 nói Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã phát lệnh truy nã ông Quân và bà Lisa, “khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.”


Tuy nhiên vào cuối ngày 28/12, giờ Việt Nam, chưa thấy tên ông Đào Minh Quân hay bà Lisa Phạm xuất hiện trên trang truy nã quốc tế mà Việt Nam đăng trên Interpol. - VOA

|

|


20.

Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng "mạnh hơn bao giờ hết"


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của chính phủ hôm 28/12 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.”


Truyền thông trong nước nói đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của chính phủ.


Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói sự có mặt của ông Trọng tại cuộc họp chính phủ cho thấy chủ trương “Đảng lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo toàn diện” và “nhất thể hóa các chức danh Đảng và Nhà nước.”


"Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được," nhà báo Dũng nhận định. "Điều đó cho thấy ông Trọng ngày càng tự tin và rất tự tin và có thể nói, không những thể hiện vai trò lãnh đạo độc tôn không những của Đảng mà của cả cá nhân ông Trọng."


Theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập, ông Trọng trở nên tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, về Việt Nam và “tự tin hơn nữa” sau khi bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ông Thăng và Thanh đều từng làm lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí PetroVietnam (PVN) và sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng sau.


Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trọng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng, ông nói cuộc “đấu tranh phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.”


Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng phát động, theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trần Quốc Thuận với VOA, đã “đến hồi quyết liệt,” đến giai đoạn “sống còn” nên cần được ủng hộ rộng rãi.


"Tổng bí thư đến họp chính phủ không những nhấn mạnh ý chí lãnh đạo của Đảng quyết đấu tranh chống tham nhũng mà cũng cần có sự tập hợp ủng hộ cả từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ ngành hữu quan," theo ông Thuận.


Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.


Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị tống giam và truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là “đốt lò.”


ZingNews trích lời ông Trọng nói tại hội nghị hôm 28/12: “Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu”.


Hơn 20 lãnh đạo của PVN bị điều tra, trong đó có ông Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. Ông Thăng, Thanh và các lãnh đạo khác của PVN sẽ được đưa ra xét xử bắt đầu từ ngày 8/1/2018.


Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hồi tháng 9 nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân.


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái từng thừa nhận rằng đạo đức trong Đảng đang xuống cấp, làm mất lòng tin của dân, và đe dọa sự tồn vong của Đảng.


Nói với VNExpress, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói mỗi vụ án tham nhũng được xử không những dựa trên thất thoát về tài chính, mà còn dựa trên mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định về chính trị. Theo nhận định của giáo sư Thayer trên tờ Asia Times, các vụ đại án được tiến hành và những mức án nặng được đưa ra là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam.


Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát. - VOA


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment