Sunday, January 7, 2018

Tin Cập Nhật Thứ Hai 8/1

Tin Thế Giới


1.

Đức: Bà Merkel khởi động đàm phán liên minh với SPD


Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu một vòng đàm phán mới về liên minh trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc chính trị của đất nước.


Hơn ba tháng sau khi cuộc bầu cử toàn quốc, nước Đức vẫn chưa có một chính phủ mới.


Các cuộc đàm phán kéo dài năm ngày sẽ bao gồm đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, đảng 'anh em' là Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).


Nhiều người coi đây là cơ hội cuối cùng của bà Merkel để thành lập một liên minh ổn định.


Đảng SPD trung tả liên minh lãnh đạo đất nước cùng với đảng trung hữu của Thủ tướng Merkel trong 8 trên 12 năm năm qua. Nhưng, sau khi kết quả nghèo nàn của một cuộc thăm dò lịch sử vào tháng 9/2017, lãnh đạo SPD Martin Schulz đã tuyên bố đưa đảng của ông vào vị trí đối lập.


Áp lực gia tăng lên đảng SPD kể từ tháng 11/2017, khi bà Merkel thất bại trong việc lập ra một liên minh cùng với đảng tự do FDP và đảng Xanh.


Thủ tướng bây giờ phải thuyết phục ban lãnh đạo đảng SPD rằng hai bên có đủ mục tiêu chung để bắt đầu cuộc đàm phán liên minh chính thức vào tháng Ba hay tháng Tư năm 2018.


Khi bước vào các cuộc đàm phán, bà Merkel nói bà lạc quan sẽ đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, ông Schulz nói ông sẽ không vạch ra bất cứ lằn ranh đỏ nào và rằng "thời điểm mới kêu gọi chính trị mới".


'Hy vọng thành công'


Các đồng minh của Đức ở Liên minh châu Âu, như Pháp, xem Đức như một trụ cột của sự ổn định trong khối EU và hy vọng bà Merkel sẽ thành công.


Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận vào ngày Chủ Nhật 07/01/2018, một trong ba cử tri nghĩ rằng cuộc đàm phán hôm Chủ Nhật sẽ thất bại, mặc dù 54% nói một "liên minh lớn" giữa các đảng chính trị lớn được hồi sinh sẽ có tính chất tích cực với nước Đức.


Được biết, di trú, Châu Âu, thuế, và y tế - chăm sóc sức khỏe, có thể sẽ là các điểm bất đồng.


Trong đảng SPD, người ta lo ngại việc tái tham gia một liên minh lớn sẽ gây tổn hại cho đảng này hơn là nhận được thêm sự ủng hộ. Xếp hạng bình chọn của đảng này đang xuống thấp và một số nhà chỉ trích trung tả nói rằng đảng SPD đã từ bỏ những nguyên tắc cốt lõi để bám víu lấy quyền lực cùng với bà Merkel.


Ông Schulz nói hôm 07/01 rằng ông muốn đem lại cho nước Đức một chính sách 'cập nhật, hiện đại' về giáo dục, đầu tư nhà ở và cơ sở hạ tầng.


Về phần mình, Thủ tướng Merkel tập trung vào an ninh nội bộ và bên ngoài cũng như gắn kết xã hội. Bà nói rằng các cơ sở, nền tảng phải được đặt ra cho một sự thịnh vượng lâu năm, để người Đức có thể sống trong an toàn và dân chủ.


Tuy nhiên, bà Merkel đang đối mặt với áp lực từ phe bảo thủ, bên cho rằng bà đã từ bỏ các giá trị truyền thống và đẩy các cử tri về phía AfD, đảng cực hữu lần đầu tiên có đại diện trong nghị viện liên bang. - BBC

|

|


2.

Tổng thống Pháp Macron thăm Trung Quốc để thắt chặt quan hệ song phương


Ngày 07/01/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời Paris để đi thăm Trung Quốc trong 3 ngày nhằm xác lập quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình và kiến tạo một liên minh giữa Paris với Bắc Kinh trên các hồ sơ như môi trường, chống khủng bố, Bắc Triều Tiên hay Syria.


Đây sẽ là chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2017, củng cố thêm thế lực của ông Tập Cận Bình. Còn đối với tổng thống Pháp, đây là chuyến công du đầu tiên của ông ở châu Á. Tháp tùng ông Macron trong chuyến viếng thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 08/01 sẽ có phu nhân tổng thống Pháp Brigitte và hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp.


Theo hãng tin AFP, tổng thống Macron được dân Trung Quốc biết đến nhiều qua chuyện tình của ông với bà Brigitte Macron. Sự chênh lệch gần 25 tuổi giữa hai người gây ấn tượng rất mạnh tại một quốc gia mà đàn ông thường lấy vợ trẻ hơn rất nhiều.


Một trong những hồ sơ sẽ được đề cập đến trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp sẽ là chống biến đổi khí hậu. Là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào các năng lượng sạch, Trung Quốc nay đóng một vai trò trọng yếu kể từ khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu. Paris muốn cùng với Bắc Kinh thúc đẩy thế giới trên hồ sơ này. Tổng thống Macron cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, hồ sơ mà Pháp có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.


Về kinh tế, ông Macron muốn cân bằng lại quan hệ thương mại Pháp - Trung vì mức thâm thủng mậu dịch lớn nhất của Pháp chính là với Trung Quốc, khoảng 30 tỷ euro. Nhưng vấn đề nhạy cảm nhất chính là việc Liên Hiệp Châu Âu nay muốn gia tăng kiểm soát các dự án đầu tư chiến lược của các tập đoàn không thuộc châu Âu, mà chủ yếu là của Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh muốn tổng thống Macron nêu rõ lập trường của châu Âu về dự án các Con đường Tơ lụa mới, tức là các dự án cơ sở hạ tầng đại quy mô giữa Trung Quốc với châu Âu.


Về mặt chiến lược, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng có được sự yểm trợ của Trung Quốc cho lực lượng quân sự của nhóm G5 (gồm 5 nước châu Phi Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad) chống khủng bố ở khu vực Sahel. - RFI

|

|


3.

Ứng viên 92 tuổi chạy đua làm thủ tướng Malaysia


Liên minh đối lập của Malaysia hôm 7/1 đã đề cử cựu quan chức cao tuổi Mahathir Mohamad làm ứng viên thủ tướng cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.


Theo Reuters, quyết định đó được đưa ra dù ông Mahathir nay đã 92 tuổi và từng lãnh đạo đất nước trong hai thập kỷ.


Hãng tin này nhận định rằng với việc thủ lĩnh đối lập được ưa thích nhất nước này, ông Anwar Ibrahim đang trong tù, ông Mahathir được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với thủ tướng Najib Razak.


Dù đang vấp phải vụ bê bối về tham nhũng, một cuộc thăm dò độc lập cho thấy rằng phe đối lập sẽ khó mà đánh bại được ông Najib do phe này đang có chia rẽ cũng như sự thay đổi không có lợi về bầu cử.


Ông Mahathir và cựu thù Anwar từng chung tay nhằm lật đổ ông Najib. Tổng thư ký Saifuddin Abdullah nói tại hội nghị của liên minh rằng một chiến thắng có thể mở đường cho ông Anwar trở lại làm thủ tướng.


Vợ ông Anwar, bà Wan Azizah Wan Ismail, sẽ là ứng viên phó thủ tướng.


Theo Reuters, trong 22 năm nắm quyền, ông Mahathir không dung thứ người bất đồng thúc đẩy các giá trị tự do, và nếu ông đắc cử, ông có thể trở thành lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới. - VOA

|

|


4.

Campuchia đánh dấu 39 năm ngày Khmer Đỏ sụp đổ


Hàng nghìn người Campuchia từng sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ hôm 7/1 đã đánh dấu ngày sụp đổ của chế độ từng giết hại gần hai triệu người này.


Theo Reuters, khoảng 40 nghìn người đã tham dự một sự kiện ở thủ đô Phnom Penh, được tổ chức bởi đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen, người hãng tin này nói là do Việt Nam “dựng lên” sau khi xâm chiếm Campuchia ngày 7/1/1979.


Ông Hun Sen phát biểu tại buổi lễ: “Chiến thắng ngày 7/1 cứu mạng những người sống sót khỏi các vụ thảm sát và khôi phục quyền mà người dân Campuchia bị mất dưới thời kỳ nắm quyền của Pol Pot”.


Tuy nhiên, theo Reuters, ngày này vẫn gây tranh cãi ở Campuchia. Trong khi đảng của ông Hun Sen ăn mừng, nhiều người khác lại cho đó là sự khởi đầu của 10 năm chiếm đóng của nước láng giềng Việt Nam.


Cựu thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy viết trên trang Facebook rằng sự trỗi dậy và sụp đổ của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là do Việt Nam gây ra nhằm “chia rẽ và làm suy yếu” Campuchia để duy trì nó dưới sự kiểm soát của Việt Nam.


Trong khi đó, Hoa Kỳ nói rằng ngày đó đánh dấu hành trình của Campuchia hướng về một tương lai tươi sáng hơn.


Lễ kỷ niệm diễn ra đúng thời gian chính phủ của ông Hun Sen mạnh tay đàn áp phe đối lập trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Bảy tới. - VOA

|

|


5.

Tàu Iran và Trung Quốc đâm nhau, 31 người mất tích


Một tàu chở dầu của Iran bốc cháy dữ dội ở Biển Hoa Đông hôm 7/1 sau khi đâm một tàu Trung Quốc làm 32 thuyền viên mất tích.


Theo Reuters, công tác cứu hộ tàu bị cản trở vì thời tiết xấu và lửa bùng lên dữ dội.


Tàu Sanchi đụng CF Crystal cách bờ biển Thượng Hải khoảng 160 hải lý tối 6/1, theo Bộ Giao thông Trung Quốc.


Bộ này cho hay đã triển khai 4 tàu cứu hộ và 3 tàu dọn dầu loang tới hiện trường lúc 9 giờ sáng 7/1.

Hàn Quốc cũng đưa một tàu và một trực thăng tới giúp công tác cứu hộ.


Tàu chở dầu đăng ký tại Panama đang trong hành trình từ Iran tới Hàn Quốc, chở 136 nghìn tấn dầu thô trị giá khoảng 60 triệu đôla.


Theo Reuters, trừ hai công dân Bangladesh, 32 thuyền viên trên tàu Sanchi là người Iran.


Trong khi đó, tất cả 21 thuyền viên là công dân Trung Quốc trên CF Crystal đã được giải cứu và con tàu không bị hư hại nặng.


Đây là vụ tai nạn hàng hải lớn đầu tiên liên quan tới một tàu chở dầu Iran kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran đầu năm 2016. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Vấp cơn thịnh nộ, cựu trợ lý ngợi ca con trai ông Trump - - - Mỹ: Tổng thống Donald Trump tự nhận là "thiên tài"


Cựu chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Bannon, hôm 7/1 tìm cách rút lại các bình luận trong một cuốn sách gây tranh cãi khiến Nhà Trắng bất bình.


Trong cuốn “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (tạm dịch: Lửa và cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump) của phóng viên Michael Wolff, ông Bannan, người bị cho nghỉ việc hồi tháng Tám năm ngoái, được trích dẫn nói rằng một cuộc gặp hồi tháng Sáu năm 2016 với một nhóm người Nga với sự tham dự của con trai tổng thống Mỹ, Donald Trump Jr., và các quan chức hàng đầu của chiến dịch tranh cử “không yêu nước” và “phản quốc”.


Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông Bannon “mất trí”, đồng thời Nhà Trắng gợi ý rằng trang tin theo xu hướng cánh hữu Breitbart News nên cho ông này nghỉ làm vị trí chủ tịch điều hành.


Reuters dẫn lời tuyên bố của ông Bannon nói: “Donald Trump Jr. không những yêu nước mà còn là một người tốt. Ông ấy đã không ngừng ủng hộ cha mình cũng như nghị trình giúp xoay chuyển đất nước chúng ta”.


Ông nói thêm rằng các bình luận của mình nhắm vào ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, chứ không nhằm vào con trai đương kim tổng thống Mỹ.



Cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump nói tiếp: “Tôi lấy làm tiếc vì việc trì hoãn hồi đáp trước các tin tức thiếu chính xác về Don Jr. đã hướng sự chú ý khỏi các thành tựu lịch sử của tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên”. - VOA


***

Sức khỏe tinh thần của tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại trở thành chủ đề bàn luận sau khi cuốn sách Fire and Fury (Lửa và Cuồng nộ) được phát hành. Ngay sáng 06/01/2017, tổng thống Mỹ cũng tham gia vào cuộc tranh luận này với loạt tin nhắn trên Twitter, tự đánh giá mình là « thiên tài », để đáp trả những người nghi ngờ về thể trạng tinh thần của ông.


Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :

« Trên Twitter, tổng thống Mỹ viết : "Là doanh nhân rất hiệu quả, tôi trở thành một ngôi sao truyền hình và sau đó là tổng thống Hoa Kỳ, được bầu ngay lần đầu tiên tranh cử. Tôi nghĩ là người ta có thể đánh giá tôi không chỉ là một người thông minh, mà là một thiên tài. Một thiên tài rất ổn định !"



Với dòng tweet này, ông Donald Trump khẳng định thái độ tự kiêu quá đáng và càng làm tăng thêm nghi ngại của những người vẫn đặt câu hỏi về sự cân bằng tâm thần của tổng thống Mỹ. Nhất là trên Twitter, ông Trump lại nhắc đến những nghi ngờ tương tự đối với Ronald Reagan trong giai đoạn ông này làm tổng thống. Nhưng có điều là Ronald Reagan đúng là bị mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Tranh luận về tình trạng tinh thần của tổng thống Mỹ được khơi lại sau khi cuốn sách Fire and Fury (Lửa và Cuồng nộ) được phát hành. Tác phẩm miêu tả một người đàn ông có thái độ thất thường, luôn tự cho mình trung tâm, nhìn đâu cũng thấy âm mưu và không có tinh thần đồng cảm.

Những lo ngại về tình trạng cân bằng tâm lý của tổng thống là điểm chung của một số chuyên gia trong ngành : Mùa Thu 2017, 27 nhà tâm lý học cùng ký tên vào một tác phẩm về trạng thái tinh thần của tổng thống, bị đánh giá là nguy hiểm cho đất nước. Và vào đầu tháng 12/2017, nhà xuất bản cuốn sách này đã được khoảng 12 nghị sĩ, trong đó có một nghị sĩ Cộng Hòa, mời đến trình bày về bản chẩn đoán đó, nhưng cần phải nói rõ là chẩn đoán được thực hiện mà không gặp trực tiếp người bệnh.

Vào tuần tới, ông Donald Trump sẽ phải qua kỳ kiểm tra sức khỏe đầu tiên với tư cách tổng thống… và kỳ kiểm tra như vậy thường không bao gồm xét nghiệm tâm thần”. - RFI

|

|


7.

Nút bấm hạt nhân Mỹ ‘cảnh tỉnh’ lãnh tụ Bắc Hàn


Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 7/1 nói rằng tuyên bố của ông Trump về việc có nút bấm hạt nhân to hơn của lãnh tụ Bắc Hàn đã “cảnh tỉnh” ông Kim.


Sau khi ông Kim tuyên bố rằng ông có nút bấm hạt nhân ngay tại bàn làm việc và sẵn sàng sử dụng nếu Bắc Hàn bị đe dọa, ông Trump tuần trước viết trên Twitter rằng nút bấm của Mỹ mà ông có to và mạnh hơn.


Bình luận của ông Trump đã bị nhiều người, trong đó có cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden chỉ trích, cho rằng nó khiến cho các đồng minh mất lòng tin vào Hoa Kỳ.


Theo Reuters, khi được hỏi trong chương trình “This Week” của kênh truyền hình ABC, liệu đoạn tweet đó có phải là việc làm hay, bà Haley nói: “Tôi nghĩ rằng ông Trump luôn cảnh tỉnh ông Kim”.


Bà nói thêm: “Điều rất quan trọng là chúng tôi không bao giờ để cho ông ta quá ngạo mạn và không nhận ra thực tế về những điều sẽ xảy ra nếu ông ta khai mào chiến tranh hạt nhân”.


Nữ đại sứ này nói rằng Bắc Hàn nên hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ không giảm áp lực đối với ông Kim.


“Chúng tôi sẽ không để cho họ làm quá thực tế rằng họ có sẵn nút bấm và có thể hủy hoại Hoa Kỳ”, bà Haley nói.


“Chúng tôi muốn luôn luôn nhắc nhở họ rằng chúng tôi cũng có thể hủy hoại họ, nên hãy thận trọng trong lời ăn tiếng nói và hành động”. - VOA

|

|


8.

Máy bay Mỹ chuyển hướng vì một thanh niên Việt


Một chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ Chicago tới Hong Kong mới đây phải chuyển hướng bay tới Alaska, sau khi một người đàn ông gốc Việt bôi phân lên phòng vệ sinh của máy bay.



Reuters dẫn lời cảnh sát sân bay Anchorage cho biết đã nhận được thông báo về một hành khách bôi phân mình lên hai toilet trên máy bay.


Người thanh niên 22 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam nhưng có thẻ thường trú nhân tại Hoa Kỳ.


Anh ta đã được giải khỏi máy bay trong khi tay đeo còng số tám hôm 4/1 đồng thời phải gặp giới hữu trách tại sân bay ở Alaska.


Sau khi trả lời các câu hỏi thẩm vấn qua người phiên dịch, người thanh niên này đã được đưa tới một bệnh viện ở Anchorage để được thẩm định về sức khỏe tâm thần.


Reuters dẫn lời chính quyền cho hay rằng người đàn ông không gây ra bất kỳ đe dọa nào và không gây rối với phi hành đoàn.


Tin cho hay, người đàn ông Việt chưa phải đối mặt với cáo trạng nào.


Hãng United Airlines cho biết có 245 hành khách trên chuyến bay phải đổi hướng và nói thêm rằng hãng này đã cung cấp chỗ ở tạm cho họ. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


9.

Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ra tòa sáng 8 Tháng Giêng


Sáng 8 Tháng Giêng, giờ Việt Nam, phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh diễn ra ở Tòa án thành phố Hà Nội.


Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, cựu bí thư thành ủy Sài Gòn, cựu bộ trưởng Giao thông vận tải. Theo cáo trạng, ông Thăng bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và có thể đối diện mức án đến 20 năm tù giam.


Tội của ông Thăng thấy liệt kê trên báo chí nhà nước qua các thời kỳ khá dài và “đa dạng”. Tuy nhiên, chỉ thấy hai điểm mấu chốt trong cáo trạng kể tội ông đã đưa ra các quyết định trái luật, trái lệnh dẫn đến “mất trắng” 800 tỉ đồng của PVN khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương. Đồng thời, làm thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng tại dự án nhiệt điện Thái Bình II (PVC công ty con của PVN làm chủ đầu tư).


Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu quốc hội, trước đó từng ngồi ở nhiều ghế của Bộ Công Thương, bị truy tố cả hai tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” khi ông còn cầm đầu Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC.


Ông Đinh La Thăng đối diện với bản án từ 10 năm đến 20 năm tù trong khi ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình.


Trước ngày phiên tòa khai mạc, mẹ ruột ông Trịnh Xuân Thanh đến nộp 2 tỷ đồng (gần $88,000) tại Cục Thi Hành Án Dân Sự thành phố Hà Nội nhằm “khắc phục hậu quả,” theo báo Tiền Phong.


Tờ báo cho biết thêm: “Ngày 4 Tháng Giêng, mẹ ông Thanh vào trại tạm giam thăm ông Thanh, tại đây ông Thanh nói với mẹ mình là với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp ở cương vị chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) lúc đó, ông Thanh đã đồng ý và đề nghị gia đình tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC.”


‘Khắc phục hậu quả,” thực chất là trả lại tiền mà Trịnh Xuân Thanh đã tham ô trước đó, vốn nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền 2 tỷ đồng.


Theo truyền thông Việt Nam, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 21 Tháng Giêng 2018 và ‘Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa phiên tòa.’


Ngoài hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, còn có 20 bị cáo khác hầu tòa, trong đó đa số là các cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

‘Tòa còn triệu tập 7 người có quyền và nghĩa vụ liên quan (là những người nộp tiền khắc phục hậu quả cho các bị cáo) và 31 người làm chứng.’


Một trong các luật sư tham gia biện hộ cho ông Thăng trong phiên xử là Luật Sư Phan Trung Hoài, người đang giữ chức phó chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Tuy vậy, ông Hoài khiến công luận hoang mang khi ông cũng đồng thời nhận bào chữa cho ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Xây Dựng-VNCB, tổng giám đốc Tập Đoàn Thiên Thanh) trong phiên tòa xử ‘đại án VNCB giai đoạn hai’ diễn ra cùng ngày tại Sài Gòn.


Báo điện tử VietnamNet cho hay: “Trao đổi nhanh qua điện thoại khi đang làm việc với ông Đinh La Thăng trong trại giam, Luật Sư Hoài khẳng định, ông vẫn tham gia bào chữa song song cho cả hai bị cáo ở hai vụ án khác nhau, dù khoảng cách tới gần 2,000 km.” Tờ báo còn dẫn lời ông Hoài: “Tôi vẫn tham gia bào chữa song song, điều này không ảnh hưởng gì cả.”


Hồi trung tuần Tháng Mười Hai năm 2017, ông Hoài được các báo Việt Nam dẫn lời “kiến nghị nhập hai vụ án của ông Đinh La Thăng làm một” và rằng việc ông Thăng bị điều tra cùng hành vi cố ý làm trái khi đang là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVN nhưng lại tách thành hai vụ án “là gây bất lợi cho ông Thăng.” Tuy vậy, kiến nghị của ông Hoài không được đáp ứng.

Báo Đất Việt hôm 7 Tháng Một trích lời Luật Sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong các luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng nói “khó khăn lớn nhất trong vụ án này đó là các luật sư phải tập trung nghiên cứu lượng tài liệu quá nhiều trong một khoảng thời gian quá ngắn” và rằng “không có vấn đề gì phải lo ngại về tư tưởng, thái độ, phong cách cũng như sức khỏe của ông Thăng.”


Báo này cũng cho biết: “Với khối lượng hồ sơ lên tới 10,000 bút lục, thời gian đưa vụ án ra xét xử lại ngắn nên Hội Đồng Xét Xử, chủ yếu là hai thẩm phán phải tập trung cao độ nghiên cứu hồ sơ để có thể điều hành phiên tòa một cách tốt nhất, xét xử vụ án khách quan, toàn diện và công tâm nhất để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.”


Hồi tháng trước, khi tin Luật Sư Phan Trung Hoài được cấp phép bào chữa cho ông Thăng, nhà báo tự do Nguyễn An Dân, tức facebooker Minh Hữu Quang viết trên trang cá nhân: “Tin về việc luật sư lão làng kinh nghiệm (không chỉ về luật mà còn về chính trị) Phan Trung Hoài đã vào cuộc sớm và được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng có lẽ là một tín hiệu tốt cho ông Thăng. Lại nhớ một quan chức khác ở tầm tương đương năm xưa là thứ trưởng thường trực Bộ Công An Bùi Quốc Huy cũng chỉ nhận án 5 năm tù giam trong đại án Năm Cam, sau đó ở hơn 2 năm thì mãn tù. Tội của ông Huy khi đó là “tội tranh giành ghế bộ trưởng”.


Cho luật sư tham gia ngay từ khi bị bắt có lẽ là một thông điệp. Chứ án kiểu ông Thăng thì tôi cho là có hay không có luật sư thì cũng không khác biệt nhiều lắm.” - nguoiviet

|

|


10.

Không phải chính phủ, mà đảng ‘ôm’ Petro Vietnam!


Chiến dịch “thay máu PVN” ngày càng lộ liễu, lạnh lùng và rút ngắn thời gian – chỉ chín tháng sau “bản thông điệp 800 tỷ đồng.”


“Kiêm”



Tháng Ba, 2017, việc Hội Đồng Xét Xử tạm ngưng xử vụ “Hà Văn Thắm và đồng bọn” để trả hồ sơ và yêu cầu điều tra làm rõ hơn một số vụ việc, trong đó có số tiền 800 tỷ đồng bị biến mất mà trước đó Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đã góp vào ngân hàng Đại Dương, đã phát tín hiệu chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không hề muốn “khoanh” vụ án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này như một số đồn đoán trước. Mà còn “phát triển” đến PVN – mảnh đất từ đó đi lên của ông Đinh La Thăng…


Đến Tháng Mười Hai, 2017, PVN cũ, nay là Petro Vietnam, sở hữu khối tài sản lên đến hơn $7 tỷ và là một trong những huyết mạch của hệ thống tài chính và ngân sách của chế độ một đảng ở Việt Nam, đã có chủ tịch Hội Đồng Thành Viên mới: ông Trần Sỹ Thanh, ủy viên Trung Ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh Ủy Lạng Sơn – nhân vật được cho là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng – cựu chủ tịch Quốc Hội.


Nhưng ấn tượng nổi bật hơn cả là vào ngày 22 Tháng Mười Hai, 2017, Bộ Chính Trị đảng CSVN đã ra quyết định phân công ông Trần Sỹ Thanh giữ chức phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương kiêm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam.


Một lần nữa, phía đảng tung ra thủ pháp “kiêm.” “Kiêm” và kèm theo “luân chuyển cán bộ lãnh đạo” cùng đặc quyền điều động cán bộ của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư luôn là một biện pháp đắc dụng để các quan chức “không hợp lòng đảng” chẳng còn kêu ca được gì.


Từ năm 2015 trở về trước, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam luôn là đặc quyền bố trí của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau khi “Dũng nghỉ,” Đinh La Thăng – cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam – đã bị Tổng Bí Thư Trọng chỉ đạo Bộ Công An khởi tố và tống giam vào ngày 8 Tháng Mười Hài, 2017.


Giờ đây đã quá rõ là trong con mắt của đảng, nếu vụ Hà Văn Thắm – ngân hàng Đại Dương được xem là “đại án” thì có lẽ vụ PVN khi lôi ra tòa sẽ trở thành “đại đại án.”


Bây giờ không phải chính phủ, mà đảng mới là tổ chức lãnh trách nhiệm “ôm” hũ mật PVN, cùng lúc thực hiện rốt ráo động tác “nhất thể hóa.”


Bản nhạc “nhất thể hóa” đã có khúc dạo đầu từ trước đại hội 12.


“Nhất thể hóa”


Nửa năm sau đại hội 12, bên đảng bắt đầu phát ra dấu hiệu cùng hành động “tập quyền.” Vào Tháng Bảy, 2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người đã trở thành bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, được Bộ Chính Trị điều động kiêm chức vụ phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là “người của đảng.”


Sang Tháng Tám, 2016, ông Cao Đức Phát, người vừa thôi chức bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nhưng vẫn được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12, được bổ nhiệm là phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương.


Tháng Chín, 2017, đích thân Tổng Bí Thư Trọng “tự tham gia” vào Đảng Ủy Công An Trung Ương mà khiến có dư luận cho rằng ông Trọng “thống lĩnh các lực lượng vũ trang,” sau khi đã chắc chắn vị trí bí thư Quân Ủy Trung Ương.


Mô hình “nhất thể hóa” rõ là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là có cơ sở. Người ta đang và sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì “khó khăn ngân sách” mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền.”


Tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017, “Nhất thể hóa bộ máy và chức danh giữa đảng và nhà nước” – một chủ trương của đảng cầm quyền bắt đầu được thi hành – ngày càng trở thành thời cơ bất ngờ sáng rỡ dành cho những quan chức nào đó, nhưng cũng biến thành nỗi nguy hiểm “kề dao vào cổ” đối với nhiều quan chức khác, nhất là số đầu tỉnh thành.


Tương lai “nhất thể hóa” theo cách “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân” – một dạng “chính ủy chuyên quyền 3 thành 1” – hầu như chắc chắn sẽ được “đánh lên” trong năm 2018 , tức từ cấp xã, huyện lên thẳng cấp tỉnh thành.


Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức “nhị quyền phân lập” – tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì khi thực hiện cơ chế “3 thành 1,” các “chính ủy” sẽ “quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế-xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện “chính ủy” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia…


Một trong những thủ pháp để tiến hành có hiệu quả và nhanh chóng mô hình “nhất thể hóa” của Tổng Bí Thư Trọng là cơ chế “kiêm.”


Sau Hội Nghị Trung Ương 6, đã có những từ ngữ ẩn dụ được tung ra về những khái niệm rất chung chung như hợp nhất “tổ chức,” nội vụ,” “thanh tra,” “kiểm tra” mà không nêu rõ có phải là hợp nhất giữa Ban Tổ Chức Trung Ương bên đảng với Bộ Nội Vụ bên chính phủ hay không; tương tự với Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng với Thanh Tra Chính Phủ…


Nhưng với hành động “chủ trì” phiên họp chính phủ cũng vào Tháng Mười Hai, 2017, của Tổng Bí Thư Trọng, cơ chế hợp nhất trên dường như đang được khởi động.


Vì sao đảng “ôm” PVN?


Ngay trước mắt, chính phủ có vẻ đã mất quyền kiểm soát truyền thống đối với tập đoàn PVN.


Bàn cờ nhân sự và “cơ cấu thị phần” của PVN đang và sẽ được “tái cấu trúc.” Đang và sẽ xuất hiện những gương mặt mới cùng “tư duy” mới, đại diện cho những nhóm quyền lực và lợi ích mới theo đúng triết lý những kẻ nào không còn phù hợp với trào lưu lịch sử thì đương nhiên sẽ bị lịch sử đào thải.


Dù chỉ là một trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp nhà nước, nhưng PVN lại là tập đoàn nhà nước thuộc loại sung túc nhất Việt Nam. Chỉ riêng tài sản lưu động của tập đoàn này đã lên đến 166,000 tỷ đồng (trên $7 tỷ) tiền mặt gửi ngân hàng để lấy lãi – theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN.


Huyết mạch tài chính quốc gia này giờ được chuyển sang tay đảng, thông qua phó trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương kiêm chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Petro Vietnam Trần Sỹ Thanh. Từ nay trở đi, những báo cáo từ nhỏ đến lớn của PVN sẽ đồng thời gửi cho cả chính phủ và Ban Bí Thư. Để nếu có một vấn đề quan trọng nào đó của PVN thì tập đoàn này sẽ nghiễm nhiên được trình bày trước cả… Bộ Chính Trị.


Nhưng quan yếu và thiết thực hơn cả là từ nay trở đi, Tổng Bí Thư Trọng sẽ nắm được một khối tài sản chiếm ít nhất 7% GDP và cống hiến ít nhất 8% cho phần thu ngân sách nhà nước, để ông Trọng và các cơ quan đảng trung ương – thường tiêu xài đến 2,000 tỷ đồng mỗi năm – khỏi quá phụ thuộc vào quyền hành phân bổ ngân sách của phía chính phủ cho khối đảng mà do đó có thể tránh được những rắc rối hoặc áp lực về chính trị, trong một chính giới chẳng ai trung thành với ai và tương lai chẳng biết thế nào mà lần. (Phạm Chí Dũng) - nguoiviet


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment